Tiếu Ngạo Giang Hồ

Hồi 2: Tổng tiêu đầu mở cuộc điều tra

trước
tiếp

Mọi việc xong xuôi thì trời đã tối mịt. Lâm Bình Chi chỉ tạm yên dạ, về đến tiêu cục vẫn còn thấp thỏm. Chàng bước vào đại sảnh, thấy phụ thân ngồi trên ghế thái sư đang nhắm mắt trầm tư. Lâm Bình Chi vẻ mặt thất thường, lên tiếng gọi:

– Gia gia!

Lâm Chấn Nam thấy con về, vui vẻ hỏi ngay:

– Đi săn hả? Có được con heo rừng nào không?

Lâm Bình Chi đáp:

– Không có.

Lâm Chấn Nam tay cầm tẩu thuốc bất ngờ gõ xuống vai chàng, cười quát:

– Trả chiêu đi!

Lâm Bình Chi biết phụ thân thường bất ngờ ra chiêu để kh ảo nghiệm công phu của mình. Nếu là ngày thường thấy phụ thân xuất chiêu Lưu tinh phi trụy là chiêu thứ hai mươi sáu trong Tịch tà kiếm pháp, chàng lập tức chiết giải bằng chiêu thứ bốn mươi sáu Hoa khai kiến Phật. Nhưng lần này tâm thần chàng bất định, cho rằng việc giết người trong quán rượu đã bị phụ thân biết rõ nên dùng cái tẩu thuốc để đánh mình. Chàng không dám né tránh, chỉ la lên:

– Gia gia!

Lâm Chấn Nam cầm tẩu thuốc quật xuống bả vai của con trai chỉ còn cách ba tấc thì sựng lại, hỏi:

– Nhi tử sao vậy? Trên giang hồ nếu gặp kình địch mà ứng biến ngơ ngẩn như vậy thì còn gì là bả vai của ngươi nữa?

Lời nói tuy có ý quở trách nhưng nét mặt vẫn tươi cười.

Lâm Bình Chi đáp:

– Dạ.

Chàng hạ thấp vai trái xuống rồi xoay mình vòng qua sau lưng phụ thân, thuận tay nắm lấy cây chổi lông trên bàn trà nhằm lưng phụ thân đâm tới. Đó chính là chiêu Hoa khai kiến Phật.

Lâm Chấn Nam gật đầu cười nói:

– Phải rồi.

Lão xoay tay dùng tẩu thu ốc trả chiêu Giang thượng lộng địch. Lâm Bình Chi phấn ch ấn tinh thần, lại xuất chiêu Tử khí đông lai. Sau khi hai cha con xuất thủ hơn năm chục chiêu, Lâm Chấn Nam phóng nhẹ cái tẩu thuốc xuống dưới ngực con trai. Lâm Bình Chi đỡ đòn không kịp, cảm thấy vai phải ê ẩm, cây chổi lông trên tay rơi xuống đất.

Lâm Chấn Nam cười nói:

– Tốt lắm, tốt lắm! Trong vòng một tháng nay, ngày nào ngươi cũng tiến bộ. Hôm nay lại chiết giải được hơn bốn chiêu.

Rồi lão quay lại ghế ngồi, lấy thuốc nhét vào tẩu, nói:

– Bình nhi, ta nói cho hài nhi biết: hôm nay tiêu cục của chúng ta có một chuyện đáng mừng.

Lâm Bình Chi đánh lửa mồi thuốc cho phụ thân rồi hỏi:

– Gia gia lại nhận được một món tiêu hàng lớn ư?

Lâm Chấn Nam lắc đầu cười nói:

– Chỉ cần tiêu cục của chúng ta có nhiều người tài giỏi thì lo gì việc làm ăn không đến? Ta chỉ e khi thời vận đến mà chúng ta lại không kham nổi.

Lão phà một làn khói dài rồi nói tiếp:

– Trương tiêu đầu từ Hồ Nam đưa tin đến, báo rằng Dư quán chủ Tùng Phong quán phái Thanh Thành ở Tứ Xuyên đã nhận được lễ vật mà chúng ta gởi tặng.

Lâm Bình Chi nghe đến mấy chữ “Tứ Xuyên” và “Dư quán chủ”, giật nẩy người, hỏi:

– Nhận lễ vật của chúng ta ư?

Lâm Chấn Nam nói:

– Trước nay, ta không nói công việc trong tiêu cục cho hài nhi biết, nên hài nhi không rõ. Nhưng nay hài nhi đã trưởng thành, gánh nặng của gia gia sẽ từ từ đặt lên vai của hài nhi. Từ đây về sau, hài nhi nên quan tâm đến những công việc trong tiêu cục một chút. Tiêu cục của chúng ta đã trải qua ba đời; một là nhờ uy danh của tổ phụ để lại, hai là nhờ vào công việc của chúng ta rõ ràng, làm đâu ra đó nên mới có được như ngày nay, một đại tiêu cục đứng đầu Giang Nam. Trên giang hồ đã có bốn chữ “Phước Oai tiêu cục”, nhưng ta không muốn ai tôn xưng: “Hảo phúc khí! Hảo oai phong”. Hài nhi nên nhớ rằng danh tiếng chỉ hai phần, võ công chỉ hai phần, sáu phần còn lại là dựa vào sự yểm trợ của anh em hắc bạch giang hồ. Tiêu xa của Phước Oai tiêu cục đi khắp mười tỉnh, nếu mỗi chuyến đi đều đưa gia nhân theo hộ vệ để chém giết thì bao nhiêu tính mạng phải mất đi dù cho ta đánh thắng. Người ta thường nói: Giết được một ngàn người thì mình cũng tử thương hết tám trăm. Ngay món tiền bồi thường cho gia đình các tiêu sư bị thương vong tốn biết bao nhiêu vàng bạc cho đủ. Gia đình chúng ta lúc đó chẳng còn gì cả! Chúng ta đã ăn bát cơm bảo tiêu, trước hết phải nể mặt các bạn hữu giang hồ, nên dang rộng tay đón lấy hai chữ “giao tình”. Hai chữ này còn mạnh hơn cả gươm đao nữa.

