Ruổi rong muôn dặm đường xa,
Cứ đi mà chẳng biết là đi đâu.
Kẻ thù như thể bóng câu,
Chạy theo chỉ thấy một màu khói sương.
*
**
Hai người lập tức xuôi nam, từ sơn lĩnh vòng qua Nhạn Môn Quan đến một tòa tiểu thị trấn, tìm một căn khách điếm. A Châu không đợi Kiều Phong mở lời đã bảo điếm tiểu nhị dọn hai mươi cân rượu. Gã tửu bảo thấy hai người vợ chồng không ra vợ chồng, anh em chẳng phải anh em đã kỳ lạ, lại nghe sai dọn hai mươi cân rượu, càng thêm ngạc nhiên, ngơ ngẩn đứng nhìn hai người, không đi lấy rượu, cũng chẳng đáp lời.
Kiều Phong trừng mắt nhìn y, không giận mà có uy, gã tiểu nhị hoảng hồn vội lật đật quay đi, miệng lẩm bẩm:
-Hai mươi cân rượu? Chắc để tắm hay sao?
A Châu cười nói:
-Kiều đại gia, chúng mình đi tìm Từ trưởng lão, xem chừng chỉ chừng hai ngày là người ta sẽ phát giác ngay. Trên đường gặp đâu đánh đó, gặp ai giết nấy, tuy cũng vui thật nhưng e Từ trưởng lão nghe hơi gió đã chạy cong đuôi, thì làm sao kiếm ông ta được.
Kiều Phong cười ha hả nói:
-Nàng đừng có đưa ta lên, trên đường ví như gặp ai đánh nấy, kẻ địch càng lúc càng đông, chúng mình rồi thể nào cũng bỏ mạng…
A Châu nói:
-Nói đến hung hiểm thì cũng không đến nỗi nào, có điều bọn chúng nghe hơi gió đã cụp đuôi chạy hết thì thật là hỏng việc.
Kiều Phong nói:
-Thế theo cô thì mình phải làm cách nào? Chúng mình ban ngày ở trong khách điếm, ban đêm ra đi có được chăng?
A Châu mỉm cười nói:
-Muốn bọn họ không nhận ra mình thì thật dễ. Chỉ có điều Kiều đại hiệp danh mãn thiên hạ, không biết có chịu hóa trang hay không?
Nói đi nói lại, nàng cũng đi đến “dị dung cải trang”. Kiều Phong cười nói:
-Ta không phải người Hán, quần áo người Hán đây vốn đã không muốn mặc nữa rồi. Thế nhưng nếu mặc quần áo Khất Đan thì ở Trung Nguyên đi lại thật bất tiện. A Châu, nàng thử nghĩ ta nên mặc thế nào cho phải?
A Châu đáp:
-Đại gia thân thể cao to, đi đâu cũng khiến người ta chú ý, tốt nhất là cải trang thành một giang hồ hào sĩ hình mạo tầm thường, trên người không có điểm gì đặc biệt. Những người như thế trên đường mỗi ngày người ta gặp cả trăm, chẳng ai thèm để ý đến ông là ai đâu.
Kiều Phong vỗ đùi nói:
-Hay lắm! Hay lắm! Uống rượu xong nàng giúp ta cải trang là xong.
Ông uống hết hai mươi cân rượu rồi, A Châu liền ra tay ngay. Bột mì, hồ dán, a dao đủ các loại nhồi nặn, bao nhiêu điểm khác người của Kiều Phong đều biến mất. A Châu lại thêm cho ông ta một bộ ria mép khiến Kiều Phong soi gương cũng còn không nhận ra mình là ai. Sau đó A Châu cũng tự cải trang thành một hán tử trung niên.
A Châu cười nói:
-Hình dáng bên ngoài của ông đã thay đổi rồi, thế nhưng khi nói năng, hay uống rượu người ta nhận ra ngay.
Kiều Phong gật đầu:
-Ừ, thế thì nói ít đi, uống cũng bớt.
Thành ra trên đường xuôi nam, Kiều Phong quả thật ít khi mở miệng, mỗi bữa ăn cũng chỉ uống hai ba cân, hết sức giữ ý. Hôm đó đến Tam Giáp Trấn ở Tấn Nam, hai người ghé vào một cái quán mì, bỗng nghe ngoài cửa có hai gã ăn mày nói chuyện với nhau. Một gã nói:
-Từ trưởng lão chết thật thảm thiết, trước ngực sau lưng, gân cốt đều đứt hết chắc là gã ác tặc Kiều Phong hạ độc thủ.
Kiều Phong kinh hoảng nghĩ thầm: “Từ trưởng lão chết rồi sao?”. Ông liền đưa mắt cho A Châu. Lại nghe một gã ăn mày nói:
-Ngày mai tại Vệ Huy Hà Nam phát tang, trưởng lão trong bang, cùng các anh em đều đến tế viếng, để bàn tính làm cách nào bắt được Kiều Phong.
Kế đó gã ăn mày liền nói mấy câu ám ngữ, Kiều Phong nghe qua hiểu ngay, y nói là Kiều Phong thanh thế rất lợi hại nên không thể nói năng lung tung để thủ hạ của y nghe được.
Kiều Phong và A Châu ăn mì xong liền rời Tam Giáp Trấn, đi ra ngoài thành. Kiều Phong nói:
-Chúng mình nên đi Vệ Huy xem sao, không chừng kiếm được chút đầu dây mối nhợ.
A Châu đáp:
-Đúng đó, Vệ Huy thì phải nên đi. Kiều đại gia, những người đến phúng điếu Từ trưởng lão đa số là cựu bộ thuộc của đại gia cho nên cử chỉ ngôn ngữ chớ có để lộ chân tướng.
Kiều Phong gật đầu:
-Ta biết rồi.
Hai người liền quay sang hướng đông, đi về phía Vệ Huy.
Đến ngày thứ ba đã đến Vệ Huy, trong thành đầu đường xó chợ đâu đâu cũng toàn là đệ tử Cái Bang. Kẻ thì vào tửu lâu ngồi bàn ăn uống nhồm nhoàm, đứa thì nơi đường hẻm mổ heo giết chó, có người vòi vĩnh cướp giựt ngay ở ngoài đường. Kiều Phong trong lòng đau xót, thấy đại bang vẫn được coi là số một trên giang hồ nay chẳng còn qui củ gì, không thể nào bì với năm xưa khi mình còn chấp chưởng bang chủ kỷ luật nghiêm minh, khí tượng hưng vượng, mới chẳng bao lâu đã bị người đời coi rẻ. Vẫn biết Cái Bang với ông nay đã thành địch chứ không còn bạn bè gì nữa, thế nhưng bao nhiêu tâm huyết của mình bỏ ra chỉ một ngày tan ra mây khói, lòng ông không khỏi ngậm ngùi.
Bỗng nghe mấy đệ tử Cái Bang nói với nhau mấy câu mật hiệu, ông biết được linh vị của Từ trưởng lão để tại một khu vườn hoang nơi phía tây thành. Kiều Phong và A Châu mua ít nhang đèn, vàng mã và cái đầu heo đi theo người ta đến nơi đó, khấu đầu trước bài vị Từ trưởng lão.
Chỉ thấy trên linh bài của Từ trưởng lão bôi đầy máu tươi, đó là tập tục của Cái Bang ý nói người chết bị ám hại, người trong bang phải lo việc trả thù rửa hận. Trong nhà quàn ai nấy ngoạc mồm thống mạ Kiều Phong, có ai ngờ đâu ông đang ở ngay bên cạnh. Kiều Phong thấy chung quanh toàn là những nhân vật thủ não của Cái Bang, e ngại có người nhìn ra mình nên không dám lần khân, lập tức sóng vai A Châu đi ra, nghĩ thầm: “Từ trưởng lão chết rồi thì trên đời này biết được “đàn anh đứng đầu” lại bớt đi một người nữa”.
Bỗng thấy nơi đầu hẻm tít đằng xa có bóng người thoáng một cái, đó là một người đàn bà thân thể cao to. Kiều Phong tinh mắt nhận ra ngay đó là Đàm bà, nghĩ bụng: “Hay quá, chắc là mụ ta đi điếu tang Từ trưởng lão đây, mình đang muốn đi tìm”. Lại thấy thêm một bóng người vụt qua nữa, khinh công cực kỳ cao siêu, chính là Triệu Tiền Tôn. Kiều Phong ngạc nhiên: “Hai người này thập thò lén lút không biết có cái trò gì đây?”.
