Nữ Tướng Miền Sơn Cước

Chương 20 - Mộng Du Vương

trước
tiếp

Thái Dũng và Năm Lực phi ngựa như bay, đến một dãy rừng, bất ngờ thấy một đứa bé đang bị bọn người lạ mặt toan bắt cóc. Thái Dũng ra tay cứu và đưa em về. Đến khúc rẽ, hai thầy trò vọt đi như gió. Qua rừng đào, ra khỏi Cha Pa, bỗng nghe phía trấn súng nổ đì đẹt, cả hai đoán chừng bọn giặc nào đó trên Si Phàn đánh tháo cho đồng đảng nên cứ điềm nhiên giục ngựa như thường.

Dũng cúi hỏi đứa bé:

– Em ở đâu để anh đưa về? Đứa bé ngoái lại ngó chòng chọc, đôi mắt ngây thơ như mắt nai vàng, lễ phép thưa:

– Bẩm cụ, nhà con ở Phòng Tô! Con đến Cha Pa mua thuốc cho mẹ con!

Nói đến đây, choàng sực nhớ cái ấm đất để sắc thuốc đã vỡ, nó vùng ứa nước mắt nghẹn ngào:

– Mẹ con ốm… Giờ ấm vỡ mất, mẹ con lấy thuốc đâu uống? Cụ, cụ cho con lộn lại kiếm ấm…

Dũng thấy đứa nhỏ xinh xắn, ngây thơ, mặc quần áo Thổ, nói tiếng Kinh rất sõi, có vẻ con nhà khá giả sa sút chi đó, lòng càng thương mến, bèn vuốt tóc an ủi:

– Đừng lo! Đưa về anh chữa cho mẹ em. Anh biết nghề thuốc! Đứa bé có dáng hớn hở, ngó chàng, hình như lấy làm lạ sao có ông già râu dài tốt đến thế, lại cứ xưng anh với mình. Bỗng nó ngẩn mặt ra, kêu lên:

– Cụ… cụ… Cho con xuống! Con về một mình! Mẹ con đã cấm dẫn người lạ đến nhà!

Dứt lời, nó định tuột xuống. Dũng giữ lại, cười bảo:

– Chớ ngại! Trời sắp về chiều, rừng vắng, lỡ gặp thú dữ hay lũ hai Sẹo phòng nhì thì khốn! Anh về không hề gì mà! Đứa bé mừng có người chữa bệnh nhưng vẫn áy náy về lời mẹ dặn, cứ đi một quãng, nó lại ngỏ ý từ giã. Dũng cũng lấy làm la, đang rỗi, lại mến đứa nhỏ, nên cứ gạt đi, lấy lời ôn tồn trấn an.

Càng lúc ngựa vào rừng sâu. Tiếng bảo Phòng Tô, nhưng quá nhiều bản

Thổ, đi khỏi vùng Tả Phình, Phòng Tô, Bát Sát, ngựa cứ xuyên sơn đi chếch lên phía Tây Bắc biên thùy, theo các lối mòn thổ dân mãi chưa tới. Rồi lối mòn cũng hết. Đứa bé đưa hai người vào một vùng thâm sơn cùng cốc, giữa rặng Tây Phàn, hết sức hiểm trở, không lối đi phải rẽ cành lá vượt qua nhiều đợt đồi núi, suối khe, chừng bốn giờ chiều tới một sơn cốc đẹp lạ nằm giữa lâm tuyền đầy hoa dại, chim kêu, vượn hú. Đứa bé trỏ về phía Bắc núi, bảo:

– Nhà con kìa!

Thái Dũng, Năm Lực giục ngựa tới, thấy cuối cốc, có một căn nhà sàn tựa sườn núi, trước mặt có con suối chảy lượn róc rách, gần đấy lại có một vườn rau nhỏ, hàng rào nước bao quanh, mái nhà đầy hoa leo coi rất thơ mộng.

Hai thầy trò cỡi ngựa qua cổng, trên thấy gà, vịt, lợn, dê từng bầy vui mắt, trước nhà lại có một vườn hoa nhỏ, thoáng coi rõ nhà một ẩn sĩ tôn kính.

Nhưng không một bóng người trong nhà, khắp cốc cũng không một mái nhà sàn nào nữa, ngạc nhiên Dũng hỏi:

– Sao lại ở chốn cùng cốc này? Cha em đâu?

– Bẩm, cha con chết lâu rồi! Chỉ có hai mẹ con ở đây thôi!

Dũng càng lạ, định hỏi, ngựa đã tới vườn hoa, đứa bé nhảy xuống, nói nhanh:

– Để con vào thưa với mẹ con đã!

Nói đoạn, nó chạy tót vào.

Hai thầy trò lững thững dắt ngựa vào gần chân thang buộc cương, nghe trên sàn có tiếng đàn bà kêu lên có vẻ lo ngại khác thường:

– Mẹ đã dặn đi ra ngoài phải cẩn thận. Lại để xảy chuyện, giờ biết làm thế nào? Đã bảo đừng cho ai biết cốc này? Con định để người ta chết oan sao?

Im lặng. Rồi có tiếng thở dài mệt nhọc:

– Thôi đã trót, phải ra mời hai cụ ấy vào đây!

Hai người nhìn nhau, cùng ngạc nhiên vì lời nói úp mở nghiêm trọng vừa nghe lọt.

Chợt đứa bé chạy ra thỉnh vào.

Thái Dũng, Năm Lực lên thang. Đứa bé mời khách ngồi vào chiếc chõng tre gần bếp lửa, đoạn nhanh nhẹn đi lấy nước mời khách.

Hai người vơ vẩn ngắm quanh thấy căn nhà bày biện rất nhã, trên vách, treo đầy cung nỏ, dao quắm, lưỡi bẩy, các dụng cụ săn bắn, cả súng hỏa mai, súng hai nòng, lại có một bao gươm cổ chạm trổ rất tinh vi. Vách khác treo đầy da thú, đầu sơn dương, tê giác, góc nhà lại có một bộ ghế đẩu bằng chân voi phơi khô v.v…

Nhác qua đã đoán chủ nhà là một tay ưa săn bắn.

Chợt có tiếng dép lẹp kẹp, hai thầy trò Dũng nhìn vào, thấy một thiếu phụ chống gậy bước ra, cúi đầu chào:

– Lạy hai cụ! Du Nhi! Lấy bình trà ướp hoa sói ra đây!

Dũng, Lực đứng lên thi lễ, thấy thiếu phụ trạc 40 tuổi, mặt còn lưu rõ cả một thời xuân sắc, tuy da hơi xanh, quầng mắt hơi thâm vì ốm đau. Mũi thon, mắt bồ câu đen láy, môi cung, nàng có vẻ đẹp rất hiền hậu, đoan trang, tuy mặc y phục

Thổ, nhưng ánh mắt, đoán ngay được người gốc ta với những “đường nét kinh thành” phảng phất trên khuôn mặt nhân dáng.

Nàng có vẻ cố che đậy tâm sự u uẩn, lo lắng khác thường, gượng lại ngồi ghé lên chiếc ghế chân voi, dịu dàng bảo khách:

– Dám xin hai cụ thứ cho! Nhà xó rừng mẹ góa con côi, thanh bạch. Nghe cháu nói cháu bị người đánh, được cụ thương cứu, thật mẹ con tôi không biết lấy chi đền đáp.

Dũng giới thiệu quản gia Lực, nói mấy lời khiêm tốn, đoạn hỏi qua về thân thế thiếu phụ, có ý lạ sao lại ở nơi quá khuất tịch.

Thiếu phụ ngậm ngùi kể qua. Mới hay nàng thuộc giòng quý tộc dưới xuôi, cha làm tòa sứ Yên Tây, lấy con gái tù trưởng, sau lại bổ tri châu Bảo, bị kẻ thù tàn sát giữa một đêm trừ tịch. Riêng nàng may được một khách lâm tuyền đi qua cứu thoát, đem nàng lánh đến đây. Cảm nghĩa, nàng kết nghĩa vợ chồng cùng khách, cùng nhau nương náu rừng xanh. Khách quyết báo thù cho vợ, dốc tâm rèn luyện. Một đêm tìm hạ được bọn thù, nhưng khi nàng lần tới thì cũng vừa kịp ôm lấy cái xác còn nóng của chồng. Đem về cốc chôn, đêm đó vừa sinh Du Nhi… Từ đó, hai mẹ con nương náu rừng xanh… đúng mười hai năm góa phụ thờ chồng!

– Tội thằng nhỏ, mồ côi cha sớm, phải giúp mẹ lo sống giữa rừng! Cháu hiền lành ngoan ngoãn, ngờ đâu… Đang kể, thiếu phụ bỗng im bặt, rót nước mời khách.

Dũng từ tốn bảo:

– Kẻ thù đã diệt, sao bà không đem cháu về xuôi, hay tìm chỗ trấn đông, cho cháu tiện ăn học?

Mặt thiếu phụ bỗng trở nên sầu thảm lạ lùng, đưa tay ôm mặt, có vẻ hãi hùng điều chi.

Chợt nhìn ra ngoài sân sương chiều đã xóa nắng hanh, chỉ còn vài tia le lói tít ngọn non xa, vụt bảo khách:

– Cụ xơi nước còn lên đường cho kịp! Gần năm giờ rồi! Mau lên không chậm mất!

Dũng hơi lạ về thái độ tống khách, hơi sợ hoảng của thiếu phụ hiền hậu.

Du Nhi đứng sau mẹ, chợt lên tiếng:

– Mẹ à! Nhà con thịt nai, để con nướng cho hai cụ xơi, hai cụ nghỉ đây mai đi, mẹ à!

Thiếu phụ mắng át, liếc ra ngoài có dáng thấp thỏm điều chi. Dũng chợt nhớ ra:

– À! Em nhỏ có nói đi mua thuốc Bắc, nhưng ấm vỡ mất, tôi có biết nghề thuốc, bà để tôi chẩn mạch giúp!

Thiếu phụ có dáng buồn, lắc đầu:

– Cám ơn cụ! Nhưng… muộn rồi! Xin cụ mau rời cốc! Khỏi nguy hiểm!

Dũng ngỏ ý thành, mãi nàng mới để chàng coi bệnh. Vừa chẩn mạch, Dũng đã kêu khẽ:

– Bà bị “phản kình”, kinh mạch loạn động. Chắc bà luyện gấp, sai pháp môn đây! Lực tiêu nhiều lắm!

Thiếu phụ kính phục hết sức, đành thú thực mình có được chồng truyền võ công, mới đây vì vội, bất ngờ bị “tẩu hỏa”, người bạc nhược phải sai con về trấn mua thuốc, theo đơn sách để lại.

Dũng liền bảo Năm Lực ra ngựa lấy dụng cụ, đoạn bắt tay chạy chữa luôn.

Bệnh cũng không nguy ngập quá, chàng dùng phép châm cứu, xoa bóp, xong cho uống linh đơn. Đoạn bảo con bệnh thở đều, mấy phút sau, nàng tỉnh táo hẳn lên, dáng mừng rỡ, vụt bảo:

– Cám ơn cụ bội phần! Giờ cụ mau lên đường cho kịp!

Hai người đứng lên cáo biệt, bất thần thiếu phụ bật kêu:

– Ôi thôi! Chậm mất rồi! Du Nhi! Mẹ con ta đã hại người lành!

Thốt xong, nàng ngồi im nhìn ra ngoài xa. Dũng, Lực lạ lùng nhìn theo thấy tít ngoài cốc, vừa có một luồng khói đen vút lên không, vòng qua ngọn núi Nam, rớt xuống cốc, thành một cái đầu thú coi hệt bức tranh vân cẩu.

– Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương! Du Nhi! Mau đem giấu ngựa ra sau nhà! Đứa bé chạy đi!

Dũng, Lực còn đang ngơ ngác trước thái độ kỳ dị của thiếu phụ, bỗng nghe nhạc cồng khua vang, ngoài chợt xuất hiện một tốp chín, mười bóng nhân mã, phi nước đại về phía nhà sàn.

Thoắt đã đến gần, hai người thấy cả bọn đều trùm kín mặt, mặc y phục đen, ngựa cũng mặc áo đen, coi như một lũ quỷ mã dưới âm ty vừa chui lên, mười tên đều đội quả cũng sơn đen, ngựa chạy như bay vần như dính vào đầu.

Rập! Cả lũ quái dị đến cổng tre, dàn ngang hàng chữ nhất. Dũng, Lực trông ra, thấy vút vút, cả lũ đã đội quả sơn đen nhảy vọt qua giậu, chạy thẳng đến trước sàn nhanh lạ. Thiếu phụ vội ra hiệu cho Du Nhi đưa khách vào ẩn trong buồng.

Lũ quái dị nói lớn:

– Phu nhân! Đại Vương chúng tôi sai mang đồ sính lễ, rước phu nhân!

Thái Dũng, Năm Lực ẩn trong buồng, nghe bọn lạ nói đến hôn lễ, cùng lấy làm lạ, ghé mắt xuống thấy bọn này trùm mặt đen, dữ dằn, đang thắc mắc. Bỗng nghe thiếu phụ quát lớn:

– Chó đú! Đem về! Bảo chủ tướng mày sao cứ theo đuổi làm khổ ta mãi! Ta đã bảo…

Một tên nói luôn:

– Bẩm… phu nhân bớt giận! “Người” đã quên bữa nay có hẹn với chủ tướng sao? “Người” đã hứa… Chủ tướng cũng sắp tới!

Dứt lời, cả lũ chuyển mình nhất loạt, vọt lên nhà sàn, đặt luôn các quả sính lễ xuống trước mặt thiếu phụ, đoạn cúi chào, bỏ đi liền.

Thái Dũng, Năm Lực chờ bọn lạ tế ngựa khuất xa mới bước ra. Thấy thiếu phụ ngồi im trên ghế chân voi, bâng khuâng ngó về phía núi xa, mặt u buồn lạ. Du

Nhi sà tới, nắm lấy tay mẹ hỏi dồn:

– Mẹ ơi! Bọn nào đó, sao coi dữ thế? Mà họ đem biếu gì thế? Mẹ…

Thiếu phụ vuốt tóc con, khẽ thở dài ảo nảo, chợt lẩm bẩm:

– Du Nhi! Du Nhi! Con nhờ ngựa quý khách xuống Cha Pa… Đoạn nàng quay bảo Dũng:

– Quý khách mau rời cốc! Du Nhi dẫn đi nẻo khác!

Thái Dũng đoán chắc thiếu phụ có điều khổ sở nguy hiểm, bèn từ tốn gặng hỏi mãi thiếu phụ mới chịu cho hay chuyện dữ. Thì ra một viên tướng giặc trên

Phản Tây Phàn – kẻ địch xưa – tình cờ vào cốc, gặp nàng, định hạ sát. Nhưng thấy nàng còn xuân sắc, bèn đổi ý, cầu hôn. Túng thế, nàng đành ra điều kiện giao đấu, nếu thua sẽ nhận. Giờ đó sắp tới nhưng võ công của hắn lợi hại hơn người, thủ hạ đông, mà thiếu phụ lại mang bệnh.

Kể xong, người đàn bà u cốc bảo Dũng kíp lên đường, cho Du Nhi theo dẫn lối.

Dũng lắc đầu bảo:

– Thì ra vì lẽ đó bà không muốn bọn tôi lây họa? Nhưng bọn tôi đã đến đây, bà chớ ngại! Dẫu lão Đông Quân chưa dễ hiếp người cô thế! Xin cứ để tôi giúp một tay!

Thiếu phụ thoáng vẻ mừng, nhưng bỗng đăm đăm nhìn Du Nhi, mặt chợt tối sầm, dáng sợ hãi xua tay:

– Không không! Trời sắp tối rồi! Không kịp! Ghê lắm! Quý khách nán lại sẽ mang họa dữ. Du Nhi! Con mau dẫn khách ra!

Du Nhi có vẻ sợ hãi, không dám cưỡng lời mẹ, chạy lại bên Dũng, nhưng chàng trai khẳng khái lên tiếng trấn an, thình lình nghe tiếng sài kíu tru vang ngoài cửa cốc, thiếu phụ vùng thở dài, lắc đầu:

– Nó đây! Số mệnh… số mệnh!

Thái Dũng ra hiệu cho Năm Lực dẫn thằng nhỏ vào buồng, đoạn nhanh giọng bảo thiếu phụ:

– Bà mau kéo ghế ngồi dựa cửa buồng! Đã có tôi sau lưng!

