Trái ngọt của tình yêu Tôi không thể lựa chọn được thứ tốt nhất, mà thứ tốt nhất đã lựa chọn tôi.
– Rabindranath Tagore –
Trời ngày càng buốt giá. Mặt ai nấy cũng trở nên nghiêm trang hơn. Mọi người co ro dưới các lớp áo, cúi đầu, lê bước khó nhọc trên đường. Cây cối bên đường trụi lủi. Dưới ánh đèn đêm, những cành cây khô, ngoằn ngoèo nom đẹp đến ghê người. Một tập hợp những đường nét kỳ quái tạo nên một bức tranh siêu chủ nghĩa hiện thực.
Tôi rất thích quan sát những cái đẹp khác nhau, những chi tiết khác nhau xuất hiện trong từng mùa. Điều đó khiến tôi hiểu thêm nhiều về sinh mệnh và càng tràn đầy tình cảm trân trọng nó.
Sau khi Muju đi, tôi cũng không cảm thấy quá cô đơn hoặc đau buồn. Có lẽ trên người tôi đã dần có sự biến đổi.
Còn nhớ pháp sư Tính Không trên chùa Pháp Vũ, núi Phổ Đà từng nói với tôi: Bên trong mỗi con người đều ẩn chứa một khoảng trời nhỏ toàn mỹ. Thật đáng tiếc, rất nhiều người vì không hiểu nên bị những thứ tình cảm che lấp tâm tính, không lĩnh hội được cái đẹp toàn diện đang tồn tại ngay trong cơ thể mình. Cũng chính vì cảm giác bất an đó, họ luôn giày vò chính mình và giày vò người khác.
Tôi không xác định được mình phải đi bao xa nữa mới có thể nhìn thấy cái khoảng trời bé nhỏ toàn mỹ ẩn giấu trong người tôi. Nhưng có điều, tôi đã học được cách vẫn luôn giữ nụ cười ngay cả khi cô đơn một mình. Ngày nào cũng đều phải sống rất trung thực.
Thực ra, ngay từ ngày thứ hai Muju đi, tôi đã có triệu chứng như cảm, hắt hơi liên tục, tay chân đều rất lạnh, đầu choáng váng. Tôi không ngừng uống nước nóng. Điều hòa được bật số cao rất ấm nhưng trên người vẫn khoác tới bốn cái áo len. Nhưng điều này cũng không làm ảnh hưởng tới tâm trạng của tôi. Tôi vẫn đọc sách, vẫn suy ngẫm, vẫn đi dạo bên ngoài hàng ngày.
Khoảng chừng ba, bốn ngày sau, Hỉ Nhĩ gọi điện thoại tới khóc lóc, kể lể rằng anh bạn trai Adam người Australia đột ngột lạnh nhạt với cô. Cô nghi ngờ rút cục anh ta đã biết được sự thật về chuyện cô phẫu thuật thay đổi giới tính. Ở Thượng Hải, những lời đàm tiếu đồn đại còn nhanh hơn cả dịch cảm cúm.
Tôi kiên nhẫn nghe cô hết chửi bới Adam, lại chửi bới những người mà cô nghi ngờ là gieo rắc thông tin cho anh ta. Rồi lại kêu ầm lên không muốn sống tiếp ở Thượng Hải vì ở đây có quá nhiều người biết được bí mật của cô. Cô muốn di dân tới Mỹ, không bao giờ quay về nữa.
“Được thôi, chúng ta có thể cùng sống ở New York. Cậu có thể lại mở một nhà hàng ở Manhattan. Sẽ có đàn ông Mỹ theo đuổi cậu và dù cho họ có tốt hơn hoặc tồi tệ hơn đàn ông ở đây, cũng không ai biết được bí mật của cậu”, tôi an ủi.
Cô nói: “Mình nói chân thành đấy”.
Tôi nói: “Có điều tại sao cậu không nói chuyện với Adam. Nhỡ vì lý do khác, anh ta lạnh nhạt thì sao?”.
“Có lẽ từ giờ mình phải biến thành dân lesbian mới đúng, chỉ hẹn hò với phụ nữ”, cô nói.. Tôi bật cười rồi ho rũ rượi.
“Cậu ốm à?”, cô lo lắng.
