Không ngờ cuộc thế lúc này thốt nhiên lại biến chuyển, đoàn người áo đen đã ào ạt xông lên.
Động tác lúc đầu của họ tuy cực kỳ chậm chạp, nhưng chỉ một lát sau đã trở nên linh hoạt dị thường, bốn mặt đổ dồn lại ào ào như thác lũ, vây kín Huyền Chân và Đường lão thái vào giữa. Bách Nhẫn thấy thế vội bảo Bách Tường và Bách Đại:
– Hai sư đệ phải nỗ lực xông vào phá vòng vây ra.
Nói xong ông bước xấn lên, giơ tay phóng ra một quyền. Bách Đại cũng vung lưỡi chuỷ lên đâm trúng ngực một gã áo đen, rồi thừa lúc gã chưa ngã, đã nhảy xấn theo giật lấy lưỡi “Nhạn lĩnh đao” đưa cho Bách Nhẫn.
Bách Nhẫn vừa tiếp lấy vũ khí, thì một lưỡi khai sơn đao ở đâu lại vừa chém tới, bèn vội giơ đao đón lấy.
Hai đao vừa chạm vào nhau, chỉ nghe một tiếng “xoảng”, ngọn đao của đối phương tuy đã bị gạt đi, nhưng Bách Nhẫn cũng cảm thấy cổ tay tê dại, bất giác kinh sợ nghĩ thầm:
“Người này nội lực thâm hậu, ta chớ nên coi thường.”
Gã áo đen biến chiêu cực kỳ lanh lẹ, hắn không đợi Bách Nhẫn kịp trả đòn, ngọn đao khai sơn chợt đổi thế đánh ra thế chém, dùng chiêu “Hoành tảo ngũ nhạc” lia ngang một nhát.
Bách Nhẫn đại sư ngầm vận nội lực, giơ đao gạt lại, lại nghe “xoảng” một tiếng, hai người cùng bật lùi trở lại một bước.
Gã áo đen vác đao xông lên, vào thẳng đòn giữa, điểm sang đối phương.
Qua một vài thế đao, Bách Nhẫn biết đã gặp tay kình địch, liền bước chéo ra một bước, dùng chiêu “Kim cương thư tý” phản công lại.
Gã áo đen chém hụt, lập tức lại đổi chiêu. Hai lưỡi đao cùng vung lên, vù vù như gió bão, quấn chặt không dời.
Bách Đại đấu với một người cầm trường kiếm, tay trái cầm đao, tay phải đồng thời nhằm giữa ngực đối phương đánh ra một quyền.
Bình sinh Bách Đại rất ít khi gặp địch thủ, bữa nay ông đã dốc toàn lực vào chưởng đó, yên trí là đối phương dù không bị trọng thương, tối thiểu cũng phải bật lùi về phía sau, nên quyền vừa phóng ra, chân cũng bước xấn lên, giơ năm ngón tay định cướp lấy thanh kiếm của địch thủ.
Không ngờ sự việc xảy ra lại khác hẳn ý liệu, gã áo đen lập tức xoay mình tránh khỏi ngọn quyền, thi triển thế kiếm, chiêu lạ giở ra, hàn quang loang loáng như tuyết cuốn mưa bay, nhằm cánh tay Bách Đại chém ngang một cái.
Bách Đại giật mình vội lùi lại ba bước xoay người đi một vòng, nhảy tránh sang bên cạnh, rồi phóng một chưởng gạt thế kiếm của đối phương ra, đoạn lại thi triển chiêu thuật “tay không đoạt kiếm” liên tiếp đánh luôn ra ba chiêu kỳ học, nhưng đều bị đối phương tránh thoát.
Về phía Huyền Chân và Đường lão thái lúc này cũng đang gặp cường địch, và cũng phải thi triển những chiêu tuyệt học, gắng sức chống đối.
Cũng may là bọn người áo đen đó tâm thần đã bị khống chế, nên ứng biến vẫn không được linh hoạt như bọn Huyền Chân. Hai bên lực lượng tuy chênh lệch nhiều, mà phe quần hào vẫn chưa đến nỗi bị kém thế.
