Type: um-um
Mấy ngày sau đó có thể xem như sóng yên biển lặng, Thiên Chính Đế vẫn đối xử với Đồng Hề như trước, thực ra chủ yếu là vì nàng làm rùa rụt cổ, không chịu gặp người nên tưởng rằng cơn sóng gió nhỏ do pho tượng Tống Tử Quan Âm gây nên không đáng kể gì. Hoàng thượng bận trăm công nghìn việc, hẳn đã quên pho tượng này từ lâu, chẳng phải khi đó người cũng không tỏ vẻ gì ư?
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc đã tới lễ mừng thọ của Thái hậu. Vì đón ý nói hùa với tác phong đơn giản của Thiên Chính Đế nên Độc Cô Viện Phượng không định tổ chức rình rang mà chỉ bày tiệc trong Vãn Nhật các bên bờ hồ Phong Hà.
Khi Đồng Hề tới thì Mộ Chiêu Văn đang thầm thì bên tai Thiên Chính Đế điều gì đó, Thiên Chính Đế mỉm cười, xem chừng rất thân mật. Độc Cô Viện Phượng thì ngồi một bên bĩu môi, hôm nay là sinh nhật của ả chứ đâu phải ngày thường.
“Thái hậu vạn phúc, Hoàng thượng vạn phúc!”
Đồng Hề lặng lẽ bước lên. Thiên Chính Đế dường như rất miễn cưỡng liếc nàng một. Độc Cô Viện Phượng cho nàng bình thần.
Mọi người lần lượt dâng quà theo thứ tự phân vị, Đồng Hề tặng bức tranh Ngọc Đường Phú Quý bản gốc thời tiền triều, vẽ ba loài hoa là lan, hải đường và mẫu đơn. Tác giả mượn “Ngọc” trong ngọc lan, mượn “Đường” trong hải đường nhưng dùng chữ khác đồng âm tạo nên cái tên “Ngọc Đường”, vừa nghe đã có cảm giác vui vẻ.
“Quý phi nương nương thật khéo chọn, mẫu đơn trong bức Ngọc Đường Phú Quý này rõ ràng tượng trưng cho Thái hậu nương nương. Mẫu đơn là hoa vương, khắp thiên hạ cũng chỉ có Thái hậu mới xứng với loài hoa này.” Quan Tinh Huệ khôn khéo nói, nhân tiện trả mối thù lần trước, vì Đồng Hề vốn yêu mẫu đơn, cũng thích dùng mẫu đơn làm đồ trang sức.
Lúc này, sắc mặt Độc Cô Viện Phượng mới tươi tỉnh hơn.
Mộ Chiêu Văn tặng một xấp lụa Băng Nguyệt. Để làm ra xấp lụa này cần tới một trăm người con gái đất Thục làm liên tục trong ba năm. Hôm nay, nàng ta tặng nó cho Độc Cô Viện Phượng cũng là để thể hiện sự sủng ái mà Thiên Chính Đế dành cho mình.
Đồng Hề trước giờ không thích ra mặt. Trong suốt yến tiệc, mọi sự chú ý đều hướng về Mộ Chiêu Văn, bởi vì Thiên Chính Đế không lúc nào dời mắt khỏi nàng ta, ngay cả Độc Cô Viện Phượng dường như cũng chỉ là nhân vật phụ mà thôi.
“Đêm nay trăng thanh gió mát, hoa sen trong hồ bung nở rực rỡ, chi bằng mở một hội sen, vịnh sen làm vui, khuấy động không khí.” Tuy sắc mặt của Độc Cô Viện Phượng không tốt nhưng ả vẫn phải tỏ ra đĩnh đạc.
Thiên Chính Đế vốn đang lười nhác tựa vào lưng ghế, nghe vậy cũng hơi thẳng người dậy, có vẻ khá hứng thú. Chúng phi tần vội vàng đồng ý.
