Hai nhà toán học
Nerzhin đi lên thang lầu lớn, rộng, trải thảm đỏ, dưới những cây đèn bằng đồng và trần nhà bằng thạch cao đắp vòng cung. Vào giờ khuya này, thang lầu vắng tanh. Anh cố gắng trấn tĩnh để bước đi với một vẻ thản nhiên khi anh đi ngang người sĩ quan trực ở phòng gác bên ngoài và tới gõ lên cánh cửa văn phòng của ông giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học Mavrino: Đại tá kỹ sư Bộ An ninh quốc gia Anton Nikolayevich Yakonov.
Văn phòng rộng thênh thang, trên sàn có trải thảm, bàn ghế bằng gỗ quí đánh bóng. Ở giữa phòng là một chiếc bàn hội dài trải khăn xanh. Ở trong góc phòng xa tít kia mới là bàn làm việc của Yakonov. Nerzhin từng vài lần đặt chân vào phòng này, nhưng anh chỉ đến đây với nhiều người khác để dự những phiên họp nghe chỉ thị, đây là lần thứ nhất anh một mình tới đây.
Đại tá kỹ sư Yakonov đã ngoài năm mươi nhưng trông vẫn còn trẻ và tráng kiện. Y cao lớn, khuôn mặt y thoa phớt một làn phấn sau khi y cạo râu. Y không mang kiếng trắng mà chỉ dùng một chiếc pince-nez bằng vàng. Y có cái vẻ vạm vỡ của một vương tử Obolensky hay Dolgorukov. Những cử chỉ kiểu cách, quan dạng làm cho ý nổi bật lên giữa những viên chức khác trong Bộ An ninh.
“Mời ngồi, Gleb Vikentich…”
Yakonov nói lớn và thừa thãi. Y ngồi dựa lưng trên chiếc ghế bành da quá lớn sau mặt bàn rộng, một tay mân mê cây viết chỉ đỏ thật lớn trên bàn.
Việc gọi tên riêng và tên thánh của Nerzhin chứng tỏ sự lễ độ và thiện chí của Yakonov, nhưng thực ra y không cần phải cố gắng chút nào để có thể nhớ được tên riêng của những nhà khoa học bị tù ở đây, bởi vì dưới mặt tấm kiếng trên bàn y có nằm một bản danh sách ghi tên riêng của tất cả những tù nhân. (Những ai không biết y có bản danh sách này để ngạc nhiên về khả năng nhớ được tên riêng cả trăm người của Yakonov) Nerzhin cúi đầu chào lại y và không đứng nghiêm chào, anh lặng lẽ ngồi xuống chiếc bàn nhỏ gần đó, đôi mắt anh chăm chú nhìn Yakonov, chờ đợi ý nói. Giọng nói của Yakonov có những âm thanh trầm bổng như giọng một kép hát sân khấu. Người ta không hiểu sao con người có vẻ quý phái này lại không uốn lưỡi chữ “r” như kiểu nói những nhà quý phái thời xưa.
Yakonov lên giọng:
“Gleb Vikentich… Trước đây nửa tiếng đồng hồ, tôi có dịp nói đến anh. Tôi nghĩ đến những nguyên nhân đã đưa anh tới Phòng Âm thính, tới làm việc với Roitman?”
Yakonov cố tình nói đến tên Roitman với một vẻ khinh mạn không cần che giấu. Y không cần cả gọi Roitman là thiếu tá trước mặt một tù nhân. Tình trạng ác cảm hổ tương giữa viên giám đốc viện và viên phụ tá giám đốc đã đi đến điểm không cần phải che giấu nữa.
Nerzhin cảm thấy thần kinh mình căng thẳng. Linh tính cho anh biết cuộc hội kiến đêm nay đã mở đầu bất lợi cho anh. Trước đây nhiều ngày, anh đã thấy nét mỉa mai này hiện trên vành môi Yakonov khi y nói với anh rằng mặc dù anh vẫn chăm chỉ làm việc, y biết anh coi thường những kết quả thâu lượm được ở Phòng Nghiên cứu số bảy. Phòng Nghiên cứu này là niềm kiêu hãnh của Yakonov, y đặt tất cả lòng tin của y vào đấy.
Nhưng sự làm việc ở đó lại không tiến triển như ý muốn của Yakonov.
“…Tất nhiên là tôi phải nhận rằng kết quả cuộc nghiên cứu của anh về tiếng nói rất có giá trị…”
Nerzhin nghĩ thầm: “Hắn chế nhạo mình”.
