Giang Mỹ Linh cố ý hỏi :
– Nam Cung lão sư là bật trưởng bối, đệ tử đâu dám mạo phạm?
Nam Cung Ất ngửa mặt lên lạnh lùng nói :
– Học nghiệp không có trước sau, ai đạt thì người đó làm thây. Giang huynh đã thành tựu đến trình độ cao thâm, bất tất phải khách sáo. Lão phu đã thiết tha với võ công, dù có lỡ bị thương cũng không trách Giang huynh. Vậy Giang huynh không cần suy nghĩ, cứ việc thi triển những tuyệt chiêu.
Quan quân trong trường diễn võ vội nhường cho hai người đi vào.
Ai cũng nghĩ bụng :
– “Thằng lỏi này khá ngông cuồng, ăn nói khoác lác mà không biết tự thẹn, dám ngang nhiên đòi tỷ võ với Nam Cung Ất. Chính sư phụ gã còn chưa phải là đối thủ của lão thì gã tỷ đấu với lão khác nào trứng chọi với đá”.
Kể ra Giang Mỹ Linh đấu với Nam Cung Ất là kẻ dưới chống với người trên, kẻ yếu đấu với người mạnh phải nên cẩn thận mà hành động, hay ít ra là thế đứng phải cho kín môn hộ, song nàng lại hững hờ như không, cười nói :
– Tuy gia sư đã chỉ điểm cho vãn bối những yếu quyết, song y rằng vãn bối chưa khéo vận dụng. Nếu có chỗ nào kém cỏi mong Nam Cung lão tiền bối cùng các vị chỉ giáo cho.
Nam Cung Ất hắng giọng một tiếng rồi hỏi :
– Chiêu đầu của lệnh sư là “Thanh Thủ thức” trong Hắc Hổ quyền. Giang huynh không tiến chiêu đi chẳng lẽ để cho lão phu động thủ trước chăng?
Nên biết theo quy củ võ lâm thì khi hai bên đấu võ bao giờ bậc trưởng bối cũng nhường cho kẻ vãn bối ra chiêu trước.
Nam Cung Ất còn có ý nói: “Đến sư phụ ngươi ngày trước đối với ta còn giữ phận vãn bối mà sao ngươi dám vô lễ thế”?
Nguyên lão thấy Giang Mỹ Linh cũng đủng đỉnh chưa ra tay mới nói câu này.
Giang Mỹ Linh cười đáp :
– Chiêu thứ nhất là “Khởi thủ thức” thông thường. Vãn bối bất tất phải canh cải.
Tay trái nàng nắm lại thành quyền, tựa hồ vái chào mà không phải vái chào.
Khi nàng tới gần trước Nam Cung Ất, người nàng nhoai ra như kẻ mỏi lưng.
Mấy câu nói của Giang Mỹ Linh càng tỏ ra nàng chẳng cam tâm là kẻ vãn bối thủ lễ tương kiến.
Nam Cung Ất tức giận vô cùng. Lão nghĩ bụng :
– “Gã bảo chiêu đầu là “Khởi thủ thức thông thường”. Vậy ngay chiêu đầu ta làm cho gã phải bẽ mặt”.
Lão liền nhảy xổ lại xòe mười đầu ngón tay như lưỡi câu chụp tới.
Đó là chiêu “Kính Đức Đoạt Tiên” trong ba mươi sáu chiêu “Đại Cầm Nã thủ” cực kỳ lợi hại.
Giang Mỹ Linh đang nhoai người ra hai tay vừa đưa lên thì thấy đối phương ra chiêu Cầm Nã thủ chụp xuống mình. Nếu hai tay không bị bẻ gãy cũng bị trẹo đi.
Công lực Nam Cung Ất không phải tầm thường. Cầm Nã thủ của lão lại càng ghê gớm. thủ cước vung tới đâu kình phong rít lên tới đó.
Giang Mỹ Linh cũng hơi chột dã nghĩ thầm :
– “Quả nhiên bản lãnh lão này cũng gớm lắm! Ta không nên khinh địch”.
Đầu ngón tay của Nam Cung Ất toan chụp xuống cổ tay Giang Mỹ Linh thì đột nhiên nàng thi triển “Thiên La bộ”, một bộ pháp rất thần kỳ.
Người nàng xiêu đi một chút vừa tránh khỏi chiêu Cầm Nã thủ của đối phương cho khe không đầy sợi tóc. Tay nàng lại thuận thế biến thành quy quyền nhằm đập vào khuỷu tay Nam Cung Ất.
