Nói về bốn thầy trò đồng tâm hiệp ý, đi hoài mãn hạ sang thu, khí trời thêm nực nội! Tam Tạng dừng ngựa hỏi rằng:
– Nay là mùa thu rồi, sao trời nực quá?
Bát Giới nói:
– Nghe nói đường đi Tây Phương, có nước. Tư hấp lý ở ngay mặt trời lặn, tục kêu rằng: Cùng đường, thường ngày mặt trời gần lặn, vua nước ấy có lệ truyền đánh trống gióng chuông. Bởi lúc giờ thân giờ dậu mặt nhựt lặn xuống biển Tây thì sóng bũa nhấp nhô, nước sôi sùng sục, nếu không tiếng chuông trống cho lấp đi, thì con nít trong thành giựt mình chết hết. Ðất ấy nóng nảy vô cùng, tuy mùa thu mùa đông cũng không lạnh, có khi mình đi tới nước ấy thì phải?
Tôn Hành Giả cười ngất rằng:
– Nếu tới nước Tư hấp lý, thì mình đi mau biết chừng nào? Nhằm lại tánh trì trệ như thầy, dầu cho đi tới già, rồi nhỏ lại đi cho tới già nữa, đi ba đời như vậy cũng chưa cùng đường, có đâu tới nước ấy đặng?
Bát Giới nói:
– Anh nói không phải tới nước Tư hấp lý, sao mùa thu trời nực như vầy?
Sa Tăng nói:
– Hay là tại thời tiết khí theo mùa hạ chăng?
Bốn thầy trò vừa đi vừa nói chuyện, xãy thấy đàng trước có cái nhà ngói bên đường, ngoài xây vách tường đỏ, cửa nẻo cũng làm đỏ lòm!
Tam Tạng nói:
– Ngộ Không, vào nhà ấy hỏi thăm cho rõ cớ gì mà nực trái thời tiết?
Tôn Hành Giả cất thiết bãng, xủ tay áo rộng xuống, đến gần cửa ngõ, có ông già chống gậy bước ra, thấy mặt kinh hãi, làm gan giá gậy hỏi lớn rằng:
– Ngươi là yêu quái ở đâu? Ðến nhà ta làm chi đó?
Tôn Hành Giả bái và nói rằng:
– Xin ông đừng giựt mình, tôi không phải yêu quái. Nguyên bốn thầy trò tôi ở nước Ðại Ðường, vưng chỉ đi thỉnh kinh, đến đây thấy mùa thu mà trời nực, không hiểu cớ chi, nên tìm đến ông hỏi thăm cho rõ, và xin cắt nghĩa xứ nầy là xứ chi?
Ông ấy hết sợ, liền cười rằng:
– Xin hòa thượng miễn chấp, lảo phu con mắt sờ sệt nên lầm. Chẳng hay còn ba thầy nữa ở đâu, xin mời vào luôn thể?
Tôn Hành Giả liền ngoắt ba thầy trò đồng đến ra mắt ông già. Ông ấy thấy Tam Tạng tốt tươi, còn hai người kia kỳ quái, thời trong lòng nửa mừng nữa sợ, mời đi thẳng vào nhà, bảo dọn nhà rồi dọn cơm chay thiết đãi.
Khi ấy Tam Tạng đứng dậy thưa rằng:
– Chẳng hay xứ nầy vì cớ nào mùa thu mà nực quá?
Ông ấy nói:
– Núi nầy là Hỏa diệm sơn, bốn mùa đều nóng nực .
Tam Tạng hỏi:
– Chẳng hay Hỏa diệm sơn ở phía nào? Có cản đường đi Tây Phương hay chăng? Ông ấy nói rằng:
– Ði Tây Phương sao đặng, ngay hướng Tây sáu mươi dặm thời tới Hỏa diệm sơn, lữa cháy lan hơn tam trăm dặm; rất đổi cỏ cây còn mọc không đặng, dầu cho da đồng xương sắt, đi ngang qua đó cũng hóa ra tro!
Tam Tạng nghe nói hãi kinh, không dám hỏi thăm nữa!.
Xãy thấy người con trai đẩy xe đỏ tới trước cửa hỏi rằng:
– Trong nhà ai mua bánh in chăng?
Tôn Hành Giả nhổ lông hóa ra tiền điếu, đem ra mua bánh in.
