Sống Chung Với Mẹ Chồng

Chương 11 - Trận Chiến Mẹ Chồng – Nàng Dâu Của Mai Lạc

trước
tiếp

Việc làm này của Hy Lôi khiến Mai Lạc mắng cô một trận té tát. Trong quán thịt bò bít tết mà hai người thường đi, khi Mai Lạc ăn xong suất thịt bò tái thứ hai, nghe Hy Lôi kể kế hoạch kiếm tiền, suýt nữa thì nổi đóa lên:

– Óc cậu có vấn đề à? Bị ngâm nước à? Cậu nhiều tiền thì cho tớ một ít, tớ còn nhớ ơn cậu. Xong rồi, xong rồi, một cô gái có vẻ rất thông minh, sao giờ lại làm một việc ngu xuẩn như thế, ý của ai hả? Mẹ chồng cậu? Hay là Hứa Bân?

Tính cách nóng như lửa của Mai Lạc cộng với dáng vẻ nhe nanh múa vuốt của cô thu hút sự chú ý của rất nhiều thực khách trong quán.

Hy Lôi vội vàng khuyên bạn ngồi xuống:

– Cậu nói nhỏ một chút, để ý hình tượng của mình chứ.

– Thế cậu nói xem, sao cậu lại làm cái chuyện ngu ngốc thế? – Mai Lạc ngồi xuống.

Hy Lôi nói:

– Có sao đâu, tớ cũng suy nghĩ rất lâu rồi, không thua được đâu, cho dù có thua thì mẹ anh ấy nói…

Chưa chờ Hy Lôi nói hết, Mai Lạc đã dùng ngón tay dí lên trái Hy Lôi:

– Sao mà cậu không chịu hiểu hả? Tớ không nói về vấn đề thị trường cổ phiếu lên hay xuống. Vấn đề là cậu đưa tiền cho mẹ chồng cậu, khi cậu muốn dùng, cậu có thể dễ dàng lấy về không? Còn nữa, vì sao không dùng tên cậu để mở tài khoản!

Hy Lôi vẫn tỏ ra rất ngốc nghếch:

– Không sao đâu, mặc dù mẹ anh ấy nhiều lúc rất đáng ghét, quan hệ với tớ cũng chả ra gì, nhưng dù sao cũng là tiền của tớ, bà lấy qua Hứa Bân nên không sao đâu, vả lại dù sao cũng là người một nhà, bà ấy quỵt thế nào được!

– Cậu ngu quá đi, ngày trước tớ cũng nghĩ thế, nhưng giờ mới biết, đừng nghĩ cái gì mà dù sao cũng là người một nhà, trong mắt mẹ chồng, thậm chí trong mắt chồng cậu, cậu vĩnh viễn là người ngoài.

Hy Lôi nghe giọng điệu của Mai Lạc thì mới nhớ lại mục đích Mai Lạc hẹn mình ra:

– Đúng rồi, cậu làm sao thế?

Hy Lôi cắn một miếng bánh thật to, hằn học nói:

– Đừng nói nữa, tớ sắp điên rồi. Mẹ chồng tớ khám bệnh xong, chả làm sao cả nhưng không chịu về. Nói là phải ở lại chăm sóc tớ, xong rồi thì bảo là trông con cho tớ. Trời ơi, mới có mấy ngày tớ đã không chịu được rồi. Ai cũng nói người Giang Tây nấu ăn ngon, nhưng bà nấu món gì cũng cho nước, chả thấy tí dầu ăn nào, lại còn mặn, Tùng Phi ăn còn khen ngon, nói là mẹ anh làm cái gì cũng ngon, buổi tối tớ muốn xem tivi, bà đòi nghe kịch, bắt con trai phải bật đĩa kịch lên cho bà xem, khó nghe chết lên được, mà tớ nghe cũng chẳng hiểu. Tớ không nghe, ngồi trong phòng ngủ muốn Tùng Phi nói chuyện với tớ cũng không được, người ta phải xem kịch với mẹ, cậu không thấy cái vẻ hai mẹ con nói chuyện vui vẻ với nhau, quên béng tớ luôn. Tớ cứ như người thừa ấy.

Hy Lôi chen ngang:

– Có phải nghe Cán kịch* không? [* Cán kịch là một thể loại kịch truyền thống của Trung Quốc]

– Đúng rồi, chính là Cán kịch. Không chỉ nghe mà sáng nào dậy cũng hát nữa.

