Tiếu Ngạo Giang Hồ

Hồi 55: Ngõ Lục Trúc, cầm tiêu vọng tiếng

trước
tiếp

Huynh đệ họ Vương vội vàng mở cuốn sách ra, thấy trang đầu tiên viết sáu chữ triện “Tiếu ngạo giang hồ chi khúc”. Huynh đệ họ Vương chỉ võ vẽ nghề văn, nếu sáu chữ này viết theo kiểu chữ khải thì có thể đọc được, nhưng lại theo thể triện thì một chữ cũng không biết. Chúng lại mở thêm một vài trang nữa, nhưng thấy chữ nào chữ nấy đều là kỳ văn quái tự. Hai người không biết đây là cầm tiêu khúc phổ. Chúng không còn nghi ngờ gì nữa, đồng thanh nói lớn:

– Tịch tà kiếm phổ, Tịch tà kiếm phổ!

Vương Gia Thuần nói:

– Đưa cho gia gia xem đi.

Gã cầm bộ tiêu khúc phổ đó chạy ra khỏi phòng. Vương Gia Câu đá một cước mạnh vào lưng Lệnh Hồ Xung rồi chửi:

– Đồ tiểu tặc mặt dày!

Gã lại nhổ một bãi nước bọt lên mặt Lệnh Hồ Xung. Lúc đầu, Lệnh Hồ Xung tức đến nỗi muốn bể ngực nhưng chàng chuyển đổi ý nghĩ: Hai tên tiểu tử này ngu dốt, tổ phụ và phụ thân hắn chắc không đến nỗi bỉ ổi như vậy, đợi khi họ biết đây là cầm phổ tiêu phổ thì phải đến bồi tội với mình mới được.

Nhưng hai cánh tay bị trật khớp khiến chàng đau buốt khôn xiết, lại nghĩ: Nội công của mình đã hoàn toàn mất hết, lại gặp phải bọn lưu manh vô lại đầu đường xó chợ không có một chút khí lực để chống lại, đã thành một phế nhân thì sống ở trên đời này để làm gì nữa?

Lệnh Hồ Xung nằm trên giường, trán toát mồ hôi hột, lòng đau như cắt. Chàng kìm không được, nước mắt từ từ chảy dài. Nhưng nghĩ huynh đệ họ Vương nhất định sẽ quay trở lại ngay, mình không thể lộ vẻ yếu nhược, chàng liền lau khô nước mắt.

Một lúc lâu, nghe tiếng bước chân, huynh đệ họ Vương bước nhanh đến. Vương Gia Thuần cười nhạt nói:

– Đi gặp tổ phụ của ta.

Lệnh Hồ Xung tức giận nói:

– Không đi, tổ phụ ngươi không đến bồi tội với ta, ta đi gặp lão làm cái mẹ gì?

Huynh đệ họ Vương cười ha hả, Vương Gia Câu nói:

– Tổ phụ ta mà đến bồi tội tiểu tặc ngươi ư? Đừng có mà nằm mơ! Đi!

Hai gã nắm lấy vạt áo của Lệnh Hồ Xung kéo dậy, lôi ra khỏi phòng.

Lệnh Hồ Xung chửi:

– Kim đao Vương gia tự cho mình là con người hiệp nghĩa, lại cuồng vọng khinh người, thật là đê tiện bỉ ổi.

Vương Gia Thuần xoay tay đánh một chưởng, Lệnh Hồ Xung chảy máu miệng.

Lệnh Hồ Xung vẫn không ngừng chửi, bị huynh đệ họ Vương lôi đến hoa sảnh ở phía sau.

Vợ chồng Nhạc Bất Quần và Vương Nguyên Bá phân chủ khách ngồi đó; Vương Bá Phấn, Vương Trọng Cường ngồi ở mé dưới Vương Nguyên Bá. Lệnh Hồ Xung vẫn lớn tiếng chửi:

– Kim đao Vương gia là thứ đê tiện vô liêm sỉ, trong võ lâm chưa bao giờ thấy ai bẩn thỉu như vậy.

