Phế Đô

Chương 50 - Chương 50

trước
tiếp

Mười ngày đã trôi qua, sức khỏe khôi phục dần, Trang Chi Điệp đột nhiên cảm thấy đã nhiều ngày không uống sữa bò tươi. Hỏi Liễu Nguyệt, thì Liễu Nguyệt bảo không thấy chị Lưu đến. Một hôm Trang Chi Điệp buồn chán vô cùng, đã hẹn Đường Uyển Nhi đi ra ngoại thành chơi cho khuây khoả, tình cờ đã đi vào một thôn, Trang Chi Điệp reo lên:

– Ái chà, đây cả phải thôn Miêu Oa là gì? Nhà chị Lưu ở đầu đàng kia, bao nhiêu ngày nay không được uống sữa tươi, phải chăng chị Lưu ốm, đi đến thăm xem sao! Uống sữa bò một thời gian khá dài như vậy, nếu bảo ăn gì thành thứ ấy, có lẽ anh cũng sắp sửa biến thành bò mất rồi.

Đường Uyển Nhi bảo:

– Anh đã có những cái của bò ở trên người mà.

Trang Chi Điệp vén ống tay áo lên nói:

Bạn đang đọc truyện tại

– Em bảo lông trên cánh tay anh dài phải không? Hay là tính anh cục súc, cố chấp hả?

Đường Uyển Nhi đáp:

– Anh có sừng bò.

Khi hai người tìm đến nhà chị Lưu thì chị Lưu đang dệt vải trên chiếc khung cửi đặt ở lối vào cửa, trời nóng quá, chị Lưu mặc chiếc áo lót, chung quanh eo thắt lưng còn giắt nhiều lá cây đào hạt.

Chị Lưu reo lên một tiếng “ái chà”, vội vàng rời khỏi khung cửi, nói rối rít:

– Trời ơi, anh chị làm sao đến đây được? Thế chị cả đâu không về làng này chơi cho khuây khoả! Lâu lắm không vào thành phố hẳn là nhớ tôi lắm. Vừa nãy gan bàn chân ngưa ngứa, gan bàn chân ngứa là gặp người thân mà, tôi cứ nghĩ quanh, ai sẽ đến thế nhỉ, không là bố mẹ tôi mà là anh chị.

Trang Chi Điệp bảo:

– Chị chỉ nhớ chúng tôi, nhưng chúng tôi đi mệt lử mà chị không bảo ngồi, cũng không cho uống nước.

Chị Lưu kêu ồ ồ, vỗ tay lên trán, kéo vào nhà ngồi, rồi đun nước sôi, rồi làm trứng luộc. Chị bưng lên, Đường Uyển Nhi không ăn, chỉ uống nước, chị Lưu mời chẳng được, liền gắp ra một cái bát khác, bưng đi, the thé gọi thằng cu con về ăn.

Trang Chi Điệp liền gạt hai quả trong bát của mình sang bát của Đường Uyển Nhi và bảo:

– Em phải ăn, em nhìn xem nó có giống hai hòn kia không, sao em lại không ăn hả?

Đường Uyển Nhi khẽ đáp:

– Đừng có đùa cợt ngứa nghề ở đây, người ta coi anh là vĩ nhân cơ mà!

Chị Lưu quay trở về, thấy hai người đã ăn, đã uống lại nói chuyện vui vẻ. Trang Chi Điệp liền hỏi:

– Lâu lắm rồi không gặp chị là thế nào vậy? Không có sữa bò sống, người gầy đi đấy.

Chị Lưu đáp:

– Sáng nay tôi còn nhờ cô Tâm cạnh nhà vào thành phố mua thức ăn, bảo rẽ qua nhà anh nhắn tin con bò bị ốm.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Bò ốm ư?

Chị Lưu đáp:

– Đã mấy ngày nay chẳng ăn chẳng uống gì. Ba hôm trước tôi còn dắt nó đi dạo, hôm qua nằm xuống là không gượng dậy nổi. Tiếc quá, con bò này đã kiếm tiền cho nhà tôi một thời gian dài như thế, tôi cứ sợ nó có mệnh hệ gì cơ! Mời một bác sĩ thú y đến khám, người ta bảo không phát hiện ra bệnh gì, có lẽ vài hôm sẽ khỏi. Khỏi thế nào được? Có ăn uống gì đâu mà khỏi. Bố thằng cu đã đi Tiền Bảo Tử mời Tiêu Thọt. Tiêu Thọt là thầy thuốc thú ý nổi tiếng trong vùng.

Trang Chi Điệp đi ra chuồng bò, chỉ thấy con bò sữa gầy đến nỗi chỉ còn bộ xương to kềnh, bỗng thấy trong lòng đau đớn. Con bò sữa cũng nhận ra người đến là ai, dỏng tai định đứng dậy, cựa quậy một lúc không sao đứng lên nổi, cặp mắt nhìn Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi, nước mắt trào ra rơi xuống. Đường Uyển Nhi bảo:

– Đáng thương quá, thật chẳng khác gì người, nhìn thấy là đau đớn chảy nước mắt. Nhìn bầu sữa của nó kìa, cơ thể thì gầy còm, chỉ được cái bầu sữa thì to.

