Xa xôi vạn dặm đường trường,
Tay không bắt cọp như tuồng mèo con.
Anh hùng giữa cảnh núi non,
Can vân hào khí vẫn còn như xưa.
*
* *
Tiêu Phong trong lúc ngàn cân treo trên sợi tóc thoát được hiểm nghèo
như thế, kêu thầm: Hú vía, ý niệm đầu tiên nghĩ đến là: Con tiểu yêu
nữ này tâm địa độc ác thật, dám dùng cách đó ám toán ta. Ông biết ám
khí phái Tinh Tú thật là lợi hại, độc địa đến cực điểm, nếu như bị bắn
trúng thì thật khó mà sống được, không khỏi tim đập thình thình.
Đến khi ông nhìn lại A Tử bị một chưởng đánh văng xa hơn chục
trượng, đột nhiên thất kinh: Chết rồi, chưởng đó cô ta làm sao chịu nổi?
E rằng bị mình đánh chết rồi. Ông nhún một cái phóng mình nhảy tới,
thấy nàng hai mắt nhắm nghiền, máu từ hai bên khóe miệng ứa ra, mặt
vàng khè như đồ hàng mã, lần này quả là ngừng thở thật rồi.
Tiêu Phong ngẩn ngơ nghĩ bụng: Ta đã đánh chết A Châu, bây giờ lại
giết luôn cả cô em gái của nàng. Nàng… nàng khi sắp chết đã dặn ta lo
lắng cho muội muội, ngờ đâu… ngờ đâu… ta lại đánh chết luôn cả nó.
Tuy ý nghĩ đó chỉ vụt qua đầu nhưng bởi ông tâm thần hoảng hốt nên
tưởng như trải qua một thời gian thật dài. Ông lắc đầu, vội vàng giơ
chưởng đè vào sau lưng A Tử, đem chân khí nội lực hết sức truyền vào.
Một lúc sau, thân hình A Tử hơi rung động, Tiêu Phong mừng quá gọi:
– A Tử, A Tử, em đừng chết, bằng giá nào ta cũng nhất định sẽ cứu
em.
Thế nhưng A Tử chỉ cựa một cái rồi lại nằm yên. Tiêu Phong hết sức
bồn chồn, lập tức ngồi xếp bằng ngay trên mặt tuyết, nhè nhẹ đỡ A Tử
lên, để ngồi trước mặt đưa song chưởng để vào sau lưng, đem chân lực từ
từ truyền vào người cô gái. Ông biết rằng A Tử bị thương rất nặng, lúc
này chỉ cốt sao giữ cho nàng còn thoi thóp, tạm thời không chết rồi tìm
cách cứu chữa sau thành thử truyền chân khí vào người nàng cũng hết sức
chậm rãi. Độ chừng thời gian một bữa ăn, trên đầu ông tỏa ra những làn
hơi trắng đủ biết đã dùng toàn lực rồi.
Cứ như thế liên tục hành công chừng nửa giờ A Tử mới hơi động đậy,
rên khẽ lên một tiếng:
– Tỉ phu!
Tiêu Phong mừng quá, tiếp tục truyền vào nhưng không nói chuyện
với nàng, thấy thân thể cô ta dần dần ấm lại, mũi đã có hơi thở nhè nhẹ.
Tiêu Phong e ngại có chuyện không hay nên không dám ngừng chuyển
nội lực, đến mãi giữa trưa, hơi thở của A Tử mới đều đặn mặc dù mặt vẫn
xanh mét không một chút máu. Ông liền bồng ngang nàng trên tay, rảo
bước chạy đi.
Ông gia tăng cước bộ, cố sao vừa nhanh vừa ổn, tay trái vẫn để lên sau
lưng A Tử, không ngừng chuyển chân khí vào. Chạy đến hơn một giờ mới
đến một tiểu thị trấn, nơi đó không có khách điếm, đành phải tiếp tục đi
về hướng bắc, chạy đến hơn hai chục dặm, mới tìm ra được một nhà trọ
thật sơ sài. Khách điếm đó không có tiểu nhị, do chính chủ nhân tự hầu
hạ khách hàng. Tiêu Phong bảo người chủ đem lại cho ông một bát cháo
nóng, dùng thìa múc đút vào mồm A Tử. Thế nhưng nàng chỉ uống được
ba thìa, rồi lại ói ra cả, trong nước cháo có lẫn máu bầm.
Tiêu Phong cực kỳ lo lắng, nghĩ bụng A Tử bị thương kỳ này xem ra
khó mà trị được, Diêm Vương Địch Tiết Thần Y nào có biết đang ở nơi
nao, mà dẫu có ở gần bên, cũng chưa chắc đã làm được gì. Hôm trước A
Châu bị thương không trực tiếp do chưởng lực của phương trượng chùa
Thiếu Lâm mà đã nguy hiểm vạn phần, lại được bôi linh cao của Đàm
Công Thái Hàng sơn, rồi được Tiết Thần Y cứu chữa, có thế mới khỏi.
Tuy ông biết tính mạng A Tử khó mà bảo tồn nhưng không vì thế mà chịu
bó tay, chỉ nghĩ: Dù ta phải hết lòng hết sức, chân khí nội lực hao kiệt
hoàn toàn cũng cố còn nước còn tát. Không phải ta muốn cứu cô ta mà
chính là vì không muốn phụ lời trăn trối của A Châu.
Ông vẫn biết A Tử ra tay ám toán mình trước, trong hoàn cảnh đó, nếu
không đánh chưởng đó ra, tính mạng ắt không còn. Người võ công cao
cường như ông, mỗi khi gặp nguy đâu còn kịp suy nghĩ gì lập tức ra tay
chống đỡ giải nạn. Ông bị bắt buộc phải đả thương A Tử, ví như A Châu
có mặt nơi đây thì cũng không trách cứ gì được vì chính A Tử tự gây ra
họa cho mình chứ không liên quan đến ai, có điều vì A Châu không biết
nên ông cảm thấy có lỗi với nàng.
Đêm hôm đó ông không chợp mắt được chút nào, thâu đêm không
ngừng truyền chân khí để duy trì tính mạng cho A Tử. Hôm trước A Châu
bị thương, chỉ khi nào hơi thở thoi thóp Tiêu Phong mới ra tay, còn hiện
giờ bàn tay ông không lúc nào rời khỏi lưng A Tử, nếu không sẽ lập tức
chết ngay.
