Tiếu Ngạo Giang Hồ

Hồi 135: Nhạc Linh San đả bại Thái Sơn, Hành Sơn

trước
tiếp

Trường kiếm trong tay Ngọc Khánh Tử không ngừng rung động, nhưng không dám tiến lên. Tuy lão là sư huynh, nhưng bình thường lão ham mê tửu sắc nên kiếm pháp võ công so với Ngọc Âm Tử còn kém xa. Từ đây về sau, Ngũ Nhạc kiếm phái hợp nhất, nhưng người của Ngũ Nhạc tất phải phân ra ở năm núi, mỗi núi phải định một người đứng đầu. Ngọc Khánh Tử và Ngọc Âm Tử cả hai người tự biết bản lãnh mình kém xa Tả Lãnh Thiền, nên không có dự định làm chưởng môn của Ngũ Nhạc phái, nhưng muốn sau khi về núi thì đứng đầu núi Thái Sơn. Bây giờ quần hùng xúi giục, sư huynh đệ lão thế tức phải động thủ với nhau. Ngọc Khánh Tử không dám mạo nhiên động thủ, nhưng đứng trước mặt quần hùng thiên hạ mà phải khuất phục trước Ngọc Âm Tử thì lòng không chịu nổi. Huống chi trong chuyện này, Tả chưởng môn chắc sẽ phái Ngọc Âm Tử đứng đầu núi Thái Sơn, từ nay lão phải nghe hiệu lệnh của sư đệ, thì suốt đời không ngẩng đầu lên được. Trong lúc này hai sư huynh đệ giận dữ nhìn nhau, giằng co chưa dám quyết định.

Bỗng có một âm thanh the thé trong đám quần hùng cất lên:

– Tại hạ thấy kiếm pháp tinh yếu trong võ công phái Thái Sơn, hai vị ai cũng không sờ tới được chút gì, cứ dày mặt ra ở đây bô lô ba la tranh chấp nhau, làm mất thời giờ quý báu của anh hùng thiên hạ.

Quần hùng nhìn về hướng người nói, thấy một thanh niên thân người cao to đẹp như ngọc, tướng mạo tuấn mỹ, nhưng nét mặt trắng xanh, cười nhếch mép. Đó chính là Lâm Bình Chi của phái Hoa Sơn. Có người nhận ra được gã liền la lên:

– Đây là tân nữ tế của Nhạc tiên sinh phái Hoa Sơn.

Lệnh Hồ Xung nghĩ thầm:

– Lâm sư đệ xưa nay rất cẩn trọng ít nói, không ngờ mới cách mấy ngày mà đã nhìn người bằng nửa con mắt, trước anh hùng thiên hạ mà nói lời mai mỉa hai đạo sĩ này.

Vừa rồi, Ngọc Khánh Tử, Ngọc Âm Tử hùa với Ngọc Cơ Tử làm gian đồ, bức hại Thiên Môn đạo nhân chưởng môn phái Thái Sơn, ton hót nịnh bợ Tả Lãnh Thiền, lòng Lệnh Hồ Xung đối với hai lão rất bất mãn. Lâm Bình Chi nhục mạ hai lão như vậy khiến hắn cảm thấy khoái trá.

Ngọc Âm Tử nói:

– Ta mà không mò được chút võ công phái Thái Sơn, chắc các hạ mò được ư? Xin các hạ thi triển mấy chiêu thức võ công của phái Thái Sơn để anh hùng thiên hạ mở rộng tầm mắt.

Lão nhấn mạnh ba chữ “phái Thái Sơn” rất lớn, ngụ ý nói ngươi là đệ tử phái Hoa Sơn, võ công có cao cường đến đâu cũng chỉ là võ công phái Hoa Sơn, quyết không biết kiếm pháp của phái Thái Sơn lão.

Lâm Bình Chi cười nhạt một tiếng nói:

– Võ công phái Thái Sơn bác đại tinh thâm, há những hạng như ngươi nhận giặc làm cha, tàn hại đồng môn sao có thể lĩnh hội được…

Nhạc Bất Quần quát:

– Bình nhi, Ngọc Âm đạo trưởng là trưởng bối, không được vô lễ.

