Nguyên khi được tin cấp cứu của Thuần-Khanh, công chúa Bảo-Hòa liền dùng chim ưng báo cho Nùng Trí-Cao biết để kịp đem quân cứu viện. Trí-Cao thỉnh ý kiến Trần Trung-Đạo. Trung-Đạo lý luận:
– Không cần đem quân giải vây cho Thuần-Khanh. Thuần-Khanh lui giữ đèo Nam-sơn, với đội thú rừng thì không dễ gì Toàn Huy chiếm được. Cứ tình hình mà xét thì chậm lắm là trưa hôm nay thân mẫu cháu chiếm xong thành Hoành-châu, tất bà đem quân cứu Thuần-Khanh. Nay Toàn Huy dồn hết quân đuổi Thuần-Khanh, ắt thành bỏ trống. Ta nên đem quân đánh úp Củng-châu. Như vậy không cần giao chiến, quân Toàn Huy cũng tan.
Trí-Cao truyền lệnh cho Hữu-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, Na-dương hầu Vi-Chấn đem một nghìn quân kị lên đường đánh Củng-châu. Quả nhiên ông chiếm Củng-châu dễ dàng. Chiếm thành xong, ông cho phục binh sẵn. Khi Toàn Huy bị thua chạy về, vừa vào thành thì bị phục binh bắt. Đám quân đi sau kinh hãi, bỏ chạy, bị Thuần-Khanh bắt hết.
Quân sĩ trói Toàn Huy giải vào trình diện Vi Chấn. Toàn Huy đứng sững, không chịu quỳ gối. Vi Chấn hỏi:
– Tên nho sinh mặt trắng kia, mi đã bị bắt mà còn chưa biết thân phận ư? Bộ mi chê gươm ta không sắc sao?
Toàn Huy cười nhạt:
– Ta chẳng may thua trí mi mà bị bắt. Đầu kẻ sĩ có thể trảm, mà không thể chịu nhục. Mi chém ta đi cho rồi.
Vi Chấn cười nhạt:
– Được, ta không giết mi, mà để cho hổ xơi thịt mi, xem mi có ngang ngược được không?
Ông hú lên một tiếng, hai con hổ từ ngoài chạy vào há miệng đỏ lòm, gầm gừ tiến tới cạnh Toàn Huy. Toàn-Huy cười ha hả:
– Người đời chết rồi bị chôn. Thịt, xương để cho dun dế ăn. Riêng ta, lại được hổ ăn, thực cũng khoái. Ha, ha.
Hai con hổ ghé răng cà vào đùi Toàn Huy, y tuyệt không sợ hãi, sắc mặt thản nhiên. Y ngửa mặt lên trời nói lớn bằng tiếng Việt:
– Người Việt chúng tao có câu hát để tỏ chí khí rằng:
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi vào,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Cho nên nay ta chết trong bụng cọp thì con gì hơn.
Vi Chấn kinh hãi hỏi:
– Toàn tiên sinh, tiên sinh là người Việt sao? Như vậy Chấn này thực có tội.
Vi Chấn vội cởi trói cho Toàn Huy:
– Nếu như lúc đầu tiên sinh cho ta biết rằng tiên sinh là người Việt thì đâu đến nỗi có chuyện hiểu lầm. Chấn này thực đắc tội.
Toàn Huy chắp tay:
– Kể về tuổi, quân hầu ngang với phụ thân tôi. Kể về tài, về đức, quân
hầu thực là người có đại công với tộc Việt, Huy này đâu dám bắt lỗi.
Thế rồi Toàn Huy trình bầy cho Vi Chấn biết: y đỗ tiến sĩ năm mười chín tuổi. Nhưng vì là người Việt, y không được bổ dụng vào những chức vụ quan trọng. Cuối cùng nhờ Yến Thù, y được đưa ra biên giới làm tham quân cho Tần-vương Tự-Mai trong cuộc phòng thủ Liêu. Khi Tần-vương Tự-Mai rời mặt trận phía Bắc, đề bạt y vào chức huyện lệnh. Triều đình cho y về trấn Củng-châu.
Toàn Huy cung cấp bố trí quân sự, dân số, tài nguyên, dân tình trong vùng lưỡng Quảng với Vi Chấn.
Thuần-Khanh đã giải tù binh về. Thuần-Anh truyền tha hết, rồi cứ hai binh Tống, một binh Việt, tổ chức thành đạo quân mới. Những quan lại cũ được giữ nguyên chức tước. Quan, quân đều vui mừng, vì lương bổng bên Đại-Việt cao gấp đôi bên Tống. Thuần-Anh sai đem gia đình quan, quân Củng-châu về Trường-sinh, cho đến khi hết chiến cuộc. Vì vậy đạo quân đánh Hoành-châu, Ninh-châu, Củng-châu chưa quá mười ngàn, nay thành ba chục ngàn. Thanh thế rất lớn.
Mấy hôm sau, vua Bà cùng phò mã Thân Thiệu-Thái tới. Thuần-Anh vội đem văn võ các quan ra tiếp đón. Gặp Toàn Huy, vua Bà mừng lắm, dắt tay y cho ngồi bên cạnh, rồi nói như mẹ nói với con :
– Có phải cháu tên thực là Phạm Đình-Huy không? Ta biết khi ra làm quan với Tống, cháu cải danh là Toàn Huy. Thực là trời đem cháu về với Đại-Việt. Trong tất cả các tướng sĩ trẻ của ta, duy Thường-Kiệt, Dư Phi là người đọc sách. Nhưng Dư Phi thì ham thanh, ham chơi. Thường-Kiệt lại không có kinh nghiệm, hiểu về lưỡng Quảng bằng cháu. Nay ta để cháu cạnh Trí-Cao, hầu giúp Trí-Cao tổ chức Trường-sinh thành nước Đại-Nam có văn hiến. Tuổi cháu còn trẻ, ta hy vọng cháu sẽ có sự nghiệp như tể tướng Phương-Dung thời Lĩnh-Nam.
Vua Bà phong cho Toàn Huy chức Trung-nghĩa đại tướng quân. Huy lạy tạ. Bà hỏi:
– Ta nghe cháu kết bạn với bốn người nữa thành năm người xưng là Quảng-Đông ngũ cái, đều đỗ Tiến-sĩ, duy chỉ mình cháu xuất ra làm quan là tại sao? Họ hiện ở đâu?
– Tâu năm đứa chúng cháu đều là người Việt kết bạn với nhau theo thứ tự là Đinh Nho-Quan, Phạm Đình-Huy, Phạm Văn-Nhân, Hồ Liên-Biện, Đặng Vũ-Nùng. Chúng cháu đỗ Tiến-sĩ cùng khoa. Tống triều bổ nhiệm làm quan nhưng tất cả đều khinh thế, ngạo vật chối rằng: Thà đi ăn mày chứ không làm quan với Tống. Vì vậy nhân sĩ Nam phương gọi chúng cháu là Quảng-Đông ngũ cái, tức năm tên ăn mày vùng Quảng-Đông. Sau vì bị nghi ngờ, chúng cháu quyết định một người hy sinh ra làm quan. Anh em rút thăm, cháu bị thua phải xuất chính.
Vua Bà mỉm cười hỏi tiếp:
– Hành trạng bốn người bạn của cháu ra sao?
– Tâu, nhỏ nhất là Đặng Vũ-Nùng, có tài cai trị về thuế khóa, về học chính và nhất là tài an dân. Y có biệt hiệu là Thiên-chung tiên sinh, vì y uống rượu không bao giờ say. Ngược lại không cho y uống rượu thì y chết.
Vua Bà nghĩ thầm:
– Ta phải mời Đặng ra giúp Trí-Cao, tổ chức học chính cho nước Đại-Nam.
Bà hỏi:
– Còn tài năng mấy người kia?
– Hồ Liên-Biện ngoài văn hay, chữ tốt ra y có tài biện thuyết. Bất cứ vấn đề gì, y cũng có thể nói ngược, nói xuôi mà vẫn có lý. Phạm Văn-Nhân, y có tài về điển chế, luật lệ, và nhất là tổ chức tế tác.
– Hay! Thế còn Đinh Nho-Quan? Tài Đinh so với cháu ra sao?
– Đinh đại ca có tài kinh thiên động địa, có thể so sánh với Gia-cát Lượng thời Tam-quốc, Ngụy Trưng thời Đường Thái-tông, Triệu Tấn thời Tống thái tổ.
– Cháu ạ! Cháu đã về với Đại-Việt thì nên giúp Trí-Cao, mời Quảng- Đông ngũ cái xuất chính, giúp y kiến thiết một nước Đại-Nam hùng mạnh.
Bà ban chỉ đại xá trên toàn ba châu Hoành, Ninh, Củng. Truyền tha tô thuế trong một năm. Tha thuế cho tất cả những người thiếu nợ mấy năm trước. Dân chúng hân hoan mừng rỡ vô cùng. Vua Bà ban chỉ dụ:
– Việc cai trị Hoành-châu, Ninh-châu, Củng-châu ta để cho Nùng phu nhân đảm nhiệm. Còn lại Vi Chấn, Thuần-Khanh, Toàn Huy với ta đi trợ chiến Trí-Cao đánh Ung-châu.
Vua Bà truyền Vi Chấn:
– Hữu-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, cùng trung-nghĩa đại tướng quân đem thú binh, kị binh đi tiên phong. Thuần-Khanh cùng sư phụ đem bộ binh đi sau. Nhớ dùng chim ưng liên lạc để tránh ngộ nhận.