Tối hôm sau cũng y như thế. Tiêu Phong công lực tuy mạnh thật nhưng
hai ngày hai đêm hao tốn hơi sức cũng mệt mỏi vô cùng. Hai vò rượu mà
tiểu khách điếm trữ được đã bị ông uống sạch không còn một giọt, muốn
bảo chủ quán đi mua thêm nhưng túi đã cạn.
Ông một ngày không ăn cơm cũng chẳng hề gì nhưng một buổi không
có rượu thì thật khó chịu, lúc này trong bụng đang buồn bực lại càng cần
có rượu cho tỉnh táo, nghĩ thầm: Trên người A Tử ắt có mang theo tiền
bạc.
Ông cởi cái bị của nàng ra, quả nhiên có ba đĩnh vàng nhỏ, vài đĩnh
bạc lẻ. Ông lấy ra một đĩnh bạc, buộc cái túi lại, thấy cái túi có một sợi
dây vải màu tím, một đầu buộc vào ngang hông. Tiêu Phong nghĩ thầm:
Gớm cô bé này cẩn thận quá, sợ cái túi bị rơi mất, không biết cái gì mà
buộc dính chặt vào người thế này mới yên bụng. Ông cởi cái nút buộc
vào lưng, cái nút đó tết thật kỹ, dùng một tay phải mất bao nhiêu công
lao mới gỡ ra được. Cái dây vừa tuột ra dường như đầu kia còn có vật gì
dấu trong quần.
Ông buông tay ra nghe cách một tiếng, vật đó rơi xuống sàn, chính là
một chiếc đỉnh nhỏ bằng gỗ màu vàng sậm. Tiêu Phong thở dài, cúi
xuống nhặt lên đặt trên bàn. Chiếc đỉnh đó điêu khắc cực kỳ tinh mỹ
bằng một loại gỗ bóng loáng như ngọc, trong thớ có thấp thoáng vân đỏ.
Tiêu Phong biết ngay đây là vật mà phái Tinh Tú dùng để luyện Hóa
Công Đại Pháp, cảm thấy chán ghét nên chỉ liếc qua rồi không màng tới
nữa, nghĩ thầm: Tiểu cô nương này quả là giảo hoạt, mồm năm miệng
mười bảo là Thần Mộc Vương Đỉnh đã giao cho ta rồi, có ai ngờ vẫn dấu
trong ống quần. Có lẽ đồng môn của nàng tưởng đã giao lại cho ta thật,
hoặc giả không tiện tra xét đàn bà con gái nên trước sau không ai khám
phá ra được. Ôi, hôm nay tính mạng nàng cũng chẳng giữ được, cái thứ
thân ngoại chi vật này có làm gì?
Ông bèn gọi chủ quán vào bảo y cầm lượng bạc đi mua rượu thịt, còn
mình tiếp tục dùng nội lực bảo trì tính mạng cho A Tử. Đến sáng ngày thứ
tư, ông không còn chịu đựng được nữa, chỉ còn nước hai tay nắm một bàn
tay A Tử, ôm nàng vào lòng cho dựa lên người mình, đem nội lực truyền
theo chưởng tâm, chỉ được một lát hai mắt không còn mở nổi, lơ mơ ngủ
luôn.
Thế nhưng ông khắc khoải tính mạng A Tử nên chỉ chợp mắt một tí rồi
lại choàng tỉnh, cũng may trong khi nằm ngủ, chân khí lưu động miễn sao
lòng bàn tay không xa rời A Tử nên hơi thở của cô ta không bị đứt quãng.
Cứ như thế thêm hai ngày nữa, tuy A Tử miễn cưỡng không tắt hơi
nhưng thương thế chẳng bớt chút nào, dẫu nằm chết bẹp trong tiểu điếm
này cũng chẳng đi đến đâu? Thỉnh thoảng A Tử cũng mở được mắt nhưng
thần thái lờ đờ, hiển nhiên không biết gì cả, cũng không nói năng được
câu nào. Tiêu Phong hết sức suy nghĩ nhưng không tìm ra kế sách, nghĩ
thầm: Thôi đành ôm nàng lên đường, may ra còn có cơ hội chứ ở trong
khách điếm này rồi cũng vô phương.
Ông bèn tay trái ôm A Tử, tay phải cầm cái túi của nàng bỏ vào bọc,
thấy cái đỉnh trên bàn nghĩ thầm: Cái thứ đồ này chỉ dùng để hại người,
chi bằng đập vỡ nó đi cho xong. Ông định giơ chưởng đánh xuống bỗng
chợt nghĩ lại: A Tử trăm đắng nghìn cay mới ăn trộm được cái vật này.
Bây giờ xem ra thương thế nàng không thể nào chữa được, lúc sắp chết
hồi quang phản chiếu, có thể tỉnh táo lại trong phút chốc, không chừng lại
hỏi đến cái mộc đỉnh, lúc đó ta đem ra cho nàng xem để nàng an tâm mà
chết còn hơn ôm hận xuống tuyền đài.
Ông bèn cầm cái đỉnh gỗ lên, vừa chạm phải cảm thấy dường như bên
trong có cái gì cựa quậy, hết sức lạ lùng, chăm chú nhìn, mới hay chung
quanh có năm cái lỗ to bằng đồng tiền, còn nơi cổ đỉnh có đường ngấn,
xem ra có thể tháo ra. Ông lấy ngón út và ngón vô danh kẹp chiếc đỉnh,
dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ xoay phía trên qua bên trái, quả nhiên
chuyển động được. Xoay được mấy vòng, mở nắp nhìn vào trong không
khỏi ngạc nhiên, lại thấy kinh khiếp. Thì ra bên trong có hai con độc
trùng, một con rết và một con bò cạp, đang cắn nhau hết sức dữ dội.
Mấy hôm trước khi ông bỏ chiếc đỉnh trên bàn, trong đỉnh rõ ràng có
gì đâu, xem ra con rết và con bò cạp này mới ở đâu bò vào. Tiêu Phong
đoán chừng đây là phương pháp tìm bắt độc trùng độc vật của phái Tinh
Tú nên nghiêng chiếc đỉnh đổ hai con vật xuống đất, lấy chân dẵm chết,
sau đó đóng nắp lại, bỏ lại vào trong túi vải. Tiêu Phong tính toán tiền
nong xong xuôi rồi, ôm A Tử lên xông gió đạp tuyết đi về hướng bắc.