Nam Cung Ất cả kinh vội rụt tay về. Bỗng nghe đánh chát một tiếng.
Quyền chưởng giao nhau, hai bên đều lùi lại ba bước.
Giả tỷ Nam Cung Ất không rụt tay về lẹ thì cánh tay lão tất bị Giang Mỹ Linh đánh gãy.
Nam Cung Ất hừ một tiếng rồi hỏi :
– Đó là lối quyền gì của Giang huynh?
Giang Mỹ Linh liệng người đi một cái.
Bỗng nghe véo véo véo! Nàng vừa đánh luôn ba quyền vừa độc :
– “Hắc Hổ Phi Gián”! “Hắc Hổ Đăng Sơn”! “Hắc Hổ Đoạt Thực”!
Nàng chờ cho Nam Cung Ất gỡ xong ba chiêu rồi liền nói tiếp :
– Ba chiêu này đều do chiêu “Hắc Hổ Xuất Động” biến hóa ra. Chắc vãn bối sử không đúng chăng?
Ba chiêu này đều trong Hắc Hổ quyền và là những chiêu thức thông thường.
Dĩ nhiên Nam Cung Ất biết rồi. Nhưng lão không nhận ra Giang Mỹ Linh đầu tiên thủ chiêu gì?
Lão nghĩ bụng :
– “Hoặc giả đây là một bí chiêu trong Hắc Hổ quyền mà ngày trước Vạn Y Thường chưa thi triển lúc lão đấu với ta. Theo những tên thằng lỏi này vừa kể ra thì sau khi Hắc Hổ Xuất Động rồi nó vượt khe, lên núi và tìm ăn kể cũng hợp lý”.
Chớp mắt hai người đã đấu ngoài hai chục chiêu.
Nam Cung Ất ngấm ngầm nóng ruột, bụng bảo dạ :
– “Quyền pháp thằng lỏi này chưa có gì là thuần thục cho lắm, nhưng công lực gã lại ghê gớm hơn cả sư phụ đang hồi trai tráng là nghĩa làm sao?”
Nguyên Giang Mỹ Linh học môn Hắc Hổ quyền này ở Lăng Trung Ngọc.
Lăng Trung Ngọc trước kia đã có phen tỷ đấu với Vạn Y Thường. Đến chiêu thứ hai mươi ba thì chàng đả bại lão.
Lăng Trung Ngọc thông hiểu hai mươi ba chiêu Hắc Hổ quyền, vì chàng luyện tập có căn bản còn Giang Mỹ Linh có thông minh đến đâu cũng không thể trong thời gian mấy ngày ngắn ngủi mà học được thành thuộc. Vả chiêu đầu của nàng vốn không phải Hắc Hổ quyền.
Đại Cầm Nã thủ của Nam Cung Ất cực kỳ lợi hại. Giang Mỹ Linh sử đến chiêu thứ hai mươi ba hai mà vẫn chưa thủ thắng. Nàng nóng ruột la lên :
– Coi chừng! Đây là chiêu “Hắc Hổ Thâu Tâm”.
Nàng đánh một quyền xuống trước ngực Nam Cung Ất.
Nam Cung Ất ra chiêu “Phúc Vũ Phiên Vân”, vẫn là thủ pháp mà ngày trước lão đã đối phó với Vạn Y Thường. Lão dùng “Âm thủ Dương chưởng” để kềm chế tay Giang Mỹ Linh.
Giang Mỹ Linh không chờ cho song chưởng của lão giáng xuống đã biến chưởng thành quyền xông vào.
Binh một tiếng. Nàng đã đánh trúng vào trước ngực Nam Cung Ất.
Nam Cung Ất lảo đảo người đi lùi lại mấy bước, lâu lắm mới đứng lại được.
Giang Mỹ Linh cười nói :
– Gia sư đã bảo muốn phá “Âm thủ Dương chưởng” của Nam Cung tiền bối thì phải dùng đến chiêu “Thanh Thủ thức” mới xong. Quả nhiên đúng thật. Nam Cung lão sư! Lão có bị thương không?
Bọn quan quân thấy Nam Cung Ất bị đả bại ai nấy đều không khỏi kinh hãi.
Có ai ngờ Giang Mỹ Linh bề ngòa tuy dùng thủ thức về Hắc Hổ quyền mà thực ra nàng đã phát huy công lực theo bí lục của Võ Hạo Thiên.
