Tiểu Thúy chưa nói hết câu thì đã thấy ba kỵ mã đã đến trước Đại Tướng quốc tự.
Hai con ngựa dẫn đầu màu đen tuyền, chỉ nhìn qua cũng biết là giống danh câu, trên yên là hai tên tráng hán bận hắc y, lưng đeo trường kiếm.
Đi sau cùng cũng là tuấn mã lông trắng như tuyết không lẫn sợi lông khác màu nào. Kỵ sĩ là một ngân y thiếu niên tuổi trên dưới hai mươi, diện mạo rất anh tuấn, phải công nhận là một vị mỹ thiếu niên hiếm thấy, chỉ tiếc là đôi môi hơi mỏng một chút. Đôi mắt có vẻ gì thâm trầm, ngồi vững chắc trên yên với khí thế uy mãnh đầy tự tin, có vẻ như coi thiên hạ anh hùng chỉ có mình ta vậy.
Lẽ ra bạch mã nên đi đầu mới đúng. Nhưng nó đã đi sau thì nên nhìn nhận hai kỵ sĩ đi trước có nhiệm vụ tiền hô hậu ủng.
Ngân y khách tế mã đến thẳng trước kiệu mới rời yên nhảy xuống nhìn vào kiệu hỏi :
– Tiểu muội sao để người ta chờ lâu thế?
Giọng nữ nhân từ trong kiệu lạnh lùng :
– Thế nào? Phiền các vị chờ lâu ư? Không kiên nhẫn được sao?
Ngân y khách cười nhũn nhặn :
– Không phải thế! Chẳng qua huynh lo cho muội dọc đường…
– Vậy thì đừng nhiều lời.
– Thôi được! thôi được! Không nói nữa, chúng ta đi nhanh nào, được chứ?
Thiếu nữ trong kiệu chợt dịu giọng :
– Chàng còn chưa cho thiếp biết vị đó ở đâu.
Bạch y nhân hiểu rằng lời nói đó là nói với mình, nhưng từ khi có ba kỵ mã xuất hiện thì chàng bỗng mất hứng đi nhiều.
Chàng còn chưa kịp trả lời thì ngân y khách đã ngạc nhiên hỏi :
– Tiểu muội nói gì vậy? Huynh chưa cho muội biết vị nào chứ?
Thiếu nữ trong kiệu lạnh lùng :
– Tôi không nói với huynh.
Ngân y thiếu niên sửng sốt :
– Muội không nói với huynh, chẳng lẽ…
Bấy giờ hắn mới nhận ra Bạch y khách, liền hỏi :
– Tiểu muội, người này là…
Thiếu nữ trả lời không chút do dự :
– Đó là bằng hữu của tôi.
Ngân y thiếu niên kinh dị hỏi :
– Bằng hữu của muội? Muội có một vị bằng hữu như thế từ lúc nào mà huynh chưa biết gì cả?
– Chỉ vừa mới quen. Vì sao phải cho huynh biết?
– Vừa quen ư? À… ta hiểu rồi! Tiểu muội vì mới gặp vị này nên dừng lại lâu để… chúng ta chờ đúng không?
– Tôi muốn nói thêm mấy câu. Thực ra tôi đã không muốn đi.
– Chẳng trách nào… Không ngờ muội chỉ vì một vị bằng hữu mới quen mà đến trễ cuộc hội ước quan trọng này.
– Bởi vì vị bằng hữu này khác hẳn những người khác. Mọi hành vi cử chỉ hay ngôn từ của chàng đều bất phàm. Ở bên chàng, người ta cảm thấy rất thư thái và hứng thú, vì thế tôi không muốn xa rời chàng…
Ngân y thiếu niên vẻ mặt trở nên rất khó coi, cố giấu tia mắt hằn học hỏi :
– Nếu đã thế sao muội không đưa vị bằng hữu ấy đi theo sau kiệu?
Thiếu nữ thản nhiên đáp :
– Như thế sao tiện? Tôi đã muốn mời chàng cùng vào ngồi trong kiệu nữa ấy chứ.
Ngân y thiếu niên biến sắc, nhưng vẫn gượng cười nói :
– Tiểu muội thật hay đùa…
– Ai đùa chứ? Tôi hoàn toàn nói thật đấy.
– Cứ cho là thật đi! Thế nhưng bây giờ không còn sớm nữa, cha và mẹ đang sốt ruột chờ muội đấy, đi nhanh thôi!
– Không dám để bá phụ bá mẫu phải chờ lâu. Huynh đi trước, tôi sẽ đi ngay.
– Như thế sao được? Huynh đến đây là để đón muội mà.
Thiếu nữ trong kiệu tỏ vẻ kiên quyết :
– Có gì mà không được? Huynh cứ về trước báo với bá phụ và bá mẫu một tiếng, tôi sẽ đến sau.
Ngân y thiếu niên vội nói :
– Không được đâu! Làm thế hai vị lão nhân gia sẽ giận đấy, và huynh sẽ phải hứng chịu. Tiểu muội, ta năn nỉ nàng cùng đi với chúng ta…
Rồi vung tay quát bọn khiêng kiệu :
– Nào đi! Khởi kiệu!
Bốn tên hoàng y đại hán vội khiêng kiệu lên.
Thiếu nữ trong kiệu thét lên :
– Đặt xuống! Ta đã bảo đi đâu?
Bốn tên đại hán sợ hãi đặt kiệu xuống như cũ.
Ngân y thiếu niên mặt tái đi, nhưng vẫn gượng cười nói :
– Tiểu muội muốn ta phải làm gì đây? Chẳng lẽ cần phải quỳ xuống cầu xin muội?
Thiếu nữ trong kiệu buông giọng mỉa mai :
– Cái đó tôi đâu dám? Huynh đường đường là vị đại thiếu gia mà.
Ngân y thiếu niên cười khổ nói :
– Thôi mà! Tiểu muội đừng chửi ta nữa! Ta đối với bất kỳ ai cũng có thể xưng là đại thiếu gia nhưng đối với một mình tiểu muội thì không được…
– Tôi diễm phúc thế sao? Vậy đi trước dẫn đường đi, đại thiếu gia!
Ngân y thiếu niên nghe vậy mừng rơn vội nói :
– Tốt lắm! Ngu huynh tuân lệnh!
Trước khi nhảy lên ngựa, hắn còn đưa ánh mắt độc địa nhìn Bạch y nhân đầy hăm dọa.
Giọng nói của thiếu nữ trong kiệu dịu hẳn đi :
– Tôi phải đi rồi, chàng hãy nói chỗ nào đi.
Bạch y nhân đáp :
– Cô nương đừng hỏi nữa. Xong việc này tôi sẽ đến tìm cô nương là được.
Thiếu nữ trong kiệu trầm mặc một lúc mới nói :
– Thế cũng được chỉ mong sao chàng đừng quên để thiếp phải mòn mỏi trông chờ.
Ánh mắt Ngân y thiếu niên lóe lên tia hằn học.
Bạch y nhân không để ý trả lời :
– Tôi biết cô nương chờ mà, tôi sẽ cố đến sớm.
Giọng thiếu nữ hết sức dịu dàng :
– Vậy thì… thiếp đi đây.
– Cô nương xin cứ tùy tiện, tôi cũng cần phải đi rồi.
Thiếu nữ ra lệnh :
– Khởi kiệu!
Bốn hoàng y đại hán không chút chậm trễ khiêng kiệu lên.
Ngân y thiếu niên đã ngồi thẳng trên yên chợt hướng về Bạch y nhân đưa tay lên nhưng không hiểu sao lại hạ xuống rồi quay ngựa trở lại đường cũ.
Thiếu nữ trong kiệu nghẹn ngào nói :
– Thiếp đi đây, chàng hãy bảo trọng!
Bạch y nhân cảm động nói :
– Xin đa tạ! Cô nương cũng hãy bảo trọng!
Ngân y thiếu niên chợt quay lại giục :
– Đi thôi! Tiểu muội! Đừng dùng dằng nữa! Còn chuyện gì thì hãy để dành đến khi gặp lại sẽ nói cũng được. Nếu bây giờ nói hết thì e sau này không còn gì mà nói nữa.
Thiếu nữ hừ một tiếng rồi bỗng cao giọng :
– Tiểu Thúy! Ngươi phải lập tức truyền dụ đi khắp nơi trong võ lâm rằng vị bằng hữu này của ta đi đến đâu thì không được bất cứ ai phạm đến chàng, nếu không sẽ coi là đối địch với Lãnh Nguyệt ta!
Ngân y thiếu niên biến sắc.
Tiểu Thúy kính cẩn dạ một tiếng.
Chiếc kiệu từ từ rời chỗ, nhưng khi đi qua hết Đại Tướng Quốc tự đến sát chỗ rẽ thì đột nhiên ô cửa sổ nhỏ phía sau kiệu được vén lên lộ ra khuôn mặt cực kỳ xinh đẹp của một thiếu nữ.
Tiếc rằng khuôn mặt phong hoa tuyệt đại ấy chỉ lộ ra giây lát.
Thế nhưng Bạch y nhân cũng kịp thấy rõ trên khuôn mặt như tiên nữ kia, đôi mắt kiều diễm hàm chứa vạn ý tình đồng thời mang sự ước uẩn, vô hạn niềm ly tình biệt ý khiến chàng đứng sững sờ.
Chàng ngẩn người nhìn theo chiếc kiệu, bấy giờ ô cửa sổ đã buông xuống và chỉ chốc lát đã khuất sang phố khác.
Thật lâu Bạch y nhân mới định thần thở hắt ra một hơi rồi thu hồi mục quang lại, rời khỏi Đại Tướng Quốc tự.
Bấy giờ trời đã về chiều, cả ngày nay chàng chưa ăn gì, vì thế cảm thấy đói cồn cào.
Chàng vốn định rời khỏi thành ngay, nhưng không biết qua đêm, tìm đâu được chỗ lót dạ nên buộc phải thay đổi chủ ý, tìm một khách điếm dùng bữa.
Khi rời khỏi khách điếm thì ngày đã sắp hết.
Trên thế gian có nhiều việc xảy ra ngoài dự định của con người. Giá như chàng đi ngay mà không ghé vào khách điếm ăn cơm thì có lẽ sự tình đã khác đi Nếu thế, thậm chí suốt đời chàng cũng đi theo hướng khác, đã không để lại dấu ấn suốt đời như vậy.
Mới đến cửa thành thì Bạch y nhân bị một người chặn lại.
Người này là một Hắc y nhân, lưng đeo trường kiếm, chính là một trong hai tên tráng hán tháp tùng vị Ngân y thiếu niên mà bạch y nhân mới gặp trước Đại Tướng Quốc tự.
