Một cái đèn lồng, dùng que bằng trúc cắm xiêng lên, que trúc cắm vào giữa tường, cây đèn không ngớt dao động.
Dưới đèn có một người, một người già lão lọm khọm tàn phế, gương mặt thảm đạm âm ám, đầy những vết sẹo.
Hồ Lão Ngũ, Phanh Mệnh Hồ Lão Ngũ, lúc này dĩ nhiên y không còn liều mạng, y đang rót rượu.
Ly rượu để trên bàn, cái bàn nằm phía dưới cây đèn. Y đang rót rượu cho một người. Hai bên bàn, mỗi bên có để một cái ghế, một cái đã có người đang ngồi, một người mặc áo đen cao lớn, xoay lưng về phía cầu thang.
Đặng Định Hầu đi lên cầu thang, chỉ thấy sau lưng của y, tuy đang ngồi, mà còn thấy dáng người rất vĩ đại, hiển nhiên y cũng đã nghe tiếng chân của Đặng Định Hầu, nhưng không quay đầu lại, chỉ bất quá đưa tay ra chỉ vào chiếc ghế đối diện, nói:
– Ngồi.
Đặng Định Hầu bèn bước tới ngồi xuống, y ngồi xuống rồi mới ngẩng đầu lên, đối diện với người đó, nhìn chăm chú vào cặp mắt của y.
Mục quang của hai người vừa chạm phải, giống như hai lưỡi đao đụng nhau, hai lưỡi kiếm giao phùng. Gương mặt của hai người đều nghiêm trang như nhau.
Dĩ nhiên Đặng Định Hầu đã gặp mặt người này, gặp đã rất nhiều lần, y gặp người này lần đầu tiên ở Quan ngoại…
Ở cái bình nguyên phì nhiêu mà thần bí đó, ở cái dãy Trường bạch sơn nguy nga hùng vĩ, ở cái tiêu cuộc Trường Thanh nổi tiếng giang hồ.
Từ đó trở về sau, mỗi lần y gặp người này, trong lòng vẫn luôn luôn cảm thấy kính trọng và hoan hỉ, bởi vì y kính trọng người này, y thích người này.
Có điều lần này, y nhìn vào mặt người này, y chỉ cảm thấy có thống khổ và phẫn nộ.
… Bách Lý Trường Thanh, quả thật là ông… tại sao ông lại đi làm chuyện này?
Tuy trong lòng y đang lớn tiếng gào thét, ngoài miệng chỉ lãnh đạm một câu chào:
– Ông vẫn mạnh giỏi?
Bách Lý Trường Thanh sa sầm nét mặt, lạnh lùng nói:
– Tôi không mạnh giỏi, rất không mạnh giỏi.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Ông không ngờ tôi lại đây?
Bách Lý Trường Thanh nói:
– Hừ.
Đặng Định Hầu thở ra nói:
– Nhưng tôi thì đã nghĩ đúng là ông rồi…
Y không nói hết câu, bởi vì y thấy Bách Lý Trường Thanh đang chau mày. Những lời y đang nói, Bách Lý Trường Thanh hiển nhiên không muốn nghe.
Y vốn không bao giờ nói những lời người khác không muốn nghe, huống gì, bao nhiêu bí mật chẳng còn là bí mật, bạn bè hỗ tương kính trọng lẫn nhau đã trở thành thế đối lập, có nói cũng dư thừa quá.
Bất cứ âm mưu nào có chu mật đi chăng nữa, cũng có một chỗ hở, bất cứ một hòn núi hùng vĩ nào cũng nhất định có một lỗ hổng.
Gió không biết luồn từ lỗ hổng nào vào. Gió ở trên cao, lúc nào cũng làm người ta có cảm giác nhạy bén và cường kình, người ở trên cao, lúc nào cũng cảm thấy cô độc lạnh lẽo. Thời tiết này cứ làm cho người ta nghĩ đến rượu. Hồ Lão Ngũ cũng rót cho y một ly rượu. Đặng Định Hầu không hề từ chối, bất kể ra sao, y đều tin Bách Lý Trường Thanh không thể là hạng người bỏ thuốc độc vào trong rượu.
Y nâng lỵ..
