Sơn đưa tôi đến chỗ nhà nghỉ quen thuộc của hắn tọa lạc trên đường Thùy Vân, cuối tuần đông khách thuê trọ nên chúng tôi phải chấp nhận lấy một phòng đôi ở tít trên tầng bốn. Phòng ốc ở đây hơi chật chội và nội thất khá lạc hậu, nhưng bù lại giá cả vừa túi tiền và mọi người trong nhà nghỉ đều rất hiếu khách.
Chúng tôi ngồi nghỉ ngơi một lúc rồi rủ nhau đi ăn trưa, khu ăn uống Sơn dẫn tôi đến có vài điểm rất thú vị, ngoài những món ăn rất ngon và vừa miệng ra thì cách kinh doanh của họ cũng khá độc đáo, ở đây hai, ba nhà cùng bán chung cho khách, họ liệt kê hết món ăn của từng quán vào chung một thực đơn, nhà bán bánh tráng, nhà bán các món nướng, nhà thì bán nước giải khát… Chúng tôi chỉ cần ngồi một chỗ gọi món, các quán sẽ phối hợp với nhau để nhanh chóng thỏa mãn bất kỳ yêu cầu nào của khách.
Kinh doanh kiểu hợp tác hỗ trợ lẫn nhau như vậy vừa tiện lợi cho khách lại vừa đạt hiệu quả cao.
Ăn gần xong bữa trưa thì có một người bạn của Sơn ghé qua chào hỏi chúng tôi, anh chàng đeo một đôi kính cận dày cộp, tóc dài buộc đuôi gà, người gầy nhẳng, dáng đi xiêu vẹo như sắp ngã. Nói dăm câu ba điều thì tôi hiểu ra là lúc xuống đây Sơn đã gọi điện nhờ cậu ta mượn giúp một chiếc xe máy để hai anh em lang thang cho tiện.
“Đợt này mày xuống gấp vậy, chẳng báo trước tao một câu. Lũ bạn của em tao xuống đây chơi lấy hết xe ở nhà đi rồi, bí quá tao phải mượn tạm xe của thằng thợ sửa xe đầu ngõ cho mày đây này.” Cậu ta nói và chỉ về phía chiếc xe Wave Alpha cũ nát dùng để đi đến đây, xe đã bị tháo tấm chắn bùn và hai gương chiếu hậu, cổ xe lộ ra cả đống dây dợ lằng ngoằng, vỏ xe thì sước xát hết cả, nhà sản xuất mà nhìn thấy sản phẩm mình mất bao công sức làm ra bị đọa đầy đến mức này thì chắc họ đau lòng lắm.
“Có là quý hóa lắm rồi.” Sơn cười tươi rói và quay sang nói với tôi: “Trong đây người ta không coi trọng hình thức như ngoài mình đâu, tao từng gặp những người rất nhiều tiền nhưng khi ra đường họ ăn mặc rất xuềnh xoàng và cưỡi những con xe chỉ ngon lành hơn con này một tí thôi.”
Chúng tôi rủ anh bạn của Sơn đi chơi cùng nhưng cậu ta hẹn lần khác giao lưu vì phải chuẩn bị lên Sài Gòn ngay để kịp đón người nhà từ nước ngoài về trong chiều nay.
Sau khi anh chàng với vẻ ngoài nghệ sĩ ấy đón taxi về, tôi và Sơn bắt đầu đi loanh quanh thăm thú thành phố. Điểm đầu tiên Sơn chở tôi đến là tượng Chúa giang tay trên đỉnh Núi Nhỏ – đây vốn được coi là biểu tượng của thành phố Vũng Tàu, bức tượng được xây từ năm 1974 trên độ cao gần hai trăm mét nhìn ra biển, ở bên trong còn có cầu thang xoắn ốc hơn một trăm bậc dẫn lên đến tận hai cánh tay của tượng.
Biết tôi là cử nhân lịch sử nên sau đó Sơn đưa tôi đến thăm Bạch Dinh – một dinh thự ba tầng mang đậm kiến trúc Châu Âu cuối thế kỷ 19, trước kia đây là nơi nghỉ dưỡng của các Toàn quyền Đông Dương, ngày nay Bạch Dinh được dùng làm nhà bảo tàng trưng bày các hiện vật cổ như đồ gốm thời Khang Hy, súng thần công và nhiều hiện vật có giá trị khác được tìm thấy qua các đợt khai quật khảo cổ ở Vũng Tàu.
