Minh Cung Truyện

Chương 8 - Chương 5: Lạc Hoa Tịch Tịch Hoàng Hôn Vũ (Đã Sửa 25/7/2018)

trước
tiếp

MINH CUNG TRUYỆN – CHƯƠNG 5:

LẠC HOA TỊCH TỊCH HOÀNG HÔN VŨ

(Hoa rơi quạnh quẽ trong mưa chiều tà)

*Câu thơ đề trích bài “Xuân sầu” của Vi Trang.

———————-

Trương Trích Nguyệt nở nụ cười xinh đẹp, nói với Trích Hoa: “Phải đấy, hôm nay cô mẫu truyền muội tới để thăm tỷ tỷ.” Nói rồi, nàng còn quay sang phía Thái hậu, cười hỏi rất ôn nhu: “Cô mẫu, người nói xem, có phải không?”

Trong lòng Thái hậu có chút bực bội. Trương Trích Nguyệt ngoài mặt là hỏi nhưng kỳ thực đang chọc tức bà. Người thông minh như Trương Trích Nguyệt, chắc chắn phải đoán được ra bà gọi nàng tới đây có chuyện gì. Đã biết vậy mà còn cố ý nói với Trích Hoa như vậy để thoái thác việc đối thoại với bà. Tức giận, song Thái hậu vẫn tươi cươi cười, miệng nói rất ngọt: “Đúng đấy. Hoa Nhi muốn trò chuyện với cháu nên ai gia truyền cháu vào cung. Nhưng mà ai gia nghe Hoa Nhi nói, cháu kể chuyện rất thú vị nên cũng hiếu kỳ, muốn nói chuyện cùng cháu trước một lúc.”

Trích Nguyệt quả thực có ý thoái thác, muốn làm khó Thái hậu nhưng không ngờ Thái hậu có thể tự giải vây cho chính mình nhanh thế. Cuối cùng, nàng cũng chỉ thuận nước đẩy thuyền: “Vậy… cháu nói chuyện với cô mẫu trước, lát nữa sẽ nói chuyện với tỷ tỷ sau.”

Trương Trích Hoa định hỏi “bao giờ hai người sẽ nói chuyện xong?” thì Thái hậu đã đon đả cười với Trích Hoa, nói rất trôi chảy: “Ai gia thấy hình như cũng sắp tới giờ Mão hai khắc rồi, Hoa Nhi không đi hứng sương trên hoa mẫu đơn à?”

Trương Trích Hoa như chợt ngộ ra, vội nói: “À, Hoa Nhi nhất thời quên mất. Bây giờ cháu đi với Thường Thảo, khi về, cô mẫu nhớ cho cháu mượn Trích Nguyệt nhé.”

Nói rồi, Trích Hoa cùng cung nữ Thường Thảo ra ngoài. Thái hậu nhìn theo Trích Hoa, lắc đầu bất lực. Mười năm nay, bà mới chỉ dạy kiến thức về cầm kỳ thi họa, văn chương sử sách cho Trương Trích Hoa; chưa hề dạy Trích Hoa cách nhìn nhận mọi việc. Bây giờ nhìn lại, bà nhận ra, Trương Trích Hoa bà tốn công dạy dỗ ra cũng không thể sâu sắc bằng Trương Trích Nguyệt do Hà Yên Nhiên thân sinh.

Đợi Trích Hoa và Thường Thảo đi hẳn rồi, Thái hậu sai Thương Đài đóng cửa đại điện, cho tất cả cung nữ hầu hạ trong điện ra ngoài, không trừ Phương Hà. Rất nhanh, tẩm điện chỉ còn lại Thái hậu và Trương Trích Nguyệt.

Thái hậu không hề vòng vo, nói thẳng vào vấn đề chính: “Phụ thân đã nói với cháu chuyện nhà họ Thẩm chưa?”