Lâm Bình Chi đáp dạ. Ngọc Âm Tử tức giận nói:

– Nhạc tiên sinh, tiên sinh dạy bảo đồ nhi, hảo nữ tế giỏi quá! Ngay cả võ công phái Thái Sơn hắn cũng có thể nói nhăng nói càn.

Đột nhiên một người con gái nói:

– Sao đạo trưởng biết trượng phu tiện nữ nói nhăng nói càn?

Một thiếu phụ dung nhan mỹ miều vượt mọi người đi ra, ống quần dài phết đất, tay áo bay phất phới trong gió, mái tóc cài một bông hoa hồng nhỏ. Đó chính là Nhạc Linh San. Trên lưng cô mang thanh trường kiếm, tay phải xoay lại nắm kiếm, nói:

– Tiện nữ dùng kiếm pháp phái Thái Sơn để lãnh giáo cao chiêu của đạo trưởng.

Ngọc Âm Tử nhận ra cô ta là con gái của Nhạc Bất Quần liền mỉm cười nói:

– Ngày đại hỷ của Nhạc cô nương, bần đạo không đến chúc mừng, không uống được bát rượu nào, chẳng lẽ vì chuyện đó mà cô nương giận bần đạo ư? Kiếm pháp tinh diệu của quý phái xưa nay bần đạo rất ngưỡng mộ. Nhưng môn hạ phái Hoa Sơn lại biết sử kiếm pháp phái Thái Sơn, hôm nay bần đạo mới nghe là lần đầu.

Nhạc Linh San nhướng cặp chân mày xinh đẹp nói:

– Gia gia của tiện nữ muốn làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái, đối với kiếm pháp của mỗi phái, đương nhiên tiện nữ đều đã nghiên cứu qua. Nếu không thì dù gia gia tiện nữ đánh thắng chưởng môn bốn phái cũng chỉ là nhân vật đứng đầu phái Hoa Sơn chứ không được coi là chưởng môn chân chính của Ngũ Nhạc phái.

Cô nói như vậy, quần hùng liền nhốn nháo lên. Có người hỏi:

– Nhạc tiên sinh muốn làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái ư?

– Chẳng lẽ võ công của bốn phái Thái Sơn, Hành Sơn, Tung Sơn, Hằng Sơn, Nhạc tiên sinh đều biết hết sao?

Nhạc Bất Quần lớn tiếng nói:

– Tiểu nữ nói năng tùy tiện, lời nói của con nít mọi người đừng tin thật.

Nhạc Linh San nói:

– Tả sư bá phái Tung Sơn, nếu sư bá có thể dùng kiếm pháp của bốn phái lần lượt đánh bại hảo thủ của bốn phái thì chúng ta tuân phục, tôn sư bá làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái. Nếu không thì dù kiếm pháp của phái Tung Sơn độc bộ thiên hạ cũng chẳng qua chỉ là kiếm pháp của phái Tung Sơn mà thôi, so với bốn phái khác thì không có chút liên can gì.

Quần hùng đều nghĩ: Lời này thực không sai. Nếu có người tinh thâm kiếm pháp của các phái trong Ngũ Nhạc phái thì để người đó làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái đương nhiên là rất thích hợp. Nhưng kiếm pháp của mỗi phái trong Ngũ Nhạc kiếm phái đều do vô số hảo thủ mấy trăm năm nay trải bao tâm huyết, lao tâm khổ luyện mới thành. Có người được danh sư ngũ phái thay nhau truyền thụ cũng phải trải qua mấy chục năm khổ luyện chưa chắc có thể học được toàn bộ kiếm pháp của ngũ phái. Bí chiêu tuyệt nghệ của các phái đều chỉ truyền cho đệ tử bổn phái, nếu nói một người có thể đồng thời tinh thâm kiếm pháp của Ngũ Nhạc phái thì quyết không có.

Tả Lãnh Thiền nghĩ: Tại sao con gái Nhạc Bất Quần lại nói như vậy? Trong này tất có dụng ý. Chẳng lẽ Nhạc Bất Quần thật ngông cuồng muốn tranh đoạt chức vị chưởng môn Ngũ Nhạc phái với ta?

Ngọc Âm Tử nói:

– Thì ra Nhạc tiên sinh đã tinh thông kiếm pháp của ngũ phái, đó là đại sự từ khi sáng lập Ngũ Nhạc kiếm phái đến nay chưa bao giờ có. Bần đạo xin mời Nhạc cô nương chỉ điểm thêm về kiếm pháp của phái Thái Sơn.