Hy Lôi cố ý ra vẻ dạy bảo Mai Lạc:

– Thế là cậu không đúng rồi, cậu nghe không hiểu thì nói là người ta không tốt, đó là nghệ thuật truyền thống mấy nghìn năm nay của dân tộc Trung Hoa đây, cậu cũng phải nên nâng cao trình độ thưởng thức của mình đi thôi.

– Được, cho dù là tớ không biết thưởng thức thì thôi bỏ đi. Nhưng bà ấy vừa đến, thấy con trai làm cho tớ bất cứ việc gì, hôm đó Tùng Phi giặt quần lót cho tớ bị bà nhìn thấy, cậu không thấy tớ bị mắng như thế nào đâu. Bảo là tới hầu hạ tớ, thà nói là tớ hầu hạ bà ấy còn hơn. Không biết dùng bếp gas, máy hút bụi, lò vi sóng, cái gì tớ cũng phải dạy, lại không quen đường, không biết đi mua thức ăn ở đâu, nói chuyện với người ta thì người ta không hiểu tiếng, lần nào đi đâu tớ cũng phải đi cùng. Đi ra ngoài với bà ấy, tớ định mua quần áo cho con, bà ấy không cho mua, bắt tớ đưa ra chợ mua vải, bảo là tự may cho cháu nội, điên mất, cậu không thấy cái bộ quần áo đấy đâu, còn không đẹp bằng cái bộ quần áo của con gấu nhồi bông hàng bên kia, trông buồn cười chết được. Còn cái quần bò rách của tớ, có một miếng rách ở đầu gối ý, tớ thích nhất cái quần ấy, không biết bà ấy lục được ở đâu ra, vá cái chỗ rách ấy cho tớ, còn khen tớ là biết sống, tiết kiệm, chỉ có điều lười quá, rách rồi không biết vá!

Hy Lôi bật cười:

– Bắt con gái nuôi của tớ mặc quần áo bà ấy làm à, tớ không đồng ý đâu. Cậu yên tâm đi, lát nữa hai đứa mình đi mua, nói là tớ tặng thì bà ấy chẳng nói gì được nữa.

– Thế cậu mua luôn cả váy bầu đi. Tớ muốn mua cái váy bầu mà bà ấy không cho, nói là mang bầu có vài tháng, đẻ xong thì không dùng nữa. Cứ bắt tớ phải mặc cái quần rộng thùng thình của bà.

Hy Lôi nghe Mai Lạc tố khổ, không biết nên nói gì để an ủi bạn, tự mình cũng còn đang trong đầm lầy mà!

Mai Lạc hình như coi Hy Lôi như một cái thùng rác để phát tiết, vẫn nói mãi không thôi:

– Tối nào cũng thế, lúc nào không xem kịch thì thân mật kéo tay tớ, nói bằng cái giọng địa phương nặng nề rằng, nhất định phải sinh cho nhà bà một đứa con trai! Bây giờ ngay cả Tùng Phi tối nào trước khi đi ngủ cũng phải áp tai vào bụng tớ, nói bằng giọng đầy hy vọng rằng, vợ ơi, nhất định phải sinh cho anh đứa con trai nhé. Thế là sao, không sinh được con trai thì giết tớ à? Hay là bỏ tớ? Tớ cứ sinh đứa con gái, tớ thích con gái, kệ cha họ.

Mai Lạc nói một hơi, Hy Lôi rót cho bạn cốc nước:

– Nghỉ một lát đi, uống cốc nước.

Cô uống một ngụm nước, lại càng thấy bức xúc hơn, tiếp tục “thuyết trình”:

– Vì sao? Ai cho họ cái quyền đó, vì bà ấy nuôi người đàn ông của tớ thì có quyền kiểm soát cuộc đời tớ sao, thì có thể chen chân vào cuộc sống của tớ sao? Vì sao? – Nói mãi, Mai Lạc bỗng dưng bưng mặt khóc.

Lúc này thì Hy Lôi sợ thực sự:

– Cậu không sao chứ? Sao thế, sao lại nghiêm trọng thế?

Mai Lạc không nhận chiếc khăn giấy mà Hy Lôi đưa cho, vẫy tay gọi nhân viên phục vụ mang cho một chai rượu. Hy Lôi vội vàng ngăn lại:

– Cậu điên rồi à? Giờ cậu đang mang thai, không được uống rượu, cũng không được khóc, như thế không tốt cho đứa nhỏ.

