Ông Tề Trung Hoa sống trong một thị trấn nhỏ xa xôi, bản đồ hướng dẫn từ trung tâm thành phố đến đó mất khoảng hai giờ, còn phải đi qua hầm và cao tốc. Hành trình xa, nếu như gặp phải kẹt xe, thời gian sẽ càng lâu, cho nên Cao Kình ra sức tính toán đi sớm về sớm. Hôm nay anh dậy rất sớm, nhìn thời gian cũng không lệch lắm mới nhắn tin cho Cố Tương.
“Hiện tại là bảy rưỡi, cô dậy chưa?”
Cố Tương: “Tôi đã rửa mặt xong rồi.”
Cao Kình: “Vậy có thể đi ra ngoài chưa?”
Cố Tương: “Có thể.”
Cao Kình: “Hiện tại tôi đi xuống thang máy, cô đợi ở cửa thang máy nhé.”
Cố Tương: “Vâng.”
Cố Tương cầm túi, chào hỏi bà Văn Phương Nghi, thay giày đi ra ngoài chờ ở cửa thang máy.
Cửa thang máy mở ra, cô bước một chân vào lại rụt lại. Hàng xóm trong thang máy hỏi cô: “Không vào sao?”
Cố Tương lắc đầu: “Không.” Hàng xóm đóng cửa lại, thang máy rời đi.
Thang máy bên cạnh vẫn không nhúc nhích, đợi thang máy xuống tầng dưới cùng, đến tầng mười hai thì mới thấy hiện lên mũi tên đi xuống tầng trệt. Cố Tương bước về trước một bước, “đinh” thang máy mở ra. Trên tay Cao Kình cầm một túi nilon, nói: “Lúc tôi ra thì thang máy đang đi xuống, đen quá. Cô đợi có lâu không?”
“Cũng mới thôi.” Cố Tương bước vào.
Cao Kình hỏi: “Đã ăn sáng chưa?”
Cố Tương đáp: “Ăn rồi.”
Cao Kình chỉ vào túi: “Tôi mang theo sandwich và sữa đậu nành cho cô, nếu đói bụng thì có thể ăn.”
“Vâng.”
Cao Kình nhìn cô thêm một lúc.
Hôm nay cô mặc áo hoa nhí không tay, bên dưới là váy ngắn, chân đi đôi giày đế thấp trắng, đuôi tóc xoăn che nửa vai. Làn da trắng như sứ. Anh không ngừng nhìn, ánh mắt không tự chủ dán vào, trên cửa thang máy hiện lên một bóng người mơ hồ hơi nghiêng đầu. Cố Tương cầm túi, cũng không nhúc nhích.
“Đinh” cửa thang máy lại mở ra. Khí lạnh từ gara tầng hầm thổi tới, Cao Kình không nhìn cô nữa, khẽ ho một tiếng, tìm được chủ đề: “Thay túi rồi?”
“Vâng.”
“Túi này rất to, có thể đựng được nhiều đồ.”
“Nhưng không đẹp.” Cố Tương nói.
“Hả? Thế sao cô lại dùng nó?”
“Túi kia hỏng rồi.”
Cao Kình suy nghĩ, “Là hôm xem phim bị hỏng sao?”
“Vâng.”
Hai người trò chuyện rồi lên xe, Cao Kình cất kĩ bữa sáng, đợi Cố Tương thắt xong dây an toàn, anh mới lái xe đi.
“Đúng rồi, chúng ta đi đón một người trước đã, chính là cô gái lần trước cô gặp ở trường tiểu học Văn Huy ấy, cô ấy là Nguyễn Duy Ân.”
Cố Tương sửng sốt: “Cô ấy cũng đi sao?”
“Ừ, tối qua cô ấy mới nói với tôi. Gia cảnh nhà thấy giáo Tề kia không tốt lắm, hiện tại lại xin nghỉ chăm sóc cha, những giáo viên khác mua chút quà, nhưng không ai rút được thời gian gửi đi, lần này để cho Nguyễn Duy Ân đi hộ.”
