Sống Chung Với Mẹ Chồng

Chương 15 - Gốc Cây Bí Mật

trước
tiếp

Thứ sáu tan làm, Hy Lôi cùng Mai Lạc đi xem phim. Bụng Mai Lạc giờ đã to lắm rồi, cái dáng vẻ gầy tong teo trước kia không còn tồn tại nữa, sự ra về của bà mẹ chồng khiến Mai Lạc thoải mái hơn rất nhiều, trông thần sắc của cô có vẻ tươi tỉnh, khí sắc rất tốt. Vừa thấy Mai Lạc, Hy Lôi đã cúi người áp tai vào bụng nghe ngóng, nói với đứa trẻ trong bụng bằng giọng nói vô cùng dịu dàng:

– Con gái nuôi, mau ra đi nhé!

Mai Lạc một tay cầm đùi gà, một tay cầm cái kẹo hồ lô, cười nói:

– Thích thế thì tự sinh một đứa mà chơi!

– Không đâu, tớ còn chưa chuẩn bị xong mà, tuyệt đối không thể đánh một trận chiến mà mình không nắm chắc phần thắng.

Họ xem bộ phim “Hoa dạng niên hoa” của Vương Gia Vệ, thân hình mặc áo sườn xám của Trương Mạn Ngọc thật là tuyệt vời. Hy Lôi không quên nhắc nhở Mai Lạc vẫn đang vui vẻ:

– Này, ăn ít thôi, nếu không sinh con xong không về dáng được đâu. Nhìn người ta kìa.

Mai Lạc bất cần:

– Tớ chẳng quan tâm, ăn no xong rồi tính. Người ta là đại minh tinh, tớ có đóng phim đâu mà lo.

– Đàn bà giữ được thân hình đẹp là một thái độ sống khỏe mạnh, tích cực, không liên quan gì tới nghề nghiệp cả. – Hy Lôi không quên sứ mệnh biên tập một tạp chí phụ nữ của mình, lúc nào cũng dạy bảo Mai Lạc.

– Biết rồi, xem phim đi, đừng nói nữa.

Hy Lôi yên lặng ngồi xem phim. Trong bộ phim, Châu hỏi:

– Tôi hỏi cậu, ngày trước có một số người, trong lòng có bí mật, hơn nữa không muốn người ta biết, có biết họ làm thế nào không?

Bính nói:

– Sao tôi biết được?

Châu nói:

– Họ sẽ lên núi tìm một cái cây, khoét một cái lỗ trên cây, sau đó nói bí mật vào gốc cây đó, rồi dùng bùn bịt kín lại. Như thế bí mật sẽ ở lại trong cây mà không ai biết.

Mai Lạc đột nhiên quay đầu lại, hào hứng hỏi:

– Cậu thì sao, nếu là cậu, có bí mật thì sẽ làm thế nào?

– Tớ viết nhật ký! Viết xong, có bao nhiêu khó chịu trong lòng được phát tiết ra hết, dễ chịu hơn nhiều. Làm người phải biết “xả” chứ không phải là “giữ”.

– Wa, cậu quê thế à, thời nào rồi mà còn viết nhật ký.

– Thế còn cậu, có có bí mật thì làm thế nào.

– Tìm cậu kể chứ sau, cậu chính là hốc cây của tớ mà, ha ha!

– Đáng ghét!

2.

Từ rạp chiếu phim đi ra, cô chia tay Mai Lạc ở đầu đường. Một mình cô lại loanh quanh trong siêu thị, bị cám dỗ bởi cái áo sườn xám mà Trương Mạn Ngọc mặc trong phim, cô bèn mua một cái tương tự. Về tới nhà, tiếng máy hút mùi trong bếp đang vang lên, mẹ chồng đang nấu cơm. Hy Lôi đi thẳng vào phòng ngủ, định thay áo ra xem.

Những bông hoa li ti màu tím, chất vải thô, cúc hình con bướm, đường viền màu đỏ thẫm, mặc lên người từng đường nét nổi rõ ràng, Hy Lôi ngắm nghía mình trước gương, nghĩ bụng, lát nữa Hứa Bân về phải mặc cho anh xem, chắc chắn là anh rất thích.

Lúc này tiếng máy hút mùi trong bếp dừng lại, rồi vang lên tiếng trò chuyện của hai người.