Nhạc Linh San nói:

– Hay lắm!

Soạt một tiếng, cô rút trường kiếm sau lưng ra. Ngọc Âm Tử tức giận nghĩ: Ta so với phụ thân của ngươi còn lớn hơn một bậc, ngươi là con nít lại dám rút kiếm ra tỉ đấu với ta!

Lão cho rằng Nhạc Bất Quần sẽ ra tay ngăn cản. Dù muốn động thủ thật, trong phái Hoa Sơn cũng chỉ có vợ chồng Nhạc Bất Quần mới dám tỉ kiếm với lão. Nào ngờ Nhạc Bất Quần chỉ lắc đầu thở dài, nói:

– Tiểu nữ này không biết trời cao đất dày. Ngọc Âm, Ngọc Khánh hai vị tiền bối là hảo thủ đệ nhất của phái Thái Sơn. Ngươi muốn dùng kiếm pháp phái Thái Sơn mà quá chiêu với hai vị tiền bối thì không phải tự chuốc lấy đau khổ hay sao?

Lòng Ngọc Âm Tử hơi run:

– Nhạc Bất Quần lại khiến con gái dùng kiếm pháp Thái Sơn quá chiêu với ta.

Ngay tức khắc, trường kiếm của Nhạc Linh San chỉ xéo xuống đất. Năm ngón tay trái co ra thụt vào, đếm một đến năm thì nắm lại thành quyền rồi lại đưa ngón tay cái ra lần lượt đếm. Cô đếm ngón trỏ cho đến ngón út thì xòe ra hết, tiếp theo lại quặp ngón cái, ngón trỏ rồi đến ngón giữa. Lão liền giật mình kinh hãi: Con ranh này tại sao lại biết được chiêu Đại tôn như hà này?

Ba mươi năm về trước, Ngọc Âm Tử đã từng nghe sư phụ nói qua yếu chỉ của chiêu Đại tôn như hà. Chiêu này được coi là tuyệt nghệ cao thâm nhất trong kiếm pháp phái Thái Sơn, yếu chỉ không ở trong chiêu kiếm của tay phải mà ở trong cách nhẩm đếm của tay trái. Tay trái không ngừng đếm để tính xem phương vị võ công pháp môn, thân hình, binh khí lớn nhỏ của địch nhân, cùng với ánh mặt trời chiếu tới đâu vân vân. Cách tính toán rất phức tạp, tính một thứ không chuẩn thì vung kiếm đánh ra không trúng đích. Lúc này Ngọc Âm Tử thầm nghĩ, muốn trong khoảnh khắc đem số mục tính toán chính xác lão tự biết không có khả năng, lúc đó lão không nghiên cứu tinh thâm, nghe qua lại bỏ. Sư phụ của lão đối với chiêu này kỳ thực cũng chưa tinh thông, chỉ nói: “Chiêu Đại tôn như hà này sử ra rất khó khăn, dường như không thực dụng nhưng kỳ thực oai lực của nó lại vô cùng. Ngươi đã không để tâm tham tường thì không có duyên học chiêu này đành bỏ qua thôi. Mấy huynh đệ của ngươi đều không chuyên tâm tu luyện bằng ngươi, bọn họ càng không thể luyện nổi. Đáng tiếc chiêu kiếm bác đại tinh thâm có một không hai của bổn phái từ nay bị thất truyền”. Ngọc Âm Tử thấy sư phụ không cưỡng ép lão khổ luyện tính toán thì mừng thầm trong bụng. Từ đó về sau, trong phái Thái Sơn cũng không thấy ai luyện qua chiêu này, không ngờ chuyện cách mấy chục năm nay lại thấy Nhạc Linh San, một thiếu phụ còn trẻ, lại sử ra, trong khoảnh khắc trán lão toát mồ hôi hột.

Lão chưa bao giờ nghe sư phụ nói qua cách đối phó với chiêu này thế nào, cho rằng lão không luyện thì người khác sẽ không biết sử ra kỳ chiêu này, nên cũng không cần tìm cách chiết giải. Nào ngờ chuyện lạ trên đời lại xuất hiện vượt ra ngoài sức tưởng tượng của lão. Trong lúc cấp bách, lão nảy ra ý nghĩ, tự phụ: Ta vội tấn tốc cải biến phương vị, nhô lên thụt xuống thì con nhỏ này đương nhiên tính toán không chuẩn.