Nàng lại dùng Thiên La bộ pháp lạng người đi. Trong Hắc Hổ quyền có giấu Thiên Tinh chưởng lực đẩy nội kình của Nam Cung Ất lên mới đả bại được lão.
Nam Cung Ất tuy có chút hoài nghi, nhưng đối phương rõ ràng đã sử dụng Hắc Hổ quyền đánh bại lão chẳng thể nào chối cãi vào đâu được.
Nam Cung Ất vừa hổ thẹn vừa tức giận lớn tiếng nói :
– Giỏi lắm! Bản lãnh Giang huynh cao cường hơn cả sư phụ. Tư Không đại nhân! Đại nhân đã có người anh hùng thiếu niên này thì còn dùng đến lão hủ này làm chi nữa.
Lập tức lão chạy ra cổng lớn đi ngay.
Tư Không Hóa muốn lưu lại, chắc lão cũng không chịu.
Tư Không Hóa chưa từng tỷ thí với Vạn Y Thường, hắn nghĩ bụng :
– “Gã thiếu niên này đã sử Hắc Hổ quyền pháp thì chắc không phải là gã mạo xưng đệ tử của Vạn Y Thường”.
– Thế mới biết việc luyện võ công một phần do sự chuyên cần, còn một phần do tư chất của con người được trời ban cho. Đệ tử giỏi hơn sư phụ cũng là chuyện thường.
– Vả lại Vạn Y Thường không nổi tiếng lừng lẫy võ lâm thì thằng nhỏ này bản lãnh cao cường như thế, gã có giả mạo thì giả mạo làm đồ đệ người khác, hà tất phải giả mạo làm đồ đệ Vạn Y Thường?
Lúc này Tư Không Hóa đối với Lăng Trung Ngọc cũng có chỗ hoài nghi, vì vừa rồi hắn phát huy đến chính thành công lực mà không phát giác ra được công lực của chàng sâu nông thế nào, nên hắn không dám thử nữa.
Hắn ngẫm nghĩ một chút rồi kêu một quan quân ngự lâm tới, giới thiệu :
– Vị quan quân này là Hô Diên Phúc, một tay cao thủ vào hạng khá trong Ngự lâm quân. Gã luyện nội gia công phu đã đến trình độ tối cao. Chưởng lực của gã có thể đập vỡ đá tan bia.
Tư Không Hóa lại hỏi Hô Diên Phúc :
– Nghe nói ngươi đã đến Liễu gia trang để bái kiến Liễu trang chúa, tất bọn ngươi nhận biết hai vị này?
Hô Diên Phúc ngó Lăng Trung Ngọc. Chàng cười nói :
– Hô Diên tướng quân! Có phải tướng quân cùng lệnh sư là Ma Đồ Cương người ở Ký Bắc cùng tới ra mắt gia sư không?
Chàng nói tiếp :
– Tại hạ nhập môn chưa lâu nên hồi đó chưa lên được địa vị tiếp khách, chỉ đứng hầu ở dưới thềm. Tại hạ nhận được Hô Diên tướng quân mà e rằng Hô Diên tướng quân không nhận ra tại hạ.
Nguyên chàng biết rất nhiều chuyện võ lâm, nên vừa nghe đến tên Hô Diên Phúc liền biết ngay lai lịch cùng sư môn của gã.
Đồ Cương cùng Liễu Tam Xuân ngang tuổi nhau, giao tình rất hậu, Lăng Trung Ngọc nghe Tư Không Hóa nói đến hai chữ “bái kiến” liền đoán Hô Diên Phúc nhất định ngang hàng với sư phụ mình, và nhất định hắn chưa thử võ công Liễu Tam Xuân.
Chàng đoán vậy quả nhiên trúng thật.
Hô Diên Phúc rất ưa nịnh nọt, liền đáp :
– Đúng thế! Tại hạ nhớ ra rồi. Có phải gã đệ tử thiếu niên bưng trà bữa đó là công tử không? Ha ha! Thoáng cái đã mười năm. Bây giờ công tử cao lớn quá rồi nhỉ?
Lăng Trung Ngọc cười thầm nói :
– Tướng quân nhớ dai thật. Sư phụ tại hạ tán dương võ công của tướng quân lắm!