Ông kết oán thù cực kỳ sâu xa với hào kiệt Trung Nguyên, đường đi
càng lúc càng gần kinh đô Biện Lương nhà Đại Tống, thể nào cũng đụng
đầu nhân vật võ lâm. Ông không muốn giết người kết thêm thù oán, lại
không muốn cải trang, thêm trên tay ôm A Tử nếu phải động thủ với
người thực là bất tiện thành thử tránh đường lớn, chỉ tìm những đường
mòn hẻo lánh ở chốn sơn dã mà đi nên suốt mấy trăm dặm vẫn bình an
vô sự.
Hôm đó đến một thị trấn lớn, thấy một tiệm thuốc bên ngoài có treo
bảng: Nho y gia truyền Vương Thông Trị chẩn bệnh miễn phí, nghĩ
bụng: Địa phương nhỏ chắc không có danh y đâu nhưng mình cũng cứ
vào thử xem thế nào. Ông liền ôm A Tử đi vào xin chữa trị.
Nho y Vương Thông Trị cầm tay A Tử đưa mắt nhìn Tiêu Phong, lại
bắt mạch A Tử lần nữa, lại nhìn Tiêu Phong, vẻ mặt cực kỳ khác lạ, đột
nhiên đưa tay bắt mạch Tiêu Phong. Tiêu Phong bực tức nói:
– Này thầy lang, ta nhờ ông chữa bệnh cho em gái ta chứ nào có nhờ
thầy chữa cho ta đâu.
Vương Thông Trị lắc đầu nói:
– Ta xem ông cũng có bệnh, đầu óc khật khùng, tâm thần rối loạn
đảo điên, cần phải chữa trị ngay đi.
Tiêu Phong đáp:
– Ta làm gì mà đầu óc khật khùng?
Vương Thông Trị đáp:
– Vị cô nương này mạch đã ngừng, vốn dĩ chết rồi, có điều thân thể
chưa cứng đấy thôi. Ngươi ôm cô ta đi tìm thầy thuốc làm gì? Thế chẳng
phải tâm thần rối loạn hay sao? Này lão huynh, người chết không thể
sống lại, ngươi cũng chẳng nên quá thương tâm mà ôm xác lệnh muội, chi
bằng mau mau đem chôn, thế cũng là xong.
Tiêu Phong dở khóc dở cười nhưng ngẫm lại lời ông lang này cũng có
lý, đúng là A Tử chết rồi, chỉ còn nhờ chân khí của mình mà thoi thóp,
thầy lang tầm thường làm sao biết được? Ông đứng lên quay người đi ra.
Bỗng thấy một người ăn mặc theo lối quản gia hấp tấp chạy vào tiệm
thuốc giục giã:
– Mau lên! Mau lên! Cho loại lão sơn nhân sâm1 tốt nhất. Lão thái
gia nhà ta bị trúng phong, sắp tắt hơi đến nơi, cần nhân sâm để giữ cho
khỏi chết.
Dược điếm chưởng quĩ vội đáp:
– Có đây! Có đây! Thượng hảo hạng lão sơn nhân sâm đây.
Tiêu Phong nghe nói lão sơn nhân sâm để giữ cho khỏi chết lập tức
nhớ ra cũng từng nghe người bệnh nặng sắp tắt thở nếu cho uống mấy
ngụm sâm thang sắc đặc thì có thể cầm hơi, sống thêm được một lúc, trối
trăn vài câu, có điều không nghĩ tới để dùng cho A Tử. Gã chưởng quĩ lấy
ra một cái hộp gỗ gụ, trịnh trọng mở nắp trong đó có ba củ sâm to bằng
ngón tay. Tiêu Phong cũng nghe nói nhân sâm càng to càng tốt, bên
1 Nhân sâm mọc hoang lâu năm
ngoài nhăn nhúm càng quí nếu lại thành hình người, đủ cả đầu mình chân
tay ấy là loại già dặn cực phẩm. Ba củ sâm này chỉ là loại thường, trông
chẳng có gì đặc biệt, gã quản gia lấy một củ lật đật đi ngay.
Tiêu Phong lấy đĩnh vàng ra, mua luôn hai củ còn lại. Trong tiệm
thuốc có sẵn dụng cụ sắc thuốc giùm khách hàng, lập tức bảo nấu sâm
thang đút cho A Tử uống mấy hớp. Lần này may quá nàng không nôn ra.
Lại cho nàng uống thêm mấy ngụm nữa, Tiêu Phong cảm thấy mạch
nhảy mạnh hơn, hơi thở cũng đều hòa được một chút, trong bụng không
khỏi mừng thầm.
Gã nho y Vương Thông Trị đứng bên cạnh, liên tiếp lắc đầu nói:
– Lão huynh, nhân sâm không phải dễ kiếm, phí phạm thế thật uổng.
Nhân sâm cũng chẳng phải linh chi tiên thảo, nếu như cứu người chết
sống lại được thì kẻ có tiền chắc sống đời đời.
Mấy hôm nay Tiêu Phong không hề rời xa A Tử được lấy một bước,
trong lòng buồn bực đã lâu, nghe gã Vương Thông Trị đứng kế bên lèm
bèm rặt giọng bàn ra, tức khí xông lên, vung tay toan đánh cho y một
chưởng. Thế nhưng ông vừa cất tay thì cố nhịn: Đánh bừa bãi kẻ không
biết võ công thì đâu phải anh hùng hảo hán? Ông bèn rụt tay về, ôm A
Tử lên đi ra khỏi tiệm thuốc bắc, văng vẳng nghe Vương Thông Trị vẫn
còn khinh khỉnh nói theo:
– Hán tử này quả là hồ đồ, ôm cái xác chết chạy ngược chạy xuôi,
xem ra tính mạng y cũng chẳng được bao lâu.
Ông thầy lang có biết đâu mình vừa đến quỉ môn quan lại quay trở lại,
nếu như Tiêu Phong tức giận đánh cho bõ tức thì dẫu có mười Vương
Thông Trị cũng thành bất trị.
Tiêu Phong ra khỏi dược điếm rồi nghĩ thầm: Nghe nói lão sơn nhân
sâm chỉ có ở nơi cực lạnh trong dãy Trường Bạch, chi bằng mình lên đó
cầu may. Vẫn biết cứu sống A Tử quả là thiên nan vạn nan, nhưng giữ
cho nàng sống thêm được ngày nào, A Châu ở trên trời có linh thiêng thì
trong lòng cũng vui vẻ thêm được chừng nấy.
Nghĩ thế ông chuyển qua bên phải tìm đường đi về phía đông bắc.