Hắn bước ra chặn Bạch y nhân nói :
– Còn may là các hạ chưa đi ta mới đợi được. Chắc rằng các hạ còn nhớ ta chứ?
Bạch y nhân gật đầu :
– Còn nhớ! Nói vậy là các hạ chờ tôi ở đây lâu rồi?
Hắc y hán tử nói :
– Khá lâu rồi! Vừa đi khỏi Đại Tướng Quốc tự thì ta đã đến đây ngay. Dù sao thì cũng đã chờ được các hạ.
Bïch y nhân nói :
– Tôi thấy hơi bất ngờ… các hạ có gì chỉ giáo?
Bạch y nhân hiểu rằng nhất định có sự phiền hà. Tuy vậy là người mạo hiểm và không muốn nhường bước trước bất cứ chuyện gì, vì thế chàng chờ xem diễn biến ra sao.
Hắc y đại hán nói :
– Thiếu chủ chúng ta sai tới đây chờ các hạ đã lâu. Gia thiếu chủ chính là muốn hẹn gặp các hạ ngay ở Đại Tướng Quốc tự nhưng lúc đó không tiện vì thế sai ta đến đây chờ trước, nếu các hạ đến sớm thì xin đợi một lúc. Không ngờ các hạ bây giờ mới đến, có lẽ lúc này gia thiếu chủ đã chờ ở điểm hẹn từ lâu.
Bạch y nhân hỏi :
– Chắc quý thiếu chủ là vị bận ngân y cưỡi bạch mã lúc ở Đại Tướng Quốc tự?
Hắc y đại hán gật đầu :
– Không sai.
Bạch y nhân lại hỏi :
– Quí thiếu chủ tất là vị rất có danh tiếng, các hạ có thể cho biết…
Hắc y đại hán ngắt lời :
– Cái đó xin các hạ khi gặp gia thiếu chủ cứ hỏi thẳng.
– Nhưng tôi với vị đó chưa hề quen biết, vậy mà quí thiếu chủ cho người đến cửa thành chờ tại hạ với mục đích gì?
– Việc này đến lúc gặp gia thiếu chủ tất sẽ biết.
Bạch y nhân biết đối phương không thể giúp mình biết thêm được gì, đành hỏi :
– Quí thiếu chủ hiện ở đâu?
– Các hạ chỉ cần theo tại hạ là được.
Nói xong quay người đi trước dẫn đường.
Bạch y nhân ngẫm nghĩ chốc lát rồi cũng bước theo, một lát chợt hỏi :
– Giả sử tại hạ đi ra bằng cửa thành khác thì các hạ không gặp được, chẳng lẽ không hỏng việc của quí thiếu chủ?
Hắc y đại hán cười đáp :
– Tất nhiên khi đó tại hạ sẽ không gặp được các hạ. Tuy vậy sẽ gặp được người khác, vì tất cả các cửa thành, gia thiếu chủ đã bố trí người phục sẵn, các hạ muốn ra đường nào cũng thế thôi.
Bạch y nhân hiểu ra, gật đầu nói :
– Thì ra thế… chứng tỏ quí thiếu chủ là người rất thông minh?
– Gia thiếu chủ há chỉ là người thông minh?
Bạch y nhân à một tiếng hỏi :
– Vậy quí thiếu chủ là người có bản lĩnh thần thông thế nào nữa chăng?
Hắc y đại hán ngập ngừng :
– Gia thiếu chủ còn có…
Nhưng nói chưa hết câu, hắn đã im bặt nhìn Bạch y nhân ngờ vực :
– Các hạ hỏi làm gì?
– Chẳng làm gì cả, chỉ tiện miệng thôi.
– Vậy thì các hạ chẳng cần hỏi, cứ tự mình sẽ thấy.
Rồi không nói gì thêm.
Bạch y nhân cũng không hỏi nữa.
Hắc y đại hán dẫn Bạch y nhân theo con đường vắng vẻ ven tường thành đi về hướng Tây.
Lúc này sương xuống dày, bầu trời tối đen, thành Khai Phong nhiều nhà đã tắt đèn.
Khu vực sát tường thành là nơi cư ngụ của những hộ gia cư nghèo khổ, lại ở thưa thớt nên cảnh tượng khá hoang vắng thê lương.
Đi chừng một khắc, chợt nghe phía trước từ trong lùm cây rậm rạp vang lên tiếng quát :
– Ai? Đứng lại!
Hắc y đại hán dừng chân trả lời :
– Tôi đây. Người đã được dẫn đến.
Tiếng người trong lùm cây nói :
– Chờ đó!
Lát sau lại có âm thanh phát ra :
– Thiếu chủ bảo đưa người vào.
Bạch y nhân không lưu tâm đến lời ra lệnh trịch thượng đó, vẫn theo Hắc y đại hán đi sâu vào.
Đi qua lùm cây rậm rạp, chợt thấy phía trước là một ngôi tiểu đình hình bát giác đã hoang tàn, xung quanh là những giàn cây cảnh trơ gốc, mái ngói đổ nát.
Tiểu đình ẩn sau một gốc cổ thụ, cho nên phải đến khá gần mới phát hiện ra.
Bạch y nhân trông thấy trước ngôi tiểu đình có một người đứng khoanh tay
Lúc này sương tan mất phần nào, có thể nhận ra người đứng khoanh tay chính là vị Ngân y thiếu niên cao ngạo, độc địa mà bạch y nhân gặp hồi chiều trước Đại Tướng Quốc tự.
Ngoài ra sau tiểu đình còn có hai tên Hắc y nhân khác lưng đeo trường kiếm xuôi tay đứng nghiêm.
Hắc y đại hán vừa dẫn đường cho Bạch y nhân đến trước mặt Ngân y thiếu niên chắp tay cúi đầu cung kính nói :
– Bẩm thiếu chủ, người đã được dẫn đến.
Ngân y thiếu niên khoát tay, tên Hắc y đại hán vội lùi sang bên.
Ngân y thiếu niên đi vài bước đến đứng ngay trước mặt Bạch y nhân.
Bạch y nhân vẫn đứng ngang nhiên không biểu lộ thái độ gì.
Ngân y thiếu niên nhíu mày nói :
– Thật chẳng trách! Quả là gan mật ngươi không nhỏ.
Bạch y nhân thản nhiên nói :
– Các hạ quá khen.
Ngân y thiếu niên chú mục nhìn bạch y nhân hỏi :
– Quá khen ư? Ngươi biết ta là ai không?
– Không biết!
Ngân y thiếu niên cười nói :
– Thế thì phải rồi. Dù sao ngươi cũng là kẻ đầu tiên mà vẫn giữ được sự bình tĩnh không tỏ ra hoảng sợ.
Bạch y nhân vặn hỏi :
– Vì sao tôi phải mất bình tĩnh, vì sao phải hoảng sợ?
Ngân y thiếu niên biến sắc nhưng vẫn cười nói :
– Hỏi khá lắm! Bởi vì những người khác đều sợ ta.
Bạch y nhân thản nhiên đáp :
– Nhưng tôi không phải là người khác.
Ngân y thiếu niên gật đầu :
– Chính thế! Vì người khác đều biết ta là ai, còn ngươi lại không biết.
– Vậy ngươi cứ nói ra ngươi là ai xem ta có hoảng hồn khiếp vía như ngươi nghĩ không?
Ngân y thiếu niên lắc đầu :
– Đừng vội! Thực ra ta cũng không cần ngươi phải sợ ta.
Rồi chợt khoát tay nói :
– Chúng ta nhàn ngôn vô ích, nên đi ngay vào đề chính. Ngươi có biết vì sao ta phái người đến đón ở cửa thành giữ ngươi lại và đưa đến gặp ta không?
– Ta không biết. Các hạ nói xem.
Ngân y thiếu niên cười nhạt :
– Ta thật nghĩ không ra ngươi không biết hay giả bộ hồ đồ nữa.
– Ta là người không thích giả bộ ngây ngô, và ở đây chẳng cần phải thế.
– Thôi được ta sẽ cho ngươi biết. Lúc ở Đại Tướng Quốc tự ta có ý định hẹn gặp ngươi nói chuyện nhưng bấy giờ không được tiện lắm.
– Ta biết. Quí thuộc hạ đã nói điều đó.
Ngân y thiếu niên à một tiếng rồi chợt quét mắt nhìn tên Hắc y đại hán vừa dẫn đường lạnh giọng hỏi :
– Thật vậy không?
Tên đại hán sợ hãi cúi thấp đầu nói :
– Bẩm thiếu chủ, thuộc hạ cho rằng việc đó không quan trọng…
Ngân y thiếu niên rít lên :
– Vậy ngươi cho rằng việc gì mới quan trọng?
Tên đại hán run rẩy nói :
– Thuộc hạ… thật đáng chết! Xin thiếu chủ…
Ngân y thiếu niên tàn nhẫn ngắt lời :
– Vốn ngươi đã đáng chết!
Lời chưa dứt đơn chỉ điểm ra.
Tên đại hán ngã bịch ngay xuống, ngay ở huyệt Mi Tâm bị thủng một lỗ, máu tươi chảy ra thành vòi, chết rất thảm.
Hai tên Hắc y đại hán khác đứng cuối ngôi đình làm như không nhìn thấy gì.
Chắc hẳn chúng đã quen với cảnh tượng trừng trị tàn khốc thế này nên mặt không đổi sắc, thậm chí không nhìn kẻ bất hạnh lấy một lần.
Bạch y nhân nhíu mày rồi chợt cười nhạt nói :
– Bây giờ thì ta biết các hạ là người như thế nào rồi.
Ngân y thiếu niên hỏi :
– Ngươi nói vậy có ý gì?
Bạch y nhân đáp :
– Tên vừa chết bởi chỉ phong của ngươi kể rằng ngươi đã phái thủ hạ chờ ta ở khắp các cửa thành…
Ngân y thiếu niên ngắt lời :
– Bởi vậy hắn càng đáng chết!
Bạch y nhân nói tiếp :
– Ta nhận xét rằng ngươi là người thông minh….
Ngân y thiếu niên lại ngắt lời :
– Ta đâu chỉ là người thông minh?
– Chính tên đó cũng nói thế.
– Ai?
– Tên vừa bị ngươi giết đó.
– Hắn nói thế nào?
– Hắn chỉ nói ngươi không chỉ là người thông minh, còn thế nào nữa thì sau này sẽ biết. Bây giờ ta mới tin lời hắn.
– Xem ra hắn khá hiểu ta… Sao ngươi không nói trước?
– Nói trước thì sao?
– Nếu ngươi nói trước thì hắn sẽ phải chịu kết cục thảm khốc hơn nhiều, không được chết thư thái như vậy đâu.