Lâm Bình Chi trả lời:

– Dạ.

Nếu như trước đây nghe phụ thân nói đến việc giao trọng trách của tiêu cục lại cho mình, thì lòng chàng đã mười phần hưng phấn. Phụ thân chàng nói không ngừng nhưng lúc đó chỉ lọt vào tai chàng bảy tám phần. Chàng chỉ nghĩ tới mấy chữ “Tứ Xuyên” và “Dư quán chủ”.

Lâm Chấn Nam lại rít một hơi thuốc rồi nói tiếp:

– Gia gia của con võ công còn thấp, không sánh nổi tằng tổ cũng không bì được với nội tổ của con, nhưng giải quyết những việc trong tiêu cục có thể nói là hơn cả nội tổ và tằng tổ rất nhiều. Từ Phúc Kiến đi về phía Nam đến Quảng Đông, đi về phía Bắc đến Triết Giang, Giang Tô, cơ nghiệp của bốn tỉnh này là do tổ phụ gây dựng nên. Còn sáu tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây và Quảng Tây là do một tay ta gầy dựng. Vậy đó là bí quyết gì? Con nói đi. Chẳng qua là tám chữ “Đa giao bằng hữu, thiểu kết oan gia” (thêm bạn bớt thù) mà thôi. Phước Oai, Phước Oai! Trên là chữ “Phước”, dưới là chữ “Oai” nghĩa là phước khí hơn cả oai phong. Phước khí cũng là từ tám chữ “Đa giao bằng hữu, thiểu kết oan gia” mà ra, nếu như đảo lại thành “Oai Phước”, thì trở thành nơi tác oai tác phúc mất rồi. Ha ha ha!

Lâm Bình Chi cười theo cha nhưng tiếng cườ i của chàng không được sảng khoái cho lắm. Lâm Chấn Nam chưa phát giác ra nỗi lòng bất an của con, lại nói tiếp:

– Cổ nhân nói: “Được voi đòi tiên”. Gia gia của con đã được đất Ngạc lại muốn có thêm đất Thục nữa. Con đường bảo tiêu của chúng ta từ Phúc Kiến đi về hướng Tây phải qua Giang Tây, Hồ Nam đến Hồ Bắc, chẳng lẽ dừng lại sao? Sao chúng ta không ngược dòng Trường Giang mà đi xa về phía Tây để đến Tứ Xuyên? Tứ Xuyên là đất bờ xôi ruộng mật, rất trù phú. Đường qua Tứ Xuyên, phía Bắc lên Thiểm Tây, phía Nam xuống Vân Nam, Quý Châu, việc làm ăn được thêm cả ba thành nữa. Có điều tỉnh Tứ Xuyên là đầm rồng hang cọp, cao nhân rất nhiều. Tiêu xa của Phước Oai tiêu cục muốn đi qua Tứ Xuyên thì phải giao hảo với hai phái Thanh Thành và Nga Mi mới được. Từ ba năm nay, mỗi năm vào hai tiết Xuân-Thu, ta thường phái người đem hậu lễ tặng Tùng Phong quán phái Thanh Thành và Kim Đỉnh tự phái Nga Mi, nhưng chưởng môn hai phái này không bao giờ nhận cả. Kim Quang thượng nhân phái Nga Mi còn chịu tiếp kiến tiêu đầu của ta, nói vài câu cảm ơn và mời ăn một bữa cơm chay rồi sau đó đưa lễ vật mang về không động đến. Còn Dư quán chủ ở Tùng Phong quán thì khắt khe hơn. Tiêu đầu của chúng ta đến tặng lễ vật chỉ lên đến giữa núi thì bị từ chối không tiếp. Họ nói rằng Dư quán chủ bế môn tọa quan, không tiếp khách. Họ còn nói trong chùa có đủ cả, không nhận lễ vật. Tiêu đầu của chúng ta, đừng nói đến gặp mặt Dư quán chủ, ngay cả cổng Tùng Phong quán hướng Nam hay hướng Bắc cũng không biết nữa. Lần nào tiêu đầu đi tặng lễ vật cũng thở hào hển chạy về, nói rằng vì ta đã ra nghiêm lệnh bất luận đối phương vô lễ như thế nào cũng phải cung kính, nên họ đành chịu nuốt giận, còn không thì dù có là trời đất, những lời tục tĩu nào chúng cũng chửi được cả. Chỉ sợ chúng đánh nhau sẽ làm mất đi cơ hội tốt mà thôi.

Nói đến đây, Lâm Chấn Nam mười phần đắc ý. Lão đứng lên nói tiếp:

– Nào ngờ, lần này Dư quán chủ bỗng nhiên lại nhận lễ vật của chúng ta, lại còn nói sẽ gởi bốn đệ tử đến Phúc Kiến đáp lễ…

Lâm Bình Chi nói:

– Bốn chứ không phải hai sao?

Lâm Chấn Nam nói:

– Phải rồi, bốn đệ tử. Hài nhi nghĩ coi, Dư quán chủ rất coi trọng việc này, Phước Oai tiêu cục cũng vẻ vang lắm chứ? Vừa rồi, ta đã phái người phi ngựa đi thông báo các tiêu cục ở Giang Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc rằng đối với bốn vị đệ tử của phái Thanh Thành phải ân cần tiếp đãi như thượng khách.

