Người áo trắng chưa hạ chân xuống đất, đầu không quay lại, chỉ hất hai tay áo ra phía sau một cái mà đã có hai luồng gió hất mạnh gạt luôn kiếm thế của Linh Phi sang bên, và còn hất trở lại cả ba mũi Xà Vỹ Châm của Phong Vân Cái nữa. Phong Vân Cái giật mình kinh hãi, vội né tránh sang bên để tránh mũi tên đó, chỉ trong thoáng cái, người áo trắng đã nhảy xuống sông lớn rồi.
Phong Vân Cái với Linh Phi đuổi theo tới sườn núi, nhìn xuống đã thấy người áo trắng đang bơi thuyền như mũi tên rời khỏi chân núi. Hai người còn nghe thấy người áo trắng ngẩng mặt lên nói:
– Hai bạn kia, chúng ta sẽ có ngày tái ngộ, Lâu trưởng lão của quý bạn đã được mời làm khách, ta cam đoan không hề bị suy suyển chút nào, hai bạn hà tất phải nóng nảy làm gì! Nói xong, người đó liền lớn tiếng cười, tiếng cười của y làm rung chuyển một góc trời, rồi cả hai người chỉ thấy thuyền của người áo trắng càng đi càng xa, tiếng cười của y cũng nhỏ dần…
Phong Vân Cái tức giận, nghiến răng kêu kèn kẹt hiển nhiên y đã tức giận vô cùng, Linh Phi thì giậm chân lắc đầu nói:
– Chuyện đã như vậy lão sư khỏi cần phải tức giận làm chi. Có ngờ đâu Linh mỗ chỉ sai có một bước mà mọi việc đều bị hỏng hết.
Phong Vân Cái vội hỏi:
– Sao Linh lão sư lại biết Lâu trưởng lão ngộ hiểm như vậy? Linh Phi liền kể lại câu chuyện hồi nãy cho Phong Vân Cái nghe và nói tiếp:
– Lạc Dương đã đi cùng với Lâu trưởng lão, vậy tại sao không thấy Lâu trưởng lão lúc các sư chùa Cửu Long vây đánh Lạc Dương, tại sao chúng cứ muốn giết chết chàng ta như vậy. Chắc chắn là khi Trường Duyệt ám hại Lâu Ung đã bị Lạc Dương trông thấy, cho nên y mới muốn giết chết thiếu niên đó để bịt mồm bịt miệng, chỉ tiếc thay Linh mỗ nhất thời hồ đồ nên mới để cho Lạc Dương chết ở dưới sông như vậy…
Nói tới đó y bỗng ngẩn người giây lát rồi hỏi Phong Vân Cái rằng:
– Chẳng hay Lạc Dương ở đâu tới, Lâu trưởng lão có nói cho Miêu huynh nghe hay không? Phong Vân Cái lắc đầu đáp:
– Đệ cũng vừa mới được lệnh tới đây, nhưng theo Phụng đường chủ nói thì trưa ngày hôm nay Lạc Dương mới đi tới bờ sông chờ đò qua sông tình cờ gặp gỡ Lâu trưởng lão.
Linh Phi nghe nói ngẩn người ra giây lát và hỏi tiếp:
– Miêu lão sư mau mau quay trở về phi báo cho Tam trưởng lão và Bang chủ hay, để Bang chủ và Tam trưởng lão cho người theo điều tra xem bọn người của Giang hòa thượng đi đâu và gần đây có kết oán gì với quý môn không? Khi tìm ra manh mối gì mới nghĩ được cách cứu Lâu trưởng lão, Linh mỗ còn cần phải đi lại đây tìm Lạc Dương xem y sống chết ra sao? Lạc Dương là đồ đệ chưa được thụ nghệ, nếu y chết thật thì Linh mỗ rất có lỗi với Tạ huynh.
Phong Vân Cái liền trả lời:
– Được lắm, được lắm.
Thế rồi hai người cùng đi xuống chân núi, mỗi người chèo thuyền riêng của mình, Linh Phi đi xuống miền hạ, Phong Vân Cái thì đi lên miền bắc.
-oOo-
Chùa Kim Sơn tức chùa Giáng Thiên ngày xưa, nguyên là một thắng cảnh trứ danh ở miền Giang Nam. Chùa này xây ở giữa sông, cây cối um tùm, bao bọc xung quanh chùa. Ngôi chùa này không những rộng lớn mà ở nơi chính giữa lại có một cái tháp Từ Thọ cao chọc trời nữa.
Ngày hôm đó, đang lúc trời nhá nhem tối, trong tháp Từ Thọ bỗng có hai thiếu nữ thủng thẳng bước ra, thiếu nữ đi trước mặc quần áo trắng, lưng nhỏ như cành liễu, tay trắng như ngọc ngà, mình mẩy mảnh khảnh, tuy mặt phủ miếng khăn trắng, không ai trông thấy rõ mặt nàng, nhưng chỉ nhìn hình dáng cũng đủ thấy nàng là người rất xinh đẹp. Thiếu nữ đi theo sau là a hoàn mặc áo xanh, mặt và người cũng xinh đẹp lắm, riêng đôi mắt rất lạnh lùng và có sát khí.
Hai thiếu nữ đấy vừa đi vừa cười nói, khiến các du khách đều đứng lại nhìn và bình phẩm sắc đẹp của hai nàng.
Hai nàng mới đi được mấy trượng, đã có ba người xuất hiện ở phía sau. Người đi giữa ăn mặc lối công tử, tuổi chừng ba mươi, quần áo lịch sự, tay cầm cái quạt phe phẩy, phải nỗi bôi son thoa phấn, đầu xà mắt chuột, đầy vẻ dâm đãng, không xứng với bộ cách.
Hai đại hán lực lưỡng đi hai bên bảo vệ, lưng đeo khí giới mặt mũi rất hung ác. Chàng công tử dâm tà kia cứ trố mắt nhìn hai thiếu nữ nọ, rồi bỗng khẽ cười một tiếng và nói:
– Tả Vinh, thiếu gia này chưa hề thấy thiếu nữ xinh đẹp như con nhỏ này. Hiện giờ thiếu gia đang ngứa ngáy khó chịu lắm, hai ngươi mau mau nghĩ cách ra tay cướp cho thiếu gia đi.
Tên đại hán mặt đỏ vội tiến lên một bước, tới cạnh chàng nọ rồi khẽ đáp:
– Thưa thiếu gia hai con nhỏ này không phải tay vừa đâu, bằng không chúng cháu đã thưa cùng thiếu gia từ lâu rồi kia.
Thiếu niên mặt chuột ấy, vội trợn đôi mắt nho nhỏ lên, cười nhạt một tiếng rồi nói tiếp:
– Nói bậy nào, sao ta không dám động tới chúng? Từ xưa tới nay, các ngươi có thấy thiếu gia này sợ hãi ai không? Hễ thiếu gia thích con nhỏ nào là ra tay bắt cho được liền.
