Hồng Phúc thấy chàng trả lời như vậy, tỏ vẻ ngơ ngác, rồi y lại híp hai mắt lại, ngắm nhìn Thanh Lam một hồi nữa để nhận xét những lời mà chàng vừa trả lời thật hay là hư.
Chàng là người rất có chính khí, chứ không có vẻ gì là nói dối cả, nên ông ta nản chí hết sức, và rùng mình một hồi, rồi bỗng ứa lệ ra.
Thanh Lam thấy vậy ngạc nhiên hỏi:
– Tại sao cụ lại…
Hồng Phúc lắc đầu đáp:
– Không sao cả, lão chỉ thấy vật mà nhớ tới người đấy thôi.
Thanh Lam vẫn không biết Giang Nam đại hiệp mà ông già vừa hỏi đó là ai, nhưng chàng đoán chắc ít nhất đại hiệp đó thể nào cũng có sự liên can với ông. Vì thấy ông ta không tiện nói ra nên chàng cũng không dám hỏi lại.
Hai người yên lặng một hồi, ông già bỗng tiến tới gần mấy bước, rồi hỏi:
– Xin công tử thứ lỗi, nếu tiểu lão hỏi đường đột câu này:
Chẳng hay công tử định đi Trường Hận Cốc có việc chi thế, công tử có thể nói cho tiểu lão biết được không? Thấy ông già là người lạ mặt, chàng không nói rõ sự thật.
Nhưng sau chàng nghĩ lại là người của phái Không Động, mà môn phái của mình xưa nay cũng có tiếng là quang minh chính đại, vậy bất cứ đối phương có thiện hay ác ý mình cũng không nên nói dối người. Vì thế, chàng ngẫm nghĩ giây lát rồi đáp:
– Phen này tiểu sinh tới đây là muốn tìm kiếm Thiên Lý Cô Hành Khách.
Ông già nghe nói liền rùng mình một cái và lẩm nhẩm nói:
– Quả nhiên thiếu niên này định đến đây kiếm y thật. Hà! Đã mười mấy năm rồi lão ẩn tích ở núi Cửu Hoa này cũng chỉ muốn tìm thấy y nhưng… nhưng tiểu lão bị y ném ra khỏi sơn cốc đã không biết bao nhiêu lần, và cũng không sao gặp được mặt y. Y cũng không để cho mình được nói một lời nào, mà sự thật thì y là bạn thân với lão chủ nhân. Chả lẽ… Hà! Những ngày gần đây, ông ta thấy mình bị phiền phức vì những người đến quấy nhiễu, nên bất cứ là ai, hễ vào trong sơn cốc tìm kiếm ông ta thì họ đều bị Ông ta phế hết võ công rồi vứt ra khỏi sơn cốc. Chính lão tiểu bối đây cũng bị Ông ta phế mất võ công rồi, và cũng chưa kịp nói rõ lai lịch và mục đích của mình định vào gặp ông ta. Tiểu lão thật là thẹn mặt với lão chủ nhân. Công tử đã đem theo chiếc vòng Phích Lôi này đến đây để tìm kiếm ông ta, vậy nhờ có chiếc vòng này, chắc không việc gì đâu, nhưng dù sao cũng nguy hiểm lắm, công tử phải cẩn thận lắm mới được.
Nghe thấy ông già lẩm bẩm nói đến câu “Công tử đem theo chiếc vòng Phích Lôi tới” chàng liền ngạc nhiên, chẳng lẽ chiếc vòng Thạch Ma tặng cho ta quả thật là vòng Phích Lôi chăng? Nhưng bây giờ, ta chỉ lo nhất là sự an nguy của vợ chồng Văn Úy thôi, nếu ta đến chậm một bước, nhỡ bị Thiên Lý Cô Hành Khách phế mất võ công hai người đi, như vậy có phải là hổ thẹn với lương tâm không?