Ông biết rằng hai người vốn dĩ là sư huynh muội, tình ái dây dưa đến nay chưa dứt, nghĩ thầm: “Hai người đều sáu bảy mươi tuổi rồi, không lẽ lại còn tư tình, giăng dện với nhau hay sao?”. Ông bản tính vốn không hay xen vào chuyện riêng của người khác, nhưng Triệu Tiền Tôn biết được “đàn anh đứng đầu” là ai, Đàm công, Đàm bà chắc cũng biết, nếu như bắt thóp được chuyện gì thì có thể thừa cơ ép buộc hai người thổ lộ, nên ghé tai A Châu nói:
-Nàng ở khách điếm chờ ta.
A Châu gật đầu, Kiều Phong lập tức đuổi theo hướng Triệu Tiền Tôn vừa chạy. Triệu Tiền Tôn chọn toàn những nơi ẩn khuất mà đi, hết náu dưới góc tường phía đông lại lẻn trên mái nhà phía tây, cử chỉ hết sức ngụy bí đi ra phía cửa đông. Kiều Phong theo xa xa, trước sau không để y phát giác, thấy y chạy đến bờ sông, khom người chui vào khoang một chiếc thuyền gỗ lớn. Kiều Phong đề khí chạy tới, nhún nhẩy mấy cái đã đến bên thuyền, nhẹ nhàng nhảy xuống mui, ghé sát tai vào thuyền lắng nghe.
Trong khoang thuyền, Đàm bà thở dài một tiếng nói:
-Sư ca, hai người mình tuổi tác cũng đã cao rồi, những chuyện ngày xưa có hối cũng đã muộn, nhắc lại có ích gì đâu?
Triệu Tiền Tôn nói:
-Cuộc đời ta coi như bỏ đi rồi, có hối cũng đâu còn kịp. Ta hẹn nàng ra đây cũng chẳng có chuyện gì, Tiểu Quyên, chỉ mong được nghe nàng hát lại mấy câu ngày xưa nàng vẫn thường hát mà thôi.
Đàm bà nói:
-Ôi, sư ca quả thực si mê nực cười. Thằng chả đó tới Vệ Huy thấy sư ca đã không lấy gì làm vui, y tính lại đa nghi, sư ca không nên chàng màng tiểu muội là hơn.
Triệu Tiền Tôn đáp:
-Sợ gì cơ chứ? Mình sư huynh muội quang minh lỗi lạc, nói chút chuyện xưa, có gì mà không được?
Đàm bà thở dài một tiếng, nhỏ nhẹ nói:
-Mấy khúc hát năm xưa, mấy khúc hát năm xưa…
Triệu Tiền Tôn thấy bà ta đã động lòng, lại càng năn nỉ, nói:
-Tiểu Quyên, hôm nay hai đúa mình gặp nhau, không biết sau này tới chừng nào mới lại trùng phùng, e rằng mạng ta cũng chẳng được bao lâu, nàng dẫu có muốn hát lại cho ta nghe ta cũng chẳng có cái phúc mà đến nghe được nữa.
Đàm bà nói:
-Sư ca chớ có nói thế. Nếu như quả anh muốn nghe, thì tiểu muội sẽ hát nho nhỏ một khúc cho sư ca nghe.
Triệu Tiền Tôn vui mừng nói:
-Hay quá, đa tạ sư muội. Tiểu Quyên, cảm ơn nàng.
Đàm bà liền khoan thai hát:
Năm nao chàng ghé thăm nhau,
Thiếp đang giặt lụa bên cầu dưới khe…
Mới hát được hai câu, nghe có tiếng lách cách, khoang thuyền mở tung, một đại hán xông vào. Kiều Phong cải trang rồi nên Đàm bà và Triệu Tiền Tôn không nhận ra. Hai người đang hoảng hốt, thấy không phải là Đàm công nên cũng yên tâm, quát hỏi:
-Ai đó?
Kiều Phong lạnh lùng nhìn hai người, nói:
-Một gã khinh bạc vô hạnh, dụ dỗ đàn bà có chồng, một người dâm đãng vô sỉ, trốn chồng đi gặp tình lang…
Ông chưa nói dứt lời, Đàm bà và Triệu Tiền Tôn cùng ra tay, chia hai bên đánh tới. Kiều Phong thân hình hơi nghiêng qua, lật một cái đã nắm ngay được cổ tay Đàm bà, kế tiếp cùi chỏ thúc ra, hậu phát tiên chí, tấn công vào sườn bên trái Triệu Tiền Tôn.
Triệu Tiền Tôn và Đàm bà đều là những cao thủ hạng nhất trong võ lâm, những tưởng chỉ ra một chiêu đã khống chế được kẻ địch, đâu có ngờ rằng con người hình mạo thật bình thường kia võ công lại cao siêu đến như thế, vừa ra tay đã đổi thủ thành công. Trong khoang thuyền chật hẹp, không thể thi triển tài nghệ, thế nhưng Kiều Phong đánh xa cũng hay, đánh gần cũng giỏi, sử dụng toàn cầm nã thủ và đòn nhập nội mà thôi, trong khu vực chưa đầy một trượng của khoang thuyền vẫn cực kỳ linh động. Đấu đến hiệp thứ bảy, hông Triệu Tiền Tôn bị trúng một chỉ, Đàm bà kinh hãi ra tay chậm lại, bị ngay một chưởng vào lưng, sụm ngay xuống.
Kiều Phong lạnh lùng nói:
-Xin hai vị ở đây nghỉ ngơi, trong khu vườn hoang trong thành Vệ Huy đang có rất nhiều anh hùng hảo hán đến viếng linh vị Từ trưởng lão, ta đi mời họ tới để họ bình phẩm xem đúng hay sai.
Triệu Tiền Tôn và Đàm bà hoảng hốt, cố gắng vận khí nhưng huyệt đạo đã bị phong rồi, đến đầu ngón tay cũng không cử động được. Hai người tuổi tác đã cao, vốn không có ý niệm tình dục gì, hẹn nhau ở đây, chẳng qua để kể lể tình xưa nghĩa cũ chứ có chuyện gì ra ngoài vòng lễ giáo đâu. Thế nhưng lúc đó đang thời Bắc Tống, lễ pháp ai ai cũng coi rất nặng, anh hùng hảo hán giang hồ phạm vào nữ sắc ắt bị người đời cười chê. Một nam một nữ lén lút gặp gỡ nơi thuyền này, nào có ai tin rằng hai người chỉ gặp nhau để hát cho nhau nghe vài câu? Nói với nhau vài câu chuyện tầm phào? Nếu ai ai cũng biết đến thì còn làm người sao được? Ngay cả Đàm công cũng chẳng còn mặt mũi nào.
Đàm bà vội nói:
-Vị anh hùng kia, chúng tôi có làm gì đắc tội với các hạ đâu, nếu có thể dung tình một chút, ta… ta ắt có đền đáp.
Kiều Phong nói:
-Đền đáp thì không cần. Ta chỉ hỏi một câu, các ngươi cũng chỉ đáp lại ba chữ. Nếu như nói thực, tại hạ lập tức giải khai huyệt đạo cho hai người ngay, phủi tay đi thẳng. Chuyện ngày hôm nay nhất định không một ai nhắc đến nữa.
Đàm bà nói:
-Nếu như lão thân biết được thì nguyện sẽ phụng cáo ngay.
Kiều Phong hỏi:
-Có người từng viết thư cho Uông bang chủ của Cái Bang, nói về chuyện Kiều Phong, người viết thư đó người khác gọi là “đàn anh đứng đầu”, kẻ đó là ai?
Đàm bà còn ngần ngừ chưa trả lời, Triệu Tiền Tôn lớn tiếng nói:
-Tiểu Quyên, không được nói, nghìn lần vạn lần không thể nói.
Kiều Phong trừng mắt nhìn y, hỏi lại:
-Ngươi thà chịu thân bại danh liệt nhưng không chịu nói hay sao?
Triệu Tiền Tôn đáp:
-Lão tử thà chết thì thôi. Vị “đàn anh đứng đầu” này có ơn với ta, ta nhất quyết không thể nói tên ra được.
Kiều Phong hỏi thêm:
-Thế dẫu cho Tiểu Quyên thân bại danh liệt, ngươi cũng không cần, phải không?
Triệu Tiền Tôn đáp:
-Nếu Đàm công biết chuyện hôm nay, ta lập tức tự vẫn trước mặt y, lấy cái chết tạ tội, thế là xong.
Kiều Phong quay sang Đàm bà:
-Người đó chưa chắc đã có ơn gì với bà, vậy bà nói ra đi, tất cả sẽ bình yên vô sự, bảo toàn được danh dự cho cả Đàm công Đàm bà, cũng bảo tồn cả tính mệnh cho sư ca của bà nữa.