Mai Lạc ngước đôi mắt mọng nước lên, nói:

– Hy Lôi, cậu không biết đâu, tớ chưa bao giờ nói với ai cả, con người tớ vốn sĩ diện, trước khi cưới, lần đầu tiên tới nhà anh ấy, cậu biết mẹ anh ấy nói gì tớ không? Nhìn tớ từ trên xuống dưới rồi bảo tớ gầy quá, mông thì nhỏ, hông cũng nhỏ, không sinh được con trai, nói là tướng của tớ không có phúc, bảo con trai bà đừng yêu tớ nữa. Tớ ngồi trên tàu một đêm, tới nhà anh ấy đến miếng nước cũng không được uống. Cuối cùng một mình tớ bỏ đi, mua vé tàu hỏa, đi về ngay trong ngày. Nếu không phải sau đó Tùng Phi xin lỗi tớ, nếu không phải vì tớ kiên trì thì bọn tớ cũng không thể đi đến được ngày hôm nay. Giờ đây dựa vào sự nỗ lực của bản thân mình, tớ mua được nhà ở thành phố này, bà ta lại chạy tới làm đảo lộn tất cả.

Hy Lôi thấy Mai Lạc đau lòng như thế, phút chốc cũng thấy đau lòng theo, cũng rơi nước mắt:

– Đừng nói nữa, cậu nói làm tớ cũng thấy khó chịu, có cách gì đây, tớ cũng đang phải xoay tròn trong một cuộc sống không có lối thoát! Hay là bảo Tùng Phi nghĩ cách gì đó để mẹ anh ấy về quê đi!

– Đúng, tớ không thể để người đàn bà đó hủy hoại cuộc sống của tớ được. Tớ phải đòi lại lãnh thổ của tớ. Con quỷ Nhật Bản chúng ta còn đuổi đi được, tớ không tin một bà già nhà quê mà lại tài giỏi hơn thế.

Mai Lạc nghiến răng nói, một lúc sau, lại toét miệng cười.

– Đi thôi, đi mua quần áo cho con gái nuôi của tớ nào.

Hai người lau nước mắt, lại nở nụ cười tươi tắn rồi đi ra khỏi nhà hàng.

2.

Mua mấy bộ quần áo cho đứa bé, rồi mua cả váy bầu cho Mai Lạc, hai người vui vẻ ra về. Mai Lạc kéo tay Hy Lôi:

– Đi nào, lên nhà tớ, gặp bà mẹ chồng của tớ. Bà ấy hiếu khách lắm, thế nào lát nữa sẽ nấu cơm đãi cậu. – Dù sao Hy Lôi cũng không muốn về nhà để nhìn bộ mặt sầm sì của mẹ chồng mình nên theo Mai Lạc tới nhà cô.

Tùng Phi vẫn đi làm thêm chưa về, mẹ chồng ra mở cửa, trông bà có vẻ là người hiền từ, vừa thấp vừa gầy, trên mặt hằn rõ vết chân chim. Trên salon còn để mấy bộ quần áo may từ vải hoa, đều là tay nghề của bà, đúng như những gì Mai Lạc nói, điểm khác biệt giữa bà và mẹ Hứa Bân là bà rất hiếu khách, thấy khách tới nhà, bà bèn mời vào nhà ngồi, nói chuyện rất nhiều, mang mấy bộ quần áo nhỏ mà bà may ra cho Hy Lôi xem, Hy Lôi cũng nghe hiểu tiếng của bà, ý là hỏi cô có đẹp không.

Hy Lôi xem kỹ lại, vải hoa là vải bông, đường may rất khéo, chỉ có điều kiểu dáng và hoa văn hơi quê, nên cô chỉ nói:

– Đẹp ạ!

Bà lão cứ như thể gặp tri kỷ:

– Con nghe kìa, con nghe kìa, bạn con bảo là đẹp mà! Nó cứ nói là cái này không đẹp, không đẹp bằng quần áo chó mặc, có ai nói con trai mình thế không cơ chứ?

Mai Lạc không nhịn được lại chen ngang:

– Sao mẹ biết là con trai?

Vừa nãy bà lão nói chuyện với khách rất hiền hòa, khách khí, nay bỗng dưng trở nên hằn học:

– Tôi nói đó là con trai thì là con trai, không phải con trai thì chị không xong với tôi đâu.

