Thiện Xiển Hầu Cao Thăng Thái trở vào báo: vợ chồng Chung Vạn Cừu cùng Tần Hồng Miên đã đi xa rồi. Trấn Nam Vương phi Đao Bạch Phượng lo cho đứa con yêu liền hỏi: “Tâu hoàng thượng, Vạn Kiếp Cốc ở đâu hoàng huynh đã biết chưa?” Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh đáp: “Cái tên Vạn Kiếp Cốc hôm nay ta mới nghe lần đầu, nhưng chắc cũng không xa thành Đại Lý bao nhiêu.” Đao Bạch Phượng vội vàng nói: “Cứ như lời Chung Vạn Cừu thì dường như nơi này bí mật khó lòng tìm ra được, Dự nhi nếu lọt vào tay kẻ địch lâu ngày…” Bảo Định Đế mỉm cười nói: “Dự nhi trước nay chỉ được nuông chiều chưa hiểu lòng người độc ác, để nó chịu đựng gian nan cho trải mùi đời. Âu cũng là một dịp rèn luyện cho nó, như thế cũng hay.” Đao Bạch Phượng tuy trong dạ bồn chồn nhưng cũng không dám nói gì thêm nữa.
Bảo Định Đế quay sang Đoàn Chính Thuần: “Thuần đệ, đem rượu ra đây để khao thưởng anh em.” Đoàn Chính Thuần đáp: “Vâng!” Ông vâng mệnh truyền xuống gia nhân. Lát sau một bữa tiệc lớn bày ra. Bảo Định Đế cũng ngồi vào ăn uống.
Đại Lý là một nước nhỏ ở tận cùng phương nam, trong nước có rất nhiều sắc dân, người Hán chẳng có mấy, như Trấn Nam Vương phi Đao Bạch Phượng là người Bài Di. Dân chúng chưa ảnh hưởng văn hóa Trung Nguyên bao nhiêu, lễ pháp so với Đại Tống thì giản dị hơn nhiều, Bảo Định Đế tính tình không câu nệ, ra khỏi triều đình thường không thích đa lễ. Vì thế mà vợ chồng Đoàn Chính Thuần cùng Cao Thăng Thái cũng ngồi chung bàn bồi tiếp.
Trong khi ăn uống, nhà vua tuyệt nhiên không đá động gì đến chuyện gia đình. Đao Bạch Phượng lông mày nhíu lại, ăn chẳng thấy ngon. Trời gần sáng, thị vệ vào báo: “Ba Tư không tham kiến hoàng thượng.” Đoàn Chính Minh truyền cho vào. Bức rèm vừa vén lên, một người mặt đen vừa thấp vừa lùn tiến vào cúi đầu trước Bảo Định Đế tâu: “Khải tấu hoàng thượng, Vạn Kiếp Cốc ở bên kia Thiện Nhân Độ, qua chiếc cầu treo là tới, cửa vào là một cái hốc ở một cây cổ thụ.”
Đao Bạch Phượng vỗ tay reo lên: “Một khi Ba Tư không đã ra tay thì lẽ nào tìm không ra sào huyệt của địch? Nếu sớm biết thế ta đã không phải lo cả đêm.” Người mặt đen hơi nghiêng mình nói: “Vương phi quá khen, Ba Thiên Thạch này thực lấy làm xấu hổ.”
Ba Thiên Thạch tuy hình thù cổ quái nhưng là một nhân vật rất tinh tế mẫn cán. Ông từng lập được nhiều công lao cho nhà vua, hiện làm chức Tư không nước Đại Lý. Trong triều lớn nhất có ba chức: Tư đồ, Tư mã và Tư không gọi là Tam công. Ba Thiên Thạch võ công trác tuyệt, đặc biệt nhất là môn khinh công. Y vâng mệnh Bảo Định Đế đi do thám nơi chốn của địch, bí mật theo dõi Chung Vạn Cừu, quả nhiên tìm ra được Vạn Kiếp Cốc.
Bảo Định Đế phán: “Thiên Thạch, người ngồi xuống ăn thật no đi, rồi mình cùng lên đường.” Ba Thiên Thạch biết hoàng thượng không ưa người ta quỵ lụy lạy lục, đối với bầy tôi chẳng khác gì anh em bạn bè, nếu người dưới quá khúm núm ông lại không vui, nên chỉ “xin vâng” một tiếng rồi bưng cơm ăn liền. Y không uống rượu nhưng ăn như rồng cuốn, loáng cái đã hết tám bát cơm lớn. Đoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái chơi thân với Ba đã lâu, nên không lấy thế làm lạ.
Ba Thiên Thạch ăn xong đứng lên, lấy tay áo lau miệng rồi tâu: “Thần Ba Thiên Thạch xin dẫn đường.” Nói xong y liền đi trước. Bảo Định Đế, vợ chồng Đoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái nối gót theo sau. Ra khỏi phủ Trấn Nam Vương thấy Chử Cổ Phó Chu tứ đại hộ vệ đã dắt ngựa chờ sẵn. Ngoài ra còn hơn mười tên tùy tòng mang khí giới cho nhà vua.
Nên biết rằng họ Đoàn nguyên là dòng dõi thế gia trong võ lâm ở Trung Nguyên, sau lấy được nước Đại Lý, trải hơn trăm năm nay vẫn giữ nền nếp tổ tiên. Anh em Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần tuy phú quí đến cực điểm mà vẫn thường ăn bận theo kiểu bình dân khi ra ngoài. Đã là người trong võ lâm thì bất luận là tìm đến báo thù hay đến thăm hỏi nhà vua cũng tiếp đãi theo qui củ giang hồ chứ không ỷ thế khinh người. Cho nên lần này Bảo Định Đế ngự giá thân chinh, những người đi theo đều đã quen không ai lạ lùng gì. Từ Bảo Định Đế trở xuống, ai nấy thay đổi thường phục, nếu không biết mặt thì chỉ tưởng là một nhà phú hộ nào đó ra ngoài du ngoạn mà thôi.
Đao Bạch Phượng thấy trong đám tùy tùng của Ba Thiên Thạch có đến hai chục người mang theo búa lớn cưa dài, cười hỏi: “Ba Tư không, mình mang theo thợ mộc để cất nhà hay sao?” Ba Thiên Thạch đáp: “Để cưa cây phá nhà.”
Đoàn người cỡi ngựa tốt, chạy lẹ như gió, chưa đến trưa đã tới khu rừng bên ngoài Vạn Kiếp Cốc. Ba Thiên Thạch chỉ huy bộ thuộc chặt hết những cây to chắn đường. Đến cốc khẩu, Bảo Định Đế chỉ vào tấm biển sơn “Họ Đoàn vào đây sẽ giết không tha” trên cây, cười nói: “Chủ nhân của Vạn Kiếp Cốc thù oán nhà ta đến thế ư?” Đoàn Chính Thuần biết Chung Vạn Cừu sợ mình vào Vạn Kiếp Cốc thăm Cam Bảo Bảo, liếc mắt nhìn vợ, thấy bà ta cười khẩy.
Bốn người liền vác đại phủ tiến tới, chỉ chốc lát đã chặt ngã cái cây chu vi mấy người ôm kia.
Ba Thiên Thạch dặn mọi người dắt ngựa đứng chờ ngoài cốc khẩu, Chử, Cổ, Phó, Chu tứ đại hộ vệ đi trước, rồi đến Ba Thiên Thạch, Cao Thăng Thái, sau nữa là vợ chồng Trấn Nam Vương, Bảo Định Đế đi sau cùng. Đoàn người vào trong hang Vạn Kiếp chỉ thấy bốn bề im lặng như tờ, không ai ra nghênh tiếp. Ba Thiên Thạch theo qui củ giang hồ, tay cầm danh thiếp hai anh em Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần, rảo bước đi thẳng vào trước nhà khách cất tiếng gọi: “Đoàn thị huynh đệ nước Đại Lý tới hội diện Chung cốc chủ.”
Tiếng hô vừa dứt, từ trong bụi cây mé tả chạy vụt ra một bóng người cao lêu nghêu, nhanh như chớp giơ tay chộp lấy danh thiếp trong tay Ba Thiên Thạch. Ba Thiên Thạch ứng biến mau lẹ, tránh qua ba bước quát hỏi: “Tôn giá là ai?” Người đó chính là Cùng hung cực ác Vân Trung Hạc. Y chộp không trúng nhưng không bỏ cuộc, lại nhảy xổ tới Ba Thiên Thạch. Ba Thiên Thạch khinh công tuyệt cao, muốn thử thách xem tài nghệ của Vân đến mức nào, liền chạy tới ba bước. Vân Trung Hạc cũng rượt theo ba bước. Thế rồi một người thấp lủn thủn, một gã cao lênh khênh đuổi nhau. Thoáng một cái đã chạy ba vòng. Vân Trung Hạc bước dài chạy nhanh nhưng Ba Thiên Thạch cũng nhảy lẹ dị thường, thành thử hai người lúc nào cũng cách nhau mấy thước. Vân Trung Hạc không đuổi theo kịp Ba Thiên Thạch mà Ba Thiên Thạch cũng không thể chạy thoát được Vân Trung Hạc. Hai người trước nay ai cũng cho rằng mình khinh công thiên hạ không ai bằng, bây giờ gặp được kình địch, trong bụng đều kinh hãi thầm. Hai người càng chạy càng nhanh, gió thốc vào quần áo nghe phần phật, tuy chỉ có hai người chạy đua nhưng ở bên ngoài nhìn vào tưởng chừng năm sáu người cùng đuổi theo nhau. Càng về sau khoảng cách hai người càng xa, biến thành chạy vòng quanh nhà, không biết là ai đuổi ai. Nếu Ba Thiên Thạch đuổi đến sau lưng Vân Trung Hạc thì cuộc tỉ thí khinh công này y lại thắng. Thế nhưng Vân Trung Hạc cũng hết sức chạy cho nhanh thành ra Ba Thiên Thạch lại xa y đến mấy trượng:
Bỗng nghe một tiếng kẹt, cánh cửa mở toang, Chung Vạn Cừu ở trong nhà bước ra. Ba Thiên Thạch vẫn không dừng bước, ngầm vận nội công, tay phải tung ra một cái. Tấm danh thiếp bay tà tà tới trước mặt Chung Vạn Cừu.
Chung Vạn Cừu đưa tay đón lấy, cả giận hỏi: “Họ Đoàn kia, nếu như người theo qui củ giang hồ đến bái sơn, sao lại hủy mất cửa vào sơn cốc của ta?” Chử Vạn Lý quát lớn: “Hoàng thượng là bậc chí tôn, có lý đâu lại chui qua cái hang chuột của nhà ngươi mà vào.”
Đao Bạch Phượng sốt ruột vì con, không nhịn được nữa hỏi ngay: “Các ngươi giấu con ta đâu?”
Từ trong nhà nhảy ra một người đàn bà, giọng rít lên: “Mi đến trễ một chút, bọn ta đã moi gan thằng lỏi họ Đoàn vứt cho chó ăn rồi.” Hai tay mụ cầm hai lưỡi dao nhỏ như lá liễu lấp lánh sáng xanh lè, chính là cặp Tu la đao tẩm thuốc độc dính máu là chết.
Hai người đàn bà này trước đây mười tám năm đã vì ghen tuông mà kết mối thâm thù. Đao Bạch Phượng cũng biết Tân Hồng Miên nói dối, tuy nhiên câu nói ác miệng đó đối với đứa con yêu quý độc nhất của bà làm cho bà căm giận. Thù cũ hận mới bốc lên ngùn ngụt, bà lạnh lùng nói: “Ta hỏi là hỏi Chung cốc chủ, ai thèm nói chuyện với thứ đàn bà đê tiện như ngươi cho bẩn mồm”. Chỉ nghe hai tiếng leng keng, song đao của Tần Hồng Miên nhắm ngay Đao Bạch Phượng cùng chém ra nhanh như gió cuốn. Chiêu Thập Tự Khảm là tuyệt kỹ thành danh của bà ta, đã làm mất mạng bao nhiêu giang hồ hảo hán. Đao Bạch Phượng tung cây phất trần gạt đi, cán phất trần điểm luôn vào sau lưng kẻ địch.
Đoàn Chính Thuần thật buồn phiền, một người là vợ yêu, một người là tình cũ, với Đao Bạch Phượng thật là sâu đậm, còn đối với Tần Hồng Miên thì cũng khó quên. Nay thấy hai người vừa ra tay đã dùng ngay sát thủ trí mạng, bất luận bên nào bị hại, ông cũng ân hận suốt đời, bèn quát lên: “Khoan hãy động thủ!” Rồi ông xen vào giữa đưa trường kiếm gạt binh khí của hai người ra.
Chung Vạn Cừu vừa trông thấy Đoàn Chính Thuần, lửa giận bừng bừng, tay cầm đại hoàn đao khua lên loảng xoảng nhằm Đoàn Chính Thuần chém tới. Chử Vạn Lý nói: “Bất tất Vương gia phải ra tay, để tiểu nhân đối địch với hắn.” Y vung cần câu sắt ra, quật xuống đầu Chung Vạn Cừu. Chiếc cần của y vốn đã bị Diệp Nhị Nương bẻ gãy rồi, đây là chiếc mới y vừa đúc. Chung Vạn Cừu mắng: “Ta biết mà! Họ Đoàn toàn là một lũ hư danh chỉ cậy đông người.”
Đoàn Chính Thuần cũng cười nói: “Vạn Lý lui ra, ta muốn xem võ công của Chung cốc chủ.” Ông giơ kiếm lên, gạt chiếc cần sắt của Chử Vạn Lý ra, thuận thế phát theo sống thanh Đại hoàn đao rồi hớt lên mấy ngón tay Chung Vạn Cừu. Ba thức gạt ra, phất xuống rồi hớt lên liền lạc với nhau, biến chiêu không thấy kẽ hở. Chung Vạn Cừu cả kinh lẩm bẩm: Kiếm pháp thằng cha họ Đoàn này ghê thật. Hắn phải dẹp cơn phẫn nộ, hoành đao trước ngực để giữ thế thủ, không dám coi thường cường địch chút nào.
Đoàn Chính Thuần giơ kiếm lên đâm tới, Chung Vạn Cừu thấy thế kiếm lợi hại, không dám đỡ, vội vàng nhảy lùi lại ba bước. Đoàn Chính Thuần chỉ mong y không dám đấu dây dưa, lập tức vọt qua chỗ Đao Bạch Phượng và Tần Hồng Miên, thấy đao pháp Tần Hồng Miên xem ra núng thế bị Đao Bạch Phượng ép phải lùi từng bước. Bỗng nghe soạt soạt soạt ba tiếng, Tần Hồng Miên đã bắn ra ba mũi tên độc, những mũi tên đó cùng một hình dạng với độc tiễn của Mộc Uyển Thanh nhưng thủ pháp cao minh hơn nhiều, chia ra trái phải giữa khiến đối phương khó mà tránh né. Đao Bạch Phượng tung mình nhảy lên cao, ba mũi tên bay vọt dưới chân, ngờ đâu khi thân hình bà ta còn đang lơ lửng trên không, lại có ba mũi tên khác bắn tới. Mũi tên thứ nhất bắn vào dưới bụng, mũi tên thứ hai bắn vào chân còn mũi tên thứ ba bắn vào dưới bàn chân.
