Địch Vân ở lại trong sơn cốc nửa tháng nữa, luyện đao pháp và nội công “huyết đao kinh” đến mức hết sức thuần thục, không thể nào quên được nữa, rồi đem “huyết đao kinh” đốt thành tro, rắc trên phần mộ Huyết đao lão tổ.
Trong nửa tháng ấy, Địch Vân vẫn ngủ trên tảng đá lớn ngoài cửa hang. Thủy Sinh tuy đã đi rồi nhưng chàng vẫn không dám vào ngủ trong hang, càng không dám dùng những chăn, nệm mà cô để lại.
Địch Vân nghĩ: “Mình phải đi! Tấm áo lông vũ này bất tất phải đem theo, đợi làm xong những việc cần làm rồi, sẽ trở lại sống ở tuyết cốc này. Người ở ngoài đời kia khôn ngoan quá, mình không rõ trong lòng họ nghĩ gì. Nơi này không ai đến cả, sống ở đây có lẽ cũng tốt.”
Thế là Địch Vân ra khỏi tuyết cốc, đi về phía Đông. Việc trước hết là trở về nhà cũ ở Ma Khê Phố thuộc Tương Tây xem xem sư phụ như thế nào. Mình từ nhỏ được sư phụ nuôi lớn, sư phụ là người thân duy nhất trên đời.
Từ Tạng Biên về Tương Tây phải đi qua Tứ Xuyên. Địch Vân nghĩ nếu gặp quần hào Trung Nguyên thì khó tránh khỏi xung đột, mình và họ không oán không thù, mọi chuyện đều do mình nhổ trọc tóc, mặc áo tăng bào của Bảo Tượng mà ra. Lúc này võ công của Địch Vân tuy đã cực cao nhưng hoàn toàn không tự tin, nghĩ rằng chỉ cần một vài vị cao thủ Trung Nguyên tất sẽ bị họ giết chết. Thế là bèn mua một bộ quần áo xanh kiểu nhà quê để thay, đốt bộ tăng bào của Bảo Tượng, rồi lại lấy nhọ nồi bôi đen mặt mũi. Nông dân vùng Tứ Xuyên, Tương Tây thích quấn khăn trắng trên đầu, nghe nói là di phong của việc để tang cho Gia Cát Lượng. Địch Vân cũng kiếm một tấm vải trắng bẩn thỉu quấn lên đầu. Dọc đường đi về phía đông, tình cờ gặp nhân vật giang hồ nhưng không ai nhận ra cả.
Địch Vân ngại nhất là gặp Thủy Sinh và Uông Khiếu Phong hay Hoa Thiết Cán, may mà không hề gặp.
Đi hơn ba mươi ngày mới đến nhà cũ ở Ma Khê Phố. Lúc này trời đã ấm, mạ đã cao được gần bốn tấc. Càng gần cố cư càng hồi hộp, mặt nóng bừng, tim đập rộn lên.
Men theo con đường núi thuở nhỏ quen đi, Địch Vân đến trước ngõ vào nhà cũ, bất giác giật mình, cơ hồ không tin ở mắt mình nữa. Thì ra ngôi nhà nhỏ bên rặng liễu cạnh dòng suối nhỏ đã biến thành một tòa nhà lớn tường trắng ngói xanh. Tòa nhà này ít ra cũng lớn gấp ba ngôi nhà cũ, mới nhìn thấy tuy làm có vẻ sơ sài nhưng khí phái hùng vĩ.
Địch Vân vừa sợ vừa mừng, nhìn kỹ cảnh vật xung quanh, đúng là nơi ở cũ của sư phụ, nghĩ bụng: “Sư phụ phát tài trở về rồi, hay quá.”
Địch Vân vui mừng cao giọng kêu:
– Sư phụ!
Nhưng chỉ kêu được một tiếng, liền im bặt, lại nghĩ: “Không biết trong nhà có ai khác không, mình bộ dạng như đứa ăn mày thế này, đừng làm sư phụ mất mặt, xem cho rõ đã hẵng hay.” Cũng là nhờ mấy năm nay trải qua nhiều gian nan khổ sở, nên mới cấn thận như thế. Đang đắn đo thì trong nhà có một người đi ra liếc nhìn dò xét, mặt đầy vẻ khinh khi, hỏi:
– Làm gì đấy?
Địch Vân thấy người ấy đội mũ lệch, mặt đầy đất bụi, thật chẳng tương xứng với tòa nhà đẹp đẽ kia chút nào, hình như là thợ nề thợ mộc gì đó, bèn hỏi:
– Xin hỏi, Thích sư phụ có ở nhà không?
Người kia “hừ” một tiếng, nói:
– Thất sư phụ, bát sư phụ cái gì? ở đây không có.
Địch Vân ngơ ngác, lại hỏi:
– Chủ nhân ở đây không phải là họ Thích à?
Người kia hỏi lại:
– Hỏi làm gì? Muốn xin cơm xin gạo, cũng không cần phải làm thân với chủ nhà, không có là không có, tên ăn mày kia, đi, đi mau!
Địch Vân nhớ sư phụ, ngàn dặm xa xôi trở về đây, đời nào chỉ nghe một câu của người kia mà chịu đi ngay, nói:
– Tôi không xin cơm, cho hỏi thêm một chút, người họ Thích trước kia ở đây, không biết có còn ở đây nữa không?
Người kia cười nhạt nói:
– Cái thằng ăn mày này, la lối cái gì, chủ nhân ở đây không phải họ Thích, cũng không phải họ bát họ cửu họ thập gì cả.
Đang nói chuyện thì trong nhà lại có người đi ra. Người này đầu đội mũ vỏ dưa, y phục sạch sẽ, bộ dạng như là quản gia của nhà tài chủ, ông ta hỏi:
– Lão Bình, lớn tiếng ồn ào gì thế, lại cãi nhau với ai rồi?
Người kia cười nói:
– Bác xem, thằng ăn mày này cứ la lối hoài. Xin cơm thì được rồi, lại còn dò xét chủ nhà họ gì.
Quản gia nghe nói vậy, nét mặt hơi thay đổi, dò xét Địch Vân một chặp rồi nói:
– Anh bạn, hỏi tên họ chủ nhân làm gì?
Nếu là Địch Vân năm sáu năm trước, ắt là sẽ nói thẳng sự việc ra, nhưng lúc này Địch Vân đã từng trải nhiều, biết lòng người hiểm ác, thấy ánh mắt tay quản gia kia có vẻ nghi kỵ, nghĩ thầm:“Mình khoan nói thẳng, từ từ nghe ngóng cũng không muộn, có khi bên trong còn có điều kỳ lạ gì đây.” Bèn nói:
– Tôi muốn hỏi chủ nhân họ gì là muốn chào ông ta một tiếng, xin ông ta thí cho ít cơm gạo, bác… bác là ông chủ à?
Địch Vân cố ý làm như một thằng khờ, đối phương khỏi sinh nghi.
Tay quản gia kia ha ha cười lớn, tuy cảm thấy người này rất ngốc nhưng hắn lại nhận lầm mình là ông chủ trong lòng cũng thấy vui thích, cười nói:
– Ta không phải là lão gia, ê, thằng ngố kia, vì sao ngươi lại cho ta là lão gia?
Địch Vân nói:
– Ồng… bộ dạng ông… rất đẹp, rất oai phong, ông… ông có tướng tài chủ.
Tay quản gia kia càng vui vẻ, cười nói:
– Thằng ngố, lão Cao ta đang phát tài, nhất định là có cái cho ngươi. Ê, thằng ngố kia, ta thấy ngươi khỏe mạnh, sao không chịu làm việc mà lại đi ăn mày?
Địch Vân nói:
– Không ai kêu tôi làm việc cả, ông chủ, ông thưởng cho tôi bát cơm, được không?
Quản gia vỗ mạnh vào vai người họ Bình, cười nói:
– Nghe đấy, y cứ luôn mồm gọi ta là ông chủ, không thưởng cơm cho hắn không được. Lão Bình, bảo y cũng đi gánh đất, cho y một phần tiền công.
Người họ Bình nói:
– Vâng ạ, xin theo lời ông.
Địch Vân nghe giọng hai người, họ Bình kia là người bản địa Tương Tây, còn quản gia họ Cao lại là người phương bắc, bèn không lộ vẻ gì, cung kính nói:
– Ông chủ, cậu chủ, đa tạ hai vị.
Người làm công họ Bình cười mắng:
– Mẹ kiếp, nói bậy nói bạ!
Quản gia kia cười rộ, nói:
– Ta là ông chủ, chú là cậu chủ, như thế… như thế chẳng phải là làm bố chú mày sao?
Người làm công béo tai Địch Vân, cười nói:
– Vào đi, vào đi! Ăn một bụng no cái đã, đến tối thì bắt đầu làm việc.
Địch Vân không hề cự nự, theo lão đi vào, nghĩ bụng: “Sao đến tối mới làm?”
Vào trong nhà lớn, đi qua hành lang, bất giác giật mình, thấy thật là kỳ quái. Giữa lòng nhà đào một cái hố sâu rất lớn, miệng hố gần như sát với bốn bức tường xung quanh, chỉ để lại một lối đi rất hẹp. Trong hố ngổn ngang các thứ dụng cụ, nào cuốc, nào xẻng, quang, sọt, đòn gánh… rõ ràng đang đào đất. Nhìn dáng vẻ hùng vĩ đường đường bên ngoài tòa nhà lớn này, ai mà ngờ được bên trong lại đào một cái hố to như thế.
Người làm công kia nói:
– Việc ở đây không được bép xép nói ra ngoài, biết chưa?
Địch Vân nói:
– Vâng vâng, tôi biết rồi, ở đây phong thủy tốt chủ nhà muốn đặt mộ, không thể để người ngoài biết được.
Người làm công cười hì hì, nói:
– Không sai, thằng ngố này cũng thông minh đấy chứ, theo ta vào ăn cơm.
Địch Vân ăn một bụng no trong nhà bếp, người làm công bảo đứng đợi ở hành lang, không được đi lung tung. Địch Vân vâng dạ, trong lòng càng ngờ vực. Thấy trong nhà bày biện rất quê mùa đơn giản, trong nhà bếp cũng không đắp lò tử tế, chỉ bắc một ông táo, đặt một cái chảo bên trên, bàn ghế cũng là vật dụng tầm thường của nhà nghèo, thật không tương xứng với tòa nhà đồ sộ.
Đến chiều tối, người đến nhà đông dần, đều là những thanh niên nhà quê quanh vùng, mọi người ăn uống ồn ào, Địch Vân cũng ăn với mọi người, chàng nói tiếng vùng này, rất đúng giọng. Tay quản gia và người làm công nghe giọng nói, không hề nghi ngờ gì cả, đều cho rằng chàng là một thanh niên vô công rồi nghề ở vùng này.
Mọi người ăn uống xong, người ở họ Bình dẫn cả bọn vào đại sảnh, nói:
– Các anh em cố mà đào đất, mong là tối nay gặp may, nếu đào được vật hữu dụng thì sẽ trọng thưởng.
Mọi người vâng lời, tiếng cuốc xẻng rào rào rậm rịch vang lên. Một người nhà quê đứng tuổi nói nhỏ:
– Đào hai tháng rồi, cái rắm gì cũng không có, cho dù có bảo bối đi chăng nữa, cũng phải xem có phúc khí đến tay không chứ.
Địch Vân nghĩ: “Họ muốn đào tìm bảo bối à? Ở đây làm quái gì có bảo bối?” Chàng đợi người kia quay lưng lại, chầm chậm đi đến bên người đứng tuổi nọ, hạ giọng hỏi:
– Đại thúc, họ muốn đào tìm bảo bối gì vậy?