Hy Lôi vội vàng cười giả lả:

– Bác ơi, tư tưởng của bác lạc hậu quá, bây giờ con trai hay con gái đều như nhau, chẳng phải chúng ta đều là phụ nữ sao? Sao bác lại coi thường bản thân mình thế?

Bà già nghe thấy thế, bỗng dưng giả bộ bị điếc:

– Cái gì? Cô nói gì thế?

Hy Lôi bất lực cười, bị Mai Lạc kéo vào phòng ngủ.

– Cậu xem cái dáng vẻ độc ác của bà ấy với tớ chưa? Lần nào tớ nói với bà ấy là chưa chắc đã sinh được con trai thì bà ấy cứ như thể sắp ăn tươi nuốt sống tớ đến nơi.

– Tùng Phi không nói gì sao?

– Bà ấy khôn lắm! Trước mặt con trai bà ấy, cho dù tớ nói gì cũng vẫn tỏ ra rất hiền hòa, con trai vừa đi là thái độ thay đổi luôn. Cái lần mà Tùng Phi giặt quần lót cho tớ ấy, lúc đó bà ấy chỉ mắng con trai vài câu, ngày hôm sau lúc con trai không có nhà, nói với tớ là đồ đàn bà hư hỏng, tôi nói cho chị biết, mấy món đồ bẩn thỉu của chị đừng bắt con trai tôi động vào, nếu còn bắt nó giặt thì cẩn thận tôi lột da chị ra. Cậu nghe đi, mẹ chồng cậu biến thái đến đâu thì cũng có bao giờ nói những câu như thế không?

– Trời ơi! – Hy Lôi trợn tròn mắt, – Bà ấy là phù thủy à?

Không lâu sau, quả nhiên bà lão bước vào phòng gọi họ ra ăn cơm, Hy Lôi còn thoái thác:

– Cháu không ăn đâu ạ, cháu phải về nhà bây giờ.

– Cơm đã nấu xong xuôi rồi, ăn luôn ở đây đi. – Bà lão rất nhiệt tình. Mai Lạc cũng đánh mắt ra hiệu cho Hy Lôi, Hy Lôi đành ngồi lại. Vừa nhìn vào bàn ăn, chỉ có hai món ăn, đều đựng trong cái bát to như cái chậu.

Một bát là canh bí đao nấu sườn, chỉ thấy có bí đao, sườn thì được hai, ba miếng, lại còn mặn chát nữa chứ. Mai Lạc hỏi:

– Mẹ, một cân sườn con mua sáng nay đâu?

Bà lão cúi đầu ăn cơm:

– À, ở trong nồi ấy, để dành cho Phi Phi! Nó chạy đi chạy lại bên ngoài cả ngày, mệt, bảo nó ăn nhiều một chút, chẳng biết thương chồng gì cả, lúc nào cũng chỉ biết ăn một mình.

Hy Lôi cười thầm trong bụng, điểm này thì bà ấy giống y như mẹ của Hứa Bân.

Hy Lôi vốn dĩ ăn cơm rất ít, lại kén ăn, thức ăn mặn chát như thế, mà cũng không được ngon lắm, bởi vậy cô chỉ ăn một bát cơm rồi nói là no rồi.

Mai Lạc nổi giận, tự mình chạy ra nồi nhặt sườn.

Bà lão lúc này mới để ý quan sát Hy Lôi, nói:

– Ăn thế mà đã no rồi à, con dâu bác phải ăn hai, ba bát mới no.

– Cô ấy giờ đang mang thai, ăn cho hai người mà bác, đương nhiên phải ăn nhiều rồi.

– Nhìn cô gái này xem, nét mặt đẹp quá, vừa nhìn là biết có phúc, chắc chắn sẽ sinh con trai. – Một câu nói của bà lão khiến Hy Lôi ngượng ngùng. Bản thân cô mặc dù gầy nhưng đúng là mặt cô tròn trịa hơn Mai Lạc một chút.

Bà lão lại hỏi nhỏ:

– Tùng Phi nhà bác sau này mới quen cháu à?

Hy Lôi không hiểu ý bà, nói:

– Dạ vâng, cháu là bạn của Mai Lạc, hai người họ yêu nhau rồi thì cháu mới quen Tùng Phi.

Bà lão có vẻ tiếc rẻ:

– Bác nói rồi mà, nếu không thì chắc chắn nó sẽ chọn cháu.

