Người khác không nghe rõ, nhưng vị đại hiệp trong đại hiệp này… hoặc chúng ta có thể gọi là “cự hiệp”… lại dường như nghe được rõ ràng.
– Đừng bất phục!
Y ôn hòa nói:
– Mỗi người đều có quyền lựa chọn cuộc sống của mình, đúng không?
Mặt Ôn Nhâm Bình nóng lên, vội biện bạch:
– Không phải ta không phục, chỉ là ta cảm thấy bất bình cho ngài.
Cự hiệp lại không hiểu:
– Hả?
Mặt Ôn Nhâm Bình đỏ lên, giống như chim ưng nhìn chăm chú vào cự hiệp, nói:
– Ngài vốn là thiên hạ vô địch, nửa đời trước huy hoàng ly kỳ, nhiều màu nhiều sắc, hiện nay cần gì phải tự khốn tự khổ, tự đày đọa mình như vậy.
Cự hiệp họ Phương mỉm cười nói:
– Khổ à? Ta không khổ, sống như vậy mới thoải mái. Đánh đánh giết giết, thành tựu dựng lên từ thi thể người khác, có tặng ta cũng không cần. Danh dự kiếm được từ gió tanh mưa máu, ta đã sớm chán ngán rồi. Lúc nhàn rỗi nhìn mây bay, không muốn tranh với đời; trong bận rộn tranh thủ lúc rảnh rang, tự tìm vui vẻ… như vậy không phải rất thoải mái sao?
Ôn Nhâm Bình nghe được những lời an nhàn đạm bạc này, lại bị sự thoải mái tự tại kia khiến cho hơi lúng túng:
– Ngài có võ công tuyệt đỉnh, là một nhân tài, sao không cống hiến cho quốc gia? Sao không dùng công trạng để lưu danh vạn thế? Không làm quân vương bình thiên hạ lấy giang sơn ngàn dặm?
Phương Cự Hiệp nhướng mày:
– Thế nào là cống hiến cho quốc gia? Nếu muốn diệt kẻ địch, trừ đối lập, nhất định phải công thành vượt ải, chẳng phải là máu chảy thành sông, giết người phóng hỏa sao? Những người đó không phải là người sao? Bọn họ không có cha mẹ con cái sao? Bọn họ không có nhà sao? Danh tiếng muôn đời, có lưu hay không cũng được. Con người chỉ có một đời, chỉ cần không làm việc ác, làm nhiều việc thiện, không cho kẻ ác tiếp tục làm ác, bảo vệ người thiện tiếp tục hành thiện, như vậy là được rồi. Tần Hoàng lưu danh thiên cổ, cuối cùng vẫn bị người ta mắng chửi ngàn năm, sau khi chết hài cốt còn bị đem làm con rối để giết quan chém tướng. Hán Vũ mở mang bờ cõi, cầu tiên không thành, cuối cùng phải chết, còn giết ái thiếp đại thần khiến cho máu chảy thành sông, cúng tế khắp nơi cũng không tìm được nửa thần tiên.
Y cười hỏi ngược lại:
– Ngài muốn nói tốt cho hoàng đế sao?
Ôn Nhâm Bình lại bị cự hiệp nhìn thấu, càng không cam lòng:
– Đương kim vạn tuế một lòng chiêu hiền, cầu tài như khát. Ngài có một thân bản lĩnh tung hoành thiên hạ, sao không thống lĩnh quân đội cho thánh thượng, hoàn thành sự nghiệp phi thường? Bảo đảm phú quý vinh hoa hưởng dụng không hết.
Cự hiệp nói:
– Hoàng đế cũng chỉ là người, tại sao chúng ta phải bán mạng cho y?
Ôn Nhâm Bình kinh ngạc.
Y không ngờ đối phương lại nói câu này.
Y lại đỏ mặt lên, lắp bắp nói:
– Ngài… ngài đại nghịch bất đạo!
