Đường Uyển Nhi biết Chu Mẫn và Trang Chi Điệp ý kiến bất đồng, trong thâm tâm hận Chu Mẫn, song không dám ác ý mắng anh, chỉ khuyên Chu Mẫn không nên để tổn thương tới hoà khí. Chuyện này, cho dù thầy giáo Điệp không quan tâm tới anh, khiến anh mất việc làm ở toà soạn tạp chí, thì cái bát cơm đã giành được đó, cũng là do người ta đã cho anh lúc đầu. Hơn nữa người ta cây to rễ sâu, chọi lại với Cảnh Tuyết Ấm được. Nếu làm cho thầy Điệp ngãng ra, thì vụ kiện này có thắng cũng phải thua. Chị ta nói đến mức Chu Mẫn chịu cứng, không còn bác được câu nào, song chỉ đem huyên ra khe khẽ thổi. Chu Mẫn mở quyển sổ tay ra, vừa xem vừa thổi, thổi ra những âm điệu lạ lùng. Đường Uyển Nhi nghe không hiểu. Chờ tới khi Chu Mẫn thổi đã mệt, đi dạo phố, Đường Uyển Nhi mới giở sổ tay ra xem, trong sổ tay không có bản nhạc, mà là một bài thơ do Chu Mẫn sáng tác:
Tôi đi khắp đông tây
Đã tìm hỏi mọi người
Tôi tìm hết mọi nơi
Nhưng chẳng có nơi nào yên linh hồn tôi được
Bạn đang đọc truyện tại
Tôi tìm được một người đàn bà mới
Song cô ta đã có chồng
Tuy ở trong căn nhà mới
Mà đồ dùng nào có mới đâu
Từ một huyện lỵ rách nát dọn đến đô thị phồn hoa
Tôi gặp toàn những lão già
Nghe thấy rặt những lời cũ rích
Mẹ ơi, người đã sinh ra đứa con này
Trong đầu đứa con của người
Bao giờ mới có tư duy mới?
Đọc xong mới biết Chu Mẫn đã nhìn bài thơ này mà thổi huyên của anh một cách vớ vẩn lung tung, chị ta không khỏi thở dài cho anh một tiếng và rơi một giọt nước mắt rõ to. Nhưng chị ta không đồng ý câu “Tôi tìm được một người đàn bà mới, song cô ta đã có chồng” trong bài thơ, thầm nghĩ, bây giờ anh chê tôi đã có chồng, lẽ nào anh không biết trước chuyện tôi đã kết hôn? Vì anh, tôi đã vứt bỏ những ngày tháng yên ổn, song anh cứ luôn luôn nhìn nhận tôi như thế trong lòng ư? Càng nghĩ càng tức giận, phải chờ Chu Mẫn về bàn cãi cho ra nhẽ. Hậm hực như thế, chị ta ngồi xuống cửa sổ, lại nghĩ, thôi, thôi, trong trái tim mình đã không còn anh ta nữa, thì tranh cãi mà làm gì, nếu bây giờ lật lọng, anh ta điên tiết lên đập vỡ nát cả, sẽ hoàn toàn bỏ mặc vụ kiện này, biết đâu trước phiên toà, anh ta ăn nói lung tung bậy bạ, há không phải bôi nhọ Trang Chi Điệp? Nghĩ đến đây, Đường Uyển Nhi liền giấu quyển sổ tay đi, chờ đến ngày nào đó thời cơ hoàn toàn chín mùi, hoặc Chu Mẫn phát giác sự việc giữa chị ta và Trang Chi Điệp. Hai người cuối cùng đòi chia tay nhau, sẽ đưa quyển sổ này ra, sẽ là bằng chứng để chị ta tấn công lại. Thế là lại lấy cái gương đồng cất trong tủ đầu giường ra, buộc sợi dây vào núm gương treo lên cao giữa tường chính phòng khách. Nhưng để làm yên lòng Chu Mẫn trước mắt, chị ta liền đi tìm Mạnh Vân Phòng để nói lý. Mạnh Vân Phòng rất vui vẻ nhận lời, còn ôm chim bồ câu đến, cũng nói với Chu Mẫn:
– Trang Chi Điệp đâu có bực tức, anh ấy nói như vậy là để thắng vụ kiện này. Anh ấy trong sạch vô cớ bị lôi cuốn vào vụ kiện này là bởi có kẻ khác đã đứng ra định kiện anh ấy từ lâu. Hiện giờ anh ấy đang đứng cùng với cậu, biến luôn một người bạn tình nghĩa hẳn hoi thành thù địch, cậu còn tức giận cái gì? Cậu xem đây, anh ấy đâu có hẹp hòi nhỏ nhen như cậu, anh ấy còn mua bồ câu tặng các cậu đây này.
Đường Uyển Nhi ôm con bồ câu, liền cho bồ câu áp sát vào mặt mình, lông trắng của bồ câu vừa vặn tương xứng với sắc mặt kia, càng làm nổi trội cặp mắt của Đường Uyển Nhi đen lay láy, cái mỏ đỏ của con bồ câu càng tươi roi rói.
Đường Uyển Nhi hỏi:
– Thầy Phòng ơi, thầy bảo em trắng hay là bồ câu trắng?
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Em đã biết anh là thằng chột, còn nhìn ra gì được. Chờ hôm nào thầy Điệp của em đến hỏi thầy ấy. Mắt thầy ấy tinh lắm!