Sơn nói không phải ngẫu nhiên mà vé vào cổng chỉ có mấy nghìn đồng, vì thật ra chỗ này chẳng có gì chơi cả, lượn một vòng là hết trò. Nhưng hắn không thể ngờ rằng đây lại là điểm níu chân tôi lâu nhất, những món đồ cổ xưa và cảnh sắc kiều diễm nơi đây làm tôi mê mẩn đến cả tiếng đồng hồ, trước khi bị hắn lôi đến điểm thăm quan tiếp theo có cái tên rất lạ là đồi Con Heo.
Cho đến nay vẫn chưa ai tìm hiểu được nguồn cơn của cái tên gọi ngộ nghĩnh ấy, chỉ biết một điều là trước đây khu vực đồi con heo này là nơi khai thác đá, còn nay nó đang dần trở thành một thắng cảnh du lịch vì có khung cảnh hữu tình và tầm nhìn ra biển rất đẹp.
“Có phải hình dáng ngọn đồi này giống con heo nên người ta đặt tên là đồi con heo không?” Tôi hỏi vui khi chúng tôi đi từ trên đồi xuống.
“Chịu. Tao thì lại đoán lý do rất đơn giản, chắc ngày xưa ở đây có trang trại nuôi heo nên người ta quen miệng gọi là đồi con heo chứ có gì đâu.” Sơn vừa nói vừa cười khằng khặc.
“Chắc không thô thiển thế đâu. Mà sao không đặt là đồi cá heo có phải thơ mộng hơn nhiều không nhỉ, cá heo lại rất liên quan đến biển nữa chứ.” Tôi cười trừ. “Mà Sơn này… Sau một vòng thăm quan thành phố, tao đã hiểu tại sao mày rủ tao xuống đây rồi. Nơi này đẹp thật đấy. Khi nhìn những áng mây trôi lững thững trên bầu trời trong xanh, những làn sóng biển dạt dào xô bờ và những dòng người chậm rãi qua lại trên đường, tao thấy như đã tìm lại được sự bình yên giữa bộn bề những lo toan tâm sự. Cám ơn mày rất nhiều!”
“Thắng hấp này, anh em là gì? Anh em nghĩa là không bao giờ phải nói lời cám ơn hiểu chưa?!” Sơn nói. “Ngoài ra, nếu mày đã sẵn sàng để trút bầu tâm sự rồi thì mình bắt đầu kể lể sự đời nhé. Ai kể trước nào?”
“Ok. Để tao kể trước.” Tôi nói.
Sơn chở tôi qua một cửa hàng tiện ích để mua mười lon bia Heineken ướp lạnh và một hộp đậu phộng thập cẩm Tân Tân, sau đó chúng tôi phóng xe lên núi Nhỏ để thăm ngọn Hải Đăng Vũng Tàu – một trong những ngọn hải đăng cổ xưa nhất Đông Nam Á.
Đứng dưới tán một cây sứ lâu năm ở chân ngọn hải đăng trắng muốt – nơi có thể nhìn bao quát toàn cảnh Vũng Tàu – tôi vừa nhâm nhi chai bia thượng hạng vừa kể cho Sơn nghe những chuyện đã xảy ra từ ngày tôi và hắn chia tay.
Đầu tiên tôi kể vắn tắt cho hắn nghe về hiện tình của mấy đứa bạn quê chúng tôi hay chơi ngày xưa, hai đứa con gái đã lấy chồng có con, ba thằng con trai thì một thằng đi bộ đội, giờ đang đóng quân ở tận Tây Nguyên, một thằng đi xuất khẩu lao động rồi mất hút, còn một thằng bước chân nhầm vào con đường phạm pháp nên đang phải chịu cảnh tù tội.
“Mày có biết chính xác là thằng Huân phạm tội gì không?” Sơn hỏi ngay khi tôi dứt lời.