Đao Bạch Phượng không nhảy lên thêm được nữa, vội vung phất trần ra đỡ, cuốn được mũi tên thứ nhất, thân hình bắt đầu rơi xuống, xem ra mũi tên thứ hai và thứ ba bắn vào bụng và ngực không sao có thể tránh né hay đỡ gạt. Đột nhiên một làn ánh sáng lấp lánh, một thanh trường kiếm từ dưới gạt lên chặt hai mũi tên đó thành bốn đoạn, chính là Đoàn Chính Thuần vừa nhảy tới chặn ngay trước mặt Đao Bạch Phượng. Ví thử ông ta ra chiêu không chính xác thì những mũi tên đó đã ghim cả vào người rồi.
Biến cố đó khiến cả Đao Bạch Phượng lẫn Tần Hồng Miên đều mặt xanh như tàu lá, tim đập thình thình. Đao Bạch Phượng kêu lên: “Tôi không cần ông giúp.” Bà lạng người vọt ra trước mặt trượng phu, múa phất trần đánh tới Tần Hồng Miên lần nữa. Bà hận Tần Hồng Miên ra tay độc ác, chiêu số phất trần thật nhanh, quét xéo đâm thẳng, khiến đối phương không rảnh tay mà bắn tên độc. Còn Tần Hồng Miên mới rồi bắn tên suýt nữa trúng phải Đoàn Chính Thuần, thấy ông ta liều mạng ra tay cứu vợ, thiên vị quá đỗi, vừa hoảng hốt lại vừa đau lòng thành thử không chống đỡ nổi phất trần của đối phương. Đao Bạch Phượng sử chiêu Phượng Thê Ư Ngô đánh thẳng xuống đầu kẻ địch, Tần Hồng Miên vội tránh qua bên phải ngờ đâu tả chưởng của Đao Bạch Phượng cùng đánh ra, xem chừng thể nào cũng trúng ngực Tần Hồng Miên hộc máu. Chưởng còn cách ngực Tần Hồng Miên chừng nửa thước, bỗng có một bàn tay đàn ông gạt ra ngoài, chính là Đoàn Chính Thuần cứu người tình cũ, nói: “Phượng Hoàng Nhi, chớ có như thế!”
Tần Hồng Miên ngỡ ngàng, giận dữ nói: “Phượng với chả công, gọi nhau thân mật thế!” Đao bên trái của bà ta liền chém xuống vai Đoàn Chính Thuần. Đao Bạch Phượng cũng đang bực chồng gạt tay mình ra cứu tình nhân, nên cũng múa phất trần đánh luôn vào mặt ông ta.
Hai người đàn bà cùng tấn công Đoàn Chính Thuần, lại cùng thấy đối phương ra tay nên cùng kêu lên: “Ôi chao!” Ai cũng muốn ra tay bảo vệ cho lang quân. Phất trần của Đao Bạch Phượng chuyển hướng quay sang gạt thanh Tu la đao, còn Tần Hồng Miên thì phóng một ngọn cước vào người Đao Bạch Phượng cốt để bà ta rút phất trần về.
Đoàn Chính Thuần nghiêng người né tránh, nghe bình một tiếng, cước của Tân Hồng Miên đã đá trúng mông ông ta. Đao Bạch Phượng hậm hực quát lên: “Sao ngươi dám đá chồng ta?” Tân Hồng Miên nói: “Đoàn lang, thiếp không cố ý, chàng, chàng có đau không?” Đoàn Chính Thuần giả vờ nhăn nhó, kêu lên: “Đau quá, đau quá, đau đến chết mất!” Nói xong giả vờ ngồi thụp xuống.
Chung Vạn Cừu thấy cơ hội, giơ đạo lên chém xuống đầu Đoàn Chính Thuần. Đao Bạch Phượng kêu lên: “Ngừng tay!” Tần Hồng Miên cũng kêu lên: “Đánh hắn!” Cả Tu la đao lẫn phất trần cùng quay sang tấn công Chung Vạn Cừu. Y đành phải thu đao hộ thân, kêu lên: Tên giặc thối tha họ Đoàn để cho đàn bà ra tay cứu, quả là hảo hán mặt dày!” Đoàn Chính Thuần cười ha hả, từ dưới đất nhảy lên, loạt loạt soạt ba chiêu kiếm ép cho Chung Vạn Cừu phải lùi lại, Tân Hồng Miên ngạc nhiên giận dữ nói: “Hóa ra ông không bị thương, chỉ giả vờ.” Đao Bạch Phượng cũng tiếp lời: “Lão này chỉ chuyên đi lừa người ta, còn ai mà chẳng biết.” Tần Hồng Miên quát lớn: “Xem đao đây!” Đao Bạch Phượng cũng kêu: “Đánh cho lão một trận.” Thế là hai người đàn bà lại liên thủ xông vào tấn công Đoàn Chính Thuần.
Bảo Định Đế thấy em trai lằng nhằng mãi với hai người đàn bà, lắc đầu cười thầm, quay sang bảo Chử Vạn Lý: “Các ngươi đi tra xét xem sao.” Chử Vạn Lý đáp: “Tuân lệnh.” Chử, Cổ, Phó, Chu bốn người liền chạy đến cửa vào nhà, Cổ Đốc Thành chân vừa đạp vào ngạch cửa đột nhiên thấy gió lạnh trên đầu ập xuống. Chân trái y mới để hờ lên thềm, chân phải vội búng một cái vọt trở ra, thấy một thanh đao vừa rộng vừa mỏng chém vèo xuống, chỉ cách mặt chừng vài tấc, nếu như chậm một chút dù không mất nửa đầu ít ra cũng vẹt mất mũi. Cổ Đốc Thành lưng toát mồ hôi lạnh, nhìn lại người ngấm ngầm tập kích mình là một thiếu phụ trung niên, mặt mũi xinh xắn, chính là Vô ác bất tác Diệp Nhị Nương, Thanh đao của bà ta hình vuông mỏng dính, xung quanh đều sắc bén lạ thường, tay cầm chỉ là một cái cán ngắn, vừa múa lên đã thành một vòng tròn sáng loáng. Sau cơn hoảng vía, Cổ Đốc Thành định thần lại, quát lên một tiếng, vung búa chém xuống thanh bạc đao, Diệp Nhị Nương vội vàng múa tít, tránh lưỡi búa uy mãnh không dám để bổ trúng vào đao. Cổ Đốc Thành sử dụng bảy mươi hai đường Loạn Phi Phong phủ pháp, hai búa hai nơi chém trên chém dưới, Diệp Nhị Nương vận âm dương quái khí vào câu cười giọng nói. Chu Đan Thần thấy mụ ta đánh như trò chơi nhưng đao pháp biến trá khó mà lường được, sợ đánh dằng dai Cổ Đốc Thành tất bị ám toán, bèn múa cặp phản quan bút xông vào trợ chiến.
Lúc đó Ba Thiên Thạch cùng Vân Trung Hạc vẫn đang đuổi nhau chạy lòng vòng. Môn khinh công của hai người chưa ai chịu kém ai, không thể trong chốc lát mà phân thắng bại được. Ba Thiên Thạch chạy được trên trăm vòng rồi, thấy Vân Trung Hạc Công phu hạ bàn về lẹ làng thì có thừa nhưng trầm trọng thì không đủ, không được như mình, mỗi lần nhún chân đều còn để lại dư lực phòng hờ, nếu vừa chạy vừa tìm cơ hội phóng chưởng bất ngờ, tất hắn không đứng vững được. Thế nhưng Ba Thiên Thạch nhất định cùng y tỉ thí khinh công, không muốn dùng quyền cước mà thủ thắng nên cứ tiếp tục chạy vòng vèo.
Bỗng nghe tiếng ồm ồm quát mắng: “Tiên sư chúng mày làm bố mất ngủ, đứa chó nào tới đây phá rối thế?” Nam Hải Ngạc Thần tay cầm ngạc chủy tiễn ở đâu huỳnh huỵch chạy ra.
Phó Tư Qui quát lại: “Chính gia gia sư phụ mi đến đây chứ còn ai!” Nam Hải Ngạc Thần quát hỏi: “Mi bảo ai là gia gia sư phụ ta?” Phó Tư Qui chỉ vào Đoàn Chính Thuần nói: “Trấn Nam Vương đây là gia gia Đoàn công tử, Đoàn công tử là sư phụ mi, mi còn định chối hay sao?” Nam Hải Ngạc Thần tuy chuyện ác đã nhiều nhưng cũng còn được một điều tốt là đã nói thì làm. Lão vừa nghe thế, giận đến mặt vàng ệch nhưng không dám phủ nhận, chỉ mắng lại: “Ta bái ai làm thầy mặc ta, liên quan đếch gì đến thằng con rùa đen kia?” Phó Tư Qui cười: “Ta có phải con ngươi đâu mà bảo ta là thằng con rùa đen?”
Nam Hải Ngạc Thần ngơ ngẩn, nghĩ một lúc mới, biết là y nói lòng vòng chửi mình là đồ rùa đen. Nghĩ ra được rồi, y gầm lên, soạt soạt soạt chém luôn ba nhát ngạc chủy tiễn. Gã tuy đầu óc chậm lụt nhưng võ công không tệ, cây ngạc chủy tiễn lại đầy những răng sắc nhọn chẳng khác chi lang nha bổng. Phó Tư Qui vung thanh thục đồng côn mới đỡ được ba chiêu đã thấy hai tay tê buốt. Chử Vạn Lý vội vàng vung cần lên, sợi dây tơ liền vụt ra chẳng khác gì nhuyễn tiên quất vào mặt Nam Hải Ngạc Thần, lão phải đưa ngạc chủy tiễn gạt ra.
Bảo Định Đế nhìn cuộc thế thấy bên mình không có chỗ nào lâm nguy, bèn nói với Cao Thăng Thái: “Ngươi đứng đây lược trận.”
Cao Thăng Thái vâng lời, ung dung đứng một bên, hai tay chắp sau lưng, ngắm mây bay trên trời, tựa hồ không ngó đến ai.
Bảo Định Đế đi vào trong nhà, lên tiếng gọi: “Dự nhi, cháu có ở đây không?” Không thấy ai thưa, nhà vua đấy cửa vào phòng bên trái, lại gọi nữa: “Dự nhi! Dự nhi!” Chỉ thấy một cô gái chừng mười lăm, mười sáu từ sau cánh cửa bước ra, mặt ngơ ngác, hỏi lại: “Ông… ông là ai? Bảo Định Đế đáp: “Đoàn công tử ở đâu?” Cô bé hỏi lại: “Ông kiếm Đoàn công tử làm chi?” Bảo Định Đế đáp: “Ta đến cứu y.”
Cô bé lắc đầu nói: “Ông không cứu được đâu. Công tử bị giam trong nhà đá rất kiên cố, lại có người canh giữ bên ngoài.” Bảo Định Đế nói: “Cô đưa ta tới, ta sẽ đánh ngã người canh gác, đẩy đá cứu y ra ngoài.” Cô bé lại lắc đầu: “Không được đâu! Tôi đưa ông đến thì gia gia tôi giết tôi mất.” Bảo Định Đế hỏi: “Thế gia gia cô là ai?” Cô bé đáp: “Tôi họ Chung, cha tôi là chủ nhân của sơn cốc này.” Cô gái đó chính là Chung Linh trốn được từ núi Vô Lượng trở về đây.
Bảo Định Đế nghĩ thầm “Đối với một cô gái nhỏ tuổi như thế này, ta dụ dỗ hay uy hiếp đều mất cả thể thống. Đoàn Dự đã ở đây, sớm muộn gì mình cũng tìm ra.” Nghĩ vậy, nhà vua trở ra kiếm người dẫn đường.
***
Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh ở trong thạch thất nghe thấy người áo xanh ở bên ngoài tự xưng là thiên hạ đệ nhất ác nhân Ác Quán Mãn Doanh thì kinh hãi vô cùng, nép lại bên nhau. Đoàn Dự khẽ bảo: “Uyển muội! Anh em ta rơi vào tay kẻ ác nhất thiên hạ, vô phước mất rồi.” Mộc Uyển Thanh ú ớ dụi đầu vào lòng chàng. Đoàn Dự giơ tay vuốt tóc nàng, an ủi: “Đừng sợ”
Quần áo hai người mồ hôi ra ướt đẫm như vừa ngâm mình xuống nước. Nhiệt khí trong người bốc lên, mũi thở hơi ra càng kích thích mạnh đối phương. Một chàng trải đầy nhựa sống ngồi bên cô gái đang tuổi dậy thì, dù không bị thuốc kích động cũng khó bề dập tắt lửa lòng. Huống chi Âm Dương hòa hợp tán bá đạo vô cùng, kẻ sĩ chính trực trở nên dâm dục, gái đoan trang biến thành lẳng lơ. Chỉ một phút mê muội thì đến bậc thánh hiền cũng hóa ra cầm thú. Giờ đây chỉ còn trông chờ Đoàn Dự một điểm thiên lương, không lúc nào quên cái thanh danh của họ Đoàn mà miễn cưỡng khắc chế.
Người áo xanh cực kỳ đắc ý, cất tiếng cười quái đản nói: “Anh em mi mau mau hoàn thành hảo sự. Sinh con sớm ngày nào là thoát khỏi vòng lao lung sớm ngày ấy. Ta đi đây.” Nói xong y vượt qua bức tường cây đi mất.
Đoàn Dự kêu lớn: “Nhạc lão tam, Nhạc lão nhị! Sư phụ gặp nạn, người mau mau đến giải cứu!” Chàng gọi đến khản cổ nhưng nào thấy ai trả lời.
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Trong lúc nguy cấp này thôi đành bái y làm thầy chứ biết làm sao? Thà thờ một người độc ác làm sư phụ để chịu lỡ một đời mình còn hơn liên lụy đến bá phụ cùng gia gia”, Nghĩ như thế chàng lại gào lên: “Nam Hải Ngạc Thần, ta cam tâm bái người làm thầy, tình nguyện làm kẻ truyền nhân của phái Nam Hải. Sư phụ mau mau đến cứu đồ đệ. Ta chết thì ngươi không chọn được đệ tử như ta nữa đâu.” Chàng gào rát cổ họng cũng chẳng thấy ma nào xuất hiện, chợt nghĩ ra: “Hỏng rồi! Nam Hải Ngạc Thần sợ lão đại Ác Quán Mãn Doanh một phép, dù y có nghe ta gọi chăng nữa cũng chẳng dám tới cứu.” Chàng càng thấy trong lòng bối rối.
Bỗng Mộc Uyển Thanh cất tiếng hỏi: “Đoàn lang ơi! Thiếp cùng chàng kết nghĩa phu thê, con đầu lòng chàng muốn trai hay gái?” Đoàn Dự mơ màng buột miệng đáp một tiếng: “Trai.”