Lão liền vung trường kiếm lên, lách sang phải ba bước, sử ngay chiêu Lãng nguyệt vô vân, xoay người lại, thân thấp xuống, trường kiếm phóng chênh chếch ra, cách Nhạc Linh San không quá năm thước liền xoay một vòng. Tiếp theo lão sử chiêu Tuấn lĩnh hoành không, thế kiếm rất nhanh mà thu kiếm cũng rất nhanh. Nhạc Linh San đứng yên bất động, mũi kiếm ở trong tay phải không ngừng rung động, năm ngón tay trái vẫn xòe ra đếm. Ngọc Âm Tử triển khai thế kiếm, thân người lao theo kiếm, quẹo bên trái rồi vòng qua phải, càng xoay càng nhanh.

Đường kiếm pháp này gọi là Thái Sơn thập bát bàn, do một vị kỳ lão của phái Thái Sơn sáng chế ra. Lão thấy dưới cửa tam môn Thái Sơn có mười tám khúc quanh như ruột dê, cứ năm bước lại xoay, mười bước lại quay trở lại, thế rất hiểm trở, cho nên lão đem địa thế này phổ vào trong kiếm pháp, khác với chỗ tinh diệu của Bát quái du thân chưởng của Bát Quái môn. Thập bát bàn của Thái Sơn càng xoay càng cao, càng đi càng hiểm, đường kiếm này càng xoay càng hiểm độc. Ngọc Âm Tử mỗi chiêu sử ra dường như đều muốn xuyên qua thân người Nhạc Linh San, nhưng kỳ thực vẫn chưa đụng đến, cũng chưa có chiêu nào muốn giết cô.

Lão chăm chú nhìn, năm ngón tay của Nhạc Linh San không ngừng đưa ra quặp lại. Lão nhớ năm xưa sư phụ nói: “Chiêu Đại tôn như hà này có thể nói là kiếm pháp cao siêu nhất của phái Thái Sơn ta, đánh thì trúng, giết người không cần đến chiêu thứ hai. Kiếm pháp đến trình độ như vậy là đã siêu phàm nhập thánh. Sư phụ của ngươi chẳng qua cũng chỉ biết một chút ngoài da, muốn luyện đến tinh tuyệt thật sự thì không dễ đâu”.

Lão nghĩ đến những lời của sư phụ, lưng toát mồ hôi lạnh.

Chiêu Thập bát bàn của phái Thái Sơn phân ra Hoãn thập bát và Khẩn thập bát, mười tám chỗ quanh co chậm, còn mười tám chỗ kia rất nhanh, một bước cao hơn một bước, gọi là người sau thấy đế giày của người trước, người trước thấy đầu người sau. Đường kiếm pháp này của phái Thái Sơn dựa theo địa thế đường dốc quanh co của núi Thái Sơn mà biến hóa ra, chợt chậm chợt nhanh, quanh co khúc chiết.

Lệnh Hồ Xung thấy Nhạc Linh San đã không đỡ gạt cũng không né tránh, năm ngón tay trái không ngừng đưa ra đếm, dường như đang tính toán số mục. Bất giác chàng thấy lo lắng, chỉ muốn la to: Tiểu sư muội, cẩn thận! Nhưng năm chữ này nghẹn cứng ở cổ hắn, không thốt ra được.

Đường kiếm pháp của Ngọc Âm Tử sử gần xong, trường kiếm vẫn không dám phóng đến cách người Nhạc Linh San hai thước. Nhạc Linh San bỗng phóng trường kiếm ra, liên tiếp phóng năm kiếm, mỗi chiêu kiếm đều già dặn cổ kính. Ngọc Khánh Tử la thất thanh:

– Ngũ Đại phu kiếm!

