Cũng giống bà Hai, Tằm nhận ra gói giấy này khá kỳ lạ với dấu đóng mộc màu đỏ với chữ Tàu. Điều khiến Tằm khó hiểu là vì sao nó lại rơi ra từ người mẹ Hai. Cô nghĩ, lý nào bà bị bệnh, thế thì bà cần gì phải mang theo gói giấy không có thuốc như vậy bên mình. Liệu, thứ này có ẩn chứa điều gì về cái chết khác thường của bà?
Tằm sực tỉnh khi thình lình nghe giọng thằng Cửu vang lên. Tằm quay qua, thấy tên người làm cúi chào vì vừa từ chợ phiên về. Lúc hắn toan quay đi thì chợt nhận ra miếng giấy màu vàng quen thuộc đang ở trên tay mợ. Hắn liền hỏi Tằm đã đến tiệm thuốc của ông thầy lang kỳ quặc kia ư. Tằm nhíu mày, bảo thấy nó rơi ra từ trong áo bà Hai nên giữ lại. Cửu gãi đầu trả lời:
“Đây là tờ giấy gói thuốc mà vài ngày trước con đưa cho bà Hai.”
“Nó là của ngươi à?”
“Dạ không, là con tìm được trong xấp vải cũ của mợ Ái. Lúc đó bà nhìn thấy nên bảo con đưa lại, sau đó yêu cầu con tìm cho ra tiệm thuốc có gói giấy này.”
“Vậy ngươi tìm được chưa?”
Cửu gật đầu, còn nói đấy là tiệm thuốc của ông thầy lang sống kín đáo và khá lạ lùng. Bà Hai đã cùng hắn đến gặp ông ta. Nghe thế, Tằm tò mò hỏi tiếp về cuộc đối thoại của họ. Tức thì hắn đáp mình bị bà bắt đứng bên ngoài chờ nên chẳng rõ hai người đã nói những gì.
Tên người làm kể xong, Tằm càng thêm khó hiểu gấp bội. Vì sao mẹ Hai lại quan tâm đến gói thuốc này? Đã có chuyện gì liên quan đến nó ư? Và chuyện đó quan trọng đến mức nào, đến nỗi bà không muốn cho Cửu biết? Điều kỳ lạ tiếp theo, gói thuốc lại tìm thấy trong xấp vải cũ của Ái. Đảo mắt chốc lát, Tằm bảo:
“Cửu, ngươi hãy dẫn ta đến đấy. Ta rất muốn biết họ đã nói gì.”
“Thế mợ muốn khi nào đi?”
Tằm chưa kịp trả lời thì đúng lúc, Tưởng từ ngoài cổng nhà đi vào với dáng vẻ suy tư. Không muốn chồng biết về chuyện này để thêm lo lắng nên Tằm bảo Cửu lui xuống nhà dưới. Tên người làm vừa khuất bóng là Tưởng đã bước đến chỗ Tằm, chậm rãi ngồi xuống. Dĩ nhiên biết Tưởng vừa gặp phải việc nan giải nên Tằm hỏi thăm. Đưa mắt nhìn vợ, Tưởng thở mạnh:
“Ban nãy ta kiểm tra tình hình đào giếng, tiến độ có vẻ chậm hẳn so với mấy ngày trước. Nguyên nhân là người dân đã hết phần lương thực nhận lãnh, và họ không đủ sức cũng như không muốn tiếp tục đào nữa. Họ đòi có lương thực.”
“Mình đã nói gì?”
“Ta nói trong bốn ngày, nhất định sẽ phát đủ số lương thực còn thiếu cho họ.”
“Lương thực Triệu gia đã cạn, phần của những bá hộ cũng hết, mình lấy đâu ra?”
“Vẫn còn vài phần chưa lấy, và trong đó có một nơi chỉ cần lấy được thì sẽ đủ.”
Tằm đáp vỏn vẹn hai từ, Thập Quý! Tưởng gật đầu. Đúng vậy, nếu có thể lấy số lương thực của tên cường hào đó cộng thêm vài bá hộ cuối cùng vẫn còn ngoan cố thì việc phân phát cho nhóm phu đào chẳng có gì khó khăn nữa!
Giếng đào sắp xong rồi, người trong xã sẽ có nước dùng để đối phó hạn hán, đâu thể vì số lương thực còn lại mà phải ngừng đào. Tưởng tuyệt đối không nhượng bộ Thập Quý nữa, lần này phải ra tay thôi.