“Thời hạn là một nén hương, ai làm được càng nhiều bài thơ thì càng có nhiều cơ hội thắng cuộc. Ai gia sẽ tặng cho người thắng chiếc trâm tua rua mai hoa như ý này, phong làm hoa khôi của hôm nay, rồi mời Hoàng thượng cài trâm cho hoa khôi. Không biết Hoàng thượng thấy thế nào?”
“Rất thú vị!” Thiên Chính Đế gật đầu, nhìn Mộ Chiêu Văn bằng ánh mắt khích lệ. Điều này càng khiến những người khác không phục.
Nếu luật chơi chỉ làm một bài thì hẳn nhiên người có cơ hội thắng không ai khác ngoài Mộ Chiêu Văn và Đồng Hề, nhưng Độc Cô Viện Phượng lại thích chơi chiêu, chỉ rõ thơ ai càng nhiều, chất lượng càng cao thì sẽ là người chiến thắng. Điều này khiến việc ai sẽ là chủ nhân của ngôi vị hoa khôi hôm nay trở nên khó đoán.
Thị nữ bưng bút mực giấy nghiên lên, chúng phi bắt đầu tập trung suy nghĩ. Từ trước tới nay, Đồng Hề vốn có tài sáng tác nhanh nên chỉ thoáng trầm ngâm một lát nàng đã viết lia lịa trên giấy rồi.
Mới đầu, Mộ Chiêu Văn không suy nghĩ gì mà nhấc bút lên, một lát sau đã đặt bút xuống, gương mặt trầm tư, rất lâu sau không động tới bút nữa. Mọi người bắt đầu hoan hỉ, đoán chừng nàng ta không làm nổi bài thứ hai.
Sau một nén nhang, thái giám gõ chiêng vàng. Bấy giờ mọi người mới đặt bút xuống. Nội thị đi thu giấy, trình lên Thiên Chính Đế và Thái hậu. Kết quả được công bố, Đồng Hề làm được mười hai bài, còn Mộ Chiêu Văn chỉ có duy nhất một bài, những người còn lại có ít có nhiều nhưng không ai vượt qua được Đồng Hề.
Độc Cô Viện Phượng chỉ cần Mộ Chiêu Văn không thắng là thấy vui rồi. Nay Đồng Hề đã chẳng là gì trong mắt ả nữa. Nàng tốn bao công sức, làm bao nhiêu chuyện mà vẫn không chiếm được trái tim của Thiên Chính Đế, thực không xứng làm đối thủ của ả ta.
Thiên Chính Đế tiện tay lật cuộn giấy ra xem, bỗng khựng lại một lúc:
“Liền trời sắc lá xanh xanh ngắt
Nắng chiếu màu hoa thẫm lạ lùng.(1)
(1)Trích bài thơ Buổi sớm ra chùa Tĩnh Từ tiễn Lâm Tử Phương của Dương Vạn Lý, bản dịch của Tùng Văn.
Hay, hay lắm! Chỉ riêng câu này đã biết không cần xem thơ của người khác rồi!”
Thiên Chính Đế vừa dứt lời, tất cả mọi người đều vô cùng ngạc nhiên. Hoàng đế đã nói vậy, nào ai dám phản bác!
“Chiêu Văn, tài văn chưong của nàng đúng là số một hậu cung.” Thiên Chính Đế nhìn Mộ Chiêu Văn, hai người đưa mắt nhìn nhau, không ai có thể xen vào.
“Nhưng Hoàng thượng, người còn chưa xem thơ của các phi tần khác mà, sao biết không xuất sắc hơn? Huống chi hội thi hôm nay còn đề cao số lượng nữa, mà chủ nhân của bài thơ này chỉ có mỗi một bài, chỉ e…” Độc Cô Viện Phượng nhất quyết không đồng ý.
“Một bài thơ này có thể sánh bằng trăm bài thơ khác.” Thiên Chính Đế có vẻ quyết tâm bảo vệ Mộ Chiêu Văn đến cùng.
“Ai gia thấy mấy bài của Quý phi cũng không tồi:
Gió khẽ lay tàu lá
Sương trong lạc hoa phòng
Hồ kia xanh ngăn ngắt
Chỉ để ánh sắc hồng.”(2)
(2) Bài thơ Vịnh hoa sen của Thẩm Ước.
