Trong quán rượu ven đô, mùi cá nướng nồng nặc bốc lên lẫn với mùi củi đun khét lẹt.
Quán rượu tồi tàn:
nền đất nện, mồ hóng với bụi lâu năm đóng lem nhem trên vách. Vài cái ghế đẩu đặt không hàng lối xung quanh một tấm ván mộc kê làm bàn trên đôi ngựa gỗ. Sát bếp, chiếc tủ cũ đựng đủ thứ linh tinh, nào đũa tre, bát sành, khay trà, chén ấm phần nhiều đã sứt mẻ, thô kệch.
Ngoài kia ráng chiều đỏ khé. Về phương đông, ngọn tháp chuông chùa Kiyomi đen sẫm nổi như cắt trên nền trời sáng rực tựa có đám cháy. Vài con quạ bay lượn quanh tháp:
những đốm đen nhỏ li ti như những tàn than gió thổi bốc cao trong bầu trời dữ dội.
Trong quán, hai gã đàn ông trung niên dáng khách thương ngồi uống rượu. Bốn gã khác xúm nhau đánh cò quay ở một góc. Cò quay là thanh gỗ có cái đinh đóng lên mặt tấm ván có viết chữ và vẽ những hình thô sơ. Chiếu bạc tuy nghèo nhưng cũng đủ làm khích động người chơi. Họ nói to, cãi nhau, vỗ đùi, đập tay cười ha hả.
Tít trong cùng, một du tăng cúi đầu ngồi yên lặng dường như không quan tâm gì đến việc chung quanh. Gần bếp là một bóng đen dựa lưng vào đống củi ngáy khò khò.
Bóng đen ngồi ngược sáng, lại bị đống củi khá lớn che khuất nên chẳng ai để ý.
Bỗng tiếng một khách thương gọi to, hách dịch:
– Quán ! Mang thêm rượu !
Sau tiếng “dạ” khan, tiếng chén hũ va chạm lách cách, chủ quán bước ra, hai tay bưng khay rượu. Chủ quán vừa lùn vừa mập. Giải khăn rằn ri vắt trên vai buông dài tới gối không làm cho gã trông cao hơn chút nào. Người ta vẫn thấy gã giống như quả dưa bở.
– Tối quá ! Sao không có đèn đóm gì cả thế này quán chủ ? Chẳng biết rượu đưa vào mồm hay vào mũi nữa.
Bọn đánh bạc cười ồ, quay ra phụ họa:
– Ờ phải đấy, tối quá rồi ! Đốt lửa lên chứ.
Lật đật đặt khay rượu lên bàn, chủ quán cơi lửa trong bếp cho bốc cao hơn rồi mang ra một đĩa đèn dầu thông đặt lên giá gỗ. Ngọn lửa vàng khè tỏa khói đen khét lẹt.
Gian quán ấm hơn. Câu chuyện bắt đầu râm ran vui vẻ. Hai gã khách thương nói chuyện làm ăn:
– Năm ngoái đi đòi nợ Hoa Sơn. Con mẹ nó, đã không lấy được đồng nào còn bị nắm cổ tống ra ngoài. Tổ cha quân khốn kiếp.
– Bác không tính kỹ. Ta ấy à, chỉ mất một lần, thấy không trả được thì thôi liền không bán chịu nữa.
– Ai biết đâu ! Tưởng võ đường bề thế như vậy, ngờ đâu toàn đồ ăn quỵt !
Rồi như sực nhớ ra điều gì, gã hạ thấp giọng:
– Này ! Nghe nói Sĩ Khánh chết rồi phải không ?
– Ủa vậy hả ? Sao bác biết ?
Gã chưa kịp đáp đã có tiếng cắt ngang:
– Đâu có ! Chưa chết !
Mọi người cùng quay lại nhìn về phía kẻ vừa nói, ai nấy đều tỏ ra khích động hết sức.
– Phải, chưa chết. Chính mắt ta trông thấy người ta khiêng hắn từ đồng Đại Tỉnh về. Máu loang ra tận áo ngoài, hắn vẫn còn rên rỉ. Nghe đâu gãy tay, chắc tàn tật suốt đời rồi. Võ công thế là bị phế !