– Tại sao nói một câu như vậy lại là đại nghịch bất đạo? Nếu ta là bình dân bách tính, cho dù là đại thần trong triều, có lẽ cũng sẽ bị tru tam tộc, diệt cửu tộc đúng không? Tại sao ý chỉ của y lại không thể chất vấn? Tại sao y ra lệnh một tiếng là có thể khiến chúng ta chết không toàn thây? Tại sao chúng ta phải mặc cho y áp bức trừng phạt? Hả?
Những câu hỏi liên tiếp của Phương đại hiệp khiến mọi người đều run sợ biến sắc, cứng họng không nói được:
– Nếu như hoàng đế chưa tốt, vậy thì còn được, nhưng y lại hoang dâm xa xỉ, bại hoại hơn bất cứ ai, lại còn ngu ngốc mê muội, tự cho là đúng, chúng ta cần gì phải nghe theo y. Y là người, chúng ta cũng là người, vì sao y làm hoàng đế là có thể tùy ý giết chóc? Hoàng đế không có nhân dân, y còn làm hoàng đế được sao? Là hoàng đế mà chỉ biết ức hiếp người khác, còn xem như hoàng đế cái gì! Nếu muốn bán mạng, ta thà rằng lấy dân làm chủ, cống hiến cho dân chúng.
Những lời này tại đương thời quả là rước lấy họa sát thân, cả nhà bị xử trảm tịch biên. Mấy người võ lâm này mặc dù gan lớn, danh tiếng cũng lớn, nhưng từ trước đến giờ chưa từng nghe qua, cũng chưa từng nghĩ tới, hiện giờ nghe được lại kinh hãi giật mình.
Cự hiệp cười ha hả:
– Ta thấy ngài không nên khuyên ta thì tốt hơn, ngài không thuyết phục được ta đâu. Ta cũng không nên nói tiếp thì tốt hơn, để tránh các người bị liên lụy hoảng sợ.
Chợt nghe một tiếng cười lạnh:
– Những lời này của ngài có ý mới mẻ, nhưng lại không hợp thời, hơn nữa hoàn toàn thiên lệch, chỉ lãng phí miệng lưỡi, nói suông phóng đại mà thôi.
“Cự hiệp” nghe vậy lại có phần ngạc nhiên. Chỉ thấy người nói chuyện dung mạo khí chất, mi vũ thần sắc có mấy phần tương tự với Ôn Nhâm Bình, nhưng hai người đứng chung một chỗ, lại khiến người ta cảm thấy chỗ khác biệt rất nhiều, cũng chẳng biết vì sao.
– Ôn nhị hiệp?
– Ta không phải hiệp. Ở trước mặt ngài, ta chỉ là một tú tài cầm bút viết sử mà thôi.
Ôn Tử Bình nói:
– Nhưng ta dùng sử để nhìn, công bình mà luận, nghĩ rằng ngài có thể tái xuất giang hồ, vì người trong thiên hạ công phá trận địch, không ngại đứng lên giết sạch tham quan ô lại, quyền quý nịnh thần. Ngài nên là người thứ nhất đứng ra, trước tiên thanh trừ kẻ xấu bên quân chủ, thay đổi tác phong bất chính, làm rạng rỡ Tống thất, như vậy mới không phụ kỳ vọng của người trong thiên hạ, không phụ hi vọng của bình dân bách tính.
Phương Cự Hiệp nghe vậy chỉ nói:
– Không.
Ôn Tử Bình nhướng mày hỏi:
– Ngài sợ?
Phương Cự Hiệp nói:
– Ta sợ không hữu dụng.
Ôn Tử Bình cười lạnh nói:
– Hay cho cự hiệp, ngay cả khí khái biết không thể làm mà vẫn làm, trước ngàn vạn người ta vẫn tiến cũng không có, thật là khiến ta thất vọng, không cần phải viện cớ gì nữa.
Cự hiệp ôn hoà nói:
– Ngài nói ta sợ cũng được. Giết chết gian tướng lộng thần tham lam vô sỉ, hại nước hại dân, vậy thì thế nào? Vẫn còn hoàng đế mọt dân hại nước, nắm giữ quyền lực. Cho dù hành thích thiên tử thì thế nào? Vẫn sẽ có hôn quân kế tiếp khiến cho trời giận dân oán, thủy chung không phải là cách trị tận gốc.
