Lại nói, sau khi mọi người đã ra ngoài hết, trong phòng chỉ còn lại một mình Lam Hoài Ngọc. Chàng nhắm mắt nằm yên trên giường, hồi tưởng lại những sự việc mà chàng đã từng phải nếm trải trong thời gian qua. Chàng khẽ thở dài.
Chỉ mới cách đây một tháng, chàng rời Bách Hợp Cung nơi Phù Châu đảo trong miền Nam Hải, đặt chân lên lục địa. Từ trước đến giờ chàng vẫn luôn sống trong cung cấm, chưa một lần bước chân ra bên ngoài. Đấy là lần đầu tiên chàng xuất cung. Trong lòng chàng cảm thấy rất vui vẻ, vừa hăng hái lại vừa thích thú, vì chàng sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những danh lam thắng tích của đất Trung Nguyên mà trước nay chàng chỉ mới được biết qua sách vở.
Sau khi đến Quảng Châu, chia tay với những người cùng đi, chàng vượt Lưỡng Quảng, xuyên qua vùng Mân Triết, Tô Hàng, đến địa phận thành Kim Lăng ở nam ngạn Trường Giang. Chàng đã ở lại nơi ấy mấy ngày, tham quan những thắng cảnh nổi tiếng của đất đế kinh.
Kim Lăng vốn còn có tên là Nam Kinh, nằm bên bờ sông Tần Hoài, là một thành thị phồn hoa nhất nhì Trung Nguyên, từng là kinh đô của một số triều đại như Đông Tấn, Nam Tề, Lương, Trần, Nam Tống, … và cũng đã được Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương chọn làm nơi dựng đế kinh của Minh triều. Vì vậy, đất Kim Lăng rất nổi tiếng về các công trình văn hóa và danh lam thắng cảnh. Số lăng tẩm, cung điện, đền đài, chùa miếu ở nơi đây còn nhiều hơn cả Bắc Kinh.
Sau khi rời khỏi đất Kim Lăng, chàng vượt dòng Trường Giang tiếp tục đi dần về phương Bắc, hướng đến là thành Bắc Kinh. Và lúc này, khoảng thời gian yên bình của chàng đã kết thúc.
Không hiểu tại sao, có rất nhiều những nhân vật võ lâm, gồm đủ cả chính tà ma đạo, lại họp nhau cùng vây đánh chàng, chẳng kể gì đến lề luật giang hồ xưa nay. Chàng tuy võ công không phải kém, nhưng sức yếu thế cô, quả bất địch chúng, đành phải phá vòng vây tìm lối bôn đào.
Thế mà, bọn người kia vẫn không chịu bỏ qua, tiếp tục chia nhau truy sát chàng. Bọn họ cứ tiếp tục đuổi theo chàng không kể ngày đêm, khiến chàng phải mải miết chạy trốn mà không dám dừng lại nghỉ ngơi, dù đã rất mệt mỏi, và cũng không dám dừng lại băng bó trị thương, dù đã sức cùng lực kiệt. Chàng cứ tiếp tục chạy mãi … chạy mãi … quên đi cả khái niệm thời gian.
Sau trận kịch chiến, chàng đã thọ thương rất nặng, nhưng cũng không có thời giờ dừng lại băng bó, mà phải ôm vết thương mải miết chạy trốn. Nếu như không gặp được toán người của Nghi cung, và nếu như không được sự quan tâm của cung chủ thì giờ đây … Ôi. Có lẽ chàng đã chẳng còn cơ hội sinh tồn.
Nghĩ đến vị cung chủ Nghi cung mà chàng đã gọi là “tỷ tỷ”, chàng lại chợt nghĩ đến trình độ võ công tuyệt thế của nàng. Quả thật trước giờ chàng chưa từng được thấy người nào có công phu cao thâm đến vậy. Nàng ta chỉ khẽ cất tay một cái là bao nhiêu nhân vật võ công cao cường, địa vị cao cả trong võ lâm đã phải thọ tử, mà vẫn chưa kịp hiểu nguyên nhân do đâu.
Nghĩ đến vị cung chủ Nghi cung, chàng lại nghĩ đến những sự quan tâm và cảm tình mà nàng đã dành cho chàng. Nàng đã gọi chàng bằng một danh xưng thật là thân mật : Ngọc đệ. Và nàng lại vô cùng xinh đẹp, kiều diễm. Chàng nhớ đến những lúc cùng ngồi chung với nàng bên trong cỗ kiệu, hai người đã ngồi tựa vào nhau, vai kề vai sát cánh. Các đôi tình nhân chắc cũng chỉ thân mật đến vậy mà thôi. Nhưng … Nhưng nàng lại là thê tử của Nghi vương.
