Ngưu Nguyệt Thanh chạy ngược chạy xuôi mấy lượt ra cửa hàng thực phẩm, xách về lỉnh kỉnh túi to túi nhỏ nhét vào đầy tủ lạnh, tính ngày thấy còn sớm, không dám mua tôm cá vội, đi ra phố sắm quần áo lót cho Trang Chi Điệp. Đàn bà hay cẩn thận, chu đáo, đầu tiên ra bách hoá Tổng hợp phố Nam Đại chọn chán chọn chê, chẳng đôi nào vừa ý, lại ra chợ Miếu Thành Hoàng. Miếu Thành Hoàng xây từ đời nhà Tống, cửa Miếu vẫn còn, song đã đi vào cải tạo thành một đường phố nhỏ, càng đi càng hun hút. Hai bên trong phố đối diện nhau lại là các ngõ nhỏ chênh chếch vào bên trong, mặt ngõ nọ đối diện với mặt ngõ kia, trông y hệt một chiếc lá liễu to tướng đã khô sạch nước chỉ còn lại mạng gân lá. Trong mặt phố mỗi cửa hiệu chuyên bán một loại hàng hoá, toàn là những thứ tạp nham như kim khâu, cuộn chỉ, cúc áo, dây rút, giày bó chân, mũ phớt, mạt chược, ống nhổ đờm và bô đại tiểu tiện. Mấy năm gần đây lai mở thêm sáu ngõ nữa, đều là những cửa hàng bán những mặt hàng sử dụng theo phong tục cũ của thị dân như giấy tiền, nến cúng vong linh trong ngày lễ hàn thực, những sợi dây đó dài một mét treo quả chín đỏ trong buồng cưới, những chăn bọc của trẻ con, những khăn tang buộc đầu của con hiền cháu hiền khi gia đình có người chết, những áo đỏ quần đỏ dây rút đỏ gặp dữ hoá lành cho người có tuổi trong ngày sinh nhật, những lồng tre chưng bánh táo trong ngày hội mồng tám tháng tư ở khu Đông Thành, những khuôn gỗ bánh nướng có đường hoa văn, những đôi ủng bó chân dùng cho các bà già, những chụp tóc nhung đen có bong bóng lưu li, những nồi chõ vỏ tôn bụng to eo nhỏ rỗng hâm rượu mạnh bằng than củi dùng trong tết tháng chạp ở khu Tây Thành. Ngưu Nguyệt Thanh chọn mua quần đỏ áo đỏ trong cửa hiệu đó, lại hỏi có loại nào bằng vải bông hoàn toàn không? Có loại nào in chữ “+” ở áo lót không, sau đó lại chê cái này mũi kim thô quá, cái kia đường may không bền, may mà người bán hàng mát tính, ngược lại nhìn quầy hàng chỗ nào quần áo cũng bị lật bới lung tung. Ngưu Nguyệt Thanh đã nói một câu:
– Tôi chọn long bào cho hoàng đế lên ngôi đấy mà!
Bản thân chị lại nói đùa với chính mình. Ra khỏi ngõ, đi tới phố nhỏ, không ngờ đụng phải Cung Tịnh Nguyên. Cung Tịnh Nguyên béo phệ cả bụng, vừa gặp mặt đã cười ha hả, hỏi:
– Em ơi, sao em trẻ thế! Thân thể vẫn còn như gái ấy thôi, làm sao mà người ta không hận với người anh em kia được! Em có mau mau xấu đi thì lòng ông anh này mới cân bằng được chứ!
Nói rồi cứ vỗ bồm bộp vào bụng mình kêu khổ, không bước lên trước được. Ngưu Nguyệt Thanh cũng tay vỗ vò cái bụng kia, bảo con người ta bước sang cái tuổi này có cái bụng phệ mới hấp dẫn chứ, làm cho Cung Tịnh Nguyên sướng quá, nói rối rít, vậy anh không bi quan nữa. Hai người cười nói thăm nhau. Cung Tịnh Nguyên nhìn thấy Ngưu Nguyệt Thanh cầm quần đỏ áo đỏ, lại giễu cợt:
Bạn đang đọc truyện tại
– Lại còn muốn làm dáng cơ đấy, ăn mặc quần áo sặc sỡ như thế này cơ ư?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp gặp đây là được rồi, cũng chẳng phải đến tận nhà anh làm gì nữa. Thứ tư này là sinh nhật người anh em của anh, mời anh đến dự cho vui.
Cung Tịnh Nguyên nói:
– Chà, hay đấy, hôm ấy anh sẽ mang bộ mạt chược đến, anh em chơi hẳn một ngày một đêm! Sao không bảo ông chủ Nguyễn Tri Phi, khi đến mang theo vài cô diễn viên hả? Định vui vẻ thì làm to to một chút, liệu có cần anh dẫn đến một đầu bếp không đấy, bất kỳ khách sạn nào anh chỉ nói một câu là được ngay.
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
– Không phải dẫn ai cả, cũng không cần mang thứ gì đến, chỉ mang cái mồm đến là được. Nếu cứ theo lệ cũ là em giận đấy! Muốn chơi mạt chược thì anh mang theo, nhà em không có bộ nào ra hồn.
Cung Tịnh Nguyên nói:
– Em đoán anh đến làm gì nào, vậy thì sẽ mua một bộ mạt chược, mới tinh.
Hai người lại hỉ hả nói cười một lúc, rồi chia tay. Ngưu Nguyệt Thanh về đến nhà thì đã nhập nhoạng tối. Liễu Nguyệt đã bày sẵn cơm canh lên bàn, người anh rể kết nghĩa đang ngồi cạnh bàn. Trên ghế xa lông để một túi khoai tây, một bó rau kim châm tươi mới hái và hai quả bí đỏ đem đến. Anh ta chưa ăn cơm, cứ ngồi chờ Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh.
Chào hỏi nhau xong, Ngưu Nguyệt Thanh nói:
– Chi Điệp đi ra ngoài đã mấy hôm, bây giờ vẫn chưa về, chắc lại ăn cơm tối ở đâu rồi, không cần phải chờ nữa.