“… Và tôi rất buồn khi thấy bản báo cáo của anh không được công bố cho cả thế giới khoa học được biết, làm anh mất cơ hội trở thành một George Fetcher của Nga Xô Viết…”
Nerzhin nghĩ thầm: “Hắn nhạo mình quá sỗ sàng…”.
“Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ cách làm sao cho anh có cơ hội làm những việc hợp với khả năng của anh hơn, để cho có lợi hơn. Chắc anh biết tôi là người rất kính trọng những khoa học trừu tượng nhưng tôi cũng là một người rất thực tế…”
Đại tá kỹ sư Yakonov tuy giữ một địa vị cao trong y không quá ở gần Lãnh tụ đến nỗi phải che giấu sự thông minh của y hoặc luyện thành thói quen không có ý kiến riêng.
“Tôi muốn thành thật hỏi anh… hiện anh đang làm gì ở Phòng Âm thính?”
Yakonov không thể nào đặt với Nerzhin một câu hỏi tàn nhẫn hơn. Y không thể có thì giờ xét kỹ đến tất cả mọi trường hợp, để ý đến riêng từng tù nhân. Nếu y chịu xét đến tình trạng của Nerzhin. Y đã có trả lời từ lâu.
“Anh mất thì giờ với việc nghiên cứu vớ vẩn ấy làm chi? Anh là một nhà toán học, một người xuất thân đại học. Quay lại nhìn coi…”
Nerzhin quay lại nhìn và anh vội đứng dậy. Trong phòng còn một người thứ ba nữa. Một người đàn ông trông có vẻ rất thường bận bộ y phục thường dân màu đen đứng lên từ chiếc ghế dài và đi đến gần Nerzhin. Khung kiếng mắt tròn của ông này sáng lấp lánh. Dưới vầng ánh sáng rọi xuống từ bóng đèn điện trên trần. Nerzhin nhận ra giáo sư Pyotr Trofimovich Verenyov. Trước chiến tranh, giáo sư Verenyov dạy ở trường đại học anh học. Tuy vậy, theo thói quen của cuộc sống trong nhà tù, Nerzhin vẫn đứng yên, không nói, không làm một cử chỉ. Anh đoán rằng giáo sư Verenyov cũng là một tù nhân và anh có thể làm hại ông bằng những câu nói vội vã. Verenyov mỉm cười, nhưng ông cũng có vẻ bối rối.
Yakonov nói bằng một giọng vừa trấn an vừa khuyến khích:
“Thật hay… những nhà toán học có khả năng tự chế ngự hơn người thật. Suốt đời tôi, tôi vẫn nghĩ là những nhà toán học đều ở trong một đạo giáo bí mật nào đó và tôi vẫn ân hận vì không có dịp khám phá sự bí mật ấy. Xin nhị vị cứ tự nhiên. Hãy bắt tay nhau và coi đây là một nơi riêng của quý vị. Tôi sẽ vắng mặt ở đây vào khoảng nửa giờ để nhị vị nhắc lại với nhau những kỷ niệm xưa và để giáo sư Verenyov nói với anh Nerzhin về công tác mà cả ba chúng ta cùng phải làm.”
Yakonov đứng lên từ chiếc ghế da. Cặp cầu vai nền bạc và xanh trên hai vai áo y càng làm cho khổ người vạm vỡ của ý thêm to lớn – Y đi nhanh và nhẹ nhàng ra cửa phòng. Khi Verenyov và Nerzhin đến gần hơn để bắt tay nhau, họ chỉ còn có hai người ở trong phòng.
Người đàn ông xanh xao này, người mang đôi mắt kiếng trắng phản chiếu ánh đèn sáng lấp lánh, với tù nhân Nerzhin, như một bóng ma trở về từ một thế giới đã bị quên lãng. Giữa thế giới xưa cũ đó với thế giới đêm nay có những khu rừng ở bên hồ Hmen, những ngọn đồi và những thung lũng ở vùng Orel, những trang trại trù mật ở Ba Lan, những mái nhà ngói trong những thị trấn nước Đức. Trong khoảng thời gian chín năm chia đôi hai thế giới ấy có những xà lim nhà tù trơ trọi sáng rực ánh đèn điện đến chói lòa hai mắt, những “thùng gỗ” của khám đường Bolshây Lubyanka, những trại giam tạm trú sặc mùi hôi thối, tanh tưởi, những toa xe chở tù Stolopyn chật ních, có những cơn gió cắt da trên những cánh đồng cỏ bao la. Tất cả những cái đó làm cho Nerzhin không sao có thể trở lại được là anh sinh viên đứng viết một phương trình đại số trên bảng đen.