Sắc mặt Ôn Tử Bình chợt biến đổi, vẫn cố chấp nói:
– Vậy ngài muốn thế nào? Thay đổi triều đại, lôi hoàng đế xuống ngựa, tự mình lên làm thiên tử sao?
– Cũng không phải.
Cự hiệp nói:
– Ta không muốn làm hoàng đế. Nhưng quyền lực của hoàng đế quá lớn mà không bị hạn chế, tuyệt đối không phải chuyện tốt. Một mình y có bao nhiêu bản lĩnh? Dưới tình huống hoàn toàn không bị kiềm chế trừng trị, chỉ khiến y hủ bại trầm luân. Cứ tiếp tục như vậy, dân chúng lại bị chà đạp giày vò, khổ không thể tả.
Ôn Tử Bình hừ lạnh nói:
– Vậy hoàng đế trong lý tưởng của ngài là gì?
Cự hiệp đáp:
– Là người được mọi người kính yêu, chứ không phải rập khuôn, thừa kế. Một khi không phù hợp với ý nguyện của bách tính cộng đồng, có thể bỏ cũ thay mới, do đó quyền lực cũng có thể hạn chế và cân bằng.
Ôn Tử Bình mở to mắt:
– Cái gì? Ngươi nói là dân chúng chọn một hoàng đế mà mình yêu quý? Chuyện này giống như kẻ ngốc nói mê. Mọi người làm sao chọn được? Bọn họ không có đầu óc anh minh, không biết quy tắc triều đình, cũng không đọc nhiều sách thánh nhân, có một số người còn mù chữ. Bọn họ tự lo cho mình còn không xong, đang cần đế vương lãnh đạo và giáo hóa, bây giờ lại muốn bọn họ chọn vương bãi đế, đúng là trò đùa quá hoang đường rồi, đúng không?
Cự hiệp bất đắc dĩ nói:
– Có lẽ là vậy. Nhưng ta thấy vẫn tốt hơn so với hoàng đế một mình xưng vương, không bị hạn chế. Mọi người có thể giáo dục, quyền lực phải hạn chế và cân bằng. Người làm cho dân chúng có cuộc sống an định, cải thiện, sung túc, vui vẻ chính là hoàng đế tốt, điểm này không hề phức tạp, cũng không khó chọn.
Ôn Tử Bình hừ một tiếng nói:
– Suy nghĩ của ngài đúng là hão huyền, nhìn Trung quốc ba ngàn năm lịch sử chưa từng có tiền lệ này, luận điệu hoang đường của ngài có thể nói là trái với đạo của thánh nhân.
Cự hiệp không nóng không lạnh nói:
– Rất nhiều nhân sĩ có kiến thức đều nói, xem hết sử sách văn hiến, không thấy có chuyện lấy dân làm chủ, thực ra rất sai lầm. Bọn họ là sử gia, sao lại bất công thiên lệch, không dùng đầu óc như vậy? Cho dù có trí giả trí thức từng đề xuất tư tưởng lấy dân làm chủ, tại thời đại nho gia luôn tôn sùng lối cũ, hùa theo ý vua, nịnh hót lấy lòng, không mở đường cho dân nói, làm sao cho phép những tư tưởng dị đoan này phát dương truyền bá? Hơn nữa Trung Nguyên lửa binh không ngừng, động một tí là đồ thành hủy đô, một ngọn đuốc thiêu rụi di vật văn hoá của tiền triều, mà quân chủ lại áp chế mọi người bàn luận lung tung, chỉ cho phép nho học thích hợp truyền bá, những kinh thư quan trọng đều do quốc gia cất giữ, loại tự tưởng tôn dân khinh vua này cho dù có ghi lại, nhất định cũng sẽ bị chôn vùi diệt tuyệt. Ai nói Trung Nguyên ba ngàn năm qua không có tư tưởng lấy dân làm chủ, dân quyền làm trọng? Chỉ cần là người có một chút kiến thức về sự thật lịch sử đều biết, Trung Nguyên