Đàm bà nghe thấy ông ta đem tính mạng Triệu Tiền Tôn ra uy hiếp, không khỏi rùng mình nói:
-Được, thôi để ta nói cho người nghe, người đó là…
Triệu Tiền Tôn vội kêu lên:
-Tiểu Quyên, nàng chớ có nói ra, nhất định không thể nói ra. Ta van xin nàng, van xin nàng! Gã này chắc là thủ hạ của Kiều Phong, nàng mà nói ra, tính mạng của vị “đàn anh đứng đầu” kia thể nào cũng nguy hiểm.
Kiều Phong đáp:
-Ta chính là Kiều Phong, các ngươi không nói ra hậu hoạn sẽ không biết đâu mà lường.
Triệu Tiền Tôn giật mình:
-Thảo nào công phu của ngươi ghê gớm thế. Tiểu Quyên ơi, trong đời ta chưa từng cầu xin nàng việc gì, đây là việc duy nhất ta xin nàng, dẫu thế nào chăng nữa mong nàng bằng lòng cho ta.
Đàm bà nghĩ đến ông ta mấy chục năm qua thương yêu ái mộ, tình sâu nghĩa nặng, mình phụ ông ta đã nhiều, tấm lòng mong mỏi được lấy nhau xưa nay chưa từng thổ lộ, vậy mà lần này vì muốn che dấu cho ân nhân, thà chết thì thôi, không thể nào làm hỏng cái nghĩa cử của sư ca được nên đáp:
-Kiều bang chủ, việc ngày hôm nay, làm điều thiện cũng tùy ông, mà làm điều ác cũng tùy ông. Hai sư huynh muội chúng tôi tự vấn lương tâm không điều gì đáng hổ thẹn, có đất trời chứng giám. Việc các hạ muốn biết, xin tha thứ lão thân không thể cáo tri được.
Mấy câu nói của bà ta nghe ra có vẻ khách khí, nhưng lời như chém đinh chặt sắt, nhất định cách nào cũng không thể nói ra.
Triệu Tiền Tôn vui mừng nói:
-Tiểu Quyên, đa tạ nàng, đa tạ nàng.
Kiều Phong biết rằng có bức bách thêm cũng không ích lợi gì, hừ một tiếng, rút chiếc trâm ngọc trên đầu Đàm bà, nhảy ra khỏi khoang thuyền chạy trở về hướng thành Vệ Huy để tìm nơi ở của Đàm công. Ông hóa trang nên không ai nhận ra, Đàm công, Đàm bà ngụ tại Như Quy khách điếm, hỏi là biết ngay.
Vào đến khách điếm thấy Đàm Công chắp tay sau lưng ở trong phòng đi qua đi lại xem ra cực kỳ bồn chồn. Kiều Phong đưa tay ra, lòng bàn tay là chiếc ngọc thoa của Đàm bà.
Từ lúc thấy Triệu Tiền Tôn đi theo như hình với bóng đến Vệ Huy, Đàm công trong dạ chẳng an, đến lúc này lại thấy vợ mình đi đâu lâu quá đang lo, không hiểu bà ta đang ở chỗ nào, bây giờ thấy cây trâm của Đàm bà, vừa mừng vừa lo bèn hỏi:
-Các hạ là ai? Có phải chuyết kinh nhờ các hạ đến đây chăng? Không biết có điều chi dạy bảo?
Nói rồi đưa tay cầm chiếc trâm ngọc. Kiều Phong để ông ta lấy chiếc thoa rồi mới nói:
-Tôn phu nhân bị người ta bắt giữ, nguy tại khoảnh khắc.
Đàm công cực kỳ kinh hoảng nói:
-Chuyết kinh võ công cũng khá, sao lại dễ dàng bị người ta bắt giữ được?
Kiều Phong đáp:
-Ấy là Kiều Phong.
Đàm công nghe thấy tên “Kiều Phong” không còn nghi ngờ gì nữa, lại càng băn khoăn lo lắng vội hỏi:
-Kiều Phong ư? Ôi chao, nếu quả là y thì phiền quá, nội nhân ta… ta đang ở chỗ nào?
Kiều Phong đáp:
-Các hạ muốn tôn phu nhân sống cũng thật dễ dàng, mà muốn bà ta chết thì cũng không khó.
Đàm công tính tình trầm ổn, trong bụng tuy lo nhưng vẻ mặt vẫn bình thản như không hỏi lại:
-Xin được thỉnh giáo.
Kiều Phong nói:
-Kiều Phong có một việc muốn hỏi Đàm công, nếu như ông cứ sự thực mà nói lập tức thả tôn phu nhân ra, không để tổn hại một sợi tóc, còn như các hạ không chịu nói thì chỉ còn nước xử tử bà ta đem thi thể tôn phu nhân với thi thể Triệu Tiền Tôn chôn chung hai người một huyệt.
Đàm công nghe câu cuối cùng làm sao còn nhịn được nữa, rống lên một tiếng, vung chưởng đánh vào mặt Kiều Phong. Kiều Phong nghiêng người hơi lùi lại một chút, chưởng đó liền không đánh trúng. Đàm công hoảng hốt, nghĩ thầm chưởng của mình nhanh như ánh chớp, cực kỳ ghê gớm, y chỉ nhẹ nhàng tránh được dễ dàng, lập tức chưởng bên phải đánh xéo qua đồng thời tả chưởng tạt ngang.
Kiều Phong thấy trong phòng chật hẹp không dễ gì tránh né được, liền gồng tay phải lên chịu đòn. Nghe bịch một tiếng, chưởng đó đánh trúng tay ông, Kiều Phong không nhúc nhích, tay liền vươn qua giữ chặt đầu vai ông ta đè ông ta xuống.
Đàm công lập tức cảm thấy vai mình như phải vác một tảng đá nghìn cân vội vàng vận kình phản kháng nhưng đầu vai như đụng phải một ngọn núi, xương sống kêu lách cách liên hồi tưởng chừng muốn gãy, chỉ còn nước khuỵu đầu gối chứ không làm gì khác hơn được. Ông hết sức vùng lên nhất định không chịu khuất phục, nhưng không cách nào hít thêm một hơi, hai đầu gối bải hoải, đành phải gục xuống. Việc quì xuống nào phải ý ông ta đâu có điều đầu gối, khớp xương không còn hơi sức, bị áp lực nặng nề từ trên ấn xuống không khuất tất thì không xong.
Kiều Phong có ý định làm nhụt ngạo khí của ông ta nên tuy đã bị buộc lòng quì xuống rồi nhưng sức đè xuống không thôi, tới lúc lưng cong như cánh cung, trán chạm đất. Đàm công mặt mày đỏ ké, cố vùng vẫy, đem hết sức lực bung người lên. Đột nhiên Kiều Phong buông tay ra, sức nặng nghìn cân trên vai Đàm công biến mất, ông ta xuất kỳ bất ý, thu thế không kịp, lập tức nhảy vọt lên cao đến hơn một trượng, nghe bình một tiếng đầu đã đụng vào xà nhà khiến cây gỗ gãy ra làm đôi.
Đàm công từ trên không rơi xuống, Kiều Phong không để ông ta chạm đất, vươn tay phải ra, chộp ngay ngực. Cánh tay Kiều Phong thật dài, Đàm công người nhỏ thó, dù cố đấm đá cũng không sao đụng được vào đối phương, huống chi ông ta hai chân bông bênh lơ lửng, dẫu võ công cao siêu bậc nào cũng không sử dụng được, trong cơn nguy cấp chợt hiểu ra kêu lên:
-Thì ra ngươi chính là Kiều Phong.
Kiều Phong đáp:
-Dĩ nhiên là ta rồi!
Đàm công giận dữ nói:
-Ngươi… ngươi… con mẹ ngươi chứ, mắc mớ gì lại dính dáng cả thằng khốn kiếp Triệu Tiền Tôn?
Ông ta giận nhất là câu đem Đàm bà giết rồi sẽ đem chôn chung với xác Triệu Tiền Tôn. Kiều Phong nói:
-Mụ vợ ngươi muốn dính dáng đến y thì có liên can gì đến ta đâu? Ngươi có muốn biết Đàm bà lúc này đang ở đâu không? Có muốn biết bà ta đang ỷ eo tình thoại, hát xướng tình ca với ai không?
Đàm công nghe nói thế, đoán chừng vợ mình đang cùng với Triệu Tiền Tôn tại một nơi, không thể không làm cho ra đầu ra đũa liền nói:
-Mụ ta ở đâu? Xin ông dẫn ta đến.
Kiều Phong cười khẩy:
-Thế ngươi làm gì cho ta chưa? Tại sao ta lại phải dẫn ngươi đi chứ?
Đàm công nhớ lại câu nói của ông hồi nãy bèn hỏi:
-Ông bảo có chuyện muốn hỏi ta, thế là chuyện gì?