Tên đại hán mặt đỏ ấy ngập ngừng đáp:
– Thưa thiếu gia, hai thiếu nữ ấy đi thuyền lớn mới tới hồi đêm qua, chúng có tất cả chín cái thuyền lớn đều đậu cả trên bờ sông, trông rất quý phái. Còn một điều đáng để chúng ta chú ý tới là Hắc Kỳ Hội, Tam Nguyên Bang đều xuất động cao thủ nhòm ngó bốn phía xung quanh, đủ thấy cô chủ và nữ tỳ đó phải là người rất có lai lịch.
Thiếu niên mặc áo xa hoa nghe nói liền cau mày lại suy nghĩ giây lát rồi lẩm bẩm nói:
– Hắc Kỳ Hội, Tam Nguyên Bang những hội không có tên tuổi đấy thì nhắc đến làm chi.
Y vừa nói vừa giở khinh công ra đuổi theo hai thiếu nữ. Hai đại hán đi theo thấy vậy cả kinh thất sắc, cả hai đưa mắt nhìn nhau rồi cùng chủ nhân theo dõi cùng luôn.
Mặt trời đã lặn, hai thiếu nữ kia nhẹ nhàng vừa đi vừa trò chuyện với nhau, gió mát thổi tà áo của thiếu nữ che mặt bay phấp phới, trông lại càng đẹp thêm.
Thiếu niên mặt chuột sắp đuổi tới gần thì nữ tỳ áo xanh đột nhiên quay đầu lại nhìn, mắt của nàng ta với mắt của thiếu niên kia vừa chạm nhau. Thiếu niên đã giật mình đánh thót một cái, đôi mắt của nữ tỳ vừa sắc bén vừa nhanh như điện, nàng ta chỉ thoáng nhìn một cái đã biết ý định của đối phương ra sao rồi. Thiếu niên trông thấy nàng đã ngẩn người ra như đóng đinh xuống mặt đất, không nhúc nhích chút nào, rồi y cứ nhìn theo hai thiếu nữ thủng thẳng ra khỏi cửa chùa đi mất dạng.
Lúc ấy hai đại hán theo sau cũng vừa đuổi tới, chúng thấy thiếu niên xa hoa kia ngẩn người ra nhìn như thất thần liền bịt mồm cười. Thế rồi đại hán mặt đỏ liền khẽ gọi:
– Thiếu gia…
Lúc ấy thiếu niên mặc áo xa hoa như người nằm mơ chợt tỉnh, liền lớn tiếng quát mắng:
– Hai tên ngu xuẩn này có mau mau đi bắt hai con nhỏ ấy cho ta hay không? Hai đại hán đó kêu khổ thầm và cùng nghĩ: “Sao thiếu gia lại bắt chúng ta ra tay với hai đối thủ có võ nghệ cao cường như thế. Thiếu gia tài hoa hơn chúng ta gấp mười lần mà không tự đi đuổi bắt, lại gọi chúng ta đi như vậy. Mọi khi thiếu gia khôn ngoan nhiều cơ mưu, sao hôm nay lại hồ đồ đến như thế? Chẳng lẽ hôm nay thiếu gia bị ma ám chăng?” Nghĩ vậy, nhưng chúng biết nếu trái lệnh của chủ nhân thì thế nào cũng bị mắng chửi liền, cho nên chúng nhìn nhau một cái rồi cùng rảo bước đuổi theo hai thiếu nữ kia luôn.
Ven sông thuyền đậu rất đông, đèn lửa trên thuyền khi ẩn lúc hiện. Mặt trăng vừa mọc lên chiếu sáng cả mặt sông. Hai thiếu nữ vừa tới bến sông thì nghe phía sau có tiếng người lớn tiếng gọi:
– Xin mời hai vị cô nương hãy dừng bước.
Thiếu nữ che mặt khẽ cười nhạt một tiếng, nữ tỳ áo xanh đã quay người trở lại, thấy hai đại hán phi bước chạy tới, khi thấy nàng quay người lại thì chúng vội dừng bước ngay.
Nữ tỳ áo xanh trợn ngược đôi lông mày hỏi:
– Hai vị gọi chúng tôi có việc gì thế? Đại hán mặt đỏ chắp tay chào và đáp:
– Thiếu chủ nhân chúng tôi muốn yêu cầu được yết kiến tiểu thư.
Nữ tỳ sa sầm nét mặt lại hỏi tiếp:
– Thiếu chủ nhân các ngươi là ai? Tiểu thư của chúng ta xưa nay không nói chuyện với người đàn ông lạ mặt nào cả. Xin hai vị về thưa cho chủ nhân biết, nếu còn dám làm phiền tới chủ nhân của ta nữa, thì hãy coi chừng hai con mắt đấy.
Hai đại hán nghe nói giật mình kinh hãi, gã mặt đỏ lại lớn tiếng nói tiếp:
– Thiếu chủ nhân của tại hạ danh tiếng lừng lẫy đông nam và nhất là Thất Tinh Song Câu Bào Húc, Bào Lão anh hùng lại là…
Y vừa nói tới đó thì đột nhiên thấy thiếu nữ che mặt khẽ cười và xen vào nói:
– Những quân chuột nhắt chuyên môn ăn cắp ăn trộm mà cũng dám nhận là anh hùng, đủ thấy võ lâm ở Trung Nguyên này đa số là ma quỷ chứ không có võ công kiếm thuật tài ba gì cả.
Hai đại hán nghe thấy nàng nói như vậy liền biến sắc mặt tỏ vẻ hung ác khôn tả.
Nhưng chúng không dám lên tiếng mắng chửi, chỉ trợn tròn mắt lên nhìn hai nàng mà thôi.
Lúc ấy thiếu niên mặc áo xa hoa đã chạy tới nơi, giận dữ nhìn hai đại hán quát mắng:
– Đồ ngu, không biết ăn nói gì hết, hai mi đã làm cho các cô nương tức giận phải không? Mắng chửi hai đại hán đó xong, y liền cúi đầu vái chào nữ tỳ và ha hả cả cười nói tiếp:
– Tại hạ Bào Vĩnh Hoa vừa nghe thuộc hạ phi báo, các tay cao thủ hắc đạo của Hắc Kỳ Hội, Tam Nguyên Bang không quản ngại ngàn dặm xa xôi đuổi theo thuyền của hai cô nương tới đây. Tại hạ đã tự nhận mình là hiệp nghĩa, khi nào lại chịu ngồi yên cho chúng hoành hành như thế. Tại hạ sợ thuyền cô nương bị hại nên cho bộ hạ tới đây để thưa cùng hai cô nương hãy đến tệ xá nghỉ chân, thể nào Bào lão đại nhân cũng giúp hai cô nương hòa giải liền.
Trong khi y nói, đôi mắt chuột cứ ngắm nhìn thiếu nữ che mặt đứng phía sau.