– Đáng kiếp ! – Gã khách thương nhổ đánh bẹt bãi nước bọt xuống đất – Nó ăn quỵt thì trời phạt nó !
– A di đà Phật ! Vị du tăng bỗng lên tiếng. Các vị đừng nói thế phải tội. Những việc xảy ra kiếp này đều là quả nghiệp kiếp trước. Có nhiều căn duyên lắm. Nếu chỉ vì ăn quỵt mà suốt đời tàn phế, chẳng hóa ra hình phạt của Trời Phật nặng quá ru ?
– Dù sao, như vậy cũng là rồi đời phái Hoa Sơn.
– Như bảng cáo yết nói thì hắn tỷ kiếm với Thạch Đạt Lang. Bác biết Thạch Đạt Lang là ai không ?
– Nghe đồn là một tay kiếm khách giang hồ còn trẻ mà công lực ghê gớm lắm.
Hắn đả bại Sĩ Khánh bằng một kiếm, cái mới làm cho Hoa Sơn thêm nhục.
Cả quán im lặng bùi ngùi. Tin ấy như gợi ở họ một chút tình thương xót. Họ đăm đăm nhìn lửa cháy, sau mới có người lên tiếng:
– Thế đồ đệ Sĩ Khánh tính sao ?
– Còn tính sao nữa. Phải trả thù chứ, mất mặt quá mà !
– Hoa Sơn còn ai nữa mà trả thù ?
Chủ quán từ trước vẫn dỏng tai nghe, đứng trong bếp nói vọng ra góp chuyện:
– Còn chứ ! Còn Điền Chính !
Đang uống rượu, khách bỗng ho sặc sụa phun cả rượu ra ngoài. Khách dằn mạnh chén lên bàn, cười hăng hắc:
– Con mẹ nó ! Điền Chính thì làm gì được ! Thằng đó ngỗ nghịch, rượu chè bê tha, vùng này ai còn lạ ! Nó chỉ dựa tiếng tổ phụ để lừa đảo vay mượn.
– Ấy thế mà là tay khá nhất đấy – Chủ quán đáp, giọng nghiêm trang – Hắn tuy là út nhưng có khí phách và võ nghệ lại còn cao hơn Sĩ Khánh, phải cái ham hưởng lạc quá!
Bóng đen bên đống củi ngồi đã lâu không động tĩnh, bỗng cựa mình. Bóng đen này vào quán từ chiều, ít nói, gọi rượu uống say túy lúy mà chủ quán không thắc mắc.
Gần đây thiếu gì những bậc kỳ nhân, cao thủ chán cảnh bon chen hoặc bị thất sủng, đi phiêu bạc giang hồ qua lại vùng này như cơm bữa. Gặp những người tính tình kỳ lạ, chủ quán cũng cho là thường. Vả cũng ngại, lỡ dây vào tay hung hãn thì chỉ thiệt thân, cho nên cùng lắm mới dám hỏi vài câu cần thiết.
Nhìn áo bóng đen sắp chạm vào lửa trong bếp, gã đến bên lay dậy:
– Khách quan ! Khách quan !
Bóng đen mở mắt đỏ ngầu nhìn. Gương mặt hốc hác, ánh lửa bập bùng soi hai má trũng sâu càng làm đôi gò má cao thêm. Bóng đen đáp buông sõng:
– Gì ?
– Khách quan ngồi tránh ra một chút. Lửa bén vào áo bây giờ !
Bóng đen vén áo, đổi cách ngồi. Dưới ánh lửa sáng, bây giờ mặt bóng đen trông rõ từng nét, phô ra một gương mặt còn trẻ, nhưng gầy và da mặt đen xạm. Nhìn kỹ thì là Mãn Hà Chí, nhưng một Mãn Hà Chí chán nản và bệ rạc vô cùng, trán hằn nhiều vết nhăn, mắt lờ đờ đục ngầu đờ đẫn vì rượu.