Nghĩ tới đó, chàng đoán chắc ông già Hồng Phúc thế nào cũng biết Trường Hận Cốc ở đâu, nên chàng vội hỏi:
– Có thật cụ biết rõ địa điểm của Trường Hận Cốc ở đâu không?
Tiểu sinh có việc cần phải vào nơi đó.
Ông già chỉ về một phía và nói:
– Công tử cứ việc đi theo con đường này mà tiến thẳng về phía Tây. Đi chừng hai mươi dặm, sẽ tới một cái thung lũng, bề ngoài trông rất nguy hiểm, nơi đó chính là Trường Hận Cốc đấy. Xưa kia những người vào trong sơn cốc chỉ bị Ông ta ném ra thôi, nhưng gần đây, ông ta lại còn phế cả võ công của kẻ đến quấy nhiễu ông ta nữa, nên công tử phải cẩn thận lắm mới được. Bằng không, chưa biết chừng còn bị nguy hiểm đến tính mạng là khác. À, công tử nên nhớ kỹ, khi đi tới chỗ có đường đôi, thì công tử nhớ quẹo về bên phía Bắc, chớ đừng đi về phía Nam, vì từ trước tới nay mấy chục năm rồi, hễ ai đi về phái đó đều bị toi mạng. Tiểu lão…
Không đợi chờ ông già nói xong. Thanh Lam đã đứng dậy, móc túi lấy ra một nén vàng vứt lên trên mặt bàn, rồi chắp tay vái chào ông già và nói:
– Cảm ơn lão trượng đã chỉ điểm cho. Quả thật tiểu sinh có việc cần phải đi ngay, để khi nào trở lại sẽ hậu tạ lão trượng.
Vừa nói tới chữ “trượng” chàng đã phi thân nhảy ra ngoài lầu trúc, tiến thẳng về phía Tây đi nhanh như bay tức thì.
Núi Cửu Hoa tuy rất cao dốc và khấp khểnh khó đi, nhưng con đường hai mươi dặm ấy đối với Thanh Lam cũng không có nghĩa lý gì. Chàng giở khinh công tuyệt đỉnh ra đi nhanh như bay, chỉ trong nháy mắt đã tới nơi liền.
Chàng ngắm nghía tìm kiếm một hồi, bỗng nghe thấy chỗ bụi cây cách chàng không xa có tiếng người nói rất khẽ. Chàng liền ngừng chân lại, thầm nghĩ:
“Nơi đây cách Trường Hận Cốc không xa, chẳng lẽ người đang nói đó cũng là một trong những nhân vật võ lâm định vào trong sơn cốc hay sao? Nếu quả thực như vậy ta cứ theo sau họ, khỏi phải tốn công tìm kiếm”.
Nghĩ như vậy, chàng rón rén tiến vào trong rừng. Vừa đi được vài bước, chàng đã nghe thấy có giọng the thé nói:
– Tiểu tử ấy cứ theo dõi chúng ta tới đây, có lẽ bây giờ y đã vào trong sơn cốc rồi, hè hè… Nếu sớm biết y tiến vào trong con đường này để dấn thân vào nơi chỗ chết, thì chúng ta chả cần phải nói cho sư phụ biết làm chi, cứ để mặc cho y bị phế võ công, rồi chờ khi y bị ném ra, lúc ấy ta sẽ đối xử với y sau.