Trên đường đi mỗi khi gặp tiệm thuốc liền đi vào mua nhân sâm, đến sau
tiền bạc tiêu hết, chẳng ngại ngùng gì vào lấy không, vài tên phổ ky2 làm
gì ngăn nổi? A Tử uống một lượng lớn nhân sâm rồi, thỉnh thoảng cũng
có thể mở mắt ra, kêu khẽ: Tỉ phu! đến tối cũng ngủ được vài giờ
không cần tiếp chân khí mà vẫn tự mình thoi thóp được. Cứ như thế càng
đi càng lạnh, sau cùng Tiêu Phong cũng bế A Tử đến được núi Trường
Bạch. Tuy nói là trong dãy Trường Bạch có nhiều nhân sâm nhưng nếu
không phải là người chuyên môn đã quen thuộc địa thế, trong nghề sành
sỏi lâu năm, thì dẫu có một năm sáu tháng cũng chưa chắc tìm ra một củ.
Tiêu Phong tiếp tục lên hướng bắc, người đi đường càng lúc càng thưa,
đến sau chung quanh chỉ là rừng sâu cỏ dày, núi cao đồi tuyết, luôn mấy
ngày cũng không gặp một ai, trong lòng không khỏi kêu khổ thầm: Chết
rồi! Khắp nơi chỗ nào cũng băng tuyết, làm thế nào mà tìm được sâm?
Chi bằng trở về nơi nào có buôn bán, có tiền thì mua, không tiền thì
cướp. Nghĩ thế ông ôm A Tử tìm đường quay trở về.
Khi đó khí trời lạnh ngắt, mặt đất đầy băng, tuyết đóng cao mấy thước
thật là khó đi, nếu ông không phải là người võ công trác tuyệt thì dù
không chết cóng cũng bị sa lầy vào trong tuyết trắng chẳng thoát ra được.
Đi đến ngày thứ ba, trời u ám, xem ra bão tuyết đang kéo đến, đưa
mắt trái phải trước sau chỗ nào cũng trắng xóa, trên mặt đất không thấy
một dấu chân người, đến vết dã thú cũng không. Tiêu Phong trong bụng
hoang mang, tựa hồ đang ở giữa biển khơi bao la không bờ không bến chỉ
có tiếng gió rít thổi ù ù bên tai.
Tiêu Phong biết mình đã bị lạc, mấy bận nhảy lên trên cây cao nhìn
bốn bề, chung quanh chỉ toàn cây cối rậm rạp tuyết phủ trắng xóa nào có
biết đâu là đông, là tây, là nam, là bắc? Ông sợ A Tử bị lạnh, cởi trường
bao ra bọc nàng lại ôm vào lòng. Ông tuy trước nay không sợ trời sợ đất
gì cả nhưng lúc này ở chốn thiên địa mang mang, tưởng như chỉ còn lại
một thân một mình, không khỏi chột dạ. Nếu quả như chỉ mình ông thôi
thì cũng đành, biển tuyết tuy mênh mông nhưng cũng không đến nỗi
tuyệt vọng, thế nhưng khỗ nỗi trong tay lại ôm một nàng A Tử đang mê
man, sống dở chết dở.
2 khỏa kế, tức người giúp việc trong tiệm
Đã ba hôm nay ông không ăn uống gì, tính chuyện bắt một con gà
rừng hay con thỏ dại chi đó nhưng cũng không thấy nghĩ thầm: Mình cứ
chạy lung tung thế này chẳng đi đến đâu, chi bằng ngủ lại một đêm trong
rừng, đợi tuyết ngừng rơi, nhìn trăng sao sẽ có thể tìm ra phương hướng.
Ông kiếm một nơi khuất gió, kiếm ít củi khô, đốt một đống lửa. Lửa
cháy to rồi, trong lòng cũng cảm thấy ấm áp nhưng bụng đói đến sôi sùng
sục, nhìn dưới gốc cây có những cây nấm dại màu trắng xám xem chừng
không độc liền hái nướng lên ăn đỡ dạ.
Ăn đến hơn hai chục tai nấm rồi tinh thần cũng hơi phấn chấn, bèn đỡ
A Tử nằm dựa vào ngực mình để sưởi. Đang toan nhắm mắt ngủ bỗng
nghe một tiếng à uôm thật lớn, chính là tiếng hổ gầm. Tiêu Phong
mừng quá: Xem ra có thú lớn đến đây, mình có thịt hổ ăn rồi.
Ông lắng tai nghe, thấy có hai con hổ từ tuyết địa chạy tới, kế đó có
tiếng lao xao, dường như có người đang đuổi theo. Ông nghe thấy tiếng
người thật mừng hết cỡ, lắng tai nghe thấy hai con dã thú chạy về hướng
tây, lập tức đặt A Tử xuống bên cạnh đống lửa, thi triển khinh công, đi tắt
chặn đầu chúng lại. Khi đó tuyết đổ đang nhiều, gió bấc thổi mạnh, khiến
cho khắp trời chỗ nào cũng mù mịt.
Chỉ mới chạy được độ mươi trượng đã thấy trên mặt tuyết hai con hổ
vằn vện đang chạy thục mạng, phía sau là một đại hán lưng khoác da thú,
tay cầm đinh ba đang rượt nà theo. Hai con cọp đó thật lớn, chạy được
một quãng thì một con gầm lên quay phắt lại chồm vào người thợ săn.
Hán tử đó liền giơ chĩa lên, nhắm thẳng cổ họng mãnh thú đâm tới. Con
cọp đó hết sức nhanh nhẹn, hất đầu qua tránh được thiết xoa, cùng lúc đó
con hổ kia cũng xông tới vồ.
Người thợ săn lập tức đảo đinh ba lại, nghe bịch một tiếng đã dùng cán
chĩa quật ngang bụng con vật. Con vật bị đau, rống lên một tiếng, cụp
đuôi bỏ chạy. Con hổ còn lại cũng không màng lập tức chạy theo.
Tiêu Phong thấy người thợ săn thân thể cao to, cánh tay thật khỏe
nhưng không biết võ công, chỉ quen với tập tính dã thú nên hổ chưa vồ y
đã để thiết xoa đón trước, chính là cách liệu địch cơ tiên nhưng muốn
đâm chết hai con cọp quả không phải dễ.
Tiêu Phong kêu lên:
– Lão huynh, ta đến giúp ngươi đây.
Ông từ trong phóng ra chặn đường hai con hổ. Người thợ săn thấy Tiêu
Phong xông ra, hết sức kinh hãi, lớn tiếng la lối om sòm, không phải Hán
ngữ. Tiêu Phong chẳng hiểu y nói gì cũng chẳng để ý, giơ tay phải lên,
nhắm ngay đầu một con cọp đánh cho một chưởng, bình một tiếng, con
vật tung lên, lộn tùng phèo, kêu rống lên rồi phóng thẳng vào ông.