Người ấy cũng hạ giọng nói:
– Bảo bối này nghe nói quý lắm, chủ nhân ở đây rất oách. Ồng ta không phải là người vùng này, từ xa nhìn thấy ở đây có bảo quang xông lên, biết ở dưới đất có bảo bối, thế là đến mua miếng đất này, sợ lộ phong thanh nên làm một tòa nhà lớn trước, bảo chúng tôi ban ngày ngủ, đến đêm mới đào tìm bảo bối.
Địch Vân gật đầu nói:
– À ra thế, đại thúc có biết bảo bối gì không?
Người kia nói:
– Người làm công trong nhà này nói đó là một chiếc “tụ bảo bồn”, đặt một đồng tiền vào trong bồn, qua một đêm, hôm sau biến thành một chậu tiền, đặt một lạng vàng vào trong bồn, sáng hôm sau cũng biến thành một bồn (chậu) vàng. Cậu thấy có phải là bảo bối không?
Địch Vân gật đầu lia lịa, nói:
– Đúng là bảo bối, đúng là bảo bối!
Người kia lại nói:
– Người làm công đặc biệt dặn là cuốc phải nhẹ tay, làm vỡ tụ bảo bồn thì chẳng phải chuyện chơi đâu. Anh ta còn nói là đào được tụ bảo bồn rồi có thể cho chúng ta mỗi người mượn một đêm, muốn đặt cái gì vào cũng được, chàng ngố này, cậu thử tính xem, nên đặt cái gì vào nào?
Địch Vân suy nghĩ một chút rồi nói:
– Tôi hay đói bụng, đặt một hạt gạo vào, ngày mai đầy một bồn gạo, chẳng phải là hay sao?
Người kia cười ha hả, nói:
– Hay lắm, hay lắm!
Người ở nghe tiếng cười, bước tới la:
– Nói chuyện mãi thế, đào mau, mau đào đi!
Địch Vân nghĩ bụng: “Trên đời há lại có “tụ bảo bồn” sao? Ông chủ này quyết không phải là đồ ngốc, nhất định là có mưu kế gì đây, chỉ bịa ra chuyện “tụ bảo bồn” để lừa người ta.” Lại hỏi nhỏ:
– Ông chủ này họ gì? Đại thúc bảo ông ta có phải là người bản địa không?
Người kia nói:
– Cậu xem, chẳng phải ông chủ đến rồi là gì?
Địch Vân nhìn theo ánh mắt của anh ta, thấy một người từ hậu đường đi ra, thân hình gầy gò, ánh mắt sáng rực, phục sức cực kỳ sang trọng hoa mỹ, khoảng năm mươi tuổi. Địch Vân chỉ nhìn ông ta một cái tim đã đập thình thịch, vội quay đầu lại, không dám nhìn thăng vào ông ta nữa, trong lòng cứ thắc mắc: “Mình đã gặp người này rồi, mình đã gặp người này rồi, ông ta là ai nhỉ?” Cảm thấy tướng mạo người này rất quen thuộc, nhất thời không nhớ ra đã gặp ông ta ở đâu.
Nghe người kia nói:
– Tối nay mọi người đào ở phía Tây này sâu thêm ba thước nữa, bất kỳ mảnh giấy vụn, que gỗ, miếng ngói nào cũng không được bỏ sót, cứ đưa lại cho tôi.
Địch Vân nghe giọng nói của ông ta, lặng người đi, chợt tỉnh ngộ: “Phải rồi, thì ra là ông ấy”, bèn cúi đầu xuống, liếc nhìn ông ta một cái, nghĩ bụng: “Không sai, chính là ông ấy.”
Chủ nhân của tòa nhà lớn này, chính là lão ăn mày đã dạy chàng ba chiêu kiếm pháp ở trong nhà họ Vạn tại Kinh Châu.
Dạo đó ông ta áo quần rách rưới, tóc rối đầu bù, toàn thân bân thỉu, hôm nay lại là một đại tài chủ y phục sang trọng, dáng vẻ hoàn toàn thay đổi, vì thế mà mãi đến khi nghe giọng nói mới nhận ra.
Địch Vân những muốn nhảy lên khỏi hố để gặp, nhưng bao khổ nạn những năm qua phải chịu đựng đã dạy cho chàng rằng mọi sự đều phải thận trọng, không được nôn nóng lỗ mãng, trầm tư: “Vị lão khất cái bá bá này đối với mình rất tốt. Năm ấy mình đấu với đại đạo Lữ Thông đã thua đến nơi may nhờ bác ấy ra tay cứu. Sau đó bác ấy lại dạy mình ba chiêu kiếm pháp tinh diệu mình mới thắng đám đệ tử Vạn môn. Nay nghĩ lại, ba chiêu kiếm ấy tuy tầm thường, cũng chả có gì xuất sắc nhưng lúc ấy lại giúp mình khỏi chịu nhục.”
Lại nghĩ: “Hôm nay gặp lại, nên cảm ơn bác ấy mới phải. Nhưng đây là nhà cũ của sư phụ, bác ấy lại đào bới cái gì ở đây? Vì sao bác ấy lại phải xây một tòa nhà lớn để che đậy tai mắt người ta? Trước kia bác ấy là một lão ăn mày, sao nay lại phát tài đến thế?” Trong lòng cứ thầm thắc mắc: “Thôi thì để quan sát cho rõ ràng đã, chuyện gì nói sau. Bác ấy tuy là ân nhân của mình nhưng muốn bái tạ cũng bất tất phải vội vàng. Sao bác ấy không sợ sư phụ mình trở về? Lẽ nào… lẽ nào… sư phụ chết rồi ư?”
Chàng từ nhỏ được sư phụ dưỡng dục lớn lên, xưa nay vẫn coi sư phụ như cha, nghĩ đến việc e rằng sư phụ đã qua đời bất giác khóe mắt đỏ lên.
Bỗng ở góc đông nam có một tiếng “cách” nho nhỏ, lưỡi cuốc của một người nhà quê đụng phải một vật gì. Ông chủ nhảy ngay xuống hố, cúi mình nhặt lên một vật gì đó. Mọi người ở trong hố đều ngừng tay đào bới, nhìn ông ta. Chỉ thấy tay ông ta cầm một cái đinh sắt đã rỉ, lật qua lật lại xem một lúc, mới vứt sang một bên, nói:
– Tiếp tục đi, đào mau lên, đào mau lên!
Địch Vân và đám dân quê vất vả suốt đêm, ông chủ kia luôn chú ý theo dõi, quan sát, mãi đến sáng mới nghỉ. Đa số dân quê đều tản về nhà, có bảy tám người ở xa thì nằm ngủ ở hành lang phía đông tòa nhà. Địch Vân cũng đến đó nằm ngủ. Ngủ đến chiều, mọi người mới dậy ăn cơm. Địch Vân cả người bẩn thỉu, người ta không muốn đến gần, khi ăn khi ngủ đều cách họ xa xa. Chính chàng cũng đang muốn như thế. Tuy đã cố gắng thận trọng, không dám nhẹ dạ tin người, nhưng chàng vốn thật thà, học cách giả vờ rất khó, e rằng lâu lâu rồi sẽ lộ tung tích, người ta không gần gũi thì càng tốt.
Sau khi cơm nước xong, Địch Vân đi đến một xóm nhỏ cách đó chừng ba dặm, muốn tìm người đế hỏi thăm xem sư phụ có từng trở về không. Xa xa thấy mấy người bạn vẫn thường chơi đùa hồi nhỏ, lúc này đều đã thành người lớn, cao to lực lưỡng, làm việc đồng áng vất vả. Chàng không muốn để lộ mình nên không đến chào hỏi họ, tìm đến một thiếu niên khoảng mười ba mười bốn tuổi hỏi tình hình tòa nhà lớn kia.
Cậu bé nói tòa nhà lớn kia được xây từ mùa thu năm ngoái, chủ nhà rất giàu, đến đào tụ bảo bồn, nhưng đào mãi đến nay vẫn chưa thấy. Cậu bé vừa nói vừa cười, có thể thấy việc đào “tụ bảo bồn” đã trở thành chuyện cười của cả vùng quanh đây. “Còn ngôi nhà nhỏ trước đây ấy à? Ầy, lâu rồi không có người ở nữa, không thấy ai trở lại. Khi xây tòa nhà lớn, tất nhiên là phải phá ngôi nhà nhỏ kia đi.”
Địch Vân từ biệt cậu bé, trong lòng buồn bã và đầy ngờ vực, không hiểu lão khất cái làm cái việc quỷ quái kia với dụng ý gì. Chàng thả bộ trên cánh đồng, đi qua mấy mảnh đất trồng rau, chỉ thấy một màu xanh trồng đầy rau muống.
“Không tâm thái, Không tâm thái!”
Bỗng dưng trong lòng chàng vang lên những thanh âm trong trẻo và tinh nghịch. “Không tâm thái” (rau muống) là thứ rau tầm thường nhất ở vùng Tương Tây. Nó dễ trồng dễ mọc, bên trong cọng rau trống rỗng. Sư muội Thích Phương đặt cho chàng trác hiệu này, chế giễu chàng thẳng ruột ngựa, không có một chút tâm sự nào. Từ dạo xa Tương Tây cho đến tận hôm nay chàng mới lại nhìn thấy rau muống. Chàng ngẩn người chốc lát, cúi xuống hái một cọng rau, ngửi ngửi mùi rau xanh, chầm chậm đi về phía tây.
Ở phía tây toàn là núi hoang, đá nhấp nhô, ở đây ngay cả cây ngô đồng, cây dầu sợ cũng không trồng được. Trong hoang sơn ấy có một cái hang không ai biết đến nhưng lại là nơi mà chàng và sư muội Thích Phương trước kia thường đến chơi đùa. Chàng nhớ lại ngày xưa, thuận chân đi đến hang núi. Vượt qua hai con dốc lại vượt qua một cái hang lớn mới đến cái hang nhỏ bí mật quạnh quẽ.
Chỉ thấy những lùm cỏ cao bằng vai che kín miệng hang. Chàng lại thấy buồn, đi vào hang, thấy trong hang mọi vật vẫn như hồi chàng và Thích Phương chưa rời khỏi Ma Khê, không hề thay đổi, có điều phủ đầy bụi bặm. Những hình người Thích Phương nặn bằng đất sét, cây cung chàng bắn chim, cái bẫy bắt thỏ, cây sáo Thích Phương thổi khi chăn bò… vẫn đặt trên tảng đá trong hang. Kia là cái làn kim chỉ của Thích Phương. Cây kéo ở trong làn đã rỉ hết.
Vào những ngày nông nhàn mùa đông thuở ấy chàng thường ngồi bện giày cỏ hoặc đan giỏ tre, Thích Phương thì ngồi bên cạnh khâu giày. Cô lấy những mảnh vải vụn, xấp thành đế giày rồi may lại. Giày của sư phụ và của chàng đều bằng vải xanh. Giày của Thích Phương khi thì thêu một bông hoa, khi thì thêu một con chim, đó là để dùng đi vào dịp tết, ngày thường cũng chỉ đi giày vải xanh. Còn khi làm ruộng thì đi chân đất.
Địch Vân thuận tay cầm một cuốn sách cũ từ trong làn ra, trên bìa cuốn sách viết bốn chữ “Đường thi tuyển tập”. Chàng và Thích Phương đều biết chữ không nhiều, cũng không đọc thơ Đường làm gì. Đó là Thích Phương dùng để cất mẫu đế giày, mẫu thêu hoa. Chàng tiện tay mở sách ra, cầm lấy hai tấm mẫu. Đây là một đôi bướm Thích Phương cắt để làm mẫu thêu. Trong lòng chàng hiện lên rõ mồn một cảnh tình ngày ấy.
Một đôi bướm lớn cánh vàng đốm đen bay vào cửa hang, khi thì bay sang bên đông khi thì lượn sang bên tây nhưng hai con bướm không hề rời xa nhau. Thích Phương kêu lên: “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài! Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài!” Người vùng Tương Tây quen gọi loại bướm lớn cánh vàng luôn bay thành đôi này là “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”. Loại bướm này cứ bay từng đôi, cùng đậu cùng bay không rời xa nhau.