Bạch y nhân liếc nhìn hắn, trên mặt không lộ cảm xúc nào, lạnh lùng nói :
– Ta chưa từng gặp kẻ nào tâm địa độc ác như ngươi.
Ngân y thiếu niên không chút tức giận, thậm chí còn tỏ ra đắc ý nói :
– Coi như ngươi được khai nhãn giới. Bây giờ thấy thế nào?
– Không thế nào cả. Ngươi giết thủ hạ của mình, không liên quan gì đến ta
– Nói hay lắm! Các hạ cũng tính được là người vị kỷ…
– Ai lại không vị kỷ? Người ta sống ở nhân thế nhiều lắm cũng chỉ mấy chục năm, nếu không vì mình thì chẳng lẽ chuyên lo cho người khác hay sao?
Ngân y thiếu niên gật đầu lia lịa :
– Nói rất phải! Nói rất phải! Nhưng ta nói ngươi vị kỷ không phải không đúng. Cũng như ngươi nói, người sống tối đa chỉ trăm năm và trăm năm chẳng qua chỉ là nháy mắt! Vậy thì phải biết chăm lo cho bản thân là đúng. Các hạ biết vì mình thì hay quá rồi…
Bạch y nhân thinh lặng.
Ngân y thiếu niên nhìn đối phương vẻ dò xét rồi hỏi :
– Bây giờ các hạ biết vì sao ta cho người dẫn đến đây rồi chứ?
Bạch y nhân đáp :
– Vẫn chưa biết.
Ngân y thiếu niên nhắc lại bằng giọng độc địa :
– Vẫn chưa biết! Ta xem các hạ không phải là người ngu đần nhất thế gian mà chỉ là người giỏi giả vờ nhất thế gian.
– Các hạ có việc gì thì cứ nói thẳng, ta không có thời gian nghe những chuyện rườm rà lôi thôi.
– Thôi được, ta sẽ không kéo dài câu chuyện. Tuy nhiên ngươi đừng trông mong gì. Trừ ta và mấy tên thủ hạ ở đây không ai biết được ta hẹn ngươi đến ngôi đền nhỏ hoang vắng này…
Bạch y nhân ngắt lời :
– Ngươi sai rồi! Ta không trông mong vào ai cả! Trong bất cứ việc gì ta cũng vẫn cho rằng trông mong vào người khác chi bằng hãy trông mong vào chính mình.
Ngân y thiếu niên gật đầu :
– Nói rất phải! Xem ra ngươi thật biết người biết việc, ta bắt đầu thích ngươi rồi đấy.
– Xin đa tạ! Ta thật cảm thấy vinh hạnh… nhưng tốt hơn cả là cứ đi thẳng vào việc đi!
– Đừng vội! Ta biết ngươi sốt ruột muốn nhanh chóng rời khỏi Khai Phong. Ta cũng có thể để ngươi rời khỏi đây, tuy nhiên rời nhanh hay chậm và bằng cách nào thì hoàn toàn do thành ý của ngươi, hay đúng hơn là ngươi có biết điều hay không. Ta nói vậy ngươi hiểu chứ?
– Không! Ta chưa hiểu.
– Thôi được, ta đành phải nói rõ vậy! Cô nương mới quen mà coi ngươi là bằng hữu đó, ngươi có biết đó là ai không?
Bạch y nhân đáp :
– Ta chỉ biết cô ấy tên là Lãnh Nguyệt, ngoài ra không biết gì thêm.
Ngân y thiếu niên gật đầu :
– Không sai.
Rồi chợt ngước lên trời nói thêm bằng giọng mơ màng :
– Đúng thế, cô ta hoàn toàn giống như cái tên của mình… Lãnh Nguyệt… vầng trăng lạnh lẽo… Nhưng không có thực, chỉ cảm thấy vẻ đẹp tuyệt vời huyền hoặc mà thôi.
Bạch y nhân nín lặng.
Ngân y thiếu niên chợt hỏi :
– Ngươi có biết cô ta là người thế nào của ta không?
– Không, là người thế nào của ngươi?
– Nhà ta và nhà cô ấy có mối thâm giao lâu đời. Ngay từ khi hai chúng ta chưa ra đời, hai nhà đã có lời đính hôn. Ngươi hiểu thế nào rồi chứ?
Bạch y nhân gật đầu :
– Ta hiểu. Nếu vậy cô ấy là vị hôn thê của các hạ.
– Không sai! Ngươi thật là người thông minh.
– Ta chỉ hiểu quan hệ giữa hai người là như thế, nhưng lại không hiểu ngươi nói với ta việc đó với mục đích gì?
Ngân y thiếu niên sầm mặt nói :
– Đến giờ mà ngươi còn giả ngây giả dại như vậy hay sao?
– Ta thật không biết mà.
Ngân y thiếu niên đột nhiên vung cao tay toan xuất chỉ nhằm thẳng Mi Tâm huyệt đối phương, nhưng Bạch y nhân làm như không thấy gì, vẻ mặt vẫn bình thản.
Ngân y thiếu niên nhìn chằm chằm đối phương một lúc rồi hỏi :
– Ngươi thật là kẻ can đảm, trấn tĩnh hơn người hay có võ công cao tuyệt nên không biết sợ?
Bạch y nhân đáp :
– Cả hai đều không đúng. Chỉ là ta nhận thấy là ngươi chưa có ý định giết ta.
– Có vẻ như ngươi rất cầm chắc?
– Lý do rất đơn giản. Hai chúng ta bình sinh chưa quen biết, đã không thù oán lại không cừu hận…
Ngân y thiếu niên ngắt lời :
– Chắc gì? Vị hôn thê của ta đã có tình ý với ngươi và không giấu giếm việc này. Trong trường hợp đó ngươi bảo ta nên làm thế nào?
– Thật vậy ư?
Ngân y thiếu niên đanh giọng :
– Thôi đừng giả bộ đui điếc nữa. Hãy trả lời ta câu hỏi vừa rồi.
– Nếu vậy thì ngươi nên tìm vị hôn thê của mình chứ sao lại tìm ta?
– Ngươi sai rồi! Xưa nay mấy ai nhẫn tâm để vị hôn thê tươi như hoa của mình phải phiền lòng? Bởi vậy cách tốt hơn là phiền đến người khác một chút.
Bạch y nhân nhíu mày hỏi :
– Ngươi đã có ý định như vậy thì có nói gì cũng vô ích. Hãy nói một câu cho dứt khoát, ngươi muốn thế nào?
Ngân y thiếu niên cười nham hiểm :
– Ta đối với mọi người xưa nay vốn dung thứ, sẽ không làm khó cho ngươi đâu.
Bạch y nhân lãnh đạm :
– Đa tạ!
– Nói chữ đa tạ bây giờ còn hơi sớm, khi ngươi còn chưa biết điều kiện của ta.
– Điều kiện ư?
– Không sai!
– Xin ngươi cho biết.
– Thứ nhất, ta muốn ngươi lập tức rời khỏi Khai Phong thành này…
Bạch y nhân cười đáp :
– Ta đã muốn rời khỏi Khai Phong thành này.
Ngân y thiếu niên ngắt lời :
– Ngươi còn chưa hiểu ta. Ta chỉ cần ngươi vĩnh viễn không được gặp vị hôn thê của ta nữa.
– Có gì mà không hiểu? Chỉ cần ta vĩnh viễn không đến gặp Lãnh Nguyệt cô nương nữa là được chứ gì?
Ngân y thiếu niên lắc đầu :
– Ngươi còn chưa biết vị hôn thê của ta thần thông quãng đại thế nào đâu. Đặc biệt là gia đình cô ta, thế lực bao trùm cả thiên hạ. Cho dù ngươi chấp nhận không tìm gặp cô ta nhưng cô ta chỉ cần muốn gặp ngươi thì không sao tránh được…
Bạch y nhân à một tiếng hỏi :
– Thật vậy sao?
– Ngươi không tin ư?
– Không phải thế. Chỉ là… ta chỉ không hiểu sao ngươi lại không ngăn cản vị hôn thê của mình?
– Ta đã nói không nỡ làm phiền lòng mỹ nhân trong mộng của mình mà.
– Ngươi đã thấy rằng vị hôn thê của mình có tình ý với ta. Chẳng lẽ ngươi tìm cách ngăn cản chuyện đó lại không làm cho cô ấy phiền lòng hay sao?
– Cái đó ta không cần biết. Ta chỉ ngăn cản ngươi chứ ta không ngăn cản cô ta, vì thế lòng ta không áy náy gì…
Bạch y nhân cười nhạt :
– Cách lập luận của ngươi thật kỳ quặc. Nhưng nếu vậy thì ngươi muốn ta phải làm gì?
– Rất đơn giản! Ta sẽ đưa ngươi đến một nơi mà chỉ mình ta biết. Ngươi sẽ được chu cấp mọi tiện nghi ăn mặc và sinh hoạt cho đến khi chết….
Bạch y nhân hỏi :
– Nghĩa là ngươi muốn ta rời khỏi võ lâm, trốn tránh mọi người suốt đời?
Ngân y thiếu niên gật đầu :
– Không sai! Chính ta có ý đó. Ngươi chấp nhận chứ?
Bạch y nhân trầm ngâm một lúc rồi chợt ngẩng lên hỏi :
– Trên đời làm gì có người được ưu đãi như vậy chứ?
– Ngươi cho như vậy là được ưu đãi?
– Chẳng lẽ không phải như vậy sao? Người sống trên đời phải chịu cực khổ đến bôn ba kiếm sống, bôn ba kiếm miếng cơm manh áo. Thế mà ở đây chỉ ngồi một chỗ vẫn được cung cấp đầy đủ mọi tiện nghi không phải mất công nhọc sức gì, thế sao không gọi là được ưu đãi đó.
– Ngươi nói thế cũng phải. Nhưng chỉ cần ngươi chấp nhận gật đầu là lập tức có được sự ưu đãi đó.
Bạch y nhân cười nhạt :
– Chỉ sợ không hoàn toàn như thế.
Ngân y thiếu niên cười to :
– Quả nhiên ngươi hết sức thông minh. Đương nhiên là phải có điều kiện kèm theo.
– Thì ta nói trên đời không thể có sự ưu đãi dễ dàng như thế mà. Nói thử điều kiện nghe xem.
Ngân y thiếu niên đột nhiên đôi mắt lóe lên rất đáng sợ, nói :
– Điều kiện là ngươi hãy để ta dùng kiếm vạch lên mặt mấy đường, lại điểm vào mấy chỗ huyệt đạo ở tứ chi.
