Cô Nguyệt Minh ngồi ở một góc sảnh đường, thò tay vào túi da lấy cổ kiếm ra, thủ chắc trong tay.
Tiểu trạch viện Quân Sơn Uyển mà Tiền Thế Thần an bài cho y vào ở hoàn toàn hợp với yêu cầu của y, bên cạnh một dòng sông nhỏ phía đông nam thành, hậu viện có dựng một bến tàu nhỏ, cách xa phòng ốc khác, dân cư gần nhất cách một cánh rừng. Cho dù trong nhà có xảy ra quyết đấu kịch liệt, sợ rằng vẫn không có cách nào kinh động đến ai khác. Đối với Tiền Thế Thần hay đối với y mà nói, đều là hoàn cảnh lý tưởng.
Khôi Tiễn giao cho Tiền Thế Thần quản lý, an trí nó ở tàu ngựa trong phủ, ngày nào Tiền Thế Thần chưa làm thịt được mình, Tiền Thế Thần đâu có gan động tới một nửa cọng lông của Khôi Tiễn. Y thật không muốn chia cách với Khôi Tiễn, lại sợ có người lợi dụng lúc y không có mặt mà làm hại Khôi Tiễn để tiết hận. Trong hoàn cảnh thành thị, đơn độc một mình hành động tiện lợi hơn nhiều. Sáng sớm ngày mai y sẽ dẫn Khôi Tiễn phi ra ngoài thành, để giữ mình ở trạng thái tốt nhất. Y có một cảm giác quái lạ là Sở hạp vẫn còn trong Vân Mộng Trạch.
Cảm giác kỳ dị từ cổ kiếm lan dần lên bàn tay thủ kiếm của y, sau đó tim y đập thình thịch kịch liệt.
Cô Nguyệt Minh thầm la tà môn, lẽ nào thanh kiếm này thật có lực lượng linh dị?
Nghĩ nhiều vô ích, Cô Nguyệt Minh cất kiếm vào túi da, vốn muốn thuận tay đặt trên cái kỷ bên cạnh mình, lại nảy sinh tâm tình không muốn buông rời, cuối cùng giắt bên hông.
Đã đến lúc đi gặp Bách Thuần.
° ° °
Khâu Cửu Sư được mời vào Quý Tân Sảnh, một hồi sau Chu Bàn Tử đến, Khâu Cửu Sư đứng dậy thi lễ, xin lỗi với lão chuyện “hiểu lầm” xảy ra sáng nay.
Chu Bàn Tử khách khí mời hắn ngồi, tự mình ngồi một bên, thân thiết thốt: “Con gái ngoan của tôi có dặn nếu Khâu gia đến thì quan trọng nhất là lưu giữ Khâu gia, nó sẽ tìm cách mau mắn đến gặp Khâu gia”.
Khâu Cửu Sư thầm nghĩ đây tức là nói Bách Thuần đang tiếp khách, tạm thời không có cách phân thân, bất quá Chu Bàn Tử quả là có tay nghề, dùng phương thức khôn khéo buông lời khiến hắn khó nói đi là đi. Hắn mỉm cười nói: “Ta đợi được mà, xin Chu lão bản đừng gọi ta là Khâu gia nữa, kêu ta là Cửu Sư được rồi”.
Chu Bàn Tử lập tức quấn chặt như rắn quấn cành cây, đằm thắm giao tình: “Cửu Sư đã coi Chu Bàn Tử tôi là người mình, tôi cũng không giấu gì ngài. Người Bách Thuần đang gặp hiện giờ là Tiền Thế Thần. An tâm đi! Lão Tiền nói với tôi chỉ ngồi một chút là đi. Mấy người làm quan bề ngoài thì phong quang vô cùng, trên sự thật cả ngày bận bịu lo âu, cứ nhìn lão Tiền là biết liền. Từ sau khi Quý Nhiếp Đề đến nơi, tôi chưa từng thấy gã mặt mày vui cười thật sự”.