Nguyên núi Thái Sơn có năm cây tùng rất già, tương truyền rằng thời Tần được phong là Ngũ Đại phu tùng, cành lá vươn dài xanh tốt. Sư bá tổ của Ngọc Khánh Tử và Ngọc Âm Tử nhờ đây mà lĩnh ngộ được bộ kiếm pháp này, nên gọi là Ngũ Đại phu kiếm. Chiêu số bộ kiếm pháp này rất cổ quái, bên trong ẩn chứa kỳ biến. Hơn hai mươi năm trước, Ngọc Khánh Tử đã học rất tinh thục, nhưng thấy Nhạc Linh San sử năm chiêu này dường như không khác với sở học của lão ngày xưa, lại còn cao minh hơn kiếm pháp lão đã học rất nhiều. Trong lúc lão kinh ngạc, đột nhiên Nhạc Linh San vòng ra sau lưng lão, quát:

– Đây có phải là kiếm pháp của phái Thái Sơn đạo trưởng không?

Ngọc Khánh Tử vội vung kiếm lên đỡ rồi la lên:

– Lai hạc thanh tuyền, sao không phải là Thái Sơn kiếm pháp, nhưng…

Chiêu này tuy lão gạt ra được nhưng lão đã kinh hãi đến độ cả người ướt đẫm mồ hôi. Kiếm của địch thủ phóng đến khác hẳn với phương vị và sở học của lão, suýt chút nữa xuyên qua ngực lão.

Nhạc Linh San nói:

– Thái Sơn kiếm pháp tuyệt lắm!

Soạt một tiếng, cô xoay tay chém về phía Ngọc Âm Tử.

Ngọc Khánh Tử la lên:

– Thạch quan hồi mã! Ngươi sử không… không đúng…

Nhạc Linh San nói:

– Tên của chiêu kiếm đạo trưởng nhớ rất khá.

Trường kiếm triển khai, soạt soạt hai kiếm, nghe Ngọc Âm Tử la thất thanh một tiếng. Dường như trong cùng một lúc đầu gối phải của Ngọc Khánh Tử bị trúng kiếm, lão loạng choạng chân phải quỵ xuống, vội lấy kiếm cắm xuống đất để chống đỡ. Lực đạo lão dùng quá mạnh, mũi kiếm lại chống lên trên một tảng đá, rắc một tiếng trường kiếm gãy làm đôi. Miệng lão vẫn còn nói:

– Khoái hoạt tam! Nhưng… nhưng…

Nhạc Linh San cười nhạt, xoay trường kiếm tra vào vỏ ở lưng.

Quần hùng hoan hô rần lên. Một thiếu phụ nhỏ tuổi mỹ miều mà trong một cái cất tay nhấc chân lấy kiếm pháp của phái Thái Sơn đánh bại hai cao thủ phái Thái Sơn, kiếm pháp tuyệt diệu của cô khiến người xem khoan khoái, tiếng reo hò tán dương vang động cả sơn cốc.

Tả Lãnh Thiền và mấy cao thủ nổi danh phái Tung Sơn đưa mắt nhìn nhau, đều rất lo lắng ngờ vực: Kiếm pháp con nhãi này sử đúng là kiếm pháp Thái Sơn. Nhưng trong đó có nhiều biến đổi, chiêu kiếm lão luyện cay độc, quyết chẳng phải con nhãi này trau dồi mà được vậy, nhất định là do Nhạc Bất Quần ngấm ngầm luyện rồi truyền thụ cho ả. Muốn luyện thành công đường kiếm pháp này, không biết phải mất bao nhiêu thời gian. Nhạc Bất Quần dồn tâm suy nghĩ như vậy, thật chí của lão không nhỏ.

Ngọc Âm Tử đột nhiên la to:

– Ngươi… ngươi… đây không phải là Đại tôn như hà!

Sau khi lão trúng kiếm bị thương, mới hiểu ra chẳng qua Nhạc Linh San chỉ làm thế của chiêu Đại tôn như hà mà thôi, kỳ thực cô ta cũng chẳng lão luyện gì, nếu không thì cô ta chỉ cần sử chiêu này cũng đã thủ thắng ngay, hà tất phải sử tiếp các chiêu thuật Ngũ Đại phu kiếm, Lai hạc thanh tuyền, Thạch quan hồi mã, vân vân? Đã vậy cô ta lại đem chỗ mấu chốt trong chiêu kiếm của phái Thái Sơn bỗng cải biến thêm, lúc lão và sư ca vội vàng, không kịp suy nghĩ nhiều, tự nhiên lấy những chiêu kiếm luyện thuần thục mấy chục năm ra chiết giải, mà phương vị cô ta xuất kiếm đột biến nên hai sư huynh đệ lão bị trúng kế rơi vào thất bại. Nếu cô ta sử kiếm pháp phái khác, bất luận chiêu thức tinh diệu ra sao, bằng sự tu luyện kiếm thuật lâu năm của lão, quyết không thể thua một thiếu phụ yếu mềm được. Nhưng đúng là cô ta sử kiếm pháp phái Thái Sơn, không phải là giả, lòng lão vừa xấu hổ khổ não, vừa kinh hoàng dị thường, lại có ba phần bực tức.

