– Ch’oopkintikeen k’in ox utak!
Đó là tôi. Tôi đã gào lên câu đó. LÀM ĐƯỢC RỒI! tôi reo lên trong bụng, TA ĐÃ ĐẨY LÙI ĐƯỢC CHACAL! JED MUÔN NĂM!!
Yên ắng. Tiếng một con chim giẻ cùi xanh kêu lách chách đâu đó.
Tốt rồi. Phun nốt đoạn còn lại đi. Động từ có khác nhau đấy. Nhớ nhấn mạnh vào phụ âm. Ch’opchin, chứ không phải ch’oopkin. Nhớ thay vào cái tên mà họ tự đặt cho mình: ajche’ej winik – những Người Cười. Hít một hơi nào. Bắt đầu.
– Ch’oopkintikeen k’in ox utak!, – tôi cất tiếng, cố sao cho thật to mà không bị the thé:
“Ta là người che khuất
Mặt trời thứ ba
Để k’atun mười bốn,
Gió 12, Cóc 1.
Nữ thần phun lửa Bắc
Sẽ reo rắc ung nhọt
Tưới đẫm sự đen tối
Lên núi cao, thung sâu,
Và chỉ mình ta biết
Chỉ lối cho các ngươi,
Những Người Cười phải…
WA’TAL WA’TAL WA’TAL WA’TAL WA’TAL WA’TAL!!! IM ĐI IM ĐI IM ĐI!!! Chacal gầm rít lên với tôi. Thế là họng tôi tắc lại trong khi chỉ còn có sáu mươi mốt chữ nữa là hết. Cố lên. Đồ giời đánh. Đọc nốt đi. Qua bóng tối, qua…
Không được. Mẹ kiếp. Tôi cứ há miệng ra sủa không thành tiếng, hệt như conchó bị bắn vào phổi. Một cảm giác, một cảm giác đáng sợ, giống như sự hổ thẹn, nhưng cắn rứt hơn, cứ trào lên trong người tôi như một cơn trào a-xít. Nó tràn vào óc tôi với một từ duy nhất:
AJSAT!
Giống như mọi từ cửa miệng thông dụng khác, hơi khó giải thích nó có nghĩa gì. Nhưng nó rất gần với một từ trong tiếng Anh, nhất là khi anh tưởng tượng dùng nó trong hoàn cảnh của một trận bóng căng thẳng:
ĐỒ THUA CUỘC
Mày khiến tao THUA CUỘC, Mày khiến tao THUA CUỘC, THUA CUỘC, THUA CUỘC, TAO THUA CUỘC CHỈ VÌ MÀY, ĐỒ THUA CUỘC, THUUAAA CUUUÔỘC…
Chíngate (mẹ mày – tiếng Tây Ban Nha), – tôi chửi lại, – mẹ mày. Tôi cố lùi khỏi mép cầu thang nhưng người tôi lại kẹt cứng lại. Đám đông dân chúng dưới kia đang đồng loạt thở gấp gáp. Họ đang nghĩ gì? Hình như chúng tôi đã nghiêng người ra đằng trước, nhưng chưa rơi. Đám đông chết lặng quay cuồng trước mắt chúng tôi, những bậc cầu thang như lưỡi dao phay lao về phía tôi, và thời gian thực sự ngừng trôi khi tôi trân trân nhìn xuống những cái răng bằng đá của cầu thang thứ ba, cái cầu thang sẽ bổ vào mặt tôi trong chốc lát nữa.
Toi rồi, – tôi tự nhủ. Đây sẽ là những thứ cuối cùng tôi được trông thấy, và nó sẽ in hằn vào những gì còn lại trong não tôi. Sắp ngỏm từ từ rồi. Na’ na! Mẹ ơi! Xin đừng. Có điều gì đó khác thường đang diễn ra trong tầm mắt tôi. Một quả bóng tết bằng liễu gai bay vèo qua phía bên tay trái và nảy xuống các bậc thang. Đến cú nảy thứ tư, nó vỡ tan ra và phóng ra những mảnh gì đó màu xanh lá cây và đỏ tươi óng ánh. Lông chim à? Không, lông chim không thể văng mạnh thế được. Một trong số đó lao về phía tôi. Chim ruồi. Lạ thật.
Không, đó không phải ảo giác của tôi. Chúng tôi không hề rơi. Chúng tôi đang treo lơ lửng, hay chính xác hơn, ai đó đang túm lấy chúng tôi từ phía sau. Hừm. Một cái bình gốm chưa nung khổng lồ – chí ít cũng phải bằng cái bình đựng dầu ôliu to bằng người thật đặt trong cung điện Knossos ở Hy Lạp thời xưa – lượn vòng qua đầu chúng tôi, từ từ đáp xuống bậc thang thứ bảy và vỡ vụn thành từng mảnh nhỏ li ti màu vàng đen. Đám mảnh vụn ấy tản ra quanh chúng tôi. Những con ong. Vô số thứ khác rơi xuống quanh chúng tôi, những bông cúc vạn thọ, hoa phong lan, những mảy ngọc bích, những vụn bánh ngô khô trắng rắc kín các bậc thang. Chúng tôi đã rút vào bên trong, hay đúng hơn, đã được kéo vào bên trong, lưng quay về phía mặt trời, mặt hướng vào cánh cửa ra vào của căn điện, đối diện với một cái miệng cá mút đá đen ngòm trên khuôn mặt vẽ hình nửa mèo nửa cóc đội một vòng vương miện kết bằng hoa lá.
Đừng để tôi ngã ngửa ra sau nhé, như thế thì mất mặt lắm. Đó là ý nghĩ của tôi à? Hay của Chacal?
Tôi cũng nhận ra mình không thở nữa.
Ta chết rồi. Tan xác rồi.