Chàng nghĩ ngợi mãi mà vẫn không hiểu tại sao nàng lại đối xử với chàng bằng một thái độ thân mật đến vậy. Với người khác thì giọng nói của nàng hết sức uy nghiêm bệ vệ, giữ tư thế của một vị cung chủ. Nhưng đối với chàng, nàng lại tỏ ra dịu dàng, hòa nhã. Không hiểu …
Chàng khe khẽ thở dài.
Khi vầng thái dương đã khuất bóng sau phía chân trời, màn đêm đã buông xuống, bóng tối phủ trùm khắp mọi nẻo đường, đoàn người của Nghi cung lại tiếp tục đăng trình. Hoàng y nữ lang lại bắt Lam Hoài Ngọc phải lên kiệu ngồi cùng với nàng. Còn Thư Thế Dương thì do Hoàng Bào lão nhân dắt đi bên cạnh cỗ kiệu. Cả đoàn cứ âm thầm lướt đi trong đêm trường tịch mịch.
Nhưng rồi cũng chẳng được yên.
Vừa đi được một quãng, đến vùng hẻo lánh cách trấn thành độ hơn mười dặm, lại cũng thấy phía trước có một bọn người đang chặn đường. À không. Phải nói là hai bọn mới đúng, vì bọn chúng dường như không cùng chung một toán. Một bọn gồm cả tăng ni tục đạo chia nhau án ngữ phần phía bên trái của con đường. Bọn còn lại là những tên che mặt trấn đóng phía bên phải. Mà dường như trong bọn này lại có đến hai phe khác nhau. Vậy là có đến ba bọn đang chặn ngang đường.
Bốn Hoàng y thiếu nữ cầm đèn lồng đến trước thấy bọn người đang chặn đường liền đi chậm lại. Một nàng cao giọng nói :
– Xin các vị mở đường cho.
Bọn kia đột nhiên thấy một cỗ kiệu kỳ lạ lướt đi trong đêm tối đầy vẻ thần bí thì không khỏi ngạc nhiên. Thiếu nữ kia lại nói :
– Xin các vị mở đường cho.
Bất chợt, trong đám quần ma phía bên phải có giọng cười hố hố :
– Giữa đêm sương buốt giá lạnh lẽo mà các mỹ nhân lại đi đâu thế này ? Hãy lại gần đây để đại gia sưởi ấm lòng cho.
Thái độ của tên kia hết sức khinh bạc, tiếng nói giọng cười đầy vẻ dâm tà. Trong bọn người bên trái cũng có nhiều kẻ cau mày, ra vẻ bất bình. Nhưng bọn họ vẫn lẳng lặng không nói gì. Các Hoàng y thiếu nữ khẽ biến sắc, lộ vẻ tức giận, nhưng vẫn còn cố nín nhịn chưa phát tác.
Tên kia thấy vậy liền đắc ý nói tiếp :
– Các nàng không nói gì tức là đã bằng lòng rồi phải không ? Ha ha. Mau lại đây. Lại đây. Đại gia sẽ làm cho các nàng cảm thấy vui vẻ.
Rồi hắn ta lại cất giọng cười hố hố, ra vẻ rất thích thú. Nhiều tên trong bọn quần tà cũng lớn tiếng cười theo phụ họa. Các Hoàng y thiếu nữ đã có vẻ tức giận lắm rồi, nhưng thủy chung vẫn còn cố nín nhịn, chờ cung chủ đến định đoạt.
Lúc này cỗ kiệu đã tiến đến nơi, gặp tình hình như vậy cũng đành phải dừng lại. Từ trong kiệu vang lên tiếng nói :
– Khai lộ Tứ vệ sứ. Chuyện gì xảy ra thế ? Sao không tiếp tục thượng lộ ?
Thanh âm trong trẻo đầm ấm nhưng cũng đầy vẻ uy nghiêm. Một nàng Hoàng y thiếu nữ đến bên cỗ kiệu khẽ thì thầm một lúc lâu. Sau khi nghe xong, người trong kiệu lộ vẻ tức giận, nói :
– Có chuyện đó sao ? Hừ. Bọn này thật đáng chết.
Cũng cùng lúc ấy, trong đám quần hào đang tụ tập phía bên trái đường đã có người nhận ra Thư Thế Dương đang đứng bên cạnh Hoàng bào lão nhân nên xúm nhau lại bàn tán một lúc lâu. Sau đó, có một lão nhân lối khoảng gần sáu mươi tuổi, vận trường bào bằng đoạn đen, thân người cao gầy khẳng kheo, từ trong đám đông tiến ra nhìn Thư Thế Dương hỏi :
– Thư hiền điệt. Sao hiền điệt không đi cùng lệnh tôn mà lại theo những người này đến đây ? Và lệnh tôn hiện đang ở đâu ?
Thư Thế Dương cúi mặt, ngập ngừng nói :
– Gia phụ … gia phụ đã …
Thấy cậu bé ấp úng như vậy, mà giọng nói lại ra chiều đau thương, cảm giác có chuyện chẳng lành, lão già kia vội hỏi dồn :
– Thế nào ? Lệnh tôn đã làm sao rồi ?
Thư Thế Dương buồn rầu đáp :
– Gia phụ đã qua đời rồi. Đại ca và các vị sư huynh cũng thế.
Lão già kia giật mình sửng sốt, vội hỏi :
– Sao ? Tại sao Thư lão đệ lại qua đời một cách đột ngột như thế ? Do nguyên nhân nào ? Hay là đã bị người ta giết ?
Thư Thế Dương khẽ gật đầu. Lão già lại hỏi :
– Kẻ nào đã giết Thư lão đệ thế ? Hiền điệt nếu biết thì hãy mau nói ra. Lão phu sẽ vì lệnh tôn mà báo thù cho.
Thư Thế Dương cúi đầu không đáp. Cậu bé ngần ngừ không muốn nói rõ vì lo ngại bọn họ rồi cũng sẽ đi vào vết xe đổ giống như phụ thân của cậu. Mà cậu lại không muốn nhìn thấy bọn họ vì cậu mà bị giết một chút nào.
Lão già thấy Thư Thế Dương im lặng không đáp, nóng nảy hỏi dồn :
– Ai ? Kẻ đó là ai ? Sao hiền điệt không nói ?
Thư Thế Dương ngẩng mặt lên nhìn lão, rồi lại khẽ thở dài, đưa mắt nhìn về phía cỗ kiệu. Lão già vội hỏi ngay :
– Phải chăng chính là bọn họ ? Và hiền điệt đang bị bọn họ bắt giữ ?
Thư Thế Dương lại gật đầu lần nữa. Lão già kia liền sa sầm nét mặt, trợn mắt nhìn vào cỗ kiệu, lớn tiếng nói :
– Các ngươi tại sao lại giết chết Thư lão đệ ? Đôi bên có thù oán gì chăng ?
Người trong kiệu khẽ “hừ” một tiếng, lạnh lùng nói :
– Bản cung nghĩ rằng trong giới võ lâm đương đại chẳng có một kẻ nào dám gây thù kết oán với bản cung đâu.
Hắc bào lão nhân nghe đối phương nói thế tức thì lửa giận bừng bừng, nộ khí xung thiên. Lão ta lớn tiếng quát :
– Chẳng hiểu ngươi là thần thánh phương nào mà lại ngạo mạn đến như vậy ? Nhưng vô duyên vô cớ ngươi lại giết chết Thư lão đệ, mối oán thù này lão phu quyết chẳng chịu bỏ qua.
Đoạn lão quay sang Thư Thế Dương nói :
– Thư hiền điệt. Hiền điệt hãy xem lão phu trả thù cho lệnh tôn đây.
Thư Thế Dương thấy lão già đã định động thủ, liền lộ vẻ hoảng hốt, trong lòng rất lo lắng. Cậu bé vội vàng xua tay nói :
– Thôi. Thôi. Không nên đâu.
Lão già ngạc nhiên hỏi :
– Sao vậy ? Chẳng lẽ hiền điệt không định trả thù cho lệnh tôn hay sao ?
Thư Thế Dương lắc đầu nói :
– Không phải. Nhưng không nên làm thế. Bọn họ võ công cao cường lắm.
Lão già ngửa mặt lên trời cười rộ, nói :
– Lão phu dĩ nhiên là biết điều đó chứ, đâu cần hiền điệt phải nhắc nhở. Bọn họ đã có thể giết được Thư lão đệ thì võ công nào phải tầm thường. Nhưng từ xưa đến nay, tà không thể thắng chính. Lão phu không hề sợ bọn họ. Lão phu đã quyết nhất định sẽ vì Thư lão đệ mà trả thù.
Vừa nói lão vừa xắn tay áo lên như muốn động thủ thật. Lúc này, đám đông đã lùi lại phía sau, định chờ xem diễn biến. Nhưng từ trong đám quần hùng, một vị hòa thượng mặc tăng bào màu nguyệt bạch vội tiến ra, nói :
– A di đà phật. Xin lão thí chủ hãy khoan động thủ.
Lão già quay lại nhìn nhà sư, cao giọng hỏi :
– Sao đại sư lại ngăn cản lão phu ?
Nhà sư tiến đến sát bên lão già, khẽ thì thầm :
– Thư tiểu thí chủ hiện giờ còn đang nằm trong tay bọn họ, lão thí chủ không sợ ném chuột vỡ đồ hay sao ?
Lão già chợt biến sắc, hạ giọng hỏi :
– Thế phải làm sao ?
Nhà sư ngẫm nghĩ một lúc, rồi hướng về phía cỗ kiệu, vòng tay nói :
– Bần tăng mạo muội xin hỏi một câu. Người thì các vị đã giết rồi. Lại còn bắt giữ vị tiểu thí chủ này, há chẳng phải là quá đáng lắm sao ?
Người trong kiệu cười nhạt nói :
– Có chi mà lại gọi là quá đáng ? Bọn chúng vô lễ với bản cung, xử như vậy đã là nương nhẹ lắm rồi. Hừ ! Nếu chiếu phép thì đúng ra phải tận diệt toàn gia mới đáng tội mà bọn chúng đã gây ra.
Ngừng lời một chút, rồi thanh âm có vẻ hòa hoãn hơn :
– Còn về phần tiểu hài tử kia. Bản cung thấy y rất vừa mắt nên không nỡ làm hại. Chỉ cần y chịu quỳ lạy bản cung ba lạy là bản cung sẽ tha cho. Thế mà y vẫn quật cường, nhất định không chịu. Bản cung không muốn giết y nên mới đành đưa y đi theo, chờ y hồi tâm chuyển ý.
Nhà sư chắp hai tay trước ngực, niệm phật hiệu :
– A di đà phật.
Người trong kiệu lại nói tiếp :
– Bất kể kẻ nào dám vô lễ với bản cung đều đáng bị tru diệt toàn gia. Có lẽ các ngươi đã chán sống rồi, muốn theo chân bọn kia cho có bạn.
Nhà sư lại tiếp tục niệm phật hiệu, nhưng không nói gì nữa, có lẽ đã quyết định chung vai sát cánh với Hắc bào lão nhân kia. Bọn quần hào đưa mắt nhìn nhau. Còn bọn quần tà thì lại lùi xa hơn nữa, như muốn tỏ ý không xen vào chuyện của đôi bên. Bọn họ đều muốn tọa sơn quan hổ đấu, ai chết sống mặc ai.
Bốn bề chợt im phăng phắc …
Chợt nghe Hắc bào lão nhân quát lớn một tiếng, rồi cao giọng nói :
– Ý lão phu đã quyết. Lão phu nhất định phải trả thù cho Thư lão đệ. Trong các vị anh hùng ở đây còn có ai muốn vì Thư lão đệ mà báo thù thì hãy mau bước ra đây để cùng lão phu chung vai hợp sức.
Từ trong đám đông lại có thêm một số người nữa tiến ra, đến đứng sánh vai bên cạnh lão già và nhà sư áo trắng. Một tên trong bọn nói :
– Bọn tại hạ cũng muốn vì Thư đại hiệp mà báo thù.
Bọn người vừa tiến ra cả thảy đến gần hai mươi tên, hợp cùng lão già và nhà sư kéo đến đứng đối diện cỗ kiệu, định sẽ cùng đối phương quyết đấu. Trong khi đối phương trừ người ngồi trong kiệu và Thư Thế Dương thì chỉ có mười người. Bọn quần tà lâu nay vốn có hiềm khích với phe võ lâm Bạch đạo. Nay có cơ hội bài xích thì lẽ nào lại bỏ qua. Liền có một người lên tiếng :
– Lấy một chọi hai mà còn dám xưng là danh môn chính phái.
Lập tức cả bọn nhao nhao cả lên :
– Như thế thì còn vô sỉ hơn cả chúng ta.
– Dù có thắng thì cũng chẳng lấy gì làm vinh.
– Một lũ ngụy quân tử.
…
Cả trường ồn ào mạnh ai nấy nói khiến phe bạch đạo đỏ mặt tía tai những muốn độn thổ mà trốn. Chợt có tiếng quát lớn :
– Tất cả im lặng.
Thanh âm vang dội giữa không trung, truyền đi bốn phía, át cả tiếng ồn ào, vang vọng vào tai mọi người nghe ong ong muốn điếc cả màng nhĩ, chứng tỏ người vừa phát ngôn nội lực thâm hậu vô cùng. Toàn trường yên ắng trở lại. Mọi người sau phút định thần mới biết người vừa phát ngôn kia chính là nhân vật đang ngồi bên trong cỗ kiệu. Và ai nấy đều kinh hãi thất sắc.
Người trong kiệu lại cười khanh khách, nói :
– Tốt. Tốt lắm. Các ngươi đã muốn chết thì bản cung cũng chẳng tiếc gì mà không thành toàn cho các ngươi.
Tiếng nói vừa dứt, độ hai chục luồng ánh sáng vàng rực từ trong cỗ kiệu bay vút ra, nhắm vào bọn người của Hắc bào lão nhân lao nhanh tới. Tình huống quá bất ngờ khiến không một ai kịp trở tay. Cả bọn họ đồng loạt “hự” lên một tiếng, rồi lập tức ngã lăn ra vệ đường không kịp kêu lên tiếng nào.
Những người đang đứng phía sau quan chiến đồng bật lên những tiếng la hoảng, tới tấp lùi lại phía sau. Sau một lúc định thần, một số chạy tới xem xét thì mới hay cả bọn họ đều đã chết cả rồi. Cả hai chục người đều không có thương tích gì, nếu quan sát kỹ thì chỉ thấy nơi trán mỗi người có một điểm đỏ nhỏ bằng đầu mũi kim. Chẳng lẽ đó lại là nguyên nhân gây ra cái chết cho bọn họ.
Thủ đoạn giết người thật ghê gớm, đáng sợ …
Bất giác mọi người đều khẽ rùng mình, trong lòng vừa kinh hãi lại vừa lo sợ. Thư Thế Dương vốn đã biết trước kết quả rồi sẽ phải như vậy nên trước đó cậu bé đã vội nhắm nghiền đôi mắt lại, không dám nhìn thảm cảnh vừa mới diễn ra. Trong lòng cậu bé rất hối hận, quyết định sau này không nhắc đến mối thù hận của cậu cho người khác biết nữa. Tự đích thân cậu sẽ trả thù khi có đủ khả năng.
Ai nấy hãy còn đang bàng hoàng, chưa kịp định thần lại thì tiếng người trong kiệu lại vang lên :
– Thế nào ? Có còn kẻ nào muốn theo chân bọn kia hay không ? Hãy mau bước ra đây. Bản cung sẵn sàng thành toàn cho.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Nhưng không một ai dám bước ra cả. Giữa lúc ấy, lại đột nhiên có tiếng quát lớn. Tiếp theo đó có một luồng ngân quang tựa như cầu vồng ở trên trời bay tới tấn công vào cỗ kiệu khiến ai nấy đều sững sờ.
Luồng ngân quang kia vừa đến gần cỗ kiệu thì chợt gặp phải một luồng gió hùng mạnh thổi tốc lên, đẩy bắn ra xa. Một tiếng “hự” khô khan, và một thây người nằm im lìm bất động trên vệ cỏ.
Người trong kiệu lại hỏi :
– Còn kẻ nào nữa không ?
Mọi người lại đưa mắt nhìn nhau. Toàn trường im lìm một thoáng. Hồi lâu sau, trong nhóm phe bạch đạo có một lão hòa thượng râu mày đều bạc trắng rẽ đám đông bước ra, hướng vào cỗ kiệu vòng tay nói :
– A di đà phật. Bần tăng là Tích Thiện ở Ngũ Đài Sơn xin có lời thỉnh cầu nữ đàn việt. Chẳng hay nữ đàn việt có cho phép bần tăng được nói hay không ?
Lão hòa thượng thấy võ công đối phương quá lợi hại, định tâm muốn hóa giải trận sát kiếp này nên đã lên tiếng bằng những lời lẽ hết sức ôn hòa nhã nhặn. Người trong kiệu cất tiếng cười trong trẻo, nói :
– Hòa thượng có điều gì thì cứ nói. Bản cung đang lắng nghe đây.