Bất thình lình bên ngoài có tiếng một cô gái nói vọng vào: “Trời ơi! Đoàn công tử! Công tử là anh ruột Mộc tỉ tỉ, sao lại kết hôn được?” Đoàn Dự giật mình hỏi: “Phải… phải Chung cô nương đó không?” Cô gái đó chính là Chung Linh, nàng nói: “Muội đây, muội nghe lén người áo xanh nói mới biết công tử ở đây. Muội đang tìm cách cứu công tử và Mộc tỉ tỉ ra.” Đoàn Dự cả mừng đáp: “Nếu vậy hay! Nếu vậy hay! Cô nương mau đi lấy trộm thuốc giải độc cho ta.” Mộc Uyển Thanh giận dữ nói: “Con tiểu quỷ Chung Linh kia mau mau cút đi, ai cần người cứu?” Chung Linh đáp: “Để muội tìm cách đẩy tảng đá cứu hai người ra trước đã.” Đoàn Dự vội nói: “Đừng, đừng! Cô nương tìm thuốc mau đi. Ta… ta không chịu nổi nữa rồi. Mau… mau lên, ta muốn chết đây.” Chung Linh cả kinh hỏi: “Không chịu nổi cái gì? Công tử đau bụng lắm à?” Đoàn Dự đáp: “Không phải đau bụng.” Chung Linh lại hỏi: “Hay là nhức đầu?” Đoàn Dự đáp: “Cũng không phải nhức đầu,” Chung Linh hỏi thêm: “Thế Công tử khó chịu chỗ nào trên người?”
Đoàn Dự chỉ phải tội không ngăn nổi tình dục, nhưng biết mở miệng nói sao với một cô gái nhỏ? Chàng ấp ủng: “Ta khắp người chỗ nào cũng khó chịu, cô cứ đi trộm thuốc giải là được.” Chung Linh nhíu mày nói: “Công tử không nói rõ bệnh trạng thì muội biết lấy thuốc gì bây giờ. Gia gia thuốc gì cũng có, nhưng phải biết rõ: nhức đầu, đau bụng hay đau tim… mới được chứ.” Đoàn Dự thở dài: “Ta không đau đầu hết, chỉ có… chỉ có ăn phải thứ thuốc tên là Âm Dương hòa hợp tán mà thôi.” Chung Linh vỗ tay cười nói: “Biết được tên thuốc độc thì dễ lắm. Đoàn đại ca, để muội đi kiếm cha xin thuốc giải.”.
Nàng lật đật trèo qua bức tường cây đi kiếm phụ thân để hỏi thuốc giải Âm Dương hòa hợp tán. Đó là thuốc của người áo xanh nhưng Chung Vạn Cừu vừa nghe tên cũng biết ngay là loại gì, bộ mặt ngựa sa sầm, mắng luôn: “Con nhãi này! Mi hỏi cái đó làm chi? Còn nói lăng nhăng nữa ta lại nắm tai đánh cho một trận bây giờ.” Chung Linh hốt hoảng nói: “Đâu phải con nói lăng nhăng…”
Ngay khi đó, Bảo Định Đế và tùy tùng đã tấn công vào Vạn Kiếp Cốc, Chung Vạn Cừu vội vàng chạy ra ứng chiến, để Chung Linh ở trong phòng. Nàng nghe tiếng gươm đao loảng xoảng biết rằng hai bên đang đánh nhau kịch liệt nhưng chẳng thèm để ý, vẫn tiếp tục lục lọi trong phòng thuốc của phụ thân. Chung Vạn Cừu có đến mấy trăm chai thuốc, chai nào cũng có đề tên và chua rõ cách dùng, song tìm mãi không thấy thuốc giải Âm Dương hòa hợp tán. Nàng còn đang phân vân chưa biết tính sao bỗng nghe có người vào phòng, vội ra xem liền gặp phải Bảo Định Đế.
Bảo Định Đế chưa tìm ra ai dẫn đường bỗng nghe đằng sau có tiếng chân người, quay lại thì ra Chung Linh chạy tới, bèn đứng lại chờ. Chung Linh đến gần nói: “Tôi không kiếm được thuốc giải, thôi dẫn ông đến mật thất vậy. Chẳng hiểu ông có đẩy nổi tảng đá lớn đó không”. Bảo Định Đế chẳng hiểu nàng nói gì, hỏi lại: “Cháu nói thuốc giải độc gì? Tảng đá lớn nào?” Chung Linh đáp: “Ông đi theo tôi, nhìn là biết ngay.”
Đường lối trong hang Vạn Kiếp tuy khuất khúc nhưng có Chung Linh dẫn đi, thoáng cái đã đến. Bảo Định Đế cầm tay Chung Linh, không nhún chân mà đột nhiên vọt lên nhẹ nhàng đáp xuống bức tường cây. Chung Linh vỗ tay reo lên: “Hay thật, hay thật! Tưởng chừng như ông biết bay. Ôi chao, không xong rồi!”
Ngoài thạch thất có một người ngồi gác, chính là quái khách áo xanh. Chung Linh rất sợ con người sống dở chết dở này, nói nhỏ: “Chúng ta chạy đi thôi ông ạ. Đợi lão đi rồi sẽ trở lại.” Bảo Định Đế nhìn thấy người áo xanh cũng lấy làm kỳ dị, vỗ về bảo Chung Linh: “Có ta đây, cháu đừng sợ gì hết! Phải chăng Đoàn Dự bị nhốt trong nhà đá kia?” Chung Linh gật đầu, trốn vào sau lưng ông.
Bảo Định Đế ung dung tiến lại gần nói: “Xin tôn giá tránh ra một bước.” Người áo xanh như không nghe không thấy, vẫn ngồi yên không nhúc nhích.
Bảo Định Đế nói: “Tôn giá không chịu tránh ra, thì đừng trách ta vô lễ.” Ông lách qua đặt chưởng phải lên tảng đá, đang định vận kình đẩy, bỗng từ dưới tay người áo xanh thò ra một cây thiết trượng nhỏ, điểm vào huyệt Khuyết Bồn. Cây gậy sắt đến còn cách Bảo Định Đế chừng một trượng bỗng ngừng lại, không ngớt rung động, nhưng nếu ông tiếp tục vận kình thì sẽ đâm tới ngay, không cách nào tránh kịp. Bảo Định Đế trong bụng hơi bàng hoàng: “Người này công phu điểm huyệt thật là cao minh, không hiểu là ai”. Tay phải ông hơi giơ lên vỗ luôn vào cây gậy đồng thời bàn tay trái lòn xuống dưới đặt lên tảng đá. Người áo xanh lập tức nhích cây gậy sang chỉ vào huyệt Thiên Trì. Chưởng lực Báo Định Đế chuyển nhanh như gió, liền một lúc thay đổi đến bảy phương vị, nhưng cây gậy sắt của người áo xanh cũng liên tiếp chỉ vào các nơi huyệt đạo, chế ngự cuộc thế.
Hai người liên tiếp biến chiêu, công phu nhận huyệt của người áo xanh thật chuẩn xác khiến cho Bảo Định Đế không được rảnh tay chút nào để vận nội công đẩy tảng đá. Ông thấy y với mình cũng tám lạng nửa cân, xem ra còn hơn em mình là Đoàn Chính Thuần một mức. Tả chưởng ông đánh xéo ra, đột nhiên từ chưởng biến thành chỉ, nghe véo một tiếng. Nhất Dương Chỉ điểm vào thiết trượng, tưởng chừng cây gậy thế nào cũng cong lại. Ngờ đâu cây gậy sắt cũng véo một tiếng điểm trở ra, hai luồng lực đạo chạm nhau trên không trung. Bảo Định Đế bị hất lùi lại còn người áo xanh cũng bị rung chuyển. Trên mặt Bảo Định Đế lóe ra ánh hồng quang, trên mặt người áo xanh cũng thoáng hiện một luồng thanh khí, nhưng vừa bừng lên là biến đi ngay.
Bảo Định Đế rất lấy làm kỳ, nghĩ thầm: “Võ công người này không những tuyệt cao, mà rõ ràng đối với ta có mối liên hệ chi đây. Trượng pháp của y với Nhất Dương Chỉ rõ ràng có liên quan”. Nghĩ vậy ông liền chắp tay hỏi: “Tiền bối quý tính đại danh là chi? Xin cho biết.” Bỗng nghe tiếng người hỏi lại: “Ngươi là Đoàn Chính Minh hay Đoàn Chính Thuần?” Bảo Định Đế thấy lão không nhếch mép mà nói được, lại càng rất đỗi ngạc nhiên, trịnh trọng đáp: “Tại hạ Đoàn Chính Minh.” Người áo xanh hừ một tiếng nói: “Phải chăng ngươi là đương kim hoàng đế nước Đại Lý?” Bảo Định Đế đáp: “Chính phải.” Người áo xanh hỏi: “Võ công ngươi so với ta, ai hơn ai kém?”.
Bảo Định Đế trầm ngâm giây lát đáp: “Kể về võ công thì tiền bối hơn ta chút đỉnh, nhưng đánh nhau thực sự thì ta thắng tiền bối.” Người áo xanh nói: “Ngươi nói đúng lắm! Thân thể ta tàn phế dẫu sao cũng bị thiệt thòi. Ôi, có ngờ đâu ngươi lên ngôi hoàng đế vẫn không chểnh mảng việc luyện công.” Tiếng lão tuy từ trong bụng thốt ra, vẫn lộ vẻ ảo não thất vọng.
Bảo Đinh Đế không đoán được lại lịch của y, trong bụng nảy ra bao nhiêu mối nghi ngờ. Bỗng từ trong thạch thất vọng ra một tiếng hét lớn, rõ ràng giọng của Đoàn Dự. Bảo Định Đế gọi to: “Dự nhi, cháu đấy ư? Hãy cứ yên tâm, ta đến cứu cháu đây.” Chung Linh cũng kinh hãi kêu lên: “Đoàn công tử! Đoàn công tử!”
Thì ra Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh bị xuân dược thôi thúc mãnh liệt, càng lúc càng khó mà kháng cự lại được tình dục. Về sau Mộc Uyển Thanh thần trí mơ hồ, quên mất Đoàn Dự là anh của mình, luôn mồm gọi: “Đoàn lang, ôm thiếp đi, ôm chặt lấy thiếp đi!” Nàng còn trong trắng, việc trai gái chưa từng biết đến, chỉ thấy người nóng như thiêu không chịu nổi, muốn Đoàn Dự ôm lấy mình cho hạ xuống nên xông vào ôm lấy chàng. Đoàn Dự kêu lên: “Không được đâu!” Chàng lách người tránh ra, chân tự nhiên sử dụng Lăng Ba Vi Bộ. Mộc Uyển Thanh vồ không trúng, ngã lăn lên giường ngất đi.
Đoàn Dự liên tiếp đi thêm mấy bước, nội tức trong người thuận theo kinh mạch mà vận hành, càng chạy càng nhanh khiến cho mỗi lúc càng thêm ngột thở, tưởng như không hút nổi khí trời nữa nên nhịn không nổi phải rống lên một tiếng. Nhờ tiếng gào đó mà ngực thấy dễ thở hơn, nên chàng cứ đi vài bước lại mở miệng hét lên một tiếng thật to, uất kết trong người mới nhẹ đi được đôi chút. Bên ngoài Bảo Định Đế cùng người áo xanh đối thoại, cả đến câu bá phụ bảo “hãy cứ an tâm” có lọt vào tai chàng, mà chàng chẳng hiểu gì ráo.
Người áo xanh nói: “Tên tiểu tử này định lực giỏi thật, uống phải Âm Dương hòa hợp tán của ta rồi mà còn chống chọi được đến bây giờ.” Bảo Định Đế giật mình hỏi lại: “Thứ độc dược đó là gì thế?” Người ác xanh đáp: “Không phải độc dược, chỉ là một loại xuân dược cực mạnh thôi.” Bảo Định Đế hỏi: “Ngươi cho y uống loại thuốc đó là có ý gì?” Người áo xanh đáp “Ta nhốt cả con em gái nó trong thạch thất này.”
Bảo Định Đế vừa nghe qua biết ngay âm mưu thâm độc của người nọ. Ông tu dưỡng đã dày mà vẫn nổi trận lôi đình, tay áo liền vung lên, nghe soẹt một tiếng đã phóng ra một chỉ. Người áo xanh giơ trượng lên gạt ra, chỉ thứ hai của Bảo Định Đế đã tung ra nhắm ngay vào tử huyệt Thất Đột dưới yết hầu, liệu rằng y sẽ phải giở toàn lực ra chống đỡ.
Nào ngờ lão bật lên hai tiếng cười quái dị rồi ngồi yên chịu chết, không né tránh, cũng không chống đỡ. Bảo Định Đế trong bụng sinh nghi lập tức thu ngón tay về hỏi: “Tại sao ngươi cam tâm chịu chết?” Người áo xanh đáp: “Ta được chết dưới tay ngươi thì còn gì hay bằng, tội nghiệt nhà người lại tăng thêm một từng nữa.” Bảo Định Đế hỏi lại: “Ngươi thực sự là ai?” Người áo xanh hạ giọng nói nhỏ một câu.
Bảo Định Đế nghe qua, sắc mặt lập tức biến đổi nói: “Ta không tin.” Người áo xanh đưa gậy sang tay trái, ngón tay trỏ bên phải điểm vèo một tiếng về phía Bảo Định Đế. Bảo Định Đế nghiêng người tránh khỏi, trả lại một chỉ. Người áo xanh ngón tay giữa búng ra, Bảo Định Đế mặt mày trịnh trọng cũng lấy ngón giữa đáp lễ. Chiêu thứ ba của người áo xanh dùng ngón tay vô danh quét ngang, còn chiêu thứ tư dùng ngón út khẩy nhẹ. Bảo Định Đế từng chiêu từng chiêu đáp lại. Đến chiêu thứ năm, người áo xanh lấy ngón tay cái miết xuống, trong năm ngón ngón tay cái ngắn nhất, chậm chạp không linh hoạt nhưng lực đạo lại mạnh nhất, Bảo Định Đế không dám coi thường cũng giơ ngón cái của mình lên bật qua đối phương.
Chung Linh đứng bên nhìn thấy lạ mắt, động tính trẻ thơ quên cả sợ hãi ông già áo xanh, cười hỏi: “Hai người đang đánh đố tay chăng? Hết ông này đưa tay lại đến ông kia chìa ngón. Như vậy ai thua ai được?” Nàng vừa nói vừa lân la lại gần. Bỗng đâu một luồng kình phong lặng lẽ xô tới, Chung Linh vai trái đau nhói lên tưởng như muốn ngất đi. Bảo Định Đế hất tay nhẹ nhàng đẩy nàng ra ngoài, tiếp đó nhảy lùi về sau đỡ lấy nàng nói: “Đứng yên đừng cử động.” Chung Linh sững sờ hỏi: “Ông… ông kia muốn giết tôi ư?” Bảo Định Đế lắc đầu đáp: “Không phải đâu! Ông ấy đang cùng ta tỷ thí võ công, người ngoài chớ có đến gần” Ông giơ tay vỗ nhẹ lên lưng nàng mấy cái.