Nhạc Bất Quần sa sầm nét mặt quát:

– Xung nhi, im đi!

Lệnh Hồ Xung nghe sư phụ quát mắng mới chịu im tiếng không chửi nữa nhưng vẫn tức giận trừng mắt nhìn Vương Nguyên Bá.

Vương Nguyên Bá cầm trong tay bộ cầm tiêu khúc phổ, lạnh lùng hỏi:

– Lệnh Hồ hiền điệt, bộ Tịch tà kiếm phổ nầy là từ đâu mà có?

Lệnh Hồ Xung ngẩng mặt lên trời cười lớn một tràng dài. Nhạc Bất Quần liền mắng:

– Xung nhi, tôn trưởng hỏi ngươi, ngươi cứ thành thực bẩm cáo, sao dám to gan vô lễ như vậy? Còn ra thể thống gì nữa?

Lệnh Hồ Xung nói:

– Sư phụ, sau khi đệ tử bị trọng thương, toàn thân bất lực, sư phụ nhìn hai tên tiểu tử này đối xử với đệ tử thế nào. Hừm, đây là phép đãi khách trên giang hồ sao?

Vương Trọng Cường nói:

– Nếu là khách đàng hoàng thì Vương gia chúng ta không dám đắc tội. Nhưng ngươi đã phụ sự ủy thác của người, chiếm Tịch tà kiếm phổ này làm của riêng. Đây là hành vi của đạo tặc, Kim đao Vương gia ta ở Lạc Dương là người thanh bạch, sao có thể xem ngươi là bằng hữu được.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Tổ tôn ba đời của ngươi luôn miệng nói đây là Tịch tà kiếm phổ. Vậy các ngươi đã thấy qua Tịch tà kiếm phổ chưa? Sao biết đây là Tịch tà kiếm phổ?

Vương Trọng Cường chưng hửng nói:

– Bộ sách này lục soát được trên người của ngươi, Nhạc sư huynh lại nói đây không phải là thư phổ võ công của phái Hoa Sơn, nếu không phải Tịch tà kiếm phổ thì là cái gì?

Lệnh Hồ Xung tức đến phát cười nói:

– Ngươi đã nói là Tịch tà kiếm phổ thì coi như nó là Tịch tà kiếm phổ cũng được. Nhưng mong rằng Kim đao Vương gia dựa theo chiêu thức này để luyện thành kiếm pháp thiên hạ vô địch, để Vương gia ở Lạc Dương xưng là: “Đao kiếm song tuyệt” trong võ lâm. Ha ha!

Vương Nguyên Bá nói:

– Lệnh Hồ hiền điệt, tiểu tôn nhất thời đắc tội, hiền điệt hà tất để bụng làm gì. Người ta ai mà chẳng có sai lầm, biết lỗi mà có thể sửa đổi thì rất hay. Hiền điệt đã đưa kiếm phổ ra trả lại trước mặt sư phụ của hiền điệt, chúng ta còn truy cứu làm gì nữa? Mọi người từ nay về sau đừng ai nhắc đến chuyện này. Để ta sửa xương cánh tay cho hiền điệt rồi hãy nói chuyện.

Lão nói xong, bước xuống ghế đi lại hướng Lệnh Hồ Xung, đưa tay ra nắm tay phải hắn.

Lệnh Hồ Xung lùi về sau hai bước, gằn giọng nói:

– Khoan đã! Lệnh Hồ Xung ta không chịu để lão mua chuộc đâu.

Vương Nguyên Bá ngạc nhiên hỏi:

– Ta mua chuộc hiền điệt cái gì?

Lệnh Hồ Xung tức giận nói:

– Lệnh Hồ Xung ta đâu phải là người gỗ, tay của ta các ngươi muốn bẻ thì bẻ, muốn sửa thì sửa!

Hắn đi đến trước mặt Nhạc phu nhân gọi:

– Sư nương!

Nhạc phu nhân thở dài, đưa tay nắn lại những khớp xương bị trật trên hai cánh tay hắn.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Sư nương, đây rõ ràng là cuốn cầm phổ thất huyền cầm và tiêu phổ động tiêu, vậy mà nhà họ Vương nhìn không ra, cứ một mực nói là Tịch tà kiếm phổ. Thiên hạ sao lại có chuyện nực cười đến vậy?

Nhạc phu nhân nói:

– Vương lão gia tử, tiểu phụ xem thử cuốn phổ này có được không?

Vương Nguyên Bá nói:

– Mời Nhạc phu nhân xem.

Lão đưa khúc phổ qua. Nhạc phu nhân mở ra vài trang cũng không hiểu gì cả, liền nói:

– Cầm phổ tiêu phổ thì tiểu phụ không hiểu nhưng kiếm phổ thì đã từng thấy qua. Bộ sách này lại không giống kiếm phổ. Vương lão gia tử, trong phủ có ai biết đánh đàn thổi tiêu không? Có thể mời người đó đến xem thử thì biết ngay thôi.

Vương Nguyên Bá do dự, chỉ sợ đây đúng là cầm phổ tiêu phổ thì nhà mình bị bẽ mặt, lão trầm ngâm không đáp. Vương Gia Câu là người mít đặc, gã lớn tiếng nói:

– Gia gia, Dịch sư gia ở phòng quản gia chúng ta biết thổi tiêu, đi gọi lão đến xem thử. Đây rõ ràng là Tịch tà kiếm phổ, sao có thể gọi là tiêu phổ được?

Vương Nguyên Bá nói:

– Rất nhiều loại bí cấp võ học có người vì muốn giữ riêng sợ người khác dòm lén nên cố ý đem võ công đồ phổ viết theo dạng khúc phổ. Chuyện này cũng có thể có, chẳng có gì kỳ lạ.

Nhạc phu nhân nói:

– Trong phủ đã có một vị sư gia biết thổi tiêu, vậy thì cuốn phổ này là kiếm phổ hay tiêu phổ, mời lão đến xem sẽ biết thôi.

Vương Nguyên Bá bất đắc dĩ đành phải ra lệnh cho Vương Gia Câu đi mời Dịch sư gia đến.

Dịch sư gia là một người nhỏ con gầy ốm khoảng năm mươi tuổi, dưới cằm lơ thơ một túm râu, ăn mặc rất chỉnh tề. Vương Nguyên Bá nói:

– Dịch sư gia, mời sư gia xem dùm đây có phải là cầm phổ tiêu phổ bình thường không?

Dịch sư gia mở cầm phổ ra, xem vài trang rồi lắc đầu nói:

– Cái này… vãn sinh không hiểu gì hết.

Lúc lão xem đến tiêu phổ, đôi mắt bỗng sáng lên, miệng cất giọng khe khẽ, hai ngón tay của bàn tay trái không ngừng nhịp nhẹ lên bàn theo tiết tấu. Lão khe khẽ ngâm một lúc, lại lắc đầu nói:

– Không đúng, không đúng!

Lão ngâm thêm một lúc nữa; bỗng giọng chuyển cao lên rồi đột nhiên im bặt. Lão chau mày nói:

– Trên đời này quyết không thể có chuyện như vậy. Cái này… cái này… vãn sinh thực không hiểu nổi.

Vương Nguyên Bá vui mừng hỏi:

– Bộ sách này có chỗ khả nghi phải không? Nó khác hẳn với các khúc phổ bình thường khác phải không?

Dịch sư gia chỉ tiêu phổ nói:

– Cung điệu chỗ này bỗng chuyển sang âm Chủy, hoàn toàn trái với nhạc lý, ống tiêu không thổi được. Chỗ này lại chuyển qua Dốc điệu, rồi chuyển qua Vũ điệu, từ trước đến nay chưa có khúc phổ nào như vậy cả. Ống tiêu nào cũng không thể tấu được khúc nhạc như vậy.

Lệnh Hồ Xung cười nhạt nói:

– Lão không thổi được thì làm sao biết người khác cũng không thổi được.

Dịch sư gia gật đầu, nói:

– Ngươi nói phải lắm. Nếu trên đời này quả thật có người tấu được khúc điệu này thì vãn sinh khâm phục sát đất. Trừ khi… trừ khi… ở Đông thành…

Vương Nguyên Bá cắt đứt lời nói của lão hỏi:

– Ngươi nói đây không phải là tiêu phổ bình thường ư? Trong đó có mấy chỗ mà ống tiêu không cách nào thổi lên được ư?

Dịch sư gia gật đầu đáp:

– Đúng vậy, rất khác thường. Vãn sinh không thể thổi được. Trừ khi ở Đông thành…

Nhạc phu nhân hỏi:

– Đông thành có vị cao thủ danh sư có thể thổi được khúc phổ này ư?

Dịch sư gia nói:

– Cái này… vãn sinh cũng không dám bảo đảm. Nhưng Lục Trúc Ông ở Đông thành đã biết chơi huyền cầm lại biết thổi tiêu, không chừng lão có thể thổi được. Lão thổi tiêu cao minh hơn vãn sinh nhiều, có thể nói là cao minh không thể diễn tả được.

Vương Nguyên Bá nói:

– Đã không phải là tiêu phổ bình thường thì trong đó ẩn chứa điều gì đó.

Vương Bá Phấn nãy giờ yên lặng ngồi một bên bỗng nhiên nói xen vào:

– Gia gia, bộ Tứ môn lục hợp đao pháp của Bát quái đao ở Trịnh Châu không phải đã được ghi trong một bộ khúc phổ sao?

Vương Nguyên Bá ngẩn người, hiểu ra ý của con, biết con muốn đặt điều để nói trớ. Chưởng môn Bát quái đao ở Trịnh Châu là Mạc Tinh đã mấy đời kết thân với Kim đao Vương gia ở Lạc Dương. Trong Bát quái đao môn, không có Tứ môn lục hợp đao pháp gì gì cả, nhưng lão liệu đoán rằng phái Hoa Sơn chỉ chuyên sử kiếm nên không thể hiểu trong các phái khác không có một thứ đao pháp nào như vậy. Dù cho Nhạc Bất Quần hiểu biết rộng rãi cũng chưa chắc là biết hết. Lão gật đầu nói:

– Đúng vậy, mấy năm trước Mạc thân gia đã nhắc đến chuyện này. Trong khúc phổ có ghi đao pháp, kiếm pháp là chuyện bình thường, chẳng có gì lạ.

Lệnh Hồ Xung cười nhạt hỏi:

– Đã chẳng có gì lạ vậy thỉnh giáo Vương lão gia tử kiếm pháp ghi trong hai bộ khúc phổ này là kiếm pháp gì?

Vương Nguyên Bá thở dài nói:

– Cái đó… con rể của ta đã tạ thế rồi, những bí ẩn trong khúc phổ ngoài một mình lão đệ ra thì trên đời này chẳng có người thứ hai hiểu được.

Nếu Lệnh Hồ Xung muốn biện bạch thì đã nói ra lai lịch của khúc “Tiếu ngạo giang hồ”, nhưng nếu nói ra thì dính líu đến nhiều chuyện lớn, không thể không kể lại chuyện Mạc Đại tiên sinh phái Hành Sơn giết Đại tung dương thủ Phí Bân ra sao. Sư phụ mà biết khúc phổ này có liên quan đến Ma giáo trưởng lão Khúc Dương thì chắc sẽ hủy đi. Vậy chàng đã nhận lời ủy thác của người mà không thực hiện được. Lệnh Hồ Xung dằn cơn tức giận, nói:

– Dịch sư gia nói ở Đông thành có Lục Trúc Ông tinh thông âm luật, sao không đem khúc phổ này đi nhờ lão bình phẩm?

Vương Nguyên Bá lắc đầu nói:

– Lục Trúc Ông là người rất cổ quái, dở điên dở khùng, làm sao có thể tin lời lão nói được.

Nhạc phu nhân nói:

– Chuyện này cần phải làm cho rõ ngọn ngành, Xung nhi là đệ tử của tệ phái mà Bình Chi cũng là đệ tử của tệ phái; bọn tại hạ không thể thiên vị được. Ai đúng ai sai, cứ đi mời Lục Trúc Ông nhận xét cho rõ.

Bà không tiện nói Lệnh Hồ Xung tranh chấp với Kim đao Vương gia mà đổi thành sự tranh chấp giữa Lệnh Hồ Xung và Lâm Bình Chi. Bà nói tiếp:

– Dịch sư gia, cảm phiền sư gia cho người đem kiệu đi rước Lục Trúc Ông đến được chăng?

Dịch sư gia nói:

– Lão nhân gia tính tình rất cổ quái, người khác có chuyện cầu xin lão nếu lão không muốn dính đến thì dù có đến cửa quỳ lạy lão cũng chẳng thèm ngó tới. Nhưng khi lão muốn nhúng tay vào chuyện gì thì dù có đẩy ra cũng không được.

Nhạc phu nhân gật đầu nói:

– Nếu vậy, lão cũng là người trong bọn ta rồi, có thể Lục Trúc Ông là bậc tiền bối võ lâm. Sư ca, chúng ta quả là người cô lậu quả văn.

Vương Nguyên Bá cười nói:

– Lục Trúc Ông là người thợ đan lát, lão chỉ biết đan giỏ, dệt chiếu, đâu phải là người trong võ lâm? Có điều lão đánh đàn rất giỏi, thổi tiêu rất hay, lại biết hội họa. Nhiều người bỏ tiền mua các bức họa của lão nên có thể coi lão như một nghệ nhân phong nhã. Cho nên lão được địa phương rất quý trọng.

Nhạc phu nhân nói:

– Lạc Dương có nhân vật như vậy, bọn tại hạ đã đến Lạc Dương thì không thể không ra mắt. Vương lão gia tử, xin cảm phiền đại giá cùng đi với bọn tại hạ đến thăm vị nghệ nhân đó được không?

Thấy ý của Nhạc phu nhân rất kiên quyết, Vương Nguyên Bá không thể từ chối được, đành phải dẫn con cháu và vợ chồng Nhạc Bất Quần, Lệnh Hồ Xung, Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San cùng đi đến Đông thành.

Dịch sư gia đi trước dẫn đường. Qua mấy con đường, lão đến một con hẻm nhỏ, đầu ngõ hẻm có một hàng trúc phất phơ trong gió. Phong cảnh thiên nhiên thật phong nhã. Mọi người vừa đi vào ngõ hẻm đã nghe tiếng tình tang của huyền cầm. Con hẻm là nơi mát mẻ, yên tĩnh so với ngoài thành Lạc Dương thành ra hai thế giới khác biệt. Nhạc phu nhân nói khẽ:

– Vị Lục Trúc Ông này thật biết cách hưởng thú thanh nhàn.

Giữa lúc ấy bục một tiếng, một sợi dây đàn bỗng bị đứt, tiếng đàn cũng im bặt. Tiếng của một lão già nói vọng ra:

– Quý khách uổng công đến chỗ hang cùng ngõ hẻm này không biết có điều chi chỉ giáo?

Dịch sư gia nói:

– Trúc Ông, có một cuốn cầm phổ tiêu phổ rất kỳ quái, muốn đến nhờ pháp nhãn của Trúc Ông lão nhân gia giám định.

Lục Trúc Ông nói:

– Có cầm phổ tiêu phổ muốn nhờ ta giám định ư? Hì hì. Các vị coi trọng gã đan lát này quá rồi.

Dịch sư gia chưa kịp đáp thì Vương Gia Câu đã cướp lời, lớn tiếng nói:

– Có Kim đao Vương gia lão gia tử đến thăm.

Gã giơ chiêu bài của tổ phụ lên, cho rằng tiếng tăm lừng lẫy của tổ phụ ở thành Lạc Dương đủ để một lão già đan lát phải lập tức chạy ra nghênh tiếp. Nào ngờ Lục Trúc Ông cười nhạt nói:

– Hừ, Kim đao hay ngân đao cũng không bằng con dao chẻ lạt của ta. Lão đan lát này không đi thăm Vương lão gia thì Vương lão gia đi thăm lão đan lát này làm cóc gì.

Vương Gia Câu tức giận lớn tiếng nói:

– Thưa tổ phụ, lão đan lát này là hạng người không biết lễ phép, gặp lão làm gì? Chúng ta về thôi.

Nhạc phu nhân nói:

– Đã đến đây, ta nhờ Lục Trúc Ông xem dùm bộ cầm phổ tiêu phổ này cũng chẳng hề gì.

Vương Nguyên Bá hừ một tiếng, đưa khúc phổ cho Dịch sư gia. Dịch sư gia nhận lấy rồi đi vào bụi trúc. Chỉ nghe Lục Trúc Ông nói:

– Được, ngươi để xuống đi.

Dịch sư gia nói:

– Xin hỏi Trúc Ông, đây là khúc phổ hay là bí quyết võ công cố ý viết theo kiểu khúc phổ?

Lục Trúc Ông nói:

– Bí quyết võ công ư? Ngươi chế ra thì có. Đây đúng là cầm phổ rồi.

Tiếp theo, tiếng đàn vang lên rất u nhã.

Lệnh Hồ Xung nghe một lúc, nhớ được đây chính là khúc nhạc mà đêm hôm đó Lưu Chính Phong đã tấu. Người chết đi để lại khúc nhạc khiến lòng người nghe không cầm được sự buồn bã.

Tiếng đàn đang du dương bỗng cao vút lên rồi càng lúc càng cao mãi, âm thanh rất chát chúa.

Bục một tiếng, dây đàn bị đứt, tiếng đàn lại vút cao thêm. Lại bục một tiếng nữa, dây đàn lại đứt thêm một sợi. Lục Trúc Ông hứ một tiếng, nói:

– Cầm phổ này rất cổ quái khiến người ta không hiểu được.

Năm ông cháu Vương Nguyên Bá đưa mắt nhìn nhau, mặt lộ vẻ đắc ý, Lục Trúc Ông nói:

– Để ta thử tiêu phổ xem sao.

Tiếp theo, tiếng tiêu từ trong bụi trúc vọng ra, ban đầu nghe du dương não ruột, tình ý triền miên rồi về sau bỗng chuyển dần xuống thấp cơ hồ nghe không rõ nữa. Lại thổi được vài tiếng thì tiếng tiêu bỗng im bặt. Lục Trúc Ông thở dài nói:

– Dịch lão đệ, ngươi biết thổi tiêu mà thanh trầm như vậy thì làm sao có thể thổi được. Cầm phổ tiêu phổ này không phải là của giả nhưng người soạn ra nó lại cố ý làm ra vẻ hoang đường để ghẹo người chơi nhạc. Ngươi hãy về đi, để ta nghiên cứu tỉ mỉ lại đã.

Dịch sư gia dạ rồi đi ra khỏi bụi trúc.

Vương Trọng Cường hỏi:

– Kiếm phổ đâu rồi?

Dịch sư gia đáp:

– Kiếm phổ ư? Lục Trúc Ông muốn giữ lại nói là để nghiên cứu tỉ mỉ hơn.

Vương Trọng Cường sốt ruột nói:

– Mau lấy lại đi! Đây là kiếm phổ quý báu vô cùng, võ lâm không biết bao nhiêu người muốn tranh đoạt, sao có thể để lại cho một người không có liên quan gì đến mình giữ lại.

Dịch sư gia dạ một tiếng toan quay người đi vào bụi trúc bỗng nghe Lục Trúc Ông nói:

– Cô cô, cô cô ra đây làm gì?

Vương Nguyên Bá hỏi khẽ:

– Lục Trúc Ông bao nhiêu tuổi?

Dịch sư gia đáp:

– Khoảng trên bảy mươi tuổi, gần tám mươi tuổi rồi.

Mọi người đều nghĩ:

– Một lão già tám mươi tuổi lại còn có cô cô, vậy bà già này chắc ngoài trăm tuổi.

Nghe tiếng một phụ nữ đáp khẽ. Lục Trúc Ông nói:

– Mời cô cô xem bộ khúc phổ này có chỗ rất cổ quái.

Người phụ nữ lại ừ một tiếng, tiếng đàn vọng lên rồi bỗng dừng lại một lúc dường như là để thay sợi dây vừa bị đứt; rồi lại tình tang dạo mấy tiếng so dây mới tấu lên khúc điệu. Ban đầu, tiếng đàn tấu giống Lục Trúc Ông, về sau càng lúc càng cao, đến chỗ khó khăn vẫn đi qua dễ dàng, tay phím nhẹ nhàng không tốn một chút sức mà vẫn chuyển lên cao vút.

Lệnh Hồ Xung vừa ngạc nhiên vừa vui mừng nhớ lại đêm hôm ấy đã được nghe tiếng huyền cầm mà Khúc Dương đã tấu lên. Bây giờ, tiếng đàn khẳng khái vút cao, có lúc ôn hòa nhã chí, tuy Lệnh Hồ Xung không rõ nhạc lý nhưng cảm thấy vị bà bà này diễn tấu khúc điệu tuy giống như Khúc Dương đã tấu nhưng phong cách lại rất khác biệt. Cung đàn của vị bà bà này hòa bình trung chính khiến người nghe cảm thụ được cái hay của âm nhạc chứ không giống như sở tấu của Khúc Dương nghe sục sôi, phấn khích như bầu máu nóng. Bà bà tấu một lúc lâu, tiếng đàn dần thong thả lại tựa hồ như đi xa mãi không ngừng giống như người ôm cây đàn đi mấy chục trượng rồi đi ngoài mấy dặm. Tiếng đàn nhỏ dần đi như một sợi tơ cơ hồ không còn nghe được nữa.

Khi tiếng đàn dường như sắp dừng lại, chợt nghe có một hai tiếng tiêu rất nhỏ nổi lên. Tiếng tiêu lượn quanh uyển chuyển dường như người thổi tiêu vừa thổi vừa đi đến gần. Rồi tiếng tiêu thanh thoát chợt bỗng chợt trầm, lúc nhẹ nhàng lúc vang dội cho đến khi thanh điệu vút lên đến chỗ cao nhất. Sau khi lượn quanh uyển chuyển mấy vòng, tiếng tiêu lại hạ xuống cung bậc trầm, tuy rất nhỏ nhưng mỗi âm tiết vẫn rõ ràng có thể nghe được. Dần dần, trong trầm âm có thể reo của châu ngọc trong trẻo dồn dập, cái thấp xuố ng cái trỗi dậy, phồn âm tăng giảm giống như tiếng suối chảy nước bắn tung tóe, như trăm hoa đua nở lộng lẫy mê hồn, như chim hót líu lo một xướng một họa. Dần dần, bách điểu ly tan, xuân tàn hoa rụng, mưa gió hắt hiu, cảnh vật tiêu điều, hạt mưa thánh thót như có như không. Cuối cùng mọi âm thanh đều lắng lại…

Tiếng tiêu dừng lại một hồi lâu, mọi người như vừa trong mộng mới tỉnh dậy. Tuy bọn Vương Nguyên Bá, Nhạc Bất Quần đều không hiểu âm luật cũng không kìm được lòng đắm đuối say mê.

Dịch sư gia càng như người hồn xiêu phách lạc.

Nhạc phu nhân thở dài, lòng đầy thán phục. Bà nói:

– Thật đáng khâm phục! Xung nhi, đây là khúc nhạc gì vậy?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Khúc này gọi là “Tiếu ngạo giang hồ” chi khúc. Vị bà bà này thật là thần kỳ, khó có ai tinh thông được cả cầm phổ và tiêu phổ như vậy.

Nhạc phu nhân nói:

– Khúc phổ này quả nhiên kỳ diệu, chỉ có vị bà bà cầm tiêu tuyệt kỹ mới có thể diễn tấu được. Loại âm nhạc mỹ diệu này chắc ngươi mới nghe được lần đầu.

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Không phải, ngày trước đệ tử đã được nghe qua rồi. Lần đó so với hôm nay càng đặc sắc hơn.

Nhạc phu nhân lấy làm lạ hỏi:

– Thật vậy sao? Chẳng lẽ trên thế gian này còn có người đánh đàn thổi tiêu tuyệt vời hơn vị bà bà này ư?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Có tuyệt vời hơn vị bà bà này không thì đệ tử không rõ. Nhưng đệ tử đã từng nghe hai người hợp tấu, một người đánh đàn, một người thổi tiêu tấu lên “Tiếu ngạo giang hồ” chi khúc…

Lệnh Hồ Xung chưa nói dứt câu, từ trong bụi trúc lại vọng ra mấy tiếng tình tang rồi tiếng nói của vị bà bà nghe rất nhỏ. Bà nói:

– Cầm tiêu hợp tấu, trên đời này biết tìm người đó ở đâu?

Lục Trúc Ông lớn tiếng nói:

– Dịch sư gia, đây chính là cầm phổ tiêu phổ, cô cô của ta vừa mới tấu xong, ngươi cầm về đi thôi!

Dịch sư gia dạ một tiếng rồi đi vào bụi trúc, cầm khúc phổ đi ra. Lục Trúc Ông dặn dò:

– Trong khúc phổ này có chỗ nét nhạc rất kỳ diệu, thế gian hiếm có. Đây là vật thần kỳ, không thể để rơi vào bọn phàm phu tục tử. Ngươi không biết tấu thì vạn lần không nên cuồng tâm vọng tưởng mà cố học, nếu không chẳng có ích gì cho ngươi mà còn có hại nữa đó.

Dịch sư gia đáp:

– Dạ dạ, vạn lần không dám!

Lão trao khúc phổ lại cho Vương Nguyên Bá.

Vương Nguyên Bá đã nghe rõ tiếng đàn tiếng tiêu, biết rõ đây là khúc phổ liền đưa khúc phổ lại cho Lệnh Hồ Xung, sượng sùng nói:

– Lệnh Hồ hiền điệt, ta xin lỗi vậy!

Lệnh Hồ Xung cười nhạt định nói vài câu mai mỉa nhưng thấy Nhạc phu nhân nhìn mình lắc đầu, đành nhẫn nhịn không nói nữa.

Năm người tổ tôn nhà Vương Nguyên Bá bị bẽ mặt, cúi đầu đi trước, bọn Nhạc Bất Quần cũng đi theo.

Lệnh Hồ Xung cầm khúc phổ đứng ngây người bất động.

Nhạc phu nhân hỏi:

– Xung nhi, sao ngươi không về?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Đệ tử nán lại một chút rồi sẽ về sau.

Nhạc phu nhân nói:

– Ngươi sớm quay về nghỉ ngơi. Cánh tay vừa bị trật khớp không nên cử động nhiều.

Lệnh Hồ Xung dạ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.