Đường Uyển Nhi mở hộp thuốc, trong hộp có một lọ thuốc bé xíu, mở nắp lọ thuốc, thì trong lọ không có thuốc, chỉ có mẩu giấy nhàu vê thành cục. Trên đó có chữ “Giữ sức khoẻ”. Đường Uyển Nhi đã oà khóc. Từ hôm ngựợng chín mặt đi ra khỏi cửa ngôi nhà ở khu tập thể hội văn học nghệ thuật, chị ta cảm nhận sâu sắc nỗi nhục mình phải chịu. Chị ta biết thổi một quả bóng hơi, thổi càng to càng có nguy cơ bị nổ, nhưng quả bóng hơi một khi đã thổi lên, lại không thể kìm hãm tham vọng và niềm vui muốn thổi phồng to hơn. Chị ta không thể không yêu Trang Chi Điệp, có lẽ Ngưu Nguyệt Thanh càng đối xử với chị ta tốt, thì khi yêu Trang Chi Điệp, chị ta càng thấy ân hận và không yên. Chính vì nỗi ân hận và không yên này, chị ta đã hết sức tránh gặp Ngưu Nguyệt Thanh, cũng đã không hay đến ngôi nhà ấy gặp lén lút nữa. Chị ta cũng biết tại sao Trang Chi Điệp đã nhiều lần hỏi chị ta có phải anh là người hư hỏng. Tuy chị ta đã từng nói với Trang Chi Điệp:
– Anh cảm thấy khó quá, thì chúng mình chỉ là bạn, không làm chuyện kia nữa.
Tuy chị ta nói thế là để thăm dò, tuy Trang Chi Điệp không trực tiếp trả lời chị ta, mà mỗi lần hai người gặp nhau lại tự nhiên, thậm chí lại vô tình làm chuyện đó. Song Ngưu Nguyệt Thanh đã giận dữ giết chết chim bồ câu, giết rồi lại hầm thành canh thịt cho chị ta và Trang Chi Điệp ăn, thì tình cảm ân hận của chị ta đối với bà chủ gia đình ấy bỗng chốc không còn nữa. Nếu ta làm tổn thương người, thì người cũng làm tổn thương ta. Một hoà, chúng ta chẳng còn ai nợ ai nữa, chúng ta như người lạ qua đường chưa hề gặp mặt nhau.
Đường Uyển Nhi nghĩ ở dọc đường như thế, khi về đến nhà chị ta thấy nhẹ nhõm, thậm chí đột nhiên chăm chỉ quét nhà, giặt quần áo. Trong đêm ấy chị ta bảo Chu Mẫn:
– Anh không mau mau đi ngủ ư?
Bạn đang đọc truyện tại
Chu Mẫn đi thổi huyên về, đang viết quyển sách không ký tên kia, liền đáp:
– Ngủ đây, ngủ đây!
Liền thu gọn bản thảo, sau đó lấy nước nóng lau rửa nửa người phía dưới rồi hớn hở leo lên giường, nhưng chị ta đã ngáy khò khò. Hễ đi nằm là chị ta nằm một lèo ba ngày không dậy. Chị ta đã mơ một giấc mơ cực kỳ kinh khủng, tỉnh dậy chiếc áo đã ướt sũng, nhưng chị ta không nhớ rõ tình tiết của giấc mơ, chị ta thấy cô đơn và buồn tẻ vô cùng, đau đớn như một con cá nướng trên bếp lò. Ba ngày sau, chị ta lảo đảo trở dậy, hết ngồi ở mép giường lại ngồi ở ghế sa lông, hết ngồi ở ghế sa lông lại ngồi ở mép giường. Hình như chị ta nghe rõ tiếng gù của chim bồ câu, nhón chân chạy ra, dựa vào cây lê trong sân nhìn trời. Trời cao tít tắp, trên trời có mây, trắng lắm, trắng lắm, đó là mây, Chứ có phải là chim bồ câu đâu, tự nhiên nước mắt chị ứa ra.
Trong thành phố mà chị ta và Trang Chi Điệp đang sống này, trên đất đã không có đường thông, mà trên trời cũng không có lối ư? Trong sân đã rụng đầy lá, mà đầu cành vẫn lá rơi lả tả. Mùa thu đã đến, tiếng ve thưa dần, trận gió đêm qua, đã làm cho cây lê đầy đặn gầy rạc hẳn đi! Thế là Đường Uyển Nhi cảm thấy mông mình tọp đi, má mình hóp lại, năm tháng này, thời gian này cũng gầy xọp hẳn đi, chỉ còn lại một tiếng thở dài của gió đang đập vào tấm rèm trúc trên cửa sổ.