Trương Trích Nguyệt chỉ khẽ “vâng” một tiếng nhẹ nhàng. Thái hậu cố gắng nhìn kỹ gương mặt, từng biểu hiện của nàng nhưng không thăm dò được gì từ gương mặt nàng. Gương mặt nàng luôn điềm tĩnh, có cả lãnh đạm, thản nhiên. Sống quá nửa đời người, trừ Thái hoàng Thái hậu quá cố ra, Thái hậu chưa từng gặp người nào như thế.

“Cháu có đồng ý sang đó không?” Lời nói của Thái hậu mập mờ, có ý thăm dò.

Trích Nguyệt vẫn rất ung dung, nói: “Không đồng ý thì cháu cũng chẳng còn cách nào. Bà mẫu lấy lý do vận mệnh của cháu và tỷ tỷ tương khắc, muốn cháu đi làm con nuôi để trừ bỏ điềm xấu, cháu kể cả không muốn cũng vẫn phải đi thôi.”

Thái hậu nhất thời sửng sốt. Không ngờ khi nói đến chuyện như vậy, Trích Nguyệt vẫn có thể ung dung, điềm nhiên như thể chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

Trích Nguyệt bạo gan nói tiếp: “Cô mẫu hỏi thế chẳng phải thừa sao? Đáng ra, cô mẫu phải hỏi cháu “Cháu có đồng ý sang Thẩm gia làm tai mắt giúp người không?””

Trương Thái hậu hơi bất ngờ. Chuyện này bà cứ ngỡ mình sắp xếp hoàn mỹ, ổn thỏa, đến phụ tử Thẩm Luyện, Thẩm Quang cũng không đoán nổi ý đồ của Thái hậu. Thế mà lý do này vẫn không đủ hoàn mỹ để giấu Trương Trích Nguyệt. Mấy lời Trích Nguyệt nói dù có bất kính, bà vẫn ngưỡng mộ tâm tư của nữ tử mười hai tuổi này.

“Trước đây ai gia nói có chuyện muốn cháu giúp, chính là chuyện này – làm tai mắt cho Trương gia.” Thái hậu nói rất thẳng.

Trương Trích Nguyệt cười thầm trong lòng. Quả nhiên, cái Thái hậu bảo “giúp” trước đây không hề đơn thuần. Trích Nguyệt cung kính đáp: “Nguyệt Nhi đồng ý giúp đỡ cô mẫu chuyện này. Còn có…” Giọng nàng hơi ngập ngừng: “Cháu cảm ơn cô mẫu đã tin tưởng cháu!”

Nàng cố gắng nhiều như thế, chẳng phải vì muốn cô mẫu nàng coi trọng, tin tưởng sao?

Thái hậu cười một tiếng rất dài đắc ý: “Trích Nguyệt ơi là Trích Nguyệt! Cô mẫu muốn tìm một người làm nội gián, hoàn toàn có thể tùy ý chọn một người. Thậm chí ai gia hoàn toàn có thể cử Thương Đài, đề bạt nàng ta làm con nuôi Thẩm Luyện mà.”

Thái hậu đắc ý nhìn nàng, cho rằng nàng sẽ xấu hổ và bẽ mặt trước lời bà nhưng Trích Nguyệt ngược lại rất tự tin, nói với Thái hậu: “Đương nhiên với mục đích gián điệp, dù cô mẫu chọn Nguyệt Nhi hay chọn Thương Đài đều như nhau hết cả. Nhưng ngoài mục đích này, cô mẫu còn có mục đích khác. Cô mẫu lo sợ vạn nhất một ngày Trương gia biến động thì vẫn còn một tia hy vọng để khôi phục Trương gia. Cô mẫu, Nguyệt Nhi ngu ngốc, không biết nói có đúng không? Hơn nữa, cô mẫu nỡ để Thương Đài – tâm phúc của mình đi sao? Mà nếu để Thương Đài đi, cô mẫu định lấy lý do gì để nói với phụ tử họ Thẩm?”