– Hy Lôi với Hứa Bân nhà chị chưa về à? – Hy Lôi nghiêng đầu lắng nghe, là giọng nói của một người bạn của mẹ chồng thường ngày vẫn hay tới nhà chơi, Hứa Bân gọi bà ta là dì Tuyết.

Sau đó là giọng nói thản nhiên của mẹ chồng:

– Hứa Bân thường xuyên phải đi đãi khách, còn nó thì càng về muộn được càng tốt, chẳng muốn ở nhà thêm dù chỉ một phút, về đến nhà là mặt mày sưng sỉa, cứ như ai nợ nần gì nó ý.

– Không phải đâu, trông có vẻ hiền lành ngoan ngoãn lắm mà. – Dì Tuyết nói.

– Biết giả vờ lắm, ở bên ngoài thì giả bộ mình là người hiểu chuyện, về tới nhà, hừ, chị không biết đâu, bao nhiêu tật xấu mình nó ôm tất, với người lớn thì không lễ độ, hay ăn, lười làm, thích trang điểm, tiêu tiền lãng phí, suốt ngày mua quần áo. Tôi cả ngày hầu hạ nó ăn uống mà cũng chẳng biết điều, cứ như kẻ thù của tôi ấy, lại còn thường xuyên cãi nhau với Hứa Bân, Hứa Bân đúng là đồ vô dụng, mỗi lần cãi nhau là rối rít nhận lỗi về mình, chẳng ra dáng đàn ông tí nào. Tôi nhìn thấy là bực. Chuyện gì cũng nghe lời vợ, tôi nói gì cũng đều không đúng.

Dì Tuyết đùa:

– Ha ha, con trai mà, lấy vợ là quên cả mẹ.

Mẹ chồng lại thở dài:

– Cả ngày trang điểm lòe loẹt, đến là đĩ thõa, ra ngoài thì mắt liếc mày đưa, không biết là để cho ai xem! Haiz, Hứa Bân không biết khi đó nghĩ gì mà yêu nó, tôi chẳng thấy nó có gì tốt, ngày trước giới thiệu cho nó bao nhiêu cô gái tốt thì nó không chịu, tôi còn tưởng nó tìm được tiên nữ thế nào về chứ. Haiz, giờ hối hận thì cũng muộn rồi, ban đầu tôi thực sự nên ghép đôi nó với con bé mà chị giới thiệu.

Dì Tuyết lúc này có vẻ rất hứng thú nghe chuyện, cười hi hi:

– Trước khi cưới đều phải mở to mắt, sau khi cưới thì mở một mắt, nhắm một mắt, câu này cũng hợp với chị, bây giờ chị cứ mở một mắt, nhắm một mắt đi.

Mẹ chồng vẫn tiếp tục không thôi:

– Tôi mở một mắt, nhắm một mắt chỉ sợ chết không nhắm mắt. Đứa con gái như thế này tôi thấy chẳng an phận đâu. Hơn một năm rồi mà không thấy có thai, cả ngày chỉ biết hành hạ chồng trên giường, tôi thấy ông Hứa muốn bế cháu lắm rồi, nhưng mà cứ chờ đấy.

Hy Lôi ở trong phòng nghe thấy mà rùng cả mình, mặt mũi đỏ bừng, nghe cũng biết không hiểu mẹ chồng đã hận cô bao nhiêu. Cũng không ngờ mẹ chồng lại bất mãn về mình như thế, trong lòng cô buồn lắm, rồi cô lại nghĩ, lát nữa nên làm thế nào để đi ra khỏi phòng đối mặt với mẹ chồng, sau này nên sống với bà như thế nào. Hy Lôi vẫn khép hờ cửa, đang nghĩ nên đi ra như thế nào.

Lúc này dì Tuyết nói phải về nhà nấu cơm cho chồng, mẹ chồng giữ bà lại, không lâu sau nghe thấy tiếng đóng cửa, dì Tuyết về rồi, căn nhà lại quay về với vẻ yên tĩnh thường thấy. Mẹ chồng có lẽ cũng đã nấu xong cơm, thấy chưa ai về, bèn gọi điện thoại:

– Ông xã, chưa về nhà ăn cơm à? – Bên ngoài vang lên tiếng mở cửa:

– Về rồi đây, làm món gì ngon thế?