Chủ quán hơi giật mình, hỏi giọng lo lắng:
– Khách quan sao vậy ? Trong mình có được khỏe không ?
– Không. Ta không sao.
– Trông khách quan xanh quá.
– Đã bảo không sao mà ! Đem cho ta bình rượu nữa.
Nói xong, Mãn Hà Chí gục đầu xuống ngực. Hắn thấy nóng, chẳng biết vì ngồi lâu gần lửa hay vì uống nhiều rượu. Bèn phanh áo ra nhưng vẫn không hết bực bội. Lòng hắn chán nản và buồn rầu không kể xiết.
Từ Osaka, nghe tin Thạch Đạt Lang sẽ tỉ đấu với Sĩ Khánh, hắn lần mò tìm tới để xem cuộc đấu ra sao và cũng hy vọng gặp thằng bạn cũ. Nhưng đến nơi đã muộn. Trên đường đi, ở quán, điếm nào cũng thấy có người nói đến tin Sĩ Khánh bị thương hoặc chết và tài sử kiếm thần tốc của Thạch Đạt Lang. Mãn Hà Chí đã cạn tiền, lại thấy mình thua kém bạn quá sức, càng tỏ ra buồn phiền ganh tị. Lòng đố kỵ đưa đến sự căm ghét, hắn mong phái Hoa Sơn trả thù.
“Hoa Sơn đông người, toàn những tay cao thủ. Thằng Kinh Tử kiêu ngạo quá, thế nào cũng có lúc bị hạ. Ai cũng cho nó là kiếm sĩ, nhưng kiếm sĩ thì làm cóc gì. Cốt là có tiền. Có tiền mới hơn người. Ta sẽ làm ra tiền bất cứ bằng cách gì. Nó với ta còn trẻ, con đường còn dài, ai biết sau này ai sẽ hơn ai !”. Nghĩ đến đây, Mãn Hà Chí cảm thấy tinh thần phấn khởi hơn đôi chút. Nhưng sao miệng hắn khô và đắng quá. Hắn liếm môi:
– Khát quá !
Bèn đứng dậy vịn tay lên vách men ra chỗ để khạp nước múc uống ừng ực. Chiếc gáo tre run run trên tay, nước lạnh làm hắn dễ chịu. Nỗi buồn rầu dường như tiêu tan, hắn thấy trong người sảng khoái hơn, bèn đến bên cửa vén màn bước ra, chân vẫn còn loạng choạng.
Trong bếp, chủ quán đảo mắt nhìn quanh, ngạc nhiên không thấy khách. Nhìn ra ngoài, sương buông mờ mờ. Đằng xa, bóng một người chân nam đá chân chiêu, nghiêng ngả đi trong màn sương giữa những hàng cây âm u như ẩn như hiện.
– Khách quan ! Khách quan !
Không có tiếng trả lời. Bóng người cứ lầm lũi đi. Chủ quán chạy theo:
– Khách quan ! Khách quan chưa trả tiền !
– Hả ? Cái gì ?
– Khách quan quên …
– Quên gì ? Chẳng quên gì hết !
– Khách quan quên chưa trả tiền rượu.
– Vậy hả ? Nhưng ta không có tiền !
– Không có tiền !
Chủ quán tức giận lập lại.
– Ừ. Không có ! Không có một đồng dính túi.
– Nói bậy ! Không được ! Không tiền sao dám vào quán ?
Chủ quán đổi giọng, nhảy tới nắm áo Mãn Hà Chí. Nhưng hắn nhanh chân đã nhảy lùi lại mấy bước, thò tay lấy cái hộp đựng kim đơn trong bọc ném tới trước mặt người chủ quán. Hộp kim đơn này hắn đoạt được của người thanh niên lẹm cằm chết trên đồi Mokoyama ngày trước.
– Này giữ lấy ! Ta trả tiền rượu đó !
Không may, cái hộp đập trúng ngay vào mặt chủ quán. Gã ôm mặt kêu váng lên.
Mọi người chạy ùa ra bao quanh lấy Mãn Hà Chí.
