Sau khi đã thu xếp cho Vạn thành một người trung thư thực sự, Phượng cũng thu xếp hành lý của mình cùng ba người sai nhân đưa Vạn đến Thai Châu để cho quan tra xét. Bấy giờ là lúc đầu tháng tư, khí trời ấm áp, cả năm người đều mặc áo đơn đi ra cửa Hán Tây gọi thuyền đi thẳng đến Chiết Giang. Họ gọi mãi cũng không có một chiếc thuyền nào đi Hàng Châu, nên phải thuê một chiếc thuyền đi Tô Châu. Đến Tô Châu, Phượng trả tiền rồi thuê thuyền đi Hàng Châu. Thuyền này to gấp rưỡi thuyền đi từ Nam Kinh lên. Phượng nói:
– Chúng ta không cần một thuyền lớn làm gì, chỉ cần hai khoang mà thôi.
Phượng trả một lạng tám đồng tiền ở bến để thuê một khoang giữa và một khoang đầu thuyền. Sau đó, năm người xuống thuyền đi Tô Châu. Đợi một ngày, mới có một người buôn tơ ngồi ở khoang trước. Người này trạc độ hai mươi, dáng người rất xinh đẹp, chỉ có một gánh hành lý nhưng rất nặng. Đến chiều chủ thuyền cho thuyền đỗ và cắm sào ở một cái bến cách làng độ năm dặm. Người lái thuyền nói với những người chèo thuyền.
– Cắm thuyền cho chắc, thả hai cái neo xuống, chăm sóc các vị hành khách còn tôi đi về nhà một lát.
Những người sai nhân ở Thái Châu cười và nói:
– Chúc ông đi thuận đường xuôi gió nhé!
Người lái thuyền cười khanh khách rồi đi.
Vạn và Phượng lên bờ đi bách bộ. Xa xa thấy khói chiều tan dần, ánh trăng chiếu sáng trên mặt nước. Hai người dạo chơi một lát lại lên thuyền nằm ngủ. Họ nghe tiếng nước bì bõm, có một chiếc thuyền con chèo ngược dòng sông đến chỗ bên cạnh. Lúc bấy giờ, những người chèo thuyền đã đắp chăn ngủ kỹ còn ba người sai nhân thắp đèn đánh bài, Vạn trung thư, Phượng và người buôn tơ mở cửa sổ ngắm trăng. Trong chiếc thuyền con có một người trạc độ bốn mươi tuổi, gầy gò, đang cầm sào. Đằng sau là một người con gái mười tám, mười chín tuổi, đứng bẻ lái. Nhìn thấy ba người đàn ông đang ngắm trăng, cô ta nấp vào khoang sau. Được một lát, Phượng và Vạn đều đi ngủ chỉ còn khách bán tơ chưa ngủ.
Hôm sau lúc mặt trời chưa mọc, người lái thuyền trở về với một cái bị trên vai. Thuyền lập tức buông chèo.
Thuyền đi được ba mươi dặm mới ăn sáng. Ăn sáng xong, Phượng ngồi trong khoang nói chuyện với Vạn trung thư:
– Tôi cho rằng lần này ông không đáng sợ lắm. Nhưng một cái án làm theo lệnh quan tuần vũ thì cũng khá gay go. Theo như ý tôi, khi người ta hỏi, ông cứ nói là do một người du khách ở trong nhà là Phượng Minh Kỳ làm. Khi họ bắt tôi, tôi sẽ có cách xử trí.
Vừa lúc ấy thì người bán tơ, cặp mắt đỏ gay ra trước thuyền đứng khóc. Phượng và mọi người liền hỏi:
– Ông khách! Ông có việc gì thế?