Y vẫn còn nâng ly lên mời Bách Lý Trường Thanh, đấy không chừng là lần cuối cùng y tỏ vẻ tôn kính người này.
Bách Lý Trường Thanh nhìn y, ánh mắt hình như lộ vẻ thống khổ và mâu thuẩn, những chuyện đó không chừng không phải là ông ta thật tình muốn làm.
Nhưng ông ta đã làm vậy. Đặng Định Hầu uống một hơi cạn ly rượu, y cảm thấy miệng đắng nghét.
Bách Lý Trường Thanh cũng nâng ly uống cạn, bỗng nói:
– Chúng ta vốn là bạn bè, phải không?
Đặng Định Hầu gật đầu thừa nhận.
Bách Lý Trường Thanh nói:
– Chỉ tiếc là chúng ta làm những chuyện, hoàn toàn không chính xác, vì vậy mới có chuyện bây giờ.
Đặng Định Hầu than dài nói:
– Thật là tiếc, cũng thật là bất hạnh.
Bách Lý Trường Thanh lắc đầu nói:
– Bất hạnh nhất là bây giờ tôi đã lại, và ông cũng lại.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Ông cho là tôi không nên lại đây?
Bách Lý Trường Thanh nói:
– Hai người chúng ta, cũng có một người không nên lại.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Tại sao?
Bách Lý Trường Thanh nói:
– Bởi vì tôi vốn không muốn chính tay tôi giết ông.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Bây giờ thì sao?
Bách Lý Trường Thanh nói:
– HIện tại hai người chúng ta, nhất định chỉ có một người còn sống trở về.
Giọng nói của y rất trấn tĩnh, đầy tự tin.
Đặng Định Hầu bỗng bật cười.
Đối với một người như Bách Lý Trường Thanh, y vốn có mấy phần sợ hãi úy kỵ, nhưng hiện tại, một thứ phẫn nộ rất nguyên thủy, đang khích động tiềm lực và dũng khí trong người y.
… Chống lại áp bức, chính là một thứ phẫn nộ nguyên thủy nhất của con người.
… Bởi vì con người nhờ thứ phẫn nộ đó mà phát sinh ra lực lượng, vì vậy mà loài người mới còn tồn tại!
Đặng Định Hầu mỉm cười nói:
– Ông tin là người còn sống trở về nhất định là ông?
Bách Lý Trường Thanh không hề phủ nhận.
Đặng Định Hầu bỗng vừa cười vừa đứng dậy, y lại uống cạn hết ly rượu.
Lần này y không còn nâng ly mời Bách Lý Trường Thanh, chỉ lãnh đạm nói một tiếng:
– Mời!
Bách Lý Trường Thanh chăm chú nhìn bàn tay y bỏ ly rượu xuống bàn, hỏi:
– Bàn tay ông bị thương?
Đặng Định Hầu nói:
– Không có gì.
Bách Lý Trường Thanh hỏi:
– Vũ khí của ông là hai bàn tay mà.
Đặng Định Hầu nói:
– Nhưng chính tôi cũng biết, tôi nhất định không thể dùng một tay đánh bại được ông.
Bách Lý Trường Thanh hỏi:
– Vậy ông dùng gì?
Đặng Định Hầu nói:
– Tôi dùng một thứ lực lượng, chỉ dùng thứ lực lượng đó, tôi mới có thể đánh bại được ông.
Bách Lý Trường Thanh cười nhạt.
Y chẳng hỏi thêm đó là thứ lực lượng gì, Đặng Định Hầu cũng chẳng nói, nhưng trong lòng y đang tự nói với chính mình:
– Tà không thể thắng chính, công đạo, chính nghĩa, chân lý, vĩnh viễn sẽ không bao giờ bị tiêu diệt.
Gió lại càng thổi mạnh, từ đê trầm biến thành gào hú, từ than thở biến thành gào thét.
Gió cũng trợ Oai cho người sao?
Cho ai?
Đặng Định Hầu xé một chéo áo, rồi xé từ đó làm bốn mảnh, từ từ thắt lại ống tay và ống quần.
Hồ Lão Ngũ đang đứng một bên nhìn y, ánh mắt lộ vẻ kỳ quái, hình như đượm vẻ lo lắng, lại hình như có vẻ nhạo báng.