Lâm Bình Chi hốt hoảng nói:

– Gia gia, có phải người Tứ Xuyên chỉ gọi người khác là “Quy nhi tử” (con rùa con) và tự xưng là “Lão gia” không?

Lâm Chấn Nam cười nói:

– Ở Tứ Xuyên, những người thô bỉ mới nói như vậy. Hạng người thô bỉ này ở đâu mà không có? Những người này nói năng văng mạng. Hài nhi đã biết những tên cầm cờ trong tiêu cục chúng ta lúc đánh bạc luôn thốt ra những lời thật khó nghe. Mà tại sao hài nhi lại hỏi ta câu này?

Lâm Bình Chi đáp:

– Không có gì đâu ạ!

Lâm Chấn Nam nói:

– Khi bốn đệ tử phái Thanh Thành đến, hài nhi nên thân thiện với họ để học hỏi phong cách, khuôn phép của danh gia. Kết giao được với bốn người bạn này thì về sau có lợi vô cùng.

Hai cha con ngồi nói chuyện với nhau nhưng Lâm Bình Chi vẫn lưỡng lự không biết có nên đem chuyện giết người nói cho gia gia nghe hay không. Cuối cùng chàng nghĩ bụng nên cho má má hay trước rồi mới nói với gia gia sau.

Gia đình Lâm Chấn Nam có ba người, sau khi ăn tối xong, ở lại hậu sảnh nói chuyện. Lâm Chấn Nam bàn với phu nhân mua quà tặng con trai nhân ngày một tháng sáu, ngày sinh của chàng. Nhưng món quà giá trị nhất luôn luôn là món quà của ông ngoại chàng, Kim Đao vương gia ở Lạc Dương.

Chuyện vãn đến đây, bỗng nhiên có tiếng bước chân người ở ngoài đại sảnh ồn ào náo động. Mấy người vội vã chạy đến. Lâm Chấn Nam cau mày quát:

– Không còn ra cái thể thống gì cả!

Ba tên cầm cờ hiệu chạy vào. Tên đến trước vội quỳ sụp xuống, nói:

– Tổng… Tổng tiêu đầu…

Lâm Chấn Nam quát:

– Chuyện gì mà run dữ vậy?

Gã cầm cờ Trần Thất đáp:

– Bạch… Bạch Nhị chết rồi!

Lâm Chấn Nam kinh ngạc hỏi:

– Ai giết nó? Các ngươi chơi bài rồi ẩu đả nhau phải không?

Lão trầm ngâm suy nghĩ rồi nói:

– Bọn này phiêu bạt giang hồ đã quen, thật khó mà khép chúng vào khuôn khổ. Đụng một tí là đao đâm quyền đánh. Án mạng xảy ra trong phủ Phúc Châu này thì phiền phức to đây!

Trần Thất nói:

– Không phải. Hồi nãy Tiểu Lý đi giải, thấy Bạch Nhị nằm trong vườn hoa bên cạnh nhà cầu, trên người không có một vết thương, thân lại lạnh cứng, không biết vì sao mà chết. Tiểu nhân sợ là phát sinh bệnh gì.

Lâm Chấn Nam thở phào nhẹ nhõm nói:

– Để ta đi coi!

Lão đi ra phía vườ n rau, Lâm Bình Chi theo sau. Bảy vị tiêu sư và tên cầm cờ đang đứng chung quanh, thấy Tổng tiêu đầu đến, họ bèn nép qua nhường chỗ.

Lâm Chấn Nam xem thi thể của Bạch Nhị, thấy quần áo của gã bị rách nhưng trên người không một vết máu, liền hỏi Chúc tiêu đầu đứng bên cạnh:

– Không có thương tích gì ư?

Chúc tiêu đầu đáp:

– Thuộc hạ đã kiểm tra kỹ rồi. Toàn thân không bị một vết thương nhỏ nào nhưng xem ra cũng không phải là trúng độc.

Lâm Chấn Nam gật đầu nói:

– Thông báo cho Chẩn phòng Đổng tiên sinh, nói với lão lo liệu hậu sự cho Bạch Nhị, đưa cho người nhà của gã một trăm lạng bạc.

Tên cầm cờ vì sao mà chết, Lâm Chấn Nam cũng không thể yên tâm được. Lão đi về phía đại sảnh, nhìn con trai hỏi:

– Hôm nay Bạch Nhị có cùng ngươi đi săn không?

Lâm Bình Chi đáp:

– Dạ có! Nhưng lúc trở về gã vẫn bình thường, không hiểu tại sao bỗng nhiên lại phát bệnh.

Lâm Chấn Nam nói:

– Ấy, những việc trên thế gian này thường bỗng nhiên mà đến. Ta cũng muốn mở con đường về Tứ Xuyên nhưng chỉ sợ phải bỏ công ra mười năm. Bỗng nhiên, Dư quán chủ có lòng thu nhận lễ vật của ta rồi còn phái bốn đệ tử vượt nghìn dặm xa xôi đến đáp lễ.

Lâm Bình Chi nói:

– Gia gia, phái Thanh Thành tuy là một môn phái lớn trong võ lâm nhưng Phước Oai tiêu cục và oai danh của gia gia trên giang hồ cũng không vừa. Năm nào chúng ta cũng đi Tứ Xuyên tặng lễ vật, Dư quán chủ phái người đến đây cũng chẳng qua là có đi có lại mà thôi.