Kiều Phong đáp:
-Hôm trước ở rừng hạnh ngoài thành Vô Tích Từ trưởng lão có mang lại một lá thư, viết gửi bang chủ tiền nhiệm Cái Bang Uông Kiếm Thông, lá thư đó do ai viết thế?
Đàm công chân tay run rẩy, lúc này y bị Kiều Phong xách lên, thân thể lơ lửng, đối phương chỉ cần nhả nội lực lập tức giết chết y ngay. Thế nhưng bản tính y trời sinh lì lợm, bèn nói:
-Người đó có thù giết cha ngươi, ta nhất quyết không thể tiết lộ tính danh, nếu không ngươi thể nào cũng kiếm để báo thù, thế có phải là ta hại mạng ông ấy hay sao?
Kiều Phong nói:
-Nếu ngươi không nói thì ta lấy mạng mi trước.
Đàm công cười ha hả nói:
-Ngươi coi Đàm mỗ là hạng người nào? Bộ ta tham sống sợ chết, bán rẻ bạn bè hay sao?
Kiều Phong nghe ông ta cố gắng bảo toàn nghĩa khí, trong bụng kính phục, nếu phải chuyện khác ông nhất quyết không truy bức làm gì, thế nhưng thù giết cha mẹ đâu phải tầm thường bèn nói:
-Nhà ngươi không coi mạng mình vào đâu, đến tính mạng vợ cũng chẳng đoái hoài hay sao? Đàm công Đàm bà thanh danh trôi theo dòng nước, tất cả mọi người cười chê không lẽ không sợ?
Trong võ lâm thanh danh là quan trọng nhất, tiếng tăm nặng hơn thân thể, ấy là sự thường tình của giang hồ hảo hán. Đàm công nghe mấy câu đó bèn nói:
-Đàm mỗ ngồi không nghiêng ngả, đứng chẳng vẹo xiêu, bình sinh chưa từng làm chuyện không hay không phải với bạn bè, làm gì có chuyện “thanh danh trôi theo dòng nước, tất cả mọi người cười chê ” được?
Kiều Phong thản nhiên nói:
-Thế nhưng Đàm bà chưa hẳn đã “ngồi không nghiêng ngả, đứng chẳng vẹo xiêu”, còn Triệu Tiền Tôn chắc gì “chưa từng làm chuyện không hay không phải với bạn bè”.
Đàm công mặt liền đỏ ké, tiếp theo đổi thành xanh lè, trừng mày trợn mắt hầm hầm nhìn ông. Kiều Phong buông tay, vứt ông ta xuống đất, quay mình chạy đi. Đàm công không nói một lời lẽo đẽo chạy theo, hai người một trước một sau chạy ra khỏi thành Vệ Huy. Trên đường không ít giang hồ hào khách nhận ra Đàm công, ai nấy cung kính nhường đường cúi chào. Đàm công chỉ ậm ừ một tiếng rồi chạy vụt qua. Chẳng mấy chốc hai người đã đến bên chiếc thuyền gỗ.
Kiều Phong tung mình nhảy lên đầu thuyền, chỉ vào bên trong nói:
-Tự mình ông đến xem cho rõ.
Đàm công liền lên thuyền, nhìn vào trong khoang, thấy vợ mình và Triệu Tiền Tôn tựa vào nhau, nép ở một góc, giận không sao nhịn nổi, phát chưởng nhắm ngay đầu Triệu Tiền Tôn đánh tới, nghe bùng một tiếng. Triệu Tiền Tôn không động đậy, không trả đòn, cũng không né tránh.
Bàn tay Đàm công đụng vào đầu y rồi, thấy có điều không xong, vội vàng đưa tay sờ vào mặt vợ, thấy lạnh ngắt, thì ra Đàm bà đã chết từ bao giờ. Đàm công run bắn người nhưng chưa thoái chí, liền đưa tay thăm mũi bà ta nhưng cũng có còn chút hơi thở nào đâu? Ông ta ngơ ngẩn, đưa tay sờ trán Triệu Tiền Tôn thấy cũng lạnh như băng, bi phẫn khôn tả, hầm hầm nhìn Kiều Phong, mắt như muốn tóe lửa.
Kiều Phong thấy đột nhiên cả Đàm bà lẫn Triệu Tiền Tôn đều chết, cũng thật lạ lùng vô cùng. Khi ông rời thuyền để vào thành chỉ điểm huyệt hai người, sao hai cao thủ lại chết một cách thật bất ngờ như thế?
Ông nhắc Triệu Tiền Tôn lên, xem qua không thấy trên người có vết thương nào cả, cũng không có vết máu, liền nắm ngay áo trên ngực y nghe soẹt một tiếng, cởi tung ra thấy một vết bầm thật lớn, hiển nhiên đã bị chưởng lực thật mạnh. Lạ lùng nhất là vết tay kẻ dùng trọng thủ giống hệt bàn tay ông.
Đàm công ôm Đàm bà lên, xoay lưng lại, cởi áo bà ta ra xem vết thương trên ngực thấy cũng y hệt Triệu Tiền Tôn. Ông ta muốn khóc nhưng không lấy đâu ra nước mắt, nghiến răng nói với Kiều Phong:
-Ngươi mặt người dạ thú, độc ác đến thế sao.
Kiều Phong trong lòng kinh ngạc, không biết phải nói sao chỉ nghĩ: “Không biết ai đã dùng trọng thủ đánh chết Đàm bà và Triệu Tiền Tôn? Kẻ hạ thủ công lực thâm hậu, không phải tầm thường, không lẽ cũng chính là kẻ đối đầu với mình hay sao? Thế nhưng làm sao y lại biết hai người này đang ở trên thuyền?”.
Đàm công đau lòng vì người vợ yêu chết thảm, vận kình vào hai cánh tay hết sức xông vào Kiều Phong. Kiều Phong tránh qua một bên chỉ nghe một tiếng lách cách thật lớn, chưởng lực của Đàm công đã đánh sạt một bên khoang. Kiều Phong liền vươn tay chộp lấy đầu vai ông ta nói:
-Đàm công, phu nhân của ông không phải do ta giết, ông tin hay không nào?
Đàm công hỏi lại:
-Không phải ngươi thì còn ai bây giờ?
Kiều Phong nói:
-Trong lúc này mạng ông ở trong tay ta, Kiều mỗ nếu như muốn giết thật dễ như trở bàn tay, ta nói láo ông làm gì?
Đàm công nói:
-Ngươi chỉ vì muốn tra xét cho rõ kẻ giết cha ngươi là ai, Đàm mỗ tuy võ công không bằng ngươi thật nhưng đâu có để ngươi coi như thằng ngu?
Kiều Phong nói:
-Được rồi, ông nói tên kẻ thù giết cha cho ta nghe, ta sẽ đảm nhận trọng trách báo thù kẻ giết vợ cho ông.
Đàm công cười sặc sụa, cố sức vận kình ba lần muốn thoát khỏi bàn tay đối phương, thế nhưng bàn tay Kiều Phong chỉ nhẹ nhàng đè xuống tùy theo kình mà biến hóa, sức giãy giụa của Đàm công tuy mạnh thật nhưng đối phương cũng theo đó mà mạnh theo, trước sau vẫn không cách nào ra được. Đàm công đã quyết chí, bèn thè lưỡi để giữa hai hàm răng, cắn mạnh một cái cho đứt đầu lưỡi, mồm ngậm đầy máu phun thẳng vào mặt Kiều Phong. Kiều Phong vội vàng tránh qua một bên, Đàm công liều xông tới, giơ chân hất cái xác của Triệu Tiền Tôn qua một bên, hai tay ôm xác Đàm bà, đầu ngoẹo xuống, tắt thở chết ngay.
Kiều Phong thấy cái thảm trạng đó, trong lòng bồi hồi không khỏi có chút xót xa. Vợ chồng họ Đàm và Triệu Tiền Tôn tuy không phải chính tay ông giết, nhưng cũng vì ông mà chết. Nếu muốn hủy diệt thi thể, vết tích ông chỉ cầm dậm chân một cái, đạp vỡ đáy thuyền, chiếc thuyền sẽ chìm xuống đáy sông nhưng nghĩ lại: “Nếu ta dấu ba cái xác này đi chẳng hóa ra có tật giật mình hay sao?”.
Ông đi ra khỏi khoang thuyền trở lên bờ định tìm xem có dấu chân hay manh mối gì chăng, nhưng không thấy gì cả.
Ông rảo bước chạy về khách điếm, A Châu vẫn đứng ngoài cửa trông chờ, thấy ông bình yên trở lại mừng rỡ ra mặt, nhưng thần tình bất định, biết ngay đuổi theo Triệu Tiền Tôn và Đàm bà chẳng được tích sự gì, hạ giọng hỏi nhỏ:
-Thế nào rồi?