Người áo xanh hỏi: “Ngươi đã tin chưa?” Bảo Định Đế tiến lên mấy bước khom lưng nói: “Chính Minh tham kiến tiền bối.” Người áo xanh nói: “Ngươi gọi ta là tiền bối, thế là ngươi chưa tin nên mới không nhận ta:” Bảo Định Đế đáp: “Chính Minh thân làm chủ một nước, lời nói hành vi lúc nào cũng phải cẩn thận. Chính Minh không có con, dòng dõi chính thống chỉ còn một mình Đoàn Dự, xin tiền bối rộng lượng buông tha y ra.” Người áo xanh nói: “Ta đang muốn cho họ Đoàn Đại Lý loạn luân, thất đức, tuyệt diệt, đã ráng chờ cho có ngày nay, lý đâu lại nới tay dễ dãi thế được?” Bảo Định Đế gay gắt đáp: “Đoàn Chính Minh này nhất quyết không thể bằng lòng.”
Người áo xanh cười ha hả nói: “Ngươi tự xưng là hoàng đế nước Đại Lý, ta cho ngươi chỉ là kẻ loạn thần tặc tử, mưu đồ chiếm đoạt ngai vàng mà thôi. Ta thách người có giỏi thì về điều động tay chân quân lính tới đây. Bảo cho ngươi biết, thế lực ta kém xa ngươi thật nhưng muốn giết thằng giặc non Đoàn Dự thì thật dễ như trở bàn tay. Còn như bây giờ ngươi ra tay đánh với ta, trong vài trăm chiêu chưa chắc đã thẳng, muốn giết ta cũng thật khó vô cùng. Nếu ta không chết thì ngươi đâu có cứu nổi tính mạng y.”
Nét mặt Bảo Định Đế hết xám xanh lại trắng bợt. Ông biết rằng lão nói thật, đừng nói gì trở về đem binh lính tới mà chỉ cần mình có thêm một người tiếp tay là lão cũng không địch nổi rồi. Nhưng y sẽ gia hại Đoàn Dự ngay, huống chi thân phận người này mình không thể nào ra tay giết y được. Ông bèn hỏi: “Vậy tiền bối muốn thế nào mới thả y ra, xin cho biết!” Người áo xanh đáp: “Dễ lắm, dễ lắm! Ngươi lên chùa Thiên Long xuất gia làm sư, đem đế vị trả lại cho ta, ta sẽ cho Đoàn Dự uống thuốc giải, trả lại cho ngươi đứa cháu ngoan khỏe mạnh bình thường, đức hạnh vẹn toàn.” Bảo Định Đế đáp: “Cơ nghiệp của tổ tiên truyền đời để lại, đâu dám tự tiện chắp tay dâng cho người khác?”
Người áo xanh cười ha hả nói: “Thế đây là cơ nghiệp của ngươi hay là cơ nghiệp của ta? Vật trả về chủ hay là tùy tiện dâng cho người? Ta không truy cứu tội soán nghịch của nhà ngươi cũng đã là khoan hồng đại lượng lắm rồi. Nếu ngươi chấp nê không nghe thì cứ việc ngồi chờ, đợi đến bao giờ Đoàn Dự cùng với em gái y sinh được đứa con, bất luận trai hay gái ta sẽ tha ra.” Bảo Định Đế đáp: “Nếu vậy thì thà tiền bối giết y đi còn hơn.”
Người áo xanh nói tiếp: “Ngoài ra còn hai cách khác nữa.” Bảo Định Đế hỏi: “Cách gì?” Người áo xanh nói: “Một là ngươi lừa lúc ta không phòng bị, ám toán giết ta đi rồi ngươi tự ý tha nó ra.” Bảo Định Đế nói: “Tôi không thể ám toán giết tiền bối được.” Người áo xanh lại tiếp: “Nói thì nói vậy chứ ám toán ta đâu phải chuyện dễ dàng? Còn cách thứ hai là ngươi bảo Đoàn Dự đem phép Nhất Dương Chỉ ra đấu với ta, nếu thắng thì lúc ấy đi đâu chẳng được.” Nói xong lão cười sằng sặc trong cổ họng.
Bảo Định Đế nổi giận nhưng cố nén, chậm rãi nói: “Đoàn Dự không biết chút võ công nào, lại chưa từng học công phu Nhất Dương Chỉ.” Người áo xanh cười khẩy: “Cháu Đoàn Chính Minh nước Đại Lý mà lại không biết Nhất Dương Chỉ thì ai tin được?” Bảo Định Đế đáp: “Đoàn Dự từ thuở nhỏ học Thi Thư cùng kinh Phật, tâm địa từ bi, kiên quyết không chịu học võ.” Người áo xanh đáp: “Thế thì lại chỉ là một đứa giả nhân giả nghĩa, ngụy quân tử mua danh hão. Hạng ấy mà lên ngôi vua thì đâu phải là phúc cho lê dân Đại Lý, giết sớm đi là hơn.”
Bảo Định Đế gằn giọng nói: “Xin tiền bối cho biết còn đường lối nào khác nữa không?” Người áo xanh nói: “Giả tỷ năm xưa có đường lối để thoát thì ta đâu đến nỗi thân tàn ma dại thế này? Kẻ khác không cho ta lối thoát, có lý đâu ta lại mở đường cho hươu chạy?”
Bảo Định Đế cúi đầu ngẫm nghĩ một lúc, rồi vẻ mặt cương quyết gọi to: “Dự nhi, ta sẽ tìm cách cứu cháu ra. Cháu chớ quên rằng mình là con cháu nhà họ Đoàn.”
Chỉ nghe từ trong nhà đá vọng ra tiếng của Đoàn Dự: “Bá phụ tiến vào dùng Nhất Dương Chỉ đâm chết cháu đi.” Lúc này chàng đã ngừng bước, ngồi dựa vào vách đá nghỉ ngơi nên nghe rõ ràng từng lời đối đáp của người áo xanh và bá phụ. Bảo Định Đế nghiêm giọng hỏi: “Thế nào? Mi làm bại hoại gia phong họ Đoàn rồi sao?” Đoàn. Dự đáp: “Không! không phải thế. Điệt nhi thấy trong lòng nóng như thiêu như đốt, không thể sống được nữa.”
Bảo Định Đế đáp: “Con người ta sinh tử hữu mệnh, cứ phó mặc Hoàng thiên” Ông nắm tay Chung Linh đi ra khoảng đất trống, nhảy lên tường cây nói: “Tiểu cô nương! Đa tạ cô đã dẫn đường cho ta, sau này sẽ có ngày báo đáp.” Ông theo đường cũ quay trở lại ngôi nhà chính.
Chử Vạn Lý và Phó Tư Qui hai người đánh với Nam Hải Ngạc Thần chưa biết bên nào thắng bên nào bại. Chu Đan Thần và Cổ Đốc Thành thì bị thanh bạc đao của Diệp Nhị Nương ép cho kém thế dường như không chịu nổi. Còn ở góc bên kia cặp giò Vân Trung Hạc tuy vẫn lanh lẹ dị thường nhưng miệng đã thở hồng hộc như bò rống, Ba Thiên Thạch vẫn nhảy lên chồm chôm, còn đang sung sức, Cao Thăng Thái chắp tay sau lưng thủng thắng đi lại ung dung như không quan tâm gì đến những trận đấu kịch liệt chung quanh. Thực ra ông mắt nhìn khắp sáu phía, tai nghe khắp tám phương, tinh thần tập trung theo dõi toàn cục, bên mình nếu như ai bị nguy hiểm gì sẽ lập tức ra tay giúp đỡ. Còn vợ chồng Đoàn Chính Thuần và Tần Hồng Miên, Chung Vạn Cừu thì không thấy đâu.
Bảo Định Đế hỏi: “Thuần đệ đâu?” Cao Thăng Thái đáp: “Trấn Nam Vương đánh đuổi được Chung cốc chủ rồi cùng vương phi đi tìm Đoàn công tử.” Bảo Định Đế cao giọng truyền lệnh: “Chuyện nơi đây có nhiều khúc mắc, mọi người lui lại đã.”
Ba Thiên Thanh nghe lệnh bỗng nhiên đứng lại, Vân Trung Hạc lỡ trớn xông tới, nghe bình một tiếng, Ba Thiên Thạch đã đánh ra một chưởng. Vân Trung Hạc đưa cả song chưởng lên đỡ, thấy trên ngực khí huyết nhộn nhạo tưởng chừng hộc máu ra. Y cố gượng trấn tĩnh nhưng mắt hoa lên, nhìn không rõ chiêu số đánh tới đành phải bỏ chạy. Ba Thiên Thạch cũng không đuổi theo, chỉ cười khẩy nói: “Lãnh giáo vậy đủ rồi.”
Từ khu rừng ở bên cạnh có tiếng Đoàn Chính Thuần vọng ra: “Ở đây không thấy gì, thôi mình đi ra đằng sau xem sao.” Đạo Bạch Phượng nói: “Chẳng thấy người nào để hỏi thăm cả.” Có tiếng Tần Hồng Miên: “Sư muội ta bảo họ tránh đi cả rồi.” Bảo Định Đế nhìn Cao Thăng Thái, Ba Thiên Thạch mỉm cười, thấy Trấn Nam Vương quả là thần thông quảng đại, không biết làm cách nào mà khiến cho hai người đàn bà không đội trời chung kia cùng đi kiếm Đoàn Dự.
Chỉ nghe Đoàn Chính Thuần nói: “Vậy thì mình đi kiếm sư muội bà hỏi thăm, thể nào nàng cũng biết Dự nhi đang ở đâu.” Đao Bạch Phượng nổi cáu nói: “Ông muốn đi kiếm Cam Bảo Bảo chắc chẳng có ý tốt lành gì.” Tần Hồng Miên cũng nói: “Sư muội ta có nói rằng từ rày về sau không bao giờ gặp lại ông nữa.”
Ba người vừa nói vừa từ đằng sau lùm cây bước ra, Đoàn Chính Thuần thấy anh bèn hỏi: “Đại ca, có cứu…có tìm được Dự nhi chưa?” Ông vốn định hỏi “có cứu được chưa” nhưng không thấy Đoàn Dự ở đó nên vội nói tránh đi, Bảo Định Đế gật đầu đáp: “Tìm thấy rồi! Ta hãy về thành rồi sẽ nói chuyện.”
Chu Đan Thần, Chử Vạn Lý thấy nhà vua hạ lệnh đình chiến cũng muốn dừng tay nhưng Diệp Nhị Nương và Nam Hải Ngạc Thần càng đánh càng hăng, không chịu bãi chiến. Bảo Định Đế chau mày nói: “Chúng ta đi thôi!”
Cao Thăng Thái nói: “Tuân mệnh.” Ông lấy thiết địch trong bọc ra, giơ lên điểm vào yết hầu Nam Hải Ngạc Thần, tiếp theo nhấc tay lật một cái, vung ra tạt vào Diệp Nhị Nương. Hai chiêu đó đều thật lợi hại nhằm toàn chỗ sơ hở của địch nhân mà tấn công. Nam Hải Ngạc Thần lập tức lộn một vòng nhảy ra bên ngoài, nghe bộp một tiếng thiết địch đã đánh trúng tay Diệp Nhị Nương, mụ ta kêu oái lên vội vàng nhảy vọt ra.
Thực ra Cao Thăng Thái võ công không giỏi hơn hai người này bao nhiêu, có điều ông ta đứng ngoài quan sát đã lâu, trong bụng đã tính toán kỹ càng cách đối phó với hai người. Hai chiêu đó tấn công Nam Hải Ngạc Thần chỉ là đánh nhứ, đột nhiên xuất kỳ bất ý đánh vào Diệp Nhị Nương trả đũa một chưởng mụ ta đánh ông hôm trước. Trông ông ra tay nhẹ nhàng như không, nhưng thực ra mỗi chiêu đều tính toán không biết bao nhiêu lần, dùng hết công lực bình sinh.
Nam Hải Ngạc Thần giương đôi mắt ti hí lên mà nhìn Cao Thăng Thái, vừa kinh hãi vừa bội phục nói:“Tiên sư nó chứ, quả là giỏi thật, trông ngươi biết thế chó nào…” Lão không thốt ra hết lời nhưng mọi người đều hiểu là “Trông ngươi đâu biết được lợi hại đến thế, xem chừng ta khó có thể thủ thắng được”.
Đao Bạch Phượng hỏi Bảo Định Đế: “Hoàng huynh, Dự nhi có sao không?” Bảo Định Đế tuy trong lòng rất lo ngại nhưng ngoài mặt vẫn giữ vẻ thản nhiên đáp: “Không sao đâu! Thật là cơ hội rất tốt để rèn luyện cho y, chỉ mấy hôm nữa sẽ ổn thỏa. Thôi ta hãy về cung rồi sẽ nói chuyện.” Ông nói xong quay mình ra đi.
Ba Thiên Thạch vượt lên trước dẫn đường, vợ chồng Đoàn Chính Thuần đi sát ngay sau huynh trưởng, kế đến là Chử, Cổ, Phó, Chu tứ hộ vệ, sau cùng là Cao Thăng Thái. Y vừa xuất tuyệt chiêu hốt hồn kẻ địch, Nam Hải Ngạc Thần hung hãn là thế mà cũng không dám đuổi theo gây sự.
Đoàn Chính Thuần đi chừng mười trượng không nhịn được, phải quay lại nhìn Tần Hồng Miên. Tần Hồng Miên cũng đang run run nhìn theo ông. Bốn mắt gặp nhau, hai bên đều có vẻ ngẩn ngơ.
Chung Vạn Cừu tay cầm đại hoàn đao thở hồng hộc từ sau nhà chạy ra quát mắng: “Đoàn Chính Thuần, lần này ngươi không gặp vợ ta là may cho ngươi lắm đó, không thì ta cho ngươi một trận. Phu nhân ta đã thề rồi, từ rày trở đi không thèm nhìn mặt ngươi. Chẳng qua… chẳng qua nàng sợ gặp cái đồ mặt mẹt ngươi, biết đâu chừng con mẹ nó lại… Thôi, nói tới nói lui người không gặp được nàng nữa là xong.” Y đấu với Đoàn Chính Thuần được mấy chiêu biết là không cách gì thắng nổi, vội vàng quay vào canh chừng vợ, đề phòng Đoàn Chính Thuần đến tán tỉnh. Nghe phu nhân lập lời thề không nhìn mặt Đoàn Chính Thuần y mừng không biết để đâu cho hết, vội vàng chạy ra nhắc lại những câu đoạn tình đoạn nghĩa ấy cho tình địch nghe.
Đoàn Chính Thuần trong lòng bồi hồi, nhủ thầm: “Thì đã sao? Vì sao nàng lại không nhìn mặt ta nữa? Nàng nay ván đã đóng thuyền, ta lẽ nào còn làm bại hoại danh tiết nàng hay sao? Đoàn nhị nước Đại Lý tuy phong lưu hiếu sắc nhưng nào có hạ lưu vô sỉ. Nếu ta gặp lại nàng mà hai người chỉ lạnh nhạt không nói được với nhau một câu thì thà không gặp còn hơn”. Ông quay lại thấy vợ lạnh lùng nhìn mình không khỏi chột dạ, vội vàng rảo bước ra khỏi cốc.
***
Đoàn người về đến Đại Lý rồi, Bảo Định Đế nói: “Tất cả vào cung thương nghị.” Vào đến thư phòng trong hoàng cung, Bảo Định Đế ngồi trên một chiếc ghế bành lớn lót da báo ngay chính giữa, vợ chồng Đoàn Chính Thuần ngồi bên dưới còn Cao Thăng Thái và những người khác thông tay đứng hầu. Bảo Định Đế sai nội thị đem ghế lên cho mọi người cùng ngồi rồi vẫy tay cho lui ra, đem tình hình Đoàn Dự bị giam giữ thuật lại hết cho mọi người cùng nghe.