Hai đoàn binh tướng lên đường. Trưa hôm đó còn cách Ung-châu hơn mười dậm, thì Vi Chấn thấy xa xa khói bốc lên ngùn ngụt. Ông hỏi Toàn Huy:
– Cháu thử đoán xem những gì đang xẩy ra tại Ung-châu?
– Khói lên thế kia, ắt trong thành nhiều chỗ cháy. Quân Tống không thể đốt nhà, vì nhà là nơi vợ con, anh em chúng ở. Quân Việt mình là quân nhân nghĩa, đi đòi lại dân, đòi lại đất, có đâu đốt nhà? Vậy cái gì đã xẩy ra? Trong kế hoạch thì tế tác sẽ đánh chiếm phủ tổng trấn, cho quân ở ngoài vào. Bất quá tế tác đốt phủ tổng trấn, với một phủ cháy, khói cũng không nhiều thế kia. Cháu đoán rằng…
Vi Chấn thấy Toàn-Huy phân tích chính xác, trong lòng ông khâm phục người trẻ, mà tài cao. Ông hỏi:
– Như vậy thì…?
– Quân mình đã chiếm được thành. Sau khi chiếm thành, mình dùng cỏ đốt nhiều nơi cho khói bốc lên, mục đích khiến cho đạo quân cứu Tầm-châu, quân trong thành Tầm-châu, Đằng-châu kinh tâm động phách mà bỏ chạy hoặc đầu hàng.
– Cháu đoán đúng.
Hai tướng cùng đội kị mã phi như bay, phút chốc đã tới gần Ung-châu. Xa xa, thấy cờ Đại-Việt tung bay trên kỳ đài. Nhưng khói trong thành vẫn bốc lên cuồn cuộn. Hai tướng mừng vô hạn, cho dừng quân ngoài thành, rồi sai người vào loan tin. Một lát sứ giả ra báo:
– Nùng hầu kính thỉnh nhị vị đóng quân bên ngoài, rồi vào thành tương kiến.
Hai người theo sứ giả. Nùng Trí-Cao ra trước dinh trấn thủ cung tay:
– Kính chào Vi sư thúc. Đa tạ sư thúc cứu Thuần-Khanh. Nếu sư thúc chậm trễ thì cháu đã mất vợ.
Y nói nhỏ:
– Nói dại, lỡ mà Thuần-Khanh chết, thì cháu đến theo gương Thái-sư, trọn đời không nhìn đến người con gái nào khác.
Vi-Chấn khen:
– Cháu thực là một thiếu niên nòi tình hiếm có. Trong thế gian, những kẻ tham dâm, hiếu sắc thì nhiều, còn những đấng đa tình thực không có mấy.
Vi Chấn hỏi Trí-Cao:
– Có phải cháu đốt cỏ để làm nát lòng quân Tống ở Đằng-châu, Tầm-châu không?
– Sư thúc đoán không sai. Chim ưng cho biết, đám quân Ung cứu viện Tầm-châu vẫn cầm cự với quân ta. Cho nên cháu đốt cỏ để làm loạn lòng chúng. Còn thành Đằng-châu thì đã chiếm xong rồi. Nội ngày mai, chúng ta có thể tiến về đánh Thương-ngô, Phong-sơn được rồi.
Vi Chấn vẫy Trí-Cao ra ngoài, nói nhỏ:
– Vua bà Bình Dương có lời dặn cháu: Nhân sĩ Quảng rất nhiều, phải khuất thân mà thỉnh họ ra giúp, để lập triều đình Đại-Nam. Thôi ta để Toàn Huy lại với cháu. Ta ra ngoài kiểm điểm binh mã.
Nói rồi ông đứng lên, rời khỏi trướng.
Trí-Cao hướng Toàn Huy kính cẩn hành lễ:
– Từ lâu, Cao này hằng nghe danh tiên sinh như sấm động bên tai, nên luôn ước ao có ngày được tương kiến. Hôm nay đây, Cao được thư của vua Bà báo rằng tiên-sinh về với Đại-Việt, thực lấy làm mừng vô cùng. Nào tiên sinh vào đây, chúng ta bàn chuyện an dân.
Trà nước xong xuôi, Trí-Cao hướng Toàn Huy:
– Cao này trẻ người non dạ, tâm trí tối tăm. Vì hoàn cảnh phải tuân lời sư phụ mà gánh vác trọng trách. Nay gặp tiên sinh là đấng học nhiều, biết rộng, xin rửa tai nghe lời vàng ngọc của tiên sinh.
Toàn Huy thấy Trí-Cao có cái tư cách của vua Ngô, vua Đinh, hơi giống Cao-tổ nhà Hán, Hậu-chúa thời Tam-quốc, thì nghĩ thầm:
– Người này là một thứ anh hùng thảo dã, nhưng chí thực không nhỏ. Vậy ta cũng nên giúp y.
Nghĩ thế Toàn Huy đáp lễ:
– Huy này đọc được dăm ba quyển sách, đâu dám tự nhận là bậc trí tuệ. Nhưng quân hầu đã hỏi, đành phải trả lời. Trước hết xin quân hầu cho biết cái chí của quân hầu đã.
Trí-Cao đứng dậy vái liền ba vái, rồi cung cung, kính kính nói:
– Đời vua Hùng, nước Văn-lang ta tới hồ Động-đình. Khi vua An-dương dựng triều Thục thì Tần thống nhất các nước thuộc tộc Hán, rồi sai Đồ Thư vượt sông chiếm mất phần đất Bắc Ngũ-lĩnh và vùng Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận. Vua An-Dương nhờ trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung diệt nửa triệu quân Tần, giết Đồ Thư ở Ma-Tần lĩnh. Nhưng ngài không thừa thắng chiếm lại vùng đất đã mất. Đó là một thời. Ngày nay, mỗi khi nghĩ lại, Cao thường ứa gan, nghiến răng thống hận, đôi khi phát khóc.
Tuy Trí-Cao chỉ nói mấy lời, nhưng Toàn-Huy cũng biết gã thiếu niên này hào khí không tầm thường.
Trí-Cao tiếp:
– Vua An-Dương cả tin người, mà mất nước vì cái vạ Mỵ-Châu, Trọng-Thủy. Tộc Việt từ đấy chia ra làm nhiều mảnh. Mảnh nói tiếng Thái gồm Tượng-quận, Lão-qua, Xiêm-quốc. Mảnh nói tiếng Chàm gồm vùng Chiêm-quốc. Mảnh nói tiếng Chân sau thành Chân-lạp. Mảnh nói tiếng Việt pha Hoa gồm vùng Nam-hải, Quế-lâm, nay là lưỡng Quảng. Mảnh nói tiếng Việt nay là Đại-Việt. Đến thời Lĩnh-Nam, vua Trưng cùng một trăm sáu mươi hai anh hùng dựng lại nước. Nhưng đúng lúc ta dựng nước, thì bên Trung-nguyên triều Đông-Hán lại trung hưng. Quân, tướng non yếu, ít ỏi của ta, mà phải đối chọi với quân tướng có hơn hai mươi năm chinh chiến, lại rất đông đảo của Hán. Vì vậy, cuối cùng cũng mất nước. Đó là một thời.
Trí-Cao ngẫm nghĩ một lúc rồi tiếp:
– Từ khi đức Thái-tổ bản triều lĩnh mệnh trời, đem nhân nghĩa của nho, đem từ bi hỉ xả của Phật trị dân, khiến cho dân giầu, nước mạnh, người người đều ca tụng công đức. Nhưng chí của ngài thì e phía Bắc không lên quá Tả, Hữu giang. Phía Nam chẳng tới kinh đô Phật-thệ, phía Tây không quá Lão-qua. Người không nghĩ đến đòi lại lưỡng Quảng đã đành, mà còn coi Đại-lý, Xiêm-la, Lão-qua, Chân-lạp như những nước khác ngoài tộc Việt. Nhưng rất may…
Y nói gằn từng tiếng:
– Trong triều còn có Khai-Quốc vương, võ lâm còn phái Đông-a, Sài-sơn, Mê-linh, Tây-vu, Tản-viên, bang Nhật-hồ. Lại còn Thuận-Thiên thập hùng, Tân-quy thất kiệt. Các vị đó đâu phải là người không có tài trí? Thế nhưng sự trải đã hai mươi năm, bây giờ mới bắt đầu thực hành. Người Hán, ảnh hưởng của Kinh-thư, cho rằng Nam là Man. Tây là Nhung. Bắc là Địch. Đông là Di đã đành, thế mà các văn quan Đại-Việt cũng học thói ngu xuẩn, coi khê động như man mọi. Họ coi tộc Nùng như một thứ dân ngu dốt, không phải người Việt. Cũng may các đại tôn sư võ nghệ, Khai-Quốc vương, vua Bà có cái nhìn khác, các vị không chê Cao này ngu dốt, trao cho lưỡng Quảng. Vậy tiên sinh bảo Cao này phải làm gì?
Toàn Huy ngồi ngay ngắn lại, rồi cung tay:
– Huy này vốn gốc người Việt, thực sự họ Phạm, tên Đình-Huy, nhưng vì tiềm ẩn, mà lấy chữ Toàn thay họ; lưu lạc ở vùng lưỡng Quảng, cái sở học về Đại-Việt rất ít, mà cái học về văn hóa tộc Hán lại nhiều. Trong buổi sơ giao, quân hầu tin tưởng mà mở lòng dạ tin nhau, nên tuy biết tài trí không đủ, cũng mạo muội trình bày.