Đặng Định Hầu tỉnh bơ.
Y không nghĩ chuyện người ta sẽ ca tụng y là Phanh Mệnh Đặng Định Hầu. Y rất hiểu chính mình, và rất hiểu đối thủ.
Trong giang hồ không thể nào tìm ra được một đối thủ nào đáng sợ như Bách Lý Trường Thanh.
Y không sợ Hồ Lão Ngũ coi mình như kẻ hèn nhát, chân chính dũng khí có rất nhiều mặt, cẩn thận và nhẫn nại là một trong những khuôn mặt của nó.
Hồ Lão Ngũ không chừng không hiểu điểm này, nhưng Bách Lý Trường Thanh hiểu.
Tuy y bất quá tùy tùy tiện đứng ở đó, nhưng ánh mắt của y không hề lộ vẻ diểu cợt, ngược lại còn biến thành ba phần đề phòng, ba phần kính trọng.
Bất cứ một ai đều có quyền bảo vệ sinh mạng của mình.
Vì bảo vệ sinh mạng của mình, người ta làm bất cứ điều gì, những điều đó đều rất được đáng kính trọng.
Đặng Định Hầu rốt cuộc đã ưỡn ngực lên, quay mặt lại đối diện với Bách Lý Trường Thanh.
Bách Lý Trường Thanh bỗng nói:
– Mấy tháng rồi, hình như vũ công của ông có mòi tiến triển.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Vậy à?
Bách Lý Trường Thanh nói:
– Ít ra ông đã chân chính học được hai chiêu, nếu muốn khắc địch chế thắng, hai chiêu này không thể nào thiếu được.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Ông đang nói hai chiêu gì?
Bách Lý Trường Thanh nói:
– Nhẫn nại, trấn định.
Đặng Định Hầu nhìn y, ánh mắt bất giác lại lộ vẻ tôn kính.
Tuy ông ta không còn là một người bạn đáng được tôn trọng, y vẫn là một kình địch đáng được tôn trọng.
Bách Lý Trường Thanh chăm chú nhìn y, bỗng nói:
– Ông còn chuyện gì làm chưa xong không?
Đặng Định Hầu trầm ngâm một hồi, nói:
– Tôi còn tý sản nghiệp, vợ con tôi ăn mặc chắc không thiếu thốn tôi rất an lòng.
Bách Lý Trường Thanh nói:
– Tốt lắm.
Đặng Định Hầu nói:
– Tôi bị chết, hy vọng ông làm giùm tôi một chuyện.
Bách Lý Trường Thanh nói:
– Ông nói đi.
Đặng Định Hầu nói:
– Thả Vương Thịnh Lan và Đinh Hỷ, để bọn họ sinh vài đứa con trai, chọn đứa ngốc nhất cho tôi, để họ Đặng còn có người kế hậu.
Ánh mắt của Bách Lý Trường Thanh lại lộ vẻ thống khổ và mâu thuẩn, một hồi thật lâu, y mới hỏi:
– Tại sao lại chọn đứa ngu nhất?
Đặng Định Hầu cười một tiếng nói:
– Người ngu nhiều phúc, tôi hy vọng nó sống lâu lâu một chút.
Cái mỉm cười hời hợt, lời thỉnh cầu nhẹ nhàng, nhưng lại động sâu vào chỗ bi ai và thâm viễn nhất của loài người.
Là cái bi ai của chính y, mà cũng là cái bi ai của Bách Lý Trường Thanh.
Bởi vì Bách Lý Trường Thanh cũng đang nhờ y:
– Nếu tôi chết, hy vọng ông đi tìm giùm tôi một người đàn bà tên là Giang Vân, lấy hết sản nghiệp của tôi đưa cho bà ấy.
Đặng Định Hầu nhịn không nổi hỏi:
– Tại sao?
Bách Lý Trường Thanh nói:
– Bởi vì… bởi vì tôi biết bà ấy có đứa con với tôi.
Hai người không nói gì nữa, chỉ đứng lẳng lặng nhìn nhau chăm chú, trong lòng đều tin tưởng đối phương sẽ làm giùm chuyện mình đã nhờ.
