Lần thứ hai nhìn thấy Chu Dữ, tôi đã chú ý quan sát hơn. Cô nữ sinh ấy không ưa nhìn cho lắm, vừa béo vừa lùn, lại đen, đôi mắt nhỏ híp lại, làn da thô ráp, còn xa mới chạm tới hai chữ “người đẹp”. Khi đó nghĩ lại việc cô ấy đã để ý đến tôi và tuyển tôi vào ban tuyên truyền tôi lại thấy mang ơn cô ấy. Sau này tôi mới phát hiện ra rằng thực ra ở đây không dùng người dựa vào quen biết: mới đầu, khi nhận tôi vào, họ đã coi tôi là người tài đức (trước tiên không cần xấu hổ, lại càng không cần phải che giấu thái độ). Chu Dữ rất nhanh chóng thu nạp tôi vào dưới trướng của mình. Chúng tôi phụ trách việc đưa tin, nói cho cùng, chính là ca tụng công đức của trường. Tôi nghĩ chắc chắn cô ấy cảm thấy rằng con mắt mình còn tinh hơn cả Bá Nhạc (1). Bởi vì chỉ xem những bản tin phát thanh cô ấy soạn trước đây, tôi đã thấy rằng cô ấy vừa ra tay là được ngay. Tôi còn nhớ rất rõ, trong lần họp đầu, trưởng trung tâm thời sự của chúng tôi đã biểu dương tôi như sau: “Bản tin này do Dịch Phấn Hàn viết, từng chỗ một đều không có vẻ gì là của một sinh viên mới vào năm thứ nhất, từ trước đến nay chưa một nữ sinh nào viết được một bản tin thời sự mang tính văn học như thế”. Ngay lập tức, tôi có cảm giác kiêu ngạo và nhanh chóng vạch ra kế hoạch trong đầu, cần phải viết tốt thật nhiều bản tin, phải trở thành một nhân vật thời sự nổi tiếng.
Đến tuần thứ ba, tôi nhận ra rằng việc này không thích hợp nữa. Chu Dữ không làm bất cứ việc gì, tất cả bản tin đều do tôi viết nhưng khi kí tên ghi điểm lại là cô ta. Phiền muộn, dù sao cũng là người mới mà, thôi vậy. Cho dù thế nào chăng nữa thì Chu Dữ cũng là chủ nhiệm ban biên tập. Nói rõ thêm một chút, cô ấy là chủ nhiệm ban biên tập nhưng thực chất công việc là cùng tôi soạn ra bản tin của cùng một mục. Không lâu sau, khu vực Vũ Hán có cuộc thi phát thanh mở rộng của các trường đại học và cao đẳng thuộc khu vực với sự hợp tác của các đài truyền hình Hồ Bắc. Trung tâm tin tức của trường đã giao cho nhóm chúng tôi nhiệm vụ khó khăn và vinh quang này. Khi đó tôi đã một mình làm chương trình đó, Chu Dữ không nghe, không hỏi mà chỉ đề tên mình vào. Tôi đã mất hai buổi tối, từ khi chọn đề tài rồi viết bài, rồi ghi âm đến khi chỉnh sửa, cuối cùng cũng hoàn thành bài viết. “Ông trời không phụ người có tâm”, tôi rất tin vào câu nói này. Vừa làm đã được ngay một giải nhất duy nhất. Nhưng khi tổ chức trao giải trên sân khấu Hàn khẩu, người được tuyên bố nhận giải là Chu Dữ!
Chu Dữ viết, Chu Dữ biên soạn, Chu Dữ làm, Chu Dữ ghi âm! Tôi vô cùng phẫn nộ! Vô sỉ, thật vô sĩ quá!
(1.Bá Nhạc: Người chuyên coi tướng ngựa thời Xuân Thu Chiến Quốc, ông đã có công tìm ra con ngựa Thiên Lí cho Sở Vương. Bá Nhạc: chỉ người chuyên phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. (Mọi chú thích đều của dịch giả))
Ngày hôm đó tôi đã cố ý mặc thật đẹp, tôi ngồi phía dưới tròn mắt nhìn Chu Dữ vui mừng hớn hở uốn éo cái thân hình béo mập lên sân khấu, ánh đèn chiếu vào khuôn mặt góc cạnh khiến nét mặt tươi cười của cô ta trông hung ác dị thường. Ngồi dưới sân khấu mà tôi có cảm giác bị cưỡng hiếp sờ sờ trước mặt. Toàn thân khô héo, ngọn lửa phẫn nộ trong tôi đang rừng rực bốc lên. Ngay lập tức, tôi hỏi một chủ nhiệm khác của trung tâm tin tức: “Đây là tác phẩm của Chu Dữ phải không?”. Tôi còn chú ý đến cả cách đặt câu hỏi. Người đàn ông đó tỏ vẻ mừng vui đắc ý nói: “Đúng rồi, khi nộp bản thảo lên người kí tên đều là cô ấy. Cô nữ sinh này thật giỏi, năm nào tham gia cuộc thi này cũng đều đoạt giải!”.