Y lấy trong bọc ra một tấm lụa, trên vẽ sông ngòi tám vùng tộc Việt, rồi nói:
– Ý quân hầu với Thái-sư là muốn thống nhất tộc Việt như thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, hoặc không được thì ít ra tám vùng cũng liên hợp lại, để không bị Tống xâm chiếm. Có phải thế không?
– Đúng vậy.
– Trước hết Huy này xin lạm bàn về cái thế của tộc Việt với thiên hạ. Phía Bắc có Tống, nước văn hiến, người đông, lúc nào cũng nghĩ mình là thiên triều. Trên từ vua cho đến quần thần đều ảo tưởng thế. Họ coi tộc Việt là Nam-man. Trong khi đó nho ở Đại-Việt, Đại-lý đã mạnh. Các nho thần không ít thì nhiều bị ảnh hưởng thư tịch Trung-quốc, rồi cứ nghĩ Trung-quốc là con trời, mình là Nam-man, nên sẵn sàng quỳ gối tôn phục. Đây là một trở ngại lớn của Thái-sư, của quân hầu.
Phạm Đình-Huy ngừng lại, rồi nói rất chậm:
– Tại triều Đại-Việt, thì Hoàng-đế miễn cưỡng phải để cho Thái-sư Bắc-tiến, chứ thực sự ngài chỉ an phận từ Tả-giang, Hữu-giang trở xuống. Hóa cho nên trong triều bọn nho thần mới bắt gió mà cản trở. Cái gã tể tướng họ Dương là một tỷ dụ. Cũng chính vì vậy mới có vụ án Bắc-ngạn. Từ vụ án Bắc-ngạn, tiếng đồn ra ngoài nên bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính mới nghĩ đến Nam xâm mà xẩy ra vụ thảm sát Thăng-long. Nhưng võ lâm đã phản ứng, hai người họ Dương bị giết, và đưa đến cuộc Bắc tiến hôm nay. Cái khó của chúng ta không do binh ít thế cô, mà cần phải thắng được lòng Hoàng-đế Đại-Việt, thắng được bọn hủ nho trong triều. Nay hai việc đó coi như xong.
Huy cầm chung trà uống một hớp rồi tiếp:
– Chiêm, Lào quá nhỏ, lại hay phản phúc theo Tống, vì vậy ta phải chinh phục. Chân-lạp ở xa nhưng chí lại không hợp với ta. Xiêm, Thái cùng một mối nguy Tống đe dọa. Cả hai có thể cùng ta đồng tâm. Đấy là bàn về ta với ta. Ta với Tống. Nhưng phần lớn các nho thần không biết rằng: Tống gọi Liêu là Khất-đan, là Bắc-địch, gọi Tây-hạ là Tây-nhung. Nhưng Hạ, Liêu lại giết chết những ngu phu ẩn trong lòng nho gia của họ rằng Tống là Thiên-triều. Họ đem quân đánh Tống. Họ giết chết cái ông con trời trong lòng vua quan Tống bằng chiến thắng, bằng cách bắt Tống triều cống, bằng cách nay bắt cắt đất, mai bắt cắt đất.
Trí-Cao đứng dậy chắp tay vái một vái:
– Đa tạ tiên sinh mở rộng con mắt cho.
– Nay Hoàng-thượng không muốn trực diện khai chiến đòi đất với tống. Khai-Quốc vương phải nhân danh minh-chủ võ lâm tộc Việt mà làm. Để sau này có thất bại thì người gánh chịu, chứ Hoàng-thượng không biết tới. Hóa cho nên quân hầu được hưởng hết.
– Cao này thực không hiểu.
– Quân hầu phải biết rằng phàm làm vua chúa thì thích quyền hành, thích nước mình rộng. Vậy mà cuộc Bắc-tiến này, một phầm ba Quảng-Tây về phía Tây trao cho Đại-lý. Một phần ba phía Bắc trao cho quân hầu. Một phần ba phía Nam trao cho Thượng-oai.
Trí-Cao hiểu ngay:
– Cao này quá ngu tối. Phần Quảng-Đông cũng cắt làm ba. Một phần phía nam trao cho Phong-châu, Lạng-châu. Hai phần phía Bắc trao cho Cao này. Vì thế lãnh thổ lưỡng Quảng tuy cắt đi khá nhiều, nhưng cũng rộng gấp hai Đại-Việt.
– Quân hầu có biết tại sao Khai-Quốc vương không để lãnh thổ mới của quân hầu nguyên là Trường-sinh trực thuộc Bắc-cương của vua Bà, mà biệt thành nước Đại-Nam như Đại-lý, Đại-Việt?
– Đó chính là điều mà Cao này muốn tiên sinh dạy cho.
– Thời Thuận-Thiên, tộc Nùng bị chia làm hai. Ba động cực Nam là Thảng-do, Vạn-nhai, Vũ-lặc thuộc Bắc-cương của Đại-Việt. Ba mươi ba động thuộc Quảng-Tây của Tống. Dù Khai-Quốc vương với Yên-vương thỏa thuận rằng 207 khê động giữa Tống với Việt thuộc Đại-Việt. Nhưng các biên thần Tống lần lữa áp chế, dụ dỗ những động chủ, châu trưởng, khiến họ phải miễn cưỡng theo Tống. Sang thời Thông-Thụy, vua bà Bình-Dương cùng công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh vượt biên chiếm lại trọn vẹn 207 châu, động. Tộc Nùng thêm ba mươi ba động nữa, thành ba mươi sáu động. Vua Bà biến mấy khê động Nùng lẻ tẻ thành nước Trường-sinh thuộc Bắc-biên. Dân Nùng đa số nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Quảng, văn tự, phong hóa cùng với dân Quảng. Vua Bà là người có lòng quảng đại, cho nên nay đòi đất Quảng người mới chia vùng nói tiếng Thái trở về Đại-lý; vùng nói tiếng Việt về với Lạng-châu, Thượng-oai, Phong-châu; vùng nói tiếng Quảng thuộc Trường-sinh. Trường-sinh bây giờ lớn quá, không thể để thuộc Bắc-biên, cũng không thể để ngang bằng Bắc-biên, mà bằng Đại-lý, Xiêm-la, nên mới thành nước Đại-Nam. Đại-lý, Xiêm-la đều có vua, ắt Đại-Nam cũng phải có vua. Ai làm vua Đại-Nam xứng đáng bằng quân hầu? Tức là Thái-sư với vua bà cho quân hầu danh dự lớn hơn chính vua bà nữa.
Trí-Cao vò đầu:
– Cao này không hiểu sao Thái-sư không để Đại-Nam trực thuộc Đại-Việt, mà đặt ngang với Đại-Việt, như vậy tộc Việt lại xé thành một mảnh khác.
– Trí của Thái-sư rất cao. Người sẽ từ từ bỏ Bắc-biên, rồi biến các nước Phong-châu, Thượng-oai, Lạng-châu thành một nước như Chiêm, Chân, Lão. Sau này bàn thống nhất tộc Việt, thì Đại-Việt cũng chỉ là một nước nhỏ như Đại-Nam, Đại-lý, Xiêm-la, thêm Chiêm, Chân, Lão, Phong, Lạng, Thượng. Ta có mười nước, hợp thành nước Văn-lang hay Lĩnh-Nam cũng được.
Trí-Cao như người ngủ mê mới tỉnh, y đứng dậy chắp tay:
– Cao này đã hiểu tất cả đại thế thiên hạ. Đa tạ tiên sinh dạy dỗ.
– Việc Bắc-tiến, Việt ra quân như sét nổ, khiến Tống choáng váng. Việc bình được vùng Lĩnh-Nam chỉ trong sớm tối, bấy giờ quân hầu sẽ lên ngôi vua nước Đại-Nam, lãnh thổ rộng hơn Đại-lý, Xiêm-quốc, Đại-Việt. Nhưng dân số rất phức tạp. Tất cả đều nói tiếng Quảng như người Nùng, cùng biết rằng mình gốc là người Việt. Nhưng họ học văn chương, lịch sử, kinh điển Trung-quốc, nên họ tự coi mình như một sắc dân văn minh, mà coi sắc dân Nùng như man di, mọi rợ; thế mà họ bị sắc dân Nùng cai trị, vì vậy tất họ không phục. Không phục thì họ nổi dậy chống đối. Khi chống đối mà không đủ sức, ắt họ phải kiếm chỗ dựa. Cái chỗ dựa tốt nhất cho họ là triều Tống. Thế là Tống lại mang quân xuống đánh, trong hào kiệt nổi lên. Quân hầu ở không yên.
Trí-Cao hỏi:
– Như vậy tiên sinh bảo Cao này phải làm gì?
– Không khó. Quân hầu có thấy cái gương Liêu chiếm đất của Tống, mà vẫn cai trị được đó sao? Trước thời Tống, Lưu Trí-Viễn là người Tây-di chẳng cai trị tộc Hoa đó ư? Nay dù cho lưỡng Quảng có thực sự là người Hoa đi, quân hầu cứ bắt chước người Liêu, ta vẫn cai trị họ được như thường. Huống hồ họ là người Hoa gốc Việt. Người Hoa họ không có tinh thần quốc gia. Tất cả đều là Thiên-hạ. Xưa ai có đức thì cai trị họ được, do đó họ không tiếc lời ca tụng Tam-Hoàng, Ngũ-Đế; không tiếc suy tôn Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Nay thì không cần nữa, ai mạnh người ấy làm vua. Huy này xin tiến cử quân hầu năm điều.