Thiếu nữ che mặt vẫn đứng yên như thường, không hề quay người lại. Nữ tỳ áo xanh nghe thấy vậy liền khẽ cười và đáp:
– Lệnh tôn Bào Húc chẳng qua chỉ là tay hạng nhì trong võ lâm thôi, chứ lực lượng gì đâu, còn Hắc Kỳ Hội, Tam Nguyên Bang chúng tôi đều biết rõ hết. Ngài khỏi phải bận lòng, xin hãy quay về đi.
Nói xong, nàng quay người đi luôn và nói với với thiếu nữ ở phía trước rằng:
– Tiểu thư, chúng ta xuống thuyền ngay đi thôi.
Bào Vĩnh Hoa vừa hổ thẹn, vừa tức giận liền quát lớn:
– Mi chỉ là một con sen mà dám nhục mạ đến gia đại nhân như thế thực là quá vô lễ.
Tiểu gia phải dạy bảo ngươi một lần mới được.
Nói xong, y giơ tay trái lên định chụp vai của nữ tỳ áo xanh chỉ thấy nữ tỳ đó khẽ rung vai một cái, năm ngón tay của Vĩnh Hoa đã chụp hụt liền. Tiếp đó nữ tỳ quay người lại giơ tay ra nhanh như điện, chụp vào cổ tay trái của Vĩnh Hoa một cái, đồng thời vung luôn tay phải ra, liền thấy y la lớn một tiếng giơ tay che mặt và ngã ngửa người về phía sau.
Nữ tì ấy cười nhạt một tiếng, rồi cùng thiếu nữ che mặt song song tung mình nhảy xuống một chiếc thuyền lớn, đi vào ngay trong khoang. Hai đại hán nghe thấy Vĩnh Hoa kêu la kinh hãi vô cùng, vội vàng chạy lại đỡ luôn. Nhưng chúng thấy Vĩnh Hoa cứ giơ tay che mặt, máu tươi từ trong mồm trong mũi cứ chảy ra. Cả hai kinh hãi biến sắc mặt rồi cùng cáng Vĩnh Hoa rời khỏi bờ sông đó ngay.
Trong khi chúng quay người đi thì trong khoang thuyền lớn có tiếng cười khúc khích vọng ra…
Một lát sau chín chiếc thuyền giương buồm rời bến, tuy ngược dòng nước nhưng nhờ gió thuận, thuyền vẫn đi nhanh như thường. Không đầy nửa canh giờ sau, trên bờ đã có mười mấy người nhanh như chớp điện phi tới, dẫn đầu là một ông già thân hình vạm vỡ, tóc hoa râm, hai mắt long lanh có thần, lên tiếng vội quát hỏi:
– Tả Vinh, con tiện tì ra tay đả thương ngươi, đi chiếc thuyền nào thế? Đại hán mặt đỏ đưa mắt nhìn trước nhìn sau, rồi ngẩn người ra đáp:
– Chiếc thuyền đó đã đi khỏi rồi và hình như đi ngược lên thì phải.
Ông già nọ càng tức giận thêm, lớn tiếng quát:
– Truyền lệnh sửa soạn hai chiếc thuyền để lão phu thân hành đuổi theo.
Đại hán chưa kịp vâng lời, trong bụi cây ở trên bờ bỗng có tiếng nói âm trầm vọng ra:
– Xin Bào lão sư đừng gây sự thêm nữa, công tử của lão sư đáng bị như vậy vì cậu ta thấy sắc đẹp thì mê man cả tâm trí không còn nghĩ đến đạo nghĩa của võ lâm, như vậy làm sao mà chả bị người ta cắt mũi cảnh cáo chứ.
Ông già biến sắc mặt nhìn về phía có tiếng nói đó quát hỏi:
– Bạn nào thế? Sao không dám hiện thân ra nói chuyện mà cứ lén lút như vậy? Trong bụi cây có tiếng cười rất lớn vọng ra và người đó nói tiếp:
– Tại hạ là Báo Chưởng Đồng Cẩm Quang, không phải không dám gặp mặt Bào lão sư, chỉ vì có nỗi khổ tâm bất đắc dĩ lắm, tốt hơn hết Bào lão tạm nguôi cơn giận trở về, nửa tháng sau sẽ hiểu rõ sự thể ra sao.
Bào Húc trợn trừng đôi mắt, nhìn vào trong bụi cây một hồi rồi kêu ồ một tiếng, nói tiếp:
– Thế ra bạn là Đồng phó bang chủ của Tam Nguyên Bang đấy, những lời lẽ của bang chủ chỉ dùng để dọa nạt người khác thôi chứ gặp mỗ thì không bao giờ sợ mà lui bước đâu.
Đồng lão sư có nỗi khổ tâm bất đắc dĩ gì thế, sao không nói cho Bào lão nghe đi.
Người trong bụi cây trả lời:
– Việc này là việc cơ mật rất lớn của tệ bang, không thể nào tiết lộ cho người ngoài biết được. Bào lão sư, đồng mỗ xin khuyên lão sư một lời nữa, mong lão sư đừng có dây dưa vào việc này, bằng không lão sư sẽ thành cường thù đại địch của tệ bang đấy…
Người đó chưa dứt lời, đằng xa đã có tiếng rú thật to vọng tới. Đồng Cẩm Quang liền ngắt lời ngay. Bào Húc giơ hai cánh tay lên vỗ mạnh một cái người đã nâng lên trên cao, rồi nhảy vào bụi cây. Mười mấy người theo sau y cũng nhảy theo.
Nhưng trong bụi cây đó không còn bóng hình gì của Đồng Cẩm Quang nữa, Bào Húc quay trở lại trầm giọng nói:
– Lão không phải là đứa trẻ lên ba, có khi nào lại sợ những lời hăm doa vô căn cứ như thế. Huống hồ, con lão tới giờ vẫn còn mê man bất tỉnh, nếu không bắt được con tiện tì đó thì lão sao nguôi cơn giận được.
Nói xong y liền ra lệnh cho bộ hạ sửa soạn thuyền đuổi theo…
Bốn ngày sau trời mới tảng sáng sương mù vẫn còn phủ kín sông Trường Giang, có chín chiếc thuyền giương buồm đi hàng một tiến ngược lên miền trên. Trên mũi thuyền của chiếc thứ hai có hai thiếu nữ đang sát cánh nhau, nhìn về phía trước, thiếu nữ che mặt đã bỏ cái khăn che bằng the che mặt, bộ mặt thực sự là đẹp tuyệt trần. Với giọng nói trong trẻo như tiếng chim oanh, thiếu nữ nói với nữ tỳ rằng:
– Cảnh sắc ở Giang Nam này đẹp như tranh vẽ vậy. Thảo nào cha ta muốn lập cơ nghiệp ở nơi này.
Nữ tỳ áo xanh lặng im không trả lời, chỉ cau mày lại hình như đang lo lắng một việc gì đó.
