Lương Trung Sơn vội nói:
– Phải rồi! Thiếu gia có biết thật không?
A Liệt lạnh lùng đáp:
– Dĩ nhiên tại hạ biết rõ, chẳng những biết người, mà còn biết rõ thời gian cùng địa điểm.
Bùi phu nhân mạnh dạn giục:
– Vậy ngươi thử nói ta nghe.
Mụ còn hy vọng là A Liệt chỉ hăm dọa để mụ thú thực ra.
A Liệt cất giọng lạnh như băng nói:
– Người đó là Lục nhất Biều. Tại hạ nói có đúng không?
Lương Trung Sơn kinh ngạc la lên:
– Lục nhất Biều ư? Lão ta là người có thanh danh tốt đẹp kia mà?
Bùi phu nhân trợn mắt lên hỏi:
– Chẳng lẽ thanh danh ta không tốt đẹp chăng?
Lương Trung Sơn thở dài đáp:
– Lão nô tuyệt không có ý nghĩ như vậy.
A Liệt nói:
– Ở đời chẳng thiếu gì kẻ lừa bịp. Lục phu nhân! Không chừng tại hạ phải giết phu nhân.
Bùi phu nhân nhận thấy hành động bất chính đã bại lộ, không muốn phủ nhận nữa, chỉ hỏi:
– Liệu ngươi có làm được không?
A Liệt đáp:
– Tại hạ đã nói trên đời này chẳng có việc gì tuyệt đối không làm được.
Bùi phu nhân lộ vẻ cảnh giác nói:
– Ta khuyên ngươi nên nghĩ kỹ một chút. Nếu để xảy ra cuộc tỷ đấu, e rằng ta không nương tay được.
Mụ ngừng lại một chút rồi tiếp:
– Huống chi ngươi còn cần đến ta chỉ điểm thì mới có thể luyện võ công của Hóa huyết môn cho đến chỗ thành tựu được. Chẳng lẽ ngươi không muốn học ư?
A Liệt gật đầu đáp:
– Tại hạ không học đâu. Nếu tại hạ yêu cầu phu nhân giúp đỡ thì bậc đại trượng phu phải nghĩ đến điều ân oán phân minh. Tại hạ cầu phu nhân giúp đỡ thì còn nghĩ đến việc giết phu nhân thế nào được?
Bùi phu nhân nói:
– Câu nói của ngươi thật là đáng kính. Đáng tiếc ngươi chẳng biết trọng khinh, không phân lợi hại.
A Liệt lạnh lùng nói:
– Trước khi chúng ta động thủ thì còn đất nói chuyện với nhau. Tại hạ muốn hỏi phu nhân một câu, chẳng hiểu phu nhân có chịu trả lời không?
Bùi phu nhân hỏi lại:
– Điều gì?
A Liệt nói:
– Điều này e rằng phu nhân không chịu nói thật.
Bùi phu nhân hỏi:
– Vậy ngươi có cần biết không?
A Liệt đáp:
– Dĩ nhiên tại hạ muốn biết lắm.
Chàng đứng lên vói lấy ngọn đèn dầu xuống nói tiếp:
– Đèn tối quá tại hạ không nhìn rõ diện mạo phu nhân.
Lúc A Liệt nói câu này đã khêu đèn cho sáng tỏ. Chàng đặt lại cái đèn như cũ, quay sang nhìn phu nhân hỏi:
– Bùi phu nhân! Xin hỏi phu nhân:
Từ ngày phu nhân thi triển Huyết vũ thần công đến nay đã giết chết bao nhiêu người?
Bùi phu nhân ngấm ngầm xem xét mau lẹ ý tứ của câu hỏi này rồi đáp:
– Giả tỷ ngươi là con trai Tra Nhược Vân thì ta có giết đến ngàn người cũng chẳng can chi.
Bằng không phải là người nhà họ Tra thì mới thắc mắc về vụ này.. Mụ cười lạt nói tiếp:
– Nhất là nếu ngươi có liên can đến những kẻ bị giết lại càng để tâm. Ta nói có đúng không?