Trí-Cao cung tay:
– Xin rửa tai nghe tiên sinh dạy dỗ.
– Một là khi lên ngôi vua, quân hầu đừng nghĩ mình là vua nước lớn hơn Đại-Việt, Đại-lý, Xiêm-la. Trong cung cách đối xử với các nước thuộc tộc Việt, quân hầu cứ tự coi mình như một tước hầu của Trường-sinh, lời lẽ nhún nhường, hậu lễ. Khi Thái-sư thống nhất tộc Việt, người có đưa ra bất cứ điều kiện gì, quân hầu cũng cứ tuân theo. Như vậy Tống không dám đụng đến Đại-Nam, vì đụng đến Đại-Nam là đụng đến tộc Việt.
Trí-Cao vái một vái.
– Hai là tuyệt đối hậu đãi những huynh đệ, chân tay cũ, cử họ vào những chức vụ tín cẩn. Có như vậy những người mới sẽ nhìn vào đó mà trung thành, hết tâm, hết dạ với quân hầu. Hạng Vũ chỉ có tám nghìn đệ tử thân tín, mà chiếm được Trung-quốc. Những hào kiệt ở Đại-Việt, Xiêm-la, Đại-lý muốn sang Đại-Nam kiếm chút công danh, quân hầu phải nhớ rằng họ là người Việt, nên trọng đãi họ.
Trí-Cao hỏi:
– Nay anh hùng từ Đại-Việt, Đại-lý, Xiêm-la sang giúp, Cao này có nên phong chức tước cho họ không?
– Nên. Một người có thể vừa lĩnh chức tước của Tống lại vừa lĩnh chức tước của Đại-Việt được. Tại sao họ không thể vừa lĩnh chức tước của Đại-Nam với các nước khác.
– Xin tiên sinh dạy cho điều thứ ba.
– Ba là: nay danh sĩ, võ lâm lưỡng Quảng không ít. Quân hầu dùng hậu lễ mời họ ra làm quan với Đại-Nam, phong cho mỗi người một chức tước, họ sẽ cho rằng quân hầu là tri kỷ, ca tụng quân hầu, không còn lý do nào chống đối nữa.
– Cao này nghe nói, tại xứ Quảng này có Quảng-Đông ngũ cái tiên sinh là một. Vậy mai này tiên sinh có thể cùng Cao, hậu lễ tới cửa của bốn vị kia, mời ra giúp Cao thành lập nước Đại-Nam không?
– Huy này xin hết mình.
– Ngoài Quảng-Đông ngũ cái ra, còn rất nhiều anh tài. Bằng như có những người khinh thế, ngạo vật, nhất định không ra làm quan, thì phải đối phó như thế nào?
Đình-Huy cười:
– Quân hầu bịt miệng họ lại. Nay quân hầu dùng lễ đãi hiền tới nhà thăm họ, hỏi về cách trị nước. Mai gửi quà tặng. Rồi quân hầu ca tụng tài họ. Bấy giờ bên ngoài tế tác Tống nghi ngờ họ. Trong dân chúng sẽ nói với họ những điều dân ước. Họ sẽ nói với quân hầu, thế là họ không ra làm quan, mà còn giúp quân hầu nhiều hơn là ra làm quan nữa.
– Điều thứ tư là, đất lưỡng Quảng mới bình định, nước Đại-Nam mới thành lập, cơ chế chưa vững, không thể áp dụng luật từ bi hỉ xả như bên Đại-Việt, mà phải dùng hình pháp cho nghiêm như thời Đinh. Đợi năm bẩy năm, khi lòng người đã định, cai trị vững vàng, bọn du thủ du thực bỏ thói man rợ cũ, bấy giờ ta cải biến luật dần dần như bên Đại-Việt cũng vừa.
Trái-Cao hỏi:
– Khi đức Thái-Tổ bản triều vừa lên ngôi, đã truyền bỏ hết luật hà khắc thời Lê mà lòng người quy phục. Sao nay tiên sinh lại dạy Cao này phải ban nghiêm luật?
– Quân hầu nên biết rằng: khi vua Đinh dẹp mười hai sứ quân, lòng người ly tán, vì vậy người đặt ra hình pháp cực kỳ khắc nghiệt mà khiến dân yên. Thời đức Thái-Tổ lên ngôi là lúc lòng người căm phẫn luật hà khắc của Lê triều, người ban hành luật từ bi hỉ xả mà được lòng người. Nay tình hình lưỡng Quảng, chỗ thì Nùng, chỗ thì Hẹ, chỗ thì Trang, chỗ thì Mèo, chỗ thì Hán, mà quân hầu không nghiêm luật thì e khó mà trị được.
– Xin tiên sinh dạy cho điều thứ năm.
– Năm là việc tổ chức quân đội. Nước Đại-Nam, Tây giáp Thục, Đại-lý. Nam giáp Đại-Việt, Đông giáp biển, Bắc giáp Tống. Mặt Tây, Nam thì không sợ, mà chỉ phòng mặt Đông, mặt Bắc. Mặt Bắc, ta cố giữ núi Ngũ-lĩnh. Mặt Đông ta tổ chức thủy quân thực mạnh. Mô thức tổ chức quân đội, nên theo Đại-Việt.
Đến đó thân binh báo:
– Xa giá vua Bà tới Ung-châu.
Trí-Cao sai phát pháo, dàn giáp kinh ra ngoài thành đón. Dân chúng Ung-châu đã nghe vua Bà là Quan-thế-âm giáng thế, nên họ thắp hương mà đón. Trong tâm tư các quan lại, binh tướng, cùng dân chúng Ung-châu lo lắng không ít về cuộc đổi đời. Họ biết rằng Trí-Cao là tướng đánh thành, nhưng tính mệnh tù binh, quan lại Tống lại do vua Bà quyết định.
Vua Bà thân thăm hỏi các bô lão, rồi truyền cho tập trung quan lại, binh tướng dù đầu hàng hay bị bắt đứng ở trước dinh trấn thủ. Bà đứng lên đài cao, vận nội lực nói lớn:
– Thưa các vị bô lão, kỳ hào, nhân sĩ cùng tất cả chư tướng binh. Quân Đại-Việt vào Ung-châu không phải để chiếm đất, cướp của, mà chỉ muốn đòi lại lĩnh địa của tổ tiên đã bị mất. Các vị đây, có vị nói tiếng Hoa, có vị nói tiếng Quảng, có vị nói tiếng Việt. Nhưng tất cả đều là người Việt.
Dân chúng vỗ tay hoan hô.
– Vậy việc đầu tiên, hoàng đế Đại-Việt ban chỉ: kể từ ngày hôm nay, xá mọi thứ thuế trong vòng một năm.
Dân chúng lại reo hò.
– Về quan lại, tướng, binh của lưỡng Quảng, ai muốn làm việc với Đại-Việt, thì cho giữ nguyên đẳng trật, cho hưởng lương bổng như quan lại Đại-Việt.
Dân chúng vỗ tay reo hò.
– Tha tất cả tù, dù thành án hay chưa. Binh, tướng lưỡng Quảng bị bắt hay dầu hàng đều được ân xá. Ai muốn ở lại, thì cho giữ nguyên đẳng trật. Ai không muốn, thì cho về nguyên quán.
Sau hơn hai tháng, thì tin tức cho biết đạo Hoa-sen đã tiến chiếm xong Linh-lăng, đổ lên núi Ngũ-lĩnh. Hoa-sen vương Lê Văn họp cùng công chúa Trường-Ninh, phò mã Thuận-Tông chỉnh bị binh mã để tiến xuống chiếm Đàm-châu, cùng hồ Động-đình.
Đạo binh Lạng-châu, Phong-châu đã chiếm xong Liêm-châu, Quảng-châu, Khúc-giang, Thường-sơn.
Công chúa Bảo-Hòa cho chim ưng mang thư mời tất cả các chúa tướng về họp tại Ung-châu để bàn định kế sách bình định những vùng mới chiếm, nhất là cho Trí-Cao làm lễ đăng quang. Buổi hội ấn định vào giờ Thìn ngày rằm.
Sau hơn một tuần, các chúa tướng đạo Hoa-sen, Thượng-oai, Trường-sinh đều tề tựu. Người người gặp nhau kể cho nhau về cuộc Bắc-chinh.
Công chúa Bảo-Hòa nói với chư tướng:
– Cái uất hận mất vùng Nam-hải, Quế-lâm, hồ Động-đình từ thời vua Trưng, đến nay chúng ta mới giải được. Ta đã chiếm lại trọn vẹn lĩnh thổ thời Văn-lang. Nhưng ta ra quân bất thần, Tống không phòng vệ. Bằng mọi giá, họ sẽ phải chiếm lại. Bây giờ ta bàn việc nghinh chiến. Trước hết các vị chúa tướng cho biết tình hình.