Lời nói vừa dứt, Trang Chi Điệp đẩy cửa bước vào. Người anh rể nói:
– Trong thành cũng vừa nhắc đến Tào Tháo thì Tào Tháo đến luôn.
Trang Chi Điệp cũng hớn hở bảo:
– Lâu lắm không thấy anh đến chơi. Nghe nói anh nhận khoán lò gạch ngói, phất rồi phải không?
Anh rể đáp:
– Kiếm được tiền thì không phải bỏ sức, bỏ sức thì không kiếm ra tiền, đốt một đêm gạch không bằng một cái dấu chấm, phẩy ấy mà. Nhưng cái công việc này, suốt ngày đầu tắt mặt tối như ma thổi lửa ấy. Được tin em nhắn sang, bảo là tổ chức ăn uống, anh đã bảo với chị có đào ra một lò vàng, cũng cứ phải bỏ đấy đi bằng được, tiện thể mang luôn một vài thứ thức ăn.
Trang Chi Điệp hết sức ngạc nhiên, bảo:
– Em có tổ chức công ty đâu, cũng không xây nhà, có việc gì đâu, em anh muốn gặp anh chị thì nhắn anh chị sang chơi.
Anh rể nói:
– Chuyện này cậu không thật thà chất phác bằng Ngưu Nguyệt Thanh. Cậu sợ dân nhà quê chúng tôi đến ăn cơm phải không? Cậu giấu tôi, nhưng tôi vẫn đến, đến hôm ấy, mấy miệng ăn nhà này lại còn họ hàng thân thích của đứa con nuôi bà cô cũng kéo cả sang đây!
Trang Chi Điệp thấy anh rể nói nghiêm túc, liền hỏi vợ:
– Mình làm chuyện gì thế?
Ngưu Nguyệt Thanh chỉ cười không bảo sao.
Liễu Nguyệt nói:
– Anh chỉ lảng vảng chuyện bên ngoài, chẳng lo làm việc gì trong gia đình, ngay đến ngày sinh của mình cũng không nhớ.
Trang Chi Điệp giũ bộ quần áo đỏ, sị mặt ra, bảo:
– Đã bẩy tám mươi tuổi đâu? Mẹ còn không ăn sinh nhật, tôi ăn cái gì?
Liền nói với anh rể đừng nghe Nguyệt Thanh, chẳng có việc gì cũng bày vẽ ra. Anh ăn cơm đi, em đã ăn ở ngoài rồi.
Nói xong đi vào phòng sách. Anh rể vốn còn định nói chuyện với Trang Chi Điệp trên mâm cơm, thấy Trang Chi Điệp sa sầm nét mặt, liền khẽ nói với Ngưu Nguyệt Thanh. Thì ra chị kết nghĩa đem thuốc đẻ con trai về uống, theo lời dặn phải có thai trong vòng một tháng, nhưng chị ấy lại bị cảm ba ngày. Cảm cúm vừa mới khỏi, thì một món nợ lò gạch không đòi được, lại cần anh đi đòi, anh đã đi là đi liền nửa tháng, lúc về thì đã lỡ thời kỳ thụ thai. Liệu có thể bảo cái nhà bà kia xin cho một liều thuốc nữa để uống? Ngưu Nguyệt Thanh nghe xong có phần ấm ức trong lòng, thầm nghĩ một liều thuốc những mấy trăm đồng của người ta, cái khoản nợ kia của anh đáng bao nhiêu cơ chứ, đáp ứng được việc của người là việc nhỏ, để lỡ việc của người ta lại là chuyện lớn, tại sao lại có thể đểnh đoảng đến thế!
Nhưng sự việc đã như vậy, lại là thân thích, chỗ gửi gắm lại là người ta, cho nên không tiện nói những lời gắt gỏng, liền bảo:
– Để em đi nói với bà ấy xem sao, loại thuốc này không để phí dễ dàng được đâu, riêng vị trầm hương em đã phải bỏ ra năm trăm đồng cơ đấy.
Anh rể nói:
– Tháng sau có đánh chết cũng không đi đâu nữa, cũng không đụng đến một hớp rượu.
Ngưu Nguyệt Thanh lại hạ thấp giọng:
– Anh chị phải giữ kín chuyện này, không được nói với ai, khi nào thụ thai, thì bảo với em một tiếng, em sẽ mua thuốc bổ về thăm chị. Anh phải cấm mọi thứ, không được để chị làm việc nặng, không được cãi nhau, giận dữ. đến lúc ấy em sẽ tìm người quen ở bệnh viện thành phố bố tri cẩn thận, đưa xe đến đón chị đi là xong.
Anh rể gật đầu, bảo:
– Đương nhiên phải thế rồi.
Ngưu Nguyệt Thanh lại nói:
– Không được nói với Trang Chi Điệp việc uống thuốc lại đấy nhé.
Nói rồi đi vào phòng sách nói với chồng: anh không ăn cơm thì ngồi tiếp anh ấy uống rượu nhé, em đi ra phố mua cho chị ấy một đôi dép lê em sẽ về ngay!
Trang Chi Điệp liền cầm chai rượu đi ra. Ra đến phòng khách rồi, nét mặt mới tươi tỉnh.
Ra khỏi cổng, Ngưu Nguyệt Thanh hấp ta hấp tấp chạy đến nhà bà Vương, móc ra năm trăm đồng, lại lấy một liều thuốc, sau đó ra cửa hàng giày dép mua cho chị kết nghĩa một đôi dép đem về. Anh rể và Trang Chi Điệp đã uống hết nửa chai rượu, không uống nữa. Ngưu Nguyệt Thanh cho dép và thuốc vào túi ny lông, bảo với anh rể:
– Dép ở trong này, dọc đường nhớ cẩn thận.
Đưa mắt ngầm ra hiệu, anh rể hiểu ý, đáp:
– Anh sẽ cẩn thận.