Và Nerzhin cảm thấy bối rối nhiều hơn là vui.
Hai người cùng đốt thuốc lá và cùng ngồi xuống mặt bàn nhỏ ngăn cách họ.
Đây không phải là lần thứ nhất Verenyov gặp lại một sinh viên cũ của ông từng học ông ở Đại học Mạc Tư Khoa. Nhưng cuộc gặp gỡ đêm nay có những yếu tố đặc biệt làm cho ông cũng cảm thấy bối rối: sự cô lập của Viện Nghiên cứu khoa học nằm ở ngoại ô Mạc Tư Khoa, nơi bí mật bao trùm, nơi có hàng rào dây thép gai bao quanh và người học trò cũ ít nói bật bộ y phục xanh đậm này thay vì bận y phục thường dân.
Sự bất ngờ xảy ra là Nerzhin, người trẻ nhất trong hai người, người thất bại không có danh vị học giả lại là người đặt những câu hỏi. Những nếp nhăn quanh miệng anh hằn sâu hơn, hiện rõ. Và người đàn ông nhiều tuổi hơn trả lời từng câu hỏi, như ông ngượng ngùng vì cuộc sống vộ sự của một nhà khoa học không có gì xuất sắc lắm: cuộc di tản trong thời chiến, cuộc di tản lần thứ nhất, ba năm làm việc với K., một luận án về toán học trắc đồ. Và Nerzhin trở thành lơ đãng đến độ gần như vô lễ, quên không hỏi rõ hơn về luận án khô khan của môn học cằn cỗi mà ngày xưa anh từng học này. Bỗng nhiên, anh cảm thấy thương hại Verenyov. Vào thế kỷ hai mươi tư may ra luận án của Verenyov có thể có ích cho vài người, còn bây giờ thì vô phương.
Tôi không còn gì để nói với mặt trời và trái đất
Tôi chỉ nhìn thấy sự đau khổ của con người.
Bằng cách nào Verenyov vào tổ chức này? Tại sao ông lại bỏ đại học? Tôi được biệt phái đến đây. Ông có thể từ chối được không? Được, có thể từ chối được nhưng lương bổng ở đây gấp đôi. Ông có con không? Bốn đứa.
Vì một nguyên nhân nào đó họ kiểm lại danh sách những sinh viên cùng khóa với Nerzhin, những người cũng như Nerzhin, thi ra trường cùng một ngày với ngày chiến tranh bắt đầu. Những người xuất sắc nhất đều đã chết trên mặt trận hoặc bị tiếng đạn, tiếng bom làm cho ngớ ngẩn. Họ là những người luôn luôn đi trước, những người không bao giờ dừng lại để nhìn mình xem mình ra sao. Và những người thời đó không ai thèm để ý, những kẻ thời đó không đáng gì cả nay đã hoàn tất được việc học cao hơn được đã giữ những chân giảng sư quan trọng ở những Viện Khoa học lớn. Còn người làm cho chúng ta sung sướng và kiêu hãnh, anh Dmitri Dmitrich Goryainov-Shakhovsky bây giờ ra sao?
Goryainov-Shakhovsky! Con người thấp nhỏ, bê bối trong tuổi già, người suốt đời mang vết phấn trắng trên tay áo, người bỏ túi chiếc khăn lau bảng vì tưởng rằng đó là ta khăn mùi soa. Ông là một huyền thoại sống của trường đại học, một huyền thoại được xây dựng bằng không biết bao nhiêu chuyện khôi hài về “nhà thông thái hay đãng trí” điển hình. Ông là linh hồn của đại học đường Warsaw. Một nửa thế kỷ làm việc cho khoa học làm ông nhận được những điện văn ca ngợi gửi đến từ Milwaukee, Captown, Yokohama. Để rồi ông bị thanh trừng trong cuộc phát động gọi là “trẻ trung hóa hàng ngũ”. Ông đi về Mạc Tư Khoa và trở lại với mệnh lệnh của Kalinin: “Đừng động đến ông già này”. Người ta đồn rằng trước đây ông già của Kalinin là tá điền của ông thân sinh ra giáo sư Goryainov-Shakhovsky.