Hoa-sen quận vương Lê Văn phúc trình:
– Em đánh úp được Liễu-châu. Sở dĩ trong thành, tế tác của đại sư huynh Trần Phụ-Quốc không ra tay được, vì bị lộ tung tích. Nguyên anh Phụ-Quốc cùng đoàn võ sĩ giả làm thương gia từ hồ Động-đình đi Liễu-châu. Khi qua núi Đại-dữu thì gặp một đoàn tế tác Tống đi ngược chiều. Viên trưởng đoàn là Triệu Huy. Y nhận được mặt đại ca Phụ-Quốc. Y nhân danh người của Khu-mật viện chặn bắt anh Phụ-Quốc. Hai bên giao chiến. Đại ca Phụ-Quốc giết chết Triệu Huy. Không may bấy giờ một đoàn cao tăng Thiếu-lâm đi hành hương vừa tới. Trong đoàn còn có cả ba cao tăng chùa Thiếu-lâm là đại sư Minh-Đức, chưởng môn. Đại sư Minh-Thiên, thủ toạ Đạt-ma đường. Đại sư Minh-Hiển thủ toạ La-hán đường. Đại-sư Minh-Hiển với anh Phụ-Quốc giao chiến đến ba trăm hiệp bất phân thắng bại. Nhưng đoàn Thiếu-lâm định bắt đoàn võ sĩ Việt, nên anh Phụ-Quốc cùng cả đoàn phải bỏ chạy. Đoàn Thiếu-lâm đuổi theo rất gấp. Giữa lúc đó thì gặp đoàn tế tác của ta trong thành Quế-châu. Đoàn này do Trường-giang song hùng cầm đầu. Thế là hai bên giao chiến long trời lở đất. Phương-Hổ đấu với Minh-Thiên. Phương-Báo đấu với Minh-Hiển. Phụ-Quốc đấu với Minh-Đức.
Mọi người đều như nín thở, vì ai cũng biết đây là cuộc đấu của những đại tôn sư võ học.
– Vừa lúc đó tiền quân của em tới. Minh-Thiên, Minh-Hiển đều bị anh em họ Phương dùng Chu-sa độc chưởng đẩy vào người. Đại ca Phụ-Quốc bị Minh-Đức bắt sống, anh em họ Phương cũng bị trọng thương. Em đấu với Minh-Đức trước sau trăm chiêu bất phân thắng bại. Sau anh Phụ-Quốc nhắc em dùng chân khí đẩy thuốc phát hãn vào người Minh-Đức, chân khí của ông bị thoát ra, cuối cùng ông chết vì chiêu Lôi-đả Ân-tặc của em. Em vội dùng thuốc cứu hai đại sư Minh-Thiên, Minh-Hiển, và để hai ông đi.
Lê Văn ngừng một lúc, rồi tiếp:
– Em tiến lên đánh úp Liễu-châu. Cao Nhất tử trận. Phía sau em, Trường-Ninh chia quân đánh chín đồn nhỏ. Em trao thành cho Thiện-Lãm rồi ngay ngày hôm đó em đem quân tiến lên chiếm Quế-châu. Vương Duy-Chính, Trần Thự đem quân ra chống cự. Em phá tan quân Trần Thự. Chính hoảng hốt bỏ chạy, khi y trở về thành thì thành đã bị anh Phụ-Quốc cùng trăm võ sĩ Đông-a chiếm mất rồi. Y đem tàn quân trốn về Linh-lăng. Nhưng Linh-lăng em đã cho đội cảm tử quân của Trường-giang song hùng đánh úp. Y chỉ còn một người một ngựa chạy về thành Trường-sa. Hiện dưới đồng bằng em để cho Trường-Ninh, Thiện-Lãm tổ chức an dân. Còn em trấn trên núi Ngũ-lĩnh
Công chúa hỏi Thường-Kiệt:
– Con là quân sư đạo Trường-sinh. Con trình bầy về cuộc tiến quân này cho mọi người biết.
Lý Thường-Kiệt trình bầy:
– Đạo Trường-sinh đánh từ Tây sang Đông, sư bá Thuần-Anh chiếm Hoành-châu, tướng trấn thủ Đức Quang bị bắt. Trong khi đó vua Bà đánh úp Quý-châu giết chết Vĩnh Cơ. Còn Thuần-Khanh đánh Củng-châu mưu cơ bị lộ, tướng trấn thủ Toàn Huy tương kế tựu kế, Thuần-Khanh phải lui về giữ Nam-sơn. Sư phụ sai sư thúc Vi Chấn đánh úp Củng-châu, quân Toàn Huy tan, Huy bị bắt. Nhưng Toàn Huy chính là danh sĩ Phạm Đình-Huy của Đại-Việt, nên y trở về với Đại-Việt. Về việc đánh Ung, Đằng, Tầm thì diễn ra đúng như kế hoạch. Tướng Tống Kiều, Hàm Cường, Ky Mân đều bị bắt. Các đạo quân 441, 442, 443 tan rã. Sau đó sư bá Trần Trung-Đạo đem quân đánh Thương-ngô. Tướng trấn thủ Thương-ngô là đệ tử của sư bá. Y mở cửa thành ra đầu hàng. Vua Bà truyền Phạm Đình-Huy đánh Khang-châu, đệ tử đánh Phong-sơn. Vì hai châu này bị cô lập, lương thảo không có, nên Phạm Đình-Huy với đệ tử dùng nghi binh, cho quân ở ngoài thành ngày đêm đánh trống reo hò. Hơn tuần, quân trong thành mệt mỏi, họ mở cửa xin hàng. Đến đây đạo Trường-sinh bắt tay được với đạo Phong-châu.
Các tướng đều muốn biết tin tức về đạo Phong-châu, Lạng-châu. Công chúa Bảo-Hòa tóm lược tình hình thuật lại một lượt, rồi tiếp:
– Từ khi hai đạo này chiếm được Quảng-châu, Khúc-giang, Thường-sơn, tôi không được tin gì nữa.
Sang ngày rằm, vẫn không có tin tức về đạo Lạng-châu, Phong-châu. Công chúa Bảo-Hòa sốt ruột vô cùng, bà truyền Hoàng Tích cho chim ưng đi hỏi lại quốc công Thân Thiệu-Cực. Mãi trưa hôm ấy chim ưng mới trở về, mang theo một bức thư ngắn:
“Đại địch từ Thường-sơn đánh xuống. Tôn Đản, Cẩm-Thi bị vây, chưa liên lạc được. Đạo thứ nhì từ biển đổ lên đánh Quảng-châu, Hổ-môn. Đạo thứ ba đánh úp Liêm-châu, Khâm-châu, Kỳ-châu. Cả ba đều thất thủ. Không có tin tức của Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên và Lưu Tường”.
Mọi người náo loạn lên.
Lại có tin của tế tác do Phụ-Quốc gửi về:
“… Địch-Thanh cùng Tam-anh, Ngũ-hổ giả thao luyện quân sĩ, rồi dùng hạm đội Kinh-châu chở quân ra biển, ý định đổ bộ đánh úp Đại-Việt… Phải tối cẩn thận “.
Liên tiếp có hàng chục chim ưng mang thư về.
Công chúa Bảo-Hòa đọc hết báo cáo rồi thăng trướng, tóm lược tình hình:
– Trong chúng ta, có một con rắn, đã tiết lộ tin tức với Tống. Vì vậy Tống đế không cho Tể-tướng, Khu-mật viện biết. Nhà vua ban mật chiếu sai Địch Thanh cùng Tam-anh, Ngũ-hổ toàn quyền điều động quân mã Kinh-châu, Đàm-châu đối phó với ta. Địch Thanh tới Kinh-châu, y không làm lễ nhậm chức. Y ẩn trong trướng, sai Tư-mã Kinh-châu giả tập trận, rồi sai hạm đội chở quân xôi giòng ra biển. Y cho Tôn Tiết đổ quân chiếm Khâm-châu; Lý Nghĩa đánh Liêm-châu, Lưu Khánh đánh Kỳ-châu. Dư Tĩnh đánh từ Thường-sơn xuống; Trương Ngọc đổ quân vào Quảng-châu. Mặt khác, y sai Trương Trung điều đại quân thủy bộ từ Trường-sa đánh chiếm lại núi Ngũ-lĩnh. Ta bị bất ngờ.
Công chúa hỏi Hoa-sen quận vương:
– Với quân số hai vạn bộ, hai vạn kị, em có thể giữ nổi Ngũ-lĩnh, không cho Trương Trung vượt xuống Nam không?
– Khi chiếm Liễu-châu, Quế-châu, Linh-lăng bắt được khoảng ba vạn binh cùng dân phu Tống, em cho tổ chức thành quân Việt. Tuy không thể tin tưởng hoàn toàn, nhưng có thể dùng được, vì vợ con, cha mẹ họ đều ở địa phương. Họ khó có thể phản ta. Tổng cộng ta có bẩy vạn. Nhưng không biết quân Trương Trung có bao nhiêu?
Bảo-Dân đáp:
– Tại Trường-sa họ có khoảng năm vạn quân, cùng năm vạn dân binh. Thủy quân năm vạn nữa. Tổng cộng mười lăm vạn.
Lê Văn thản nhiên:
– Như vậy em thừa sức bảo vệ Ngũ-lĩnh. Bởi mình thủ, họ tấn công. Hơn nữa, phía sau em còn đạo binh Thượng-oai của Trường-Ninh, Thiện-lãm.
Công chúa Bảo-Hòa hài lòng:
– Ta an tâm mặt Bắc.
