Lại nói, cuộc chiến nơi sơn môn Thiếu Lâm Tự, phần bất lợi dần dần nghiêng về phía quần hùng, ma âm dần dần lấn át hẳn tiếng niệm kinh của hàng nghìn tăng nhân Thiếu Lâm đang thi triển công phu Sư Tử Hống. Nhiều người đã không chịu đựng nổi nữa lần lượt ngã gục.
Quần hùng đã gần như không còn chi trì nổi nữa.
Tình thế hết sức nguy ngập …
Bỗng đâu, giữa lúc tình thế thập phần nguy ngập ấy, từ phía khu rừng bên trái lại đột ngột vang lên từng hồi mõ “lóc cóc” khoan thai đều đặn.
Ma âm lên cao, tiếng mõ cùng cất lên cao. Ma âm xuống thấp, tiếng mõ cũng liền xuống thấp. Và khi ma âm chuyển điệu cấp bách, tiếng mõ lại cũng chuyển điệu theo. Hễ ma âm thay đổi cung điệu thế nào thì cũng lập tức bị tiếng mõ “lóc cóc” bắt theo. Tiêu âm, cầm âm hòa quyện vào nhau, được tiếng trống tăng cường thêm uy lực, lồng lộng giữa không gian, như xô xát, như sát phạt. Nhưng rồi ba loại ma âm cùng hợp tấu vẫn bị tiếng mõ khoan thai kia lấn áp, mất hẳn uy lực.
Tình thế đã có chuyển biến trọng đại …
Quần hùng lúc này đã thoát khỏi sự áp chế của ma âm, liền vội vận khí điều tức để phục hồi chân lực. Sắc diện người nào người nấy cũng đều lộ vẻ mệt mỏi. Nhưng trên khuôn mặt ai nấy cũng đều hiện rõ nét vui mừng, bởi cả bọn vừa trải qua một kỳ sinh tử, và đã bình yên thoát hiểm. Cả bọn thầm biết ơn vị cao nhân tiền bối vừa ra tay kịp lúc. Nếu trễ hơn chút nữa, e cả bọn đã xong đời.
Không Hư đại sư thật xứng là thủ lĩnh quần hùng. Lão hòa thượng là người phục hồi chân lực đầu tiên. Đại sư đảo mắt nhìn khắp toàn trường một lượt, rồi nhìn về phía khu rừng nơi tiếng mõ phát ra.
Sau khi lắng nghe một hồi lâu, bất giác trên khuôn mặt Không Hư đại sư lộ rõ vẻ vui mừng hớn hở. Lão hòa thượng đã nhận ra tiếng mõ kia chính là công phu Đạc Âm Thiền Công, tuyệt kỹ thượng thừa của Thiếu Lâm Tự. Và có lẽ người đang thi triển Đạc Âm Thiền Công là một vị cao tăng tiền bối của bản phái. Nhưng đại sư không thể biết được đó là vị nào, bởi đấy là một trong những môn tuyệt kỹ khó luyện nhất. Suốt hơn trăm năm qua, đại sư chưa từng nghe nói trong chùa có vị cao tăng nào có đủ công lực cùng thiên tư để có thể luyện thành môn này.
Sau một hồi bị tiếng mõ áp chế, ba loại ma âm bỗng đột ngột cao vút lên, cung điệu rất cấp bách, thanh âm dồn dập vang dội tứ phía. Rõ ràng là tam ma đã bắt đầu liều mạng, vận toàn lực thi triển âm công đến độ chót. Quần hùng liền cảm thấy khí huyết nhộn nhạo khó chịu khôn tả.
Tiếng mõ liền được gia tăng cường lực, nhịp điệu cũng nhanh hơn trước, kịp thời giúp quần hùng thoát khỏi ảnh hưởng của ma âm. Nhưng tiếng mõ vẫn chưa đủ sức trấn áp được âm công do cả Tam ma cùng hợp tấu. Tuy vậy, việc cân bằng với âm công của Tam ma cũng đã ghê gớm lắm rồi.