Người đó vừa nói dứt, lại có tiếng người thứ hai đáp:
– Lão Nhị cũng ngây thơ thật. Lão đệ phải biết, lão quái ở trong sơn cốc này, tuy người trên giang hồ đồn đại y rất thần xuất, quỷ mặt, nhưng dù sao cũng chỉ là tin đồn thôi, chứ chúng ta đã trông thấy đâu? Còn tiểu tử nọ võ nghệ cao cường lắm nghe nói y là đệ tử ký danh của Côn Luân Thần Kiếm. Hiền đệ thử nghĩ xem, ngay cả Vương ốc Tản Nhân, Thác Thành Song Hung mấy tay trong Võ Lâm Lục Tuyệt mà cũng bị đánh bại. Gần đây ở trên núi Ngao Sơn, y còn đánh bại cả Chiết Thủ Phiên Thiên với bọn Tam Nhơn Tỷ Ni các người nữa. Phen này y đến Trường Hận Cốc là việc chùa Thiếu Lâm bị lão quái vật lấy trộm cuốn Dịch Chân Kinh. À! Nghe nói tiểu tử ấy ở trong chùa Thiếu Lâm đấu một chưởng với lão Quái rồi, hai người nửa cân tám lạng, không phân thắng bại. Nhờ có y chùa Thiếu Lâm mới thoát khỏi tai ách.
Nghe tiếng nói của người ấy rất quen, nhất thời Thanh Lam không nghĩ ra được y là ai, nhưng nghe lời chúng, thì chúng đã nói tới mình và đã theo mình tới đây, nên chàng càng kinh ngạc thêm.
Người giọng the thé lại nói tiếp:
– Theo sự ước đoán của tiểu đệ, dù tiểu tử này có sự liên quan rất mật thiết với chùa Thiếu Lâm thật, nhưng chưa chắc y đã dám liều mạng như thế đâu? Sở dĩ y dám mạo hiểm tới đây, chắc là vì hai tên ấy đã bị lão quái vật thuận tay bắt cóc về thì đúng hơn.
Nhưng sư huynh nói cũng rất phải, hiện giờ người trên giang hồ tâng bốc thằng nhỏ ấy lên đến tận chín tầng trời, lại còn đặt cho nó một cái biệt hiệu là cái gì Hoành Thiên Nhất Kiếm. Nhưng phen này y gặp phải lão quái vật, dù võ công của y cao siêu đến đâu, chắc y với lão quái vật thế nào cả hai cũng bị bại và bị thương chứ không sai.
Nghe thấy hai người ấy nói như thế. Thanh Lam lại nghĩ tiếp:
“Hình như hai người này có thâm thù gì với ta, nên chúng mới hận ta như vậy. Từ khi bước chân vào giang hồ, ta đã mang thù mang hận với người thật, nhưng nhất thời ta cũng không nghĩ ra được hai người này là ai?… Sao người trên lại gọi ta là Hoành Thiên Nhất Kiếm ư? Không ngờ ta mới ra đời lại được thiên hạ ban cho cái mỹ hiệu này.”.
Chàng vừa nghĩ vừa từ từ tiến lên. Khi tới gần chàng đưa mắt liếc nhìn, quả thấy dưới một cây cổ thụ có hai đại hán đang ngồi trò chuyện với nhau. Người ngồi bên trái béo lùi, chột một mắt, mặc quần áo đen, còn người ngồi bên phải thì cụt một tay phải. Chàng đã nhận ra hai tên này không phải ai xa lạ mà chính là bọn Yến Sơn Song Kiệt Khương Nhân với Khương Nghĩa. “Chúng dám theo dõi ta mà tầm thù đến tận nơi đây kể cũng táo gan thực”.
Nghĩ đoạn, chàng cười nhạt một tiếng, thủng thẳng bước lên, với giọng lạnh lùng quát hỏi:
– Khương Nhân, Khương Nghĩa, hai người còn nhận ra được tiểu sinh không?
Yến Sơn Song Kiệt không ngờ Thanh Lam lại đột nhiên hiện thân ở nơi đây. Hai người vừa trông thấy đôi mắt của chàng rất sắc bén liền rùng mình kinh hãi, vội song song nhảy về phía sau. Chúng vừa mới lui bước, mặt đang hoảng sợ, bỗng biến thành đắc chí, nhất là đôi mắt của chúng cứ trợn tròn xoe nhìn về phía sau Thanh Lam.
