Mọi người đi rồi, con hẻm nhỏ trở lại yên tĩnh không một tiếng động; gió thổi lay cành trúc phát ra những âm thanh xào xạc. Lệnh Hồ Xung nhìn khúc phổ trong tay, nhớ lại đêm hôm đó Lưu Chính Phong và Khúc Dương cùng hợp tấu cầm tiêu. Hai người là bạn tri âm mới cùng nhau sáng tác ra bộ khúc phổ thần diệu này. Tuy vị bà bà ở trong bụi trúc gảy đàn thổi tiêu cũng rất tuyệt diệu nhưng đáng tiếc là bà ta chỉ có thể diễn tấu một mình; Lục Trúc Ông thì không thể cùng bà bà hợp tấu được. Lệnh Hồ Xung e rằng khúc cầm tiêu hợp tấu “Tiếu ngạo giang hồ” này từ nay bặt tiếng không còn nghe được lần thứ hai nữa.
Lệnh Hồ Xung lại nghĩ: Lưu Chính Phong sư thúc và Khúc Dương trưởng lão, một người là cao thủ chính phái, một người là Ma giáo trưởng lão, một chính một tà thế như nước lửa, nhưng luận bàn đến âm vận thì tâm ý tương thông nên kết thành tri giao mới cùng sáng tác ra khúc “Tiếu ngạo giang hồ” thần diệu tuyệt luân. Lúc hai người nắm tay nhau cùng qua đời lòng họ không còn gì luyến tiếc, còn hơn ta cô độc trên thế gian này, bị sư phụ hoài nghi, sư muội ruồng rẫy, còn một người sư đệ rất kính yêu ta thì lại bị giết do chính tay ta.
Bất giác lòng chàng đau xót, nước mắt rơi lã chã lên khúc phổ rồi không nén được, chàng òa khóc nức nở.
Lục Trúc Ông từ trong bụi trúc nói vọng ra:
– Vì sao bằng hữu lại khóc?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Vãn bối tự thương thân thế, lại nhớ đến cái chết của hai vị tiền bối đã sáng tác ra khúc phổ này nên không nén được cảm xúc, gây phiền hà cho lão tiên sinh.
Lệnh Hồ Xung nói xong quay người toan đi. Lục Trúc Ông nói:
– Tiểu bằng hữu, ta có mấy lời muốn thỉnh giáo, mời tiểu bằng hữu vào đây nói chuyện được không?
Vừa rồi, Lệnh Hồ Xung nghe lão nói với Vương Nguyên Bá đầy vẻ ngạo mạn, không ngờ đối với mình, một kẻ vô danh tiểu tốt, lại rất kính trọng, vượt ra ngoài sự tưởng tượng. Chàng nói:
– Không dám, tiền bối có điều gì muốn hỏi, vãn bối sẽ phụng cáo.
Lệnh Hồ Xung bước chầm chậm vào rừng trúc.
Trước mặt có năm gian tiểu xá, bên trái hai gian, bên phải ba gian, làm toàn bằng trúc. Một lão già từ trong ngôi nhà nhỏ bước ra, cười nói:
– Tiểu bằng hữu, mời vào uống nước.
Lệnh Hồ Xung thấy Lục Trúc Ông đã già lụ khụ đầu còn lơ thơ mấy sợi tóc nhưng tay chân to lớn, tinh thần quắc thước. Chàng cúi người hành lễ, nói:
– Vãn bối Lệnh Hồ Xung xin bái kiến tiền bối.
Lục Trúc Ông cười ha hả nói:
– Lão hủ bất quá già hơn ít tuổi, không cần đa lễ, xin mời vào!
Lệnh Hồ Xung theo lão đi vào trong nhà, thấy bàn ghế giường tủ làm toàn bằng trúc, trên tường treo một bức tranh thủy mặc vẽ rừng trúc, thế bút tung hoành, mặc tức lâm ly, trông rất hoành tráng. Trên bàn đặt một cây dao cầm và một ống tiêu.
Lục Trúc Ông hớn hở bưng bình trà ra, rót một bát trà xanh biếc rồi nói:
– Xin mời dùng trà.