Công chúa tiếp:
– Quân số của Địch Thanh dùng để đánh ta là quân Ngô-Việt khoảng mười vạn, từ Thường-sơn đổ xuống. Mặt này Dư Tĩnh, Vương Hãn tổng chỉ huy. Quân từ Trường-sa đánh xuống do Trương Trung chỉ huy gồm mười lăm vạn. Quân từ Kinh-châu, kể cả thủy bộ khoảng mười lăm vạn, đích thân Địch Thanh cùng Tam-anh, Ngũ-hổ chỉ huy. Tổng cộng bốn mươi vạn. Cuộc tiếp cứu của Địch Thanh, Thái-sư đã biết trước, đã tiên đoán trước, và có kế hoạch trước. Ta không sợ.
Công chúa tiếp:
– Bây giờ chúng ta kiểm điểm quân số trước. Quân Trường-sinh ba vạn nam, hai vạn nữ, một vạn kị, một vạn thú. Cộng bẩy vạn. Quân Hoa-sen bốn vạn. Quân Thượng-oai năm vạn. Quân Phong-châu, Lạng-châu mười vạn. Tính chung ta có hai mươi lăm vạn. Bốn mươi vạn Tống, đấu với hai mươi lăm vạn, tuy có chênh lệch, nhưng ta thủ kia mà? Ta chiến đấu trên đất ta, tiếp tế dễ dàng. Tống thì chiến đấu trên đất lạ, tiếp tế khó khăn. Ta cứ dềnh dàng kéo dài, khiến cho Tống mệt mỏi, rồi đánh một trận thì phá được. Mặt khác, Thái-sư đã sai sứ khẩn đi Tây-hạ, Liêu, để họ cùng đem quân ép Tống, chia bớt lực lượng với ta.
Công chúa nói với Lê Văn:
– Hiện em là người có tài dùng binh bậc nhất Đại-Việt. Em tổng chỉ huy đạo Hoa-sen, Thượng-oai chống mặt Bắc. Em nhớ: chỉ cần trấn giữ, chứ không cần tiến công. Nếu em để mặt trận phía Bắc bị vỡ, quân Tống tràn xuống đồng bằng Linh-lăng, Quế-châu, Liễu-châu, thì đạo Trường-sinh lâm nguy, Trí-Cao với Thiệu-Cực bị ép hai mặt. Như vậy ắt ta thua.
Lê-Văn khảng khái:
– Một người thủ, mười người đánh. Trương Trung có quân số đông đảo, nhưng chúng vượt qua núi Ngũ-lĩnh đã khó khăn rồi, huống hồ phải đánh với em.
– Ta tin em. Bây giờ tới mặt trận phía Đông và phía Bắc. Mặt trận phía Bắc tức khu Thường-sơn hiện do vợ chồng Tôn Đản cùng quân của Lạng-châu trấn đóng. Tài dùng binh của Dư Tĩnh, Vương Hãn không thể so sánh với Cẩm-Thi, Tôn Đản. Ta lệnh cho mặt này giữ vững, không giao chiến. Còn lại ta dùng binh Trường-sinh, Phong-châu đánh với Địch Thanh. Địch rất giỏi dụng binh, võ công cao cường. Y dùng thủy quân thình lình đánh úp Liêm-châu, Khâm-châu, Quảng-châu.
Ưng binh lại vào trình lên bức thư rất ngắn. Công chúa đầm lên đọc:
” Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, Đình-lập hầu Lưu Tường trấn Khâm-châu với ba nghìn quân, không ngăn nổi năm vạn quân của Tôn Tiết, nên thành bị thất thủ. Hầu tuẫn quốc “.
Mọi người nghe tin đều cúi mặt xuống im lặng. Bởi trải qua nạn chư vương làm loạn, rồi Bắc-biên tiến lên chiếm lại 207 khê động, Lưu Tường đều tham dự, công lao không nhỏ. Hiện ông là phó thống lĩnh đạo binh Phong-châu. Chính ông đánh chiếm Khâm-châu, rồi trấn tại đây. Chỉ vì quân số quá chênh lệch, ông tử trận.
Công chúa đọc tiếp:
” Trấn Bắc đại tướng quân, Tản-viên hầu Tôn Mạnh cùng Trần Thanh-Nguyên trấn Liêm-châu với ba nghìn quân, tuy được tin Lý Nghĩa đánh úp có một giờ, mà hầu cũng đủ sức dàn binh ngoài bờ biển đánh ba vạn quân của Lý Nghĩa nghiêng ngả rồi rút vào rừng. Lý Nghĩa chiếm được thành, y tuy là một trong Ngũ-hổ tướng của Tống, đánh dư trăm trận, mà bị trúng mưu hầu. Hầu để Thanh-Nguyên cùng đội đệ tử Đông-a ẩn trong dân, thình lình trong đêm hầu đánh chiếm hạm đội Tống, dùng hạm đội này chở quân rút ra biển. Bao nhiêu lương thực của Tống còn để trên chiến thuyền bị hầu cướp sạch. Hiện hầu cùng phu nhân với quân bộ thuộc đang trên biển Đông chờ lệnh công chúa”.
Công chúa tiếp:
” Vì vua Tống cho rằng cuộc tiến binh này do Trường-sinh phục thù, nên Tôn Tiết tung quân tiến về phía Tây, định tái chiếm Thương-ngô, Phong-sơn, Khang-châu, Đoan-châu. Trong khi đó Trương Ngọc định chiếm Quảng-châu, rồi tiến lên tái chiếm Khúc-giang, diệt đạo Lạng-châu. Như vậy bắt buộc ta phải rút quân từ Liễu-châu, Quế-châu, Linh-lăng về giữ Trường-sinh. Thế là đạo quân Trường-sa của Trương Trung lọt qua Ngũ-lĩnh xuống đồng bằng. Hiện Quảng-châu do công chúa Kim-Thành trấn giữ. Trương Ngọc đổ quân rất bí mật, nhưng bị chim ưng khám phá, dù chỉ có hai giờ thôi, công chúa cũng tập trung đạo binh thú trấn đóng bốn cửa thành. Trong thành công chúa có một vạn bộ, năm nghìn kị, với trăm voi, trăm hổ, trăm báo, trăm sói, mà Trương Ngọc đánh liền ba ngày không phá được. Hiện y chia quân làm hai. Một nửa tiến lên Khúc-giang, một nửa vây Quảng-châu”.
Công chúa hỏi Thường-Kiệt:
– Con là quân sư đạo Trường-sinh, bây giờ con tính phản công ra sao?
Thường-Kiệt thưa:
– Quân Tống quá đông, nếu ta dùng sức mà đánh, có diệt được bốn mươi sáu vạn của họ, ta cũng mất hai mươi vạn. Bấy giờ Tống đổ quân xuống nữa, ta lấy đâu mà chống cự ? Con nghĩ tốt hơn hết, ta chỉ nên phá đạo kỳ binh của Địch Thanh. Muốn vậy các đạo Lạng-châu, Phong-châu cứ cố thủ. Còn đạo Trường-sinh thì dồn ra phía Đông để chia bớt lực lượng Tống, cho hai đạo Phong, Lạng đỡ bị áp lực. Mặt khác ta chặn đánh đường tiếp tế lương thảo của y bằng đường thủy. Như vậy quân y phải tan.
Đến đó ưng binh vào trình cho công chúa mấy phong thư. Công chúa Bảo-Hòa cầm thư lên xem, thì ra thư của Tôn Đản, Cẩm-Thi và Thiệu-Cực.
Thư của Tôn Đản:
“… Dư-Tĩnh, Hãn bị mất Quảng-châu, y chạy lên Khúc-giang. Đệ đem quân đuổi theo, bỏ lại các đồn nhỏ phía sau cho Thiệu-Cực. Đệ chiếm Khúc-giang dễ dàng. Đệ đem quân đánh về phía Đông, chiếm vùng Thường-sơn. Dư Tĩnh nhận được viện quân từ Ngô-Việt mười lăm vạn đánh xuống. Đệ phá y một trận ở Chương-giang. Trong trận này Cẩm-Thi đánh Dư Tĩnh bị thương nặng. Thình lình Bắc-sơn, Tây-sơn lão nhân xuất trận. Đệ với Cẩm-Thi bị thua, dẫn quân chạy dài, suýt mất mạng. May thay sư bá Hồng-Sơn, Tự-An xuất hiện cứu kịp. Sư bá Hồng-Sơn đấu với Bắc-Sơn lão nhân. Hai vị giao chiến đến ba trăm hiệp thì Bắc-Sơn lão nhân bị Hồng-Sơn sư bá dùng thuốc phát hãn tấn công. Chân khí lão nhân bị tản hết. Lão bị thua, đêm đó tắt thở. Còn sư bá Tự-An đấu với Tây-Sơn lão nhân. Sau trăm hiệp, Tây-Sơn lão nhân bị đánh nát hết tạng phủ chết tại trận. Có tin Hoa-Sơn tứ lão cùng xuất hiện, phải cẩn thận “.
Thư của Thiệu-Cực:
“… Ta chiếm từ Quảng-châu đến Khúc-giang dễ dàng. Thình lình Trương Ngọc đem mười vạn quân đổ lên đánh Quảng-châu. Kim-Thành cố thủ không xuất chiến. Ngay đêm đó, ta đem quân trở về, dùng voi, cọp, hổ, báo, sói cướp trại Trương Ngọc. Trương Ngọc lùi về phía Nam. Trong trận, Nam-Sơn lão nhân xuất trận. Lão đấu với sư thái Tịnh-Tuệ trên ngàn chiêu bất phân thắng bại. Cuối cùng hai vị đều kiệt lực. Bắt được Nam-Sơn lão nhân đem vào thành Quảng-châu. Đêm đó sư thái Tịnh-Tuệ vãng sinh miền Cực-lạc. Nam-Sơn lão nhân cũng chết. Ta vào thành với Kim-Thành. Chờ quyết định chung”.