Khâu Cửu Sư bắt đầu cảm thấy Chu Bàn Tử tuyệt đối là một nhân vật có bản lãnh, mỗi một câu nói ra đều như phát tự đáy lòng, chân thành đầy ắp, người như vậy hắn vẫn là lần đầu gặp được, điềm đạm như không thốt: “Nói như vậy, gã đang theo đuổi Bách Thuần, nếu không làm sao còn có tâm tình đến Hồng Diệp Lâu?”.
Chu Bàn Tử mặt không đổi sắc: “Năng lực phán đoán của Cửu Sư thật kỳ diệu, sự thật quả là vậy. Tôi chưa từng thấy lão Tiền thật sự động lòng với đàn bà, chuyến này là lần phá lệ đầu tiên. Bất quá Cửu Sư đừng lo, tôi biết lòng đứa con gái ngoan của tôi hướng về ngài. Hì! Rất mau chóng Cửu Sư sẽ hiểu hàm ý sâu xa trong câu nói của tôi”.
Khâu Cửu Sư cười khà khà: “Chu lão bản quá bận tâm, Khâu mỗ chỉ là đến tạ tội với Bách Thuần cô nương, nói vài câu rồi đi, Bách Thuần cô nương sẽ hiểu ta mà”.
Chu Bàn Tử mỉm cười đầy thâm ý: “Tôi khẳng định Bách Thuần hiểu Cửu Sư hơn xa Cửu Sư hiểu nó, nó sao lại không minh bạch ngài được chứ”.
Khâu Cửu Sư cuối cùng phát giác Chu Bàn Tử không những thủ đoạn tròn trặn, hơn nữa văn từ lợi hại, lại tuyệt không làm tổn thương người ta. Phối hợp với thân phận thanh lâu đại lão bản của lão, dưới cờ lại có danh kỹ siêu cấp như Bách Thuần, đã tạo thành mỵ lực của Chu Bàn Tử. Cái làm người ta tán thưởng nhất là nói chuyện với lão không những không chán ngán, mà còn thú vị thu hút. Chu Bàn Tử quả là người hầu khách lý thú.
Khâu Cửu Sư vui vẻ hỏi: “Chu lão bản có phải đảo một vòng để đề nghị gì với ta không?”.
Chu Bàn Tử đáp: “Quả là như vậy. Bách Thuần luôn đang tìm kiếm như ý lang quân trong tâm tưởng của nó, mãi cho đến ngày nay vẫn chưa tìm được. Từ khi Tiền Thế Thần hay đến tìm nó, người khác đều sợ đắc tội với Tiền Thế Thần, không dám đến gặp Bách Thuần. Thẳng thắn mà nói, tôi đối với sự xuất hiện của Cửu Sư thật rất cao hứng trong lòng, bởi ở Giang Nam chỉ có các người mới không sợ Tiền Thế Thần. Cửu Sư! Tôi đứng về phía ngài”.
Khâu Cửu Sư thở dài: “Chu lão bản yên tâm, chỉ nể mặt Bách Thuần cô nương là bọn ta đã coi Chu lão bản là người mình. Bất quá Chu lão bản quả đã hiểu lầm rồi, ta đâu phải là nhân tuyển trong lòng Bách Thuần cô nương, mà ta cũng không phải vì mục đích khác mà đến, thuần túy là để chịu tội”.
Chu Bàn Tử mỉm cười: “Mỗi lần ta hỏi con gái ngoan chuyện liên quan đến Cửu Sư, nó đều dùng một câu ‘Đây là chuyện giữa con và Cửu Sư’ để đáp trả. Lúc nó nói đến tên ngài, đôi mắt to tròn sáng hẳn lên. Cửu Sư! Tôi có quá nhiều kinh nghiệm về mặt này, lương cơ đừng để mất đó! Nếu không ngài sẽ vĩnh viễn hối hận”.