Cũng như phần đông các sâu rượu khác, thấy kẻ nào uống quỵt thì phẫn nộ làm như kẻ đó làm mất danh giá của giới lưu tinh, hai khách thương cũng xông ra hoa tay múa chân chửi rủa rầm rĩ.
Mãn Hà Chí sợ hãi tỉnh rượu nhưng vẫn làm ra vẻ anh hùng, hắn để tay vào đốc kiếm hét lớn:
– Chúng mày biết ta là ai không ?
Có tiếng cười gằn, chửi thề:
– Là đồ ăn quỵt chứ còn ai nữa !
– Ta là Cát Xuyên Mộc, thuộc kiếm phái Cổ Môn, đồng đạo với Y Tô, học trò Cổ Tư Nhiễm Chúc.
Mãn Hà Chí nêu một hơi những danh tính hắn cho là lừng lẫy võ lâm, hy vọng làm bọn kia phải sợ hãi mà tháo lui. Không ngờ chỉ nghe tiếng cười và chế giễu đáp lại:
– Đó là những tên chó nào, chúng ta không cần biết. Anh em ! Xông vào bắt lấy nó!
Một kẻ nhảy đến định ôm Mãn Hà Chí. Hắn rút gươm đánh soạt, thuận tay chém một nhát. Lưỡi gươm hớt qua tay kẻ kia, máu tuôn xối xả. Gã bèn lùi lại kêu ầm ĩ:
– Trời ơi ! Nó chặt cụt tay ta rồi !
Nghe tiếng kêu, trông máu chảy, cả bọn sợ hãi tưởng đâu chính máu mình tuôn ra.
Không ai bảo ai, tất cả cùng tản ra xa đến hàng trượng.
Mãn Hà Chí được thể vác gươm xông tới, đâm dứ người này một chiêu, chém giả kẻ kia một nhát. Cả bọn hè nhau chạy như vịt.
– Ha ha ! Chúng mày tưởng ta không phải Cát Xuyên Mộc chăng ? Cát Xuyên Mộc là ta đây ! Vô địch ! Vô địch !
Hắn vung kiếm veo véo, chém dọc phạt ngang, đắc ý như chưa bao giờ được thế, rồi ngửa mặt nhìn trời cười khanh khách, răng trắng bóng dưới ánh sao. Đột nhiên lòng hắn buồn rười rượi, miệng cười mà hai hàng lệ chứa chan. Hắn vụng về tra kiếm vào vỏ, loạng choạng bước.
Dưới đất, chiếc hộp sơn then nằm trơ trọi. Miếng xà cừ cẩn trên nắp hộp phản chiếu ánh sao, lóe sáng như con đom đóm.
Tò mò, lão du tăng nhặt cái hộp lên. Lão ngạc nhiên, tay mân mê chiếc hộp sơn then rồi trở ngược lại quán, ghé vào chỗ ánh sáng gần cửa, quan sát kỹ.
– Hừ ! Hộp này là hộp đựng kim đơn của sư huynh ta đây mà. Triện son đóng dưới đáy còn rõ. Nhưng ông chết rồi, sao cái hộp lại ở đây ?
Bèn chạy theo Mãn Hà Chí:
– Cát Xuyên Mộc ! Cát Xuyên Mộc !
Mãn Hà Chí vẫn thản nhiên đi. Trong cơn chán nản, hắn chẳng nhớ tên mình đã mạo nhận là gì nữa. Cho đến khi lão tăng ở đằng sau kéo áo hắn mới sực tỉnh:
– Đại sư muốn gì ?
– Ngươi có phải là Cát Xuyên Mộc không ?
Giọng vị tăng nghiêm nghị khiến Mãn Hà Chí chột dạ:
– Phải. Ta là Cát Xuyên Mộc.
– Ta muốn hỏi một câu, ngươi phải nói thật.
– …
– Ngươi lấy hộp kim đơn này ở đâu ?
– Hộp kim đơn nào ?
Mãn Hà Chí làm bộ lơ đãng.
– Hộp này.