Thiếu nữ áo trắng thấy vậy liền phì cười, nói tiếp:
– Mai nhi, mi lo âu gì thế? Cha ta tính toán không sai đâu, dù sao Hắc Kỳ Hội với Tam Nguyên Bang vẫn còn lo ngại về vấn đề bị vạ lây nên chúng chưa dám ra tay tấn công đó thôi, trái lại chúng lại là bùa bảo vệ cho chúng ta, cho nên cô dám chắc chuyến đi này của chúng ta thế nào cũng vô sự, mi hà tất phải lo âu như vậy làm gì? Nữ tỳ lắc đầu đáp:
– Cháu với tiểu thư nghĩ khác nhau, tối hôm qua, cháu được Thân lão sư mật báo hiện giờ Hắc Kỳ Hội, Tam Nguyên Bang đang rủ rất nhiều tay cao thủ có võ công tuyệt trác ở đại giang nam bắc bố trí suốt dọc sông. Xem như vậy, không bao lâu thể nào chúng cũng ra tay tấn công, tai biến sắp xảy ra tới nơi mà tiểu thư vẫn ung dung như thường, còn cháu thì lo âu vô cùng.
Thiếu nữ áo trắng cười khúc khích và nói tiếp:
– Chính ta đang muốn chúng làm như vậy.
Nữ tì ngạc nhiên vô cùng và nghĩ thầm: “Có lẽ tiểu thư chúng ta nhầm rồi chăng?” Nàng biết đối với tiểu thư những việc quan trọng tới đâu cũng không bao giờ sợ hãi cả, nàng có hỏi nhiều cũng vô ích, chi bằng không nói gì thì hơn.
Sương mù đã tan dần, mặt trời đã lên cao, cảnh sắc trên mặt sông thay đổi hẳn, phong cảnh hai bên bờ sông cũng bắt đầu hiện ra.
Đột nhiên từ chiếc thuyền ở phía đằng trước bỗng có tiếng kêu đùng, không hiểu xảy ra tai biến gì, thiếu nữ áo vội kéo tiểu thư, nữ tỳ liền nhún mình nhanh như điện chớp, nhảy luôn sang bên chiếc thuyền ở phía trước.
Chiếc thuyền ở phía trước có tiếng ồn ào, giây phút sau nữ tỳ đã nói với tiểu thư áo trắng:
– Thưa tiểu thư, chiếc thuyền đã đụng phải một cành cây gỗ lớn, trên miếng gỗ đó có một chàng thiếu niên đang bất tỉnh. Theo Long võ sư nói thiếu niên đó bị nội thương rất nặng, lại rớt xuống nước đã lâu, có lẽ ở trên thượng du trôi xuống, không hiểu lai lịch của chàng ra sao? Thiếu nữ áo trắng liền hỏi:
– Cần phải cứu người ta trước đã, hỏi lai lịch làm chi, mau khiêng người đó sang bên thuyền này để ta cứu chữa cho, và gọi ngay bố già của ta xuống đây.
Nói xong nàng quay vào trong khoang thuyền.
Nữ tỳ đứng ngẩn người ra trong giây lát rồi lại quay về phía trước luôn.
Giây phút sau có một ông già râu tóc bạc phơ, râu dài tới rốn, cắp Lạc Dương ướt như chuột lột, nhảy vào khoang thuyền, phía sau có nữ tỳ áo xanh đi theo.
Chưa tới giờ mùi Lạc Dương đã tỉnh, chàng thấy khung cảnh trước mắt khác lạ, ngạc nhiên vô cùng. Chàng thấy mình ngủ ở trong thuyền, đắp một cái chăn gấm, trong chăn có mùi thơm, như lan như xạ, đồng thời chàng cảm thấy mình mẩy chân tay mỏi mệt như người đau nặng mới khỏi.
Càng ngồi nghĩ lại những việc đã qua, nghĩ đến khi ở trên sườn núi Tiểu Cô bị ác tăng dùng chưởng lực đả thương, rồi trượt chân ngã xuống sông, bị nước cuốn trôi đi, đột nhiên thấy bên cạnh mình có một cây gỗ lớn, liền giơ tay ra ôm chặt lấy rồi chết giấc luôn…
Chàng đoán chắc mình đã được người trong thuyền này ra tay cứu giúp, nhưng trong khoang không có một bóng người nào cả, chàng bèn cựa mình một cái, khoang thuyền ở phía trước đã có bóng người thấp thoáng và có một thiếu nữ áo xanh tuyệt đẹp xuất hiện, tay nàng cầm một viên thuốc xanh biếc thơm tho, từ từ bước vào và nói:
– Tướng công hãy uống viên thuốc này thì sẽ khỏe mạnh ngay, tuy nhiên cũng còn phải điều dưỡng vài ngày nữa mới hồi phục được.
Lạc Dương giơ tay ra đỡ lấy viên thuốc, tỏ vẻ cảm động và đáp:
– Cám ơn cô nương. Được cô nương ra tay cứu giúp, mới thoát chết, tại hạ không biết lấy gì để báo đền ân đức này cho phải.
Nữ tỳ áo xanh vẻ mặt đang lạnh lùng thấy chàng ta nói như vậy liền tủm tỉm cười và đáp:
– Tướng công nhầm rồi, không phải tiểu nữ cứu tướng công, đó là tiểu thư chúng tôi cứu tướng công đấy.
Lạc Dương ủa một tiếng ngạc nhiên vô cùng, mặt đỏ tía tai, xấu hổ vô cùng.
Nữ tỳ nhìn mặt chàng một hồi, bỗng cười khúc khích, rồi quay người đi ra khoang trước liền.
Thì ra Lạc Dương đi từ Sơn Hải Quan xuống, lông vàng ở trên người chàng đã rụng dần, bộ mặt như ngọc, như ngà của chàng vừa anh tuấn vừa tao nhã. Tuy chàng ngâm nước đã lâu, nhưng nhờ có linh dược cứu chữa, sắc mặt lại phục hồi như trước liền.
Nữ tỳ áo xanh, trước khi đi còn quay đầu lại dặn chàng rằng:
– Nếu trong lúc đêm khuya có tiếng động gì khác lạ, tướng công không nên ra ngoài ngó nhìn để khỏi vạ lây.
Lạc Dương định lên tiếng hỏi thi nghe thấy phía đằng trước có tiếng rất êm dịu kêu gọi:
– Mai Nhi! Nữ tỳ áo xanh dạ một tiếng rồi đi ra ngoài biến mất, thân pháp của nàng nhanh như chớp điện.