Địch Vân đang bện giày cỏ, đôi bướm bay đến bên cạnh, chàng giơ chiếc giày đang bện dở lên, “phách” một nhát, đánh một con rơi xuống. Thích Phương “a” lên một tiếng, giận dữ nói: “Huynh… huynh làm gì thế?” Địch Vân thấy cô bỗng nổi giận, bất giác chân tay bối rối, ấp úng nói: “Muội thích… thích bươm bướm, huynh… huynh đánh để cho muội.”
Con bướm chết rơi trên mặt đất, con kia cứ lượn quanh, lượn quanh mãi.
Thích Phương nói: “Huynh xem, làm chuyện ác nghiệt thế, một đôi vợ chồng người ta, huynh lại làm họ phân ly.” Địch Vân thấy vẻ rầu rĩ, nghe giọng nói buồn bã của cô, trong lòng cảm thấy áy náy, nói: “Ờ, là huynh có lỗi.”
Về sau Thích Phương theo hình con bướm ấy, cắt thành mẫu thêu, thêu trên giày của mình. Đến Tết lại thêu cho Địch Vân một cái túi, cũng là đôi bướm ấy. Cái túi vải ấy chàng luôn mang bên người, nhưng khi bị bắt giam ở nhà tù Kinh Châu, tên ngục tốt đã lấy mất.
Địch Vân cầm đôi bướm bằng giấy được cắt làm mẫu thêu, bên tai như văng vẳng nghe thấy giọng nói của Thích Phương: “Huynh xem, làm việc ác nghiệt thế, một đôi vợ chồng người ta, huynh lại làm họ phân ly.”
Chàng ngơ ngẩn một hồi, lại đặt đôi bướm giấy vào trong sách, thuận tay lật lật, thấy trong các trang sách còn có nhiều mẫu bằng giấy đỏ, có mẫu cá chép, có mẫu là ba con sơn dương, đó là những mẫu để dán lên cửa sổ nhân ngày tết, tất cả đều do Thích Phương cắt.
Chàng đang cầm từng trang xem kỹ, bỗng nghe tiếng “cách cách” va vào đá ở bên ngoài mấy chục trượng, có người đang đi đến. Chàng nghĩ bụng: “Ở đây xưa nay không có người đến, hay là dã thú?” Chàng bèn thuận tay nhét quyển sách ép mẫu thêu vào trong ngực áo.
Nghe có người nói:
– Vùng này thật hoang vu.
Lại có một giọng người già nói:
– Ấy, càng hoang vu càng dễ có người tới giấu bảo vật. Chúng ta hãy tìm kỹ ở đây.
Địch Vân tự hỏi: “Sao lại đến đây tìm bảo vật?”
Bèn lao ra khỏi hang, nấp sau một cây đại thụ.
Chốc sau, thấy có người đi tới, nghe tiếng bước chân, khoảng bảy tám người. Chàng từ sau thân cây nhìn ra, thấy đi đầu là một người y phục diêm dúa, đầu tóc láng bóng, da mặt hồng hào, tướng mạo rất quen, theo sau lại có một người tay cầm xẻng. Người này cao cao, khí vũ hiên ngang. Địch Vân mới thấy đã bừng bừng nộ khí, muốn nhảy ngay ra đập chết y ngay.
Y chính là Vạn Khuê, kẻ đã cướp sư muội của chàng, tống chàng vào tù, đẩy chàng vào muôn vàn đau khổ.
Sao y lại đến đây?
Người trẻ tuổi đi bên cạnh là Thẩm Thành.
Hai người vừa đi qua, những người tiếp theo sau đều là đệ tử Vạn môn: Lỗ Khôn, Tôn Quân, Bốc Viên, Ngô Khảm, Phùng Thản, tất cả cùng đến.
Vạn môn vốn có tám đệ tử, đệ tử thứ hai là Chu Kỳ đã bị Địch Vân giết trong khu vườn hoang ở Kinh Châu, nay còn lại bảy. Địch Vân lấy làm lạ: “Bọn người này đến đây tìm bảo bối gì? Lẽ nào cũng tìm “tụ bảo bồn”?”
Nghe Thẩm Thành gọi:
– Sư phụ, sư phụ, ở đây có một cái hang.
Giọng của ông già kia nói:
– Thế à?
Trong giọng nói không giấu được nỗi vui mừng. Rồi một người cao lớn đi đến. Chính là “Ngũ vân thủ” Vạn Chấn Sơn. Lâu rồi không gặp, thấy lão vẫn tráng kiện, bước chân trầm ổn, không hề có vẻ già nua.
Vạn Chấn Sơn tiến vào hang trước, bọn đệ tử vào theo. Trong hang vọng ra tiếng người:
– Ở đây có người ở!
– Bụi bặm đóng dày thế này, đã lâu không có người đến.
– Không, không! Xem này, ở đây có dấu chân mới.
– A, ở đây có dấu tay mới, có người vừa mới đến.
– Nhất định là Ngôn sư thúc, ông ấy… ông ấy trộm “Liên thành kiếm phổ” mất rồi.
Địch Vân vừa giật mình, vừa buồn cười: “Họ muốn tìm kiếm phổ của “Liên thành kiếm pháp” à? Sao mà tìm lâu thế vẫn chưa thấy? Ngôn sư thúc nào nhỉ? Sư phụ bảo nhị sư huynh của sư phụ là Ngôn Đạt Bình mất tích đã lâu, không có tin tức gì, e rằng đã không còn trên đời này nữa sao lại tìm đến đây trộm “Liên thành kiếm phổ”? Kia rõ ràng là dấu tay dấu chân của mình, chúng đoán mò mà ra được thì thật là quỷ sống.
Nghe Vạn Chấn Sơn nói:
– Các ngươi chớ vội vàng làm rộn, tìm kỹ bốn xung quanh xem.
Có người nói:
– Ngôn sư thúc đã đến đây rồi, đời nào lại không lấy đi mất?
Có người nói:
– Lão Thích Trường Phát thật là xảo quyệt, đem kiếm phổ giấu ở đây, người khác quả là không dễ gì tìm được.
Lại có người nói:
– Lão ấy đương nhiên là xảo quyệt, không thế sao gọi là “Thiết tỏa hoành giang”?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Mới rồi chúng ta đi theo một người nhà quê ở phía trước xa xa, người ấy đi nhanh quá, chốc lát đã không thấy. Người ấy e rằng cũng có chút tà môn.
Vạn Khuê nói:
– Dân quê ở đây thuộc đường, chắc là đã rẽ vào lối nhỏ. Nếu không có y, chắc là ta phải mất sáu tháng một năm cũng không tìm được đến đây.
Địch Vân nghĩ: “Thì ra họ đi theo mình, nếu không thì hang núi kín đáo thế này làm sao mà họ tìm đến được.”
Chỉ nghe thấy những người kia lùng sục khắp nơi loạn lên một hồi. Trong hang vốn chẳng có gì, họ bới tung lên, chẳng qua cũng chỉ đem mấy thứ rách nát kia vứt lung tung, ném qua bên đông lại quẳng qua bên tây mà thôi. Tiếp đó lại có tiếng cuốc xẻng đào đất nhưng đáy hang chỉ toàn đá, đào sao được. Vạn Chấn Sơn nói:
– Chẳng có gì để lại, các ngươi đi ra đi, ra ngoài kia hãy tính.
Chỉ thấy đám đệ tử theo Vạn Chấn Sơn đi ra, đến bên khe núi, ngồi lên mấy tảng đá. Địch Vân không muốn để họ phát hiện ra nên không dám đến gần. Tiếng nói chuyện của tám người kia rất nhỏ, nghe không rõ họ nói gì.
Địch Vân nghĩ bụng: “Họ đến tìm “Liên thành kiếm phổ” lại nghi nhị sư bá Ngôn Đạt Bình trộm mất, nhà của sư phụ mình lại bị đổi thành một tòa nhà lớn, lão ăn mày kia nói là muốn tìm “tụ bảo bồn” gì đó… A, phải rồi, phải rồi!”
Đột nhiên, một đạo linh quang lóe sáng trong đầu, Địch Vân chợt ngộ ra: “Lão khất cái kia đâu có phải là tìm “tụ bảo bồn”, lão cũng tìm “Liên thành kiếm phổ”. Lão cho rằng kiếm phổ ấy rơi vào tay sư phụ mình, thế là đến tìm, để che mắt người ta nên xây một tòa nhà lớn trước, sau đó mới lại đào nền nhà cũ lên để tìm kiếm. Sợ người ta nghi ngờ lão lại tung ra chuyện tìm “tụ bảo bồn”, đó chẳng qua chỉ là chuyện bịa để lừa dân quê.”
Rồi lại nghĩ tiếp: “Dạo ấy Vạn sư bá làm lễ mừng thọ, lão khất cái này cứ suốt ngày suốt đêm quanh quẩn đi đi lại lại, rõ ràng là có ý đồ gì đó. Ái chà, bọn Vạn Chân Sơn tìm không được kiếm phổ có lý nào lại không đến tòa nhà lớn kia tra soát? Chắc là đến đó điều tra rồi. Việc này còn chưa kết thúc, mình phải trở lại tòa nhà lớn kia chờ xem nhiệt náo. Ở đây có điều kỳ lạ nghĩ muốn vỡ cả đầu!”
“Nhưng, sư phụ của mình đâu rồi? Sư phụ đi đâu? Nhà bị người ta đào bới như thế sư phụ có biết không?”
“Còn sư muội nữa? Cô ấy ở lại thành Kinh Châu, làm thiếu phu nhân. Người nhà họ Vạn đến sưu tra nhà phụ thân cô ấy chắc là không để cho cô ấy biết. Lúc này sư muội đang làm gì nhỉ?”
* * *
Tối đến, trong ngôi nhà lớn lại đèn đuốc sáng choang. Mười mấy người nhà quê cầm cuốc xẻng đào đất. Địch Vân cũng đào đất với họ, không đặc biệt gắng sức, cũng không lười biếng đế người xung quanh càng ít đế ý càng tốt. Đầu tóc chàng rối bù, râu không cạo, râu tóc che kín hơn nửa mặt lại dính bùn đất, thật là mặt mũi hoàn toàn khác. Nhớ lại hồi chiều mấy người nhà họ Vạn đi theo mình, đừng để họ nhận ra, bèn đổi tấm vải trắng xuống quấn ngang lưng, lấy tấm vải xanh vốn quấn ngang lưng quấn lên đầu. Tối hôm ấy lại đào ở góc phía bắc. Lão khất cái chắp tay sau lưng đi đi lại lại quanh hố. Đương nhiên bây giờ ông ta không còn bộ dạng ăn mày nữa, áo quần sang trọng, tay trái đeo chiếc nhẫn ngọc bích, đeo một miếng hán ngọc rất to.
Đột nhiên, Địch Vân nghe thấy có tiếng người đang đi về phía tòa nhà, bốn phía đông tây nam bắc đều có người. Những người này cách còn xa, lão khất cái rõ ràng là chưa hay biết gì. Địch Vân nghiêng người liếc nhìn lão, chỉ nghe tiếng bước chân từ từ đến gần, năm người, sáu người… bảy người… tám người, đúng rồi, là Vạn Chấn Sơn cùng bảy đệ tử của lão. Nhưng lão ăn mày kia vẫn chưa phát hiện ra. Địch Vân đã sớm nghe được rõ ràng, tám người kia đã đến gần nhưng lão cái lại như bị điếc tai.