Lương Trung Sơn đáp:
– Phu nhân nói vậy là phải, nhưng thiếu gia đúng là huyết nhục của Tra đại gia, tuyệt không có điều gì giả trá.
A Liệt hỏi:
– Bùi phu nhân! Nếu chúng ta không tránh được cuộc quyết đấu sinh tử thì tại hạ có phải là người nhà họ Tra hay không cũng chẳng quan hệ gì. Vậy mà phu nhân không chịu trả lời tại hạ câu trả lời đó ư?
Bùi phu nhân nghe chàng nói có lý liền đáp:
– Ta đã giết hơn hai chục người.
A Liệt hỏi:
– Phu nhân cho số mục đích xác được không?
Bùi phu nhân đáp:
– Cả thảy người.
A Liệt cười liền bám chặt lấy hỏi vặn thêm. Chàng dùng phương pháp quanh co, dương đông kích tây để điều tra cho biết rõ có phải chính mụ đã hạ sát mẫu thân chàng.
Nếu chàng hỏi ngay mụ có hạ sát một người đàn bà mắc bệnh ở phủ Khai phong, chắc mụ phát giác ra điều khác lạ và chưa chắc mụ đã chịu nói thật. Chàng liền hỏi trước số người bị giết ở núi Nga Mi rồi mới chuyển tới phủ Khai phong. Chàng được Bùi phu nhân cho hay ở nơi đây mụ có giết một người.
A Liệt tưởng trái tim chìm xuống, vì chàng biết mụ đúng là hung thủ rồi. Chàng muốn tìm ra sự thực bằng cách điều tra số người bị hại.
Chàng tổng cộng nhân số các nơi quả đúng người.
Dĩ nhiên Lương Trung Sơn đã hiểu ý chàng. Nhưng lão vẫn lo âu chưa chắc chàng có thể nắm vững giết được Bùi phu nhân là tay cao thủ hạng nhất hay không.
Tuy lão không muốn xảy chuyện trong một phe tàn sát lẫn nhau, nhưng cũng không thể trách A Liệt vì chàng ở vào tình trạng phải báo thù. Mặt khác lão lại biết Bùi phu nhân đã đi tư thông với kẻ khác khiến lão không khỏi bất bình thay cho chủ nhân. Vì thế mà lão nảy lòng thù nghịch với mụ.
Có điều Lương Trung Sơn vẫn chưa hiểu A Liệt muốn lợi dụng vụ này để nổi lòng phẫn nộ, không thì chàng chẳng thể hạ độc thủ được.
Bùi phu nhân hỏi một câu tối hậu:
– Ngươi đã thỏa mãn về những lời phúc đáp của ta chưa?
A Liệt đáp:
– Tại hạ thỏa mãn rồi.
Đoạn chàng buông tiếng thở dài, cất tiếng trầm trọng ra chiều băn khoăn nói:
– Tại hạ phải giết phu nhân mất rồi. Xin phu nhân lượng thứ cho.
Bùi phu nhân ngạc nhiên chăm chú nhìn chàng. Đột nhiên mụ nhớ lại thanh âm của A Liệt, bất giác mụ chau mày, vì mụ liên tưởng đến tình trạng lúc chia tay cùng Tra Nhược Vân.
Sau mụ lắc đầu nói:
– Con người thật lắm chuyện kỳ! Muốn nói rõ mà không nói ra được. Ngươi cứ động thủ đi, nhưng ta chẳng thể không kháng cự.
A Liệt nói:
– Dĩ nhiên là thế. Có ai lại bó tay đợi chết bao giờ.
Chàng tiến thêm một bước về phía Bùi phu nhân, thủ thế chuẩn bị tấn công.
Bùi phu nhân cũng đứng phắt dậy, tay nắm cây ngân câu.
Nhưng đột nhiên mụ mặt mày thất sắc, lùi lại một bước.
A Liệt trầm giọng nói:
– Phu nhân bất tất phải lấy làm lạ. Tại hạ thông hiểu tính chất hoa cỏ trong thiên hạ. Vừa rồi tại hạ khêu bấc đèn đã ngấm ngầm bỏ một chút thuốc bột vào. Phu nhân ngửi phải thành ra khí lực giảm đi rất nhiều.
