Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã

Chương 22 - Quyển 4 - Chương 22: Ngày Cưới

trước
tiếp

Lời phán dứt khoát từ thầy bói khiến lão Sâm chợt nhiên chột dạ. Lão là người toan tính nhưng có một nhược điểm chính là mê tín dị đoan. Lão rất tin những lời bói toán. Thậm chí, dù mưu mô thế mà cứ dăm ba tháng lại lên Chùa khấn vái xin quẻ. Nay thầy bói này bảo trong nhà phát ra tà khí, dĩ nhiên lão phải sợ. Lão liền hỏi, “tại sao lại có tà khí?”. Người kia giải thích:

“Xã Thổ ngày trước là đất ma thiêng vì vô số kẻ chết oan do dịch bệnh, nhiều oan hồn lẩn khuất. Về sau khí trời thịnh nên chúng trốn đi, chẳng dám quấy phá. Nhưng sống trên đất ma thiêng vẫn phải chịu tai kiếp. Người lãnh lấy tai ương này là xã trưởng. Chẳng hay xã trưởng xã Thổ này trong nhà đã gặp kiếp nạn gì chưa?”

“Có! Triệu xã trưởng lâm bệnh nặng do con trai bỏ nhà đi theo ả đào.”

“Tôi đoán không sai.” Thầy bói lại bấm tay, “Ngài ấy còn đứa con trai thứ phải không? Số cũng chẳng khá hơn, gặp phải năm đại hạn rồi đây.”

Lão Sâm nhíu mày, nếu thế thì liên quan gì đến nhà ta? Thầy bói bảo, nếu Triệu xã trưởng lâm bệnh thì chẳng phải phó xã trưởng ngài giữ quyền hay sao? Đại họa chính là ở đây. Cái đất ma thiêng này oan hồn sẽ theo ám các dòng họ giữ quyền hành đứng đầu xã. Giả sử ngài thay thế xã trưởng thì hiển nhiên sẽ phải lãnh lấy tai kiếp của ngài ấy.

Lão Sâm hơi xanh mặt tuy nhiên vẫn chưa tin vội. Lão nhìn thầy bói mù vô danh nọ, “lời phán kia lấy gì kiểm chứng?”. Như hiểu lão nghĩ gì, thầy bói mù liền cười khẽ, rồi nói vài lời về một bí mật của lão. Nghe xong, lão Sâm sửng sốt, chuyện đó chỉ mỗi lão và một vài người trong nhà biết thôi ấy vậy thầy bói này lại đoán ra. Giờ thì lão tin rồi, liền khẩn khoản hỏi thầy làm sao để tránh đại nạn.

“Chuyện ấy khó gì. Cứ an phận thủ thường, chờ thời cơ thích hợp. Tức là lúc này chớ ham quyền mà rước nạn về nhà. Nhà họ Triệu từ trước đã buộc phải chịu tai kiếp vậy thì cứ tiếp tục để họ gánh lấy, chức xã trưởng không phải lúc để giữ.”

Lão Sâm đảo mắt, nghĩa là nếu lão làm xã trưởng lúc này thì cả nhà sẽ gánh tai ương thay cho nhà họ Triệu? Tiếp theo, lão nghe thầy bói mù nọ cười lớn, liền ngước lên nhìn thì thấy bóng ông ta đã đi xa lắm rồi.

Đi được một đoạn khá xa, thầy bói kia hết bị mù liền quan sát xung quanh rồi lỉnh vào góc khuất nọ. Tại đây, ông ta gặp Tằm. Sau khi nghe ông thuật lại mọi chuyện xong, Tằm ra điều hài lòng đồng thời đưa tiền trả công. Cất vội tiền vào túi nải, ông ta cười hề hề, “cũng may là tôi mua chuộc tên người làm trong nhà mới biết vài cái bí mật của lão Sâm mà đem ra dùng”. Nghe vậy, Tằm liền yêu cầu:

“Xong chuyện rồi ông hãy rời khỏi đây dăm ba tháng kẻo bị bại lộ.”

“Yên tâm, tôi rất kín miệng”, Nói xong thì ông ta cáo biệt và nhanh chóng rời khỏi. Dõi theo bóng dáng đó đi về phía bến sông, Tằm thở ra nhẹ nhõm. Biết lão Sâm mê tín nên cô đã nghĩ ra kế sách này. Lão chẳng dại gì rước “đại nạn” vào nhà nên nhất định sẽ đồng ý để Tưởng làm xã trưởng tạm thời.

