Bị đợi một mình lâu thế, nhưng An Kình cũng không tức giận, thấy Đông Cô ló ra, y chắp tay mỉm cười với nàng.
“Đồ nhi thăm hỏi sư phụ.”
Đông Cô bối rối, “Ngài đừng làm vậy, tôi không quen. Ngài tới lúc nào thế ạ?”
“Vừa tới thôi.”
Đông Cô áy náy: “Không biết là ngài sẽ đến sớm thế này, để ngài phải đợi lâu như vậy, trời đang còn lạnh, ngài mau vào trong đi thôi.”
An Kình nói: “Trong bếp có thức ăn sáng ta mang đến cho nàng và La công tử, mọi người mau ăn cho nóng đi.”
“Cảm ơn ngài đã quan tâm.” Đông Cô đi lấy thức ăn, hộp đựng tinh xảo được gói trong rất nhiều lớp vải, lúc mở ra thức ăn vẫn còn nóng hổi. Đông Cô nhìn những món ăn đẹp đẽ cầu kỳ, trong lòng phức tạp.
Ở phòng ngoài, An Kình và La Hầu ngồi đối diện với nhau.
“La công tử, sẽ làm phiền hai người trong những ngày tới rồi.”
La Hầu gật đầu.
An Kình nhấc ấm trà trên bàn lên, rót một chén nước đưa La Hầu.
“Mời.”
La Hầu nhìn chén “trà” đó, xong lại nhìn An Kình.
“Vì sao.”
An Kình đáp: “Luận theo tình và bối phận, chén này đều là ta nên mời.”
La Hầu bất động.
An Kình vẫn giữ nguyên chén nước, “Luận theo bối phận, ta học vẽ từ Đông Cô, thì nàng là sư phụ của ta, ngươi là chồng của nàng, tức là sư công của ta, chén này ta nên mời.” Y hơi mỉm cười, “Mà luận theo tình, ta và La công tử chỉ mới gặp nhau hai lần, nhưng mỗi lần ngươi đều để lại ấn tượng phi phàm trong tim An Kình, ta đã sớm mong được kết giao với ngươi, lần này chính là cơ hội đó, nhưng không có gì trong tay, chỉ đành dùng nước thay cho trà tỏ chút lòng thành.”
La Hầu đưa tay đón lấy chén nước.
“Vì sao ngài muốn kết giao với tôi.”
An Kình nhìn chàng. Vì sao à…….
“Có lẽ bởi vì, ở một phương diện nào đó, ta và ngươi khá giống nhau.” Ví dụ như, ta và ngươi cùng thương một người, cùng mê đắm một người.
La Hầu không nói gì, chàng thấy mình hoàn toàn chẳng giống An Kình, bất kể là ở phương diện nào. An Kình nhìn vẻ mặt của La Hầu, biết là chàng không đồng ý với mình, y cũng không giải thích gì thêm. Đúng lúc này, Đông Cô bưng cơm tiến vào phòng.
“Hai người đang nói chuyện gì đấy?”
An Kình cười cười, “Chỉ là đàn ông nói với nhau chút chuyện nhàn rỗi thôi, nàng cũng muốn nghe sao?”
Đông Cô đặt mâm cơm lên bàn, nàng không muốn để cho An Kình nói chuyện quá nhiều với La Hầu, vội vàng đổi đề tài.
“Đừng nói đùa chứ.” Nàng nhìn An Kình, rồi chu chu miệng ý chỉ chàng, “Cái người này á, một ngày nói được 10 câu là tôi đã muốn a di đà phật rồi, gì mà nói chuyện nhàn rỗi chứ.”
An Kình cười: “Chuyện giữa đàn ông với nhau luôn nhiều hơn giữa đàn ông và đàn bà.”
Đông Cô hỏi: “Yến Quân đã dùng bữa sáng chưa ạ?”
An Kình gật đầu, “Ta đã dùng rồi, hai vị cứ ăn đi.”
Đông Cô đơm một bát cơm đầy ú ụ, đặt xuống trước mặt La Hầu, rồi lại xê dịch hết mọi món mặn về phía chàng. Cuối cùng nàng đặt đũa vào tay chàng, khẽ bảo: “Nào, ăn thôi.”
An Kình lẳng lặng nhìn hết thảy. Dù đang là sáng sớm, La Hầu vẫn ăn không ít, bao nhiêu thức ăn An Kình đưa tới đều không còn miếng nào bị bỏ sót, Đông Cô và La Hầu ăn sạch sành sanh.