Mặt Đường Uyển Nhi hơi ửng đỏ, song lại hỏi:
– Thầy Phòng ơi, thầy vừa bảo Cảnh Tuyết Ấm là người tình của Trang Chi Điệp thật sao?
Chu Mẫn liền bảo:
– Em cứ lôi thôi, hỏi nhiều thế để làm gì?
Đường Uyển Nhi được chim bồ câu, thừa biết mua riêng cho mình, lại biết ở chợ Đường Tử không mua cho ai thứ gì, hớn hở mừng thầm, lúc vắng người cứ suy nghĩ miên man lắm chuyện. Từ đó ngày nào cũng đứng trước gương trang điểm ngắm vuốt, trang điểm xong, liền tươi cười với mình, khe khẽ gọi:
– Anh Điệp ơi, em cười với anh đấy!
Rồi không sao kìm chế được, liền lấy tay thoả mãn một lúc.
Trong thời gian này, Chu Mẫn cũng đã từng đòi hỏi thoả mãn, song chị ta thường từ chối người khó chịu, khi quả thật không từ chối được, chỉ thúc Chu Mẫn nhanh nhanh lên, sau đó lấy nước rửa đi rửa lại. Chu Mẫn liền bảo:
– Em càng ngày càng không thích thú nữa à?
Đường Uyển Nhi trả lời:
– Có tuổi rồi mà!
Chu Mẫn hỏi lại:
– Ba mươi như sói, bốn mươi như hổ, em mới bao nhiêu tuổi?
Đường Uyển Nhi cười song lại nói:
– Em có một đề nghị như thế này, anh và thầy Điệp đã có cuộc không vui vẻ, chúng mình liệu có thể mời thầy đến nhà uống trà ăn cơm. Trái tim con người đều bằng thịt, anh thấp hơn một cái đầu chủ động một chút thầy Điệp sẽ không khắt khe so bì với anh đâu!
Câu nói này đã khiến Chu Mẫn lại lún và nỗi buồn khổ của vụ án, anh ậm ừ không bảo được, cũng không bảo không được, ra ngồi trong sân quạt mát.
Hôm nay, Chung Duy Hiền sai Chu Mẫn liên hệ gặp Trang Chi Điệp bàn lấy việc. Chu Mẫn bảo sẽ gặp mặt tại nhà anh. Hẹn xong thời gian, về thật sớm nói với Đường Uyển Nhi. Chị ta sung sướng bảo sẽ sắm sửa rượu và thức ăn chu đáo. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chị ta không biết làm món gì ngon, buổi tối liền cầm đèn pin ra đi. Chu Mẫn hỏi làm gì vậy, chị ta chỉ bảo:
– Lúc về anh sẽ biết!
Chị ta đi tới rừng cây ven theo bờ sông vây quanh thành phố, bấm đèn pin soi bắt những con sâu non có tên là tri liễu từ trong gốc cây đội đất leo lên cây. Thì ra những con tri liễu này giao phối ở trên cây, đẻ trứng rơi trong đất ở gốc cây, sau khi lớn liền bò lên đến chỗ gốc cây vào các buổi tối, bắt đầu mọc cánh, sau đó lột xác bay lên thành con ve. Bắt về nấu ăn vào lúc chưa mọc cánh, có nhiều chất bổ, mùi vị lại rất tươi ngon. Chu Mẫn chờ đến nửa đêm, mới thấy Đường Uyển Nhi về, tóc rối tất rách, hai chân dính bùn, song đã bắt được một túi bóng sâu non, anh lại bực tức bảo:
– Em thành tinh thật rồi!
Đường Uyển Nhi chỉ cười, chị ta bảo, trên bờ sông chị ta gặp một người đàn ông cứ bám theo, chỉ ta đã chuẩn bị sẵn, chờ lúc hắn tới, chị ta sẽ đưa hết số tiền trong túi cho hắn. Song lại có một tốp người đến, hắn mới bỏ đi.
Chu Mẫn nói:
– Hắn đâu có đòi tiền của em?
Đường Uyển Nhi hỏi:
– Vậy hắn đòi gì ở em? Đòi em đi ư?
Đường Uyển Nhi đổ nước muối vào chậu, ngâm từng con sâu non vào nước để chúng nhả bùn tanh ra. Chu Mẫn lên giường bảo:
– Em ra mò mãi thế không ngủ à?
Đường Uyển Nhi đáp:
– Anh cứ ngủ trước đi.
Chu Mẫn vẫn cứ giục:
– Uyển Nhi, Uyển Nhi!
Đường Uyển Nhi thừa biết ý của anh, song cứ phớt tỉnh, mãi cho đến lúc Chu Mẫn cất tiếng ngáy, chị ta mới rón rén lên giường.
Hôm sau Trang Chi Điệp và Chung Duy Hiền đến đúng hẹn. Chu Mẫn liền đưa rượu ra, bảo vừa nói chuyện vừa uống. Chung Duy Hiền hỏi:
– Uống rượu không có thức nhắm à?
Đường Uyển Nhi tươi cười bưng ra một đĩa ấu trùng tri liễu đã rán mỡ vàng suộm. Trang Chi Điệp hãi quá liền bịt mồm bịt mũi. Đường Uyển Nhi thấy anh như vậy, trong lòng tủi thân, cất tiếng hỏi:
– Thầy Điệp không dám ăn ư?
Trang Chi Điệp đáp:
– Thứ này ăn thế nào?