Hô Diên Phúc hỏi :
– Thế ư? Mới đây ta đã luyện được môn Thiết chưởng toái thạch. Đáng tiếc là gia số không giống nhau, nên không được lão nhân gia chỉ điểm cho.
Lăng Trung Ngọc nói :
– Gia sư bảo môn Kim Cương chưởng của Đồ gia là một chưởng lực cưỡng mãnh nhất thiên hạ. Gia sư còn nói: “Về ngoại gia công phu hiện nay thì hai thầy trò tướng quân là những nhân vật đáng kể. Dù người có nội gia khá nhất cũng còn kém mấy phần”.
Hô Diên Phúc nét vui sướng lộ ra ngoài mặt, nói xen vào :
– Công tử quá khen rồi!
Lăng Trung Ngọc lại nói tiếp :
– Gia sư còn nói chỉ có Miên chưởng của bọn ta họa may mới kiềm chế được Kim Cương chưởng lực của Đồ gia.
Hô Diên Phúc đột nhiên biến sắc hỏi :
– Công lực Miên chưởng của lệnh sư chắc đã truyền cho công tử?
Lăng Trung Ngọc nói :
– Cái đó tại hạ không dám nói. Đáng tiếc là gia số hai nhà khác nhau. Nếu không thế thì tại hạ muốn xin Hô Diên tướng quân chỉ giáo cho.
Chàng ngừng lại một chút rồi tiếp :
– Gia sư thường nói: “Nhu lăng chế cương. Ai mà luyện đến chỗ tuyệt diệu thì ngoại gia công phu kém hơn một chút”. Đến nay tại hạ chưa gặp được tay cao thủ ngoại gia vào hạng đệ nhất, nên không biết cái đó là chân hay giả?
Hô Diên Phúc thở hồng hộc nói :
– Lâm huynh đã đến giúp sức Tư Không đại nhân thì chúng ta là bạn đồng liêu. Giữa bạn đồng liêu không cần câu nệ những quy củ thông thường trong võ lâm. Chúng ta cứ thử chơi có hề chi?
Tư Không Hóa đang muốn hai người tỷ thí để hắn đứng ngoài xem công lực của Lăng Trung Ngọc đã đến trình độ nào.
Lăng Trung Ngọc vẫn cố ý khước từ.
Tư Không Hóa liền lên tiếng :
– Hô Diên tướng quân nói phải đó! Rồi đây các vị sẽ đều ra ngoài đối phó với địch nhân. Vậy người cùng nhà mà gia số bất đồng nên tập dượt trước đi để chuẩn bị đối địch. Thế cũng là hay!
Tư Không Hóa lại nói tiếp :
– Chỗ đồng liêu tỷ thí võ nghệ khác với ngoài giang hồ. Ai thắng ai bại đều không nên nhận đó là chuyện thực.
Vừa rồi hắn thấy Nam Cung Ất tức mình bỏ đi, tuy hắn biết Hô Diên Phúc tính tình thẳng thắn mau lẹ mà lại là thuộc hạ của mình thì dù có bị thua cũng không đến nỗi bỏ đi như Nam Cung Ất, nhưng hắn cũng đoán trước rào sau.
Lăng Trung Ngọc nói :
– Đúng thế! Gia số chúng ta không giống nhau thì bất tất ấn định giá trị bằng chiêu thức.
Hô Diên Phúc hỏi :
– Bây giờ nên tỷ thí bằng cách nào?
Lăng Trung Ngọc đáp :
– Tướng quân biết nhiều hiểu rộng mà tại hạ vừa mới đến khi nào dám tiếm việc. Vậy để tùy tướng quân vạch đường lối tỷ thí, tại hạ xin bồi tiếp là xong.
Hô Diên Phúc nghe chàng nói mấy câu ngon ngọt nộ khí lại giảm bớt rất nhiều. Hắn vội hỏi :
– Không dám, không dám! Chúng ta hãy chơi trò “mượn ba trả năm” được không? Tại hạ nhường công tử đánh ba quyền trước rồi công tử lại nhường tại hạ đánh năm quyền.
Hắn ỷ mình ngoại gia công phu rất cao thâm, chắc Lăng Trung Ngọc không đả thương được. Lúc đến lượt hắn, hắn sẽ đánh luôn năm chưởng lo gì Lăng Trung Ngọc chẳng van xin. Ngoài mặt hắn ra vẻ nhường cho người mà thực ra hắn muốn chiếm phần tiện nghi.