Tiếng sài kíu tới gần, thiếu phụ đành theo lời Dũng. Vừa ngồi xuống đã thấy một bầy sáu, bảy con sài kíu xông tới, ngay phía sau một bọn chừng hai mươi tên cỡi ngựa “phò” một bóng nhân mã quái gở, phi lại như con lốc, lao qua cổng, dàn hàng giữa sân, súng ống tua tủa. Bóng quái gở giục ngựa đến trước hoa viên, dừng lại.

Người ngựa đều trùm đen, chỉ để hở con mắt tay bóng quái cầm một cái gậy xương, cổ lại đeo một cỗ tràng hạt, bằng sọ người coi gớm ghiếc hệt kẻ Dũng gặp dưới Địa Võ Huyệt mồ trong nghĩa địa Cờ Đen xưa.

Bầy chó sói nhảy lên sàn nhẹ, nhe nanh trắng nhỡn. Quái nhân nói lớn:

– Hiền thê đâu sao chưa ra gặp tân lang?

Thiếu phụ mắng:

– Chó đú đã thắng ta đâu dám lộng ngôn? Còn sợ hay sao để lũ chó thật lên thám thính?

Quái nhân cười the thé, hú lên một tràng, bầy sói vừa nhảy xuống dưới, quái nhân đã vọt nhảy ngồi trên cửa sổ, dòm quanh, gật gù:

– À! Hiền thê thủ tín lắm! Bây đâu! Đem kiệu lên mau!

Dưới sân, bốn tên nhảy lên, khiêng theo một cái kiệu “diêm dúa”, quỳ luôn xuống. Thiếu phụ trừng mắt mắng:

– Lũ chó, vội lên thế? Sao không cút xuống đỡ chủ bay?

Quái nhân vắt vẻo trên thành sổ, cười khà:

– Ta chỉ sợ quá tay thương tổn đến người ngọc! Nào! Mau lên về núi chứ?

Thiếu phụ vận lực, bỗng cảm rõ có bàn tay chạm vào lưng tiếp liền tiếng trầm rót vào tai:

– Giết hay đánh què? Một đòn thôi! Thằng này lợi hại lắm đó! Hỏi tên coi!

Thiếu phụ khẽ bảo:

– Thù xưa trả rồi, chẳng nên kết oán.

Nàng cao giọng:

– Ta đánh đây! Một chiêu thôi! Khá nói rõ danh tính! Và nhớ theo đúng lời giao ước!

Quái nhân cười khà:

– Phó soái Phản Tây Phàn! Giao hợp rồi sẽ biết tên!

Thiếu phụ cảm rõ cơ thể bừng bừng, như trái cầu bơm căng, lập tức múa tay đánh vụt ra một nhát. Quái nhân có vẻ coi thường, khoa tay phát ra một luồng kình phong, đánh cản. Thiếu phụ thả luôn tay trái, quái nhân đang cười bỗng thấy từ tay nàng lia ra luồng hắc phong rất nhỏ, vút lại như một sợi chỉ, cảm rõ áp lực tựa núi đè. Quái nhân lật đật vận toàn lực, ra chưởng đỡ. Chỉ nghe “bùng” một tiếng, luồng chỉ phong bỗng loe rộng như cái hương sen chụp tới, thoáng mùi tanh tao gớm ghiếc, cả căn sàn rung rinh, quái nhân “hự” một tiếng, bắn lộn xuống sân. Đám bộ hạ ào lại, thất kinh, thiếu phụ khẽ kêu:

– Trời! Điện công kỳ dị, không khác phản phong Hắc Sát Tinh Quân miền vịnh Hạ Long! Hắn chết rồi!

– Không! Chỉ trọng thương thôi! Mỗ đây cốt thử coi bọn trên Tây Phàn trị độc chưởng ra sao!

Vừa nghe Thái Dũng nói phía sau, thiếu phụ đã cất giọng lanh lảnh:

– Thồ chủ bay về phục thuốc! Hắn thua cuộc rồi! Đám thủ hạ giận dữ rút súng nhất loạt xúm vực quái nhân lên. Mặt xám xịt, quái nhân phều phào:

– Mau đem ta về núi! Mụ không lợi hại đến thế… Có kỳ nhân ẩn núp…

Mau… không uổng mạng… Đám thủ hạ lật đật xốc quái nhân lên ngựa, cùng bầy sói, rút ào đi như cơn gió. Lúc đó, mặt trời cũng vừa lặn hẳn. Nắng quái cũng tắt hẳn trên đèo, sương lạnh chìm u cốc.

Thiếu phụ đứng lên, ra ngoài cửa sổ ngó theo, bỗng nàng xây xẩm cả mặt mày, ngã dụi xuống.

Thái Dũng vừa bước ra, thấy thế vội chạy lại đỡ thiếu phụ, cùng Lực, Du

Nhi vực đem vào buồng. Biết nàng đang bệnh, tiếp nhận điện lực quá mạnh, bị phản chấn. Dũng vội tận lực chạy chữa. Chỉ lát sau, nàng chợt tỉnh, thấy trời xẩm tối, vùng kêu lên hốt hoảng:

– Trời! Nguy rồi! Quý khách sao chưa lên đường? Tối rồi…

Thái Dũng thấy thiếu phụ chỉ đuổi khéo mình, cho là nàng tỵ hiềm nam nữ, bèn hất hàm bảo Lực:

– Có lẽ… ta cũng nên đi cho tiện!

Lực thấy trời tối, ý muốn xin trọ lại, bèn ngỏ ý với thiếu phụ. Chẳng ngờ thiếu phụ chẳng tỏ vẻ lưu khách, vẫn nằng nặc xua đi, Thái Dũng lập tức từ tạ lên đường.

Ra đến cổng, thiếu phụ còn dặn với:

– Quý khách nên về thẳng Cha Pa, chớ đừng dừng dọc đường, nguy hiểm!

Hai thầy trò tế ngựa ra cửa rừng, lòng vẫn thắc mắc về sự khiếm nhã của nữ chủ. Thái Dũng nhìn cánh núi đèo trùng điệp nằm bặt dưới trăng sương, bảo Lực:

– Lạ thật! Hai mẹ con ở giữa khu cùng cốc! Lại bị giặc dữ làm càn, vừa lui được giặc, đã đuổi mình! Ngờ có gì bí ẩn!

Lực cũng lạ. Ra đến cửa rừng, trông bốn bề quạnh vắng, huyền bí, càng động trí tò mò. Thái Dũng liền bàn với Năm Lực giấu ngựa trong một hang đá, đoạn một mình lẻn trở lại u cốc.

Quả là cốc dữ, mới tám, chín giờ đã đầy thú dữ mò ra tìm mồi. Thỉnh thoảng, lại gặp cọp mộng kêu “bép bép”, gió đưa mùi khẳm mùi kềnh. Trăng mờ sương lạnh, cốc cùng thê lương, gió thổi, nước chảy, thú kêu, trùng rền rĩ, hoẵng kêu, dìm “xoảng”, sói tru, rắn trườn… Cảnh rừng hoang Tây Bắc chừng như ngậm bí ẩn huyền bí đặc biệt của miền ma thiêng nước độc, kẻ nhát gan có thể dựng tóc gáy.

Thái Dũng nương bóng lá, đảo lại căn nhà sàn của mẹ con Du Nhi, thấy im phăng phắc. Chàng bèn lượn một vòng, không thấy chi lạ, liền lộn ra cửa cốc. Tới giữa thung, bỗng nghe vó ngựa khua lóc cóc, một bọn đến hai mươi bóng nhân mã lướt vào. Dũng vội ẩn kín, bọn này chợt dừng ngựa, dưới trăng mờ, Dũng nhận ra ngay chính bọn đến cầu hôn buổi chiều, nhưng lại một người khác chỉ huy. Tên này rúc mấy tiếng, bỗng thấy một đàn chó sói chừng mười mấy con lao tới chân ngựa. Tên này ra hiệu riêng, đàn chó sói lập tức vọt đi như cắt. May Thái Dũng đã kịp rút lên cây, nghe tên kia bảo thủ hạ:

– Vây quanh! Ném đồ dẫn hỏa, chúng phải chạy ra! Bọn ngươi phục quanh kia, có tài thánh cũng không thoát!

Cả bọn vừa toan giục ngựa tiến vào, thình lình nghe có tiếng vi vu vi vu tựa tiếng tù và đêm đông, tiếp liền có nhiều tiếng chó sói tru hộc.

Một tên đứng cạnh gã chỉ huy, bỗng giật phắt vải trùm, dáng kinh sợ thất thần:

– Trời! Nguy! Nguy to rồi! Thần chết! Thần chết!

Thái Dũng nhận ngay được chính tên cụt tay trong quán rượu Cha Pa bị bọn quan Hai phòng nhì bắt.

Lập tức, cả bọn dáo dác nhảy tót xuống ngựa, tên chỉ huy hét chìm:

– Chó chết! Thần chết là cái gì? Đứng im cả! Quên đang ở bên tao Thần chết Phản Tây Phàn à?

Mặc cả lũ thủ hạ cứ dáo dác dòm về phía trong cốc, Thái Dũng nghe chúng nói “thần chết” cũng lạ, bỗng nghe tiếng vi vu lặp lại rất gần. Dũng bèn nhìn vào, thấy phía trong ào ào đổ lộc rung cây, như nổi giông bão, tiếng sói kêu rống, rọi dưới trăng. Thấy bầy thú vừa chạy trở lại, vừa ngoái lại tru, coi hệt bầy chó sủa ma.

Bọn lạ bỏ ngựa, chạy tứ tán, tìm chỗ núp. Tên chỉ huy cả giận, rút súng hét đinh, thình lình bầy chó im bặt, ào cây cối ngã nghiêng. Thái Dũng ngạc nhiên trừng mắt dòm, bỗng giật nảy mình nhận ra bầy chó cụt đầu đang chạy bổ lại chỗ ngựa đứng.

Còn đang ghê thay chuyện tàn sát, bỗng thấy Năm Lực nhảy ra, lắc đầu lè lưỡi kêu:

– Khiếp quá! Cậu Ba! Không hiểu con quái gì mà ghê thế? Hút chết! Tôi nằm dí hốc đá, vừa rồi cậu ở đâu?

Dũng lắng nghe, thấy cốc rừng im lìm, bảo Lực:

– Có lẽ Nam Thánh thật! Vừa rồi vật đó trổ thuật phóng kiếm xa đến năm mươi bộ chắc… Lạ thật! Hình con vượn, con khỉ độc.

Hai người bàn tán không ngớt.

Năm Lực giục Dũng đi gấp. Chàng trai chợt bảo:

– Chắc còn quanh vùng! Cơ hội ngàn năm, bỏ sao được! Phải tìm cho được!

Tôi ngờ “hình dị” này vẫn xuất hiện quanh u cốc, nên thiếu phụ mới tống khách cho khỏi nguy hiểm. Chú cứ ẩn kín chờ tôi!

Dứt lời, chàng dụng thuật dạ hành, đi liền. Nhưng đảo khắp cốc trong, rừng ngoài, chẳng thấy “hình dị” đâu. Khoảng canh tư, chàng bèn lộn lại nhà thiếu phụ, thấy bốn bề vắng tanh.

Chợt nghe có tiếng ai khóc tỉ tê, đêm thanh vắng não nuột lạ. Dũng bèn vọt qua giậu, lần vào nhà, sực thấy một bóng đàn bà ngồi gục khóc như ôm vật chi.

Lại gần mới hay, đó là một nấm mộ xây, toàn bằng đá phiến. Để ý, giật mình nhận ra chính thiếu phụ chủ nhà đang ôm mộ khóc rất thảm. Nghe kỹ câu được câu chăng:

– Chàng ôi… thiếp biết làm sao? Sát nghiệp này… biết tại đâu? Bọn quỷ… tiền oan… giờ biết đi đâu cho khỏi có loài người.

Càng lúc tiếng than của thiếu phụ càng có vẻ thống thiết, chợt lại nghe nàng than tấm tức:

– Trốn tận xó rừng, không xong… Đến đâu chỗ đó lại thành địa ngục… Ôi!

Chàng có khôn thiêng… về cứu… tội tày đình…

Nàng cứ lảm nhảm như người nói mê, lại thắp hương khấn vái. Dũng cứ đứng đó theo dõi từng cử động, càng lấy làm lạ.

Khoảng cuối canh tư, thình lình ngoài cốc, tiếng vo vo ào ào kinh dị lại nổi lên, chuyển về phía căn nhà sàn.

Thái Dũng không khỏi lo sợ cho mẹ con Du Nhi, bèn nhảy vọt ra cạnh ngôi mộ, khẽ kêu:

– Bà! Mau tìm nơi ẩn trốn! Không nguy hiểm tính mệnh!

Thiếu phụ giật nảy người, ngoảnh phắt chợt nhận ra khách ban chiều, mắt nàng chợt mở to có vẻ kinh ngạc lạ thường, mãi mới bật kêu:

– Ân khách! Trời! Ông chưa đi sao… lại còn lẩn quẩn cốc này? Chạy mau!

Mau…

Thái Dũng từ tốn:

– Xin bà kíp tìm nơi ẩn trốn! Còn tôi, bà chớ ngại! Tôi có thể chặn…

Nhưng thiếu phụ đã xua tay rối rít:

– Kia kìa “nó”! Ân khách lánh mau, không ai địch nổi “con quỷ ám” đâu! “Véo” tiếng vo ve ập lại, xé vào sân trước, như tia chớp, thiếu phụ có vẻ lo ngại cho Dũng, vội nắm luôn lấy tay chàng kéo phăng về phía cuối mộ, vòng cửa sau, lên nhà, đẩy luôn chàng vào buồng mình.

Nhà tối mờ, trong bếp giữa nhà, chỉ còn than hồng sáng lên mọi vật, chàng thấy thiếu phụ chắp tay trước ngực, ngước trông lên dõi theo âm dị, mắt có vẻ đau khổ lạ thường, chớ không lo sợ mấy. Lúc đó, tiếng vo vo véo véo vụt trốc nhà cứ thế đảo vòng thúng, thỉnh thoảng Dũng lại thấy véo loáng hình thù kỳ dị vút ngoài cửa sổ.

Chợt nhớ ra, chàng vùng hỏi:

– Du Nhi đâu? Bà phải cẩn thận, không nguy hiểm!

Vừa hỏi vừa nhìn quanh buồng, chẳng thấy thằng nhỏ đâu, trên giường tre kê góc, màn buông rũ.

Thiếu phụ trỏ vào màn, ấp úng:

– Nó ngủ mệt… không lo!

– Lỡ “vật kia” ập vào thì nguy! Bà không thấy “nó” cứ lượn quanh nhà sao?

Nói đoạn, tiến lại, vén màn, nhưng trên giường chẳng có ai.

– Trời! Du Nhi đâu rồi?

Cho là thằng nhỏ tò mò chạy ra nấp chỗ nào coi, Dũng bèn vọt ra mấy gian ngoài, nhưng cũng chẳng thấy thằng bé đâu.

Ngay khi đó, “vật lạ” liệng sát ngoai sân. Thái Dũng tay vẫn cầm cái gậy song của Thần Quân, bèn dòm ra gần cửa cho rõ.

Chỉ nghe “véo” “véo” qua cửa, bỗng nghe có tiếng hú cực kỳ dữ tợn, rồi bất thần, từ ngoài hoa viên, chỗ lùm cây rậm, vệt sáng bay vụt vào nháng trốc đầu chàng. Sức xé gió với tốc lực kinh hồn, còn dữ hơn cả của Đông Quân, Hắc Sát.

Dũng cảm thấy lạnh buốt âm phong, thất kinh hụp đầu tránh tay vận kình lực quật mạnh vào vật sáng. Chát! Chàng chồn cả tay, liếc thấy vách sau có treo một con dao rừng dài hơn gang tay, bèn nhảy vọt vào, chụp lấy, sờ lưỡi thấy lạnh toát, biết dao quý, nghĩ thầm:

– Nam Thánh… tứ trụ võ lâm, vô địch kiếm phi, nếu không chặn lại, làm sao gặp mặt! Và cũng cần đo lượng sức điện ra sao!

Bèn giắt gậy, cầm dao, vận hết kình lực, nhìn ra. Vệt sáng đảo xẹt ngoài cửa, bất thần, xẹt thốc vào chỗ Dũng, chàng trai cũng thả vụt lưỡi dao ra.