Thần sắc này sao Thanh Lam lại không thấy rõ? Chàng ngạc nhiên và kinh hãi thầm. Chàng biết hai tên này rất đa mưu lắm kế, chưa biết chừng chúng làm như thế để mình quay lại nhìn rồi chúng đột nhiên ra tay tấn công cũng nên? Tuy nghĩ như thế, chàng lại tự nhủ thầm rằng:
“Sao cả hai cùng có chung một thái độ như vậy? Trừ phi chúng phải hẹn ước với nhau trước hành động của chúng mới được đồng đều và giống nhau như vậy. Trông hình dáng này của chúng là thực chứ không phải là giả tạo. Nếu vậy, chẳng lẽ phía sau mình lại có vật gì mà khiến chúng mừng rỡ như thế chăng?”.
Nghĩ đoạn, chàng cười nhạt một tiếng, vội vận chân khí lên hộ thân, rồi đột nhiên quay đầu lại nhìn. Ngờ đâu người có tài ba tuyệt nghệ như chàng mà phải kinh hãi đến trợn tròn há hốc.
Thì ra ở phía đằng sau, chỗ cách chàng không xa, đã có một ông già mặt xanh nhợt, mặc áo bào xanh, đứng sừng sững ra đó rồi. Hai mắt xanh biếc của ông ta đang trố lên nhìn chàng và cất tiếng lạnh lùng hỏi:
– Người có phải là Hoành Thiên Nhất Kiếm Giang thiếu hiệp, mà gần đây đã khét tiếng giang hồ đấy không?
Thanh Lam kinh hãi, là vì từ khi Sinh Tử huyền quan được đả thông đến giờ, đừng nói là người dù là một tàu lá rớt xuống ở cách mình mười trượng chàng cũng có thể hay biết, mà nay ông già mặc áo bào xanh xuất hiện ở chỗ cách mình chừng năm trượng mà chàng không hay biết tý gì? Đủ thấy công lực và thân pháp của ông ta cao siêu đến mức không thể tưởng tượng được. Chàng vừa suy nghĩ vừa trả lời:
– Chính tiểu sinh là Giang Thanh Lam. Chẳng hay lão trượng quý danh tính là chi, đột nhiên xuất hiện nơi đây có việc gì chỉ giáo thế?
Ông già áo bào xanh nhìn chàng, tủm tỉm cười và đáp:
– Lão phu là Tây Xuyên Đường Thiên Sinh.
Nói tới đó, ông ta lại chỉ vào Yến Sơn Song Kiệt và nói tiếp:
– Anh em họ Khương đây là môn hạ của lão phu, bị thiếu hiệp đánh cho đến nỗi tàn phế. Đệ tử của Đường môn đi lại trên giang hồ, dù có thất lễ với các đại môn phái, ai ai cũng nể mặt lão phu hay tin trước. Còn thiếu hiệp không cho lão phu hay biết tí nào như vậy cũng hơi quá thái một chút.
Thanh Lam thấy đối phương tự xưng danh hiệu như vậy cũng phải giật mình đánh thót một cái. Thì ra ông già áo bào xanh này là Bích Mục Thiền Thù Đường Thiên Sinh, khét tiếng về sử dụng thuốc độc, tài ba sử dụng các thứ ám khí độc của y có thể nói là thiên hạ vô song. Vì vậy Thanh Lam vừa nghe thấy tên của y cũng phải kinh hoảng là thế, nên chàng không dám vô lễ với đối phương mà vội chắp tay chào một cái rồi mới trả lời:
– Thế ra lão trượng là Đường lão anh hùng danh trấn giang hồ đã lâu. Tiểu sinh thất kính vô cùng. Còn điều mà lão tiền bối vừa khiển trách thì việc làm của lệnh cao túc như thế nào chắc lão trượng cũng biết rõ cả?
Đường Thiên Sinh nghe thấy chàng nói như thế, ngắt lời nói tiếp:
– Lão phu đã biết qua loa câu chuyện ấy rồi, thiếu hiệp khỏi cần phải nói nhiều.