Lạc Dương thấy vậy cả kinh, không ngờ một nữ tỳ mà lại có khinh công cao siêu như vậy. Chàng ngơ ngác nhìn bốn chung quanh rồi há miệng uống luôn viên thuốc, thấy có mùi thơm tỏa ra, chạy tuột vào họng, chàng liền thấy chân tay mình mẩy, ngũ tạng lục phủ đều dễ chịu ngay. Chàng liền nhắm mắt lại, vận hơi hành công, vận khí chạy quanh người một vòng, bỗng nghe thấy ở dưới khoang thuyền có tiếng kêu róc rách như rên như rỉ thế rồi chàng ngủ thiếp đi lúc nào không biết…
Bỗng có một tiếng rú thật dài thật lớn theo gió sông vọng vào khoang làm cho Lạc Dương thức tỉnh. Chàng lắng tai nghe một hồi rồi mới ngồi dậy thấy trong khoang tối đen như mực, không có một ánh đèn nào. Chàng sực nhớ lời dặn của nữ tỳ, và đoán biết đã gặp phải cường địch, hoặc đạo tặc thấy thuyền này chở vàng bạc châu báu nên rủ nhau ra tay cướp bóc.
Chàng thấy có một thanh trường kiếm để trên mặt khoang thuyền cách mình không xa liền đứng dậy với lấy và đi xuống cuối khoang, dùng kiếm rạch một cái khe nhỏ ra ngoài.
Lúc ấy, bên ngoài ánh trăng như ban ngày, những làn sóng tựa như những vây cá óng a óng ánh trên mặt sông, có mười mấy chiếc thuyền đang lao tới. Mỗi chiếc đều có bốn đến năm người và người nào người ấy trong tay lăm lăm khí giới sáng quắc.
Thuyền đi rất nhanh, chỉ thoáng cái đã đến gần cái thuyền lớn này rồi, có những tiếng cười ha hả nghe rất mạnh vọng sang, khi những thuyền đó đến cạnh mấy cái thuyền lớn, đã có mấy người lớn tiếng quát hỏi:
– Lão Thất Tinh Không Câu Bào Húc muốn mời hai cô nương ra đây trả lời.
Tiếng quát vừa dứt, thì ra thuyền bên này đã có tiếng trả lời.
– Ngài có biết hai cô nương ấy tên họ là gì không?
– Không biết nhưng lão có lời muốn nói thẳng với hai cô nương ấy.
– Hai cô nương ấy xưa nay vẫn ở trong khuê các, người lại ẽo uột, ẻo lả, không giao thiệp với ai, không bao giờ gặp một người lạ mặt nào cả. Vậy ngài có chuyện gì cứ việc nói với Thân Phùng Xuân này, Phùng Xuân này sẽ chuyển lại.
– Khuyển tử Bào Vĩnh Hoa đã vô cớ bị cô nương cắt mũi.
Bào Húc chưa nói xong, Phùng Xuân đã lớn tiếng nói tiếp:
– Ai bảo y thấy sắc động lòng, tự thân làm tội đời, vậy còn trách ai được nữa.
Bên thuyền Bào Húc đột nhiên có người lớn tiếng quát:
– Bào lão sư, chuyện thị phi trên giang hồ không thể giải quyết bằng ba tấc lưỡi được, chúng ta phải đem võ công ra so tài, ai thắng là phải, ai thua là trái, có thế thôi.
Phùng Xuân cả cười đáp:
– Ý kiến ấy rất cao minh, hợp với Thân mỗ này lắm.
Người nọ lại nói tiếp:
– Họ Thân kia ngươi chớ có ngông cuồng như vậy, đêm nay bất cứ ai thắng ai bại, sẽ có một tấn tuồng diễn ra, dám nói cả người lẫn gà què của chín chiếc thuyền các người sẽ không còn một mống nào hết, máu của các ngươi sẽ nhuộm đỏ sông Trường Giang này.
Phùng Xuân cười nhạt hỏi lại:
– Chết đến nơi rồi mà dám khoe khoang, sao không nhảy lên bờ cùng nhau đua tài, còn múa mép làm chi? Trên thuyền Bào Húc liền có một người đáp:
– Hay lắm.
Thế rồi tất cả mười mấy chiếc thuyền ấy đã nhanh như tên bơi tới.
Lạc Dương thấy vậy nghĩ thầm: “Thì ra thuyền của ta đang ngồi đây đã đậu vào bờ rồi.” Chàng quay người lại, từ từ đẩy cửa khoang và bước ra ngoài. Chàng hãy còn trẻ tuổi, hay can thiệp việc người, quên cả lời dặn của nữ tỳ. Ra tới mũi thuyền, chàng thấy trên bờ sông toàn cỏ lau và mấy chục cây liễu, dưới ánh trăng lờ mờ chàng thấy mấy chục bóng người ở các chiếc thuyền khác nhau đều nhảy cả lên trên bờ, người nào người nấy như bóng ma, lướt cả trong bụi cỏ.
Lạc Dương nhún vai một cái cũng nhảy vào trong bờ đuổi theo.
Lúc ấy chàng chưa biết ai là địch, ai là người của mình và những người đó cũng không biết chàng là người ở bên nào nên không ai chú ý đến chàng cả. Chàng liền nhảy tới sau hai cây liễu vừa đứng im đã nghe thấy sau cây bạch dương gần đó có người khẽ nói với chàng:
– Sao tướng công không nghe lời tôi nói, cứ thích ra đây xem trò vui làm chi? Chàng đã nhận ra giọng nói đó của nữ tỳ áo xanh, chàng ngạc nhiên vô cùng, quay đầu nhìn mới hay có hai bóng người mảnh khảnh núp sau cây bạch dương đó. Chàng nghĩ thầm: “Chắc một nàng nữa là người mà Mai Nhi vẫn gọi là tiểu thư và cũng là ân nhân của ta cũng nên, sao ta không tiến lên bái kiến nàng có hơn không.” Chàng vừa nghĩ xong lại nghe thấy nữ tỳ nói tiếp:
– Thôi đã tới đây rồi thì cứ đứng yên ở đó, đừng có cử động gì nữa.
Lạc Dương đành phải đứng yên và đưa mắt nhìn ra phía đằng trước. Chàng thấy số người hai bên chênh lệch quá nhiều, bên Bào Húc có những ba bốn mươi người còn bên Phùng Xuân chỉ có bốn năm người xuất hiện thôi. Bào Húc tiến lên chắp tay chào và nói:
– Thân lão sư! Bào mỗ thấy chúng ta khỏi cần phải chiến đấu làm chi. Khuyển tử tuy hư thân mất nết mà bị cắt mất mũi, lão mỗ thấy tội cũng đáng lắm rồi, riêng hiện giờ nó còn bất tỉnh, hiển nhiên là bị nhị vị cô nương dùng thủ pháp kỳ quặc điểm trúng yếu huyệt, chỉ cần hai vị cô nương giải huyệt cho nó, Bào mỗ lập tức rút lui ngay.
Phùng Xuân ha hả cười đáp:
– Vẫn biết là thế, Bào lão sư muốn gặp hai vị cô nương không khó, nhưng trước hết phải xông qua được cửa ải của mỗ đã.
