Tôi là người đầu hàng trước trong cuộc “chiến tranh lạnh” này. Sang đến trung tuần tháng tư, vào buổi sáng ngày lên đường ra sân bay Nội Bài, tôi đã chủ động nhắn tin hỏi thăm Lan và thông báo qua tình hình của mình. Trong tin nhắn tôi thú nhận rằng mình rất nhớ nàng, và rằng những ngày tháng ba vừa qua là những ngày đáng sợ nhất từ trước đến nay trong cuộc đời tôi.
Tôi dán chặt mắt vào màn hình điện thoại suốt quãng đường từ Hà Nội ra đến sân bay nhưng không có bất kỳ phản hồi nào từ nàng cả. Không ngờ lần này nàng lại cứng rắn đến như vậy.
Vì lo lắng cho chuyến bay đầu tiên trong đời nên tôi có mặt ở nhà ga sớm trước giờ bay đến gần hai tiếng đồng hồ. Sau khi làm xong thủ tục tại quầy Check-in ở khu vực cảng hàng không nội địa, tôi thơ thẩn đi ra ngồi chơi ở hàng ghế chờ, ở đây kê đến hàng chục dãy ghế dài mà mới chỉ có lác đác vài ba người ngồi.
Đây là lần thứ hai tôi đến sân bay Nội Bài, lần đầu tiên là cách đây khoảng hai năm khi tiễn Dũng đi nước ngoài du học.
Hôm ấy tôi ra đây một phần là vì lời mời của Dũng, một phần là vì tôi rất mong được nhìn thấy một cái kết có hậu của hắn và Huyền, một kết thúc cổ tích kiểu như là hai người họ sẽ ôm nhau thật chặt trước giờ bay, hắn sẽ quay sang nói nhỏ với tôi rằng bọn họ đã yên ổn trở lại, và tôi hãy chuẩn bị tinh thần nhận thiệp mời đám cưới sau khi hắn đi học về.
Nhưng không, ngược lại hoàn toàn với kỳ vọng của tôi, Dũng đã thuật lại cho tôi nghe một câu chuyện tình bi thảm và đầy ám ảnh, đến trong mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ tới. Câu chuyện ấy đã khiến quãng thời gian tôi quen biết với hắn trở thành mảng ký ức toàn màu xám xịt muốn tẩy xóa đi nhất của tôi trong những năm tháng ở Hà Nội.
“Đầu đuôi mọi chuyện là từ tao.” Hắn kể khi tôi gặng hỏi. “Đợt ấy tao đã đòi quan hệ mà không sử dụng bao. Ban đầu Huyền không đồng ý, rồi tao đã đem chuyện… chuyện mà mấy lần mày gợi chuyện với tao ấy. Huyền đã kể cho tao nghe về những gì hai đứa mày nói buổi tối hôm ấy rồi, đấy, tao đem chuyện mất trinh ra chì chiết nhiều lần thì Huyền mới miễn cưỡng sử dụng màng phim tránh thai. Nhưng chẳng biết là hàng đểu hay dùng không đúng cách thế nào mà lại lỡ dính bầu, ngay sau cái đợt tao với mày tách ra ở riêng ấy.”
“Khốn nạn!” Tôi gắt lên với hắn. “Mày gọi đấy là chì chiết thôi à? Đấy là khủng bố! Khủng bố về tinh thần. Mày có còn là đàn ông không?”
“Đúng, đúng. Tao… tao không có gì để bào chữa cả, tao rất ân hận, rất ân hận vì tính cố chấp của mình.” Hắn nói.
“Vậy…” Tôi ngớ người khi nghĩ đến cái thai. “Vậy bọn mày đã làm gì với cái thai?”
“Thật ra là, tao cũng…” Hắn rặn từng chữ một. “Mày cũng hiểu hoàn cảnh của tao mà, tao sắp đi du học rồi, tao cũng yêu trẻ con nhưng cái thai đến vào thời điểm không hợp lý, khi tao và Huyền chưa sẵn sàng làm cha làm mẹ. Mày đừng nhìn tao như thế, tất cả lỗi lầm là của tao, không, tao không có ý biện minh gì cả.”
“Vậy là… đã phá thai?” Tôi hỏi.
“Đúng.” Hắn gục đầu xuống. “Khi phát hiện ra thì cái thai được năm tuần tuổi rồi. Lúc ấy tình hình gấp rút và hai đứa tao đều rối. Mà tao cũng không ngờ là Huyền sẽ bị tổn thương nặng nề đến thế.”
Hắn nuốt nước bọt rồi kể tiếp: “Lúc ngồi chờ ở phòng khám tư Huyền mới chỉ rơm rớm nước mắt, nhưng khi được đưa ra từ phòng thủ thuật thì dường như Huyền đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Trong thời gian nằm theo dõi xem có biến chứng gì không, tao ân hận lắm, tao động viên rất nhiều nhưng Huyền không phản ứng gì cả, gương mặt cô ấy trở nên xanh xao tái mét và đôi mắt, đôi mắt biết cười mà mày vẫn khen đẹp ấy, trở nên trống rỗng vô hồn, nhìn cực kỳ đáng sợ. Vào giây phút ấy, tao có thể cảm nhận được là mình đã mất Huyền vĩnh viễn.”