Người kia không đáp, Phượng đột nhiên nhớ ra, chỉ vào người khách bán tơ mà nói:
– Tôi biết rồi. Ông mắc mưu chứ gì, trẻ người non dạ như ông…
Người khách cảm thấy xấu hổ lại càng khóc. Phượng hỏi căn vặn thì biết ra người khách đêm qua lúc mọi người đều ngủ cả có thò cổ ra ngoài cửa sổ để nhìn người con gái ở thuyền bên kia. Khi thấy hai người khách trong thuyền đã đi ngủ, người con gái cũng ra khỏi khoang thuyền và cười với anh ta. Người khách bán tơ khẽ thò tay sang. Người con gái cười khì khì, trèo qua cửa sổ sang ngủ với người khách. Khi người khách đã ngủ say, người con gái mở hành lý lấy trộm bốn gói bạc có tất cả là hai trăm lạng rồi mang đi. Sáng dậy, thuyền nhổ sào đi, người khách vẫn còn đang mê man. Một lát sau, thấy hành lý bị người ta mở tung, anh ta mới biết mình bị mất cắp. Bấy giờ anh ta như người câm nằm mê gặp mẹ, không biết nói năng thế nào, Phượng trầm ngâm một lát, hỏi chủ thuyền:
– Ông có nhận ra được chiếc thuyền nhỏ đến đây hôm qua không?
– Nhận thì nhận được, nhưng kiện lên quan thì không kiện được đâu vì không có bằng chứng gì hết.
Phượng nói:
– Nhận được là tốt rồi! Hôm qua hắn lấy trộm được tiền thì hôm nay nhất định hắn đi ngược chiều với chúng ta. Các anh cuốn buồm đi, lắp chèo vào rồi chèo quay trở lại xem. Khi nào thấy được thuyền kia thì chúng ta đỗ ở nẻo xa. Nếu lấy được tiền rồi, chúng tôi sẽ thưởng cho các anh.
Những người chèo thuyền bằng lòng quay trở lại. Chèo đến chiều mới đến chỗ cắm sào tối qua, nhưng vẫn không thấy chiếc thuyền kia đâu cả. Phượng bảo cứ chèo nữa.
Chèo được hai dặm nữa, thấy chiếc thuyền con kia buộc dưới cây liễu. Đứng xa nhìn không thấy người. Phượng bảo chèo thuyền đến gần cắm sào dưới một cây liễu khác, bảo mọi người nằm không được nói năng gì, còn mình thì đi bộ lên bờ dạo chơi đến trước chiếc thuyền con. Quả nhiên thấy đúng là chiếc thuyền hôm qua. Người con gái và người đàn ông gầy đang nói chuyện với nhau ở trong thuyền. Phượng đi chơi một lát rồi quay trở lại thì thấy chiếc thuyền con kia lại đến đỗ bên cạnh thuyền mình và người gầy gò kia không thấy đâu nữa. Đêm ấy, ánh trăng sáng hơn đêm trước. Người con gái đang buông mớ tóc đen láy ngồi một mình, chải tóc ngắm trăng. Phượng hỏi nhỏ:
– Đêm yên tĩnh thế này cô em ngồi trên thuyền một mình không sợ sao?
Người con gái đáp:
– Anh hỏi tôi làm gì? Tôi ngồi như thế này quen rồi, sợ cái gì?
Vừa nói vừa đưa mắt nguýt một cái. Phượng nhảy sang thuyền kia ôm lấy người con gái. Người con gái giả vờ đẩy ra, nhưng không kêu. Phượng bế người con gái để lên đùi. Người con gái ngồi yên, thu mình vào trong lòng. Phượng nói:
– Thuyền này không có ai, đêm nay em hãy tiếp anh một đêm, chúng ta gặp gỡ là do duyên trời.
– Em là người ở trên thuyền xưa nay không hề bậy bạ với ai. Đêm nay, không ngờ lại gặp anh phải gió này, em biết làm thế nào? Anh ở đây, em không sang đâu!
– Trong hành lý của anh ở bên kia thuyền có tiền, anh không yên tâm ở thuyền em. Vừa nói, Phượng vừa nhấc bổng người con gái qua thuyền mình.
