Bước vào năm 83, mọi việc đều trở nên thuận lợi. Sau khi xưởng sản xuất rau dại của chúng tôi đi vào quỹ đạo, Lưu Giang tiếp tục vươn tay sang các ngành khác, và làm cũng rất ổn. Trần Gia Trang dần dần phát triển hơn, không bao lâu sau đã bắt đầu sửa đường, kéo được điện thoại. Đến cuối năm 83, Chính phủ bắt đầu chiến dịch càn quét tội phạm, cậu của Tiểu Minh Viễn vì tội trộm cắp mà bị bắt giữ, rồi bị phạt tù mười năm. Tuy biết vui mừng trên nỗi lo của người khác là không đúng lắm, nhưng tôi quả thực đã thầm thở phào một hơi.
Quy mô của trường Tiểu học Trần Gia Trang cáng ngày càng lớn, từ lớp mẫu giáo đến lớp sáu đều có đủ, trên xã liên tục điều mấy giáo viên tới, vậy là công việc dạy thay của tôi coi như đã kết thúc một cách thành công. Nhưng về sau mọi người trong thôn vẫn quen gọi tôi là cô giáo Tuệ.
Tôi bắt đầu nảy sinh ý nghĩ muốn rời đi là vào đầu năm 1988.
Lúc này Tiểu Minh Viễn đã học đến lớp sáu. Thằng bé học sớm hơn đám trẻ con bình thường một năm, thành tích rất tốt, và đúng như kỳ vọng của tôi, nó đã trở thành một thiếu niên thành thực, chính trực và rất điển trai.
Thằng nhóc điển trai này đã bắt đầu trở thành ngôi sao tai họa rồi, trong lớp bắt đầu có những bé gái đánh nhau để giành chỗ ngồi cạnh nó, thêm vài năm nữa, không biết nó sẽ còn gây thêm tai họa cho bao nhiêu thiếu nữ nữa đây. Dù sao các cô, các thím trong thôn này đều đã bị nó làm cho đắm đuối, cứ hễ mở miệng là lại khen thằng bé nhà tôi ngoan, sau này nhất định sẽ có tiền đồ, tôi cứ ở nhà mà chờ hưởng phúc…
Lần đó mọi người lại nói đến chuyện này, chị Quế Hoa vừa về Trần Gia Trang thăm mẹ đẻ cười nói: “Đúng là lạ thật đấy, Tuệ Tuệ bây giờ nào có giống cô của Minh Viễn, trông vẫn chẳng khác gì hồi mới đến Trần Gia Trang chúng ta, hình như không thay đổi chút nào hết, có nói là chị của Minh Viễn chắc mọi người cũng tin.”
Mọi người nghe vậy thì đều đồng loạt gật đầu, không ngừng cảm thán tôi đúng là con gái thành phố có khác, đã sáu, bảy năm trôi qua rồi, nhưng bộ dạng vẫn không hề thay đổi. Còn có người nói đùa rằng tôi rốt cuộc đã ăn cái gì, nhất quyết bắt tôi phải nói ra mới thôi.
Trái tim tôi đập thình thình không ngớt, tuy trên mặt vẫn phải cố nặn ra nụ cười, nhưng trong lòng lại hết sức bất an.
Bây giờ tôi nói với bên ngoài là mình hai mươi chín tuổi, phụ nữ trước ba mươi tuổi còn có thể nói là biết cách giữ gìn, nhưng thêm bảy năm nữa, tôi còn có thể dùng cái cớ như vậy nữa hay không? Một người phụ nữ gần bốn mươi tuổi mà có vẻ ngoài như chỉ mới hai mươi, suốt bao năm không hề thay đổi chút nào, khi đó tạm chưa nói đến việc người ngoài bàn tán, chắc ngay cả bản thân tôi cũng không dám ra ngoài. Thế là, sau bao nhiêu năm, tôi có suy nghĩ phải rời khỏi Trần Gia Trang.