Hơn năm năm trước, Địch Vân tôn kính lão khất cái này như thần minh. Chàng chỉ học lão cái ba chiêu kiếm pháp đã đánh cho tám đệ tử nhà họ Vạn đại bại không cách gì chống đỡ nổi. “Vậy mà sao võ công của bác ta bây giờ lại kém đi như thế, lẽ nào không phải là bác ta? Mình nhận lầm rồi chăng? Không, quyết không phải là nhận lầm.” Địch Vân không ngờ rằng võ công của mình bây giờ đã tiến tới cảnh giới cực cao nên có thể nghe rõ thanh âm từ rất xa mà người khác thì chẳng hề nghe thấy gì cả.
Tám người kia mỗi lúc một gần. Địch Vân rất lấy làm lạ: “Tám người này thật buồn cười, ai chẳng nghe thấy các người đang lén lút tới gần vậy mà còn rón rón rén rén cái quái gì nữa?” Tám người kia lại áp gần hơn mười trượng nữa, đột nhiên thân hình lão cái hơi run, nghiêng tai nghe ngóng động tĩnh. Địch Vân nghĩ bụng: “Bác ấy nghe thấy chưa? Bác ấy điếc à?” Kỳ thực, tám người ấy còn cách khá xa, nếu là nửa năm trước thì Địch Vân cũng không thể nghe thấy tiếng bước chân xa như thế, dẫu có gần hơn nữa cũng chưa nghe thấy được.
Tám người kia đến càng gần, bước mấy bước, lại dừng, rõ ràng là đề phòng bị phát giác. Nhưng lão cái đã phát giác được rồi. Lão quay người lại, cầm lấy cây gậy chống tựa bên góc tường. Đó là một cây gậy chống bằng gỗ to và thô, có chạm đầu rồng.
Đột nhiên cả tám người kia cùng xông vào, bao vây bốn phía. “Bình” một tiếng, đá vào cửa lớn mở toang, Vạn Khuê nhảy vào trước tiên, tiếp theo là Thẩm Thành, Bốc Viên. Bảy người đều lăm lăm trường kiếm vây chặt lão khất cái.
Lão cái ha ha cười lớn, nói:
– Hay lắm, các cháu đều đến cả rồi! Vạn sư ca, sao còn chưa vào đây?
Từ ngoài cửa, một người cất tiếng cười vang, thong thả bước vào, chính là “Ngũ vân thủ” Vạn Chấn Sơn. Lão và lão ăn mày đứng cách nhau cái hố, hai người dò xét lẫn nhau bằng ánh mắt.
Chốc lát, Vạn Chấn Sơn cười, nói:
– Ngôn sư đệ, mấy năm không gặp, đệ đã phát tài lớn rồi.
Ba câu này lọt vào tai Địch Vân, đầu óc chàng lập tức hỗn loạn: “Cái gì? Lão ăn mày này chính là… chính là nhị sư bá… nhị sư bá… Ngôn Đạt Bình ư?”
Chỉ nghe thấy lão ăn mày nói:
– Sư ca, đệ cũng có phát tài chút đỉnh. Sư ca mấy năm nay buôn bán hời lắm hả?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Cũng là gặp may thôi! Ê, các con, sao không khấu đầu chào sư thúc?
Bọn Lỗ Khôn cùng quỳ xuống, đồng thanh nói:
– Đệ tử khấu kiến Ngôn sư thúc.
Lão ăn mày nói:
– Thôi, được rồi! Trong tay cầm đao kiếm, rập đầu thật bất tiện, miễn đi thôi.
Địch Vân nghĩ bụng: “Người này quả nhiên là Ngôn sư bá. Ông ấy… Ông ấy?” Vạn Chấn Sơn nói:
– Sư đệ, đệ khai mỏ ở đây à? Sao lại đào một cái hố lớn vậy?
Ngôn Đạt Bình cười hi hi, nói:
– Sư huynh đoán nhầm rồi. Tiểu đệ kẻ thù đông lắm, tị nạn ở đây, đào cái hố sâu này một công đôi việc. Kẻ thù bị tiểu đệ giết thì tiện tay chôn luôn, khỏi phải đào huyệt. Nếu tiểu đệ bị người ta giết thì cái hố này lại là nơi chôn tiểu đệ.
Vạn Chấn Sơn cười nói:
– Hay lắm, diệu cực, sư đệ suy tính thật chu đáo. Sư đệ không mấy to béo, huynh thấy cái hố này cũng đủ sâu rồi, không cần phải đào thêm nữa.
Ngôn Đạt Bình mỉm cười:
– Chôn một người thì thừa thãi, chôn tám người thì e rằng chưa đủ.
Địch Vân nghe hai người mới gặp nhau đã môi đao lưỡi kiếm, chĩa mũi nhọn vào nhau, bất giác nhớ tới lời Đinh Điển, trầm tư: “Huynh đệ họ hợp lực giết sư phụ. Ân sư mà còn giết, thì đối với nhau còn tình nghĩa gì? Nghe Đinh đại ca nói huynh đệ họ đã đoạt được “Liên thành kiếm phổ” nhưng chưa có kiếm quyết. Kiếm quyết ấy toàn là những con số. Số thứ nhất là “bốn”, số thứ hai là “năm mươi”, số thứ ba là “ba mươi ba”, số thứ tư là “năm mươi ba”, Đinh đại ca cho đến chết vẫn chưa kịp nói xong. Kiếm phổ chẳng phải là đã ở trong tay họ rồi sao? Sao lại còn đến đây tìm kiếm?”
Vạn Chấn Sơn nói:
– Hảo sư đệ, hai chúng ta là sư huynh đệ đồng môn lâu năm, tâm tư của huynh đệ hiểu rõ hết, lòng dạ của đệ huynh cũng đã đi guốc vào rồi, còn phải vòng vo gì nữa? Đưa đây!
Nói đến hai tiếng “đưa đây”, lão liền chìa tay phải ra.
Ngôn Đạt Bình lắc lắc đầu, nói:
– Còn chưa tìm thấy, tâm cơ của Thích lão tam, hai anh em ta đều không phải là đối thủ. Đệ đoán mãi không ra y giấu kiếm phổ ở đâu.
Địch Vân lại lặng người: “Lẽ nào ba anh em họ hợp lực đoạt được kiếm phổ, lại bị sư phụ mình lấy mất? Nhưng bao nhiêu năm nay sao không hề có động tĩnh gì? À, phải rồi, sư phụ mình hạ thủ cực kỳ xảo diệu, họ mãi không điều tra ra. Sư phụ đã không ở đây nữa, kiếm phổ chắc phải mang theo bên mình, chứ sao lại chôn giấu trong nhà? Họ liều mạng đến đây tìm tòi, chẳng phải là quá ngốc sao?” Nhưng chàng biết Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình quyết không phải là đồ ngốc, họ thông minh hơn mình không biết bao nhiêu mà kể. Vậy thì còn âm mưu, cạm bẫy gì nữa đây?
Vạn Chấn Sơn cười ha hả, nói:
– Sư đệ, đệ còn giả vờ gì nữa? Người ta bảo tam sư đệ “Thiết tỏa hoành giang” thủ đoạn lợi hại. Huynh thì lại cho rằng nhị sư đệ lợi hại. Đưa đây!
Nói rồi, tay phải lại chìa ra.
Ngôn Đạt Bình vỗ vỗ túi áo, nói:
– Hai anh em ta là huynh đệ lâu năm, còn phân biệt đó đây gì nữa? Sư ca, giả sử đệ có được thì một mình đệ cũng đối phó không nổi, không thể không nhờ huynh đến chủ trì đại sự, đệ chỉ có thề giúp một tay, chấm mút được chút đỉnh. Nhưng nếu sư huynh chiếm được ấy à, hi hi, đệ tử của sư huynh tuy đông, công phu đều còn non kém lắm, e rằng cũng phải nhờ đệ hợp lực, giúp một tay.
Vạn Chấn Sơn chau mày nói:
– Đệ lấy được gì trong hang núi kia?
Ngôn Đạt Bình lấy làm lạ, hỏi:
– Hang núi nào? Gần đây có hang núi à?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Sư đệ, ta và đệ đều đã lớn tuổi rồi, hà tất làm tổn thương hòa khí. Đệ đưa ra đây, mọi người cùng xem cho rõ. Từ nay về sau có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, thế nào, được chứ?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Lạ quá, sao huynh cứ một mực quả quyết là đệ lấy được? Nếu đệ đã lấy được thì còn ở đây đào đào bới bới làm gì?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Đệ quỷ kế đa đoan, ai biết đệ làm gì?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Cái gì của tam sư đệ, đâu có dễ dàng tìm được. Đệ xem thử, cũng không tìm trong nhà này nữa. Đào thêm ba ngày, nếu vẫn không có kết quả gì thì đệ cũng bỏ thôi.
Vạn Chấn Sơn cười nhạt:
– Hừ! Huynh xem ra đệ còn đào mươi bữa nửa tháng nữa ấy chứ. Giả vờ khéo lắm.
Ngôn Đạt Bình bỗng biến sắc, định trở mặt, nhưng nghĩ lại, cố nén giận, nói:
– Thế nào huynh mới tin?
Lão buông chiếc gậy, mở cúc áo, cởi trường bào, cầm cái áo rũ rũ, lật ngược lên lại rũ, mấy lạng bạc vụn và cái tẩu thuốc rơi xuống leng keng.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Đệ có ngu xuẩn gì mà lấy được rồi lại còn giấu trong người? Dù có giấu trong người đi nữa cũng giấu sát tận da chứ đời nào lại bỏ trong túi áo ngoài.
Ngôn Đạt Bình thở dài nói:
– Sư huynh đã không tin thì lại mà soát.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Thế thì phải đắc tội rồi.
Lão đưa mắt nháy Vạn Khuê và Thẩm Thành. Hai người gật gật đầu, tra kiếm vào vỏ, một trái một phải bước tới bên Ngôn Đạt Bình. Vạn Chấn Sơn lại liếc sang Bốc Viên và Lỗ Khôn, hai người từ từ vòng ra phía sau lưng Ngôn Đạt Bình, tay nắm chặt chuôi kiếm.
Ngôn Đạt Bình vỗ vỗ vào túi áo trong, nói:
– Mời soát!
Vạn Khuê nói:
– Sư thúc, xin đắc tội!
Hắn thò tay vào mò trong túi áo lão. Bỗng Vạn Khuê “á” lên một tiếng chói tai, vội vàng rụt tay lại, dưới ánh lửa thấy một con rết lớn dài chừng ba tấc đang bò trên mu bàn tay hắn. Hắn trở tay đánh mạnh xuống hố, “bốp” một tiếng, con rết nát bét, nhưng mu bàn tay đã trúng kịch độc, lập tức sưng vù lên. Hắn muốn tỏ vẻ anh hùng, không chịu rên rỉ, mồ hôi trên trán túa ra từng giọt từng giọt to như hạt đậu.
Ngôn Đạt Bình thất kinh nói:
– Ái chà, Vạn hiền diệt, cháu kiếm đâu được con rết độc thế? Đây là “hoa ban độc yết” hết sức ghê gớm. Thứ này không chơi được đâu. Sư ca, mau lên, mau lên, huynh có thuốc giải không? Chỉ cần chậm một chút là không xong đâu, không xong đâu.
Chỉ thấy mu bàn tay Vạn Khuê từ màu đỏ chuyển sang màu tím, từ tím biến thành đen, một sợi chỉ đỏ từ từ chạy lên cánh tay. Vạn Chấn Sơn biết là đã mắc bẫy Ngôn Đạt Bình, không nói gì được, đành nén giận, nói:
– Sư đệ, huynh phục đệ rồi. Huynh chịu thua, đệ đưa giải dược ra, bọn ta sẽ đi thôi, không làm phiền đệ nữa.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Thuốc giải à, trước đây đệ cũng có, nhưng lâu rồi, không biết mất đâu, mấy ngày nữa đệ sẽ từ từ tìm cho huynh, có lẽ là tìm được. Nếu không có, đệ sẽ đi đến phủ Đại Danh (Bắc Kinh) tìm dược liệu rồi sẽ chế thuốc khác cho huynh cũng được. Huynh đệ ta vốn tình sâu nghĩa nặng mà.
Vạn Chấn Sơn nghe nói vậy tức tối muốn nổ tung lồng ngực. Loại rết độc này đã cắn thì chỉ sau hai canh giờ là mất mạng. Chỉ cần sợi chỉ đỏ kia chạy vào tới ngực là tắt thở, nói gì đến chuyện “chờ mấy ngày từ từ tìm thuốc giải.” Từ đây đến phủ Đại Danh ở Hà Bắc xa ngàn dặm, lại còn tìm dược liệu chế thuốc. Cái thằng mặt dày vô sỉ này lại còn nói “huynh đệ ta vốn tình sâu nghĩa nặng.” Nhưng thấy đứa con cưng tính mạng chỉ còn trong khoảnh khắc, lão đành nén giận, nghĩ bụng “Quân tử báo thù, mười năm chưa muộn”, bèn nói:
– Sư đệ, chiêu này của sư đệ, huynh chịu thua rồi. Bây giờ đệ định thế nào, cứ ra điều kiện đi.
Ngôn Đạt Bình thong thả mặc trường bào vào, gài cúc cẩn thận, nói:
– Sư ca, đệ có điều kiện gì đâu? Huynh thích thế nào thì cứ thế.
Vạn Chấn Sơn nghĩ bụng: “Hôm nay tạm nhường ngươi, rồi ngươi sẽ biết tay ta.” Lão nói:
– Được rồi, họ Vạn ta từ nay trở đi không gặp ngươi nữa. Nếu còn làm phiền ngươi thì họ Vạn ta không phải là người.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Không dám, anh em với nhau, chỉ mong sư ca nói cho một câu: “Liên thành kiếm phổ” xứng đáng là sở hữu của Ngôn Đạt Bình. Nếu đệ may mắn tìm được thì chẳng còn gì phải nói nữa. Nếu có rơi vào tay sư ca thì cũng phải nhường cho đệ.
Vạn Khuê bị nọc độc chạy dần vào cơ thể, cảm thấy mê hoảng, người loạng choạng, Lỗ Khôn kêu lên:
– Sư đệ, sư đệ!
Rồi đưa tay ra đỡ, xé tay áo hắn, thấy sợi chỉ đỏ đã tới nách. Y quay đầu kêu lên với Vạn Chấn Sơn:
– Sư phụ, bây giờ điều kiện gì cũng phải nhận!
Vạn Chấn Sơn nói:
– Được “Liên thành kiếm phổ” là của đệ. Chúc mừng! Chúc mừng! Lão nghiến răng rít lên hai tiếng “chúc mừng!” lòng đầy oán hận.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Đã thế, để đệ vào nhà tìm, biết đâu có thể tìm được thuốc giải gì đó, cũng còn phải xem Vạn hiền điệt có gặp may không nữa.
Nói rồi lão thong thả quay mình đi vào nhà trong. Vạn Chấn Sơn đưa mắt, Lỗ Khôn và Bốc Viên liền bám theo.
Sau một lúc lâu, ba người vẫn chưa trở ra, cũng không nghe thấy động tĩnh gì, chỉ thấy Vạn Khuê thần khí hôn mê, được Thẩm Thành đỡ, hắn đã không nhúc nhích được. Vạn Chấn Sơn sốt ruột bảo Phùng Thản:
– Ngươi vào xem xem.
Phùng Thản thưa:
– Vâng!
Đang định đi vào thì thấy Ngôn Đạt Bình bước ra, nét mặt vui vẻ nói:
– Còn may, còn may! Chẳng phải là đã tìm được rồi ư?
Lão giơ cao một cái bình sứ nhỏ, nói:
– Đây là giải dược, được, trị rết độc còn tốt. Vạn hiền diệt, mạng của cháu thật lớn đấy. Sau này đừng chơi vào loại độc trùng này nữa nhé.
Nói rồi lão bước đến bên Vạn Khuê, mở nắp bình sứ, rắc một ít bột thuốc màu đen lên vết thương trên mu bàn tay Vạn Khuê.
Giải dược này thật linh nghiệm, chốc lát, thấy vết thương dần dần ứa máu đen, rồi từng giọt từng giọt rơi xuống đất. Máu đen chảy ra càng nhiều, sợi chỉ đỏ trên cánh tay Vạn Khuê càng chạy xuống thấp, đến khuỷu tay, rồi đến cổ tay.
Vạn Chấn Sơn thở phào một hơi, lòng vừa nhẹ nhõm vừa uất hận. Tính mạng của con đã được bảo toàn, nhưng cuộc chiến chưa kịp ra tay đã bị người khống chế. Lại qua một lúc, Vạn Khuê mở mắt ra, kêu lên một tiếng:
– Cha!
Ngôn Đạt Bình đậy nắp bình sứ lại, nhét vào trong ngực áo, cầm lấy cây gậy, gõ nhẹ xuống đất, cười nói:
– Thế là được rồi, Vạn hiền điệt, từ nay về sau cháu phải nhớ, thò tay vào túi áo người khác khua khoắng cái gì thì phải cẩn thận mới được.
Vạn Chấn Sơn nói với Thẩm Thành:
– Gọi chúng nó ra.
Thẩm Thành thưa:
– Vâng!
Rồi ra sau sảnh, gọi lớn:
– Lỗ sư ca, Bốc sư ca, mau quay ra, chúng ta đi thôi.
Chỉ nghe hai người kêu lên “a, a, a” mấy tiếng mà không đi ra. Tôn Quân và Thẩm Thành không đợi sư phụ sai bảo đã tự xông vào rồi hai người dìu Lỗ Khôn và Bốc Viên ra. Chỉ thấy hai người kia mặt không giọt máu, một người gãy chân trái, một người gãy chân phải, hẳn là vừa gặp phải độc thủ của Ngôn Đạt Bình.
Vạn Chấn Sơn bừng bừng nổi giận. Lão vốn có ý lấy mạng Ngôn Đạt Bình ngay, lúc này càng có cớ, mối hận này làm sao có thể chờ ngày sau mới trả? “Soạt” một tiếng, trường kiếm đã ra khỏi vỏ, lưỡi kiếm xanh lè, đâm mạnh vào yết hầu Ngôn Đạt Bình.
Địch Vân chưa hề thấy Vạn Chấn Sơn hiển lộ võ công, lúc này thấy lão xuất một chiêu kiếm, mạnh mẽ và độc địa, trong lòng thầm nghĩ: “Nhát kiếm này tuồng như không sơ hở.” Địch Vân lúc này võ học đã rất tinh thâm, tuy không có người truyền thụ, nhưng khi người khác xuất chiêu, tự nhiên việc đầu tiên là xem có sơ hở gì trong chiêu số của đối phương.
Ngôn Đạt Bình nghiêng mình tránh, tay trái nắm chắc phần dưới của cây gậy, tay phải nắm chắc cái đầu rồng của gậy, hai tay tách ra, một tiếng “soạt” khẽ vang lên, bạch quang lóa mắt, trong tay đã có một thanh trường kiếm. Thì ra đầu rồng là chuôi kiếm, lưỡi kiếm giấu trong thân gậy, phần cuối cây gậy là vỏ kiếm. Một kiếm trong tay, lão lập tức trả chiêu. Chỉ nghe thấy tiếng “choang choang choang choang” vang lên không ngớt, huynh đệ hai người đấu kiếm trên miệng hố. Đấu được mấy chiêu, cảm thấy miệng hố địa hình chật hẹp, khó thi triển, cùng hét lên một tiếng, nhất tề nhảy xuống lòng hố.
Đám dân quê thấy hai người cãi nhau đã hoang mang, đến khi thấy họ ác đấu, càng sợ đến nỗi co vào một góc, không ai dám ho he. Địch Vân cũng giả vờ sợ hãi co rúm lại, chăm chú nhìn hai vị sư bá, thấy đã được bảy tám chiêu, nghĩ bụng: “Hai vị sư bá nội lực không đủ, chiêu pháp lại linh hoạt, dẫu có tìm được “Liên thành kiếm phổ” gì đó, e rằng cũng chẳng có tác dụng gì, trừ phi đó là một bộ võ kinh dạy luyện nội công. Nhưng đã là “kiếm phổ” thì chắc là sách dạy kiếm pháp.”
Chàng lại xem mấy chiêu, càng cảm thấy kỳ lạ: “Võ công của bốn hiệp sĩ “Lạc Hoa Lưu Thủy” như Lưu Thừa Phong, Hoa Thiết Cán… so với hai vị sư bá này còn cao hơn nhiều. Hai vị sư bá chỉ chú ý biến hóa chiêu số, hoàn toàn không để ý đến việc phối hợp nội lực. Đó là cái lý gì? Ngày trước sư phụ dạy mình kiếm thuật, cũng dạy thế này. Xem ra ba vị huynh đệ Vạn, Ngôn, Thích đều chỉ học kiếm kiểu này thôi. Võ công kiểu này gặp đối thủ yếu hơn tất nhiên là sẽ chiếm hết thượng phong, nhưng chỉ cần đối phương có nội lực hơi mạnh một chút thì những kiếm chiêu biến ảo vô cùng này của họ chẳng có một chút hiệu quả nào. Vì sao lại học kiếm như thế, vì sao lại học kiếm như thế?”
Ba người Tôn Quân, Phùng Thản, Ngô Khảm đều tuốt kiếm tiến vào trợ chiến, thành cái thế bốn người vây đánh Ngôn Đạt Bình.
Ngôn Đạt Bình ha ha cười lớn, nói:
– Được, được! Đại sư ca, sư ca càng ngày càng tiến xa đấy, chiêu tập một lũ tiểu lâu la cùng đến đánh sư đệ của mình.
Lão tuy ra vẻ vô sự nhưng đường kiếm đã chậm lại.
Địch Vân nghĩ bụng: “Kiếm chiêu của hai vị sư bá, mỗi người có sở trường riêng. Ngôn sư bá ngày ấy dạy mình ba chiêu “đâm vai”, “bạt tai”, “đánh văng kiếm”, dùng để đối phó với tám đệ tử Vạn môn, lúc ấy rất có hiệu quả, nay dùng để đối phó với Vạn sư bá lại chẳng có một chút tác dụng nào. Ồ, bọn họ đều không hiểu, chỉ học biến hóa kiếm chiêu, nếu không có nội công phụ trợ thì có tác dụng gì? Một chút tác dụng cũng không có. Thật là kỳ quái. Một đạo lý thô thiển như vậy đến một đứa ngốc nghếch như mình cũng hiểu, bọn họ người nào cũng hết sức thông minh sao không ai hiếu được? Hay là mình hồ đồ?”
Bỗng, tựa hồ như có một đạo linh quang lóe sáng trong lòng: “Đinh đại ca đã nói với mình về lai lịch của “Thần chiếu kinh”. Sư tổ Mai Niệm Sinh cho đại ca bộ “Thần chiếu kinh” ấy, sư tổ hẳn là rất am tường đạo lý này, vậy mà sao lại không nói cho ba đệ tử biết? Lẽ nào… lẽ nào… lẽ nào….”
Trong lòng Địch Vân liên tiếp kêu khẽ ba lần “lẽ nào”, lập tức lưng toát mồ hôi lạnh, bất giác cảm thấy ớn rét, thân mình run rẩy.
Một ông già nhà quê bên cạnh luôn miệng niệm phật: “A di đà Phật, A di đà Phật, chớ xảy ra án mạng. Tiểu huynh đệ, đừng sợ, đừng sợ.” Ông ta thấy Địch Vân run rẩy tưởng chàng vì thấy hai người kia ác đấu mà sợ hãi, tuy lên tiếng an ủi chàng nhưng tự mình cũng sợ hết vía.
Địch Vân đã rõ chân tướng, nhưng điều ấy lại quá âm hiểm ác độc, chàng không muốn nghĩ thêm nữa, càng không muốn nghĩ đến cái chân tướng mới phát hiện ra đó quy kết thành một lẽ rõ ràng, có điều đã khám phá được điều then chốt rồi thì tất cả mọi điều đều được xâu chuỗi lại…
Mấy người Vạn Chấn Sơn, Ngôn Đạt Bình, Tôn Quân, Phùng Thản, mỗi người ra chiêu đều ấn chứng cho cách nghĩ của chàng. “Đúng rồi, đúng rồi, nhất định là như thế. Nhưng phải chăng là như thế? Làm sư phụ sao lại ác độc như thế? Không phải… không phải, nếu không phải thế thì là thế nào? Thật là quá kỳ lạ.”
Một bức tranh rõ mồn một hiện lên trong trí não chàng: “Nhiều năm trước, ở bên ngoài ngôi nhà này, mình và sư muội luyện kiếm, sư phụ đứng bên chỉ bảo. Sư phụ dạy mình một chiêu, rất là xảo diệu. Mình dụng tâm luyện, lần thứ hai sư phụ lại dạy khác đi, kiếm pháp vẫn rất xảo diệu nhưng lại không giống với lần trước. Lúc ấy, mình chỉ cho là kiếm pháp của sư phụ biến ảo khôn lường. Bây giờ nghĩ lại, kiếm chiêu sao lại hai lần dạy khác nhau, không hiểu lý do vì sao.”
Bỗng cảm thấy đau nhói trong lòng: “Sư phụ cố ý dạy sai đường, cố ý dạy mình loại kiếm pháp hạng xoàng. Tài năng của sư phụ rất cao, nhưng lại cố ý dạy mình thứ kiếm chiêu không dùng được. Ông ấy… ông ấy… Võ công của Ngôn sư bá và sư phụ cũng xấp xỉ nhau nhưng ba chiêu kiếm pháp mà bác ấy dạy mình lại cao minh hơn sư phụ rất nhiều….”
“Còn Ngôn sư bá vì sao lại dạy mình ba chiêu kiếm pháp ấy? Bác ấy không có ý tốt. Phải rồi, bác ấy muốn làm cho Vạn sư bá nghi ngờ, muốn Vạn sư bá và sư phụ mình xung đột với nhau….”
“Vạn sư bá cũng vậy, bản lĩnh của ông ta hoàn toàn khác với tám đệ tử… Nhưng vì sao ngay cả đối với con mình cũng lừa dối? Ầy, ông ta không thề chỉ dạy riêng cho con mình mà không dạy các đệ tử khác, nếu làm thế thì lập tức lộ tẩy.”
Ngôn Đạt Bình rung động cổ tay phải, mũi kiếm xoay chuyển bảy vòng tròn, đâm nhanh vào ngực Vạn Chấn Sơn. Vạn Chấn Sơn hoành thân kiếm, dùng đường ngang để phá vòng tròn, lia liền mấy nhát ngang, phá giải hết bảy vòng kiếm của Ngôn Đạt Bình.
Địch Vân ở bên ngoài xem, lại nghĩ: “Bảy vòng tròn này toàn là thừa, cứ đâm một nhát vào bên ngực trái của Vạn sư bá, sao không mau đâm thẳng? Há chẳng phải là vừa nhanh vừa hiểm hơn không? Vạn sư bá lia bảy nhát ngang phá giải bảy vòng kiếm của Ngôn sư bá tuồng như xảo diệu, kỳ thực cũng vụng về hết chỗ nói, nếu mà cứ đâm ngược vào bụng Ngôn sư bá thì đã sớm đắc thắng rồi.”
Chợt trong đầu óc lại hiện lên cảnh tượng ngày trước:
Chàng và sư muội Thích Phương luyện kiếm, kiếm chiêu của Thích Phương nhiều hoa thức đẹp mắt, chàng không nhớ rõ chiêu số sư phụ đã dạy bị ép đến nỗi chân tay bối rối, lùi liên tiếp. Thích Phương liên tiếp tấn công ba chiêu, chàng đầu váng, mắt hoa, chàng luống cuống, thấy đối địch không nổi, đã không nhớ nổi kiếm chiêu sư phụ dạy, bèn thuận tay đỡ bừa rồi đâm ngược trở lại…
Thích Phương sử một chiêu “Phủ thích văn kinh phong, liên sơn thạch bố đào”, nhưng chiêu kiếm của chàng hoàn toàn tự phát không theo quy cách sư phụ đã dạy, kiếm pháp hoa mỹ của Thích Phương lại không đỡ nổi. Chàng đâm tới một nhát, chỉ thẳng vào vai sư muội. Trong khi chưa kịp thu chiêu, sư phụ Thích Trường Phát đã nhảy ra, tay cầm một que củi, “phách” một tiếng, đánh rơi cây trường kiếm trong tay chàng. Chàng và Thích Phương đều sợ hãi tái mặt. Thích Trường Phát tức giận mắng Địch Vân một trận, bảo chàng đâm bừa chém ẩu không sử kiếm theo phương pháp sư phụ đã dạy, thật chẳng ra làm sao.
Lúc ấy chàng cũng đã từng nghĩ: “Mình sử kiếm không theo quy củ, sao lại có thể thắng được?”
Nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua rồi biến mất, rồi lập tức hiểu rõ: “Tất nhiên là vì kiếm thuật của sư muội chưa thuần thục. Nếu là gặp phải hảo thủ thực sự, mình cứ đâm bừa chém ẩu như thế đương nhiên là chỉ có thua.” Lúc ấy chàng đâu có ngờ: kiếm chiêu mà mình tiện tay đâm ra kỳ thực có hiệu quả hơn nhiều so với kiếm pháp ly kỳ cổ quái và hoa mỹ của sư phụ.
Giờ đây nghĩ lại, thấy khác hẳn. Với võ công của chàng lúc này thì có thể thấy một cách rõ ràng: trong kiếm thuật của Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình có rất nhiều hoa chiêu hoàn toàn vô dụng, còn kiếm pháp mà Vạn Chấn Sơn dạy đồ đệ, Thích Trường Phát dạy chàng và Thích Phương hoa chiêu vô dụng lại càng nhiều. Khỏi phải nói, sư tổ Mai Niệm Sinh đã sớm nhận ra ba đồ đệ lòng dạ bất chính nên trong lúc truyền thụ đã cố ý dẫn họ đi lạc đường. Vạn Chấn Sơn và Thích Trường Phát khi dạy đồ nhi hoặc cố ý hoặc vô ý lại dẫn họ lạc đường xa hơn nữa.
Khi lâm địch sử một chiêu kiếm không kể đến hiệu quả, không chỉ “vô dụng” mà còn làm mất thời cơ, để cho địch nhân chiếm thượng phong, thế là trao tính mạng mình vào tay kẻ địch. Vì sao sư tổ, sư phụ, sư bá đều hiểm độc như thế?
“Họ có thù hận gì với con trai con gái mình chăng? Chắc chắn là không. Hẳn là có một nguyên nhân quan trọng nào đó, nhất định là có mưu đồ ghê gớm gì đây. Lẽ nào lại vì bộ “Liên thành kiếm phổ” kia?”
“Có phải vậy không? Vạn sư bá và Ngôn sư bá vì kiếm phổ này mà có thể giết chết sư phụ của mình, nay lại đang gắng sức giết nhau.”
Không sai. Họ đang liều mạng muốn giết chết đối phương. Cuộc ác đấu trong hố đất mỗi lúc một quyết liệt. Kiếm pháp của Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình khó phân cao thấp, nhưng các đệ tử Vạn môn đã xông vào trợ chiến rốt cuộc đã khiến Ngôn Đạt Bình phải phân tâm. Tôn Quân một kiếm đâm trúng lưng Ngôn Đạt Bình. Ngôn Đạt Bình trở kiếm đỡ, mũi kiếm theo đà róc xuống. Tôn Quân kêu lên một tiếng “ái”, hổ khẩu đã bị thương, rồi “keng” một tiếng, kiếm đã rơi xuống đất. Vừa lúc ấy Vạn Chấn Sơn đã nhằm kẽ hở chém một nhát, vạch một vết thương dài trên cánh tay phải Ngôn Đạt Bình.
Ngôn Đạt Bình nhịn đau, vội chuyển kiếm sang tay trái, nhưng tay trái lại không quen sử kiếm, vết thương trên tay phải không nhẹ, máu tươi nhuộm đỏ nửa người lão. Chiết được bảy tám chiêu nữa, vai bên trái lại trúng một nhát kiếm.
Mấy người dân quê thấy cảnh ấy đều sợ hãi tái mặt, thì thào bàn tán, chỉ muốn chạy trốn, nhưng không ai dám nhúc nhích.
Vạn Chấn Sơn quyết ý hôm nay phải giết cho bằng được sư đệ, từng nhát kiếm đều lang độc.
“Sột” một tiếng, ngực bên phải của Ngôn Đạt Bình lại trúng một nhát kiếm.
Chỉ mấy chiêu nữa, Ngôn Đạt Bình ắt chết dưới lưỡi kiếm của sư huynh. Lão nghiến răng tắm máu khổ đấu, không thốt nửa lời xin tha. Lão cùng vị sư huynh này đồng môn hơn mười năm, lại hơn mười năm minh tranh ám đấu, hiểu nhau quá rõ, cầu xin chỉ thêm nhục chứ chẳng được ích gì.
Địch Vân nghĩ bụng: “Năm ấy ở Kinh Châu, Ngôn sư bá dùng một cái bát mẻ giúp mình đánh lui đại đạo Lữ Thông, lại dạy mình ba chiêu kiếm pháp, khiến mình không phải chịu nhục trước đám đệ tử họ Vạn, tuy bác ấy có dụng ý riêng nhưng mình vẫn mang ơn bác ấy, quyết không thể để bác ấy chết bất đắc kỳ tử.” Bèn làm bộ run lẩy bẩy, xúc đầy một xẻng đất bùn.
Chỉ thấy Vạn Chấn Sơn vung kiếm nhằm vào bụng Ngôn Đạt Bình đâm tới, Ngôn Đạt Bình thân hình lảo đảo không thể né tránh được. Chiếc xẻng trong tay Địch Vân hất nhẹ một cái, một xẻng đất vàng bay thẳng đến Vạn Chấn Sơn. Nội kình trong xẻng đất ấy không nhỏ. Vạn Chấn Sơn bị luồng kình lực ấy va mạnh vào, chân đứng không vững, ngã ngửa ra đằng sau.
Mọi người xuất kỳ bất ý, không ai biết bùn đất từ đâu bay tới. Địch Vân lại hắt liền mấy xẻng đất, đèn đuốc tắt hết, trong đại sảnh lập tức tối như mực. Mọi người đều kinh hãi kêu lên. Địch Vân nhảy phắt tới, ôm lấy Ngôn Đạt Bình xông ra.
Ra đến ngoài nhà, Địch Vân cõng Ngôn Đạt Bình lên lưng, chạy nhanh ra phía sau núi.
Chàng rất quen thuộc địa thế vùng này, đã leo lên đến những ngọn núi cao hoang tịch. Ngôn Đạt Bình phục trên lưng chàng, cảm thấy gió rít bên tai, như đằng vân giá vụ, mơ màng như trong giấc mộng, không tin được rằng trên đời lại có người võ công cao cường đến thế.
Địch Vân cõng Ngôn Đạt Bình, leo lên ngọn núi cao nhất. Đỉnh núi thật hiểm trở, từ trước tới nay Địch Vân cũng chưa hề đến. Chàng đã từng cùng Thích Phương ngẩng nhìn đỉnh núi mây trùm lớp lớp này, đố nhau có yêu quái thần tiên trên núi hay không. Thích Phương nói: “Một ngày nào đó nếu huynh đối với muội không tốt, muội sẽ trèo lên núi, vĩnh viễn không xuống nữa.” Địch Vân nói: “Được, huynh cũng vĩnh viễn không xuống.” Thích Phương cười nói: “Không Tâm Thái! Nếu huynh chịu vĩnh viễn bầu bạn với muội không xuống núi thì muội cũng không cần phải leo lên nữa!”
Lúc ây Địch Vân chỉ hi hi cười ngờ nghệch, bây giờ lại nghĩ: “Huynh mãi mãi muốn bầu bạn với muội, muội lại không muốn huynh bầu bạn.”
Chàng đặt Ngôn Đạt Bình xuống đất, hỏi:
– Ồng có thuốc kim sang không?
Ngôn Đạt Bình khom người lạy, nói:
– Ân công tôn tính đại danh là gì? Ngôn Đạt Bình hôm nay được cứu mạng, đại ân này không biết báo đáp như thế nào mới được.
Địch Vân không thể nhận lễ của sư bá, vội quỳ xuống lạy hoàn lễ, nói:
– Tiền bối bất tất đa lễ, tiểu nhân tổn thọ mất. Tiểu nhân là kẻ vô danh, chuyện nhỏ này, nói gì đến báo đáp.
Ngôn Đạt Bình vẫn muốn thỉnh giáo, Địch Vân không biết cách bịa ra tên họ giả, chỉ im lặng.
Ngôn Đạt Bình thấy chàng không chịu nói, đành phải thôi, rút kim sang dược trong túi ra bôi lên vết thương, đụng đến ba vết thương lão thầm kinh hãi: “Nếu người này ra tay muộn một chút bây giờ mình đã không còn trên đời này nữa.”
Địch Vân nói:
– Tại hạ trong lòng có mấy điều nghi nan, muốn được hỏi tiền bối.
Ngôn Đạt Bình vội nói:
– Xin ân công đừng nói hai chữ “tiền bối” nữa. Có điều gì cần hỏi, Ngôn Đạt Bình này xin thành thật trình bày, không dám giấu chút gì.
Địch Vân hỏi:
– Thế thì hay quá. Xin hỏi tiền bối, tòa nhà lớn này là tiền bối làm à?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Vâng.
Địch Vân lại hỏi:
– Tiền bối thuê người đào bới, đương nhiên là tìm “Liên thành kiếm phổ”. Không biết có tìm được không?
Ngôn Đạt Bình lặng người: “Mình không hiểu vì sao hắn tốt bụng cứu mình, hóa ra lại cũng vì bộ Liên thành kiếm phổ.” Lão nói:
– Tôi mất biết bao tâm huyết, đến nay vẫn chưa được chút đầu mối nào. Ân công minh giám, tiểu nhân thực sự không dám giấu giếm. Nếu Ngôn Đạt Bình này đã tìm được, lập tức hai tay dâng lên. Tính mạng của họ Ngôn này là do ân công cứu, há dám tiếc vật ngoại thân ấy?
Địch Vân lắc đầu lia lịa, nói:
– Tôi không phải là cần kiếm phổ, tại hạ võ công tuy cũng chỉ bình thường nhưng tin rằng bộ “Liên thành kiếm phổ” kia chưa chắc đã ích gì cho công phu của tại hạ.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Phải, phải! Ân công võ công xuất thần nhập hóa, đã là vô địch trên đời này, bộ “Liên thành kiếm phổ” chẳng qua cũng chỉ là một bộ đồ phổ kiếm pháp. Bọn chúng tôi cũng chỉ vì đó là công phu của bản môn nên mới hết sức coi trọng, người ngoài xem ra thì cũng chẳng bõ nực cười.
Địch Vân nghe lão nói không thật nhưng lúc này cũng không muốn vạch ra, lại hỏi:
– Nghe nói chỗ tòa nhà lớn kia vốn là chỗ ở của Thích lão tiền bối. Vị Thích tiền bối này ngoại hiệu gọi là “Thiết tỏa hoành giang”, ngoại hiệu đó ý nghĩa là gì?
Chàng từ nhỏ theo sư phụ mà lớn lên, thấy sư phụ là một người dân quê thật thà trung hậu, nhưng Đinh Điển lại nói sư phụ đầy mưu kế, cho nên phải hỏi cho rõ, rốt cuộc lời Đinh Điển có đúng không hay chỉ là do đồn đại.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Sư đệ Thích Trường Phát ngoại hiệu là “Thiết tỏa hoành giang”, đó là người ta bảo y mưu kế đa đoan, đối phó với người khác rất cay độc, giống như một cái khóa sắt to tướng khóa kín dòng sông, khiến cho thuyền bè trên sông muốn lên không lên được, muốn xuống cũng không xuống được.
Địch Vân buồn bã nghĩ thầm: “Lời Đinh đại ca không sai, sư phụ mình hóa ra lại là một nhân vật như thế, mình từ nhỏ bị ông ấy lừa, ông ấy không hề để mình thấy bộ mặt thật. Nhưng, nhưng ông ấy luôn đối với mình rất tốt, có lừa mình cũng chẳng sao”, trong lòng vẫn còn một tia hy vọng, lại hỏi:
– Thứ ngoại hiệu như thế trên chốn giang hồ, cũng chưa chắc đã đáng tin, có lẽ là kẻ thù đặt cho ông ấy như vậy. Ông và sư đệ đồng môn học võ, tất nhiên biết rõ tính cách ông ấy. Rốt cuộc tính cách của ông ấy như thế nào?
Ngôn Đạt Bình thở dài nói:
– Chẳng phải tôi thích nói xấu đồng môn, ân công đã hỏi, tại hạ không dám giấu giếm. Thích sư đệ của tôi bên ngoài có vẻ ngốc nghếch như trâu gỗ ngựa đất nhưng lòng dạ lại linh xảo vô cùng, nếu không bộ “Liên thành kiếm phổ” kia y làm sao mà lấy được?
Địch Vân gật gật đầu, cách một hồi sau mới hỏi:
– Ồng làm sao mà biết được “Liên thành kiếm phổ” ở trong tay ông ấy? Ông tận mắt nhìn thấy à?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Tuy không tận mắt nhìn thấy, nhưng tiểu nhân đã suy ngẫm kỹ, nhất định là y lấy.
Địch Vân nói:
– Nghe nói ông thích giả làm ăn mày, phải không?
Ngôn Đạt Bình lại giật mình: “Người này thật lợi hại, đến cả việc ấy cũng biết.” Bèn nói:
– Ân công tin tức thật là tinh thông, những việc làm của tại hạ việc gì cũng không thể che giấu được ân công. Mới đầu tại hạ cho rằng bộ “Liên thành kiếm phổ” kia không ở trong tay Vạn sư ca thì ở trong tay Thích sư đệ, vì vậy thường cải trang, thay hình đổi dạng, làm ăn mày đi khắp Tương Tây, Ngạc Tây nghe ngóng động tĩnh.
Địch Vân hỏi:
– Vì sao ông lại cho rằng ở trong tay hai người ấy?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Ân sư của tôi lúc sắp chết, giao quyển kiếm phổ này cho ba sư huynh đệ chúng tôi…
Địch Vân nhớ tới lời Đinh Điển đã nói về câu chuyện một đêm trăng bên bờ sông Trường Giang, ba người Vạn, Ngôn, Thích hợp lực mưu giết sư phụ Mai Niệm Sinh, hừm một tiếng, nói:
– Là tiên sinh tự tay trao cho các ông à? E rằng… e rằng… không phải thế. Tiên sinh chết một cách yên lành chứ?
Ngôn Đạt Bình nhảy dựng lên, chỉ vào chàng, nói:
– Ông… ông là… Đinh… Đinh Điển… Đinh đại gia?
Tin Đinh Điển an táng Mai Niệm Sinh về sau bị tiết lộ, cho nên Ngôn Đạt Bình nghe chàng vạch trần tội ác giết thầy của mình liền đoán chàng là Đinh Điển.
Địch Vân lạnh nhạt nói:
– Tôi không phải là Đinh Điển. Đinh đại ca ghét ác như thù. Huynh ấy… huynh ấy tận mắt nhìn thấy ba sư huynh đệ các người hợp lực giết sư phụ, nếu tôi là Đinh đại ca thì hôm nay không cứu ông đâu, để ông chết dưới kiếm của Vạn… Vạn Chấn Sơn.
Ngôn Đạt Bình hoang mang, hỏi:
– Vậy thì ông là ai?
Địch Vân nói:
– Ồng không cần biết tôi là ai. Muốn người ta không biết, trừ phi mình đừng làm (nhược yếu nhân bất tri, trừ phi kỷ mạc vi). Các người hợp lực giết sư phụ, cướp được “Liên thành kiếm phổ” rồi, về sau ra sao?
Ngôn Đạt Bình run giọng, nói:
– Việc gì ông cũng biết rồi, hà tất phải hỏi tôi.
Địch Vân nói:
– Có điều tôi biết, cũng có một số điều tôi chưa biết. Ông hãy nói thật đi, nếu có điều giả dối, tôi vẫn có thể điều tra ra.
Ngôn Đạt Bình lại giật mình kinh hãi, nói:
– Tôi làm sao dám lừa ân công? Ba sư huynh đệ chúng tôi sau khi lấy được “Liên thành kiếm phổ”, tra cứu ngay, mới phát hiện là chỉ có kiếm phổ, không có kiếm quyết, vẫn là vô dụng, bèn tiếp tục truy tìm kiếm quyết…
Địch Vân nghĩ bụng: “Đinh đại ca nói rằng kiếm quyết này có liên quan đến một kho báu lớn. Nay Mai Niệm Sinh, Lăng tiểu thư, Đinh đại ca đều đã qua đời, trên đời này không còn ai biết kiếm quyết nữa, các người có mà nằm mơ.”
Chỉ nghe thấy Ngôn Đạt Bình tiếp tục nói:
– Ba người chúng tôi nghi ngờ lẫn nhau, tối nào cũng ngủ chung một phòng, bộ kiếm phổ ấy thì khóa trong một cái hộp sắt. Chúng tôi ném chìa khóa chiếc hộp ấy xuống Trường Giang. Chiếc hộp đặt trên một cái bàn trong một gian phòng khóa kín, chiếc hộp còn bị ràng thêm ba sợi dây sắt, đầu mỗi sợi dây lại buộc vào tay mỗi người, chỉ cần một người động đậy thì hai người kia đều tỉnh giấc.
Địch Vân thở dài nói:
– Phòng bị thật là chắc chắn.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Nào ngờ vẫn sinh chuyện.
Địch Vân hỏi:
– Lại xảy ra chuyện gì nữa?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Một đêm ba người chúng tôi ngủ trong phòng, buổi sớm hôm sau, Vạn Chấn Sơn bỗng la lên: “Kiếm phổ đâu? Kiếm phổ đâu?”. Tôi giật mình nhảy lên, chỉ thấy cái hộp bị mở, kiếm phổ trong hộp đã không cánh mà bay. Ba người chúng tôi kinh hoàng, ra sức truy tìm nhưng làm sao mà tìm được? Việc này thật là kỳ quái, cửa phòng bên trong vẫn khóa không suy suyển gì, vì thế kiếm phổ chắc chắn không phải do người ngoài lấy trộm, không phải là Vạn sư ca thì Thích sư đệ đã hạ thủ.
Địch Vân nói:
– Nếu là như thế, sao không mở cửa sổ, giả làm như người ngoài đến lấy trộm?
Ngôn Đạt Bình thở dài nói:
– Tay chúng tôi đều buộc chặt vào sợi dây sắt, lặng lẽ ngồi dậy tháo dây sắt, mở hộp, thì còn có thể được. Muốn bước xa một chút đề mở cửa sổ thì sợi dây sắt đâu có đủ dài.