Cũng chính vì trong lòng họ còn có chút tín nhiệm và tôn trọng lẫn nhau, vì vậy họ mới thỉnh cầu đối phương lần cuối.
Sau đó họ lập tức xuất thủ, đồng thời xuất thủ.
Đặng Định Hầu xuất thủ kịch liệt và oai mãnh.
Y biết trận chiến này bất kể là thắng hay thua, đều nhất định phải trải qua một cơn thống khổ.
Y chỉ hy vọng cơn thống khổ ấy chấm dứt thật nhanh chóng, vì vậy mỗi chiêu y đều dùng tận toàn lực.
Thiếu Lâm thần quyền đi theo đường lối cương liệt oai mãnh, quyền thế vừa khai triển ra, gió rít vù vù, như cọp vừa nhảy ra khỏi gò núi.
Trên tháp vốn không lớn lắm, Bách Lý Trường Thanh suýt mấy lần bị y đánh cho rớt xuống.
Nhưng cứ mỗi đến lúc tối hậu trong đường tơ kẻ tóc, thân hình của y bỗng ung dung đứng vững lại.
Bốn chục chiêu đã qua, trái tim của Đặng Định Hầu đang chùng xuống.
Y bỗng nhớ lại ba mưoi năm trước, tại một thiền viện cũ kỹ nhỏ bé, sư phụ của y đã có nói rằng…
… Nhu có thể thắng cương, nhược có thể thắng cường.
… Cương đao tuy cường, nhưng chém không đứt được nước chảy, gió tuy yếu, mà làm lặng ba đào.
… Con nhất định phải nhớ lấy điều này, bởi vì con xem ra có vẻ tùy hòa, thật ra lại rất quật cường, xem ra tuy khiêm hư, thật ra lại rất kiêu ngạo.
… Ta tin là tương lai con sẽ nổi danh, bởi vì cỡ tính tình của con, sẽ phát huy được chỗ sở trường của Thiếu Lâm thần quyền, nhưng con phải không bao giờ quên điều này, gặp phải đối thủ chân chính, con sẽ bị thất bại không nghi ngờ gì cả.
Cổ thụ rợp bóng, thiền viện yên tĩnh, lão tăng mày bạc ngồi dưới gốc cây, dặn đi dặn lại đứa bé… Tình đó cảnh đó, trong khoảnh khắc bỗng dưng tràn ngập về trước mắt y.
Những lời khuyên nhủ vàng đá trui luyện bao lần đó, hình như đang văng vẳng bên tai.
Chỉ tiếc là y đã quên những lời khuyên nhủ đó từ lâu, bây giờ sực nghĩ đến, đã quá chậm.
Y bỗng cảm thấy người mình toàn thân đã bị một thứ lực lượng mềm mại mà liên tục bó lấy, làm như hổ lang lọt vào dòng nước sâu, sâu bọ lọt vào lưới nhện…
Sau đó, bàn tay của Bách Lý Trường Thanh như một cái bóng khổng lồ nặng như núi đè bẹp xuống người y.
Y không tránh kịp.
… Chết mùi vị ra sao nhĩ?
Y nhắm mắt lại.
Đêm động phòng hoa chúc ôn nhu mà mỹ lệ, hai bắp đùi căng đầy của người vợ.
Trong khoảnh khắc đó, tại sao y còn nghĩ đến chuyện này?
… Vợ con mình chắc chắn là sẽ không thiếu thốn gì. Mình rất yên lòng.
Y có thật yên lòng không?
… Tà không thắng chính, chính nghĩa cuối cùng cũng phải thắng!
Tại sao y lại bị thua?
Tuy y thua rồi, chính nghĩa vẫn chưa bị thua.
Bởi vì tại khoảnh khắc tối hậu đó, bỗng nhiên có một thứ lực lưọng từ một bên đánh tới, hóa giải thế chưởng của Bách Lý Trường Thanh, tựa như ánh nắng mặt trời xua tan đi màn đêm u tối.
Cái thứ lực lượng đó cũng như ánh nắng mặt trời, tuy ôn hoà, nhưng tuyệt đối không thể chống cự lại được.
Bách Lý Trường Thanh thoái lùi ba bước, nhìn người đó kinh ngạc.
Đặng Định Hầu mở bừng mắt ra, nhìn người đó, y lại càng kinh ngạc hơn.