“À…”
Cao Kình quen thuộc chạy đến nhà Nguyễn Duy Ân, gọi điện thoại cho cô ta xuống. Nguyễn Duy Ân vội vàng đi xuống, trong tay mang theo một đống đồ và giỏ quà, Cao Kình nhìn thấy, xuống xe hỗ trợ. Nguyễn Duy Ân rảnh tay, cười nói: “May mà có anh, nếu không em thực sự bị đám người kia coi là giúp việc rồi.”
Cao Kình để hết đồ vào cốp xe, nói: “Là em dễ nói chuyện, không ai chịu đi nên đẩy cho em.”
“Hết cách rồi, thực ra mọi người cũng không quen với thầy giáo Tề, nhưng muốn bày tỏ chút tấm lòng. Em còn trẻ da mặt dày, đành phải làm đại biểu.”
Cao Kình đưa cô ta lên xe, “Không phải nói ông Tề Trung Hoa còn có mấy người con sao, nhà ông ấy khó khăn vậy ư?”
“Đều do cuộc sống quá khổ, em cũng không hiểu rõ chuyện nhà người khác, nhưng nghe nói thầy Tề rất hiếu thảo.” Nguyễn Duy Ân đi đến chỗ cạnh tài xế, lúc kéo cửa mới thấy Cố Tương ngồi bên trong.
Cao Kình ngăn lại, “Đây là Cố Tương, em đã gặp rồi đấy. Em ngồi đằng sau đi.”
“Vâng.” Nguyễn Duy Ân cười xem như chào hỏi với người trong xe qua cửa kính. Cô ta ngồi vào đằng sau, khách sáo nói: “Chào cô, lại gặp nhau rồi, tôi là Nguyễn Duy Ân.”
“…Chào cô.” Cố Tương lịch sự quay đầu lại.
“Lần trước gặp mặt vội quá còn chưa tự chính thức giới thiệu với cô. Tôi dạy ở trường tiểu học Văn Huy, là bạn bè nhiều năm với Cao Kình.”
Cao Kình lái xe nói với Cố Tương: “Cha cô ấy là ân sư của tôi.”
Cố Tương đã nghĩ ra để giới thiệu: “Tôi là hàng xóm của Cao Kình.”
Cao Kình nhìn cô.
“Ồ, trước đây tôi chưa từng thấy cô, cô ở tầng mấy?”
“Tầng mười một, tôi vừa chuyển đến không lâu.”
“Đó là nhà bà Văn mà? Cô là gì của bà Văn?”
Cố Tương không nghĩ tới cô ta cũng biết bà mình, cô nói: “Bà là bà nội tôi.”
“Hoá ra cô là cháu gái bà Văn.” Nguyễn Duy Ân không quen bà Văn Phượng Nghi nên cũng không tiếp tục trò chuyện về đề tài này. Qua một lúc, cô ta nói với Cao Kình: “Lần này làm phiền anh rồi, hai người có việc, em lại còn làm phiền.”
Cao Kình: “Đều đến nhà thấy Tề, tiện đường cả thôi.”
“Đúng rồi, mấy ngày nay Đồng Xán Xán thế nào, vẫn còn giận Đinh Tử Chiêu sao?”
Cao Kình nhíu mày: “Con bé và Đinh Tử Chiêu sao thế?”
“Em ấy không nói với anh sao? Lần trước Diêu Tấn Phong mời khách ở quán bar, Đinh Tử Chiêu hình như đắc tội Đồng Xán Xán.”
Cao Kình: “Hai hôm trước anh còn đi xem phim với Đồng Xán Xán, con bé vẫn bình thường, không có gì đâu.”
“Vậy xem ra là hết giận rồi.”
Bọn họ rất quen thuộc, nói những chủ đề Cố Tương không xen vào được. Cố Tương nhìn ngoài cửa sổ, giọng một nam một nữ thay phiên nhau tiến vào lỗ tai cô. Cô nhớ tới quyển “Tam Quốc Diễn Nghĩa” vẫn còn ở trong túi, mở túi ra lấy sách tuỳ tiện đọc. Bìa sách đều do cô vẽ nghuệch ngoạc, màu vàng chính là “con vịt”, màu tím là vẽ cá. Cô nhìn rất nhiều lần, không phải là nội dung sách mà là những hình vẽ đủ mọi màu sắc này. Khi còn bé chắc là cô rất nhàm chán nên mới vẽ nhiều hình linh tinh trên bìa sách như vậy. Điều hoà mở hơi thấp, Cố Tương không nhúc nhích để duy trì độ ấm, khẽ hà hơi. Cao Kình dừng chủ đề lại, vươn tay qua, chỉnh nhiệt độ điều hoà lên một chút, nói với Nguyễn Duy Ân: “Duy Ân, em đưa chiếc áo khoác mỏng phía sau cho Cố Tương với.”