Nói xong liền chào ra về. Trang Chi Điệp thấy ông anh rể ra về nhanh thế, cũng cảm thấy không cần để người họ hàng khó xử, hối hận vừa nãy đã ăn nói sống sượng, liền tiễn anh rể ra đầu ngõ. Chờ khách đi xa, trong lòng cứ tỏ ra không hài lòng đối với việc tự ý sắp xếp của Ngưu Nguyệt Thanh, tiện đường đã đi ra công viên Thành Hà ở ngoài cửa Tây nghe một lúc lời kịch Tần Xoang của ban nhạc ở đó. Khi về, một chiếc xe thuê từ đầu ngõ rẽ ra, hình như cảm thấy người ngồi trong xe là con trai của Cung Tịnh Nguyên, bước vào cửa liền hỏi vợ:
– Có phải con trai Cung Tịnh Nguyên đến không?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
– Phải! Ai cũng bảo cậu ta nghiện hút, quả nhiên khuôn mặt nhăn như bị, cậu ta bảo, bố cậu ta có việc đột xuất, sáng sớm mai phải đi Lan Châu, sai cậu ta đưa quà sang biếu trước. Bảo uống nước cậu ta không uống, nước mũi cứ chảy ra ròng ròng, có lẽ lên cơn nghiện, không biết định đi đâu hút. Ôi kiếp trước cậu ta làm thân con gì, mà kiếp này định đến phá phách cửa nhà anh Cung Tịnh Nguyên thế không biết!
khi Trang Chi Điệp nhìn lên bàn, thì thấy có một hộp bánh mừng thọ và một túi giấy đóng gói rất đẹp có viết dòng chữ “vỏ chăn gấm vóc hào hoa”, liền hỏi:
– Em đã thông báo với Cung Tịnh Nguyên rồi ư?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
– Chiều nay gặp anh ấy trên phố, em đã tiện thể nói luôn. Người ta đem đến, mình không nhận sao được?
Trang Chi Điệp nói:
– Anh đã bảo không tổ chức sinh nhật, em vẫn còn nhận quà của người ta làm gì? Em tự tiện thế, không thèm nói với anh một tiếng, đã mời người nọ, thông báo người kia. Anh đã được làm Hoàng đế hay đã được con trai hả? Cảnh Tuyết Ấm đang làm rầm rĩ lên như thể, anh còn chưa mất mặt hay sao, bây giờ lại đón tiếp khách khứa ở nhà với chướng khí mù mịt, sẽ làm cho nhiều người hơn nữa bịt miệng đánh rắm cười anh đấy à? Em đã báo cho ai, thì đi hoãn, em không hoãn thì ngày hôm ấy anh sẽ không ở nhà.
Trang Chi Điệp nói một thôi một hồi, khiến cho Ngưu Nguyệt Thanh ngẩn người đứng chết dí tại chỗ.
Bà mẹ già liền từ buồng ngủ bước ra nói:
– Mẹ vốn không động đến việc riêng của các con, nhưng sao con nói những lời khó nghe thế! Vừa rồi mẹ giận lắm đấy, cả nhà chờ con về ăn cơm, khi con về nghe những lời con nói sẵng với anh rể con, con định đấm vào mặt người họ hàng của mẹ đấy ư? Ngưu Nguyệt Thanh có ý định tổ chức sinh nhật cho con. Nếu bảo người có ý kiến thì phải là mẹ chứ? Sáng nay bố con về còn cự nự với mẹ con gái mẹ bất hiếu đấy. Mẹ đã khuyên bố con, mẹ bảo tôi già rồi thì sống nhờ con cái, gia đình này chẳng phải nhờ con rể đó sao, một người con rể là nửa đứa con trai, Chi Điệp bằng một bằng hai đứa con trai kia đấy. mẹ không ca thán các con gì cả, mà con lại chê mời họ hàng thân thích đến là mịt mù chướng khí. Con chê họ hàng nhà mẹ nghèo túng không am hiểu việc đời phải không? Trong cái gia đình này cũng đã từng sinh ra những người có tên tuổi. Nếu thành Tây Kinh không có nước máy, thì Cục quản lý nước cũng oai phong như cửa quan ấy chứ!
Trang Chi Điệp vội vàng dìu mẹ vợ vào buồng ngủ, bảo Ngưu Nguyệt Thanh pha một ly nước bột quýt cho mẹ rồi nói:
– Mẹ ơi mẹ nói lạc đề rồi. Con chê là chê Nguyệt Thanh tự ý xếp đặt, hoàn toàn không thông cảm với nỗi buồn của con.
Ngưu Nguyệt Thanh nghe vậy, từ trong buồng khách nói ra:
– Anh buồn, em là vợ anh, em cũng không buồn ư? Chính vì cảm thấy năm nay có nhiều chuyện rủi ro xúi quẩy, mới nghĩ ra việc tổ chức sinh nhật cho anh để xua đuổi nó đi, nào ngờ sự sốt sắng lại bị dội gáo nước lạnh! Anh mở mồm ra là như đâm thẳng dao vào ngực người ta. Em có thể nhịn được điều này và cũng đã quen nhịn, nhưng anh đã bôi nhọ em trước mặt người anh rể, em còn mặt mũi nào nữa trong số họ hàng thân thích cơ chứ? Anh ra ngoài cười cười nói nói, về đến nhà là sưng mặt lên, nửa năm trời nay, anh càng thay đổi hẳn. Trong trái tim anh đã không còn có em nữa, hay là vì sao? Người nào cũng bảo em ngồi ở nhà hưởng sung sướng, nhưng ai có biết em đâu phải là vợ của anh, mà là con nô tì, là đứa ở?
Đang rửa nồi trong bếp, Liễu Nguyệt nghe đến đây đã lên tiếng:
– Chị cả ơi, đứa ở là đứa ở, chứ đâu phải nô tì. Hàng ngày chị cả coi em là nô tì hay sao?
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
– Việc này không liên quan gì đến em.
Liễu Nguyệt nói:
– Mắng người thì bẩn mồm, em không cự nự. Nhưng chuyện này chị nên ít nói đi vài câu thì hơn. Chị có lòng tốt, thầy Điệp cũng có lý. Định ăn sinh nhật xong tránh rủi ro, thì mời mấy người bạn tốt đến nói chuyện ăn cơm uống rượu là được. Nhưng đàng này chị ham làm to, mong may mắn lớn, chưa nói đến nhà cửa chật chội, trời thì nóng như ngồi tù, cứ bày vẽ ra, cho rằng thầy giáo Điệp phải làm sao cơ!