Bào Húc tức giận vô cùng, nhưng vì y chưa biết lai lịch của đối phương ra sao, y không muốn làm mất tên tuổi của mình đã tốn bao nhiêu công phu đã gây dựng được, huống hồ y lại biết đối phương đang bị Hắc Kỳ Hội và Tam Nguyên Bang đuổi theo, vì những lẽ đó mà y không dám mạo hiểm, định đấu dịu thêm nữa, ngờ đâu phía sau y có một người nhanh như gió tiến lên cười nhạt và nói:
– Bào lão sư, sao hôm nay quá nhu nhược như thế? Những quân ngông cuồng chuyên môn sợ người ác hà hiếp những người hiền này, sao chúng ta lại phải tử tế với chúng nhỉ? Nói xong y quay mặt lại nhìn Phùng Xuân, dùng giọng mũi hừ một tiếng rồi nói tiếp:
– Họ Thân kia chưa chắc ngươi đã tài ba hơn người, ta Không Châu Dương Song Thọ này muốn lãnh giáo ngươi vài hiệp.
Phùng Xuân ha hả cười đáp:
– Tưởng ai, hóa ra là Không Châu Ngũ Hổ Đoạn Đao Dương lão sư đấy, Thân mỗ rất hân hạnh được lãnh giáo Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao Pháp, danh trấn võ lâm của lão sư.
Nói xong y rút luôn trường kiếm ra và cả hai người lẫn kiếm xông vào tấn công.
Song Thọ quát lớn một tiếng cũng múa đao phản công luôn. Đột nhiên Phùng Xuân ngửa người về phía sau, giở thế Vân Mãn Xuân Đơn (mây đầy núi xuân), chỉ thấy kiếm của y hóa thành muôn điểm sao lạnh và gạt thanh đao của Song Thọ sang bên, và trong chớp nhoáng đó, Phùng Xuân đã đứng thẳng người dậy, nhanh như chớp điện giơ song chưởng ra nhắm người của Song Thọ đánh luôn một thế.
Song Thọ bị Phùng Xuân gạt đao sang một bên, đã cảm thấy hổ khẩu tay đau và tê bại, suýt tí nữa thì rớt thanh đao xuống đất. Y cả kinh thất sắc chưa kịp lùi bước, đã thấy tay của đối phương đánh tới trước ngực rồi. Chỉ nghe thấy kêu bùng một tiếng, xương sườn của y đều gãy hết, y chỉ kịp rú một tiếng, mồm đã ộc máu tươi, còn người đã bị đẩy bắn ra ngoài trăm trượng, vừa vặn rớt xuống cạnh Lạc Dương, chết tốt.
Lạc Dương thấy Song Thọ chết như vậy trong lòng rất kinh hãi vô cùng, Bào Húc thấy vậy liền quát lớn lên một tiếng rồi trầm giọng nói:
– Thân lão sư quả thực là ác độc khôn tả.
Phùng Xuân cười nhạt đáp:
– Khi đã ra tay đấu với nhau, khí giới và chân tay đều không có mắt và khi đã ra tay thì tất nhiên phải có một mất một còn, ai tài ba kém là người ấy tất bị phơi xác tại chỗ liền.
Y vừa nói dứt lời, phía sau Bào Húc đã có hai người áo đen xông ra cùng giơ tay ném luôn hai mươi bốn chiếc phi tiêu vào người y.
Phía bên trái Phùng Xuân bỗng có một ông già áo đen tiến lên giơ chưởng đẩy một cái, hai mươi bốn chiếc tiêu kia liền bị rơi xuống đất và hai người ném phi tiêu còn bị luồng gió mạnh đó đẩy lui về phía sau một bước. Ngờ đâu ông già áo đen đã nhanh như gió xông tới chộp luôn vào cánh tay của một người rồi lại đưa chân lên đá luôn một cái. Người này chỉ thét lên một tiếng thảm khốc người đã bị tung lên trên cao như chiếc diều đứt dây vậy…
Một người khác vừa kinh hãi vừa tức giận liền xoay người múa song chưởng lên đỡ liền, chỉ nghe thấy bùng một tiếng, ông già áo đen vẫn đứng như thường mà người nọ lui về phía sau năm sáu thước, ngã ngửa ra đất kêu đến bộp một tiếng, mười ngón tay của y đã gãy hết, xương bàn tay của y cũng bị rơi ra, máu tóe ra như mưa. Không những thế, mồm tai mặt mũi, ngũ quan đều có máu rỉ ra nữa, đủ thấy tạng phủ của y bị nát hết và chết liền tại chỗ.
Oai thế của ông già áo đen đó đã làm cho người của bên Bào Húc hoảng sợ liền.
Những người đó tự biết tài ba của mình còn kém, liền lùi về phía sau định đào tẩu.
Phùng Xuân đưa mắt liếc nhìn đối thủ một lượt rồi ngẩng mặt lên trời cười một hồi rồi bảo:
– Đầu xà đuôi chuột có khác, có người muốn đào tẩu cũng được, đừng ép làm nhơ bẩn bàn tay của Thân mỗ đi.
Lời nói của y còn hơn là dùng dao giết bọn Bào Húc, người trong võ lâm chú trọng nhất là danh dự, đành toi mạng chứ không chịu mang tiếng. Cho nên những người đó đã đứng ngay lại. Ngay lúc đó bên Bào Húc đột nhiên có tiếng cười khì khì rất khó chịu vọng tới và tiếp theo đó một thân hình nhanh như bóng ma nhảy ra phía trước lớn tiếng quát bảo:
– Họ Thân kia, ngươi thị cái gì mà dám khinh thường người như thế? Phùng Xuân thấy thân pháp của người nọ nhanh kỳ lạ, trong lòng kinh hãi, liền ngẩng đầu lên nhìn, thấy người đó là một ông già cao tám chín thước, trông mặt rất hung ác, hai mắt lõm vào, đôi ngươi có ánh sáng xanh lấp lóe, không có lông mày, mũi lõm, mồm vẩu, lộ ra bộ răng trắng và nhọn như răng chó sói trông rất kinh tởm.
Phùng Xuân hơi cau mày lại, nghĩ ngợi một chút đã nghĩ ra người đó là ai liền lên tiếng cười lớn và nói tiếp:
– Thân mỗ không ngờ Linh Quan Cự Sát Hồng Trường Thanh, Tổng trại chủ của Hắc Long Hội ở ngoài tám tấn cũng tới đất Giang Nam này.
Nói xong y lại lớn tiếng cười một hồi.
Trường Thanh vẫn thản nhiên như thường, đôi ngươi chạy quanh hình như đang nghĩ ngợi việc gì. Đột nhiên có người lớn tiếng nói:
– Bào lão sư, hai con tiện tỳ núp ở đằng sau bụi cây kia kìa.
Bào Húc vội quay đầu nhìn về phía đó thì đã thấy bảy tám người của bên mình đã nhảy xổ về bên đó rồi. Y cũng tung mình nhảy lên đâm bổ về phía đó.