Kiều Phong đáp:
-Chết hết!
A Châu hơi kinh ngạc nói:
-Cả Đàm bà lẫn Triệu Tiền Tôn?
Kiều Phong đáp:
-Luôn cả Đàm công nữa, cả thảy ba người.
A Châu lại tưởng do tay ông giết, trong bụng tuy không yên nhưng không tiện buông lời trách cứ, bèn nói:
-Triệu Tiền Tôn có nhúng tay vào việc làm chết cha đại gia, có giết cũng… cũng không đến nỗi gì.
Kiều Phong lắc đầu:
-Không phải ta giết đâu.
A Châu thở ra nói:
-Nếu không phải ông giết thì tốt lắm. Thiếp vẫn nghĩ rằng Đàm công, Đàm bà chưa từng làm gì đắc tội với đại gia có tha cũng được, thế nhưng ai giết thế?
Kiều Phong lắc đầu:
-Ta cũng không biết.
Ông bấm ngón tay tính toán rồi nói:
-Biết được tên của chính phạm cự ác kia bây giờ chỉ còn có ba người. Mình làm gì phải làm cho nhanh, đừng để kẻ kịch ra tay trước, việc gì mình cũng vào thế hạ phong.
A Châu đáp:
-Đúng thế, Mã phu nhân hận ông tận xương tủy, dù có cách nào cũng không chịu nói ra đâu. Huống chi dồn ép một quả phụ đâu phải là hành vi của một đại trượng phu. Còn chùa của Trí Quang hòa thượng ở tận Giang Nam, thôi mình đi tới Thái An đất Sơn Đông tìm nhà họ Đơn vậy.
Ánh mắt Kiều Phong tỏa ra một vẻ thương xót nói:
-A Châu, mấy hôm nay nàng quả là cực khổ.
A Châu lớn tiếng gọi:
-Chủ quán đâu, mau tính tiền.
Kiều Phong ngạc nhiên nói:
-Sáng mai tính tiền cũng chưa vội.
A Châu đáp:
-Không nên, tối nay đi luôn suốt đêm, đừng để cho kẻ địch lần nào cũng nhanh chân một bước.
Kiều Phong trong lòng cảm kích, gật đầu. Trời tối hai người ra khỏi thành Vệ Huy, trên đường đã nghe người ta đồn xôn xao về chuyện tên ác ma Kiều Phong hạ độc thủ, giết chết vợ chồng Đàm công và Triệu Tiền Tôn. Những người đó khi nói chuyện, mắt lấm lét nhìn quanh, chỉ sợ Kiều Phong bất thần xuất hiện, có biết đâu ông ta ở ngay bên cạnh, nếu như muốn ra tay thì y làm gì mà trốn tránh nổi.
Hai người trên đường thay đổi ngựa, ngày đêm liên tục chạy thẳng về hướng đông. Đi khoảng hai ngày đường, tuy A Châu chẳng hề thở ra một chữ “mệt” nào nhưng mắt nhắm mắt mở ngồi trên yên, suýt ngã mấy lần. Kiều Phong thấy nàng không còn chịu nổi nữa, nên bỏ ngựa đi xe. Hai người ngồi trên xe ngủ được ba bốn giờ, thấy đã đủ lại bỏ xe đi ngựa, hết sức chạy. Cứ thế không ngừng, A Châu vui vẻ nói:
-Lần này nhất định “tên đại ác” kia không thể nhanh hơn mình được.
Cả nàng lẫn Kiều Phong đều không biết kẻ địch là ai, mỗi khi nhắc đến người đó đành gọi là “tên đại ác”. Thế nhưng trong bụng Kiều Phong vẫn canh cánh lo, thấy “tên đại ác” này lần nào cũng nhanh hơn mình một bước, võ công y cũng không kém gì mình, cơ trí mưu lược lại còn hơn xa, huống chi tới giờ phút này mình vẫn như ở trong mây, chưa nhìn ra đường hướng gì còn mình làm gì kẻ địch đều biết rõ. Trong đời ông, chưa bao giờ gặp một đối thủ lợi hại như vậy. Có điều kẻ địch càng mạnh, ông vẫn hào khí ngất trời không chút hãi sợ gì cả.
Thiết Diện Phán Quan Đơn Chính ở ngoài thành phía đông của Thái An, Sơn Đông, nơi đây ai cũng biết cả. Kiều Phong và A Châu đến Thái An thì trời đã về chiều, hỏi kỹ nhà họ Đơn rồi lập tức băng ngang thành đi tới. Ra khỏi cửa đông chừng một dặm bỗng thấy khói bốc mịt trời, xem ra có chỗ nào đang cháy rồi có tiếng thanh la đánh vang dậy, văng vẳng có tiếng người kêu:
-Xách nước mau lên! Xách nước mau lên! Mau cứu hỏa!
Kiều Phong cũng không để ý, tiếp tục giục ngựa chạy càng lúc càng gần đám cháy. Chỉ nghe tiếng người la lối:
-Cứu hỏa mau, cứu hỏa mau, Thiết Diện Đơn gia đó!
Kiều Phong và A Châu hoảng hốt, cùng ghìm cương lại, đưa mắt nhìn nhau nghĩ thầm: “Không lẽ “tên đại ác” lại đi trước một bước?”. A Châu an ủi:
-Đơn Chính võ công cao cường, dẫu nhà có cháy cũng không đến nỗi chết ở trong đó.
Kiều Phong lắc đầu. Từ khi ông giết chết Đơn thị nhị hổ, kết oán với nhà họ Đơn cực kỳ sâu xa, lần này đến Thái An, tuy không có ý giết người nhưng biết chắc Đơn Chính và con cháu nhất định không bỏ qua, thể nào cũng một phen đại chiến. Ngờ đâu chưa đến được trang viện, đối phương đã bị hỏa tai, trong lòng không khỏi cảm thấy bùi ngùi.
Càng gần Đơn gia trang càng thấy nóng hắt vào mặt, ánh lửa bốc lên lem lém, quả là một đám cháy to. Khi đó dân chúng quanh vùng đã cùng chạy tới chữa lửa, kẻ thì tạt nước, người thì đổ cát. Cũng may chung quanh Đơn gia trang đều có hào sâu nên dân chúng lân cận không bị cháy lây.
Kiều Phong và A Châu chạy đến bên hỏa trường liền xuống ngựa đứng xem. Bỗng nghe một hán tử than thở:
-Đơn lão gia là người tử tế, ở đây cứu tế chẩn bần, mấy chục năm nay tích biết bao công đức, thế mà nhà cháy đã đành, toàn gia hơn ba chục người không một ai chạy được?
Một người khác đáp:
-Chắc là kẻ thù phóng hỏa, đóng chặt cửa không cho ai chạy ra. Nếu không phải thế, đến đứa trẻ lên năm trong nhà họ Đơn cũng biết võ, lẽ nào lại không chạy được?
Người lúc trước bèn nói:
-Nghe nói Đơn đại gia, Đơn nhị gia, Đơn ngũ gia ở Hà Nam bị một tên ác tặc là Kiều Phong giết hại, lần này đến đốt nhà, chẳng phải tên đại ác đó thì còn đứa nào?
A Châu và Kiều Phong khi nói chuyện nhắc tới kẻ đối đầu đã gán cho y cái tên “tên đại ác” lúc này lại nghe những người nhà quê cũng gọi mình là “tên đại ác” nên không khỏi đưa mắt nhìn nhau. Người tuổi trẻ hơn nói:
-Lẽ dĩ nhiên là Kiều Phong rồi.
Y nói đến đây chuyển sang thì thầm:
-Hẳn là y đưa một đám thủ hạ xông vào trang viện, giết sạch cả nhà họ Đơn không chừa con gà con chó. Ôi, trời xanh quả là không có mắt.
Người lớn tuổi hơn nói:
-Tên Kiều Phong kia tác ác đa đoan, mai sau thể nào chết thảm gấp trăm lần các vị đại gia nhà họ Đơn.
A Châu nghe bọn họ rủa Kiều Phong, trong bụng tức lắm, giơ tay vỗ vào cổ ngựa một cái, con ngựa giật mình, chân trái phóng ra, đá ngay vào mông gã kia. Gã đó kêu lên một tiếng, ngã sấp xuống. A Châu nói:
-Ngươi mồm miệng nói láo lếu gì thế?