Đường Uyển Nhi giải thích:
– Món này ngon lắm, người ở quê mẹ đẻ em hễ nhìn thấy là thèm nhỏ dãi. Đêm qua em bỏ ra hẳn một buổi tối, đến rừng cây dọc bờ sông bao quanh thành phố soi bắt về đấy.
Trang Chi Điệp bảo:
– Người Thiểm Nam các em, trừ máy bay không ăn được, còn các thứ bay trên trời đều xơi ráo, trừ giày cỏ không ăn được, còn các thứ đi trên đất không chê thứ nào cả.
Đường Uyển Nhi nói:
– Thầy cứ nếm thử xem!
Chị ta đưa ba ngón tay nhón một con bảo Trang Chi Điệp ăn. Trang Chi Điệp ăn thử, đúng là có mùi thơm là lạ, càng nhai càng có vị. Đường Uyển Nhi cũng cười, chị đưa ba ngón tay đã bốc sâu trì liễu vào mồm mút vị mỡ, đưa mắt cười với Trang Chi Điệp, rồi hỏi:
– Bây giờ biết rồi chứ? Thầy thì cứ phải mì sợi dài, bánh đúc ngô, em phải đào tạo thầy thành một nhà ăn sang mới được.
Chung Duy Hiền liền cười bảo:
– Cái từ “Đào tạo” hay đấy. nhưng tôi chưa từng được nghe một người đàn bà nào bảo phải đào tạo đàn ông! Hình như đã đọc được ở một quyển sách thì phải, nói rằng đàn bà là một cái đàn piano, người đàn ông giỏi có thể tấu lên những âm thanh du dương, người đàn ông tồi, thì tấu lên chỉ là những tiếng rè.
Đường Uyển Nhi nói:
– Điều ấy đúng lắm! Em cũng đã từng đọc một quyển sách nói rằng, đàn ông là ngựa, đàn bà là người cưỡi ngựa, ngựa đui hay sáng hoàn toàn do người cưỡi điều khiển.
Chu Mẫn gạt đi:
– Thôi, thôi, tổng biên tập Chung Duy Hiền là người như thế nào, em đừng có múa rìu qua mắt thợ Lỗ Ban nữa!
Đường Uyển Nhi càng được thể lại nói:
– Tổng biên tập Chung Duy Hiền không trả lương cho em, em không làm được kẻ hậu sinh khúm na khúm núm như anh đâu!
Lại nói cười một hồi nữa, thì Chung Duy Hiền hỏi Trang Chi Điệp có quen biết lãnh đạo của văn phòng công tác bình xét chức danh của tỉnh không. Trang Chi Điệp đáp:
– Có biết nhưng không quen.
Chung Duy Hiền nói:
– Chỉ cần biết, anh nói họ cũng sẽ nghe. Vậy thì nhờ anh giúp một việc. Lần này, văn phòng bình xét chức danh cho các ngành nghiệp vụ toàn sở. Bọn mình hai chỉ tiêu chức danh cao cấp nhưng ngoài ban biên tập tạp chí Tây Kinh, còn có ban biên tập kịch đàn Tây Kinh, biên tập thì nhiều như thế, sói nhiều thịt hiếm, chuyện này chẳng phải gây mâu thuẫn giữa anh em trí thức hay sao? Nếu mình không bị quy là phái hữu, thì bây giờ chẳng phải cầu cạnh nói gì với ai. Nhưng vì những năm ấy không làm biên tập, sau khi sửa sai đã làm người phụ trách tạp chí một thời gian, sau đó lại bị xoá mấy năm không làm gì. Bây giờ tuy là tổng biên tập, vừa nhận chức, thì số ra đầu tiên gặp phải trận phong ba này, trong sở không cho tạp chí chúng mình một chỉ tiêu. Mình đi hỏi họ, thì họ đùn đẩy bảo chỉ tiêu ít, bởi thế mình mới nhờ anh gặp văn phòng bình xét chức danh nói rõ tình hình, có thể cho sở thêm một chỉ tiêu được không? Mình ngần này tuổi đầu, sức khoẻ lại kém, còn sống được mấy nữa, được hay không được một chức danh cao cấp cũng chẳng để làm gì. Nhưng nhà nước đã cho anh em trí thức hưởng đãi ngộ này, mình đủ tư cách, những bọn người kia lại lấy chức danh đè nén mình, nên mình tức khí lên mà giành lấy. Anh thấy thế nào?
Trang Chi Điệp trả lời:
– Điều này hoàn toàn nên thế. Bọn họ cho rằng anh không đủ tư cách nhận chức danh cao cấp thì tại sao thành lập ra một tạp chí lớn thế này lại để anh làm tổng biên tập? Mấy ngày này tôi sẽ lên văn phòng bình xét chức danh phản ánh tình hình, cố gắng để họ cho thêm một chỉ tiêu, chức danh này sẽ nói rõ dành cho ai.
Chung Duy Hiền nói:
– Không cần chỉ rõ tên tuổi, chỉ cần thêm một chỉ tiêu, thì rút cuộc sẽ dễ xét hơn. Nếu loại bỏ thiên kiến của họ, khi các vị uỷ viên bình xét bàn bạc, nhận xét về mặt nghiệp vụ của mình không đủ trình độ, thì một câu mình cũng không oán thán.
Trang Chi Điệp nói:
– Nếu anh không đủ trình độ, thì e rằng sở văn hoá sẽ không có ai đủ trình độ nữa.
Chung Duy Hiền nói:
– Anh vui vẻ đáp ứng yêu cầu của mình như vậy mình cảm động thật đấy. Mình chỉ sợ anh cười mình đã đi cửa sau trong lĩnh vực chức danh.