Và không đúng đến ông thật. Họ để mặc ông muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Ông có thể viết một luận án về khoa học thiên nhiên trong đó ông đưa ra những bằng cứ chứng minh bằng toán học về sự có mặt của Chúa. Hoặc trong những cuộc giảng thuyết của ông về Newton, nhân vật mà ông thích nói đến nhứt, ông có thể sỉ mũi trong chòm râu vàng võ của ông và nói:
“Có người vừa đưa lên tôi câu hỏi như sau: Marx viết rằng Newton là một nhà duy vật. Sao giáo sư lại nói rằng Newton duy tâm? Tôi trả lời: Marx lầm. Newton tin ở Chúa, như tất cả những nhà khoa học lớn khác.”
Ghi chép những lời ông nói trong những buổi thuyết giảng ấy là một việc làm khủng khiếp. Cả đến những tốc ký viên cũng phát điên vì không sao ghi chép kịp. Vì hai chân ông yêu nên ông ngồi ngay trước bảng đen, quay lưng vào cử tọa, tay phải ông cầm phấn viết lên bảng trong khi cùng một lúc tay trái ông cầm khăn tay đi. Không ai có thể hiểu được tư tưởng của ông trong khi nghe ông giảng nhưng khi Nerzhin, cộng tác với một số bạn học, thành công trong việc ghi lại được trọn vẹn những lời ông nói và họ đọc, họ nghiền ngẫm những tư tưởng ấy suốt một đêm dài, họ xúc động đến nghẹn ngào khi họ thấy lấp lánh ánh sao của thiên đường.
Có chuyện gì đã xảy đến với ông? Khi thành phố R. bị oanh tạc nặng, ông già bị tiếng bom làm cho ngớ ngẩn. Ông được di tản đến Kirghizia trong tình trạng chết dở. Sau đó ông đã trở lại nhưng ông không còn dạy đại học nữa, ông dạy ở Viện Sư phạm. Vậy là ông vẫn còn sống ư? Còn sống. Hay thật. Thời gian qua, đã qua, và sẽ qua…
Vì sao anh lại bị bắt?
Nerzhin cười nhẹ:
“Còn vì sao nữa? Vì tư tưởng của tôi. Ở Nhật Bản, họ có một đạo luật cho phép người ta có thể kết tội một người chỉ vì những ý nghĩ chưa từng được nói ra của người này…”
“Ở Nhật Bản thì nói làm chi? Ở đây chúng ta đâu có luật nào như thế?”
“Có chứ. Chúng ta có. Đó là Điều 68, Khoản 10.”
Nerzhin chỉ nghe loáng thoáng những lời giải thích của Verenyov về mục đích của Yakonov khi y cho hai người gặp nhau. Verenyov được đặc phái tới Mavrino để xúc tiến và hệ thống hóa cuộc nghiên cứu ám số ở đây. Họ cần thêm nhiều nhà toán học và Verenyov mừng rỡ khi biết rằng ngay ở đây có sẵn một nhà toán học từng là học trò của ông, người sinh viên mà ngày xưa ông cho là có một tương lai tươi sáng.
Nerzhin lơ đãng đặt những câu hỏi liên can đến cuộc nghiên cứu và giáo sư Verenyov, hào hứng và hoạt bát khi nói đến những vấn đề toán học, trình bày những việc phải làm và ông nói đến cả những cuộc thí nghiệm nào cần phải làm, những công thức nào phải kiểm soát lại. Nhưng trong lúc ấy Nerzhin nghĩ đến những tờ giấy nhỏ anh viết đầy những dòng li ti, những ý tưởng anh đã ghi lại với sự thanh thản của tâm hồn sau chiếc bàn dàn cảnh của anh, dưới những tia mắt canh gác chan chứa tình ái của Simochka, với những tiếng thì thầm đầy khuyến khích của Rubin. Những tờ giấy nhỏ đó là những ghi chép đầu tiên trong ba mươi lăm năm làm người của anh.
Tất nhiên anh sẽ vui và dễ chịu nếu anh trước trưởng thành trong địa hạt chuyên môn của anh. Tại sao, người ta có thể hỏi, anh lại tự đưa đầu anh vào hàm răng mở rộng và nhọn hoắt của thời gian xưa cũ khi mà ngay cả những sử gia cũng bỏ trốn đến những nơi an toàn hơn? Sức mạnh gì đã thúc đẩy anh xét đoán hành động và giá trị của Người Khổng Lồ quyền uy ghê gớm đó, chỉ một cái chớp mắt của người đó cũng đủ làm cho đầu Nerzhin lìa khỏi cổ.