Ba người cùng ngồi xổm, vẫy tay xua đuổi đàn ruồi muỗi. Trong lúc nói chuyện, thì vòng cổng kêu lạch cạch, có hai người đi vào. Chồng chị Lưu, Trang Chi Điệp đã biết mặt, anh cõng chiếc va li da, theo sau anh là một người thọt chân, biết ngay là thầy thuốc thú y. Chào hỏi nhau mấy câu, Tiêu Thọt liền ngồi xuống bên cạnh bò xem xét một lúc, sau đó lậi mí mắt bò, cạy mồm bò, nhấc đuôi bò kiểm tra đít, rồi gí sát tai vào bụng bò nghe nhiều chỗ, cuối cùng vỗ vào sống lưng bò kêu bồm bộp, mỉm cười. Chị Lưu hỏi:

– Có cứu được không?

Tiêu Thọt hỏi:

– Chị mua con bò này bao nhiêu tiền?

Chị Lưu đáp:

– Bốn trăm năm mươi ba đồng, mua ở trong núi Chung Nam, con bò này có duyên với nhà mình, mua về là có sữa, tính nết cũng ngoan, giống như một thành viên trong gia đình.

Tiêu Thọt lại hỏi:

– Bán sữa được bao nhiêu rồi?

Chị Lưu đáp:

– Hơn một năm, thương nó lắm cơ, nó theo tôi đi phố chui ngõ…

Tiêu Thọt nói:

– Thế thì tôi mừng cho chị, chưa kể sữa bán một năm nay đã thu về tiền vốn mua bò, sau đấy còn hàng tạ thịt, một bộ da, nó sẽ cho chị mấy ngàn đồng nữa. Nó bị bệnh gan, biết không hả? Người bị bệnh gan, bò cũng bị bệnh gan. Nhưng bệnh gan của bò có ngưu hoàng, ngưu hoàng là vị thuốc đông y rất có giá! Người ta nghì cách nuôi ngưu hoàng thân bò, nhà chị đây, trời thả tiền xuống cho, còn buồn cái gì hả?

Chị Lưu nói:

– Ông nói cái gì vậy? Tôi có báu gì ngưu hoàng hay không ngưu hoàng. Tôi là tôi tức, để có ngưu hoàng, thì mắt cứ trợn lên nhìn nó chết hay sao? Nó cũng là một người trong nhà tôi. Ông cứ cắt thuốc, để nó uống rồi nghỉ ngơi tử tế.

Tiêu Thọt nói:

– Người như chị có một, tôi mới gặp lần đầu tiên, tốt bụng thì tốt bụng, nhưng tôi nói với chị, muốn chữa khỏi là tôi không chữa nổi đâu, có lẽ cũng không ai chữa được. Nghe tôi đi, ngày mai gọi người giết đi, còn có thể rót được ít thịt, nếu giết muộn, thì bò không cứu chữa được, mà thịt trên người nó cũng khô xác hết.

Chị Lưu quay người chạy vào trong nhà khóc nức nở. Chồng chị Lưu dặn vợ nấu cơm cho Tiêu Thọt, chị cũng phớt tỉnh, vẫn cứ khóc. Anh Lưu sốt tiết lên, mắng vợ:

– Chồng mụ chết hay sao mà mụ hờ thảm thiết thế hả? – mắng xong nhìn Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi, có phần ngượng nghịu. Anh ta nói:

– Bà xã nhà tôi ương bướng lắm, anh chị cứ ngồi chơi, chờ lát nữa cô ấy sẽ làm cơm cho chúng mình ăn.

Trang Chi Điệp nói:

– Chị Lưu nuôi con bò này đã lâu, trong lòng thương xót đấy mà, chẳng phải một mình chị ấy, ngay đến tôi đã từng uống sữa nó, nghe xong cũng đau đớn lắm.

Trong nhà liền nổi lên xủng xoảng tiếng xoong chậu và nước rửa. Anh Lưu hỏi:

– Mình hoà bột đấy à? Vậy thì nấu một ít canh mì.

Một lúc sau, chị Lưu bưng cái chậu ra, trong chậu lại là cháo đậu xanh sền sệt, chị để sát mõm cho con bò ăn. Tiêu Thọt tỏ ra khó chịu nói:

– Tôi không ở lâu được, thôn trước mặt còn có người gọi tôi đi khám bệnh cho bò, Anh cho xin tiền khám bệnh. Con bò này không cứu được đâu, tôi cũng không đòi anh nhiều, anh cứ trả tám đồng mười đồng tuỳ ý.

Anh Lưu giữ ông ta lại nhưng không giữ được, đã trả tiền và tiễn Tiêu Thọt ra cổng. Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi thấy chị Lưu đau khổ cũng định chia tay chào chủ nhà, ra đến cổng, thì nghe thấy con bò sữa rống lên một tiếng.

