Cách đây hơn 30 năm, Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Trung Quốc Kim Dung đã đến với bạn đọc các tỉnh phía Nam. Nhưng đó là một Kim Dung feuilleton, một Kim Dung tác chiến mỗi ngày khoảng 1500 chữ để đăng trên tờ Minh Báo, một Kim Dung đi máy bay từ Hồng Kông qua Việt Nam 1500 chữ mỗi ngày để được dịch ra Việt ngữ đăng đại trà trên những nhật báo Sài Gòn.
Nay được sự đồng ý của Kim Dung, chúng tôi xin dịch lại Tiếu ngạo giang hồ với tham vọng giới thiệu cùng bạn đọc yêu tài năng Kim Dung, một Kim Dung văn học. Khái niệm văn học ở đây gói gọn trong ngữ nghĩa văn học tiểu thuyết võ hiệp.
Tiếu ngạo giang hồ là tên một nhạc khúc không lời, viết cho đàn thất huyền cầm và sáo, do hai người bạn tri âm tri kỉ Lưu Chính Phong của phái Hành Sơn (chánh giáo) và Khúc Dương (trưởng lão của Triêu Dương thần giáo[1] thường gọi là Ma giáo) viết ra và diễn tấu. Câu chuyện bắt đầu khi phái Thanh Thành của Dư Thương Hải từ Xuyên Tây xuống Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, tấn công và tiêu diệt Phước Oai tiêu cục, đẩy chàng trai Lâm Bình Chi vào cảnh nhà tan người chết, phải quy đầu làm môn hạ phái Hoa Sơn. Đại đệ tử phái Hoa Sơn Lệnh Hồ Xung là một chàng trai lãng mạn, đã gây sự với phái Thanh Thành và ra tay giải cứu ni cô Nghi Lâm của phái Hằng Sơn thoát khỏi tên dâm tặc Điền Bá Quang, đã bị sư phụ Nhạc Bất Quần phạt lên đỉnh núi sám hối một năm. Chính trong thời gian sám hối này, Lệnh Hồ Xung đã mất người tình, người bạn nhỏ Nhạc Linh San. Cô gái nông nổi này đã phụ rẫy mối tình của đại sư ca, đi theo gã mặt trắng Lâm Bình Chi điển trai và hát khúc sơn ca Phúc Kiến “Chị em lên núi hái chè…”.
Lệnh Hồ Xung học được của thái sư thúc tổ Phong Thanh Dương chín thế kiếm vô địch của bậc tiền bối Độc Cô Cầu Bại, gọi là Độc Cô cửu kiếm. Nhạc Bất Quần của phái Hoa Sơn cũng nuôi âm mưu chiếm đoạt bộ Tịch tà kiếm phổ của dòng họ Lâm như Dư Thương Hải nhưng lão thi hành thủ đoạn tinh vi hơn và đã thành công. Lão tự thiến bộ phận sinh dục của mình (dẫn đao tự cung) để luyện Tịch tà kiếm phổ. Để đánh lừa dư luận, đánh lừa Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung Sơn đang lăm le chiếm đoạt ngôi minh chủ Ngũ Nhạc kiếm phái (Thái Sơn, Hằng Sơn, Tung Sơn, Hoa Sơn, Hành Sơn), Nhạc Bất Quần chép một bản Tịch tà kiếm phổ giả, tạo điều kiện cho đệ tử của Tả Lãnh Thiền ăn cắp đưa về Tung Sơn. Mặt khác, lão vu cáo cho đệ tử Lệnh Hồ Xung đã ăn cắp Tịch tà kiếm phổ và yêu cầu đồng đạo giang hồ giết hộ Lệnh Hồ Xung.