Bạch y nhân thản nhiên như đang thỏa thuận về một chuyện làm ăn gì khác :
– Nói rõ ra là để ngươi hủy hoại khuôn mặt ta, phế bỏ tứ chi ta thành một kẻ phế nhân có bộ mặt dị dạng gớm ghiếc?
Ngân y thiếu niên gật đầu :
– Cái đó cũng dễ hiểu. Ta cung phụng ngươi suốt đời, có người phục dịch chuyện ăn uống và mọi nhu cầu sinh hoạt khác, vậy thì ngươi dùng đến tay chân làm gì? Cho đến chết, ngươi chỉ ở có một nơi không trông thấy mặt người, không gặp bất cứ ai ngoài ta và một vài tên hầu hạ thì cần gì phải giữ dung mạo tuấn tú?
– Ngươi nói vậy không sai. Nhưng nếu nói thế thì không thể gọi là được ưu đãi nữa.
– Phải! Ta đã nói trước là không phải chuyện ưu đãi.
Bạch y nhân lắc đầu :
– Hừ… lại một lần nữa ngươi tỏ ra vị kỷ…
– Đương nhiên! Trong việc buôn bán ai lại muốn mình lỗ vốn? Huống nữa đây không chỉ là chuyện tiền nong… Nhưng theo ta biết thì có nhiều người tuy biết chắc mình lỗ vốn mà vẫn cứ làm.
Bạch y nhân thản nhiên hỏi :
– Trên đời này làm gì có kẻ ngu ngốc như vậy?
Ngân y thiếu niên cười đáp :
– Đó không phải vì họ là những kẻ ngốc. Chẳng qua họ không thể làm theo ý mình.
– Bây giờ thì ta hiểu ý ngươi rồi. Có nghĩa là điều kiện ngươi vừa nêu không do ta làm chủ mà bắt buộc phải làm chứ gì?
– Không sai. Ngươi thật sự là người thông minh.
– Vậy sao ngươi không giết ta lúc này, như thế chẳng đỡ phiền phức hơn không?
– Ta đã nói trước là mình vốn là người khoan dung độ lượng mà.
Bạch y nhân đưa mắt nhìn tử thi tên Hắc y đại hán dẫn đường cho mình vừa bị giết, cười nói :
– Ta không nghi ngờ gì về câu đó!
Ngân y thiếu niên không khó gì nhận ra hàm ý mỉa mai của đối phương, hằn học nói :
– Bây giờ không nhiều lời, ta chỉ hỏi ngươi một câu, có chịu chấp nhận điều kiện của ta không?
Bạch y nhân nghiêm giọng :
– Ta có lý do để không thể rời khỏi võ lâm trong lúc này. Ngoài ra thân thể là do phụ mẫu sinh ra, sao có thể để cho người khác hủy đi?
Ngân y thiếu niên gằn giọng :
– Hừ! Lý do xác đáng làm sao! Tiếc rằng như ta vừa nói, việc đó không do ngươi định đoạt.
– Nhưng cho đến bây giờ thì ta là người định đoạt sự việc chứ không phải sự việc định đoạt bản thân ta.
– Nhưng bắt đầu từ bây giờ lại khác hẳn, bởi vì ta không như những người khác ngươi đã gặp.
Bạch y nhân cười nhạt :
– Theo ta thì ngươi hay người khác cũng như nhau cả.
Ngân y thiếu niên biến sắc hỏi :
– Vậy là ngươi không chấp nhận?
– Không sai!
Ngân y thiếu niên ngửa mặt cười hô hố một tràng mới nói :
– Để xem việc này do ngươi định đoạt hay ta định đoạt.
Dứt lời chỉ điểm thẳng vào đùi đối phương.
Chỉ pháp vô cùng thần tốc, thế nhưng Bạch y nhân ứng phó còn mau lẹ hơn, chỉ lách mình là tránh được ngay.
Ngân y thiếu niên đứng ngẩn ra hỏi :
– Ngươi có thể tránh được Tu La chỉ của ta sao?
Bạch y nhân thản nhiên đáp :
– Sự thật ta đã tránh được.
Ngân y thiếu niên lạnh giọng :
– Vậy thì ngươi thử chiêu thứ hai của ta xem.
Rồi xuất chỉ nhằm đùi trái đối phương điểm sang, kỳ thực đó chỉ là hư chiêu, bốn chỉ còn lại cong như móc câu với tư thế rất kỳ dị sẵn sàng công tới.
Chừng như Bạch y nhân không nhận ra, lách người tránh đơn chỉ ở đùi trái.
Ngân y thiếu niên nhếch môi cười nham hiểm rồi lập tức xuất trảo nhằm huyệt môn địch nhân chộp tới vô cùng thần tốc.
Nhưng Bạch y nhân vẫn giữ vẻ trấn định vĩnh hằng, hầu như không bao giờ luống cuống, nhanh chóng xuất ra một chỉ điểm vào lòng bàn tay phải của Ngân y thiếu niên.
Chợt nghe phựt một tiếng, Ngân y thiếu niên mặt biến sắc, tay phải rũ ngay xuống, mặt tái xanh hốt hoảng lùi lại một bước nói lắp bắp :
– Ngươi có thể phá được Cấu Hồn trảo… của ta… chẳng lẽ ngươi là….
Bạch y nhân cười nhạt :
– Chẳng lẽ Cấu Hồn trảo lợi hại đến thế?
– Phóng mắt vào thiên hạ, tránh được Tu La chỉ và phá được Cấu Hồn trảo của ta chỉ có một hai người…
– Cũng có thể ta chỉ may mắn mà tình cờ tránh được… cũng có thể ngươi đánh giá võ học mình quá cao.
Ngân y thiếu niên lắc đầu :
– Không, ta hiểu rõ, không phải ngươi chỉ do tình cờ…
Rồi chợt ngưng mục nhìn đối phương thảng thốt hỏi :
– Hiện tại ngươi tránh được Tu La chỉ và phá được Cấu Hồn trảo của ta tại sao ngươi không thừa cơ…
Bạch y nhân ngắt lời :
– Rất đơn giản. Ta với ngươi vô cừu vô oán, đối với người không thù hận, ta chỉ xuất thủ tự vệ thôi.
Ngân y thiếu niên ngờ vực hỏi :
– Thật không?
– Ngươi không tin ư?
– Ta không tin trên đời có kẻ như ngươi. Ta đã dồn ngươi vào chỗ chết, trong lúc đó ngươi có khả năng kết liễu ta nhưng ngươi không làm…
– Có thể coi là ngươi gặp những người như vậy lần đầu. Nếu không còn việc gì hơn ta xin cáo từ…
Ngân y thiếu niên vội nói :
– Đừng vội ta muốn hỏi ngươi một câu.
– Ngươi còn chuyện gì nữa?
– Ngươi thật không định hoàn thủ chứ?
– Phải. Cũng như vừa rồi ngươi đã xuất một chỉ một trảo nhưng ta đã không hoàn thủ.
– Nếu ta lại tiếp tục xuất thủ nữa thì sao?
– Ta nhắc lại đối với người vô cừu vô oán ta xuất thủ chỉ với mục đích tự vệ.
Ngân y thiếu niên cười nham hiểm :
– Tốt vậy chúng ta thử xem.
Rồi xuất ngay chưởng đánh sang đối thủ.
Bạch y nhân quắt mắt nói :
– Không ngờ ngươi hiểm độc và xảo quyệt đến thế…
Đồng thời xuất chưởng nghênh địch.
Đột nhiên ở phía Đông Bắc có ánh bạc lóe lên trong đêm tối với màu sáng dịu như ánh trăng.
Bấy giờ vầng trăng vẫn còn lơ lững trên nền trời, nhưng từ góc Đông Bắc vật sáng vừa xuất hiện cũng giống như bầu trời lại thêm một vầng trăng nữa.
Ngân y thiếu niên vừa phát hiện thấy liền đứng phắt lại, thần tình lộ vẻ kinh dị.
Một trong hai tên Hắc y đại hán kêu lên :
– Thiếu chủ, Lãnh…
Ngân y thiếu niên mắng át đi :
– Câm miệng!
Tên hán tử sợ hãi im bặt.
Bạch y nhân ngạc nhiên hỏi :
– Có chuyện gì vậy?
Ngân y thiếu niên hậm hực rít lên :
– Ngươi cũng câm miệng.
Vầng trăng vừa xuất hiện lao tới phía họ rất nhanh.
Đột nhiên Ngân y thiếu niên xuất song chỉ nhằm vào Bạch y nhân điểm tới, nhưng giữa đường đổi hướng nhằm vào hai tên Hắc y đại hán.
Hai tên này hốt hoảng quỳ thụp xuống kêu lên :
– Thiếu chủ tha tội!
Vừa lúc đó hai ngọn đèn lồng lướt nhanh tới phía tiểu đình nhanh như hai vệt sao băng.
Ngân y thiếu niên biến sắc vội vàng thu chiêu định nhún mình lao đi thì nghe có âm thanh êm dịu vang lên :
– Cô nương có lời xin thiếu chủ lưu bước.
Bạch y nhân nhận ra giọng nói của thanh y cô nương có tên là Tiểu Thúy, liền hiểu ra mọi chuyện, trong lòng nảy sinh những tình cảm trái ngược.
Tuy nhiên Bạch y nhân không suy tính nhiều, lập tức có ngay quyết định, nhẹ bước lẻn vào góc tối định bỏ đi.
Không ngờ tiếng nói vừa rồi lại cất lên :
– Cô nương cũng xin vị bằng hữu chưa biết tên nán lại một lúc.
Bạch y nhân đã định nhún mình nhảy lên nhưng nghe thế đôi chân như không phải của mình nữa, không sao điều khiển được nữa đành đứng lại.
Tiếp đó đã nghe giọng nói dịu dàng không sao quên được của người trong kiệu :
– Ngỡ rằng chưa biết bao giờ mới gặp lại nhau, không ngờ đêm nay được gặp lại.
Bạch y nhân hiểu rằng đối phương đang nói với mình đành quay về phía kiệu chắp tay nói :
– Xin chào cô nương.
Giọng thiếu nữ trong kiệu mang đầy vẻ trách móc :
– Chàng đã nói cần rời khỏi đây mà? Sao bây giờ vẫn còn nấn ná đây nữa chứ? Đó là vì chàng dối với thiếp hay không muốn gặp lại nữa?
Thiếu nữ không đếm xỉa gì đến Ngân y thiếu niên vẫn ngượng ngùng đứng khá gần chiếc kiệu khiến hắn không biết xử sự thế nào, sắc mặt khi đỏ lên khi tái đi.
Bạch y nhân vội đáp :
– Cô nương hiểu lầm. Tôi vốn đã muốn đi, nhưng khi định ra khỏi thành thì gặp một chuyện phải nán lại.