Ra ngoài đường, Trang Chi Điệp lắc đầu bảo:

– Mình hoà bột đấy à? Vậy thì nấu một ít canh mì.

– Thời gian này không hiểu sao toàn gặp tai nạn là tai nạn, khiến lòng người chán nản vô cùng.

Đường Uyển Nhi hỏi:

– Từ đấy về sau anh có còn chung sống với Liễu Nguyệt không?

Trang Chi Điệp bảo:

– Đang nói chuyện nghiêm chỉnh hẳn hoi, em cũng xiên xẹo lái sang chuyện kia được à?

Đường Uyển Nhi nói:

– Các người cứ hú hí với nhau thì đương nhiên là tia nạn sẽ lũ lượt nối nhau kéo đến. Nếu anh cứ thế mãi, chưa biết chừng không phải anh, thì là em có chuyện chẳng lành đấy.

Trang Chi Điệp mắng một câu ăn nói lung tung láo toét, nhưng bỗng chột dạ, nhẩm tính thời gian, cũng thấy hoảng sợ, liền bảo:

– Anh đâu có qua lại với con bé ấy nữa. Bây giờ Liễu Nguyệt đã yêu Triệu Kinh Ngũ, chẳng biết Triệu Kinh Ngũ có thậm thụt gì không?

Đường Uyển Nhi nói:

– Vậy thì chưa đến lúc đấy thôi.

Hai người đã đi đến đường vòng chung quanh thành phố, Trang Chi Điệp định vẫy một chiếc xe taxi cùng ngồi, Đường Uyển Nhi bảo đi bộ nói chuyện hay hơn. Không hiểu sao, đột nhiên Trang Chi Điệp nhớ đến A Lan, hỏi Đường Uyển Nhi có muốn đến bệnh viện tâm thần thăm A Lan không?

Trang Chi Điệp đã kể cho Đường Uyển Nhi nghe chuyện của hai chị em A Xán và A Lan từ lâu, chỉ có điều cố giấu sự việc chung đụng với A Xán. Lúc này nhắc tới đi thăm A Lan, Đường Uyển Nhi tỏ ra không vui, liền hỏi:

– Anh thường hay nghĩ đến A Lan phải không? Hối hận không kịp yêu A Lan chứ gì? Khi anh và em ở bên nhau, anh cũng nhớ tên cô ta ư? Thật là của không ăn đến được dầu thơm ngon, thơm ngon ăn lắm rồi cũng đâm chán!

Trang Chi Điệp nói:

– Con đường này đi theo hướng đông sẽ đến bệnh viện tâm thần, cho nên anh nhớ tới cô ấy, còn em thì đang cay cú uống nhiều dấm chứ gì? Nếu cô ấy không bị điên, không biết em sẽ thế nào nhỉ?

Đường Uyển Nhi đáp:

– Em thế nào ấy à? Thoả mãn anh, đi bệnh viện, để em coi cô ta xinh đẹp đến mức nào, chỉ sợ anh đến thăm, ngược lại chỉ đau khổ cho trái tim cô ấy. Cô ấy đứng lẻ loi trong cửa sắt, còn anh thì khoác tay người đẹp ở bên ngoài.

Nghe nói vậy, Trang Chi Điệp cũng đâm ra do dự, anh nói:

– Vậy thì anh không đi nữa, cô ấy là người điên. Có lẽ cũng không nhận ra anh đâu!

Đường Uyển Nhi hỏi:

– Nhưng anh có muốn không?

Cặp mắt chị ta chớp chớp, cười toe toét. Trang Chi Điệp bứt một cây cỏ định nẹt chị ta, chị ta nhảy tâng tâng xuống cái bờ cạnh đường bảo đi đại tiểu tiện. Trong vạt cỏ cao ngang người, chị ta bước đi, mái tóc tung tẩy trên đầu ngọn cỏ, chợt ẩn chợt hiện, trông rất mê ly, cảnh vật đẹp vô cùng.

Trang Chi Điệp bảo:

– Ngồi xổm xuống, trên đường có xe, đừng để người trên xe nhìn thấy mông em.

Đường Uyển Nhi đáp:

– Anh ta đã nhìn thấy một hòn đá trắng.

Rồi chị ta khe khẽ cất giọng hát. Đường Uyển Nhi chưa hát dân ca bao giờ. Hát được mấy câu thì Trang Chi Điệp nhớ đến khung cảnh Liễu Nguyệt đã từng hát dân ca Thiểm Bắc. Anh hỏi:

– Uyển Nhi cũng hát được chứ?

Đường Uyển Nhi đáp:

– Sao em lại không biết?

Trang Chi Điệp hỏi:

– Điệu gì vậy?

Đường Uyển Nhi đáp:

– Điệu hoa cổ ở Thiểm Nam.

Trang Chi Điệp hớn hở giục:

– Hay lắm, em hát lại lần nữa đi.