Chưởng mới rồi Tiêu Phong sử dụng đến bảy thành lực, dù là kẻ võ
công cao cường, nếu trúng đòn thì thể nào cũng vỡ đầu nhưng mãnh hổ sọ
cứng xương thô, chưởng lực liệt thạch khai bi kia cũng chỉ khiến nó lộn đi
một vòng rồi lại xông vào. Tiêu Phong khen thầm: Giỏi nhỉ, mi quả là
gớm thật! nghiêng người né qua, tay phải từ trên chém xéo xuống, nghe
bụp một tiếng, trúng ngay ngang sườn con vật.
Cú chém đó ông tăng thêm một thành công lực, con mãnh hổ loạng
quạng mấy bước, rồi bỏ chạy. Tiêu Phong tiến lên, tay phải vươn ra chộp
trúng ngay đuôi con cọp, tay trái cũng phụ vào, quát lên một tiếng, thi
triển thần lực kéo ghì con hổ lại. Con cọp đang phóng về phía trước bị
Tiêu Phong giữ ghịt, hai luồng lực đạo chõi nhau khiến con vật bị hất tung
lên.
Người thợ săn cầm đinh ba đang đấu với con hổ kia, thấy Tiêu Phong
quăng con cọp lên kinh ngạc không sao kể xiết. Con cọp ở trên không
nhe răng, giương vuốt, từ cao vồ xuống. Tiêu Phong lại quát lên một
tiếng, song chưởng cùng tung ra, nghe hự một tiếng, trúng ngay bụng dưới
con vật. Bụng hổ là nơi thịt mềm, chiêu Bài Vân Song Chưởng đó chính
là công phu đắc ý của Tiêu Phong, ngũ tạng con cọp liền vỡ nát, lăn lộn
một hồi trên mặt tuyết rồi chết tươi.
Người thợ săn trong lòng hết sức kính phục, người ta tay không đánh
cọp, mình dùng đinh ba giết một con không xong, chẳng khiến người ta
coi thường lắm ru? Nghĩ thế y bèn đâm trái một cái, đâm phải một cái,
hết nhát nọ đến nhát kia nhằm ngay mình hổ mà nhử. Con cọp bị trúng
mấy nhát, hung tính nổi lên, nhe hàm răng nhọn hoắt, tung mình vồ tới.
Gã thợ săn nghiêng qua tránh được, đinh ba đảo ngang, nghe phụp một
tiếng đã đâm ngay vào cổ con thú, hai tay đẩy một cái, con vật rống lên
thảm thiết ngã lăn ra đất. Người đó vận sức lên cánh tay, đè chặt con cọp
xuống mặt tuyết. Chỉ nghe tiếng soạt soạt liên tiếp, quần áo bằng da thú
trên người y đã bục ra một mảng lớn, để lộ cái lưng trần, bắp thịt cuồn
cuộn trông thật hùng vĩ.
Tiêu Phong nhìn thấy khen thầm: Hảo hán tử! Con hổ nằm chổng
bốn chân lên trời, móng vuốt cào cấu vùng vẫy, chỉ một lát không còn
động đậy gì nữa. Người thợ săn rút chiếc đinh ba ra, cười lên ha hả, quay
người lại, nhìn Tiêu Phong giơ lên một ngón tay cái, nói xí xố mấy câu.
Tiêu Phong tuy không hiểu y nói gì nhưng nhìn thần tình của y cũng biết
đang khen ngợi mình quả là anh hùng, bèn bắt chước bộ dạng của y, cũng
giơ hai ngón tay cái lên nói:
– Anh hùng! Anh hùng!
Người đó mừng lắm, chỉ chỉ vào đầu mũi mình nói:
– Hoàn Nhan A Cốt Đả!
Tiêu Phong nghĩ chắc đây là tên y, cũng chỉ vào đầu mũi mình nói:
– Tiêu Phong!
Người kia hỏi lại:
– Tiêu Phong? Khất Đan?
Tiêu Phong gật đầu nói:
– Khất Đan! Ngươi?
Rồi đưa tay chỉ vào y để hỏi. Người kia đáp:
– Hoàn Nhan A Cốt Đả! Nữ Chân!
Tiêu Phong đã từng nghe ở phía đông nước Liêu, phía bắc nước Cao
Ly có một giống người tên gọi Nữ Chân, tộc nhân dũng mãnh thiện
chiến, thì ra gã Hoàn Nhan A Cốt Đả này là người thuộc giống này3. Tuy
ngôn ngữ không thông nhưng giữa cảnh tuyết trắng mịt mùng gặp được
một đồng bạn cũng vui mừng khôn xiết, lập tức hoa chân múa tay cho y
3 tức Mãn Châu sau này
biết là còn một người nữa, sau đó vác con hổ chết lên đi lại phía A Tử
đang nằm. A Cốt Đả cũng vác con hổ của y lên đi theo ở đằng sau.
Hổ mới chết máu chưa kịp đông, Tiêu Phong lật con thú lại cắt cổ cho
máu chảy vào mồm A Tử. A Tử không mở mắt được nhưng vẫn biết
uống, đến trên chục ngụm mới thôi. Tiêu Phong rất mừng, cắt hai đùi
nướng trên lửa. A Cốt Đả thấy ông tay không xé con vật như người ta xé
con gà, thủ kình như thế y chưa từng thấy, chưa từng nghe, ngơ ngẩn nhìn
hai cánh tay ông một hồi rồi nhẹ nhàng vuốt ve cổ tay, cánh tay ông, nét
mặt đầy vẻ kính phục.
Thịt hổ nướng chín rồi, Tiêu Phong và A Cốt Đả ăn đến no. A Cốt Đả
mới ra hiệu hỏi ông đến đây làm gì, Tiêu Phong cũng chỉ trỏ ý nói đi tìm
nhân sâm để trị bệnh cho A Tử nhưng bị lạc lối. A Cốt Đả cười ha hả, lại
múa may lung tung nói là muốn có nhân sâm thì rất dễ, đi theo y bao
nhiêu cũng có. Tiêu Phong mừng quá, đứng dậy, tay trái bồng A Tử, tay
phải xách một con hổ chết. A Cốt Đả giơ tay lên khen:
– Khỏe thật!