Lệnh Hồ Xung hai tay đón lấy, cúi người tạ ơn. Lục Trúc Ông nói:
– Tiểu bằng hữu, không biết tiểu bằng hữu từ đâu mà có được bộ khúc phổ này? Có thể nói cho ta biết không?
Lệnh Hồ Xung ngẩn người ra, nghĩ lai lịch của bộ khúc phổ này ẩn chứa rất nhiều bí mật, ngay đến sư phụ, sư nương chàng cũng không dám bẩm báo. Nhưng ngày đó Lưu Chính Phong và Khúc Dương đã giao khúc phổ này cho mình để truyền lại cho hậu thế, khỏi bị mai một. Lục Trúc Ông và cô cô của lão tinh thông âm luật đến chỗ thần diệu; cô cô của lão tấu được khúc nhạc đến chỗ lâm ly, tuy tuổi hai người đã cao nhưng ngoài họ ra, trên đời này tìm đâu cho được người thứ ba để truyền lại khúc phổ? Mà dù trên đời này còn có người khác tinh thông âm luật đi nữa, thì tính mạng mình cũng chẳng còn bao lâu, chưa chắc có cơ duyên gặp được. Chàng trầm ngâm một lúc rồi nói:
– Hai vị tiền bối, một vị chuyên chơi huyền cầm, một vị chuyên thổi tiêu, kết thành tri giao mới cùng nhau sáng tác ra khúc phổ này, đáng tiếc đã gặp đại nạn nên cả hai cùng tạ thế. Lúc hai vị tiền bối lâm tử đã giao khúc phổ này lại cho đệ tử, nhờ đệ tử tìm truyền nhân để khúc phổ này không bị mai một.
Lệnh Hồ Xung ngừng một lát lại nói tiếp:
– Vừa rồi đệ tử được nghe vị cô cô của tiền bối gảy đàn thổi tiêu thật tuyệt diệu thì mừng thầm cho khúc phổ này đã tìm được chủ. Vậy xin tiền bối thu lấy khúc phổ này phụng giao cho bà bà, như vậy thì đệ tử đã không phụ sự ủy thác của người đã sáng tác ra khúc phổ mà đệ tử cũng rất mãn nguyện.
Lệnh Hồ Xung nói xong, hai tay cung kính dâng khúc phổ lên.
Lục Trúc Ông không tiện nhận lấy, bèn nói:
– Để ta thỉnh ý cô cô trước đã, xem người có chịu không đã.
Bỗng nghe tiếng của vị bà bà từ trong ngôi nhà nhỏ bên mé trái vọng ra:
– Lệnh Hồ tiên sinh cao nghĩa, khẳng khái tặng khúc phổ thần diệu, chúng ta nếu từ chối thì không được còn nhận thì thật hổ thẹn. Đại danh của hai vị tiền bối đã sáng tác ra khúc phổ này là gì, tiên sinh có thể cho chúng ta biết được không?
Âm sắc của vị bà bà này không giống như giọng nói người già. Lệnh Hồ Xung đáp:
– Tiền bối có lòng hỏi tới, vãn bối tất phải bẩm cáo. Hai vị tiền bối sáng tác ra khúc phổ này một là Lưu Chính Phong sư thúc, một là Khúc Dương trưởng lão.
Bà bà ồ lên một tiếng ra chiều rất kinh ngạc, nói:
– Thì ra là hai người đó.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
– Tiền bối có biết hai vị Lưu, Khúc này ư?
Bà bà không đáp, trầm ngâm một lúc rồi nói:
– Lưu Chính Phong là cao thủ của phái Hành Sơn, còn Khúc Dương lại là trưởng lão của Ma giáo, hai bên có mối thù truyền kiếp, sao lại cùng nhau sáng tác ra khúc phổ này? Chuyện này thật khiến cho người ta không hiểu nổi.