Đường Uyển Nhi vừa nhìn một tổ kiến bị nước giải xối chảy, vừa khe khẽ hát:

Làn môi nhớ anh, mà sao khó nói

Ngọn tóc nhớ anh, sợi dây đỏ khó tranh

Con ngươi mắt nhớ anh, nhìn người hóa ra anh

Cái đầu lưỡi nhớ anh, mỡ muối dấm tương khó nếm

Đứng cạnh đường, Trang Chi Điệp vừa nghe, lại vừa e sợ người đi qua cũng nghe thấy mà nhìn sang. Anh đứng gác, nhìn trước ngó sau, nghẹo cổ sang bên trái bên phải. đầu tiên có một con thỏ rừng vụt chạy từ bên này sang bên kia đường, nhanh như một cái bóng lướt qua sau đó lại thấy ở trước mặt có bốn năm người đứng cách khoảng một cây số vội vàng hạ thấp giọng, giục:

– Thôi đừng hát nữa.

Nhưng lại thấy những người kia không có ý đi tới biết ngay đó là trạm đỗ xe, liền yên chí mở bao thuốc ra hút. Song giữa lúc ấy một chiếc xe chở khách đến đỗ tại chỗ, trên xe có một người đi xuống, đang đi tới. Trang Chi Điệp vội vàng hỏi Đường Uyển Nhi đã xong chưa. Lại nhìn người đang đi đến, bỗng dưng giật nảy mình ngạc nhiên, vì đã nhận ra đó là A Xán. Trang Chi Điệp gọi một tiếng. A Xán nghe thấy ngẩng lên nhìn, ánh nắng mặt trời rọi vào mặt hình như làm chị nhìn không rõ, tay che trán nhìn, chợt lặng người di, rồi quay người chạy trở lại. Người lên xe đã lên hết, cửa xe đã đóng. A Xán cứ đập thình thình vào cửa xe và gọi to. Cửa xe đã mở, A Xán len người chen luôn vào. Trang Chi Điệp vừa chạy đến dưới cửa xe thì cánh cửa đóng sầm một cái, vạt áo sau của A Xán liền bị kẹp vào khe cửa, xe phóng đi. Trang Chi Điệp tay vẫy gọi:

– A Xán ơi! A Xán! Tại sao em không gặp anh hả? Tại sao em trách anh hả? Em đang ở đâu thế?

Trang Chi Điệp hất tay đuổi cho xe chạy, rồi trở lại đứng chỗ ban nãy. Chiếc xe đã đi xa, Trang Chi Điệp ngồi phịch xuống bã cỏ. Đường Uyển Nhi ngồi trong khóm cỏ, hàng đàn châu chấu nhảy rào rào chung quanh người, đuổi cũng không bay, chị ta thấy hay hay đi đùa vui với chúng, bắt một con, lấy sợi tóc trói chân lại, bắt con nữa cũng trói vào, tất cả đã bắt được bốn con, cầm ra cho Trang Chi Điệp xem, thì được chứng kiến cảnh vừa rồi. Chị ta lập tức bỏ châu chấu xuống đi ra, nhìn thấy Trang Chi Điệp đau đớn khóc lóc, cũng không dám trêu chọc, liền hỏi:

– Đó là A Xán ư?

Trang Chi Điệp gật đầu.

Đường Uyển Nhi nói:

– Hôm nay kỳ quặc thật, vừa nhắc đến Lan, thì A Xán lù lù dẫn xác đến. Tại sao nhìn thấy anh cô ta lại bỏ chạy?

Trang Chi Điệp trả lời:

– Cô ấy đã từng bảo không bao giờ gặp anh nữa. Chắc chắn cô ấy đi thăm em gái ở bệnh viện trở về, có lẽ chỉ ở quanh khu này. Nhìn thấy anh không để anh biết mình đang ở đâu, nên đã quay lên xe.

Đường Uyển Nhi nói:

– Cô A Xán chắc chắn đã từng yêu anh. Đàn bà như vậy, đã yêu ai là cứ liều sống cố chết lao vào như con thiêu thân, bị lửa cháy thành tro cũng không tiếc, không thì hầm hầm xa lánh, trốn tránh không thèm gặp. Hai anh chị đã từng yêu nhau, phải không?

Trang Chi Điệp không trả lời chính diện, nhìn Đường Uyển Nhi rồi hỏi:

– Uyển Nhi ơi, em nói thật đi, anh là một thằng tồi phải không?

Đường Uyển Nhi không ngờ Trang Chi Điệp nói như vậy, bỗng chốc nghẹn tắc cổ, chị ta đáp:

– Anh không phải là người hư hỏng.

Trang Chi Điệp nói:

– Em dối anh, em đang dối anh. Em tưởng nói như thế, anh sẽ tin phải không?

Trang Chi Điệp túm chặt những cây cỏ, những cây cỏ chung quanh anh bị vặt đứt sạch. Anh lại nói:

– Anh là thằng ngốc. Anh hỏi em, liệu có thể hỏi ra những câu trả lời thật không? Em sẽ chẳng nói thật với anh đâu!

