Kiếm Động Trung Châu

Chương 69 - Huyền Vũ Đàn Gióng Trống Khua Chuông Giữa Quan Đạo Phi Long Kiến Giá

trước
tiếp

Lại nói, nghe Vân lão hỏi về sư phụ của Nghiêm Phi Long, chàng chỉ khẽ mỉm cười. Vân lão lại hỏi :

– Chẳng lẽ có điều chi bất tiện chăng ?

Nghiêm Phi Long mỉm cười nói :

– Có chi đâu mà bất tiện. Gia sư họ Quan. Mấy mươi năm trước, khi gia sư còn đi lại trong võ lâm, đã từng bị bọn người võ lâm hiếu sự đặt cho ngoại hiệu là Sinh Tử Phán. Chắc tiên sinh có biết ?

Vân lão thất kinh nói :

– Là Quan lão tiền bối ư ? Đã ba bốn chục năm qua không thấy Quan lão tiền bối xuất hiện trong võ lâm, mọi người đều tưởng lão nhân gia đã quy tiên rồi, không ngờ lão nhân gia vẫn còn tại thế. Năm trước, nghe thiên hạ đồn đãi lão nhân gia tái xuất giang hồ, lão phu hãy còn không tin. Nào ngờ …

Nghiêm Phi Long mỉm cười nói :

– Mọi người cho rằng gia sư sống thọ quá chăng ?

Vân lão vội lắc đầu lia lịa, nói :

– Không không. Quan lão tiền bối công lực phi phàm, dù có sống thêm trăm năm nữa cũng không có gì là lạ.

Nghiêm Phi Long khẽ mỉm cười. Thành Thế Kiệt chợt hỏi :

– Bá bá. Vị Quan lão tiền bối đó là nhân vật thế nào vậy ?

Vân lão cau mày hỏi :

– Hiền điệt chưa hề nghe lệnh tôn nói về các nhân vật nổi danh hồi bốn, năm chục năm về trước ư ?

Thành Thế Kiệt lắc đầu đáp :

– Gia phụ rất ít khi kể cho tiểu điệt nghe về những nhân vật thuộc đời trước. Còn khi tiểu điệt qua lại giang hồ thì cũng chưa từng được nghe ai nhắc đến danh hiệu của Quan lão tiền bối cả.

Vân lão nói :

– Quan lão tiền bối là một nhân vật truyền kỳ của võ lâm hồi mấy mươi năm về trước. Lão nhân gia uy danh lừng lẫy, thanh vọng hiển hách, có thể nói người trong giang hồ không ai là không biết. Nhưng mọi người đều ngại nhắc đến danh hiệu của lão nhân gia, chỉ vì … chỉ vì …

Vừa nói đến đây thì Vân lão lại ngập ngừng ấp úng, liếc nhìn Nghiêm Phi Long. Chàng mỉm cười đỡ lời :

– Chỉ vì gia sư được mọi người xưng tụng là “Tàn độc đệ nhất. Đáng sợ đệ nhất”. Có phải vậy không ?

Vân lão ấp úng nói :

– Chuyện ấy …

Nghiêm Phi Long cười nói :

– Chuyện ấy … xem ra lão nhân gia thấy rất hứng thú.

Lúc này Vân lão mới lại nói tiếp :

– Uy danh của lão nhân gia lừng lẫy khắp cả võ lâm. Quần hùng cũng như quần tà khắp cả Hắc Bạch lưỡng đạo thảy đều kính sợ. Thuở đó, trong giới ma đầu có Thập Tam Tà nổi danh là những nhân vật tàn ác vô tưởng, xem mạng người như cỏ rác. Nhưng bọn họ cũng không dám hoành hành quá đáng, chỉ vì sợ lão nhân gia mà thấy chướng mắt thì sẽ rước họa vào thân.

Thành Thế Kiệt hỏi :

– Vậy bá bá đã có dịp được gặp Quan lão tiền bối hay chưa ?

