Một đêm phong vũ…
Chớp loè sấm động, mưa to gió lớn. Vịnh Bắc Kỳ sơ hạ, trời nước âm u ba đào cuồn cuộn, mây giăng tám hướng, cả một miền biển Đông nép mình trong mưa gió, không một bóng thuyền bè. Quần sơn nhấp nhô theo sóng cuộn tưởng chừng sắp đội nước chui lên chuyển động dập dờn theo nhịp gió gào mưa hú.
Thình lình, ánh điện trời đỏ khé xẹt ngoằng trên biển động, tiếp liền một tràng sấm sét vang rền giữa ánh chớp, vụt hiện ra một bóng hải thuyền buồm ba bọc gió chạy lồng từ miệt đảo Cát Bà lên Cái Bàn, bất chấp sóng dữ.
Hai thuyền hình thoi dài khoảng hơn tám thước tây, nghiêng đảo nhấp nhô ẩn hiện giữa ba đào coi chẳng khác chiếc lá mong manh chỉ chực chìm nghỉm dưới các đợt sóng dồi dữ dội.
Trên mui lợp kiểu tàu ô, ba bóng thuỷ thủ lực lưỡng cởi trần đang hò hét buộc nối dây buồm. Tiếng gió gào át cả tiếng líu lo giọng khách Quảng Đông.
Trong khoang kín, đèn bão lắc lư, một người tầm thước ngồi tựa vách gỗ, nhìn ra biển tối mờ, mặt mày đen sạm đầy sẹo, bóng coi cực dữ tợn, bên cạnh còn có hai người trung niên, một nam cao gầy, một nữ mập thấp, coi rất dị dạng, cùng ngó ra mặt sông thỉnh thoảng quay lại ra lịnh cho viên thuyền trưởng vạm vỡ ngồi cầm lái phía sau.
Thuyền cỡi sóng, đi mãi đến canh ba, trời càng mưa to gió dữ giật dây buồm đứt phựt.
Bỗng người dữ tợn bật giọng sảng khoái như chuông:
– Biển động dữ! Vẫn không thấy tăm hơi hay “lão” đã rời vịnh?
Người đàn bà mập lắc đầu.
– Thề sống chết tại biển Đông, lão không bỏ đi mà! Lạ thật! Tìm khắp vịnh không thấy, hay đã xuống chơi vua thuỷ tề!
– Hạ Long, Bái Tử Long, hải đảo quần sơn, dầu ở đâu, cũng để hiệu riêng! Chắc việc chi nên không ở Cát Bà, Cái Bàn, Kế Bần.
Người đàn ông cao gầy vừa lên tiếng, bỗng rắc một tiếng trên mui. Thuyền nghiên hẳn mạn, có tiếng kêu thất thanh.
– Gẫy cột buồm rồi!
Viên thuyền trưởng quát lớn:
– Chặt đứt dây mau! Kiếm nơi áp mạn!
Thuyền đảo tốc nước vào khoang. Người đàn ông bật dậy như lò xo.
– Để đó mặc ta! Đứa nào nhốn nháo mất đầu!
Dứt lời phóng luôn lên mui, ôm phăng chiếc cột gẫy, vận sức, đặt vào chỗ cũ, buồm căng phần phật con thuyền đè sóng lướt đi.
Được một lúc, lại “rắc” cột khác. Người đàn bà phóng vụt lên mui, quơ cột gẫy, giương buồm.
Lốc xoáy dữ, mười phút sau, chiếc cột thứ ba lại gẫy.
– Hỏng mất! Mấy đứa bay cố đỡ mau!
Bọn thuỷ thủ xúm lại, nhưng vừa nhấc cột lên, gió đã xô ngã dụi. Ngay khi đó, người dữ tợn đã phóng lên.
– Để mỗ đỡ một tay!
Ba người ba cột gẫy, trương buồm cứ thế con thuyền chồm sóng dữ, tiến đến rặng quần sơn Bái Tử Long.
Thình lình có tiếng reo:
– Hung tinh chiếu mệnh kia rồi!
Mọi người trông theo. Xa xa giữa vòm trời ám tối, bỗng hiện lên một đốm sáng xanh lè như đốm ma chơi lập loè trong đêm thâu.
– Độc đăng xanh mét màu lân tinh báo hiệu hung thần có khách! Kẻ nào không phải khách gặp nguy tai! Lạ thật! Chẳng lẽ biết ta tìm đến? Mặc! Bay đâu! Cứ cho thuyền tới!
Ngay khi đó, ánh chớp loé liên hồi, giữa vịnh tối, vụt xuất hiện một bóng tàu Tây, sừng sững, đen ngòm không một ánh đèn đuốc. Tàu thuộc loại khinh khoái đỉnh chừng đi từ mạn Móng Cày, Cái Bàn tới từ lúc nào, đậu giữa quần sơn kín gió như một thoi sắt câm nín, đầy bí mật.
Mặc gió gào mưa hú, chiếc tàu Tây tắt máy không một tiếng động.
Nhưng trên tàu sát khí chờn vờn. Binh lính mặc quần áo trận, dàn kín từ phía “ca-nô” chờ hạ thuỷ, các ổ súng lớn sẵn sàng nhả đạn.
Trong phòng chỉ huy, đèn phủ chao, một viên tướng Tây trạc ngũ tuần ngồi trước tấm bản đồ vịnh Bắc Kỳ lớn chi chít dấu quần sơn, hải đảo. Quanh mình lố nhố đầy võ quan, súng gươm tua tủa.
Tướng Tây mặc võ phục “ka-ki” vàng, khổ người cao rỏng, mặt trái xoan, râu tua, mắt than sáng quắc, nhác coi đã biết tay thao lược, đa mưu túc trí, giàu ý chí anh hùng, đầy gian hùng cũng đấy.
Cạnh tướng Tây có một viên quan ta mặc áo sa, chít khăn nhiễu Tam Giang, đèo bài ngà, coi rất quắc thước với bộ râu năm chòm dài, thần thái ung dung, trong lốt văn quan.
Chợt viên tướng Tây cúi xem đồng hồ tay, bảo viên quan ta:
– Mười hai giờ đêm rồi! Vẫn chưa thấy chi lạ? Hay… tàu đã lạc kinh tuyến?
Viên quan ta lắc đầu, tay trỏ xuống bản đồ:
– Lạc sao được! Bái Tử Long núi nổi trùng trùng, nhưng tàu đã vào vùng ước mật. Khu quần sơn này dân chài, hải tặc thương gọi dãy Mê Sơn, luồng nước lắm đá ngầm, khu này lại hiểm cứ nhiều hang động! Chắc “hắn” đợi đây!
Vừa buông lời, bỗng có một chàng trai Việt từ trên boong nhảy xuống.
– Vừa có ánh đèn xanh trên núi, xế mũi tàu chừng hải lý!
Mọi người cùng đứng dậy, lên boong.
Viên tướng Tây nhìn đốm sáng chập chờn trên ngọn Mê Sơn, phất tay dõng dạcL:
– Bắn tín hiệu, hoả pháo. Hạ ca-nô, sửa soạn đổ bộ!
Bốp! Tín hiệu vọt lên trời, rót cầu vòng về phía có ánh đèn xanh. Đồng thời hoả pháo thi nhau bay vun vút, soi sáng cả một vùng vịnh núi đầy quần sơn. Tiếp liền, đèn trên tàu bật sáng, chiếc khinh khoái đỉnh theo luồng xiết, tiến vào dãy quần sơn.
Viên tướng Tây chợt hỏi:
– Quan tuần! Ngài biết rõ… hung tinh?
Viên quan ta vuốt râu chậm rãi:
– Hung tinh chiếu, còn ai không rõ? Ghét nhà nước, tính quái gở, bất ngờ biến đổi không chừng. Rất có thể trả con tin cốt làm bỉ mặt Phi Mã, nhưng biết đâu, chẳng cốt làm mồi câu con cá lớn hơn! Tốt nhất, đại nhân không nên vào hổ huyệt và bố trí hạ ngay, khi đã nhận con tin!
Tướng Tây lắc đầu:
– Nhà nước lắm quân nhiều súng, thiếu người võ giỏi, triệt hạ sao nổi bọn lục lâm “chó biển”. Nhất đám giặc Phi Mã, đang mưu khuynh đảo Đông Dương! Tay không lên tận sào huyệt giặc Cờ Đen bắt lại quan giám binh, tất phải tay kỳ võ! Bản chức cần gặp mặt, quan binh phải giữ hoà khí!
Viên quan ta im lặng. Gió thổi vù vù.
Giữa lúc tàu Tây tiến vào Mê Sơn, thình lình từ phương Nam vụt hiện ra một đoàn tàu ô ba chiếc lớn nối đuôi nhau bọc gió, đè sóng chạy phăng phăng cách rặng Mê Sơn chừng hai hải lý, tốc lực nhanh không kém tàu chiến. Đen thui, mũi tàu ô khắc hình đầu lâu há ngoác trắng hếu, buồm ba cũng đen sì, ngọn cột buồm, cờ hiệu đen vẽ hình sọ người trắng, thậm chí cả thân tàu cũng sơn đen, kẻ trắng thuỷ ba, giữa biển động, coi chẳng khác bầy thuỷ quái vằn từ dưới nước chui lên, gớm ghiếc.
Tàu ô chở đầy trai gái trẻ, vẻ mặt sợ hãi, tỉ tê than khóc, khắp bốn bề khoang dưới boong trên, đầy “chó biển” dữ tợn, tay dao tay súng câm nín tựa oan hồn. Nhác qua cũng đoán ngay tàu ô giặc khách chuyên bắt người bán sang Tàu, thường dọc ngang khắp vịnh Bắc Kỳ.
Không đèn đuốc, dưới phòng soái, chiếc đi giữa, nến cháy vật vờ, một nữ lang ngồi nhìn nến, mặt đẹp lạ thường dưới vùng sáng lung linh.
Không ai khác Ngân Sơn Long Nữ Tuyệt Trần Nương Võ Thiên Kiều, cháu gái tướng giặc Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc!
Tự nhiên nàng nữ tặc khẽ thở dài, đứng lên ra cạnh cửa sổ vén rèm, nhìn biển đêm gió lộng lẩm bẩm:
– Thiên hạ mênh mông, oán thù chồng chất. Biển rộng sông dài, đời người vô vị, chàng chết đi ta chỉ còn biết bắn giết làm vui! Quân bay khai pháo!
Bất thình lình, nữ tặc thét lanh lảnh, rút súng bắn tắt luôn mấy ngọn nến góc phòng.
Từ ngoài, một viên tướng khách râu xồm dữ chạy vào ngơ ngác.
– Soái cô!… Có chiếc tàu Tây trong vịnh! Chạy vào khe núi Mê!
Cô gái múa súng, cười lạnh:
– Tàu Tây! Hay lắm! Chắc tàu tuần! Cả tháng vượt biển chỉ chạm súng với quân Tàu Pắc Hổi, tối nay phải cho tàu Tây một trận! Bảo chúng mở thêm máy phụ, sửa soạn hạ xuồng! A Thiên!
Viên giặc khách “khổng lồ” có hiệu “Thiên Lôi Đả” nhìn Long Nữ, nhăn nhó, ngần ngừ:
– Bẩm… hỏa pháo bắn nhiều, chắc có chuyện chi trong vịnh?
Cô gái vùng quắc mắt, bỗng cửa mở, viên thuyền trưởng chạy vào, líu lo giọng Quảng:
– Lạ quá! Vừa có “hiệu nhà” bắn ra!
Long Nữ choàng áo, theo thủ hạ, vọt lên boong. Tàu ô đi sát quần sơn, sấm chớp lập loè, soi rõ mưa bay vát.
Tít xa, trên ngọn Mê Sơn, hải đăng xanh lè ngay lúc đó, một mũi tên lửa bắn vung ra, lướt ngọn buồm soái thuyền.
– À, hiệu khẩu! Rẽ vào dãy quần sơn mau!
Tàu ô vừa lướt sát một rặng núi nhô, chợt có ánh đèn bấm lập loè, rồi một bóng đèn từ ngang núi nhả vèo xuống soái thuyền. Chân vừa chấm ván gỗ miệng đã hỏi lớn:
– Soái cô có đây không?
Loè ánh đèn bấm, nữ tặc Cờ Đen đứng sững:
– Kìa! Đa Sát Thủ! Sao lại ở ngoài này?
Bóng đen – Đa Sát Thủ – mặc quần áo chẽn, soát lại dây súng tiến vào đưa tay vuốt mưa đọng đầy mặt mũi, nói nhanh:
– Vua rắn thừa cơ nhập trại, bắt mất “Tây Bàn” giám binh, thách soái gia tới biển Đông! Soái gia hình như đã rời núi đến vùng này một mình. Cái ngộ tìm quanh đã hai ngày đêm, vừa thấy tàu Tây lảng vảng…
Long Nữ cau màu liễu:
– À! Lão xà lớn mật! Bắt “Tây Bàn” khích nhử Phi Mã tới lại báo tàu Tây đến! Gớm lắm! Còn phó soái?
– Phó soái tuần trước dẫn binh tới Lê gia trang, bắt con tuần phủ bị người sam quét trảo độc vào tay, hiện nằm phục thuốc.
Vừa nghe nói đến “con tuần phủ”, nàng nữ tặc vùng hỏi giật:
– Sao? Bắt họ Lê? Chú có đi theo? Phải người khách từng đến chơi Phi Mã?
Đa Sát Thủ gật đầu:
– Dạ! Chính chàng khách, soái cô! Tối đó lạ lùng, trang hoang náo loạn, tử chiến kinh hồn. Cả Lưỡng Quái, Song Ma, Quỷ Tú v.v… Nhưng Phi Mã phó soái uổng công, họ Lê chạy mất!
Long Nữ tươi hẳn mặt, rung giọng:
– Chính mắt chú thấy rõ! Hay người anh ông khách! Ta có nghe quan tuần Cao Bằng còn một con trai nữa mất tích đêm biến động?
Đa Sát Thủ vừa gật lia, Long Nữ đã phất tay, buông gọn:
– Ẩn tàu vào quần sơn khuất! Hạ xuồng! Theo hút tàu Tây! Đa Sát Thủ ở lại giữ tàu ô, A Thiên lấy nửa quân xung trận, theo ta!
Giặc khách dạ ran. Nháy mắt vịnh tối chỉ còn sóng cuộn.
Lúc đó, chiếc thuyền thoi gẫy cột buồm đã cập vách quần sơn, xế dưới ngọn đèn xanh chót vót, hạ buồm.
Người mặt dữ truyền thuỷ thủ kiếm hốc khuất buộc thuyền, đoạn cả bảy người lên bộ, mang theo cả hành lý, giỏ mây đựng lễ vật.
Vừa theo được một quãng, chợt thấy hoả pháo sáng rỡ một vùng, trông lại, thấy bóng tàu Tây chạy tới, người cao gầy bảo bạn đồng hành:
– Hung tinh thắp đèn đợi khách, chẳng lẽ quan Tây? Lạ thật! Xưa nay “vua rắn” ghét nhà nước? Hay quan quân đến đánh?
Người đàn bà mập hét:
– Lão khùng chết bầm ở núi hoang giữa biển ăn rêu đá! Nhà nước nào thèm đến viếng đêm hôm mưa gió thế này? Chắc bấm độn, biết nên đón bọn ta đó! Để gái này dẫn đường!
Cả bọn bíu nhũ đá kiếm lối leo đi mãi, trông lên, vẫn thấy ánh đèn cao tít. Loanh quanh mãi, toàn gặp chỗ hiểm hóc, rêu trơn, ba người bèn cắp luôn đám thủy thủ, dùng thuật khinh thân vọt lên thoát đi đã tới ngọn. Mới hay chỗ đó cây cối um tùm, trên ngọn có treo một chiếc đèn lòng nhốt đầy đom đóm. Thì ra rặng Mê Sơn hoang dã, phía dưới toàn đá nhũ, bên trên quá nửa lại pha đất đồi, cảnh thổ đột hiện dưới chớp loè coi rất lạ mắt.
Cả bọn còn đang quan sát, bỗng nghe có tiếng địch nổi chìm réo rắt xế sau ngọn đèn, phương Đông Nam xa xa.
Cả bọn bèn noi theo âm địch, lần tới, tưởng gần, không ngờ đi vòng nửa núi, tiếng địch vẫn xa, chợt nước chảy róc rách, trời tối sầm lại, sực mùi hôi tanh đến lộn mửa, phía trước phát ra những tiếng “chí chí”, rào rào muốn đổ lộc rung cây. Định thần chú mục, mới hay rắn rết hàng đàn đang bò tới, theo hình cung, khép lại.
Nhanh như cắt, ba người vội cắp thủy thủ vọt lên ngọn cây, nào ngờ trên cây lại phì phì lúc nhúc đầy trăn gió bay ập lại. Người đàn bà hét chìm:
– Không xong! Lâm trận “Trường xà” nhằm cửa Thiên la địa võng rồi! Mau luồn giữa!
Mấy người nhào xuống lưng chừng, tuôn giữa đám rắn rết. Khỏi lùm cây rậm, chợt thấy một thảo lư nằm bên vách đá, ngoài có tréo tấm biển lớn xanh lè hai chữ “Mê Cung”, trong có ánh đèn hắt ra cùng âm địch.
Người đàn bà nói khẽ:
– Động vua rắn đây rồi! Kỳ hình mau lên.
Phập! Mụ ta cỡi luôn trên cổ người đàn ông cao, tay múa chăm trùm lên đầu cùng nhau tiến vào thảo lư.
Ánh sáng chập chờn, thì ra không ai khác Sam Ma Kỳ Hình phò Thái Dũng ra Đông Hải tìm Hung Sát Xà Tinh quân, trong lốt mặt nạ da người dữ.