Địa thế vùng này A Cốt Đả rất quen thuộc tuy trời gió bão lớn nhưng
không lầm lẫn chút nào. Hai người đi đến chiều tối thì ngủ lại trong rừng,
đến sáng hôm sau lại đi. Cứ như thế đi về hướng tây hai ngày, đến trưa
ngày thứ ba, Tiêu Phong thấy trên mặt tuyết rất nhiều dấu chân. A Cốt
Đả liên tiếp ra hiệu nói là đã đến gần tộc nhân rồi. Quả nhiên đi qua hai
cái thung lũng, thấy bên triền núi phía đông nam lấm tấm đến mấy trăm
căn lều bằng da thú. A Cốt Đả chúm môi huýt một tiếng, từ trong doanh
trướng lập tức có người ra đón.
Tiêu Phong theo A Cốt Đả tới gần, thấy trước mỗi căn lền đều có một
đống lửa, vô khối đàn bà ngồi đầy chung quanh kẻ thì may da thú, người
thì sấy thịt khô. A Cốt Đả dẫn Tiêu Phong đến căn lều to nhất ngay chính
giữa, vén màn đi vào. Tiêu Phong cũng đi theo y. Bên trong lều có chừng
mươi người đàn ông ngồi thành vòng tròn, đang uống rượu, vừa thấy mặt
A Cốt Đả đã lớn tiếng reo hò ầm ỹ. A Cốt Đả chỉ vào Tiêu Phong, nói
huyên thuyên, nhìn bộ dạng đoán chừng đang kể lại chuyện ông tay
không đánh chết hổ.
Mọi người liền vây quanh Tiêu Phong, ai nấy giơ ngón tay cái lên,
không ngớt tấm tắc khen ngợi. Còn đang xôn xao, một gã người Hán ăn
mặc theo lối con buôn bước vào, quay sang hỏi Tiêu Phong:
– Vị gia đài này có nói được tiếng Hán không?
Tiêu Phong mừng rỡ đáp:
– Được chứ! Đươc chứ!
Hỏi ra mới biết căn lều này là doanh trướng của tộc trưởng Nữ Chân.
Người ngồi giữa có râu đen là trưởng tộc Hòa Lý Bố. Ông ta có cả thảy
mười một người con, người nào cũng anh hùng, A Cốt Đả là con trai thứ.
Người Hán đó tên là Hứa Trác Thành, năm nào đến mùa đông cũng tới
đây thu mua nhân sâm, da thú đến đầu mùa xuân mới quay về. Hứa Trác
Thành biết nói tiếng Nữ Chân nên làm thông dịch cho Tiêu Phong.
Người Nữ Chân với người Khất Đan thường thường vẫn đánh lẫn nhau
nhưng rất kính trọng những bậc anh hùng hảo hán. Hoàn Nhan A Cốt Đả
là người lanh lợi giỏi giang, rất được phụ thân yêu thích, người trong bộ
lạc cũng kính trọng y, nay luôn mồm ca ngợi Tiêu Phong nên không ai
hiềm rằng ông là người Khất Đan mà đều đối xử như khách quí.
A Cốt Đả nhường căn lều của mình cho Tiêu Phong và A Tử ở, Tiêu
Phong chối từ mấy câu nhưng A Cốt Đả nhất định không chịu. Tiêu
Phong thấy y thành thực nên đành chấp nhận.
Tối hôm đó người Nữ Chân mở một đại tiệc để đón chào Tiêu Phong,
thịt hai con mãnh hổ đương nhiên trở thành món ăn trân quí. Đã nửa
tháng nay môi Tiêu Phong không được chạm đến một giọt rượu, bây giờ
người Nữ Chân đem túi da này đến túi da khác, đến đâu hết đó, Tiêu
Phong được một bữa thỏa thuê. Rượu của người Nữ Chân vị cay sè cực
mạnh, người thường chỉ cần nửa bao đã say nhưng Tiêu Phong uống luôn
một chục túi mà sắc mặt vẫn như không. Người Nữ Chân xưa nay vẫn
xem lượng rượu uống nhiều ít mà coi là hảo hán, chuyện ông tay không
đánh cọp chỉ nghe kể chưa thấy tận mắt nhưng cách uống rượu thế này,
mười hảo hán Nữ Chân đến uống thi mà chẳng một ai hơn khiến tất cả
đều kính phục.
Hứa Trác Thành thấy người Nữ Chân nể sợ ông nên cũng hết sức
chiều đãi. Tiêu Phong nhàn rỗi không việc gì làm, ban ngày cùng với A
Cốt Đả đi săn, đến tối về lại học tiếng Nữ Chân với Hứa Trác Thành.
Học được bốn năm thành rồi, nghĩ bụng mình là người Khất Đan, không
lẽ không biết nói tiếng Khất Đan xem ra thật không phải nên lại nhờ y
dạy. Hứa Trác Thành đi lại nhiều nơi, chẳng nói tiếng Nữ Chân mà tiếng
Tây Hạ, tiếng Khất Đan cũng đều lưu loát. Tiêu Phong học ngôn ngữ vốn
không thông minh nhưng tiếng Nữ Chân và tiếng Khất Đan so với tiếng
Hán thì giản dị hơn nhiều, ngày rộng tháng dài rồi cũng đủ cho người ta
hiểu không cần phải thông dịch nữa.
Thấm thoát đã mấy tháng qua, đông đi xuân tới, A Tử ngày ngày dùng
nhân sâm thay cơm, thương thế cũng đỡ. Người Nữ Chân đào nhân sâm
nơi hoang sơn dã lãnh, đều là loại sâm già hạng nhất, còn quí hơn cả
hoàng kim. Mỗi lần Tiêu Phong đi săn đều giết được rất nhiều dã thú,
đem đổi lấy nhân sâm cho A Tử dùng, nếu vào người khác dẫu là hào
phú có một tiểu thư ăn uống sâm nhiều như thế e rằng cũng đến khánh
tận.
Tiêu Phong vẫn ngày ngày dùng nội lực giúp nàng vận khí, bây giờ
một ngày chỉ cần hai lần chứ không phải như trước đây chưởng bất ly
thân. A Tử cũng có lúc nói chuyện được vài câu nhưng chân tay tê bại
không cử động, thành thử đi đứng nằm ngồi, chuyện ăn chuyện uống đều
do Tiêu Phong lo liệu cả. Ông nghĩ đến mối thâm tình của A Châu nên
không hiềm lo toan mệt nhọc, ngược lại còn thấy chăm sóc A Tử thêm
một lần là báo đáp được A Châu thêm một chút nên trong lòng thấy thật
an ủi.