Trang Chi Điệp nói:
– Em thử nghĩ xem, Liễu Nguyệt còn có kiến thức hơn em cơ đấy.
Ngưu Nguyệt Thanh đang cơn tức không có chỗ nào trút bỏ nghe Liễu Nguyệt nói thế, lại bị Trang Chi Điệp đay nghiến như vậy, càng điên tiết:
– Vâng, tôi không được như Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt sợ nấu cơm, trong nhà không có người ăn cơm, Liễu Nguyệt sẽ vui mừng mà!
Liễu Nguyệt nói:
– Một buổi sáng em đi ba cái chợ, em có kêu ca gì đâu có phàn nàn sưng chân lên đâu. Em là đứa ở, số phận em là nấu cơm cho người, em đâu có sợ nấu cơm!
Thường ngày Liễu Nguyệt vâng theo Ngưu Nguyệt Thanh, bây giờ nghe Liễu Nguyệt nói vậy, Ngưu Nguyệt Thanh lại cảm thấy mình cưng chiều cô ta quá, đối đáp với cô ta như thể tnày, tức giận càng không có chỗ nào để trút, bèn bảo:
– Vậy thì cô là con người lá mặt lá trái, khi bàn bạc thì cô nói thế nào, bây giờ người ta không đồng ý, thì cô quay mặt sang người ta. Người ta là thầy của cô là danh nhân mà lại! Người đời thường bảo một khi anh chồng không coi vợ là người nữa, thì giậu đổ bìm leo, người khắp gầm trời chẳng còn đứa nào coi chị ta ra người nữa. Câu nói ấy quả không sai! Liễu Nguyệt này, kiến thức cô cao, xin cô cho biết việc này làm sao đây? Cô nói đi! Cô nói đi!
Liễu Nguyệt uất quá nghẹn tắc cổ, liền khóc thút thít.
Trang Chi Điệp cứ ngồi lì một chỗ, tức đến tái mặt đi, thấy Liễu Nguyệt khóc, một là cảm thấy, xét cho cùng thì cô ta là người ngoài, hai nữa cũng có ý tức giận Ngưu Nguyệt Thanh, liền đập bàn bảo:
– Liễu Nguyệt, khóc cái gì? muốn giày vò cứ để cho chị ấy giày vò, đến hôm ấy em đi với tôi sang bên ngôi nhà ở hội văn học nghệ thuật, em chỉ nấu cơm cho tôi và em ăn.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
– Được rồi, anh làm ra tiền thuê được người ở thì các người muốn làm thế nào thì làm. Cứ hùa nhau mà chỉnh tôi đi. Không dám động đến chồng, không dám động đến con ở, tôi sống làm cái gì cơ chứ? Tôi xấu hổ với bậc bố mẹ, với người đi trước.
Nói rồi chị cũng oà lên khóc nức nở. Trang Chi Điệp trong cơn điên tiết dữ dội, đang đinh quát tháo ầm lên thì bà già run lẩy bẩy bước đến, Liễu Nguyệt vội vàng dìu bà. Bà đẩy Liễu Nguyệt ra, tay chỉ vào Trang Chi Điệp, song mồm cứ líu lại không nói ra được. Trang Chi Điệp quay người kéo cửa bỏ đi, đêm đó sang ngủ ở ngôi nhà bên hội văn học nghệ thuật. Trang Chi Điệp cứ ở lì bên đó, Ngưu Nguyệt Thanh cũng ở bên này không sang, hai người thi gan nhau, ngày sinh cũng thôi không tổ chức nữa. Từ sau ngày cãi nhau, Liễu Nguyệt không gần gũi mà giữ khoảng cách với Ngưu Nguyệt Thanh, trong thâm tâm lại có phần nào vui mừng trên nỗi đau khổ của người khác. Hàng ngày hết sức giữ gìn nụ cười tiếng nói. Mỗi khi có tốp người yêu chuộng văn học đến thăm, Liễu Nguyệt cũng ứng xử tự nhiên, không rụt rè không kênh kiệu. cuối cùng đã chỉnh lý từng phần việc cần làm như những bức thư quan trọng, những đơn đặt viết bài của toà soạn các tạp chí, những giấy mời hoạt động xã hội có liên quan, rồi nói với Ngưu Nguyệt Thanh:
– Chị cả ơi, những tài liệu này phải đưa cho thầy Điệp kịp thời, chị đưa sang hay để em đưa sang?
Ngưu Nguyệt Thanh thầm ngạc nhiên:
– Cô ta lại có tâm tính này ư? Quả là tài giỏi hơn mình!
Liền bảo:
– Chị không gặp anh ấy.
Liễu Nguyệt liền sang bên nhà ở hội văn học nghệ thuật. Trang Chi Điệp thấy Liễu Nguyệt đã đến, đương nhiên vui lắm, lại thấy các tài liệu sắp xếp gọn gàng đâu ra đó, quần áo trên người mặc đẹp đẽ phấn sáp chu đáo thơm thọ đã kéo tay Liễu Nguyệt nói nhiều chuyện, lại còn đòi nấu cơm xong hãy về. Như vậy, từ đó Liễu Nguyệt đi đi về về hai bên. Ngưu Nguyệt Thanh tuy giận Trang Chi Điệp nhưng xét cho cùng Trang Chi Điệp là chồng, thấy Liễu Nguyệt đi lại như con thoi như vậy, không nói cho đi, cũng không nói không cho đi, song vẫn mua một số thức ăn ngon lẳng lặng để vào làn. Liễu Nguyệt liền đem đi.