uốt buổi chiều hôm đó, tâm trạng của tôi đều rất tệ, Minh Viễn vừa về nhà là phát hiện ra ngay. Nó chủ động vào bếp làm cơm, đợi khi tôi phát hiện ra thì cơm và thức ăn đều đã được nấu xong rồi. Con trai đúng là kì lạ, hoặc là hoàn toàn không biết làm cơm, hoặc là nấu cơm rất ngon, Minh Viễn rõ ràng thuộc loại thứ hai, bất kể là tôi làm gì, nó chỉ cần nhìn qua là có thể làm được. Nhiều lúc nhà có khách, nó còn xung phong vào bếp giúp tôi, và tất nhiên là được mọi người khen ngợi rất nhiều.
Vì vậy, tuy mọi người trong thôn vẫn thường xuyên khen nó, nhưng tôi cảm thấy nó đã hoàn toàn không còn nét đáng yêu hồi nhỏ nữa rồi. Bây giờ nó rõ ràng là một ông cụ non lắm điều, đã thế còn thích lo chuyện không đâu… Tất nhiên, tôi không dám nói những lời như vậy trước mặt nó.
Lúc ăn cơm tối, tôi nhắc đến chuyện muốn rời khỏi nơi này với Minh Viễn, thằng bé đột ngột ngẩng đầu lên nhìn tôi, trong mắt tràn đầy vẻ nghi hoặc: “Sao tự nhiên lại phải đi ạ, ở đây không phải là rất tốt sao? Trên xã cũng có trường trung học mà, không phải anh Đại Hà cũng đi học ở trường trung học trên xã hay sao?”
Tất nhiên tôi không thể nói với nó là tôi sợ bị người khác coi là quái vật, tuy rằng sau này nó cũng sẽ dần phát hiện ra điều này, nên đành lấy lý do mà tôi đã chuẩn bị sẵn từ trước, thực ra cũng không có gì ngoài: trình độ giáo viên trên xã không đủ tốt, giai đoạn trung học quan trọng vô cùng… Minh Viễn cau mày nhìn tôi, một lát sau, hình như nó đã chợt nghĩ ra điều gì đó, khẽ gật đầu, rồi lại tiếp tục vùi đầu vào ăn cơm. “Chuyện gì cháu cũng nghe cô hết.” Nó trả lời tôi như vậy.
Việc này thuận lợi đến mức nằm ngoài dự đoán của tôi… Tôi còn một đống lý do khác chưa kịp nói ra cơ đấy.
Ngẫm nghĩ kỹ lại, cho dù chúng tôi thật sự trốn đến thành phố H, cũng không thể vĩnh viễn không gặp Lưu Giang được. Tuy bây giờ tôi đã không còn quản lý chuyện ở công ty nữa, nhưng mỗi tháng Lưu Giang vẫn quay về “báo cáo” tình hình với tôi. Hiện giờ cậu ta đã là Tổng giám đốc của Công ty trách nhiệm hữu hạn Trần Gia Trang, còn tôi coi như là một trong số những người đầu tư. Thực ra cậu ta hoàn toàn có thể mặc kệ tôi mà làm một mình, nhưng cậu ta lại không làm như vậy. Có lúc tôi cảm thấy hình như cậu ta có tình cảm đăc biệt với mình, nhưng trước giờ cậu ta đều không nói, nên tôi cũng ư không biết.
Cuối cùng thì tôi vẫn chọn thành phố S.
Trẻ con nông thôn muốn lên thành phố đi học không phải chuyện dễ dàng, chỉ riêng việc tìm trường đã là một vấn đề khó khăn. Lưu Giang nghe ngóng được, trường trung học Số một trên tỉnh mỗi năm đều có đợt thi tuyển chọn học sinh ưu tú trên phạm vi toàn tỉnh, nhưng phải vượt qua được kỳ thi sát hạch, cạnh tranh khốc kiệt vô cùng. Mỗi năm có tới mấy trăm thí sinh ứng tuyển, mà cuối cùng chỉ tuyển có ba mươi người.