Bùi phu nhân vận công đề khí lộ ra ngoài mặt.
Lương Trung Sơn đứng bên bây giờ mới tỉnh ngộ. Lão ngấm ngầm đề tụ nội lực liền phát giác chân khí bế tắc.
A Liệt nhảy xổ lại vung chưởng đánh tới làm rớt cây ngân câu trong tay Bùi phu nhân xuống đất.
Chàng đưa tay kia ra chụp cổ tay mụ khẽ vặn một cái xoay ra sau lưng rồi mụ không nhúc nhích được nữa.
Bùi phu nhân rên lên một tiếng, để mặc cho A Liệt muốn làm gì thì làm.
A Liệt kiếm một sợi dây vừa bền vừa dai cột hai tay mụ ra sau lưng rồi cột cả hai chân mụ nữa.
Chàng quay lại ngó thấy Lương Trung Sơn đang nhắm mắt điều dưỡng liền nói:
– Lương đại thúc! Đại thúc chờ một lúc là sức lực sẽ khôi phục lại như thường.
Lương Trung Sơn mở bừng mắt ra thấy A Liệt đã đặt Bùi phu nhân lên giường. Mụ không dẫy dụa mà cũng không nói năng gì.
Lương Trung Sơn hỏi:
– Thiếu gia! Thiếu gia định giết phu nhân bằng cách nào?
A Liệt đáp:
– Tại hạ dùng quyền cũng được mà bóp chết cũng được, nhưng những cái đó đều quá tàn nhẫn. Hỡi ơi! Tại hạ không đủ tàn ác để hạ thủ.
Lương Trung Sơn hỏi:
– Vậy thiếu gia định tha cho phu nhân chăng?
A Liệt lắc đầu đáp:
– Không phải đâu. Tại hạ muốn để phu nhân được toàn thây. Chúng ta cứ bỏ đi, chẳng bao lâu phu nhân sẽ chết đói.
Đoạn chàng cất bước đi trước.
Lương Trung Sơn lúc ra cửa còn ngoái lại ngó người đàn bà nằm trên giường một lần nữa thì thấy mụ trợn hai mắt lên nhìn lão.
Lương Trung Sơn nói:
– Vân cô nương! Giả tỷ cô nương ẩn tích sớm đi đừng tham luyến cõi giang hồ, thì tránh được màn thảm kịch bữa nay.
Bùi phu nhân chuyển động mục quang dường như để ngẫm nghĩ câu nói của lão có ngụ ý gì.
Đến lúc Lương Trung Sơn trở gót khoa chân bước ra ngoài mụ mới lên tiếng:
– Cục diện bữa nay chẳng có gì đáng sợ. Ta có thể lìa khỏi cõi đời không kèn không trống, trong lòng cũng chẳng đau khổ chút nào.
A Liệt và Lương Trung Sơn đi một quãng xa rồi mới dừng bước lại.
A Liệt ngửa mặt lên trông mấy chòm sao trên trời, ngơ ngẩn xuất thần.
Lương Trung Sơn an ủi chàng:
– Thiếu gia ơi! Chúng ta cứ đến chỗ bảo khố thôi, bất tất phải nghĩ tới Bùi phu nhân làm gì nữa, vì tội của bà đáng thế.
A Liệt hỏi:
– Lương đại thúc! Chắc đại thúc không nỡ giết Bùi phu nhân?
Lương Trung Sơn hỏi lại:
– Chúng ta đã để phu nhân chết đói rồi còn gì nữa?
A Liệt đáp:
– Đừng nói giỡn! Bản lĩnh Bùi phu nhân như vậy mà sợi dây gai kia cột được bà chăng? Huống chi phu nhân còn có miệng, chẳng lẽ bà không biết kêu người đến cứu? Trừ phi bà ta tự sát thì không kể.
Lương Trung Sơn nói:
– Thế ra thiếu gia đã biết là phu nhân không chết hay sao?