Trang Chi Điệp nói:
– Sở dĩ anh gặp khó khăn như thế này, chẳng phải là do vì tôi mà dẫn tới ư?
Chung Duy Hiền bảo:
– Nói tới đây mình có tình hình muốn nói với anh và Chu Mẫn. Các anh biết vậy mà liều liệu thôi mà. Toà án thông báo viết bản đối đáp gỡ tội, anh chàng Lý Hồng Văn liền trở mặt, Cẩu Đại Hải sơ duyệt, anh ta duyệt lại, bây giờ anh ta nhũn ra như con chi chi, anh ta bảo chắc chắn sẽ thua kiện, liền đùn đẩy trách nhiệm, bảo trong cuộc sơ duyệt trong đơn duyệt bản thảo của Cẩu Đại Hải đã ghi rõ, bài này hay như thế nào, anh ta đã xem xong cảm thấy dính dáng đến chuyện bí mật của cá nhân, liền để mình duyệt lần cuối cùng. Nói mình đã khẳng định trong cột xét duyệ cuối cùng, bài văn này có nội dung tỉ mỉ xác thực, viết hay, nên đăng ở trang đầu. Thực tế thì thế nào? Cẩu Đại Hải viết ý kiến duyệt bản thảo lần đầu, ý Lý Hồng Văn viết ý kiến duyệt lại lần thứ hai, mình viết ý kiến duyệt lần cuối cùng. Quan điểm của chúng mình đều như nhau. Như anh ta bảo, anh ta còn giữ đơn xét duyệt bản thảo, khi đưa ra thì cột xét duyệt bản thảo lần thứ hai lại để trống, không có ý kiến gì. Mình và Cẩu Đại Hải đã nghi anh ta làm giả đơn xét duyệt bản thảo, ngay lúc đó Cẩu Đại Hải đòi đưa sang cơ quan công an giám định. Mình đã ngăn lại, mình bảo, anh ta định đùn đẩy trách nhiệm thì cứ để anh ta đùn đẩy. Thật ra, anh ta là người duyệt lân hai, cho dù thua kiện, thì anh ta gánh chịu bao nhiêu trách nhiệm cơ chứ? Mấu chốt là ở mình người xét duyệt cuối cùng. Mình là đại biểu pháp nhân của tạp chí cơ mà?
Chu Mẫn nói:
– Thảo nào hôm qua tôi gặp Cảnh Tuyết Ấm ở trong sở, Lý Hồng Văn đã cười nhăn nhở bước tới bắt chuyện.
Trang Chi Điệp nói:
– Kiện tụng chưa đến mức như hoạt động cách mạng bí mật đâu, bạn bè tốt, liền quay quắt phản bội được sao? Đúng là có chuyện xảy ra mới nhận rõ được một con người.
Chu Mẫn nghe vậy, liền đỏ mặt, gọi Đường Uyển Nhi cán thêm ít mì sợi nữa. Chung Duy Hiền liền móc túi lấy ra tờ đối đáp gỡ tội của mình đưa cho Trang Chi Điệp xem, rồi quay đầu nói nhỏ với Chu Mẫn:
– Chu Mẫn ơi, ở trong thành phố cậu có thể tìm được chỗ nào cho thuê nhà không hả?
Chu Mẫn đáp:
– Thầy chẳng phải đã có nhà rồi sao?
Chung Duy Hiền đáp:
– Không phải mình ở, mình mời một người bạn học cũ đến Tây Kinh chơi, mấy chục năm không gặp nhau, mình phải nhiệt tình chứ, định tìm một căn nhà ở độ chín mười hôm.
Chu Mẫn hỏi:
– Thế thì làm gì phải ở nhà thuê, nhận thầu một gian trong khách sạn không được à?
Chung Duy Hiền đáp:
– Cậu nói dễ nhỉ, mình kiếm đâu ra sẵn tiền thế!
Bên này, Trang Chi Điệp mắt thì xem bản đối đáp gỡ tội, tai thì nghe họ nói chuyện, bụng thì giật mình, chẳng phải tìm nhà ở cho bạn gái ở An Huy đó sao? Chị cả của A Xán ở Túc Châu đã chuyển đến cho Chung Duy Hiền ba bức thư, thư nào cũng mong được đến thặm đến được sẽ hoàn thành ước nguyện của hai người, yêu nhau đã hàng chục năm, tại sao không thật sự sống mấy ngày đời sống vợ chồng kia chứ? Ông đã viết trong thư như vậy, nói rất táo bạo, nói xong còn hỏi bạn gái: “Anh như vậy có tồi không, có lưu manh không?”. Trong thư trả lời ông, Trang Chi Điệp đã viết: “Em cũng nghĩ thế, đã nghĩ thế từ lâu, chỉ lo đi thăm không có một nơi an toàn. Chuyện này chớ để lộ ra nhé, bọn trẻ sống chung với nhau, người khác biết còn có thể thông cảm, chứ người già mà vụng trộm, loan truyền đi, chẳng mấy ai hiểu cho đâu. Em sẽ chờ, bên này anh thu xếp mọi việc đâu vào đấy em sẽ đến”. Nghĩ tới đây Trang Chi Điệp nói:
– Anh Chung ơi, tôi có thể giúp anh giải quyết nhà ở, không biết bạn học của anh bao giờ đến?