“Mình đã tìm ra cách nào chưa?” Tằm hỏi nhanh.
“Ban nãy ta gặp hắn, hắn vẫn nhất quyết chống đối, đã thế thì chẳng còn cách nào khác, ta sẽ trực tiếp vào phủ nhà hắn lấy lương thực.”
Tằm ngạc nhiên, há chẳng khác nào là cướp? Ánh mắt Tưởng kiên quyết:
“Thập Quý không hề xem ta ra gì thì ta phải dùng quyền xã trưởng làm cho hắn biết mặt. Việc này đâu thể gọi là cướp. Chẳng qua, ta chỉ thi hành chuyện công thôi.”
“Nhưng vì thế lực của bá hộ lớn nên nếu mình xông vào phủ nhà họ mà lấy lương thực, dù là do chuyện công hay vì người dân thì đấy cũng bị xem là phạm pháp.”
Tưởng quay qua Tằm, bảo bản thân biết rất rõ nhưng vẫn sẽ làm. Lấy lương thực theo cách này, phần là cậu muốn dạy cho đám bá hộ cường hào một bài học, phần quan trọng còn lại là vì dân. Thế nên, dẫu có phạm pháp và có thể bị quan trên bắt thì cậu cũng chấp nhận. Trông thái độ kiên quyết của chồng, Tằm im lặng vì hiểu không thể ngăn cản được gì nữa.
Tưởng nhẹ nhàng nắm tay vợ, đôi mắt chợt nhiên dịu lại khi nói rằng:
“Khi chuyện này xong rất có thể ta sẽ bị xử phạt, mình vẫn sẽ ủng hộ ta chứ?”
Nhìn nét mặt Tưởng dịu dàng lẫn chờ đợi, Tằm liền mỉm cười. Đã là vợ chồng thì dĩ nhiên hoạn nạn phải cùng nhau chia sẻ, đừng nói là xử phạt thậm chí có chết thì cũng không bỏ rơi nhau được. Quan trọng, Tằm hiểu tấm lòng của Tưởng dành cho người dân, nên càng thêm cảm phục. Đó là lý do, cô đã không ngăn cản chồng.
“Dù có thể nào, em vẫn ở bên cạnh mình.”
Tưởng gật đầu mỉm cười, liền ôm vợ vào lòng. Dẫu còn duy nhất một người ở lại bên cạnh, mà chỉ cần đó là Tằm thì cậu đã mãn nguyện rồi, chẳng còn mong gì hơn.
Dõi theo bóng dáng Tưởng rời đi, Tằm bắt đầu nghĩ ngợi. Tuy ủng hộ Tưởng nhưng không có nghĩa là cô không lo lắng. Bị cướp lương thực như thế, ắt hẳn Thập Quý sẽ chẳng dễ dàng bỏ qua, vì vậy Tưởng cần có một đồng minh tốt hơn.
Suy đi nghĩ lại, Tằm chỉ còn biết nhờ cậy một người. Tằm bảo Cửu mang giấy bút ra, rồi ngồi viết một bức thư khẩn. Xong xuôi, Tằm lệnh cho hắn mang thư này đến Đỗ phủ, giao tận tay cậu Kiên nội trong ngày mai!
***
Kiên đang chơi cờ cùng Đỗ tri huyện thì đúng lúc, tên người làm chạy vào, trên tay mang theo bức thư. Hắn thưa có người gửi cho Kiên. Cậu hỏi là ai, hắn đáp là mợ Tằm của nhà họ Triệu. Kiên ngạc nhiên liền đón lấy thư và mở ra xem. Trong thư viết khá rõ ràng về tình hình hạn hán cũng như việc trưng thu lương thực ở xã Thổ, cậu đã hiểu sơ qua. Lúc Kiên gấp thư lại, Đỗ tri huyện hỏi có chuyện gì, cậu liền đáp:
“Là chuyện quan trọng diễn ra ở xã Thổ, có lẽ con xin phép về nhà một chuyến.”
Đỗ tri huyện gật đầu, bảo cậu chủ trẻ mau lên đường kẻo lỡ việc. Trước khi đi, Kiên muốn chào từ biệt một người.
Chậm rãi bước ra sau vườn, cậu bắt gặp Quyên đứng lặng lẽ ngắm nhìn những chú chim nhảy nhót hót ríu rít. Kể từ sau buổi sáng hiểu ra cái chân lý “nắm giữ cũng đồng nghĩa đánh mất” thì cô thấy tâm trạng nhẹ nhõm hơn nhiều. Lòng đã bớt đau khổ, cũng không còn nhốt mình trong phòng mà hay ra vườn dạo chơi.