Người ấy lấy bánh đưa ra, hơi lèn ngui ngút.
Tôn Hành Giả cầm bánh như cục than lửa, gần phỏng ngón tay, liền nói rằng:
– Nóng lắm, nóng lắm!
Người bán bánh cười rằng:
– Sợ nóng thời đừng tới chốn nầy, xứ nầy thì nóng như vậy .
Tôn Hành Giả nói:
– Ngươi thiệt nói lạ lùng lắm! Có nóng có lạnh lúa thóc mới sanh. Nếu nóng luôn luôn như vậy, thì lúa nếp đâu cho ngươi làm bánh in mà bán?
Người ấy nói:
– Bằng muốn có bánh in, phải cầu Tiên quạt sắt .
Tôn Hành Giả hỏi:
– Tiên quạt sắt làm sao? Người ấy nói:
– Tiêu quạt sắt có cây quạt Ba tiêu, quạt một cái thì lửa tắt, quạt hai cái thì sanh gió, quạt ba cái thì mưa xuống. Chúng tôi làm ruộng mới có nếp mà làm bánh in. Bằng không thì cỏ mọc cũng chẳng đặng .
Tôn Hành Giả nghe nói, đem bánh in vào đưa cho Tam Tạng mà thưa rằng:
– Xin thầy ăn bánh, rồi tôi nói chuyện cho mà nghe .
Tam Tạng cầm Tôn Hành Giả hỏi ông chủ nhà rằng:
– Ông tiên quạt sắt ở đâu?
Ông ấy nói:
– Hỏi thăm làm chi?
Tôn Hành Giả nói:
– Tôi nghe người bán hàng thuật chuyện: Ông tiên Thiết Phiến có cây quạt Ba tiêu, quạt một cái thì tắt lửa, quạt hai cái thì sanh gió, quạt ba cái thì sa mưa. Tôi muốn tìm ông ấy mượn cây Ba tiêu, quạt thét cho tắt tuyệt lửa ấy, đặng nhơn dân bổn địa cày cấy theo mùa .
Ông ấy nói:
– Thiên hạ xứ nầy, cứ mười năm đậu bạc tiền và mua lễ vật, thịt, dê, heo, ngổng, đồng ăn chay tắm gội, đem lể đi thỉnh tiên Thiết Phiến đến quạt một kỳ .
Tôn Hành Giả hỏi:
– Chẳng hay ông tiên ấy ở đâu, cách đây chừng mấy dặm và động ấy tên chi?
Ông ấy nói:
– Núi Tùy vân, ở tại phía Tây Nam, có động Ba tiêu, cách đây chừng một ngàn năm trăm dặm .
Tôn Hành Giả cười rằng:
– Không khó chi đó, để tôi đi cho . Nói rồi nhảy lên biến mất!
Ông già thất kinh hãi nói rằng:
– Châu ôi! Nếu vậy ông thầy nầy là thần nhơn, nên biết đằng vân giá vỏ .
Nói rồi kính trọng Ðường Tăng, hậu đãi hơn nữa.
Nói về Tôn Hành Giả đằng vân đi tới núi Túy Vân, nghe tiếng đốn củi chạt chạt.
Tôn Hành Giả tìm đến hỏi thăm ông tiều rằng:
– Ðây có phải núi Tây Vân hay chăng?
Ông tiều nói phải. Tôn Hành Giả hỏi:
– Chẳng hay động ông tiên Thiết Phiến ở đâu?
Ông tiều cười rằng:
– Có động Ba tiêu, chớ không biết ông tiên Thiết Phiến. Có bà La Sát gọi rằng Thiết Phiến công chúa, là vợ Ngưu Ma Vương mà thôi .
Tôn Hành Giả nghĩ giựt mình nghĩ thầm rằng:
– Té ra cũng gặp oan gia nữa! Khi trước mình bắt Hồng Hài Nhi là con Ngưu Ma Vương, sau gặp thằng chú Hồng Hài tại núi Giải dương, nó còn báo oán thay, huống chi nay mượn quạt của cha mẹ nó sao cho đặng. Song tới nước nầy không lui gót . Nghĩ rồi từ giã ông tiều, hỏi thăm tìm tới động Ba tiêu, thấy đóng cửa chặt cứng, phong cảnh xinh tốt vô cùng, Tôn Hành Giả kêu lớn rằng:
– Ngưu đại ca, mở cửa, mở cửa!