Chung Duy Hiền đáp:
– Cụ thể lúc nào thì chưa quyết định, có lẽ sau vụ kiện và chức danh cao cấp cầm trong tay, sẽ mời người đến. Anh cố gắng tìm nhà cho mình trước, song mình xin dặn anh, việc này anh biết, Chu Mẫn biết, chớ có để tin lọt ra ngoài.
Trong lòng Trang Chi Điệp bối rối, anh biết là thư viết trả lời gần đây nhất đã gây ra chuyện rắc rối, liền suy nghĩ hai ngày này phải viết một bức thư nữa, anh sẽ bảo khi lên nhà gác ngã gãy chân, tạm thời không thể đến ngay được. Trong lòng suy nghĩ như vậy, nên không dám nhìn Chung Duy Hiền, cũng không nhắc tới chuyện kiện cáo nữa, thấy Đường Uyển Nhi bưng mì sợi dài lên, chỉ khen mì sợi nấu ngon lắm. Trang Chi Điệp ăn nhanh, bỏ đũa bát trước. Chung Duy Hiền bảo:
– Chi Điệp này, anh khen mì sợi ngon lắm, sao lại không ăn hả?
Trang Chi Điệp đáp:
– Trưa nay tôi ăn cơm muộn, bụng còn no. Tôi không tiếp anh, anh cứ thật thà ăn tự nhiên nhé!
Chung Duy Hiền đáp:
– Mình ăn, mình ăn, quả tình mấy năm nay mình không được ăn mì cán tay, ngon thơm đáo để!
Hơi nóng trong bát bốc lên nghi ngút, hơi nóng trong đầu cũng toả ra hầm hập. Chung Duy Hiền bỏ cặp kính ra, lại ăn thêm một bát nữa, mới tháo bộ răng giả ra ngâm vào cốc nước sạch và bảo:
– Chu Mẫn sướng thật, ngày nào cũng được ăn mì ngon như thế này.
Ăn cơm xong, chia tay ra về. Chu Mẫn và Đường Uyển Nhi tiễn ra tận cổng, trong lòng ôm con bồ câu, chị ta bảo:
– Thầy Điệp ơi, thầy đã tặng chúng em con bồ câu này, thật tình cám ơn thầy. Nó ngoan lắm cơ. Ban ngày nói chuyện với em, ban đêm ngủ với em.
Chung Duy Hiền bảo:
– Cô gái này ngây thơ như trẻ con, chim bồ câu làm sao nói chuyện với cô được?
Đường Uyển Nhi đáp:
– Khi em nói chuyện với nó, nó nhìn em không động đậy, nó nghe được lời em nói đấy, – lại nói với Trang Chi Điệp – thầy Điệp còn chưa về nhà hay sao? Thầy đã lâu lắm không về nhà rồi, hôm đến nhà thầy đánh bài, cô Thanh nhắc đến thầy liền đau khổ. Hôm nay thầy về nhà, đem theo con bồ câu này, thầy cố nuôi ở đấy vài hôm, cũng để nó làm quen với thầy cô, vài ngày sau thả nó ra, nó sẽ tìm được chỗ em đấy.
Trang Chi Điệp nghĩ bụng, Mạnh Vân Phòng bảo chúng ta mua bồ câu để đưa thư, đưa tin thay điện thoại, cô ấy cũng nghĩ như vậy ư? Anh vui vẻ nói:
– Được.
Anh bế chim bồ câu về, bảo Liễu Nguyệt trông coi. Liễu Nguyệt đã nuôi chim bồ câu, ngày nào Trang Chi Điệp cũng mua một ít thóc cho chim ăn. Vài ngày sau trên vòng chân chim bồ câu, đã gài một bức thư ngắn, hẹn Đường Uyển Nhi đến “Nhà cầu khuyết”, Đường Uyển Nhi quả nhiên nhận được thư một cách an toàn và đến “Nhà cầu khuyết” đúng hẹn. Đương nhiên đã vui sướng một chầu, lại càng yêu thương bồ câu. Từ đó trở đi, nếu Chu Mẫn đi vắng, lại sai bồ câu đến báo anh đi. Anh chàng Trang Chi Điệp này cũng táo tợn lắm, đã dám hẹn Đường Uyển Nhi đến nhà mình. Đường Uyển Nhi xem mẩu giấy xong, liền viết một mẩu khác để chim bay về trước, còn mình thì vào nhà ra tay chưng diện đi sau.
Thật đáng đời, sự việc đã bị bại lộ. Khi chim bồ câu bay trở lại, đúng lúc Liễu Nguyệt đang phơi quần áo ở ban công, cảm thấy lạ quá vừa thả bồ câu về sao nó lại bay đến nhỉ? Liền nhìn thấy mẩu giấy nho nhỏ ở vòng chân chim bồ câu. Liễu Nguyệt bế chim lấy ra xem, thấy có dòng chữ: “Từ lâu em đã muốn đến nhà anh, chơi ở trong nhà anh. Em mới có cảm giác của bà chủ”. Liễu Nguyệt nhận ra nét chữ của Đường Uyển Nhi, liền thầm nghị từ lâu mình đã biết quan hệ của họ vượt quá giới hạn thông thường, nào ngờ đã đến nước này, không biết trước đây họ đã hú hí với nhau bao nhiêu lần rồi, chỉ giấu được phu nhân không biết, còn mình thì cũng mù mắt nốt. Liễu Nguyệt lẳng lặng gài lại mẩu giấy cẩn thận, nhẹ nhàng đi xuống bếp gọi Trang Chi Điệp:
– Thầy Điệp ơi, bồ câu kêu ở kia kìa!