Thái hậu khẽ cong nửa môi lên. Bà không né tránh, không thăm dò thêm ở Trích Nguyệt nữa vì như thế đã để bà tin tưởng vào khả năng và sự nhạy bén của nàng rồi. Bà cười, nói với nàng: “Ai gia vẫn đánh giá thấp cháu rồi. Nếu cháu đã đoán ra được hết thảy, ai gia cũng không giấu. Ai gia muốn cháu tới Thẩm gia, không chỉ để làm nội gián mà còn để đề phòng Trương gia biến cố. Ban đầu, cô mẫu có ý đưa cháu vào cung tuyển tú vào mấy năm sau; nhưng từ nay, Hoàng đế ra luật tuyển tú, những tú nữ tham gia dự tuyển phải do Hoàng đế đích thân chọn mới được tham dự. Hoàng đế kiêng dè Trương gia chúng ta, đương nhiên không muốn chọn nữ tử Trương gia tham dự. Ngược lại, Hoàng đế đang nghiêng về Thẩm gia, cháu sang đó làm con nuôi, hoàn toàn có lợi cho gia tộc ta.”

Trương Trích Nguyệt hơi ngẩn người. Thái hậu nói như vậy, sau này rất có thể nàng phải vào cung, có phải không? Nhưng nàng cũng không nói với Thái hậu điều này, chỉ khẽ nói: “Vâng. Khi tới Thẩm gia, Nguyệt Nhi nhất định không phụ sự tín nhiệm của cô mẫu.”

Thái hậu nhìn đôi mắt xán lạn như sao, ấm áp tựa trăng của Trương Trích Nguyệt, thở dài một tiếng. Không hiểu sao, nghĩ tới chuyện này, lòng Thái hậu lại ăn năn. Nữ tử còn nhỏ như Trích Nguyệt, đáng lẽ nên sống một cuộc đời vô lo vô nghĩ, nhưng bà lại đẩy nàng lên đầu dao lưỡi sóng. Nhưng bà biết làm sao đây? Trương gia lâm nguy, việc đã thì cũng đã rồi, giờ chỉ cầu sự thông minh của chính Trích Nguyệt có thể cứu lấy bản thân nàng mà thôi.

“Lại đây với cô mẫu!” Thái hậu chỉ vào tấm nệm trải bên chiếc bàn nhỏ, chỗ mà ngày thường là Trích Hoa hay ngồi, ra hiệu cho nàng đến ngồi ở đó.

Trích Nguyệt dịu dàng bước tới cạnh Thái hậu, ngồi xuống nệm. Bàn gỗ nhỏ Thái hậu ngồi không phải làm từ những loại gỗ quý. Nó rất đỗi đơn giản, hoa văn cũng không cầu kỳ. Trên bàn cũng chỉ bày nghiên mực với vài cuốn sách, còn có một chiếc tráp bằng gỗ tử, gia công rất tinh xảo. Thái hậu thuận tay mở tráp gỗ. Tráp gỗ của Thái hậu rất sâu nhưng chỉ có một cây trâm ngọc. Chiếc trâm chế tác đặc biệt, được tạc từ ngọc bích nguyên khối. Đầu trâm là khối ngọc tạc thành hình bông hoa thược dược ba mươi sáu cánh; trên viền mỗi cánh lại khảm một đường bằng vàng sáng bong. Bên trong ba mươi sáu cánh lấp ló nhị hoa vàng vàng bằng hoàng ngọc, khắc một chữ “thê” nho nhỏ. Dưới cây trâm có mấy dải lưu tô dài ba, bốn tấc kết từ những hạt trân châu trắng muốt như những hạt sương long lanh nối tiếp nhau.

“Đây là cây trâm thược dược, được tạc từ loại ngọc bích quý nhất, là món đồ cực phẩm. Cây trâm này là Thái hoàng Thái hậu quá cố tặng cho ai gia khi ai gia bước chân vào Đông cung. Còn nhớ lúc đó, thân phận ai gia cũng không cao quý. Phụ thân của ai gia cũng chỉ là một tứ phẩm quan nhỏ bé.” Thái hậu nhỏ giọng kể.