Lâm Chấn Nam cười nói:

– Hài nhi nghĩ sao mà nói vậy? Hai phái Nga Mi và Thanh Thành ở Tứ Xuyên đã tồn tại mấy trăm năm, môn hạ tài giỏi không ai bì kịp. Tuy không sánh bằng hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang nhưng Thanh Thành so với Ngũ Nhạc kiếm phái là Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn, Hằng Sơn coi như ngang nhau. Ngươi có biết tằng tổ Viễn Đồ Công lập ra bảy mươi hai đường Tịch tà kiếm pháp, uy chấn giang hồ, đáng được tôn xưng thiên hạ vô địch, nhưng truyền đến đời tổ phụ của ngươi thì uy danh không bằng Viễn Đồ Công nữa. Gia gia của ngươi lại e còn kém hơn. Võ công ba đời nhà họ Lâm chúng ta đều truyền theo một tuyến, ngay cả sư huynh sư đệ cũng không có một người. Nội tổ và gia gia không bì kịp người ta bởi họ thế mạnh người đông.

Lâm Bình Chi nói:

– Còn anh hùng hảo hán trong mười tỉnh của tiêu cục chúng ta hợp lại, lẽ nào không địch lại Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Thanh Thành và Ngũ Nhạc kiếm phái?

Lâm Chấn Nam cười nói:

– Hài tử nói với gia gia câu này thì không sao, nhưng nếu lọt vào tai người ngoài thì lập tức sẽ gặp chuyện phiền phức. Mười tiêu cục của chúng ta có tám mươi bốn vị tiêu đầu tinh thông võ nghệ, nếu hợp lại tất nhiên sẽ không thua. Nhưng đánh thắng người ta có được gì đâu? Người ta thường nói “Hòa khí sinh tài”. Chúng ta ăn bát cơm tiêu hành, càng phải nhường nhịn người ta một bước. Mình tự lùi xuống một bước nhường cho người ta trổ tài xưng hùng xưng bá cũng chẳng mất mát gì cả.

Bỗng nhiên có tiếng một người la lên:

– Trịnh tiêu đầu chết rồi!

Hai cha con Lâm Chấn Nam đều kinh hoàng. Lâm Bình Chi nhảy thót lên, sợ hãi nói:

– Chúng kéo đến báo…

Chữ “thù” chàng nói không thành tiếng, bèn lùi lại ghế ngồi. Kỳ thực, Lâm Chấn Nam đã đoán được lời trong miệng con nhưng lão không lưu tâm. Tên cầm cờ Trần Thất chạy đến thở hổn hển, sụp xuống lắp bắp:

– Tổng… Tổng tiêu đầu. Không xong rồi! Trịnh tiêu đầu… Trịnh tiêu đầu lại bị ác quỷ Tứ Xuyên đánh chết rồi!

Lâm Chấn Nam nét mặt sầm xuống nói:

– Cái gì ác quỷ Tứ Xuyên? Ăn nói bậy bạ!

Trần Thất đáp:

– Dạ, dạ! Ác quỷ Tứ Xuyên đó… còn rất trẻ, khi sống là hạng người ỷ mạnh hiếp yếu, chết rồi lại càng thêm lợi hại…

Trần Thất thấy Tổng tiêu đầu trợn mắt nghiêm khắc nhìn mình, không nói thêm nữa. Hắn nhìn qua Lâm Bình Chi. Thần sắc chàng buồn thảm, trông thật đáng thương.

Lâm Chấn Nam hỏi:

– Ngươi nói Trịnh tiêu đầu chết rồi ư? Thi thể ở đâu? Tại sao chết?

Lúc đó lại có vài tên tiêu đầu, tên cầm cờ chạy vào đại sảnh. Một tiêu sư cau mày nói:

– Trịnh huynh đệ chết ở trong chuồng ngựa, giống y như gã Bạch Nhị, trên người cũng không có một vết thương, thất khổng không bị chảy máu, mặt không bị xanh tái hay sưng húp. Phải chăng… phải chăng vừa rồi theo Thiếu tiêu đầu đi săn… Thật đúng rồi. Ngày xui tháng rủi mới gặp phải ác quỷ.

Lâm Chấn Nam khẽ nói:

– Đời ta đã quấy động khắp giang hồ nhưng chưa bao giờ gặp quỷ ma. Các ngươi nhìn kỹ đi!

Nói xong, lão cất bước ra khỏi đại sảnh đi về phía chuồng ngựa. Trịnh tiêu đầu nằm dưới đất, hai tay nắm yên ngựa, chứng tỏ lúc lão đang tháo yên ngựa thì bỗng nhiên ngã xuống chết, chắc chắn là không đánh nhau với ai.

Lúc này trời đã tối. Lâm Chấn Nam bảo người đem đèn lồng để bên cạnh, tự tay cởi quần đùi của Trịnh tiêu đầu, xem xét tỉ mỉ. Quả nhiên không có một vết thương, xương cốt của Trịnh tiêu đầu vẫn y nguyên, ngay cả xương ngón tay một lóng cũng không gãy. Lâm Chấn Nam từ trước đến giờ không tin chuyện quỷ thần. Bạch Nhị bỗng nhiên chết cũng có thể chấp nhận được, nhưng cái chết của Trịnh tiêu đầu lại giống hệt cái chết của Bạch Nhị. Chuyện xảy ra thật kỳ quặc. Nếu là bệnh dịch tại sao toàn thân lại không có những hạt lấm tấm đỏ đen?

Lão nghĩ bụng: Vụ này chắc chắn có liên quan đến chuyện đi săn hôm nay của con trai.

Lão quay lại hỏi Lâm Bình Chi:

– Hôm nay theo hài nhi đi săn, ngoài Trịnh tiêu đầu và Bạch Nhị còn có Sử tiêu đầu và Trần Thất nữa phải không?

Vừa hỏi lão vừa chỉ tay về phía Trần Thất. Lâm Bình Chi gật đầu. Lâm Chấn Nam nói lớn:

– Hai ngươi theo ta.