Thời gian này, Đường Uyển Nhi đến nhà bên hội nhà văn học nghệ thuật mấy lần. ngay đến bà Vị gác cổng cũng nhớ rõ một người đàn bà mắt đẹp hay cười, đã từng hỏi Trang Chi Điệp cô ấy có phải là diễn viên không. Trang Chi Điệp liền không hẹn Đường Uyển Nhi đến đây nhiều, chỉ sang “nhà cầu khuyết”. Hôm nay vừa mưa một trận, mặt trời lại toả nắng chói chang, không khí ẩm ướt càng thêm ngột ngạt. Trang Chi Điệp chờ Đường Uyển Nhi ở “nhà cầu khuyết”. Chờ chán chờ chê, đem cả chiếc ống nhòm mấy hôm trước hai người mua về để thưởng thức cảnh đẹp thành phố ở đây ra quan sát động tĩnh ở ngôi nhà đối diện. Đó là nhà tập thể nữ của xưởng thêu ren, một bầy con gái trẻ có cặp mắt và hàm răng cực đẹp, cứ tám cô một nhà, có lẽ hết giờ làm việc vừa mới về, cô nào cũng bưng chậu nước lau rửa. Trang Chi Điệp giương ống nhòm lên quan sát, cô gái nào cũng mặc quần đùi, áo cũng cởi bỏ, chỉ còn áo lót, có ba cô đang túm tụm lại vui đùa bởi một chuyện gì đó. Đang say sưa quan sát, thì ở cửa sổ kia có một tờ giấy treo lên, trên đó có mấy chữ to tổ bố viết bằng bút mực “Nhòm ngó cái gì”. Trang Chi Điệp chợt thấy xấu hổ, vội vàng đi vào nhà, thả luôn cả rèm cửa sổ xuống. Lúc này mới phát hiện ở một bên lối cửa có một mẩu giấy nhỏ, nhặt lên xem thì ra Đường Uyển Nhi nhét vào lúc sáng sớm, mà khi mình mở cửa không nhìn thấy. Mẩu giấy viết: “Báo với anh một tin vui. Chu Mẫn bảo ông phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn hoá đã bị hạ bệ, trưởng ban tuyên truyền đã phê vào tờ soạn bản tuyên bố kia mấy chữ: do Sở tự quyết định. Toà soạn tạp chí liền giữ vững quan điểm cứ đăng theo bản tuyên bố đã soạn thảo. Cảnh Tuyết Ấm không đồng ý, Chung Duy Hiền liền bảo: không đồng ý ta cũng không đăng, cho nên tạp chí số hai này không đăng nữa”. Bên dưới lại ghi một dòng: “Hôm nay em không đến được, một người bạn của Chu Mẫn ở Đồng Quan đến phổ biến tình hình ở nhà quê cho chúng em, em và Chu Mẫn phải làm cơm tiếp khách, nhân lúc đi mua thức ăn em đến báo cho anh biết, mong anh thông cảm”.
Trang Chi Điệp thở một hơi dài khoan khoái, phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn hoá đã đổ rồi, đổ đúng lúc quá. Ngưu Nguyệt Thanh đòi tổ chức sinh nhật sẽ xông được vía dữ. Tổ chức sinh nhật liệu có xông được vía dữ không? Bây giờ có tổ chức đâu, mà việc mừng vẫn đến đó thôi? Chỉ tiếc Đường Uyển Nhi không đến được, không thì sẽ cùng cô ấy uống vài ly rượu thoải mái ở đây. Bất giác liền nghĩ ngay đến chuyện họ sẽ làm gì sau khi uống rượu. Cứ thế nghĩ vẩn nghĩ vơ, tự mình thoả mãn lấy (tác giả cắt bỏ bốn mươi tám chữ).
Dùng mẩu giấy kia lau chùi, chợt phát hiện ở mặt sau lại có dòng chữ: “Lại báo cho anh một tin mừng, nghe Chu Mẫn nói một mắt của thầy giáo Phòng đã bị mù”. Đọc xong liền giật nảy mình, sửa soạn lại quần áo, rửa mặt rồi hẩp ta hấp tấp đi đến nhà Mạnh Vân Phòng.
Quả nhiên Mạnh Vân Phòng bị mù một mắt. Nhưng mù một cách hết sức lạ lùng, nhìn bên ngoài thì vẫn nguyên vẹn, anh Phòng cũng chẳng thấy đau thấy ngứa, chỉ có điều chẳng nhìn thấy gì cả. Mạnh Vân Phòng không bi quan, vẫn cười bảo:
– Sáng sớm hôm qua ngủ dậy phát hiện ra, đi vào bệnh viện gặp bác sỉ, cũng không kiểm tra nguyên nhân. Chi Điệp này, từ nay về sau làm những việc gì lừa dối mình phải cẩn thận. Mình bây giờ chỉ liếc qua một cái là biết ngay.
Trang Chi Điệp vẫn thấy thương cho anh, khuyên anh đi khám ở một bệnh viện không được, phải đi khám ở nhiều nơi. Mạnh Vân Phòng nói:
– Tôn Tư Mạc lúc còn sống cũng không chữa nổi, anh biết nguyên nhân tại sao không? Gần đây mình nghiên cứu “Thiệu tử thần số”, đã có tiến triển! Anh đến thử xem.
Nói rồi lấy từ gầm bàn ra một cái vali da, trong vali da là ba chồng sách đóng chỉ cao cao. Anh nói:
– Anh sinh lúc tám giờ tối, ngày hai mươi ba tháng bảy, năm thìn năm một nghìn chín trăm năm mươi. Mất chữ gì anh chờ một lát, tính ra một nhóm chữ số đã, anh lấy tay tra ra đi.
Trang Chi Điệp bị Mạnh Vân Phòng làm cho chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, nhìn Vân Phòng kê ra ba nhóm bốn con số. Theo cách tra Mạnh Vân Phòng hướng dẫn, đã mở quyển sách đóng chỉ ra, kết quả tìm được ba bài thơ.
Bài một:
Lông ngỗng cắt vụn gặp heo may
Trong tuyết càng sáng láng tuyết mai
Sinh năm thìn mùa hè
Ngày hai mươi ba tháng bảy nhuận
Bài hai:
Nhạn hồng lạc bầy lệ tuôn rơi
Tuổi thọ anh em chẳng giống người
Tạo hoá sinh thành ba ruột thịt
Một anh phận mỏng sớm qua đời
Bài ba:
Bố tuổi Hợi cõi tiên định sẵn
Quẻ càn khôn lắm nỗi truân chuyên
Cung song thân ông sớm từ trần
Bà còn ở thế gian hưởng thọ
Trang Chi Điệp đọc từng bài, ngạc nhiên đến mức cứ há mồm trợn mắt. Anh nói:
– Dưới gầm trời còn có loại sách lạ lùng đến thế này ư? Tình hình của gia đình tôi viết hết ở trong này.