Câu nói này vừa thốt ra đã khiến Hy Lôi giật mình, vội vàng đứng lên. Như thế này chẳng phải là đang phá hoại tình cảm giữa cô với Mai Lạc sao?

Mai Lạc lại gần, hiển nhiên là đã nghe thấy lời của bà lão, nhưng không hề phật lòng.

Lúc tiễn Hy Lôi ra về, Mai Lạc nói:

– Thế nào, mở mắt ra chưa? Bây giờ nhìn con gái nhà hàng xóm cũng thấy là hơn tớ, đều sinh được con trai, đều xứng với con trai của bà ấy.

– Cậu thực sự phải nghĩ cách gì đó, để đuổi mẹ Tùng Phi về quê thôi.

Mai Lạc cười bí hiểm:

– Tớ đã nghĩ ra một cách rồi, cậu chờ mà xem.

3.

Hôm nay là cuối tuần, Tùng Phi được nghỉ, Mai Lạc đề nghị cả nhà ra ngoài thay đổi không khí, bà lão vừa nghe nói thế đã vui lắm, từ khi bà tới thành phố A vẫn chưa chính thức được đi chơi ở đâu:

– Đi đi, đi đi, mẹ không biết đường, đến đây mà đã đi được đâu đâu.

– Thế đi đâu ạ? – Tùng Phi hỏi.

Mai Lạc đề nghị:

– Nghe nói hoa anh đào ở chùa Ân Hòa nở rồi, nhà mình đi ngắm hoa anh đào nhé!

Bà lão vui vẻ cười.

Vừa ra khỏi nhà, Mai Lạc đang định gọi xe thì bị Tùng Phi ngăn lại, cố sức nháy mắt ra hiệu với Mai Lạc:

– Cũng không xa, lãng phí tiền! – Mai Lạc biết, anh sợ bà lão lại chê hai vợ chồng không biết tiết kiệm.

Cả nhà đành ngồi xe buýt. Vừa lên xe, lập tức đã có một phụ nữ trung niên nhường ghế cho Mai Lạc, Mai Lạc vẫn chưa quen lắm, thực ra cô chỉ mới ba tháng, bụng cũng chưa to lắm, có lẽ vì cô mặc một cái váy bầu rộng nên thu hút sự chú ý của mọi người, cô ngượng ngùng cười nói:

– Cảm ơn chị!

Người phụ nữ hiền hòa cười:

– Không sao, tôi cũng chuẩn bị xuống xe mà. – Sau đó chị đi về phía cửa sau của xe. Thực ra nếu để ý thì thấy những người nhường ghế cho bà bầu đa số đều là những người phụ nữ đã từng sinh nở, chỉ có phụ nữ mới hiểu nỗi vất vả của người phụ nữ có thai.

Mai Lạc vừa mới định ngồi xuống thì thấy Tùng Phi níu tay mẹ, chỉ vào ghế nói:

– Mẹ, mẹ ngồi đây! – Bà lão không thấy người khác nhường ghế cho Mai Lạc ngồi, chẳng nghĩ ngợi gì, ngồi xuống luôn, vui vẻ nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm cảnh. Lửa giận trong lòng bốc lên, Mai Lạc hằn học lườm Tùng Phi một cái, nghiến răng nói nhỏ:

– Tôi không phải là vợ anh à? Tôi đang mang thai con của ai hả? Chưa thấy ai làm chồng như anh, ghế người ta nhường cho tôi cơ mà!

Tùng Phi cười lấy lòng:

– Có phải là em đi lại khó khăn đâu, đừng ngạc nhiên thế, không thể nào để con thì ngồi, mẹ thì đứng chứ.

– Thế vừa nãy lúc tôi gọi xe sao anh không cho? Anh thì hiểu cái gì, 3 tháng đầu là quan trọng nhất. – Lúc này bên cạnh lại có một người xuống xe, Mai Lạc mới ngồi xuống. Trận phong ba ban nãy mới tạm dừng lại. Ánh mặt trời rọi qua ô cửa sổ, tràn vào trong xe, nhưng trái tim Mai Lạc vẫn lạnh lẽo như băng. Vì sao? Mẹ chồng tới ở, người đàn ông dịu dàng, chu đáo trước đây bỗng dưng biến mất không để lại dấu vết, trở thành một người con trai hiếu thuận với người đàn bà khác. Cô thầm hạ quyết tâm, nhất định phải thành công trong việc đuổi bà lão về quê.