Rồi quay sang dặn hai tên cầm cờ:

– Mời Sử tiêu đầu đến sương phòng phía Đông nói chuyện.

Ba người đến sương phòng. Lâm Chấn Nam hỏi con trai:

– Rốt cuộc là chuyện gì?

Lâm Bình Chi bèn kể lại chuyện đi săn về đến quán rượu, uống rượu ở quán ra sao; hai người Tứ Xuyên trêu chọc thiếu nữ bán rượu như thế nào, vì sao mà hai bên lời qua tiếng lại rồi gây chuyện động thủ; hán tử càn quấy dùng sức mạnh bắt chàng quỳ lạy ra sao, chàng rút dao găm trong đôi ủng giết gã, chôn cất gã trong vườn rau như thế nào… Chàng lần lượt kể hết sự thật cho phụ thân nghe.

Lâm Chấn Nam càng nghe càng biết sự việc không đáng lo. Cùng người tỉ thí và giết người xứ khác đến chẳng phải là chuyện chi long trời lở đất. Lão nghe con trai kể xong, trầm ngâm hồi lâu rồi nói:

– Hai hán tử không xưng ra môn phái hay bang hội nào ư?

Lâm Bình Chi đáp:

– Dạ không.

Lâm Chấn Nam hỏi:

– Trong lời nói, cử chỉ của chúng có cái gì khác thường không?

Lâm Bình Chi nói:

– Hài nhi thấy cũng không có gì khác thường nhưng gã hán tử họ Dư…

Chàng nói chưa dứt, Lâm Chấn Nam hỏi tiếp:

– Gã hán tử ngươi giết là người họ Dư phải không?

Lâm Bình Chi đáp:

– Dạ. Hài nhi nghe gã kia gọi hắn là “Dư huynh đệ”, nhưng không biết người chết họ Dư hay là họ Du, vì gã kia nói giọng phương Bắc nên hài nhi nghe không chính xác lắm.

Lâm Chấn Nam lắc đầu tự nói:

– Không, không thể có chuyện như vậy! Dư quán chủ nói sẽ phái người đến, sao họ lại có thể đến phủ Phúc Châu nhanh vậy? Chẳng lẽ họ mọc thêm cánh ư?

Lâm Bình Chi run sợ hỏi:

– Gia gia, hai người đó có phải là người phái Thanh Thành không?

Lâm Chấn Nam không trả lời, đưa tay ra vạch một đường hỏi:

– Hài nhi dùng chiêu thức Phiên thiên chưởng đánh gã ấy, gã ấy chiết giải thế nào?

Lâm Bình Chi đáp:

– Gã không chiết giải mà tát hài nhi.

Lâm Chấn Nam cười nhẹ, nói:

– Rất tốt! Rất tốt! Rất tốt!

Bầu không khí trong phòng đang khẩn trương nhưng khi nghe Lâm Chấn Nam cười như vậy, Lâm Bình Chi cũng cười theo. Lòng mọi người cảm thấy nhẹ nhàng hơn một chút.

Lâm Chấn Nam lại hỏi:

– Ngươi dùng chiêu thức này đánh gã, gã đánh lại như thế nào? Vừa nói lão vừa ra một chiêu.

Lâm Bình Chi đáp:

– Lúc đó hài nhi quá tức giận nên không nhớ rõ. Dường như hài nhi sử chiêu đó, hắn vung quyền đánh trúng ngực hài nhi.

Nét mặt Lâm Chấn Nam càng hiền hòa nói:

– Được. Chiêu này phải đánh trả lại như thế này. Ngay cả một chiêu chiết giải hắn cũng không biết thì quyết không phải là con cháu của Dư quán chủ ở Tùng Phong quán phái Thanh Thành lừng danh thiên hạ.

Lão nói tiếp:

– Rất tốt!

Đây không phải lão khen đường quyền ngọn cước của con, mà là lão cảm thấy yên tâm. Một tỉnh Tứ Xuyên có không biết bao nhiêu người h ọ Dư, mà gã họ Dư này bị con lão giết võ nghệ chắc không cao, nhất định không liên quan đến phái Thanh Thành.

Lão đưa ngón giữa bên phải trỏ lên mặt bàn, không gõ mà hỏi:

– Gã làm sao mà nhấn được đầu của ngươi xuống?

Lâm Bình Chi đưa thẳng cánh tay vạch một đường và giải thích chàng đã bị gã nắm chặt không nhúc nhích được.

Trần Thất thu hết can đảm nói chen vào:

– Bạch Nhị lấy cây hãn liệp xoa đâm, bị hắn phản cước đá văng cây hãn liệp xoa, tiếp theo lại bị đá lộn nhào.

Lâm Chấn Nam tâm thần chấn động, hỏi:

– Hắn đá văng cây hãn liệp xoa trong tay Bạch Nhị rồi sau đó đá văng Bạch Nhị. Cách đá như thế nào?

Trần Thất nói:

– Dường như hắn đá thế này.

Hai tay gã nắm lấy lưng ghế, chân phải đá ngược lại một cái, thân người nhảy lên, chân trái lại đá ngược một cái nữa. Hai cái đá này coi ra rất vụng về như con ngựa đá người.

Lâm Bình Chi thấy gã đá thật khó coi không nhịn được, cười nói:

– Gia gia, nhìn gã đá kìa…

Nhưng chàng lại thấy mặt phụ thân hiện ra vẻ khiếp đảm nên câu nói phải ngắt ngang.

Lâm Chấn Nam nói:

– Hai chiêu thức này có phần giống Vô ảnh ảo thoái, tuyệt chiêu của phái Thanh Thành. Bình nhi, tóm lại đường quyền của hắn đánh ra thế nào?