Lăng Trung Ngọc nói :
– Cách này hay lắm, nhưng tại hạ muốn lộn ngược lại đề nghị, không phải “mượn ba trả năm” mà là “mượn năm trả ba”. Hô Diên tướng quân đánh trước tại hạ năm quyền rồi tại hạ kính hoàn ba quyền. Tại hạ tự nguyện buôn lỗ vốn.
Hô Diên Phúc lẩm bẩm :
– Chà! Thằng lỏi này coi thường Kim Cương chưởng lực của ta thì rồi ngươi tự rước lấy cái đau khổ, đừng có trách ta.
Hắn liền cười đáp :
– Lâm huynh nghệ cao mật lớn, đã tự nguyện thua lỗ chẳng lẽ tại hạ lại khước từ thì ra coi thường Lâm huynh quá.
Lăng Trung Ngọc nói :
– Đúng thế! Tại hạ cũng muốn nói câu đó!
Chàng vừa nói vừa lấy gót chân trái làm trục, xoay bàn chân thành cái vòng tròn. Chàng đứng vào trong vòng rồi nói :
– Mời tướng quân phát chiêu!
Hô Diên Phúc hỏi :
– Lăng huynh làm thế là có ý gì?
Lăng Trung Ngọc đáp :
– Kim Cương chưởng lực của Hô Diên tướng quân sở trường về đường cương mãnh. Hễ đánh bật được tại hạ ra khỏi vòng này tức là thắng rồi đó.
Cái vòng chỉ lón hơn miệng bát một chút, vừa lọt cho hai bàn chân chàng đứng vào.
Hô Diên Phúc lửa giận bừng bừng hô :
– Nào! Kim Cương chưởng pháp đây! Công tử phóng Miên chưởng ra mà hóa giải.
Theo cách mượn ba trả năm thì trên thực tế chỉ kể những chiêu tấn công những chiêu phản kích mà thôi. Trong cuộc tỷ đấu có thể dùng quyền hay dùng chưởng tùy ý, chỉ bắt buộc không được ra chiêu chống đỡ.
Đằng này Hô Diên Phúc để cho Lăng Trung Ngọc dùng Miên chưởng hóa giải kể ra cũng là có chút lương tâm, không muốn chiếm phần tiện nghi thái quá.
Hô Diên Phúc vung song chưởng đánh ra, chưởng lực ghê gớm khác nào lay non dốc biển.
Bỗng nghe đánh cách một tiếng, tưởng chừng như có người bị chặt gãy lưng.
Mọi người giật mình kinh hãi. Khi nhìn rõ lại thì không phải người mà là một khúc gỗ.
Nguyên Lăng Trung Ngọc khẽ phất tay áo một cái. Hô Diên Phúc thu thế về không kịp, song chưởng của hắn đánh vào một cái cọc gỗ bách trong diễn võ trường khiến cho cây cọc cứng rắn đó gãy làm hai đoạn.
Hô Diên Phúc cả giận, hắn đứng vững lại rồi xoay chưởng nhanh như gió đánh véo sau lưng Lăng Trung Ngọc.
Lăng Trung Ngọc khẽ khom lưng xuống. Hô Diên Phúc lại bị chàng dùng cách tá lực đả lực hất ngược lại.
Chát! Song chưởng của Hô Diên Phúc vượt qua đỉnh đầu chàng đánh trúng vào cái trống đá. Cái trống này liền vỡ thành bốn mảnh.
Tư Không Hóa lắc đầu, toan kêu Hô Diên Phúc dừng tay.
Hô Diên Phúc tay đánh vỡ trống đá, cổ tay bị chấn động cực kỳ đau đớn.
Hắn vừa kinh hãi vừa tức giận gầm lên một tiếng như tiếng trâu rừng nhảy xổ tới Lăng Trung Ngọc. Song chưởng đẩy mạnh ra. Chiêu này hắn vận hết sức bình sinh để công kích.
Lại một tiếng “binh” vang dội!
Hô Diên Phúc đã đánh trúng vào lưng Lăng Trung Ngọc.
Áo ngoài Lăng Trung Ngọc bị rách mấy miếng. Người chàng khẽ xiêu đi.
Nhưng hai chân vẫn đứng nguyên trong vòng, không xê xích nửa bước.
Hô Diên Phúc hai tay rủ xuống, đứng trơ như tượng gỗ.
Nguyên hắn đã bị Lăng Trung Ngọc dùng nội công tối thượng hấp hết chưởng lực, bây giờ không sử kình được nữa.