Gã đó bị ngựa đá trúng, nghĩ đến thủ hạ “tên đại ác” kia hẳn là đông lắm, sợ đến mất vía không dám hó hé gì vội vàng lỉnh mất. Kiều Phong mỉm cười nhưng đầu mày cuối mắt có vài phần buồn bã, cùng A Châu chạy đến bên đám cháy. Họ nghe thấy mọi người xì xào bàn tán cùng một giọng, đều nói nhà họ Đơn già trẻ lớn bé hơn ba chục người không ai thoát chết. Kiều Phong ngửi thấy mùi xác người bị thiêu khét lẹt từ trong đám lửa bốc ra biết là những lời đó không sai, cả nhà Đơn Chính chết cháy cả.
A Châu khẽ nói:
-“Tên đại ác” này quả là độc địa, giết cha con Đơn Chính thì đã đành, sao lại phải giết toàn gia? Việc gì mà đốt luôn cả trang viện?
Kiều Phong hừ một tiếng nói:
-Cái đó gọi là nhổ cỏ nhổ tận rễ. Nếu là ta thì ta cũng đốt cả nhà.
A Châu kinh hãi hỏi lại:
-Sao thế?
Kiều Phong đáp:
-Tối hôm đó ở trong rừng hạnh, Đơn Chính có nói mấy câu, chắc nàng cũng có nghe. Ông ta nói: “Trong nhà tôi còn giữ mấy phong thư của vị “đàn anh đứng đầu”, đem ra so nét chữ quả đúng thật”.
A Châu thở dài:
-Đúng đó, y đã tính nếu giết Đơn Chính vẫn e ngại đại gia vào trong Đơn gia trang kiếm ra được mấy phong thư đó thì có thể biết được tính danh của người này. Một bó lửa đốt cháy rụi Đơn gia trang thì chẳng thư tín nào còn lưu lại được nữa.
Khi đó người đến chữa lửa mỗi lúc một đông nhưng hỏa thế đang lớn, từng thùng từng thùng nước dội vào, chỉ khoảnh khắc đã thành hơi nước bốc đi đâu có dập tắt được. Từng đợt lửa và hơi nóng bốc ra thổi dạt mọi người lùi lại. Đám đông một mặt thở than, một mặt chửi rủa Kiều Phong, dân nhà quê ăn nói thô tục thật là khó nghe.
A Châu sợ Kiều Phong nghe những lời nhục mạ vô lý đó, cơn thịnh nộ nổi lên lại mở một trường sát giới thì thật là thê thảm cho đám dân đen nên len lén nhìn ông, thấy mặt ông cực kỳ quái dị, dường như thương tâm mà cũng dường như ăn năn nhưng xem chừng thương xót nhiều hơn, tưởng chừng biết rằng đám dân quê ngu dốt không đáng giết. Chỉ nghe ông thở dài một tiếng, thản nhiên nói:
-Thôi mình đi Thiên Thai Sơn.
Ông đề cập đến núi Thiên Thai âu cũng là chuyện chẳng đừng. Trí Quang đại sư tuy năm xưa có tham gia chiến dịch giết hại cha mẹ ông nhưng về sau đại phát tâm nguyện đi đến những vùng đất xa lạ lấy các loại vỏ cây đem về làm thuốc chữa trị cho dân chúng hai vùng Chiết Mân Lưỡng Quảng bị chướng khí sốt rét, cứu sống vô số người, chính ông vì thế mà nhiễm trọng bệnh khi khỏi rồi võ công mất sạch. Hành động tế thế cứu nhân đó trên giang hồ ai ai cũng kính phục, nhắc đến Trí Quang đại sư đều gọi là “Vạn Gia Sinh Phật”, Kiều Phong không vì bất đắc dĩ thì không bao giờ đến gây chuyện với ông ta.
Hai người rời Thái An tìm đường đi xuống phía nam. Lần này Kiều Phong không cố gắng chạy thục mạng, nghĩ thầm nếu như mình cứ nhẩn nha mà đi, không chừng lại bảo tồn được tính mạng Trí Quang đại sư, còn như hết sức chạy cho nhanh, khi đến núi Thiên Thai lại chỉ thấy xác ông nằm đó mà thôi, cả cái miếu ông đang trụ trì có khi cũng bị đốt thành tro rồi. Huống chí Trí Quang ngao du vô định, vân du bốn biển chắc gì đang ở tại Thiên Thai Sơn.
Núi Thiên Thai ở Triết Đông, hai người từ Thái An xuôi nam, lần này đi thong thả, chẳng khác gì du sơn ngoạn thủy, vừa đi vừa đàm luận những chuyện lạ trên giang hồ, nếu trong bụng không khắc khoải thì quả là một chuyến du hành kỳ thú.
Hôm đó đi đến Trấn Giang, hai người lên chùa Kim Sơn thưởng lãm phong cảnh. Kiều Phong nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy mãi về hướng đông, bỗng chợt nghĩ ra một việc nói:
-Không chừng gã “đàn anh đứng đầu” và “tên đại ác” là một.
A Châu đập tay nói:
-Đúng rồi, vậy mà sao mình không nghĩ tới chuyện đó nhỉ?
Kiều Phong nói:
-Cũng có thể đây là hai người nhưng nhất định họ phải có liên hệ với nhau thật mật thiết, nếu không “tên đại ác” không thể nào dùng thiên phương bách kế để che đậy thân phận cho tên “đàn anh đứng đầu”. Thế nhưng đến những người như Uông bang chủ cũng còn đi theo thì tên “đàn anh đứng đầu” kia phải là một nhân vật ghê gớm lắm, cả “tên đại ác” cũng phải như vậy. Trên đời này làm gì có được hai cao nhân mà ta lại không biết được một? Cứ như thế mà suy ra, hai người này phần lớn cũng là một người mà thôi. Chỉ cần giết được “tên đại ác” là coi như ta đã trả xong mối thù giết cha giết mẹ rồi.
A Châu gật đầu khen phải, nói tiếp:
-Kiều đại gia, đêm hôm đó nơi rừng hạnh người ta kể lại chuyện ngày xưa, chỉ sợ… chỉ sợ…
Nàng nói tới đây, giọng hơi run run. Kiều Phong tiếp lời:
-Chỉ sợ “tên đại ác” cũng có mặt trong khu rừng hạnh chứ gì?
A Châu run run đáp:
-Đúng vậy. Hôm ở khu rừng hạnh Thiết Diện Phán Quan Đơn Chính nói là trong nhà ông ta có giữ mấy lá thư của “đàn anh đứng đầu” thành ra toàn gia mới bị đốt cháy rụi… Ôi, thiếp nghĩ lại chuyện này sao ớn quá.
Nàng hơi run, nép vào một bên Kiều Phong. Kiều Phong nói:
-Người này tâm tính độc ác, trên đời khó gặp. Triệu Tiền Tôn thà chịu thân bại danh liệt, không chịu thổ lộ chân tướng của y, Đơn Chính cũng giao hảo với y, vậy mà y vẫn đang tâm hạ độc thủ cả hai người. Đêm đó nơi rừng hạnh, làm gì có nhân vật nào lợi hại đến thế?
Ông suy nghĩ một chút nói tiếp:
-Còn một chuyện nữa mà ta nghĩ cũng thấy lạ.
A Châu hỏi:
-Chuyện gì thế?
Kiều Phong nhìn chiếc thuyền buồm trên sông nói:
-“Tên đại ác” thông minh mưu trí chỗ nào cũng hơn ta một bực, nói đến võ công, xem ra cũng chẳng kém gì ta. Nếu y muốn lấy mạng ta, e rằng cũng không lấy gì là khó. Thế sao y lại còn sợ ta biết được kẻ thù là ai?
A Châu nói:
-Kiều đại gia, ông cũng đừng có quá khiêm tốn. “Tên đại ác” kia tuy võ công cao siêu thật, nhưng thực ra sợ ông đòi mạng. Thiếp đoán rằng mấy ngày nay y trong lòng nơm nớp, sợ đại gia biết được y là ai đến báo thù. Nếu không y việc gì phải giết ông bà Kiều lão, rồi đến Huyền Khổ đại sư, Triệu Tiền Tôn, Đàm bà và toàn gia Thiết Diện Phán Quan nữa.
Kiều Phong gật đầu nói:
-Có lẽ là như thế.
Ông quay sang mỉm cười nhìn nàng nói:
-Thế nhưng nếu y không dám đến hại ta, cũng chẳng dám đến gần nàng nữa, nàng đừng sợ.
Một lát sau ông thở dài:
-Gã này tính toán quả là ghê gớm. Kiều mỗ thật uổng xưng mình là anh hùng, bị người ta đùa dỡn ngay trên đầu mà chẳng làm gì được ai!
Sau khi qua khỏi Trường Giang, chẳng mấy chốc đã vượt sông Tiền Đường, đến huyện Thiên đài. Kiều Phong và A Châu nghỉ lại một đêm ở khách điếm. Sáng hôm sau vừa trở dậy, đang định hỏi thăm đường lên núi Thiên Thai thì người chưởng quĩ lật đật tiến vào nói:
-Kiều đại gia, có một vị sư phụ ở Chỉ Quán thiền tự trên núi Thiên Thai xin được bái kiến.