Xảy nghe mở cửa một cái kẹt, ngó thấy có người con gái, lông mọc cả mình, mà ăn mặc rách rưới!
Tôn Hành Giả nói:
– Xin nàng làm ơn vào bẩm với Công Chúa, nói tôi ở Ðông độ, qua Tây Phương thỉnh kinh, đến mượn quạt Ba tiêu, đặng quạt núi Hỏa diệm, tức thời đem quạt trả liền .
Nàng ấy nói:
– Ông tên họ chi phải nói cho rành đặng tôi vào thưa lại .
Tôn Hành Giả nói:
– Tôi là Tôn ngộ Không .
Nàng ấy trở vào động báo rằng:
– Bẩm bà, có Tôn ngộ Không ở Ðông Ðộ đi thỉnh kinh Tây Phương, xin vào ra mắt bà đặng mượn quạt Ba tiêu mà quạt núi Hỏa diệm; quạt rồi đem trả tức thì .
Thiết Phiến công chúa nghe nói tới tên Tôn ngộ Không, tức thời nổi giận, mặt đỏ phừng phừng, hét lớn rằng:
– Con khỉ lớn mật, dám tìm tới động ta .
Nói rồi truyền a huờn lấy giáp nai nịt chỉnh tề, cầm cặp gươm ra cửa động, kêu lớn rằng:
– Tôn ngộ Không ở đâu?
Tôn Hành Giả bái và nói rằng:
– Thưa, tôi chào tẩu tẩu .
La Sát hét lớn rằng:
– Ai là chị dâu, mà mi chào hỏi?
Tôn Hành Giả nói:
– Năm trước Ngưu đại ca kết bằng hữu với Lão Tôn, nay nghe công chúa là vợ chánh của anh tôi, nên tôi kêu tẩu tẩu .
La Sát nói:
– Phải ngươi nghĩ tình nghĩa bằng hữu, sao lại hại con ta?
Tôn Hành Giả làm bộ không biết, liền hỏi rằng:
– Ủa! Vậy chớ lịnh lang là ai?
La Sát nói:
– Con ta là Hồng Hài Nhi, bị ngươi hại đó. Ta quyết tìm ngươi mà báo cừu, thời may ngươi đến đây nạp mạng .
Tôn Hành Giả cười rằng:
– Như vậy thì chị không xét lẽ, bởi lịnh lang bắt thầy tôi quyết ăn thịt cho đặng. Nhờ ơn Quan Âm cứu thầy tôi, lại đem lịnh lang nuôi làm đệ tử. Bây giờ lịnh lang làm Thiện Tài đã thành chánh quả, sống đời như trời đất, khoái lạc muôn phần. Chị chẳng giả ơn thì thôi, lại trách Lão Tôn sao phải?
La Sát nói:
– Mi là con khỉ lợi khẩu. Tuy con ta còn sống mặc lòng, chớ ly biệt ngàn năm, biết chừng nào gặp .
Tôn Hành Giả cười rằng:
– Khó chi chuyện ấy. Vậy thời cho tôi mượn cây quạt, quạt tắt Hỏa diệm sơn; đưa thầy tôi qua khỏi núi. Tôi sẽ qua Nam Hải bạch với Quan Âm, đem lịnh lang về đây và trả quạt luôn thể. Nếu chị xem có tì tích chi, sẽ bắt tội Lão tôn mới đáng. Nếu mập tốt hơn năm trước, thì phải thưởng Lão Tôn .
La Sát nói:
– Con khỉ già đừng nói nhiều chuyện! Hãy ngay cổ ta chém ít gươm, rồi sẽ cho mượn quạt .
Tôn Hành Giả bái và cười rằng:
– Xin chị đừng nói làm chi nhiều tiếng, để Lão Tôn đưa đầu cho chị bửa bao nhiêu thì bửa, chừng nào mỏi tay sẽ thôi. Song phải nhớ lời cho em mượn cây quạt .
Nói rồi giơ đầu đứng trơ trơ như khỉ gỗ!
La Sát chuyển thần lực, hai tay hai gươm bữa đầu như bầm mắm, Tôn Hành Giả chẳng hề dùn lắc, làm như bộ không hay.
La Sát thất kinh muốn chạy.