Hoa anh đào ở chùa Ân Hòa nổi tiếng xa gần, cứ tầm tháng 3 là du khách lại đổ về đây nườm nượp. Mai Lạc cầm máy ảnh, liên tục chụp ảnh những bông hoa đào màu hồng, rồi tạo đủ dáng bên các cánh hoa, bắt Tùng Phi chụp cho cô, nói là để lưu giữ lại khoảng thời gian đẹp khi mang thai. Còn bà lão thì vốn là một người phong kiến, vừa bước vào chùa, thấy Phật là lễ, miệng thì lẩm bẩm đọc kinh, hy vọng Phật tổ phù hộ cho nhà bà có người hương khói, phù hộ con dâu bà sinh được một thằng con trai.

Từ chùa đi ra, một người ăn mặc như đạo sĩ bèn gọi cả nhà Tùng Phi lại:

– Bói một quẻ nhé, cát hung phúc họa, hôn nhân sự nghiệp, tiền đồ vận mệnh.

Bà lão vừa nghe thấy thế, vội vàng lại gần hỏi:

– Cái gì cũng bói được à? Sinh con trai con gái có bói được không?

Đạo sĩ nhìn bà lão một cái, rồi lại nhìn Mai Lạc, ra vẻ thần bí:

– Cô gái này tuổi Tuất, mệnh lý tương khắc với Thìn, chỉ sợ không địch nổi Thìn, sẽ sinh ra một thiên kim.

Mai Lạc vừa nghe thế đã nhếch mép cười thầm, Tùng Phi thì bực mình thúc giục:

– Đi thôi, nghe người ta nói liên thiên.

Bà lão không hiểu gì, lại hỏi tiếp:

– Tương khắc với Thìn là có ý gì? Có cách gì hóa giải không?

– Chỉ cần tránh xa người tuổi Thìn thì đương nhiên sẽ được hóa giải.

– Nghĩa là chỉ cần tránh xa người tuổi Thìn là sẽ sinh con trai?

Đạo sĩ gật đầu.

Bà lão trầm tư suy nghĩ, bỗng dưng nhớ ra:

– Ôi trời, tôi tuổi Thìn mà! Sao mà tôi lại quên mất! Tôi không thể khắc cháu tôi được, làm thế nào đây! Đại tiên, ngài giỏi thật đấy, cảm ơn nhé! – Tùng Phi móc ra 5 tệ, giục mẹ:

– Đi thôi mẹ, đừng tin cái này.

Dọc đường, bà lão vẫn lẩm bẩm:

– Mẹ tuổi Thìn mà, ông thầy bói nói chỉ cần tránh xa người tuổi Thìn là có thể sinh con trai.

Mai Lạc nghe nói thế, cố tình làm ra vẻ:

– Mẹ đừng tin cái này.

Bà lão thì không nghĩ thế:p>

– Sao lại không tin được, người ta nói chuẩn thế còn gì. Nếu không thì sao biết con tuổi Tuất, mẹ tuổi Thìn? Giờ làm thế nào đây?

– Tuổi Tuất với tuổi Thìn xung khắc nhau, hay là con về quê một thời gian, khi nào sinh thì con lên. – Mai Lạc nói.

Tùng Phi cười nhạo:

– Sao mà tin sái cổ mấy cái trò này thế. Về quê thì ai chăm sóc cho em. Bố mẹ em sống cùng với anh chị, làm gì có chỗ nào mà ở.

Bà lão nghe nói thế, vội nói:

– Không được, không được, mẹ đi, mẹ về quê, như thế là đủ xa rồi, không xung khắc nữa. Mẹ về quê.

Mai Lạc nghe bà nói vậy thật đúng ý mình, nhưng vẫn cố tình níu kéo:

– Mẹ mới tới không lâu, sao lại về được?

Bà lão vẫn kiên trì:

– Không được, nhất định phải về, đẻ được con trai là chuyện lớn, mẹ ở đây làm gì?

Mấy ngày hôm nay Tùng Phi vẫn đang đau đầu vì chuyện bất hòa liên tục giữa mẹ và vợ, nay thấy mẹ kiên quyết đòi về thì cũng không giữ lại nữa.