Thiếu nữ lại hỏi :
– Thiếp cầu xin chàng lưu lại một đêm nhưng chàng nhất quyết không chịu, vậy mà có việc gì buộc chàng phải ở lại?
Ngân y thiếu niên vội vàng đưa mắt ra hiệu cho Bạch y nhân vừa có vẻ khẩn cầu vừa có vẻ uy hiếp.
Thật ra hắn đã không biết tự lượng sức. Bây giờ còn có thể uy hiếp ai được nữa?
Bạch y nhân làm như không nhận thấy bình tĩnh nói :
– Cô nương, tôi có thể không trả lời câu đó không?
Ngân y thiếu niên thấy nhẹ hẳn người, bên môi thoáng hiện nụ cười khó tả.
Tiếng thiếu nữ trongười kiệu vang ra :
– Có thể. Đối với chàng thì thiếp không thể cưỡng ép trong bất cứ chuyện gì. Trái lại sẵn sàng theo ý chàng.
Ngân y thiếu niên biến sắc mặt.
Bạch y nhân nói :
– Đa ta cô nương. Tôi đang vội đi, nếu cô nương không có việc gì nữa…
Thiếu nữ trong kiệu lập tức ngắt giọng :
– Thế nào? Chàng lại định đi nữa sao?
– Vâng, cô nương, tôi vì bất đắc dĩ…
– Không được! Chỉ duy nhất có việc này thiếp không thuận theo ý chàng. Từ chiều đến giờ đã lâu mà chàng còn chờ được, chẳng lẽ không thể nán thêm chút nữa? Nếu thiếp chưa đến chắc chàng cũng chưa đi đâu, tại sao vừa mới đến…
Bạch y nhân vội nói :
– Cô nương hiểu lầm. Mới rồi tôi đã định đi.
– Thiếp biết. Đó là vì chàng nhận ra giọng của Tiểu Thúy nên đoán thiếp sắp đến. Thiếp vẫn hằng mong được gặp lại chàng. Cho dù có phải tới đâu, trái tim thiếp cũng… sao chàng nỡ nhẫn tâm?
Câu nói vừa rồi khiến bạch y nhân cúi thấp đầu.
Thiếu nữ trong kiệu lại tiếp :
– Thiếp cầu xin chàng nán lại thêm chút nữa. Chàng là người đầu tiên trong đời mà thiếp cầu xin…
Bạch y nhân đành ngẩng lên đáp :
– Cô nương tôi xin tuân lệnh!
Giọng thiếu nữ u ám :
– Sao chàng phải nặng lời thế chứ? Chỉ cần nói rằng chàng không đi là được…
Hình như Ngân y thiếu niên không chịu đựng được nữa vội chen lời :
– Tiểu muội…
Giọng thiếu nữ chợt trở nên lạnh lùng :
– Tôi không dám nhận cách xưng hô đó của Ôn thiếu chủ.
Ngân y thiếu niên cười khổ nói :
– Tiểu muội, sao nàng…
Thiếu nữ phũ phàng ngắt lời :
– Ôn thiếu chủ hiểu rõ tính khí của tôi rồi chứ?
Ngân y thiếu niên ngừng bặt.
Thiếu nữ chợt hỏi :
– Có phải Ôn thiếu chủ cho người tìm vị bằng hữu của tôi đưa đến đây không?
Ngân y thiếu niên bối rối trả lời :
– Ngu huynh chỉ tình cờ gặp vị đó ở đây thôi.
Giọng thiếu nữ mỉa mai :
– Tình cờ! Tôi muốn gặp chàng mà không sao tìm được, vậy mà thiếu chủ bất kỳ nhi ngộ lại bắt gặp chàng ở đây. Xem ra thiếu chủ đối với chàng lại có duyên phận hơn tôi.
Bạch y nhân nghĩ thầm :
– Vị Lãnh Nguyệt cô nương này sao thế chứ? Đã là vị hôn thê của người ta mà ăn nói không giữ gìn gì cả.
Ngân y thiếu niên ngập ngừng :
– Ngu huynh… tôi nói thật mà! Nếu muội không tin thì cứ hỏi vị bằng hữu đây.
Bạch y nhân nghĩ thầm :
– Vị Ôn thiếu chủ này cũng thật đê tiện.
Tuy vậy cũng trả lời :
– Cô nương, vị Ôn thiếu chủ nói không sai.
Thiếu nữ trong kiệu nói :
– Nếu chàng cũng có lời như vậy thì thiếp cứ tạm tin hắn một lần… Ôn thiếu chủ, tôi xin hỏi huynh đang đêm chạy đến nơi hoang vắng này làm gì?
Ngân y thiếu niên chợt quét mắt nhìn xác chết tên thuộc hạ trả lời :
– Một tên Hắc y sứ này có hành vi trái với môn qui làm tổn thương đến uy danh của Ôn gia nên ta mới đến đây truy sát hắn.
Thiếu nữ trong kiệu cười mỉa :
– À… đường đường một vị thiếu chủ mà lại đích thân truy sát một tên Hắc y sứ, vậy Tứ sứ, Bát vệ để làm gì?
Ngân y thiếu niên đảo nhanh đôi tròng mắt nói :
– Sao nàng không tin ta chứ? Vị bằng hữu của nàng thấy ta giết người ở đây nên phát sinh hiểu lầm, bởi thế mà có sự tranh chấp khiến đến bây giờ vị bằng hữu vẫn ở lại…
Rồi quay sang Bạch y nhân hỏi :
– Sự việc đúng như vậy không các hạ?
Tuy hoàn toàn không có thiện cảm gì với tên Ngân y thiếu niên, thậm chí đầy ác cảm, thế nhưng trước tình thế đó bạch y nhân đành trả lời :
– Nếu Ôn thiếu chủ đã không sợ lộ ra thì tôi cũng không giấu nữa. Quả thật lúc tôi định ra khỏi thành thì thấy Ôn thiếu chủ giết người ở đây, cho rằng có kẻ hành hung liền chạy đến, bởi thế…
Thiếu nữ trong kiệu cười nói :
– Đường đường là vị thiếu chủ trừng trị thủ hạ sao lại tưởng là loại hạ nhân hung đồ chứ? Thôi được! Chàng đã nói vậy thì thôi. Ôn thiếu chủ, bây giờ hãy mang mấy tên Hắc y sứ đi đi!
Ngân y thiếu niên được thoát khỏi thế bí, vội nói :
– Được! Được! Chúng ta sẽ đi, còn nàng…
– Tôi thì sao chứ? Tôi không phải là người của Ôn thiếu chủ thì can gì phải lo giúp? Hiện tôi chưa muốn đi, thích cùng vị bằng hữu ở đây thưởng nguyệt chuyện trò một lúc, không chừng còn muốn vị bằng hữu đó lưu lại mấy ngày…
Ngân y thiếu niên mặt biến sắc, định nói gì.
Đột nhiên từ dạ không có mấy đốm sáng như sao băng tiến lại.
Chớp mắt hai bóng đen đã xuất hiện trước tiểu đình. Đó là hai người bận hắc y.
Một người nói :
– Lão chủ nhân có lệnh bảo thiếu chủ và cô nương quay lại Long Đình.
Bạch y nhân vừa nhận ra hai người vừa mới đến rồi chợt sửng sốt, bối rối cúi thấp đầu.
Bởi vì hai người này. Một lão nhân cao lớn và một tên thấp lùn trong Hàn Tinh tứ sứ mà khi giải thoát cho cha con Thiết Phiến Xảo Giác Trương Viễn Đình Bạch y nhân đã từng đụng độ ở bờ đê lúc trưa.
Hai tên Hắc y nhân nói xong đến trước Ngân y thiếu niên cúi đầu tham kiến rồi bước tới trước kiệu cung kính thi lễ.
Ngân y thiếu niên cao giọng hỏi :
– Lão chủ nhân nói thế nào?
Hắc y nhân cung giọng nói :
– Bẩm thiếu chủ, lão chủ nhân lệnh cho thuộc hạ mời thiếu chủ và cô nương lập tức quay lại Long Đình để gặp một vị quý khách.
– Quý khách nào vậy?
– Bẩm đó là vị thiếu chủ của Liễu gia.
Ngân y thiếu niên à một tiếng :
– Thì ra là Liễu Ngọc Lân. Hắn đến đây làm gì?
– Cái đó thuộc hạ không rõ.
Ngân y thiếu niên quay sang phía kiệu nói :
– Tiểu muội nghe rồi chứ?
Từ trong kiệu giọng thiếu nữ lạnh lùng vang ra :
– Tôi nghe rồi. Liễu Ngọc Lân là khách của các người chứ đâu phải khách của tôi? Thiếu chủ cứ đến gặp hắn, còn tôi không thích.
– Nhưng muội đã nghe rồi, nếu ngu ca không cùng với muội về Long Đình thì cha sẽ…
Thiếu nữ ngắt lời :
– Tôi biết ý bá phụ, nhưng tôi không muốn trở lại Long Đình. Thiếu chủ cứ trở về nói giúp tôi một tiếng là được.
Ngân y thiếu niên hốt hoảng nói :
– Làm thế sao được? Muội cũng biết tính cha…
– Nhưng tôi biết thì sao? Tôi chẳng phải người của Ôn gia, không muốn biết đến cũng không được sao?
– Tiểu muội sao nói thế?
– Tôi cũng có tính khí của mình, không muốn phục tùng ý chí của người khác.
Ngân y thiếu niên ngẩn ra chưa kịp nói gì thì thiếu nữ trong kiệu đã nói tiếp bằng giọng kiên quyết :
– Cho dù thế nào tôi cũng không trở lại Long Đình nữa, nếu thiếu chủ một mực bức ép, tôi thề chẳng bao giờ còn đặt chân đến Ôn gia nữa.
Ngân y thiếu niên liền xuống giọng :
– Thôi mà tiểu muội! Đừng giận nữa. Nếu tiểu muội đã muốn thế thì ngu huynh sẽ về một mình vậy, được không?
Rồi quay sang phóng ánh mắt sắc lạnh nhìn Bạch y nhân, sau đó khoát tay ra hiệu cho thuộc hạ :
– Đi!
Ánh mắt độc địa của Ngân y thiếu niên gây ra chuyện rắc rối ngay.
Theo ánh mắt đó cả hai người trong Hàn Tinh tứ sứ soi mói nhìn sang, chợt lão cao lớn nhíu mày rồi đến bên Ngân y thiếu niên nói nhỏ mấy câu.
Ngân y thiếu niên à một tiếng nhìn Bạch y nhân cao giọng hỏi :
– Các ngươi không nhìn nhầm chứ?