“Có lẽ là bị cảm”, tôi nói.
“A!”, cô bỗng kêu lên, rồi nói tiếp một câu khiến tôi rụng rời tay chân: “Hay là cậu có thai”.
“Cái gì?”, khắp người tôi sởn hết da gà.
“Nghe mình nói đây”, cô đã bình tĩnh lại và nói, “Có một khách hàng nữ ở tiệm nhà mình từng kể rằng, sau khi có mang mấy ngày, triệu chứng đầu tiên của cô ta y hệt như bị cảm. Cô ta đã có mang ba lần, lần nào cũng vậy cả. Vì thế cứ mỗi lần bị cảm, cô ta rất lo”.
Tôi im bặt nắm chặt máy điện thoại, không biết nên phản ứng ra sao. Hỉ Nhĩ ngày càng thu được lắm kiến thức kỳ quái từ đám khách hàng của cô.
“Hãy tin mình đi, từ khi trở thành phụ nữ, trực giác của mình ngày càng tốt, thậm chí còn lẹ hơn cả đám phụ nữ bẩm sinh đấy”, cô nhấn mạnh.
“Làm thế nào bây giờ?”, cuối cùng tôi cũng buột miệng hỏi.
“Cậu nên đi mua que thử thai ở hiệu thuốc đã. Hay là bây giờ mình đi mua hộ rồi mang tới nhà cậu?”. Đột nhiên thấy cô rất phấn chấn, giọng nói lanh lảnh, thậm chí còn vui sướng nữa. Trước đây, cô đã bắt tôi thề nếu tôi sinh con, nhất định phải cho cô làm mẹ nuôi. Và chỉ được phép nhận một mẹ nuôi, không được tìm thêm ai khác. Ý cô ám chỉ tới bà chị họ Chu Sha của tôi. Cô nói cô không có trứng noãn và tử cung nên chỉ có thể hy vọng kiếp sau trở thành người phụ nữ thực sự, để có thể sinh con đẻ cái được. Tất nhiên tôi không thể từ chối cô. Vốn mong đợi được làm mẹ nuôi, dĩ nhiên cô càng hy vọng hơn tôi ngày bé baby xuất hiện. Thậm chí có lần, cô còn khuyên tôi rằng: “Nếu thực tình mãi không được, tìm quách lấy gã nào xin giống cho xong. Mình sẽ trả một nửa tiền nuôi đứa trẻ”.
“Đợi thêm mấy ngày nữa xem sao đã!” tôi ngần ngừ, “Nếu mấy hôm nữa mà không thấy có kinh, nhất định mình sẽ nhờ cậu đưa tới bệnh viện kiểm tra”.
“Nhất định phải cho mình biết đấy nhé!”, cô dặn.
“Chắc chắn rồi”, tôi hứa.
Đặt điện thoại xuống, toàn thân tôi nóng bừng, mặt hừng hực như sốt, cảm như vừa hết xong. “Có lẽ không phải thật”, tôi tự nhủ. Nhưng nghĩ kĩ lại mấy đêm mê ly với Nick và Muju, tôi càng không dám loại trừ khả năng mang thai. Nhưng có thai với ai nhỉ? Đó là con của ai?
Tôi ngồi trên ghế sô pha, hai tay ôm đầu, thở dài, rồi lại dựa vào nệm ghế phía sau, ngả lưng ra nhìn trần nhà. Gương mặt Nick và gương mặt Muju lần lượt xuất hiện. Những đêm đó, những lần vuốt ve đó, những cao trào và gào thét. Trời, tôi lại nhắm nghiền mắt, lại thở dài.
Trời ơi, trời ơi, tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Tôi phải đi ra ngoài, hít thở không khí trong lành dù hơi lạnh. Nhưng gượm đã, không khí lạnh hình như không tốt với thai nhi? Tôi cần phải mặc thêm nhiều quần áo. Thế giới đã hoàn toàn thay đổi rồi, tất cả đều đã khác. Tuy vẫn chưa có chứng cớ cuối cùng, nhưng tôi rất có khả năng là một bà bầu.