Khi ấy Tôn Hành Giả thấy vậy hỏi rằng:
– Chị đi đâu, chị đi đâu? Sao chẳng lấy quạt cho tôi mượn?
La Sát nói:
– Ấy là bữu bối của ta, lẽ nào cho mượn bất tử .
Tôn Hành Giả nói:
– Nếu tẩu tẩu không cho mượn quạt, thì ông chú phải kỉnh một hèo? Và nói và níu La Sát, còn tay kia lấy thiết bãng ra.
La Sát vùng khỏi, đánh với Hành Giả tại trước núi Tủy Vân, cho tới tối.
La Sát tính bề cự không lại Hành Giả, liền lấy quạt Ba tiêu ra quạt Hành Giả một cái, Hành Giả bay mất biệt mù, La Sát thâu quạt vào động.
Còn Tôn Hành Giả bay phiêu phiêu phưỡng phưỡng day phía nầy, nhào phía kia cũng không té xuống đất, chẳng khác trốt thổi đưa lá rụng, dường như nước chảy tống hoa rơi! Bay thẳng thét một đêm tới sáng, mới sa nhằm chót núi kia.
Tôn Hành Giả vịn cục đá xanh mà chịu trận. Giây phút tỉnh hồn xem lại, là hòn núi Tiểu tu di!
Tôn Hành Giả than rằng:
– Ðờn bà dữ thiệt! Thế gì nó quạt có một cái, tống Lão Tôn bay tới xứ nầy! Ta nhớ lại chuyện cũ, năm trước bị Huỳnh Phong bắt thầy ta, ta tới núi nầy mà viện ông Linh Kiết Bồ Tát, bắt Huỳnh Phong mà cứu thầy ta; từ núi Huỳnh Phong đến đây có ba ngàn dặm, bây giờ ở Tây Phương trở lại, biết cách mấy muôn dặm đường. Thôi, sẳn đây ghé hỏi thăm ông Linh Kiết Bồ Tát cho rỏ. Và hỏi thăm đi ngỏ nào về núi Túy Vân!
Ðương luận bàn, xảy nghe tiếng chuông gióng, liền tìm tới chùa, ông đạo nhớ mặt Hành Giả, vào bạch lại rằng:
– Ông Ðại Thánh mặt lông thỉnh thầy bắt yêu năm trước, nay đã trở về .
Linh Kiết Bồ Tát nghe nói, liền bước ra bái và hỏi thăm rằng:
– Tôi mừng Ðại Thánh, có khi thỉnh kinh đặng mới về chăng?
Tôn Hành Giả nói:
– Có đâu mau dử vậy?
Linh Kiết hỏi:
– Nếu thỉnh kinh chưa đặng, lẻ nào Ðại Thánh ghé thăm tôi?
Tôn Hành Giả nói:
– Năm xưa đội ơn Bồ Tát trừ đặng Huỳnh Phong sắp sau, chúng tôi đi gặp nhiều yêu quái, khổ sở biết bao nhiêu! Nay đến Hỏa diệm sơn, thầy tôi đi qua không đặng, nghe đồn có tiên Thiết Phiến ở động Ba tiêu, quạt lửa ấy mới tắt. Tôi tìm tới chẳng dè là vợ Ngưu ma vương, mẹ của Hồng Hài, nó trách tôi sao nạp con nó làm đồng tử Quan Âm, nên không cho mượn quạt lại đánh với tôi, nó quạt hơi có một cái, mà tôi bay tới xứ nầy, không biết cách bao nhiêu dặm? Luôn dịp tôi ghé thăm Bồ Tát và hỏi thăm đường trở lại núi Túy Vân .
Linh Kiết cười rằng:
– Nàng ấy là La Sát, gọi là Thiết Phiến công chúa có cây quạt Ba tiêu, nguyên gốc cây quạt ấy sanh tại núi Côn lôn, từ thuở khai thiên lập địa, nó thuộc âm nên quạt tắt lửa. Nếu quạt người thời bay tới tám muôn bốn ngàn dặm mới ngừng. Từ đây tới núi Túy Vân hơn năm muôn dặm, bởi vì Ðại Thánh có tài ngừng mây, nên mới ngừng đặng, nếu kẻ phàm tục, thì còn bay xa nữa mới sa .
Tôn Hành Giả nói:
– Dữ quá chừng! Như vậy thì thầy tôi khó qua núi Hỏa diệm cho đặng!