Vân lão lắc đầu nói :

– Lão phu chưa có được phần phúc đó. Khi lão phu vừa mới chập chững bước chân vào giang hồ thì Quan lão tiền bối đã thoái ẩn rồi. Tuy vậy, uy danh của lão nhân gia vẫn còn lừng lẫy chói ngời. Đến lúc này, đối với những người thuộc thế hệ như lão phu đây thì khi nhắc đến lão nhân gia chắc chắn vẫn hãy còn kính sợ.

Ba người chỉ vừa mới nói chuyện đến đây thì tiếng chiêng trống đã đến sát bên tai. Nếu như chú ý nghe kỹ thì ngoài tiếng chiêng trống còn có thêm tiếng tù và, tiếng đồng la não bạt khua vang inh ỏi, đinh tai nhức óc. Đủ loại âm thanh chát chúa hòa vào nhau làm náo động cả một vùng. Từ trong những cánh rừng, chim thú hoảng hốt đua nhau bay chạy tứ tán.

Vân lão chép miệng nói :

– Dù có muốn thị uy thì cũng đâu cần phải gióng trống khua chiêng inh ỏi như thế chứ.

Nghiêm Phi Long mỉm cười :

– Gióng trống khua chiêng để mở đường thôi.

Chỉ sau một lúc, trên đường lớn xuất hiện một đoàn nhân mã đông đảo đang rầm rộ kéo đến.

Tất cả kỵ sĩ gồm hơn trăm người, đều vận y phục màu đen, cưỡi ngựa đen, cả giày vớ, cả tua buộc kiếm cũng tuyền một màu đen. Đi phía trước là tám tráng hán cầm cờ phướng lọng tán, nghi trượng dàn bày trang nghiêm tề chỉnh. Tiếp đến là đội nhạc gồm khoảng hai chục người đang luôn tay đánh trống khua chiêng inh ỏi. Ở giữa đoàn nhân mã là một cỗ xe lớn, bốn bề đều được sơn một màu đen bóng rất đặc trưng, do hai con ngựa cao lớn khỏe mạnh, sắc lông đen tuyền kéo đi vùn vụt.

Đoàn nhân mã rầm rộ diễu qua chỗ ba người bọn Nghiêm Phi Long đang đứng. Đột nhiên, cỗ xe đi giữa dừng lại, và cả đoàn tức khắc cũng dừng lại theo. Tiếng chiêng trống, tiếng tù và, tiếng đồng la não bạt cũng tạm dừng. Sau đó từ bên trong cỗ xe chợt có tiếng nói vọng ra :

– Nghiêm hiền điệt đấy ư ? Sao giờ này còn ở đây thế ? Bản tòa không ngờ lại gặp hiền điệt ở đây đấy.

Nghiêm Phi Long vội nghiêng mình vái chào, nói :

– Tiểu điệt xin thỉnh an thúc thúc. Chẳng hay thúc thúc đang đi đâu thế ?

Người trong xe đáp :

– Chúa công ngự giá tuần du. Hộ giáo Tứ đàn phụng chỉ bảo giá. Bản đàn Huyền Vũ được lệnh đi trước mở đường.

Nghiêm Phi Long “ồ” lên một tiếng, nói :

– Vậy là xa giá của chúa công sắp đi qua đây ư ?

Người trong xe đáp :

– Đúng thế. Hiền điệt hãy cứ chờ ở đây, lát nữa hiền điệt có thể sẽ được chúa công triệu kiến. Bản đàn phụng chỉ đi trước mở đường, không thể dừng lại ở đây lâu hơn. Thôi. Tạm biệt hiền điệt nhé.

Nghiêm Phi Long chắp tay nói :

– Vâng. Xin từ biệt thúc thúc.

Đoàn nhân mã lại tiếp tục khởi trình. Tiếng trống chiêng lại khua động inh ỏi, kéo đi mỗi lúc một xa.