Đường Uyển Nhi bị dồn nén tới mức đỏ cả mặt lên. Chị ta đáp:

– Anh không phải là kẻ hư hỏng thật mà! Kẻ hư hỏng trên đời anh vẫn chưa gặp đâu. Nếu anh là kẻ hư hỏng, thì em càng là kẻ hư hỏng hơn. Em đã phản bội chồng, vứt bỏ con chạy theo Chu Mẫn, bây giờ lại chung sống với anh. Nếu anh là kẻ hư hỏng, chắc cũng do em làm anh hư hỏng.

Đường Uyển Nhi đột nhiên xúc động, hai mắt tấy đỏ rơm rớm nước. Trang Chi Điệp thì ngồi đực ra. Anh vốn định nói để xua đi nỗi khổ trong lòng mình, song Đường Uyển Nhi đã nói như vậy, anh càng nhận ra mình đã từng hại mấy người đàn bà, liền đưa tay lôi chị ta, chị ta co người lại, cả hai người đều quỳ khóc trước mặt nhau.

Cuối cùng đã về đến nhà Đường Uyển Nhi. Chu Mẫn đi vắng, chiếc huyên đặt trơ trọi trên bàn. Trong miệng sứ màu đen của cái huyên cắm một bông cúc dại nho nhỏ. Trang Chi Điệp ngẩn người nhìn một lát, không dám động vào. Đường Uyển Nhi lấy nước nóng để hai người ngâm chân, chị ta bảo móng chân Trang Chi Điệp dài quá rồi.

Chị ca cẩm:

– Cô ta cũng chẳng chịu cắt cho anh cái gì cả!

Chị ta lấy kéo ra cắt móng chân. Trang Chi Điệp không nghe nhưng chị ta vẫn cắt, đi giày vào giúp anh, rồi đặt đôi chân nhỏ của mình vào lòng anh và bảo:

– Em muốn anh xoa bóp cho em cơ, vì anh em đã đi giày cao gót suốt một ngày, đau mỏi quá đi mất.

Trang Chi Điệp liền xoa bóp, Đường Uyển Nhi cười, liếc mắt bảo:

– Em muốn lắm rồi, khó chịu quá!

Trang Chi Điệp nói:

– Không dám đâu, hết giờ làm việc rồi.

Đường Uyển Nhi nói:

– Ngày nào cũng tối mịt anh ta mới về. Hôm nay tư tưởng tình cảm căng thẳng, chỉ có em mới thư giãn được, anh muốn thế nào thì thế, chỉ cần anh vui vẻ.

Nói rồi chị ta rút cái cặp tóc gài mái tóc trên, mái tóc dài đen như mây xổ ra lả tả. Chợt ngoài cổng có tiếng xe lọc cọc, Đường Uyển Nhi lập tức búi tóc xoã thành cái đuôi ngựa, rút hai chân xỏ vào giày da, mồm hỏi:

– Ai đấy? Ai đấy?

Rồi chị ta chạy ra cổng. Trang Chi Điệp vội vã nhặt đôi tất ni lông ở cạnh giường vắt lên giây thép trên tường và cũng đi ra.

Chu Mẫn đã hỏi anh:

– Thầy Điệp đến chơi ư? Em định ăn cơm xong sẽ sang bên thầy. Em đã nấu cơm chưa Uyển Nhi?

Đường Uyển Nhi đáp:

– Em đi mua thức ăn, gặp thầy Điệp ở ngã tư, mời thầy cùng vừa tới. Thầy Điệp ơi, thầy ăn gì nào? Tráng trứng nấu cháo gạo đen, thế nào?

Chu Mẫn để xe đạp vào một chỗ, giục:

– Em cứ đi nấu đi. Thầy Điệp này, nghe nói thầy ốm, đã đỡ rồi phải không?

Trang Chi Điệp đáp:

– Cũng chẳng ốm đau gì đâu, chỉ có điều Cung Tịnh Nguyên qua đời, đau buồn quá nằm mất mấy hôm.

Chu Mẫn nói:

– Ai cũng bàn tán chuyện này, họ bảo tình cảm của thầy đối với Cung Tịnh Nguyên sâu nặng lắm!

Trang Chi Điệp hỏi:

– Họ nói thế à?

Chu Mẫn đáp:

– Chứ còn sao nữa? Đều là danh nhân như nhau, hình tượng của thầy như thế, ai ai cũng tôn kính, còn Cung Tịnh Nguyên thì như vậy.

Trang Chi Điệp nói:

– Không nói chuyện ấy nữa. Cậu định sang tôi có việc gì? Lâu lắm rồi không thấy toà án tiếp tục mở phiên toà, cũng chẳng có động tịnh gì. Xử lý vụ án kéo dài như vậy, năm nào tháng nào mới kết thúc đây, cứ dây dưa mãi, đến ma cũng không chịu nổi. Mà Bạch Ngọc Châu thì năng đi lại, chốc chốc lại tìm đến làm cái này làm cái nọ.