Tuy Lệnh Hồ Xung chưa thấy qua khuôn mặt của bà bà, nhưng sau khi nghe bà gảy đàn thổi tiêu, chàng cảm thấy bà là một cao nhân tiền bối thanh nhã hiền hòa, quyết không lừa gạt để bán rẻ mình. Nghe bà bà nói về lai lịch của Lưu, Khúc thì rõ ràng là người võ lâm đồng đạo. Lệnh Hồ Xung liền kể lại việc Lưu Chính Phong rửa tay gác kiếm ra sao, Tả minh chủ phái Tung Sơn hạ cờ lệnh ngăn cản thế nào, Lưu Khúc bị trúng chưởng của cao thủ phái Tung Sơn thế nào, cả hai hợp tấu ngoài núi hoang, lúc lâm tử đã chân tình ủy thác cho mình tìm người hiểu biết âm luật để truyền lại khúc phổ này ra sao… Chàng lần lượt kể ra hết, chỉ lược bỏ vụ Mạc Đại tiên sinh đã giết chết Phí Bân. Bà bà lẳng lặng nghe không nói một lời.
Lúc chàng kể xong bà bà mới hỏi:
– Đây rõ ràng là khúc phổ, tại sao Kim đao Vương Nguyên Bá lại cho rằng là bí cấp võ công?
Lệnh Hồ Xung liền đem việc vợ chồng Lâm Chấn Nam bị phái Thanh Thành và Mộc Cao Phong gia hại cùng lời di ngôn nhờ mình truyền lại cho Lâm Bình Chi ra sao, anh em họ Vương đã nghi ngờ thế nào… Chàng chân tình kể ra hết.
Bà bà nói:
– Thì ra là vậy.
Bà dừng một lúc rồi nói tiếp:
– Sao ngươi không kể rõ đầu đuôi cho sư phụ và sư nương ngươi biết để bớt đi điều nghi kỵ? Ta là người xa lạ chưa từng quen biết, sao ngươi lại kể rõ với ta không giấu giếm điều gì?
Lệnh Hồ Xung nói:
– Đệ tử không hiểu rõ tại sao. Có lẽ sau khi nghe tiền bối nhã tấu, đệ tử ngưỡng mộ phong cách của tiền bối nên không có chút nghi ngờ.
Bà bà nói:
– Vậy tại sao đối với sư phụ sư nương, ngươi lại có ý nghi ngờ?
Lệnh Hồ Xung giật mình đáp:
– Đệ tử vạn lần không dám. Nhưng… ân sư lại đem lòng nghi ngờ đệ tử, chuyện này cũng không trách ân sư được.
Bà bà nói:
– Ta nghe ngươi nói ngữ khí rất yếu ớt. Đang tuổi thanh xuân không ai như vậy cả. Nguyên cớ vì sao? Ngươi bị bệnh hay bị trọng thương?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Đệ tử bị nội thương rất nặng.
Bà bà nói:
– Trúc hiền điệt, ngươi dẫn vị thiếu quân này đến bên cửa sổ phòng ta để ta chẩn mạch thử coi.
Lục Trúc Ông dẫn Lệnh Hồ Xung đến bên cửa sổ tiểu xá mé trái, bảo hắn đưa tay trái vào bên trong rèm trúc. Phía trong rèm trúc lại có một tấm màn bằng vải sa mỏng. Lệnh Hồ Xung chỉ thấy thấp thoáng có bóng người, còn tướng mạo mặt mũi ra sao thì không thấy được. Chàng nghe ba đầu ngón tay mát rượi đặt lên cổ tay mình.
Bà bà chẩn mạch trong giây lát, kinh hãi ồ lên một tiếng, nói:
– Thật là cổ quái!
Một lúc sau bà nói tiếp:
– Đưa tay phải vào cho ta.
Sau khi chẩn mạch đủ hai tay cho Lệnh Hồ Xung, bà bà trầm ngâm không nói.
Lệnh Hồ Xung mỉm cười nói:
– Tiền bối không nên lo âu cho sự sống chết của đệ tử. Đệ tử tự biết mình sống chẳng bao lâu nữa nên đã sớm không quan tâm đến tính mạng rồi.
Bà bà hỏi:
– Sao ngươi lại tự biết tính mạng mình không còn lâu dài?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Đệ tử đã ngộ sát sư đệ, làm mất Tử hà bí cấp của sư môn. Đệ tử chỉ mong tìm được bí cấp trả lại cho sư phụ rồi tự sát để tạ tội với sư đệ.