Người ra tay cứu y đó, lại là cái gã Hồ Lão Ngũ tàn phế lọm khọm già nua.
Chẳng qua, hiện tại y không còn có vẻ già lão suy yếu, thân hình y đã thẳng lên, thậm chí cặp mắt còn có vẻ rất trẻ trung.
– Ngươi không phải là Hồ Lão Ngũ.
– Không phải.
– Vậy ngươi là ai?
Đầu tóc bạc phếu và mặc nạ trên mặt được gỡ ra, lộ một gương mặt làm người ta vui thích.
Đinh Hỷ!
Đặng Định Hầu rốt cuộc nhịn không nổi phải kêu lên!
– Đinh Hỷ?
Bách Lý Trường Thanh nhìn y chăm chăm:
– Ngươi chính là cái gã Đinh Hỷ thông minh?
Đinh Hỷ gật gật đầu, biểu tình trên gương mặt rất kỳ quái.
Bách Lý Trường Thanh hỏi:
– Lúc nãy ngươi dùng công phu gì vậy?
Đinh Hỷ nói:
– Công phu là công phu, công phu chỉ có một thứ, giết người cũng là đó, mà cứu người cũng là đó.
Ánh mắt của Bách Lý Trường Thanh sáng rực, y không ngờ gã thiếu niên này nói ra được đạo lý như vậy.
… Tất cả các thứ vũ công, cơ bản là một.
Đạo lý thì rõ ràng, nhưng những người chân chính hiểu được, không có mấy ai.
Thật ra, xứng dáng với cái đạo lý đó thế gian này cũng không có mấy ai.
Người trẻ tuổi này lai lịch ra sao?
Bách Lý Trường Thanh nhìn y đăm đăm, bỗng lại xuất thủ.
Lần này y ra tay rất chậm, rất nhu hòa, tựa như làn gió nhẹ làm êm sóng biển, lại tựa như dòng nước chảy từ trên núi xuống, chảy mãi mà vẫn không ngừng.
Có điều lần này y chạm vào, không phải là cương đao, cũng không phải ba đào, vì vậy y dùng hết lực lượng mà hoàn toàn đi đâu hết.
Bách Lý Trường Thanh lại càng kinh ngạc, quyền thế biến đi, từ nhu hòa chuyển qua cường kình, từ chậm đổi sang nhanh.
Đinh Hỷ phản ứng cũng biến theo.
Đặng Định Hầu bỗng phát hiện, vũ công của bọn họ, cơ hồ như cùng một chỗ mà ra.
Trừ chuyện đó, giữa hai người, hình như có chỗ tương đồng nào đó rất vi diệu.
Bách Lý Trường Thanh hình như cũng phát hiện ra điểm đó, quyền đang đấm ra, y bỗng thoái lui lại.
Đinh Hỷ không tấn công tới.
Bách Lý Trường Thanh nhìn y lom lom, bỗng hỏi:
– Công phu của ngươi ở đâu học ra vậy?
Đinh Hỷ hỏi lại:
– Ông không biết sao? Thật không biết sao?
Biểu tình của y rất kỳ quái, giọng nói của y cũng rất kỳ quái, đầy vẻ bi ai và thống khổ.
Biểu tình của Bách Lý Trường Thanh lại còn biến ra kỳ quái hơn, hình như bỗng có một cây kim đâm thẳng vào trái tim của y.
Thân hình của y bắt đầu run rẩy, tinh thần và thể lực bỗng tan rả ra, ngay cả giọng nói cũng ú ớ.
Y vốn là tấm thân sắt thép luyện thành, sức lực và ý chí của y vốn không thể nào công phá được, y không thể nào trở thành như vậy được.
Đặng Định Hầu nhìn nhìn y một hồi, rồi lại quay qua nhìn nhìn Đinh Hỷ, bỗng nhiên y cũng cảm thấy tay chân lạnh ngắt.
Chính ngay lúc đó, ánh đèn bỗng tắt phụt, trong bóng tối hình như có vật gì xé gió bay lại.
Âm thanh cao vút nhưng lại rất nhỏ.
Chỉ có những thứ ám khí thâm độc đáng sợ nhất, mới có tiếng rít như vậy.