“Phù—– no quá.” Đông Cô buông đũa, xoa xoa bụng, “Căng chết mất, Yến Quân, lần sau ngài làm ơn đừng mang nhiều như thế nữa.”
An Kình cười cười, “Được.”
Dọn bàn xong, La Hầu đứng lên (sic) đi qua bên quán rượu, Đông Cô tiễn chàng ra đến cửa. Nàng chỉnh lại áo của chàng, “Xin lỗi, những ngày này ta không bầu bạn với chàng được.”
La Hầu cúi đầu nhìn nàng, “Không sao.”
“Mình chàng nên cẩn thận một chút nhé.”
La Hầu nói: “Nàng cũng vậy.”
Cả hai con người đều cho là đối phương không hiểu ý “cẩn thận” của mình có nghĩa gì, mỗi người đi về một hướng, trong lòng đầy âu lo.
Đông Cô vào lại trong nhà, An Kinh vẫn lẳng lặng ngồi yên, y ngước đầu nhìn Đông Cô, ánh mắt dịu hiền như lông vũ của chim yến.
“Sư phụ.”
Đông Cô: “Đã nói rồi mà, đừng gọi tôi như vậy.”
An Kình vẫn một mực, “Lễ nghĩa không thiếu được, sư phụ chính là sư phụ.”
Đông Cô “ha” một tiếng, “Trước đây ai là người nói đừng để ý đến những lễ giáo rườm rà sáo rỗng?”
An Kình cười cười, khẽ đáp: “Là nàng không cần để ý, chứ không phải là ta.”
Đông Cô xua tay, “Thôi tuỳ ngài vậy, dù sao tôi cũng không nói lại được ngài. Trong nhà tôi luôn có một chút giấy và màu để vẽ, nếu như ngài không chê, có thể dùng chúng, cũng đỡ mất công phải đi mua.”
An Kình đáp: “Ta đã lệnh cho người trong phủ mang theo vật liệu, có điều hôm nay ta đến một mình, không tiện mang theo, đợi chiều tối ta sẽ nói Thành Tuyền đưa đến.”
Đông Cô nghe tên của Thành Tuyền, trong lòng âm thầm đề cao cảnh giác, sắc mặt thì vẫn không thay đổi.
“Vâng.”
Đông Cô dẫn An Kình vào gian phòng nhỏ bên hông nhà, đấy là nơi nàng hay ngồi vẽ. Phòng vô cùng nhỏ, chỉ đủ nhét một bộ bàn ghế. An Kình không để ý, y quan sát toàn bộ căn phòng.
“Hàng ngày sư phụ hay vẽ ở đây?”
“Phải.” Đông Cô đáp, “Nhà nhỏ nên phòng hẹp, không thể sánh được với vương phủ.”
An Kình lắc đầu, “Ta cảm thấy, phòng cao quý hay thấp hèn, đều phải dựa vào đức hạnh và nhân phẩm của người chủ nhân. Phòng này của Đông Cô tuy giản dị, nhưng cũng vì chủ nhân của nó mà trở nên trang nhã duyên dáng.”
Đông Cô cười bảo: “Ngài đừng tâng tôi lên như vậy, tôi sẽ bay luôn đấy.”
An Kình cũng cười, nụ cười của y vô cùng hiền hoà, làn môi mỏng thoáng giãn ra, “Cho dù nàng bay bổng thì đã sao, nàng có thể bay được đến đâu chứ.”
Đông Cô đáp: “Thung lũng phía đông, biển phía tây, nam là rừng, bắc là núi, non rộng sông dài như thế tôi còn chưa từng được đi qua một lần, bay đến đâu chẳng được?”
An Kình nhìn nàng, “Nàng thích được du ngoạn bốn bể sao?”
Đông Cô đáp: “Đi chơi luôn được ưa thích, ai không thích đi chơi cơ chứ. Hơn nữa những hoạ sĩ là người nên đi nhiều để được nhìn thấy nhiều, trong đầu mới có cảnh, vẽ ra được những bức tranh đẹp.”
An Kình nhìn nàng, “Được, sau này chúng ta bỏ chút thời gian, cứ thiên nam địa bắc, nơi nào cũng ghé thăm.”
Đông Cô thoáng ngạc nhiên, “Chúng ta?”