Tôi mặc chiếc áo lông vũ dầy cộp, đội chiếc mũ và choàng khăn của hiệu Burberry mua từ hai năm trước nhưng chưa dùng. Đi trên đường được vài phút, tôi đã thay đổi ý định, gọi tắc xi, thông báo một địa chỉ. Tôi muốn tới tiệm may gặp thợ may riêng của tôi.
Tôi vừa đưa cho cô thợ may mấy súc vải để may tiếp mấy bộ xường xám bó sát người. Nhưng có lẽ giờ đây tôi phải bàn lại với cô về kích cỡ. Ngực, đùi và hông đều phải dùng số lớn hơn.
Nhưng khi cô ta hỏi tôi nới rộng ra đến cỡ nào, tôi không thể trả lời được. “Cứ rộng ra một chút”, tôi đáp liều. Lòng thầm nghĩ nếu chỉ bị khiếp sợ một phen vì tưởng lầm thì dù áo rộng hơn một chút, tôi vẫn có thể mặc vừa. Cô thợ cúi xuống viết ra giấy một số đo lớn hơn.
Tôi thích cái vẻ trầm tĩnh và chín chắn của cô. Cô không bao giờ hỏi khách quá nhiều. Có lúc đọc trên báo hoặc trên ti vi, tôi cũng thường xuyên bắt gặp một số gương mặt nổi tiếng hay lui tới tiệm may của cô. Và cô luôn đo cho họ với thái độ rất chuyên nghiệp. Tôi tin rằng chắc chắn cô cũng gặp trường hợp một cô minh tinh nào đó có vòng eo, vòng ngực đột ngột tăng gấp mấy lần. Nhưng cô cũng chỉ im lặng ghi lại số đo mới, không nói bất cứ một câu nào, dù chỉ đùa bỡn.
Đó chính là cô thợ may Thượng Hải của tôi.
Mấy ngày sau, kinh nguyệt mãi vẫn chưa tới. Hầu như cứ cách một tiếng, tôi lại chạy vào toilet kiểm tra quần lót.
Cuối cùng tôi phải nhấc điện thoại thông báo với Hỉ Nhĩ. “Đi bệnh viện thôi”, tôi nói, giọng phì phì như rắn.
“Hai mươi phút nữa mình lái xe chờ sẵn dưới lầu”, cô quả quyết nói.
Trong bệnh viện toàn những gương mặt không nụ cười, chân cẳng va nhau, thân thể chạm phải nhau. Chậm chạp đi tới đi lui trong bầu không khí thật khó ngửi và tạp nham. Đột nhiên, bạn sẽ nhớ tới một tỉ ba dân số sống quanh bạn. Nhưng cái lợi lớn nhất ở bệnh viện này là thu lệ phí rẻ. Tôi chỉ mất chừng nửa đô la tiền đăng ký khám, rồi lại mất thêm nửa đô la nữa để lấy cái cốc nhựa xét nghiệm.
Tôi giao hết túi và áo khoác cho Hỉ Nhĩ, đi vào phía toilet bẩn thỉu, đi tiểu vào cái cốc xét nghiệm, làm tay dính bẩn hết. Nhưng trong bệnh viện, lòng tự trọng và duyên dáng hầu như không cần thiết.
Rửa tay xong, tôi bê cốc nước tiểu đi ra. Vừa lúc đó có mấy người đàn ông đi ngang qua tôi. Họ để ý ngay cốc nước tiểu xét nghiệm trong tay tôi. Hỉ Nhĩ đưa cho tôi một tờ giấy ăn. Tôi dùng nó bọc cái cốc lại.
“Mình không còn kiên nhẫn nổi nữa. Mình cảm thấy tệ quá đi mất”, tôi hổn hển nói.
“Đó là tại cậu đòi tới đây. Mình đã nói là mua que thử ở hiệu thuốc cũng được”, Hỉ Nhĩ nhăn mày nói. Cô mặc một chiếc áo khoác len liền mũ kiểu người Eskimo chẳng hợp thời tẹo nào và đi đôi bốt lông, trông cứ như thời trang trong khu dân tị nạn. Tất cả mọi người đều nhìn cô.
“Những việc thế này cần phải cẩn thận. Mình cứ sợ nếu tự kiểm tra sẽ không chính xác”, tôi thở dài, cẩn thận bê cái cốc nước tiểu đi về phía cửa sổ xét nghiệm.