“Nghe gia đình kể lại là nó đi đòi nợ thuê, đòi không được nên choảng nhau làm người ta bị thương nặng. Mày lạ gì thằng nóng tính ấy nữa.” Tôi nói. “À, mà ngày xưa mày với nó chả đi xưng hùng xưng bá ở quê suốt đấy thôi.”
“Đừng đánh đồng tao với nó. Ngay từ hồi ấy tao đã xem đánh lộn chỉ là trò trẻ con rồi. Chủ yếu ra oai để không đứa nào dám bắt nạt mình. Còn thằng Huân, nó là thằng mất dạy thật sự. Tao cũng không ngạc nhiên lắm với kết cục ấy đâu. Có câu tính cách quyết định số phận mà.”
“Ừ, mày là thằng thành đạt nhất nhóm, còn nó là thằng bết nhất đấy.”
“Chậc chậc. Thế là cũng lớn hết cả rồi nhỉ, tản mát mỗi đứa một đường thế này biết bao giờ gặp lại được đây.” Sơn chép miệng. “À, còn quê mình thì sao, có thay đổi nhiều lắm không?”
“Thay đổi nhiều lắm. Bây giờ đường bê tông vào đến tận cổng nhà mày và cổng nhà tao rồi. Không còn đường đất đầy ổ gà ổ voi như ngày trước đâu.” Tôi nói. “Giờ nhiều công trình nhà cửa mọc lên lắm, mày về khéo chẳng nhận ra.”
“Tao cũng nhớ quê lắm, nhưng mày thấy đấy, công việc thì bận rộn, sự nghiệp thì mới chỉ bắt đầu.”
“Mày cứ tập trung làm giàu, khi nào thành đạt đem tiền về đóng góp xây dựng quê hương cũng được.”
“Ha ha, cũng là một ý hay.”
Sau đó tôi tiếp tục kể cho hắn nghe về bốn năm đại học vừa qua của mình, tính tôi vốn không thích ôm chuyện trong lòng nên có những sự kiện gì tôi đều lôi ra kể hết, đặc biệt chi tiết là chuyện về cái chết đau lòng của mẹ tôi, chuyện về mối tình dang dở với Ngọc, chuyện về những người bạn đại học thân thiết như Vũ, Đăng, Trang…
Chỉ duy nhất có chuyện về Lan là tôi chưa đả động đến, tôi muốn chờ xem mối quan hệ của tôi và nàng kết thúc thế nào rồi kể luôn một thể.
Đến khoảng năm rưỡi chiều khi nghe tôi kể xong, Sơn im lặng một lúc rồi nhặt một hạt đậu phộng ném lên trên không và há miệng đón nó như cá đớp mồi.
Vừa nhai đậu rôm rốp hắn vừa nói: “Tao rất chia sẻ với mày những khó khăn thiếu thốn trong thời sinh viên. Tuy không phải sinh hoạt trong cái xó mấy mét vuông như mày nhưng hồi đại học tao cũng vất vả nên rất hiểu và thông cảm. Vào đây các bác giúp đỡ cho chỗ ở, còn lại hai mẹ con tao cũng phải lao ra đường bươn chải kiếm sống.”
“Tao tưởng mình mày thôi. Mẹ mày bệnh tật thế thì làm được gì?”
“Ừ. Rất may mắn là không hiểu vào đây hợp đất hợp nước thế nào mà mẹ tao ít phát bệnh hẳn đi.”
“Có khi nào ra thành phố lớn nhiều áp lực nên đầu óc cô tỉnh táo hơn không.” Tôi nói. “Đợt này chưa gặp được cô. Không biết cô còn nhớ tao không?”
“Nhớ chứ, tao vẫn nhắc đến mày suốt mà. Hôm mày vào tao chả gọi điện báo ngay cho mẹ biết.” Hắn nói. “Mày phải thông cảm, vì một tháng mẹ tao mới về thăm con một lần, mày ở lại lâu thì may ra gặp được. Bà đi làm tạp vụ cho một công ty của người nhà dưới Bình Dương, hơi xa một tẹo, lương cũng không cao, nhưng có việc là mừng lắm rồi. Mày nghĩ xem, không phải là chỗ thân quen thì sức khỏe như mẹ tao bố cơ quan đoàn thể nào dám nhận.”
“Dạo này trông cô thế nào?”