Thời Tuyên Đức Hoàng đế, Hoàng hậu lúc đó là Thành Hiếu Chiêu Hoàng hậu Trương thị. Vì thế Trương thị sớm trở thành một gia tộc quyền quý. Nhưng gia tộc của Thái hậu chỉ là một nhánh nhỏ của thị tộc này, vì thế phụ thân người dù được làm quan tứ phẩm đương triều nhưng dòng họ cũng chưa phải là tôn quý. Những điều này, Trích Nguyệt đương nhiên đều đã được nghe thân mẫu nàng kể lại. Trích Nguyệt chỉ cúi đầu, nhỏ nhẹ nói với Thái hậu: “Đó đều là nhờ cô mẫu thông minh xuất chúng, lại tài giỏi mới có thể có Trương gia, có Nguyệt Nhi ngày hôm nay.”

Nghe mấy lời Trích Nguyệt lấy lòng, Thái hậu chỉ muốn cười, người nói với Trích Nguyệt: “Ai gia có thông minh xuất chúng nữa cũng chẳng thể qua được Thái hoàng Thái hậu. Thái hoàng Thái hậu cái gì cũng tinh thông, ai nấy trong thiên hạ đều ngợi ca người. Người giỏi văn chương, mười lăm năm về trước từng viết vở kịch Mãn Nguyệt nổi tiếng khắp kinh thành. Người còn giỏi bắn cung. Nữ tử khuê các chúng ta đều không thể bì được người về mảng này. Người giỏi ca vũ, vẽ tranh, năm đó trong đêm giao thừa, người từng vừa vẽ vừa múa Mai khai đào mãn ca. Người mới thực sự là tài năng xuất chúng.”

Và Thái hậu không thể phủ nhận được, Trích Nguyệt khiến người liên tưởng đến Thái hoàng Thái hậu. Còn nhớ lúc Trích Nguyệt đoán ra mục đích bà liên kết với Thẩm gia, trong lòng bà ngạc nhiên vô cùng. Xưa nay bà vẫn nghĩ mình suy tính hoàn mỹ thâm sâu nhưng vẫn không thể qua mắt được hai người. Đầu tiên là Thái hoàng Thái hậu, người thứ hai là Trích Nguyệt. Đến cha con lão hồ ly Thẩm Quang nghĩ vì xưa nay Thái hậu tín Phật, chuộng bói toán nên mới đưa cháu gái sang Thẩm gia, nhưng Trích Nguyệt lại nhìn thấu tâm tư của Thái hậu.

Trích Nguyệt không biết tại sao đột nhiên Thái hậu lại nói đến Thái hoàng Thái hậu quá cố với nàng. Ngày xưa, mỗi lần hoàng cung có đại yến, nàng đều được vào cung mỗi năm một lần. Năm ấy, nàng cũng may mắn được trông thấy Thái hoàng Thái hậu một lần. Phong thái đó, con người đó quả thực bất phàm. Nàng nghe cô mẫu khen Thái hoàng Thái hậu, cũng không mấy bất ngờ, chỉ là càng thêm ngưỡng mộ Thái hoàng Thái hậu. Trích Nguyệt đáp rất từ tốn: “Được trông thấy cây trâm của Thái hoàng Thái hậu, Nguyệt Nhi thật có diễm phúc.”

Hoa thược dược cũng chính là loài hoa nàng thích nhất, cho nên cũng thích cây trâm này. Nàng cảm thấy Thái hậu có ý ban cây trâm cho mình nhưng cũng không hề để lộ sự bất thường gì ra ngoài mặt, chỉ ngỏ lời ngưỡng mộ cây trâm quý.