Vừa nói, lão tăng vừa giơ chiếc hộp sơn then cẩn xà cừ ra trước mặt, tay kia nắm chắc cây thiền trượng. Chiếc nón nan hất ngược về phía sau, gương mặt lão dưới ánh sao tuy trông không rõ nhưng rắn rỏi, gương mặt của một tráng niên chứ không phải của một người tu hành đã có tuổi.
Mãn Hà Chí giật mình:
– Ngươi là ai ?
– Không cần nói tên … Hãy trả lời câu ta hỏi:
Hộp này ngươi lấy ở đâu ?
– Không ở đâu cả. Ta vẫn mang trong mình từ trước.
– Nói láo ! Ngươi không thú nhận hả ?
Mãn Hà Chí ra vẻ ngây thơ:
– Thú nhận cái gì ?
– Ngươi không phải là Cát Xuyên Mộc !
Câu nói vừa dứt, cây thiền trượng đã vụt đánh véo một cái. Tránh không kịp, Mãn Hà Chí bị trượng đập trúng, ngã lăn quay. May không trọng thương, hắn bật dậy cắm đầu chạy.
Du tăng đuổi, nhặt gậy phóng theo. Chiếc thiền trượng lướt qua tai hắn rớt xuống đất. Mãn Hà Chí kinh hãi, gia tăng cước lực. Hắn cứ chạy như thế, chạy thục mạng, chẳng biết phương hướng trời đất gì nữa. Đằng sau, nhà sư đuổi theo phóng gậy liên tiếp. Theo những ngõ hẻm ngoằn ngoèo, may mắn hắn mấy lần tránh được chiếc gậy phóng tới.
Đến một chỗ cỏ rậm cao, nhà cửa thưa thớt, quay lại nhìn không thấy ai, hắn mới liều ngồi xuống thở dốc. Mãn Hà Chí bị một phen vừa mệt vừa sợ. “Ghê quá ! Cây trượng thật lợi hại. May nhờ mấy cái hẻm mình mới tránh được. Chẳng biết tên hòa thượng giả đó là ai, có thù gì với mình. Thời buổi này, quả không còn biết tin ai nữa !”.
Mãn Hà Chí khát quá. Bả vai đau, hắn đưa tay nắn, không thấy có triệu chứng gì gãy xương, chỉ ê ẩm, chắc bầm bắp thịt vai thôi. Mừng thầm, hắn đi sâu vào trong ngõ, chú ý tìm nước. Gặp cái giếng lộ thiên, thành xây đá ong cao tới bụng, lại sẵn gầu để gần, hắn thả gầu xuống múc nước uống một hơi rồi lấy nước vã vào mặt.
Mồ hôi nhễ nhại, nước lạnh làm hắn rùng mình khoan khoái. Đã khát, Mãn Hà Chí ngồi nghỉ, dựa lưng ngay vào thành giếng. Nhìn lên trời, sao thưa lấm tấm. Sương chiều tan từ bao giờ. Mảnh trăng thượng tuần nhô lên khỏi đầu hồi căn nhà gỗ, chiếu ánh sáng mờ đục trên mái ra. tồi tàn vào những khung cửa sổ nhỏ xíu dán giấy.
Đám mây đen kéo qua mặt trăng trông như hình người, rìa đám mây vàng úa. Mãn Hà Chí mường tượng nhìn thấy bộ mặt hấp hối của người thanh niên lẹm cằm, đôi mắt lạc thần, cái miệng méo xệch trông thật ghê sợ và dòng nước rãi lẫn máu trào ra bên khóe mép. Hắn lấy tay dụi mắt, lắc lắc đầu như để xua đuổi hình ảnh thương tâm vừa hiện ra. Hắn hối hận đã tiêu hết cả số tiền của người chết, nhưng tự hứa khi nào thành công sẽ hoàn lại đủ số cho gia đình kẻ bất hạnh và sẽ dựng cho y một bia mộ bằng đá nữa.