Thiên Chính Đế vẫn chẳng nói chẳng rằng. Mọi người cùng ngâm, cũng thấy bài thơ này rất hay, tuy không bằng bài của Mộ Chiêu Văn nhưng dù sao số lượng thơ của Đồng Hề vẫn nhiều hơn.
“Ai gia cũng rất thích bài này:
Lá xanh phủ kín mặt nước xanh
Cánh sen đài các khoác lụa hồng
Nào ngờ dưới khóm chung một gốc
Ân tình chung thủy mãi chẳng xa.”(1)
(1) Bài thơ Thanh Dương Độ của Nhạc Phủ.
Độc Cô Viện Phượng thấy Thiên Chính Đế không nói gì, bèn đọc thêm vài bài, chất lượng đều không tồi, xứng đáng được mọi người tán thưởng. Thế nhưng hôm nay đã có áng thơ của Mộ Chiêu Văn nên bao ánh sáng của những bài thơ này đều bị che khuất hết.
“Giang Đắc Khải!” Thiên Chính Đế bỗng cất tiếng. Giang Đắc Khải vội vàng cúi người nhận lệnh. “Ngươi đem những bài thơ này tới phủ của tân khoa Trạng nguyên, mời hắn nhanh chóng đánh giá. Chúng ta cũng nên nghe thử ý kiến của đương đại tài tử xem sao.”
Thiên Chính Đế bất đồng ý kiến với Độc Cô Viện Phượng nên tìm một người khác đánh giá, âu cũng là điều hợp tình hợp lý. Nhưng Đồng Hề lại không để tâm tới chuyện đó. Người am hiểu về thi ca chỉ cần đọc là biết sự chênh lệch giữa hai bên. Khi Thiên Chính Đế đọc thơ của Mộ Chiêu Văn lên, nàng đã biết mình không có cửa thắng. Tự đáy lòng, nàng vô cùng khâm phục tài năng của nàng ta.
Đồng Hề từ nhỏ đã kiêu ngạo, chưa từng phục ai bao giờ. Lần Mộ Chiêu Văn sáng tác hai bài thơ về mẫu đơn và thược dược, tuy khiến nàng phải sửng sốt nhưng vẫn cảm thấy chúng chỉ một chín một mười với thơ của nàng, bởi vậy nàng không muốn thừa nhận tài hoa của nàng ta. Nhưng đêm nay, chỉ trong một thời gian ngắn mà nàng ta có thể làm được bài thơ tuyệt diễm nhường ấy, câu chữ diệu hơn nàng rất nhiều, nàng thực sự tâm phục khẩu phục. Nàng bất giác nghĩ, trong những năm tháng cô đơn đằng đẵng ở hậu cung này, nếu có một tri kỉ ngày ngày ngâm thơ đối đáp, âu cũng là điều may mắn.
Mộ Chiêu Văn vốn có tài, Đồng Hề cũng đánh giá rất cao cách đối nhân xử thế của nàng ta. Nếu như không phải tranh đấu thì nàng rất muốn được làm bạn với nữ tử này, dù chỉ là bạn thơ.
Hậu cung không có tình bạn mãi mãi và kẻ thù mãi mãi, nàng bỗng cảm thấy không nên đối đầu với Mộ Chiêu Văn nữa, nếu không chỉ càng làm mất lòng Thiên Chính Đế. Đạo lý “yêu ai yêu cả đường di lối về”, nàng biết rất rõ.
Nội thị cố gắng đi thật nhanh. Trong lúc chờ đợi, Cận Sương Hoa hiến một khúc Hái sen, vòng eo uyển chuyển, bước nhảy nhẹ nhàng, nếu là ngày thường, nhất định sẽ rất được chú ý, chỉ có điều hiện giờ phần đông mọi người đều đang mong ngóng kết quả luận thơ nên Cận Sương Hoa cũng chẳng được lợi gì. Hơn nữa, dường như Thiên Chính Đế cũng chẳng có hứng thú với ca múa, người chỉ liếc qua vài lần rồi thôi.