Người nào đã phóng ám khí?
Tiếng gió rít lên, người của Đặng Định Hầu đã nhảy hết sức lên cao, y không hề thấy ám khí gì cả, y cũng không biết ám khí đang nhắm vào ai, nhưng y nhất định phải lấy toàn lực né tránh.
Bởi vì y cũng là một tay cao thủ đã được trui mài không biết bao nhiêu lần, y đã nghe thấy tiếng động trong gió mà người khác không nghe thấy.
Còn Bách Lý Trường Thanh và Đinh Hỷ thì sao?
Trong khung cảnh trong tâm tình đang khích động đó, bọn họ có đề phòng linh mẫn như bình thời không?
Bóng tối.
Trời đất là một khoảng bóng tối, bóng tối vô bờ vô bến.
Thân hình của Đặng Định Hầu bay lên, nhưng y lại có cảm giác như bị chìm xuống, vì cả người y đã bị bóng tối nuốt chửng.
Tuy y đang búng người trên không, y vẫn còn thì giờ nhìn xuống phía dưới.
Y chẳng thấy gì cả.
Lúc y đến đây, chung quanh không có người, dưới tháp không có người, trong tháp cũng không có người.
Từ đó đến giờ y vẫn bảo trì cảnh giác, Bách Lý Trường Thanh và Đinh Hỷ chắc cũng vậy.
Nếu có người lại, bọn họ ba người, ít ra phải có một người phát giác.
Nếu không có ai, ám khí từ đâu ra bây giờ?
Y nghĩ không ra.
Bây giờ chân khí của y không còn cách nào đề lên được nữa, thân hình y đã bắt đầu từ từ hạ xuống.
Phía dưới tình cảnh như thế nào? Có phải dang còn có ám khí hung hiểm đang đợi y dưới đó?
Bảo tháp tuy chỉ còn có sáu tầng, nhưng vẫn rất cao, càng lại gần, càng thấy cao. Người ở trên tháp, càng thấy nó cao lắm, bất cứ ai cũng không dám nhảy khơi khơi xuống.
Đặng Định Hầu cắn chặt hàm răng, dùng hết phần cuối cùng sức lực, y lại tung người lên, sau đó y để mình hạ xuống, chừng ba bốn trượng, đến tầng thứ ba, bỗng thò tay ra, nắm lấy mái ngói.
Rốt cuộc y cũng thở phào ra được một hơi.
Lần này lúc y rớt xuống, thân hình đã nhẹ như chiếc lá.
Bàn chân của y rốt cuộc đã đạp xuống mặt đất kiên thực, trong một khoảnh khắc, y có cảm giác như mình là một đứa bé đang xà vào lòng mẹ.
Đối với loài người, mặt đất vĩnh viễn là chỗ đáng để nương tựa.
Nhưng mặt đất cũng một màu đen nghịt.
Trong bóng tối chẳng thấy có động tĩnh gì, cũng chẳng nghe có tý âm thanh.
Trên đỉnh tháp đã xảy ra chuyện gì?
Đinh Hỷ có bị trúng phải ám toán không?
Đặng Định Hầu nắm chặt hai nắm tay, trong lòng bỗng thấy có mặc cảm tội lỗi, y cảm thấy mình không nên cứ vậy mà nhảy xuống bỏ mặc người bạn vừa cứu tính mạng của mình trên đó.
Trong tháp lại càng đen tối, khắp nơi đều có thể là chỗ mai phục trí mạng, có điều bây giờ dù có nguy hiểm cách mấy, cũng không làm y sợ mà bỏ đi.
Y quyết tâm xông vào lại.
Nhưng y dang tính xông vào, trong tháp đã có người xông ra.
Người của y vừa bốc lên, chân khí lập tức chuyển ngược lại, sử Thiên Cân Trụy của nội gia, hai chân hạ xuống, khí lực lại chuyển động, y thở ra một tiếng, đánh một quyền vào người đó.
Đấy chính là Thiếu Lâm Bách Bộ thần quyền oai chấn vũ lâm đã ba trăm năm nay, cái đấm đó y đã sử hết toàn lực, đừng nói là đánh trúng thân người, quyền phong đi tới, cũng đủ làm tan nát tim gan.