Trông dáng vẻ Quyên tươi tỉnh thế này thì Kiên cũng an tâm trở về nhà. Trước khi đến chào tạm biệt, cậu muốn ngắm nhìn cô nhiều hơn, bởi chẳng hiểu sao bản thân mang cảm giác lần xa nhau này sẽ rất lâu, rất lâu cả hai mới gặp lại.
Kiên đã đứng yên như thế mãi đến khi Quyên tình cờ quay qua và thấy mình. Bấy giờ cậu mới tiến đến gần cô, cười bảo:
“Chị đã khỏe hơn ngày hôm qua rồi, tôi rất vui.”
Quyên nhận ra Kiên có điều gì đó khác mọi ngày, liền chậm rãi hỏi. Kiên thở dài:
“Tôi nhận được thư báo có chuyện xảy ra ở xã Thổ nên phải về nhà gặp cha.”
“Xã Thổ? Là chuyện gì?”
“Hạn hán và chuyện trưng thu lương thực. Tưởng phải đối phó với thế lực bá hộ.”
Tròn xoe mắt chốc lát, Quyên chớp nhẹ hàng mi rồi tỏ ra chẳng mấy quan tâm. Trước, mỗi lần nghe nhắc đến Tưởng là cô vô cùng sốt sắng nhưng bây giờ cái tên đó cứ như gió thoảng qua tai, thật nhẹ. Thấy Kiên nhìn mình đầy ngụ ý, Quyên nói khẽ:
“Triệu Tưởng có gặp chuyện gì đi nữa cũng chẳng còn quan trọng với ta.”
Giấu nụ cười kín đáo, Kiên hiểu là Quyên đang cố thể hiện sự kiên định trước mặt mình. Dù vậy, cậu cũng không muốn làm Quyên thêm khó xử hay dằn vặt nữa, nếu cô có thể quên đi Tưởng há chẳng phải là điều tốt nhất ư? Chợt nghe tiếng tên người làm ở ngoài cổng phủ vọng vào, Kiên nghĩ đến lúc phải đi rồi nên khẽ khàng tháo miếng cẩm ngọc hay mang bên mình ra đưa cho Quyên. Cầm lấy nó, cô khó hiểu.
“Đây là của mẹ cho tôi, nó đã theo tôi từ nhỏ cho đến lớn và trở thành vật hộ mệnh. Nay tôi đưa cho chị để nó có thể bảo vệ chị.” Kiên dịu dàng.
“Vật này rất quý, làm sao ta có thể…”
“Không sao, chị hãy giữ lấy, như vậy tôi mới yên tâm. Đừng lo, khi nào chúng ta gặp lại thì chị trả nó cho tôi cũng được mà.”
Trước thái độ kiên quyết đó, Quyên đành gật đầu, giữ miếng cẩm ngọc trong tay. Tiếp theo, cô bất ngờ bởi một vòng tay ấm áp nhẹ nhàng ôm lấy mình. Là Kiên! Quyên biết tình cảm cậu dành cho mình nhưng hành động thân mật thế này là lần đầu tiên cậu làm. Có cảm tưởng, cậu đang sợ hãi điều gì đó vì cái ôm ngày càng siết chặt hơn. Quyên không phản ứng và cũng không đẩy Kiên ra, bên tai lắng nghe lời thì thầm:
“Chị còn nhớ, tôi từng hỏi rằng: Tôi có vị trí nào trong trái tim chị không? Chị vẫn chưa trả lời… Vậy, lần gặp sau chị hãy cho tôi biết nhé.”
Quyên chưa kịp đáp là Kiên đã mau chóng đẩy nhẹ cô ra, vỗ nhẹ lên bờ vai mỏng manh ấy, rồi nói: “Tôi đi đây. Nhớ bảo trọng!”
Miệng mỉm cười là vậy nhưng lúc quay đi, ánh mắt Kiên buồn thăm thẳm. Đến bây giờ, Quyên vẫn chưa cho cậu câu trả lời. Liệu, cậu còn có cơ hội để nghe chăng?
Dõi theo bóng dáng Kiên, Quyên lặng im rồi nhìn xuống miếng ngọc trên tay. Một cảm xúc lạ lùng len lỏi trong cõi lòng băng giá.