Hai thứ quật vào nhau, nghe “chát” một tiếng, rồi Dũng thấy mình chúi về phía trước như bị một sức hút dị kỳ, vụt cái, lưỡi dao rớt, luồng điện lực bay đâu mất, cả vật sáng cũng vậy. Nhưng chỉ mấy khắc đã nghe “véo véo” tiếng xé gió, rồi vệt đó lại xẹt vào, loằng ngoằng như chớp dài, hoa cả mắt. Thiếu phụ từ trong buồng chạy ra, kêu thất thanh:

– Ân khách bản lĩnh cao cường, cũng không chống nổi “con quỷ ám” đâu!

Quỷ ám! Không nhận được tao ư?

Ngay khi đó, vệt sáng chém xả xuống đầu Dũng, chàng trai chưa kịp tránh, thiếu phụ đã chắn trước mặt, giang tay hét:

– Quỷ ám! Quỷ ám! Tiềm thức mày đâu? Lại chém cả tao!

Lạ thay! Vệt kia nháng mấy vòng rồi tắt phụt.

Cả khu nhà sàn, cốc vắng lại rơi vào im lặng, vẳng vài tiếng chim khảm khắc từ hai bên đầu núi Bắc kêu thương, để rớt xuống cốc cùng… rã rời bâng khuâng…

Thiếu phụ thở phào:

– Nó đi rồi! Nó về địa ngục rồi! Ân khách mau kíp lên đường!

Thái Dũng thấy thiếu phụ đuổi khéo, không khỏi lấy làm lạ, nhưng chẳng biết sao hơn, đành cúi chào từ giã.

Nhưng lúc chàng quay đi, chợt có một cơn gió mạnh lùa thốc vào khung cửa sổ, thổi lóe rực than hồng trong bếp, chàng thoáng nhìn lên vách, thấy lấp lánh con dao rừng nhỏ treo đấy – con dao chàng vừa chụp, vừa chặn luồng khí đã bị hút mất.

Và ngay cạnh con dao, có một thanh đoản kiếm trần treo chếch, đỏ khé màu máu tươi!

– Lạ thật! Nãy ta vớ con dao rừng, đâu có thấy thanh tiểu kiếm? Lẽ nào ánh than hồng lại đỏ đến thế sao?

Thái Dũng thoáng nghĩ, đoạn cứ điềm nhiên xuống sàn, ngờ “quái hình” giống khỉ, vượn giết người như ngóe kia chỉ ẩn trú quanh vùng cốc thẳm và biết đâu chẳng liên hệ tới thiếu phụ kỳ dị.

– Gặp ai cũng giết, tàn sát cả cỏ cây… như điên, sao không động đến mẹ con nàng? Biết đâu chẳng phải chồng nàng, vì lẽ gì đó, không lộ diện?

Chàng trai họ Lê ra khỏi cốc, đầu óc còn đảo lộn hàng trăm ý tưởng trái ngược nhau.

Tới cửa rừng, vừa sang canh năm, chàng bèn cùng Năm Lực lên ngựa lập tức rời vùng Phòng Tô, Bát Sát, kiếm lối trở lại Cha Pa.

Dọc đường, gặp ba bốn cái xác mãnh thú cụt đầu tới sáng, tạt vào Châu

Phòng Tô, kiếm thóc cho ngựa, lòng càng kinh dị, thấy Châu thổ náo loạn như có biến. Thổ dân xúm quanh dinh quan Châu, mặt mày dáo dác. Hai thầy trò bèn rẽ ngựa lại, mới hay đêm qua có “con tinh hiện về, chặt đầu quan Châu đem đi mất, lĩnh dõng gác dinh thấy động vác súng chạy tới, hai, ba kẻ bay đầu theo”!

Hai thầy trò về Cha Pa kiếm phòng trọ ăn uống nghỉ ngơi. Chờ đêm xuống,

Thái Dũng dặn Năm Lực nằm phòng đợi, đoạn một mình lên Huyết Phong Câu, thẳng đường tới vùng rừng Phòng Tô, Bát Sát, lẫn vào cùng cốc thả Huyết Phong

Câu chỗ kín, chàng dùng thuật dạ hành, đến ngôi nhà thiếu phụ, kiếm một ghềnh đá rậm xế hồi, ngồi đợi.

Trăng lại, sương mờ, bốn bề quạnh quẽ, mãnh thú gầm mồi, trùng đêm rên rỉ, ngôi nhà cuối cốc hoang càng phảng phất như đượm vẻ quái gở ma thiêng.

Ngồi đợi đến hết canh hai, vai áo ẩm sương khuya. Thái Dũng sốt ruột, mệt mỏi, thiu thiu ngủ gật. Bất thần, nghe tiếng rú nhọn hoắc, chờn vờn, tiếp theo một chuỗi cười âm rợ. Dũng giật thót mình, chớp mắt, lắng nghe, tiếng cười cực kỳ quái gở, như gần như xa, vật vờ trong sương gió lạnh lùng, có lúc mơ hồ như từ lòng đất dâng lên.

Ngay khi đó, trong ngôi nhà sàn, bỗng có tiếng khóc than nổi lên hết sức bi thống:

– “Quỷ ám” “quỷ ám” lại hiện về! Con ơi! Mẹ biết làm sao bây giờ? Trời ơi! Con quỷ lại về hớp hồn… Du Nhi! Du Nhi!

Rõ giọng thiếu phụ, bỗng rú lên hoảng hốt khác thường. Từ đâu, tiếng cười quái gở lại cất lên, chờn vờn, âm u. Thái Dũng tưởng trong nhà có biến, lập tức quăng vọt mình tới phía nhà sàn, đu cửa sổ hậu nhìn vào.

Chỉ thấy thiếu phụ đang ôm mặt khóc thảm thiết, đập trán xuống sàn, hướng về phía bàn thờ chồng, nghẹn ngào:

– Con quỷ lại về… Sống khôn chết thiêng… sao chàng không cứu vớt mẹ con thiếp…

Toàn lời khó hiểu, thình lình tiếng cười quái lạ nổi lên, tiếp theo có những tiếng xiềng khua loảng xoảng.

Thiếu phụ đứng phắt dậy, vớ một thẻ hương, chạy xuống thang, miệng kêu:

– Không, không… trời ơi! Không thể được!

Thái Dũng lạ lùng, nhảy vào nhà. Chẳng thấy Du Nhi đâu, chàng trai lật đật phóng theo thiếu phụ, ẩn kín dòm, thấy nàng đang cắm mớ hương trước mộ, và nhào xuống ôm lấy mộ, có vẻ đau đớn hoảng hốt khác thường.

Dũng men bóng tối, lại gần, nhờ tia trăng khuya chiếu tỏ, chàng nhận ra đó là một ngôi mộ xây bằng đá phiến cao chỉ hơn thước tây, nhưng những phiến đá ghép ngoài coi ít ra cũng hàng tấn.

Bỗng chàng trai rởn tóc gáy, nghe tiếng rú nổi lên, tiếp liền một chuỗi cười ghê rợn, rõ ràng từ dưới mồ vọng lên.

Rồi lại có tiếng xiềng xích loảng xoảng, mớ hương cắm kẽ đá chợt rung lên lắc la lắc lư như… cười theo tiếng cười dưới mồ.

Nhưng độ mươi khắc, tất cả lại im bặt, sự câm nín đột ngột làm Dũng muốn lạnh xương sống.

Thiếu phụ vẫn ôm mộ khóc than. Dũng đang giương mắt nhìn, bỗng rào một cơn gió thoảng, nghe “cạch” một tiếng, trông ra thấy một hình thù đứng lù lù xế sau lưng thiếu phụ. Người đàn bà quay phắt lại, lùi một bước, kinh ngạc. Đen sì, áo thụng đen, đầu mặt trùm vải đen, lộ hai con mắt đỏ khé như mắt thú ăn đèn săn, cao lênh khênh, tay chống gậy xương, cổ đeo “tràng hạt” sọ hếu, câm nín như bóng oan hồn, nhác coi, kẻ bạo gan cũng phát rợn.

– Mụ kia! Xác bọn tối qua đâu cả rồi? Nói mau! Không ta róc thịt!

Thiếu phụ bật hỏi:

– Người… là ai?

– Sài Kíu Tinh! Ở vùng này không biết Thần chết trên Phản Tây Phàn?

Giọng nói trầm u nhọn hoắc, gai gai, nghe mơ hồ như từ đâu vọng lại, thiếu phụ vùng kêu:

– Người… con sài kíu thành tinh trên Tây Phàn? Ngươi… phải từ miền Ngoại

Mông mới về?

Thái Dũng nghe rõ, bất giác nghĩ thầm:

– À… Sài Kíu Tinh! Đúng người đi với phụ thân ta xuống huyệt mồ Lào Kay bắt Thái Kiệt. Chính yêu nhân khét tiếng thượng lưu Hắc Long Giang (Amuor)

Phản Tây Phàn! Hay lắm! Không ngờ đêm may lại gặp hắn!

Chợt hình thù quái dị ngửa mặt cười sạo gợn:

– Mụ kia! Khá! Đẹp lắm! Theo về núi hầu ta!

Vừa dứt, hình thù đã xẹt lại vươn tay trái chụp lấy vai thiếu phụ, hanh dị thường. Thiếu phụ lắc vai, ngã lưng xuống ngọn bia, phất vụt tay kia, bắn ra một mớ trâm li ti. Nhưng hình thù chỉ đảo tay áo một cái, đã cuốn luôn mớ trâm rơi lả tả, thọc vụt ngọn gậy dí ngay vào huyệt nàng. Vùng lạnh giọng:

– Tài sức này giết sao nổi người của ta! Nam Thánh đâu?

Ngay lúc đó, sực có tiếng cười the thé nổi lên, rào trận gió, sau lưng thiếu phụ đã sừng sững một hình quái dị khác, cao lớn lạ thường, đen sì, thân hình như vảy cá. Vừa xịch tới, bóng này đã phát ra một luồng phản phong, gạt gậy xương, một tay lôi thiếu phụ dậy, thủ pháp cực lẹ.

– Đông Quân!

– Sài Kíu Tinh!

– Lão độc cũng đi tìm Nam Thánh đó ư?

– Khà! Lão tinh sói đến cũng ý đó ư? Có biết “lão Thánh” là gì không? Định đem đầu lũ chó con kia làm lễ ra mắt sao?

Dũng ngó theo tay Đông Quân, mới chợt để ý thấy tít ngoại giậu có ngót mười bóng nhân mã cùng sài kíu tinh nữa.

Liếc phía sau Đông Quân, cũng thấy lố nhố mấy họng súng trong ghềnh đá chĩa ra. Lão Phi Mã Ác Sơn phát ra tiếng nhọn trầm:

– Ta có thói quen tới miền nào, miền đó thuộc về ta! Sài Kíu Tinh tối nay về đi, mai ta sẽ đến chơi!

Cái bóng âm u cao lênh khênh vẫn chống gậy xương đứng im như bóng oan hồn, chợt phát cười the thé:

– Lão hữu sao giống ta như thế? Người thượng lưu Hắc Long Giang lại đồng ý tưởng với người Phi Mã Ác Sơn! Khà! Còn cách nào hơn?

Trong lúc thiếu phụ u cốc còn dáo dác nhìn hai kẻ lạ, bất thần cả hai phất mạnh cánh tay một cái.

Chỉ nghe đến vù tựa cơn lốc, tiếp theo một tiếng “bùng” ghê gớm, cả hai bóng dữ đều bị phản chấn bật về phía sau đến mấy bộ. Thiếu phụ đứng gần kình phong cũng bị sức ép đẩy xệp xuống đất.

Thình lình dưới mồ có tiếng rú nổi lên, tiếp liền tiếng xiềng khua loảng xoảng. Thiếu phụ như quên mất cả sợ, vùng kêu:

– Trời ơi! Chạy mau! Xin các người chạy mau ra khỏi cốc! “Nó” trời! “Nó” đã về… giật xiềng… sắp đội mồ lên!

Cả Thái Dũng lẫn Đông Quân, Sài Kíu Tinh cùng kinh ngạc. Thấy thiếu phụ cứ xua tay giục chạy, lão Đông Quân nghiêng tai nghe tiếng xích xiềng khua càng lúc càng dữ, bất giác quắc mắt hỏi thiếu phụ:

– Tiếng động dưới mồ? Chi đó? Khá nói mau!

Thiếu phụ ôm mặt, giong thêm thảm:

– “Nó” con quỷ ám! Nó hiện về…. uống máu người… Trời! Biết làm sao bây giờ?

Cả hai lão độc cùng phát cười nhọn hoắc. Sài Kíu Tinh giộng cây gậy đến “chát” một cái, cất giọng âm sờn gai gai:

– Quỷ ám! Mụ nói gì? Xác chồng mụ đội mồ sống lại làm quỷ nhập tràng nhát chúa Tây Phàn sao? Hà hà!… Đang cười, bất thần, lão Sài Kíu Tinh ngừng lại, xâu sọ người khua lốc cốc nghe muốn nổi da gà, nhưng ngay khi đó, bỗng dưới mồ, tiếng hú âm âm vụt cất lên lạnh buốt thấu xương, ngân vọng khắp u cốc, “xoảng” một tiếng cực lớn, tiếp luôn một tiếng “ầm” như núi lở, cả khu mộ chuyển rung như địa chấn, rồi… đá phiến dầy cả thước trốc mồ vụt bắn tung lên hàng trượng, “bùng” “chát” “bùng” “chát” liền mấy tảng thi nhau bắn vỡ đôi, đá vụn, đá lớn đổ xuống tựa mưa rào.

Bất giác cả hai lão Độc, Tinh cùng thiếu phụ lật đật nhảy vọt ra xa tránh.

Thái Dũng bất giác kinh dị, vận nhỡn quang dòm vào ngôi mộ quái gở không chớp, nghĩ thầm:

– Lạ thật! Vật chi ghê gớm dưới đáy mồ? Chẳng lẽ… quỷ nhập tràng? Ý nghĩ chưa dứt đã nghe “xoảng” một tiếng cực mạnh, từ dưới mồ bay vụt lên mấy khúc xích sắt to lớn như bắp chân, tiếp theo một tràng hú vang động khắp cốc hoang, không ra giọng người cũng chẳng ra tiếng thú, mà ầm như tận âm ty địa ngục đưa lên, cứ thế ngân dài cao vút mãi, vút mãi, chờn vờn tận trăng khuya lạnh lẽo, khiến Thái Dũng nấp gần phải mọc gai ốc khắp mình.

Bỗng nghe thiếu phụ cuống cuồng kêu lên:

– Chạy mau! Chạy mau! “Nó” sắp chui lên…

Lạch cạch, tiếng súng lên “quy lát” khắp mấy phía, vèo cái, từ ngoài cổng tre, chợt có một bóng người nhảy vào, đứng xế sau Sài Kíu Tinh. Dưới trăng mờ, hiện rõ lão Thầy Mo đã gặp dưới huyệt mồ Địa Võng Lào Kay, chít khăn thêu ngũ sắc, tay cầm một thanh gươm gỗ sơn son, hét:

– Coi chừng yêu quái! Động chủ để Mo này đối phó!

Lời vừa buông, lão Thầy Mo đanh ác đã đọc một tràng tiếng Mán khó nghe, tay múa thanh gươm gỗ như vẽ bùa, bất thần tiếng hú quái gở dưới mồ chợt đổ xuống, chờn vờn, rồi từ dưới huyệt tối, bỗng thoảng âm thanh lạnh buốt, thoáng có một bàn tay thò lên.

Lúc đó ánh trăng chiếu vào mồ, Thái Dũng thấy rõ đây là một bàn tay nhỏ xíu, vừa thò lên lập tức quơ một cái như sờ soạng tìm vật gì. Vừa đảo một cái, bàn tay bỗng như to lớn hẳn lên, vươn dài lêu nghêu, móng tay như có vuốt nhọn, coi hệt như một bàn tay trên màn ảnh vừa vụt chiếu.

Bàn tay gỗ đảo lia, nổi âm phong veo véo như tiếng xé lụa. Rõ ràng như có một vật chi đen đen giống khói luồng đảo loằng ngoằng, rồi bay vụt về phía cầu thang theo hình cầu vồng, nhanh chẳng khác một tia đèn bấm chiếu vậy. Luồng đèn phớt xế trốc chỗ Dũng ẩn, lạnh kinh người, khiến chàng phải nín thở, ngoái ra trông xem vật gì.

Ngay lúc đó, thiếu phụ có vẻ tuyệt vọng, giương mắt nhìn lũ người lạ vây quanh, rồi ngã sấp xuống đất, lắp bắp:

– Thôi rồi… nghiệp chướng!