Chu Mẫn nói:

– Em cũng ba hôm lại đi gặp Tư Mã Cung một lần, chưa biếu thứ gì lớn, nhưng lần nào cũng hai ba mươi đồng quà nhỏ! Chiều nay em lại đi, cũng coi như ông ấy đã mở mồm từ bi nhà Phật, ông ấy bảo không cần phải mở phiên toà nữa, sự việc đã sáng tỏ. Những luận chứng của các nhà văn và giáo sư mà chúng ta đã đưa đến rất kịp thời, cũng rất quan trọng. Ý kiến của toà án định kết án!

Trang Chi Điệp vội hỏi:

– Có để lộ sẽ kết án như thế nào không?

Chu Mẫn đáp:

– Ông nói đại ý là bài văn có chỗ sơ suất, nhưng không thuộc diện xâm phạm quyền danh dự công dân, lại xét thấy đơn vị cũ đã từng kỷ luật tác giả nên đề nghị toà án triệu tập hai bên thông qua hoà giải lần cuối cùng để thông cảm và loại bỏ sự hiểu lầm, trở lại quan hệ tốt đẹp. Nói như vậy là chúng ta đã thắng kiện. Nhưng Tư Mã Cung bảo sau khi Cảnh Tuyết Ấm biết ý này của toà án, đã gặp lại viện trưởng, còn tìm cả bí thư phụ trách chính trị và pháp luật của thành phố, nên viện trưởng yêu cầu viết lại báo cáo kết án. Tư Mã cung cũng thuộc loại anh chị chẳng phải vừa, đã nổi nóng lên và vẫn báo cáo lên trên kết luận ban đầu. Viện trưởng bảo, vậy thì phải họp uỷ ban xem xét. Vấn đề hiện nay là uỷ ban xem xét của cả viện có sáu người, ba uỷ viên ngả theo mình, viện trưởng và hai uỷ viên kia ngả theo Cảnh Tuyết Ấm. Tuy nói mỗi bên một nửa, song viện trưởng ở bên kia, nếu viện trưởng tỏ thái độ đầu tiên, thì các uỷ viên của bên này sẽ khó nói, hoặc thay đổi thái độ. Cho dù không thay đổi thái độ, có một người bỏ phiếu trắng không có ý kiến thì tỉ số sẽ là ba hai.

Chu Mẫn nói xong, thấy Trang Chi Điệp ngửa người trên ghế đệm da nhắm mắt lại, liền hỏi:

– Thầy Điệp ơi, thầy đã nghe rõ chưa?

Trang Chi Điệp giục:

– Cậu cứ nói tiếp đi.

Chu Mẫn đáp:

– Tình hình như vậy.

Trang Chi Điệp vẫn nhắm hai mắt, hỏi:

– Vậy theo cậu thì thế nào?

Chu Mẫn đáp:

– Đây là giờ phút then chốt của then chốt. Mười ngày nữa, thì uỷ ban này sẽ họp. Bởi vì viện trưởng đi Bắc Kinh họp, mười ngày sau mới về. Em nghĩ, trong mười ngày này, thầy xem có nên gặp chủ tịch thành phố trình bày không, để ông ấy làm việc với viện trưởng và bí thư uỷ phụ trách chính trị và pháp luật của thành phố.

Trang Chi Điệp nói:

– Mình biết nói chuyện này với chủ tịch thành phố thế nào nhỉ? Chủ tịch thành phố đâu có phải bạn như thầy Phòng của cậu, có chuyện gì cứ trực tiếp tìm đến được đâu. Trước kia cũng đã từng nhờ ông ấy giúp đỡ, nhưng đều không phải việc có tính nguyên tắc, ông ấy mới đi ám chỉ cho các ngành hữu quan. Còn việc này thì để ông ấy đi nói như thế nào đây? Người ta là lãnh đạo, phải xem xét, trong trường hợp không ảnh hưởng xấu đến địa vị và uy tín của mình, ông ấy mới làm được Chu Mẫn à!

Chu Mẫn nản lòng ấp úng đáp:

– Thế thì…

Trang Chi Điệp định nói điều gì, song lại thôi. Hai người cùng im lặng. Đường Uyển Nhi thấy trong nhà không nói chuyện nữa, bước vào xem thế nào. Biết câu chuyện không hoà nhập, vội vàng bưng lên ba chiếc bánh còn mềm vừa tráng xong mời ăn. Trang Chi Điệp ăn một cái, lấy lý do đã ăn no, định ra về. Chu Mẫn giữ thế nào cũng không ở lại, liền bảo:

– Vậy thì thầy thong thả mà đi!

Còn tiễn ra đầu ngõ.

Trang Chi Điệp chưa về đến nhà thì Chu Mẫn đã đến trạm điện thoại công cộng đầu ngõ gọi cho Ngưu Nguyệt Thanh, kể lại cuộc nói chuyện giữa anh và Trang Chi Điệp, còn bảo cô hãy nên khuyên thầy nhiều hơn. Trang Chi Điệp vừa bước vào cửa, Ngưu Nguyệt Thanh đã hỏi ngay về việc kiện cáo, cứ giục đi gặp chủ tịch thành phố, có vuốt mặt cũng phải đi gặp. Vụ kiện đã tới bước này, thắng đến nơi rồi, còn để tuột khỏi tay sao, khẩu khí này càng khó nuốt.