Ngày hôm đó A Cốt Đả dẫn mươi người cùng bộ tộc định đi lên miền
tây bắc săn gấu rủ Tiêu Phong đi cùng nói là gấu da dày lông rậm, rất
nhiều mỡ, bàn chân gấu ăn thật ngon còn mật gấu trị thương rất là linh
nghiệm. Tiêu Phong thấy A Tử tinh thần đã khá nhiều, cũng yên tâm đi
săn nên vui vẻ nhận lời. Đoàn người trời chưa sáng đã ra đi, thẳng đường
về hướng bắc.
Lúc đó đã vào đầu mùa hạ, băng tuyết đang tan đấy bùn trơn trượt,
trong rừng đầu những cành nát lá mục cực kỳ khó đi nhưng những người
Nữ Chân nhẹ nhàng nhanh nhẹn đi đứng vẫn thật mau. Đến khoảng trưa,
một người thợ săn già kêu lên:
– Gấu kìa! Gấu kìa!
Mọi người đưa mắt theo hướng tay y chỉ thấy ở xa xa trên đất lầy có
những vết chân lớn, cách không xa lại có một dấu nữa chính là dấu chân
gấu. Mọi người ai nấy cao hứng lập tức theo vết chân lần theo.
Vết chân gấu dẵm xuống bùn cái nào cái nấy sâu đến mấy tấc nên trẻ
con cũng theo được, cả đoàn người hò hét la ó, rảo bước tiến lên. Những
vết chân đó đi về hướng tây, về sau ra khỏi bùn lầy trong rừng ra ngoài
thảo nguyên mọi người đi càng nhanh hơn nữa.
Còn đang rảo bước đuổi theo bỗng nghe tiếng chân ngựa dồn dập, xa
xa đằng trước bụi bay mù mịt một đại đội nhân mã đang phóng tới. Lại
cũng thấy một con gấu đen thật lớn chạy lên, đằng sau là bảy tám người
cưỡi ngựa to cao vừa hét vừa đuổi, ai nấy tay cầm trường mâu, có kẻ tay
cầm cung tên ra chiều hăm hở.
A Cốt Đả kêu lớn:
– Người Khất Đan đó, bọn chúng đông người, chạy mau, chạy mau!
Tiêu Phong nghe thấy là người đồng bộ tộc với mình, trong lòng cảm
thấy thân cận, tuy bọn A Cốt Đả quay đầu bỏ chạy, nhưng không chạy
theo mà đứng lại xem ra thế nào. Thế nhưng bọn người Khất Đan đã hét
lên:
– Bọn mọi Nữ Chân, bắn tên! Bắn tên!
Chỉ nghe tiếng rít lên liên tiếp, vũ tiễn bắn tới như mưa. Tiêu Phong
trong bụng bực tức nghĩ thầm: Chẳng có lý do gì vừa thấy đã bắn là sao?
Cớ chi không hỏi cho rõ ràng? Mấy mũi tên bắn đến mặt ông đều bị
ông đưa tay gạt ra cả. Bỗng nghe một tiếng A thảm thiết, người thợ săn
Nữ Chân già lưng đã trúng tên, gục xuống chết ngay.
A Cốt Đả cùng cả bọn chạy qua khỏi một ngọn đồi, nằm mọp xuống,
cũng lắp tên vào cung bắn gục hai gã Khất Đan. Tiêu Phong ở giữa,
không biết phải giúp bên nào cho phải. Vũ tiễn của bọn Khất Đan vẫn
tiếp tục bắn vào Tiêu Phong như mưa bấc, Tiêu Phong bắt lấy một mũi
tên thuận tay múa lên, bao nhiêu tên bắn tới đều bị gạt ra, lớn tiếng kêu:
– Làm gì đó? Không nói năng gì đã ra tay giết người là sao?
A Cốt Đả ở đằng sau cái gò gọi:
– Tiêu Phong, Tiêu Phong, chạy lại đây ngay! Bọn chúng không biết
ngươi là người Khất Đan đâu!
Ngay lúc đó, hai tên Khất Đan cầm trường mâu, giục ngựa xông vào
Tiêu Phong, hai ngọn giáo cùng giơ lên chia ra đâm vào hai bên tả hữu.
Tiêu Phong không muốn giết người cùng bộ tộc mình, hai tay chộp hai
cán giáo, hẩy nhẹ một cái, hai gã Khất Đan cùng từ trên yên ngựa ngã
phịch xuống đất. Tiêu Phong lại dùng cán mâu hất hai người lên, hai gã
kia kêu rú lên, tung bay trở về rơi xuống một hồi lâu không dậy nổi. A
Cốt Đả cùng bọn người Nữ Chân liền reo hò khen ngợi.
Một người trung niên mặc áo bào đỏ trong bọn Khất Đan liền lớn
tiếng xí xố ra lệnh gì đó. Mấy chục tên Khất Đan liền chia thành hai
cánh, bao vây bọn Nữ Chân lại để chặn đường rút lui của A Cốt Đả,
nhưng người áo đỏ vẫn còn mấy chục người đứng bảo vệ chung quanh.
A Cốt Đả thấy tình hình bất lợi, lớn tiếng kêu la, vẫy gọi tộc nhân và
Tiêu Phong bỏ chạy. Người Khất Đan bắn tên ra như mưa, chết thêm hai
người Nữ Chân nữa. Bên phía Nữ Chân cung mạnh tên cứng bắn không
trật mũi nào, trong khoảnh khắc đã bắn hạ được khoảng chục kỵ sĩ Khất
Đan, có điều quả bất địch chúng nên phải vừa bắn vừa chạy.
Tiêu Phong thấy bọn người Khất Đan ngang ngược chẳng biết phải trái
gì, tuy là người cùng bộ tộc với mình nhưng cũng chịu không nổi, cướp
lấy một cánh cung, vụt vụt vụt vụt, bắn liền bốn mũi tên, mũi tên nào
cũng trúng vai hay đùi một gã Khất Đan, cả bốn người đều ngã xuống
ngựa nhưng không ai chết. Người mặc hồng bào lại quát tháo lập tức có
kẻ phóng ngựa xông ra cực kỳ dũng mãnh.
Tiêu Phong thấy bên mình nay chỉ còn A Cốt Đả và năm thanh niên
đang hết sức bôn đào, vừa chạy vừa bắn trả còn những người khác bị
trúng tên chết cả rồi. Trên thảo nguyên không chỗ nào có thể ẩn nấp,
xem chừng nếu tiếp tục đánh thêm ngay cả A Cốt Đả cũng sẽ bị giết nốt.
Ông nghĩ người Nữ Chân trước nay đối với mình như quí khách, nay bạn
tốt cũng không bảo vệ được thì làm sao còn gọi là anh hùng hảo hán?