Lâm Bình Chi đáp:

– Lúc đó hài nhi bị hắn nắm chặt, không thấy được hắn đánh ra sao.

Lâm Chấn Nam nói:

– Phải hỏi Sử tiêu đầu mới được.

Lão đi ra khỏi cửa cất tiếng gọi to:

– Người đâu? Sử tiêu đầu đâu? Tại sao mời lâu rồi mà chưa thấy đến?

Hai tên cầm cờ nghe gọi, chạy lại thưa rằng đã đi khắp nơi tìm Sử tiêu đầu nhưng không gặp. Lâm Chấn Nam đi qua đi lại trong hoa sảnh, dáng trầm ngâm: Hai chiêu phản kích nếu như chỉ là Vô ảnh ảo thoái thì hán tử này dù không phải con cháu của Dư quán chủ cũng có liên quan đến phái Thanh Thành. Vậy chúng là ai? Mình phải tự đi xem xét mới được.

Lão nói:

– Mời Thôi tiêu đầu và Lý tiêu đầu đến đây.

Thôi, Lý tiêu đầu vốn là hai tay lão luyện, dày dạn kinh nghiệm, trong công việc luôn được Lâm Chấn Nam tín nhiệm. Cả hai thấy Tr ịnh tiêu đầu chết một cách đột ngột mà Sử tiêu đầu lại không có nên đã đợi ngoài đại sảnh từ lâu để chờ sai bảo. Vừa nghe Lâm Chấn Nam gọi, lập tức họ đi vào đại sảnh.

Lâm Chấn Nam nói:

– Chúng ta đi làm một việc. Hai vị Thôi, Lý, hài nhi và Trần Thất theo ta.

Năm người cưỡi ngựa lập tức ra khỏi thành đi về hướng Bắc. Lâm Bình Chi cho ngựa chạy trước dẫn đường. Không bao lâu, cả năm người dừng ngựa trước quán rượu nhỏ. Cửa quán đóng im ỉm.

Lâm Bình Chi gõ cửa, gọi:

– Lão Tát! Lão Tát! Mở cửa ra mau!

Chàng gõ cửa gọi một lúc nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Thôi tiêu đầu nhìn Lâm Chấn Nam, đưa hai tay ra làm dấu phá cửa. Lâm Chấn Nam gật đầu. Thôi tiêu đầu vận song chưởng đánh ra. Chỉ nghe tiếng rắc rắc, then cửa gãy từng đoạn, hai cánh cửa bung ra rồi lập tức tự đóng lại, rồi lại mở ra; cứ như vậy lắc lư đóng mở, đóng mở phát ra tiếng kêu kèn kẹt. Thôi tiêu đầu vừa đẩy cửa ra, liền kéo Lâm Bình Chi lách sang một bên. Lão lắng nghe trong nhà không có động tĩnh gì, tro bếp nguội ngắt, bèn đi vào trong nhà, đốt cây đèn dầu ở trên bàn sáng lên rồi đốt thêm hai cây đèn lồng nữa. Cả bọn tìm khắp trong ngoài một lượt cũng chẳng thấy ai. Riêng chăn đệm, hòm xiểng và các thứ đồ đạc trong nhà vẫn nguyên vẹn, chưa kịp đem đi.

Lâm Chấn Nam gật đầu nói:

– Lão Tát lo chuyện giết người xảy ra ở đây, xác chết lại chôn ở trong vườn sau của lão, sợ bị quan nha tra hỏi phiền phức nên đã bỏ đi rồi.

Lâm Chấn Nam ra sau vườn, chỉ cây cuốc dựa ở bức tường bảo:

– Trần Thất, quật tử thi lên cho ta xem.

Trần Thất yên trí đây là việc ma quỷ đến đòi mạng nên chỉ cuốc được hai cái thì tay chân đã rụng rời, muốn quỵ xuống đất.

Lý tiêu đầu quát:

– Đồ vô dụng! Ngươi không xứng đáng ăn bát cơm bảo tiêu!

Một tay lấy cây cuốc, tay kia đưa đèn lồng cho Trần Thất cầm, lão bổ cuốc xuống đất. Không bao lâu thì quần áo của xác chết lộ ra. Lão lại cu ốc thêm vài cuốc nữa, rồi đưa lưỡi cuốc luồn dưới xác chết, dùng sức hất mạnh xác lên. Trần Thất quay đầu đi không dám nhìn. Bỗng nghe tiếng la hốt hoảng của bốn người kia, Trần Thất giật mình sẩy tay đánh rơi đèn lồng. Đèn tắt, trong vườn tối như mực.

Lâm Bình Chi sợ hãi nói:

– Cái xác chúng ta chôn rõ ràng là người Tứ Xuyên. Tại sao… tại sao…

Lâm Chấn Nam nói:

– Đốt đèn mau lên!

Trước đó, Lâm Chấn Nam vẫn rất bình tĩnh nhưng lúc này, tiếng nói của lão có chút sợ hãi. Thôi tiêu đầu đốt đèn lồng lên. Lâm Chấn Nam khom lưng xuống quan sát tử thi một hồi lâu rồi nói:

– Trên người cũng không bị thương, kiểu chết giống nhau như đúc.

Trần Thất lấy hết can đảm liếc nhìn về phía xác chết, bỗng nhiên la to:

– Sử tiêu đầu! Sử tiêu đầu!

Xác chết quật lên lại là xác Sử tiêu đầu. Xác của gã hán tử Tứ Xuyên không biết biến đi đâu.

Lâm Chấn Nam nói:

– Lão họ Tát này nhất định có cái gì đó rất cổ quái!