Ba phút sau có thể biết được kết quả.
Tôi đứng bên ngoài ô cửa sổ xét nghiệm, giậm chân, nghe thấy tim mình đập thình thịch. Chưa bao giờ cảm thấy ba phút trôi lâu đến thế. Hỉ Nhĩ cười, nhét đôi tay lạnh giá của tôi và trong túi áo khoác len của cô. Tôi liền dựa luôn đầu lên vai cô. “Chưa bao giờ thấy cậu yếu ớt như vậy. Rất phụ nữ”, Hỉ Nhĩ nói vào tai tôi.
Rồi cuối cùng chúng tôi cũng lấy được kết quả xét nghiệm: Tôi có mang thật!
Hỉ Nhĩ hét ầm lên. Tôi chỉ yên lặng đứng ngắm cô đang rất vui sướng, đầu óc trống rỗng.
Lúc ra khỏi bệnh viện, tôi từ chối ý tốt của Hỉ Nhĩ muốn lái xe đưa tôi về, kiên quyết muốn tự đi bộ. “Được rồi, buổi tối mình sẽ gọi lại cho cậu”. Hỉ Nhĩ ôm tôi, mỉm cười, vẫy tay và lái xe đi.
Tôi đi trên đường, cố dùng bụng hít thở thật sâu vài lần. Thực ra tôi không cảm thấy bụng mình có gì khác thường. Nhưng dù cho giờ đây tôi không thể phát hiện ra điều gì, trong bụng tôi vẫn có sự thay đổi. Sự biến đổi đó rất nhỏ nhoi, nhưng khiến người ta phải bang hoàng và đủ để thay đổi toàn bộ cuộc đời còn lại của tôi.
Tôi muốn khóc òa lên, và cũng muốn cười. Tóm lại cần phải thể hiện được cảm nhận của tôi lúc này, vì không còn nghi ngờ gì nữa đó là một thời khắc có ý nghĩa trọng đại. Đó là một đường ranh giới như thể phân chia từ bán cầu Nam tới bán cầu Bắc. Tôi thấy cần phải diễn đạt với chính mình.
Nhưng thực ra tôi không muốn khóc cũng chẳng muốn cười, chỉ muốn yên tĩnh đi từ đầu này tới đầu kia trên con đường này. Dòng người dòng xe và tiếng ồn ào huyên náo cùng bụi mù bên cạnh hầu như không chút tác động tới tôi. Tôi lặng lẽ đi trong tầm nhìn của mình, chẳng muốn bất cứ thứ gì xung quanh.
Mãi đến khi đi tới một đầu phố, đột nhiên có rất nhiều người đang chạy tới một căn nhà cổ kính đang bốc khói. Có người hét to: “Cháy nhà, cháy nhà!”. Rồi quả nhiên có một chiếc xe cứu hỏa vội vã lao tới. Tiếp đó, lửa bốc cháy ngày càng lớn, đám người vây quanh càng hoảng hốt không yên.
Tôi dừng chân, đứng sang một bên, ngắm không chớp mắt căn nhà đang bốc cháy. Căn nhà đang lắc lư trong ánh lửa rừng rực.
Đột nhiên, một cảm giác mãnh liệt không tên nhận chìm tôi. Tôi phát hiện ra mình đã khóc. Khóc rất nhiều và dần dần ngồi sụp xuống trong đám người qua lại.
Ngước nhìn qua màn lệ, đám lửa bùng bùng trước mắt phảng phất như thể dài mãi không giới hạn, nhai nghiến mọi kí ức, khơi gợi những tình cảm chân thành nhất, sâu thẳm nhất. Một bên là hủy diệt, một bên là kiếp mới, sinh mệnh đang luân hồi, thời tiết cũng đang luân hồi. Khi một phụ nữ trẻ như tôi mang theo tình cảm của mùa xuân đi qua hết mùa hạ, lại mùa thu, mãi cho tới tận mùa đông, tất cả kí ức trong nháy mắt xuyên qua vầng trán tinh khiết của cô, qua lửa và máu huyết trong tử cung cô, một hạt giống đang nảy mầm. Đúng vậy, nó đã nảy mầm trong im lặng như thế.