Thế nhưng ra tay đại sát một phen để cho bọn người Khất Đan thấy khó
mà lui ắt phải giết rất nhiều người cùng bộ tộc với mình, chi bằng bắt lấy
người thủ lãnh áo đỏ kia, ép y phải hạ lệnh triệt thoái thì mới mong hai
bên bãi đấu được.
Ông định bụng như thế rồi nên dùng tiếng Khất Đan kêu lớn:
– Này, các ngươi mau mau rút lui! Nếu không thoái binh ta sẽ không
nể nang gì nữa đâu nhé!
Soẹt soẹt soẹt ba tiếng, ba mũi giáo đã nhắm ngay mặt ông ném tới.
Tiêu Phong nghĩ thầm: Bọn chúng bay quả không còn biết phải quấy là
gì. Ông rùn mình xuống, xông thẳng về phía người mặc hồng bào. A Cốt
Đả thấy bạn mình mạo hiểm liền kêu lên:
– Tiêu Phong, không được đâu, mau quay lại!
Tiêu Phong không để ý tới, tiếp tục phóng tới thật nhanh. Bọn người
Khất Đan lập tức nhốn nháo, trường mâu vũ tiễn đều nhắm ông mà tấn
công tới. Tiêu Phong chộp lấy một thanh trường mâu, bẻ làm đôi cầm
thanh mâu gãy sử dụng như một thanh trường kiếm, gạt tất cả những binh
khí phóng tới, bước chân vẫn như bay, xông ngay đến trước ngựa người
áo đỏ.
Người đó mặt đầy râu ria, thần tình uy võ, thấy Tiêu Phong xông đến
không tỏ vẻ gì hoảng sợ, giựt lấy ba thanh tiêu thương4 của thủ hạ chung
quanh, vụt một tiếng phóng vào Tiêu Phong. Tiêu Phong khua tay bắt
được ngay mũi lao, mũi thứ hai bay đến cũng bắt luôn. Ông vung tay một
cái hai mũi lao bay ra, đâm luôn hai gã hộ vệ hai bên người áo đỏ ngã
xuống ngựa. Người mặc hồng bào kêu lên:
– Giỏi lắm!
Mũi thương thứ ba liền ném ra, Tiêu Phong giơ tả chưởng lên, đẩy đầu
mũi lao, tá lực đả lực, mũi lao vụt bay ngược lại bắn thẳng vào ức con
ngựa y đang cưỡi. Người áo đỏ hoảng hốt kêu lên: Ối trời! vội vàng
4 mũi lao (javelin)
nhảy khỏi lưng ngựa. Tiêu Phong tung mình xông tới, tay trái vươn ra
chộp ngay được đầu vai bên phải của y. Ông nghe phía sau có tiếng gió
ập tới, vội vàng nhún một cái, nhảy vụt về phía trước hơn một trượng,
nghe phập phập, hai thanh trường mâu đã cắm thẳng xuống đất. Tiêu
Phong ôm người áo đỏ nhảy sang bên tả, rơi xuống sau lưng một kỵ sĩ
Khất Đan, vung tay đánh y một chưởng văng xuống rồi giục ngựa chạy ra.
Người áo đỏ giơ quyền lên đấm vào mặt Tiêu Phong, ông giơ tay trái
lên kẹp một cái, gã đó không còn cử động gì được nữa. Tiêu Phong quát
lên:
– Ngươi bảo bọn chúng rút lui ngay, nếu không ta kẹp chết ngươi
chết tươi bây giờ.
Người mặc hồng bào không còn cách gì khác hơn, đành kêu lên:
– Tất cả lui ngay, không được đánh nữa.
Bọn người Khất Đan xôn xao tiến đến trước mặt Tiêu Phong, toan ra
tay cứu người. Tiêu Phong để mũi chiếc giáo gãy vào má gã áo đỏ, quát
lớn:
– Các ngươi muốn ta đâm chết y chăng?
Một lão già Khất Đan quát lên:
– Mau thả thủ lãnh của bọn ta ra, nếu không ngươi sẽ bị ngũ mã phân
thi ngay lập tức.
Tiêu Phong cười ha hả, vù một tiếng, nhắm ngay lão già kia lăng
không đánh ra một chưởng. Chưởng đó ông cố tình ra oai dọa cho bọn
chúng một mẻ để khỏi phải giết người nhiều hơn nữa nên kình lực sử
dụng đủ mười thành. Chỉ nghe bình một tiếng lớn, lão già Khất Đan kia
trúng chưởng, từ trên lưng ngựa ngã văng ra mấy trượng, hộc máu mồm
xem ra không còn sống được nữa.
Bọn Khất Đan xưa nay chưa từng chứng kiến thần kỹ phách không
chưởng, lực đạo vô ảnh vô tung thật chẳng khác gì yêu pháp, ai nấy
hoảng hốt ghìm cương lùi lại, vẻ mặt kinh hoàng, chỉ sợ Tiêu Phong đánh
trúng mình. Tiêu Phong quát lớn:
– Các ngươi không lui ra, ta sẽ một chưởng đánh y chết trước.
Nói xong giơ tay lên làm như định đánh xuống đầu người áo đỏ. Người
áo đỏ vội kêu:
– Các ngươi lùi ra ngay, ta sẽ ra sau!
Cả bọn lập tức lùi ra mấy bước nhưng không chịu bỏ đi. Tiêu Phong
nghĩ thầm: Khu vực này chỗ nào cũng là đồng cỏ mênh mông, nếu mình
thả thủ lãnh của chúng về, bọn họ cưỡi ngựa đuổi theo thì mình không thể
nào chạy thoát được. Ông quay sang nói với người áo đỏ:
– Ngươi bảo chúng đem lại đây tám con ngựa.
Y theo đúng thế ra lệnh, các kỵ sĩ Khất Đan liền dắt đến tám con tuấn
mã giao cho A Cốt Đả. A Cốt Đả căm hận bọn này giết đồng bọn mình,
đấm một tên dắt ngựa nghe bình một tiếng khiến y lăn chòng chọc. Bọn
Khất Đan tuy đông người nhưng không dám đánh trả. Tiêu Phong lại tiếp:
– Ngươi hạ lệnh bảo bọn chúng giết con ngựa đang cưỡi, không để
sót con nào.
Người mặc hồng bào cực kỳ dứt khoát, không tranh biện lớn tiếng
truyền lệnh:
– Mọi người xuống ngựa, giết ngay con ngựa của mình đi.