Tôi và Lan đã đi ăn với nhau ở rất nhiều quán xá trên Hà Nội, nhưng đến hôm nay tôi mới có cơ hội được thưởng thức những món ăn do chính tay nàng làm ra.
Đi chợ với Lan rất vui mặc dù nàng hơi cầu kỳ trong việc lựa chọn thực phẩm. Chỉ làm món sườn chua ngọt thôi mà nàng phải đi khắp chợ để tìm đủ gia vị, đó là tương cà chua, hành khô, tỏi, giấm, đường, tiêu, bột nêm, hành lá, khi về đến nhà phát hiện ra thiếu bột mì, nàng còn giục tôi quay lại chợ tìm mua.
“Trời ơi!” Tôi nhăn nhó. “Tớ thấy không có bột mì có làm sao đâu?!”
“Không được!” Lan nhăn nhó còn hơn tôi. “Tớ rất cầu toàn trong việc nấu nướng, cậu chịu khó giúp tớ với!”
Khẩn cầu thiết tha đến thế thì tôi chỉ còn biết chấp hành chứ làm sao được nữa.
Mua bột mì về cho nàng xong tôi lượn lờ bên cạnh nàng và hỏi xem mình có giúp được gì không, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra sự thừa thãi của mình ở đây, bếp ăn là một thế giới hoàn toàn riêng biệt của nàng, tôi có thể cảm nhận được rằng nàng đã dành hết toàn bộ tâm trí của mình cho những món ăn.
Tôi đứng yên ở một góc bếp chăm chú nhìn theo từng hoạt động của Lan, khi nấu nướng nàng làm mọi thứ một cách rất tỉ mỉ, chỉ cắt đậu thôi mà con dao cứ đưa lên hạ xuống mãi không thôi, từng động tác của nàng đều rất đắn đo như thợ may phải ướm kỹ trước khi cắt vải, khi biết nhà tôi không có chảo chống dính, nàng còn thở dài như một đứa trẻ tiếc nuối vì bài thi không được điểm tối đa.
“Cậu biết không, tớ luôn thấy rất hào hứng mỗi khi bước vào bếp.” Nàng sôi nổi nói. “Có cảm giác đây như là thế giới riêng của tớ ấy, tính tớ đôi khi hay lơ đãng nhưng chẳng hiểu sao riêng đối với việc nấu nướng tớ lại rất chú tâm và luôn tìm kiếm sự hoàn hảo trong đó.”
“Thế sao cậu lại than phiền là mỗi dịp Tết phải nấu nướng phục vụ gia đình đến kiệt sức.” Tôi nói và mò tìm bao thuốc trong áo.
“Việc ấy không tính. Đấy là nấu theo kiểu miễn cưỡng để phục vụ người lớn nhậu nhẹt, chẳng có tí nghệ thuật nào trong ấy cả.” Lan nói. “Mà cậu hút thuốc đấy à? Tớ thấy nó hôi hám khét lẹt mà sao cậu lại thích được nhỉ?!”
“Tại tớ rỗi không có việc gì làm.”
“Thế… thế cậu tìm việc gì đó làm đi.” Lan nói. “Nhà cậu có bình nóng lạnh không?”
“Không. Cậu muốn làm gì?”
“Tớ định chuẩn bị nước để tắm trước thôi. Sợ mọi người về lại tranh nhau nhà tắm.” Nàng nói ái ngại. “Nhà không có bình nóng lạnh thì cũng hơi dở nhỉ!?”
“Ừ, ở quê thiếu thốn tiện nghi mà. Thôi không sao, để tớ chuẩn bị nước cho.”
Sau đó tôi đi lấy một siêu nước to đặt lên bếp than, rồi xuống nhà tắm chuẩn bị khăn tắm, gương lược, xà phòng và mở van xả nước vào chậu nhựa.
Khi lượng nước được hơn lưng chậu thì tôi khóa van và quay lại bếp với Lan, nàng vừa luộc rau xong và đang pha nước chấm.
“À.” Nàng vừa nếm nước chấm vừa nói. “Sao đợt này cậu không rủ Vũ về luôn cho vui?”