Trong lúc hai bên đang đánh nhau kịch liệt, chợt nghe từ phía xa xa có tiếng đàn vọng lại, âm điệu dồn dập, hối hả, tưởng như có hàng thiên quân vạn mã đang rầm rầm rộ rộ kéo đến.
Bọn người áo đen nghe thấy tiếng đàn, chân tay chợt trở nên lờ đờ, chậm chạp.
Bách Đại thừa thế, lập tức thoi luôn một quyền vào giữa ngực người áo đen, làm cho gã này bật tung người lên tới bảy, tám thước.
Huyền Chân cũng thi triển luôn hai chiêu tuyệt học, đánh trúng gã hai áo đen.
Bách Nhẫn, Bách Tường mỗi người cũng giết được một. Đường thái thái phóng ám khí hạ được hai tên. Bao Phương cũng nhân dịp nước đục thả câu, đánh bị thương một gã.
Chỉ trong khoảnh khắc, bọn người áo đen đã vừa chết, vừa bị thương quá nửa.
Chợt lại nghe có tiếng hú lanh lảnh đưa lại, những người còn sống sót thốt nhiên thu vũ khí về, cắm đầu chạy miết.
Huyền Chân đưa mắt nhìn theo những bóng người lố nhố, chìm dần vào trong đêm tối, thở dài nói:
– Thế lực của Nam Cung thế gia quả không nên coi thường, chỉ riêng bọn người bị mụ thu phục này cũng đủ làm loạn võ lâm rồi.
Nói đến đấy ông tra kiếm vào bao rồi lại tiếp:
– Vừa rồi, trong lúc đang đánh nhau, nghe văng vẳng hình như có tiếng đàn từ đâu đưa lại. Bọn người áo đen chân tay tự nhiên trở nên chậm chạp. Người gảy đàn tựa hồ có ý giúp chúng ta, và hắn lại cũng biết rõ mọi việc bí ẩn trong nhà Nam Cung thế gia nữa, nếu ta muốn diệt trừ bọn họ, thế tất phải đi kiếm người ấy trước.
Bách Nhẫn đại sư gật đầu:
– Đạo huynh thật cao kiến. Nhưng biết tìm hắn ở đâu?
Huyền Chân nói:
– Tiếng đàn hình như ở phía chính bắc, cách đây cũng không xa lắm. Chúng ta thử đi tìm xem.
Bách Nhẫn nói:
– Người ấy giúp chúng ta, nhưng lại hình như không muốn lộ diện, dẫu ta có đi tìm cũng vô ích. Theo ý lão nạp, chúng ta hãy tìm một chỗ nghỉ ngơi, rồi sẽ bàn cách đối phó với nhà Nam Cung thế gia.
Quần hào sau một đêm bôn ba vào sinh ra tử, ai cũng cảm thấy mệt phờ, nên khi nghe Bách Nhẫn đề nghị đều nhiệt liệt tán thành.
Thế là cả bọn lại kéo nhau đi. Trời vừa tờ mờ sáng đã tới thị trấn, liền tìm vào một nhà khách sạn nghỉ chân.
Điếm tiểu nhị thấy một bọn vừa tăng vừa đạo, đàn ông đàn bà, lại có cả mấy người ốm bị cõng trên lưng rầm rộ kéo vào, tuy trong bụng lấy làm kỳ quái, nhưng cũng chạy ra niềm nở tiếp đón, đưa vào khách phòng phía sau.
Một khách sạn ở trong thị trấn nhỏ, khách khứa chỉ toàn là người buôn bán, thuyền thợ phu phen, chủ quán thấy bọn khách lạ, đã đặc biệt ưu đãi, dành cho cả một căn nhà ba gian rộng rãi.
Lúc này trời đã sáng hẳn. Đường lão thái vừa vào tới phòng, liền tháo dây lưng đặt Đường Thông xuống, rồi không nghĩ gì đến sự nghỉ ngơi, lập tức ngầm vận công lực xoa nắn các yếu huyệt trên khắp thân thể chàng.