Trên đường lưu lạc, Lệnh Hồ Xung đã gặp Thánh cô Nhậm Doanh Doanh, con gái của giáo chủ Triêu Dương thần giáo Nhậm Ngã Hành và ngỏ hết đau thương của đời mình. Lệnh Hồ Xung tặng cho Doanh Doanh khúc nhạc Tiếu ngạo giang hồ. Họ trở thành đôi bạn, rồi đôi tình nhân. Khi Lệnh Hồ Xung ngất đi, Doanh Doanh đã cõng chàng lên chùa Thiếu Lâm đề nghị nhà sư Phương Chứng cứu chữa cho chàng. Còn cô, cô tự nguyện để phái Thiếu Lâm cầm tù, đổi lấy sinh mạng cho Lệnh Hồ Xung. Khi Lệnh Hồ Xung hoàn toàn bình phục, chàng quay về Giang Nam, kết giao với Quang Minh hữu sứ[2] của Triêu Dương thần giáo là Hướng Vấn Thiên. Biết Hồ Xung đã học được chân truyền Độc Cô cửu kiếm, Hướng Vấn Thiên dàn cảnh cho chàng xuống đáy Tây Hồ cứu thoát giáo chủ Nhậm Ngã Hành. Họ kéo nhau về đỉnh Hắc Mộc Nhai, trừng trị gã phản đồ Đông Phương Bất Bại. Nhậm Ngã Hành lên ngôi giáo chủ, mời Hồ Xung tham gia thần giáo nhưng chàng từ chối.
Nhạc Bất Quần sử dụng Tịch tà kiếm pháp (thứ thiệt) đánh cho Tả Lãnh Thiền thua to, chiếm được ngôi minh chủ Ngũ Nhạc phái (bỏ chữ kiếm). Lão dùng thủ đoạn tàn bạo, giết Định Nhàn và Định Dật, những người cầm đầu phái Hằng Sơn. Trước khi chết, hai lão ni cô này truyền lại cho Lệnh Hồ Xung chức chưởng môn Hằng Sơn. Thế là chàng trai lên chấp chưởng, cầm đầu một phái gồm toàn nữ ni, trở thành chuyện hi hữu trong võ lâm Trung Hoa. Trong chính giáo, lẫn lộn bọn tà đạo. Trong tà giáo, lại có những người chính nhân quân tử. Kim Dung đã giải quyết vấn đề chân – giả, thiện – ác, chính – tà ấy như thế nào?
Vâng, cuộc sống vốn rất sòng phẳng. Toàn bộ những âm mưu, thủ đoạn trá ngụy của nhân vật gọi là Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần bị phanh phui. Lão đã bị đền tội dưới bàn tay của ni cô Nghi Lâm, một người chưa bao giờ biết oán thù, căm giận ai. Lâm Bình Chi, gã tiểu ngụy quân tử cũng đã giết vợ mình là Nhạc Linh San rồi sau đó, nhận chịu sự trừng phạt của cuộc sống. Nhậm Ngã Hành qua đời, cái tham vọng thống nhất giang hồ của gã tan theo mây khói. Doanh Doanh trở về với Lệnh Hồ Xung. Họ cưới nhau và hợp tấu cầm tiêu nhạc khúc Tiếu ngạo giang hồ, thành toàn ước mơ hạnh phúc, hòa bình cho cuộc sống, điều mà hai vị tiền bối là Lưu Chính Phong và Khúc Dương chưa làm được.
Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Kim Dung, chúng tôi gọi Tiếu ngạo giang hồ là một siêu phẩm. Toàn bộ tác phẩm gồm 40 chương hồi. Tuy nhiên, tác phẩm lớn không phải ở chỗ dài hơi đó. Nó lớn vì chiều sâu kiến thức hàm chứa ngay trong tác phẩm.
Hai trong ba nguồn tư tưởng triết học lớn của phương Đông – Phật giáo và Lão giáo – đã được Kim Dung thể hiện qua những hình tượng văn học. Phương Chứng đại sư của chùa Thiếu Lâm là con người tiêu biểu của tư duy Thiền tông Phật giáo. Với một căn bản võ công trác tuyệt, một cái tâm từ bi, nhà sư gần như đã góp phần hóa giải những hận thù, chia rẽ, sân si. Định Nhàn, Định Dật của phái Hằng Sơn là một dạng Phật giáo khác, một Phật giáo nhập thể và nhập thế. Họ hàng ma, phục yêu bằng chính cái tâm hòa bình trung chính của người tu hành. Họ áp dụng nguyên tắc Miên lý tàng châm (trong cái gối bông mềm có chứa cây kim). Họ không đánh ai nhưng ai đánh vào họ thì bị kim đâm, càng đánh mạnh thì vết thương càng nặng. Họ lập ra kiếm trận là để tự giữ mình, chống ngoại địch chứ chẳng bao vây tiêu diệt ai.
Nhưng điểm đặc sắc nhất vẫn là tư duy Lão – Trang qua đường Độc Cô cửu kiếm. Phong Thanh Dương đã dạy cho Lệnh Hồ Xung “dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu”. Trong kiếm thế hữu chiêu, vì có chiêu thức cho nên phát ra được chiêu thức ấy, con người phải có bộ vị, ni tấc. Và quan điểm của Phong Thanh Dương là nên đánh ngay vào thời điểm chu ẩn bị bộ vị, ni tấc đó. Kiếm phải phát theo ý và người kiếm sĩ phát triển kiếm ý chứ không sử dụng kiếm chiêu. Nói cách khác, người sử kiếm chứ không phải kiếm sử người và cần một phong thái ung dung, liên tục như nước chảy mây trôi trong khi giao đấu với địch thủ. Chính cách dạy của Phong Thanh Dương lại vô cùng phù hợp với tâm tính phóng khoáng của Lệnh Hồ Xung. Điều này làm ta nhớ đến chương “Thuyết kiếm” của Trang Tử . Lão Trang chủ trương vô vi (không làm). Không làm nhưng có gì là không làm (Vô vi nhi vô bất vô vi). Chính từ cái nền tảng đó, Xung Hư đạo trưởng của phái Võ Đang – nhân vật đại biểu cho tư tưởng Lão Trang – đã gắn bó cuộc đời mình với sự thịnh suy, hưng vong của võ lâm Trung Quốc. Cũng chính trên nền tảng đó, có một cuộc đấu kiếm kì lạ xảy ra: Lệnh Hồ Xung và Xung Hư đấu kiếm mà không cần đến kiếm, chỉ lấy mắt ngó nhau, cuối cùng Xung Hư đành nhượng bộ.
Tiếu ngạo giang hồ lặng lẽ dắt người đọc đi vào cuộc hành trình tìm về những suối nguồn tư tưởng của phương Đông, một phương Đông lãng mạn bay bổng. “Khi lên cao chín ngàn dặm, nương mây cỡi gió mà bay” như Trang Tử đã viết trong Nam hoa kinh. Tiếu ngạo giang hồ có cái u uẩn, trầm mặc đầy suy niệm của những ngôi chùa, những đạo quan, những rừng tùng bách, bóng trăng sáng trên Trường Giang, cơn mưa tuyết mùa đông trên Ngọc Nữ phong. Xuyên suốt tác phẩm là tiếng đàn, tiếng sáo của khúc Tiếu ngạo giang hồ, tiếng ca buồn của Mạc Đại tiên sinh trong khúc Tiêu Tương dạ vũ. Tác phẩm còn là sự tập hợp của nhiều kiến thức về y học, dược học, địa lý học, tử u học, giải phẫu học, võ học, xã hội học. Chính nhờ đọc tác phẩm này, chúng ta mới biết người Tứ Xuyên luôn luôn bịt khăn trắng trên đầu – tục lệ có từ hai ngàn năm trước khi để tang con người huyền thoại Khổng Minh.