Lão nhân cao lớn nói :
– Vẻ ngoài và dáng người rất giống chỉ chưa nhìn rõ mặt.
Ngân y thiếu niên nói với Bạch y nhân :
– Các hạ ở đây nói chuyện với tiểu muội ta đi trước…
Bạch y nhân vẫn không ngẩng lên :
– Ôn thiếu chủ cứ tùy tiện.
Ngân y thiếu niên trầm giọng :
– Sao ngươi không ngẩng mặt lên? Hay sợ người ta nhận diện?
Bạch y nhân đành thẳng mặt lên nói :
– Ôn thiếu chủ sai rồi! Chẳng qua tôi không muốn phát sinh những chuyện phiền hà không đáng.
Lão nhân cao lớn vội nói :
– Thiếu chủ, chính là hắn, quyết không sai.
Tên hán tử thấp lùn cậy thế có thiếu chủ bên cạnh liền thét to một tiếng chực xông vào.
Ngân y thiếu niên vội ngăn lại quát :
– Ngươi đã nếm khổ đầu của hắn còn chưa đủ sao? Gặp cao nhân há có thể to gan vô lễ như thế?
Thiếu nữ trong kiệu chợt hỏi :
– Có chuyện gì thế?
Ngân y thiếu niên lộ vẻ đắc ý hỏi :
– Tiểu muội có biết vị bằng hữu của mình là người thế nào không?
– Câu đó có ý gì?
Ngân y thiếu niên cười nhạt :
– Có gì ư? Tiểu muội chỉ e hoa mắt rồi! Hắn chính là kẻ đã dám đánh Hàn Tinh tứ sứ.
Thiếu nữ trong kiệu chợt thốt lên :
– Thật ư?
– Thật hay không tiểu muội cứ việc hỏi hắn.
Thiếu nữ hỏi :
– Có phải chàng chính là vị đã đánh đuổi cả Hàn Tinh tứ sứ ở đập nước hồi trưa không?
Bạch y nhân không thể phủ nhận, đành gật đầu :
– Đúng thế cô nương, chính là tôi.
– Vậy thì tôi đã hoa mắt thật! Không ngờ chàng chính là vị có võ công cao tuyệt, một mình đánh đuổi cả bốn tên trong Hàn Tinh tứ sứ.
Ngân y thiếu niên cười hiểm độc :
– Xem ra tiểu muội còn chưa hiểu vị bằng hữu của mình được bao nhiêu…
– Cái đó không có gì lạ, bởi vì chúng ta mới quen nhau chưa lâu mà.
– Cho dù có lâu hơn, ta cho rằng tiểu muội chưa chắc đã biết rõ.
Giọng thiếu nữ lạnh tanh :
– Ôn thiếu chủ! Đó là việc của tôi. Có thể cho thiếu chủ biết là ngay cả tính danh của vị bằng hữu này tôi còn chưa biết. Nhưng đó không phải là điều đáng bận tâm.
Ngân y thiếu niên không dấu sự bất bình :
– Tiểu muội thay đổi từ khi nào thế?
– Thay đổi thế nào chứ?
Ngân y thiếu niên cười gượng :
– Không có gì! không có gì! Nhưng dù sao tiểu muội bây giờ cũng biết hắn là ai?
Thiếu nữ phản vấn :
– Biết thì sao? Và không biết thì sao chứ?
– Tiểu muội, hắn đã hạ nhục Hàn Tinh tứ sứ. Phóng mắt vào thiên hạ không ai dám…
Thiếu nữ cười đáp :
– Tôi biết! Vậy thì bây giờ có chàng ở đây, thiếu chủ cứ việc hỏi tội. Không những vì chuyện chàng đã hạ nhục Hàn Tinh tứ sứ mà có khi còn hơn thế nữa.
Ngân y thiếu niên hiểu ra ẩn ý của thiếu nữ, mặt tái đi, một lúc mới đanh giọng hỏi :
– Vậy tiểu muội còn coi hắn là bằng hữu của mình?
Thiếu nữ trong kiệu thản nhiên đáp :
– Tôi vĩnh viễn coi chàng là bằng hữu.
– Nếu vậy tiểu muội cứ nói chuyện với hắn. Ta đi đây!
Dứt lời phóng mình lao khỏi Tiểu Đình. Hai tên đại hán trong Hàn Tinh tứ sứ và hai Hắc y đại hán còn lại ngẩn ra một lúc, rồi cũng vội vã đuổi theo chủ nhân.
Thiếu nữ trong kiệu hừ một tiếng nói với theo :
– Không biết Ôn thiếu chủ học được lòng bao dung như thế từ lúc nào?
Rồi bỗng dịu giọng :
– Chàng đến gần đây một chút được không?
Bạch y nhân ngập ngừng một lúc rồi đến gần chiếc kiệu.
Thiếu nữ nói :
– Không ngờ có mấy khắc mà chàng tỏ ra lạnh lùng như vậy…
– Cô nương, tôi rất áy náy vì không biết cô nương có mối quan hệ thâm tình với Hàn Tinh…
– Chàng sao nỡ làm thiếp buồn lòng như vậy? Hàn Tinh là Hàn Tinh, còn thiếp là thiếp. Việc chàng đánh Hàn Tinh tứ sứ không liên quan gì…
– Nhưng dẫu sao Hàn Tinh với gia đình cô nương có mối quan hệ sâu sắc từ lâu. Hơn nữa cô nương lại là… bằng hữu của Ôn thiếu chủ.
Thiếu nữ trong kiệu nói :
– Quả thật nhà thiếp và Ôn gia có mối thâm giao. Nhưng đối với thiếp lại không gần gũi bằng chàng, chàng hiểu lòng thiếp chứ?
Bạch y nhân thấy tim mình đập rộn lên, nhỏ giọng :
– Đa tạ cô nương!
Thiếu nữ lộ vẻ không hài lòng :
– Sao chàng khách khí vậy chứ?
Bạch y nhân bối rối không biết trả lời sao.
Thiếu nữ cười hỏi :
– Chắc bây giờ chàng biết hắn là ai rồi chứ?
– Tôi biết đó là vị thiếu chủ của Hàn Tinh.
– Đúng thế hắn là Ôn Thiếu Khanh, từ nhỏ đã được nuông chiều nên trở thành kẻ tự cao tự đại, cuồng ngạo thành tính, cậy vào thế lực của gia đình không coi ai ra gì.
– Chẳng trách nào… Ai dạy dỗ được vị thiếu chủ của Hàn Tinh được chứ?
– Nhưng thiếp không chịu được tính cuồng ngạo của hắn, mặc dù đối với thiếp, hắn bao giờ cũng hết sức nhún nhường, thậm chí không dám cao giọng, không có vẻ gì của kẻ trượng phu ngang tàng bảy thước.
Bạch y nhân hỏi :
– Vị đó đối với cô nương trăm nghe trăm thuận như thế là tốt chứ sao?
– Chàng cho rằng như vậy là tốt ư?
– Theo tôi thì mọi cô nương đều thích…
Thiếu nữ trong kiệu ngắt lời :
– Không ngờ chàng lại có cách nhìn như vậy. Cho dù không ít cô nương thích một nam nhân răm rắp nghe lời mình. Nhưng trái lại, thiếp rất có ác cảm với loại người đối với người khác thì hung tàn bạo ngược nhưng trái lại đối với vài nữ nhân thì nhún nhường. Thiếp mến mộ những tính cách, có khí khái của bậc đại trượng phu…
– Có lẽ mỗi người có quan niệm khác nhau…
– Đúng thế! Nhưng thiếp lại kiên trì bảo vệ quan niệm của mình.
Bạch y nhân nín lặng.
Lát sau thiếu nữ trong kiệu chợt hỏi :
– Chàng thấy võ công của Ôn thiếu chủ thế nào?
Bạch y nhân đáp :
– Hàn Tinh uy chấn thiên hạ, Ôn thiếu chủ có võ học gia truyền uyên thâm tất nhiên cao hơn người một bậc.
– Hừ! Cao hơn người một bậc… chàng thực lòng đấy chứ?
Bạch y nhân bối rối hỏi :
– Ý cô nương…
– Thiếp hỏi chàng, hai người đã động thủ với nhau chưa?
Bạch y nhân vội lắc đầu :
– Chưa mà! Tôi không thể tùy tiện động thủ với người khác.
Thiếu nữ trong kiệu u oán hỏi :
– Vậy là chàng dối thiếp rồi! Chàng nỡ nhẫn tâm lừa dối thiếp hay sao?
– Cô nương! Tôi nói thật mà…
– Còn nói thật nữa! Thiếp biết rằng hai người không những từng động thủ mà hắn đã phải nếm khổ đau, đúng vậy không?
Bạch y nhân vẫn một mực phủ nhận :
– Cô nương đoán sai rồi!
– Không đâu! Không ai hiểu tính nết Ôn Thiếu Khanh bằng thiếp, kể cả song thân hắn! Nếu hai người còn chưa động thủ và hắn còn chưa nếm qua khổ đau thì sau khi biết chàng đả thương Hàn Tinh tứ sứ, đời nào hắn chịu bỏ qua? Tuyệt đối không đâu! Ôn Thiếu Khanh không phải loại người có được lòng vị tha như thế…
Bạch y nhân thấy trong lòng chấn động vì lập luận của đối phương nhưng vẫn cứ biện bạch :
– Cô nương đã nghe rồi đó, vì hắn tuân phục cô nương…
– Tuy nói thế nhưng trong trường hợp này lại nghiêm trọng hơn. Không phải vì hắn tuân phục thiếp mà vì biết rõ mình không phải là đối thủ của chàng. Bởi thế mà lờ đi, lợi dụng đó mà lưu lại chút tình. Chàng có cho là thế không?
– Cô nương thật sự… tôi không…
– Đến bây giờ chàng vẫn một mực hối cãi! Chàng sợ gì chứ? Sợ thiếp trách chàng hay sợ thiếp hiểu chàng hơn một chút? Điều thứ nhất không bao giờ xảy ra, còn việc thứ hai thì chàng không nên thế! Thiếp coi chàng là người… tri kỷ, chỉ nguyện thực tâm, chàng nỡ lòng nào đối với thiếp như thế?
Bạch y nhân lặng thinh.
Thiếu nữ không chịu bỏ qua gặng nói :
– Thế nào? Thiếp không đoán sai chứ?
Bạch y nhân thở dài :
– Cô nương sao phải khổ thế chứ? Tại sao nhất định phải…
Thiếu nữ trong kiệu ngắt lời :
– Đừng hỏi thiếp câu đó! Xin chàng trả lời xem thiếp nói như vậy có đúng hay không?
Bạch y nhân lặng lẽ gật đầu.