Trang Chi Điệp cáu tiết, chửi Chu Mẫn là kẻ ranh ma, đã kể hết chuyện với Ngưu Nguyệt Thanh. Mình chưa về đến nhà hắn đã gọi điện đến. Ngưu Nguyệt Thanh cứ lật đi lật lại, hết nói xuôi lại nói ngược. Trang Chi Điệp đã miễn cưỡng đồng ý đi gặp, xong lại mắng nhiếc bản thân bất tài bị người ta dắt mũi.

Hôm sau đi gặp chủ tịch thành phố, chủ tịch đi vắng. Về nhà lại hớn hở, Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

– Người không gặp được, sao anh hớn hở thế?

Trang Chi Điệp đáp:

– Em đừng có ép anh như thế!

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

– Em biết đi cầu cạnh người ta khó lắm, nhưng chỉ còn có tám chín hôm, anh không tìm được người thì sao nào?

Trang Chi Điệp đáp:

– Vậy thì ngày mai anh lại đi. Anh là nhà văn! Anh còn là nhà văn quái gì nữa, anh cũng chẳng cần gì thể diện nữa, ngày mai anh sẽ ở lì tại nhà ông ấy! Nhưng anh nói rõ cho mà biết để gặp được chủ tịch thành phố, có những việc anh cần làm thế nào, thì em không được ngăn cản đâu nhé.

Đi gặp lần thứ hai, lại không vào nhà chủ tịch thành phố, đến thẳng chỗ Hoàng Đức Phúc, chỉ thăm dò tình hình con trai chủ tịch. Con trai chủ tịch là Đại Chính, bị mắc bệnh tê liệt từ thưở bé, một bên chân bị teo đi. Tuy gượng đi được, nhưng toàn thân cứ lảo đảo như kẻ say rượu. Hiện nay ba mươi tuổi, đang làm việc ở quỹ người tàn tật, vẫn chưa lấy vợ. Hoàng Đức Phúc nói:

– Bệnh tình không phát triển gì thêm, chỉ có điều, chuyện hôn nhân vẫn là nỗi lo của chủ tịch thành phố, đã tìm mấy cô, song Đại Chính không ưng cô nào. Cậu ta muốn lấy một cô xinh xinh, nhưng con gái đẹp ai người ta chịu lấy? Cho nên mỗi ngày một trái tính, trái nết, hơi một tí là gắt gỏng tại nhà, chủ tịch cũng không biết làm sao được.

Trang Chi Điệp nói:

– Trên đời đúng là không có việc gì tốt đẹp trọn vẹn cả. Không giải quyết được việc hôn nhân của con trai, chẳng kể là chủ tịch thành phố, ai trong trường hợp ấy, cũng không được yên thân. Trước kia, những người phản đối chủ tịch đã chê cười sau lưng người nối dõi chủ tịch tàn phế, nếu một cô dâu cũng tìm không ra thì không biết người ta nói xấu chủ tịch đến mức nào! Tôi vẫn lưu tâm đến chuyện này, cuối cùng đã tìm được một người, độ tuổi thích hợp, đã tốt nghiệp phổ thông trung học, người cũng sáng sủa tháo vát, đặc biệt là cái eo cái dáng xinh đáo để, chẳng cần phải hỏi Đại Chính, trăm phần trăm vừa mắt cậu ta, chỉ có điều không biết ý kiến của ông bà chủ tịch như thế nào?

Hoàng Đức Phúc hỏi:

– Có một cô gái hay đến thế kia ư? Chỉ cần Đại Chính vừa mắt thì ông bà chủ tịch không có ý kiến gì đâu. Bà ấy đã nhờ tôi mấy lần, nhưng tôi vẫn chưa gặp được người nào thích hợp. Anh mau mau nói rõ, cô ấy đang ở đâu? Tên là gì? Làm việc ở cơ quan nào?

Trang Chi Điệp nói:

– Nói ra có lẽ anh cũng đã gặp. Bà xã tôi bảo cô ấy đã có lần nhìn thấy anh trên phố, anh còn nhớ cô gái cùng đi với bà xã tôi khi ấy không nhỉ?

Hoàng Đức Phúc nói:

– Có phải cô gái mắt hai mí, có nốt ruồi trong lông mày bên phải, chân dài, đi đôi xăng đan màu trắng cao gót, khi cười có một cái răng khểnh ở bên phải?

Trang Chi Điệp nghe xong, mừng thầm trong bụng, bảo:

– Cô ấy là Liễu Nguyệt, người giúp việc trong nhà tôi. Liễu Nguyệt mặt nào cũng hay, chỉ có điều hiện giờ chưa có hộ khẩu ở Tây Kinh.