Trên đường về nhà, bà lão đã ra quyết định, thu dọn xong hành lý là lập tức về quê ngay, cuộc sống ở thành phố bà đã được hưởng thụ rồi, toilet cao cấp cũng được ngồi rồi, hoa anh đào cũng được ngắm rồi, chỉ vài tháng nữa là cháu bà sẽ chào đời, cả đời này bà cũng chẳng còn nuối tiếc gì nữa. Trong lòng Mai Lạc thì đã cười tươi như hoa.

Nếu không phải vì hòn đá đó, nếu không phải vì cái bậc cấp chết tiệt thì hôm nay đúng là một ngày tuyệt vời!

4.

Thực ra Mai Lạc chỉ đi tìm vị đạo sĩ đó từ trước, cho ông ta 50 tệ, bảo ông ta bịa ra chuyện Tuất và Thìn tương khắc, bà mẹ chồng mê tín chắc chắn sẽ tưởng thật và đòi ra về. Lẽ ra mọi chuyện đã thành công, nhưng trên con đường đi vào tiểu khu, Mai Lạc không chú ý, giẫm phải một hòn đá nhỏ, trượt chân một cái, ngồi phịch xuống bậc cấp, máu lập tức tuôn ra.

Đứa trẻ giữ lại được, nhưng chân phải của Mai Lạc thì bị gãy, trong thời gian ngắn không được hoạt động tùy tiện.

Khi Hy Lôi tới bệnh viện thăm Mai Lạc, bà mẹ chồng đang ra sức mắng mỏ Mai Lạc vẫn còn nằm trên giường bệnh:

– Đã lớn ngần này rồi mà đi đường còn không cẩn thận, cũng may mà đứa bé không sao, nếu không chị đừng sống nổi với tôi.

Còn Tùng Phi thì đang khuyên mẹ:

– Mẹ, mẹ đừng đi nữa, mẹ xem chân cô ấy đã bị thế rồi, bác sĩ nói lần này là may mắn, nếu không để ý sẽ bị sảy thai lần nữa. Mẹ ở lại chăm sóc cô ấy đi.

– Thế mẹ không đi, ông thầy bói bảo mẹ tương khắc với nó, không sinh được con trai thì làm thế nào? Không được! – Bà lão vẫn kiên quyết.

– Mẹ đừng tin mấy lời ông thầy bói đó nói nữa, họ lừa mẹ đấy. Nói không chừng bây giờ cô ấy đã mang thai gái rồi, mẹ đi thì nó biến thành con trai chắc.

Bà lão vừa nghe thế đã quát Mai Lạc:

– Đều tại chị, đến lúc đó mà không đẻ được con trai thì chị cẩn thận với tôi.

Cái chân bị thương của Mai Lạc lúc này đang đau, bị mẹ con họ nói mãi bực cả mình, thấy mẹ chồng lại ở lại, kế hoạch chu đáo của mình bị hỏng, nhất thời lửa giận cũng bốc lên:

– Nói đủ chưa hả? Con trai, con trai, tôi bị thương rồi, tôi rất khó chịu, thế mà chỉ nghĩ đến sinh con trai, không đẻ con trai thì chết chắc!

Bà mẹ chồng thấy thế cũng nổi nóng, Tùng Phi thấy việc không hay bèn vội vàng khuyên nhủ, quay sang mắng Mai Lạc:

– Sao lại nói thế! Hỗn quá!

Đúng lúc đó Hy Lôi bước vào phòng bệnh nên ba người mới không cãi nhau nữa.

– Còn đau không?

– Hơi hơi thôi! – Mai Lạc thấy Hy Lôi tới thì tâm trạng khá hơn một chút.

– Đứa bé không sao chứ? – Hy Lôi hỏi. Bà lão thấy hỏi tới đứa bé thì lại chen ngang:

– Cháu nội tôi mà làm sao thì chị liệu hồn với tôi!

Mai Lạc bực bội quay đầu đi, Tùng Phi lại khuyên mẹ ra ngoài.

– Đứa bé không sao nhưng tớ thì có.

Hy Lôi an ủi bạn:

– Chân đau một chút thôi, không sao, chịu khó dưỡng bệnh, hay là cậu xin cơ quan cho nghỉ đi, như thế này cũng có đi làm được đâu.

– Tớ không phải nói là chân đau, tớ nói bà ấy, lẽ ra chuẩn bị về rồi, giờ chân tớ bị thương, bà ấy lại có lý do để không về nữa.

Hy Lôi hạ thấp giọng hỏi:

– Cậu nghĩ ra cách gì để bà ấy về à?