không phải không có nhân tài như vậy, chỉ là có người đã sớm bị tịch biên diệt tộc, có người bị thiêu hủy cách chức, có người cất giấu lưu truyền chỉ sợ đã bị rút lưỡi hành hình, trị tội liên đới. Dưới tình huống này, ai dám phát ngôn thẳng thắn? Ai có thể cầu xin giúp dân? Ngay cả nhà nho cũng chỉ vâng vâng dạ dạ, một mực ca tụng công đức đế vương, vất vả lắm mới tìm được thời cơ can gián, nếu may mắn được chấp nhận vài điều thì vui không thể tả; nhưng thường là phạm thượng trị tội, lưu đày thảm thiết, thậm chí là bị giết, liên lụy đến thân hữu, không biết bao nhiêu mà kể, cho nên ai cũng sợ hãi. Những sĩ phu nhát gan khúm núm này có thể làm được gì? Đọc nhiều thi thư, rốt cuộc vẫn phải nhìn sắc mặt người khác. Nho sĩ nếu ngay cả nghĩa, hiệp đều không làm được, cuối cùng chỉ có thể hùa cùng một giuộc với Pháp Gia, Hoàng Lão, nửa lừa nửa ngựa, bẩn thỉu xấu xa. Đã trói gà không chặt, lại không thể ngăn cơn sóng dữ, không dám gánh vác thời cơ, đầu bạc bơ vơ cũng chỉ là kẻ đọc sách suông mà thôi. Thực ra không phải không có người cầu xin cho dân, cải cách thay đổi, cũng không phải không có nhân tài suy nghĩ như vậy, chỉ là loại người này, ý kiến như vậy quyết không được chấp nhận trong triều đình, cho nên không được lưu truyền, cũng không được ghi chép, càng không thể phát triển mà thôi. Theo ta suy đoán, các đời trước đây, người bị tru diệt bởi các loại tội danh, bao gồm chí thánh tiên sư Khổng Khâu tự mình ra tay sát hại những kẻ tiểu nhân “phản nghịch mà nham hiểm, bất chính mà cố chấp, dối trá mà ngụy biện, xằng bậy mà uyên bác, sai trái mà đường hoàng”, thực ra rất có thể là những nhân sĩ hiệp nghĩa vốn không hợp thời, vì quyền lợi của dân chúng mà đắc tội với quyền quý quân chủ.
Hai người Ôn Tử Bình và Ôn Nhâm Bình đưa mắt nhìn nhau, đều trố mắt ra. Ôn Tử Bình thăm dò hỏi:
– Vậy ngài muốn nói… nho học vô ích, sĩ phu không còn hữu dụng?
– Không thể quơ đũa cả nắm. Nho sĩ nếu chỉ tham sống sợ chết, cố chấp cổ hủ, vậy thì còn không bằng một phàm phu tục tử, ít nhất cũng không làm hại muôn dân. Dù sao trong đám nho sinh cũng từng có người dám vì quốc gia xem nhẹ sinh tử, vì bách tính suy nghĩ thiệt hơn.
Phương Cự Hiệp nói:
– Nói cách khác, phải có học thức uyên bác của đại nho, nhưng cũng phải có hiệp cốt mới được, không hành hiệp, không thể xem là nho sinh tốt.
Y vội bổ sung một câu:
– Đương nhiên, “hiệp” mà ta nói là tác phong đại hiệp, không tiếc vì dân xả thân hi sinh, vì nghĩa không màng sống chết, vì thiện xem nhẹ sinh tử. Chứ không phải hành vi của những kẻ lỗ mãng và tử sĩ, chỉ trung với một nhà, một hộ, một người, hung hăng hiếu chiến, không biết đại thể, không phân thị phi, tầm nhìn hạn hẹp, chỉ biết kiếm chác lợi ích, chỉ lo quan hệ cá nhân.
Y cười cười lại nói:
– Đù sao đó cũng là chuyện khác biệt.
– Đó là khác biệt rất lớn.
Y nhấn mạnh.