– Hy Lôi với Hứa Bân vẫn chưa về, để em gọi điện thoại đã.

Mẹ chồng gọi điện thoại cho Hứa Bân, hỏi han một hồi rồi nói với chồng:

– Nó nói về ngay bây giờ.

– Gọi điện thoại cho Hy Lôi xem, sao giờ vẫn chưa về?

– Anh đi mà gọi, em không muốn nói chuyện với nó.

Bố chồng gọi vào di động của Hy Lôi, điện thoại Hy Lôi để trong túi xách, tiếng nhạc vui vẻ vang lên, màn hình sáng nhấp nháy, Hy Lôi hoang mang không biết làm thế nào, có nên nhấc máy không. Lúc này mẹ chồng men theo tiếng nhạc, đi vào phòng ngủ, thấy Hy Lôi đang ngồi ở đầu giường.

Mặt mẹ chồng lập tức đỏ bừng:

– Sao… sao con lại ở nhà hả?

Hy Lôi cũng thấy thật khó xử:

– Con… con vừa mới về.

Bố chồng thấy Hy Lôi ở nhà, không hiểu chuyện gì thì cười ha hả:

– Về rồi à, thế thì mau đi ăn cơm thôi!

Mẹ chồng bị người ta phát hiện ra bí mật trong lòng mình, gương mặt rất khó chịu, miệng thì cằn nhằn:

– Về nhà cũng không biết chào hỏi người lớn một câu, cứ lặng lẽ mà về phòng.

Bố chồng sợ hai người lại xảy ra tranh chấp, quay lại thấy đôi giày của Hy Lôi ở cửa, bèn dàn hòa:

– Ha ha, giày để ở đó mà không nhìn thấy.

Trong mâm cơm, mẹ chồng cảm thấy ngượng ngùng, cứ cúi thấp đầu lặng lẽ ăn cơm. Hy Lôi thậm chí còn hy vọng bà chủ động hỏi một câu “Vừa nãy con không nghe thấy gì chứ!”. Nếu bà hỏi vậy, chắc chắn Hy Lôi sẽ kiên định trả lời rằng mình chẳng nghe thấy gì cả, như thế thì đôi bên đều không phải chịu gánh nặng tâm lý. Nhưng khi bố chồng ăn cơm xong ra ngoài rồi, mẹ chồng đã quay lại với vẻ thản nhiên thường ngày, vui vẻ ăn cơm của mình, cứ như thể chưa từng có việc gì xảy ra. Vào giây phút đó Hy Lôi than thầm trong bụng: Thì ra người ta nói gừng càng già càng cay quả không sai. Hy Lôi cũng xoa xoa ngực mình, làm ra vẻ như chưa từng có việc gì xảy ra.

3.

Đã là hơn 11 giờ tối, Hứa Bân vẫn chưa về. Hy Lôi nằm trên giường, lăn qua lăn lại không tài nào ngủ được, nhớ lại những lời mẹ chồng nói xấu sau lưng mình là lại thấy hoang mang. Nghĩ lại bản thân mình, xinh xắn, thông minh, học nhiều hiểu rộng, làm việc xuất sắc, ai ai cũng yêu mến, bạn bè đồng nghiệp không ai là không khen ngợi, nhưng trong miệng của mẹ chồng thì cô lại trở thành người không được một ưu điểm gì, chẳng đáng một đồng xu, chỉ nghĩ đến đây là tâm trạng cô đã lại chán chường đến cực điểm.

Cô lôi quyển nhật ký từ ngăn kéo bàn làm việc, mở ra rồi nằm trên giường, viết nhanh vào đó những bất mãn đối với mẹ chồng, những oán hận với Hứa Bân, những thất vọng về cuộc sống, tất tần tật. Đúng thế, đây chính là gốc cây bí mật của cô, mỗi khi cô không vui, nhật ký chính là nơi để cô trút buồn phiền. Viết xong, trong lòng cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Cô khóa cẩn thận cái khóa nhỏ của quyển nhật ký, sau đó để vào chỗ cũ, khóa ngăn kéo lại rồi mới yên tâm ngủ thiếp đi.