Lão giật cây đèn lồng chạy vào trong quán quan sát tỉ mỉ từ những vò rượu, nồi chảo, ông táo cho đến bàn ghế trong phòng khách, chẳng thấy có gì khác lạ. Thôi, Lý hai vị tiêu đầu và Lâm Bình Chi cũng chia nhau đi quan sát. Bỗng tiếng của Lâm Bình Chi la lên:

– Úi chao! Gia gia. Gia gia lại đây mà xem.

Lâm Chấn Nam nghe tiếng con gọi liền chạy đến, thấy chàng đang đứng trong phòng của thiếu nữ, tay cầm một chiếc khăn tay màu lục. Lâm Bình Chi nói:

– Một cô con gái nhà nghèo làm gì có được cái khăn tay này?

Lâm Chấn Nam cầm chiếc khăn, thoảng nghe một làn hương nhè nhẹ truyền vào mũi. Chiếc khăn rất mềm mại, bóng láng được dệt bằng tơ, quan sát kỹ thấy bốn biên ngoài của khăn được viền ba đường tơ màu lục. Ở trên góc khăn thêu một cành san hô nhỏ màu đỏ, mũi thêu cực kỳ tinh xảo.

Lâm Chấn Nam hỏi:

– Hài nhi tìm ra cái khăn này ở đâu?

Lâm Bình Chi đáp:

– Nó rơi xuống góc gầm giường. Có lẽ họ vội vàng bỏ đi, lúc thu dọn đồ đạc không nhìn thấy.

Lâm Chấn Nam cầm đèn lồng cúi người xuống gầm giường quan sát, không thấy vật gì cả. Lão ngẫm nghĩ rồi nói:

– Hài nhi nói cô gái bán rượu đó tướng mạo rất xấu, quần áo may bằng vải thường. Hài nhi nghĩ rằng cô không phải là con nhà trâm anh, nhưng có phải cách ăn mặc mười phần chỉnh tề không?

Lâm Bình Chi đáp:

– Lúc đó con không lưu tâm nhưng cũng không thấy mùi hôi hám. Nếu như quần áo hôi hám thì lúc cô ta rót rượu, con đã biết ngay.

Lâm Chấn Nam hỏi Thôi tiêu đầu:

– Lão Thôi! Lão nghĩ sao về chuyện này?

Thôi tiêu đầu đáp:

– Thuộc hạ thấy cái chết của Sử tiêu đầu, Trịnh tiêu đầu và Bạch Nhị cùng với ông cháu nhà này có liên quan với nhau. Không chừng hai ông cháu nhà này còn là tai mắt của bọn chúng.

Lý tiêu đầu nói:

– Vậy thì hai gã Tứ Xuyên kia có lẽ cùng bọn với hai ông cháu. Nếu không, tại sao họ lại đem cái xác kia đi?

Lâm Bình Chi nói:

– Rõ ràng là gã họ Dư động tay động chân làm nhục cô gái đó. Nếu không thì ta đã chẳng việc gì động thủ với gã. Họ không phải đồng bọn đâu.

Thôi tiêu đầu nói:

– Thiếu tiêu đầu chưa biết đó thôi. Người trên giang hồ tâm địa hiểm ác, họ thường giăng sẵn cạm bẫy, đợi người mắc vào. Hai người cùng phe giả vờ đánh nhau để dụ người thứ ba đến can gián, rồi bất ngờ hợp sức lại đánh người thứ ba đó. Cái trò này thường thấy lắm!

Lý tiêu đầu nói:

– Tổng tiêu đầu nhận định thế nào?

Lâm Chấn Nam trả lời:

– Lão Tát và cô gái bán rượu này nhất định là manh mối giúp ta tìm ra sự thật nhưng không biết họ với hai gã hán tử Tứ Xuyên có phải là đồng bọn hay không?

Lâm Bình Chi nói:

– Gia gia! Gia gia nói Dư quán chủ Tùng Phong quán phái bốn người đến. Họ… không phải là… bốn người sao?

Nghe con nói, Lâm Chấn Nam sực tỉnh, ngây người một lát rồi trầm ngâm nói:

– Phước Oai tiêu cục rất nể trọng phái Thanh Thành, từ trước đến nay không hề gây sự với họ. Vậy mà Dư quán chủ phái người tìm đến trả oán nghĩa là làm sao?

Bốn người nhìn lão, lão nhìn lại bốn người, không ai nói với ai một lời. Mãi một lúc sau Lâm Chấn Nam mới nói:

– Đem xác Sử tiêu đầu vào trong nhà rồi hãy bàn. Sự việc hôm nay không ai được tiết lộ để khỏi làm phiền đến quan nha, sinh thêm nhiều rắc rối. Ôi! Họ Lâm đối với người rất trượng nghĩa, không muốn đắc tội với bạn bè nhưng cũng không phải là lũ hèn yếu không dám đánh trả.

Lý tiêu đầu nói lớn:

– Tổng tiêu đầu! Nuôi binh ngàn ngày, dùng trong một chốc. Tất cả anh em chúng tôi nguyện hết sức để không làm tổn hại oai danh tiêu cục của chúng ta.

Lâm Chấn Nam gật đầu đáp:

– Đa tạ!

Năm người thả ngựa về thành. Sắp đến tiêu cục, Lâm Chấn Nam nhìn thấy ngoài cổng đèn đuố c sáng trưng, nhiều người tụ tập. Lòng không yên, Lâm Chấn Nam thúc ngựa chạy tới trước. Mọi người hô lên:

– Tổng tiêu đầu về rồi!

Lâm Chấn Nam xuống ngựa, chỉ thấy vợ lão là Vương phu nhân, gương mặt tái xanh, nói:

– Trượng phu nhìn kìa! Ôi, người ta ức hiếp mình như vậy đó!