Ai nấy đều hiểu việc này mấu chốt đều ở cả trong tay người áo xanh, nghe Bảo Định Đế nói không những lão đã giỏi phép Nhất Dương Chỉ mà còn hơn ngài một bậc nên không ai dám nói gì. Nhất Dương Chỉ là công phu gia truyền của họ Đoàn, chỉ dạy cho con trai mà không dạy cho con gái. Người áo xanh đã biết công phu này tất nhiên phải là con cháu chính phái họ Đoàn. (*)
Bảo Định Đế quay sang nói với Đoàn Chính Thuần: “Thuần đệ thử nghĩ xem người này là ai?” Đoàn Chính Thuần lắc đầu đáp: “Tiểu đệ đoán không ra, không lẽ chùa Thiên Long có người nào hoàn tục cải trang chăng?” Bảo Định Đế lắc đầu: “Không phải, đó là thái tử Diên Khánh.”
Lời đó vừa nói ra, mọi người ai nấy giật mình. Đoàn Chính Thuần nói: “Thái tử Diên Khánh đã qua đời rồi. Chắc lão này mạo nhận đó thôi.” Bảo Định Đế thở dài: “Tên tuổi có thể giả mạo nhưng công phu Nhất Dương Chỉ thì giả mạo làm sao được. Dẫu có học lén thì cũng chỉ là hạng tầm thường, làm sao trộm được nội công tâm pháp? Lão đích là thái tử Diên Khánh, không còn nghi ngờ gì nữa.”
Đoàn Chính Thuận ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi tiếp: “Thế thì y dù sao cũng dòng giống họ Đoàn, vì lẽ gì lại cố làm bại hoại gia phong danh dự nhà ta? Bảo Định Đế thở dài: “Người này một thân tàn tật cho nên tính tình kỳ dị, không thể lấy lý lẽ thông thường mà lường được. Huống chi ta đang ở ngôi đế vương nước Đại Lý nên bụng y thù hận, cố tìm cách phá hoại được thanh danh anh em ta mới hả lòng.”
Đoàn Chính Thuần nói: “Đại ca lên ngôi đã lâu, thần dân kính ngưỡng, bốn cõi thanh bình. Đừng nói là thái tử Diên Khánh xuất hiện, giả tỷ Thượng Đức Đế có sống lại cũng không thể lên ngôi được.”
Cao Thăng Thái cũng đứng lên tâu: “Lời Trấn Nam Vương thật là chí lý. Thái tử Diên Khánh biết điều trao trả Đoàn công tử thì thôi, bằng không chúng ta không cần biết y là thái tử hay không thái tử, chỉ biết y là kẻ đứng đầu Tứ Đại Ác Nhân, ai cũng có quyền tru diệt. Bất luận võ công ông ta cao đến mực nào cũng không thể địch lại số đông.”
Thì ra hơn mười năm trước, vào năm Thượng Đức ngũ niên, Thượng Đức Đế Đoàn Liêm Nghĩa đang trị vì nước Đại Lý bỗng sinh đại biến, nhà vua bị gian thần Dương Nghĩa Trinh giết chết. Cháu gọi vua Thượng Đức bằng bác là Đoàn Thọ Huy được các cao tăng chùa Thiên Long và trung thần Cao Trí Thăng giúp đỡ nên diệt được Dương Nghĩa Trinh, lên kế vị hiệu là Thượng Minh Đế. Thượng Minh Đế không thích làm vua nên chỉ ở ngôi một năm rồi xuất gia đầu Phật ở chùa Thiên Long, nhường ngôi cho em họ là Đoàn Chính Minh tức Bảo Định Đế. Vua Thượng Đức vốn có một người con trai là thái tử Diên Khánh nhưng khi gian thần Dương Nghĩa Trinh giết vua cướp ngôi, đất nước đại loạn, thái tử không biết đi đâu mất. Ai cũng cho là thái tử Diên Khánh bị Dương Nghĩa Trinh hạ sát rồi, ngờ đâu sau bao nhiêu năm đột nhiên xuất hiện.
Bảo Định Đế nghe lời Cao Thăng Thái tâu, lắc đầu nói: “Ngôi báu này chính là của thái tử Diên Khánh, chỉ vì khi trước không tìm thấy người nên Thượng Minh Đế mới lên kế vị, sau truyền lại cho ta. Nay thái tử Diên Khánh đã trở về, lý đương nhiên ta phải trả ngôi báu lại cho người.” Đoạn nhìn Cao Thăng Thái nói tiếp: “Giả tỷ lệnh tôn mà còn tại thế dĩ nhiên cũng nghĩ như ta.” Nguyên Cao Thăng Thái là con vị công thần Cao Trí Thăng. Hồi đó sở dĩ trừ gian diệt nịnh được toàn là nhờ công Cao Trí Thăng cả.
Cao Thăng Thái tiến lên một bước, nằm phục xuống đất tâu: “Tiên phụ của vi thần trung chúa yêu dân, nhưng quái khách áo xanh này là kẻ đứng đầu tứ ác. Giả tỷ lão lên làm vua nước Đại Lý, chăn dắt muôn dân thì trăm họ điêu linh biết bao nhiêu mà kể. Việc hoàng thượng định nhường ngôi này, kẻ vi thần là Cao Thăng Thái dù muôn thác cũng không dám tuân lệnh.”
Ba Thiên Thạch cũng phục xuống đất tâu: “Mới rồi thần Thiên Thạch nghe Nam Hải Ngạc Thần gọi người đứng đầu trong tứ ác là Ác Quán Mãn Doanh. Nếu Ác Quán Mãn Doanh không phải là thái tử Diên Khánh thì dĩ nhiên không thể lên ngôi báu, giả tỷ lão chính là thái tử Diên Khánh thì còn ác hơn Nam Hải Ngạc Thần. Chúa thượng nỡ để lão cai trị trăm họ nước Đại Lý này cho giang sơn điên đảo, xã tắc nguy vong hay sao?”
Bảo Định Đế khoát tay nói: “Hai người hãy đứng dậy. Lời các ngươi quả là có lý, có điều Dự nhi rơi vào tay họ, trừ khi ta nhường ngôi cho chúng, có cách nào đưa được Dự nhi về đâu?”
Đoàn Chính Thuần nói: “Đại ca! Từ xưa đến nay chỉ có chuyện quân phụ gặp nạn, thần tử xả thân. Dự nhi tuy được đại ca yêu thương nhưng có lý đâu vì y mà đại ca phải bỏ ngôi trời? Dù cho y có thoát nạn cũng thành kẻ đại tội ở nước Đại Lý.”
Bảo Định Đế đứng lên, tay trái vuốt chòm râu dài, hai ngón tay phải gõ nhẹ vào trán, bước thủng thỉnh đi trong thư phòng. Mọi người đều biết khi gặp việc khó giải quyết ngài thường có cử chỉ như vậy để xuất thần suy nghĩ nên không ai dám lên tiếng, để ngài được tĩnh trí. Bảo Định Đế đi đi lại lại hồi lâu rồi nói: “Thái tử Diên Khánh thủ đoạn thật là độc ác, cho Dự nhi uống Âm Dương hòa hợp tán. Chất thuốc này dược tính ghê gớm, người thường khó lòng chống chọi nổi. Chỉ sợ… chỉ sợ lúc này thuốc độc làm cho y mê muội rồi cũng chưa biết chừng. Than ôi, đây là gian kế của người ngoài chứ nào phải tại Dự nhi, mình trách thế nào được?”
Đoàn Chính Thuần cúi gằm mặt xuống, xấu hổ vô cùng. Ông tự trách: Họa này xét cho cùng chỉ tại mình phong lưu lãng mạn gây ra.
Bảo Định Đế quay trở lại chiếc ghế đang ngồi, nói: “Ba Tư không, truyền hạ ý chỉ, ra lệnh cho Hàn lâm viện thảo chiếu gia phong Hoàng đệ Đoàn Chính Thuần lên chức Hoàng thái đệ.”
Đoàn Chính Thuần cả kinh vội quỳ xuống tâu: “Hiện nay đại ca đang độ tuổi xuân còn thịnh, muôn dân đội đức cao dày, Hoàng thiên tất sẽ trông lại, con cháu đề huề. Chức Hoàng thái đệ kia xin khoan bàn đến.”
Bảo Định Đế cầm tay nâng dậy nói: “Hoàng đế cùng ta hai người như một. Giang sơn nước Đại Lý này cả hai anh em ta chấp chưởng. Đừng nói là ta không có con, dù có hoàng nam đi nữa ta vẫn truyền ngôi cho Hoàng đệ. Việc ta quyết lập Thuần đệ kế thừa cả nước đều biết. Ngày nay càng cần định rõ danh phận để thái tử Diên Khánh đừng mong gì nữa.”
Đoàn Chính Thuần từ khước ba bốn lần không được, đành phải khấu đầu tạ ơn. Bọn Cao Thăng Thái liền tiến lên chúc mừng. Bảo Định Đế không có con cái, ngôi vua về sau ắt sẽ truyền cho Đoàn Chính Thuần, việc đó ai cũng đã biết nên không ai ngạc nhiên.
Bảo Định Đế phán: “Ai nấy về nghỉ đi! Việc thái tử Diên Khánh chỉ nên cho Hoa Tư đồ, Phạm Tư mã hai người biết mà thôi, không được tiết lộ ra ngoài.” Mọi người vâng lệnh cúi đầu cáo biệt. Ba Thiên Thạch lập tức đi xuống Hàn lâm viện truyền chiếu chỉ của nhà vua.
***
Bảo Định Đế dùng cơm xong, ngủ một chốc, lúc tỉnh dậy nghe thấy ngoài cung vọng vào tiếng reo hò, âm nhạc du dương, pháo nổ rầm trời. Nội giám vào chầu chực thay áo rồi bẩm: “Bệ hạ phong Trấn Nam Vương làm Hoàng Thái Đệ, dân chúng hoan hô chúc mừng thật là náo nhiệt.” Mấy năm nay nước Đại Lý không có nạn binh đao, triều đình thanh chính, dân sự yên vui. Trăm họ rất kính phục Hoàng đế cùng Trấn Nam Vương và Thiện Xiển Hầu. Bảo Định Đế phán bảo nội giám: “Truyền ý chí của trẫm ngày mai mở hội hoa đăng, trong thành Đại Lý không phải dẹp đường, lại mở tiệc lớn khao thưởng ba quân, ban rượu thịt cho kỳ lão cô nhi.” Ý chỉ vừa ban ra, trăm họ đều mừng rỡ.
Tối hôm đó, Bảo Định Đế mặc thường phục, một mình ra khỏi cung. Ông kéo sụp mũ xuống che kín lông mày chỉ hở hai con mắt, dọc đường thấy trăm họ múa hát rất là vui vẻ. Thời bấy giờ nhân sĩ Trung Nguyên coi nước Đại Lý là đất man di mọi rợ, nghi lễ khác xa Trung thổ. Trên đường cái thanh niên nam nữ dắt nhau đi chơi, cười cợt nô đùa là sự rất thường. Bảo Định Đế nghĩ thầm: “Cầu mong cho dân chúng nước Đại Lý ta đời đời kiếp kiếp được hoan lạc thế này”.
Nhà vua ra khỏi thành rồi rảo bước mau. Đi được hơn hai mươi dặm thì bắt đầu lên dốc núi. Đường sá mỗi lúc một vắng tanh, đi hết bốn khu thung lũng đến một ngôi cổ tự nhỏ, ngoài cửa có đề ba chữ: “Niêm Hoa Tự”. Phật giáo là quốc giáo của nước Đại Lý nên trong ngoài kinh thành chùa lớn cũng vài chục còn chùa nhỏ tính hàng trăm. Ngôi Niêm Hoa Tự này ở nơi hẻo lánh, ít người khói hương, ngay cả người Đại Lý phần lớn cũng chẳng ai biết đến.
Bảo Định Đế đứng ngoài cổng chùa, tĩnh tâm mặc niệm một hồi rồi tiến tới nhẹ nhàng gõ cửa ba tiếng. Một lát, cửa chùa mở, một chú tiểu chạy ra, chắp tay hỏi: “Tôn khách tới đây có việc gì?” Bảo Định Đế đáp: “Xin thông báo cho Hoàng Mi đại sư là có cố nhân Đoàn Chính Minh đến viếng.” Chú tiểu nói: “Xin mời vào.” Nói xong quay mình dẫn đường cho khách. Bảo Định Đế tiến vào trong chùa, bỗng nghe hai tiếng chuông boong boong từ hậu viện truyền ra, cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, thần trí tiêu dao.
Hai người bước trên thềm đầy lá rụng đi đến phía sau. Chú tiểu nói: “Xin tôn khách ở đây chờ một chút, để tiêu tăng độ bẩm cho sư phụ biết.” Bảo Định Đế đáp: “Được.” Ông chắp tay sau lưng đứng giữa sân nhìn lá vàng từ trên cây ngân hạnh lác đác rơi theo gió. Trong đời ông hiếm khi nào phải đứng ngoài cửa chờ người khác, thế nhưng khi bước chân vào Niêm Hoa Tự này, lòng trần tục sạch lâng lâng, tự nhiên quên cả mình là chúa tể của cả một cõi trời nam.
Chợt nghe tiếng một ông già cười nói: “Đoàn hiền đệ có điều chi nan giải?” Bảo Định Đế quay đầu nhìn lại thấy một vị lão tăng mặt mũi nhăn nheo, thân hình cao lớn đang từ trong căn nhà nhỏ bước ra. Vị sư già đó có đôi lông mày dài sắc vàng, đuôi mày rủ xuống, chính là Hoàng Mi hòa thượng.
Bảo Định Đế chắp tay nói: “Đến quấy nhiễu việc thanh tu của đại sư.” Hoàng Mi hòa thượng mỉm cười nói: “Xin mời vào.” Bảo Định Đế tiến vào trong căn nhà nhỏ thấy hai nhà sư trung niên đứng với chào, biết đó là đệ tử của Hoàng Mi nên cũng giơ tay đáp lễ rồi xếp bằng ngồi xuống chiếc bồ đoàn ở phía tây, đợi cho hòa thượng Hoàng Mi ngồi xuống bồ đoàn mé đông mới bắt đầu vào chuyện: “Tôi có thằng cháu là Đoàn Dự, lúc mới lên bảy tuổi đã từng lại đây nghe sư huynh giảng kinh.” Hoàng Mi tăng mỉm cười: “Thằng bé đó có ngộ tính khá, quả là một đứa bé ngoan, ngoan lắm.” Bảo Định Đế nói: “Nó nhờ được Phật pháp điểm hóa nên tính tình từ bi, không chịu học võ để tránh sát sinh.” Hoàng Mi tăng nói: “Không hiểu võ nghệ vẫn giết người được. Giỏi võ vị tất đã giết người.”