Bà bà nói:
– Tử hà bí cấp ư? Đó đâu phải là vật phi thường? Vì sao ngươi lại ngộ sát sư đệ?
Lệnh Hồ Xung liền đem chuyện Đào Cốc lục tiên đã trị thương thế nào, sáu luồng chân khí giao chiến trong cơ thể ra sao, sư muội đã ăn cắp bí cấp đem đến để cho chàng tự trị thương nhưng bị cự tuyệt ra sao, sư đệ Lục Đại Hữu tự đọc bí cấp bị chàng xuống tay điểm huyệt quá nặng dẫn đến cái chết thế nào… Lệnh Hồ Xung thực tình kể ra hết.
Bà bà nghe xong bèn nói:
– Không phải ngươi giết sư đệ của ngươi đâu.
Lệnh Hồ Xung giật mình hỏi:
– Không phải đệ tử giết ư?
Bà bà đáp:
– Chân khí của ngươi yếu ớt dù điểm vào huyệt Đản trung của gã thì cũng không thể giết được gã. Sư đệ của ngươi bị người khác giết đó.
Lệnh Hồ Xung lẩm bẩm:
– Vậy ai đã giết Lục sư đệ?
Bà bà nói:
– Người ăn cắp bí cấp chưa chắc đã là người giết sư đệ của ngươi, nhưng hai người này tất có liên quan với nhau.
Lệnh Hồ Xung thở một hơi dài như vừa cất được tảng đá ngàn cân đè lên tâm tư. Chàng cũng đã từng nghĩ tới chuyện chàng điểm huyệt Lục Đại Hữu rất nhẹ làm sao có thể khiến gã chết được. Chỉ vì thâm tâm chàng luôn tiềm ẩn cảm giác Lục Đại Hữu dù phải hay không phải do chàng điểm chết thì cũng vì chàng mà chết. Bậc nam tử hán đại trượng phu há có thể trốn tránh tội lỗi, tìm cớ này cớ nọ để gỡ tội cho mình. Mấy ngày qua Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi thân mật khác thường, chàng đau lòng vì thất tình nên không muốn sống nữa, chỉ nghĩ tới chữ “chết”. Lúc này nghe bà bà giải thích lòng chàng lập tức nảy lên sự phấn khích. Chàng tự nhủ: Báo thù! Báo thù! Phải sống để báo thù cho Lục sư đệ.
Bà bà nói:
– Ngươi bảo trong nội thể ngươi có sáu luồng chân khí giao nghịch nhưng ta lại thấy trong kinh mạch ngươi có đến tám luồng. Tại sao như vậy?
Lệnh Hồ Xung cười ha hả kể lại chuyện Bất Giới hòa thượng đã trị thương cho mình ra sao.
Bà bà tủm tỉm cười rồi nói:
– Tư chất các hạ thông minh, tuy mạch tức hỗn loạn nhưng không giống người bị suy kiệt. Để ta tấu một khúc đàn cho các hạ bình phẩm được chăng?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Tiền bối đã chiếu cố, đệ tử xin thọ lãnh.
Bà bà ừ một tiếng, tiếng đàn lại ngân lên. Khúc điệu rất nhu hòa tựa như lời nhắn nhủ, lại giống như hạt sương mai thấm nhuần vào cánh hoa, nhẹ nhàng phất phơ như gió thoảng.
Lệnh Hồ Xung nghe được một lúc thì mí mắt trĩu xuống, lòng thầm nhủ: Không thể ngủ được! Ta đang nghe tiền bối gảy đàn, nếu ngủ thì chẳng phải là rất bất kính sao?
Tuy Lệnh Hồ Xung cố sức để giữ tỉnh táo nhưng cuối cùng cũng không kháng cự lại được con ma ngủ. Không bao lâu mi mắt chàng nhắm lại không mở lên được nữa, người mềm ra, nằm xuống đất ngủ ngon lành. Trong giấc ngủ, chàng vẫn nghe văng vẳng tiếng đàn nhu hòa tựa hồ như một bàn tay mềm mại đang vuốt tóc mình, khiến chàng hồi tưởng lại thời ấu thơ được sư nương ôm ấp trong lòng, cảm thụ được sự trìu mến yêu thương của bà.