Liên tưởng đến tờ chứng thư đề tên Cát Xuyên Mộc, hắn đưa tay vào bọc tìm cuộn giấy dầu, thấy nó vẫn còn ở nguyên đó thì yên dạ. Dù sao, tờ chứng thư và cái tên giả cũng đã giúp hắn rất nhiều. Mấy tháng gần đây, hắn thường lang thang đến các nhà giàu xứ quê, trưng tấm chứng thư ra hoặc dùng cái tên Cát Xuyên Mộc bịp những anh ngốc nghếch muốn học võ để kiếm bữa ăn và chỗ ngủ qua ngày.
“Tấm giấy này thế mà đắc dụng đáo để !”. Hắn tự nhủ, “Tội gì mà bỏ !”. Mãn Hà Chí nhìn những căn nhà tồi tàn trong xóm. Dân khu này nghèo quá, nhà cửa xập xệ, đổ nát, mái ra. lồi lõm chắc đã lâu không được lợp lại, chẳng biết có đủ che mưa che nắng không. “Nhưng họ cũng còn hơn ta, ít nhất họ cũng có một chỗ trú !”. Hắn nghĩ vậy.
Qua khung cửa sổ, một gia đình đang ngồi ăn cơm. Hai vợ chồng, mấy đứa con cùng bà mẹ già quây quần xung quanh cái liễn sành độc nhất đựng món ăn trong ngày !
Người nghèo hình như lại càng thương nhau hơn, hắn nhận thấy vậy. Nghĩ đến mẹ già hắn đã giận dữ bỏ lại một mình trong cái quán nhỏ bên bờ biển vào một chiều lộng gió, hai hàng nước mắt hắn lại chực tuôn rơi. Hắn thế mà nhiều tình cảm lắm. Bà cụ nóng tính nhưng thương hắn vô cùng. Hắn còn kém cả những người nghèo kia, tuy nghèo mà vẫn nặng tình người và vẫn còn được xum họp. Bất giác, hắn đưa tay lên chùi nước mắt !
Mãn Hà Chí nhớ lại lời mẹ dặn, những khi buồn rầu hay thất vọng hãy đến cầu đức Phật Bà Quan Âm, ngài sẽ phù hộ cho qua cơn đau khổ. Mẹ hắn thường lui tới cửa Phật. Tối nay chẳng biết ngủ nhà ai, hay là hắn cũng đi tìm một ngôi chùa nào đó để tá túc, nhân thể lễ Phật cầu xin và biết đâu lại gặp được mẹ.
Men theo những ngõ tối trong xóm, Mãn Hà Chí bị hai ba con chó đói theo sau gầm gừ, thỉnh thoảng sủa những tiếng vu vơ. Quen với sự xua đuổi, hắn cũng chẳng thèm để ý, cứ mặc kệ.
Hết ngõ hẻm, ra chỗ thoáng, đến ven một cái miễu nhỏ với nhiều lùm cây rậm rạp, âm u, đen sẫm, lại có đàn chó nữa vây quanh một gốc cây lớn.
Sao nhiều chó thế. Chúng chạy lui chạy tới, sủa ẩm ĩ. Con thì quào chân trước vào thân cây định trèo, con tung mình nhẩy lên. Mấy con chó theo hắn cũng bỏ đi nhập bọn với lũ chó dưới gốc cây, thi nhau sủa, hú vang động cả một vùng.
Tò mò, Mãn Hà Chí đến gần nhìn lên. Trên cây dường có người mà hình như là một thiếu nữ. Hắn nhặt hòn đá ném đàn chó. Chúng cúp đuôi chạy tản ra xa, nhưng vẫn quay đầu lại sủa. Chẳng bao lâu lại trở lại xúm quanh Mãn Hà Chí, sủa còn dữ dội hơn trước. Mãn Hà Chí nhặt đá ném lia lịa. Chẳng ăn thua gì. Đàn chó đuôi cúp vào bụng, nhe nanh gầm gừ. Mãn Hà Chí trông rõ lông chúng dựng đứng, thân hình gầy guộc, xương sườn phô ra từng rẻ như sóng gợn.