Cả Đông Quân lẫn Sài Kíu Tinh cũng quắc kỳ quang như điện quét trốc mồ, thấy cảnh quái dị, vùng hất hàm một cái như hội ý, và cả hai cùng nhất tề phất tay đến vụt cái. Chỉ nghe veo véo, từ tay Đông Quân vút ra một luồng ngân quang chém xả vào bàn tay vừa mới nhô lên, từ tay áo Tinh vút ra một hình đầu Sài Kíu táp ngang luồng đen cầu vồng, thế mạnh như vũ bão.

Chỉ nghe “bùng bùng” hai tiếng rồi cả hai luồng kiếm phong, đầu Sài Kíu bắn tung lại, chực rớt. Cả hai lão Đông Quân, Sài Kíu Tinh cùng đảo vội tay, thu lại, thình lình, luồng đen và bàn tay biến mất, từ trong nhà sàn bỗng vụt nổi lên những tiếng vo vo, tiếp theo âm phong chợt dậy, ầm ầm như đổ lộc rung cây, cả căn nhà rung chuyển muốn sụp. Giữa âm thanh quái gở dưới mồ, tiếng hú lại nổi lên, theo nhịp ba cực kỳ uy mãnh, cứ mỗi nhịp cát đá lại bay lên, lá cây lả tả, một vùng đến mấy chục thước vuông bị đè dưới áp lực muốn nghẹt thở.

Lão Thầy Mo chĩa gươm gỗ về phía mồ, quát lên một tiếng, đã nghe âm thanh quái gở từ phía nhà sàn ập lại, một đường cánh cung rộng hơn hai thước, cành cây gẫy răng rắc, chẳng khác bị luồng gió dữ xoắn nghiến. Véo cái, âm dị đã xẹt tới, nhanh như chớp lóe, thanh gươm gỗ trên tay Thầy Mo đã gẫy đôi, cả vành khăn quấn mấy mươi vòng trên đầu cũng bị hớt bay một nửa, kèm theo chỏm tóc bay lả tả. Âm quái xẹt vòng thúng, lão Thầy Mo hụp đầu, dáo dác. Sài Kíu Tinh lắc mình tới, kéo phăng lão Thầy Mo, quát:

– Coi chừng! Lui mau!

Cả hai lão Đông Quân, Sài Kíu Tinh nghe âm dị, vụt hiểu. Đông Quân lúc đứng phía sau mồ, vùng quát hỏi thiếu phụ:

– Âm phong kiếm khí… phải của…

Lời chưa dứt, đã nghe âm dị xẹt ra xa, có tiếng thét phía cổng trước lẫn tiếng ngựa hý lồng, súng nổ đì đẹt. Trông ra, dưới trăng, thấy rõ từng bóng người ngựa cụt đầu, tán loạn.

Rồi im lìm. Âm dị xẹt vòng thúng vào trong. Lập tức, cả Đông Quân, Sài

Kíu Tinh vùng thét:

– Kiếm phi thượng thừa! Bay đầu! Rút khỏi cốc!

Nhưng âm phong chuyển nhanh như điện, lời vừa dứt đã đảo lia về phía sau nhà. Rắc rắc! Cành cây gẫy lìa, có tiếng người rú lên kinh hoàng rồi liền bốn cái đầu lâu bay vào, quay tít, và rơi ngay dưới chân Đông Quân lăn lông lốc như mấy cái gáo dừa.

Lão chủ bãi khô lâu vẫn khét tiếng giết người như ngóe, phải chột dạ, mắt theo âm thanh, quát lớn:

– Phải Nam Thánh rừng Phòng Tô? Sao không ra mặt? Mỗ đến đây ý thành muốn gặp cao nhân ẩn sĩ, sao vội ra tay còn sát người Phi Mã Ác Sơn? Âm thanh vụt tắt.

Tiếng hú dưới mồ vọng lên. Sài Kíu Tinh lóe ý nghĩ cùng xẹt lạ bên thiếu phụ, quát trầm:

– Mụ ẩn cốc hoang, phải quen chủ nhân tàn sát! Bàn tay dưới mồ của con quái phải Nam Thánh Phòng Tô?

Thiếu phụ lúc đó như không còn nghe chi nữa, chỉ ôm mặt, lắp bắp:

– Các người không nghe gái góa này… đến đây mua cái chết thê thảm…

Chạy đi! Đừng tìm hiểu làm gì! Quỷ ám nghiện máu người…

Lão Tinh bỗng cười the thé, túm ngay lấy ngang lưng thiếu phụ:

– Không quen “nó” sao dám ở đây? Đi với ta, để coi nó ba đầu sáu tay…

Còn giở trò gì?

Vừa nói, vừa lôi nàng tiến đến huyệt mồ. Nhưng lão Đông Quân đã vươn tay nắm lại, nghiêm giọng:

– Ngươi định dùng nàng làm mộc che thân? Khà! Oai võ lão Sói Tinh miền

Hắc Long Giang có thế thôi ư? Buông ra!

Lão Tinh cười nhạt, đẩy phắt thiếu phụ ra xa, lạnh giọng:

– Ta chỉ định quăng mụ xuống mồ buộc “nó” phải lên mặt đất!

Dứt lời lão từ từ tiến lại huyệt mồ. Đông Quân cũng tiến lại. Còn cách độ ba thước, chợt âm phong nổi dậy, rồi từ dưới mồ, bàn tay lúc nãy lại thò lên.

Rất lẹ, lão Sài Kíu Tinh rút phăng một trái tạc đạn, quăng luôn xuống huyệt.

Nhưng bàn tay kia như có nam châm bắt dính liền, ném vút lên, Đông Quân vươn tay chụp lấy, quăng ra xa. Đoàng! Tạc đạn vừa nổ, bỗng phát ra một làn khói đỏ như huyết, tiếp liền có những tiếng vo vo. Lão Thầy Mo lập tức nhảy ào ra tít ngoài cổng, Đông Quân cười nhạt:

– Hà! Lão sói lạ dùng thứ đạn pháo độc vật này ư?

– Ta chỉ muốn thử xem con quái dưới đó là loài chi! “Bùng, bùng” liền mấy tiếng nổ tựa ép khí, giữa một tràng hú ma âm vật vờ, thình lình từ dưới huyệt mồ tối thui, vọt lên một vật đen sì. Đông Quân, Sài Kíu Tinh cùng đứng lại. Ghê thay, vật đen bắn lên với tốc độ kinh người, chẳng khác phía dưới có máy bật, chỉ nghe vút cái, đã vọt lên cao đến sáu, bảy con sào, đi đến đâu, như xé không khí, phát âm phong lạnh buốt. Cả

Dũng lẫn Đông Quân, Sài Kíu Tinh đều quét nhỡn quang theo, thấy vật đen giống hệt hình thù một con khỉ đột, hay đười ươi, nhưng cái đầu thì vô cùng quái gở, to bằng thúng, tròn như trái cầu! Đúng lúc đó, phía tạc đạn nổ có một bầy ong độc hàng trăm con từ đám khói đỏ bay áp lại tựa một vầng mây xám. Hình quái bắn giữa vầng mây độc, nghe rõ tiếng ong bay vo vo bâu vào cả vật đó, rồi tự nhiên rơi lả tả chết hết.

Vật quái dừng phắt lại giữa khoảng không, lộn vèo một cái, đầu thúng đã chúc xuống, xẹt thẳng vào chỗ lão Tinh.

Thái Dũng chỉ nghe “bùng bùng” hai tiếng, vừa lúc trên cao một đám mây đen khép khuất mặt trăng, gió thổi ào ào, ngó lại chẳng thấy hai lão Đông Quân,

Sài Kíu Tinh đâu. Còn hình thù kỳ dị đã xẹt tít xa, dưới mồ, bỗng có tiếng quát cực giận:

– Lão Tinh! Đêm nay ngươi cùng ta gác mọi thứ lại, hạ cho được con quái đầu thúng này!

Thì ra cả hai đã bị đẩy xuống huyệt mồ!

Ngay khi đó, âm dị đã xẹt tới vo vo, từ dưới mồ, hai cái bóng Độc, Tinh vọt lên như hai hai cái pháo thăng thiên, còn lơ lửng trốc mồ đã phát tay nhất loạt.

Ngân quang loang như điện của Quang Sát và Tinh quân đầu sói theo hai thế tuyệt kỹ cùng vút đi, chặn đón luồng âm quái.

Dũng đứng im, chỉ thấy “vụt” cái, luồng chớp điện quái gở đã vo vo xé gió bay lại, trong trăng, rõ như có cả mấy bóng luồng loang loáng giữa âm phong, “chát chát” liền hai tiếng cực mạnh. Cả hai luồng Độc, Tinh mạnh đến thế, bỗng bắn ngược cả lại hàng mấy thước, lảo đảo, vèo cái nữa âm dị đã ập theo, hai tiếng “chát” nữa nổi lên, ngân quang vụt tắt, trông lại, leng keng loảng xoảng trong đá vỡ đã thấy mấy mảnh tiểu kiếm, đầu sói gẫy đôi, rơi văng mấy phía. Độc, Tinh hai lão đảo hạ mình xuống, suýt rơi xuống huyệt mồ.

– Chà! Kiếm phong thượng thừa! Quả đúng Nam Thánh rồi! Ào! Véo! Luồng đen loáng tựa chớp giăng điện xẹt, xả tới. Hai lão lắc người bắn vọt ra xa. Trong trăng, phất phơ mảnh khăn trùm lả tả.

Tiếng hú cất lên, hang năm mươi bộ xa, luồng khí đen nháng theo. Dũng bỗng nghe tiếng lão Tinh vùng kêu lên u uất:

– Chà! Con quái này lợi hại!

Rồi dưới trăng, chợt nghe đạn pháo nổ liền mấy tiếng, khói tỏa mịt mù.

Thoáng thấy bóng hai lão Độc, Tinh vút vào đám sa mù nhân tạo, mất hút.

Luồng đen đảo vòng thúng trốc khu nhà sàn, rồi xé gió lao ra ngoài cốc, tiếng hú lại cất lên, hình thù quái gở phía sau vụt theo luồng đen, như mũi tên bắn, chỉ mấy khắc, đã chìm vào trăng sương, ào ào tiếng cây rung cành gẫy cứ thế chuyển xa tít, xa mãi, rồi cũng chìm luôn.

Cả khu cốc thẳm lại rơi vào im lặng mênh mông chỉ còn tiếng côn trùng rền rỉ, lẫn tiếng suối nước đổ triền miên, trước sân nhà, ngổn ngang xác người, ngựa cụt đầu.

Thiếu phụ ngó theo bóng quái dị, thở phào. Đoạn đi nhặt mấy cái thủ cấp vươn lông lốc quanh mồ, xếp vào một góc, rồi lại thắp hương, khấn khứa sụt sùi rất thảm.

Thái Dũng mấy lần đã cố nén ẩn kín, sau tò mò ngạc nhiên quá, không chịu nổi chàng bèn tiến ra, cất giọng từ tốn bảo:

– Xin bà chớ quá bi lụy! Cho tôi biết một vài điều…

Thiếu phụ giật mình, quay lại, thấy lão khách chiều qua, ngạc nhiên trố mắt hỏi:

– Kìa! Sao ông cụ vẫn còn lẩn quẩn quanh đây? Trời! Xin cụ đi mau! Cụ không thấy chuyện ban nãy sao?

Vừa nói vừa xua tay lia lịa, Thái Dũng vội trút lốt ngụy trang, bảo:

– Chẳng dám giấu bà, tôi lên Tây Bắc, có ý muốn gặp cao nhân Nam

Thánh! Xin bà vui lòng chỉ bảo: “hình thù” vừa dưới mồ lên thượng thừa võ lâm, sát nghiệp kinh người, sao không giết mẹ con bà? Ắt trong phải có gì bí ẩn?

Thiếu phụ trố mắt nhìn. Thấy khách ân cứu mẹ con mình là một chàng tuổi trẻ đẹp tựa Phan An, trông có vẻ đoan trang, bất giác thở dài não ruột:

– Chuyện gớm ghê thảm thiết, quý khách không nên tìm hiểu! Nếu có lòng thương hại mẹ góa con côi, xin kíp rời khu thung lũng Tử Thần!

Dũng gặng hỏi:

– Nhưng chẳng hay “hình thù” quái gở kia là người hay là yêu quái? Tôi từng nghe võ lâm truyền tụng về Nam Thánh, bực kiếm khách đại tài, phải chăng là “hình thù” kia?

Thiếu phụ lắc đầu, giọng càng khó hiểu:

– Ôi! Thiên hạ hoang đồn! Sao lại gọi Nam Thánh? Nó là kiếm khách ư?

Một đường kiếm nhập môn không biết, trói con gà không nổi, sao lại là kiếm khách thượng thừa? Nó không phải kiếm khách, không phải tay biết võ! Ôi! Nhỡn tiền nó bứt xích phá mồ, giết người như ngóe, đến chúa Phi Mã, Tây Phàn tài nghệ trùm đời còn bị nó suýt lấy đầu trong chớp mắt, sao lại bảo là tay không biết kiếm cung? Người ư? Sao nó lại đội mồ hiện về tác quái, dữ hơn quỷ độc, đêm đêm tàn sát uống máu người ta? Ma quỷ ư? Sao nó lại ở thế gian, hiền lành ngoan ngoãn, ngày ngày sinh sống, chân tay mặt mũi như người?

Thái Dũng càng nghe càng mù mịt, chẳng biết gì cả, cố hỏi, thiếu phụ chỉ nghẹn ngào. Chàng chợt nghĩ hay nàng mắc bệnh thần kinh, bèn tiến đến bên huyệt mồ dòm xuống, thấy sâu đến mười thước, phía dưới lại có một cái cũi nhỏ đã bung nắp, đóng đanh quan tài.

– Lạ thật! Lẽ nào… lại là quỷ nhập tràng? Thời buổi khoa học này có thể xảy ra chuyện đó chăng?

Bất giác sực nhớ đến cảnh cha chàng lòi cuống họng hiện dưới huyệt mồ Địa

Võng đêm nào, lòng cũng bối rối, nghĩ ngay đến Đại Sơn Vương.

– Tiếc thay! Không có ân huynh Thần Xạ ở đây! Chắc giải được cảnh quái gở này… Đang tần ngần, thình lình nghe có tiếng vi vu ngoài cốc, như đảo về, thiếu phụ vùng kêu:

– Ân khách! Mau ẩn thân kẻo mất mạng như không! Nó… nó đấy!

Thái Dũng lóe ý định, lắc đầu:

– Chớ ngại! Tôi có việc phải gặp Nam Thánh! Bà nên vào nhà săn sóc Du

Nhi!

Dứt lời, tay cầm gậy giộng nhẹ một cái, vọt đi như tên bắn.

Thiếu phụ thất kinh, đuổi theo gọi giật:

– Ân khách! Chớ liều uổng mạng! Nó quỷ ám cứ thấy hơi người là nó giết liền… Trời ơi!

Mặc! Dũng cứ phóng qua cổng, chừng thiếu phụ ra tới nơi, Dũng đã vọt qua suối, mất hút dưới trăng sương bóng lá, nàng chỉ còn biết giậm chân nhìn xác chết ngổn ngang bên rào.

– Nó… nó giết mất thôi!

Vừa kêu vừa cắm đầu đuổi theo riết. Phía trước, Dũng cứ nương bóng cây, lao lại phía có âm quái. Đảo khắp vùng cốc thẳm, cũng chẳng thấy tăm hơi, thú rừng cũng bặt tiếng trăng khuya loang lổ, cả đến cây rừng cũng tự nhiên bằn bặt, không gió thổi, nhìn lên, núi đá sừng sững khắc vào nền trời, coi như những tượng hình quái gở ngồi đó từ tiền sử, dòm xuống cốc ma.

Chàng trai họ Lê thấy cảnh im lìm, đột ngột phát rợn, vội nghiêng tai nghe ngóng, đi vòng ra phía Nam cốc, mới hay chỗ đó có một hẻm núi thẳm cổ chày vẫn ra một cánh rừng cực hiểm, nực mùi phân cọp tanh khẳm, tuyệt không vết chân người.

Bèn cứ xăm xăm men ghềnh vượt sang. Thấy một khu thung hình giải quạt xòe ra xa, cây cối cao lớn lạ thường. Đang quan sát, bỗng nghe có tiếng hú quái gở cuối thung lẫn tiếng cọp gầm vang động, chuyển đến hẻm. Thái Dũng vội nhảy lên ghềnh đá ngay cửa thung, thấy tiếng hú gầm càng lúc càng dữ, rồi một bầy đến bốn, năm con cọp vẫn ào ào phóng tới, sau lưng gió thổi loạn cuồng, cành cây gẫy răng rắc.