Tôi kể cho Lan nghe chuyện Vũ đang bận đi dự lễ cầu an đầu năm ở chùa Phúc Khánh.
“Tớ biết ngôi chùa ấy rồi.” Lan nói sau khi nghe xong. “Ở bên quận Đống Đa, không biết chỗ ấy có thiêng không mà rằm tháng giêng năm nào cũng đông nghìn nghịt người về dự lễ. Mà tớ không nghĩ Vũ tín thế đâu nhé.”
“Ừ, ngày xưa nó không thế đâu.” Tôi nói. “Chẳng hiểu sao từ ngày kiếm được tiền nó lại trở nên thích thú với việc cầu cạnh thần linh.”
“Thôi thì… có thờ có thiêng, có kiêng có lành.” Nàng nói. “Cậu lấy nước xong rồi thì bóc bánh trưng với lấy hành muối, dưa muối giúp tớ nhé. Phải phân việc liên tục cho cậu thì cậu mới quên thuốc lá được.”
Tôi bật cười với lý do của nàng và vui vẻ đi lấy đồ ăn, nhà bếp chỉ có một bàn nấu ăn nàng đang sử dụng nên tôi đem đồ ra ngoài cửa bếp ngồi làm.
Không khí ấm cúng thế này thích thật, giờ mới thật sự là Tết chứ, Tết năm nay tuy đến với tôi hơi muộn, nhưng có còn hơn không.
“Kể mà dư dả thời gian nhỉ.” Nàng vừa trộn sườn với gia vị vừa bắt chuyện với tôi. “Tớ sẽ làm món cá kho mời cậu ăn, có lần cậu bảo thích ăn cá kho đúng không?!”
“Cậu mà kho cá chắc phải đi chợ hết một ngày mới mua được đủ nguyên liệu.”
Nghe thấy thế nàng dừng đũa rồi quay lại cười ngượng ngùng với tôi: “Thông cảm đi mà, có một vài lĩnh vực tớ không cho phép mình dễ dãi. Nấu nướng là một trong số đó. Người ta nói nấu ăn là một nghệ thuật không phải là nói khoa trương lên đâu, tớ tin một món ăn chỉ thực sự ngon khi được làm ra từ bàn tay tài hoa kết hợp với niềm đam mê của người đầu bếp. Với tớ món ăn không chỉ là thứ để ăn mà nó còn mang những giá trị tinh thần rất lớn, nó là sự kết tinh của tình yêu thương và là phương tiện truyền đi những thông điệp tốt lành.”
“Hay!” Tôi vỗ tay. “Cậu nói rất hay và cảm xúc!”
“Hồi ôn thi tiếng Anh tớ từng làm một bài tiểu luận về nghề đầu bếp mà.” Nàng cười hì hì. “Giờ chỉ đọc lại cho cậu nghe thôi.”
“Không, không phải.” Tôi nói. “Thật sự là vừa rồi cậu nói về nghề nấu ăn rất hăng say với tất cả trái tim mình. Đã bao giờ cậu thử nói thế với bố mẹ chưa?”
“Tớ chưa, vì tớ biết bố mẹ tớ sẽ không bao giờ đồng ý đâu, họ sẽ dập tắt mơ mộng của tớ thôi. Lao động chân tay mà làm gì, làm việc văn phòng máy lạnh, má phấn môi son nhàn nhã không tốt hơn sao? – Bố mẹ tớ sẽ nói những câu đại loại như thế đấy.”
Đây là chuyện quan trọng có ảnh hưởng đến cuộc đời của một con người nên tôi không dám tùy tiện góp ý, tôi quay sang cầm một trái dưa chuột bao tử lên ăn thử một miếng, hương vị chua cay của nó làm tôi rùng mình xuýt xoa.
“Mà một phần cũng tại tớ nữa.” Lan nói tiếp. “Chính bản thân tớ cũng hoang mang không biết ước mơ ấy sẽ dẫn mình đến đâu, có đến được nơi an toàn hơn cái đích đến ổn định mà những người từng trải như bố mẹ tớ đã sắp đặt hay không. Tớ không biết mình nên làm gì nữa, nếu cậu là tớ, cậu sẽ làm thế nào?”
“Ôi, gạo nếp dính hết tay tớ rồi này.” Tôi giả vờ không nghe thấy câu hỏi.
Lan không hào hứng với chuyện ấy lắm nên không tham gia với tôi mà tiếp tục tập trung nấu ăn.
Tuy ngồi quay lưng lại với nàng nhưng tôi cảm nhận được từng hoạt động của nàng qua tiếng sôi của dầu, tiếng đũa đảo trong chảo và qua mùi thơm của món ăn lúc nó hoàn tất.
Nấu món sườn xào chua ngọt xong nàng lại gần ngó nghiêng xem tôi làm ăn thế nào, lúc ấy tôi cũng vừa cắt bánh trưng xong.
“Cậu cắt đẹp đấy!” Nàng hỏi. “Mà cậu cũng biết cắt bánh bằng dây à?”
“Nhằm nhò gì. Tớ còn biết nấu bánh chưng nữa cơ. Trai quê giỏi mấy khoản ấy lắm.”
Nàng gật gù ghi nhận và ngồi xuống cạnh tôi, cửa bếp không rộng lắm nên tôi phải ngồi thụt lại đằng sau một chút để nhường chỗ chính cho nàng.
Nàng nhấc đĩa bánh lên ngắm nghía và hỏi tôi: “Việc bóc bánh xong rồi, cậu có thể trả lời câu hỏi của tớ chưa?”
“Hả?” Tôi nói. “À, ừ. Chuyện nghề nghiệp hả? Là chuyện hệ trọng nên tớ không dám tham gia nhiều.”
“Thì cậu cứ nói đi. Ý kiến tham khảo thôi mà.”
“Ừm thì.” Tôi nói. “Tớ không dám khuyên gì nhiều, chỉ là… tại sao cậu không thử một lần nói về công việc yêu thích của mình cho bố mẹ nghe.”
“Tớ sợ nói ra sẽ chỉ gây tranh cãi, không thay đổi được gì mà lại làm bố mẹ suy nghĩ.” Nàng nói. “Có những việc không nói ra sẽ tốt hơn mà, như chuyện cậu kể lúc đi chợ ấy, nếu hôm ấy cậu khôn ngoan hơn, cứ giấu những thắc mắc ấy trong lòng không nói ra thì bố cậu sẽ không bao giờ bị sốc như vậy, như thế là tốt nhất đúng không?”
“Đúng, đúng là trước đây có giai đoạn tớ luôn tự trách mình nói năng vô ý đã làm cho bố phải buồn.” Tôi nói. “Nhưng đến giờ tớ lại có cách nghĩ khác.”
“Điều gì đã làm cậu thay đổi suy nghĩ thế?”
“Cậu ngửi thấy mùi gì không?” Tôi hỏi và đứng dậy, cầm theo đĩa bánh trưng và hai đĩa hành muối, dưa chuột bao tử muối đem vào trong mâm để.
“Gì cơ? Sao lại mùi gì?” Nàng ngơ ngác nhìn theo tôi.
“Cậu không thấy mùi gì thật à?”
Khi tôi về lại bên cạnh nàng, nàng nói: “Ừ…hình như… đúng là có mùi thơm man mát, là mùi hoa bưởi thì phải.”
“Ừ, mùi từ ngoài vườn kia kìa.” Tôi chỉ tay lên những bông hoa bưởi trắng li ti ngoài vườn, hoa bưởi thường nở vào đầu xuân khi các loài cây khác mới lấm tấm chồi non, xóm tôi nhiều nhà trồng bưởi nên mỗi dịp Tết đến là cả xóm như được tắm trong một loại nước hoa dịu mát thanh khiết của tự nhiên.
“Tớ thấy bảo cái này gội đầu thích lắm!?”
“Ừ, mẹ tớ hay gội đầu bằng nước lá bưởi, vỏ bưởi, hình như thêm ít lá sả nữa thì phải.”
“Ừ. Nhưng mà… khoan đã.” Nàng nói. “Hoa bưởi có liên quan gì tới câu hỏi của tớ vậy?”
“Có liên quan tớ mới hỏi chứ.” Tôi nói. “Mùi hương thơm mát dịu này làm tớ nhớ đến buổi nói chuyện cuối cùng của tớ với mẹ trước khi bà mất. Tớ kể cậu nghe một lần rồi đúng không, hết học kỳ một năm thứ nhất tớ về nhà nghỉ Tết, vừa lên học tiếp mấy hôm thì chị gọi điện báo tin mẹ mất.”
“Tớ nhớ.” Nàng mím môi. “Cậu còn kể là cảnh thành phố lúc chạng vạng tối đã ám ảnh cậu đến tận bây giờ.”
“Ừm. Buổi tối cuối cùng trước khi tớ đi hương hoa bưởi cũng ngập tràn thế này, đó là một buổi tối hết sức kỳ lạ, không hiểu sao tớ cứ cảm thấy rất nôn nao trong lòng, dù mấy thằng bạn cấp ba ghé qua nhà rủ đi chơi tớ cũng từ chối để ở nhà ngồi uống chè nói chuyện với mẹ.”
“Có phải cậu đã linh cảm thấy điều gì không?”
“Nói thế nào nhỉ, tớ đã từng, trong thời gian hơn chín tháng, là một phần cơ thể của mẹ tớ, đó thật sự là một mối liên hệ đặc biệt của tạo hóa.” Tôi nói. “Nhưng đấy có phải là dự cảm về một tai họa sắp đến không thì tớ không chắc. Thật sự thì tớ không hiểu rõ lắm về những cảm giác phức tạp lúc ấy của mình. Có thể chỉ đơn giản là sắp phải lên trường xa mẹ thì đương nhiên mình thấy bồi hồi xúc động thôi. Ai sắp đi xa mà chẳng cảm thấy thế đúng không?”
“Cũng đúng.”
“Hai mẹ con tớ nói những câu chuyện rất bình thường thôi, tớ kể cho mẹ nghe về những chuyện trong học kỳ vừa qua, về môi trường mới và những người bạn mới, khi tớ nói đã nhận được những đồng lương đầu tiên, mẹ nhìn tớ trìu mến và khen tớ trưởng thành rồi.” Tôi nói. “Tớ còn nhớ là đài phát thanh hôm ấy phát bài Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao, mẹ tớ thích bài ấy lắm, bà khen người nhạc sĩ thật tài hoa, đã sáng tác ra một bài hát rất du dương. Câu chuyện kéo dài đến gần mười giờ đêm mới hết, sau đó tớ đi đánh răng rửa mặt để đi ngủ sớm.”
Tôi đứng dậy bước ra chỗ bể nổi và xả nước rửa hai bàn tay bị dính gạo nếp vì bóc bánh trưng.
“Lúc ấy tớ đứng ở đây, chỗ vòi nước này, vừa đánh răng rửa mặt xong.” Tôi nói. “Còn mẹ tớ vừa bước ra, đến đúng chỗ cậu đang ngồi, bà hỏi tớ đã chuẩn bị đủ đồ để sáng mai đi chưa, tớ nói đủ hết rồi mẹ ạ. Bỗng dưng bà nói để mẹ gói thêm một ít trứng gà với bánh trưng cho con đem lên trường ăn. Khi mẹ tớ quay đi chuẩn bị đồ, có một nỗi niềm gì đó rất khó gọi tên từ sâu thẳm trong trái tim thúc giục tớ gọi theo mẹ. Tớ gọi: Mẹ ơi! Và mẹ tớ giật mình quay lại.”
“Lúc ấy…” Tôi nói, cổ họng như bị mắc nghẹn. “Lúc ấy tớ định nói là mẹ ơi mai lên trường con sẽ rất nhớ mẹ, con yêu mẹ rất nhiều, nhưng tớ lúng túng như gà mắc tóc không làm sao nói ra được điều ấy, cứ ấp úng: Con… con. Không dám nói hết câu. Ngày xưa còn bé tớ thể hiện tình cảm với mẹ rất dễ dàng, nhưng khi lớn lên không ngờ nói một câu con yêu mẹ lại trở nên khó khăn như vậy.”
“Đấy lại là lần gặp cuối cùng của cậu với mẹ đúng không?” Nàng bàng hoàng đứng phắt dậy. “Thế thì kỷ niệm ấy quá đau đớn!”
“Đúng thế. Chua chát và đau đớn! Vì không còn cơ hội thứ hai nào nữa…” Tôi nắm chặt tay đấm mạnh vào thành bể.
“Kể từ ngày ấy, mùi hương hoa bưởi với tớ đã trở thành mùi hương của sự tiếc nuối.” Tôi nói tiếp. “Sau khi trải qua sự việc ấy, tớ cũng hiểu ra một điều: Không dám thẳng thắn là nguồn gốc của nhiều nỗi bất hạnh. Từ lúc ấy tớ không còn ân hận về chuyện xảy ra với bố nữa, có thể sự thẳng thắn của tớ đã làm ông buồn một chút, có thể sự khác biệt giữa hai thế hệ đã làm ông hụt hẫng một chút, nhưng về lâu về dài, khi những cảm giác khó chịu ấy qua đi, bố tớ sẽ rất hạnh phúc vì đã hiểu rõ hơn suy nghĩ của con trai mình.”
“Tớ hiểu ý cậu. Câu chuyện của cậu thật sự rất ý nghĩa.” Nàng nói. “Tớ… lần này về tớ sẽ thử nói chuyện với gia đình xem sao.”
Mải nói chuyện nên tôi không nhớ là mình đang đun nước, khi nước trong siêu sôi sùng sục trào ra mặt bếp bốc hơi xèo xèo thì hai đứa mới giật mình nhìn nhau và chạy vào nhấc siêu nước ra.
Nàng lên nhà chuẩn bị quần áo còn tôi đem siêu nước xuống nhà tắm hộ nàng, xong việc vừa quay lên thì tôi thấy Trang gọi điện.
“Bọn em sắp về đến nơi rồi nhé!” Trang nói. “Hai người có gì muốn tâm sự thì tâm sự nhanh lên.”
“Về thì cứ về, sao phải thế hả?”
Trang cười khoái chí và nói với tôi: “Em đang dừng xe mua ít Coca-Cola nên tiện gọi điện thông báo tình hình thôi, anh làm gì mà nghiêm túc thế?! Mà mua thêm ít phồng tôm về rán ăn chơi nhé?”
“Tiền của em, em thích làm gì chả được.” Tôi nói. “Về phần mình thì anh đã mở toang cổng và trải thảm đỏ đón em rồi đấy!”
“You’re welcome!” Trang cao giọng và huýt sáo một cái trước khi tắt máy.
Nghe tiếng tôi nói điện thoại Lan hỏi vọng từ trên nhà xuống: “Các bạn ấy về đến nơi chưa cậu?”
“Sắp về đến đây rồi cậu ạ!” Tôi cất điện thoại vào túi và trả lời.
“Thế tốt rồi, tớ đi tắm trước đã.”
Trên đường xuống nhà tắm, khi đi ngang qua tôi nàng ghé người lại hỏi nhỏ: “À, mà hình như Trang lại trêu trọc gì bọn mình à?”
“Sao cậu biết?”
“Nghe cách cậu nói tớ đoán thế.”
“Ừ.” Tôi tặc lưỡi. “Cậu cũng biết tính nó lém lỉnh mà.”
“Ừ, Trang hay mà, lập dị nhưng rất tuyệt vời!” Nàng nói rồi lắc đầu. “Mỗi cái chủ đề thần tượng thì tớ chịu, không thể theo nổi em ấy.”
“À… Lan này!” Tôi gọi khi nàng đã lướt qua tôi.
“Sao thế cậu?” Nàng quay lại hỏi.
“À, không có gì, chỉ là có việc này… là… có…” Tôi run run nói. “Có… ờ, có điều này tớ muốn nói.”
Điệu bộ lẩy bẩy và giọng nói ngập ngừng của tôi làm nàng ngạc nhiên. Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi chờ đợi, hình như nàng cũng cảm nhận được rằng tôi sắp sửa nói một điều gì đó rất quan trọng.