Khoảng 12 giờ đêm, Hứa Bân lại khật khưỡng bước về nhà với mùi rượu nồng nặc, vừa nằm lên giường đã vùi đầu vào ngủ. Hứa Bân cũng được cái điểm này, uống say nhưng không quậy, rất ngoan ngoãn, Hy Lôi rót cho anh một cốc nước, nhìn gương mặt gần như đã biến dạng vì rượu của anh, vừa đau lòng vừa thấy tủi thân, không nhịn được lại nhào lên lòng anh bật khóc.

Hứa Bân vội vàng dang một cánh tay ra ôm lấy Hy Lôi, an ủi:

– Ôi trời, cục cưng! Em sao thế, ai lại chọc tức em? Nói cho chồng biết, ai bắt nạt em, anh tẩn cho nó một trận.

– Chồng ơi, nếu có người bắt nạt em, anh có bênh em không?

Hứa Bân nói:

– Đương nhiên rồi! Sao thế, ở cơ quan chịu ấm ức gì à?

– Nếu có người nói xấu sau lưng em, anh có bênh em không?

– Chắc chắn! – Hứa Bân đáp không hề do dự.

– Bất kể là ai?

– Ừ, bất kể là ai! – Hứa Bân dịu dàng hôn Hy Lôi rồi hỏi, – Ai chọc tức em nào, nói cho anh biết.

Hy Lôi thấy sống mũi cay cay, hơi cảm động, nói:

– Không, chẳng ai chọc tức em cả, em chỉ hỏi thế thôi. – Nước mắt bất giác lại trào ra.

Hứa Bân quay người, không lâu sau thì vang lên tiếng ngáy đều đều. Hy Lôi cũng trở mình, nước mắt thấm ướt gối. Cô nhớ lại một câu mà Mai Lạc từng nói: Cuộc đời con người đều phải làm ba việc: tự lừa gạt mình, lừa gạt người khác và bị người khác lừa. Hy Lôi biết, mình lúc này cũng chỉ là đang lừa mình lừa người, cô tin rằng nếu ở bên ngoài mình gặp phải uất ức gì, chắc chắn Hứa Bân sẽ đứng ra bảo vệ cho cô, nhưng nếu là mẹ anh thì chắc chắn anh sẽ lựa chọn im lặng và giảng hòa, hoặc bắt Hy Lôi phải chịu đựng, đừng so đo, tính toán. Dù sao thì người đàn bà đó cũng đã nuôi lớn anh, tình cảm đó không ai có thể thay thế và so sánh được, cho dù là người vợ đầu gối tay ấp với anh, cùng anh đi hết quãng đời còn lại, cùng anh đối diện với những mưa gió của cuộc đời.

4.

– Con giữ nhiều tiền thế để làm gì? Đưa đây. – Giọng của mẹ chồng.

– Không đưa, con không thể giữ chút tiền tiêu vặt à! Con là thằng đàn ông lớn ngần này rồi, đi ra ngoài mà trên người không có đồng tiền nào thì người ta cười cho à.

Buổi tối vừa về đến nhà đã thấy mẹ chồng cãi nhau với Hứa Bân, nguyên nhân là vì khi mẹ chồng giặt quần áo cho Hứa Bân, thấy trong ví anh có hơn 1000 tệ, đó là một khoản tiền thưởng mà Hứa Bân mới lĩnh, mẹ chồng trách anh không nộp tiền cho mình, Hứa Bân muốn lấy lại, nói là có việc khác cần dùng, thế là hai mẹ con cãi nhau.

Hy Lôi giả bộ như không nghe thấy, đi thẳng vào phòng. Nhưng thấy hai mẹ con họ cãi nhau, trong lòng cô lại thấy thầm khoái chí, mỗi khi Hứa Bân cãi nhau với mẹ anh là dường như lại có một bàn tay vô hình đẩy anh hướng về phía Hy Lôi.

Tiếng cãi nhau bên ngoài càng lúc càng dữ dội. Hứa Bân nói to:

– Trả cho con, con thực sự có việc cần dùng!

– Không trả, khi có lương chẳng phải con cũng giữ tiền tiêu vặt lại rồi sao? Còn cần nhiều tiền thế này làm gì? Hai đứa ở nhà, ăn của nhà, dùng của nhà, bình thường đến cái lọ kem đánh răng cũng chẳng phải mua, không biết là chi phí nhiều như thế nào, còn giữ nhiều tiền tiêu vặt để làm gì?