Mọi người nghe sư thái Tịnh-Tuệ, một trong Đại-Việt ngũ long vãng sinh Cực-lạc đều hết sức súc động. Sư thái là sư phụ của Thuần-Anh phu nhân của Nùng Tồn-Phúc; Triệu Liên-Hương, vương phi Khai-Thiên vương; Ngô Thuần-Trúc phu nhân của Tạ Đức-Sơn; Hàn Diệu-Chi phu nhân của Ngô-an-Ngữ”.
Đại sư Huệ-Sinh than:
– Phái Hoa-sơn có bốn đại cao thủ, uy danh trấn Hoa-Việt, đạo cao đức trọng, nhưng chỉ vì sự nghiệp Tống triều, mà ba vị đã quá vãng. Không biết Đông-Sơn lão nhân ở đâu? Thế là từ nay giữa Hoa-sơn với Đại-Việt thù oán chồng chất.
Công chúa Bảo-Hòa triệu tập chư tướng bàn định. Bà hỏi Trần- Bảo-Dân:
– Sư huynh, hiện lương thực quân Tống tại Khâm-châu để ở đâu? Tình hình tiến quân của Địch Thanh ra sao?
– Địch-Thanh để Trương Ngọc đánh Quảng-châu, Tôn Tiết trấn Khâm-châu. Lý Nghĩa trấn Liêm-châu, Lưu Khánh trấn Kỳ-châu. Còn y thì đóng quân ở cửa Hổ-môn tiếp viện cho hai mặt. Lương thảo y để ở Kỳ-châu.
Công chúa Bảo-Hòa hỏi Thường-Kiệt:
– Con nghĩ sao?
– Thưa sư phụ, đối thủ với ta là Tam-anh Địch Thanh, Trương Ngọc, Tôn Tiết. Còn Ngũ-hổ thì Trương Trung trấn Trường-sa. Còn lại Lý Nghiã, Thạch Ngọc, Lưu Khánh đều ở mặt trận phía Đông cả. Tam-anh võ công ngang với sư thúc Tự-Mai, Tôn-Đản, Lê-Văn. Họ lại là người có văn học. Địch Thanh có cô ruột làm vương phi cho Trấn-vương Nguyên-Ốc. Trương Ngọc có vợ là quận chúa con Sở-vương Nguyên-Tá. Tôn Tiết có vợ là quận chúa con Thương-vương Nguyên-Phận. Họ lại kinh nghiệm dụng binh trong những lần đánh Tây-Hạ, Liêu. Chính vì vậy họ quá cẩn thận. Giá như khi chiếm được Khâm, Liêm, thừa thắng họ tràn về Tây, thì ít ra họ cũng chiếm được năm sáu thành. Đây họ trì nghi . Vậy ta nên đánh táo bạo thì mới dễ thắng.
Mọi người đều đồng ý với Thường-Kiệt. Công chúa hỏi Phạm Đình-Huy:
– Trung-nghĩa đại tướng quân. Người kinh nghiệm địa thế lưỡng Quảng. Xin cho cao kiến.
Đình-Huy cung tay:
– Khải tiên cô. Hôm trước hạm đội Động-đình chở đạo quân đánh úp Khâm-châu, Liêm-châu xong, vội rút về Đại-Việt, để Tống không ngờ Đại-Việt dự cuộc Bắc-chinh. Còn hạm đội bắt được của Tống ở Khâm, Liêm, Quảng châu sau đó cũng đem về neo ở Đồn-sơn. Hạm đội Kinh-châu chở quân tới đánh úp Khâm, Liêm, Quảng-châu thì phần ba ở Liêm-châu bị Tôn Mạnh cướp mất mang ra biển. Một phần ba đang trở về Kinh-châu vận lương xuống. Rút cuộc họ chỉ còn một phần ba đóng ở Quảng-châu. Như vậy thủy quân Tống rất yếu. Ta dùng thủy quân đánh thực táo bạo. Địch Thanh mất đường tiếp tế, thì lòng quân rồi loạn ngay.
Y ngừng lại một lúc rồi tiếp:
– Vì Địch Thanh nghĩ rằng cuộc Bắc-tiến là do Trường-sinh phát khởi, mà Trường-sinh là nước sơn cước, không có thủy quân, nên y không đề phòng mặt biển. Nay ta đánh mặt biển thì y thất bại.
Công chúa Bảo-Hòa đứng dậy nói:
– Bây giờ tôi xin nhắc lại bẩy điều:
… Một là Lê Văn tổng chỉ huy mặt trận phía Bắc gồm đạo binh Hoa-sen, Thượng-oai.
… Hai là mặt biển, tôi đã xin Thái-sư ra lệnh cho bang Đông-hải, bang Dường-lang, dùng thuyền chặn đánh đoàn tiếp tế lương thảo của Địch Thanh. Tôi đã cho bang Hồng-hà tiếp tế lương thảo cho Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên, vì đạo quân hai người này đang ở trên đoàn chiến thuyền Tống ngoài khơi. Tôn Mạnh với bang Hồng-hà, Đường-lang, Đông-hải dùng chiến thuyền Tống, kéo cờ Tống đánh úp kho lương thảo của Dư-Tĩnh, rồi tấn công phía sau, trong khi đó Tôn-Đản, Cẩm-Thi đánh phía trước. Đản-Thi sẽ đánh cầm chừng, để Dư không thể đánh xuống cứu Quảng-châu.
… Ba là hiện Địch Thanh đã biết Đại-Việt tổ chức Bắc-tiến chứ không phải Nùng Trí-Cao trả phụ thù, tất y tấu về triều việc đó. Vậy ta phải làm cách nào cho y đánh tràn sang biên giới Đại-Việt. Bấy giờ ta mới có cớ trách cứ Tống xâm lăng, ta chỉ phản công thôi. Việc này tôi với Đình-Huy sẽ có kế riêng .
… Bốn là tế tác của ta phải đánh cướp lương thảo ở Kỳ-châu của Địch Thanh. Trong khi đó ta chất chứa lương thảo ở dọc biên giới cho y cướp. Lương của y bị cướp, y chiếm được lương của ta, tất y mừng rỡ, dùng lương đó nuôi quân. Trong lương thảo của ta, đã trộn vào một ít thuốc, khiến người ngựa ăn vào cứ bị mề mệt. Bấy giờ ta tung quân đánh, tất phá y dễ dàng.
… Năm là dùng quân của Thiệu-Cực, Trường-sinh, Phong-châu đánh chiếm Quảng-châu, Khâm-châu, Liêm-châu. Mặt này tôi chia làm ba. Một là tôi với Hoàng Tích chặn tiền đạo lui quân của Địch Thanh, gây hư hư, thực thực để cho chúng mất tinh thần. Hai là sư huynh Trung-Đạo chỉ huy Thường-Kiệt, Đình-Huy, Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên đánh chiếm Liêm-châu, Khâm-châu. Ba là sư huynh Bảo-Dân tiến giải vây Quảng-châu.
… Sáu là có tin bang chúng Hoàng-Đế hiện diện trong đạo quân của Địch Thanh. Độc chưởng của chúng rất lợi hại. Vì vậy các đệ tử Đông-a phải phân tán đi khắp mặt trận để sẵn sàng diệt chúng.
… Bẩy là vua bà Bình-Dương, phò mã Thiệu-Thái tổng lĩnh vùng mới chiếm. Tế tác Tống dùng bang Hoàng-Đế khống chế quan lại, hào kiệt nổi lên đánh phía sau ta. Phò mã Thiệu-Thái gặp chúng là giết tươi, cùng cứu những người trúng độc.
… Nào, bây giờ mời chư vị lên đường. Hôm nay là ngày rằm. Tế tác cho biết đúng ngày 25 Địch Thanh khởi tấn công. Vậy cũng đồng khởi binh, tất cả các nơi đồng loạt tấn công.
Sau buổi họp tại Bắc-tiến tổng hành doanh, mã-bộ-quân đô tổng nguyên súy, công chúa Bảo-Hòa thăng trướng ngồi nghe Trần- Trung-Đạo điều quân. Ông nói:
— Cánh quân thứ nhất tiến về giải vây Quảng-châu. Cánh này do Nùng Trí-Cao chỉ huy, với các tướng Trần Anh, Tĩnh-Ninh, Tôn Trọng, Tôn Quý, Thuần-Anh, Thuần-Khanh. Nhị sư huynh Bảo-Dân ẩn trong đạo này, dùng phản Chu-sa chưởng diệt bọn cao thủ bang Hoàng-Đế.
— Cánh thứ nhì tiến về đánh Khâm-châu, Liêm-châu do chính tôi tổng chỉ huy. Thường-Kiệt đánh Khâm-Châu. Phạm Đình-Huy đánh Liêm-châu. Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên, bang Đường-lang, Hồng-hà, Đông-hải đánh phá thủy quân cùng kho lương Kỳ-châu. Không biết Thanh-Nguyên có đương nổi không?