“Ôi, tướng mẹ tao lúc nào cũng gầy gò khắc khổ thế mà. Có mập lên một chút nhưng nhìn tổng quan vẫn chán đời lắm. Cái hôm tao nhận giấy báo trúng tuyển đi làm, gia đình họ hàng nghe xong hồ hởi bắt tay vào chuẩn bị mở tiệc tối ngay. Còn mẹ tao, nghe xong tin ấy bà phản ứng thế nào mày biết không, bà ngồi phịch xuống đất như kiểu ngã tự do ấy, rồi dựa người vào xó tường và ôm mặt khóc tu tu. Sau nhiều năm vất vả, khi hạnh phúc tìm đến với mình, bà vẫn đón nhận theo một cách rất khổ sở.”
“Khổ thân cô.” Tôi nói. “Còn mày thì sao?”
“Các bác lo hết chi phí ăn học cho tao trong mấy năm phổ thông còn lại. Đến khi vào đại học thì tao bắt đầu đi kiếm việc làm thêm. Tao thử sức với nhiều việc không kém gì mày đâu, đầu tiên là dán quảng cáo, phụ sơn, rồi bảo vệ siêu thị, cuối cùng gắn bó với việc chạy bàn.”
“Tao từng chạy bàn café nhưng chả thấy có gì hay để gắn bó cả.”
“Ha ha. Cái này là chạy bàn nhà hàng cơ.” Bỗng dưng Sơn ngửa mặt lên trời cười ngặt nghẽo. “Không sợ mất thể diện với mày nên tao mới tiết lộ điều này. Hồi ấy tao làm cho nhà hàng bên quận 3, tao thường từ trường đến chỗ làm trong tình trạng đói mê tơi vì học mệt mà lại không có tiền mua đồ ăn. Mỗi khi bê đồ ăn nóng hổi lên cho khách, mẹ kiếp, là lại nuốt nước bọt ừng ực. Một hôm đi dọn dẹp thấy khách bỏ mứa nhiều quá, tao mới nảy ra ý tưởng là tại sao mình không xếp gọn đồ ăn thừa rồi đem về đun nóng lại chén nhỉ. Thế là tao mới mon men làm quen con bé quản lý bếp, con này cũng hơi thích tao, khi thân mật rồi thì bịa ra lý do là gia đình có làm chăn nuôi một tí nên xin đem đồ thừa về. Úi chà, nhờ thế đỡ được một khoản đáng kể nhé.”
“Ăn đồ thừa mất vệ sinh lắm!”
“Lúc đói mày không nghĩ được nhiều đến thế đâu. Mà nấu chín lại thì vi trùng nào chả chết.”
“Cũng có thể, nhìn mày béo tốt khỏe mạnh lắm!”
“Bây giờ thỉnh thoảng tao cũng về lại nhà hàng ấy, nhưng bước vào quán với tư cách là một thực khách sang trọng. Tao nhớ lần đầu tiên tao quay lại quán, khi phục vụ mang ra cho tao một đĩa thức ăn đầy đủ, chứ không phải đồ thừa như trước đây, tao đã rơm rớm nước mắt đấy, nghẹn ngào một lúc mới ăn được. Đúng là phải trải qua những ngày gian khó mới thấm thía được giá trị của cuộc đời.”
“Thấy mọi việc ổn thỏa thế này tao rất mừng cho mày!” Tôi nói. “Thật không ngờ chuyến Nam tiến của mẹ con mày lại may mắn thuận lợi như vậy. Như kiểu lật sang một trang sách cuộc đời hoàn toàn mới ấy.”
“Miền Nam này là một nơi rất hay ho.” Hắn nói. “Tất nhiên, môi trường sống nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm. Nhưng về cơ bản thì tao thấy cuộc sống trong đây khá ổn. Khí hậu dễ chịu, không nóng quá không lạnh quá. Con người thì phóng khoáng hiếu khách, không chấp nhặt xét nét như ngoài Bắc mình. Nụ cười chiều khách hiện diện ở khắp mọi nơi, văn hóa dịch vụ ở đây rất tốt, chính văn hóa dịch vụ ấy đã tạo ra một bầu không khí tươi tỉnh và hạnh phúc cho tất cả mọi người.”