Qua một hồi lâu, tiếng đàn dừng lại. Lệnh Hồ Xung giật mình tỉnh giấc, vội vàng đứng dậy không giấu được vẻ xấu hổ nói:
– Đệ tử thật đáng chết, không chuyên tâm nghe khúc nhã tấu của tiền bối mà lại ngủ mất tiêu, lòng rất hoảng sợ.
Bà bà nói:
– Ngươi không cần phải tự trách. Ta tấu khúc nhạc vừa rồi là có ý thôi miên, muốn giúp điều hòa các luồng chân khí xung đột trong nội thể của ngươi. Ngươi vận nội tức xem có giảm bớt được khó chịu chút nào không.
Lệnh Hồ Xung vui mừng nói:
– Đa tạ tiền bối.
Lệnh Hồ Xung liền ngồi xếp bằng xuống đất, từ từ vận nội tức, cảm thấy tám luồng chân khí vẫn xung kích nhau, chỉ khác ở chỗ trước kia máu nóng trong ngực lập tức trào lên khiến muốn nôn ra còn bây giờ thì tình trạng này đã giảm bớt nhiều. Nhưng chàng chỉ vận khí được chốc lát thì đầu nhức mắt hoa, lại ngã lăn ra đất.
Lục Trúc Ông vội chạy lại đỡ dậy rồi đưa chàng vào phòng.
Bà bà nói:
– Công lực của Đào Cốc lục tiên và Bất Giới hòa thượng rất thâm hậu, họ đã truyền chân khí vào người các hạ. Tiếng đàn mỏng manh của ta chẳng những không điều hòa được mà còn khiến cho các hạ phải chịu thêm đau khổ, ta thật áy náy.
Lệnh Hồ Xung vội nói:
– Sao tiền bối lại nói vậy? Được nghe khúc nhạc này đệ tử thấy rất có ích cho mình.
Lục Trúc Ông cầm bút nhúng vào nghiên mực viết lên giấy:
– Sao không xin truyền thụ khúc này để có ích suốt đời.
Lệnh Hồ Xung hiểu ra, vội nói:
– Đệ tử bạo gan xin tiền bối truyền thụ cho khúc này để đệ tử tự điều trị thương thế.
Lục Trúc Ông hớn hở, gật đầu lia lịa.
Bà bà không đáp ngay, một lúc sau mới nói:
– Ngươi đánh đàn ra sao? Sao không tấu thử một khúc?
Lệnh Hồ Xung thẹn đỏ mặt, nói:
– Đệ tử chưa bao giờ được học đàn nên chẳng biết chút gì, vậy mà muốn học theo ngón đàn cao thâm của tiền bối thì thật quá mạo muội. Xin tiền bối tha thứ cho cái tội ngông cuồng của đệ tử.
Lệnh Hồ Xung quay sang Lục Trúc Ông xá dài rồi nói:
– Đệ tử xin cáo từ.
Bà bà nói:
– Các hạ hãy khoan đi. Ta được các hạ khẳng khái tặng cho khúc phổ tuyệt diệu, hổ thẹn vì không có gì báo đáp. Các hạ bị trọng thương khó chữa cũng khiến cho ta cảm thấy áy náy. Trúc điệt, ngày mai ngươi hãy truyền thụ cách tấu dao cầm cho Lệnh Hồ thiếu quân. Nếu Lệnh Hồ thiếu quân nhẫn nại có thể ở lại Lạc Dương lâu thì… thì đem khúc “Thanh tâm phổ thiện chú” của ta truyền lại cho Lệnh Hồ thiếu quân cũng được.
Bà nói câu sau cùng rất nhỏ, cơ hồ như không nghe được.