Nghe nói tụi chó đói này khó đuổi lắm. Muốn trị chúng, phải bắt chước chúng đi bốn chân và sủa như chúng. Mãn Hà Chí bèn quỳ xuống thử hành ngay ý định, nhưng cũng không kết quả. Tiếng sủa của hắn lạc lõng chẳng giống tiếng sủa của lũ chó thật kia chút nào. Một lúc, hắn bỗng thấy mình khôi hài và trơ trẽn. Mình làm cái gì thế này ? Ít ra cũng là một kiếm sĩ mang song kiếm, sao lại quỳ mà hú như chó ? Thiếu nữ trên cây nhìn xuống còn coi mình ra gì nữa ? Bèn vùng dậy, rút trường kiếm phóng một chiêu vào con chó gần nhất. Chiêu kiếm trượt. Chó vụt chạy. Lại phóng chiêu nữa vào con chó thứ hai. Lần này trúng, con chó ngã lăn ra, kêu oẳng một tiếng, giãy đành đạch. Những tiếng thở hằng hặc, rồi khò khè của con vật sắp chết làm đồng loại nó sợ hãi chạy xa nhưng vẫn không ngớt sủa.
Mãn Hà Chí dậm chân đuổi xong con này đến con khác, một lúc sau chúng mới tản hết. Quay lại gốc cây nhìn lên, Mãn Hà Chí vẫn thấy thấp thoáng còn bóng người.
– Ai ở trên đó, xuống được rồi đấy !
Không nghe đáp. Chỉ thấy tiếng nhạc khánh mơ hồ kêu lanh canh như giọt nước rơi vào vại sành.
– Ồ, ai như A Kế Mỹ ! Phải A Kế Mỹ không ?
– Ai đấy ?
– Mãn Hà Chí. Nàng không nhận được tiếng ta sao ?
– Ồ, Mãn Hà Chí. Thúc thúc đi đâu thế ?
– Nàng làm gì trên ấy. Sợ chó hả.
– Không !
– Vậy xuống đi.
Ở trên cây, A Kế Mỹ đưa mắt nhìn bốn phía. Trăng suông mờ mờ. Cây cỏ chỗ nào cũng như phủ đầy sương khói, nhưng trong những bụi rậm ở ven đường dẫn đến miếu, giá có ai ẩn nấp thật khó mà biết.
– Thúc thúc đi đi. Đừng đứng đấy, nó thấy. Nó đang tìm tiểu nữ.
– Nó là ai ?
– Một người thúc thúc không biết đâu. Năm ngoái nó giúp tiểu nữ nhưng tiểu nữ không ngờ nó làm thế chỉ để lợi dụng. Nó hành hạ tiểu nữ đủ điều. Không chịu nổi tiểu nữ phải trốn đi.
– Ai ? Hồ Định hả ?
– Không phải. Người đó thì tiểu nữ chả sợ. Ối ! Kìa, nó đã tới kia kìa …Chạy đị..Thúc thúc chạy đi …Nó thấy thì khốn.
A Kế Mỹ rối rít, luống cuống. Từ trên cây tiếng nhạc khánh vang xuống nhanh và rõ mồn một:
lanh canh, lanh canh …rồi bỗng ngưng hẳn. Có lẽ nàng đã tìm cách buộc chặt chùm khánh nhỏ vào tay áo.
– Đừng sợ ! Sao phải chạy ? Ta không bảo vệ được nàng ư ?
Vừa khi ấy, một bóng đen hiện ra trên đường hẻm. Mãn Hà Chí mặc kệ A Kế Mỹ trên cây, xốc kiếm xăm xăm đi tới.
– Ai ?
Tiếng hét đồng thanh cùng thoát ra một lúc trên cửa miệng hai người. Bóng đen vừa tới nhìn lưỡi kiếm tuốt trần còn dính máu trên tay Mãn Hà Chí, hỏi lớn:
– Ngươi là ai ? Muốn gì ?
Mãn Hà Chí lặng thinh. Lúc nãy, nghe giọng nói cuống quýt của A Kế Mỹ hắn có đôi chút e ngại, nhưng bây giờ nhìn kỹ bóng đen mới đến, hắn thấy không có gì đáng sợ.