Giọng thiếu nữ có phần trách móc :
– Chàng thật là… Sao không thừa nhận trước đi, chờ người ta phải khổ tâm mới chịu…
– Vì tôi không muốn để ai biết Ôn thiếu chủ từng chịu thiệt thòi bởi người khác…
– Vì sao?
– Cô nương cũng biết việc này rất quan trọng, ảnh hưởng đến uy danh của Hàn Tinh và Ôn gia…
Thiếu nữ trong kiệu thở dài :
– Thiếp đã nhìn người không nhầm! Chàng quả là người có tấm lòng nhân hậu và độ lượng, khí khái hơn người, xứng đáng là bậc đại trượng phu đỉnh thiên lập địa hơn ai hết! Ôn Thiếu Khanh không thể sánh được với chàng một chút nhỏ.
– Đa tạ cô nương quá khen…
– Chàng sao lại cứ mãi dùng chữ “đa tạ” để nói với thiếp như vậy? Lần sau nếu như thế thì thiếp sẽ không thèm nghe đâu…
Bạch y nhân cười bẽn lẽn.
Thiếu nữ hỏi tiếp :
– Chàng hãy kể đi, hai người vì sao mà động thủ?
– Thực ra ta cũng không có gì lắm, tôi chỉ bức bách nên buộc phải xuất thủ tự vệ.
– Theo thiếp được biết Ôn Thiếu Khanh một khi đã xuất thủ đều ra chiêu sát thủ tàn độc, chỉ sử dụng tuyệt học của Hàn Tinh, làm sao chàng có thể chống cự lại tuyệt học đó?
– Cô nương, có lẽ chỉ do gặp may thôi…
– Chàng lại thế rồi! Nên biết khiêm tốn là đức tính tốt nhưng nếu quá khiêm tốn lại trở thành tự ti. Một người không nên kiêu ngạo nhưng cũng không được tự ti…
– Nếu vậy thì nên coi rằng võ học của Hàn Tinh còn chưa thể làm gì được tôi.
– Không những thế hắn còn chịu thiệt thòi trước chàng, đúng vậy không?
Bạch y nhân gật đầu.
Thiếu nữ hỏi tiếp :
– Hai người đã đánh nhau mấy chiêu?
– Nói cho đúng thì hắn xuất thủ hai chiêu.
– Hai chiêu thế nào?
– Nghe vị thiếu chủ đó nói rằng một chiêu là Tu La chỉ, chiêu kia là Cấu Hồn trảo.
Thiếu nữ trong kiệu kêu lên thất thanh :
– Tu La chỉ và Cấu Hồn trảo ư? Hai loại tuyệt học của Hàn Tinh uy trấn thiên hạ, đương thế vô địch… sao chàng có thể phá giải nổi?
– Chẳng lẽ hai chiêu đó lợi hại đến thế?
Thiếu nữ trong kiệu giải thích :
– Theo thiếp được biết thì trong võ lâm, gần trăm năm nay chỉ có hai vị kỳ nhân mới có thể phá giải được tuyệt học của Hàn Tinh, vậy mà chàng cũng…
Cô ta chợt dừng lại giữa câu hỏi :
– Chẳng lẽ chàng có quan hệ gì với hai vị đó?
– Cô nương nói rõ xem đó là hai vị kỳ nhân nào?
– Một vị danh hiệu là Khô Tâm hòa thượng ở Đại Lôi Âm tự trong núi Tiểu Hàn, còn vị thứ hai là Thiên Ngoại Thần Ma Độc Cô Trường ẩn mình ở Trường Thanh cốc thuộc Ai Lao sơn.
Bạch y nhân nghe nói thì chấn động cả người, nhưng lát sau lắc đầu cười nói :
– Cô nương, tôi chưa từng nghe nói qua vị nào trong hai vị đó cả.
– Hai vị kỳ nhân này, một vị năm mươi năm trước đã tung hoành khắp cõi Trung Nguyên, uy trùm thiên hạ. Còn vị kia mới được giang hồ biết đến trong năm mươi năm sau này. Vị thứ nhất là Thiên Ngọai Thần Ma, còn vị thứ hai Khô Tâm hòa thượng. Người ta cho rằng Khô Tâm hòa thượng vẫn còn tại thế, còn Thiên Ngọai Thần Ma đã mấy chục năm nay không nghe tin tức gì, chỉ sợ rằng đã tạ thế từ lâu.
Bạch y nhân nói :
– Vậy thì đúng rồi, làm sao tôi có thể có quan hệ với hai vị kỳ nhân đó?
Thiếu nữ vẫn gặng hỏi :
– Thật chàng không có chút quan hệ với họ sao?
– Tôi vừa nói, ngay cả danh hiệu của họ còn chưa nghe nói đến mà, làm sao có quan hệ nào với họ được?
– Nếu vậy sao chàng có thể phá được tuyệt học của Hàn Tinh…
– Thì tôi nói do gặp may mà…
Thiếu nữ nghiêm giọng :
– Không thể có khả năng đó! Chàng có võ công cao tuyệt nên cũng biết rằng trong võ học không thể nói tới may mắn mà chỉ do bản lĩnh. Chàng có thể cho thiếp biết lệnh sư là ai không?
Bạch y nhân đáp :
– Chỉ sợ nói ra cô nương cũng không tin. Tôi chỉ tự mình mò mẫm không có sư phụ.
Thiếu nữ trong kiệu ngạc nhiên hỏi :
– Không có sư phụ ư? Mò mẫm thế nào?
– Tôi đã nói qua với cô nương, tôi vốn xuất thân từ một gia đình bần hàn chuyên nghề nông dân nên từ nhỏ đã thạo việc cày cuốc. Có lần cuốc đất tôi nhặt được một chiếc hộp nhỏ chìm sâu dưới bùn, mở ra mới thấy bên trong là một pho sách các loại, ngoài bìa đề chữ Quy Nguyên chân kinh…
Thiếu nữ chen lời :
– Chắc đó là một pho bí kiếp võ học.
Bạch y nhân kể tiếp :
– Lúc đầu tôi chưa biết đó là pho bí kiếp võ học, cũng không hiểu nó là thứ gì chỉ thấy ngoài những dòng chữ khó hiểu còn vẽ rất nhiều hình người đủ mọi tư thế. Thấy hay hay tôi lén tập những động tác như trong bổn thư đã vẽ sao cho mọi người đừng biết, lâu dần thành quen và hiểu ra đó là một pho bí kíp võ học. Vì thế mới nói rằng mình vô sư mà chỉ tự học.
– Thì ra là thế… Nếu vậy thì đúng là vô sư tự học rồi. Phải coi đó là phúc phần rất lớn. Cũng là cơ duyên của chàng… Bây giờ chàng vẫn còn giữ pho bí kíp đó không?
Bạch y nhân đáp :
– Ba năm trước tôi đã đốt nó đi rồi.
Thiếu nữ trong kiệu kinh hãi kêu lên :
– Pho bí kíp quý giá như thế sao chàng lại đốt đi?
– Cô nương tôi phải làm như thế, vì đó là tuân theo chỉ thị ở trang cuối cùng trong pho bí kíp đó.
Thiếu nữ à một tiếng hỏi :
– Chỉ thị thế nào?
– Ở trang cuối có viết mười sáu chữ là “Quy Nguyên chân kinh tặng người có duyên, học xong rồi đốt chớ để lưu truyền”
– Có lẽ người viết ra bí kíp đó sợ nó rơi lạc vào tay ma đạo hoặc sợ tin tức lan truyền ra sẽ dẫn đến một cuộc tranh đoạt rất dễ phát sinh họa kiếp…Thiếp thấy pho bí kíp đó là của vị Thiên Ngoại Thần Ma Độc Cô Trường Minh hoặc Khô Tâm hòa thượng Đại Lôi Âm tự soạn ra.
Bạch y nhân hỏi :
– Sao có thể thế được?
Thiếu nữ đáp :
– Bởi vì võ học ký tải trong đó có thể khắc chế được võ học của Hàn Tinh.
– Cô nương sai rồi. Cuối pho sách ghi danh hiệu của người thủ bút là Bao Ngọc thư sinh.
Thiếu nữ ngạc nhiên hỏi :
– Bao Ngọc thư sinh? Đó là vị nào mà thiếp chưa từng nghe ai nói đến.
– Có thể là vị kỳ nhân từ mấy trăm năm trước…
Thiếu nữ trong kiệu vẫn tỏ ra nghi hoặc :
– Cũng có thể, những vị tiền bối mấy trăm năm trước thiếp biết không nhiều. Nhưng dù sao đây nhất định phải là bậc dị nhân, thế nhưng chưa nghe ai nhắc đến kể cũng lạ.
Bạch y nhân nói :
– Cô nương, có thể vị đó không phải là người hiếu danh, xưa nay từng có nhiều nhân vật chỉ thích túc ẩn chốn sơn lâm không muốn ai biết.
– Có thể, dù sao… đối việc này không chỉ thiếp mà bất cứ ai cũng đều không tin chàng có thể tự luyện thành võ học mà không có sư phụ chỉ dạy. Tuy tự học cũng có thể đạt được một số thành tựu nhưng rất khó chiếm lĩnh được võ học cao tuyệt.
Bạch y nhân thấy trong lòng chấn động nhưng chưa kịp nói thì thiếu nữ đã tiếp :
– Tuy vậy cũng có ngoại lệ. Đó là trường hợp thiên bẩm võ học độc nhất vô nhị. Xem chàng có thiên tư, lại thông minh chính khí, việc tự thành tuyệt học cũng có khả năng..
Bạch y nhân lặng thinh không nói.
Lúc sau thiếu nữ chợt hỏi sang chuyện khác :
– Thôi không bàn đến chuyện này nữa. Xin chàng hãy nói có đúng là lúc chàng sắp ra khỏi thành có thấy Ôn Phi Khanh giết người mà chạy tới đây hay không?
Bạch y nhân khẽ gật đầu :
– Đúng thế cô nương.
– Chỉ sợ rằng chàng không lưu ý rằng ở đây cách thành môn khá xa, lại rất vắng vẻ. Không ai từ cửa thành có thể thấy sự việc diễn ra ở đây.
Bạch y nhân ngẩn ra một lúc mới nói :
– Cô nương… lúc bấy giờ tôi nghe có tiếng kêu…
Thiếu nữ truy vấn :
– Vậy sao chàng không nói từ trước mà nói rằng thấy Ôn Phi Khanh đang giết
người mới chạy tới?