Tất cả mọi người trong trường chúng tôi đều vỗ tay nhiệt liệt ở phía dưới. Cả thế giới như đang náo động cả lên. Tôi không nói không rằng nhìn cô ta. Cảm giác khó chịu không nói được thành lời.
Tôi cũng chẳng thèm hỏi Chu Dữ một lời. Tôi là một nữ sinh trầm tính. Tôi chợt cảm thấy kiểu cạnh tranh này hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì. Đôi bên đều như ếch ngồi đáy giếng, cứ cho là cạnh tranh đến nỗi một mất một còn, một bên dồn bên kia vào chỗ chết, vậy ý nghĩa ở chỗ nào? Ý nghĩa chẳng qua là ở chỗ: Kẻ thua nhảy ra khỏi cái giếng đó hoặc là chết dưới đáy giếng, con ếch dưới đáy giếng, luôn tự cho rằng mảnh trời trên đầu là cả thiên hạ của mình.
Tôi đã chọn cách thoát khỏi trung tâm thời sự, tôi phải nhảy ra, tôi không thể nào chịu nổi cái kiểu cạnh tranh hẹp hòi và bẩn thỉu như thế, tôi không muốn trở thành con ếch xanh ngạt thở. Tôi là một cô gái cung Thần Nông mạnh mẽ, tôi sẽ nhớ lấy cô ta. Ngày tôi nộp đơn xin rút khỏi đài, Chu Dữ kéo tay tôi, đôi mắt ánh lên sự tiếc nuối và lưu luyến vô hạn, như thể là bạn trai cô ta đưa ra lời đề nghị chia tay vậy. Tôi muốn cô ta phải thật sự tiếc nuối, cô ta sẽ không thể tìm đâu ra một người làm hộ tốt như tôi, một đối tượng để cưỡng đoạt vừa đúng giờ lại vừa mềm yếu như thế nữa.
Sự việc này đã làm tổn thương sâu sắc tới tâm hồn nhỏ bé và thuần khiết của tôi. Hình dung như thế về thời trong trắng khi mới bước vào năm thứ nhất cũng không có gì là quá đáng. Ai mà không trưởng thành trong sự tổn thương? Ai mà không học được cách tính toán sau khi bị lừa dối? Lợi hại lợi hại. Các đoàn thể xã hội khác cũng tương tự, không khác là mấy. Không tới nửa năm sau, tất cả mọi người trong phòng chúng tôi đều rút khỏi các đoàn thể xã hội, trừ La Nghệ Lâm. La Nghệ Lâm làm việc rất tốt, lúc nào cũng họp hành hay thông báo cái gì đó. Mỗi một sinh viên khi mới bắt đầu nhập học đều rất đối mặt với vô số các đoàn thể xã hội, hầu như đều có vẻ phấn chấn mừng vui và mong muốn được thử sức. Khi vừa bắt đầu năm học, các đoàn thể xã hội đã lần lượt bày đặt, sắp xếp các văn phòng quan trọng trong khuôn viên trường rồi “chiêu binh mãi mã”. Các đoàn thể có thực lực hùng hậu còn có thể tìm được một phòng học thừa làm văn phòng, các đoàn thể yếu thế hơn thì đặt văn phòng ở bên đường và treo áp phích quảng cáo. Cũng có thể nói thế này, dường như mỗi một sinh viên từng có kinh nghiệm tham gia vào một đoàn thể xã hội nào đó nhưng 95% người trong số này đều lặng lẽ lặn mất tăm sau không đến một năm. Trải nghiệm sâu sắc khi sống trong các đoàn thể xã hội khiến tôi rút ra được một kết luận là: Tất cả các tổ chức đoàn thể cuối cùng cũng chỉ chìm ngập với những công cụ làm tăng học phần và lẫn lộn danh tiếng của người lãnh đạo cao nhất hoặc thứ hai ở đó. Bạn đừng mong chờ rằng, nếu bạn tham gia tổ văn học là bạn có thể truyền bá tên tuổi của những tờ báo lớn trong một đêm, cũng đừng mong chờ rằng nếu gia nhập hiệp hội nhiếp ảnh là bạn có thể cho ra những tác phẩm tuyệt diệu. Ảo tưởng, hoàn toàn là ảo tưởng! Là một thành viên bình thường trong đoàn thể, những việc mà bạn cần phải làm chính là họp hành và tiếp tục lừa dối những cô cậu cấp dưới, từ đó cho thấy người lãnh đạo cao nhất của các đoàn thể này đều không có thành tựu gì.
Đáng tiếc, năm đó khi mới bước vào đại học, tôi không có khả năng đoán biết trước và cũng không ai nói cho tôi biết cái hiện thực tăm tối trong đoàn thể của tôi, dẫn đến việc tôi bước nhầm vào con đường lầm lạc. Này các cô cậu sinh viên, nếu các bạn không muốn trở thành người lãnh đạo cao nhất của các đoàn thể xã hội trong trường đại học thì không nên tham gia vào các tổ chức mập mờ này làm gì. Phí ghi tên mất 5 tệ, chi bằng hãy đến nhà ăn và ăn một bữa ngon lành còn hơn.