Cố Tương khó hiểu. Nguyễn Duy Ân đưa cho cô: “Đây à?”
Cao Kình nói với Cố Tương: “Áo này tôi mới giặt hôm trước, cô có thể khoác tạm.”
Áo khoác mỏng gấp gọn gàng, còn ngửi được mùi thơm tươi mát. Hôm nay Cố Tương mặc váy ngắn, nửa đùi và đầu gối đều lộ ra ngoài, hơi lạnh. Cô mở áo ra, yên lặng đắp lên đùi. Cao Kình hỏi cô: “Hết lạnh chưa?”
“Hết rồi.”
“Đói không?”
“Nhân trong sandwich của anh là gì thế?”
“Bơ và trưng gà.”
Cố Tương lấy sandwich ra, “Vậy tôi ăn hết nhé.”
“Trong bình giữ nhiệt là sữa đậu nành.”
“Vâng.”
Cao Kình chỉ chuẩn bị một phần, quên cho Nguyễn Duy Ân, nói xong mới nghĩ ra, “Duy Ân, em ăn sáng chưa? Chưa ăn thì anh tìm chỗ mua.”
“Em ăn rồi.” Nguyễn Duy Ân nói.
Cố Tương ăn mấy miếng sandwich lại mở bình giữ nhiệt ra, Cao Kình nhắc nhở: “Cẩn thận bị bỏng.”
Cố Tương nhấp một ngụm, “Không bỏng đâu.”
Nguyễn Duy Ân thoáng nhìn hai ghế ngồi phía trước, hành trình tiếp theo không nói gì nữa. Sau khi xuống cầu lại nhanh chóng lên cao tốc, Cao Kình hỏi hai người có cần đi WC không, phía trước có khu nghỉ chân. Nguyễn Duy Ân từ chối.
Cố Tương hỏi: “Anh thì sao?”
Cao Kình: “Tôi không cần, còn cô?”
“Tôi cũng vậy.”
“Vậy không cần dừng.”
Rời khỏi cao tốc, lái một đoạn lại đi vào hầm. Mặt trời ngày càng lên cao, Cố Tương chỉnh áo khoác, cố nhịn cơn buồn ngủ. Cao Kình nhìn đồng hồ, báo giờ cho cô, “Sắp mười một giờ rồi, còn nửa tiếng nữa là đến. Chúng ta ăn trưa trước nhé?”
Cố Tương: “Tôi không đói, hai người ăn đi.”
“Tìm chỗ ăn đã rồi nói sau, chúng ta đi đến nhà người ta không nên quấy rầy bữa trưa, buổi chiều đói thì có thể ăn nhiều thêm một chút.”
Xe đã đến thị trấn nhỏ. Đường trong thị trấn hẹp, hai bên xe đỗ linh tinh, cũng không dễ đi. Cao Kình đỗ xe lại trước một tiệm mì, Cố Tường nhìn vào menu trên tường, gọi tạm một bát mì. Nguyễn Duy Ân đi WC, Cao Kình cầm hoá đơn đi lấy mì. Cố Tương rút khăn giấy ra lau lại ba chỗ ngồi, nhìn chằm chằm vào mặt bàn một lát, lại rút khăn giấy lau bàn. Cao Kình đợi lấy mì ở quầy, nhìn cô không ngừng lén lút lau, khoé miệng cong lên.
“Số 18.”