Linh Kiết nói:
– Ðại Thánh đừng buồn, cũng là thời may của Ðường Tăng mới khiến Ðại Thánh ghé đây mà hỏi. Năm trước Phật Tổ cho tôi một cây gậy Phi long, và một huờn thuốc Ðịnh phong. Song Phi long trượng đã trị con Huỳnh Phong rồi, còn Ðịnh phong đơn chưa dùng tới, nay tôi cho Ðại Thánh, thì nó quạt không bay .
Tôn Hành Giả tạ ơn.
Khi ấy Linh Kiết đem cái đảy mở ra, lấy huờn Ðịnh phong rồi xẽ bâu áo Tôn Hành Giả để huờn ấy vào may lại, rồi đưa Hành Giả ra khỏi cửa, nói rằng:
– Không kịp đãi đằng đã cam thất lễ. Cứ đi ngay hướng Tây Bắc, thì nhằm núi Túy Vân .
Tôn Hành Giả tạ từ, cân đẩu vân trở lại núi Túy Vân lập tức, bèn đập thiết bãng trên cửa động mà kêu lớn rằng:
– Mở cửa cho mau, đặng tôi vô mượn quạt!
Ấ huờn vào báo.
La Sát kinh hãi than rằng:
– Con khỉ nầy thần thông quãng đại, chớ cây quạt ta, quạt một cái, bay tám muôn bốn ngàn dặm, lẻ nào nó trở lại như chơi. Chuyến nầy ta quạt luôn ba quạt cho nó bay biệt tích Tính rồi nai nịt, xách song kiếm ra ngoài cửa, hỏi rằng:
– Hành Giả không sợ ta sao nên mới tới nữa?
Tôn Hành Giả cười rằng:
– Tẩu tẩu chẳng nên làm hiểm, chớ khá nghi nan; xin cho tôi mượn quạt Ba tiêu, nếu thầy tôi qua khỏi Hỏa diệm sơn, tôi đem trả quạt cho chị lập tức. Tôi là người quân tử, lời hẹn không sai, chẳng phải như đứa tiểu nhơn mượn được rồi không trả lại .
La Sát mắng rằng:
– Con khỉ mỏng môi nói nhiều điều phi lý. Ta chưa trả cừu con, lẻ nào cho mượn quạt? Nói rồi múa song kiếm chém liền.
Tôn Hành Giả đánh lại, đặng sáu bảy hiệp, La Sát quạt một cái, Tôn Hành Giả đứng trơ trơ, cười và nói rằng:
– Mát dữ! Lão Tôn chẳng hơ hỏng như khi trước, nếu chị quạt mà tôi nhúc nhích, thì tôi không phải con người. Hãy quạt thêm ít quạt kẽo nực lắm .
La Sát nổi xung, quạt luôn hai quạt, thiệt không động địa chút nào.
Khi ấy La Sát hải kinh, chạy vào đóng cửa động, Tôn Hành Giả xé bâu áo ngậm huờn thuốc vào miệng, chẳng dè thuốc chạy tuốt vô bụng.
Tôn Hành Giả hóa ra con bồ hong bay vào động, thấy La Sát đương nói:
– Khát nước lắm, khô cổ lắm, đem trà ra đây cho mau .
Ấ huờn rót một chén nước trà đem cho La Sát.
Tôn Hành Giả thừa dịp bay vào chén nước trà, nằm lộn trong bọt. Bởi cớ ấy, La Sát không ngó thấy con bồ hong, nên uống lầm vào bụng, Tôn Hành Giả hiện hình nhỏ, hét lớn kêu rằng:
– Tẩu tẩu, cho tôi mượn quạt Ba tiêu hay không?
La Sát hải kinh thất sắc, hỏi rằng:
– Con nhỏ đó không đóng cửa hay sao?
Ấ huờn nói:
– Tôi nghe tiếng ở trong mình bà kêu ra .
La Sát hỏi:
– Hành Giả, ngươi ở đâu mà làm phép thuật vậy?
Tôn Hành Giả nói:
– Tôi thuở nay không làm phép thuật bao giờ, ấy là phép thiệt. Tôi bây giờ ở trong bụng chị, ngó thấy ngủ tạng rõ ràng; và biết chị đương khát nước và đói nữa; để tôi cho chị một chút nước dằn lòng
Nói rồi đạp xuống một cái, La Sát đau trong ruột, ngồi xuống mà rên.