Thanh Lam thấy đối phương không cho mình phân trần, có vẻ tức giận liền lớn tiếng cười và hỏi:
– Lão trượng nói như thế là có ý nghĩa gì?
– Băng Phách phu nhân đối phó với hậu sinh tiểu bối mà cũng hạ độc thủ như vậy, lão phu thế nào cũng phải tìm kiếm y thị để chất vấn, còn thiếu hiệp…
Nói tới đó, y cố ý kéo dài giọng rồi đưa mắt nhìn Thanh Lam, nhưng không nói nữa.
Thanh Lam giận dữ đáp:
– Tiểu sinh còn có việc phải đi ngay, lão trượng có chuyện gì xin cứ nói rõ?
Thiên Sinh không trả lời Thanh Lam ngay mà chỉ giơ tay lên vẫy Khương Nghĩa tới. Y chỉ vào mặt Khương Nghĩa, rồi lớn tiếng cười, nói tiếp:
– Lão phu nghe nói thiếu hiệp xuất thân từ phái Không Động.
Không lão nhân với lão phu có quen biết nhau và đã gặp mặt nhau mấy lần, vì lẽ ấy mà lão phu không tiện ra tay lấy tính mạng của thiếu hiệp ngay là sợ mất lòng cố nhân. Nhưng lão phu là người ân oán rất phân minh, bây giờ chỉ cần thiếu hiệp chặt cánh tay trái để lại coi như đã xong.
Thanh Lam nghe thấy Thiên Sinh nói như vậy nghĩ thầm:
“Đại sư bá của ta là người chính trực, có khi nào lại thèm lai vãng với những người bàng môn tả đạo như thế? Y nói như vậy rõ ràng là y tự nâng cao địa vị của mình đấy thôi”.
Chàng nghe thấy đối phương nói tới câu bảo chàng tự chặt cánh tay, liền ngửng mặt lên trời cả cười và đáp:
– Yến Sơn Song Kiệt sử dụng Tuyệt Tình Trâm đả thương em gái của tiểu sinh nên tiểu sinh hỏi y lấy thuốc giải độc để cứu chữa.
Ngờ đâu, nhân lúc tiểu sinh không đề phòng y ngấm ngầm tấn công lén người bị thương và đã trúng độc. Y ác độc và vô nghĩa như thế, tiểu sinh chỉ chặt một cánh tay phải của y như vậy đã nương tay lắm rồi.
Thiên Sinh vội xua tay, đỡ lời:
– Thiếu hiệp hà tất phải nói người như thế làm chi? Đệ tử của nhà họ Đường xưa nay đi lại trên giang hồ không bao giờ chịu để cho ai hà hiếp hết. Thiếu hiệp tự chặt lấy cánh tay phải đi thì hơn.
Thanh Lam nổi giận, hỏi lại:
– Nếu tiểu sinh không tự chặt cánh tay thì sao?
Bích Mục Thần thủng thẳng đáp:
– Lời nói của lão phu nặng như núi, lão phu đã hứa không lấy tính mạng của thiếu hiệp rồi, thì dù thiếu hiệp không tự chặt lấy cánh tay phải lão phu cũng phải thay mặt Khương Nghĩa mà chặt gẫy tay của thiếu hiệp thôi. Lão phu cam đoan không đau đớn gì đâu, thiếu hiệp đừng có sợ.
Thấy đối phương coi mình như cá nằm trên thớt, tùy ý muốn chém muốn giết thế nào cũng được. Thanh Lam kinh hãi vô cùng.
Đồng thời chàng lại nghĩ đến vừa rồi đối phương hiện thân đến chỗ cách mình chừng năm trượng mà mình không hay tý gì, chỉ một điểm đó cũng đủ thấy võ công của đối thủ cao siêu hơn mình nhiều. Nếu y ra tay giết hại mình có phải là dễ như trở bàn tay không? Nhưng chả lẽ mình lại chịu thúc thủ để cho y chặt tay hay sao?