Mạnh Vân Phòng gấp sách lại, bảo:
– Trước đây mình đã nói với Điệp, Điệp lại không tin. Quyển này là một quyển thần kỳ nhất trong các điển số của Kinh dịch. Nó bị thất lạc mấy trăm năm nay, nhiều cao thủ bói toán đều được nghe, chưa được thấy. Theo đại sư Trí Tường nói lại, thì ở thư viên Hoàng Thành Tây Kinh đã từng có một quyển. Ngày xưa Khang Hữu Vi đến Tây Kinh tìm kiếm các văn vật quý hiếm khắp mọi nơi, trước khi đi đã ăn cắp mang theo mấy thứ. Thư viện Hoàng Thành và chùa Dựng Hoàng chỉ phát hiện bị ông ta lấy đi một cái nghiên mài mực và một quyển kinh, liền báo lên Đốc quân Thiểm Tây. Đốc quân hạ lệnh cử người đuổi theo đòi lại. Ngựa khoẻ đuổi thẳng đến Đồng Quan mới kịp, vênh mặt lên đòi lại thẳng thừng. Chuyện này thời ấy đã kinh động xôn xao cả nước. Nhưng sau đó lại phát hiện thiếu một quyển, khi tra lại thư mục, mới biết là quyển “Thiện tử thần số”, biết bao nhiêu người tìm mà không tìm thấy, liền vỡ lẽ ông Khang Hữu Vi đã ăn cắp mang đi. Sau khi Khang Hữu Vi qua đời, cũng không ai biết tung tích quyển sách này. Năm kia, có một cao nhân Đài Loan, tự xưng có “thần số”, song chỉ có “Thần số” mà không có cách tra “Thần số”, đã từng đi thăm hỏi mười ba tỉnh thành ở đại lục, song cũng trở về tay không. Bây giờ thì chính mình đã có.
Trang Chi Điệp nói:
– Nói gì mà huyền ảo cao xa thế, sao không thấy anh nói năng gì?
Mạnh Vân Phòng nói:
– Anh đừng tưởng mình bạ đâu nói đấy à? Thì cũng phải xem sự việc gì đã chứ! Mình đã nói với Điệp, Điệp phải giữ mồm giữ miệng thật kín đấy, sách này là của một ông già sáu mươi hai tuổi ở Bắc Giao. Ông già không nói lai lịch của quyển sách , nghe đâu ông ấy người Mãn, là đời sau của Chính Hồng Kỳ, sách này chắc là kiếm được ở nơi nào đó của nhà vua. Ông gia mấy chục năm nay không hé răng nói về quyển sách này với ai cả, cũng không có cách tra giải, nghiên cứu miệt mài mười tám năm không tìm ra. Sau đó quen biết mình ở chỗ đại sư Trí Tường, qua mấy lần tiếp xúc mới tiết lộ bảo mình tra giải. Hiện giờ mình mới đi được một bước, hiểu cách chuyển đổi tháng năm sinh thành bốn con số như thế nào, điều tra được cũng chỉ là anh sinh tháng nào năm nào, bố mẹ anh cầm tinh con gì trong mười hai con giáp, anh em có mấy người, lấy vợ họ gì. Đằng sau còn có trước khi đẻ ra là con vật gì, sau khi chết hoá kiếp thành con gì, trong lúc còn sống thì năm nào có hoạ, năm nào có phúc, ngày nào phát tài, ngày nào mất của, làm quan đến cấp bậc nào, nổi tiếng ra sao. Nhưng mình hoàn toàn không biết cách tra giải. Ngay ở trang đầu quyển sách này đã viết “Tiết lộ thiên cơ thì mù mắt câm miệng”. Mình đi được bước này thì đã mù một mắt.
Mạnh Vân Phòng nói một mạch khiến Trang Chi Điệp phát khiếp. Anh nói:
– Vậy thì không xem lại sách đó nữa.
Mạnh Vân Phòng hỏi:
– Sao lại không xem nữa? không giải sách này thì mắt người sáng, mắt người chỉ nhìn được thế giới hiện thực. Giải được sách này thì mắt người bị mù, song lại nhìn được thế giới tương lai, vậy thì nặng đầu nào nhẹ đầu nào? Cho nên sau khi mù mắt, mình đi bệnh viện không tìm được nguyên nhân, mà trong lòng vẫn vui, biết mình đã thật sự giải được một chút sách trời, về nhà tinh thần càng tươi tỉnh, hăng hái nghiên cứu ngày đêm, chỉ tiếc là không tiến triển được nữa.
Đến nước này thì Trang Chi Điệp cũng chỉ nói:
– Anh đã say sưa với đạo này thì hãy tra thêm cho tôi xem bà xã như thế nào?
Mạnh Vân Phòng lại tính toán một lúc, liệt kê ra một nhóm bốn con số, rồi tra sách, trong sách viết rằng:
Cây khô trước cửa dáng Phượng về
Ngựa lộc muốn tìm chẳng thấy chi
Biết biến khuyết kia thành ưu nọ
Lôi thôi rặt những chuyện vỉa hè
Trang Chi Điệp nói:
– Thế này là có ý gì nhỉ? Xem ra là Nguyệt Thanh, lại hình như không phải Nguyệt Thanh?
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Mình cũng xin chịu.
Trang Chi Điệp lại hỏi:
– Anh thử tra những người chúng ta quen biết xem nào?
Mạnh Vân Phòng nói:
– Anh xem cái này.
Nói rồi lấy từ một quyển sách ra một tờ giấy, đưa cho Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp mở ra xem song không hiểu. Mạnh Vân Phòng nói:
– Đây là nội dung mình tra cho bà xã, đúng trăm phần trăm. Trong mệnh của cô ấy là phải lấy hai đời chồng. Những người khác mình không nắm được tháng năm sinh.