Lệnh Hồ Xung thấy Nhạc Linh San dùng mấy chiêu kiếm pháp này để phá giải chiêu thức của địch, lòng rất bâng khuâng, bỗng nghe sau lưng có người nói khẽ:

– Lệnh Hồ công tử, mấy chiêu kiếm pháp này công tử dạy cho cô ta ư?

Lệnh Hồ Xung quay đầu lại, thấy người nói là Điền Bá Quang, chàng liền lắc đầu. Điền Bá Quang mỉm cười nói:

– Hôm ở trên đỉnh Hoa Sơn, công tử và tại hạ động thủ, tại hạ nhớ là công tử đã từng sử qua chiêu Lai hạc thanh cái gì đó, nhưng lúc đó công tử sử chưa thuần thục.

Vẻ mặt Lệnh Hồ Xung ngẩn ngơ như không nghe thấy gì. Lúc Nhạc Linh San ra tay, chàng đã nhìn ra, những chiêu thức của cô ta sử là kiếm pháp phái Thái Sơn khắc trên vách đá trong hậu động trên ngọn sám hối Hoa Sơn. Nhưng chuyện chàng phát hiện ra chiêu kiếm khắc trên vách đá trong hậu động chưa bao giờ tiết lộ với ai, hôm rời khỏi ngọn sám hối chàng nhớ đã bít cửa động lại. Tại sao Nhạc Linh San phát hiện ra?

Lệnh Hồ Xung lại nghĩ: Ta phát hiện hậu động, tiểu sư muội cũng có thể phát hiện được. Huống chi, ta vô tình mở cửa động thì tiểu sư muội lại dễ tìm ra nữa.

Chàng đã ở hậu động trên ngọn sám hối Hoa Sơn, học được tuyệt chiêu của Ngũ Nhạc kiếm phái khắc trên vách đá, cùng với cách phá giải kiếm pháp của năm phái do trưởng lão Ma giáo để lại. Tuy chàng nhớ chiêu số nhiều, nhưng chiêu số gọi tên là gì thì không biết. Chàng chỉ thấy Nhạc Linh San sử ba chiêu kiếm sau cùng như nước chảy mây trôi, như kỵ mã giỏi phóng nhanh trên con đường quen thuộc, chỉ ba chiêu mà đã làm cho hai cao thủ nổi danh của phái Thái Sơn bị thương, phát huy các chiêu kiếm trên vách đá đến chỗ lâm ly tận thế, lòng Lệnh Hồ Xung ngấm ngầm thán phục.

Nghe Ngọc Âm Tử nói ba chữ “Khoái hoạt tam”, chàng nhớ ra năm xưa đã từng theo sư phụ lên Thái Sơn, sau khi qua động Thủy Liêm, thì đến một sơn đạo dài thoai thoải tên là Khoái hoạt tam. Khoái hoạt tam có nghĩa là đi liên tiếp ba dặm xuống dốc vô cùng khoan khoái. Chàng không ngờ ba chiêu kiếm liên hoàn này là từ đoạn sơn đạo này mà ra.

Một lão già ốm nhách nói:

– Nhạc tiên sinh tinh thâm kiếm pháp của Ngũ Nhạc kiếm phái trong võ lâm thực là hiếm thấy. Lão phu đã mày mò nghiên cứu kiếm pháp của bốn phái nhưng nhiều chỗ vẫn chưa biết rõ. Hôm nay xin thỉnh giáo Nhạc tiên sinh.

Tay trái lão cầm cây hồ cầm vuốt ve, tay phải rút từ trong đáy hồ cầm ra một thanh đoản kiếm rất mỏng. Lão chính là Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn.