Một canh giờ sau, cuối cùng bên bờ hồ Phong Hà cũng vọng tới tiếng bước chân vội vã. Xem ra đã có kết quả rồi!
“Thần từng có dịp đi qua Vân Dương, được chứng kiến cảnh sắc mênh mông hơi nước tuyệt diệu của Tây Hổ, nằm nghe tiếng mưa rơi tí tách xuống tàu lá héo, tiếc thay không may mắn được ngắm cảnh hồ sen bung nở. Hôm nay, khi đọc tới câu “Liền trời”, tựa như được tham quan thắng cảnh đó một lần nữa, thậm chí còn ngửi thấy hương sen thoang thoảng. Bài thơ này vô cùng độc đáo, tựa như có một lối suy tưởng riêng, sắc thơ diễm lệ, ý tình say đắm, quả xứng lưu giữ muôn đời.”
Đó là nguyên văn lời của tân khoa Trạng nguyên. Rất khéo đưa đẩy! Y không nhắc nửa chữ tới thơ của Đồng Hề mà chỉ ra sức tán dương thơ của Mộ Chiêu Văn, còn biện giải cho cái khó của nàng ta, bởi vì Mộ Chiêu Văn quá nhớ quê nhà sau khi phụ thân xảy ra chuyện.
Y không bình phẩm thơ của Đồng Hề, tất nhiên là vì không muốn đắc tội với Lệnh Hồ Quý phi.
Sau khi nghe xong, Thiên Chính Đế không hề có vẻ vui mừng mà ngược lại còn thoáng trầm tư.
“Hội thi hoa sen hôm nay, xem ra phần thắng thuộc về Chiêu Văn rồi. Ngoài nàng ra, chẳng còn ai xứng với câu “Hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, đắm mình trong gợn nước trong mà chẳng lẳng lơ” (1)
(1) Trích Yêu hoa sen của Chu Đôn Di.
Đó là một câu khen ngợi cực kì khéo léo. Chỉ bằng câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đã đủ để rũ bỏ mọi tiếng xấu cho Mộ Chiêu Văn.
Lúc này, Đồng Hề mới biết thì ra trái tim con người quả thật có sự thiên vị. Nàng thầm nghĩ, nếu phụ thân nàng cũng xảy ra chuyện, chỉ e dù nàng không chết cũng sẽ bị biếm vào lãnh cung. Mọi quy tắc trong hậu cung này đều xoay quanh một người, nàng cứ tưởng rằng chỉ cần biết dùng thủ đoạn là có thể đùa giỡn mọi người trong thiên hạ, nào ngờ sức mạnh của tình yêu lại lớn đến thế!
Chỉ có tân khoa Trạng nguyên đang đắc ý kia không thể ngờ rằng, y không những không lấy được con gái quan thượng thư như Trạng nguyên khoa trước mà còn không được vào Hàn lâm viện, không được làm thứ cát sĩ (2). Trong lịch sử của Cảnh Hiên hoàng triều, không một vị lục bộ thượng thư hay tể tướng nào không xuất thân từ thứ cát sĩ, ngược lại Thám hoa năm nay lại được vào Hàn lâm viện, trở thành thứ cát sĩ, bỗng chốc nổi bật hơn Trạng nguyên rất nhiều.
(2) Một chức vị trong Hàn lâm viện.
Điều khiến Trạng nguyên Lưu Hâm thắc mắc nhất là vì sao Hoàng thượng không nhận ra tâm lòng trung của y? Y luôn muốn phụng sự hoàng đảng nên mới nương cậy sủng phi đương triều là Chiêu Phu nhân.
Chỉ có Thiên Chính Đế biết, đôi khi có thể đánh giá một người qua những việc nhỏ nhặt, chuyện bình thơ chỉ là cái cớ mà thôi, huống chi người còn có ý trọng dụng tân khoa Trạng nguyên. Thế nhưng Lưu Hâm khiến Thiên Chính Đế quá thất vọng. Y một mực muốn nương nhờ Chiêu Phu nhân. Giang Đắc Khải đã ra ám hiệu cho y biết ý của Hoàng thượng, bởi vậy y một mực tán dương và biện giải cho Mộ Chiêu Văn, nhưng mặt khác lại không dám đắc tội với Đồng Hề. Dù là phẩm thơ nhưng sao chỉ phẩm có một bài?
Khi Giang Đắc Khải đưa thơ tới cho Trạng nguyên, ở đó còn có Bảng nhãn và Thám hoa đương triều, duy có Thám hoa là yêu mến bài thơ vịnh sen tựa tình cảm vợ chồng sắt son của Đồng Hề. Giang Đắc Khải không biết gì khác ngoài việc cả Trạng nguyên và Bảng nhãn đều phải tới phương xa làm tri huyện, chỉ có Thám hoa được giữ lại ở Hàn lâm viện, làm quan kinh thành.
Đêm đó, người nổi bật nhất tất nhiên vẫn là Mộ Chiêu Văn.
Độc Cô Viện Phượng tuy không đạt được mục đích nhưng ít nhất cũng khiến cái danh đệ nhất tài nữ chốn đô thành của Đồng Hề bị phai nhạt ít nhiều, bởi vậy ả ta cũng không tính là thua.
Đồng Hề vẫn mỗi tháng được thị tẩm một lần. Không phải là nàng không muốn tới gần Thiên Chính Đế mà vì chuyện này đối với người khác thì dễ như trở bàn tay nhưng đối với nàng lại khó khăn muôn trùng. Điều đó khiến cung nữ và thái giám bên cạnh nàng vô cùng sốt ruột.
“Hoàng thượng vạn phúc!” Đồng Hề nghênh đón thánh giá tại Thâu Hương hiên.
Khi Thiên Chính Đế tới cũng là lúc nên nghỉ ngơi rồi, bởi vậy nàng đành cố hỏi:
“Hoàng thượng có muốn ngâm suối nước nóng cho đỡ mệt không?”
Đồng Hề thấp thỏm chờ đợi câu trả lời của Thiên Chính Đế, chỉ sợ nghe thấy một tiếng “không”. Từ sau lần thị tẩm ở suối nước nóng, nàng bèn cảm thấy nếu muốn khiến Thiên Chính Đế vui, nàng phải tới suối Lan Diễm.
Xung quanh suối Lan Diễm không có kiến trúc nào nên không ai có thể nhìn thấy hay nghe thấy điều gì, lại thêm tiếng nước vỗ vào đá khiến nàng không cần phải cắn răng chịu đựng không để mình khóc thành tiếng, nước suối cũng có thể che lấp nước mắt nàng. Khóc khi thị tẩm không phải là chuyện một cung phi nên làm.
Huống chi nàng còn phát hiện dường như khi nàng bật khóc thành tiếng, động tác của Thiên Chính Đế sẽ dịu dàng hơn nhiều, vậy mà trước kia nàng cứ tưởng người sẽ giận dữ lắm.
Suối Lan Diễm.
Đồng Hề im lặng hầu hạ Thiên Chính Đế thay đồ. Hôm nay, nàng mặc một chiếc váy mỏng màu hồng phấn thêu mai trắng, thắt một nút ở eo.
Từ khi bước vào Thâu Hương hiên tới giờ, Thiên Chính Đế vẫn chưa nói một lời. Nàng thấy người bước xuống suối với vẻ mặt nghiêm túc tựa như đang suy nghĩ chuyện gì hệ trọng nên thầm nhủ không biết có nên chủ động tiến lên hay cứ đứng bên cạnh hầu hạ.