Thái hậu lại nói: “Cây trâm này là Anh Tông Hoàng đế sai người thợ giỏi nhất trong thành Bắc Kinh làm tặng thê tử của mình là Tiền Hoàng hậu. Sau này, Tiền Hoàng hậu ban cây trâm quý này cho con dâu của người, chính là Thái hoàng Thái hậu của chúng ta. Có thể nói cây trâm này được truyền cho ba vị Hoàng hậu của đại Minh, cho nên có thể coi nó như một bảo vật trân quý. Dù nó chưa sánh được với Xích Huyết ngọc [1] và Như Ý trâm nhân gian luôn tìm kiếm nhưng trâm thược dược này cũng là một đồ vật hiếm có. Hôm nay ai gia tặng cây trâm này cho cháu.”

[1] Xích Huyết ngọc: viên ngọc có vằn đỏ như máu.

Dân gian đều biết đến truyền thuyết về hai bảo vật ngọc Xích Huyết và Như Ý trâm; Trích Nguyệt đương nhiên biết đây là hai bảo vật hiếm có. Nghe nói mọi người đều tìm kiếm hai bảo vật được lưu truyền này. Người phụ nữ giành được hai bảo vật này được cho là tôn quý nhất trong thiên hạ.

Thế nhưng nó chỉ nằm trong truyền thuyết, chưa biết có hay không có thật. Cây trâm thược dược này lại là cây trâm quý, được truyền cho ba đời Hoàng hậu, đương nhiên là vật có giá trị nhất trong thiên hạ hiện nay.

“Cây trâm được truyền cho ba vị Hoàng hậu của Đại Minh. Hôm nay, ai gia tặng cây trâm này cho cháu.” Ý tứ của Thái hậu rất rõ ràng. Người muốn Trích Nguyệt trở thành Hoàng hậu tiếp theo của Đại Minh.

Trích Nguyệt người run lên, vội vàng quỳ xuống: “Cô mẫu, Nguyệt Nhi chỉ là thứ nữ, thân phận thấp kém, không xứng với món đồ thế này. Bảo vật trân quý, chỉ hợp với người tôn quý như tỷ tỷ.”

Nàng không muốn vào cung, làm Hoàng hậu cũng không phải nguyện vọng của nàng.

Trước nay nàng là thứ nữ, không được ai để mắt tới. Mười năm nỗ lực nàng cũng chỉ mong được cô mẫu, phụ thân, ca ca, tỷ tỷ coi trọng nàng hơn một chút; vì thế nàng mới để lộ tài năng của mình. Nhưng lúc này, mọi chuyện đã đi vượt quá tầm kiểm soát của Trích Nguyệt.

Nàng biết rõ, thâm cung là nơi không có chân tình. Nàng không quên Ban Tiệp dư, không quên Hứa Hoàng hậu. Hai người bọn họ, một người là Hoàng hậu bị vu oan mà chết, một người là sủng phi, sau lại một mình một bóng trong thâm cung, chết trong u uất. Nàng dù thông minh, nhưng không thể phủ nhận bản thân mình cũng là một người kiêu ngạo, còn là một kẻ tham sống sợ chết. Chết, ai không sợ chứ? Cô độc, ai không sợ chứ?

Thái hậu thở dài rồi kể: “Thái hoàng Thái hậu từng kể cho ai gia nghe một câu chuyện thế này. Trước đây, Hiến Tông Hoàng đế từng hỏi Thái hoàng Thái hậu rằng “Nếu như được biết trước tương lai, nàng có chọn làm một nữ tử bình thường thay vì một Hoàng hậu cao quý không?” Thái hoàng Thái hậu đã trả lời: “Nhiều năm về trước, cũng có người hỏi thần thiếp câu này. Thần thiếp đã nói muốn làm một nữ tử bình thường. Hôm nay, thần thiếp dùng một đáp án khác để trả lời câu hỏi đó. Nếu Hoàng thượng là một nam tử bình thường, thần thiếp sẽ chọn làm một nữ tử bình thường. Còn nếu như người là thiên tử đại Minh, thần thiếp cũng không tiếc giá nào để sống trong thâm cung nguy hiểm, chỉ để ở bên người.””