Bầy cọp lao đến đầu hẻm, chợt nghe “veo véo”, loáng có vệt sáng vút theo, đã thấy bầy cọp vằn bay đầu, xác đổ ngay dưới chân ghềnh Dũng đứng, máu phọt thành vòi.

Bầy cọp vừa đổ xuống, hình thù quái dị đầu to bằng cái thúng xẹt tới, liền có tiếng cọp rống. Dũng đảo nhỡn quang ngó xuống, mới hay bóng kia vừa nhảy cỡi lên lưng một con cọp xám to như con trâu mộng. Con cọp chừng sợ quá chạy như điên, nhưng chỉ được vài bộ, đã phải lộn lại vì vệt sáng trên cao xẹt xuống, con cọp mộng phải né tránh, thành cứ chạy vòng tròn, cứ thế đảo vòng thúng trước hẻm, như đèn kéo quân.

Thái Dũng ẩn trên ghềnh cao, vòng kiếm khí đảo xế phía dưới, nhanh tựa chớp giăng, hơi lạnh tiết ra như tuyết băng, muốn sởn gai ốc. Trước còn e ngại, nín thở, thủ thế, sau thấy cuộc đảo kiếm quá thần tình, chàng vận nhỡn quang theo dõi, lòng càng kinh dị thấy rõ. Các tay kiếm khách khét tiếng võ lâm, cũng không thấm vào đâu so với kỹ thuật của người quái này. Lúc đầu chưa nhận thức kịp, sau quen mắt, chàng dần lãnh hội được nhiều thế thật ghê gớm, không giống bất cứ một phép phóng kiếm của tay kiếm khách nào. Quái nhân vẫn ngồi trên lưng cọp, tay múa tít, có lúc khoa trốc đầu, có lúc để bên sườn, ánh ngân quang cũng đảo tít, có khi đến năm mươi bộ ngoài, có khi sát quanh người thú, loang loáng coi như hàng trăm hàng ngàn ánh thép cùng bay, tưởng chừng đổ mưa rào không ướt vậy.

Bỗng quái nhân hú lên một tiếng vang âm, vọt mình lên như chiếc pháo thăng thiên. Con cọp thoát vòng kiếm vây, cong đuôi chạy tít vào thung. Quỷ nhân xẹt theo ngân quang như tia chớp mất dạng.

Mê man, Thái Dũng vọt theo liền. Cổ thụ từng tàn rậm, che kín mặt trăng.

– Quỷ nhi! Quỷ nhi! Không được hại người lành!

Dưới trăng, Dũng nhận được chính thiếu phụ chủ cốc. Ngay lúc đó, tự nhiên ánh thép cắt xé trốc đầu hai người, đảo ra xa.

Thiếu phụ hét:

– Tiềm thức! Tiềm thức! Mày nhận ra tao, sao không về huyệt mồ! Quỷ nhi!

Vừa kêu gọi, nàng vừa dùng lưng đẩy Dũng lùi lại, lùi mãi, quỷ nhân sau gốc cây bước ra, lừ lừ hai con mắt đỏ ké, cứ thế múa tay, ánh thép xé trốc đầu, có lúc liếm sát mặt hai người.

Thiếu phụ cùng Dũng lùi được dăm chục bước bỗng thấy quỷ nhân rú lên hai tiếng vang ngân, vọt theo ánh thép biến về nẻo cuối thung Bắc.

Thâm sơn cùng cốc lại im lặng như không, trăng khuya đầm đìa từ đâu chim khảm khắc kêu thương… khắc khoải vọng về. Thiếu phụ thở phào mừng rỡ:

– Trời ơi! Suýt hại tính mệnh ân khách rồi còn gì!

Dứt lời, bảo Dũng nên lập tức rời u cốc. Chàng nhìn người đàn bà, thấy mặt nàng còn ngấn lệ, vẻ bi thảm còn khắc rõ, bất giác khẽ thở dài, nghiêm mặt bảo:

– Ngu mỗ đến miền Phòng Tô này, lòng đầy thành thật, chỉ muốn gặp dị nhân Nam Thánh! Sao bà vẫn cố giấu? Đêm qua, mỗ đã tới cốc, lòng thêm nghi hoặc, canh ba vừa rồi, mỗ nấp cạnh mồ, đã chứng kiến cảnh dị kỳ, bà có điều u uẩn sao chẳng cho mỗ hay?

Nói đoạn, bèn kể qua lại mọi chuyện từ tốn bảo:

– Nhất định hình thù quái gở kia phải là người thân của bà, như cha Du Nhi chẳng hạn, vì lẽ nào đó… đã dưới mồ chui lên…

Thiếu phụ nghe, chỉ lắc đầu thở dài:

– Tất cả điều ân khách và thiên hạ đồn đại đều sai cả! Quả gái góa này có liên hệ tới “con quỷ ám” đó, nhưng… xin ông chớ để ý làm chi, nên mau rời cốc.

Gái góa này không muốn ai bị thác oan về tay “nó”! Ân khách có thương xin chớ hỏi thêm!

Dũng đoán bên trong ắt có điều đặc biệt lắm, nên nàng cố giấu, bèn lên tiếng trấn an, nhưng nàng vẫn lắc đầu. Chợt nghĩ ra một kế, Dũng vội trầm mặt bảo:

– Nếu vậy ngu mỗ xin từ biệt. Chỉ nội tối mai, mỗ đã có cách trừ “quỷ nhân”! Dẫu sao cũng không thể để mỗi đêm bao mạng chết oan dưới lưỡi gươm yêu nghiệt!

Nói xong, bỏ đi liền. Thiếu phụ chạy theo giọng khổ sở:

– Xin ân khách chớ liều uổng mạng! “Quỷ ám” sức mạnh phi phàm không ai chế ngự nổi đâu!

Dũng lạnh lùng:

– Biết chỗ nó ẩn nấp, trừ ban ngày không khó! Mà dẫu tôi không tới, hai lão Đông Quân, Sài Kíu Tinh cũng chẳng chịu để yên đâu! Hiện nay cả võ lâm đang đi tìm Nam Thánh, mỗ đã biết rõ đó chỉ là một quỷ nhân tàn sát, lẽ nào không trừ họa cho dân! Dẫu ban đêm, cũng đã có cách! Tài quỷ nhân có thượng thừa, nhưng xưa nay, chưa có thứ chi nhanh mạnh hơn đạn bắn.

Thiếu phụ biến sắc, hỏi:

– Ân khách làm cách nào bắn nổi? Khi “nó” đi nhanh như tên, lại “đánh hơi người” rất thính, bao nhiêu người, vật đều quét sạch!

Dũng thản nhiên:

– Mỗ bế nhân điện, dẫu đứng cạnh, không còn hơi nóng! Và thiếu chi lúc, như khi “nó” ngồi vận công, chẳng hạn! Vừa rồi mỗ đã bắn hai phát trúng trán!

Nghe đến đó, thiếu phụ có vẻ lo lắng khác thường, bỗng bảo Dũng:

– Ân khách có sẵn lòng hào hiệp bao dung kẻ bất hạnh này chăng?

Dũng gật đầu, thiếu phụ buông gọn:

– Vậy xin theo gái góa này! Và một lời như dao chém đá, xin chớ tiết lộ với người nào!

Nói đoạn, nàng dẫn Dũng đảo về u cốc.

Qua khỏi quèn núi, thiếu phụ dẫn Thái Dũng về thẳng nhà, đến bờ suối, bỗng cả hai lại nghe âm thanh quái dị, vi vút tít ngoài cửa cốc, rồi tắt chìm phía

Phòng Tô xa xôi. Nàng buồn rầu nhìn về nẻo Châu thổ, núi đèo từng dãy nằm bặt dưới trăng sương, chợt buông tiếng thở dài u uẩn:

– Con quỷ ám chưa hết cơn thèm máu lại mò ra miền dân cư… Tối nay không biết bao nhiều người chết oan…

Thái Dũng im lặng, nhìn trăng xế, cúi đầu đi theo người đàn bà, hơi ngạc nhiên, thấy nàng lại đưa mình vào thẳng nhà, mời ngồi bên bếp lửa, vào buồng lấy ra một bình rượu và một miếng khô nai, bảo:

– Ân khách ngồi chơi, uống chút rượu cao khuây khỏa! Giờ còn sớm chút!

Tôi phải thu dọn… cho gọn ghẽ…

Nói xong, bỏ đi mất. Thái Dũng ngồi buồn, rót rượu uống. Lát sau, vẫn chẳng thấy thiếu phụ đâu. Không khỏi ngạc nhiên, bèn đứng lên, ngó ra phía cửa sổ hậu thoáng thấy có cái bóng trắng xa xa. Bèn tung mình ra, thấy sau nhà là một nương sắn rất tốt, chàng cứ nương bóng cây lần tới, chợt phát giác cuối nương có một cái nghĩa địa khá rộng, từng dẫy mồ nằm rất đều, đến ngót trăm ngôi. Cạnh đấy còn hàng dãy huyệt bỏ trống. Thiếu phụ đang lúi húi lấp đất, thỉnh thoảng lại lau nước mắt. Để ý mới hay xế sau nàng còn bảy, tám xác người chưa chôn để cạnh một đống đầu lâu.

Thì ra người đàn bà đang chôn thây người vừa bị quỷ nhân hạ sát. Nghĩa địa này để táng kẻ chết về tay quỷ nhân, và dãy huyệt trống kia, nàng đã đào sẵn từ trước, rõ ràng nàng đã ước lượng được còn nhiều người táng mạng.

Lát sau, thiếu phụ buông cuốc, xẻng, thắp hương khấn vái. Dũng nghe thoáng tiếng con ơi, nàng nức nở đến mấy lần.

Sực nhớ đến chú nhỏ hiền lành kháu khỉnh, Dũng bất giác vùng nghĩ đến Du

Nhi, tức tốc lộn lên sàn, lòng càng kinh ngạc vì tìm khắp nhà, chẳng thấy bóng chú nhỏ kia đâu!

– Hay Du Nhi đã bị hại cùng đám người bất hạnh?

Dũng vọt ra ngôi mộ chồng thiếu phụ. Lúc đó trăng xế mái sân, huyệt sâu tranh tối tranh sáng, chàng trai chợt nảy ý lạ, lập tức nhảy xuống huyệt. Thân đề khí buông nhẹ như lá rụng, hạ trên thành cũi, mới hay huyệt chỉ sâu hơn con sào.

Chiếu đèn bấm, chợt thấy vách phía Nam, còn một ngách, bèn móc chân, lộn đầu dòm, mới rõ xế trong hơn thước, có đặt một cỗ quan tài lớn.

– Quỷ nhân dưới mồ lên. Nếu quả là một thứ quỷ nhập tràng, hay ma cà rồng hấp huyết, tất quan tài trống trơn!

Chàng trai nghĩ đến những chuyện hấp huyết quỷ thường truyền tụng xưa nay, trên sách vở, tranh ảnh Tây phương, bỗng nảy ý táo bạo, quyết khám phá cho ra. Lập tức đu hẳn mình xuống, miệng ngậm đèn bấm tay nạy phăng nắp ván thiên.

Cạch! Ván thiên hé mở, từ trong một luồng hơi khắm thối thịt xương rữa lâu ngày xông lên, tia đèn bấm xanh lè nhảy múa góc quan tài. Chàng trai vụt đảo mắt định thần, ghé dòm. Bỗng nghe “véo véo” thoáng lẫn mùi tanh tao ghê gớm. Hai vật chi trong quan tài bắn ra. Nhờ đã trải qua cảnh Mang Bành, Mê Sơn, Dũng phản ứng cực bén nhạy. Lập tức đảo ngoắc hai tay, kẹp nghiến vật lạ, mềm nhầy dẫy dụa, soi đèn mới hay là hai con rắn độc đen trắng.

Ném sang bên, chàng lại nâng ván thiên, búng phớt mấy cái, dòm theo vừa thoáng thấy hai đống xương người trắng hếu. Bất thình lình, nghe tiếng hú vang âm trên mặt đất.

Giật mình, buông vội nép ván thiên, vừa xoay mặt ra, bỗng nghe rõ tiếng thiếu phụ gọi thất thanh, hắt vọng xuống:

– Ân khách! Trời ơi! Ân khách đâu rồi? Nó… nó đã về!

Tiếp liền, tiếng hú ma âm ập tới, gần kề. Thái Dũng vội bíu thành cũi, toan đu mình vọt lên.

Nhưng… không kịp! Âm phong lạnh lẽo tràn tới, ào ào như lốc xoáy trốc đầu, rồi trên miệng huyệt mồ, vụt hiện ra hình thù quỷ nhân, đứng lù lù, đầu to như cái thúng, lắc la lắc lư, hai bàn tay lêu nghêu, chờn vờn.

Nấp dưới trông lên rõ mồn một, ánh trăng tà xuyên loang lổ, quỷ nhân đứng nóc mồ, ngửa mặt cười một tràng nổi gai ốc, giữa âm phong, nghe vi vu có vệt sáng quắc, xẹt trốc mồ, quỷ nhân bỗng đảo tay một cái.

Véo! Vệt sáng lao vụt xuống đáy mộ, tốc độ cực nhanh. Dũng giật mình, nép vội vào xó vách.

Chát! Chấn song cũi đứt đôi, vệt sáng tắt ngấm hiện rõ một lưỡi gươm sáng vỡ cắm xiên đáy cũi, rung bần bật đốc gươm chạm trổ. Âm phong cũng tắt. Dũng ghé mắt trông lên, thấy hình thù ấy đã dòm xuống, thả một vật tròn tròn. Bộp! Một chiếc thủ cấp lăn lông lốc vào sát chân

Dũng trên đầu còn nguyên nếp khăn quấn.

Chàng trai nép sát vào xó, may cạnh cỗ quan tài còn một khoảng vừa lọt người.

Bộp cái nữa, lại một thủ cấp đàn bà còn cả trâm cài lược giắt, máu ướt đầm đìa, chừng mới bị chặt.

Dũng vội đẩy đầu lâu ra. Kẹt tối nhưng với kỳ quang, chắc chắn khó giữ kín. Đầu óc lóe mưu liều, chàng trai nạy phăng nắp ván thiên, chui luôn vào.

Nắp ván vừa nạy, mùi hôi thối tha, phả vào mũi muốn nôn ọc, phải lấy sức dán mình vào vách cho khỏi áp trên đống xương lổn ngổn. Dùng ngón tay dùi một lỗ dòm ra, ngay lúc đó, trên miệng huyệt, tiếng cười càng lúc càng lúc sạo gợn, rồi thoảng một cơn gió nhẹ quỷ nhân đã đứng sững trong cũi sắt, hai tay xách hai cái thủ cấp, một nam một nữ máu còn rỏ tong tỏng.

Quỷ nhân còn cười liền mấy tràng vang âm, tiếng cười bỗng hạ thấp, như vờn đáy mồ, quỷ nhân lừ lừ quay dòm tứ phía, chợt đứng im, ngó chòng chọc vào áo quan.

Lúc đó, từ chỗ Thái Dũng ẩn đến chỗ quỷ nhân chỉ độ một thước, hai con mắt quỷ nhân đỏ ké như than Tàu đưa đi đưa lại, chiếu tia nóng bỏng muốn soi thủng áo quan.

Dũng vội bế kín nhân điện, nín thở, mắt dán vào hình thù nham nhở bên ngoài.

Bỗng quỷ nhân ngừng cười, buông bịch hai cái đầu người, rồi chậm chạp đưa tay xô cũi. Chát một cái! Cũi sắt cong veo, quỷ nhân tự nhiên lắc lư, trèo ra ngoài cũi, đưa tay nắm lấy ván thiên. Cạch cạch như nạy. Dũng nằm trong toát mồ hôi, vội đưa tay sờ tìm báng súng, nhưng lúc này sườn đã dán sát vách quan, rất khó xoay chuyển. Còn đang quay nhẹ lách nghiêng chợt nghe quỷ nhân rú lên một tràng, tuôn cả mình sang nóc áo quan.

Dũng nằm trong nghe đến sầm một tiếng vật đổ, rồi có tiếng thở hồng hộc như con bò bị chọc tiết.

Nửa phút sau im hẳn. Cả khu đáy huyệt như vào cảnh chết. Cảm giác quái đản rờn rợn bao trùm quan tài. Dũng nằm không cựa, nghe mơ hồ từ luồng gió khuya thổi thốc huyệt mồ hun hút, mang theo cả tiếng trùng đêm rền rỉ, nổi chìm lẫn tiếng nước đổ xa xôi… như tận thế giới nào “ám” về…

Lòng quan tài lạnh lẽo thối tha. Dũng nghĩ thầm:

– Không biết “nó” làm gì bên trên? Giờ mới canh tư, chẳng lẽ cứ nằm mãi đây?