Thủ pháp điểm huyệt đặc biệt của Nam Cung thế gia, Đường lão thái đã dư biết sức mình không thể giải nổi, những mẫu tử tình thâm, khiến bà chợt nảy ra một ý tưởng kỳ lạ, là cứ thử xoa nắn khắp các yếu huyệt trên thân thể Đường Thông xem hoạ may có tìm được bí quyết gì giải được huyệt không.
Qua một giờ thí nghiệm, Đường lão thái đã xoa nắn hết bảy mươi hai đường huyệt đạo của Đường Thông, mà chàng vẫn mê man bất tỉnh.
Đường lão thái sắc mặt lo lắng bồn chồn, mồ hôi toát ra như tắm.
Quần hào ngồi nhập định dưỡng thần một lúc, đã lần lượt tỉnh dậy, thấy tình hình như vậy, ai cũng thở dài buồn bã. Bách Đại chợt nói:
– Trong võ công của phái Thiếu Lâm chúng tôi, có một thủ pháp chỉ dựa vào nội công thâm hậu, thúc đẩy chân khí để giải huyệt mạch bị thương, nhưng không biết đối với thủ pháp điểm huyệt kỳ quái của nhà Nam Cung thế gia có công hiệu gì không? Nếu nữ đàn việt có lòng tin, thì để bần tăng thử thí nghiệm xem sao.
Đường lão thái nói:
– Nếu đại sư cứu được tiện nhi, thì ơn ấy lão thân xin minh tâm khắc cốt.
Bách Đại nói:
– Nữ đàn việt nói nặng lời quá. Bần tăng đâu dám đảm đương?
Nói xong bước tới ngồi xuống bên cạnh Đường Thông.
Lúc này bao nhiêu cặp mắt quần hào đều đổ dồn vào Bách Đại đại sư, trên mặt mọi người đều lộ vẻ thiết tha mong đợi.
Bách Đại ho nhẹ một tiếng, rồi giơ tay phải ấn lên bối tâm của Đường Thông. Đường lão thái lau ráo mồ hôi, ngồi cách ra một bên chú ý nhìn thấy sắc mặt Bách Đại dần dần ửng đỏ, bàn tay đặt trên lưng Đường Thông, cũng hơi run run.
Một vệt ánh nắng xuyên qua song cửa sổ, chiếu vào trong nhà, soi rõ những hạt mồ hôi lấm tấm trên trán và sống mũi Bách Đại.
Giữa lúc ấy chợt nghe văng vẳng từ phía xa xa có tiếng người gọi tên Bách Đại.
Bách Đại giật mình, những nét hồng hào trên mặt thốt nhiên biến mất, ông quay lại hỏi Bách Tường:
– Sư đệ, hình như có ai gọi tôi, phải không?
Bách Tường ngẩn người, vội lắng tai nghe, quả nhiên có tiếng gọi pháp hiệu của Bách Đại, giọng nhỏ như tơ bay, lúc dứt lúc nối, liên tiếp không ngừng, bèn đứng bật dậy nói:
– Để tôi ra coi xem.
Lúc này ánh nắng đã lan tràn khắp nơi, ngoài đường kẻ đi người lại tấp nập, cái cảm giác âm thầm khủng bố của Nam Cung thế gia gieo vào đầu óc mọi người, cũng theo bóng mặt trời dần dần nhạt bớt. Hình như những sự khủng bố cần phải dựa vào bóng đêm mới có hiệu lực.
Bách Tường len lén đi ra khỏi phòng, quần hào cũng không ai để ý, riêng có Huyền Chân đạo trưởng là hơi cảm thấy kỳ quái, ông đưa mắt trông theo Bách Tuờng, đã toan gọi lại, nhưng chợt nghĩ: “Bách Tường võ công cao siêu, và đang lúc ban ngày ban mặt, không lẽ nhà Nam Cung thế gia dám giở trò gì?” Nên lại để mặc ông ta đi, không nói gì nữa.
Bách Đại lại ngưng tụ công lực, gia sức giải huyệt cho Đường Thông.
Ước chừng nguội một chén trà, Đường Thông đôi mắt chợt nhấp nháy luôn mấy cái, rồi thở ra một hơi dài.