Khi Chu Mẫn đi làm về, lại định lên tường thành thổi huyên, chị ta đã không cho anh đi, chị ta đòi anh thổi ở dưới cây lê. Chị ta bảo chị ta không phản đối thổi huyên nữa, chị ta cũng đã thích tiếng huyên này. Chu Mẫn ngạc nhiên nhìn chị ta, bảo:
– Anh đã nói rồi mà, tiếng huyên này hay lắm. Em cứ bảo khó nghe, bây giờ đã thưởng thức ra mùi vị rồi hả?
Rồi anh thổi u u, vừa thổi, vừa nháy mặt rướn mày lấy lòng chị ta. Chị ta ngả người vào ngưỡng cửa lắng nghe, nhưng đột nhiên một cảm giác ập vào trái tim, cảm giác này dẫn chị ta đến đầu cầu ngoài cửa thành Nam, đến dưới cái cây hình chữ nhẫn để được ở gần chỗ đầu cầu ấy.
Chị ta tin vào cảm giác của mình. Trước kia Mạnh Vân Phòng đã từng xem đường chỉ tay của chị ta, nói chị ta có bàn tay kiểu dự cảm. Bây giờ trong lòng chị ta chỉ có một ý nghĩ: không có lối đi đến chỗ anh ấy nữa, nếu muốn đi, thì chờ ở dưới gốc cây ấy.
Thế là chị ta đứng dậy thay quần áo, đánh phấn bôi son, đi gôi giày da cao gót kia vào. Chu Mẫn hỏi:
– Em định đi à, đi đâu vậy?
Đường Uyển Nhi đáp:
– Em đi mua khăn vệ sinh, em đã đến kỳ.
Chị ta bảo đã đến kỳ, chị ta đến kỳ thật, chị ta đã lấy giấy lót vào trong xi líp, rồi hấp tấp ra khỏi cửa. Chu Mẫn bảo:
– Tối thế này rồi, để anh dẫn em đi.
Đường Uyển Nhi đáp:
– Trong thành phố có sói có báo hay sao mà anh phải dẫn em đi? Anh cứ yên chí ở nhà viết cho xong quyển sách kia đi.
Đường Uyển Nhi đi qua đường cái, trên đường cái vẫn là người và xe đi lại nhộn nhịp, chị ta đã tìm đến đầu cầu đá ở ngoài cửa nam thành phố. Nhưng Trang Chi Điệp không ở đó. Chị ta đã chờ đến mười hai giờ đêm, cũng không thấy Trang Chi Điệp xuất hiện ở đó. Mãi cho đến lúc đêm đã khuya lắm, trên đầu cầu không có ai đi lại nữa, chợt chị ta nẩy ra một ý nghĩ lạ lùng, quệt máu ấy thấm ướt cả bàn tay rồi đóng lên lan can đầu cầu, đóng lên thân cây kia, đóng lên cả hòn đá kẹp giữa chạc cây. Dấu bàn tay in trên hòn đá kia hoàn chỉnh vô cùng, có thể nhìn được từng vân trong đó. Mạnh Vân Phòng đã từng nói, dấu tay của mỗi người là bản vẽ mạng sống của người đó. Trang Chi Điệp ơi, nếu anh đã đến đây, anh có thể nhìn thấy đây là bản vẽ mạng sống của em, em đã từng chờ đợi anh ở đây.
Mấy ngày liền, Đường Uyển Nhi đã đi đến gốc cây đó. Nhưng Trang Chi Điệp vẫn không có tăm hơi chi. Chị ta chắc chắn Trang Chi Điệp đang ở hoàn cảnh gian nan, không được tự do, không đến được, cuối cùng khi Trang Chi Điệp đã gửi tin đến trong hộp thuốc, thì sau khi khóc to một trận thoải mái, người phụ nữ ấy đã sắt son thề nguyền: ta nhất định phải gặp anh ấy, cho dù là lần cuối cùng của kiếp này, ta cũng phải gặp mặt anh ấy lần cuối cùng.