“Mày nói hay phết. Có lẽ tao nên vào đây tìm kiếm cơ hội cho mình.”
Sơn quay sang nheo nheo mắt nhìn tôi rồi nói: “Đất lành thì chim đậu. Nhưng mới là đậu thôi, còn kiếm ăn thế nào lại là việc của chim. Tao với mày xuất phát điểm thấp kém giống nhau, nhưng tao biết tìm cách để thoát khỏi vị trí ấy, còn mày thì hơi khó.”
“Ý mày là gì? Nói cụ thể hơn được không?” Tôi nhìn hắn kính cẩn.
“Ngày xưa ở quê tao học ngu tiếng Anh thế nào mày biết rồi đúng không?”
“Ừ, tao vẫn nhớ.”
“Nhưng bây giờ tiếng Anh của tao cực đỉnh, trong khi mày vẫn i tờ thế thì tao có chứng chỉ quốc tế rồi. Bởi vì từ khi bước ra va chạm xã hội, tao mới nhận ra ngoại ngữ quan trọng đến mức nào. Tao tiết kiệm từng đồng một chính là để có tiền đăng ký những khóa học tiếng Anh với người nước ngoài. Hàng ngày sau khi đi làm thêm về tao đều miệt mài nghiên cứu đến tận đêm khuya. Có những lúc mệt mỏi tao đã vượt qua bằng cách tự tát vào má mình và nói: Sơn à, muốn có tiền thì bằng mọi giá mày phải thông thạo ngoại ngữ.”
“Mày quyết tâm thế cơ à?”
“Đến năm cuối công ty nước ngoài vào trường tao liên hệ tuyển dụng, nhờ hai yếu tố, sự giới thiệu của thầy chủ nhiệm và kỹ năng ngoại ngữ xuất sắc của mình mà tao được chọn ngay lập tức.” Hắn nói. “Sau khi đi làm tao không ngừng nỗ lực thể hiện mình, đến nay cũng khẳng định được vị trí trong lòng các sếp rồi.”
“Như vậy, ý mày… tiếng Anh chính là vấn đề của tao?”
“Ngoại ngữ chỉ là một ví dụ thôi, cái tao muốn nói là mày thiếu tính thực dụng trong cuộc sống, mày không biết đặt ra những mục tiêu cụ thể.”
“Có lẽ mày nói đúng. Nội tâm của tao đang rất không ổn. Tao thấy con người mình không có sinh khí. Cuộc sống trong mắt tao chỉ là những ngày tháng nhạt nhòa vô định đang lững lờ trôi qua.” Tôi gục đầu khổ sở xuống thành lan can. “Thỉnh thoảng tao cảm thấy mình như đứa trẻ đang bị lạc giữa ngã tư đường, không biết phải đi đâu và làm gì tiếp theo.”
“Tại mày thơ thẩn lắm nên mới thế!” Hắn buông một câu nhận xét lạnh như nước đá, bất chấp cảm nghĩ của tôi.
Tôi giật mình ngẩng mặt lên và dè dặt nói: “Mày… mày khách sáo chút được không?”
“Không, tao rất nghiêm túc và thiện chí đấy. Mày rất hợp song hành với tao, nói thật lòng đấy, vì phải ở cạnh một người thực tế như tao thì mày mới sống được giữa cái thời buổi này. Xã hội đang phát cuồng lên vì đồng tiền, mày phải thay đổi con người yếu đuối của mày đi để mà thích nghi với hoàn cảnh. Sau cả tuần quan sát và nói chuyện với mày, tao nhận định mày là người có tiềm năng đấy, mày chỉ cần chỉnh sửa một vài quan điểm sống thôi là ổn.”
Bị chê bai tả tơi mà tôi vẫn phải gượng cười bởi vì hắn nói rất có lý.
“Tao ghi nhận lời góp ý của mày.” Tôi nói. “Nhưng nghe cách mày luận về tiền bạc tao vẫn thấy gai gai người kiểu gì ấy.”