Bảo Định Đế đáp: “Phải lắm!” Thế rồi ông đem chuyện Đoàn Dự không chịu học võ bỏ nhà trốn đi thế nào, gặp gỡ Mộc Uyển Thanh ra sao rồi bị Thiên Hạ Đệ Nhất Ác Nhân là thái tử Diên Khánh nhốt ở đâu, nhất nhất thuật lại cùng Hoàng Mi, Hoàng Mi tăng chỉ lắng tai nghe, không nói câu nào. Cả hai vị đệ tử đứng sau lưng cũng trầm tĩnh, nét mặt không mảy may xúc động.
Chờ Bảo Định Đế nói xong Hoàng Mi tăng mới chậm rãi nói: “Thái tử Diên Khánh đã là đường huynh hiền đệ, cố nhiên là hiền đệ không tiện động thủ, mà sai thuộc hạ đến cứu người xem chừng cũng không ổn.” Bảo Định Đế nói: “Sư huynh thật là sáng suốt.” Hoàng Mi tăng nói tiếp: “Trên chùa Thiên Long cũng có người võ công giỏi hơn hiền đệ nhưng bọn họ cũng đều trong họ Đoàn mà ra, không tiện tham gia tranh chấp trong nội tộc, thành thử không thể lên đó cầu cứu được” Bảo Định Đế đáp: “Chính thế!”
Hoàng Mi tăng gật đầu từ từ đưa ngón tay giữa ra điểm vào ngực Bảo Định Đế. Bảo Định Đế mỉm cười chìa ngón tay trỏ ra, điểm vào ngón tay giữa Hoàng Mi. Cả hai cùng lắc lư một cái, thu ngón tay về. Hoàng Mi tăng nhíu đôi lông mày nói: “Đoàn hiền đệ, Kim Cương chỉ của ta không thắng nổi Nhất Dương Chỉ của hiền đệ.” Bảo Định Đế nói: “Sư huynh là bậc đại trí tuệ, bất tất phải lấy chỉ lực để thủ thắng.” Hoàng Mi tăng cúi đầu không nói gì.
Bảo Định Đế đứng dậy nói: “Năm năm trước đây, sư huynh bảo tiểu đệ miễn thuế muối cho dân Đại Lý, nhưng một là quốc dụng chưa đủ, hai là tiểu đệ muốn chờ Chính Thuần kế vị rồi mới thi hành để dân chúng hướng về y. Nay tiểu đệ nghĩ lại, sáng mai sẽ ra lệnh bãi bỏ thuế muối.”
Hoàng Mi hòa thượng đứng lên, khom lưng rồi lạy phục xuống, cung kính nói: “Hiền đệ ban phước cho dân, lão tăng cũng cảm đức vô cùng.” Bảo Định Đế cũng sụp lạy đáp lễ xong ra về ngay không nói gì nữa.
Ông về đến cung lập tức sai nội giám triệu Ba Thiên Thạch vào chầu, truyền ban sắc lệnh bỏ thuế muối. Ba Thiên Thạch khom mình tạ ơn nói: “Hoàng thượng khai ân thực là phúc của muôn dân.” Bảo Định Đế tiếp: “Mọi việc tiêu dùng trong cung nhất thiết phải tiết kiệm. Nhà ngươi cùng Hoa Tư đồ, Phạm Tư mã bàn thảo cho kỹ càng, tinh giản được chừng nào hay chừng nấy.” Ba Thiên Thạch tuân lệnh, từ biệt ra khỏi cung.
Ba Tư không lập tức hẹn với Tư đồ Hoa Hách Cấn cùng đến phủ Tư mã Phạm Hoa thông báo việc bãi bỏ thuế muối, còn việc Đoàn Dự bị bắt cóc thì Ba Thiên Thạch đã kể trước rồi.
Phạm Hoa trầm ngâm rồi nói: “Trấn nam thế tử mắc vào tay gian đảng. Hoàng thượng xuống chỉ xá thuế chắc là để cầu trời thương xót, phù hộ cho thế tử yên lành trở về. Bọn mình không biết chia sẻ mối lo cùng đấng chí tôn thì còn mặt mũi nào đứng ở trong triều đình nữa?” Ba Thiên Thạch nói: “Chính thế. Phạm nhị ca có diệu kế gì để cứu điện hạ ra chăng?” Phạm Hoa đáp: “Đối thủ lại chính là thái tử Diên Khánh thì chúa thượng nhất định không muốn chính diện đánh nhau đâu. Tiểu đệ có kế này nhưng chỉ sợ nhọc sức Hoa đại ca nên không dám nói ra.” Hoa tự đồ vội hỏi: “Việc gì mà nhọc sức ta? Nhị đệ nói ngay đi xem nào!” Phạm Hoa đáp: “Hoàng thượng đã bảo võ công thái tử Diên Khánh còn cao hơn cả ngài. Bọn ta xông vào cứu là không được rồi. Đại ca, cái nghề sinh nhai của đại ca hai mươi năm trước đây liệu còn thi thố được nữa chăng?” Bộ mặt rám nắng của Hoa Tư đồ hơi đỏ lên, cười nói: “Nhị đệ lại nói giỡn ta rồi.”
Quan Tư đồ Hoa Hách Cấn trước tên gọi A Căn, xuất thân nghèo khổ, nay làm tới chức Tam công ở Đại Lý nhưng khi chưa thành đạt thì làm nghề đào mả trộm kiếm ăn, chuyên đi đào mồ những vương công cự phủ. Người giàu có sau khi chết thường chôn theo những đồ vật quý giá, Hoa A Căn nhiều khi đào đường hầm từ nơi rất xa vào tới phần mộ để trộm.
Tuy làm thế mất nhiều công thật nhưng vì thế không ai phát giác. Có lần Hoa lấy được trong mộ một tập võ công bí quyết, đem về cứ theo đó luyện thành một tay ngoại công trác tuyệt. Rồi từ đó Hoa bỏ cái nghề mưu sinh ti tiện, theo phò Bảo Định Đế lập được nhiều kỳ công thăng lên đến chức Tư đồ. Từ khi làm quan to, Hoa thấy cái tên A Căn có vẻ khó nghe nên mới đổi là Hách Cấn. Ngoài hai người bạn chí thân là Phạm Hoa và Ba Thiên Thạch, rất ít người biết rõ lai lịch của ông.
Phạm Hoa đáp: “Tiểu đệ đâu dám nói giỡn đại ca. Bọn ta phải đào một đường hầm vào trong Vạn Kiếp Cốc, thông vào thạch thất giam Trấn Nam thế tử, thần không hay, quỷ không biết mới cứu thế tử ra được.”
Hoa Hách Cấn vỗ đùi reo lên: “Thật là tuyệt diệu! Tuyệt diệu!” Bản lãnh đào mả trộm của y thật là thiên tài, hơn hai mươi năm qua không còn dùng để mưu sinh nữa nhưng lắm lúc nhớ lại vẫn thấy chân tay ngứa ngáy. Khốn nỗi đã làm đến cực phẩm triều đình lại đi đào mả trộm thì còn ra thể thống gì nữa? Bây giờ y nghe Phạm Hoa đề nghị bất giác cả mừng.
Phạm Hoa cười nói: “Đại ca đừng mừng vội, bên trong còn nhiều vấn đề nan giải. Tứ ác hiện nay ở cả trong Vạn Kiếp Cốc, ngoài ra còn vợ chồng Chung Vạn Cừu, Tần Hồng Miên đều là những nhân vật cực kỳ lợi hại, qua được tại mắt bọn này đâu phải chuyện dễ dàng? Hơn nữa đích thân thái tử Diên Khánh trấn giữ cửa mật thất, lão ngồi trên mà mình đào bên dưới giữ thế nào cho lão không hay?”
Hoa Hách Cấn trầm ngâm một hồi mới nói: “Vậy ta phải đào đường hầm về phía sau mật thất, để tránh chỗ của thái tử Diên Khánh.” Ba Thiên Thạch nói: “Thế tử còn bị nhốt trong đó giờ phút nào là còn nguy hiểm giờ phút ấy. Chúng ta đào hầm công trình không phải nhỏ, e rằng không kịp chăng?” Hoa Hách Cấn đáp: “Vậy ba ta cùng phải hợp lực. Hai vị hiền đệ chịu khó học ta cái nghề đào mồ ăn trộm vậy.” Ba Thiên Thạch cười nói: “Chúng ta làm đến Tam công nước Đại Lý, nhưng quốc gia đại sự thì dù là đào mồ quật mả hay ăn trộm đi nữa cũng không thể từ nan được.” Ba người vỗ tay cả cười.
Hoa Hách Cấn nói: “Việc này không thể chậm được nữa, nói làm là làm liền.” Nói xong Ba Thiên Thạch vẽ đồ hình trong Vạn Kiếp Cốc, Hoa Hách Cấn tính toán cửa hầm và đường đi, làm cách nào để tránh tai mắt người ngoài, làm thế nào chuyên chở được đất cát đem đi đổ. Thật là một tuyệt kỹ của Hoa, trên đời có một không hai.
***
Trong một ngày một đêm qua, Đoàn Dự mỗi khi thấy trong người bứt rứt liền thi triển thân pháp Lăng Ba Vi Bộ ở trong thạch thất đi qua đi lại, chỉ cần một hai vòng là thấy dịu hẳn xuống. Thế nhưng Mộc Uyển Thanh thì người phát sốt, thần trí mơ hồ, phần lớn thời gian chỉ tựa lưng vào tường đá mà ngủ mê mệt.
Hôm sau vào khoảng giữa trưa, Đoàn Dự lại rảo bước trong căn phòng bỗng nghe bên ngoài thạch thất có tiếng một ông già giọng khàn khàn: “Mười chín đường ngang đọc, biết bao kẻ say mê. Nếu cư sĩ cao hứng thì cùng lão tăng đánh chơi một ván.” Đoàn Dự trong bụng lạ lùng vội vàng đi chậm lại, thêm mươi bước nữa rồi ngừng hẳn, ghé mắt qua cái lỗ hổng vẫn dùng để đưa cơm nhìn ra ngoài.
Chỉ thấy một nhà sư già mặt mũi nhăn nheo, lông mày vàng hoe, tay trái cầm một cái mõ to bằng miệng bát, tay phải cầm một chiếc dùi đen nhánh, gõ lên cái mõ mấy tiếng cốc cốc cốc, nghe âm thanh thì ra cái dùi đó đúc bằng sắt. Ông ta vừa niệm: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” vừa cúi xuống phiến đá xanh ngay trước căn nhà đã dùng dùi mõ vạch, nghe sè sè bụi đá tung lên, nét vạch sâu xuống thành một đường thẳng như sợi chỉ. Đoàn Dự thấy lạ lùng, nghĩ bụng dường như mình đã được gặp vị sư già ở đâu rồi thì phải. Kình lực bàn tay ông ta mạnh thật, chỉ tiện tay vạch lên mà trên nền đá thành một rãnh sâu chẳng khác gì đục bằng dùi sắt của người thợ chạm. Dùi mõ chỉ chầm chậm vạch qua thành một đường thẳng tắp, còn nếu người thợ muốn đục được thắng như thế dĩ nhiên phải vạch trước bằng mực đen.
Trước căn nhà đá một giọng nói uất nghẹn vang. lên: “Kim Cương chỉ lực, công phu giỏi lắm.” Chính là tiếng của người áo xanh Ác Quán Mãn Doanh. Thiết trượng của y liền thò ra vạch một đường ngang thẳng góc với đường của Hoàng Mi tăng, cũng ăn sâu vào đá thẳng băng. Hoàng Mi tăng cười nói: “Thí chủ bằng lòng tứ giáo, hay lắm, hay lắm!” Ông ta liền đưa dùi lên vẽ thêm một đường thẳng nữa, người áo xanh liền về một đường ngang. Cứ như thế bên này khắc một đường, bên kia khắc một đường, hai người ngưng tụ công lực, dùi trượng càng vẽ càng chậm dần để cho đường mình sẽ không có chỗ sâu nông khác nhau hoặc nét vạch kém chính tề thẳng thắn.
Độ chừng ăn xong một bữa cơm, một bàn cờ dọc ngang mười chín đường đã ngay ngắn khắc xong, Hoàng Mi tăng nghĩ thầm: “Chính Minh hiền đệ nói không sai, gã thái tử Diên Khánh này nội lực quả là cao cường”. Thái tử Diên Khánh không phải như Hoàng Mi tăng đã chuẩn bị rồi mới đến nên trong bụng cũng hãi thầm: “Ở đâu lại nhảy ra một lão hòa thượng ghê gớm đến thế này? Rõ ràng Đoàn Chính Minh mời y đến tiếp tay cho hắn. Nếu hắn thừa cơ mình ngồi đây để vào cứu Đoàn Dự thì mình đâu có thể phân thân ra đối địch?”.
Hoàng Mi tăng nói: “Đoàn thí chủ công lực cao thâm, lão tăng rất là khâm phục. Về môn cờ chắc thí chủ cũng cao gấp mười bần tăng. Bây giờ ta đánh cờ chơi, lão tăng xin thí chủ chấp cho bốn quân.” Người áo xanh ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Chỉ lực của nhà sư ghê gớm như thế hẳn là bậc cao nhân. Lão đến đây khiêu chiến, vừa mở miệng lại đòi nhường là sao?”. Y bèn nói: “Đại sư bất tất quá khiêm. Nếu đại sự muốn hơn thua thì cứ để bằng quân,” Hoàng Mi tăng nài: “Bốn quân không chấp được hay sao?”
Người áo xanh lạnh lùng đáp: “Đại sư đã tự biết mình kém nước thì bất tất phải đấu nữa.” Hoàng Mi tăng khẩn khoản: “Thế thì ba quân được chăng?” Người áo xanh đáp: “Chỉ nhường đi trước cũng đã là quá rồi.”
Hoàng Mi tăng cười ha hả nói: “Thế là lão tăng đủ biết rồi. Thí chủ còn kém lắm. Lão tăng chấp thí chủ ba quân.” Người áo xanh bình thản đáp: “Bất tất phải thế, cứ đấu ngang tay, mỗi người đi trước một lần là được rồi.” Hoàng Mi tăng càng thêm ngại ngùng nghĩ thầm: “Người này không kiêu ngạo lại không nóng nảy, quả là kình địch, dù ta có khích cách nào cũng vẫn điềm tĩnh như không”. Thì ra Hoàng Mi tăng vốn chưa nắm vững được phần thắng, biết người thích cờ thường hiếu thắng, mình mở miệng xin y chấp ba quân, bốn quân rồi đòi chấp lại để khích động đối phương. Ngờ đâu thái tử Diên Khánh không chịu chấp quân mà cũng chẳng để ai nhường mình, không xúc động mảy may, vẫn giữ được nghiêm cẩn kín đáo.
Hoàng Mi tăng nói: “Thôi thế cũng được. Nhưng thí chủ là chủ mà tôi là khách, chủ phải nhường khách đi trước.” Người áo xanh nói: “Không được, tiền chủ hậu khách, để ta đi trước.” Hoàng Mi tăng đáp: “Nếu vậy thì phải đánh đố. Năm nay lão tăng tuổi chẵn hay tuổi lẻ, nếu thí chủ đoán trúng thì đi trước, đoán sai thì phải nhường lão tăng.” Người áo xanh nói: “Ta có đoán trúng chăng nữa đại sư cũng nói là sai.” Hoàng Mi tăng nói: “Được rồi. Lão tăng đã có cách, muốn cãi chối cũng không được, Lão tăng xin hỏi: sau năm bảy mươi tuổi, tổng số ngón cả hai bàn chân lão tăng lẻ hay chẵn?”