Lúc bấy giờ những người trên thuyền đều giả ngủ, chỉ có một đĩa đèn dầu leo lét và một cái chăn đơn, Phượng đặt người con gái xuống đệm, người con gái cởi quần áo nằm vào trong chăn. Nhưng lạ thay người con gái thấy Phượng không cởi quần áo mà tai lại nghe tiếng chèo khoát nước. Người đàn gái ngẩng đầu lên nhìn nhưng Phượng đã lấy đùi ấn xuống nằm chết cứng không dậy được. Cô ta lắng tai nghe biết chiếc thuyền đang đi, bèn hoảng hốt nói:
– Tại sao chiếc thuyền lại đi?
– Thuyền đi mặc kệ nó, em cứ ngủ cho sướng!
Người con gái càng hoảng hốt nói:
– Thả cho tôi về!
– Đồ ngốc, mày lừa người ta lấy tiền thì tao cũng lừa người ta cướp vợ. Cũng là hạng lường gạt thì mày còn sợ cái gì!
Người con gái biết rằng mình bị mắc mưu, chỉ còn cách kêu xin:
– Ông thả cho tôi đi, số tiền kia tôi xin trả lại ông.
– Để cho mày đi sao được! Mày có đưa tiền đến đây thì tao mới thả về, tao không làm gì mày đâu.
Người con gái đứng dậy thì cả áo quần cũng không còn nữa. Vạn trung thư và người khách bán tơ trong khoang thuyền nhìn thấy thế, nhịn cười không được.
Phượng hỏi nhà ở của người con gái và tên của người chồng rồi bảo chủ thuyền cắm thuyền ở một nơi vắng vẻ. Sáng hôm sau, Phượng bảo người khách buôn tơ mang quần áo người con gái đi hơn mười dặm đường, đến tìm người chồng. Người chồng thấy thuyền đi đâu mất, vợ cũng biến đi đâu, đang ngồi lo lắng dưới gốc liễu. Người buôn tơ nhận ra liền đến vỗ vai mà rằng:
– Chuyến này thì anh xôi hỏng bỏng không rồi. Cái đó là do trời trả nợ đấy.
Người chồng không dám nói năng gì.
Người khách mở gói lấy áo quần đồ lót và giày của vợ y ra. Tên kia hoảng sợ chỉ còn cách sụp lạy. Người khách nói:
– Tao không bắt mày đâu! Mày phải mau mau đem bốn gói bạc trả cho tao rồi tao trả vợ cho mày.
Người chồng vội vàng xuống thuyền lật miếng ván ở đầu lái lấy ra một cái bị lớn và nói:
– Số tiền này tôi chưa động đến một ly nào, mong ông làm ơn trả vợ lại cho tôi!
Người buôn tơ mang bạc về, người chồng mang theo quần áo của vợ đến nhưng không dám lên thuyền. Nghe tiếng vợ ở dưới thuyền gọi hắn mới liều mạng bước xuống. Thì thấy vợ mình cuốn chăn đang nằm tròn ở khoang giữa. Người chồng đến đưa áo quần cho vợ. Sau khi mặc áo quần xong hắn ra lạy mỗi người hai lạy lùi lũi lên bờ. Người buôn tơ biếu Phượng một gói năm mươi lạng bạc để cảm ơn. Phượng suy nghĩ một lát rồi nhận, chia làm ba phần cho ba người sai nhân và nói:
– Trong việc này các anh cũng khó nhọc, biếu các anh ít tiền.
Những người sai nhân cảm tạ.
Chẳng bao lâu, thuyền đến Hàng Châu. Mọi người lại đổi thuyền đi thẳng đến Thái Châu. Cả năm người đều vào thành. Người sai nhân ở Thai Châu nói:
– Ông Phượng! Việc này sợ có tai tiếng, nếu quan phủ biết thì con làm thế nào?
Phượng nói:
– Cứ để mặc tôi!