Đám cưới của Liễu Nguyệt định vào ngày mười hai tháng chín. Trước đó một ngày, Liễu Nguyệt và Ngưu Nguyệt Thanh đã sửa soạn cơm canh tới thuốc tiếp đón bên họ nhà trai đến đón dâu. Mẹ Đại Chính bảo làm thế sẽ rất tốn kém đối với gia đình, định đưa rượu thịt sang, nhưng Ngưu Nguyệt Thanh kiên quyết không nghe. Tuy Liễu Nguyệt không phải là con gái hay em gái mình, nhưng gia đình chủ tịch thành phố cũng đã thừa nhận chị là thông gia, thông gia sắm đồ cưới đã đưa đến, người ngoài nào có biết đó là đâu, cứ tưởng Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh bỏ tiền ra sắm, điều này đã làm cho Ngưu Nguyệt Thanh nhiều thể diện lớn! Rượu đương nhiên là rượu Mao Đài ngon nhất, thức ăn cũng là thịt cá, gà vịt. Chuẩn bị đâu vào đấy rồi, Ngưu Nguyệt Thanh bảo Liễu Nguyệt ở nhà tắm rửa tử tế, còn mình thì lê đôi chân mỏi dừ đến nhà chủ tịch thành phố. Chị chưa yên tâm với các chi tiết cụ thể của ngày mai, chỉ sợ có điều gì sơ xuất, nên định cùng với mẹ Đại Chính kiểm tra lại từng việc một lần nữa. Ngưu Nguyệt Thanh vừa đi khỏi, Liễu Nguyệt liền vào buồng tắm mở vòi nước tắm. Lúc đầu Trang Chi Điệp ngồi trong phòng khách nghe thấy tiếng nước xoà xoà trong buồng tắm, đã suy nghĩ rất nhiều chuyện, sau đó đã lẳng lặng về ngồi trong phòng sách, ở trong này anh hút hết điếu này sang điếu khác.
Đột nhiên cửa buồng mở ra, Liễu Nguyệt khoác chiếc áo dài ngủ đỏ tươi bước vào. Mái tóc Liễu Nguyệt vẫn chưa khô, lấy khăn mùi soa trắng buộc ra sau gáy. Tắm xong, khuôn mặt sạch sẽ bóng bẩy, lông mày rửa đi đã vẽ lại, vẫn còn mờ mờ, cao son đỏ chót bôi trên môi rất dầy rất tròn, chẳng khác gì một quả hạnh. Liễu Nguyệt đẹp tuyệt vời, Trang Chi Điệp thầm nói, nhất là sau khi tắm nước nóng và trong đêm cuối cùng này để ngày mai sẽ là cô dâu mới . Trang Chi Điệp nhìn cô ta mỉm cười, cúi đầu châm thuốc hút. Anh kìm nén cái thở dài, đốm đỏ trên điếu thuốc di động nhanh xuống dưới, song tàn thuốc dài vẫn giữ nguyên không rơi xuống. Liễu Nguyệt hỏi:
– Thầy Điệp ơi, thầy lại buồn rồi hả?
Trang Chi Điệp không trả lời, nỗi buồn khổ đã khiến anh cảm thấy nói ra không hề có giá trị gì. Liễu Nguyệt nói:
– Ngày mai em đi rồi, anh không chúc phúc em lần cuối cùng hay sao?
Trang Chi Điệp nói:
– Chúc em hạnh phúc.
Liễu Nguyệt hỏi:
– Anh tưởng em hạnh phúc thật sao?
Trang Chi Điệp gật đầu nói:
– Anh nhận thấy em hạnh phúc, em sẽ có hạnh phúc…
Liễu Nguyệt cười nhạt:
– Cám ơn anh. Anh Điệp này, hạnh phúc đó cũng do anh đem đến cho em.
Trang Chi Điệp ngẩng lên ngạc nhiên nhìn Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt cũng nhìn anh. Trang Chi Điệp thở dài một tiếng, lại cúi đầu xuống. Liễu Nguyệt nói:
– Em đến nhà anh thời gian không dài, nhưng cũng không ngắn. Em nhận thấy người thầy giáo này đã đọc nhiều sách, đã từng trải nhiều chuyện, cũng đã ngửi đủ mùi thuốc nồng nặc trong phòng sách này. Em sắp đi rồi, em lưu luyến lắm, anh hãy để em ngồi ở đây lần nữa, ngắm nhìn bức tượng người hầu gái đời Đường mà anh bảo rất giống em này, có được không?
Trang Chi Điệp nói:
– Ngày mai em mới đi, tối nay trong này vẫn là nhà của em. Em cứ ngồi, người hầu gái đời Đường này ngày mai anh có thể tặng em.
Liễu Nguyệt bảo:
– Như vậy là anh vĩnh viễn không để em tiếp anh trong phòng sách nữa ư?