“Đúng rồi, nàng là sư phụ của ta, đương nhiên ta phải theo nàng.”
Đông Cô cười ngượng.
An Kình cúi đầu, nhìn mặt bàn, “Hôm nay nàng định dạy ta những gì?”
Đông Cô ngẫm nghĩ, ngập ngừng nói: “Thật ra tôi cũng không rõ nên dạy ngài những gì, hội hoạ là một trong những thứ chủ yếu dựa vào lĩnh ngộ và luyện tập của bản thân, cái có thể dạy thì không nhiều.”
An Kình nói: “Trước đây lúc Quân Nhi vẽ, đôi khi không biết nên bắt đầu như thế nào, chỉ cảm thấy bất kể đặt bút nơi đâu, cũng không thích hợp.”
Đông Cô nói: “Đấy là điểm tắc nghẽn của ngài, tôi cũng từng trải qua. Hội hoạ đòi hỏi hai thứ, gồm có kỹ pháp và tâm pháp. Kỹ pháp là bút pháp và kỹ thuật mà chúng ta mang trên mình, còn tâm pháp, là cảm xúc và thẩm mỹ. Kỹ pháp và tâm pháp sẽ giao hoà với nhau. Khi kỹ pháp không theo kịp tâm pháp, hoặc tâm pháp không theo kịp kỹ pháp, đều sẽ gặp phải tắc nghẽn như ngài đã nêu ra.”
An Kình hỏi: “Vậy theo sư phụ, ta thiếu kỹ pháp hay là tâm pháp?”
Đông Cô đáp: “Tâm pháp.”
An Kình hỏi: “Vậy phải luyện thế nào?”
Đông Cô trải một trang giấy ra, nói: “Tâm pháp được nuôi dưỡng bởi kinh nghiệm sống của người hoạ sĩ, tuổi ngài còn trẻ, cái tâm chưa được bình phẳng là rất bình thường.” Nàng chấm bút vào nước rửa bút, “Thật ra ngài cũng không cần phải lo lắng, ngài là người hoạ sĩ có thiên phú nhất trong những người tôi đã từng gặp, hiện giờ ngài chỉ cần kiên trì luyện tập, không cần số lượng, chỉ cần chú tâm đến chi tiết và sự hoàn chỉnh. Dần dần sẽ bức phá được điểm nghẽn đó, và đạt đến một đẳng cấp mới.”
Nàng đưa bút đến cho An Kình, “Lắng lòng xuống, vẽ những gì ngài muốn vẽ.”
An Kình nhận lấy cây bút, nhìn trang giấy, bắt đầu suy nghĩ.
Đông Cô đóng cửa lại, nhón bước rời đi.
Ngoài sân lạnh hơn phía bên trong khá nhiều, Đông Cô hít sâu một hơi, chậm rãi thở ra. Vừa rồi có một giây, nàng gần như quên mất An Kình có ý định khác với nàng, nàng lại tận tình tận sức chỉ bảo cho y, truyền dạy cho y. Y quá đỗi thông minh lanh lợi, Đông Cô chưa từng phủ nhận bản thân nàng rất tán thưởng y, cũng rất thích y.
Nhưng y lại muốn làm tổn thương đến La Hầu, đấy là điều không thể nào không thể nào được phép xảy ra.
Trong lúc An Kình vẽ, Đông Cô quét dọn nguyên căn nhà. Đến giữa trưa, La Hầu quay về nấu cơm. Lúc chàng vào nhà, Đông Cô vừa mới quét sân xong, nghe có tiếng gõ cửa khe khẽ, nàng ra mở cửa, đón chàng vào trong.
“Thế nào, sáng nay có mệt không?”
La Hầu lắc đầu, “Không mệt.”
Đông Cô đỡ chàng vào trong phòng ngủ, một tay của La Hầu hơi vịn lên Đông Cô, tay kia chống gậy.
“Hắn đâu.”
Đông Cô chỉ chỉ vào phòng bên hông nhà, thì thào, “Bên đó.”
La Hầu không nói gì nữa, hai người cùng bước vào phòng ngủ, Đông Cô đỡ chàng ngồi bên giường nghỉ ngơi, bản thân nàng đi rót cho chàng ly nước nóng.
“Nào, làm ấm người trước đã.”
Nước nóng phả khói trắng, chậm rãi bềnh bồng bay lên.