– Ai cả ngày ở nhà, dùng của nhà, đều là người một nhà, con là con trai mẹ, sao nói khó nghe thế.

Nghe thấy Hứa Bân bỗng dưng phản bác lại mẹ mình, Hy Lôi thầm vui trong lòng, cứ như thể vô tình giúp cô trút giận, nói ra những điều mình muốn nói.

Mẹ chồng thấy con trai phản bác mình thì càng giận, hét lên:

– Mày nói cái gì? Mày nói với mẹ mày thế à? Từ lúc nào mày trở nên như thế không hả? Có phải là nó nói gì với mày không?

– Cái gì mà nó? Ai?

– Có phải Hy Lôi nói gì với mày không, nói là nó nghe thấy tao nói xấu nó.

Hứa Bân bỗng dưng yên tĩnh hẳn, có vẻ ngạc nhiên:

– Mẹ đang nói gì thế? Mẹ nói cái gì?

Hy Lôi từ phòng lao ra, giải thích cho mình:

– Mẹ đừng có đoán bừa, con chẳng nói gì cả.

Mẹ chồng nghe thấy thế mới biết mình nói lỡ lời, mặt nặng trịch, ca thán:

– Làm sao? Về đến nhà len lén đi về phòng, không chào hỏi người lớn, nghe lén người khác nói chuyện, lại còn cãi lý nữa. – Sau đó bà nhét tiền vào túi của mình, xua tay với Hứa Bân. – Bỏ đi, không nói với anh nữa, dù sao thì cũng không thể để anh tiêu tiền bừa bãi được, số tiền này tôi giữ cho anh, có việc gì cần dùng thì tôi đưa.

Hứa Bân cũng bực mình:

– Cầm đi, cầm đi. Bực cả mình!

Về tới phòng, thấy ánh mắt tủi thân của Hy Lôi, Hứa Bân hiểu ra mọi chuyện, khe khẽ hỏi cô:

– Mẹ lại nói gì em à? Sao không nói với anh.

Hy Lôi cố làm ra vẻ nhẹ nhàng:

– Thì có một hôm em về nhà rồi vào phòng luôn, vô tình nghe thấy mẹ nói chuyện với dì Tuyết, nói là em có rất nhiều khuyết điểm, rằng em vô dụng. Anh không biết là nó khó nghe và độc ác thế nào đâu.

– Sao em không nói với anh?

– Nói với anh để làm gì, anh cũng lại mấy câu cũ rích đó, đừng tính toán với mẹ, đều là người một nhà, mẹ lúc nào chả thế! – Hy Lôi học theo khẩu khí của Hứa Bân thường ngày, khiến anh bật cười, Hứa Bân nựng khẽ bầu má của cô:

– Được rồi, anh biết là em phải chịu ấm ức, đừng tính toán với mẹ, đều là người một nhà, mẹ lúc nào chả thế! – Câu này khớp ngay với câu Hy Lôi vừa nói khiến hai người đều bật cười.

5.

Cuộc sống khó chịu đó gần như khiến tôi không thể thở nổi. Dưới một mái nhà, hai người đàn bà, cuộc chiến tranh của ba người, sự im lặng. Thì ra hôn nhân là một trò chơi phức tạp như thế, còn tôi, hiển nhiên là vẫn chưa thể tìm hiểu được bí quyết trong đó. Chân tay tôi không nhanh nhẹn, miệng lưỡi tôi không ngọt ngào, đó chính là tôi.

Tôi cảm thấy mình gần như sắp nổi điên, ngày nào khi bước vào nhà cũng cảm thấy dường như có một hòn đá nặng hàng ngàn tấn đang đè lên tim, ánh mắt sắc bén và đáng sợ ấy dường như lúc nào cũng nhìn chòng chọc vào tôi. Cái bóng màu trắng như một linh hồn ấy thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của tôi. Chỉ khi đi ra khỏi nhà, trái tim tôi mới tràn đầy sức sống và hạnh phúc.

Trời ơi, lúc nào mới thoát ra khỏi cái lồng này để có bầu trời riêng của mình đây?

Viết xong một đoạn nhật ký mới, trong lòng thấy dễ chịu hơn nhiều, nhưng vẫn chưa hết giận, Hy Lôi lại viết thêm mấy chữ vào đằng sau: “Phù thủy, ma quỷ. Hứa Bân, đồ lừa đảo”.

Hứa Bân tắm xong bước vào phòng, thấy Hy Lôi đang viết viết vẽ vẽ gì đó thì hào hứng hỏi:

– Viết gì thế? Lại còn thần thần bí bí, cho anh xem với!

Hy Lôi vội vàng che đi:

– Không được, không được, đây là bí mật của em, không thể cho anh xem được!

Hứa Bân hừ mũi, cười chế giễu:

– Xì, lại cái giọng điệu văn chương, lại khóc lóc như em Lâm Đại Ngọc trong nhật ký à, anh không thèm xem!

Hy Lôi cất nhật ký đi, khóa cẩn thận rồi để vào chỗ cũ. Lên giường. Hứa Bân đang đọc báo, đọc được thông tin về một bộ phim sắp ra rạp gần đây, anh đề nghị hai vợ chồng hôm nào đó đi xem phim. Lúc này Hy Lôi mới nhớ ra, từ sau khi cưới nhau, đã lâu lắm rồi hai vợ chồng chưa đi xem phim với nhau.

– Được thôi! Lâu lắm rồi không đi nhỉ?

Hy Lôi bỗng dưng nhớ lại vấn đề bí mật mà hôm đó đi xem cùng với Mai Lạc, thế là hỏi Hứa Bân:

– Chồng ơi, nếu anh có bí mật, để trong lòng thấy khó chịu thì anh làm thế nào? Nói với ai?

Hứa Bân nghĩ một lát rồi nói:

– Bí mật? Nếu đã là bí mật thì nói với ai cũng không thích hợp, vậy thì để vào đây là an toàn nhất. – Anh chỉ vào ngực mình.

– Anh cũng thực sự có bí mật à? Bí mật gì thế? Mau khai ra. – Hy Lôi trở mình, nũng nịu tra hỏi.

Hứa Bân vừa thấy mình mắc bẫy bèn vội vàng giải thích:

– Ai có bí mật, tại em hỏi mới nói. Yên tâm đi, với em thì anh là trong suốt, chẳng có bí mật nào cả.

– Thế còn được. Mẹ anh hình như gần đây không hay vào phòng bọn mình nữa, xem ra lời nói của anh cũng có hiệu quả phết!

– Mẹ anh tốt mà, đừng suốt ngày đối địch với bà.

– Biết lỗi để sửa là tốt. Hehe! – Hy Lôi đùa.

Hứa Bân cũng lây tâm trạng vui vẻ của Hy Lôi, bèn áp sát lại gần cô, cười đểu cáng:

– Đó đều là công lao của anh, em phải thưởng anh chứ.

– Tránh ra, đồ dê già.

Ai mà biết, vừa mới khen mẹ chồng thì ngày hôm sau lại một trận phong ba nữa đang chờ Hy Lôi.

6.

Không khí có vẻ không bình thường, từ giây đầu tiên đặt chân về đến nhà, Hy Lôi đã ngửi thấy một mùi vị khác thường, đó là sự yên tĩnh trước khi giông bão ùa về. Bố chồng, mẹ chồng, Hứa Bân đều đang ngồi nghiêm nghị trong phòng khách, thấy Hy Lôi quay về, ba luồng ánh mắt đều đồng loạt đổ dồn về phía cô.

– Sao thế ạ, sao vẫn chưa ăn cơm? Cũng không xem tivi?

Bố chồng lên tiếng trước:

– Còn ăn gì nữa, nhìn đã thấy no rồi.

Mẹ chồng cũng sa sầm mặt:

– Đúng thế, xem tivi làm sao hay bằng cái này. – Ánh mắt Hy Lôi nhìn theo ánh của mẹ chồng, thấy quyển nhật ký để trên bàn. Nhìn thấy nhật ký, Hy Lôi suýt nữa thì đã hét lên, trong giây lát cô hiểu ngay ra mọi chuyện. Rồi lại nhìn Hứa Bân, gương mặt đầy vẻ bất lực và thất vọng, thở dài với cô.

– Các người, sao các người lại đọc trộm nhật ký của người khác, có biết tôn trọng người khác không hả? Các… các người! – Hy Lôi lắp bắp nói không thành câu.