Về kỹ thuật kết cấu, có thể coi Tiếu ngạo giang hồ như một kịch bản phim với những đoạn chuyển cảnh nhanh và rất hợp lý. Những mâu thuẫn chiều sâu trong nội tâm của các nhân vật kết hợp với những mâu thuẫn trong chiều dài sự đấu tranh, trong âm mưu, trong thủ đoạn của các môn phái tạo cho cốt truyện những tình huống nghẹt thở, khiến người đọc càng đọc càng cảm thấy bị cuốn hút, say sưa. Kim Dung đã giải quyết hợp lý các mâu thuẫn đó khiến người đọc thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy hạnh phúc.
Có những điều mà ta nghĩ rằng không bao giờ có thật trên đời lại xảy ra trong tác phẩm của Kim Dung một cách hợp lý và tràn đầy đạo lý. Cơ duyên nào đã đưa một nữ ni thánh thiện trong như ngọc mới mười sáu tuổi dấn thân vào nơi ô uế, phức tạp nhất là động điếm Quần Ngọc dưới chân Hành Sơn để cứu mạng Lệnh Hồ Xung? Cô đã bồng chàng lãng tử thanh danh tàn tạ ấy ra khỏi vùng hoang sơn dã lĩnh, chấp nhận phạm giới cấm khi ăn trộm dưa hấu để có thức ăn cho chàng, tụng kinh cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát cầu xin cho chàng tai qua nạn khỏi. Lạ thay, lời kinh trang nghiêm của Phật giáo lại được đọc với một hơi thở từ một trái tim tràn đầy tình yêu và đức hy sinh. Cơ duyên nào đã đưa đẩy một nàng Nhạc Linh San mới mười sáu tuổi say mê cái mã đẹp trai của Lâm Bình Chi và dễ dàng phụ rẫy thâm tình ban đầu mà cô đã dành cho Lệnh Hồ Xung? Cho đến khi lấy Lâm Bình Chi, nhận ra bản chất tàn bạo của gã, cô mới hối hận vì đã đánh mất một báu vật trên đời. Cơ duyên nào đã đến với Thánh cô Nhậm Doanh Doanh, ở ẩn trong ngõ Lục Trúc thành Lạc Dương mà “nhặt” được một chàng Lệnh Hồ Xung ốm o, bệnh hoạn và khám phá ra được đó là người đàn ông anh hùng, trung thực, có bản sắc nhất giữa cuộc đời này? Từ bỏ ngôi vị cao quý, cô gái xinh đẹp, thông minh mười bảy tuổi ấy đi theo chàng trai, bắt ếch nuôi chàng, đánh đàn ru chàng ngủ và khi chàng kiệt sức thì cõng chàng lên chùa Thiếu Lâm, chấp nhận cho phái Thiếu Lâm cầm tù để đổi lấy sự sống cho người yêu dấu. Đó là ba dạng tình yêu trên đời: một tình yêu không nói thành lời do sự mâu thuẫn giữa tôn giáo và thế tục, một tình yêu thực dụng vì sự hào nhoáng bề ngoài mà không thấy được rõ bản chất bên trong, một tình yêu chân chính vì khám phá được chất ngọc bên trong mà không cần chú ý đến dáng vẻ bên ngoài ốm o tàn tạ. Kim Dung không lên gân bình luận, phê phán; ông chỉ tường thuật và chúng ta hiểu.
Tiếu ngạo giang hồ đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh với Lữ Tụng Hiền vai Lệnh Hồ Xung, Lương Bội Linh vai Nhậm Doanh Doanh, Trần Thiếu Hà vai Nhạc Linh San.
Bộ sách này ra đời cung cấp thêm cho các bạn một tác phẩm văn học, và chắc chắn càng đọc sâu các bạn càng tưởng tượng ra nhiều điều không thể có trong tác phẩm điện ảnh.