Và anh, anh có nên đầu hàng trước những cánh tay dài như vòi bạch tuộc của Ám số – để làm việc mười bốn giờ một ngày, không một ngày nghỉ, đầu óc đầy nặng những lý thuyết về xác suất, lý thuyết về đại số, lý thuyết về lầm lẫn, một bộ óc chết, một linh hồn khô héo? Anh sẽ còn lại những gì để suy nghĩ? Sẽ còn những gì để anh học hỏi về cuộc đời?
Vẫn còn Viện Nghiên cứu Mavrino. Đây không hẳn là một nhà tù thuần túy. Ở đây có thịt trong bữa trưa, có bơ trong bữa ắn sáng. Ở đây hai tay không bị rã rời vì mỏi, những ngón tay không đông cứng vì lạnh, không phải nằm ngủ trên những tấm ván, thân thể chết cứng như khúc gỗ. Ở đây anh được nằm trên giường có nệm đàng hoàng, nằm ngủ với cảm giác thoải mái.
Nhưng tại sao phải sống suốt cả một đời dài? Sống chỉ để mà sống? Sống chỉ là việc giữ cho thân thể khỏi chết? Nếu sống chỉ có thế thôi và không còn gì khác cả, chúng ta cần sống để làm gì?
Sự khôn ngoan thúc giục: “Chịu đi” nhưng trái tim nói: “Satan, đem những thứ đó đi khỏi mặt ta”.
“Ông có biết đóng giày không?”
“Anh nói chi?”
“Tôi hỏi: Ông có thể dạy tôi thuật đóng giày không?”
“Xin lỗi, tôi không hiểu.”
“Ông sống trong một cái vỏ. Còn tôi, sau khi sống hết hạn tù của tôi ở đây, tôi sẽ đi tới những miền rừng núi xa, tôi sẽ sống ẩn dật suốt đời. Tôi không biết cách làm việc bằng hai tay, làm sao tôi có thể sống? Ở những nơi tôi sẽ đến sống đầy loài báo rừng. Ở đây tôi sẽ không cần đến lý thuyết, công chức, đến toán học…”
“Nerzhin, anh nói gì vậy? Là một chuyên viên ám số, nếu công tác đạt thành quả tốt, anh sẽ được trả tự do trước hạn kỳ, án tích sẽ có thể xóa bỏ trong hồ sơ lý lịch của anh, anh sẽ có một căn nhà ở Mạc Tư Khoa.”
“Họ sẽ xóa án tích trong hồ sơ lý lịch của tôi?”
Nerzhin giận dữ kêu lên, đôi mắt anh cau lại:
“Tại sao ông lại nghĩ rằng tôi mong họ ban cho tôi món quà nhỏ đó? “Vì anh làm việc tốt nên chúng tôi trả lại tự do cho anh, chúng tôi tha tội cho anh.” Không… Không thể như thế được…”
Những ngón tay Nerzhin gõ mạnh xuống mặt chiếc bàn nhỏ:
“Ông đi ngược… Họ phải nhận trước rằng họ không đúng, họ không có quyền bắt người khác vào tù chỉ vì người khác vào tù chỉ vì người khác không nghĩ như họ. Đến lúc đó chúng tôi sẽ xét xem chúng tôi có tha thứ cho họ hay không?”
Cánh cửa mở và viên chức chính quyền vạm vỡ với chiếc prince-nez vàng trên sống mũi bước vào.
“Sao? Nhị vị toán học gia? Các vị đã đi đến thỏa thuận rồi chứ?”
Nerzhin không đứng lên, anh nhìn thẳng vào mặt Yakonov khi anh nói:
“Ông có quyền quyết định. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng công việc tôi đang làm ở Phòng Âm thính hãy còn dở dang.”
Vài phút sau đó trong phòng chỉ còn có một mình Yakonov đứng sau cái bàn lớn. Chỉ những ai biết rõ Yakonov mới biết rằng lúc đó y đang cáu giận. Y lẩm bẩm: “Đồ ngu. Có dịp tốt để khá hơn mà không biết. Cho mi chết…”
Cầm cây viết chì đỏ y viết lên quyển sổ trên bàn:
“Nerzhin sẽ phải đi”.