Bạch y nhân biện bạch :
– Bấy giờ tôi nói thế cho qua chuyện mà không giải thích rõ…
Thiếu nữ bỗng thở dài :
– Chàng nói thế là vì chiều theo ý người khác, nhưng đâu biết hắn có suy nghĩ chút nào đến ân tình đó… Sao chàng không chịu thừa nhận Ôn Thiếu Khanh không muốn cho chàng ra khỏi thành, sai thuộc hạ dẫn chàng đến đây?
Bạch y nhân đỏ mặt đáp :
– Cô nương, việc này…
Giọng thiếu nữ trở nên phẫn uất :
– Chàng có nhớ lúc ở Đại Tướng Quốc tự tôi đã nói rằng bất kỳ ai gây phiền phức với chàng là đối địch với Lãnh Nguyệt không? Thế mà Ôn Thiếu Khanh bất chấp lời cảnh báo đó.
Bạch y nhân yếu ớt nói :
– Cô nương nghĩ oan cho vị đó…
– Thật vậy ư? Đến giờ mà chàng còn bênh vực cho hắn ư? Chàng thật là người hiếm có! Nếu chàng không có võ học cao cường thì nhất định bị hạ sát bởi Tu La chỉ hoặc Cấu Hồn trảo rồi! Thế mà chàng vẫn nhất mực bao biện cho hắn, thiếp thật không hiểu…
– Thế nhưng cô nương thấy đấy, tôi không bị chút thương tích nào…
Thiếu nữ không nén được sự tức giận nói :
– Nếu chàng không được bình yên thì làm sao thiếp chịu để hắn rời khỏi đây? Mới đến Long Đình xong thì hắn liền biến đâu mất. Lúc đó thiếp không để ý lắm. Mãi sau đó thiếp mới tỉnh ngộ rằng hắn lén lút truy theo chàng nên vừa lo vừa tức vội vàng quay về tìm khắp thành Khai Phong cho đến tận đây. Dọc đường thiếp đã quyết định rằng nếu hắn khiến chàng bị thương, dù rất nhẹ cũng bắt Ôn gia phải trả giá gấp trăm lần.
Bạch y nhân xúc động nói :
– Ân tình của cô nương, tôi vô cùng cảm kích.
Thiếu nữ tỏ ý không hài lòng :
– Chàng sao thế chứ? Hết “đa tạ” lại cảm kích… chẳng lẽ chàng không có câu gì khác hơn sao?
– Cô nương, tôi xin nói câu thật tình. Nếu lỡ tôi làm Ôn thiếu gia bị thương, nhất định tôi cảm thấy bất an…
– Cho dù thế lại càng hay, có gì mà chàng lại bất an chứ?
Bạch y nhân ngạc nhiên hỏi :
– Cô nương chẳng lẽ…
Thiếu nữ hiểu ngay bên trong tất có ẩn tình liền hỏi :
– Thế nào, Ôn Thiếu Khanh đã nói những gì với chàng?
Bạch y nhân bối rối trả lời :
– Không… không có gì.
– Rõ ràng chàng không biết nói dối! Thiếp biết rằng nhất định hắn đã nói gì với chàng.
Bạch y nhân lắp bắp :
– Cô nương…
Thiếu nữ nói giọng kiên quyết :
– Chàng hãy nói cho thiếp biết hắn đã nói gì với chàng?
Bạch y nhân ngập ngừng một lúc mới nói :
– Y nói rằng cô nương là vị hôn thê của y…
– Thật ư?
– Đúng thế, cô nương!
– Hắn còn nói gì nữa?
– Y còn muốn tôi không bao giờ được gặp cô nương nữa.
– Hừ chẳng trách nào chàng lạnh nhạt với thiếp như thế, như người xa lạ… Sao Ôn Thiếu Khanh dám nói như vậy? Chẳng lẽ chàng tin hắn?
Bạch y nhân ngạc nhiên hỏi :
– Cô nương chẳng lẽ không đúng như vậy sao?
– Không đúng!
Bỗng thiếu nữ nghiến răng nói :
– Chàng có thể lên kiệu không?
Bạch y nhân sửng sốt hỏi :
– Cô nương có ý gì?
– Thiếp muốn cùng chàng đến Long Đình hỏi trước mặt xem hắn dám công nhận mình đã nói ra câu đó không?
Bạch y nhân hồ nghi hỏi :
– Chẳng lẽ cô nương không phải là vị hôn thê của hắn?
Thiếu nữ đáp :
– Thiếp không muốn nói gì vào lúc này vì nói ra chưa chắc chàng đã tin, tốt nhất hãy cùng thiếp đến hỏi hắn…
Bạch y nhân im lặng hồi lâu mới nói :
– Chắc rằng Ôn Thiếu Khanh vì khổ tâm…
Thiếu nữ ngắt lời :
– Khổ tâm gì chứ? Hắn chỉ là kẻ ti tiện, muốn bôi nhọ thanh danh của thiếp.
Bạch y nhân nhỏ giọng :
– Cô nương… Chẳng qua vì hắn quá nặng lòng với cô nương…
Thiếu nữ quát lên :
– Ngay cả trong việc này chàng cũng bênh hắn?
– Nhưng cô nương cũng biết yêu không phải là tội lỗi…
Thiếu nữ tức tối đổi giọng :
– Tôi biết! Nhưng dù sao cũng không nên dùng thủ đoạn ti tiện đó! Tôi cần phải hỏi rõ. Tiểu Thuý!
Thanh y thiếu nữ có tên Tiểu Thúy lập tức đứng nghiêm đáp :
– Có tỳ nữ!
– Ngươi đến Long Đình bảo Ôn Thiếu Khanh đến đây gặp ta!
Tiểu Thúy dạ một tiếng định đi nhưng Bạch y nhân vội vàng ngăn lại nói :
– Tiểu Thúy cô nương xin chờ một lát.
Tiểu Thúy đành dừng bước mở to mắt nhìn chàng chờ đợi.
Bạch y nhân ngưng mục nhìn vào kiệu nói :
– Cô nương có thể cho tôi nói một câu không?
Chàng cứ nói :
– Cô nương đã không phải là hôn thê của Ôn Thiếu Khanh thì cần gì…
Thiếu nữ tỏ ra gay gắt :
– Đơn giản thế thôi sao? Việc đâu dễ dàng thế được? Lần này thiếp nhất định cho hắn một bài học để bớt thói đê tiện ngông nghênh đi.
Bạch y nhân ôn tồn nói :
– Cô nương không phải là nữ nhân thế tục thế thì cần gì phải hẹp hòi mà không tỏ ra khoan dung…
Thiếu nữ ngắt lời :
– Sao chàng không nói thẳng ra là thiếp nhỏ nhen hẹp hòi thiếu lượng bao dung?
– Cái đó thì tôi đâu dám? Cô nương là bậc giai nhân tuyệt đại, là người xuất thân từ thế gia….
– Chàng tâng bốc hay nói mỉa thiếp vậy?
Bạch y nhân khẳng định :
– Trong đáy lòng, tôi cho rằng cô nương là bậc kỳ nữ đương thế duy nhất…
Giọng thiếu nữ trở lại dịu dàng :
– Cái đó thì thiếp không dám đương. Thiếp chỉ là một nữ nhân bình thường không khác gì mọi người. Thiếp không mảy may quan tâm đến việc người ta đánh giá mình thế nào, nhưng không thể để chàng coi thiếp là người nhỏ nhen hẹp hòi. Thiếp xin nghe lời chàng… Tiểu Thúy không cần phải đi nữa!
Tiểu Thúy vội trả lời :
– Xin tuân lệnh, cô nương.
Thiếu nữ lại buông giọng dịu dàng :
– Tối nay nếu không có lời chàng thì thiếp quyết không bỏ qua cho hắn đâu! Thực ra thiếp cũng muốn tỏ rõ cho chàng thấy rằng ngoài sự giao hảo thâm tình từ lâu, thiếp chẳng có với Ôn gia quan hệ nào khác.
Bạch y nhân gật đầu :
– Tôi tin cô nương.
– Chỉ cần chàng tin là đủ! Thực tình đừng nói thiếp không phải là hôn thê của Ôn Thiếu Khanh mà ngay cả có đúng thế thì cũng theo lời phụ mẫu. Hơn nữa tôi chưa từng quá môn của Ôn gia thì đâu có ràng buộc gì ai? Thiếp muốn yêu ai là tùy mình, hắn không có quyền gì can thiệp.
Bạch y nhân không biết nói gì cho phải.
Thiếu nữ lại nói :
– Chàng đã biết nhà thiếp và Ôn gia đã có mối giao hảo từ lâu. Ôn Thiếu Khanh là độc nam, còn thiếp là độc nữ. Trưởng bối hai nhà vốn có ý định kết làm thông gia, cho rằng thiếp và Ôn Thiếu Khanh là một đôi trời định. Nếu thân sự được như định thì hai nhà trở thành một. Đối nội, mối quan hệ xưa nay càng trở nên mật thiết. Đối ngoại hai nhà càng tăng uy thế nắm chắc võ lâm trong tay mình, đó là điều hết sức thích hợp không gì bằng.
Bạch y nhân tiếp lời :
– Đúng thế cô nương, đúng là điều hết sức thích hợp không gì bằng….
– Thế nào, chàng cũng nghĩ thế sao?
Bạch y nhân hiểu mình đã lỡ lời luống cuống nói :
– Cô nương, đó là cảm nghĩ trực giác, phần lớn đều có nhận xét như thế, chẳng lẽ cô nương…
– Thiếp không nghĩ gì cả, chỉ là không thích và hoàn toàn không muốn thế.
– Cho dù cô nương không muốn nhưng không thể nói rằng không hợp.
Thiếu nữ u uẩn nói :
– Thiếp không tranh biện với chàng nữa, ngoài việc làm người ta đau khổ và thương tâm, hầu như chàng không biết làm gì khác…
Thấy đối phương không nói gì, thiếu nữ nhẹ giọng tiếp :
– Công bằng mà nói, Ôn gia nhị lão rất quan tâm đến thiếp còn hơn cả nhi tử của mình, trong thâm tâm đã coi thành con dâu của Ôn gia rồi, thường sai người đến đón về chơi và giữ lại rất lâu, muốn ở lại bao lâu tùy ý, nhưng thiếp chưa bao giờ nhận lời ở lại.
Bạch y nhân chợt bật ra :
– Cô nương làm thế khiến Ôn gia nhị lão phải khổ tâm.
Thiếu nữ thở dài nói :
– Chàng chỉ biết kết tội thiếp làm người khác khổ tâm, nhưng lại không biết ai làm thiếp phải khổ tâm đây?
Bạch y nhân đành nín lặng.
Thiếu nữ trong kiệu lại thở dài :
– Việc đến nước này… có lẽ đành thế thôi.
Rồi chợt hỏi :
– Chắc bây giờ chàng đã biết thiếp là ai rồi chứ?