Lạc Dương đột nhiên thấy bảy tám cái thân hình nhảy xổ vào chỗ cô nương, chàng nóng lòng vội nhảy ra quát lớn một tiếng, múa thanh kiếm nhanh như bay, chặn luôn bảy tám người đó lại. Bảy tám người đó đều là hảo thủ vội giở tuyệt thế ra bao vây luôn Lạc Dương. Tuy chàng có Phi Lôi Thập Ngũ Thức cao siêu thật, nhưng cũng không địch nổi bốn tay, chàng phải cố gắng lắm mới bảo vệ được khỏi nguy.
Lúc ấy Bào Húc cũng nhanh như gió nhảy tới múa chiếc câu vừa nặng vừa mạnh nhằm Lạc Dương tấn công xuống. Lạc Dương giơ kiếm lên đỡ thì kiếm của chàng liền bị câu của Bào Húc chặt làm đôi và bắn ra ngoài xa tức thì.
Trong lúc nguy hiểm thì có một bóng trắng phi tới phất tay mạnh một cái xuống Bào Húc kêu hự một tiếng và đã bị bắn ra xa ngoài bảy thước liền.
Thân hình bé nhỏ màu trắng đó lại nhanh nhẹn tiến lên tấn công bảy tám người kia.
Bảy tám người đó đều bị đẩy lùi về phía sau kêu hự rồi ngã lăn ra đất liền.
Lạc Dương định thần nhìn kỹ mới hay họ đều gãy chân què tay, máu tươi bắn tung tóe trông rất kinh khủng. Chàng cũng phải kinh hãi thầm vì thấy người nọ chỉ trong thoáng cái đã đả thương được bảy tám người liền. Thân pháp, thủ pháp và võ công của người nọ đều cao siêu khôn tả, chàng liền nghĩ thầm: “Có lẽ trừ ân sư của ta ra, ta chưa thấy người nào võ công cao siêu như người này.” Chàng vừa nghĩ vừa quay đầu lại nhìn thì mới hay đó là một thiếu nữ, mặt che một miếng khăn trắng, hai mắt đang nhìn về phía mình. Chàng xấu hổ vô cùng liền ngẩng đầu lên.
Bào Húc cũng kinh hãi đứng ngẩn người ra, vì y cũng bị hai thiếu nữ kia phất trúng một cái khiến ngực cũng đau nhức và khí huyết rạo rực liền.
Bên kia Phùng Xuân với bốn người nọ vẫn đứng yên tại chỗ. Chỉ nghe thấy Phùng Xuân lớn tiếng cười và nói:
– Bào lão sư không tự lượng sức, bây giờ còn biết oán ai. Thân mỗ đã sớm nói rồi, nếu các người thắng được Thân mỗ thì hai cô nương sẽ cho các người gặp mặt ngay.
Bào Húc ngầm thở dài một tiếng, liếc mắt nhìn thiếu nữ áo trắng rồi từ từ quay về chỗ cũ. Y biết tối hôm nay thế nào cũng nguy hiểm đến tính mạng, van xin thì nhục nhã, y chỉ còn trông mong vào Hồng Trường Thanh cùng một số ít người mà thôi.
Lúc ấy thiếu nữ áo trắng bỗng lên tiếng hỏi Lạc Dương:
– Công tử có sao không? Lạc Dương hổ thẹn vô cùng liền đáp:
– Cám ơn cô nương đã ra tay cứu giúp, tại hạ vẫn được…
Chàng nói chưa dứt mặt mũi tối tăm, loạng choạng suýt ngã. Nữ tỳ áo xanh vội nhảy ra và nói:
– Cứ không chịu nghe người ta nói, lại không chịu lượng sức mình.
Nói xong nàng ta giơ chưởng lên gí vào mệnh môn huyệt ở phía sau lưng của Lạc Dương. Chàng liền cảm thấy một luồng hơi nóng từ trong người xông ra, mặt mũi hết choáng váng liền. Nữ tỳ móc túi lấy một viên đơn dược ra đưa cho chàng uống.
Lạc Dương cám ơn rồi uống luôn viên thuốc đó. Chàng rất đứng đắn, không dám đưa mắt nhìn hai nàng, cứ nhìn thẳng vào giữa trận đấu.
Hồng Trường Thanh thấy thiếu nữ che mặt đó võ công tài giỏi khôn lường và xuất kỳ nhập hóa, hai mắt của y lại càng xoay tròn và nhanh thêm, hình như đang nghĩ ngợi một điều gì đó rất khó giải quyết vậy.
Thì ra từ khi đấu với Vân Nhạc ở Dương Gia Tập, Hồng Trường Thanh mới biết danh tiếng của Quái Thủ Thư Sinh quả thực không phải danh bất hư truyền, nên y ra lệnh cho Hắc Phong Hội hãy ẩn núp một thời gian, chờ thời cơ xuất động sau.
Lần này Trường Thanh tái xuất giang hồ thấy tình cảnh trước mắt lại nghĩ đến trận Dương Gia Tập năm xưa liền giật mình kinh hãi thầm. Y đang nghĩ cách để rút lui cho khỏi mất sỉ diện thì Phùng Xuân đã cười nhạt và nói:
– Hồng hội chủ, trận đấu đêm nay không khi nào được toàn thân đâu, hà tất phải nghĩ ngợi cách rút lui làm chi.
Trường Thanh giật mình đánh thót một cái rồi cười khì khì nói:
– Ta không tin các ngươi có thể giữ được Hồng mỗ này ở lại.
Phùng Xuân lạnh lùng nói tiếp:
– Không phải Thân mỗ dọa nạt đâu. Nếu Hội chủ không tin thì cứ thử rút lui xem. Nếu quý hội mà ra được khỏi bụi cỏ này trăm trượng Thân mỗ sẽ phụ trách yêu cầu hai vị cô nương này giải huyệt cho Bào công tử ngay.
Trường Thanh đột nhiên nghe thấy có tiếng cười nhạt rất âm trầm và nói:
– Bần đạo không tin.
Nói xong thân hình của hai người nhanh như hai mũi tên thoáng cái đã ra ngoài xa được hơn năm mươi trượng.
Phùng Xuân nhếch mép cười, ngẩng mặt lên trời làm như không để ý đến hai người kia đi khỏi vậy, vì y đoán chắc hai người không thể nào ra khỏi đây trăm trượng được.
Trường Thanh kinh hãi thêm, bỗng đằng xa có tiếng quát lớn vọng tới:
– Đi về đi.