Trang Chi Điệp bước ra bế bồ câu, lại thả bay lên ban công, đi vào nhà bếp bảo:
– Đâu có bồ câu. Bồ câu chẳng thả rồi ư? Liễu Nguyệt ơi, hôm nay chị cả em sang Song Nhân Phủ, cả nhà chị kết nghĩa của chị ấy sang thăm bà già, bên ấy đông người, chị cả em bận mải làm cơm, em sang bên ấy giúp chị một tay. Anh ở đây em khỏi lo, thầy Phòng em vừa gọi điện đến bảo, có một biên tập viên ở Bắc Kinh đặt bài đang chờ ở khách sạn Cô Đô, bảo anh và anh ấy đi gặp người ta, sẽ ăn cơm ở khách sạn.
Liễu Nguyệt liền đáp:
– Vậy thì được! anh người lớn tướng như thế này mà y như trẻ con, cứ thích đi ăn rình hàng xóm, đi ăn của người khác. Nhưng cũng tham vừa vừa thôi, ăn cho lắm vào, cơm, thức ăn của người ta, nhưng cái bụng của mình, phải biết giữ gìn sức khoẻ.
Nói rồi mở cổng đi ra. Thật ra Liễu Nguyệt chỉ đi quanh quẩn dạo phố một lúc, trong lòng rối như tơ vò. Dự đoán Đường Uyển Nhi đã sang nhà, liền quay trở về, cũng không gọi cửa, sang nhà bên cạnh, nói là ra ngoài quên mang chìa khoá, nhờ ban công của người ta leo vào mở cửa. Ban công của ngôi nhà này nối liền, ở giữa chỉ ngăn một tấm bê tông, trước đầy đã mấy lần quên chìa khoá, đã phải nhảy qua hành lang này vào nhà. Liễu Nguyệt liền rón rén đi vào, lẻn về buồng ngủ của mình, lại để chân trần áp sát tường đi đến buồng ngủ của Trang Chi Điệp, cửa buồng ngủ ấy không đóng, còn để một khe hở, còn chưa đến gần, đã nghe thấy ở trong có tiếng cười rộ lên khe khẽ (tác giả cắt bỏ năm mươi hai chữ). Trang Chi Điệp nói:
– Mặc quần áo vào, con Liễu Nguyệt đểnh đoảng, biết đâu nửa đường quên cái gì đó quay trở lại lấy thì sao!
Liễu Nguyệt trong lòng uất ức, anh nịnh nọt người ta, lại cắn vào lưỡi nói tôi hả, tôi đểnh đoảng khi nào nào? Liền nghe thấy Đường Uyển Nhi nói:
– Ứ, em không đâu! Em đòi nữa cơ!
Liễu Nguyệt phán đoán, bọn họ đã xong, không biết Trang Chi Điệp lấy cái gì của vợ cho chị ta, chị ta vẫn còn chê ít. Khi ngó đầu nhòm qua khe cửa, thì thấy Đường Uyển Nhi nằm trên giường (tác giả cắt bỏ năm mươi lăm chữ).
Khi nhìn rõ là Liễu Nguyệt thì Trang Chi Điệp hốt hoảng cầm khăn trải giường phủ lên Đường Uyển Nhi, cũng che luôn mình, chỉ biết nói:
– Bỏ mẹ rồi, nó đi nói với Ngưu Nguyệt Thanh mất!
Đường Uyển Nhi liền giật lấy chiếc áo sơ mi Trang Chi Điệp đang cầm trong tay bảo:
– Nó đâu có nói được cơ chứ?
Trang Chi Điệp liền đuổi theo, nhìn thấy Liễu Nguyệt đã tựa vào sống giường trong buồng ngủ của cô ta đang thở hổn hển. Trang Chi Điệp hỏi:
– Liễu Nguyệt ơi, em định nói ra chứ?
Liễu Nguyệt đáp:
– Em không nói!
Trang Chi Điệp nói:
– Liễu Nguyệt là một nhân tài hiếm có, anh đâu không yêu em, lại có ngày nào anh không bảo vệ em cơ chứ? Nhưng ngày thường em ghê gớm quá anh chỉ sợ chị cả em căn dặn em phải theo dõi anh.
Liễu Nguyệt nói:
– Chị cả chịu tin em ư? Chị ấy cũng thường hay đề phòng em, mọi người mâu thuẫn nhau, chị ấy không có chỗ trút bỏ, ngày nào chẳng coi em là cái thùng trút giận?
Trang Chi Điệp an ủi:
– Mặc xác chị ta, từ nay trở đi có chuyện gì thiệt thòi mất mát, em cứ trông cậy cam vào anh nhé!
Đường Uyển Nhi cũng nói:
– Liễu Nguyệt này, em đến đây làm người giúp việc chứ có phải con hầu mua về đâu, quả tình không được, thì em tìm một nhà khác, chỉ còn lại một mình chị cả, chị ta cáu gắt với ai nào?
Trang Chi Điệp gạt đi:
– Đừng có giở giọng thiu thối thế em, Liễu Nguyệt đi thế nào được? Sau này có dịp, anh sẽ sắp xếp cho Liễu Nguyệt tử tế.