Chàng trai ngột ngạt quá, đành liều đưa tay thám thính, nhờ nhân điện, mới hay quỷ nhân đang nằm xấp ôm lấy quan tài. Lạ nhất là hơi từ nó tiết ra rõ hơi sinh vật, nhân điện rất nóng.

Nó thở rất đều, hệt một loài sinh vật đang bằn bặt trong giấc ngủ.

Thái Dũng nằm trong quan tài được một lúc, còn đang tính kế ra cho êm, bỗng nghe mơ hồ có tiếng người văng vẳng, chừng phút sau, dòm ra đã thấy thiếu phụ đứng ngay đầu quan tài, tay cầm một thoi nhựa chàm, vừa soi vừa lẩm bẩm:

– Quái lạ! “Nó” đã về mồ, sao không thấy ân khách đâu? Hay lại bị “nó” sát hại? Ánh nhựa chàm khét lẹt soi ngách đặt quan tài, chợt nàng rú lên, bắt gặp mấy cái đầu người, vội cầm lên, xem mặt, đoạn buông phịch xuống nghẹn nức:

– Lại mấy cái đầu… xách đâu về? Chắc người ngoài Châu thổ… Trời ơi! Đêm nào cũng thế này?

Nàng cắm thoi nhựa chàm vào vách huyệt, leo ra, bước vào ngách. Dũng nằm nghe động tĩnh, có tiếng vật kéo lên, thoáng đã thấy nàng ôm quỷ nhân đặt vào cũi. Dũng càng lấy làm lạ, vội dán mắt dòm, thấy hai bàn tay quỷ nhân nhỏ xíu, đẫm máu. Nó vẫn nằm ngửa, thở đều.

Thiếu phụ luồn tay xuống gáy nó, đang hý hoáy, bỗng nàng giật thót mình, dòm vào quan:

– Trời! Cái gì thế này?

Thì ra Thái Dũng mãi xoay trở nhìn ra, đã đội nắp ván thiên lên non tấc.

Thấy thiếu phụ dáo dác rồi lại cúi xuống. Dũng bèn đưa tay nâng nắp ván, để sang bên, chui ra.

Thiếu phụ giật mình, ngẩng lên, trố mắt kêu:

– Trời! Ân khách! Kìa… sao lại….

Thái Dũng nhảy ra, phủi quần áo, nói luôn:

– Tôi xuống huyệt, gặp “nó” về, đánh liều chui vào áo quan! Suýt bị rắn độc mổ!

Vừa nói vừa trỏ xác rắn, đoạn lại trỏ quỷ nhân.

Thiếu phụ nhìn xác rắn, bảo:

– Đây là cặp rắn canh mồ, nhà tôi nuôi lúc sanh tiền… sợ kẻ thù đến phạm xác. Tôi đã thả nó xuống, thấy hơi lạ, mổ liền. Ân khách không bị nạn là may lắm.

Dứt lời, nàng lấy ra một chiếc chìa khóa lớn, luồn dưới gáy quỷ nhân. Cách một tiếng, cái đầu thúng đã tách đôi, nàng giật nhẹ cái khuyết, đã cầm hai mảnh đầu ném xoảng xuống đất.

Dũng trố mắt nhìn, mãi lúc đó mới phát giác đầu thúng chỉ là hai mảnh sắt dầy úp lại, chụp tận vai quỷ nhân, như vung úp sơn hắc kín, coi thật quái gở. Dũng liếc coi, nhận được hai lỗ đạn xuyên qua, thì ra chàng đã bắn vào trán nó, thành đạn chạy qua đầu sắt, không vào đầu thật. Đầu thật là một cái đầu nhỏ, mặt còn trùm một vuông vải chàm.

Thiếu phụ ngó Dũng, tay cầm mép vải, trầm lời:

– Ân khách! Trông đây!

Dũng nín thở, nhìn chòng chọc vào quỷ nhân.

Soạt! Mảnh vải kéo tung, một bộ mặt vụt hiện dưới ánh nhựa chàm chập chờn. Dũng vùng kêu lên một tiếng “trời” kinh dị, tưởng mình mê ngủ.

Vì đó là khuôn mặt một đứa bé: mặt Du Nhi!

– Du Nhi! Có thể thế được ư? Du Nhi? Con bà? Đứa bé bị Hai Sẹo tát ngoài

Cha Pa. Đứa bé hiền lành lại có võ công kinh người và độc dữ hơn yêu quỷ, một đêm tàn sát bao mạng người…

Dũng vừa lẩm bẩm vừa nhìn thiếu phụ ngó Du Nhi, thằng nhỏ vẫn nằm nhắm mắt thở đều. Thiếu phụ thở phào, giọng chìm hẳn như nói để mình nghe:

– Vâng… con quỷ ám khát máu này chính là Du Nhi. Con tôi là… Nam

Thánh, người mà võ lâm thiên hạ chỉ biết danh chưa ai thấy mặt. Du Nhi là Nam

Thánh quỷ nhân… là nó! Nhưng ân khách ơi…

Nàng chợt ngẩng nhìn Dũng nói rất chậm:

– Ông có thể ngờ rằng: Du Nhi quỷ nhân tàn sát chỉ là đứa bé hiền lành, tuyệt không biết qua một miếng võ, đường gươm, sức nó trói gà không nổi!

Dũng nhíu mày ngó thiếu phụ, nhưng nàng đã thản nhiên tiếp:

– Không biết võ! Vâng, chắc ông khó lòng tin! Quả Du Nhi Nam Thánh không biết võ! Một đứa bé ngoan ngoãn không biết võ đã tàn sát bao tay lợi hại võ lâm, phóng kiếm chém suýt chết cả Đông Quân, Sài Kíu Tinh nhị vị!

Nàng nói rất bình tĩnh, Dũng nghe không hiểu gì cả, chỉ đứng yên, bỗng hỏi:

– Bà không sợ nó chồm dậy bất thần?

– Không sao! Giờ này gần sáng quỷ ám đi rồi. Du Nhi sắp thức! Đoạn với giọng trầm, nàng kể cho Dũng nghe điều bí ẩn vẫn bao trùm cốc dữ bấy lâu.

Mới hay hai vợ chồng thiếu phụ hiếm hoi, chỉ sinh được một mụn con là Du

Nhi. Chồng nàng không muốn con phải mang nghiệt số vì nghiệp súng đạn, võ công nên không dạy con một miếng võ nào. Kịp khi chồng chết vì tử đấu với kẻ thù, nàng liền mang con đến cốc này, săn bắn trồng trọt nuôi con. Chẳng ngờ, cách đây gần ba năm, bỗng một chiều, Du Nhi đi Cha Pa về, kêu váng vất, bỏ cơm, vào buồng nằm.

Thiếu phụ cho Du Nhi uống thuốc lá xong, ra ngoài dệt vải. Vào khoảng mười một giờ đêm, bỗng nghe tiếng chó sủa mèo kêu inh ỏi, nàng chạy vào buồng chẳng thấy Du Nhi đâu, thất kinh vọt ra sân, nhìn lên mái nhà, thấy con mèo đang chạy cuống, phía sau có một bóng trẻ con đuổi theo, nhanh như gió, thoắt đã tóm được con mèo xé làm đôi.

Dưới trăng thì ra là Du Nhi!

Thiếu phụ thất kinh, gọi rối rít nhưng Du Nhi đã đu cành tung mình đi như con vượn, đuổi không sao kịp. Lát sau, lộn về nhà, đã thấy Du Nhi nằm trên giường. Ngạc nhiên tra hỏi, thằng bé chỉ ngơ ngác, chẳng biết gì cả. Đêm sau, thiếu phụ đang vót tên sửa soạn mai đi săn, chợt nghe có tiếng người ngựa rầm rập ngoài vào, đang ngạc nhiên, đã thấy bọn kia xô cổng, tiến vào, cả chục bóng nhân mã dữ dằn, súng dao tua tủa, đứng dưới sân quát lớn:

– Nàng kia! Mau theo đại vương về núi!

Thiếu phụ dòm xuống, thấy một gã xạ phang râu xồm, cầm súng, chỉ trỏ, líu lô giọng Quan Hỏa như lệnh vỡ.

Thì ra, đó là bọn thổ phỉ biên giới, phò tên tướng tới cốc, bắt thiếu phụ về làm vợ. Thiếu phụ vội vào lấy súng, dao, nhưng chưa kịp ra tay đã bị mấy tên luồn cửa sổ hậu chĩa súng vào. Tên xạ phang cùng hai tên thủ hạ nhảy lên, truyền theo về núi. Thất thế còn đang lo ngại, thình lình nghe trong buồng có tiếng hú vang âm, rồi bỗng nhiên thanh gươm trên vách vụt nhảy soạt ra khỏi bao, và đảo lia một vòng như chớp lóe.

Tốc độ cực nhanh, bọn xạ phang chưa kịp trở tay, đã rụng đầu lông lốc, từ trong buồng, Du Nhi vút theo thanh gươm, chỉ nghe tiếng rú dưới sân, bọn còn lại đã bay thủ cấp, nháy mắt cả người ngựa một lũ chỉ còn là những cái thây cụt nằm khắp trên sàn dưới sân, máu phun phì gớm ghiếc. Du Nhi theo ánh thép vụt ra ngoài cốc như cơn ác mộng.

Thiếu phụ chỉ còn biết đứng ngẩn mặt nhìn theo, tưởng mình mê ngủ.

Từ đêm đó, thỉnh thoảng Du Nhi lại chồm dậy, đi theo ánh gươm phi sức hung mãnh tưởng trên đời không có kiếm khách nào chế ngự nổi. Có đêm vừa lặn mặt trời, thằng bé đã vùng đi như xé gió, đến sáng mới về trên giường ngủ lại.

Chừng nó thức, hỏi nó chỉ biết ngẩn ra, nhất định mình vẫn nằm trên giường. Khi mẹ trỏ vết máu loang lổ trên mình, nó vẫn lắc đầu không nhớ gì cả.

Thiếu phụ chẳng còn biết tính sao, một bữa có việc ra miệt Phòng Tô Cha

Pa, thấy cả trấn kinh hoàng náo động, vì mới có một con quái vật từ đâu “hiện” về, có đêm sát hại hàng chục mạng, nạn nhân đều bị đứt đầu.

Thì ra đêm nào Du Nhi vùng đi ra ngoài cốc, gặp ai giết nấy, hệt một con quỷ thèm máu vậy.

Trước, một tháng vài đêm, sau dần cứ cách hai, ba tối, rồi hơn năm nay có dạo đêm nào nó cũng vùng đi, gặp gì chém đó, cây cỏ, người thú đứt lìa, ngổn ngang. Chỉ ít lâu, cả vùng Tây Bắc biên thùy đã khiếp vía, võ lâm thiên hạ phải sợ, nhà nước điều tra chăng lưới khắp nơi, không sao tìm nổi tung tích kẻ đã gây ra nghiệp cuồng sát lạ lùng.

Dần dần vì cây cối, người, thú bị chém nhiều tại vùng Phản Tây Phàn (Phan si Pan), người ta mới đồn đại quỷ nhân ẩn náu quanh vùng, nên chẳng ai dám bén mảng tới dãy rừng Phòng Tô Bát Sát. Giới võ thấy thế cho là tay dị nhân kiếm khách ẩn danh, mới gọi là Nam Thánh, tuy chưa ai rõ mặt mày.

Thiếu phụ thấy Du Nhi mỗi đêm hung dữ khát máu giết người như “quỷ ám” lòng càng sợ, rầu rĩ, không biết cách nào chữa trị. Vừa thương con, vừa xót thương người oan thác, nàng bèn đào huyệt sâu, thuê rèn xiềng, đóng cũi, cứ đêm đến, chờ Du Nhi lên giường nằm, nàng lại vác thằng nhỏ xuống huyệt mồ, xiềng khắp chân tay, thân thể, đóng chặt cũi lại, bên trên lại dùng đá phiến đậy kín.

Tưởng bức thành huyệt thép có thể kìm chặt nổi “con quỷ ám” nào ngờ… cứ đến “giờ quái gở” Du Nhi lại chồm dậy, giật xiềng, phá cũi, đánh tung nắp mồ, vọt lên tác quái.

Và đêm nay là đêm đầu tiên, thằng bé bị nhốt dưới mồ, chui lên. … Kể đến đây, người đàn bà nghẹn ngào, gạt lệ nhìn thằng bé quái dị đang nằm thở đều trong giấc ngủ hiền lành:

– Thường ngày nó yếu ớt, ngoan ngoãn, không hiểu sao đêm đêm nó lại… hung hãn ghê gớm đến thế! Chắc có con quỷ dữ nhập vào!

Dũng nghe kể, đầu óc chợt lóe tia sáng khoa học, hỏi:

– Nhưng sao nó không chém bà? Cả khu nhà nữa… vẫn không động tới?

Thiếu phụ có dáng nghĩ ngợi:

– Chính tôi cũng chẳng hiểu sao! Có một đêm “nó” suýt chém cả tôi, tôi vừa thét lên, “nó” chợt đứng im, rồi bỏ đi!

Thái Dũng liếc Du Nhi, vụt kêu:

– À! Thì ra “nó” mắc bệnh mộng du! Bệnh quái này tìm đâu ra thuốc tiên?

Nói đoạn, ngồi xuống bắt mạch qua. Mạch Du Nhi vẫn chạy đều, hệt người thường. Thiếu phụ khẽ hỏi:

– Nó bị quỷ ám?

– Cũng không phải!

Thái Dũng vội nói qua cho thiếu phụ hiểu về chứng quái dị này, tạm gọi là “bệnh” mộng du hay thụy du, Tây phương gọi là somnabulisme. Từ lâu các nhà khoa học về vật lý, sinh lý, y lý v.v… cùng các nhà trinh sát lừng danh, kể luôn các nhà phân tâm học, nhưng vẫn chưa tìm được một lời giải đáp thích đáng, chỉ vì sự lạ xảy ra nhiều khi vượt hết cả định luật về vật lý thông thường.

Mộng du có rất nhiều trường hợp, hình thức khác nhau nhưng cùng chung một trạng thái. Kẻ mắc bệnh vẫn sinh hoạt như mọi người về ban ngày, nhưng về đêm, đang ngủ, bỗng kẻ đó thức giấc và bắt đầu sống những giờ phút khác hẳn lúc ban ngày. Cử động khác hơn, tay chân, cơ thể cũng khác hẳn, cái gì cũng khác.

Tóm lại là: một con người đổi khác cả linh hồn trí khôn, lẫn chân tay thể xác.

Chẳng những khác hẳn kẻ kia lúc ban ngày, mà còn khác cả thường nhân, vì thường những tác động của hắn, khó có người sánh kịp, trí óc tay chân hắn đã vượt hẳn mức thường để tao nên những kết quả phi phàm!

Tại Việt Nam hay phát sinh ra loại người mộng du giỏi về leo trèo.

Một chàng trai chưa bao giờ biết leo cây, đột nhiên đêm kia, đang ngủ, anh ta vùng dậy, leo lên mái nhà cao chót vót, cứ thế chạy nhảy đánh đu như con vượn, có khi lại co một chân ngả nghiêng như anh xiếc đi dây thép, trước những cặp mắt kinh dị của thân nhân, láng giềng. Có đêm anh ta lại nhảy từ mái nọ sang mái kia, bất chấp nhà cao, rêu trơn, đêm tối.

Lại có kẻ đánh đu truyền cành nhanh như vượn, người chạy dưới còn không theo kịp kẻ chạy trên cây, trên mái. Bên Pháp, có kẻ còn chạy nhảy đánh đu trên nóc “bin-đinh”, làm cả phố náo động.

Bên Anh, có một ông làm công chức, bà vợ chuyên thổi cơm nấu nước chỉ học dăm ba chữ đủ ghi tiền chợ. Đêm kia, đang ngủ, bỗng ông chợt tỉnh thấy bà vợ dậy khoác áo, đi ra phòng ngoài, lấy giấy bút ra hý hoáy viết, gần sáng mới vào nằm lại. Ông chồng dậy sớm đi làm ngó trên bàn, thấy tập giấy chữ bà vợ viết tối qua, bèn cầm lấy đọc. Và không khỏi kinh ngạc, thấy đó là tập bản thảo một truyện ngắn thật hay. Cho vợ mình là một văn hào ẩn danh, ông chồng để nguyên như cũ. Nhưng đến trưa, chính bà vợ cầm tập truyện hỏi của ai? Ông ta trỏ nét chữ của bà, bà ngẩn ra không biết, cứ nhất định tối qua mình không hề ra phòng ngoài viết, và bà có thạo chữ đâu mà viết truyện. Ông chồng bèn đem hỏi một nhà phê bình trứ danh, lại một phen kinh ngạc vì ông này coi xong bảo đó là một tác phẩm của tay đại văn hào, thuộc loại tuyệt tác.

Bên Mỹ, tối kia, tại một căn cứ không quân gần Hoa Thịnh Đốn, trong lúc mọi người đang yên giấc, thình lình nghe tiếng động cơ ầm ầm. Viên sĩ quan trên đài kiểm soát, thất kinh thấy một chiếc phi cơ khu trục oanh tạc đang nhào lộn trên không, thỉnh thoảng lại xẹt xuống sát căn cứ như chực bắn phá, vội vớ máy hỏi, không thấy phi công trả lời. Viên sĩ quan liền báo động. Cả căn cứ nhốn nháo. Cả phi đội cất cánh, vây chiếc phi cơ kia. Nhưng chiếc phi cơ này vẫn tung hoành trên không, với một kỹ thuật bay lượn cực kỳ tinh xảo, vượt ra vòng vây như bỡn, rồi nhắm Hoa Thịnh Đốn vọt tới, quần đủ kiểu xẹt cả trốc Ngũ Giác Đài, Tòa Bạch Ốc, làm cả Hoa Thịnh Đốn hoảng hồn. Gọi cách mấy, trên phi cơ vẫn im lìm. Cuộc kiểm soát cấp tốc được tiến hành và người ta thấy thiếu một phi cơ khu trục. Chính là chiếc trên trời, phi cơ loại dữ, mang đủ súng ống và bom nặng.

Cả căn cứ muốn điên đầu, và các khu trục cơ săn giặc được lệnh kèm riết, sẵn sàng hạ nếu nó khai hỏa.

Nhưng chiếc máy bay quái quỷ này chỉ biểu diễn các pha rùng rợn, rồi sau ngót hai giờ bay, nó bèn từ tít mấy tầng mây đâm bổ nhào xuống căn cứ làm ai nấy càng phát hoảng. Nhưng… với một tư thế tuyệt kỹ, nó đã sà xuống phi đạo nhẹ nhàng, và cứ thế tà tà chạy vào thẳng “băng ga”.

Cả căn cứ đổ xô đến như muốn tóm cổ gã phi công lếu láo. Nhưng tất cả đã trợn tròn xoe mắt, kinh dị, tưởng đang mê ngủ, vì trên phi cơ, một người vừa nhảy xuống, tiến ra, chẳng phải phi công nào cả, mà lại là chú loong toong… vẫn quét nhà trong căn cứ!

Rất ung dung, chú ta đi luôn vào giường ngủ! Hỏi, chú cứ ngẩn ra. Và khi nghe người ta bảo chú vừa lái khu trục cơ đảo lộn rất nhiều trò trên Hoa Thịnh Đốn, chú ta cười gập bụng, cho các “ông không quân” đã nói đùa rất hóm.

Cũng bên Mỹ, tại một khu võ đường, nửa đêm, bỗng mọi người nghe ầm ầm trên sàn tập. Chạy lên thấy một chú công nhân đang múa tay găng đập phá lung tung, thấy người lố nhố, chú ta xông ngay tới, đập liền. Một võ sư vội nhảy lại, ra tay cản. Chẳng ngờ, loáng cái đã bị chú lao công nhỏ bé kia “nốc-ao”, không dậy nổi. Mấy võ sư đàn anh nổi giận sốc tới, nào ngờ, chú lao công múa găng thế nào mà chỉ nháy mắt đã cho cả lũ “ao” liền. Đoạn, trước sự kinh ngạc của mọi người, chú ta chậm chạp tháo găng, mặc quần áo, lần về giường ngủ lại! Sớm mai coi lại, có võ sư đã bể cả hàm răng, tất cả đều cho biết: sức đấm của chú lao công kia mạnh như trời giáng, và thần tốc dị kỳ không sao tránh nổi! Hỏi chính chú lao công, chú cũng không hiểu chi nữa. Đại khái, khắp Á Âu, từng xảy ra khá nhiều trường hợp mộng du, con bệnh hành động trong giấc ngủ – hay tỉnh dậy hành động – rồi cũng chẳng biết gì cả. Đặc biệt toàn những động tác, sự việc phi thường, vượt cả tài năng, trí óc người ta.

Chẳng khác nào vào giờ phút đó, chợt có một con người nào đó từ một thế giới nào đã nhập vào hắn, đổi cả thể xác, trí óc hắn đi, để hành động, rồi lát sau mới trả lại cho hắn nguyên hình nguyên trạng. Để đêm nào đó, lại “mượn” vậy.

Trường hợp Du Nhi, cũng như những trường hợp đã xảy ra, chỉ khác là đi liền với tài kiếm phi thường, lại thêm sát khí hung hăng gớm ghê, rõ ràng là lúc lên cơn mộng du, đầu óc Du Nhi đã bị một sức mạnh huyền kỳ chi phối theo một sát ý nhất định, cứ thấy người vật là lăn xả vào chém, như thỏi sắt bị nam châm hút dính vậy.

Nhưng có lẽ tiềm thức còn phảng phất, nên cứ thấy mẹ, là nó lại bỏ đi, không bị sát ý kia lôi cuốn.

Thiếu phụ nghe Thái Dũng nói về bệnh quái gở của con mình, bất giác run giọng hỏi:

– Chẳng hay ân khách có cách chữa chạy được không? Dẫu phải hy sinh xác thừa, gái góa này cũng chẳng từ nan…

Thái Dũng cố giấu tiếng thở dài:

– Để liệu dần xem sao… Điều cần nhất là phải lập tức dời chỗ khác! Mấy tối nay, cốc này đã gây nhiều án mạng. Lão Đông Quân, Sài Kíu Tinh đã biết, khi nào chịu buông trôi! Nếu chúng biết Nam Thánh là Du Nhi, tất sẽ xuống tay hạ sát! Vì với “vua mộng du”, chỉ lợi hại về đêm, còn ban ngày, chỉ là đứa bé trói gà không nổi, cự sao nổi Đông Quân, Sài Kíu Tinh?

Thiếu phụ vái chàng ba cái, ứa lệ bảo:

– Giờ ân khách đã biết điều bí ẩn, tính mạng mẹ con tôi xin phó mặc “người”! Dẫu định cách nào cũng không dám cưỡng!

Thái Dũng khẳng khái:

– Du Nhi tuy giết người quá dữ, nhưng tội bởi vô tình, bà cứ an lòng chớ nên bi lụy quá! Đó rồi, Thái Dũng vác Du Nhi, nhảy lên cùng thiếu phụ vào nhà. Thay quần áo xong, Du Nhi chợt tỉnh, dụi mắt, nhoẻn miệng cười với Dũng rất ngoan. Hỏi thằng bé, quả nhiên chẳng biết chi cả, vẫn đinh ninh mình nằm ngủ trên giường với mẹ.

Thì ra, trước sau thiếu phụ vẫn chưa dám cho nó biết chuyện gớm ghê.

Dũng càng thương hai mẹ con góa phụ lâm tuyền, bèn bàn với nàng tạm bỏ vùng u cốc, dời sâu vào miền hoang sơn cách đó mười dặm, đem theo cả vật dụng, gia súc. Đoạn chàng lộn lại Cha Pa, kiếm Năm Lực, rồi ngay sáng đó, đưa mẹ con

Du Nhi đi liền.

Miền thượng du đất Bắc, đồi núi điệp trùng, thiên hiểm, lắm thác nhiều ghềnh, giữa các vùng cùng cốc thâm sơn, thường có những trái núi đá dựng như thành, nhưng phía trên lại có thung đồi có thể trồng trọt được. Lại có những con suối thác non giữa rừng già, rồi có ngách chảy xuyên vào một rặng núi, bên kia lại có một khu thung mơn mởn các sắc dân sơn cước, nhiều giống không ưa tiếp người

Kinh hay tìm đến các vùng hiểm hóc này lập bản động sống cách biệt hẳn, không để ai biết tới.

Thái Dũng bàn với Năm Lực, kiếm một nơi hoang dã khuất tịch, hay thầy trò đảo ngựa suốt buổi, tìm được một vùng thác tuyệt hiểm, ngay biên địa, thuộc

Phong Thổ, phía Bắc rặng Tây Phàn. Nơi đây thác nước đổ trên cao xuống một con suối lượn dưới chân núi đá, ngay dưới thác có một thủy lô chạy qua ruột núi, bên kia có một cánh rừng lọt giữa lòng núi hoang, đứng ngoài không ai ngờ nổi.

Bèn kéo nhau vào, mới hay chốn này xưa đã có dấu Mán, Thổ ở, còn lại di tích vườn cây ăn trái, nền nhà cỏ mọc xanh um, chắc đã để hàng năm, bảy năm là ít. Bèn chặt gỗ nứa làm một căn nhà sàn nhỏ cho mẹ con Du Nhi, lại tìm được một ngách hang phía Nam xế cuối ngọn suối, bên trong ăn vòng thúng khá rộng, nhưng bên ngoài, lối đá rất hẹp. Liền sửa soạn chỗ nhốt Du Nhi, làm một cái chõng tre, xong đến tối, hai người bèn cùng thiếu phụ đem “vua mộng du” đến ngách hang, chờ nó ngủ, lập tức đem tất cả xích xiềng còn lại cột cẩn thẩn, ngoài lại khiêng toàn đá phiến lớn bé lấp kín đầy hai, ba thước, chỉ để hở một lỗ nhỏ dòm vào, trên vách cắm một thoi nhựa chám dài. Đoạn cả ba trở lại căn nhà sàn mới dựng, ngồi đợi, không khỏi khắc khoải từng giây phút.

Năm Lực sửa soạn lại móng ngựa, xong lên ngồi bên Thái Dũng, đem súng ống ra lau chùi trước bếp lửa. Đêm vào sâu canh hai. Rừng già bặt dưới trăng sương, khảm khắc chim oan nghiệt từ hai bên ngọn núi để rớt xuống thung rừng từng nhịp ba tiếng hờn cô đơn.

Lúc đó, Thái Dũng ngồi bên “sắc” hành trang, chiếc gậy song của Thần quân Hồng Diện để cạnh, Năm Lực cầm lấy lau chùi cho bóng.

Bỗng người quản gia vùng kêu lên sửng sốt lạ thường:

– Cậu Ba! Coi này! Cái gậy… hình như rỗng?

Thái Dũng cầm lên soi ánh lửa, cũng “à” lên một tiếng kinh ngạc. Vì ánh sáng vật vờ chiếu đầu gậy, lúc đó, chàng mới để ý đầu gậy có một vết gươm chém bay chếch, đến hai ly xế góc, hơi ló ra một cái lỗ đen, chỉ nhỏ như đầu tăm. Thì ra, chính vết gươm “mộng du vương” phạt tối qua, mắc nhiều việc, không lưu ý tới.

Vội dùng ngón tay móc thử, quả nhiên bật ra một miếng mộng gắn khít hiện ra một khúc gậy rỗng lòng.

Lỗ này ngay chỗ tay cầm, lúc nguy cấp, chàng đã vớ bừa đỡ đại.

Càng ngạc nhiên, chàng trai vội giộng mạnh một cái, nghe “keng” một tiếng từ ruột gậy, rơi ra một lưỡi tiểu kiếm dài chừng hai gang tay. Lật đật vơ lấy, thấy có khí lạnh toát ra như tuyết giá, soi trước lửa, càng lạ lùng, thấy kiếm có màu xanh biếc như ánh cầu vồng, lấp la lấp lánh, hào quang tỏa ra, có lúc tựa màu tím xỉn đi, khác hẳn những thanh gươm thường màu thép trắng.

Vừa nhác thấy lưỡi kiếm, Năm Lực vùng kêu lên:

– Chà! Kiểu lạ đời! Chưa khi nào thấy kiếm lại màu cánh “trả”!

Thái Dũng đang ngắm nghía, bỗng nghe có tiếng đàn bà sau lưng:

– Quả là thanh kiếm quý trên đời hiếm có! Kiếm này chém sắt như bùn, thổi sợi tóc đứt đôi như không!

Thái Dũng ngó lại, mới hay thiếu phụ đã đứng đó, trỏ kiếm, tiếp:

– Đây chính là một loại kiếm đặc biệt, gọi “thanh” kiếm! Ân khách hẳn từng nghe người ta nói “kiếm xanh lưỡi thép” là loại này đó. Nguyên nhà tôi trước cũng là tay thích kiếm, có được biết qua thuật luyện kiếm, từng được một danh sư truyền dạy. Cứ coi nước thép, đã biết đây là một thứ kiếm lâu đời truyền lại, đã được tôi luyện theo bí pháp danh gia, như Âu Giả Tử, Can Tương đời Chiến Quốc vậy!

Thái Dũng vội đưa thanh tiểu kiếm cho thiếu phụ. Coi qua, nàng bèn bứt một sợi tóc đặt ngang lưỡi kiếm, thổi phù một cái, tóc đứt làm đôi. Bèn trả lại Dũng, bảo:

– Ân khách biết tại sao kiếm này lại có màu xanh cầu vồng không? Đây chính là loại kiếm tôi bằng cát nóng, chứ không phải bằng nước. Lối tôi này cả Á lẫn Âu đều có người dùng. Nhưng chỉ xanh vừa thôi, còn xanh biếc thế này còn do hợp khí nữa.

Như xưa, Âu Giả Tử là một tay đúc gươm nổi tiếng trong thiên hạ, vua Việt là Doãn Thường triệu Âu tới đúc được năm thanh gươm quý, đem dâng Ngô ba thanh: Trạm Lư, Bàn Định, Ngư Trường. Ngô vương ban cho Công tử Quang (con

Thế tử Chư Phàn) thanh Ngư Trường. Vua Ngô Thọ Mông có bốn con là Chư Phàn,

Dư Muội, Dư Sài, Quý Trát. Hiền nhất là Trát, nên khi lâm chung có trối lại: Chư

Phàn lên ngôi, rồi cứ thế anh truyền cho em, để Quý Trát được làm vua cho nước thịnh. Mấy người con đều tuân di mệnh, nhường Trát làm vua. Trát không chịu.

Chư Phàn lên ngôi cứ thế truyền đến Dư Sái, ai cũng chết sớm. Chừng Sái chết,

Trát vẫn không nhận, bèn bỏ trốn. Con Dư Sái là Vương Liêu bèn ỷ sẵn thế cha, lên ngôi. Con trưởng Chư Phàn là công tử Quang, nghĩ cha mình cốt truyền ngôi cho chú, chú không làm, ngôi phải trả về mình mới phải, nên mưu với Ngũ Viên (Tử Tư) nhờ Chuyên Chư giết Liêu.

Chư nhét lưỡi Ngư Trường vào bụng cá, nướng dân Vương Liêu, và bất thần rút gươm đâm Liêu xuyên qua bảy lần áo giáp chết tươi.

Công tử Quang lên ngôi, xưng Hạp Lư cho Ngư Trường là một vật nguy, bèn bỏ vào rương khóa kỹ. Đoạn xây thành Biển chư, triệu một người nước Ngô là Can

Tương cùng Âu Giả Tử đúc kiếm.

Can Tương chọn vàng, sắt tốt cho vào lò nấu, sai ba trăm đồng nam đồng nữ đốt thanh nấu suốt ba tháng vẫn không chảy. Vợ Can Tương là Mạc Tà bảo:

– Đúc gươm thần phải nhờ nhân khí mới thành! Nay ba tháng vàng sắt không chảy, chắc thiếu nhân khí đó!

Can Tương nhìn vợ:

– Thầy ta xưa đúc kiếm báu, nấu kim khí mãi không chảy, sau vợ phải nhảy vào lò, mới chảy!

Mạc Tà bảo:

– Khó gì mà thiếp không bắt chước được!

Bèn tắm rửa sạch sẽ, chờ lò bốc lửa, nhảy luôn vào. Quả nhiên, vàng sắt chảy ngay. Can Tương đúc được hai thanh báu, Can Tương, Mạc Tà, đem hiến vua

Ngô thanh Mạc Tà, và dấu Can Tương đi. Sau Hạp Lư biết, cho đòi và truyền, trái lời sẽ bị chết.