La Hầu hỏi: “Có cần làm cơm cho 3 người ăn không?”
Đông Cô ngẫm nghĩ, “Ngài ấy không hề nói trước với ta là có muốn dùng cơm chung hay không, nhưng mà đến giờ này ngài ấy còn chưa bước ra, chắc sẽ ở lại đây.”
La Hầu gật đầu, “Được, vậy ta đi nấu cơm.”
“Chàng cứ ngồi, để ta đi cho.”
Đông Cô ấn chàng xuống giường lại, rồi nàng vào bếp chuẩn bị bữa trưa. Nàng vừa nhóm bếp xong thì quay qua đã thấy La Hầu bước vào theo, đứng ngay cửa bếp. Đông Cô khẽ cười, vẫy vẫy chàng.
“Vào đi, đứng chơi với ta.”
La Hầu chống gậy bước vào bếp, xoay người đóng cửa lại. Đông Cô kê một chiếc ghế con cho chàng, “Ngồi bên này.” La Hầu nghe lời, qua bên đó, để cây gậy dựa vào bệ bếp, Đông Cô đỡ chàng ngồi xuống.
Chiếc ghế vốn không lớn, đến lúc thân hình cao lớn của La Hầu ngồi lên nó, trông càng bé nhỏ. Chàng gập chân khom mình ngoan ngoãn ngồi yên, mắt nhìn xuống sàn nhà.
Đông Cô làm cơm, hễ rảnh rỗi thì quay qua hôn lên đầu chàng, hai người tuy không nói gì nhiều, nhưng giữa họ có một sự ăn ý rất thần kỳ.
“Há miệng.” Đông Cô gắp một miếng rau lên, đưa tới miệng La Hầu, La Hầu há miệng ăn.
“Thế nào?”
La Hầu gật đầu.
“Gật đầu là sao, nói chuyện.”
“……Ngon.”
Đông Cô cười hì hì, cúi người hôn đánh chụt lên miệng chàng, “Chàng dọn cơm ra, ta đi gọi ngài ấy.”
Mặt La Hầu hơi nóng lên, gật đầu một cái. Đông Cô buông cái muôi cơm, múc nước trong lu rửa tay, sau đó tới trước cửa căn phòng bên hông nhà.
Nàng không vào thẳng bên trong, mà gõ nhẹ lên cửa.
“Yến Quân, dùng cơm trưa không ạ.”
Trong phòng vọng ra tiếng động, An Kình tới gần cửa, mở cửa ra. Y hơi gật đầu, “Cả một buổi sáng vắt cạn tâm trí suy nghĩ về những lời nàng giảng, hiện giờ đúng là đã hơi thấy đói.”
Đông Cô nói: “Vậy thì cùng ăn cơm đi vậy.”
An Kình hỏi: “La công tử đã về rồi à?”
Đông Cô đáp: “Chàng mới về, chúng tôi đã nấu cơm trưa xong, tuy nhiên chỉ là những món bình dân, e rằng ngài không quen dùng.”
An Kình khẽ lắc đầu, “Ở lại đây đã phiền đến hai người rồi, làm sao chê thức ăn được.”
Đông Cô: “Thế thì đi nào.”
An Kình bước ra khỏi phòng theo Đông Cô, ở bên kia La Hầu đã dọn cơm xong, An Kình nhìn bàn ăn, các món ăn rất giản dị, đều là những món xào bình dân, nhưng cũng có một đĩa thịt ram. An Kình không thích ăn thịt, tiếp xúc với nhau rồi, An Kình cũng biết Đông Cô không phải là người thích ăn thịt, cho nên đĩa thịt này chắc là ram cho La Hầu ăn.
Trong mắt An Kình, bữa ăn này rất sơ sài, nhưng thật ra y không biết, do La Hầu bị bất tiện, cho nên bao nhiêu thức ăn trong nhà đều do một tay Đông Cô quản lý, bản thân nàng thích ăn đồ chay, chất lượng rất bình dân, nhưng loại thịt nàng mua cho La Hầu là loại thịt có gân sụn thượng hạng, một đĩa thịt đầy vun này có thể bằng tiền mua thức ăn cả tuần của nàng lúc trước.
Nhưng nàng không hề cảm thấy tiếc tiền, phải nuôi sao cho La Hầu thật mạnh khoẻ thì nàng mới yên lòng.
hết chương 41