Nhạc Linh San cúi người nói:

– Xin Mạc sư bá hạ thủ lưu tình. Tiểu điệt mới chỉ học võ vẽ mấy chiêu Hành Sơn kiếm pháp, mong được sư bá chỉ điểm thêm.

Mạc Đại tiên sinh lẩm bẩm:

– Hôm nay ta muốn xin thỉnh giáo Nhạc tiên sinh.

Lão muốn đấu với Nhạc Bất Quần, không ngờ câu nói của Nhạc Linh San còn nói rõ là muốn dùng Hành Sơn kiếm pháp để đấu với lão, Mạc Đại tiên sinh oai danh lừng lẫy.

Vừa rồi quần hùng nghe Tả Lãnh Thiền nói Đại tung dương thủ Phí Bân, hảo thủ Tung Sơn, đã bị giết dưới kiếm của lão. Ai nấy đều nghĩ: Chẳng lẽ Nhạc Linh San dùng Thái Sơn kiếm pháp đả thương hai cao thủ phái Thái Sơn, lại có thể dùng cả Hành Sơn kiếm pháp để đối địch với lão?

Mạc Đại tiên sinh mỉm cười nói:

– Hay lắm, hay lắm! Giỏi lắm, giỏi lắm!

Nhạc Linh San nói:

– Nếu điệt nữ không địch lại Mạc sư bá thì gia gia của điệt nữ sẽ đấu tiếp với Mạc sư bá.

Mạc Đại tiên sinh lẩm bẩm:

– Địch được, địch được.

Đoản kiếm từ từ chỉ ra, đột nhiên rung lên trong không trung phát ra những tiếng veo véo, vù vù hai kiếm. Nhạc Linh San vung kiếm ra gạt, đoản kiếm của Mạc Đại tiên sinh như quỷ như ma, đã vòng ra sau lưng Nhạc Linh San.

Nhạc Linh San vội xoay người, bên tai chỉ nghe hai tiếng vù vù, trước mặt có một mớ tóc bay qua, tóc của cô đã bị lão cắt đi một mớ.

Nhạc Linh San hốt hoảng, nảy ra ý nghĩ: Lão đã hạ thủ lưu tình, nếu không thì chiêu kiếm vừa rồi đã giết ta rồi. Lão không đả thương ta thì ta cứ yên tâm tấn công.

Nhạc Linh San không thèm để ý đến thế kiếm của Mạc Đại, soạt soạt hai kiếm phân ra phóng đến bụng dưới và trán Mạc Đại tiên sinh.

Mạc Đại tiên sinh hơi giật mình: Hai chiêu Tuyền minh Phù Dung và Hạc tường Tử Cái này đúng là tuyệt chiêu của phái Hành Sơn ta. Tại sao tiểu cô nương này học được?

Trong bảy mươi hai ngọn núi dãy Hành Sơn, năm ngọn cao nhất là Phù Dung, Tử Cái, Thạch Lẫm, Thiên Trụ, Chúc Dung. Trong kiếm pháp phái Hành Sơn cũng có năm đường kiếm pháp lấy tên của năm ngọn núi cao. Vừa rồi Mạc Đại tiên sinh thấy Nhạc Linh San sử ra đều là kiếm pháp của Nhất chiêu bao nhất lộ, chiêu này bao hàm mấy chục chiêu tinh yếu trong một đường kiếm pháp gồm ba mươi sáu chiêu Phù Dung kiếm pháp, bốn mươi tám chiêu Tử Cái kiếm pháp. Hai chiêu kiếm pháp Tuyền minh Phù Dung và Hạc tường Tử Cái tương ứng với chỗ tinh yếu trong mấy chục chiêu mỗi đường kiếm pháp của Phù Dung kiếm pháp và Tử Cái kiếm pháp, dung hợp vào một chiêu, trong một chiêu có công, có thủ oai lực rất mạnh, đứng đầu Hành Sơn kiếm pháp. Kiếm pháp của năm chiêu này hợp xưng là Hành Sơn ngũ thần kiếm.

Mọi người nghe tiếng choang choang bất tuyệt, không hiểu hai người ai công ai thủ, cũng không biết trong khoảnh khắc hai người đã chiết bao nhiêu chiêu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.