Lăng Trung Ngọc hỏi :
– Hô Diên tướng quân còn hai quyền có đánh nữa không?
Hô Diên Phúc đáp :
– Tại hạ nhận thua rồi. Công tử đánh chết tại hạ đi. Chính tại hạ không muốn sống nữa.
Hắn bị mất hết kình lực tưởng là mình đã bị đối phương phế bỏ võ công rồi.
Giả tỷ Lăng Trung Ngọc y ước phản kích thì dĩ nhiên hắn đành bó tay chờ chết. Nhưng hắn cũng là một hán tử cương cường, bị mất võ công rồi thì tự nguyện chịu chết chứ không năn nỉ xin tha.
Lăng Trung Ngọc mỉm cười nắm tay hắn nói :
– Hô Diên tướng quân lại quá khiêm tốn rồi. Nhiều lắm là chúng ta ở vào thế quân bình, sao lại nhận thua?
Hô Diên Phúc bỗng thấy một luồng nhiệt lực từ lòng bàn tay Lăng Trung Ngọc truyền vào. Lập tức tinh thần cùng khí lực được khôi phục lại. Bây giờ hắn mới biết võ công mình chưa bị phế bỏ.
Hô Diên Phúc nói :
– Dù có theo lời ước của công tử mượn năm trả ba, tại hạ cũng không muốn đón ba quyền của công tử nữa. Bậc đại trượng phu đã nói một lời là không thay đổi. Tại hạ có chết về bàn tay của công tử cũng không oán hận.
Lăng Trung Ngọc bụng bảo dạ :
– “Cha này kết bạn được đây”.
Chàng liền cười hỏi :
– Đúng thế! Nếu theo đúng lời ước hẹn vay năm trả ba, Hô Diên tướng quân mới đánh ba quyền còn lại hai nữa. Tướng công đã không đánh nữa thì tại hạ còn đánh làm chi! Tình thực mà nói Kim Cương chưởng lực của tướng quân thật hiếm thấy trong võ lâm. Nếu tướng quân đánh hai quyền nữa thì chưa chắc gì tại hạ đã chịu nổi. Chúng ta đã là bạn đồng liêu, tưởng không nên tỷ đấu cho đến lúc kẻ thắng người bại.
Hô Diên Phúc dĩ nhiên hiểu rõ Lăng Trung Ngọc muốn bảo toàn thể diện cho hắn. Nếu chàng thực tình coi hắn là kẻ địch thì vừa rồi chàng đã dùng nội lực phản chấn cho hắn bị trọng thương rồi.
Bây giờ trên thực tế tuy Hô Diên Phúc bị thua đau, song nội lực chưa mất, mà người ngoài chưa ai nhìn ra hắn bị bại. Dù hắn có rõ ràng ở vào thế hạ phong song không đến nỗi mất mặt.
Hô Diên Phúc trong lòng xiếc bao cảm kích. Đồng thời hắn cũng cực kỳ kinh dị, nghĩ thầm trong bụng :
– “Công phu Miên chưởng của Liễu Tam Xuân mình chưa thấy qua, chỉ nghe sư phụ nói là chưa đến trình độ bậc nhất, chẳng thể nào chống đỡ được Đại Lực Kim Cương mà sao đồ đệ của lão lại ghê gớm đến thế?”
Cuộc chiến này chẳng những Hô Diên Phúc khâm phục Lăng Trung Ngọc sát đất mà các quan quân Ngự lâm quân kể cả Tư Không Hóa cũng không khỏi kinh hãi.
Tư Không Hóa bụng bảo dạ :
– “Bản tâm ta muốn mời Liễu Tam Xuân và Vạn Y Thường lai kinh làm tai mắt mà nay bọn họ không tới, nhưng đã cho hai tên đồ đệ thì cũng giúp ta được một tay rất đắc lực. Thế là một việc bất ngờ, ta cũng chẳng cầu gì hơn nữa”.
Trải qua hai phen tỷ thí vừa rồi các quan quân đều coi Lăng Trung Ngọc và Giang Mỹ Linh bằng con mắt khác thường.
Tư Không Hóa cũng trọng đãi hai người, mời họ sung vào chức giáo đầu Ngự lâm quân.
Thấp thoáng bảy ngày trôi qua. Hôm ấy vào lúc hoàng hôn, Giang, Lăng hai người bỗng tiếp được thông tư của Tư Không Hóa mời cùng bọn chúng đi phó yến.