Đường lão thái mừng lắm, vội gọi:
– Hài tử! Hài tử!
Chợt nghe đánh “bịch” một tiếng, cắt đứt câu gọi của Đường lão thái.
Quần hào vội ngoảnh trông ra cửa, thấy Bách Tường đã nằm sóng sượt dưới đất, một chân còn gác lên ngưỡng cửa.
Rõ ràng là ông ta đã cố hết sức lê về đến cửa, rồi vừa tới đấy thì không sao gượng được nữa, đành phải ngã quỵ.
Biến cố xảy ra thực vô cùng đột ngột, làm cho mọi người đều đứng chết sững.
Bách Nhẫn đại sư lặng đi một lúc, mới sực tỉnh, vội chạy ra ôm xốc lấy Bách Tường dậy hỏi:
– Sư đệ bị ám toán phải không? Bị thương ở đâu?
Chợt thấy hai tay lạnh buốt như chạm vào khối đá, Bách Tường hình như đã chết rồi.
Huyền Chân chạy đến lấy tay đập mạnh vào hậu bối Bách Tường chỉ thấy thân hình ông ta run lên, từ từ hé mắt, thều thào nói:
– Một bàn tay trắng… trắng đẹp… đẹp… trên bàn tay…
Ông ta đã dùng hết hơi sức, cố nói cho rõ, nhưng sức đã yếu quá, chỉ lắp bắp được vài câu, rồi ho nhẹ một tiếng, nhắm mắt trút ra hơi thở cuối cùng.
Bách Nhẫn đặt Bách Tường xuống, chắp tay ngang ngực, nhắm mắt lẩm bẩm tụng kinh.
Huyền Chân đạo trưởng sắc mặt trầm trọng, sẽ nói:
– Một cánh tay trắng… trắng đẹp… trên bàn tay… Thế là cái gì?
Bách Đại run run hỏi:
– Bách Tường sư đệ chết rồi ư?
Được lão thái đáp:
– Chết rồi!
Bách Đại thở dài một tiếng, bàn tay đặt trên lưng Đường Thông thốt nhiên đưa lên phía trước, tăng thêm nội lực, nguyên nguyên bất tuyệt dồn vào bối tâm của chàng.
Chợt nghe Đường Thông thở dài một tiếng, duỗi hai tay ra kêu:
– Rét chết tôi rồi!
Đường lão thái mừng quá, nước mắt tuôn ra như suối, sẽ nói với Bách Đại:
– Tuyệt nghệ Thiếu Lâm, quả nhiên bất phàm, cái ơn cứu con, lão thân xin ghi vào phế phủ.
Bách Đại từ từ co tay về, nói:
– Không cần phải thế.
Nói dứt lời, lập tức đứng lên rảo bước chạy đến bên Bách Tường. Chỉ thấy sắc mặt ông ta trắng bệch, ngón tay co quắp lại, hình như gân cốt trong người đang bắt đầu co rút.
Bách Đại cúi xuống xem xét thật kỹ khắp thân thể Bách Tường, rồi lẩm bẩm nói sẽ:
– Bách Tường sư đệ bị một môn nội công kỳ độc làm bị thương.
Nói xong ông ngồi thừ người ra, mặt mày cau có, vừng trán nhăn lại rõ ràng là ông đang cố gắng kiềm chế sự đau đớn.
Bách Nhẫn tụng kinh xong, từ từ mở mắt, hai giọt lệ cũng theo khoé mắt rỏ xuống gò má, lấy tay sẽ vuốt đầu Bách Tường nói:
– Sư đệ theo ngã Phật về Tây, tiểu huynh chúc sư đệ thuận buồm xuôi gió.
Bách Đại vùng khóc oà lên, vừa khóc vừa nói:
– Sư đệ chết thay cho ta!
Bách Nhẫn nói:
– Sư đệ đừng nên tự trách, sống chết có mệnh, sức người không thể làm gì được.
Bách Đại ôm lấy thây Bách Tường, nức nở gọi:
– Nếu sư đệ không chạy ra xem ai gọi tôi thì việc gì đến nỗi bị ám toán?