Địch Vân nói:
– À ra thế. Vậy các ông làm thế nào?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Có được kiếm phổ đâu phải dễ, chúng tôi đương nhiên không chịu thôi. Ba người trách lẫn nhau, cãi cọ một trận, nhưng ai cũng không đưa ra được chứng cứ gì, đành chia tay đi tìm…
Địch Vân nói:
– Có một việc tôi nghĩ không ra, muốn thỉnh giáo. Sư phụ của các ông đã có bộ kiếm phổ ấy, sớm muộn gì cũng truyền cho các ông, lẽ nào ông ta định mang nó vào quan tài? Cớ gì lại phải hạ độc thủ như thế? Cớ sao phải giết sư phụ để đoạt kiếm phổ?
Ngôn Đạt Bình hậm hực nói:
– Sư phụ tôi, sư phụ tôi, ôi, ông ấy, ông ấy… ông ấy thật là hồ đồ. Ồng ấy cho rằng ba sư huynh đệ chúng tôi tâm thuật bất chính, thủy chung không truyền cho chúng tôi kiếm pháp của kiếm phổ ấy, xem ra ông ấy định tìm truyền nhân khác, thậm chí muốn truyền võ công bản môn cho người ngoài, ba người chúng tôi không thể nhịn được, chẳng biết làm sao, nên mới… nên mới ra tay.
Địch Vân nói:
– Thì ra như thế. Xem ra sư phụ của các ông nhận định cũng không sai. Vì sao về sau ông lại đoán là kiếm phổ ở trong tay Thích sư đệ?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Tôi vốn nghi Vạn Chấn Sơn lấy trộm, y là người đầu tiên mở miệng kêu lên, vừa ăn cướp vừa la làng mà, rất đáng ngờ. Tôi ngầm theo dõi y, không lâu sau, thì biết là không phải. Bởi vì y lại theo dõi Thích sư đệ. Kiếm phổ nếu ở trong tay Vạn Chấn Sơn thì y cần gì phải theo dõi người khác, chắc là trốn đến nơi thôn cùng xóm vắng hoặc là thâm sơn cùng cốc nào đó để luyện. Nhưng mỗi lần tôi ngầm thấy y chỉ thấy y nghiến răng nghiến lợi, vẻ mặt hết sức nóng nảy tức giận, thế là tôi chuyển sang theo dõi Thích Trường Phát.
Địch Vân hỏi:
– Đã tìm ra manh mối gì chưa?
Ngôn Đạt Bình lắc đầu:
– Lão Thích Trường Phát này lòng dạ sâu độc lắm, không hề để lộ một chút dấu vết nào. Tôi đã từng nhìn trộm y dạy đồ đệ và con gái luyện kiếm, y cố ý giả ngốc, lại còn đem “Đường thi kiếm pháp” gọi trại ra cái rắm chó gì đó, thật khiến người ta phải tức cười. Nhưng y càng giả bộ, tôi càng biết chắc là y hoàn toàn không để lộ chút sơ hở nào. Khi y đi ra ngoài, tôi đã từng mấy lần lẻn vào nhà y lục lọi, nhưng đừng nói là “Liên thành kiếm phổ”, ngay đến một cuốn sách tầm thường nhất cũng không có. Hi hi! Vị sư đệ này tâm cơ thật là sâu sắc, bản lĩnh thật kinh người!
Địch Vân lại hỏi:
– Về sau thế nào?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Về sau à, Vạn Chấn Sơn bỗng tổ chức lễ mừng thọ, sai một đứa đệ tử đến mời Thích Trường Phát đến Kinh Châu uống rượu mừng. Mừng thọ đương nhiên là giả, điều tra hư thực của sư đệ, mới là thật. Thích Trường Phát dẫn con gái, lại còn có thêm một đứa đệ tử khờ khạo tên là Địch Vân gì gì đó đến Kinh Châu. Trong tiệc rượu, Địch Vân đánh nhau với tám tên đệ tử nhà họ Vạn, để lộ ra ba chiêu kiếm thuật tinh diệu làm Vạn Chấn Sơn nghi ngờ… Ân công, ông bảo sao?
Địch Vân rầu rĩ lắc đầu. Ngôn Đạt Bình nói tiếp:
– Thế là Vạn Chấn Sơn mời Thích Trường Phát vào thư phòng đàm luận, hai người trở mặt cãi nhau. Thích Trường Phát ra tay đâm Vạn Chấn Sơn bị thương, từ đó không biết tung tích y nữa. Kỳ lạ, thật kỳ lạ, kỳ lạ quá đi.
Địch Vân hỏi:
– Kỳ lạ cái gì?
Ngôn Đạt Bình nói:
– Thích Trường Phát từ đó mất tăm mất tích, không biết nấp náu ở đâu. Khi Thích Trường Phát đi Kinh Châu, chắc chắn không đem theo bộ kiếm phổ trộm được bên mình. Nhất định là chôn ở một nơi kín đáo nào đó trong nhà. Tôi vốn đoán y sau khi đâm bị thương Vạn Chấn Sơn nhất định là luôn đêm chạy về đây, lấy kiếm phổ rồi xa chạy cao bay, cho nên sau khi xảy ra sự cố tôi lập tức kiếm ngựa, tốc thẳng tới đây chờ, xem y giấu kiếm phổ ở đâu để tiện thừa cơ hạ thủ, nhưng đông chờ tây đợi y vẫn không xuất hiện. Mấy năm trôi qua, xem ra y vĩnh viễn không trở về nữa. Tôi bèn không khách sáo nữa, ra tay một trận, đào bới nhà cũ của y để tìm kiếm phổ. Nhưng mất bao tâm huyết mà chẳng có kết quả gì. Nếu không được ân công ra tay cứu giúp thì hôm nay đến cả cái mạng của họ Ngôn này cũng tiêu luôn. Hi hi, Vạn sư ca của tôi ra tay cũng cay thật.
Địch Vân trầm ngâm một lúc rồi lại hỏi:
– Vậy theo ông, Thích sư đệ của ông bây giờ đang ở đâu?
Ngôn Đạt Bình lắc đầu nói:
– Điều ấy thì tôi đoán không ra, có lẽ “lưới trời lồng lộng thưa mà không lọt”, bị bệnh chết ở đâu đó rồi chăng, hay là gặp chuyện bất trắc bị sài lang hổ báo ăn thịt mất rồi cũng chưa biết chừng…
Địch Vân thấy nét mặt lão đầy vẻ “hạnh tai lạc họa” (vui sướng trước tai họa của người khác), trong lòng càng ghét, nhưng lại nghĩ: “Sư phụ hoàn toàn không có tin tức gì, e đã gặp bất hạnh.” Bèn đứng dậy nói:
– Đa tạ ông đã không giấu giếm, tại hạ xin cáo biệt.
Ngôn Đạt Bình cung cung kính kính vái ba vái, nói:
– Đại ân đại dức của ân công, Ngôn Đạt Bình này mãi mãi không dám quên.
Địch Vân nói:
– Việc nhỏ, bất tất lưu tâm. Huống nữa… huống nữa trước kia ông đã… ông ở đây dưỡng thương, lão Vạn Chấn Sơn kia chắc chắn không tìm được ông đâu, cứ yên tâm đi.
Ngôn Đạt Bình cười nói:
– Lúc này chắc lão đang lo sốt vó như kiến bò trên chảo nóng, chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến việc tìm tôi.
Địch Vân lấy làm lạ hỏi:
– Vì sao?
Ngôn Đạt Bình mỉm cười:
– Con rết độc của tôi đã cắn vào tay con trai lão, tất phải liên tục bôi thuốc mười lần mới có thể trừ hết độc tính. Chỉ bôi một lần, ăn thua gì?
Địch Vân hơi rùng mình, nói:
– Vậy thì tính mạng của Vạn Khuê không giữ được sao?
Ngôn Đạt Bình đắc ý:
– Loại rết độc đốm hoa này thật là ghê gớm, là loại đặc biệt từ Hồi Cương Tây Vực truyền vào, cái hay là ở chỗ Vạn Khuê không chết ngay tức khắc, mà hắn phải kêu gào rên rỉ ròng rã một tháng rồi mới đi đời. Ha ha, hay lắm, diệu cực!
Địch Vân nói:
– Phải một tháng mới chết, điều ấy không hề gì, hắn đi mời lương y thì vẫn có cách giải độc.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Ân công không biết đâu. Loại rết độc là tự tôi nuôi lớn lên, từ khi nó còn nhở tôi đã cho ăn các loại thuốc giải, rết đã quen với dược tính của thuốc giải, dùng thuốc giải bình thường hoàn toàn không có hiệu quả, dù cho thầy thuốc có y đạo cao minh đến đâu cũng chỉ dùng những thuốc giải độc bình thường, hỏi có tác dụng gì cơ chứ. Chỉ có một loại giải dược độc môn mà rết này chưa từng ăn qua thì mới có tác dụng. Trên đời này ngoài tôi ra không có người thứ hai nào biết phối chế thứ giải dược này. Ha ha, ha ha!
Địch Vân liếc nhìn lão, nghĩ bụng: “Con người này lòng dạ độc ác như thế, thật là đáng sợ! Lần sau e mình lại bị rết độc này can mất. Đinh đại ca thường nói: “Đi lại trên chốn giang hồ, lòng hại người không nên có, ý đề phòng người không nên không có.” Hay là hỏi lão một ít giải dược mang sẵn bên mình, như thế gọi là có đề phòng thì không mắc họa.” Chàng bèn nói với Ngôn Đạt Bình:
– Bình giải dược ấy của ông, cho tôi đi!
Ngôn Đạt Bình nói:
– Vâng, vâng!
Nhưng lại không lấy ra ngay, còn hỏi:
– Ân công cần thuốc giải, không biết dùng đề làm gì?
Địch Vân nói:
– Rết độc của ông hết sức lợi hại, biết đâu có lúc tôi không cẩn thận mà gặp phải, có một bình thuốc giải bên mình thì yên tâm hơn.
Nét mặt Ngôn Đạt Bình có vẻ bối rối, cười nhăn nhở lấy lòng:
– Ân công có ơn cứu mạng, tiểu nhân đâu dám gia hại? Ân công đa nghi rồi.
Địch Vân đưa tay ra, nói:
– Có phòng bị mà không dùng, mang theo bên mình cũng có hại gì đâu.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Vâng, vâng!
Đành lấy bình thuốc giải ra, đưa cho Địch Vân.
* * *
Địch Vân xuống núi, lại về tòa nhà lớn quan sát, chỉ thấy trong nhà đám dân quê đã đi hết, quản gia và gia nhân cũng không rõ đã đi đâu, hoàn toàn vắng vẻ, không một bóng người.
Địch Vân nghĩ: “Sư phụ đã chết, sư muội đã lấy chồng, mình không bao giờ trở lại nơi này nữa.”
Ra khỏi ngôi nhà lớn, men theo bờ khe đi về hướng tây bắc. Đi được mấy chục trượng, quay đầu nhìn lại, lúc này phương đông mặt trời mới mọc, ánh dương quang chiếu lên cây dương, cây hòe trước sân, lòng khe lấp lánh, tình cảnh ấy chàng từ nhỏ đã từng quen thuộc, bất giác lại nghĩ: “Từ nay về sau, mình không bao giờ trở lại nơi này nữa.”
Chàng sửa lại cái bao trên lưng, thầm nghĩ: “Trước mắt còn có một việc bận lòng. Phải đem tro thi hài của Đinh đại ca đến hợp táng với di thể của Lăng tiểu thư. Như thế phải đi Kinh Châu một phen. Tiểu tử Vạn Khuê hại mình đến khổ, cũng là kẻ ác lại gặp kẻ ác hơn, mình cũng chẳng cần tự tay báo thù. Ngôn Đạt Bình nói hắn phải kêu la rên rỉ một tháng ròng mới chết, chẳng biết có thật không. Nếu hắn mạng to, thầy thuốc chữa được mình sẽ cho hắn một nhát kiếm, lấy cái mạng chó của hắn.”
Kể từ đêm qua nhìn Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình đấu kiếm, chàng mới tin vào võ công của mình.
——————————————————