Hắn giơ cái tay phải to như tay gấu lên vỗ vào vai tôi đôm đốp và cười ha hả: “Không có kinh tởm hay kinh nguyệt gì ở đây cả. Một ngày nào đó tao sẽ tư vấn cho mày cách để biến tâm hồn nhạy cảm và trí tưởng tượng phong phú của mày thành tiền. Tin tao đi, khi làm ra tiền mày sẽ thấy lạc quan hơn rất nhiều. Cứ bảo tiền không mua được hạnh phúc, nhưng cảm giác đếm tiền thật sự rất sướng đấy. Các cụ dạy tứ khoái ăn ngủ đụ ị là chưa chuẩn đâu, còn có cái khoái cảm thứ năm là đếm tiền nữa đấy!”
“Thôi thôi, dừng ở đấy được rồi.” Tôi nói.
“Thật mà. Báo chí bây giờ cũng có tiếng nói lắm, mày ở lại đây với tao đi, anh em mình sẽ hỗ trợ lẫn nhau.” Hắn nói. “Mày chỉ thi tốt nghiệp nữa là xong chứ gì, thế thì ở lại đây đi, hai tháng nữa ra thi cho xong thôi. Tao có quen một vài anh em làm báo, mấy hôm nữa về Sài Gòn tao sẽ chắp mối cho mày.”
“Từ từ đã nào. Sao mày sắp xếp cuộc đời tao còn nhanh hơn cả bà chị đáng ghét của tao nữa thế.” Tôi phản ứng, lòng dạ lại rối bời khi nghĩ đến Lan, không biết giờ này ở Hà Nội nàng đang làm gì nhỉ, liệu nàng có nhớ nghĩ chút gì đến tôi hay không.
Sơn gặng hỏi lý do nhưng tôi chỉ trả lời loanh quanh cho qua chuyện.
“Thôi thì tùy mày, cứ suy nghĩ kỹ rồi quyết định.” Hắn nói. “Giờ thế nào, có muốn ra biển tắm rửa ngâm chân gì không?”
“Thôi. Đứng chơi tí nữa rồi đi. Chưa đủ thảnh thơi tắm biển đâu.” Tôi nói và nhìn về phía chân trời sáng rực, nơi mà mặt trời như quả cầu lửa đang từ từ chìm vào lòng biển cả.
Mà cái thằng bạn khỉ gió này của tôi, ngoài miệng suốt ngày chê tôi văn chương sến sẩm nhưng thỉnh thoảng tôi thấy hắn điên khùng có kém gì tôi đâu. Khu vực hải đăng này rất gần với điểm đến đầu tiên là tượng chúa giang tay, nhưng hắn không dẫn tôi lên luôn mà lại kéo đi lòng vòng một hồi rồi cuối giờ chiều mới quay lại, rõ ràng là có chủ ý canh đúng thời điểm này để ngắm hoàng hôn rồi.
Nhưng mà thôi, tôi cũng chẳng bóc mẽ hắn làm gì, hắn sẽ xấu hổ và cãi bay cãi biến ngay thôi.
Mặt trời vừa lặn cũng là lúc có một tốp khách chừng mười bạn trẻ đến tham quan ngọn hải đăng, họ đi từng cặp đôi một trên năm chiếc xe máy, vừa đi vừa cười nói ríu rít, thấy đông người tôi và Sơn nói thêm vài câu nữa rồi lục tục ra về.
Trên đường xuống dốc tôi dò hỏi chuyện tình yêu tình báo của Sơn, từ ngày quen hắn đến nay tôi chưa từng thấy hắn rung động trước một cô gái nào cả, đối với anh chàng này tình yêu dường như không có ý nghĩa gì cho lắm.
“Chưa.” Hắn đáp cụt lủn. “Tao muốn tập trung hết cho sự nghiệp cái đã, hơn nữa, cuộc hôn nhân bất hạnh của mẹ làm tao thấy phát ngán ba cái chuyện yêu đương rồi.”
“Ừm, tao hiểu.” Tôi nói.
Tất nhiên, nói thì nói vậy thôi, đến năm 2016 Sơn cũng lập gia đình, hắn kết hôn với một cô gái xinh đẹp bằng tuổi tôi, cô nàng quê gốc ở Nha Trang, khi gặp Sơn thì cô đang làm nhân viên kế toán cho một công ty kinh doanh du lịch lữ hành ở Sài Gòn.