Bóng đen cao lớn thật nhưng dáng điệu không hiên ngang, quần áo sặc sỡ như con nít, chắc chẳng tài cán gì. Nhà sư vừa rồi còn làm hắn hoảng chứ với tên thiếu niên này hắn đâu ngán ! Bèn lấy bộ mặt khinh mạn, cười khẩy mà không đáp.
Bóng đen quát hỏi lại:
– Ngươi là ai ?
Mãn Hà Chí cười trêu cợt:
– Ta ấy à ? Ta là người.
– Ha ! Là người ! Một tên vô danh. Được lắm, nếu danh tính ngươi xấu xa, nói ra phải hổ thẹn …
– Đừng láo ! Ta không muốn nói chỉ vì chẳng muốn xưng danh với đứa tiểu tốt.
– Này, hãy giữ mồm miệng, đừng để ta nổi giận. Bây giờ thì chờ đấy, ta đến chỗ kia kéo con bé trên cây xuống đã.
– Ha ha ha …Mãn Hà Chí cười khanh khách – Ngươi tưởng dễ lắm sao ? Ta là dượng nó, động đến nó ta băm nát thịt.
Bóng đen nhìn Mãn Hà Chí từ đầu đến chân, gằn giọng:
– Hừ ! Ra thế đấy ! Nhà ngươi muốn chơi trò hiệp sĩ ? Nhưng này, ta bảo thật:
cây sào phơi trên lưng ta đây đã lâu chưa được uống máu ai. Nó khát lắm đó. Mà ta cũng cần thử xem nó còn sắc không. Bấy giờ thì cẩn thận, ngươi chạy không kịp đâu !
Mãn Hà Chí nghe mà không lường được tầm nghiêm trọng của câu nói. Hắn không ngờ bóng đen đứng trước mặt hắn tuy nhỏ tuổi nhưng là một kỳ tài trong võ lâm, kiếm thuật tinh vi và thần tốc đến độ chỉ một cái vẫy tay nhẹ, chưa đầy nháy mắt, đã có thể chém bay đầu hắn lăn lông lốc. Vì không ngờ nên hắn vẫn lên giọng kẻ cả:
– Khoan ! Chú bé hãy nghĩ kỹ. Bây giờ còn kịp, tạ lỗi đi, ta sẽ cho chạy thoát.
Chậm chút nữa đừng trách ta tàn nhẫn.
Bóng đen mở tròn mắt ngạc nhiên. Không biết tên này là ai mà có thái độ mục hạ vô nhân ngu xuẩn đến thế. Nhưng thấy trò chơi hay hay, tính trẻ nít nổi dậy, hắn chỉ buồn cười không giận. Lại cũng tò mò muốn trêu chọc địch thủ, bèn đổi giọng lễ phép:
– Cám ơn các hạ. Nhưng biết tạ lỗi ai, ít ra các hạ cũng phải cho tại hạ biết quý danh tính là gì chứ ? Đó là lề luật võ lâm, chắc các hạ rõ.
– Cũng được. Nhưng ta nói tên, ngươi chớ có giật mình.
Bóng đen cười như nắc nẻ:
– Dĩ nhiên, dĩ nhiên ! Nhân thể các hạ cũng nên cho biết thuộc môn phái nào ?
Kiếm sĩ mà lắm mồm như tên này chắc chẳng đáng sợ. Mãn Hà Chí càng đánh giá địch thủ thấp hơn nữa.
– Ta theo Cổ Môn kiếm pháp.
Bóng đen sửng sốt:
– Cổ Môn kiếm có chiêu thức gì đặc biệt ?
– Tất nhiên phải có. Như chiêu Mãn Thiên Hoa Vũ và Trảm Nhạn Kiếm chẳng hạn.
– A !
Thấy bóng đen thốt kêu có vẻ ngạc nhiên, Mãn Hà Chí cho là mình đã áp đảo được tinh thần địch thủ. Bèn hỏi ngược lại:
– Còn ngươi ? Theo môn phái nào ?
– Khoan ! Những thế kiếm vừa rồi như Hoa Vũ và Trảm Nhạn ngươi được ai truyền thụ ?
– