Tiêu đề nghĩa là vùng đất có Âm Dương cân bằng
Ngoài lương khô và nước uống Mạc Vấn còn mang theo một cái cuốc chim và hai túi vải để đựng dược thảo, phòng thân vẫn là thanh chủy thủ (dao găm) kia.
Vừa mới vào núi là có thể thấy được đường đi, những con đường mòn này là do thợ săn và tiều phu vào núi đốn củi dẫm đạp tạo thành. Phương nam khí hậu ẩm ướt, lá cây luôn luôn xanh tốt, thảo mộc dồi dào. Lúc đi Mạc Vấn hết sức chú ý, phát hiện trong rừng ít có các loại côn trùng mới có chút yên tâm. Sở dĩ hắn nóng lòng vào núi là vì muốn tranh thủ trước khi loài rắn ra khỏi hang để tìm kiếm các loại linh vật. Nếu như để qua kinh trập(*) mà một mình đi vào trong núi sâu rừng rậm là cực kỳ nguy hiểm.
(*) Kinh trập: là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Ngày bắt đầu tiết Kinh trập thường diễn ra vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 3 dương lịch, khi Mặt Trời ở xích kinh 345° (kinh độ Mặt Trời bằng 345°). Ý nghĩa của tiết khí này đối với vùng Trung Hoa cổ đại là ngày sâu nở, cũng là lúc loài rắn ngủ đông xong rời hang ổ.
Ngọc Linh Lung từng truyền thụ cho bảy vị Thượng Thanh chuẩn đồ cách để nhận ra các loại dược thảo. Trong lúc đi ngẫu nhiên có thể thấy các loại dược liệu, nhưng chỉ là dược thảo thông thường nên Mạc Vấn cũng không đào lấy. Lần này vào núi hắn muốn tìm kiếm những linh vật sinh trưởng lâu năm, dược thảo thông thường không thể luyện được đan dược.
Tu đạo ngoài thành tâm và chăm chỉ ra còn cần có trí tuệ, trải qua việc Hiên Viên chân nhân chỉ kém có ba ngày mà không thể phi thăng đã lưu lại cho Mạc Vấn một ấn tượng sâu đậm. Đời người ngắn ngủi, tu đạo gian khổ, nhất định phải quý trọng thời gian. Trình tự và thứ tự tu hành không thể sai lầm, luyện đan cần phải đặt lên trước, bởi vì sau khi ăn linh đan cần hao tổn rất nhiều thời gian tiến hành luyện hóa mới có thể biến thành linh khí của bản thân. Trong khoảng thời gian luyện hóa này có thể nghiền ngẫm phù chú, diễn luyện pháp thuật, như vậy tiết kiệm được rất nhiều thời gian, khiến việc tu luyện trở nên làm chơi mà ăn thật(*).
(*): Nguyên văn là “sự bán công bội”: Mang nghĩa làm ít nhưng kết quả đạt được lại gấp bội.
Mạc Vấn là người phương Bắc, trước nay chưa bao giờ tới phương Nam, một mình đi vào trong núi hiển nhiên cực kỳ thận trọng. Sau khi đi được mười mấy dặm, hắn phát hiện ra một con báo đốm. Đột ngột nhìn thấy thú dữ làm cho hắn rất kinh hãi, không chần chừ nhảy lên cây đại thụ bên cạnh. Ngược lại con báo đốm kia cũng bị hắn dọa giật mình, quay người chui vào bụi cỏ biến mất không thấy đâu nữa.
Chốc lát sau Mạc Vấn bình tĩnh lại, từ trên cây nhảy xuống, lại tiếp tục đi. Lúc này trong núi đã mất đường đi, Mạc Vấn chỉ có thể gạt cỏ đi về phía trước. Đi được vài dặm hắn lại trông thấy trên tảng đá trước mặt có một con mãng xà rất to, lúc mãng xà phơi nắng cũng không uốn quanh mà duỗi thẳng thân thể hứng lấy ánh nắng. Con mãng xà này chiều dài chừng một trượng, to như cái bát, màu xanh đen. Khi hắn còn cách con mãng xà kia mười mấy bước thì nhặt lên một cục đá ném vào người nó, con mãng xà hoảng sợ chậm rãi bò đi.
Mạc Vấn thấy thể trong lòng vội tính toán, mặc dù phương nam cũng không tuân theo tiết khí, chưa đến kinh trập đã có xà trùng ra ngoài, nhưng lúc này thì xà trùng cũng chưa phục hồi sức lực, không đủ để đe doạ.