Sáng hôm sau, Lệnh Hồ Xung đến học đàn ở trúc xá trong ngõ hẻm. Lục Trúc Ông lấy ra một cây dao cầm dạy âm luật cho chàng. Lão giảng:
– Nhạc luật có mười hai luật là Hoàng chung, Đại lữ, Thái thốc, Giác chung, Cô tẩy, Trung lữ, Nhung tân, Lâm chung, Di tắc, Nam lữ, Vô xạ, Ứng chung. Những luật này có từ đời xưa. Tương truyền rằng Hoàng Đế ra lệnh cho Thái Luân làm ra nhạc luật, nghe tiếng kêu của loài chim phượng hoàng mà định ra mười hai luật đó. Dao cầm bảy dây có đủ năm âm là Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ; nhất huyền làm Hoàng chung, tam huyền làm Cung điệu, nhạc có năm điệu là Man giác, Thanh thương, Cung điệu, Man cung và Nhung tân.
Lão giải thích rất tường tận. Tuy về âm luật, Lệnh Hồ Xung không biết tí gì nhưng tư chất hắn thông minh, nghe qua thì hiểu ngay. Lục Trúc Ông rất vui liền truyền thụ chỉ pháp, dạy Lệnh Hồ Xung thử tấu một tiểu khúc là “Bích tiêu ngâm”. Lệnh Hồ Xung học vài lần thì tấu được, tuy vài âm chưa chuẩn, ngón tay còn vụng về nhưng chàng tấu lên mênh mang khoáng đạt như vòm trời quang đãng xanh biếc vạn dặm không gợn một chút mây.
Lệnh Hồ Xung tấu xong tiểu khúc, bà bà ở phòng bên tấm tắc khen:
– Lệnh Hồ thiếu quân, thiếu quân học đàn thông minh như vậy thì chẳng bao lâu có thể học được khúc “Thanh tâm phổ thiện chú” rồi.
Lục Trúc Ông nói:
– Cô cô, Lệnh Hồ huynh đệ mới học nhưng đã tấu được khúc “Bích tiêu ngâm”, tình ý trong tiếng đàn còn cao hơn cả điệt nhi nữa. Tiếng đàn đúng là tiếng lòng của Lệnh Hồ huynh đệ thể hiện tính tình phóng khoáng, có nhiều hoài bão.
Lệnh Hồ Xung khiêm tốn nói:
– Tiền bối quá khen, không biết đến bao giờ đệ tử mới có thể tấu được khúc “Tiếu ngạo giang hồ” như tiền bối.
Bà bà kinh hãi nói:
– Ngươi… ngươi cũng muốn tấu khúc “Tiếu ngạo giang hồ” ư?
Lệnh Hồ Xung đỏ mặt nói:
– Hôm qua, đệ tử nghe tiền bối nhã tấu cầm tiêu, lòng rất ngưỡng mộ nên sinh ra si tâm vọng tưởng. Ngay cả Lục Trúc tiền bối cũng không thể tấu được thì nói chi đến đệ tử.
Bà bà không đáp, một lúc sau mới khẽ nói:
– Nếu ngươi có thể đàn được thì hay lắm.
Bà nói rất khẽ rồi buông tiếng thở dài.
Liên tục mười hai ngày, sáng nào Lệnh Hồ Xung cũng tìm đến hẻm nhỏ học đàn trong trúc xá cho đến tối mịt mới về. Chàng ăn cơm trưa với Trúc Ông, tuy chỉ có rau dưa nhưng cảm thấy ngon hơn cá thịt ở nhà Vương Nguyên Bá, tuyệt hơn nữa là mỗi bữa ăn đều được uống rượu ngon. Tửu lượng của Lục Trúc Ông không cao nhưng rượu trữ lại toàn là mỹ tửu. Lão biết rất rộng về rượu, biết rõ lai lịch của các thứ rượu ngon trong thiên hạ, mới nếm qua đã phân biệt được năm chưng cất. Lệnh Hồ Xung nghe được những điều mà mình chưa từng biết, lòng mừng rỡ vô hạn.
Có mấy hôm Lục Trúc Ông đi bán những thứ đan lát được, chàng được bà bà ở phòng bên cạnh chỉ dạy qua bức rèm trúc. Dần dần những thắc mắc trong âm nhạc mà Lệnh Hồ Xung đưa ra thỉnh giáo Lục Trúc Ông khiến lão không giải đáp được, bây giờ Lệnh Hồ Xung được học với bà bà nên hiểu ra ngay.