Trang Chi Điệp bảo:
– Vậy tôi nói ra ba người, một người là Đường Uyển Nhi, sinh giờ hợi ngày mồng ba tháng ba năm năm bảy, một người là Liễu Nguyệt sinh giờ mão ngày mười tám tháng mười hai năm sáu ba, người thứ ba là vợ Uông Hy Miên sinh giờ dậu ngày mồng tám tháng chạp năm năm mươi.
Mạnh Vân Phòng tra từng người một, lạ thay mỗi người chỉ có thể tra ra một nhóm bốn con số, hơn nữa không phải là kiểu thơ bốn câu bảy chữ.
Của Đường Uyển Nhi là:
Biển hồ mênh mang thả câu trong sóng khói
Mồi hết cá chẳng thấy, mất cả chì lẫn chài
Của Liễu Nguyệt là:
Mừng, mừng, mừng cuối cùng có giữ được hay không
Vớ châu báu dưới cổ rồng đen tuyền, bỗng dưng giành mất, vẫn còn trong nước
Của vợ Uông Hy Miên là:
Lòng rười rượi, mồm ra rả, hết suy nghĩ này đến lo lắng khác bảo thôi lại không thôi
Trang Chi Điệp hỏi:
– Tại sao trong này không viết chút gì về việc hôn nhân của họ nhỉ?
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Việc hôn nhân có lẽ sẽ tra ở nhóm bốn con số khác, nhưng dựa vào ngày tháng năm sinh của họ, mình chỉ tra được ngần ấy.
Trang Chi Điệp cứ tiếc mãi, song lại nghĩ, thế lại hoá hay, nếu để mình biết hết cũng là việc đáng sợ. Nếu tất cả đều do số mệnh quyết định, thì Ngưu Nguyệt Thanh, nếu tương lai không thuộc về mình, thì mình với cô ấy như vậy là xong, nếu tương lại đầu bạc răng long với cô ấy, thì làm sao lấy được cả hai? Nếu Đường Uyển Nhi có thể cuối cùng lấy mình, cũng còn được, nếu là lấy người khác, thì không biết hẫng hụt cả hai đầu, mình còn được tâm tư với cô ấy nữa không? Lại còn Liễu Nguyệt, lại còn vợ Uông Hy Miên, thậm chí sau này còn gặp người nào nữa? Cứ xem xét theo “Thiệu tử thần số” thì cuộc đời của con người, thật ra mọi thứ kể từ lúc mới sinh ra đều đã được sắp xếp đâu vào đấy vậy thì thành tựu ta đạt được, thanh danh có được và mối quan hệ dây mơ rễ má với những người đàn bà bên mình phải như vậy thì cũng chẳng kích thích được bao nhiêu. Nghĩ đến đây, Trang Chi Điệp lại hối hận không nên tra quyển sách này làm gì, anh nói:
– Không tra được cũng hay, anh đừng bao giờ tra những người quen biết nữa, chuyện hôm nay cũng không được nói với ai cả nhé!
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Nên như vậy. Không thì Điệp cũng biết quá nhiều, mắt không mù thì mồm cũng câm. Điệp không so với mình được, hiện giờ Điệp đang như mặt trời giữa trưa, cứ yên trí và sống cho vui vẻ.
Trang Chi Điệp chỉ lắc đầu:
– Tôi mà sống vui vẻ ư?
Khoảng một tiếng sau thì Hạ Tiệp trở về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chào hỏi Trang Chi Điệp rồi ngã người ngồi phịch xuống ghế xa lông, kêu mệt bã người, bảo Mạnh Vân Phòng châm cho một điếu thuốc. Mạnh Vân Phòng châm thuốc đưa cho vợ. Trang Chi Điệp hỏi:
– Chị cũng hút thuốc ư?
Hạ Tiệp đáp:
– Những thứ đàn ông các anh hưởng thụ được, thì em cũng phải được hưởng chứ? Vân Phòng ơi, hôm nay ăn gì? Anh đã nấu xong chưa?
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Chi Điệp đến chơi, bọn anh mải nói chuyện, làm gì có thời gian rảnh rỗi mà nấu cơm. Em làm cho bọn anh một ít mì sợi nhé!
Hạ Tiệp đáp:
– Anh ngồi trong nhà mát mẻ cả buổi sáng, lại sai em đi nấu cơm. Em không nấu đâu!
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Không nấu cũng được, anh ra phố mua một ít phở chua ngọt về ăn.
Nói rồi xách cặp lồng bước khỏi cửa. Mạnh Vân Phòng vừa đi ra, Hạ Tiệp đã nói với Trang Chi Điệp:
– Chắc anh cho rằng em làm thế là quá quắt phải không? Gần đây em cố ý, thậm chí chẳng làm việc gì trong nhà. Anh không biết đấy thôi, hiện giờ anh Phòng suốt ngày vùi đầu vào “Thiệu tử thần số”, người cũng trở nên tâm thần mất rồi. Em nói, anh ấy hoàn toàn không nghe. Đầu tiên kính nể nhà sư Trí Tường như thần thánh, sau đó lại ca ngợi ni cô Tuệ Minh hết lời, bây giờ thì quen biết một lão già chết tiệt ở Bắc Giao, sùng bái ông ta hết chỗ nói. Anh ấy là một người mỗi thời kỳ không có một đối tượng để sùng bái, thì không sống nổi hay sao ấy!
Trang Chi Điệp cười hỏi:
– Bây giờ không đi làm cố vấn cho những nhà máy sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khoẻ thần ma nữa à?
Hạ Tiệp đáp:
– Bỏ từ lâu rồi! Anh nhìn gầm giường mà xem, một đống túi đựng bảo nguyên thần công kia kìa. Hồi ấy anh Phòng viết giới thiệu sản phẩm, nói trong túi bảo nguyên có xạ hương, có băng phiến, có dương vật hổ, em bảo một nhà máy sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, một ngày sản xuất biết bao nhiêu là túi, anh đào đâu ra dương vật hổ, một con hổ một cái dương vật, đựng được bao nhiêu túi? Anh nuôi hổ dưới gầm giường hay săn bắt ở núi Trường Bạch vùng đông bắc, anh không sợ Cục công an đến hỏi tội giết bừa bãi động vật quý hiếm của nhà nước hay sao?