Ngay khi ấy, từ phía hậu sơn chợt vọng đến những thanh âm lạ lùng, như đang có người dùng gậy gõ vào những thứ đồ sành sứ, nghe leng keng lóc cóc rất quái dị. Nhưng thanh âm kia vừa vọng đến đã hòa cùng với tiếng mõ trấn áp hoàn toàn ma âm. Bang chủ Cái Bang Hà Vĩnh Tuấn bỗng nhiên thất thanh la lớn :
– Đây là tiếng gõ bát của bản bang.
“Gõ bát” là một môn công phu đặc biệt của giới khất cái, cũng sử dụng âm công tựa như Đạc Âm Thiền Công của Thiền Môn. Mọi người nghe lão hô vậy đều quay lại nhìn. Hà Vĩnh Tuấn nói :
– Có lẽ đó là một vị tiền bối của bản bang.
Không Hư đại sư gật đầu nói :
– Chắc là đúng như vậy rồi. Cũng như tiếng mõ kia là tuyệt kỹ Đạc Âm Thiền Công của tệ phái.
Thiên Sơn chưởng môn La Thiện Hùng nói :
– Các phái vẫn còn những vị tiền bối, thật là một sự may mắn cho võ lâm. Nếu các vị ấy chịu ra mặt thì còn sợ gì bọn tà ma nữa.
Không Hư đại sư thở dài nói :
– Chỉ có điều suốt hơn trăm năm qua, lão nạp chưa từng nghe nói trong tệ phái có vị tiền bối nào đủ thiên tư và công lực để luyện thành môn này. Đạc Âm Thiền Công là một trong những công phu khó luyện nhất của tệ phái.
Hà Vĩnh Tuấn cũng nói :
– Đại sư nói không sai. Bên phía tệ bang cũng vậy.
Mọi người nghe hai lão nói thế đều hết sức kinh ngạc, cho là kỳ sự.
Giờ đây tại trường chỉ còn nghe thấy tiếng mõ hòa cùng tiếng gõ bát. Hai loại âm thanh này đã át hẳn ma âm. Trông lại Tam ma thì thấy bọn họ mồ hôi trán chảy ròng ròng, sắc diện đỏ bừng, và khí sắc đã ra chiều rất mệt mỏi. Nhưng cả ba người họ vẫn cố sức chi trì cục diện, chưa chịu bỏ cuộc.
Bọn quần hùng đều ngưng thần chú ý theo dõi trận đấu không tiền khoáng hậu này. Nói là chú ý nhưng thật ra cũng chỉ quan sát được thần thái của Tam ma để xác định tình hình đang nghiêng về phe nào. Và đương nhiên là cả bọn rất có lòng tin đối với các vị tiền bối của bọn họ.
Giữa lúc ấy, bỗng đâu từ hậu sơn lại, một tiếng hú lảnh lót vút lên đột ngột làm chấn động màng tai mọi người, âm hưởng rất bá đạo.
Tiếng hú còn chưa dứt hẳn đã nghe “keng” một tiếng. Cây cổ cầm của Cầm Ma Tôn Giả đều đã bị đứt hết cả sáu dây. Một chuyện đối với lão ma mà nói trước nay chưa từng xảy ra. Bích Ngọc Ma Tiêu cũng không còn hơi sức để tiếp tục thổi tiêu nữa. Cả Đồng Cổ Ma Tôn cũng chẳng hơn gì. Ba lão ma hoảng hốt cực độ, gắng gượng gom hết sức tàn, liều mạng băng mình đào tẩu. May cho cả bọn là liền ngay đó, tiếng mõ, tiếng gõ bát, rồi tiếng ca, tiếng hú đều dừng ngay lại. Nếu không thì sợ rằng cả bọn khó nổi tồn sinh bởi sự công phạt của âm công.
Trận chiến không tiền khoáng hậu đã kết thúc.
Tại trường yên lặng hồi lâu. Hàng mấy trăm người đang tụ tập trước sơn môn mà không hề tạo ra một tiếng động.
Tư bề im phăng phắc.
Lát sau, từ khu rừng nơi tiếng mõ phát ra, một giọng nói già nua nhưng thanh âm hiền hòa chợt cất lên :
– Cái huynh. Lão nạp không ngờ Cái huynh cũng đến đây.
Từ hậu sơn có tiếng cười ha hả vọng đến :
– Lão hòa thượng. Lão khiếu hóa ta đã vì lão mà lặn lội đường xa đến đây. Chẳng lẽ lão không có được một lời cám ơn hay sao.
Hai người họ, một ở tiền sơn, một ở hậu sơn, cách xa nhau hàng mấy dặm, đối đáp với nhau mà ngữ điệu như lúc bình thời hai người đối diện trò chuyện. Thanh âm từ khu rừng lại vang lên :
– Vậy ra là lão nạp phải cám ơn Cái huynh rồi.
Tiếng lão khiếu hóa từ hậu sơn :
– Được rồi. Lão khiếu hóa ta chỉ thích rượu thôi. Nếu lão có thể thết lão khiếu hóa một bữa rượu thì mới chẳng bõ công lặn lội tới đây.
Tiếng lão hòa thượng từ trong rừng :
– A di đà phật. Người xuất gia phải giới tửu. Cái huynh cũng đã biết sao lại nỡ làm khó lão nạp.
Từ hậu sơn vọng đến tràng cười sảng khoái, thanh âm cao vút lên đến tận lưng chừng trời. Lão hòa thượng lại nói :
– Chẳng hay Hiệp huynh đi đâu mà vội thế.
Tiếng từ hậu sơn :
– Lão ta có chút việc nên xuống núi rồi.
Tiếng lão hòa thượng :
– Hiệp huynh bận việc gì mà đi gấp thế.
Tiếng từ hậu sơn :
– Cũng chẳng có chuyện chi. Lão ta chỉ đang đuổi theo vài tên tiểu bối mà thôi. Trong lúc lão đang mải mê tỷ đấu âm công ở phía trước sơn môn thì có mấy tên tiểu bối mò vào phía hậu sơn định giờ trò đồi bại. Lão khiếu hóa cũng mới vừa cùng lão ta giải quyết mấy tên tiểu bối ấy đấy. Nếu không, bọn đồ tử đồ tôn của lão ở trong chùa tất gặp phải kiếp nạn.
Mấy lời này đã khiến bọn quần hùng kinh hãi, thầm kêu may mắn. Và Không Hư đại sư cũng đã xác định vị tiền bối ở trong rừng kia chính là một vị cao tăng tiền bối của bản phái.
Tiếng lão hòa thượng lại vang lên :
– Cũng may nhị vị lão huynh đến kịp thời. Nếu không thì hậu quả thật khó lường. Lão nạp rất cảm kích.
Từ hậu sơn cất lên tiếng cười khanh khách :
– Lão hòa thượng ơi. Lão khiếu hóa không trêu đùa lão nữa.
Rồi với giọng trang nghiêm, lão nói tiếp :
– Bọn ta đến đây chính là vì phụng chỉ hành sự đấy. Chúa công lo ngại lão vì quá nhân từ mà không làm xong việc, để xảy ra trường sát kiếp, nên đặc phái lão khiếu hóa cùng Hiệp lão đến tiếp trợ.
Tiếng lão hòa thượng cười nói :
– A di đà phật. Cái huynh nói không thật rồi. Chỉ sợ đó không phải là chủ ý của chúa công. Chúa công nhân hậu hiền đức, thiên hạ không ai sánh kịp. Sao lại có chuyện Người lo ngại lão nạp vì nhân từ mà không làm xong việc. Cái huynh nên nói rằng chủ ý này là của các vị Tổng quản thì còn dễ tin hơn.
Tiếng từ hậu sơn :
– Dù là chủ ý của ai đi nữa, nhưng chúa công đã chuẩn thuận thì cũng xem như chính là ý chỉ của chúa công.
Im lặng một lát, lão khiếu hóa lại lên tiếng :
– Giờ lão khiếu hóa xuống núi đây. Tại Thiếu Lâm Tự toàn bọn hòa thượng suốt ngày chỉ biết tụng kinh gõ mõ. Ở lại đây chán chết. Thà rằng lão khiếu hóa ta xuống núi tìm Hiệp lão uống rượu còn hứng thú hơn nhiều. Lão có đi cùng không.
Tiếng lão hòa thượng :
– Vậy xin Cái huynh cứ tự nhiên. Và lão nạp cũng nhờ Cái huynh chuyển lời cảm tạ đến Hiệp huynh. Còn về lão nạp thì … đã lâu rồi lão nạp không đặt chân lên Thiếu Lâm Tự, nay lão nạp định đi thăm lại các di tích năm xưa.
Lão hòa thượng chỉ nói đến đây rồi thì tứ phía lại trở nên im lìm vắng lặng. Từ khu hậu sơn cũng không có thanh âm truyền đến nữa. Không Hư đại sư vội đứng bật dậy, hướng vào khu rừng chắp tay cung kính nói :
– Lão … Tổ sư gia. Đệ tử là Không Hư xin được bái kiến.
Đại sư nói lại mấy lần mà thủy chung vẫn không nghe ai lên tiếng. Có lẽ lão hòa thượng trong rừng đã đi rồi. Đại sư khẽ thở dài, lộ vẻ hối tiếc. Bỗng nhiên nghe Không Minh đại sư lên tiếng nói :
– Phương trượng sư huynh. Tổ sư gia định thăm lại các di tích năm xưa. Vậy chắc chắn Tổ sư gia sẽ đến một nơi.
Không Hư đại sư ồ lên thốt :
– Tổ Sư Động.
Rồi đại sư quay sang Không Trí đại sư nói :
– Không Trí sư đệ. Sư đệ hãy thay lão nạp mà lo liệu cứu chữa cho tăng chúng, cũng như tiếp đãi mọi người cho thật chu đáo. Còn Không Minh, Không Từ nhị vị sư đệ thì hãy theo lão nạp đến Tổ Sư Động một chuyến.
Ba vị đại sư đồng thanh vâng dạ. Không Trí đại sư thì mời quần hùng vào thiền phòng nghỉ ngơi, đồng thời chỉ huy tăng chúng đưa những người bị thương đi cứu chữa, cũng như lo hỏa táng những người đã chết. Dù kẻ địch đã bị đánh lui, nhưng hơn chục người hy sinh đã khiến mọi người không khỏi đau lòng.
Còn Không Hư, Không Minh, Không Từ ba vị đại sư thì vội vàng rảo bước đi về phía Tổ Sư Động.
Tổ Sư Động …
Đó là một nơi tháng tích của Thiếu Lâm Tự, là nơi để các vị cao tăng tiền bối của phái Thiếu Lâm ẩn cư tu hành. Bên trong động có phật đường, có thiền phòng, cũng như các gian tịnh thất.
Trong Thiếu Lâm Tự, chưởng môn phương trượng có uy quyền tối thượng, thống lĩnh toàn phái, bất luận lão thiếu, phàm là tăng đồ đều phải tuân lệnh. Nhưng khi đến Tổ Sư Động, chưởng môn cũng chỉ là một đệ tử thông thường. Tại Thiếu Lâm Tự, lịch đại Tổ Sư có địa vị rất tôn cao.
Hiện giờ, tại Tổ Sư Động chỉ có một vị hòa thượng ở lại coi sóc, chăm nom. Bởi vị trưởng lão cuối cùng của Thiếu Lâm Tự, Giác Duyên đại sư, đã viên tịch hồi hai mươi năm về trước. Vị hòa thượng coi giữ Tổ Sư Động là Không Văn đại sư, tuy là sư huynh của Không Hư đại sư, nhưng vẫn chưa được trở thành Tổ Sư, những người được chính thức tu hành tại Tổ Sư Động, được toàn phái tôn kính. Ít ra cũng phải thêm mười năm nữa, Không Văn đại sư mới có thể trở thành Tổ Sư.
Không Hư đại sư dẫn theo Không Minh, Không Từ xuyên qua khu Vân Hải Tùng Đào, đến trước một sơn cốc. Sau khi vượt qua mấy đoạn đường hẹp là đến một tòa thạch động. Trước động có đề ba chữ lớn : Tổ Sư Động.
Ba vị đại sư dừng lại trước cửa động. Không Hư đại sư chắp tay nói :
– Chấp sự sư huynh. Lão nạp là Không Hư có việc muốn thỉnh giáo sư huynh.
Nói xong, đại sư nghiêm cẩn chắp tay đứng chờ. Không Minh, Không Từ nhị vị đại sư cũng thế.
Hồi lâu sau, từ trong thạch động, một lão hòa thượng chậm rãi đi ra. Lão tăng mình xương vóc hạc, diện mạo thanh tú nho nhã như một thư sinh, vận bộ tăng bào màu xám tro. Lão tăng nhìn Không Hư đại sư hỏi :
– Sư đệ gọi ta chẳng hay có việc chi không.
Không Hư đại sư cung kính nói :
– Sư huynh. Lão nạp có việc muốn thỉnh giáo. Chẳng hay … chẳng hay Tổ sư gia có ở trong động không. Hay Tổ sư gia có đến đây chưa.
Không Văn đại sư cau mày nói :
– Việc này …
Đại sư lộ vẻ bối rối thấy rõ. Không Hư đại sư liền nói :
– Sư huynh. Lão nạp có việc quan trọng, rất cần thỉnh ý Tổ sư gia.
Không Văn đại sư ngẩn người một lúc, rồi mới gật đầu nói :
– Được rồi. Để ta vào thỉnh ý Tổ sư gia xem sao.
Nói đoạn đại sư quay mình đi vào thạch động. Ba vị đại sư Không Hư, Không Minh, Không Từ chắp tay nghiêm cẩn đứng chờ ở ngoài.
Lát sau, Không Văn đại sư trở ra, nói :
– Tổ sư truyền cho ba vị sư đệ vào trong.
Không Hư đại sư chắp tay nói :
– Tạ ân điển Tổ sư. Cảm tạ sư huynh đã thông báo giúp.
Rồi ba vị đại sư đi theo Không Văn đại sư vào trong Tổ Sư Động. Bốn người vượt qua phần ngoài động, vào đến phần trung tâm, đến trước cửa thạch thất của gian hậu động. Không Văn đại sư nhẹ đưa tay đẩy cửa thạch thất, nói :
– Các vị sư đệ cứ vào.
Không Hư đại sư nói lời cảm tạ, rồi bước vào bên trong. Không Minh, Không Từ nhị vị đại sư cũng vội nối gót theo sau. Không Văn đại sư vào sau cùng, nhẹ nhàng khép cửa thạch thất lại.
Qua khỏi tòa thạch thất là đến hậu động, đã thấy một vị hòa thượng râu dài quá ngực, mình vận cà sa màu đại hồng, mặt mũi hồng hào, khó có thể ước đoán chính xác đại sư đã bao nhiêu tuổi. Lão hòa thượng hai mắt nhắm lại, ngồi xếp bằng trên bồ đoàn trước tòa phật đường như đang nhập định. Hai hàng chân mày của đại sư rất dài và đã bạc trắng, buông rũ xuống. Diện mạo đại sư trông đầy vẻ hiền từ phúc hậu.
Ba vị đại sư Không Hư, Không Minh, Không Từ đồng tiến đến trước phật đường, quỳ xuống đảnh lễ, kính cẩn nói :
– Bọn đệ tử là Không Hư, Không Minh, Không Từ xin bái kiến Tổ Sư, nguyện cầu Tổ Sư vĩnh viễn an khang.
Lão hòa thượng ngồi trên bồ đoàn từ từ mở mắt, ngắm nhìn ba vị đại sư một lúc, rồi mới chậm rãi lên tiếng :
– Các ngươi là đệ tử của Giác Duyên hay Giác Nghiệp.
Không Hư đại sư cung kính đáp :
– Bẩm Tổ Sư. Ân sư của đệ tử và Không Minh sư đệ là Giác Nghiệp thiền sư. Còn Không Từ sư đệ theo thụ nghiệp Giác Duyên sư thúc.
Lão hòa thượng gật đầu :
– Các ngươi hãy đứng lên đi.
Cả ba vị đại sư đồng cung kính tạ ơn, đứng dậy, rồi chắp tay kính cẩn đứng hầu một bên. Lão hòa thượng mỉm cười hỏi :
– Các ngươi gọi lão nạp là Tổ Sư mà có biết lão nạp là ai không.
Không Hư đại sư cung kính đáp :
– Bẩm Tổ Sư. Đệ tử chỉ biết Tổ Sư là một vị cao tăng tiền bối của bản phái. Còn … còn …
Lão hòa thượng cười nói :
– Năm xưa, khi mới vào thụ nghiệp, trở thành đệ tử của bản phái, lão nạp đã được ân sư đặt cho pháp danh là Giác Hạnh. Còn hiện giờ, lão nạp làm trụ trì ở Đại Lôi Âm Tự, được liệt vào hàng Tiêu Dao Bát Tiên, đồng đạo quen gọi là Vô Trần Tử.
Và lão hòa thượng chợt thở dài :
– Ôi. Đã hơn năm mươi năm lão nạp chưa đặt chân lên Thiếu Lâm Tự rồi. Những sư huynh sư đệ năm xưa cũng chẳng còn ai.
Không Hư đại sư ngập ngừng hỏi :
– Kính bẩm Tổ Sư. Đại Lôi Âm Tự phải chăng … phải chăng … cũng là một cơ sở của bản phái.
Lão hòa thượng gật đầu nói :
– Đó là nơi để các trưởng lão bản phái ẩn cư tu hành, cũng như để bảo tồn các tuyệt học của bản phái khỏi phải thất truyền, giang hồ đồng đạo cũng quen gọi nơi đó là Thiếu Lâm thượng viện.
Ngừng lời giây lát, lão lại nói thêm :
– Trong số bảy mươi hai tuyệt kỹ của bản phái, ở đấy không có môn nào bị thất truyền cả. Ngay như lão nạp đây cũng may mắn là luyện được gần bốn mươi môn. Và người kém nhất cũng luyện được độ chục môn.
Nghe lão hòa thượng nói mà bọn Không Hư đại sư giật mình kinh hãi, nhưng trong lòng cũng lại hoan hỉ vô cùng. Bởi từ khi khai sơn lập phái đến giờ, theo thư tịch ghi lại, không kể đến người sáng lập bản phái là Đạt Ma Tổ Sư, số người luyện được khoảng ba mươi môn trong số bảy mươi hai môn tuyệt kỹ bất quá chỉ độ năm sáu vị. Còn luyện được đến bốn mươi môn thì … dường như chưa hề có.
Hiện tình phái Thiếu Lâm, cũng như cả phe Bạch đạo nói chung, đang hồi cực kỳ nguy nan. Nếu được Giác Hạnh Thiền sư ra mặt đối phó quần tà, chủ trì đại cuộc thì còn may mắn nào bằng.
Ngừng lời giây lát, lão hòa thượng lại chậm rãi nói tiếp :
– Chỉ có điều, những người được đến Đại Lôi Âm Tự tu hành phải qua một quá trình tuyển chọn rất kỹ lưỡng, và phải có thiên tư, phúc phần mới được. Chứ không nhất thiết phải có địa vị và bối phận cao.
Không Hư đại sư hỏi :
– Tổ Sư. Trong bọn đệ tử đây chẳng hay có ai đủ điều kiện gia nhập Đại Lôi Âm Tự không ạ.
Lão hòa thượng đưa mắt ngắm nhìn ba vị đại sư một lúc, rồi mới nói :
– Hiện giờ lão nạp chưa thấy có ai đủ điều kiện. Các ngươi còn nhuốm hồng trần quá nhiều, e khó lòng chuyên tâm tu hành. Nhưng trong bọn các ngươi, Không Văn có ngộ tính cao nhất, nếu cố gắng chuyên tu giác ngộ thiền lý, thấu hiểu phật pháp, sau này có thể sẽ đủ điều kiện.
Ba vị đại sư im lặng cúi đầu. Lão hòa thượng cũng lặng yên, nhắm mắt lại, như đang tập trung tư tưởng, suy nghĩ về một vấn đề gì đó.
Không khí trong phật đường bỗng yên ắng như tờ …