Bách Nhẫn lại nói:
– Việc đã xảy ra rồi, còn làm sao được nữa? Ta nên lo lắng việc chôn cất cho người chết là hơn. Lão nạp chỉ lạ một điều là võ công của Bách Tường sư đệ ở trong chùa Thiếu Lâm chỉ kém sư đệ một bực, không hiểu tại sao lại bị giết một cách dễ dàng như vậy!
Huyền Chân thở dài nói:
– Chỉ đáng tiếc là lệnh sư đệ chết chóng quá, không kịp nói hết những sự bí mật…
Bách Nhẫn vội hỏi:
– Đạo huynh nghe thấy tiện sư đệ nói những gì?
Thì ra lúc Bách Nhẫn trông thấy Bách Tường ngã xuống, tâm thần bị xúc động mạnh quá, đến nỗi mê man không nghe thấy mấy câu sau cùng của Bách Tường. Lúc này nghe Huyền Chân nói mới chợt nhớ ra.
Huyền Chân đáp:
– Lệnh sư đệ chỉ nói: Một cánh tay trắng, một cánh tay rất đẹp…
Bách Nhẫn rùng mình, tưởng như vừa bị ai thoi một quyền vào đầu, toàn thân run lẩy bẩy nói:
– Cái gì? Một cánh tay trắng à?
Huyền Chân cũng kinh ngạc vì thái độ của Bách Nhẫn, sửng sốt một lát, rồi đáp:
– Đúng vậy! Lệnh sư đệ nói có trông thấy một cánh tay trắng tuyệt đẹp…
Bách Nhẫn tuy đã cố trấn tĩnh, nhưng câu chuyện mấy chục năm qua, đột nhiên lại lởn vởn hiện ra trước mắt. Ông tưởng tượng như đang đứng trong một toà sơn động, mắt trông thấy một bàn tay thon nhỏ nõn nà đang đưa qua đưa lại trong xó tối, miệng lẩm bẩm nói một mình:
– Một cánh tay trắng, đúng rồi! Đó là một cánh tay trắng tuyệt đẹp!
Huyền Chân đạo trưởng sẽ đằng hắng một tiếng, rồi nói:
– Bần đạo không hiểu tại sao một cánh tay đẹp lại có thể làm cho lệnh sư đệ bị tử thương được?
Bách Nhẫn đại sư thần trí như đang chìm đắm vào dĩ vãng, nên không nghe thấy câu hỏi của Huyền Chân. Ông vẫn nhớ mãi cánh tay xinh đẹp cách đây mấy chục năm, đã xuất hiện một lần làm cho Thiên Long đại sư bỗng dưng bị chết một cách cực kỳ bí mật, tới bây giờ lại đến lượt Bách Tường cũng bị chết về cánh tay ma quái đó. Thế là nghĩa gì?
Thấy mặt ông ngơ ngác như mất hồn, Huyền Chân đạo trưởng lại càng ngờ vực liền dằn mạnh tiếng gọi:
– Đại sư!
Bách Nhẫn giật mình, bàng hoàng như người vừa tỉnh cơn mê mộng, thở dài một tiếng rồi hỏi:
– Đạo huynh bảo gì?
Huyền Chân không đáp, chỉ đứng lên thủng thỉnh bước ra cửa. Bách Đại cũng rảo bước chạy theo nói:
– Đạo trưởng, chúng ta thử ra ngoài này tra xét xem có thấy gì lạ không?
Đường thái thái vỗ vào lưng Đường Thông dặn:
– Con nằm đây nghỉ một chút nhé!
Đường Thông ngước đôi mắt lạnh lùng nhìn mẹ, đối với cử chỉ âu yếm của Đường lão thái, hình như không một mảy may xúc động.
Đường lão thái cũng vừa kịp nhận thấy trong con mắt của ái tử chỉ chứa đầy những sự thù hằn và lạnh lẽo, như đứng trước kẻ tử thù, bất giác cũng rùng mình, không dám nhìn mặt hắn nữa.