Phượng thuê bốn cái kiệu nhỏ buông rèm xuống, bảo ba người sai nhân và Vạn lên kiệu, còn mình thì đi chậm theo sau. Đến nhà Vạn, mọi người bước vào cửa lớn. Thấy cái nhà trước có hai cửa, ở sau là cái nhà khách chữa đi chữa lại đã hai ba lần. Vạn trung thư vừa mới bước vào nhà thì thấy có tiếng khóc. Một lát sau không có tiếng khóc nữa. Ở trong đang sửa soạn làm cơm. Ăn cơm xong, Phượng nói:
– Các ông hãy khoan đi bây giờ, tôi thắp đèn đã rồi đến báo với người thơ lại lo việc này, tôi đã có cách nói với ông ta.
Những người sai nhân vâng lời. Thắp đèn xong, họ trở về nha môn phủ Thai Châu nói với người thơ lại Triệu Cần. Triệu Cần nghe nói ông Phượng ở Nam Kinh cùng đến với họ, giật mình nói:
– Ông Phượng là một người hào kiệt. Chuyến này ông Vạn cùng đi với ông ta thực là tốt phúc!
Và cùng sai nhân đến ngay nhà Vạn. Triệu gặp Vạn, hai người coi nhau như bạn cũ. Phượng nói:
– Ông Triệu, tôi chỉ nhờ ông việc này, ông thu xếp thế nào để khi biên cung, người bị khai ra sẽ được giải đi ngay.
Triệu thư biện nhận lời.
Hôm sau, Vạn trung thư đi kiệu đến miếu Thành Hoàng ở nha môn. Ông ta vẫn mặc áo thất phẩm, đội mũ sa, đi giày nhưng ở cổ có một dây xích. Những người sai nhân đưa giấy vào. Kỳ tri phủ lập tức ra công đường. Triệu Thăng đưa công văn lên, đem giải Vạn trung thư ra trước mặt. Kỳ tri phủ thấy Vạn trung thư đội mũ tròn, giật mình, lại nhìn thấy công văn phê nói Vạn “làm trung thư” lại càng kinh ngạc. Tri phủ đưa mắt nhìn thấy Vạn vẫn đứng không chịu quỳ, bèn hỏi:
– Ông được làm trung thư bao giờ?
– Tháng giêng năm nay.
– Tại sao tôi không thấy chiếu chỉ?
– Chiếu chỉ ở trong nội các đưa ra, rồi từ nội các đến tuần vũ cũng phải mất một thời gian. Nhưng có lẽ bây giờ chiếu chỉ đã đến rồi.
– Như vậy sớm muộn ông cũng bị cất chức!
– Năm ngoái tôi đi Bắc Kinh, năm nay tôi về Nam Kinh, tôi có làm điều gì phạm pháp đâu. Tôi xin hỏi quan.
Tại sao quan lại cho người đi bắt tôi ở trong tỉnh khác về? Phải có lý do gì chứ!
– Miêu đô đốc không lo việc đề phòng bờ biển bị quan tuần vũ bắt. Ở trong nha môn ông ta có một bài thơ của ông. Đó là một bài thơ chúc tụng, lời lẽ xu nịnh. Hắn cho ông tiền để làm. Số tiền bao nhiêu ở đây có chứng cớ. Ông còn chối nữa đi!
– Đó là điều hết sức oan uổng. Khi tôi ở nhà tôi không bao giờ thấy mặt Miêu đô đốc như thế thì làm sao lại có thơ tặng ông ta được!
– Chính mắt tôi trông thấy. Đó là một bài thơ trường thiên dài dằng dặc, có đóng dấu của ông. Hiện nay quan tuần vũ đi trấn ở bờ biển. Quan tuần vũ đang dừng ở đây để xét cho xong vụ án này. Ông cứ chối nữa đi!
– Mặc dầu tôi là học trò nhưng tôi không biết làm thơ, còn như dấu và tên hiệu thì tôi không có. Ở nhà tôi có một người khách khắc cho mấy con dấu lớn, nhỏ. Tôi để nó trong thư phòng không cất đi. Có lẽ anh ta làm thơ rồi đóng dấu của tôi xin cụ xét cho. – Tên anh ta là gì? Bây giờ ở đâu?
– Tên anh ta là Phượng Minh Kỳ hiện nay ở nhà tôi.