Hai cây cột cờ bị gãy nằm dưới đất, cả hai lá cờ cũng bị liệng xuống. Chỗ đoạn cột cờ gãy bằng phẳng chứng tỏ đã bị bảo đao lợi kiếm chặt.

Vương phu nhân không mang kiếm bên mình, rút trường kiếm từ sau lưng chồng ra. “Chát, chát” hai tiếng, bà đã chặt đứt hai phần cột còn lại, gom lại một đống rồi đi vào cổng. Lâm Chấn Nam dặn Thôi tiêu đầu:

– Ngươi đem hai cây cờ này vứt đi! Ôi, muốn chống lại Phước Oai tiêu cục cũng không phải dễ đâu!

Thôi tiêu đầu đáp:

– Dạ!

Lý tiêu đầu chửi đổng:

– Mẹ kiếp! Lũ chó má đê hèn thừa lúc Tổng tiêu đầu không có nhà lén lén lút lút đến làm những việc mờ ám.

Lâm Chấn Nam vẫy tay gọi con trai, cả hai đi vào nhà. Lão chỉ nghe Lý tiêu đầu ngoác miệng đanh đá chửi:

– Quân chó má thối tha!

Hai cha con đến sương phòng phía Đông, thấy Vương phu nhân trải hai lá cờ lên m ặt bàn. Trên lá cờ thêu hình con sư tử đã bị ai đó khoét hai mắt lộ ra hai cái lỗ trố ng rỗ ng. Trên lá cờ thêu bốn chữ “Phước Oai tiêu cục” thì chữ “Oai” cũng bị khoét đi. Lâm Chấn Nam dù đằm tính đến đâu cũng không nhịn được nữa. “Rầm” một tiếng, lão đưa tay đập mạnh xuống bàn. Chiếc bàn lê hoa bát tiên bị chấn động kêu “rắc rắc”, gãy mất một chân.

Lâm Bình Chi hốt hoảng nói:

– Gia gia! Con đã… sai rồi. Cái đại họa này là do con gây ra!

Lâm Chấn Nam lớn tiếng nói:

– Họ Lâm chúng ta giết người thì giết, có sao đâu! Quân đốn mạt nầy nếu lọt vào tay ta thì ta cũng giết thôi.

Vương phu nhân hỏi:

– Giết người nào?

Lâm Chấn Nam nói:

– Bình nhi, nói cho má má biết đi!

Lâm Bình Chi kể lại các tình huống giết gã hán tử Tứ Xuyên thế nào, Sử tiêu đầu bị chết như thế nào. Vương phu nhân đã biết việc Bạch Nhị và Trịnh tiêu đầu chết đột ngột, nay bà nghe nói Sử tiêu đầu lại chết rất ly kỳ, không kìm được phẫn nộ, cũng đập bàn đứng lên nói:

– Đại ca! Phước Oai tiêu cục há chịu để cho người ta làm nhục ư? Chúng ta tập hợp người lại, đến Tứ Xuyên cùng phái Thanh Thành làm cho ra lẽ. Mời cả gia gia của tiểu muội và các huynh đệ cùng đi!

Từ thuở bé, tính khí Vương phu nhân đã nóng nảy, đến khi trở thành thiếu nữ khuê các, vẫn động một tý là rút đao động thủ. Ai cũng nể mặt phụ thân của bà là Kim Đao vô địch Vương Nguyên Bá nên nhường nhịn bà vài phần. Nay con trai của bà đã lớn nhưng tính nóng nảy của bà vẫn không giảm.

Lâm Chấn Nam nói:

– Đối thủ là ai? Trước mắt chưa xác định được, chưa chắc là phái Thanh Thành. Ta nghĩ bọn chúng không chỉ muốn dừng lại ở chỗ chặt phá hai cây cờ, giết hai tiêu đầu…

Vương phu nhân hỏi xen vào:

– Bọn chúng còn muốn làm gì nữa?

Lâm Chấn Nam liếc nhìn con trai. Vương phu nhân hiểu rõ suy nghĩ của chồng, trống ngực đập thình thịch, mặt biến sắc.

Lâm Bình Chi đáp:

– Việc này do hài nhi gây ra. Bậc đại trượng phu dám làm dám chịu. Hài nhi cũng… cũng không sợ đâu.

Miệng chàng nói không sợ nhưng giọng chàng run run, không giấu được nỗi lo âu tiềm ẩn trong lòng.

Vương phu nhân nói:

– Hừ, trừ khi chúng giết má má, nếu không thì đừng hòng đụng đến một sợi lông của hài nhi. Cây cờ Phước Oai tiêu cục của Lâm gia đã dựng lên được ba đời, từ xưa đến nay chưa chịu mất một chút oai phong nào.

Bà quay sang Lâm Chấn Nam nói:

– Nói như thế, nếu làm không được, chúng ta không còn mặt mũi nào mà làm người nữa!

Lâm Chấn Nam gật đầu nói:

– Bây giờ ta phái người đi khắp trong ngoài thành xem xét coi có tên giang hồ nào lạ mặt xuất hiện và phái thêm người đi tuần tra trong ngoài tiêu cục. Nương tử và Bình nhi ở đây chờ ta, đừng để nó đi lung tung!

Vương phu nhân nói:

– Dạ, thiếp biết rồi.

Cả hai vợ chồng đều biết rõ kẻ địch tiến thêm một bước nữa là nhắm vào con mình mà hạ thủ. Địch ở trong bóng tối mà mình ở ngoài ánh sáng, Lâm Bình Chi chỉ cần ra khỏi Phước Oai tiêu cục một bước lập tức gặp tai họa chết người ngay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.