***

Đúng với suy đoán của Tằm, lão Sâm đến nhà họ Triệu gặp Tưởng, nói rằng vẫn sẽ giữ chức phó xã trưởng như cũ và tạm thời để cậu thay cha cán đán mọi chuyện trong ngoài. Dĩ nhiên Tưởng lấy làm khó hiểu trước sự thay đổi mau chóng này. Lúc nghe cậu hỏi vì sao thì lão ho nhẹ, giả vờ đáp thế này:

“Nói ra thật hổ thẹn, lão học hành nông cạn không thể sánh với cậu Tưởng tài cao học rộng, dẫu sao cậu cũng đang là Giám sinh, điều ấy chẳng mấy ảnh hưởng đến quy định của xã. Dù gì chỉ là tạm thời, nên cậu cứ thay lão cán đán…”

Hết giải thích nguyên nhân xong, lão Sâm chuyển qua dặn dò về các quy tắc trong xã cũng như vai trò của xã trưởng. Lão thao thao bất tuyệt, răng líu lưỡi, chữ này nối chữ kia khó mà nghe ra được khiến Tưởng khổ sở khi phải lắng nghe. Một canh giờ sau khi nói liên hồi, lão hỏi cậu có hiểu hết chưa?

Thiệt tình, nói như nhai chữ thế kia thì ai mà nghe cho kịp! Tưởng chán nản nhủ thầm nhưng đành gật đầu lấy lệ. Lão Sâm hài lòng, ra điều đắc ý ta đây trên cơ một Giám sinh cơ đấy. Đến đầu giờ Ngọ, lão đủng đỉnh rời khỏi nhà họ Triệu. Tưởng đứng dậy đi qua đi lại, vẫn cứ thắc mắc mãi chuyện lão Sâm nhường quyền cho mình.

Đúng lúc, bà Tư và Tằm bước vào. Bà hỏi, phó xã trưởng vừa đến nhà ta à? Tưởng đáp dạ rồi kể lại mọi chuyện cho mẹ nghe. Bà mừng rỡ, tốt rồi vậy là Triệu gia có hai tin mừng. Tức thì, Tưởng lại nhớ đến chuyện cưới hỏi mà mẹ sắp xếp. Bà bảo, hai ngày nữa là đến ngày lành tháng tốt, sẽ tổ chức đám cưới. Thay vì lên tiếng phản đối như trước, Tưởng chỉ quay sang Tằm hỏi rằng:

“Ngươi thật sự đồng ý hôn sự này?”

Thấy Tằm gật đầu, Tưởng chẳng muốn làm gì nữa ngoài việc nói với mẹ, “tất cả cứ theo ý mẹ mà làm”. Bà Tư cười tươi, yên tâm đi con trai! Trước khi quay lưng, Tưởng tự dưng buột miệng như cốt cho Tằm nghe thấy, “hi vọng ngươi sẽ không hối hận”.

Dáng vẻ dửng dưng của Tưởng khiến Tằm hiểu, cậu đang giận hay đúng hơn là trách cứ về sự lựa chọn này của mình. Bởi vốn dĩ, cậu chẳng thể biết được một sự thật còn quan trọng hơn thế. Nhưng Tằm vẫn muốn chờ đợi, đợi đến khi Tưởng nhận ra tấm lòng của mình, và bản thân cô sẽ không hối hận khi trở thành vợ cậu.

***

Mọi người trong xã Thổ bất ngờ khi nhận được cùng lúc cả hai tin báo. Thứ nhất, Tưởng sẽ thay Triệu xã trưởng tạm thời cán đán mọi chuyện trong ngoài của xã thay vì là phó xã trưởng như đã định. Thứ hai, lại vẫn liên quan đến cậu Ba, đó là về cái đám cưới sắp diễn ra ở nhà họ Triệu. Và cô dâu chẳng ai khác ngoài Tằm, người từng được xem là “thanh mai trúc mã” với Liêm thuở trước.

Ai nấy đều biết Triệu gia vừa gặp phải biến cố. Và họ nghĩ, hẳn cái hỷ sự đường đột này là điều mà bà Tư muốn xua đi tai ương gieo rắc cho dòng họ Triệu, là để an ủi kẻ trên người dưới trong nhà, là để Triệu xã trưởng vui mừng mà sớm bình phục, là để bà Ba vơi bớt tội lỗi đối với Tằm. Rất nhiều cái lý được đặt ra. Mọi người kháo nhau rằng, liệu Tằm và Tưởng có hạnh phúc trăm năm? Dù thế nào thì đây cũng là chuyện vui lớn trong xã nên tất cả hiển nhiên đến dự đông đủ. Thôi thì trước một câu, sau một câu, cũng nên chúc phúc đôi trai gái được trời se duyên cho nên vợ nên chồng.

Ngày cưới, Triệu gia nhộn nhịp tưng bừng, đốt pháo ầm ĩ. Người ta ra vào chúc mừng, lớn bé đều có, với vẻ háo hức.