Nào ngờ lực lượng kinh khủng đó đánh vào người này, lại không có phản ứng gì, làm như tảng băng bỗng bị tiêu tan dưới ánh nắng mặt trời.
Đặng Định Hầu thở phào một hơi dài nói:
– Tiểu Đinh đó hả?
Bóng người hạ xuống, quả thật là Đinh Hỷ.
Đặng Định Hầu cười khổ.
Bình thời y xuất thủ rất thận trọng, có điều hôm nay y bỗng dưng lại biến thành một tên non choẹt, vừa khẩn trương vừa bộp chộp.
… Tiên hạ thủ vi cường, câu nói ấy không hẳn là chính xác, dĩ dật đãi lao, dĩ tĩnh chế động, hậu phát tiên chí, đấy mới là chân lý của vũ học.
… Vũ công của chùa Thiếu Lâm làm cho người ta kính trọng, không phải là vì nó mạnh bạo, mà vì chúng ta có thể dung hòa lực lượng đó với Phật học bác đại tinh thâm.
Đặng Định Hầu thở ra, y bỗng nhận thấy rằng, thành công và vinh dự không những không làm cho người ta trưởng thành, mà ngược lại làm cho người ta suy thoái. Bất cứ người được nổi tiếng rồi, đều nhất định quên bẳng đi rất nhiều chuyện.
Nhưng hiện tại không phải là lúc bi ai hối hận, y lập tức phấn khởi tinh thần, hỏi:
– Ngươi cũng nghe có tiếng ám khí?
Đinh Hỷ nói:
– Ừ.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Ai ám toán chúng ta?
Đinh Hỷ nói:
– Không biết.
Đặng Định Hầu nói:
– Ám khí hình như từ tầng thứ năm ném lên.
Đinh Hỷ nói:
– Rất có thể.
Đặng Định Hầu nói:
– Ta không hề thấy có ai ở trong tháp đi ra.
Đinh Hỷ nói:
– Tôi cũng không thấy.
Đặng Định Hầu nói:
– Nếu vậy người này vẫn còn ở trong tháp.
Đinh Hỷ nói:
– Không có.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Ngươi tìm không thấy? Hay là hắn không có trong đó?
Đinh Hỷ nói:
– Nếu có người đó, tôi ắt hẳn tìm ra.
Đặng Định Hầu nói:
– Bất kỳ ám khí loại nào, nhất định không thể tự nhiên mà bay ra như vậy.
Đinh Hỷ nói:
– Không thể nào.
Đặng Định Hầu nói:
– Có ám khí ném ra, nhất định là có người.
Đinh Hỷ nói:
– Nhất định vậy.
Đặng Định Hầu nói:
– Bất cứ người nào, không thể tự nhiên mà biến mất đi.
Đinh Hỷ nói:
– Đúng vậy.
Đặng Định Hầu nói:
– Nếu vậy, người này đi đâu? Không lẽ hăn không phải là người? Là quỹ?
Đinh Hỷ nói:
– Nghe nói tòa bảo tháp này vốn có quỹ.
Đặng Định Hầu cười khổ hỏi:
– Không lẽ ngươi tin có quỹ sao?
Đinh Hỷ nói:
– Tôi không tin.
Đặng Định Hầu nhìn y chăm chú, từ từ nói:
– Thật ra, rõ ràng là ngươi đã biết người đó là ai, ngươi đã biết làm sao hắn lại đó, làm sao hắn trốn đi. Nhưng ngươi lại không chịu nói ra.
Đinh Hỷ có vẻ không phủ nhận chuyện đó.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Tại sao ngươi không chịu nói?
Đinh Hỷ trầm ngâm một hồi, rốt cuộc thở dài, nói:
– Bởi vì dù có nói ra, ông cũng chẳng chịu tin.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Tại sao?
Đinh Hỷ nói:
– Bởi vì có quá nhiều chuyện tấu xảo đi.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Chuyện gì?
Đinh Hỷ nói:
– Kế hoạch trong chuyện này, vốn rất chu đáo bí mật, vậy mà các người cứ tấu xảo tìm ra được nhiều kẻ hở, mỗi cái kẻ hở lại tấu xảo lòi ra đường dây tới chỗ khác, mà chỗ nào cũng đều chỉ đến Bách Lý Trường Thanh, chỉ có mình ông ta là phù hợp.