Can Tương rút Can Tương kiếm ra xem, thanh kiếm hóa ra một con rồng xanh. Tương cỡi rồng bay mất. Sử chép hơn sáu trăm năm sau, đến đời Tấn, có viên thừa tướng Trương Hoa thấy trên trời có làn khí lạ, bèn triệu một người giỏi thiên văn là Lôi Hoán hỏi. Lôi bảo đó là cái tinh bảo kiếm tại Phong Thành.

Trương liền bổ Lôi đến trấn nơi đó. Lôi đào nền nhà ngục bắt được hai cái rương đá, mở coi trong đó có hai thanh gươm sáng rực. Bèn dấu một, dâng Trương Hoa một. Trương xem bảo:

– Đây là thanh Can Tương! Còn Mạc Tà đâu mất? Nhưng thần vật rồi sẽ hợp!

Sau hai người cùng đeo gươm qua bến Diên Bình Tận, tự nhiên hai lưỡi gươm nhảy tót xuống sông. Sai mò, thì thấy hai con rồng ngũ sắc trợn mắt vểnh râu rất dữ.

Nay thanh kiếm này chẳng rõ có phải thần vật xưa chăng, nhưng ngoài việc tôi cát, chắc còn phải nhiều hợp khí như nhân khí, điện khí, huyết hãn… phải là bảo kiếm khác thường! Chắc cũng do duyên may hiếm có!

Thái Dũng nghe thiếu phụ nói, nhớ lại lời một kiếm sư Nhật khét tiếng “kendo” từng nói qua về loại kiếm “Lưu Cầu” chém sắt như bùn. Loại này khi luyện cũng ngâm bùn lâu năm, khi đúc, lại trải ra, cuộn vào hàng ngàn lần, chẳng khác lối đúc nòng đại bác. Bùn ao nhiều điện khí, phàm lưỡi thép chém nhiều mạng đều thành linh vật, khi múa thường phát tiếng vo vo.

Ngay lúc đó, thiếu phụ đã đi lấy thanh gươm của chồng để lại. So với lưỡi tiểu kiếm xanh, gươm này dài sáng quắc, cũng thoát khí lạnh, nhưng xem chừng không sánh kịp.

Thái Dũng cả mừng, liền cầm thanh tiểu kiếm phóng vụt ra cửa sổ. Nghe vi vu xé gió đến “soạt” một tiếng, đã lộn lại đến mấy khắc sau mới nghe tiếng cây đổ bên ngoài. Nhìn lưỡi thép vẫn như không, lúc đó mới hiểu tại sao cây gậy thường phát âm lạ khi vụt vào sắt thép. Chàng trai chưa kịp cầm gậy, Năm Lực đã hý hoáy, lôi ra thêm một ống nứa nhỏ, trao tiểu chủ.

Thái Dũng moi được một cuốn sách nhỏ, ngoài đề năm chữ Nôm “Mặt Đỏ gửi trai Lê”. Đoán di ngôn của Thần Quân, chàng vội ngồi ngay ngắn, hồi hộp giở ra. “Lưu kiếm này cho mi, nếu gặp đôi, đó là duyên nợ. Nhớ lời giao kết chẳng được làm điều nghịch thiên đạo. Vậy mỗi lần, phải đền một giọt rỏ vào một trong chính giữa. Mi sẽ biết lời nguyền ứng nghiệm.”

Lần vội những trang sau toàn giấy trắng, không có một chữ nào cả.

Thái Dũng nhớ lại lời cam kết với tôn sư, không khỏi giật mình. Hồi tưởng lại những ngày khốn đốn nhục nhã khi chưa được Thần Quân dung nạp. Bèn cầm ngang thanh tiểu kiếm phục hướng về phía Si Công Linh, lạy ba lạy, đoạn hồi tưởng lại từ ngày vĩnh biệt ân sư về đời phục hận. Lãn Ông Thánh Y… trị bệnh cho vợ chồng người Sam, cứu Long Nữ, đánh cướp pháp trường, cứu bệnh đám tướng

Tây v.v… thường từ việc lớn việc nhỏ đều trái lời nguyền ước với tôn sư, toàn làm những việc xét ra “nghịch thiên đạo” cả!

Chàng tuổi trẻ lập tức vén tay áo, giở sách ra thích luôn mũi kiếm vào tay cho rỏ long tong. Một lúc liền mấy mũi, đỏ lòm mấy trang sách.

Cả Năm Lực và thiếu phụ đều kinh ngạc, gạn hỏi, nhưng chàng chỉ gạt đi.

Không nói, xong chàng bỏ cả cuốn sách vào túi trong. Lúc đó vào cuối canh hai, bỗng trăng sương… Có tiếng phía Nam cốc vọng lại. Thiếu phụ nghiêng tai nghe ngóng, thở dài lẩm bẩm:

– Nó lại lên cơn rồi!

Thái Dũng chống gậy, đứng phắt lên.

– Để tôi đến coi thử!

Nói đoạn, lao mình đi luôn, thiếu phụ chạy theo, lo lắng bảo:

– Ân khách sao không ở đây. Lỡ nó phá hang đá ra chế ngự sao nổi!

Chàng quay nhìn thiếu phụ mấy giây và nói nhanh:

– Tôi cần theo dõi cử động của Du Nhi! Biết đâu không ngộ thức được mấy đường dị hiểm của mộng du vương?

Thiếu phụ chợt hiểu, khẳng khái bảo:

– Gái góa này có theo chắc không vướng chân ân khách!

Hai người vụt đi như tên bắn. Đến cửa hang nhốt Du Nhi càng nghe tiếng hú vang động, lộn những tiếng ầm chát dữ dội. Thái Dũng tiến vào ghé mắt dòm qua lỗ hổng, tuy đã chứng kiến cảnh đội mồ tối qua, lần này vẫn không khỏi kinh ngạc về sức phá phách mạnh tợn của Du Nhi. Đáy hang ăn vòng thúng còn có một cái hốc ngách bằng cái nong, lúc tối, xích Du Nhi vào đó, ngoài chận đá phiến mấy tầng. Nó vừa lên cơn, nghe xoảng xoảng tiếng giật xiềng, như con thú bị nhốt đang nổi hung.

Chợt nghe rầm rầm liền mấy tiếng, rồi đá phiến bị đẩy bung. Du Nhi từ trong hốc ngách loạng choạng bước ra, vừa bước vừa giật tung các khúc xích còn quấn trên người. Cái đầu chụp vỏ sắt lắc lư, nó đến giữa lòng hang, ngước nhìn thoi nhựa cháy vật vờ trên vách. Chừng mười giây sau, bỗng như bị một định kiến huyền bí nào chi phối, nó ngửa mặt phát ra một tràng cười vang âm khác hẳn tiếng thường nhật. Rồi bất thần nó thét lên quái gở, vung cả hai tay lên đầu, thân hình cong vọt lên theo. Đến rầm một cái, thằng bé mộng du chạm phải trần đá núi, dội bật xuống, đá vụn rào rào trút xuống đầu sắt loong coong. Một con thú bị cản trở, nó lại đánh cả người lên, sức mạnh lạ thường, chẳng ngờ đó là trần hang núi, nó lại bị bật xuống, cứ thế mộng Du Nhi toan trổ nóc lên, không được nó lại lồng lộn quanh lòng hang. Du Nhi dùng thần công tiềm tàng xô đẩy phút chốc đá vụn đã ngổn ngang, bụi bay mù. Cuối cùng nó đẩy đúng cửa hang, chỗ chận đá phiến. Đá xốp nhiều lới, lúc đó, thẳng đà mộng du vương đã nổi cơn cực hứng, hai con mắt đỏ như than. Hắn vừa đẩy vừa lao mình vào làm đá chặn rung chuyển.

Thiếu phụ ẩn sau Thái Dũng, bất giác lo lắng khẽ bảo:

– Nó hung dữ quá, khéo đá đổ nát!

Dũng nấp rình chỉ sợ nó dùng sức mạnh lôi từng tảng vào phía trong, nhưng có lẽ định kiến mộng du thêm nhiều vật cản trước mặt nên nó chỉ dùng sức đẩy xô.

Chừng mười lần Dũng nấp ngoài đã thấy đá động mạnh, tuy chỗ cửa này chàng lấp đầy gấp mấy cửa hốc trong kia. Chợt nảy ra một ý, chàng bèn đặt hai bàn tay vào đá phiến, mắt dòm vào, cứ mỗi lần Du Nhi đẩy mạnh, chàng lại xô chặn. Quả nhiên, phút sau mộng Du Nhi bỏ đấy, nhảy vào trong, đứng sững như tượng. Chừng định kiến tác chuyển tới giai đoạn khác.

Chợt thấy Du Nhi từ từ ngồi xuống, hai tay để ngửa trên đầu gối hệt tối qua.

Không chậm trễ, Thái Dũng cũng ngồi xuống một phiến đá, rập đúng từng cử đông. Đến lúc chỉ còn ngón tay rực điện khí tụ nhỏ như con đóm, Du Nhi bỗng lật úp, đánh vụt ra như quơ tìm vật gì. Dũng đã đề phòng, vội hụp xuống, may luồng điện lia vòng cánh cung, toàn chạm vách đá, không vào lỗ hổng, nghe rào rào đá bụi lả tả. Dòm kỹ, đã thấy tay Du Nhi quơ vào trong, rắc cái đã rút ra được một thanh tre chõng, cắm trước mặt.

Dũng quan sát từng ly từng tý, thử làm theo cho thuộc. Nhờ thông minh sẵn, lại từng học qua nghề kiếm, nên chàng theo dõi rất sát, thoáng đã lãnh hội được hết cách vận tụ nhân điện cùng thuật múa kiếm bằng kình lực vô cùng kỳ ảo.

Lúc Du Nhi đánh thanh tre ra xa, bắt đầu múa may tuy cách không, nhưng chẳng khác người múa kiếm. Chàng nhận điện khí tụ cả đầu ngón trỏ, giữa ngón trỏ và thanh tre thay kiếm, có nhân diện dính liền, ngón tay múa phương nào, kiếm đi phương thế đó, hết sức khoa học. Chỉ khác nền văn minh cơ giới dùng một bộ máy phát điện điều khiển võ khí hàng trăm cây số. Nền văn minh nhân điện này, người là một cái máy phát điện, dùng nhân điện điều khiển vật kia chừng nào tùy công phu bí thuật luyện tập vậy.

Thái Dũng càng coi càng ngộ thức hết bí kíp kiếm phi, cùng khoa học vận dụng kỳ công điện lực trong mình. Chỉ lát sau đã lãnh hội được những đường kiếm tuyệt diệu. Đang mê mải học lỏm, bỗng mộng Du Nhi hú lên một tiếng, ngoắt tay chụp luôn thanh tre, rồi chậm chạp đứng lên, đi vào hốc ngách nằm quay ra ngủ.

Mấy khắc sau đã nghe tiếng thở đều.

Thiếu phụ thở phào có vẻ mừng rỡ:

– Tối nay nó lên cơn mới hơn một giờ đã ngủ lại! May quá! Nó không phá được cửa hang!

Thái Dũng đưa người đàn bà về nhà, đoạn ra chỗ vắng ôn luyện lại.

Cứ thế liền mấy đêm, ngày sống với Du Nhi, cùng nhau săn bắn, đêm lại nhốt nó vào hang, để theo dõi Mộng Du Vương. Chàng trai họ Lê đã họ được phép múa kiếm cách không, điều khiển hàng bốn mươi bộ ngoài, rất mạnh, kín. Đến tối thứ năm, đã sử dụng được cả mười ngón tay nhanh như chớp. Càng ngày càng mến phục mẹ con Du Nhi, mà hai mẹ con cũng quý thầy trò Dũng như người thân thuộc. Đêm thứ sáu, lúc đó đã vào tuần trăng hạ, một mình Thái Dũng ra hang nhốt

Du Nhi.

Nhưng tối đó, đợi mãi hết canh ba, vẫn không thấy thằng bé lên cơn mộng du.

Chàng bèn ngồi tựa vào cửa hang nhìn trăng xế, chạnh nhớ đến thù nhà.

Lòng như lửa đốt. Cố trấn tĩnh ngồi nhập định, xong cứ thế tựa vách thiu thiu ngủ.

Vùng nghe có tiếng ầm ầm bên trong. Chàng vừa dợm chạy vào, bỗng trần vách rung động, liên tiếp tiếng đá đổ mạnh, mấy tảng bằng đầu người từ trong bay vụt ra nhanh ghê gớm. Giật mình, chàng vội nằm phục xuống, đoán có chuyện bất lợi liền lăn vèo ra ngoài. Đúng lúc, Mộng Du Vương Nam Thánh theo đá vọt ra như con cọp xổng chuồng.

Cả kinh, Dũng lật đật ẩn dán vào ghềnh đá, ngừng hô hấp. “Vèo” ánh trúc sắc bay ra, liền sau là Mộng Du Nhi, vọt đứng trước cửa hang, ngửa mặt cười như điên, và đảo lia đầu dầm mấy phía, vẻ hung hăng khác thường.

Cũng mặt, Dũng đã ẩn kín sau ghềnh đá, Mộng Du Nhi quay lia nửa vòng, rồi lắc mình vút theo thanh trúc, hướng về phía nhà sàn.

Thấy thế, Dũng không khỏi lo cho tính mạng Năm Lực, vội chống gậy lao theo.

Vừa gần đến nhà sàn, bỗng nghe tiếng thiếu phụ quát lớn:

– Không được hại người!

Có tiếng xé gió, Dũng lập tức dắt gậy nhảy vụt vào đầu cầu thang, thấy mộng Du Nhi đứng giữa nhà, tay đang vờn, góc Tây Bắc Năm Lực đứng đó, xế trước mặt, thiếu phụ giang rộng hai tay hốt hoảng.

Lưỡi gươm dài bị Mộng Du Nhi đoạt từ khắc nào, lia trên đầu hai người, bỗng xoẹt hai cái liếm luôn chỏm tóc Lực.

Thái Dũng thấy tình thế hiểm nghèo, vừa định đánh kiếm ra chận, vùng thấy thanh gươm phóng xé ra lối cửa sổ hậu, rồi Mộng Du Nhi vụt luôn theo.

Có tiếng người rú đằng sau nhà, lẫn tiếng vật đổ.

Thái Dũng nhảy vọt xế qua bếp lửa, vụt từ ngoài nhảy vào liên tiếp hai cái đầu người phun máu phì phì. Chàng vội quày tay túm lấy, dòm ra, còn kịp thấy cái thây cụt đổ rầm rầm vào thành sổ, trên một cành cây gần đấy, có cái thây nữa nằm vắt ngang.

Tiếng vo vo xé gió hút chìm, ngoài xa, vọng lại từng tràng hú quái gở của

Mộng Du Nhi.

Rồi trong đêm trăng hạ tuần bềnh bệch, chỉ còn tiếng thác đổ triền miên.

Thiếu phụ, Năm Lực cùng ngó theo, chưa dứt kinh sợ.

– Nó nổi hung… lại đánh hơi người… bỏ đi giết chóc người vô tội! Hai cái đầu này chắc của bọn nào vừa nhập cốc đây!

Thái Dũng tần ngần mấy khắc đoạn vọt luôn về nẻo vừa vọng âm quái.

Nhưng đảo khắp miền, đến sáng vẫn không thấy bóng thằng bé Mộng Du

Nhi.

Dũng bèn bàn với thiếu phụ, chia nhau đi tìm, đoạn tạm biệt, cùng Năm Lực xuyên sơn, lộn về Cha Pa. Đến thị trấn nghỉ mát này vẫn không thấy tăm hơi Du Nhi đâu. Bèn bàn với

Năm Lực:

– Chắc nó đã đi phương khác rồi! Tỉnh giấc hoàn nguyên không biết đường về. Lại còn tung tích lão “quỷ phương Tây”. Đệ Bát kỳ quan vẫn không thấy. Biết đâu Tây Bắc chẳng là vùng Hắc Giang, Lai Châu, Sơn La chi đó! Nay là lúc đó có thể tìm Đông Quân thanh toán hận cừu, rồi sẽ liệu!

Năm Lực suy nghĩ giây lát bảo:

– Gặp lão Phi Mã Ác Sơn chúa Cờ Đen, chưa bằng gặp lão chúa Tây Phàn!

Mấy xác dưới mồ Mã Yên Sơn biến mất, cụ lớn nhà hoài cổ bỗng hiện về đi cùng

Sài Kíu Tinh. Cậu Kiệt bị bắt, người bí mật dưới Địa Võng… bao nhiêu bí mật nằm trong tay lão Tinh, sao không nán lại vùng này?

Thái Dũng cho là phải, liền tìm nhà trọ, nấn ná lưu lại Cha Pa. Thường hóa trang đi quanh miền dò xét.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.