A Liệt đáp:
– Cái đó đã hẳn. Vả lại nghe câu bà đối đáp với đại thúc thì bà ưng chịu từ đây vĩnh viễn không ló mặt ra ngoài giang hồ nữa. Phải vậy không?
Lương Trung Sơn đáp:
– Chính là thế đó. Nhưng lão nô có thể giải thích.. A Liệt gạt đi:
Bất tất phải giải thích nữa. Chúng ta đến bảo khố để tìm Phân quang kiếm thôi.
Hai người đi trong bóng tối, xuyên qua nhiều đường phố đến một nơi, chung quanh toàn là ngõ hẻm, nhà cửa tồi tàn. Hiển nhiên là một khu quần tụ những dân nghèo.
Đột nhiên A Liệt trầm giọng hỏi:
– Lương đại thúc! Đại thúc dẫn tại hạ đi đâu vậy?
Lương Trung Sơn đáp:
– Đến bảo khố.
A Liệt hỏi:
– Phía trước phải chăng là nhà ta?
Lương Trung Sơn đáp:
– Đúng rồi! Nhưng chúng ta chỉ đi qua mà thôi.
Khi hai người đi qua căn nhà, A Liệt không nhịn được dừng bước lại, giương to cặp mắt nhìn nhà cửa đầy bụi bặm cùng mạng nhện.
Bao nhiêu ký ức nổi lên trong đầu óc chàng. Mấy tháng nay chàng đã gặp bao nhiêu chuyện, người chàng cũng biến đổi rất nhiều.
Dĩ nhiên điều đáng bi thảm nhất là chuyến này chàng trở về chốn cũ từ mẫu đã khuất bóng, vĩnh viễn không được thấy âm dung.
Hai hàng châu lệ chàng tuôn ra xối xả. Trong gian phòng này chàng đã được hưởng bao nhiêu lòng từ bi, được nghe bao nhiêu lời dạy dỗ của người mẹ hiền mà nay đều biến thành mây khói, chỉ còn lại căn phòng tịch mịch.
Lương Trung Sơn dịu dàng thúc giục:
– Thiếu gia ơi! Chúng ta đi thôi.
A Liệt ậm ừ nhưng không cất bước.
Lương Trung Sơn lại nói:
– Chờ lát nữa mọi việc đều ổn thỏa, chúng ta sẽ lại đây đàng hoàng để chỉnh lý những di vật của chủ mẫu. Thế mới là biện pháp kỷ niệm bà.
A Liệt cũng biết hiện giờ không nên trùng trình. Chàng đành thu mối bi ai, giơ tay lên gạt lệ rồi trở gót bước đi.
Lương Trung Sơn đi trước dẫn đường, lão chạy càng nhanh hơn.
Chớp mắt đã đến phía trước một tòa nhà cao lớn ở phía bắc thành. Hai người quanh ra đằng sau đảo mắt nhìn vào phía trong tường thấy tòa lầu hai tầng bằng đá xếp lên.
Lương Trung Sơn nói:
– Thiếu gia! Đây là nhà của ngoại tổ thiếu gia.
A Liệt ngạc nhiên hỏi:
– Gia mẫu không phải xuất thân từ một nhà nghèo hèn ư?
Lương Trung Sơn đáp:
– Không phải. Sau khi bà mang thai mới bị đuổi đi. Lão nô vâng lệnh giả làm trượng phu của chủ mẫu để dễ bề che tai mắt hàng xóm.
A Liệt hỏi:
– Tại sao lại không tìm một căn nhà tốt hơn?
Lương Trung Sơn đáp:
– Chủ mẫu không muốn rời xa nhà quá.. Lão ngừng một chút rồi tiếp:
– Khi ấy chưa kịp bàn định ổn thỏa thì trong nhà đã phát sinh đại họa, nên lão nô giả trang làm nhà bần hộ để địch nhân không nghĩ là người của Tra gia. Do đó mà chìm đắm vào cảnh nghèo túng.
A Liệt không nói gì. Lương Trung Sơn lại tiếp:
– Thực ra lão nô đã lầm to. Giả tỷ khi ấy mà không sợ chết thì đã truyền Hóa huyết thần công cho thiếu gia rồi. Hỡi ơi.. A Liệt gạt đi:
– Chuyện đã qua còn nhắc tới làm chi? Chúng ta vào đi thôi.
Lương Trung Sơn nói:
– Tòa thạch lâu này nguyên là khuê phòng của chủ mẫu, nên chủ nhân ngày trước lập ra một cái kho nho nhỏ. Ban đầu tưởng để làm chỗ chơi đùa nhưng sau lại dùng làm nơi cất bảo vật.
A Liệt hỏi:
– Chúng ta tiến vào liệu có người phát giác không? Đây đã là nhà của ngoại tổ, dĩ nhiên ta chẳng thể sát hại người trong nhà được. Có đúng thế không?
Lương Trung Sơn đáp:
– Thiếu gia cứ yên tâm. Lão nô đã nghĩ cách rồi. Những năm trước cứ cách mấy ngày lão nô lại nhân đêm tối lẻn vào đây hí lộng quỷ thần khiến cho không ai dám ở trong phòng này.
Hai người vượt tường nhảy vào, chạy đến bên thạch lâu, ngửng đầu lên nhìn thì thấy vẫn tồi tàn như cũ, đủ biết nhà bỏ lâu ngày không ai sửa sang quét tước và dĩ nhiên không có người ở.
Lương Trung Sơn nói:
– Hay lắm! Đến nay vẫn chưa có người dám trú ngụ.
Cửa dưới lầu đóng kín, nhưng cửa sổ mé hữu có lỗ hổng thò tay vào mở được. Trong cửa sổ một màu tối đen, nhìn chẳng thấy vật gì cả.
A Liệt từ ngày hãm thân vào chốn võ lâm đầy cừu hận, đã từng xuất sinh nhập tử không biết sợ hãi là gì mà lúc này đột nhiên chàng cảm thấy ớn da gà.
Phía trong cửa sổ tối đen dường như có giấu điều gì thần bí vô hạn, tưởng chừng có nhiều lực lượng đề kháng, khiến chàng cảm thấy mình bất lực.
Lương Trung Sơn đã nhảy lên thềm. A Liệt hít mạnh một hơi chân khí nhất định không để nỗi khủng khiếp lộ ra ngoài mặt, khiến Lương Trung Sơn khỏi cho mình là hạng trẻ nít. Chàng cũng nhảy lên theo.
Lương Trung Sơn dẫn A Liệt quanh ra một bên. Bên này cũng có cửa sổ. Lão mở ra nhảy vào.
A Liệt đứng ngoài ngó tình trạng bên trong. Mục lực của chàng rất tinh nhuệ. Chàng lờ mờ ngó thấy phía trong là một thư phòng.
Trong phòng chỗ nào cũng đầy cát bụi và màng nhện, nhưng đồ vật còn đủ cả. Một cái tủ sách lớn, một cái bàn bằng gỗ tử đàn hiện ra trước mắt. Trên tường còn hai bức thư họa đã rách nát. Ngoài ra những đòn, những ghế vẫn y nguyên.
Lương Trung Sơn ở trong phòng quay ra chờ chàng tiến vào. Đồng thời lão móc túi lấy một thứ mồi lửa đặc biệt để soi đêm tối.
Mục lực của lão không bằng A Liệt, nên ở trong phòng tối tăm cần nhờ ánh lửa soi sáng.
A Liệt ôm bầu tâm sự trầm trọng nhảy vào.
Lương Trung Sơn khẽ nói:
– Phía sau thư phòng là gian nhà chứa đồ vật.
Lão vừa nói vừa chuẩn bị bật lửa lên.
A Liệt ngăn lại, khẽ nói:
– Tại hạ nhìn rõ rồi. Đại thúc cứ đi theo là được.
Chàng tiến đến bên cửa, rút then ra, đột nhiên phía ngoài cửa phát ra một tiếng lách cách.
A Liệt sợ quá tưởng chừng huyết dịch trong người ngưng cả lại. Đầu óc chàng không khỏi nghĩ tới ngoài cửa trong bóng tối có nhiều cảnh tượng đáng sợ.
Lương Trung Sơn khẽ nói:
– Sao? Then cửa không kéo ra được ư?
A Liệt nghe thanh âm của lão liền đáp:
– Bên ngoài dường như có tiếng động.
Lương Trung Sơn hỏi:
– Thật thế ư? Chúng ta thử điều tra xem.
A Liệt muốn nói có lẽ là ma quỷ, nhưng chàng không thốt lên lời. Chàng mở cửa ra thấy bên trong có lối đi đầy cát bụi. Bỗng chàng ngửi thấy mùi khê nồng nặc. Đây là mùi hôi hám của căn nhà bỏ không lâu ngày bốc lên. Nó cũng đủ khiến cho người ta thêm sợ hãi.
Ngoài cửa càng tối mù tối mịt, nhưng A Liệt vẫn ngó thấy một dãy hành lang trống rỗng chẳng có vật gì. Chàng không thấy bóng ma quỷ gì hết, nên yên lòng lại rất nhiều.
Chàng nghiêng mình sang một bên nói:
– Đại thúc đi trước đi.
Lương Trung Sơn nói:
– Tối quá! Lão nô nhìn không rõ cả thiếu gia.
Lão khoa chân bước qua ngưỡng cửa, đồng thời bật lửa lên.
A Liệt dường như cũng bớt sợ, chàng xoay tay đóng cửa lại vì e có người nhòm qua cửa sổ để thấy ánh đèn lửa. Bây giờ chàng mới phát giác ra trên khung cửa có một trái cầu tròn bằng gỗ. Bên trái cầu là một lỗ trống đủ cho trái cầu xoay chuyển. Chàng mới tỉnh ngộ tiếng động phát ra là do trái cầu chuyển động. Chàng hiểu then cài cửa trong thư phòng có liên quan đến trái cầu đó. Lúc trái cầu chuyển động cũng làm cho trái cầu xê xích phát ra tiếng động.
Lương Trung Sơn đi theo hành lang được mấy bước liền rẽ vào lối khác. Lão dừng lại trước một khuôn cửa gỗ. Lão giơ đuốc lên soi cũng thấy đầy bụi bặm và có khóa ngoài. Cái khóa đã biến thành sắc đen. Vừa trông thấy cũng biết ngay là khóa han rỉ rồi, có tra chìa khóa vào cũng không mở được.
A Liệt phát giác ra Lương Trung Sơn đang cẩn thận điều tra khe cửa từ trên xuống dưới.
Trong lòng rất đỗi ngạc nhiên, chàng hỏi:
– Lương đại thúc! Đại thúc làm gì vậy?
Lương Trung Sơn vừa nắn cái khóa vừa đáp:
– Ngày trước lão nô đã để lại ký hiệu. Bây giờ vẫn còn nguyên, tức là không ai mở khuôn cửa này.
ÂRắc một tiếng vang lên! Lão đã bẻ gãy khóa. Tiếp theo cánh cửa mở ra. Mùi hôi hám lại xông vào mũi. Lương Trung Sơn và A Liệt phải né tránh sang một bên.
Sau một lúc, Lương Trung Sơn nói:
– Lão nô vào trước mở cửa sổ cho hả hơi.
Lão tiến vào rất lẹ, tay cầm mồi lửa soi cả gian nhà.
Đây là một gian phòng nhỏ vuông vắn. Góc trên bức tường bên phải có một cửa sổ vuông chừng hai thước. Lương Trung Sơn mở lẹ ra rồi lùi lại.
Trong phòng toàn gác ván cây làm kệ. Trên kệ để đủ thứ:
nào chăn đệm, nào giầy dép, nón áo. Lại còn một ít giỏ tre.
A Liệt hỏi:
– Lương đại thúc! Phải chăng đây là nơi cất giấu bảo vật?