Tôn Hành Giả nói:
– Xin tẩu tẩu đừng từ chối, tôi xin dưng một vật điễm tâm nói rồi nhảy dựng đụng đầu nhằm vào trái tim.
La Sát đau bụng ngã lăn dưới đất.
Liền năn nỉ rằng:
– Xin tôi thúc thúc tha tôi .
Tôn Hành Giả nói:
– Bây giờ chị mới chịu nhìn ông chú! Tôi cũng vị tình Ngưu đại ca, nên không nở giết, thôi cho mượn quạt mau mau .
La Sát nói:
– Tôi chịu cho rồi chú nó ra đây mà lấy quạt .
Tôn Hành Giả nói:
– Chị đem cho tôi coi thử, rồi mới chịu ra .
La Sát bảo a huờn lấy quạt.
Tôn Hành Giả lên khỏi họng, ngó thấy quạt rõ ràng, liền nói rằng:
– Bởi tôi không làm hại tẩu tẩu, nên không xoi bụng mà ra. Tôi tính ra trên miệng. Vậy chị hãy hả miệng ba lần cho tôi nhảy ra .
La Sát y lời hả miệng, Tôn Hành Giả đã hóa bồ hong, bay đậu trên cây quạt.
Còn La Sát không hay cứ hả miệng hai ba lần nữa, rồi kêu rằng:
– Chú nó hãy ra đi?
Tôn Hành Giả hiện hình cầm cây quạt nói:
– Tôi đứng đây nè, ra hồi mới hả miệng lần thứ nhứt. Cám ơn chị cho mượn quạt, quạt rồi em trả tức thì . Nói rồi đi một nước, a huờn mở cửa đưa đi.
Khi ấy Tôn Hành Giả đem quạt về Hồng chuyên trang ra mắt Tam Tạng, và thuật chuyện, vân vân.
Rồi đưa cây quạt mà hỏi ông chủ nhà rằng:
– Phải cây quạt nầy chăng?
Ông ấy nói phải.
Tam Tạng mừng rỡ, thầy trò từ giả ra đi.
Cách bốn mươi dặm đường, hơi nóng ra gần lột da.
Sa Tăng nói:
– Phỏng cẳng rồi, phỏng cẳng rồi! Bát Giới nói:
– Nóng quá, cẳng tôi cũng gần chính nữa! Còn con ngựa nóng vó, nên chạy không bén đất!
Tôn Hành Giả thấy vậy nói rằng:
– Xin thầy xuống ngựa, đợi tôi quạt tắt lửa, và mưa xuống cho mát đất rồi sẽ đi . Nói rồi xách quạt chạy tới núi, quạt một quạt lửa cháy rần rần, quạt bồi một cái nữa, lửa cao ngàn trượng! Nó lại cháy lan ra ngoài, Tôn Hành Giả kinh hãi nhảy nai, coi cặp giò lông bị thui khét nghẹt!
Tôn Hành Giả chạy lại la lớn rằng:
– Thầy chạy về cho mau, kẻo lửa cháy tới?
Tam Tạng kinh hãi nhảy lên ngựa chạy mù.
Sa Tăng, Bát Giới cũng chạy. Cách hai mươi dặm mới bớt nóng.
Tam Tạng nói:
– Ngộ Không ôi! Bây giờ mới tính làm sao?
Tôn Hành Giả liệng cây quạt, nói lớn rằng:
– Không xong, không xong, tôi bị chúng tráo gói rồi! Thiệt là điếm mắc điếm!
Bát Giới hỏi:
– Vì cớ nào vậy? Tôn Hành Giả nói:
– Một quạt lửa từng lên, lại quạt cháy gia bội, quạt ráng một cái nữa. Lửa cháy tưng bừng, phải chạy chậm thì cháy lông hết thảy!
Sa Tăng nói:
– Lửa cháy tới đón đường đi không đặng biết tính làm sao?
Bát Giới nói:
– Coi phía nào không lửa thời đi .
Tam Tạng hỏi:
– Ngỏ nào không lửa?
Bát Giới nói:
– Thiếu gì, phía Nam và phía Bắc, phía Ðông, đời nào có núi lửa .
Tam Tạng hỏi:
– Kinh ở phía nào?
Bát Giới nói:
– Kinh ở phía Tây .