Liễu Nguyệt càng đau khổ, khóc thút thít. Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi thấy khuyên cô ta ngay một lúc không nín, liền trở lại mặc quần áo vào. Đường Uyển Nhi bảo:
– Em hiểu tâm tư anh, lại yêu loại trẻ hơn chứ gì? Vừa rồi em đã nhìn anh, có bịt mồm con bé, thì cũng cẫn gì phải làm thế với nó, anh là chủ nhà, cứ doạ cho một chầu, con bé đâu dám nói bậy bạ? Song anh đã dao thật súng thật giở ra! Cho dù có làm chuyện kia, thì cũng sơ sơ chiếu lệ, đằng này lại cứ hùng hục sôi sục cả lên. Con bé tươi non hơn em mà, có lẽ sau này anh không cần em nữa!
Trang Chi Điệp nói:
– Em xem con người em ấy, thành cũng là em, không thành cũng là em!
Đường Uyển Nhi liền bảo:
– Nhưng em nhắc nhở anh, con bé này sao xấu lắm đấy, anh phải hết sức cẩn thận giữ gìn.
Chị ta nói thẳng thừng làm cho Trang Chi Điệp cũng đâm hoảng, tiễn Đường Uyển Nhi về rồi, liền tự pha một côc nước sôi đường đỏ mang vào phòng sách uống.
Trang Chi Điệp đâu có nghe lời Đường Uyển Nhi đã với Liễu Nguyệt lần thứ nhất, thì cũng có lần thứ hai, thứ ba. Chú ý theo dõi, thì cô gái này đúng là sao hổ trắng, nhưng tươi mới nây nây, rực rỡ như hoa đào, ngọc bích trắng ngần không một vết xước nên cũng bất chấp việc đem đến tai hoạ.
Liễu Nguyệt được cưng chiều, cũng dần dần có nhiều tiền, nổi trội hẳn lên, xem thường bà chủ. Ngưu Nguyệt Thanh nói không chịu nghe, nói xuôi bảo xuôi, nói ngược bảo ngược, chỉ làm cho chị chủ nhà bực mình, mà lại không bực mình nổi. Một hôm Ngưu Nguyệt Thanh đi làm, dặn mua một cân thịt lợn, một cân rau hẹ làm nhân gói bánh chẻo cũng không cần gói đồng xu đúc để bói quẻ. Liễu Nguyệt mồm bảo “vâng”, song lại mua bảy lạng rưỡi thịt dê, một cân hương hồi làm nhân bánh, còn gói cả một đồng hai xu vào trong bánh. Lúc ăn, Ngưu Nguyệt Thanh hỏi tại sao là thịt dê, chị chê thịt dê có mùi gây ăn vào sẽ bị ợ. Liễu Nguyệt cứ khăng khăng bảo rằng thịt dê ngon, không có vị gây, lại còn mỗi miếng lột một cái nuốt chửng trước mặt bà chủ. Hai người cự nự nhau, Ngưu Nguyệt Thanh chẳng thắng thế bao nhiêu bèn bực bội bỏ đi nằm.
Liễu Nguyệt lấy bồ câu đưa tin, gọi Đường Uyển Nhi đến, nói trước mặt Ngưu Nguyệt Thanh để Đường Uyển Nhi tới làm vui giải buồn cho chị cả. Đường Uyển Nhi và Ngưu Nguyệt Thanh chưa nói được vài câu, thì cô ta liền bưng một bát bánh chẻo đến, bảo:
– Chị Uyển Nhi này, chị cả không ăn, cũng chẳng thể bỏ phí, nếu chị không sợ em bỏ thuốc độc vào trong, thì ăn đi.
Đường Uyển Nhi liền bưng bát lên ăn, không có mùi gây, cắn một miếng, làm cái cục một tiếng, lè ra thì một đồng xu rơi tong một cái vào trong bát. Liễu Nguyệt liền xoa bóp lung tung vào người Đường Uyển Nhi và bảo:
– Chị thật là phúc to mệnh khoẻ, em ăn thêm một bát cũng không cắn phải, chị vừa cắn một miếng đã trúng ngay.
Trong khi xoa bóp, Liễu Nguyệt liền véo mạnh vào chỗ kia của Đường Uyển Nhi . Nhìn hai đứa nô nghịch quá chén, Ngưu Nguyệt Thanh nổi tức đến lộn ruột cũng phải ngậm đắng nuốt cay, từ đó có thêm một chứng bệnh, luôn luôn bị ngất, cảm thấy khó thở hụt hơi. Điều quan trọng hơn là thường cảm thấy mình không sạch sẽ, luôn lấy xà phòng rửa tay, rửa rồi còn lấy bàn chải cọ đi cọ lại từng nếp nhăn và khe móng tay, mỗi lần rửa cô cứ phải mất cả nửa tiếng đồng hồ.
Liễu Nguyệt cũng thường đi ra ngoài, dường như có phần nào không chịu ngồi một chỗ, hễ cứ đi mua thức ăn là không lần nào không tiện thể đi dạo phố, hoặc đi vào nhà ghi hình xem video, vào phòng vui chơi chơi trò điện tử. Trang Chi Điệp cũng có phần nào không hài lòng, đã từng bảo:
– Hình như em đã thay đổi thành người khác rồi đấy, Liễu Nguyệt ạ!
Liễu Nguyệt đáp:
– Đương nhiên rồi, có cái ấy của anh trên người, Liễu Nguyệt đâu còn là Liễu Nguyệt thuần tuý nữa phải không?