Kiều Phong kinh hãi vì khi ông thuê phòng đã thuận miệng nói mình họ Quan, bèn hỏi lại:
-Sao ngươi lại gọi ta Kiều đại gia là sao?
Gã chưởng quĩ đáp:
-Sư phụ chùa Chỉ Quán tả hình dáng Kiều đại gia không sai chút nào.
Kiều Phong và A Châu đưa mắt nhìn nhau đều cảm thấy hơi khác lạ, hai người vốn đã hóa trang, không hoàn toàn giống như khi ở Thái An Sơn Đông vậy mà khi tới Thiên Thai đã bị người ta nhận ra ngay. Kiều Phong nói:
-Thôi được, mời ông ta vào đây.
Chưởng quĩ quay mình đi ra, chẳng bao lâu đưa vào một nhà sư lùn mập tuổi chừng ba mươi. Nhà sư đó chắp tay chào Kiều Phong nói:
-Gia sư thượng Trí hạ Quang sai tiểu tăng là Phác Giả đến mời Kiều đại gia và Nguyễn cô nương đến viếng tệ tự.
Kiều Phong thấy đến A Châu họ Nguyễn y cũng biết lại càng ngạc nhiên hỏi lại:
-Không hiểu tại sao sư phụ lại biết được họ của tại hạ?
Nhà sư Phác Giả đáp:
-Gia sư có dặn rằng ở tại khách điếm Khuynh Cái huyện Thiên Thai có một vị Kiều anh hùng và một vị Nguyễn cô nương nên sai tiểu tăng đến đón lên núi. Đây là Kiều đại gia, không biết Nguyễn cô nương đang ở đâu?
A Châu cải trang thành một người đàn ông trung niên nên hòa thượng Phác Giả không nhìn ra lại tưởng Nguyễn cô nương không có ở đây. Kiều Phong lại hỏi:
-Tối hôm qua chúng tôi mới đến đây, làm sao tôn sư lại biết được? Không lẽ tôn sư có tài tiên tri hay sao?
Phác Giả chưa kịp đáp gã chưởng quĩ đã xen vào:
-Lão thần tăng ở Chỉ Quán thiền tự thần thông quảng đại, chỉ bấm ngón tay là biết được Kiều đại gia sắp đến. Chẳng nói gì việc một hai ngày sau mà đến năm trăm nữa việc gì lão nhân gia cũng mười phần biết được sáu bảy.
Kiều Phong biết là Trí Quang đại sư tiếng tăm rất vang dội, dân chúng ngu dốt coi ông như thần thánh nên không muốn nhiều lời nói:
-Thôi để Nguyễn cô nương đi sau cũng được, xin ông đưa hai người chúng tôi lên bái kiến tôn sư trước.
Nhà sư Phác Giả nói:
-Vâng!
Kiều Phong đang toan trả tiền ăn ở gã chưởng quĩ liền nói:
-Đại gia là khách của lão thần tăng ở Chỉ Quán thiền tự đến ở đây, chúng tôi thật là vinh hạnh, vài đồng tiền thuê phòng ăn cơm quả tình không dám nhận.
Kiều Phong nói:
-Như vậy thì xin cám ơn.
Ông nghĩ thầm: “Trí Quang thiền sư thi ân bố đức cho dân chúng, cái mối thù ông ta làm hại cha mẹ mình ta không tính toán tới, chỉ mong ông ta thổ lộ “đàn anh đứng đầu” và “tên đại ác” là ai cũng đủ cho ta mãn nguyện rồi”. Ông lập tức cùng Phác Giả ra khỏi huyện thành đi về hướng núi Thiên Thai.
Núi Thiên Thai phong cảnh thanh u nhưng đường lên núi cheo leo hiểm trở hơi khó đi. Tương truyền Lưu Thần, Nguyễn Triệu đời Hán lạc vào núi này gặp tiên đủ biết phong cảnh phải đẹp đẽ là chừng nào, đường lên núi cong queo như rắn bò thật khó mà nhận ra được. Kiều Phong theo sau nhà sư Phác Giả thấy y cước lực thật cứng cỏi nhưng rõ ràng không phải là người biết võ công, nhưng không phải vì thế mà ông không dè chừng, nghĩ thầm: “Đối phương đã biết ta lẽ nào mình lại không phòng bị hơn nữa? Trí Quang thiền sư tuy là bậc cao tăng hữu đức thật, nhưng những người khác có chắc đâu bụng dạ cũng như ông ta”.
Ngờ đâu đường đến chùa Chỉ Quán đều bình an không có chuyện gì xảy ra. Các tự viện trong núi Thiên Thai có chùa Quốc Thanh thiên hạ đều biết tiếng, cao tăng đời Tùy Trí Khải đại sư đã từng tu tại đây phát triển Thiên Thai Tông trở thành một trọng địa của Phật môn suốt mấy trăm năm qua. Tuy nhiên trong võ lâm thì chùa Chỉ Quán lại lừng danh hơn. Kiều Phong vừa thấy hóa ra đây chỉ là một cái miếu nhỏ thật tầm thường, bên ngoài tường vách loang lở, nếu không có nhà sư Phác Giả đưa tới, Kiều Phong và A Châu chắc không thể nào tin nổi đây là ngôi chùa Chỉ Quán tiếng tăm lừng lẫy.
Phác Giả hòa thượng đẩy cửa miếu lớn tiếng nói:
-Sư phụ, Kiều đại gia đã đến rồi đây.
Có tiếng Trí Quang đại sư vọng ra:
-Quí khách từ xa đến mà lão nạp không kịp nghênh tiếp.
Nói xong bước ra ngoài cửa, chắp tay hành lễ.
Kiều Phong trước khi gặp lại Trí Quang vẫn canh cánh lo sợ “tên đại ác” sẽ giết ông ta chặn trước, đến bây giờ thấy mặt mới yên tâm, lập tức cùng A Châu xóa bỏ hóa trang để lộ bộ mặt thật ra tương kiến. Kiều Phong vái một cái thật sâu nói:
-Làm rộn việc thanh tu của đại sư, trong lòng không an chút nào.
Trí Quang nói:
-Thiện tai, thiện tai! Kiều thí chủ, ông vốn là họ Tiêu, tự mình đã biết hay chưa?
Kiều Phong thân hình run rẩy, tuy ông biết mình giòng giống Khất Đan nhưng phụ thân họ gì đến lúc này vẫn mù tịt, bây giờ mới nghe Trí Quang đại sư bảo mình họ Tiêu, tự nhiên lưng đổ mồ hôi lạnh, biết rằng thân thế chân tướng mình từ từ lộ ra, lập tức khom lưng nói:
-Tiểu khả bất hiếu, chính là đến đây để mong đại sư chỉ điểm.
Trí Quang gật đầu nói:
-Mời hai vị ngồi.
Ba người ngồi xuống ghế rồi, Phác Giả liền đem trà lên, nhìn thấy hai người tướng mạo biến cải, A Châu lại thành một người đàn bà nên hết sức ngạc nhiên nhưng vì có sư phụ ngồi đó nên không dám lên tiếng hỏi. Trí Quang nói tiếp:
-Tại thạch bích ngoài Nhạn Môn Quan lệnh tôn lưu lại tự tích, tự xưng họ Tiêu, tên là Viễn Sơn. Trong di văn gọi ông là Phong nhi nên bọn ta giữ nguyên tên đó, chỉ vì gửi Kiều Tam Hòe nuôi dưỡng nên theo họ của y.
Kiều Phong nước mắt ròng ròng, đứng bật dậy nói:
-Tại hạ cho đến tận hôm nay mới biết tên họ thực của phụ thân đều do ân đức của đại sư, vậy xin nhận một lạy này của tại hạ.
Nói xong ông liền phục xuống lạy. A Châu cũng đứng lên. Trí Quang chắp tay đáp lễ nói:
-Hai chữ ân đức nào có xứng đáng.
Quốc tính nước Liêu là Gia Luật, còn hoàng hậu từ xưa đến nay vẫn là họ Tiêu. Họ Tiêu đời đời là họ của hoàng hậu nên công khanh đầy triều, ở nước Liêu rất là quyền thế. Có khi Liêu chúa còn nhỏ tuổi, Tiêu thái hậu chấp chính, Tiêu gia uy thế càng thêm lừng lẫy. Kiều Phong đột nhiên biết mình thuộc dòng một họ lớn của Khất Đan nên trong lòng ngổn ngang trăm mối, đứng xuất thần một hồi, quay sang nói với A Châu:
-Từ nay trở đi ta là Tiêu Phong không còn là Kiều Phong nữa.