Tam Tạng nói:
– Bề nào cũng đi phía có kinh .
Sa Tăng nói:
– Khó dữ a! Phía có kinh thì có lửa, phía không lửa lại không kinh, thiệt hại lẽ không bề lui tới!
Bốn thầy trò ngó lại, thấy một thầy đạo sĩ, tay chống gậy đầu rồng, chơn đi đôi giày sắt. Lại dắt một con quỷ mang cá, quỷ ấy đầu đội bồn cơm.
Ðạo sĩ bái và thưa rằng:
– Tiểu thần là Thổ Ðịa núi nầy, biết Ðại Thánh đem thầy quan Hỏa diệm sơn không đặng, nên dưng cơm lót lòng .
Tôn Hành Giả nói:
– Sự ăn uống không vội gì, xin bày thế nào cho thầy qua khỏi núi lửa?
Thổ Ðịa nói:
– Muốn quạt tắt Hỏa diệm sơn, phải mượn quạt ba tiêu của bà La Sát
Tôn Hành Giả lượm cây quạt lên mà hỏi rằng:
– Phải cây quạt nầy chăng? Vì cớ chi quạt chừng nào lửa cao chừng nấy?
Thổ Ðịa xem rồi cười rằng:
– Cây quạt giã quạt sao cho tắt, Ðại Thánh bị chúng gạt rồi!
Tôn Hành Giả hỏi:
– Vậy chớ quạt thiệt ở đâu?
Thổ Ðịa bái và cười rằng:
Muốn đặng quạt ba tiêu,
Phải tìm vua Ðại lực.
Tôn Hành Giả hỏi:
– Ðại lực vương là ai?
Thổ Ðịa nói:
– Ðại lực vương là Ngưu Ma Vương .
Tôn Hành Giả hỏi:
– Nói vậy thì Ngưu Ma Vương nổi lửa, đặt tên là Hỏa diệm sơn chăng?
Thổ Ðịa nói:
– Không phải, không phải. Nếu Ðại Thánh thứ tội, tôi mới dám thưa ngay .
Tôn Hành Giả nói:
– Chuyện chi thì nói thiệt, ta chẳng chấp đâu?
Thổ Ðịa nói:
– Thiệt lữa nầy của Ðại Thánh đốt .
Tôn Hành Giả nổi giận hét lớn rằng:
– Ta không phải là quân đốt nhà, sao ngươi dám vu họa?
Thổ Ðịa nói:
– Xin Ðại Thánh đừng nóng nảy, chắc là Ðại Thánh không quên tôi. Nguyên thuở xưa không có hòn núi nầy, từ khi Ðại Thánh bị Lão Quân bỏ vào lò bát quái mà đốt, bị Ðại Thánh nhảy ra đá lò đỗ than và rớt ít tấm gạch xuống đất, mới hóa ra núi nầy. Còn tôi là đạo sĩ giữ lò bát quái, bị Lão Quân bắt tội tôi không coi cho kỹ nên đày xuống làm Thổ Ðịa Hỏa diệm sơn .
Bát Giới cuời rằng:
– Nói vậy ngươi gốc là đạo sĩ phụ lò, nay mới làm Thổ Ðịa .
Tôn Hành Giả ngẫm nghĩ hỏi rằng:
– Còn ngươi bão ta kiếm Ngưu Ma Vương làm chi?
Thổ Ðịa nói:
– Ngưu Ma Vương là chồng La Sát, hai năm nay bỏ La Sát, qua ở bên núi Tích lôi, động Ma vân, chúa động ấy là Hồ ly, nay đã thác. Có người con gái là Ngọc Diện công chúa, vì sự không ai làm chủ, nên ưng Ngưu Ma Vương, mê vợ bé, bỏ vợ lớn. Nếu Ðại Thánh tìm đặng Ngưu Ma Vương chắc mượn đặng quạt thiệt. Một là quạt tắt lửa cho tôn sư đi thỉnh kinh; hai là trừ hỏa hoạn cho lê dân cấy gặt; ba nữa là, tôi khỏi giữ núi ấy, cũng như Ðại Thánh ân xá cho về trời .
Tôn Hành Giả hỏi:
– Núi Tích lôi phía nào, đi chừng mấy dặm?
Thổ Ðịa nói:
– Ở tại chánh hướng Nam, đây qua đó cách ba ngàn dặm .