Câu đố đó quả nhiên quái lạ, người áo xanh nghĩ thầm: “Người bình thường có mười ngón chân, đương nhiên là chẵn rồi. Y nói rõ là sau năm bảy mươi tuổi chắc là để cho ta tưởng rằng y mất đi một ngón chứ gì? Binh pháp có nói là: Thực hư hư thực. Y còn đủ mười ngón chân nhưng cố tình giở trò đánh lạc hướng, lừa mình thế nào được?”. Y bèn nói: “Số chẵn.” Hoàng Mi tăng đáp: “Sai rồi, số lẻ.” Người áo xanh nói: “Đại sư tháo giày ra cho coi!”
Hoàng Mi tăng cởi giày vớ bên chân trái ra thấy năm ngón chân hãy còn nguyên vẹn. Người áo xanh chăm chăm nhìn mặt đối phương thấy ông ta bình tĩnh tươi cười thì tưởng chân phải nhà sư chỉ có bốn ngón thật. Lại thấy nhà sư từ từ cởi giày chân phải ra, giơ tay cởi vớ, y đang định nói: “Thôi khỏi cần kiểm chứng, ông đi trước đi” thì lại chợt nghĩ: “Không thể mắc hỡm y”. Hoàng Mi tăng lại cởi nốt với chân phải, chân phải cũng đầy đủ năm ngón, có tàn khuyết gì đâu?
Trong giây phút đó bao nhiêu ý nghĩ hiện ra trong đầu người áo xanh, lão chưa đoán ra đối phương có dụng ý gì. Chỉ thấy nhà sư già giơ chiếc dùi sắt lên đánh mạnh xuống, nghe “phập” một tiếng, ngón chân út đã đứt rơi ra. Hai người đệ tử đứng sau lưng thấy sư phụ tự hủy hoại thân thể, máu chảy vọt ra nhịn không nổi kêu “ối” lên một tiếng. Đại đệ tử Phá Nghi vội lấy thuốc kim sang trong bọc ra rịt cho thầy, xé một mảnh tay áo băng lại.
Hoàng Mi tăng cười nói: “Năm nay lão tăng sáu mươi chín tuổi, có phải bảy mươi tuổi thì số ngón chân thành số lẻ rồi không?”
Người áo xanh đáp: “Đúng rồi, xin mời đại sư đi trước.” Y nổi tiếng là Thiên Hạ Đệ Nhất Ác Nhân, bao nhiêu thảm cảnh rùng rợn đã từng thấy cả rồi thì việc chặt đứt một ngón chân có đáng gì đâu, nhưng nghĩ thầm nhà sư này chỉ vì muốn đi trước một nước mà đã ra tay như thế đủ biết ông ta nhất định quyết thắng ván cờ này, nếu lỡ mà thua tất sẽ bị nhà sư đưa ra điều kiện khắt khe vô cùng.
Hoàng Mi tăng nói: “Xin phép.” Ông ta cầm cái dùi lên khắc xuống điểm tứ tứ ở hai góc đối diện mỗi bên một cái vòng tròn nhỏ, thế là coi như đã đi hai quân cờ trắng. Người áo xanh giơ cây gậy sắt ra ấn vào hai điểm tứ tứ còn lại mỗi bên một cái, lập tức nền đá xanh lõm xuống hai lỗ tức là đi hai quân đen. Cả bốn góc điểm tứ tứ đều có quân đen trắng thì gọi là “thế tử”, một phép đánh cổ của vi kỳ Trung Quốc, trắng đi trước đen đi sau, ngược lại với phép đánh sau này của hậu thế. Hoàng Mi tăng kế đến đặt tại Bình Vị lục tam một quân, người áo xanh bèn đi một nước nơi chỗ cửu tam. Lúc đầu hai người đi rất nhanh, nhà sư không kém sút chút nào, quả có mất một ngón chân để đi trước một nước kể cũng đáng.
Đi đến nước thứ mười bảy mười tám, cuộc cờ đã bắt đầu gay cấn. Trí lực hai bên hao tổn rất nhiều, một mặt phải dùng hết tâm trí để suy tính nước cờ, một mặt phải vận khí bồi bổ sức lực, mỗi lúc cờ đi một chậm thêm.
Nhị đệ tử của Hoàng Mi tăng Phá Sân cũng là một tay cờ khá, thấy sư phụ dùng đoản binh đấu với người áo xanh, hai bên toàn những thế kỳ lạ không khỏi bội phục ngầm. Đi đến nước thứ hai mươi bốn, người áo xanh đột ngột xuất kỳ binh, thế cờ đại biến. Nếu như nhà sư không đối phó kịp thì góc Khứ Vị thể nào cũng nguy, còn như đem một con ra cố thủ thì lại thiệt mất nước tiên.
Hoàng Mi tăng suy nghĩ một hồi lâu chưa biết phải làm thế nào bỗng trong thạch thất có tiếng vọng ra: “Phản công ở Khứ Vị thì vẫn giữ được nước tiên.” Thì ra Đoàn Dự giỏi chơi cờ vây từ nhỏ, lúc này thấy hai bên đến chỗ gay go nên buột miệng nhắc cho Hoàng Mi tăng.
Người đời thường nói: “Cờ ngoài bài trong”, người đứng xem thường sang nước hơn người đang đánh, kỳ lực của Đoàn Dự vốn đã cao hơn Hoàng Mi tăng lại đứng ngoài cuộc nên nghĩ ngay ra được những nước hay. Hoàng Mi tăng đáp: “Lão tăng đã nghĩ tới nước cờ này rồi, còn đang cân nhắc, Giờ được thí chủ đồng ý thì lão tăng không phân vân gì nữa.” Bàn đặt nơi Khứ Vị ngay chỗ thất tam một quân.
Người áo xanh lạnh lùng đọc: “Ngồi ngoài ngậm miệng là quân tử, tự ý ra quân mới trượng phu.” Đoàn Dự nghe lão đọc tức mình la lên: “Ngươi vô cớ nhốt ta vào đây thì có phải là quân tử không?” Hoàng Mi tăng cũng cười nói: “Lão tăng đây là đại hòa thượng chứ đâu phải đại trượng phu?” Người áo xanh khinh khỉnh mạt sát: “Vô sỉ, vô sỉ!” Y suy nghĩ một hồi rồi cũng đi một quân nơi Khứ Vị.
Đi mấy nước nữa Hoàng Mi tăng lại lâm vào thế bí. Phá Sân hòa thượng nóng ruột không nghe Đoàn Dự nhắc gì vội chạy đến bên nhà thạch thất khẽ hỏi: “Đoàn công tử, bây giờ đi nước nào cho phải?” Đoàn Dự đáp: “Ta đã tính ra đến bảy nước rồi nhưng nếu nói ra e rằng kẻ địch nghe được thì không còn hiệu nghiệm nữa, thành thử cứ ngần ngừ không muốn nhắc.” Phá Sân liền viết vào tay phải ba chữ: “Xin viết ra”. Rồi nhà sư luồn tay qua lỗ hổng luồn vào trong, miệng nói: “Nếu thế thì thôi, đành chịu vậy” Y biết người áo xanh nội công thâm hậu, dù cho Đoàn Dự có ghé tai nói nhỏ cũng có thể bị y nghe được.
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Kế này tuyệt diệu”, liền đưa ngón tay viết vào bàn tay y bảy nước đi, miệng nói: “Tôn sư kỳ lực cao minh ắt sẽ có nước hay, chẳng cần tại hạ chỉ điểm” Phá Sân suy tính kỹ lại thì quả là những nước cờ rất cao nên quay trở lại bên sư phụ, đưa tay viết lên lưng ông. Tăng bào của y che hết bàn tay, nên người áo xanh không sao nhìn thấy y giở trò láu cá. Hoàng Mi tăng định thần một lúc hiểu cả, cứ thế ra quân.
Người áo xanh đằng hắng rồi nói: “Quả lại có kẻ ngấm ngầm mách nước, bản lãnh đại sư xem ra chưa tới mức này.” Hoàng Mi tăng cười: “Đánh cờ là trò đấu trí trong cái giả có cái thật, người giỏi phải đưa những ngón dở ra trước. Nếu lão tăng để thí chủ tỏ tường hư thực ngay từ lúc đầu thì cuộc cờ còn chỉ là ảo diệu nữa?” Người áo xanh đáp: “Chơi trò giảo hoạt, ném đá giấu tay.” Y thấy Phá Sân hòa thượng chạy qua chạy lại rồi che tay áo lên lưng Hoàng Mi đã sinh nghi, nhưng vì chú tâm vào thế cờ biến ảo thành ra chuyện chung quanh không nhìn rõ được.
Hoàng Mi tăng theo đúng lời Đoàn Dự chỉ, cứ thế mà đi. Sáu nước sau không cần phải suy nghĩ gì cả, chỉ chuyên chú vận công nên những cái lỗ do dùi đục vào đá xanh vừa sâu vừa tròn, đủ biết thần khí đầy đủ, nội lực triền miên không dứt. Người áo xanh thấy những nước cờ càng về sau càng ghê gớm, nước nào cũng phải suy nghĩ cách chống đỡ nên nét đục của thiết trường nông sâu không đều. Đến khi Hoàng Mi tăng đi xong nước thứ sáu rồi, người áo xanh xuất thần suy nghĩ một hồi đột nhiên đặt một quân vào Nhập Vị.
Quân cờ đó đi thật bất ngờ không liên quan gì đến lối tính toán của Đoàn Dự. Hoàng Mi tăng cả kinh nghĩ thầm: “Bảy nước cờ của Đoàn công tử thật là tinh vi, đi đến nước thứ bảy thì ta từ đi trước một nước đã thành hơn tới hai nước. Thế nhưng nước thứ bảy không đi được nữa rồi, chẳng hóa ra bao nhiêu nước trước thành công cốc hay sao?”, Thì ra người áo xanh thấy tình hình bất lợi ứng phó cách nào xem ra cũng không xong bèn không lý đến nữa, bỏ luôn thế thủ tiến lên công ngay một quân, đó chính là dĩ công vi thủ, quả nhiên lợi hại.
Hoàng Mi tăng nhíu mày không nghĩ ra được cách nào cho ổn. Phá Sân thấy tình thế đại biến, sư phụ khó lòng giải quyết nổi, bèn lập tức chạy lại bên thạch thất, Đoàn Dự cũng đã nghĩ chín liền viết cho y sáu nước cà rõ ràng từng nước một. Phá Sân chạy lại chỗ Hoàng Mi tăng đưa tay viết lên lưng sư phụ.
Người áo xanh đã nổi danh là Thiên Hạ Đệ Nhất Ác Nhân lẽ nào lại dung cho y liên tiếp phá bĩnh mình. Thiết trượng từ tay trái liền tung vào vai Phá Sân, quát lên: “Đứa hậu sinh kia, mau đứng lại!” Thiết trượng điểm ra phát tiếng vù vù.
Hoàng Mi tăng biết là đệ tử mình không sao chống đỡ nổi thể nào cũng trọng thương, lập tức giơ tả chưởng chộp vào đầu trượng. Đầu tượng của người áo xanh liền rung động điểm luôn vào huyệt đạo dưới vú nhà sư. Hoàng Mi tăng biến trảo thành cương đao chém xuống đầu gậy, thiết trượng liền biến chiêu. Chỉ trong khoảnh khắc hại người đã trao đổi bảy tám chiêu. Hoàng Mi tăng nhận thấy cánh tay mình ngắn còn thiết trượng của địch dài, nếu tiếp tục hóa ra chỉ thủ mà không công, không có đường thắng nên vừa thấy trượng điểm tới liền tung ra một chỉ nhắm ngay đầu trượng đâm vào. Người áo xanh không rút về tránh, đầu trượng và ngón tay đụng nhau, hai người cùng dùng nội lực để đấu, lập tức cả hai bên đều đứng sững lại.
Người áo xanh nói: “Nước cờ này đại sư mãi không đi được, chịu thua quách đi cho rồi.” Hoàng Mi tăng cười ha hả nói: “Các hạ là tiền bối cao nhân, sao lại ra tay đánh trộm đệ tử của ta? Như thế có mất thân phận lắm chăng?” Tay phải cầm dùi sắt khắc một vòng tròn nhỏ dưới phiến đá. Người áo xanh cũng không nghĩ ngợi, tiện tay cũng đặt một quân. Từ đó trở đi, hai người tay thì vận nội lực không cách nào có thể lơi được, đồng thời trên bàn cờ nước nào cũng khẩn cấp, chỗ nào cũng gay go.
Năm năm trước đây, Hoàng Mi tăng vì bách tính nước Đại Lý cầu xin Bảo Định Đế bãi bỏ thuế muối, đến nay mới được nhà vua chuẩn cho. Hai người hiểu ý nhau nên ông nhất định ra tay cứu Đoàn Dự. Hoàng Mi tăng nghĩ thầm: “Mình sống hay chết cũng chẳng đáng quan tâm, nhưng nếu không cứu thoát được Đoàn Dự thì còn mặt mũi nào trông thấy Chính Minh hiền đệ?” Kẻ luyện nội công cần nhất là không được có một chút tạp niệm nào, nhưng đánh cờ thì lại luôn luôn muốn hơn người một bước, trên bàn cờ ba trăm sáu mươi mốt điểm, điểm nào cũng phải nghĩ tới, quả đúng là đến một sợi tóc cũng không thể bỏ qua thì mới tính toán cho đến nơi đến chốn được. Hai điều đó gần như tương phản nhau. Hoàng Mi tăng công phu thiền định tuy cao thâm nhưng sức cờ lại không bằng đối phương, chú tâm vào việc vận nội lực kháng địch thì lại sao nhãng nước cờ, còn như tập trung nghĩ nước cờ thì nội lực lại giảm đi trở thành núng thế. Cục diện hôm nay hung hiểm lạ thường, lão tăng quyết tâm lấy cái chết báo đến người tri kỷ nên không còn nghĩ gì đến việc an nguy của mình nữa. Cổ nhân có nói: “Quân nguy thì dễ thắng”, thế nhưng Hoàng Mi tăng lúc này nguy thì có nguy còn thắng thì chưa thấy phương hướng.
***
Tam công nước Đại Lý là Tư đồ Hoa Hách Cấn, Tư mã Phạm Hoa và Tư không Ba Thiên Thạch dắt theo ba chục thuộc hạ biết võ công, đem gỗ, xẻng, đèn treo các món tiến vào khu rừng rậm trong Vạn Kiếp Cốc, chọn địa thế rồi đào đường hầm vào. Ba mươi ba người đào cả đêm đã được một con đường hầm dài đến vài chục trượng. Qua hôm sau lại đào thêm nửa ngày nữa đến xế trưa, tính toán ra không còn cách thạch thất bao xa. Hoa Hách Cấn bảo bộ thuộc lui lại phía sau để chuyển đất, chỉ còn ba người thay phiên đào. Ba người biết rằng thái tử Diên Khánh võ công rất cao cường nên khi đào chỉ nhè nhẹ ấn xẻng xuống không dám để phát ra chút thanh âm nào. Chính vì thế mà tiến triển rất chậm, có biết đâu lúc này người áo xanh đang hết sức chú tâm đánh cờ với Hoàng Mi tăng, lại đấu nội lực làm gì còn để ý đến âm thanh dưới đất.