Lương Trung Sơn đáp:
– Dĩ nhiên không phải. Đây mới là cửa vào. Dưới chân tủ áp tường có một huyệt động nhỏ bé. Chỗ đó cả chủ mẫu cũng không biết.
A Liệt hỏi:
– Nếu vậy.. chỉ có một mình tiên phụ là biết thôi ư?
Lương Trung Sơn nói:
– Đã có một hồi lão nhân gia tạm thời vào ẩn trong nhà này, đại khái không có chuyện gì. Lão nhân gia tra xét thấy không ai di chuyển cái tủ để mở đường hầm, rồi quyết định lợi dụng nơi đây làm chỗ để cất báu vật. Không ngờ ngày nay lại giúp cho thiếu gia được nhiều việc.
Lúc này lão đã thấy mùi hôi hám trong phòng tiêu tan đi nhiều rồi. Lão vừa cất bước thì đột nhiên A Liệt ngăn lại.
Lương Trung Sơn cũng là người cơ cảnh dị thường, lập tức lão thổi tắt mồi lửa, đứng dán người vào tường. Lão biết rõ tai mắt của tiểu chủ nhân rất minh mẫn, đã đến bậc siêu phàm nhập thánh.
Lại nghe A Liệt khẽ hắng dặng một tiếng, khẽ nói:
– Không có chuyện gì cả.
Lương Trung Sơn nói:
– Trời ơi! Lão nô lại tưởng có động, cần phải cảnh giác.
A Liệt hỏi:
– Tại hạ muốn hỏi đại thúc trên đời có ma quỷ không?
Lương Trung Sơn lẳng lặng hồi lâu, cười hỏi lại:
– Lão nô không hiểu thiếu gia hỏi câu này làm chi? Theo nhận xét của lão nô thì trên đời không có ma quỷ, hay ít ra là lão nô chưa từng được gặp quỷ bao giờ.
A Liệt nói:
– Dường như đại thúc có ý tiếc rằng không được nhìn thấy ma quỷ, nhưng tại hạ lại cảm thấy yên tâm.
Lương Trung Sơn nói:
– Cái chết, sống của con người là chuyện rất tầm thường. Điều đáng thương là con người sau khi chết rồi như khói tỏa mây bay, vĩnh viễn không còn vết tích gì. Cả những nhân vật hồi sinh tiền gầm mây thét gió, hổ đấu rồng tranh, mà chết rồi không biết đi đâu. Nào cơ mưu, nào dũng cảm, nào hứng thú nào tài học đều mất tích chẳng còn gì. Thiếu gia thử nghĩ coi nếu chết rồi còn hóa ra quỷ tồn tại thì đã không phải là tiêu diệt.
A Liệt ngẩn người ra đáp:
– Tại hạ chưa từng nghĩ tới điểm này.
Lương Trung Sơn nói:
– Tuổi thiếu gia còn nhỏ, nên ít lưu tâm tới chuyện đó. Còn lão nô lại nghĩ rằng nếu con người chết đi còn hồn ma thì lại là một việc rất đáng an ủi, vì chúng ta chết rồi được biến thành quỷ thì chẳng có gì đáng tiếc nữa.
A Liệt ngắt lời:
– Tại hạ hiểu rồi. Đại thúc nói thế là nếu chúng ta có gặp quỷ lại thành một điều rất đáng mừng. Hỡi ơi! Vừa rồi tại hạ thật đã sợ vỡ mật.
Lương Trung Sơn lại thắp lửa lên chạy vào trong phòng. Lão di chuyển cái tủ lớn để hở ra tấm ván gỗ dài chừng sáu thước, rộng ba thước.
A Liệt nắm lấy vòng sắt trên ván kéo mạnh lên thì thấy bên dưới có để sẵn một cái thang gỗ xem chừng đã hư nát. May ở chỗ chàng không tính lợi dụng cái thang này.
Dưới hầm rộng chừng trượng vuông. A Liệt tung mình nhảy xuống. Chàng khẽ hít một hơi thì phát giác ra không khí dưới này còn trong lành hơn ở trên, đủ biết có chỗ thông gió.