Kỳ tri phủ lập tức cấp một cái thẻ hỏa tốc cho sai nhân đi bắt Phượng Minh Kỳ, đem đến hỏi.
Sai nhân đi một lát dẫn Phượng Minh Kỳ về. Kỳ tri phủ ngồi ở công đường, sai nhân vào bẩm:
– Phượng Minh Kỳ đã đến.
Tri phủ sai gọi đến hỏi:
– Anh có phải là Phượng Minh Kỳ không? Anh xưa nay có bạn bè gì với Miêu đô đốc không?
– Tôi không bao giờ gặp ông ta cả.
– Vạn Lý có viết tặng ông ta một bài thơ. Hôm nay tra hỏi thì Vạn Lý nói anh đã viết bài thơ ấy và đóng dấu của ông ta vào đấy, dấu kia do tay anh khắc. Tại sao anh lại làm việc phạm pháp như vậy?
– Không những trong đời tôi không làm thơ bao giờ, mà ngay tôi có làm thơ tặng người khác thì đó cũng không phải là việc phạm pháp.
– Thằng kia mày dám ăn nói thế à!
Tri phủ ra lệnh đánh. Bọn lính ở trên công đường và ở ngoài sân dạ vang một loạt, vào công đường. Hai người vật Phượng xuống đất và kẹp chặt lấy chân. Kỳ thái thú nói:
– Bay cứ kẹp thật chặt cho tao!
Người lính cố hết sức buộc dây thừng thật chặt thì chỉ nghe rắc một tiếng cái kẹp gãy làm sáu mảnh. Kỳ thái thú nói:
– Hay là cái thằng kia có pháp thuật gì!
Bèn ra lệnh lấy một cái kẹp thật mới, lấy dấu son đóng lên rồi bảo kẹp ngay vào chân của Phượng. Nhưng dây thừng chưa buộc chặt thì đánh rắc một cái, kẹp lại gãy. Làm liền ba lần như vậy chỉ thấy kẹp gãy thành mười tám mảnh. Phượng chỉ mỉm cười không nói một câu. Kỳ tri phủ hoảng sợ rời khỏi công đường bắt giam phạm nhân, còn mình thì lên kiệu, đến công quán bẩm với tuần vũ. Tuần vũ nghe nói biết Phượng Minh Kỳ vốn là người tráng sĩ, trong việc này chắc có duyên cớ. Vả chăng Miêu đô đốc đã chết trong ngục, chiếu chỉ cử Vạn Lý làm trung thư đã đến, việc Vạn phạm tội không lấy gì làm nặng cho nên tuần vũ bảo tri phủ khoan thứ. Vạn và Phượng đều được tha. Tuần vũ trở về Hàng Châu. Vụ án này thực là như lửa cháy ngùn ngụt chỉ một gáo nước lạnh của Phượng dội vào là tắt hết. Khi vụ kiện xong, Vạn trung thư cho những người sai nhân về, Vạn cùng Phượng về nhà, miệng luôn luôn nói cảm ơn;
– Ông thực là cha mẹ cứu sống tôi lại! Tôi biết lấy gì báo đáp.
Phượng cười mà rằng:
– Tôi với ông không phải là chỗ quen cũ, tôi cũng không chịu ân huệ gì của ông. Đó chẳng qua là một việc cao hứng ngẫu nhiên. Nếu ông cứ nói chuyện cảm ơn mãi tôi thấy nó cũng tầm thường quá. Bây giờ tôi phải đi Hàng Châu tìm một người bạn. Đến mai là phải đi rồi!
Vạn trung thư hai ba lần giữ lại, Phượng vẫn cứ đòi đi. Hôm sau Phượng từ biệt Vạn, không hề uống một cốc nước tạ ơn, lên đường đi một mình đến Hàng Châu.
Chỉ nhân phen này khiến cho:
Kẻ nghĩa sĩ lay thành cử vạc 1 lại tỏ thần thông;
Bọn gian đồ chước đối mưu sâu, kíp đền nợ cũ.
Muốn biết Phượng tìm ai, hãy xem hồi sau phân giải.