Nghiêm Phi Long vẫn đứng lại đó chờ xa giá đến. Và cả Vân lão cùng Thành Thế Kiệt cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội được diện kiến một nhân vật thứ nhất trong thiên hạ, nên cũng đứng chờ ở đó với Nghiêm Phi Long.

Tuấn mã của Thành Thế Kiệt đã bị tên đồ đệ của Bạch Phát Đồng Tử giết chết từ khi nãy, đang nằm lăn dưới đất. Y lộ vẻ thương tiếc, cứ vuốt ve tuấn mã mãi không thôi. Nghiêm Phi Long an ủi :

– Tuấn mã cũng đã chết rồi. Thiếu hiệp cũng không nên quá thương tiếc.

Thành Thế Kiệt thở dài :

– Con tuấn mã này là của Lưu bá phụ tặng cho. Nó đã theo tại hạ hơn một năm nay rồi.

Nghiêm Phi Long gật đầu tỏ ý hiểu, nói :

– Mọi kỷ vật đều đáng quý. Thiếu hiệp lưu luyến cũng phải. Thôi thì hãy chôn cất nó thật tử tế vậy.

Thành Thế Kiệt gật đầu, rút trường kiếm đào một cái hố bên đường để chôn xác con tuấn mã yêu quý. Vân lão cũng vội nhảy xuống ngựa để giúp y. Nghiêm Phi Long cũng định vậy. Nhưng Vân lão đã vội xua tay nói :

– Việc này cũng chẳng tốn bao công sức. Lão phu và Thành hiền điệt làm một lát là xong ngay. Không cần phải phiền đến công tử.

Nghe lão nói vậy, Nghiêm Phi Long đành đứng bên cạnh xem hai người làm việc. Con bạch long câu được chàng buông cương, thả cho đi lại tự do. Nó hý vang mừng rỡ, nhanh chóng lủi ngay vào một góc rừng, tìm nơi gặm cỏ.

Hì hục một lúc rồi cũng xong việc. Vân lão và Thành Thế Kiệt cùng phủi tay đứng dậy. Dõi mắt nhìn về phía xa giây lát, Vân lão lại quay sang Nghiêm Phi Long hỏi với vẻ nôn nao :

– Công tử. Sao lâu quá mà chưa thấy xa giá đến ?

Nghiêm Phi Long mỉm cười đáp :

– Huyền Vũ Đàn phụng chỉ đi trước mở đường. Vậy thì xa giá phải ở phía sau cách xa ít nhất là mười dặm. Lát nữa sẽ đến thôi.

Vân lão nói :

– Lão phu mong được gặp vị chúa công của công tử quá đi thôi.

Nghiêm Phi Long nói :

– Được diện kiến chúa công không phải là một chuyện dễ dàng đâu. Ai có phúc phần mới được. Ngay như vị Huyền Vũ Đàn chủ cũng chỉ mới được diện kiến nghiêm nhan chúa công có ba lần. Lần đầu đã rất lâu rồi, lúc Đàn chủ còn chưa về phụng sự chúa công. Mà lần đó chúa công cũng chỉ ngồi trong xe vén rèm nhìn ra, Đàn chủ chỉ nhìn được thoáng qua dung mạo chúa công thì rèm xe đã buông xuống rồi. Nhưng cũng ngay lúc ấy Đàn chủ đã vì mến đức chúa công mà theo về dưới trướng. Lần sau là lúc tiểu sinh trúng độc rất nặng, Đàn chủ đã đưa tiểu sinh đến tìm Bách Lý Tổng quản nhờ cứu chữa. Vì muốn xem mạch cho tiểu sinh nên chúa công mới rời bảo tọa. Còn lần thứ ba là lúc xử tử Bạch Cốt Hung Thần, chúa công cũng có xuất hiện một lúc để chủ trì đại cuộc, nhưng cũng không quá một khắc đâu.

Thành Thế Kiệt buộc miệng hỏi :

– Còn công tử thì thế nào ? Công tử có thường được diện kiến nghiêm nhan chúa công hay không ?

Nghiêm Phi Long mỉm cười đáp :

– Tiểu sinh có duyên may rất lớn. Gia sư là nhất đẳng trọng thần, là hồng nhân bên cạnh chúa công, lại được nắm giữ quyền chính. Và do tiểu sinh đi theo gia sư nên cũng thường được cận kề chúa công.

Thành Thế Kiệt nói :

– Công tử thật là may mắn.

Nghiêm Phi Long chỉ mỉm cười. Vân lão thở ra nói :

– Được Quan lão tiền bối theo phò tá thì … không phải là một chuyện đơn giản. Vị chúa công của công tử quả là một nhân vật truyền kỳ.

Nghiêm Phi Long nói :

– Nào phải chỉ của riêng tiểu sinh thôi đâu. Giới võ lâm đương đại mười phần hết chín là nằm dưới sự chi phối của chúa công rồi. Chỉ vì chúa công chưa muốn chứ nếu được chúa công đồng ý thì việc thống nhất võ lâm dễ như trở bàn tay. Chỉ cần chúa công ban chỉ, không cần đến các vị đại thần ra mặt, mấy mươi vị thần ma mở cuộc càn quét võ lâm thì mọi việc sẽ đâu vào đấy ngay.

Vân lão kêu lên kinh ngạc :

– Mấy mươi vị thần ma ư ?

Nghiêm Phi Long cười nói :

– Phải rồi.

Thành Thế Kiệt lại hỏi :

– Nếu việc thống nhất võ lâm quả dễ dàng như công tử nói thì sao chúa công lại chưa đồng ý.

Nghiêm Phi Long đáp :

– Chúa công sợ can qua nổi dậy, hậu quả sẽ rất ghê gớm. Tất nhiên là các vị Thần ma rất muốn được càn quét võ lâm. Nhưng một khi các vị ấy mà đã động sát khí rồi thì … mọi việc khó nói lắm.

Chàng chỉ vừa mới nói đến đây thì đã lại thấy một đoàn nhân mã đông đảo rầm rộ kéo đến. Nghi vệ cũng giống Huyền Vũ Đàn, nhưng các kỵ sĩ đều vận thanh y, cờ phướng cũng tuyền một màu xanh. Trong số đó có khoảng hai mươi người mang câu liêm, và cũng có chừng ấy người mang vác trên vai những túi vải to tướng kỳ hình quái trạng. Ở giữa đoàn có một cỗ xe lớn sơn xanh, che rèm phủ trướng cũng đồng một màu xanh, do hai con tuấn mã kéo.

Đoàn nhân mã rầm rộ diễu qua, nhưng bọn họ kéo đi một cách lặng lẽ chứ không ồn ào náo động như Huyền Vũ Đàn.

Khi đi qua chỗ ba người bọn Nghiêm Phi Long đang đứng, từ bên trong cỗ xe chợt vọng ra tiếng nói :

– Nghiêm công tử. Đã lâu rồi chúng ta chưa gặp nhau. Công tử vẫn được khang cường chứ. Bản đàn đang phụng chỉ hành sự, không tiện cùng công tử đàm đạo. Hẹn công tử dịp khác nhé.

Nghiêm Phi Long vòng tay đáp :

– Vâng. Tiểu sinh cũng xin thỉnh an đàn chủ.

Người ngồi trong xe cười nói :

– Công tử hãy chờ giây lát. Xa giá của chúa công sẽ đến đây ngay bây giờ. Thôi. Từ biệt công tử nhé.

Nghiêm Phi Long đáp :

– Vâng. Xin từ biệt đàn chủ.

Chàng vừa nói đến đây thì đoàn nhân mã cũng đã đi qua khỏi. Ngoài tiếng vó ngựa nhịp bước thì không hề nghe thấy một thanh âm nào khác. Cả đoàn người kéo đi một cách hết sức lặng lẽ.

Vân lão dõi mắt nhìn theo, hỏi :

– Công tử. Bọn họ phải chăng là Thanh Long Đàn.

Nghiêm Phi Long khẽ gật đầu. Sau đó một lúc, trên đường lớn lại có thêm một toán bạch y bạch mã xuất hiện. Tất cả kỵ sĩ đều vận bạch y, lưng đeo trường kiếm, uy vũ khiếp người. Ở giữa đoàn người đông đảo ấy cũng là một cỗ xe lớn, nhưng được sơn phủ tuyền một màu trắng. Đó chính là Bạch Hổ Đàn.

Người ngồi bên trong cỗ xe, tức Bạch Hổ Đàn chủ, cũng cùng Nghiêm Phi Long chào hỏi đối đáp mấy câu như Thanh Long, Huyền Vũ nhị vị đàn chủ đi phía trước, rồi lại rầm rộ kéo đi.

Khi Bạch Hổ Đàn đi khỏi được một lúc, trên đường lớn lại xuất hiện một toán hai mươi cẩm y kỵ sĩ, tên dài cung cứng dàn hàng đi tới. Phía trước có hai lá đại kỳ dẫn lộ. Đại kỳ nền vàng, trên lá bên tả thêu “Ngọc Long” hai chữ bằng chỉ bạc, còn lá bên hữu thêu hai chữ “Văn Đức” bằng chỉ xanh.

Tiếp theo đó là hai mươi người tay cầm cờ biển lọng tán, đủ cả nghi vệ dàn hai hàng nghiêm chỉnh, đi trước một cỗ long xa do bốn con tuấn mã lông trắng như tuyết kéo. Long xa khảm vàng giát ngọc, màn châu trướng gấm vô cùng hoa lệ, cao sang. Ánh minh châu lấp lánh chiếu ngời.

Đi kèm phía bên tả long xa là hai nhân vật oai phong đường bệ, thần thái đầy vẻ cao quý, uy nghiêm.

Một người tuổi đã quá ngũ tuần, vận lam y, đầu đội nho cân, lưng thắt dây tơ, mặt ngọc râu dài, diện mạo văn nhã quý phái. Còn người kia vận hoàng bào, đầu đội kim quan, lưng thắt đai ngọc, râu trắng ba chòm, đã gần đến bát tuần nhưng tướng mạo hãy vẫn còn phương phi quắc thước.

Phía bên hữu cũng có hai người. Một người tuổi đã gần độ thất tuần, còn người kia là một văn sĩ trung niên.

Lão nhân mình gầy mà cao, vận bộ cẩm bào theo lối triều phục có thêu hình con rồng cuốn ánh vàng lấp lánh, chòm râu dài chùng xuống trước ngực. Trông lão thật có phong thái uy nghi của một bậc vương công đại thần nơi triều nội. Văn sĩ phong thái kém hơn, vận bộ áo xanh, ước độ tứ tuần, dung mạo thanh nhã, ẩn hiện một vẻ anh khí, dáng điệu ung dung đầy vẻ tự tin.

Hộ vệ hai bên còn có bốn nhân vật trung niên, một giắt Cửu Tiết Tiên, một mang Kim Đao và hai mang bảo kiếm. Đi phía sau nữa là tám thiếu nữ hoàng y cung trang, nàng nào cũng đều xinh đẹp kiều diễm, xứng là trang tuyệt thế giai nhân. Hết thảy mọi người đều cưỡi bạch long câu.

Vây quanh xa giá còn có tám mươi đại hán hàng ngũ tề chỉnh, phân làm tám đội, gồm đủ cả Hán Hồ, cho đến Mông, Miêu, Hồi, Tạng, Đông Doanh, hải đảo, y phục đủ màu đủ kiểu, và đều được may bằng gấm đoạn quý giá. Nhân thủ của tám đội này dàn hàng xung quanh che kín cỗ long xa.

Khi đoàn xa giá đã tiến gần đến nơi, Nghiêm Phi Long liền tiến ra, nghiêng mình cung tay kính cẩn nói :

– Tiểu thần Nghiêm Phi Long xin được triệu kiến.