Thiên Sinh lại thủng thẳng nói tiếp:
– Thiếu hiệp đã nghĩ kỹ chưa?
– Lão trượng đi lại trên giang hồ bấy nhiêu lâu, có nghe thấy ai lại chịu thúc thủ để cho người ta chặt tay như thế không?
Thiên sinh trợn tròn xoe mắt lên, ngạc nhiên hỏi lại:
– Thế ra thiếu hiệp muốn ra tay đấu với lão phu phải không?
– Điều đó thì tiểu sinh không dám, nhưng nếu lão trượng muốn tiểu sinh phục tài thì tiểu sinh cũng muốn được tiếp một vài hiệp của lão trượng đấy.
– Hè, hè!
Thiên Sinh định thần nhìn kỹ, mồm cười nhạt hai mắt tia ra hai luồn ánh sáng dữ tợn.
Thanh Lam bỗng cảm thấy người choáng vàng hình như bị ảnh hưởng bởi tiếng cười của đối phương nên mới có hiện tượng như vậy.
Chàng giật mình kinh hãi, vội vận huyền công kiểm soát xem, mới hay chân khí tản mác tứ chi và thân thể bải hoải. Chàng lại nghe thấy Thiên Sinh nói tiếp:
– Thiếu hiệp hơi ngông cuồng thật. Với thân phận của lão khi nào lão phu phải đích thân ra tay?
Thanh Lam cảm thấy đầu óc nặng trĩu, hai mắt cũng tán loạn dần, gượng mãi cũng không sao mở ra được. Chàng lảo đảo lui về phía sau, rồi cố gượng trấn tĩnh tinh thần.
Lúc ấy Thiên Sinh lại cười the thé, bảo Khương Nghĩa rằng:
– Khương Nghĩa, con mau ra chặt lấy cánh tay phải của y đi.
Chàng cứ mơ mơ hồ hồ, đứng yên ở đó, và nghe thấy bước chân của Khương Nghĩa nặng chình chịch đang tiến từng bước một. Chàng yên trí phen này thể nào cũng bị tàn phế cũng không sai. Nhưng đột nhiên bỗng có một luồng dũng khí không hiểu ở đâu phát ra, chàng liền quát lớn một tiếng, giơ hữu chưởng ra đẩy luôn một thế.
Khương Nghĩa không ngờ người bị trúng độc nặng như vậy mà lại còn ra tay tấn công được, nên y không kịp tránh né. Chỉ nghe thấy kêu “ủa” một tiếng, người y đã bị đánh bắn ra ngoài xa ba trượng, rớt xuống đất kêu “bộp” một tiếng.
Đường Thiên sinh là một tay ma đầu gian giảo tột mức mà cũng phải giật mình kinh hãi, vội lui về phía sau. Rồi y ngửng mặt lên trời cất tiếng cười rất quái dị, vì tay y đã rút ra một chiếc gậy trúc xanh biếc và tiến từng bước một đi gần tới chàng.
Thanh Lam vẫn đứng yên chỗ cũ, Thiên Sinh đã tới gần mà chàng làm như không trông thấy vậy.
Thiên Sinh thấy thiếu niên tiếng tăm lừng lẫy giang hồ như vậy nên không dám lỗ mãng. Tuy lúc này y chỉ giơ chiếc gậy trúc lên tấn công mỗi một thế là có thể giết chết được chàng ta ngay nhưng y vẫn phải cẩn thận. Khi đã đi tới chỗ chỉ còn cách năm thước thôi, y liền ngừng chân lại, trố hai mắt lên nhìn. Chỉ thoáng cái y đã nhận xét thấy Thanh Lam tuy vẫn đứng yên như cũ, nhưng rõ ràng đã bị trúng độc rất nặng, chỉ nhờ có một chút chân khí cầm tụ mà không bị té ngã đấy thôi. Y liền cười nhạt, múa cây trúc nhằm Huyền Cơ huyệt ở trước ngực chàng điểm luôn.