Lão hòa thượng chắp tay xá dài, nói :
– A di đà phật. Đa tạ nữ đàn việt. Bần tăng thực tâm muốn hóa giải trận sát kiếp này. Chẳng hay ý nữ đàn việt thế nào ?
Im lặng trong chốc lát, tiếng người trong kiệu lại cất lên :
– Sở dĩ bản cung phải xuất hành giữa lúc đêm hôm tăm tối thế này là chỉ vì không muốn có chuyện thị phi với bọn người võ lâm các ngươi. Bản cung cũng không muốn gặp phải những sự phiền phức không đáng. Chỉ cần các ngươi đừng sinh sự lôi thôi thì bản cung cũng chẳng cần truy cứu làm gì.
Lão hòa thượng mừng rỡ, chắp tay vái dài, nói :
– Nữ đàn việt có lòng từ bi thì sẽ được trời phật phù hộ cho. A di đà phật. Bần tăng mạo muội xin được thỉnh giáo tôn hiệu của nữ đàn việt để ngày sau có dịp gặp lại còn biết đường mà chào hỏi.
Người trong kiệu cười nói :
– Bản cung là cung chủ Nghi cung, không biết hòa thượng đã từng nghe qua danh hiệu của bản cung hay chưa ?
Lão hòa thượng sửng sốt nói :
– Thế ra nữ đàn việt chính là cung chủ Nghi cung. Bần tăng thất kính mất rồi. Uy danh của cung chủ bần tăng đã được nghe nói đến từ lâu.
Không chỉ riêng lão hòa thượng mà tất cả bọn quần hào lẫn quần tà đang hiện diện tại trường đều đồng loạt giật mình sửng sốt. Nghi cung là một trong Võ lâm Tam cung, mà sự thần bí của nó lại còn hơn cả Thái Chính Cung nữa, vốn là một thế lực đã khiến quần hùng “kính nhi viễn chi” từ lâu. Trong võ lâm đương đại, có thể nói rằng không một người nào dám bạo gan trêu vào những thế lực này.
Vị cung chủ Nghi cung chợt trầm giọng hỏi :
– Mới vừa rồi tên nào đã vô lễ với Khai lộ Tứ vệ sứ của bản cung ?
Trong đám quần tà phía bên phải bỗng có một tên vận hắc y, mặt cũng được che kín bằng một mảnh vải đen, hớt hãi chạy ra phục xuống trước cỗ kiệu, dập đầu sát đất lạy như tế sao, dáng điệu đầy vẻ sợ sệt. Gã luôn miệng kêu khóc :
– Tiểu nhân tội đáng chết, xin cung chủ nhiêu dung cho.
Vị cung chủ Nghi cung im lặng hồi lâu, rồi mới lên tiếng nói :
– Ngươi có mắt mà cũng như không. Vậy hãy tự khoét lấy con mắt bên phải rồi mau cút đi. Từ nay đừng để cho bản cung thấy mặt lần nữa.
Tên kia được tha chết, lộ vẻ mừng rỡ, vội lấy ngọn trủy thủ tự khoét mắt. Lập tức, máu tươi chảy ra như suối. Nhưng hắn không lo cầm máu, chỉ lo phục lạy ba lạy cho tròn lễ rồi lồm cồm ngồi dậy, nhanh chân chạy đi ngay. Tình trạng đó đã làm cho bọn người tại trường phải một phen khiếp vía.
Cung chủ Nghi cung lại nói :
– Các ngươi đã không muốn sinh sự nữa thì hãy mau tránh đường ?
Lời nói vừa dứt, mọi người không ai bảo ai, đều mau mắn nép sang bên nhường lối. Trong lòng người nào người nấy cũng đều chỉ mong cho vị đại sát tinh kia mau chóng rời khỏi chốn này.
Thấy lối đi đã được khai thông, vị cung chủ liền truyền lệnh :
– Khởi trình.
Mệnh lệnh vừa truyền ra, Khai lộ Tứ vệ sứ tay cầm đèn lồng đi lên phía trước mở đường. Bốn Hoàng y hán tử cũng vội nâng cỗ kiệu lên, rảo bước lướt đi. Hoàng bào lão nhân tay dắt Thư Thế Dương cùng với Hoàng y lão bà đi kèm hai bên cỗ kiệu. Cả đoàn lại tiếp tục lên đường.