Mai Lạc kéo Hy Lôi ghé sát mặt mình, rồi kể lại đầu đuôi cho bạn nghe, Hy Lôi bật cười:

– Trời ơi! Cách này mà cậu cũng nghĩ ra, trong đầu cậu chứa cái gì thế hả!

– Suỵt! Nỏi nhỏ thôi, tớ học theo trong “Hồng lâu mộng” mà.

– Giỏi ghê nhỉ! Cậu cứ yên tâm dưỡng bệnh đi, chân cậu bị thương, không thể đi làm được, cũng không thể bắt Tùng Phi nghỉ làm ở nhà phục vụ cậu đúng không? Mẹ anh ấy tạm thời không về cũng tốt, khi nào khỏe lại thì cậu nghĩ cách khác! Cái đầu thông minh thế này cơ mà, tớ chịu không nghĩ ra được cách như thế, cả ngày chỉ biết ở nhà buồn bã rơi nước mắt, khiến bản thân mình cũng một đống bệnh.

Tùng Phi ở bên ngoài khuyên nhủ mẹ mãi, bà lão bước vào, sa sầm mặt nói:

– Tôi không về nữa. Chân chị bị thương, con trai tôi còn phải kiếm tiền để nuôi cái nhà này, không có sức lực chăm sóc chị nữa. Nó bảo rồi, ông thầy bói đó chỉ nói bừa thôi, không tin được, nên tôi không về nữa. Nó hứa với tôi rồi, sẽ tìm một người quen để siêu âm, kiểm tra xem là con trai hay con gái, để tôi còn yên tâm.

Tùng Phi cũng an ủi Mai Lạc:

– Dưỡng thương đi, không sao đâu, nói chuyện tử tế với mẹ, đừng cãi lời, nhường mẹ một chút, anh đi làm cũng phải để anh yên tâm chứ, đúng không?

Mai Lạc vừa nghe nói đi siêu âm để xác định giới tính đã tỏ ra khinh bỉ Tùng Phi:

– Anh giỏi thật đấy, tìm người quen để xác định là con trai hay con gái, thế là con gái thì sao?

Tùng Phi ngượng ngùng cười, nhìn mẹ một cái, nói khẽ:

– Thì cứ nịnh mẹ trước đã, đừng tưởng thật!

Tùng Phi phải đi làm, bà lão tiễn con trai ra ngoài.

Mai Lạc nhìn theo cái lưng đã ra đến cửa, nghiến răng nói:

– Nhìn xem, một cặp mẹ con ngu dốt, nhìn Tùng Phi nhà tớ biến thành cái gì rồi kìa. Tớ thực sự nghi ngờ không biết có phải anh ấy bị tẩy não rồi không.

– Được rồi, Tùng Phi thế là tốt lắm rồi, với cái tính cách đanh đá ấy của cậu, cả ngày người ta nhường nhịn cậu, cậu đừng khiến anh ấy khó xử nữa.

– Cậu lại còn nói tớ à, lúc nào cũng cả mớ đạo lý.

Đúng thế! Người trong cuộc thì mê, bản thân mình khi phải rơi vào trường hợp tương tự, vì sao cũng chẳng có tí trí tuệ nào nữa? Ngày trước khi cô buồn bã thì đều là Mai Lạc an ủi cô, giờ Mai Lạc biến thành người kể khổ, còn Hy Lôi thì như một bác sĩ tâm lý, thực ra cô cũng là bệnh nhân mà! Bác sĩ không thể tự chữa bệnh cho mình có lẽ là đạo lý này.

Mai Lạc nhanh chóng được xuất viện, xin cơ quan nghỉ phép để ở nhà dưỡng thương. Chiến tranh với bà mẹ chồng cũng cứ thế tiếp diễn. Phản ứng thai kỳ giai đoạn đầu đã bớt dần, cô lại thấy ngon miệng trở lại, lúc nào cũng đói, trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ tới những món ăn ngon, ngày nào Mai Lạc cũng phải nói với mẹ vài lần:

– Mẹ, nấu ăn đừng cho thêm nước được không? Nấu ăn cho thêm ít dầu được không?

Còn bà lão thì ngày nào cũng hỏi con trai:

– Đã tìm được người quen chưa? Bao giờ thì đi siêu âm?

Tùng Phi ngày nào cũng phải đau đầu đối phó với mẹ và vợ, mệt mỏi vô cùng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.