Cũng không phải tất cả sinh viên đều có thể đến các đoàn thể xã hội để thử sức. Ví dụ như Chương Hàm Yên ở phòng chúng tôi, cô ấy chưa từng tham gia bất kỳ một đoàn thể xã hội nào. Chương Hàm Yên là một nhân vật rất đặc biệt. Bởi vì cô ấy quá nhiều tiền nên cũng quá đặc biệt. Cao sang khó gần. Ở nơi cao thì khó tránh được cái lạnh. Thực ra, những gia đình nhiều tiền đưa con ra nước ngoài du học thì vẫn tốt hơn. Bởi vì học đại học trong nước, sự chênh lệch đẳng cấp quá lớn sẽ khiến người có tiền và người không có tiền đều khó thích ứng.
Trong phòng chúng tôi hầu như không có ai chủ động bắt chuyện với Chương Hàm Yên. Lấy một ví dụ, chúng tôi nói về sản phẩm bảo vệ da, khi mọi người mới bước vào đại học thì những hiểu biết về sản phẩm bảo vệ da chỉ dừng lại ở “nhãn hiệu Trung Quốc” – những sản phẩm dành cho ngày và đêm của Đại Bảo. Hay khi nói về mùa thu rất khô hanh, cần phải mua cái gì đó thật thơm, Chương Hàm Yên lập tức nói Biotherm khá là hợp cho chúng ta dùng trong năm nay, cái khoản đó của gia đình cô ấy thật… Cuộc nói chuyện ngay lập tức buộc phải kết thúc. Chúng tôi không không những chưa từng dùng qua mà khi còn năm thứ nhất cũng chưa hề nghe đến nhãn hiệu đó. Thật xa cách. “Cơ sở kinh tế quyết định kiến trúc thương tầng.”
Tô Tiêu thích dùng sản phẩm dưỡng da của Chương Hàm Yên. Năm thứ nhất, khi mới vào học, những nữ sinh chúng tôi đều dùng Đại Bảo hoặc là “Cô y tá nhỏ”, v.v…. đến năm thứ hai mới bắt đầu đổi sang dùng các loại như Nivea, Avon và Ponds, năm thứ ba có cô đã bắt đầu dùng Vichy hay L”oreal. Về cơ bản, trong trường đại học đối với những cô gái xuất thân trong những gia đình bình thường mà nói thì những thứ đó đã là giới hạn cao nhất rồi. Nhưng Chương Hàm Yên vừa mới bước vào trường đã dùng Lancome. Nói thực, lúc đó chúng tôi đều không rõ đó là nhãn hiệu gì, chỉ biết rằng trên vỏ chai đều là tiếng Anh, vỏ ngoài màu phấn hồng rất đẹp mắt. Mãi đến khi vớ được mấy cuốn tạp chí loại tư bản thời thượng tôi mới chợt nhớ tới cái mà Chương Hàm Yên dùng chính là thứ “đồ chơi” này. Tôi không dám hỏi giá tiền. Nhưng rốt cuộc Tô Tiêu cũng là người đẹp phải thốt lên kinh ngạc khi lần đầu tiên nhìn thấy cái lọ nho nhỏ đó của Chương Hàm Yên: Trời, cậu dùng Lancome cơ à?
Chương Hàm Yên cười không nói gì. Chúng tôi đều nhìn về phía bàn của Chương Hàm Yên, thấy những thứ hồng hồng mới đẹp làm sao. Về lí thuyết, nói thực là ít nhất thì lúc đó tôi cũng không rõ Lancome có giá trị thế nào. Một năm sau, tất cả những nhãn hiệu sản phẩm dưỡng da và mĩ phẩm cao cấp trên thế giới tôi đều thuộc như lòng bàn tay, và không thể không kinh ngạc trước cô gái thiên tài trong lĩnh vực này. Ngày hôm đó, sau khi rửa mặt, Tô Tiêu liền nói với Chương Hàm Yên: “Có thể cho tôi thử cái thơm thơm của bạn một chút được không?” (không biết từ khi nào nữ sinh đã gọi tất cả những thứ phun sương bên ngoài là “thơm thơm”, mới nghe có cảm giác rất quái lạ nhưng sau đó chính mình cũng gọi như vậy).