… Khách đến ngày mười ba tháng năm.
… Thời khắc xảo hợp.
… Vũ công uyên bác.
… Hơi thở dồn dập.
… Thuốc uống có mùi đặc biệt.
… Bí mật của tiêu cuộc không ai có thể biết được.
Đặng Định Hầu thở ra nói:
– Nghĩ đi nghĩ lại, những chuyện đó quả thật có chỗ quá tấu xảo.
Đinh Hỷ nói:
– Nhưng còn chưa tấu xảo nhất.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Tấu xảo nhất là gì?
Giọng nói của Đinh Hỷ bỗng biến thành chua chát, y chầm chậm nói:
– Tấu xảo là, tôi lại là con trai của Bách Lý Trường Thanh.
Đặng Định Hầu lại thở ra một hơi dài nói:
– Mẹ của ngươi nhất định là Giang phu nhân, người mà lúc nãy y nhờ ta đi tìm.
Đinh Hỷ nhìn y, hỏi:
– Ông đã biết hết rồi sao?
Đặng Định Hầu lắc lắc đầu.
Đinh Hỷ nói:
– Nhưng ông có vẻ không ngạc nhiên gì mấy.
Đặng Định Hầu than thở:
– Lúc trước ta quả có nghĩ đến điểm đó, nhưng nếu ngươi không nói ra, ta còn không dám chắc.
Đinh Hỷ lạnh lùng nói:
– Ông không dám chắc điều gì? Không dám chắc Bách Lý Trường Thanh là gian tế? Là hung thủ?
Đặng Định Hầu nói:
– Ta vốn ngỡ rằng chuyện đó quả thật là vậy, do đó…
Đinh Hỷ ngắt lời y:
– Vì vậy ông vừa gặp mặt ông ta, không hỏi đầu đuôi ra sao, đã đi liều mạng với nhau.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Ta nên hỏi gì?
Đinh Hỷ nói:
– Ít nhất ông cũng nên hỏi ông ta, tại sao ông ta lại đến đây? Đến đây đợi ai?
Đặng Định Hầu hỏi:
– Ước hẹn này không phải do ông ta mời?
Đinh Hỷ nói:
– Không phải.
Đặng Định Hầu hỏi:
– Vậy thì ông ta đợi ai?
Đinh Hỷ nói:
– Ông ta cũng như ông, cũng bị người ta gạt lại đây, ông ta chờ cũng chính là người ông đang tìm.
Đặng Định Hầu thay đổi nét mặt hỏi:
– Ông ta cũng chờ tên hung thủ đó?
Đinh Hỷ hỏi lại:
– Ông không tin?
Đặng Định Hầu hỏi:
– Ông ta thấy ta lại, không lẽ nghĩ rằng ta chính là hung thủ?
Đinh Hỷ hỏi lại:
– Ông thấy ông ta ở đó, không phải ông cũng nghĩ ông ta là hung thủ sao?
Đặng Định Hầu ngẫn mặt ra.
Đinh Hỷ thở ra nói:
– Xem ra Ngũ tiên sinh là một người rất thông minh, đối với tư cách các ông hiểu rõ không sai mảy may.
Đặng Định Hầu vội vã hỏi:
– Ngũ tiên sinh là ai?
Đinh Hỷ nghiêm nét mặt nói:
– Ngũ tiên sinh chính là đầu lãnh của phân đà Ngũ Nguyệt Thập Tam trong Thanh Long hội, cũng là kẻ chủ mưu của toàn bộ kế hoạch.
Đặng Định Hầu lại ngẫn mặt ra.
Đinh Hỷ cười nhạt nói:
– Y vốn đã tính đúng là các ông gặp nhau lập tức chuẩn bị xuất thủ ngay, bởi vì các ông đều là những bậc anh hùng xuất chúng, ai cũng nghĩ mình nhận xét rất đúng, thì còn cần gì nói thêm cho phí lời, cứ liều mạng sống chết với nhau trước cho khỏe.
Đặng Định Hầu chỉ còn nước đứng nghe, trong lòng bất giác thừa nhận y nói rất có lý.