Như trên đã nói, chúng tôi mong giới thiệu với các bạn một Kim Dung văn học. Tác phẩm được Kim Dung viết từ năm 1963, được chính tác giả biên tập và chỉnh lý lại từ năm 1980. Bản in mà chúng tôi đang dịch do Minh Hà xã xuất bản hữu hạn công ty in vào tháng 8 năm 1997 tại Hồng Kông. Trước đó, Hà Nam xuất bản xã, Bắc Kinh ấn thư cục cũng đã có những bản in Tiếu ngạo giang hồ nhưng Kim Dung chỉ đồng ý cho chúng tôi dịch thuật theo bản in của Minh Hà xã. Nhóm dịch thuật đã cố gắng bám sát nguyên tác và chuyển ngữ bằng một văn phong gần gũi với đại đa số bạn đọc. Có những cụm từ Hán – Việt chỉ ngoại hiệu, võ công, tên sách, tên thuốc sẽ được chúng tôi giữ nguyên văn (vì có dịch cũng không hết ý). Có những cụm từ thóa mạ trong hệ thống ngôn ngữ của bọn hào sĩ giang hồ thì tùy theo trường hợp, chúng tôi sẽ giữ nguyên hoặc dịch sát nghĩa hoặc dùng một cụm từ thuần Việt tương đương.
Nguyên tác Tiếu ngạo giang hồ do Minh Hà xã in năm 1997 này có nhiều chi tiết mới so với Tiếu ngạo giang hồ trên báo chí Sài Gòn trước đây. Kim Dung đã mạnh dạn cắt bỏ một số đoạn mà ông xét thấy không cần thiết. Thí dụ ông đã cắt bỏ khoảng 3000 từ ngay trong hồi thứ nhất có nội dung giới thiệu về quan hệ gia tộc, võ công, sự nghiệp kinh doanh và oai lực của Phước Oai tiêu cục tại thành Phúc Châu. Ông bỏ hẳn đoạn Nhạc Linh San (trong vai cô gái bán rượu xấu xí) cứu Lâm Bình Chi bằng cách cho chàng uống rượu pha thuốc có dược tính thật mạnh mà viết hẳn một đoạn mới với những tình tiết hợp lý hơn, hấp dẫn hơn. Ông cẩn thận rà từng câu, chỉnh từng ý, xem lại từng tình huống tiểu thuyết. Ngày trước, ông đã để cho Đại tung dương thủ Phí Bân của phái Tung Sơn chết đi rồi sống lại, bây giờ không còn tình huống đáng tiếc ấy nữa. Một chương hồi trong nguyên tác của Kim Dung rất dài, chúng tôi cắt những chương hồi ấy thành những hồi ngắn hơn và chọn một nội dung chính để đặt tên cho hồi mới ấy. Thí dụ hồi I trong nguyên tác là Diệt môn (tiêu diệt một môn phái) được chúng tôi cắt ra thành bốn hồi với tên gọi mới: hồi thứ nhứt: Thành Phúc Châu phát sinh trọng án; hồi thứ hai: Tổng tiêu đầu mở cuộc điều tra; hồi thứ ba: Tồi tâm chưởng giết người không để vết và hồi thứ tư: Phái Thanh Thành bức hại Lâm gia. Chúng tôi nghĩ cách làm này giúp bạn đọc nắm được nội dung nhanh hơn và kỹ hơn.
Dịch văn Kim Dung không khó nhưng hoàn toàn không dễ. Tác giả thường có khuynh hướng dùng hai cụm từ diễn tả chung một ý nằm đầu câu hoặc cuối câu, có một cụm từ khác chen vào khoảng giữa. Trong trường hợp này, chúng tôi tước bỏ bớt một cụm từ hoặc đưa vị trí cụm từ ấy đến gần với cụm từ đứng trước nó mà vẫn không ảnh hưởng đến đại cục. Văn của Kim Dung cũng có những từ ngữ rất lạ, khó tìm ra được trong một số các từ điển Trung – Việt phổ thông. Văn Kim Dung còn rất giàu thành ngữ, tục ngữ, thơ ca… Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ phiên âm Hán – Việt rồi sau đó mới dịch nghĩa hoặc dịch thành thơ để các bạn dễ đọc.
Dù đã cố gắng khắc phục những nhược điểm trong bản in lần đầu nhưng chắc chắn bản dịch lần này vẫn còn nhiều sơ sót, rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc gần xa.