Chương Hàm Yên tươi cười chuyển qua. Tôi luôn cảm thấy dù Chương Hàm Yên cười hay chau mày thì đều có phong thái của một cô gái khuê các, tôi có chút ngưỡng mộ cô ấy. Thử nghĩ mà xem, ba đời mới nuôi dưỡng được một quý tộc chân chính thì tự mình cũng đừng quá hi vọng vào điều gì. Mỗi người đều có số mệnh riêng của mình. Tôi thấy Tô Tiêu rất chăm chú dùng ngón tay cái khoét một cái chấm nhỏ, sau đó soi gương, rồi chấm năm chấm trên mặt. Vẫn cảm thấy chưa đủ, cô ấy do dự một lát rồi lại khoét thêm một chút nữa. Sau khi đậy nắp xong cô ấy liền đặt lại “cái thơm thơm” về bàn của Chương Hàm Yên. Sau đó bắt đầu bôi bôi quệt quệt một cách tỉ mỉ, đến nỗi tôi thường hoài nghi rằng liệu có phải da mặt của cô ấy đã bị bôi quệt hỏng cả rồi không.
Chương Hàm Yên vẫn tiếp tục nằm trên giường nghe CD của cô ấy. Tôi thì hơi xót cho “cái thơm thơm” của cô ấy, nếu là tôi thì e là sẽ không dễ dàng che giấu được sự bất mãn một cách giỏi như thế. Tất nhiên Chương Hàm Yên có thể là chẳng có gì mà phải buồn. Dù gì thì người ta cũng là con gái nhà giàu. Vài hôm sau, khi mọi người về phòng kí túc xá vào buổi tối, họ lần lượt thay nhau rửa mặt rồi rửa chân. Tiếng chậu va đập hoà với tiếng nước, tôi rất không thích cái cảm giác này, nó khiến tôi cảm thấy vừa hỗn loạn vừa ầm ĩ, rất dễ làm tôi căng thẳng, hoặc là ẩn sâu trong tiềm thức, tôi có thể là người thích sống một mình.
Sau khi rửa mặt xong, Chương Hàm Yên quay trở vào bên cái bàn của mình, đột nhiên cô ấy nói một câu với giọng nhỏ nhẹ hơn nhiều so với bình thường: Sao mỗi lần dùng xong “cái thơm thơm” của tôi đều không đóng nắp vào vậy? Mọi người ngẩng đầu nhìn Chương Hàm Yên, nhìn thấy “cái thơm thơm” trong tay cô và biết được cô đã nói gì, thế là mỗi người với cái dáng vẻ không có liên quan gì tới mình lại tiếp tục bận bịu với chính mình, chỉ có Tô Tiêu là ngẩng đầu nhìn Chương Hàm Yên một cái. Rồi lại nhìn cái nữa. Sau đó tôi nghe thấy tiếng Tô Tiêu ném đống tạp chí nặng nề xuống giường.
Trong khoảnh khắc đó, có cảm giác cả phòng kí túc dường như thật yên tĩnh. Chương Hàm Yên không nói gì thêm, yên lặng ngồi bên bàn xoa mặt. Thực ra trong phòng kí túc xá chỉ có Tô Tiêu là đã từng dùng những sản phẩm dưỡng da đó của Chương Hàm Yên.
Tôi không biết liệu người khác có cảm thấy câu nói đó của Chương Hàm Yên nặng nề không. Tôi cảm thấy ý của cô ấy có lẽ là: Bạn dùng đồ của tôi, tôi không có ý kiến gì, nhưng bạn toàn quên đóng nắp như vậy là không tốt rồi. Có lẽ là không hề có ác ý gì. Nếu là tôi, có thể tôi cũng sẽ nói thế.
Để tránh bất cứ phiền phức, từ trước tới nay hầu như tôi không dùng bất cứ thứ gì của mọi người trong phòng kí túc, kể cả một cốc nước. Mỗi ngày tôi đều múc rất nhiều nước để đảm bảo chắc chắn rằng mình không phải đi xin nước người khác. Đó cũng có thể là một trong những nguyên tắc sống trong kí túc xá, cố gắng hết mức để không phải dùng đồ của người khác, để không làm phiền người khác. Khi những người tính cách khác nhau cùng ở chung một phòng thì “sáng suốt giữ mình” là một trong những triết lí sống mà mọi người cần phải học. Lâu dần tôi cũng quên mất điều này. Mãi hơn một tuần sau cuộc nói chuyện của cả phòng mới khiến tôi nhớ ra.
Năm thứ nhất, sáu người cùng phòng dường như ai ai cũng ôm ấp những lí tưởng vĩ đại. Nghĩ đến mà thấy buồn cười, khi mới bước vào năm thứ nhất đại học, dường như mỗi người đều muốn tiếp tục duy trì ý trí mạnh mẽ như hồi trung học, không ngại khó ngại khổ vươn tới đỉnh cao của trí thức, nên không ai thi nghiên cứu sinh vào những trường không có tên tuổi, đến năm thứ ba rồi năm thứ tư không biết có bao nhiêu người đã bỏ lỡ cơ hội. Ban đầu, tôi cũng không biết vứt bỏ những lời thề non hẹn biển trong học tập đi đâu, từ trước đến nay những lời thề non hẹn biển đều là những thứ “yểu mạng”. Khi đó chỉ có Chương Hàm Yên là không nói gì đến việc tham gia thi tuyển nghiên cứu sinh. Bởi vì cô ấy muốn ra nước ngoài. Hồi đó, những gia đình có tiền mà không cho con cái ra nước ngoài thì dường như không cam tâm. Trịnh Thuấn Ngôn băn khoăn không hiểu liền hỏi: “Sao bạn không đi từ lúc còn học trung học?”
Chương Hàm Yên cười nhẹ nhàng nói: “Thời đại chúng ta, sống mà chưa từng trải qua kì thi đại học của Trung Quốc là đã sống một cuộc đời không trọn vẹn”. Câu nói đó của Chương Hàm Yên đã nói trúng tâm trạng tôi. La Nghệ Lâm hỏi: “Cậu định đi đâu?”.
Chương Hàm Yên trả lời: “Canada.” Vừa dứt lời Tô Tiêu liền nói: “Sao không đi Mỹ đi? Hoặc là đi Anh hay Mỹ thì càng tốt? Những bạn trung học của tớ mà thật sự có tiền đều đã đi Mỹ. Nếu tớ có đủ tiền tớ cũng sẽ đi Mỹ”.
Câu nói đó tôi nghe sao thấy mỉa mai quá. Như thế chẳng phải muốn nói rằng con đường vươn tới đích của gia đình Chương Hàm Yên còn chưa đủ rộng, tiền cũng không đủ nhiều nên không thể đi Mỹ được. Chắc gì đã lấy được visa của Mỹ. Cuối cùng Tô Tiêu cũng bắn sang một câu đầy hàm ý: “Sao họ lại không đóng cho cái dấu nhỉ?”. Chương Hàm Yên nhẹ nhàng nói: “Ừ, tớ cũng biết là xin visa của Mỹ rất khó. Có thể tớ sẽ không học hết đại học ở đây rồi lại chuyển qua Mỹ”. Những cô gái thông minh thì phong thái cũng không giống những cô gái bình thường. Điềm tĩnh trước mọi việc là cách hiệu quả nhất để công kích lại đối phương. Tô Tiêu không phải là đối thủ của cô ấy. Tôi cười thầm trong bụng. Cái phong thái bề ngoài ở con gái phải lấy cái nội tâm sâu kín làm cơ sở.
Khi Chương Hàm Yên không có mặt trong phòng, mọi người cũng từng bàn luận về cô ấy, Tô Tiêu nói cô ấy cố ý khoe khoang. Tôi lại không thấy thế, người thật sự có tiền thì không cần thiết phải khoe khoang trước mặt những người dân thường chúng ta. Mà Chương Hàm Yên là người thực sự có tiền, một cái đồng hồ đeo tay cũng tốn mất hơn 6 vạn tệ. Bất cứ thứ gì cô ấy mua chúng tôi đều không dám hỏi và cũng không cần thiết phải hỏi giá tiền, ngay cả một cô nữ sinh thích hỏi quần áo của người này người nọ mua ở đâu như Tô Tiêu cũng cố kiềm chế bản thân không hỏi xem Chương Hàm Yên mua quần áo ở đâu. Có hỏi cũng vô ích. Dù sao thì cũng không mua nổi.
Nhưng về gia đình và cha của cô ấy lại là một câu đố. Cô ấy không bao giờ nói cha mẹ của cô ấy làm nghề gì. Ngẫu nhiên có một lần tôi nghe thấy La Nghệ Lâm hỏi về vấn đề ấy, Chương Hàm Yên cười nhưng không nói. Mọi người cũng không ai hỏi lại nữa. Về sau, khi La Nghệ Lâm làm lớp trưởng, cô ấy đã từng được xem đơn nhập học của Chương Hàm Yên trong quá trình làm việc. Sau khi quay về cô ấy nhỏ to nói với chúng tôi một cách rất bí mật: “Cha của Chương Hàm Yên là thương gia, mẹ là viên chức nhà nước”. La Nghệ Lâm cứ nhấn mạnh vào cái sự thực mẹ của Chương Hàm Yên là viên chức nhà nước.
Khi đó tất cả mọi người dường như đều chợt hiểu ra và không nói gì. Nhưng chắc chắn trong lòng đã có những ý nghĩ riêng. Trung Quốc ngày nay luôn có những sự việc khiến dân chúng rất dễ mẫn cảm như thế. Thực ra, khách quan mà nói, Chương Hàm Yên cũng không tồi, cô ấy khá hoà nhã với mọi người, cũng không có nhiều thói xấu như kiêu ngạo, buông thả, chẳng qua là những người cùng phòng không muốn gần cô ấy. Cô ấy rất cô đơn. Trong ngôi trường này, nếu như rất nhiều nữ sinh có thể tập hợp thành một nhóm hay tìm được một nhóm thì cô ấy là một điểm nhỏ, một điểm cô đơn.
Khi mới vào đại học, Chương Hàm Yên đã từng tỏ ra rất có thiện cảm với tôi và mong muốn kết thân. Lý do là tôi rất giống một người bạn trung học của cô ấy, nhưng người bạn đó đã ra nước ngoài rồi. Cách cô ấy thể hiện thiện cảm với tôi là ở trong phòng kí túc cô ấy chủ động bắt chuyện với tôi. Như vậy vẫn còn đỡ khó chịu. Điều khiến tôi không thể chịu được là, nếu tôi ở trong phòng thì cô ấy sẽ rủ tôi cũng đến nhà ăn ăn cơm. Nếu tôi cùng cô ấy đến nhà ăn ăn cơm, cô ấy nhất định sẽ giành việc lấy phiếu ăn giúp tôi. Mỗi lần như thế tôi đều cảm thấy không thoải mái.
Sinh nhật của tôi vào đầu tháng 11. Năm 2000 là sinh nhật lần thứ mười tám của tôi. Chương Hàm Yên đã mua cho tôi một cái bánh gatô ba tầng và một con búp bê còn cao hơn cả tôi, lại còn một lọ nước hoa CD nữa. Khi đó chúng tôi quen nhau vẻn vẹn chỉ mới hai tháng. Sự việc này đã từng gây chấn động trong toàn khoa chúng tôi. Sau sinh nhật tôi, rất nhiều người đã cho rằng mối quan hệ giữa tôi và Chương Hàm Yên cực kì tốt. Trên thực tế tôi cảm thấy cô ấy chưa bao giờ đi vào lòng tôi và trở thành bạn tôi. Nói thật, tôi không muốn ở cùng cô ấy chút nào vì có quá nhiều áp lực. Ở bên cô ấy tôi luôn sợ mọi người nói rằng chỉ vì Dịch Phấn Hàn muốn có người mua phiếu ăn hộ mà thôi.
Rồi cô ấy cũng đoán ra là tôi không muốn quá thân thiết với cô ấy nên dần dần đã lánh xa tôi. Nhưng thành thật mà nói, trong phòng kí túc xá quan hệ giữa tôi và cô ấy tốt hơn nhiều so với quan hệ giữa cô ấy với những người khác, rõ nhất là trừ trước đến giờ tôi chưa từng nói xấu sau lưng, cũng không bao giờ nói điều gì bất lợi cho cô ấy. Đến khi cô ấy ít hẹn tôi cùng đi ăn cơm và cùng lên lớp hơn thì tôi vẫn cảm thấy gánh nặng trong lòng, vẫn canh cánh đến sinh nhật cô ấy mình nên làm gì, phải tặng lại cái gì? Một đống quà sinh nhật cô ấy tặng đã trở thành một vướng bận trong lòng tôi. Tuy nhiên, tôi biết rõ rằng cho dù mình tặng thứ gì thì đối với cô ấy cũng không đáng giá.