Khâu Cửu Sư thầm kêu cứu mạng, hắn trước khi đến đã từng hạ quyết tâm chỉ động não, không động tình, nhưng đến khi Chu Bàn Tử thử thuyết phục hắn, khi hắn biết rất có khả năng là như ý lang quân trong lòng Bách Thuần, huyết dịch trong người hắn rõ ràng đã ngùn ngụt xáo động, sản sinh nỗi hưng phấn chưa từng có, đã là không muốn nghe mà lại thích nghe. Hắn càng rõ câu cuối cùng của Chu Bàn Tử là lời dự đoán chính xác, có lẽ dùng “hối hận” để hình dung không mấy ăn khớp. Hắn chưa từng hối hận với quyết định đã đề ra, nhưng hắn nhất định sẽ thống khổ, hụt hẫng vì đánh mất Bách Thuần.
Lúc này Diễm Nương đưa hắn đến Quý Tân Sảnh đã đến, thần tình hưng phấn nói: “Tiền đại nhân vừa đi, bọn tôi đã thông tri cho Bách Thuần biết, Bách Thuần kêu bọn tôi lập tức thỉnh Khâu công tử đi gặp nàng”.
° ° °
Cô Nguyệt Minh đi đều đều không nhanh không chậm trên đường, nảy sinh cảm giác có người đang theo dõi mình.
Người theo dõi y chắc không phải là Qua Mặc, bởi đây là hành động không cần thiết, muốn giết y, nên chọn Quân Sơn Uyển Tiền Thế Thần đã an bài cho y, đâu phải là đường hẻm Lạc Dương. Bất kể Tiền Thế Thần can đảm ngút ngàn tới cỡ nào, coi thường triều đình, gã cũng không dám phái đám đông đến bao vây tấn công y, nói cho cùng mình là đặc sứ đại biểu cho Phụng công công, một khi để mình nắm được đuôi hồ ly của gã, Tiền Thế Thần khẳng định chạy trối chết không kịp ăn uống. Thứ nữa là đại tội khi quân phản quốc tranh đoạt Sở hạp, có thể tru di cửu tộc, chuyện như vậy càng có ít người biết càng ổn thỏa, cho nên rất có thể chỉ là chuyện hạn chế giữa Tiền Thế Thần và Qua Mặc hai người.
Tiền Thế Thần tại sao lại phải mạo hiểm? Cái gã biết chắc ít hơn những gì Phu Mãnh biết, ai lại vì chuyện không biết tận tường mà cam lòng mạo hiểm đại họa hủy gia diệt tộc? Thật phải nói rằng gã so với Phu Mãnh lại càng không nên để ý tới Sở hạp.
Trừ phi Tiền Thế Thần biết rõ trong Sở hạp có cất giấu vật gì. Nhưng có vật gì có thể làm cho tay cự phú hàng đầu Giang Nam châu báu chất đầy nhà phải động lòng? Đây là chuyện khiến cho người ta nghĩ nát óc cũng không hiểu nổi.
Nhưng giả như Tiền Thế Thần thật sự biết vật báu giấu trong Sở hạp, Phu Mãnh lại khơi khơi không thể không tìm gã giúp tầm bảo, toàn sự kiện liền mang ý vị số phận một cách nồng đậm, tất cả đều như có ông trời sau lưng ngấm ngầm lôi kéo an bài.
Cô Nguyệt Minh sinh ra cảm giác không lạnh mà run.
Hồng Diệp Lâu lọt vào tầm mắt. Cô Nguyệt Minh trấn định tâm thần, nhắm ngoại viện đèn đuốc huy hoàng đi tới.
° ° °
Bách Thuần mặt tươi như hoa nghênh đón Khâu Cửu Sư vào Thư Hương Tạ, đến ngồi xuống chỗ bàn tròn, tự có tỳ tử rót rượu cho hắn, sau khi tỳ tử lui ra ngoại sảnh, Bách Thuần dịu giọng: “Khâu công tử đói bụng chứ? Để nô gia kêu người làm vài món ăn địa phương được chứ?”.
Khâu Cửu Sư ngửi thấy làn hơi khỏe khoắn mê hồn của nàng, thêm vào hoàn cảnh ưu mỹ, chưa uống rượu đã có cảm giác ngất ngây. Hắn tuy không thích vật trong chén, nhưng uống lại có khá có tửu lượng, đó là nhờ dưỡng luyện ra, chén tạc chén thù giao tình với nhân vật bang hội khác, không uống là bất kính, uống rượu đã thành một lễ nghi phải có. Vấn đề ở chỗ hắn lại có phản ứng bén nhạy với rượu, một chén vào bụng là ngà ngà liền, cho nên Nguyễn Tu Chân mới cảnh cáo hắn không thể uống. Một chén trước mắt nếu có thể giữ đến cuối mới uống, uống xong đi liền thì lý tưởng nhất.
Liền thốt: “Ta mới ăn no bụng cách đây không lâu”.
Bách Thuần mỉm cười: “Vậy bọn ta uống rượu không nhé?”.
Khâu Cửu Sư đã thấy “may mắn” Bách Thuần ngồi ở chỗ xa nhất, cách hắn cả một mặt bàn tròn, lại ngấm ngầm kêu khổ, uống rượu không thì xong đời rồi.
Bách Thuần nhấc chén, vui vẻ thốt: “Để Bách Thuần trước hết kính công tử một chén, chén này là phạt nô gia đã trách lầm công tử là người vô tình”.
Khâu Cửu Sư thất kinh, lòng nghĩ lần này thật không thể ngoan ngoãn, cứ như vầy, không biết còn phải uống bao nhiêu chén. Bách Thuần lúc này kiều diễm ngời ngời, bất kể nhướng mày hay hé cười, nhấc tay hay bước chân đều tung toé mỵ lực. Sự mỹ lệ của nàng thật vượt quá mức bình thường, có thứ khí chất cám dỗ thu hút cất kín trong xương cốt, dụ hoặc đến cực điểm. Nhưng càng hấp dẫn hơn là ngoài sự thông minh lanh lợi của nàng, lại ẩn hàm sự lão luyện thâm trầm của giang hồ nhi nữ, lỗi lạc ngang nhiên, trong phóng đãng không mất sự kềm chế, hợp lại hình thành mỵ lực làm cho người ta khó mà kháng cự của nàng.
Khâu Cửu Sư không còn đường nào khác, chỉ còn nước ngửa bài, cười khổ: “Cô nương tha cho, tại hạ còn có chuyện phải đi làm, chỉ có thể uống với cô nương một chén”.
Bách Thuần đôi mắt đẹp chớp chớp nhìn hắn, không nói gì, lại càng có thể hằn sâu trong lòng hắn hơn bất kỳ một ngôn ngữ nào, tạo ra không khí thần diệu mê hồn.
Khâu Cửu Sư cuối cùng đầu hàng, nhấc chén: “Khâu Cửu Sư kính cô nương một chén, trước đây có đắc tội gì, xin cô nương thứ tha”.
Bách Thuần nỉ non: “Phải cạn chén mới có thể hiển hiện thành ý của chàng mà! Bọn ta cạn chén”.
Tiếp đó đưa chén qua, Khâu Cửu Sư liền nghênh đón.
“Cạch” một tiếng, hai chén cụng nhẹ, hai người cạn chén.
Khâu Cửu Sư đặt chén xuống, liền có cảm giác khoan thai. Nghĩ đến đại trượng phu sừng sững trên đời, có gì không thể phóng tay mà làm. Mình đã không sợ tranh đấu ở chiến trường, sao lại có thể rụt đầu rụt đuôi trước mặt kiều nữ tuyệt thế như vầy. Đối thủ vô hình gì gì, địch nhân ẩn hình gì gì, cứ để hắn lo hết. Ý tưởng đó mấy ngày nay cứ lần quần trong đầu hắn, lúc này mượn chút hơi men, can đảm lôi ra khỏi đáy lòng tự nhủ với mình.
Bách Thuần nhắm đôi mắt đẹp, hít sâu mấy hơi, tiếp đó mở mắt thở nhẹ: “Đừng cô nương trước cô nương sau được không? Cứ kêu nô gia là Bách Thuần được rồi, cái tên đó dễ nghe mà. Là tự tôi đổi đó. Trên người công tử có đồ hình treo giải thưởng bắt Ngũ Độn Đạo không? Có thể cho nô gia xem không?”.
Nghe nói đến ba chữ Ngũ Độn Đạo, Khâu Cửu Sư ít ra cũng có phân nửa men say không cánh mà bay, liền rút trong tay áo ngoại bào ra một họa quyển, hai tay dâng trao cho Bách Thuần.
Bách Thuần thấy hắn dâng hai tay, còn háy hắn một cái hờn dỗi, như trách hắn đừng có kính cẩn quá vậy, giơ bàn tay thon thả nõn nà trắng muốt như tuyết cầm lấy, trải ra xem, tiếp đó cười “hắc” một tiếng, mặt mày tươi như hoa nhìn hắn, nhịn không được cười: “Họa công thật tệ”.
Khâu Cửu Sư bẽn lẽn: “Bọn ta đã mời họa sư giỏi nhất đến vẽ tranh, có thể là vì họa si y theo lời miêu tả của người mục kích mà vẽ, cho nên không có cách nào truyền thần, nhưng ít ra chắc cũng sáu bảy phần giống người thật”.
Bách Thuần căm ghét: “Họa sĩ vẽ chân dung ở Giang Nam có bao nhiêu người có tài đâu, nô gia còn rõ hơn công tử nữa. Nếu đổi người vẽ là Lang Canh mà các người hoài nghi, bất kể hắn biến thành tiểu tử bán mật rắn hay là Họa Tiên diệu bút thiên thành, bảo đảm có thể bắt người qua đồ hình, tuyệt đâu có đến phiên Ngũ Độn Đạo chối cãi”.
Khâu Cửu Sư nói không nên lời.
Bách Thuần tuyệt không phải là người phục tùng nghe lời người ta, mà có lối nhìn và kiến giải riêng của mình, nói ra một cách can đảm trực tiếp, càng không khách khí càng làm cho người ta sảng khoái.
Bách Thuần trả đồ quyển lại cho hắn, đợi hắn nhét lại vào tay áo xong, dịu dàng thốt: “Nô gia có một thỉnh cầu, mong công tử rủ lòng ưng thuận”.
Khâu Cửu Sư ngạc nhiên: “Bách Thuần nói đi! Chỉ cần Khâu Cửu Sư ta làm được, sẽ không để Bách Thuần thất vọng đâu”.
Bách Thuần đôi mắt bắn ra thần sắc kỳ vọng, nghiêm mặt thốt: “Bất kể Lang công tử có phải là Ngũ Độn Đạo hay không, xin công tử hạn cho tám ngày, đợi hắn hoàn thành tám bức họa mỹ nhân cho lễ hội ăn mừng thập chu niên của bọn ta xong rồi hãy tìm hắn giải quyết vấn đề của các người”.
Khâu Cửu Sư cảm thấy thất vọng, còn nghĩ nàng muốn mình rảnh rỗi đến chuyện vãn giải sầu với nàng, nào hay lại là vì chuyện này, bất quá hắn tính tình khoát đạt, trong một sát na quăng bỏ hết tâm tình buồn chán, thản nhiên thốt: “Bách Thuần quá coi trọng bọn ta rồi, đối với Lang Canh bọn ta căn bản đâu có bằng cớ nào để hạ thủ. Yêu cầu của Bách Thuần là hợp tình hợp lý, Khâu Cửu Sư ta can đảm tác chủ, tất cả cứ y theo lời phân phó của Bách Thuần mà xử lý chuyện này”.
Bách Thuần hoan hỉ dâng cho hắn một ánh mắt thân thiện, ánh mắt như có thể nói “chàng được lắm”, sau đó thốt: “Công tử kính tôi một thước, Bách Thuần kính chàng một trượng, không ép công tử uống rượu nữa. Uống mà không tình nguyện thì đâu còn ý nghĩa gì! Công tử có phải muốn đi làm chuyện trọng yếu khác không? Hay là chịu ở lại cùng thưởng thức minh nguyệt trên Quải Biều Trì với Bách Thuần?”.
Khâu Cửu Sư cuối cùng phát giác một mặt khác của Bách Thuần, là không những thích khiêu chiến người khác, còn muốn khiêu chiến chính mình, mà hắn bị ép tiến vào góc chết, không còn cách nào xuề xòa cho qua.
Khâu Cửu Sư xoè tay tiêu sái thốt: “Bách Thuần nặng lời rồi, ta có nỗi khổ bên trong”.
Bách Thuần kinh ngạc: “Thứ chuyện này cũng có thể có nỗi khổ bên trong sao? Công tử có phải đã có ý trung nhân khác?”.
Khâu Cửu Sư biết chỉ cần đáp một tiếng “phải”, mối quan hệ dây dưa mờ mịt giữa hắn với nàng đại khái có thể liễu kết, xong xuôi thật may mắn, khơi khơi một chữ bé nhỏ như vậy làm sao cũng không nhả ra khỏi miệng, lắc đầu: “Không phải vậy”.
Bách Thuần vui vẻ hỏi: “Vậy thì nỗi khổ bên trong gì nữa?”.
Khâu Cửu Sư há miệng, lại nói không ra tới nửa lời. Mà cho dù hắn chịu dốc hết tâm tình, vẫn cảm thấy thiên ngôn vạn ngữ không biết nói từ đâu, còn sợ sau khi nói ra Bách Thuần sẽ coi hắn là người điên.
Bách Thuần không để ý lắm: “Vậy là nỗi khổ không nói được. Thật lý thú, nô gia càng muốn nghe đó! Bất kể nỗi khổ công tử nói ra có hoang đường vô căn cứ tới cỡ nào, Bách Thuần cũng muốn biết rõ rõ ràng ràng. Nói đi! Cứ nói kiểu nam tử hán đại trượng phu”.
Lúc Khâu Cửu Sư cảm thấy không chống đỡ nổi, một tiểu tỳ vén màn vào, đi thẳng đến cạnh Bách Thuần, trước hết thi lễ tạ tội với Khâu Cửu Sư, ghé tai Bách Thuần thủ thỉ một câu.
Bách Thuần điềm đạm thốt: “Mời y đến Tình Trúc Các chờ ta”.
Sau khi tiểu tỳ bỏ đi, Bách Thuần quay sang Khâu Cửu Sư mỉm cười: “Đừng nghĩ nô gia đã quên đó, nói đi!”.
Khâu Cửu Sư được chút không gian hít thở, định thần trở lại: “Có phải có quý khách đến thăm không? Ài! Bách Thuần có thể cho ta một chút thời gian không?”.
Bách Thuần hờn mát: “Muốn chạy sao? Đi đi! Đi đi! Không giữ chàng đâu. Lòng chàng vốn đâu có ở đây”.
Khâu Cửu Sư đầu hàng: “Hoàn toàn không phải như Bách Thuần nghĩ. Ài! Bất quá thật có chuyện đang chờ ta đi làm”.
Bách Thuần cười “hắc” một tiếng yêu kiều, lộ thần thái nghịch ngợm đáng yêu, giơ tay bụm miệng nhịn cười: “Có biết không? Mỗi lần công tử không còn lý lẽ lời qua tiếng lại, luôn ‘ài’ một tiếng để che giấu thái độ quẫn bách, thật rất dễ thương, chàng nếu thừa cơ lẻn đi như vầy, nô gia đương nhiên là buồn chàng, trừ phi…”.
Khâu Cửu Sư như được hoàng ân đại xá, truy hỏi: “Trừ phi cái gì?”.
Bách Thuần chu chu miệng nhỏ, dịu giọng: “Trừ phi chính Ngọ ngày mai công tử bày bữa tiệc trưa ở nhã tọa bình đài của Ban Trúc Lâu khoản đãi Bách Thuần, tôi có lẽ chịu bỏ qua. Bất quá chàng phải chuẩn bị sẵn trong lòng, đến lúc đó mà chàng vẫn ấp ấp úng úng, bộ dạng khù khờ, Bách Thuần tôi tuyệt không tha cho chàng đâu”.
Khâu Cửu Sư cười khổ: “Tất cả y theo chỉ thị của Bách Thuần, ngày mai ta sẽ ở Ban Trúc Lâu cung hầu đại giá của Bách Thuần”.
° ° °
Gió từ mặt hồ dịu dàng phất qua, dờn dợn sóng nước lăn tăn, mang đến hơi hướm thanh tân thơm tho của nước hồ.
Tiếng đàn tranh từ tiền sảnh truyền lại.
Hai chén rượu vào bụng, Ô Tử Hư bắt đầu hiểu tại sao Liên Ảnh nói thủ đoạn có thể làm người ta mê nhất của nàng dồn hết trên cây đàn tranh.
Khúc điệu nàng tấu tươi sáng rõ rệt, mang theo cảm giác lãng đãng không chút e dè, cứ như một cô bé đồng quê, không thể diễn tấu thẳng thẳng thớm thớm, mà đem khúc đàn tranh cắt xẻ, hội ảnh hội thanh, biến thành lời tuyên ngôn bộc bạch của cá nhân nàng. Thấu qua xúc giác linh mẫn đối với âm nhạc và kỹ xảo cao siêu, luôn có thể đan dệt thành một bản nhạc động hồn thần bí, giống như một cao thủ diễn xiếc đi dây trên cao, cho dù nhào lộn nhún nhảy làm sao, cuối cùng vẫn vững chãi hạ mình trên dây.
Càng mê hồn người là nàng tạo ra hai thứ âm thanh tiếng đàn khác biệt về tư thái lẫn tính cách, phân chia rõ ràng, cứ như có hai người dùng khúc đàn để đối thoại, lại tựa như hai cao thủ tầm cỡ đang quyết đấu, ngươi qua ta lại, tràn đầy sức căng thẳng, làm cho người ta càng nghe càng thống khoái hết sức.
Ô Tử Hư mê mẩn trong dị vực của tiếng đàn tranh, tâm linh hòa mình vào bóng đêm mênh mông, đột nhiên tòa thủy tạ, Quải Biều Trì và trăng sao trên trời hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại cô độc một mình hắn.
Vào giờ phút đó, hắn phát giác mình đang ở một địa phương kỳ dị, có vẻ giống như đang ở trên thành lâu cao nhất của một tòa thành trì, cúi nhìn tường thành tầng tầng lớp lớp xây dựa vách núi, ngoài tường thành là thảo nguyên gò đồi bát ngát vô biên, xa xa vắt ngang một dòng sông.
Tiếng đàn tranh đã tan biến.
Ô Tử Hư nhìn lên, vầng trăng treo cao giữa bầu trời đêm hun hút bao la.
Chuyện gì đây?
Ô Tử Hư chấn động tâm thần, sực tỉnh lại.
Mọi thứ vẫn như cũ, hắn vẫn đang ngồi trên bình đài của tòa thủy tạ.
Lúc này tiếng đàn tranh lại biến chuyển, từ nhanh nhẹ biến thành trầm uất, Liên Ảnh như dốc tỏ nỗi u uất và niềm thương cảm bồi hồi tận đáy lòng cho hắn nghe.
Nhất thời Ô Tử Hư lại nảy sinh thứ mộng cảnh không biết là đất trời nào đó, thế giới đó là cảm giác kỳ dị của hiện thực.
° ° °
Bách Thuần đi trên con đường rải đá vụn về phòng, dọc theo Quải Biều Trì xuyên rừng qua cầu, bản thân con đường cũng là một thứ lạc thú.
Tiểu tỳ kề cận nàng là Tiểu Bảo giơ lồng đèn đi trước dẫn đường, chiếu sáng đường về.
Cuộc sống chưa bao giờ bừng cháy như vầy, nhân vật kỳ dị hết người này tới người nọ kế tục nhau ra mặt, làm cho nàng cảm thấy được sự kích thích chưa từng có trước đây.
Khâu Cửu Sư thật ra có nỗi khổ gì khó nói, khiến cho hắn phải kiệt lực trốn tránh nàng?
Lang Canh có phải là hóa thân của Ngũ Độn Đạo không? Nếu thật là vậy, Ngũ Độn Đạo này tất là đại đạo đa tài đa nghệ nhất trong lịch sử xưa nay.
Tiền Thế Thần đó giờ có vẻ chán ngán đột nhiên biến thành lý thú hẳn, còn biết kể cố sự tràn trề sắc thái thần thoại, vừa xa vời lại vừa ai oán triền miên, hơn nữa chỉ kể một nửa.
Còn có Cô Nguyệt Minh.
Y thật ra là người ra sao? Bằng vào cái gì có thể trở thành vô tình kiếm thủ ai ai cũng sợ sệt?
Nghĩ đến đó, Bách Thuần tiến vào cửa viện, một tiểu tỳ nghênh đón: “Cô công tử đang trong sảnh”.
Bách Thuần phân phó: “Ngươi có thể đi rồi”. Lại nói với Tiểu Bảo: “Tiểu Bảo ở lại bên ngoài, ta có chuyện nói với y”.
Tiểu Bảo gật đầu nghe lệnh.
Bách Thuần có vẻ vội vàng đi về phía tiểu lâu, lúc bước lên cầu thang, thầm nghĩ Cô Nguyệt Minh đang làm gì đây? Có lẽ lẳng lặng ngồi ở một góc, nhắm mắt dưỡng thần, hay dựa lan can thưởng thức mỹ cảnh vườn tược, hoặc đang thận trọng chực chờ, có thể ứng phó bất kỳ sự tập kích đột ngột nào. Vốn chỉ ba chữ Cô Nguyệt Minh đã đủ làm cho người ta sinh lòng trông đợi.
Đã tới cuối thang lầu, một bóng dáng cao to kiêu ngạo lọt vào rèm mắt, cô ngạo kiếm khách mà Bách Thuần hâm mộ danh tiếng đã lâu, lưng đeo trường kiếm, hông giắt một cái túi da dày, đang chắp tay đứng xem bức họa “cổ chiến xa mỹ nữ” mà Lang Canh vẽ còn chưa đóng khung lộng kiếng đang treo trên tường. Y xem thật chăm chú, nhập thần, tựa như hoàn toàn không biết có người đang đi vào sảnh đường.
Bách Thuần chấn động dừng bước, lòng trào dâng cảm giác khó hình dung. Nàng khẳng định chưa từng gặp con người này, nhưng tư thế y đứng khẳng định đã thấy qua, hơn nữa có ấn tượng rất hằn sâu, giống như đối với người trong họa mà Cô Nguyệt Minh đang thưởng thức.
– o O o –