Cái chết của Bách Tường đại sư làm cho mọi người đều cảm thấy những sự khủng bố chết chóc lại đè nặng trĩu tâm hồn. Huyền Quang đạo trưởng thấy Đường Thông đã tỉnh, bèn cũng giơ tay giải hai đường huyệt đạo trên thân thể Huyền Nguyệt, rồi vừa lay vừa gọi:
– Sư huynh!
Huyền Nguyệt ngồi nhỏm lên, đảo mắt nhìn khắp gian nhà, rồi lại nhìn chằm chằm vào mặt Huyền Quang một lúc lâu, chợt như nghĩ ra, vội hỏi:
– Ngươi có phải là Huyền Quang sư đệ không?
Huyền Quang thấy Huyền Nguyệt đã nhận ra mình, mừng quá vội nói:
– Sư huynh, chính tiểu đệ đây…
Ông mừng đến nỗi nghẹn lời không nói được nữa. Một lát sau mới cố nén cảm xúc, nói tiếp:
– Chưởng môn sư huynh cũng cùng đến đây…
Huyền Nguyệt lạnh lùng hỏi:
– Đi đâu rồi?
Huyền Quang chỉ ra cửa nói:
– Sư huynh vừa chạy ra ngoài kia!
Huyền Nguyệt chẳng nói chẳng rằng, thốt nhiên đứng bật dậy chạy ra cửa. Huyền Quang cũng vội đứng lên chạy theo, gọi với:
– Sư huynh, sư huynh đi đâu đấy?
Huyền Nguyệt chẳng nói chẳng rằng, cứ cắm đầu chạy miết.
Đường lão thái vừa trông thấy ánh mắt của Đường Thông nhìn mình bằng một vẻ căm thù hằn học, nên đã linh cảm thấy nhà Nam Cung thế gia bỗng dưng chịu thả Huyền Nguyệt và Đường Thông về tất nhiên phải có dụng ý, mà dụng ý đó chắc chắn không phải là lợi cho mình.
Bà đằng hắng một tiếng, rồi nhanh như cắt, cầm cây gậy trúc chắn đường Huyền Nguyệt, nói:
– Đạo trưởng, thân thể chưa được khoẻ hẳn, hãy tạm ở nhà tĩnh dưỡng đợi lệnh sư huynh về, rồi muốn đi đâu hãy đi.
Huyền Nguyệt trừng mắt nhìn Đường thái thái, sắc diện luôn luôn thay đổi, một lát không biết nghĩ thế nào, lại quay trở vào.
Lúc này Bách Nhẫn đã lấy lại được bình tĩnh, liền ôm thi thể Bách Tường đặt vào góc nhà, sẽ hỏi Đường thái thái:
– Lệnh lang đã tỉnh chưa?
Đường lão thái cười gượng đáp:
– Khuyển tử tuy đã tỉnh, nhưng lão thân nhận thấy còn nhiều điểm đáng ngờ lắm.
Bách Nhẫn vừa toan hỏi, thì Huyền Chân đã trở về thấy Huyền Nguyệt đã dời ra chỗ khác, liền hỏi Huyền Quang:
– Huyền Nguyệt sư đệ đã tỉnh rồi ư?
Huyền Quang đáp:
– Tiểu đệ vừa giải huyệt cho nhị sư huynh.
Huyền Chân sắc mặt nghiêm chỉnh, thủng thỉnh bước tới bên Huyền Nguyệt, quát lên một tiếng:
– Huyền Nguyệt sư đệ!
Miệng thì gọi, tay đã giơ lên đánh vào huyệt “thiên linh” của Huyền Nguyệt. Huyền Nguyệt vừa kịp ngước mắt nhìn lên, thân hình đã chao đi vài dòng, rồi ngã ngửa ra phía sau. Huyền Quang giơ tay toan đỡ, thì Huyền Chân vội quát:
– Đừng chạm vào hắn!
Huyền Quang vội rụt tay về, cúi đầu lẳng lặng. Đường lão thái nói:
– Đạo trưởng tiện tay xin cũng điểm vào huyệt thiên linh của khuyển tử giùm lão thân luôn thể.