Cuộc hội yến này, ngoài Tư Không Hóa, Lăng Trung Ngọc, Giang Mỹ Linh còn mười tám vị quan quân. Hô Diên Phúc, Bạch Lương Ký và lão họ Hàn cũng có trong đó.
Bạch, Hàn hai lão sắc mặt vàng xạm, vẻ mặt lừ khừ.
Lăng Trung Ngọc từ ngày đến kinh rồi, đây là lần thứ nhất chàng gặp chúng.
Nghe người khác bàn chuyện, chàng biết bọn chúng về đây đã ba bữa. Chàng chắc chúng lâm vào trạng thái này là vì uống phải chung trà độc của Giang Mỹ Linh tối hôm đó nên nguyên khí bị tổn thương. Đến nay mới dần dần khôi phục.
Bạch Lương Ký và Hàn đại ca tuy mấy lần bị Lăng Trung Ngọc trêu cợt mà thủy chung vẫn không gặp mặt chàng, dĩ nhiên chúng không nhận ra chàng.
Hai người bị mấy phen cay đắng, nên vừa bẽn lẽn vừa tức giận. Dọc đường chúng hằn học nói :
– Chúng ta đã bắt được hai tên đệ tử phái Thiên Sơn. Giận thay cho Vương Trung Thuyên không đến tiếp ứng, chỉ còn hai ngày đường là về tới kinh không ngờ bị Chưởng môn của bọn chúng là Địch Long đến cứu đem đi mất!
Tư Không Hóa an ủi chúng nói :
– Nếu Địch Long đến thì dù chính bản tọa cũng đành giương mắt ra mà chịu để hắn cướp người đem đi. Các vị trốn thoát được lưỡi kiếm của hắn đã là may lắm rồi. Lần này các vị tỏ ra hết sức hết lòng, ta không nên lấy thành bại luận anh hùng. Trên sổ công lao, bản tọa sẽ ghi tên các vị.
Lăng Trung Ngọc cười thầm nghĩ bụng :
– “Bạch Lương Ký đem tội mình trút ráo lên đầu Địch Long mà hắn cũng tin ghi công cho kẻ lừa gạt”.
Thực ra Tư Không Hóa chưa chắc đã tin, nhưng vì hắn lịch duyệt thế thái rất sâu xa, không tiện nói toạc ra để lung lạc bộ hạ.
Lão họ Hàn nói :
– Chỗ bọn thuộc hạ thất bại không có chi đáng kể mà chỉ giận ở chỗ công lao mình để bọn Vương Trung Thuyên chiếm mất. Tối nay chúng ta lại mở tiệc mừng công của hắn thì thật là mất mặt cho bọn thuộc hạ.
Tư Không Hóa đáp :
– Đây là đức Hoàng thượng hạ chỉ cho Khấu tổng quản thiết yến mừng công cho hắn, hai vị không đi không được. Nếu không có mặt hai vị thì hắn không thể khoa trương công lao được.
Lăng Trung Ngọc nghe họ bàn chuyện nhau mới biết đêm nay Khấu Phương Cao, Tổng quản trong đại nội, thiết yến khánh công cho Vương Trung Thuyên.
Từ khi triều đinh phế bỏ Đông Tây xưởng, những võ sĩ trong triều thuộc về hai tập đoàn.
Một tập đoàn do Tổng quản Khấu Phương Cao thống lãnh giữ việc thị vệ trong cung.
Một tập đoàn do Thống lãnh Ngự lâm quân là Tư Không Hóa trông coi.
Nay lại thêm một hạng người như Vương Trung Thuyên thành ra ba tập đoàn.
Ba tập đoàn này tranh giành công lao mà mong được đức vua sủng ái.
Khấu Phương Cao đặc tiệc mừng công cho Vương Trung Thuyên cũng không phải là bản tâm hắn mà vì phải tuân lệnh đức Hoàng thượng.
Theo lời bàn tán của bọn họ, Lăng Trung Ngọc lại biết thêm Vương Trung Thuyên cố ý chần chờ để ngày hôm qua mới về tới kinh.
Lăng Trung Ngọc không khỏi hoài nghi tự hỏi :
– “Nếu sau cuộc đại hội Thanh Thành mà bọn chúng ra về ngay thì đáng lý chúng tới kinh trước mình mới phải, vậy trong mười ngày trời bọn chúng đi đâu?”