Trang Chi Điệp cười ha ha. Mạnh Vân Phòng bưng phở chua ngọt về hỏi cười cái gì mà vui vẻ thế. Hạ Tiệp nói với Trang Chi Điệp:
– Không nói với anh ấy, cười những kẻ đáng cười ấy mà!
Mạnh Vân Phòng cũng không vặn hỏi làm gì. Ba người bắt đầu ăn cơm. Ăn xong, Mạnh Vân Phòng lại đi đi với Trang Chi Điệp, Hạ Tiệp bực mình cứ tỉnh bơ. Vừa ra khỏi cửa, Mạnh Vân Phòng đã hoạt bát hẳn lên, yêu cầu Trang Chi Điệp dùng xe máy đưa anh đến thôn Tiểu Dương ở Bắc Giao, anh bảo ông già kia ở thôn đó. Lại còn kể lể ông già ấy lạ lùng như thế nào, những năm gần đây đi khắp bốn phương tìm kiếm những người tu hành đắc đạo ở các nơi, để từ những người đó tra dò cách tra giải “Thiệu tử thần số”. Riêng anh sở dĩ nhập được môn, cũng là do ông già nghe được một câu vè của một bà lão nắn bóp xương về nói lại. Trang Chi Điệp cũng định đến xem ông già đó là người như thế nào. Thế là chở Mạnh Vân Phòng phóng như bay ra ngoại ô phía bắc thành phố.
Thôn Tiểu Dương Trang không to lắm. Ở đầu thôn có một ngôi nhà gác nhỏ, một đôi trai gái trẻ đang đứng trên ban công gác hai. Người đàn bà đang dỗ cho con bú, người đàn ông bảo: “Con có bú không nào? con không bú thì bố bú nhé!”, quả nhiên anh ta bước tới bú đánh chụt một cái rất kêu. Người đàn bà bảo: “Ê, bố con xấu mặt” rồi chị vừa trêu con, vừa đọc lời hát:
Hai mươi ba ông Táo, hai mươi bốn quét dọn nhà cửa, hai mươi lăm xay đậu phụ, hai mươi sáu chưng bánh bao, hai mươi bảy giết gà sống, hai mươi tám dán hoa cửa sổ, hai mươi chín niêm phong nhà kho, ba mươi cạo móng, mồng một kiễng chân.
Trang Chi Điệp cứ trợn mắt nhìn lên, Mạnh Vân Phòng bảo:
– Con trai con dâu ông lão đấy, hai đứa đang vui đùa, anh nhìn gì mà ghê thế?
Trang Chi Điệp đáp:
– Tôi nghe họ đọc lời ca, lời hai câu cuối hay quá! Tại sao ba mươi cạo móng, mồng một kiễng chân?
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Ba mươi tết đun nước nóng ngâm rửa chân, cắt móng chân, thay giày mới, sáng sớm mồng một con cái phải cúi lạy bố mẹ, khi quỳ lạy chân phải kiễng lên mà!
Trang Chi Điệp bảo:
– Hay, hay! Người đàn bà này đặc giọng Hà Nam, vần điệu nghe hay lắm.
Mạnh Vân Phòng hỏi lên ban công:
– Bố cậu có nhà không?
Người đàn ông đáp:
– Ở trong nhà!
Mạnh Vân Phòng liền dẫn Trang Chi Điệp vào sân, đi thẳng đến gian phòng ở phía bắc, tầng dưới ngôi nhà. Quả nhiên có một ông già đang ngồi một mình uống trà ở đó. Trang Chi Điệp bước vào, ông già không đứng dậy, chỉ nghiêng người mời ngồi, đưa tới một cái chén bám đầy cáu trà, khe khẽ nói chuyện với Mạnh Vân Phòng. Trang Chi Điệp ngăm nhìn căn nhà. Căn nhà không có cửa sổ, tối om om, toả ra mùi thum thủm. Trên giường, trên bàn, chỗ nào cũng có sách cổ đóng chỉ. Mạnh Vân Phòng giới thiệu:
– Đây là người em họ, không sao đâu, ông cứ nói to lên.
Ông già lại nhìn Trang Chi Điệp nói:
– Anh hút thuốc.
Ông tìm trên người, không thấy thuốc, liền vặn người thò tay sờ mó trong đống chăn ngổn ngang trên giường, tìm được gói thuốc, vứt cho Trang Chi Điệp giọng nói vẫn còn nhỏ nhẹ:
– Tôi đã đi Vị Bắc ba lần, người ấy không đưa sách cho tôi xem. Lần thứ tư tôi đi, thì ông ấy bảo không xem được, xem cũng giống như mua, tôi bảo tôi có thể mua, ông nói giá đi. Ông ấy bảo, tôi đang cần tiền làm nhà, phải hai mươi vạn. Tôi bảo nhiều tiền thế, tôi không kiếm nổi, tôi trả ông bốn vạn nhé? Ông ấy bảo bốn vạn ít quá. Hai người mặc cả mãi, tôi tăng lên năm ngàn. Tôi chỉ có ngần ấy tiền. Chiều hôm trước tôi lại đi, ông ấy đã biến quẻ, tôi không về, ở lại nói chuyện một đêm. Tôi bảo, ông không có sách thần số, thì giữ hai mươi câu vè có tác dụng gì? Ông ấy bảo, vâng, ông không có hai mươi ba câu vè này, có quyển sách ấy cũng chẳng bằng có quyển “Từ nguyên”, “Từ nguyên” ấy mà! Ông ấy nói cũng đúng. Tôi bảo, chờ bao giờ tra giải được, tôi sẽ cóp py một bộ tăng ông. Sáng hôm sau, ông ấy đã đồng ý, tôi đưa cho ông ấy bốn vạn năm ngàn đồng, ông ấy lấy ra một quyển sách nhỏ, khóc thất thanh, tự nhận mình là đứa con bất hiếu, đã trao cho người ta bảo bối của tổ tiên để lại. Ông ấy khóc đến mức không thẳng lưng lên được.