Huyền Chân mỉm cười nói:
– Hoàn cảnh của chúng ta lúc này chính là đang đối diện với cái chết, bất cứ lúc nào, thần chết cũng kề liền bên cạnh, không đề phòng cẩn thận không được.
Còn đang nói chuyện, chợt lại nghe văng vẳng có tiếng gọi pháp hiệu của Huyền Chân. Quần hào đều sửng sốt bàng hoàng, chưa biết đối phó ra sao, thì Bách Nhẫn đã đứng phắt dậy chạy ra.
Huyền Chân vội rảo bước tiến lên, ngăn lại nói:
– Đại sư không nên nóng nảy, hãy thong thả để tìm một kế sách vạn toàn đã.
Bách Nhẫn nói:
– Lão nạp phải ra tìm Bách Đại, tính hắn nóng gấp, nghe thấy tiếng gọi thế nào cũng đi tìm. Tôi không thể để mặc hắn chết được.
Huyền Chân nói:
– Bách Đại đại sư vừa rồi có nói là còn ra chợ mua một cỗ áo quan, chắc cũng sắp về. Đã vậy để bần đạo cùng đi với đại sư.
Vừa đi được mấy bước, lại không nghe thấy cái tiếng ma quái ấy nữa, mà Bách Đại cũng đang rảo bước chạy về.
Bách Nhẫn thở ra một hơi dài, như người vừa trút được gánh nặng, hỏi:
– Sư đệ có nghe thấy tiếng gì lạ không?
Bách Đại lắc đầu, lắng tai nghe ngóng một lúc rồi nói:
– Có tiếng gì lạ đâu?
Huyền Chân bước ra cửa khách sạn, ngẩng trông lên trời, chỉ thấy da trời trong vắt, trăng sáng vằng vặc, ngoài đường kẻ đi người lại như mắc cửi, tuyệt không thấy gì lạ cả, bất giác cau mày lẩm bẩm:
– Quái nhỉ! Không lẽ trên đời này có ma thật chăng?
Bách Đại vội hỏi:
– Đạo trưởng, có phải vừa rồi lại nghe có tiếng gọi phải không?
Thấy Bách Đại nói to quá, Huyền Chân đạo trưởng sợ những người trong khách sạn chú ý, vội nói:
– Chúng ta hãy vào cả trong nhà, rồi sẽ nói chuyện.
Rồi giắt tay Bách Nhẫn đi vào, Bách Đại theo sau, hậm hực nói:
– Chắc cái tiếng đó lại kêu pháp hiệu của bần tăng phải không?
Huyền Chân cười nói:
– Lần này thì “hắn” tìm bần đạo.
Bách Đại nói:
– Đạo trưởng có gan dám đi không? Nếu đạo trưởng đi bần tăng cũng xin liều mạng đi theo.
Huyền Chân nói:
– Chỉ đáng tiếc là từ nãy đến giờ không nghe thấy tiếng gọi nữa. Nhưng đại sư không lo, bần đạo dám chắc là “nó” còn theo đuổi nữa, chứ chưa chịu thôi đâu. Lát nữa ta lên đường, “nó” sẽ lần lượt gọi đủ tên từng người cho mà coi.
Bách Đại nghiến răng, cười nhạt:
– Vô luận thế nào tôi cũng phải bắt cho kỳ được tên sát nhân vô sỉ đó, để báo thù cho sư đệ.
Lúc này bầu không khí trong phòng đã trở nên nghẹt thở, trong lòng một người đều nặng trĩu một mối lo sợ thấp thỏm. Duy có Bách Đại vì quá đau đớn về cái chết của sư đệ nên sự căm hờn đã lấn cả sợ hãi.
Huyền Chân chắp tay nói với Bách Nhẫn:
– Đại sư, chúng ta không nên nấn ná ở đây lâu nữa!
Bách Nhẫn đại sự gật đầu nói:
– Bây giờ lão nạp phải về Trung Sơn, nên các vị có nhã hứng muốn du ngoạn Trung Sơn thì lão nạp xin hoan nghênh hết sức.
Huyền Chân nói:
– Tình thế lúc này chúng ta chỉ nên tụ chớ không nên tán, bần đạo xin vui lòng theo đại sư cùng đi.
Đường lão thái cũng nói:
– Lão thân cũng xin đồng ý.
Mọi người đang trò chuyện, xảy nghe có tiếng giày lẹp xẹp đi tới, rồi một chàng thiếu niên tuổi trạc mười sáu, mười bảy, mặc quần áo đen, lưng đeo trường kiếm sừng sững hiện ra trước cửa.
Chàng thiếu niên đảo mắt nhìn quanh phòng một lượt, rồi hỏi:
– Trong các vị đây, vị nào là Huyền Chân đạo trưởng?
Huyền Chân đạo trưởng nhìn chàng thiếu niên một lát, rồi đáp:
– Bần đạo là Huyền Chân, xin thí chủ cho biết quý tính?
Chàng thiếu niên không trả lời câu hỏi của Huyền Chân, lại nói:
– Tại hạ vâng lệnh Nhâm tiên sinh, mời các vị đến chơi nói chuyện.
Huyền Chân giật mình vội hỏi:
– Nhâm tướng công hiện nay ở đâu?
Thiếu niên nói:
– Cũng gần đây thôi, nhưng chỗ đó, tại hạ khó nói tên lắm.
Huyền Chân đưa mắt nhìn Bách Nhẫn nói:
– Ta thử đi xem sao.
Đường lão thái hỏi:
– Nhâm tướng công có phải là chàng thanh niên mặc áo xanh mà lão thân đã gặp ở Tam Nguyên Quan dạo nọ không?
Huyền Chân đáp:
– Chính phải đó!
Chàng thiếu niên tỏ vẻ sốt ruột, giục:
– Nhâm tiên sinh dặn tôi mời các vị lại ngay cho, càng sớm càng tốt.
Huyền Chân đạo trưởng đứng lên trước nhất. Mọi người cũng đều lục đục đứng lên. Bách Đại bế thi thể Bách Tường, Đường lão thái khoá mạch môn của Đường Thông rồi vác lên vai. Huyền Quang cõng Huyền Nguyệt, tất cả đều theo chàng thiếu niên đi ra cửa quán.
Lúc này Bách Đại đã gọi được một chiếc xe ngựa, đặt thi thể Bách Tường và hai người mất trí lên. Bách Đại đi sau áp tải.
Huyền Chân vốn tính cẩn thận, nên trong lúc đi đường, mắt vẫn luôn luôn theo dõi từng cử chỉ của chàng thiếu niên.
Đi ước chừng sáu, bảy dặm thì tới một khoảng vườn rau, rộng chừng hai mẫu. Giữa vườn, dưới gốc cây bạch đào thân to tay ôm, có một nếp nhà tranh đã lâu đời, xung quanh trồng đủ các thứ rau, giữa chỉ chừa một khoảng đất hẹp, vừa vặn cho một người đi. Lúc này có một gã đại hán mặc áo rách đi chân đất, đang đạp thuỷ xa tưới rau.
Bách Nhẫn khẽ bảo Bách Đại:
– Sư đệ cũng cùng vào một thể.
Bách Đại nói:
– Còn thi thể Bách Tường sư đệ để đây ai trông?
Bách Nhẫn nói:
– Trên đời này chưa từng có ai ăn trộm xác chết bao giờ. Cứ để đấy cũng không sao.
Bách Đại vâng lời đi vào. Đường thái thái toan ẵm Đường Thông đi theo, Huyền Chân nói:
– Ta hãy vào gặp Nhâm tướng công đã, rồi ra đón bọn họ vào sau cũng không muộn.
Đường thái thái hiểu ý Huyền Chân, bèn thôi không nói gì nữa, chỉ ngầm vận điều chân khí, phòng xa ngộ lỡ người trong ngôi nhà tranh kia không phải là Nhâm Vô Tâm, thì sẽ lập tức động thủ.
Trong khi trò chuyện, đã đi gần tới nếp nhà tranh. Gã đại hán đạp thuỷ xa thấy quần hào đi vào, vẫn cúi đầu mải miết làm việc, hình như không biết là có khách.