Côi-sơn công chúa là tướng trẻ ngang với Thường-Kiệt, Đình-Huy, Thuần-Khanh, Trí-Cao. Bà là đệ tử út của đại hiệp Tự-An, rất tự hào. Bà nói:
– Tam sư huynh coi thường em quá. Em chỉ có ba ngàn quân mà chống nổi với năm vạn quân Tống, lại còn cướp chiến thuyền ra biển. Sau đó em vượt biển phá kho lương của Dư Tĩnh, về phá thủy đội của Trương Ngọc ở Quảng-châu. Tam ca yên tâm.
Chư tướng vỗ tay liên tiếp.
– Tôi muốn nhân dịp giết tên Địch Thanh, Trương Ngọc, Tôn Tiết. Vì ba tên đều văn võ kiêm toàn, tài trí vô cùng, để chúng sống rất nguy hại cho ta sau này. Tôi sẽ theo cánh thứ nhì để dùng phản Chu-sa chưởng giết bọn bang Hoàng-Đế.
Công chúa Bảo-Hòa gọi riêng Phạm Đình-Huy vào trướng hỏi:
– Trong đám văn nhân quan lại Tống ở lưỡng Quảng, còn ai gốc là người Việt, tin tưởng được không?
– Khải tiên cô còn nhiều lắm, không biết tiên cô định dùng họ làm việc gì, đệ tử xin tiến cử họ hầu tiên cô ?
– Cháu có biết tại sao, đối với cuộc điều quân lớn lao về phía Nam như thế này, mà Tống đế không bàn với Nhị-phủ, với Khu-mật viện, mà trực tiếp ban mật lệnh cho Tam-anh, Ngũ-hổ không?
– Thưa tiên cô cháu biết rất rõ. Nếu Tống đế bàn với Nhị-phủ, với Khu-mật viện thì ắt nhiều văn võ quan biết. Hiện trong triều, đám văn võ quan hầu hết là những người theo Kinh-Nam vương chinh chiến hai chục năm qua có công rồi được thăng thưởng mau mà giữ chức lớn. Bằng nay nhà vua đem vấn đề Nam-thùy ra bàn, thì sợ đám này thông báo cho vương. Vì vậy phải ra mật lệnh trực tiếp.
– Hồi đi sứ bên Tống, lúc giúp Lý thái phi lật Lưu thái hậu; Lý phi cho ta biết một chuyện: từ thời Tống Thái-tổ đã đặt ra một biệt lệ rằng các đại thần, các tướng cầm quân đều được nhà vua ân thưởng ban cho mấy bài thơ, mục đích để họ biết bút tự. Sau này muốn ban chỉ dụ cho họ, chỉ cần chính tay vua viết lệnh, họ biết đó là mật lệnh, phải thi hành, mà không cần xét lại.
– Thưa tiên cô đúng thế. Căn cứ vào việc nhà vua ban lệnh trực tiếp cho Tam-anh, Ngũ hổ, đệ tử biết nhà vua bắt đầu nghi ngờ Kinh-Nam vương rồi. Thần sợ Tống triều sẽ hại vương chăng?
– Tự-Mai trí dũng vô biên, huống hồ y khéo thu phục nhân tâm, thiết lập hệ thống Ưng-sơn khắp nơi, không dễ gì ai hại được y. Tuy vậy ta cũng nên báo động cho y biết.
Công chúa lấy trong tráp ra một tập giấy, rồi bảo Huy:
– Con hãy đọc những thứ này rồi thử đoán ý cô xem có đúng không?
Đình-Huy mở tráp ra, đầu tiên y thấy một tập giấy hoa tên, in lờ mờ con rồng bay lượn. Y biết ngay là thứ giấy của vua Tống thường dùng. Trên tập giấy có đến ba mươi sáu bài từ, chữ viết tuy không hoa mỹ cho lắm, nhưng cũng đẹp, lới từ chan chứa tình cảm. Kế tiếp gồm mười mấy tờ giấy, trong mỗi tờ đều viết lệnh chỉ. Có tờ viết trên hai mươi năm. Có tờ viết trên mười lăm năm, có tờ mới viết gần đây nhất mấy tháng. Một ánh sáng lóe lên trong đầu, Đình-Huy cung tay:
– Tiên cô quả thực tính xa. Đệ tử nghe Hoa-sen quận vương thuật rằng, hồi đi sứ Tống, tiên cô dùng lăng không truyền ngữ ban lệnh sai vương xem tướng cho vua Tống, rồi nhân đó xin vua ban cho ba mươi sáu bài từ. Thì ra tiên cô dự trù sau này mình nhái bút tích nhà vua, ban chỉ giả cho tướng sĩ Tống.
– Con đoán đúng. Sau này ta còn dùng tế tác ăn cắp lệnh chỉ mật của nhà vua ban cho các tướng sĩ khác, vì sợ bút tự nhà vua có thay đổi đi chăng? Ta lại trộm được một số giấy chưa viết của nhà vua nữa. Ta cũng cho khắc Ngọc-tỷ giả.
Công chúa lấy từ trong cái hộp nhỏ ra cái ấn bằng ngọc, dập vào hộp mực rồi in thử. Đình-Huy so sánh với Ngọc-tỷ thực in trên các lệnh chỉ, giống hệt. Y cung tay:
– Không biết bây giờ tiên cô định giả lệnh chỉ của nhà vua gửi cho ai? Sai họ làm gì?
– Nếu con là ta, con sẽ gửi cho ai? Với mục đích gì?
– Thưa tiên cô, con sẽ gửi cho Trương Trung cùng kinh lược An-vũ sứ Đàm-Châu, lệnh cho họ đem hết binh mã xuống hạm đội Giang-Nam tiếp viện cho Địch Thanh, hẹn rõ ngày giờ phải lên đường. Còn Đàm-châu để thổ binh trấn. Trong khi đó báo cho Hoa-sen vương biết, để vương tiến chiếm Trường-sa.
– Trí con thực cao, nhưng như vậy cũng chưa toàn vẹn. Con nên biết rằng ta ra quân, nhưng vẫn dưới danh nghĩa Trí Cao báo phụ thù. Nay Địch Thanh đổ quân chiếm lại Khâm, Liêm thì ắt chúng biết rõ là do tộc Việt. Y tấu về triều những sự thực. Bấy giờ những đại thần Tống ăn vàng của ta, hằng bênh vực cho ta sẽ nói sao với bọn cú diều? Vậy bây giờ ta phải làm sao cho chính Địch Thanh xâm chiếm Đại-Việt, bấy giờ ta mới có cớ nói rằng ta phản công.
Đình-Huy chắp tay:
– Con hiểu ý tiên cô. Như vậy tiên cô cần một văn quan giả làm mật sứ của Tống đế, để trao chỉ dụ cho Địch-Thanh. Con xin tiến cử người bạn học thời thơ ấu tên Hồ-Liên. Y là người rất gan dạ.
Đến đó Bảo-Dân, Trung-Đạo vào. Bảo-Dân đưa ra bức thư:
– Có tin của tiểu sư đệ Tự-Mai gửi cho Khai-Quốc vương. Vương hỏi ý kiến tiên cô.
Bảo-Hòa cầm lấy thư đọc:
“… Tin Nùng Trí-Cao đánh chiếm lưỡng Quảng làm rung động triều đình Tống. Hoàng thượng gọi em với Huệ-Nhu về triều. Khu-mật viện trao mặt trận Tây-Hạ cho Văn Ngạn-Bác, trao mặt trận Liêu cho Phạm Trọng-Yêm. Trong khi đó cho sứ sang hai nước ấy giảng hòa..”
Một bức thư khác:
“… Em trở về triều. Bọn văn quan cãi nhau, người nọ đổ lỗi cho người kia. Mặc dù họ biết chính nhà vua nghe lời bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính, Ky Mân, Dương Điền, Tô-Miễn, Trần Thự gây chuyện ở Nam-thùy mà thành chiến tranh. Nhưng họ lờ đi, và chỉ hặc tội bọn này. Nhà vua hỏi em phương pháp giảng hòa. Em đề nghị chặt đầu mười tám tên gây ra vụ thảm sát Nùng Tồn-Phúc, Nùng Trí-Thông. Trong đó có bẩy tên đầu não Nam-thùy. Nhà vua với triều đình nghị sự phân vân chưa định. Có lẽ nhà vua cho em về trấn Trường-sa để đối phó với Nùng Trí-Cao…”
Lại có thư của Lê Văn:
“… Địch-Thanh đem quân tới núi Ngũ-lĩnh. Y viết thư cho Trí-Cao, thống trách vụ khởi binh. Em sai người, giả xưng là sứ giả của Trí-Cao tới dinh Thanh kể tội bẩy đại thần Nam-biên Tống gây chiến, nên Cao khởi binh báo thù tuyết hận. Thanh sai chém đầu Trần Thự đưa đến dinh em, xin giảng hòa. Em đã sai người đem đầu Thự trao cho Trí-Cao. Xin sư tỷ cho biết cao kiến…”
Công chúa truyền gọi Trí-Cao, Thường-Kiệt, Đình-Huy thăm dò ý kiến. Trí-Cao nói:
– Trình sư phụ, việc này ngoài trí ước đoán của con. Xin sư phụ dạy sao, thì con nghe vậy. Theo sư thúc Lê Văn, thì Thanh mới có mặt ở Ngũ-lĩnh các đây mười lăm ngày, mà sao hôm qua y lại có mặt ở Khâm-châu, Kỳ-châu? Con thực không hiểu.
Đình-Huy nói:
– Khải tiên cô, đây là xảo kế dương Đông kích Tây của Địch Thanh. Y giả xuất hiện ở mặt trận B