Trang Chi Điệp nghe nói vậy, ngồi ngây ra, anh bảo:
– Liễu Nguyệt này, ý anh không phải thế. Thật ra anh không nghĩ tặng em bức tượng này. Anh định tặng em vật khác.
Liễu Nguyệt hỏi:
– Vật khác là cái gì? Bây giờ có thể xem được không?
Trang Chi Điệp liền lấy từ ngăn kéo ra một cái hộp rất đẹp đưa cho Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt mở ra, thì lại là một chiếc gương đồng cổ dải đường vân đề chữ lồng hoa, có gắn gờ hẹp nổi hẳn lên. Ngoài gờ có một vòng tròn dải đường vân ghi chữ, gồm ba mươi hai chữ “luyện hình thần dã, doanh chất lương công, như châu xuất trú, tự nguyệt đình không, đương mi tả thuý, đối liễm truyền hồng, ý song tú hoảng, cụ hàm ảnh trung (rèn dáng luyện thần, đá qúy lại dầy công, như viên ngọc giữa ban ngày, tựa vầng trăng giữa trời cao, soi mày kẻ chỉ, đối mặt đánh má hồng, tựa cửa sổ thêu thùa màn che, lồng cả trong bóng gương)
Liễu Nguyệt nói ngay:
– Một chiếc gương đồng đẹp như thế này, anh không tiếc hay sao?
Trang Chi Điệp đáp:
– Bởi vì thứ quý hiếm không nỡ rời, nên mới tặng cho em!
Liễu Nguyệt nói:
– Trong nhà Đường Uyển Nhi có treo trên tường một gương đồng cổ, kích thước và hoa văn gần như gương này, chỉ có chữ là khác. Em đã hỏi chị ấy, chị kiếm đâu ra gương này thế. Chị ấy bảo phải đấy, của chị mà. Nào ngờ hôm nay em cũng có!
Trang Chi Điệp bảo:
– Cái gương của Đường Uyển Nhi cũng là do anh tặng đấy.
Liễu Nguyệt ngẩn người, hỏi:
– Cũng do anh tặng ư? Nếu là một cắp gương, anh đã tặng chi ấy, lại còn tặng cả em?
Trang Chi Điệp nói:
– Anh không thể gặp Đường Uyển Nhi được nữa. Nhìn gương này không khỏi nhớ đến gương kia…. không nói đến Đường Uyển Nhi nữa Liễu Nguyệt ạ!
Nhưng Liễu Nguyệt đã vén áo dài ngủ, ngồi lên ghế da trước bộ sa lông. Cô nói:
– Thầy Điệp này, em biết thầy đang hận em, hận em về chuyện Đường Uyển Nhi. Em thừa nhận đã nói tất cả với cô Thanh, một là bởi cô Thanh đánh em, cô đánh em dữ lắm, hai là đầu tiên cô Thanh phát hiện ra bồ câu đưa thư đến. Nhưng đọc thư cô Thanh chỉ hoài nghi, nếu cô Thanh đánh chết em cũng không nói, thì sự việc không đến nỗi như bây giờ, nhưng em đã nói, nói rất nhiều. Em xin nói với anh, sở dĩ em làm như vậy cũng là ghen với Đường Uyển Nhi, ghen với chị ấy là người giống như em, không có hộ khẩu trong thành phố này, thậm chí chị ấy bỏ trốn theo Chu Mẫn đến đây, còn không được bằng em, nhưng chị ấy lại được anh yêu đến thế, mà em ở ngay bên cạnh anh, song…
Trang Chi Điệp nói:
– Liễu Nguyệt, đừng nói chuyện ấy, không phải cô ấy được anh yêu, mà là anh hư hỏng quá, em không thấy anh huỷ hoại cô ấy sao? Hiện giờ chẳng phải đã huỷ hoại là gì!
Liễu Nguyệt nói:
– Như vậy, tại sao anh lại không huỷ hoại em? Anh đã gả em cho con trai chủ tịch thành phố. Anh cứ tưởng em thích Đại Chính thật sao? Anh cứ nói thật lòng đi, anh cũng biết rõ, em không yêu Đại Chính, nhưng anh đã gả em cho hắn, em cũng nhắm mắt lấy anh ta. Có phải anh đã sáng tạo cả em và1 Đường Uyển Nhi thành một con người mới, để chúng em có lòng dũng cảm tự tin vào cuộc sống mới, nhưng cuối cùng anh đã huỷ hoại chúng em? Mà trong quá trình anh huỷ diệt chúng em, anh cũng huỷ diệt luôn cả bản thân, đã huỷ diệt hình tượng và danh dự của anh, đã huỷ diệt cả cô Thanh và cái gia đình này!