Điều mà Ngưu Nguyệt Thanh thấy chướng tai gai mắt là hễ cô ta đi ra ngoài, lúc về là phải có thêm một bộ quần áo, đầu để một kiểu tóc khác. Liền hỏi lại đi đâu hả? Liễu Nguyệt thường vịn lý do này lý do khác rất trơn tru. Ngưu Nguyệt Thanh liền bảo:
– Liễu Nguyệt ơi, tháng này cũng không thấy em gửi tiền về quê, được đồng nào chỉ để chưng diện ư? Bố mẹ em nuôi em bằng ngần này, em vào thành phố rồi, trong lòng không nghĩ báo hiếu bố mẹ sao?
Liễu Nguyệt đáp:
– Nhà quê có tiêu tiền mấy đâu? Em đến đây đã ngần ấy thời gian, có ai đến thăm em đâu, lại cứ tưởng em ở đây đào được lò vàng cho họ không bằng! Mỗi tháng em được mấy đồng kia chứ?
Ngưu Nguyệt Thanh tức nghẹn cổ, không thèm hỏi nữa. Một hôm Ngưu Nguyệt Thanh đi làm về, thấy trong nhà có nhiều cô gái ngồi uống rượu, cô nào cũng đầu mượt má phấn, rung đùi nghẹo lưng, thấy chủ nhà về hốt hoảng thè lưỡi, ào ào đứng dậy ra về. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
– Những cô ấy là ai thế?
Liễu Nguyệt đáp:
– Đều là bạn đồng hương hồi nhỏ của em, chị xem đấy, bọn nó đứa nào cũng giàu có phát tài, từ lâu đã phải bảo đến thăm nhà văn, đến rồi thì thấy trong nhà thứ gì cũng hiếm. Em thấy bọn nó vui vẻ cũng là để tỏ ra mình không ki bo, em đã giữ bọn nó ở lại uống một chai rượu.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
– Đây là địa điểm du lịch hay sao? Rước bọn ba lăng nhăng ấy về ai biết được ở nhà hàng quán trọ, bọn chúng làm gì. Nhà mình đâu có phải ổ gái điếm?
Liễu Nguyệt hỏi vặn lại:
– Dựa vào đâu, chị bảo bọn họ là gái điếm? Bọn họ là gái điếm thì em cũng là gái điếm ư?
Ngưu Nguyệt Thanh thấy cô ta chọi lại, càng điên tiết lên, bảo:
– Chơi với ai học kẻ ấy, mình chơi bời với bọn nó, chị thấy càng ngày em càng thay đổi. Em lấy gương soi thử xem nào, em chưng diện kiểu gì vậy?
Liễu Nguyệt đáp:
– Việc gì phải soi gương, em đái ra bong bóng đã soi rồi, em là con điếm, em là con điếm. Cái nhà này là ổ gái điếm còn nhà hàng quán trọ hơn cả nhà hàng quán trọ.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
– Em nói cái gì vậy? Em rủa cái nhà này hả?
Liễu Nguyệt đáp:
– Em dám rủa ư? Rủa đồng tiền em cưa kéo kiếm được.
Liễu Nguyệt đẩy mạnh cái cốc trong tay lên khay trà, nào ngờ cái cốc trượt về phía trước, cốc không vỡ, song va vào cái ấm rơi xuống đất vỡ tan tành. Ngưu Nguyệt Thanh nhảy phắt dậy:
– Gớm nhỉ, cô đập vỡ ấm rồi. Nhà này chẳng phải nhà cô, cô không có quyền đập phá!
Liễu Nguyệt đáp:
– Tôi đền, đền chị ấm trà, đền luôn cả chai rượu đã uống.
Cô ta khóc hu hu đi vào buồng của mình.
Hôm nay với giọng của đàn bà, Trang Chi Điệp lại viết cho Chung Duy Hiền một bức thư, nói chân bị đau không thể đi Tây Kinh vào thời gian gần đây được. Sau khi gửi đi, liền đến văn phòng bình xét chức danh tìm nhân sĩ hữu quan nói chuyện một buổi sáng. Văn phòng bình xét chức danh kiên trì quan điểm không cho thêm chỉ tiêu, bảo là hội nghị đã quyết định, tùy tiện thay đổi sẽ đem lại nhiều phiền phức, bây giờ chỉ có thể dàn xếp với sở văn hoá, bảo họ phải bình xét công bằng hợp lý. Người của phòng bình xét cũng cẩn thận lắm, gọi luôn điện thoại đến cho giám đốc sở. Trang Chi Điệp luôn ngồi ở bên cạnh, nghe người ta nói từng câu từng lời xong, còn trách không trực tiếp nhắc đến Chung Duy Hiền. Người của văn phòng bình xét chức danh nói, sao lại có thể nhắc đến con người cụ thể được? Là ngành cao cấp trên can thiệp nhân sự cụ thể của cấp dưới là không sáng suốt, có khi làm không tốt sẽ rách việc. Trang Chi Điệp buồn bực trở về, còn chưa kịp trút cơn tức lên Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt, nhưng vừa bước lên cầu thang đã nghe cãi cọ, nét mặt hầm hầm hỏi Ngưu Nguyệt Thanh có chuyện gì. Ngưu Nguyệt Thanh thấy chồng nổi giận, chị đã mềm mỏng kể lại một lượt chuyện Liễu Nguyệt dẫn đám con gái ở nhà hàng quán trọ về nhà chơi bời ăn uống. Chị bảo:
– Mình ở nhà tập thể cơ quan, nhà nào cũng là anh chị em tri thức, dẫn những người không biết không rõ ngoài xã hội về nhà uống rượu múa hát ầm lên, người ta sẽ đánh giá nhà mình như thế nào? Em bảo nó mấy câu, nó càng làm già, đánh vỡ cả ấm nước.