Hừ, đó là Chacal.
Này, xin lỗi đã phá hỏng…
Ặc. Đừng nín thở, xin cậu đấy, đừng làm chúng ta chết ngạt, thở đi, thở đi. Cậu phải thở. Hít vào đi. Hít đi.
Ặc.
Những bàn tay lôi tôi sang phía bên kia căn phòng và một sinh vật to lớn lừng lững hiện lên trước cửa. Thoạt tiên, cái mà người ta gọi là sự liên tưởng hay tiền chuẩn đoán, hay gì đó trong nhận thức của tôi đã nhận diện đó là một con chim, nhưng không phải một con chim bình thường, mà là một conphororacoid – giống chim ăn thịt khát máu tám chân không biết bay từ thời cổ đại, với những cái vuốt dài chín inch và cái mào to bằng con lợn sữa có những đốm hình con mắt. Nhưng phần Chacal trong tôi -bây giờ nó đã là một phần trong tôi – biết đó là ai. Đó là một “ông lớn”, tức là một nhà quý tộc, trong trang phục đội đầu nhân dịp lễ hội. Mặc dù từ “trang phục đội đầu” không thể mô tả được chính xác thứ mà ông ta đang đội. Đó là một đống chắp vá to xù lên, một khối kiến trúc kết hợp giữa sinh học và cơ khí theo mô hình lập thể nhân tạo, lạ mắt hơn cả chính cái khái niệm ấy. Một trong mấy chùm lông vũ dài cắm trên chỏm quệt vào trán tôi và tôi nhận thấy nó được tết từ hàng trăm cọng lông vẹt đỏ cắm vào một thanh tre. Sinh vật đó chìa một cái móng ra và nâng cằm tôi lên. Dưới cái mỏ làm bằng giấy bồi khảm xương, tôi thấy dường như nó vừa nuốt ai đó vào sâu trong họng, có một cái đầu bé xíu bên trong, hói nhẵn như đầu một con rùa và nhăn nheo như một cây san hô sọ, đỏ lừ, săm soi tôi bằng cặp mắt vàng rực của loài kền kền. Tôi cảm thấy Chacal có quen người này, hơn thế, đối với anh ta, ông ta vừa thân thiết, vừa đáng kính, và tôi chợt nhận ra tôi biết ông ta là ai. Đó là bacab .(Bacab: một trong bốn tiểu vương hay ahau dưới quyền k’lom’te – chú thích của tác giả) đỏ, bacabcủa miền đông: Sọ Đá Quý 2
– Giết tôi đi, – Chacal nghĩ. – Hãy xá tội cho tôi. Tôi đã làm nhục chúng ta. Tôi đã làm nhục mình, giết tôi đi.
Xấu hổ cơ đây. Quỷ bắt nó đi. Nhưng tôi và Chacal đang chia sẻ cùng mọi cảm giác, hệt như một cặp sinh đôi dính liền chia sẻ dòng máu, và tôi cũng cùng anh ta vẫy vùng trong bể cát lún của sự hổ thẹn. Tôi có biết cảm giác này, nhưng không cảm thấy nữa từ… hừ, tôi cũng chẳng biết từ bao lâu rồi. Song tôi cho rằng ai cũng có thể gợi lại một chút cảm giác ấy khi nhớ về thời thơ ấu, ví như trong giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp của trận bóng đá tồi tệ ấy, những đứa trẻ khác xúm lại quanh anh và quất cho anh một trận bằng những mảnh vỏ cây huyết tùng đỏ, và chắc anh cũng nhớ lại được cảm giác khi tất cả mọi người cười vào mặt mình, khi anh ao ước một cách tuyệt vọng sao cho có thể chui lọt xuống đất, và anh càng ghét những kẻ trêu ghẹo mình bao nhiêu thì lại càng mong được chúng cho nhập hội bấy nhiêu… nhưng anh vẫn còn hy vọng tìm được một nơi ẩn trốn ở cuối sân bóng, còn Chacal thì không. Anh ta không thể chạy về nhà với cha mẹ, không thể trông chờ sự thông cảm của cô y tá trường, thậm chí không thể lớn lên để quên chuyện ấy đi, không gì cả. Chỉ có duy nhất một lối thoát cho anh ta và tôi đã đóng sầm nó lại. Tôi nhìn khắp một lượt cánh tay Sọ Đá Quý 2, từ những mảy ngọc bích trên cổ tay ông ta đến bắp tay để trần với những mảng bám cứng ngoằn ngoèo màu đất son, những chiếc vảy bám trên lần da chảy xệ và một túm lông duy nhất, đen sì mọc ra từ những cái vảy, hệt như một bông hoa xương rồng mọc trên cát sa mạc Mojave, ý tôi là… Oa. Chóng mặt quá. Chúng tôi đã thở được hơn một phút và tôi bắt đầu thấy mọi thứ xung quanh mờ ảo, xám xịt lại, như cái hồi còn nhỏ, tôi cắt vào tay và suýt mất hết máu. Một giọng nói như tiếng chim kền kền mà tôi đoán là của Sọ Đá Quý 2 xuyên qua những tiếng ong ong trong óc tôi, và tôi nghe được loáng thoáng từ luk’kintik, nghĩa là “ô nhục”. Trong ngữ điệu của giọng nói có điều gì đó nghe như… sự ân hận chăng? Hay bào chữa? Những ngón tay nóng hổi luồn vào miệng tôi, và mặc dù cơ thể đã mất cảm giác, tôi vẫn thấy như đang rơi vào một màn tối màu đỏ dịu. Tôi đang lăn xuống ư? Xin hãy để tôi rơi xuống, đừng giữ tôi lại, hãy để tôi lăn xuống, đó là điều tôi muốn.