Trang Chi Điệp nghe xong chợt tỉnh ngộ, nhận ra ngọn nguồn nỗi buồn khổ lâu nay của mình. Đây là một cô gái thông minh quá, ghê gớm quá, lợi hại quá. Nhưng trong một thời gian dài như vậy, anh đã không phát hiện ra những kiến thức và hiểu biết của cô, mà nay cô sắp đi rồi, không bao giờ còn là người hầu giúp việc trong nhà và một người con gái anh yêu thích nữa. Cô ấy nói ra những điều như vậy để anh giữ làm kỷ niệm. Lẽ nào cái cô Liễu Nguyệt này lại giống như một cây nến, một ngọn bấc, khi sắp sửa tắt sẽ phát ra những ánh sáng rực rỡ hơn, mà sau khi phát ra ánh sáng hơn sẽ tắt đi ư? Trang Chi Điệp lại ngẩng lên một lần nữa, nhìn Liễu Nguyệt sau khi nói xong những lời vừa rồi vẫn còn đang xúc động. Anh khẽ khàng gọi:
– Liễu Nguyệt?
Liễu Nguyệt sà tới, ôm chầm lấy anh. Anh cũng ôm chầm cô ta, sau đó cả hai đều khóc. Trang Chi Điệp nói:
– Liễu Nguyệt ơi, em nói đúng. Anh đã sáng tạo ra tất cả và cũng huỷ diệt tất cả. Nhưng, tất cả đều không thể cứu vãn, anh cũng khó tự cứu mình. Em còn trẻ, em đi lấy chồng, hãy làm lại cuộc đời của em tử tế, nghe em?
Một dòng nước mắt của Liễu Nguyệt rơi lã chã, nhỏ lên cánh tay Trang Chi Điệp. Cô ta nói:
– Thầy Điệp ơi, em sợ sống chúng với Đại Chính em cũng khó tự cứu mình. Vậy thì sao này sẽ ra sao? Em sợ, em sợ thật mà. Vậy em cầu xin anh, ngày mai em sẽ là người của hắn, trong đêm cuối cùng này, anh có thể để em giống Đường Uyển Nhi được không?
Cô ta nói rồi nhắm mắt lại, một tay kéo dải áo ngủ, chiếc áo ngủ dài tách ra, giống như một quả vải to, tươi mới, được bóc bỏ lớp vỏ đỏ, bên trong là một đống cùi trắng như ngọc. Trang Chi Điệp lặng lẽ ngắm nhìn, cầm chiếc đèn trên bàn soi xem (tác giả cắt bỏ hai trăm chữ)
Liễu Nguyệt kêu một tiếng, chiếc ghế đệm da cứ xê dịch, xê dịch ra phía cửa, cuối cùng hích vào cánh cửa kêu lên sầm một tiếng, hai người né ra. Liễu Nguyệt ngả đầu tại chỗ, Trang Chi Điệp định dừng lại đỡ thẳng cô ta dậy, cô ta bảo:
– Em không muốn dừng, em không muốn dừng!
Hai chân cô ta đạp vào cánh cửa, cánh cửa kêu ình ình, người cô ta va vào một tranh chữ dài treo trên tường, bức tranh oà rơi xuống phủ lên họ. Liễu Nguyệt bảo:
– Tranh chữ rách rồi!
Trang Chi Điệp cũng bảo:
– Tranh chữ rách rồi!
Nhưng cả hai đều không có tay để cầm tranh chữ (tác giả cắt bỏ bốn trăm hai mươi hai chữ).
Khi Liễu Nguyệt rời phòng sách mù mịt khói thuốc, cô nói:
– Em vui lắm thầy ạ, giờ này ngày mai thân em ở trên giường người tàn tật kia, nhưng trái tim em ở trong phòng sách này.
Trang Chi Điệp nói:
– Không được như thế, Liễu Nguyệt ơi, em nên hận anh.
Liễu Nguyệt đáp:
– Anh cứ để mặc em, em không cần anh quan tâm.
Cô ta đóng kín cửa quay về phòng mình. Trang Chi Điệp nghe rõ tiếng bước chân cô ta đi về phòng. Cho đến khi nghe thấy tiếng cô ta mở cửa ken két, sau đó anh gục đầu xuống ghế đệm da.