Nói xong, chàng đứng yên, chắp tay cung kính chờ đợi. Hoàng bào lão nhân cúi mình ghé tai vào bên cửa sổ long xa để nghe chỉ thị của người ngồi bên trong. Đoạn lão cao giọng truyền :

– Đình giá.

Lệnh chỉ vừa truyền ra, đoàn xa giá lập tức dừng ngay lại. Hoàng bào lão nhân vẫy tay gọi Nghiêm Phi Long :

– Long nhi. Mau đến đây.

Nghiêm Phi Long vội chạy đến bên cạnh long xa cúi mình hành lễ :

– Tiểu thần Nghiêm Phi Long xin tham kiến chúa công. Chúc cầu ngọc thể kim an vạn phúc.

Đoàn xa giá lần này bắc tiến là vì Giang Hoài Ngọc đã chuẩn y biểu tấu của các lộ chư quân mà thân chinh đi thảo phạt Bạch Phát Đồng Tử. Khác với lần thảo phạt Cửu Trùng Giáo khi trước, lần này ngoài mục đích chính yếu là thảo phạt khâm phạm Bạch Phát Đồng Tử, thì còn là bước khởi đầu cho công cuộc thống nhất võ lâm vốn đã được Giang Hoài Ngọc phê chuẩn.

Vì tính chất quan trọng như vậy nên chuyến đi này đã được bọn Quan lão trù bị kế hoạch rất chu đáo, cẩn thận. Đoàn hộ giá gồm cả Hộ giáo Tứ đàn của Thần Giáo và tám đội Thị vệ của Văn Đức Cung. Ngoài ra, Nội sự Tổng quản Uông Triều và Vạn Bác Thư Sinh Chu Kỳ Xương đang ở nội cung cũng được triệu đến để cùng Quan Thiên Hữu và Bách Lý Hạc bảo giá.

Giang Hoài Ngọc ngồi trong xe truyền ra :

– Khanh hãy bình thân.

Nghiêm Phi Long kính cẩn tạ ân. Đoạn chàng lại quay sang Hoàng bào lão nhân là Quan Thiên Hữu tươi cười nói :

– Sư phụ. Đệ tử xin thỉnh an lão nhân gia.

Quan lão không có con cháu nên đã dành hết mọi sự thương yêu cho Nghiêm Phi Long, đã xem chàng là người kế vị, sẽ kế thừa địa vị và quyền lực của lão sau này, liền mỉm cười gật đầu nói :

– Được rồi. Con không cần quá đa lễ.

Nghiêm Phi Long lại quay sang Uông Triều, Bách Lý Hạc và Chu Kỳ Xương vòng tay thi lễ, nói :

– Tiểu sinh xin vấn an nhị vị Tổng quản cùng Chu tiên sinh.

Mọi người tươi cười đáp lễ. Vì Uông lão và Bách Lý Hạc là bằng hữu thâm giao với sư phụ chàng nên chàng phải tôn kính. Còn Chu Kỳ Xương thì đối với chàng chỉ là người ngang hàng, sư huynh chàng là Phi Thiên Thần Ma hãy còn lớn tuổi hơn y. Do đó mà chàng chỉ gọi y là tiên sinh theo phép lịch sự. Đoạn chàng lại quay sang chào hỏi Ngự Tiền Hộ Giá Tứ đại Thị Vệ là bọn huynh đệ Tang Lương.

Lễ nghi xong hết, Quan lão mới hỏi :

– Long nhi. Đúng ra giờ này con đã đến Đồng Quan rồi mới phải, sao vẫn còn nấn ná ở đây thế ?

Nghiêm Phi Long vội cúi người nói :

– Sư phụ. Đệ tử thật có lỗi.

Quan lão cau mày hỏi :

– Thật ra thì đã xảy ra chuyện gì ?

Dù vậy, ánh mắt của lão nhìn Nghiêm Phi Long vẫn đầy vẻ thương yêu hơn là sự phiền trách. Lão nhìn chàng chờ nghe giải thích.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.