Bố chồng không còn vẻ hiền lành như mọi ngày, nghiêm giọng chất vấn:

– Con không viết những thứ linh tinh như thế thì sao sợ người khác đọc được! Vẫn còn trẻ tuổi, uổng công con còn là một người có học thức, tại sao lời nói lại độc ác như thế, phù thủy, ma quỷ, còn cái gì nữa, bố không thể nói ra được. – Trong đầu Hy Lôi như có một cái gì đó nổ tung, cô đưa ánh mắt cầu cứu sang phía Hứa Bân, hét lên:

– Hứa Bân! – Nhưng lần này cô sai rồi, Hứa Bân hoàn toàn đứng về một chiến tuyến với bố mẹ anh, anh cũng bực bội lườm Hy Lôi một cái, lạnh lùng nói:

– Em còn hét cái gì, em có mặt mũi gì mà hét nữa. Sao viết những thứ linh tinh đó.

Mẹ chồng lần này đã có người khác bênh vực với ưu thế tuyệt đối, hai tay khoanh trước ngực, không nói lời nào.

– Các người, các người lén đọc nhật ký của tôi, lại còn nói lý. – Hy Lôi giận quá, bất chấp tất cả, buột miệng nói. – Đúng, những câu đó là tôi viết, tôi rất u uất, tôi sắp ngạt thở rồi, tôi cần có một nơi để phát tiết. Đây là bí mật của tôi, ai cho phép các người xem hả.

Mẹ chồng nãy giờ vẫn không nói gì, nay cười lạnh một tiếng:

– Bí mật? Bí mật của chị là viết những lời lẽ độc ác đó để nguyền rủa mẹ chồng và chồng chị sao?

Hy Lôi đứng ở phòng khách, đối diện với cả nhà họ đang ngồi trên salon, giống như một dũng sĩ phải chiến đấu một mình, lên tiếng phản bác:

– Đúng, chính vì là bí mật nên không thể công khai với mọi người. Tôi chỉ muốn viết để phát tiết, những điều này so với những câu mà bà nói với dì Tuyết về tôi cũng chỉ là bên tám lạng, người nửa cân thôi.

Đột nhiên nhắc tới chuyện nói xấu Hy Lôi lần trước giống như bị lộ tâm sự, mẹ chồng thẹn quá hóa giận, lắp bắp:

– Đúng, là tôi nói chị, chị đúng là như thế.

– Đúng, thì tôi cũng viết đấy. Bà chính là như thế. – Chẳng hiểu Hy Lôi lấy ở đâu ra cái dũng khí ấy, không chịu thua kém. Nói xong những câu này, cô cảm thấy lòng mình dễ chịu hơn nhiều.

Mẹ chồng đứng bật dậy, còn chưa kịp nói gì, bỗng dưng mặt mũi trắng bệch, ngã ngồi xuống ghế salon, thở hổn hển. Hy Lôi nghĩ bụng, chắc lại giả vờ bệnh để được đồng tình. Hứa Bân thấy vậy bèn đứng lên quát Hy Lôi:

– Được rồi, Diệp Hy Lôi, cô nói đủ chưa, cô khiến mẹ tôi giận quá mà đổ bệnh rồi, cô vui chưa hả?

Nước mắt của Hy Lôi tuôn ra như mưa, giống như một dòng nước lũ quật ngã con đê, nghẹn ngào:

– Được lắm, nếu cả nhà đã có thành kiến sâu sắc với tôi như thế, nếu cả nhà đã sống không vui như thế thì tách ra, chúng tôi dọn ra ngoài, bà cũng không phải nhìn thấy tôi nữa. – Lần đầu tiên trước mặt mọi người trong nhà, Hy Lôi nói tới chuyện chuyển ra ngoài ở.

– Được rồi, đừng quậy nữa, chưa đủ loạn hay sao! – Hứa Bân thương mẹ đang thở hổn hển, bèn vuốt ngực bà, khuyên. – Mẹ, đừng giận nữa. Không giận nhé. – Sự dịu dàng đó giống như đang dỗ dành một đứa trẻ quấy khóc, hoàn toàn bỏ quên Hy Lôi vẫn đang đau lòng đứng cạnh đó.

Hy Lôi đứng một bên, im lặng rất lâu, cuối cùng cầm quyển nhật ký trên bàn lên, xách túi xách lên rồi lao ra ngoài cửa. Cái nhà này cô không thể ở thêm một khắc nào nữa rồi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.