Sau khi cân nhắc hồi lâu, bằng kinh nghiệm và mục đích của mình, nàng nhất định phải mua vui cho Thiên Chính Đế. Phải, chính là “mua vui”! Khi chưa tiến cung, mỗi khi mẫu thân nhắc tới từ này, đều có tiểu thiếp của phụ thân ở đó, bởi đó là chuyện mà tiểu thiếp kia phải làm, còn thân phận chính thê lại cần sự đoan trang và biết chăm lo cho gia tộc, và mẫu thân nàng luôn hoàn thành xuất sắc.
Mẫu thân của Đồng Hề là người phụ nữ đẹp nhất nàng từng thấy, cũng là người đoan trang nhất, cao quý nhất, hiền huệ nhất và độ lượng nhất. Mẫu thân luôn là thần tượng trong lòng Đồng Hề. Thuở nhỏ, nàng từng gặp công chúa, cũng có may mắn được vào hoàng cung, nhưng nàng vẫn cảm thấy không ai đẹp bằng mẫu thân mình.
Đồng Hề rất khó chịu, cuối cùng nàng vẫn không thể giống như mẫu thân. Nàng bắt buộc phải mua vui cho phu quân của mình bởi nàng chỉ là một tiểu thiếp mà thôi. Mỗi lần nghĩ tới điều này, nàng lại thấy tim mình quặn đau. Nàng nghĩ nàng sẽ bị mẫu thân coi thường. Bà luôn nhìn nàng từ trên cao với ánh mắt lạnh lùng. Đối với mẫu thân, dù có là quý phi thì cũng không tôn quý bằng chính thê của một người thường, bởi vậy bà chưa từng chấp nhặt với đám tiểu thiếp kia.
Đồng Hề cắn môi, nhẹ nhàng bước xuống suối, đứng sau Thiên Chính Đế, chà lưng cho người. Sau đó phải làm thế nào, nàng hoàn toàn không biết. Thứ nhất là nàng chưa từng học, thứ hai là nàng chưa bao giờ được quan sát, thứ ba là những điều nàng đang nghĩ là những điều nàng chưa bao giờ nghĩ tới. Nàng thậm chí còn muốn bỏ trốn, nhưng bắt buộc phải ở lại.
Việc Tề Vân bị bắt và sự vinh sủng của Mộ Chiêu Văn đã dạy nàng rằng, có một đứa con là chuyện vô cùng quan trọng.
Thế nhưng hôm nay Thiên Chính Đế như biến thành một người khác. Người không có bất kì phàn ứng gì, chỉ lạnh lùng hưởng thụ sự xoa bóp của Đồng Hề cho tới khi các ngón tay nàng tê rần hết cả.
“Hoàng thượng, ngâm nước lâu không tốt cho sức khỏe, người nên lên thôi!”
Đồng Hề thầm nghĩ, lẽ nào người không thích ở đây? Tiếc quá, bởi vì nàng lại không thích nơi nào ngoài nơi này.
Thiên Chính Đế không quay đầu lại, chỉ kéo nàng qua. Nàng lập tức nằm gọn trong vòng tay của người. Đồng Hề thầm thở phào nhẹ nhõm, nàng thực sự lo sợ mỗi lần thị tẩm chỉ được Thiên Chính Đế ghé qua rồi đi như những cung phi khác.
Sau cơn mây mưa, Đồng Hề cố lấy lại tinh thần, hầu Thiên Chính Đế thay đồ, đồng thời dâng lên chiếc tất đã được vá lại.
“Đây là…” Giọng Thiên Chính Đế bỗng nhẹ nhàng lạ thường, đôi mắt cũng dịu dàng hơn rất nhiều, Đồng Hề thấy phương án suối Lan Diễm đúng là số một.
“Đôi tất này thần thiếp đã vá xong rồi, chỉ có điều đường kim mũi chỉ không được khéo léo, chẳng bằng một góc so với Tề Vân cô cô.” Đồng Hề giả vờ nói với vẻ không để ý. Nàng vẫn muốn tìm cơ hội cầu xin cho Tề Vân, và đôi tất này chính là bước đột phá.
Nếu có chuyện gì còn nhanh hơn cả chuyện lật sách thì đó chắc chắn là chuyện Thiên Chính Đế trở mặt.