Đào đến khoảng giờ Thân, tính ra đã đến nơi thạch thất Đoàn Dự đang bị cầm tù. Nơi này và nơi Diên Khánh đang ngồi cách nhau chỉ độ một trượng nên lại càng cực kỳ thận trọng, không dám để phát ra một tiếng động nhỏ. Hoa Hách Cấn bỏ xẻng xuống, thi triển Hổ Trảo Công dùng mười ngón tay mọi đất chẳng khác nào mười cái móc sắt, móc lên từng tảng đất lớn. Phạm Hoa và Ba Thiên Thạch hai người ở sau chuyền những tảng đất y đào ra ngoài. Lúc này Hoa Hách Cấn không còn đào ngang nữa mà đã đào đứng từ dưới lên trên. Công trình đã gần xong, chỉ giây lát là biết có cứu được Đoàn Dự không, ba người không khỏi nóng ruột, trống ngực đánh thình thình.
Việc đào ngược lên dễ dàng hơn trước nhiều, chỉ động vào là đất rụng xuống. Hoa Hách Cấn đứng thẳng lên được rồi ra tay càng nhanh nhẹn, cứ đào một lát lại lắng tai nghe ngóng xem bên trên có động tĩnh gì không. Đào như thế chừng tàn hai nén hương, chỉ còn cách mặt đất chừng một thước, Hoa Hách Cấn tay liền chậm lại, gạt đất nhẹ nhàng, sau cùng đụng phải một tấm gỗ, trong bụng mừng thầm: “Dưới sàn thạch thất có lát ván xem ra càng tiện cho mình”.
Y vận nội lực vào đầu ngón tay, từ từ khoét vuông vắn mỗi bề hai thước thành cái cửa hầm vừa một người chui lọt, khoét xong cúi xuống ra hiệu cho hai ông bạn đỡ lấy rồi buông tay để tấm ván hạ xuống. Hoa Hách Cấn giơ xẻng lên khoa trên miệng hầm để đề phòng có người đột kích, chợt nghe tiếng lanh lảnh một cô gái la lên: “Trời ơi” đầy vẻ kinh hoàng.
Hoa Hách Cấn khẽ gọi: “Mộc cô nương chớ to tiếng! Người nhà đến cứu đây mà.” Y tung mình vọt từ dưới hầm lên.
Vừa đưa mắt nhìn quanh thì Hoa Hách Cấn hoảng hồn, nơi đây đâu có phải thạch thất mà là một căn phòng sạch sẽ đồ đạc tươm tất, đầy những kệ để đủ các loại bình lớn bé, một thiếu nữ mặt mày kinh hãi, nép vào một góc. Vị trí thạch thất là do Bảo Định Đế nói cho Ba Thiên Thạch nghe, Ba Thiên Thạch lại kể cho Hoa Hách Cấn, vì sợ mưu kế bại lộ nên đâu có ai dám đến tận nơi quan sát, thành thử Hoa Hách Cấn tính toán sai, cái sai một li kia tuy đi không tới một dặm nhưng cũng hết mấy chục trượng.
Nơi y đào đến đúng ngay nhà Chung Vạn Cừu, thiếu nữ kia là Chung Linh, nàng đang ở trong phòng phụ thân lục lọi tìm giải được để đi cứu Đoàn Dự. Bất thình lình ở dưới đất chui lên một người đàn ông thì làm gì mà nàng chẳng sợ mất vía?
Hoa Hách Cấn tâm linh ứng biến cực kỳ mau lẹ, nghĩ bụng: “Hóa ra mình đào lầm chỗ rồi, cố nhiên là phải đào lại nhưng đã trót lộ hình tích. Nếu giết cô gái đi để bịt miệng thì người trong Vạn Kiếp Cốc thấy xác cô ta, lập tức sẽ tra xét mọi nơi. Mình chưa vào đến nhà thạch thất đã bị khám phá ra đường hầm rồi thì hỏng bét. Chỉ còn cách là đem cô ta xuống hầm, người nào muốn tìm cô ta ắt sẽ ra ngoài sơn cốc.”
Vừa nghĩ tới đó chợt ngoài phòng có tiếng chân người đi tới. Hoa Hách Cấn bèn khoa tay trước mặt Chung Linh ra hiệu cấm nàng không được lên tiếng. Rồi giả vờ trở gót, như kiểu muốn chui xuống hầm nhưng vụt một cái Hoa nhảy phắt lại phía sau, giơ tay trái bịt miệng Chung Linh còn tay phải quờ ra sau lưng cô ta kéo lại gần cửa hầm tống xuống bên dưới. Phạm Hoa giơ tay đỡ lấy, bốc ngay một nắm đất nhét vào mồm. Hoa Hách Cấn nhảy trở vào hầm, cầm miếng gỗ vừa cắt ra để lại ngay ngắn chỗ cũ rồi ghé tai vào kẽ hở nghe ngóng.
Chỉ thấy hai người đi vào trong phòng, có tiếng đàn ông nói: “Hẳn nàng đối với hắn còn có mối dư tình chưa đứt. Nếu không thì ta muốn phá hoại thanh danh họ Đoàn, can gì đến nàng mà nàng ngăn cản?” Có tiếng đàn bà giận dữ đáp: “Chàng nói… dư… dư… chi đó? Ta cho chàng hay, ta không còn tình ý gì với người đó đâu.” Gã đàn ông lại nói: “Nếu vậy thì còn gì hay bằng”. Giọng nói đầy vẻ hớn hở vui mừng. Người đàn bà lại tiếp: “Chẳng qua Mộc Uyển Thanh là con gái sư tỷ ta, cũng là người bên mình, sao ông lại làm khó nàng ta như thế?”
Hoa Hách Cấn nghe đến đây, biết ngay đây là vợ chồng Chung cốc chủ, thấy họ bàn cãi với nhau có liên quan đến Đoàn Dự vội lắng tai nghe.
Lại thấy tiếng Chung Vạn Cừu nói: “Sư tỷ nàng lén lút đi thả Đoàn Dự, may mà Diệp Nhị Nương phát giác kịp thời. Thế thì mụ đã thành cừu địch với mình rồi, hà tất nàng còn phải quan tâm đến con gái mụ nữa? Phu nhân, khách tại đại sảnh toàn là những nhân vật thành danh trong võ lâm Đại Lý. Sao nàng chẳng coi ai ra gì, chỉ lườm họ một cái rồi bỏ xuống đây, chẳng… chẳng hóa ra mình… thiếu lễ độ quá hay sao?” Chung phu nhân vùng vằng đáp: “Ông mời bạn đó tới đây để làm gì? Những người đó với mình chẳng có giao tình gì lắm, liệu bọn họ có dám đắc tội với đường kim hoàng đế nước Đại Lý không?” –
Chung Vạn Cừu đáp: “Ta có mời họ về tiếp tay làm phản đâu mà ngại? Chẳng qua họ ở gần quanh đây nên mời đến để chứng kiến hai đứa con Đoàn Chính Thuần cùng ở trong nhà thạch thất làm chuyện loạn luân ô uế, chứ có gì đâu? Hôm nay những tân khách được mời đến có cả mấy hào kiệt từ Trung Nguyên phương bắc. Sáng sớm mai sẽ mở cửa thạch thất để mọi người coi cho rộng tầm con mắt. Các đức tính nhà họ Đoàn nổi tiếng về phép Nhất Dương Chỉ sẽ thêm lừng danh trên chốn giang hồ.” Nói xong hắn đắc ý cười ha hả.
Chung phu nhân đằng hắng một tiếng rồi xẵng giọng: “Đê hèn! Vô liêm sỉ!” Chung Vạn Cừu hỏi: “Nàng bảo ai đê hèn, vô liêm sỉ?” Chung phu nhân đáp: “Kẻ nào làm việc đê hèn vô liêm sỉ thì kẻ ấy là quân đê hèn vô liêm sỉ, cần gì phải gọi đích danh ra.” Chung Vạn Cừu nói: “Đúng rồi, thằng lỏi mặt trắng Đoàn Chính Thuần tính tình trăng gió tạo nhiều oan nghiệt, trời quả báo đến nỗi hai đứa con mình sinh ra giở thói loạn luân, đúng là đê hèn đến cùng cực.” Chung phu nhân cười nhạt không đáp. Chung Vạn Cừu lại hỏi: “Sao nàng lại cười? Quân đế hèn vô liêm sỉ nàng vừa mắng đó không phải là Đoàn Chính Thuần sao?” Chung phu nhân lại cười khẩy nói: “Mình đánh không lại họ Đoàn, cả đời chui rúc ở trong sơn cốc không dám thò đầu ra thì cũng còn được. Con người biết xấu hổ cũng đã là một điều dũng. Ngờ đâu lại đi dùng thủ đoạn để bức hại con trai con gái người ta, thiên hạ anh hùng đâu có cười y mà sẽ cười Chung Vạn Cừu.”
Chung Vạn Cừu tức quá nhảy lên chồm chồm: “Nàng… nàng thóa mạ ta là kẻ đê hèn, vô liêm sỉ ư?” Chung phu nhân ứa nước mắt nghẹn ngào nói: “Không ngờ tôi lấy phải người chồng là… là một nhân vật như thế, sao… sao tôi khổ thế này?”
Chung Vạn Cừu vừa thấy vợ ứa nước mắt, bất giác chân tay luống cuống, nói dỗ: “Được rồi, được rồi! Nàng muốn mắng ta thì cứ việc mắng cho sướng miệng.” Hắn chạy lui chạy tới trong phòng tìm lời tạ lỗi với vợ mà không nghĩ ra, chỉ nói: “Có phải chủ ý ta đâu? Đoàn Dự là do Nam Hải Ngạc Thần đem về, Mộc Uyển Thanh thì do Ác Quán Mãn Doanh bắt giữ, còn Âm Dương hòa hợp tán cũng nào phải của ta? Ta làm gì có loại dược vật hèn hạ xấu xa đó?” Lúc này y chỉ nghĩ được chuyện đổ trách nhiệm qua người khác. Chung phu nhân cười khẩy: “Nếu như ông biết được thế là hèn hạ xấu xa thì cũng tốt rồi. Nếu quả ông không tán thành chủ ý đó sao không thả Mộc Uyển Thanh ra?” Chung Vạn Cừu nói: “Không được, không được! Nếu thả Mộc Uyển Thanh ra, một mình tên tiểu quỉ Đoàn Dự thì còn làm được cái trò gì nữa?”
Chung phu nhân cười gằn: “Được rồi, ông đã đề hèn vô liêm sỉ, tôi cũng sẽ đê hèn vô liêm sỉ cho ông thấy.” Chung Vạn Cừu kinh hãi quá vội hỏi rối rít: “Nàng… nàng… nàng định làm gì thế? Nàng.. nàng lại định cùng với Đoàn… tên ác tặc Đoàn Chính Thuần tư thông ư?” Chung phu nhân giận dữ hỏi lại: “Ông bảo lại định là sao?” Chung Vạn Cừu vội vàng cười làm lành: “Phu nhân, nàng đừng giận. Ta nói sai, nàng trước nay đâu có… đâu có đi lại gì với y. Nàng bảo sẽ làm điều đê hèn vô liêm sỉ cho ta coi, chắc là… chắc là nói đùa chứ gì?” Chung phu nhân không trả lời.
Chung Vạn Cừu trong lòng thảng thốt, liếc mắt nhìn thấy trong phòng chai lọ ngổn ngang liền nói: “Cái con bé Linh nhị thật nghịch ngợm hết nước nói. Mới tí tuổi đầu mà đã hỏi tới Âm Dương hòa hợp tán làm gì? Không biết ai xúi nó vào lục tìm loạn cả lên.” Vừa nói vừa xếp những chai thuốc lại, chân bước thế nào lại trúng vào tấm gỗ miệng hầm. Hoa Hách Cấn phải vận nội lực chống cho nắp hầm khỏi nhúc nhích.
Chung phu nhân hỏi: “Linh nhi đâu rồi? Sao ông lại muốn đưa nó lên trên sảnh chào khách?” Chung Vạn Cừu cười nói: “Chúng mình sinh được đứa con xinh đẹp như thế, sao không để cho bằng hữu được thấy qua?” Chung phu nhân đáp: “Bộ ông muốn đem mỡ nhử mèo chăng? Tôi thấy cặp mắt hau háu của gã Vân Trung Hạc cứ lấm la lấm lét nhìn Linh nhi nhà này, ông phải coi chừng y đó.” Chung Vạn Cừu cười hềnh hệch nói: “Ta chỉ coi chừng mình nàng mà thôi. Con người nguyệt thẹn họa nhường thế kia, đứa nào trông thấy mà chả thèm nhỏ dãi?”
Chung phu nhân chép miệng gọi lớn: “Linh nhi! Linh nhi!” Một con a hoàn chạy lên bẩm: “Con vừa thấy tiểu thư qua đây.” Chung phu nhân gật đầu nói: “Mi đi kêu tiểu thư về đây ta bảo.”.
Chung Linh ở dưới hầm, tất cả những gì cha mẹ nói với nhau nghe rõ từng câu từng chữ. Khốn nỗi miệng bị nhét đầy đất, không sao la lên được, thật là khó chịu. .
Chung Vạn Cừu nói: “Nàng nghỉ một lát, ta ra ngoài tiếp khách.” Chung phu nhân lạnh lùng hỏi lại: “Sao ông không nghỉ để tôi ra tiếp khách” Chung Vạn Cừu đáp: “Thôi cả hai vợ chồng cùng ra vậy.” Chung phu nhân nói: “Thế khách muốn nhìn mặt hoa da phấn của tôi hay là muốn nhìn cái mặt ngựa của ông? Bao giờ đến lúc tôi nhìn ông cũng chán ngấy, ông sẽ biết ngay thế nào?
Mấy hôm nay Chung Vạn Cừu thật là xúi quẩy, nói ra cái gì cũng bị vợ cằn nhằn một chập. Hắn biết vợ trước có tư tình với Đoàn Chính Thuần, bữa nay hoa xưa ong cũ được dịp trùng phùng tránh sao khỏi bồi hồi, khiến lòng người đàn bà sinh ra bực bội. Tuy hắn căm giận vô cùng mà không dám nói lại nửa câu, chỉ cười hề hề đi ra nhà khách, vừa đi vừa nghĩ: “Không biết nàng làm cái gì mà đê hèn vô liêm sỉ cho ta thấy đây? Nàng lại nói đến lúc tôi nhìn ông cũng chán ngấy, như thế nghĩa là hiện giờ nàng chưa chán, cũng không có gì đáng ngại. Chỉ sợ tên cẩu tặc Đoàn Chính Thuần…”
—
(*) (Kim Dung chú thích: Về sau tới đời Đoàn Trí Hưng tức Nhất Đăng đại sư, vì tình thế phải chế ngự Âu Dương Phong nên mới phá lệ tổ tiên đem công phu này truyền cho Vương Trùng Dương và bốn đại đệ tử Ngư Tiều Canh Độc. Xin đọc Xạ Điêu Anh Hùng truyện.)