Cao Kình đưa hoá đơn, để ba bát mì lên khay, thấy trên bát của Cố Tương để một đống rau thơm, anh để khay xuống, lấy đũa gắp hết rau sang bát mình. Nguyễn Duy Ân từ trong WC đi ra, đúng lúc nhìn thấy hình ảnh này, cô ta hơi sửng sốt. Cao Kình bưng mì về, đưa bát không có rau thơm cho Cố Tương: “Ăn đi.” Cố Tương ăn từng miếng nhỏ.
Nguyễn Duy Ân mỉm cười, quay lại chỗ ngồi.
Sau khi ăn xong lại lên đường, một lát đã đến nhà họ Tề. Đây là một toà nhà nhỏ hai tầng bên cạnh sông, bên bờ sông đắp mấy khối đá cho người thả câu, bên kia sông là một trang trại nhỏ. Bên ngoài đất trống trước ngôi nhà là một vườn rau, ông lão ngồi trên ghế trúc ăn cơm trưa, một người đàn ông trung niên đang phơi quần áo. Nguyễn Duy Ân tiến lên: “Thầy Tề!”
Người đàn ông trung niên phủi tay: “A, cô Nguyễn.”
“Chào thầy.” Cao Kình vươn tay, “Thầy Tề, em là Cao Kình, trước đó đã nói chuyện với thầy qua điện thoại.”
“Chào cậu.” Thầy Tề bắt tay với anh.
Cao Kình lại chỉ vào người bên cạnh: “Đây là bạn em, hôm nay bọn em cùng đi với nhau.” Anh không giới thiệu tên.
Thầy Tề cũng chào lại: “Chào cô.”
Cố Tương quan sát ông, đáp lại: “Chào thầy.” Cô vẫn không có ấn tượng gì với vị thầy Tề này, đi theo mọi người vào nhà ngồi, nhận lấy trà từ phía đối phương, nói tiếng cảm ơn.
Cao Kình đặt đồ xuống, thầy Tề nói với Nguyễn Duy Ân: “Cô Nguyễn, tôi nhận tấm lòng của mọi người, hoa quả để lại, còn những hộp quà này cô mang về đi, đừng để cho mọi người tốn kém.”
Nguyễn Duy Ân nói: “Đám thầy Vương nói những thứ này cho chú Tề, chỉ là chút tấm lòng, tất cả mọi người đều chờ thầy quay về trường.”
Hai bên khách sáo mấy câu, cuối cùng đi vào chủ đề chính. Cao Kình nói đơn giản tình huống và mục đích mình đến, thầy Tề giờ mấy quyển sổ, đeo kính lên, lật giấy, nói: “Sau khi nhận được điện thoại của cậu, tôi tìm mấy quyển sổ này, đây là số điện thoại cha tôi viết để liên lạc với mấy bạn học cũ, tôi thử gọi hai số đều không tồn tại.”
“Cha tôi cũng là người nhớ tình bạn cũ, cậu xem đi, đây là bạn đại học. Những người bạn đại học năm đó đều phát đạt, ai còn qua lại với nhà tôi chứ.” Thầy Tề hoài niệm, “Nói thế nào thì cha tôi cũng đã từng học đại học, nếu không phải đen đủi, cũng sẽ không phải sống ở đây.”
Cao Kình cùng ông lật sổ, lấy ra một tấm ảnh tập thể đen trắng. Anh hỏi: “Đây là ảnh chụp thời đại học của chú Tề ạ?”
“Đúng, chụp lúc cha tôi tốt nghiệp đấy.”
“Có ảnh chụp chung thời tiểu học không ạ?”
“Năm đó vẫn còn – có cả ảnh ăn cơm chung đấy.”
Cao Kình lật sổ, tuỳ tiện nhắc đến: “Em nghe nói thầy dạy ở trường tiểu học Văn Huy hơn mười năm rồi, em cũng tốt nghiệp ở đó, năm ấy học lớp ba.”
“Tôi toàn dạy ba lớp sáu bảy tám, cậu học khoá nào nhỉ?”
“Em tốt nghiệp năm 2002.”
“Ôi, vậy thì tôi chưa từng dạy cậu rồi.”
“Không biết thầy có từng dạy khoá 2008?”
“Hả?” Thầy Tề chỉnh kính, “Từng dạy, tôi luôn dạy lớp 8, con số này may mắn.” Đăng bởi: admin