Tôi lặng người khi nghe hắn kể sau biến cố ấy dường như Huyền mãi mãi không còn trở lại bình thường được nữa. Hai tuần lễ sau khi phá thai, cô lên mạng lập một bia mộ ảo cho đứa con không bao giờ được thấy mặt của họ, Dũng nói hắn đã lạnh hết xương sống khi Huyền nhìn trừng trừng vào hắn và hỏi những câu như bây giờ phải đặt tên cho con là gì hả anh, năm tuần thì đã biết là con gái hay con trai chưa để mình đăng ký cho đúng hả anh…
Rồi mỗi lần cùng nhau đi ra đường, nhìn thấy trẻ con là cô lại quay sang hỏi hắn không biết con của mình trông như thế nào, có đẹp trai giống hắn hay đẹp gái giống cô không, tối về cô tiếp tục luẩn quẩn với những suy nghĩ ấy để rồi trằn trọc không ngủ được cả đêm, hình như cô thấy kinh tởm và ghê sợ chính bản thân mình.
Tất cả những uất ức mà Huyền dồn nén bấy lâu nay đã đến lúc bộc phát, sự giận dữ phẫn nộ của cô như ngọn núi lửa đến lúc phun trào, Huyền trở nên căm thù người đàn ông mình từng yêu đến tột độ, cô chửi bới, rủa xả Dũng mỗi khi hắn làm gì đó trái ý cô, cô kiếm cớ gây gổ sinh sự với hắn mỗi ngày, thậm chí, có một lần say rượu từ quán bar ra cô còn la hét và xông vào cào cấu hắn như một người điên.
Họ dày vò nhau như thế được hơn hai tháng thì chia tay.
Lời cuối cùng Huyền nói với Dũng khi chia tay là một lời nguyền rủa, cô muốn trả thù hắn bằng chính cuộc đời mình, cô đã thấy hắn day dứt và cô muốn hắn phải day dứt như thế đến suốt đời vì đã đẩy cô vào cái cảnh địa ngục giữa trần gian này.
“Thật… thật quá thảm thương!” Tôi thốt lên khi nghe xong chuyện.
“Đúng vậy. Tao không có ý biện minh gì cho lỗi lầm của mình cả.” Dũng nói. “Tao chỉ muốn chia sẻ với mày cho vơi bớt tâm sự, vì mày là người hiểu rõ câu chuyện của bọn tao nhất.”
Tôi đã từng nghe thấy ở đâu đó một câu danh ngôn rất hay, rằng thủy tinh mạnh nhất là khi nó bị vỡ vụn ra, tôi thấy câu nói ấy rất đúng với Dũng, và phần nào đó, đúng với cả tôi nữa. Khi chúng tôi lớn lên, tâm hồn chúng tôi giống như những khối thủy tinh bị vỡ vụn, đúng là con người chúng tôi trở nên mạnh mẽ và gai góc hơn rất nhiều, nhưng đồng thời, trong cái quá trình biến đổi tất yếu và khắc nghiệt ấy, có một mảnh vỡ nào đó của phần tuổi thơ đơn giản vô tư vô lo đã bị văng đi thật xa, vắng đi thật xa để rồi thất lạc mãi mãi. Ở một góc độ nào đó, có thể nói rằng chúng tôi đã chết đi khi chúng tôi trưởng thành.
Tôi còn nhớ mãi hình ảnh Dũng cười gượng gạo nói lời chia tay với tôi và quay lưng lầm lũi cúi mặt đi từng bước một ra máy bay, dáng đi lủi thủi của hắn lúc ấy trông rất tội nghiệp, dù đi đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới, hắn cũng phải mang theo một ký ức đầy những tổn thương và ám ảnh, muốn quên đi nhưng không thể nào quên nổi.
Còn về phần mình, sau khi chia tay Dũng, tôi đã không dám trở lại Hà Nội nữa, chốn đô thành nhộn nhịp phồn hoa ấy bỗng nhiên trở nên quá ngột ngạt đối với tôi, hình ảnh những đường phố khói bụi ồn ào, những không gian đông nghìn nghịt người và những phòng trọ chật hẹp bí bách đang chờ đợi làm tôi thấy nghẹt thở, cảm giác như khi lặn xuống biển mà bình dưỡng khí mang theo người đang cạn dần vậy.
Đến khi hoàng hôn bắt đầu phủ xuống sân bay, tôi chợt nhớ ra là mình có một cậu bạn cùng lớp nhà ở huyện Sóc Sơn gần đó nên gọi điện xin tá túc vài ngày. Cậu ta vui vẻ đồng ý, may cho tôi hôm ấy là cuối tuần nên cậu ta cũng đang về thăm nhà.
Tôi chơi ở đấy hai ngày cuối tuần, cộng với một ngày trốn học, tổng cộng là ba ngày. Ban ngày thì đi lang thang dạo chơi ở đền Sóc, thăm chùa Non Nước, tối đến thì rủ cậu bạn cùng đi xe máy ra hóng gió ở đập Đồng Quan.
Chúng tôi đi ra đến giữa đập thì dừng xe, dựng chân chống giữa lên rồi trèo lên yên xe nằm thư giãn. Hai chân gác hờ vào tay lái, đầu gối lên yên sau, tôi ngửa mặt lên nhìn bầu trời đêm và im lặng lắng nghe tiếng sóng nước vỗ nhè nhẹ vào thành đập, giống như một kẻ thèm được hít thở khi vừa may mắn thoát khỏi cảnh chết ngạt, tôi căng phổi lên hít lấy hít để không khí trong lành khoáng đạt của đồng quê.