“Có… có điều này tớ rất muốn nói…” Tôi nói, con tim như muốn nhảy khỏi lồng ngực. “Tôi yêu em, thật sự rất yêu em!”
Lan sững sờ nhìn tôi.
Tôi đã phá vỡ quy ước mà Lan đặt ra trong lá thư gửi tôi trước Tết, nàng hoàn toàn không chuẩn bị tinh thần đón nhận sự kiện này. Đôi mắt nai của nàng mở to hết cỡ và miệng thì lắp bắp: “Ơ, ơ… cậu… cậu…việc này… cái này…”
Nàng bối rối né tránh ánh mắt tôi bằng cách nhìn vào cái bếp ga, rồi lại quay lại nhìn vào mắt tôi, nhưng chỉ được vài giây là quay đi hướng khác hoặc nhìn xuống đất.
“Anh… anh…” Nàng nói lập bập, điệu bộ lúc ấy của nàng nhìn rất khổ sở. “Mình… mình đã hứa thế nào anh quên rồi sao?”
“Chẳng có lời nào em nói mà anh quên được cả, nhưng anh vẫn muốn thổ lộ tình yêu của mình…” Tôi nói và nhìn vào bàn thờ. “Khi nhắc lại câu chuyện của mẹ con anh cho em nghe, anh chợt nghĩ là mình không thể để chuyện đó lặp lại, anh không muốn ở chính nơi này lại có một tình cảm hay một sự trân trọng chưa kịp nói ra nữa.”
Nàng lại tròn mắt kinh ngạc nhìn tôi lần nữa.
“Thôi, thôi, mình dừng lại đi, dừng ở đây đi. Mọi người sắp về rồi…” Nàng nói và quay ngoắt người bước vội xuống nhà tắm.
“Anh yêu em, dù kết quả thế nào, anh cũng phải nói ra được điều ấy.” Tôi cố nói với theo nàng.
Nàng đứng khựng lại khi nghe thấy câu nói ấy của tôi.
Đứng yên ở chỗ cửa thông giữa nhà bếp và nhà tắm một hai phút rồi nàng cúi mặt xuống và đưa tay phải lên vuốt qua má rất nhanh, điệu bộ hình như đang gạt nước mắt.
“Anh làm em xúc động lắm đấy.” Nàng sụt sịt nói. “Chưa bao giờ em thấy xúc động như ngày hôm nay.”
Nàng hít một hơi thật sâu rồi ngẩng mặt lên và đứng thẳng người trở lại, nàng tiếp tục nói mà không quay mặt lại nhìn tôi: “Nhưng chuyện của bọn mình chỉ nên đến đây thôi, nếu đi xa hơn nữa sợ rằng em sẽ mất tự chủ mất, em sẽ không còn là em nữa mất, chúng ta dừng lại đi anh ạ, dừng lại ở đây thôi!”
Chúng ta dừng lại đi anh ạ, dừng ở đây thôi, nàng nói thế và nàng đã làm thế thật, một lúc sau khi nhóm Trang về đến nơi, nàng bước từ nhà tắm ra tươi tỉnh như không có chuyện gì, nhưng tôi cảm thấy suy nghĩ của nàng đã thay đổi hoàn toàn 180 độ, trong bữa cơm nàng vẫn vui vẻ hòa đồng với những người khác, nhưng với riêng tôi thì lại có ý né tránh.
Đến khi ăn xong cả nhóm kéo nhau đi dạo phố thì nàng không chịu ngồi chung xe với tôi mà đòi đi với Trang, nàng viện ra lý do này lý do nọ nhưng ai nghe cũng thấy khiên cưỡng.
Sau khi về lại Hà Nội thì mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn, ngày nào tôi cũng ôm khư khư chiếc điện thoại và chầu chực cạnh chiếc máy tính ngóng chờ nhưng nàng không hề liên lạc với tôi một lần nào theo bất kỳ hình thức nào cả.
Nàng kiên quyết thi hành một chính sách sắt đá – như Trang gọi vui – là chính sách “ba không” với tôi: Không nhắn tin, không gọi điện, không kết nối qua mạng xã hội.
Tháng 3 năm 2010 cứ thế trôi qua trong sự im lặng từ cả hai phía.