Trong phòng chính, mọi vật đều được trang trí bằng vải đỏ hỷ sự. Bao nhiêu bàn cỗ linh đình bày biện, những người làm chạy lên chạy xuống liên tục. Ngay bàn trà trước bàn thờ gia tiên, Triệu xã trưởng ngồi yên trên ghế và mắt vẫn nhắm. Dù thế nào ông cũng là người trên nên cần làm chủ cho lễ cưới này. Ngồi đối diện là bà Hai, hai chiếc ghế bên cạnh cho bà Ba với bà Tư ngồi.

Đến thời khắc hành lễ, Tưởng và Tằm cùng bước vào phòng chính. Trông hai người mặc hỷ phục cùng sánh duyên, mọi người lại kháo nhau, khéo xứng đôi vừa lứa đấy nhỉ! Tưởng và Tằm lần lượt dâng trà mời cha và các mẹ. Rồi bà Tư nắm tay chồng nghẹn ngào nói: “Mình hãy nhìn xem, Tưởng lấy vợ rồi này. Là Tằm đó, coi như mình cũng trả xong ơn nghĩa với người ta”. Triệu xã trưởng lờ mờ mở mắt, đôi môi mấp máy không biết nói gì mà lệ ứa ra từ khóe mắt.

Tiệc rượu thiết đãi đến tận canh hai giờ Hợi. Mọi người lần lượt ra về sau khi ăn uống no say. Bắt gặp Tưởng đứng ngoài cổng tiễn chân khách, bà Tư liền đi đến bảo khéo, “con mau về phòng đừng để vợ con chờ lâu quá”. Có chút khó xử nhưng cậu cũng gật đầu vâng lời mẹ, chậm rãi về phòng tân hôn.

Đứng từ xa nhìn về phía cửa phòng tân hôn đóng im lìm, Tưởng phân vân giữa việc vào hay không vào. Cậu biết Tằm đang ngồi bên trong và chờ mình. Nghĩ thế, cậu lại thêm khó xử nhưng trên hết vẫn là nỗi buồn sâu sắc. Một đôi trai gái nếu lấy nhau vì tình yêu thì sẽ hạnh phúc biết bao, đằng này lại là sự cưỡng ép vô vọng. Tưởng không muốn chạm vào Tằm khi trái tim đó chưa lần nào thuộc về mình. Trói buộc chỉ thêm đau khổ.

Thở dài một tiếng nặng nề, Tưởng nghĩ có lẽ nên dùng cách này. Đó là giả say. Đêm tân hôn, dù thế nào cậu cũng không thể bỏ Tằm một mình cô đơn với căn phòng trống nhưng còn nếu cả hai giáp mặt nhau mà lại chẳng thể làm được gì thì càng tệ hơn. Giả sử Tưởng say thì mọi chuyện sẽ dễ dàng rất nhiều. Nghĩ vậy, cậu chậm rãi cất bước. Lúc đứng trước cửa phòng, cậu đưa tay gõ cửa.

Lát sau, cửa phòng chợt mở, Tằm xuất hiện. Chưa kịp để Tằm lên tiếng là ngay lập tức, Tưởng giả vờ ngã vật xuống dưới đất. Cậu quơ tay quơ chân, miệng nói lảm nhảm, ra điều say tí bỉ chẳng còn biết trời trăng gì nữa. Về phía Tằm, sau một chốc ngạc nhiên thì liền cúi xuống nhẹ nhàng lay lay vai Tưởng, gọi:

“Mình, mình à… Mình say rồi sao?”

Nghe Tằm gọi một tiếng “mình” ân cần dịu dàng như thế, lòng Tưởng xao động làm sao ấy vậy vẫn không thể làm gì hơn ngoài việc tiếp tục gật gà gật gù như chẳng nghe thấy gì. Đến lúc gọi mãi mà không xong, Tằm đành ngừng lại. Trông cái cảnh Tưởng nằm say tí lúy dưới nền gạch là Tằm liền thở ra buồn bã. Hết cách, Tằm đành đỡ chồng đứng dậy và dìu đến bên giường.

Ngã mạnh xuống giường, Tưởng nhăn mặt dù thế miệng cứ ngáy o o để vai diễn kẻ say càng thêm đạt. Tằm tháo giày, xếp tay chân Tưởng cho ngay ngắn rồi kéo chăn đắp cho cậu. Xong xuôi, Tằm lặng lẽ ngồi bên cạnh giường nhìn chồng ngủ say như chết. Đêm tân hôn, chỉ chờ đợi một khoảnh khắc được gần gũi thế mà Tưởng lại uống say đến vậy khiến Tằm không khỏi buồn rầu. Canh khuya, ánh nến leo loét có mỗi mình Tằm là còn thức trong căn phòng màu đỏ.

Nhưng Tằm không biết rằng cũng có một người đang thao thức cùng mình khi hai người nằm quay lưng trên chiếc giường cưới vẫn thơm mùi mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.