Trích Nguyệt nghe mà hơi sửng sốt. Nàng không ngờ một Thái hoàng Thái hậu tài giỏi xuất chúng, được bao nhiêu người ngưỡng mộ lại là một nữ tử thâm tình đến thế. Có một số người, vì người mình thích có thể bất chấp tất cả. Nàng chẳng phải cũng thế sao? Người nàng thích là con trai của Vương gia [2], sau này chỉ cần nàng có lòng tìm kiếm, nhất định là tìm được người kia. Nhưng nếu nàng vào cung, thân là tần phi, nàng nhất định phải khóa mình trong cung vàng điện ngọc; dù là trong cùng một tòa thành trì cũng không có cơ hội gặp mặt hắn. Bởi thế, nàng có thể bất chấp lời cô mẫu để không phải vào cung.

[2] Vì lần gặp Chu Hậu Thông, Chu Hậu Thông kể cho Trương Trích Nguyệt nghe, mẫu phi hắn mất nên Trương Trích Nguyệt mới biết, mẫu thân của Chu Hậu Thông là vương phi. Khi đó đương nhiên có thể biết Chu Hậu Thông là con của vương gia trong triều.

Ngừng một lát, Thái hậu nói: “Điều mà ai gia ngưỡng mộ nhất ở Thái hoàng Thái hậu, chính là người không chỉ tài giỏi, mà còn có được trái tim của trượng phu. Bao nhiêu năm, ai gia đều lấy Thái hoàng Thái hậu làm tấm gương để học tập, vì thế mới có ai gia của ngày hôm nay.”

Trích Nguyệt đương nhiên cũng ngưỡng mộ Thái hậu. Bà là vị Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử sống với Hoàng đế theo chế độ một thê tử, một phu quân. Hiếu Tông Hoàng đế vì Thái hậu mà không lập bất kỳ phi tử nào, hai người hòa thuận như phu thê trong dân gian. Nhờ việc Hoàng đế chỉ sủng ái, chỉ lập có mình Hoàng hậu, Trương gia cũng mới trở thành một dòng họ tôn quý cực thịnh.

Nàng cũng ngưỡng mộ Thái hoàng Thái hậu bởi dù Hoàng đế có cả tam cung lục viện nhưng cũng chỉ yêu một mình người. Tình yêu của hai người vượt qua cả những định kiến về sự vô tình của đế vương mà mọi người luôn nói đến.

“Nguyệt Nhi, trước khi ai gia vào cung, cũng lo lắng như cháu bởi “vào cửa thâm cung sâu như biển” là chân lý mọi thời. Ai gia và tiên hoàng Hoằng Trị đế [3] không hề quen biết nhau từ trước. Ai gia thậm chí phải dùng cả kế sách để giữ được trái tim người, thì người mới yêu ai gia. Lúc ấy, ai gia mới nhận ra, thâm cung lạnh lẽo cũng có chân tình, chỉ cần chúng ta nỗ lực đạt được chân tình ấy. Tranh đấu, chẳng qua vì đều muôn có chân tình của đế vương thôi.” Thái hậu cố gắng giải thích, thuyết phục.

Khi nói những câu này, Thái hậu dường như nhớ lại thời còn trẻ của người. Từng có một nam tử vì người mà bất chấp lời bàn tán của quần thần, chỉ lập mình người làm Hoàng hậu.

Từng có một nam tử vì người mà chỉ lấy một thê tử.

Từng có một nam tử đánh đổi tất cả vì người.

Đế vương vô tình, thực ra không hẳn.

[3] Hoằng Trị đế: Chính là phu quân của Thái hậu trong truyện này. Ông là một hoàng đế trị vì tốt của Đại Minh, được sử sách đánh giá cao chỉ sau hoàng đế khai quốc Chu Nguyên Chương. Ông nổi tiếng là vị hoàng đế duy nhất sống với thê tử (chính là Thái hậu trong truyện) theo chế độ một vợ, một chồng, hai người đối đãi nhau như phu thê trong dân gian.

————————–


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.