Thanh Lam không né gì cả, và hình như không coi thế công của y vào đâu vậy.
Đang lúc nguy hiểm mảy may ấy, đột nhiên trên cây cổ thụ có tiếng quát tháo rất thánh thót và có một bông hoa bạc, nhanh như điện chớp nhằm đầu Thiên Sinh úp chụp xuống.
Bích Mục Thiền Thừ là cao thủ hạng nhất và cũng khét tiếng trong võ lâm, mà đối với thế công của người nọ nhanh đến nỗi y tự biết không sao phá giải nổi và cũng không sao trả đòn được, nên nghĩ thầm:
“Chẳng lẽ tên ma đầu ở trong sơn cốc đã kịp thời ra đây chăng?”.
Y vừa nghĩ vừa hất bừa chiếc gậy trúc lên, người thì vội lui về phía sau. Dù y nhanh đến đâu, nhưng sau một tiếng kêu “koong”.
chiếc gậy trúc của y cũng bị hất rời khỏi tay.
Có lẽ tên ma đầu ấy chưa trông thấy rõ hình bóng của đối phương ra sao, mà y đã vội quát bảo Khương Nghĩa rằng:
– Khương Nghĩa, mau rút lui.
Rồi y vội chụp lấy Khương Nghĩa mà chạy thẳng vào trong rừng liền.
Muôn ngàn bông hoa bạc vừa rồi mới thâu lượm xong đã có một thiếu nữ mảnh khảnh nhẹ nhàng nhảy xuống. Nàng rất nhanh thâu kiếm vào bao, quay lại nhìn Thanh Lam. Thấy chàng cứ đứng đờ người ra như tượng gỗ, nàng liền động lòng thương ứa nước mắt ra, với giọng run run kêu gọi:
– Lam đại ca có việc gì không?
Nói xong, nàng nhảy xổ lại ôm lấy chàng.
Thì ra vừa rồi Thanh Lam thấy người khó chịu, sự thực chàng đã bị trúng độc rất nặng, nhưng nhờ huyền quan đã được đả thông và nội lực rất thâm hậu, tuy đầu óc đang choáng váng thì bỗng linh tính hiện lên thấp thoáng một cái, nên chàng mới ra chưởng tấn công một thế. Rồi chàng gượng trấn tĩnh tâm thần, không để cho người mình bị té ngã, nhưng cũng vì thế mà độc khí lại càng có dịp lâm nguy nhanh thêm, nên thần trí của chàng mới mơ mơ hồ hồ như thế.
Lúc ấy, chàng cũng có nghe thấy tiếng khí giới va chạm nhau kêu “coong” một tiếng. Vì vậy mới giật mình kinh hãi và tỉnh táo khá nhiều. Rồi chàng gượng mở mắt ra nhìn xem ai kêu gọi và nhảy lại ôm mình như thế. Chàng chỉ trông thấy một người có thân hình mảnh khảnh vừa nhảy lại ôm mình. Chàng sực nghĩ đến sư muội của Thiên Lý Cô Hành Khách tức là thiếu nữ áo đỏ, đã cố ý làm quẩn chân mình, sử dụng kế “điệu hổ ly sơn” để cho sư huynh của nàng lấy được cuốn chân kinh đi.
Nghĩ tới đó, chàng cho thiếu nữ này là kẻ đê hèn vô sỉ, nên lửa giận bỗng bốc lên đùng đùng rồi hình như chàng quát lớn một tiếng, giơ song chưởng lên tấn công vào thiếu nữ ấy một thế. Tuy thần trí đã mơ hồ, nhưng nội lực của chàng vẫn còn.
“Bùng”.
Thiếu nữ nọ không kịp đề phòng, bị chàng đánh trúng, bắn ra ngoài xa bẩy tám thước. Còn chàng cũng vì dùng sức quá mạnh, hai mắt nổ đom đóm, đầu óc choáng váng, rồi mê man bất tỉnh lúc nào cũng không hay.