Ngoài cách này ra, tôi cũng không có cách nào khác. Lưu Giang thực ra cũng có tìm người giúp đỡ, nhưng tôi không muốn chuyện gì cũng làm phiền đến cậu ta, cuối cùng vẫn quyết định để Minh Viễn dự thi vào trường trung học Số một.
Thành tích của Minh Viễn tuy luôn dẫn đầu lớp, nhưng Trần Gia Trang chúng tôi có bao nhiêu người chứ, những thứ được học đều nằm trong sách giáo khoa. May mà mấy năm nay tôi đã dạy thêm cho nó không ít, tiểu thuyết trường thiên cũng cho nó đọc rất nhiều, bây gờ nó còn biết tiếng anh cơ bản nữa, tôi cảm thấy, nó hoàn toàn có năng lực để cạnh tranh với đám trẻ con thành phố.
Khi nói chuyện này với Tiểu Minh Viễn, tôi sợ nó sẽ có áp lực, nên an ủi: “Không sao đâu, chúng ta cũng chỉ thi thử xem sao thôi, thi không đỗ thì tính tiếp, cũng chẳng có gì ghê gớm cả, cứ coi như là đi chơi ấy mà.”
Minh Viễn kinh ngạc nhìn tôi, rồi tỏ ra rất khó hiểu: “Cô ơi, tại sao không phải là cháu cần cố gắng thi cho tốt chứ?”
“Hả?”
“Cô không hi vọng cháu thi đỗ sao?”
Sao lại như vậy được? Chẳng qua tôi lo nó bị áp lực thôi. Trong mấy cuốn hướng dẫn giáo dục trẻ con không phải đều nói là cần giảm bớt áp lực cho chúng nó sao, thằng bé nhà tôi vẫn còn nhỏ như vậy, nhỡ tâm lý có vấn đề thì biết làm thế nào. Nhưng nhìn phản ứng của thằng bé, hình như nó chẳng có suy nghĩ gì điều này, hơn nữa… nó thấy áp lực còn chưa đủ thì phải.
“Vậy thì cố gắng thi cho tốt nhé!” Tôi vừa nói vừa thản nhiên đưa tay ra xoa đầu Minh Viễn.
Thằng bé hơi cau mày: “Cô đừng suốt ngày xoa đầu cháu như vậy, cháu không còn là trẻ con nữa rồi.” Tuy ngoài miệng thì nói như vậy, nhưng nó vẫn không né tránh, mà cam chịu số phận để mặc cho tôi giày vò.
Cuối tháng Sáu, Minh Viễn tốt nghiệp tiểu học, Lưu Giang bắt đầu tìm nhà ở thành phố S giúp chúng tôi.
Mấy năm nay, mỗi năm tôi đều được công ty chia lợi nhuận, ở nông thôn không phải chi tiêu gì mấy, nên tôi cũng đã tích lũy được không ít tiền. Bây giờ giá nhà đất vẫn còn chưa đắt, mua một căn nhà nhỏ có lẽ không thành vấn đề.
Trung tuần tháng Bảy, cũng chính là thời điểm nóng nhất trong năm, tôi dẫn Minh Viễn lên tỉnh tham gia cuộc thi tuyển chọn vào trường Trung học Số một.
Tuy bây giờ mới là năm 1988, nhưng cảnh xô bồ khi các bậc cha mẹ chọn trường cho con cái đã bắt đầu hiện ra rồi. Cổng trường chen chúc toàn người là người, gia đình nào có điều kiện khá một chút thì cha mẹ dùng xe đạp chở con cái đến, phần lớn còn lại thì đều đi bộ. Khi đến cổng trường, tôi bị bảo vệ chặn lại, đành đứng đó tha thiết dặn dò Minh Viễn lần cuối cùng.
Thằng bé nhà tôi khá bình tĩnh, không hề có vẻ căng thẳng khi phải tham gia một cuộc thi quan trọng thế này, thản nhiên liếc nhìn các thí sinh xung quanh, trông nó giống như giám khảo của kỳ thi này vậy.