Nhưng Lệnh Hồ Xung vẫn chưa thấy được khuôn mặt bà bà. Nghe giọng nói dịu dàng của bà, dường như là giọng của một vị thiên kim tiểu thư của một đại gia chứ không giống một bà già ẩn cư trong hang cùng ngõ hẻm. Chàng cho rằng bà bà thấm nhuần âm luật từ thuở ấu thơ nên ngay cả giọng nói cũng rất hay, về già vẫn không thay đổi. Hôm ấy bà bà dạy cho chàng khúc “Hữu sở tư”, một cổ khúc đời Hán, tiết tấu uyển chuyển. Lệnh Hồ Xung nghe mấy lần theo đó mà luyện tập. Không hiểu sao chàng nghĩ lại ngày trước khi chàng và Nhạc Linh San còn là hai đứa trẻ vô tư cùng vui chơi bên nhau, nghĩ đến chuyện cả hai luyện kiếm ở thác nước, chuyện cô đưa cơm lên ngọn núi sám hối. Tình cảm của tiểu sư muội đối với mình rất thắm thiết bỗng dưng xuất hiện gã Lâm Bình Chi thì càng ngày càng lạnh nhạt. Lòng Lệnh Hồ Xung chợt đau xót thê lương, tiếng đàn bỗng biến đổi, xuất hiện mấy âm sơn ca Phúc Kiến, bài hát mà Nhạc Linh San đã hát lúc xuống núi. Lệnh Hồ Xung giật mình, dừng tay không đàn nữa. Bà bà ôn tồn nói:
– Đây là khúc “Hữu sở tư”, ngươi tấu khá lắm, tình ý hòa hợp nhập vào khúc điệu, chắc lòng ngươi đang nghĩ đến chuyện cũ. Nhưng tại sao bỗng nhiên xuất hiện mấy âm điệu Phúc Kiến, nghe ra giống như ly ca thật là khó hiểu? Ấy là vì nguyên cớ gì?
Tính tình Lệnh Hồ Xung vốn phóng khoáng, tâm sự này chất chứa trong lòng đã lâu, mười hai ngày qua bà bà lại đối xử rất tốt. Chàng không nén được nữa bèn kể hết chuyện Nhạc Linh San thay lòng đổi dạ với mình. Lệnh Hồ Xung chân tình kể rõ ngọn ngành, xem bà bà như tổ mẫu, mẫu thân hoặc là tỉ tỉ, muội muội thân thích. Chàng kể xong, cảm thấy rất hổ thẹn bèn nói:
– Thưa bà bà, tâm sự vớ vẩn của đệ tử mà đem kể ra huyên thuyên cả nửa ngày thì thật là… thật là…
Bà bà dịu dàng nói:
– Chuyện nhân duyên không thể cưỡng cầu mà được. Cổ nhân nói rất đúng: “Có mối nhân duyên chẳng chọn người”. Lệnh Hồ thiếu quân, ngày nay Lệnh Hồ thiếu quân thất vọng nhưng biết đâu ngày sau sẽ gặp được giai ngẫu khác.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Đệ tử cũng không biết có thể sống được bao lâu nữa nên chuyện gia thất chắc không bao giờ có đâu.
Vị bà bà im lặng, tiếng đàn nhẹ vang lên, lại là khúc “Thanh tâm phổ thiện chú”. Lệnh Hồ Xung nghe một lúc đã cảm thấy buồn ngủ. Bà bà dừng đàn, nói:
– Bây giờ ta bắt đầu truyền thụ khúc này cho ngươi, đại khái trong vòng mười ngày thì có thể học xong. Từ nay về sau, mỗi ngày nên học tấu thì công lực không thể phục hồi lại đầy đủ nhưng ít nhiều cũng có lợi.
Lệnh Hồ Xung đáp dạ.
Vị bà bà liền truyền chỉ pháp khúc phổ, Lệnh Hồ Xung dụng tâm ghi nhớ.
Comments