Trường Thanh với Bào Húc đưa mắt nhìn nhau một cái. Dù sao Trường Thanh cũng giảo hoạt hơn. Đoán biết đối phương không nương tay với chúng chút nào, tất nhiên phải có dụng ý khác. Phùng Xuân hiển nhiên không phải lãnh tụ của đám người này, chỉ thừa lệnh thi hành thôi, cho nên y nghĩ ngợi giây lát rồi ha hả cười đáp:
– Thân lão sư, hai bên đã không có thâm thù đại oán thì tại sao chúng ta không giải quyết được việc này. Chẳng hay Thân lão sư có cho phép Hồng mỗ chuyện trò một phen không? Phùng Xuân cũng phải khen ngợi đối phương thầm và nghĩ: “Trường Thanh quả thực là một anh hùng tuấn kiệt y đủ sức giúp đỡ cho Sơn chủ, ta phải liên lạc và thâu phục mới được.” Nghĩ đoạn y giả bộ ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp:
– Cũng được, Thân mỗ vui lòng bỏ qua cho quý vị, vậy hãy mời quý vị theo Thân mỗ đi vào trong khoang chiếc thuyền thứ chín đó.
Trên bờ chỉ còn lại thiếu nữ che mặt, nữ tỳ áo xanh và Lạc Dương ba người thôi. Lạc Dương thấy trận đấu hung hiểm, kinh hồn lạc phách đó chỉ thoáng cái đã xử hòa rồi. Lúc này chàng mới nhận thấy người giang hồ quả thực giảo hoạt, âm độc khôn lường, không thể nào lấy lý lẽ thường ra mà đo lường được. Nghĩ tới đó chàng cứ ngẩn người ra.
Nữ tỳ áo xanh thấy vậy vừa cười vừa nói:
– Thế nào hình như công tử không hiểu một tí gì về câu chuyện vừa xảy ra phải không? Lạc Dương nghe nói đỏ mặt thẹn thùng đáp:
– Tại hạ tuổi trẻ, kém kinh nghiệm, quả thực không hay biết gì cả.
Thiếu nữ che mặt xen lời hỏi:
– Việc giang hồ thường thường vẫn trái với thường lý như vậy, khiến ta không thể nào tưởng tượng được. Chẳng hay công tử quý tính danh là gì? Và bao nhiêu tuổi? Lạc Dương cúi đầu cung kính đáp:
– Tại hạ họ Lạc năm nay mười bốn tuổi, được cô nương hai lần ra tay cứu nạn, chẳng hay cô nương quý tính danh là gì, tại hạ xin muôn đời ghi ơn.
Nữ tỳ áo xanh tỏ vẻ kinh ngạc đưa mắt nhìn Lạc Dương và nói với thiếu nữ che mặt rằng:
– Mười bốn tuổi, Lạc công tử còn trẻ lắm, sao công tử lại cao lớn như vậy? Thiếu nữ che mặt lại nói tiếp:
– Tôi họ Hách. Vừa rồi tôi thấy võ công của công tử hình như là tự học lấy không có sư phụ phải không? Lạ thật! Công tử là người có căn cốt như thế này, mà sao chưa được vị cao thâm võ lâm nào để ý tới? Lạc Dương giật mình kinh hãi. Chàng không ngờ thiếu nữ này lại có đôi mắt tinh đời như thế. Chàng không sao giấu giếm nổi nàng ta liền thở dài một tiếng rồi đáp:
– Hồi còn nhỏ, song thân tại hạ bị cướp giết chết. Sau được một ông lão không biết tên tuổi cứu lên trên một đỉnh núi ngoài quan ngoại và sau ông lão ấy có việc khẩn cấp vội vàng đi ngay. Từ đó trở đi không thấy ông ta quay về nữa. Tại hạ thấy trong động có một cuốn sách sao chép những võ công, đúng như lời cô nương đã nói, tại hạ liền theo đó mà luyện nên không thầy là như vậy.
Nói tới đó, chàng ngập ngừng giây lát tỏ vẻ bẽn lẽn vừa cười vừa nói tiếp:
– Tại hạ đã được gặp danh sư rồi, nhưng mà số tại hạ rất xui nên không được những vị tiền bối đó chỉ bảo cho. Bây giờ tại hạ chỉ mong làm sao học được một hai thành của cô nương, như vậy tại hạ cũng mãn nguyện lắm rồi.
Nữ tỳ áo xanh bịt mồm cười khúc khích và nói:
– Lạc công tử, một vị sư phụ rất tốt ở ngay trước mắt đây, công tử còn đi đâu nữa.
Lạc Dương ngẩn người ra giây lát, nhưng chàng hiểu ý liền, lại nghe thấy thiếu nữ che mặt quát lớn:
– Nói bậy bạ gì thế? Nàng chưa nói dứt, Lạc Dương đã quỳ ngay xuống đất bái lạy.
Nàng uốn người sang một bên rồi đáp:
– Lạc công tử mau đứng dậy. Tôi không có tài làm sư phụ của công tử. Xin công tử đừng có nghe Mai Nhi nói bậy.
Nữ tỳ áo xanh bịt mồm cười khúc khích và nói tiếp:
– Cô nương, người ta quỳ xuống bái sư rồi, sao cô nương không chịu nhận như thế? Thiếu nữ che mặt có vẻ giận, lườm nữ tỳ một cái rồi nói tiếp:
– Lạc công tử, xin công tử đừng có nhắc nhở đến việc bái sư như thế. Công tử có căn cốt thượng đẳng, chúng ta nên chỉ nghiên cứu võ công với nhau, như vậy không phải là không có ích. Sau này thể nào tôi cũng giới thiệu một cao nhân tuyệt thế làm sư phụ cho công tử.
Lạc Dương liền cám ơn vì sự thực ít đàn ông chịu quỳ trước một thiếu nữ như vậy.
Nhưng không hiểu sao, Lạc Dương vừa gặp thiếu nữ che mặt đó đã chịu thấp kém hơn liền.
Có lẽ vì nàng ta có võ học huyền ảo khôn lường và thấy nàng có khí chất cao quý nên mới bái phục như thế.
Hình như nữ tỳ áo xanh đã có dụng ý gì, nàng biết tiểu thư của nàng không bao giờ chịu nói chuyện với một đàn ông nào, lúc nào mặt nàng cũng lạnh tanh, nhưng từ khi gặp Lạc Dương đến giờ thái độ của nàng thay đổi hẳn và tỏ vẻ quan tâm đặc biệt đến chàng. Tuy chàng không hay điều đó nhưng nữ tỳ đã thấy rõ là cô nương của mình có lòng yêu mến thiếu niên nọ. Cho nên nàng mới định làm mối cho hai người là thế.
Thiếu nữ che mặt lại nói tiếp:
– Đêm khuya gió lạnh, công tử chưa mạnh khỏe hẳn nên trở về thuyền nghỉ ngơi thì hơn.
Ba người liền quay trở về thuyền. Lạc Dương nóng lòng học võ cứ yêu cầu dạy võ cho mình luôn. Thiếu nữ cũng tận tâm truyền thụ hết võ công của mình cho chàng và hễ chàng hỏi han tới điều gì thì nàng cũng vui lòng chỉ bảo ngay.