Hoàng Đức Phúc nói:

– Ái chà, đó là người đẹp tiêu chuẩn đấy, có xách đèn lồng cũng khó tìm! Đàn bà là như thế, trời sinh ra đã xinh đẹp là của cải lớn nhất rồi. Hộ khẩu nông thôn thì có sao, giải quyết hộ khẩu thành phố, thì tìm một việc làm, chẳng phải khó khăn gì!

Ngay lúc đó cùng Trang Chi Điệp đi đến nhà làm việc của uỷ ban khoa học gặp vợ ông chủ tịch. Bà vợ ông chủ tịch nghe xong, cảm động xiết chặt tay Trang Chi Điệp, nói:

– Tôi xin cám ơn anh trước, đã lo cho việc này. Tôi năm nay đã bạc cả tóc vì chuyện của cậu con trai. Anh đã hỏi ý kiến của cô ấy chưa? Tôi cứ sợ cô ấy không bằng lòng thằng Đại Chính nhà này. Trước kia đã thế rồi, Đại Chính thì đồng ý, nhưng người ta lại không bằng lòng, người ta thì bằng lòng, nhưng Đại Chính lại không ưng ý. Khi nói với cô ấy nhất định anh không được giấu. Đại Chính thế nào cứ nói thế.

Trang Chi Điệp nghe vậy, trong lòng đâm ra hoang mang, xong đã nói ngay:

– Tôi đã ướm hỏi cô ấy một cách vòng vo, cô ấy chỉ đỏ mặt, không bảo được, cũng không bảo không, xem ra vấn đề không lớn lắm. Liễu Nguyệt dáng người đẹp, tính nết cũng hiền lành, nhưng cũng biết suy nghĩ, không phải con người nhỏ nhặt hẹp hòi, lúc nào đó thuận lợi tổ chức cho hai đứa gặp nhau.

Bà vợ chủ tịch nói:

– Còn chọn lúc nào thuận lợi nữa? nếu buổi tối không có việc gì, anh dẫn cô ấy đến đây, hoặc anh bận thì bảo cô ấy đến một mình. Đứa nào cũng tự hiểu trong lòng, không cần đến người lớn nói thẳng khi gặp mặt, cứ cởi mở nói rõ vấn đề để bọn chúng nó nói với nhau, thành được thì tốt, không thành thì cũng là bạn. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi cũng cám ơn anh.

Trang Chi Điệp cũng đã nhận lời tối nay gặp mặt. Về đến nhà, Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt đang nói chuyện, hỏi có gặp được chủ tịch không. Trang Chi Điệp đáp:

– Cần ngồi tù thì anh đi ngồi tù, cũng chẳng cần em phải đợi cơm, em lo cái gì?

Rồi gọi Liễu Nguyệt vào phòng sách, Trang Chi Điệp liền đóng cửa. Liễu Nguyệt xua xua tay, khe khẽ bảo:

– Anh táo tợn vừa vừa chứ, chị ấy đang ở ngoài kia.

Trang Chi Điệp bảo:

– Anh nói với em chuyện này, em gặp Triệu Kinh Ngũ lúc nào? Em nói thật với anh xem nào?

Liễu Nguyệt mặt đỏ bừng bừng, đáp:

– Mấy hôm nay không gặp, Triệu Kinh Ngũ đã nói gì với anh?

Trang Chi Điệp không trả lời, lại hỏi:

– Em và Triệu Kinh Ngũ đã có chuyện kia chưa?

Liễu Nguyệt đáp:

– Anh còn hỏi chuyện ấy, em bỏ đi cho mà xem!

Trang Chi Điệp ra vẻ nghiêm chỉnh, hỏi:

– Ý của anh là em đã cảm mến Triệu Kinh Ngũ thật sự chưa?

Liễu Nguyệt hỏi:

– Hôm nay anh ra ngoài uống rượu hả? Anh là người làm mối cho Triệu Kinh Ngũ, em có tình cảm với anh ấy không, lẽ nào anh còn định làm mối cho em nữa?

Trang Chi Điệp đáp:

– Đúng vậy!

Liễu Nguyệt ngẩn người. Trang Chi Điệp nói:

– Anh suy nghĩ rồi, Triệu Kinh Ngũ được đấy, nhưng đi nhiều hiểu biết rộng, người cũng khôn khéo năng nổ, nhất là loại đàn ông điển trai. Đàng sau có nhiều con gái bám níu, anh chỉ sợ sau này đối xử với em không tôi, sẽ làm hại em. Anh tuy không phải là bố mẹ, hoặc họ hàng của em, nhưng em là người giúp việc trong nhà anh, anh phải có một phần trách nhiệm. Hiện nay anh gặp một người, xét dáng người thì không bằng Triệu Kinh Ngũ, nhưng địa vị xã hội và điều kiện kinh tế thì có đến mười Triệu Kinh Ngũ cũng tuyệt đối không sánh nổi. Hơn nữa lại có thể giải quyết ngay lập tức hộ khẩu thành phố, tìm được một việc làm. Nói thẳng ra là con trai của chủ tịch thành phố.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.