A Châu đáp:
-Đúng thế, Tiêu đại gia.
Trí Quang nói:
-Tiêu đại hiệp, tự tích còn lưu lại trên vách đá ngoài Nhạn Môn Quan, chắc là ông đã thấy qua rồi?
Tiêu Phong lắc đầu:
-Chưa đâu. Tại hạ ra ngoài quan ngoại, vết chữ trên vách đá đã bị ai đó đục mất, không còn chút ngấn tích nào.
Trí Quang thở dài nói:
-Mọi việc đều đã qua, đến tự tích trên vách đá cũng đã đục mất, mấy chục mạng người làm sao có thể cứu sống lại được?
Ông từ tay áo lấy ra một tấm vải cũ cực lớn nói:
-Tiêu thí chủ, đây là bức tự tích tô trên vách đá.
Tiêu Phong trong lòng bồi hồi, cầm lấy mảnh vải, mở ra hóa ra mảnh vải này là do rất nhiều mảnh quần áo rách khâu lại với nhau, chữ nào chữ nấy đều là vết trống ở giữa thành hình chữ trắng, nét bút quái lạ tuy hình dáng trông cũng giống chữ Hán nhưng không đọc được nên biết là chữ Khất Đan. Tuy nhiên nét bút hùng kiện, tưởng như dao đục búa chém, nghe Trí Quang đại sư hôm đó nói rằng, đây là do phụ thân mình khi sắp chết dùng dao khắc thành, nên mắt bỗng mờ đi, nước mắt lã chã rơi xuống, từng giọt từng giọt rơi trên mảnh vải nói:
-Mong được đại sư dịch giải.
Trí Quang đại sư nói:
-Năm xưa bọn ta tô được rồi mới đem nhờ người ở trong Nhạn Môn Quan biết chữ Khất Đan giải thích cho, hỏi mấy người thì ai ai cũng bảo cùng một ý xem ra không phải là sai. Tiêu thí chủ, hàng chữ này nói là: “Phong nhi vừa tròn một năm, ta đưa vợ con đi ăn tiệc ở bên bà ngoại, trên đường đột nhiên gặp phải bọn ăn cướp Nam Triều…”
Tiêu Phong nghe đến đây trong lòng xót xa, Trí Quang tiếp tục kể:
-… chỉ chớp mắt, vợ ta bị cướp giết chết nên cũng không muốn sống làm gì. Thụ nghiệp ân sư của ta là người Hán, ta đã từng thề trước mặt sư phụ không giết Hán nhân, ngờ đâu hôm nay giết một lượt hơn mười người, vừa thẹn vừa đau lòng, chết đi còn mặt mũi nào nhìn thấy ân sư được nữa. Tiêu Viễn Sơn tuyệt bút”.
Tiêu Phong nghe Trí Quang dịch xong, cung kính gập mảnh vải tô chữ lại nói:
-Đây là di trạch của tiên nhân Tiêu mỗ, mong đại sư ban cho.
Trí Quang nói:
-Xin nguyện phụng tặng.
Tiêu Phong đầu óc hỗn loạn, nghĩ đến cái đau lòng của phụ thân năm xưa, mới biết việc ông nhảy xuống vực tự tận chẳng phải chỉ vì đau lòng vợ bị giết mà thôi, mà còn là vì đã không vẹn lời thề, giết quá nhiều người Hán nên phải thẹn với sư môn.
Trí Quang chậm rãi thở dài một tiếng nói:
-Lúc đầu bọn ta vẫn tưởng lệnh tôn thống lãnh võ sĩ Khất Đan đến chùa Thiếu Lâm để đoạt kinh văn, đến khi đọc được di văn trên thạch bích này rồi mới biết là một chuyện lầm lẫn, hết sức sai quấy. Lệnh tôn đã quyết chí tự tận không lẽ nào khi sắp chết còn viết lời giả dối đánh lừa người ta. Nếu như ông ta toan đến chùa Thiếu Lâm đoạt kinh, lẽ nào lại mang theo một người vợ không biết chút võ công nào, bế thêm một đứa trẻ vừa đầy năm? Về sau chúng ta tra cứu cái tin đoạt kinh chùa Thiếu Lâm kia, thì ra từ miệng một kẻ nói láo, kẻ đó chủ tâm đùa rỡn “đàn anh đứng đầu” để cho ông ta phải nghìn dặm bôn ba để cho người ta cười một chuyến.
Tiêu Phong nói:
-Ôi, hóa ra chỉ là để đùa cợt mà thôi, gã ăn gian nói dối kia sao lại làm thế?
Trí Quang nói:
-“Đàn anh đứng đầu” tra xét rõ ràng rồi, trong bụng giận lắm nhưng tên nói láo kia đã trốn mất biệt, từ đó đến nay không thấy bóng dáng đâu nữa. Đến nay cũng đã ba mươi năm rồi, chắc y không còn sống trên đời này nữa.
Tiêu Phong nói:
-Đa tạ đại sư đã cho biết mọi việc tiền nhân hậu quả, khiến cho Tiêu Phong được trở lại thành một con người mới. Tiêu mỗ chỉ còn muốn hỏi thêm một việc.
Trí Quang đại sư hỏi:
-Tiêu thí chủ muốn hỏi chuyện gì?
Tiêu Phong hỏi:
-Cái vị “đàn anh đứng đầu” kia là ai thế?
Trí Quang nói:
-Lão nạp nghe nói Tiêu thí chủ chỉ vì muốn tra xét chuyện này mà đã giết chết Từ trưởng lão của Cái Bang, Đàm công, Đàm bà, Triệu Tiền Tôn bốn người, lại giết thêm cả nhà Thiết Diện Phán Quan Đơn Chính, đốt Đơn gia trang thành bình địa nên biết rằng sớm muộn gì cũng sẽ đến đây. Xin thí chủ chờ một chút, lão nạp sẽ đưa cho thí chủ coi một vật.
Nói xong ông đứng lên. Tiêu Phong đang định nói rõ Từ trưởng lão và những người kia mình không hề giết thì Trí Quang đã đi thẳng vào hậu đường không quay đầu lại. Một lát sau, nhà sư Phác Giả đi vào nhà khách nói:
-Sư phụ mời hai vị vào thiền phòng nói chuyện.
Tiêu Phong và A Châu đi theo y qua một con đường mòn hai bên trồng trúc xanh um, đến trước một căn nhà nhỏ. Phác Giả hòa thượng đẩy cửa ra nói:
-Xin mời!
Tiêu Phong và A Châu liền tiến vào. Trí Quang đại sư ngồi xếp bằng trên một chiếc bồ đoàn, nhìn Tiêu Phong mỉm cười, đưa ngón tay viết lên trên đất mấy hàng chữ. Căn nhà nhỏ này lâu nay không quét dọn nên bụi đóng thật dày thấy ông viết trên đó như sau:
Vạn vật đều là một,
Chúng sinh cũng ngang nhau.
Thánh hiền hay loài vật,
Cùng một khác gì đâu?
Dẫu Hán hay Hồ Lỗ,
Như thật mà như không.
Ân oán và vinh nhục,
Với cát bụi một dòng.
Viết xong ông nở một nụ cười rồi chậm rãi nhắm mắt lại. Tiêu Phong nhìn tám hàng chữ dưới đất, ngơ ngẩn xuất thần nghĩ bụng: “Dưới mắt nhà Phật, người nhân người ác cũng vậy thôi, đến súc sinh ngạ quỉ, vua chúa quan tướng cũng đều không có gì phân biệt. Ta có là người Hán hay là người Khất Đan, chẳng cần phải bàn làm gì. Thế nhưng ta có phải người tu hành đâu, làm sao có thể tiêu sái như vậy được?”. Ông bèn nói:
-Đại sư, vậy cái gã “đàn anh đứng đầu” đó là ai? Xin đại sư cho biết.
Ông hỏi luôn mấy câu, Trí Quang đại cư chỉ mỉm cười không trả lời. Tiêu Phong định thần nhìn kỹ, không khỏi giật mình, thấy mặt ông tuy nở một nụ cười nhưng cứng đơ không cử động. Tiêu Phong gọi giật lên hai lần “Trí Quang đại sư” nhưng ông vẫn không động tĩnh gì, vội đưa tay lên thăm mũi thì ra đã ngừng thở viên tịch từ bao giờ. Ông buồn bã không còn biết nói sao, quì xuống lạy mấy lạy, quay sang ngoắc A Châu:
-Thôi mình đi!
Hai người len lén đi ra khỏi chùa Chỉ Quán, lòng buồn rười rượi quay về huyện thành Thiên Thai.