Sau khi lấy vợ có con, Sơn trở thành một người chồng, một người cha rất chuẩn mực, thành đạt và đầy trách nhiệm. Chỉ có điều là câu chuyện tình yêu của hai người họ, từ lúc hẹn hò yêu đương đến lúc thành bố thành mẹ, không hề có những phút giây lãng mạn hay giận hờn ướt át đau khổ nào cả, nó đơn giản và đều đều đến mức vợ hắn có lần nhận xét là Sơn quá tẻ nhạt và đơn điệu trong tình yêu.
Khi hắn hỏi tôi nghĩ sao về ý kiến ấy, tôi tặc lưỡi động viên là đơn điệu như thế có khi lại hay, chứ quằn quại sống đi chết lại mấy bận vì tình như tôi, nghĩ kỹ ra, cũng thấy mệt người.
Tất nhiên, đấy là tâm sự của sáu năm sau nữa, còn quay trở lại chuyện của buổi chiều hôm ấy, khi xe xuống đến đường Hạ Long tôi bèn rủ Sơn đi tìm quán nào uống thêm một chút, chỗ vừa rồi với tôi chỉ đủ khởi động thôi.
Tuy nhiên, Sơn không tỏ ra hào hứng mấy, hắn đòi đi ăn cơm tối cho chắc dạ đã rồi mới uống.
“Mới ăn trưa lúc hai giờ chiều mà!?” Tôi bực dọc quát to. “Mày chắc cú vừa vừa thôi chứ! Hết mình với anh em một tí thì có làm sao??”
“Được rồi, cần gì gắt lên thế, sợ mày rồi. Sẽ uống tới sáng được chưa!?” Hắn cười cầu hòa. “Hay thế này đi, không ăn cơm cũng được, mua ít mồi nhậu, rồi anh em kiếm chỗ nào mát mẻ ngồi lai rai, ok?”
“Tao rút hết tiền tiết kiệm ra để ăn chơi chuyến này với mày rồi.” Tôi chỉ thẳng tay vào mặt hắn ra lệnh. “Chở tao đi mua đồ và nhắm ngay xem nào!”
“Rồi rồi, bình tĩnh.” Hắn rối rít. “Ghớm, mới vào đây mấy hôm mà đã chịu chơi như anh hai Nam Bộ rồi.”
Về tối thành phố biển Vũng Tàu trở nên vô cùng ngọt ngào và quyến rũ, mọi con đường chúng tôi đi qua đều tràn ngập gió và tiếng sóng biển, Bãi Trước thì đẹp một cách sâu lắng cổ kính với những biệt thự tráng lệ từ thời Pháp thuộc, còn Bãi Sau lại mang một vẻ đẹp dịu dàng lãng mạn với những con đường rộng rãi và những khách sạn sang trọng ẩn hiện sau những hàng cây xanh.
Sau khi mua một ít cá viên chiên, mực nướng, bạch tuộc nướng và hai vỉ bia, tôi và hắn đi lòng vòng ngắm nghía phố phường một lúc rồi quyết định dừng chân ở Bãi Sau. Chúng tôi dựng xe sát lề đường rồi leo lên ngồi trên mặt của bờ kè chắn sóng và bày đồ nhắm ra tổ chức một bữa tiệc ngoài trời nho nhỏ.
Được kích thích bởi đồ uống có cồn nên chúng tôi càng nói chuyện lại càng hăng, hết bàn về chuyện tôi lăn lộn ở Hà Nội thế nào lại quay về chuyện Sơn thích nghi với môi trường sống ở Sài Gòn ra sao, sau đó còn lôi từng đứa bạn thân của hai thằng ra mà phân tích bình luận tính cách con người của họ, trong đó Trang là nhân vật nổi bật, thú vị và gây cười nhất, tôi kể về cô đến đâu là Sơn cười hô hố đến đấy. Hắn còn dặn tôi nhất định một dịp nào đó phải giới thiệu cô gái ngoài hành tinh ấy cho hắn được biết.
Cuộc chuyện trò của hai thằng kéo dài liên miên đến tận hai giờ sáng, khi mà quay đầu nhìn lại thấy đường xá xung quanh đã vắng tanh không còn một bóng người thì tôi và hắn mới chịu giục nhau quay về khách sạn nghỉ ngơi.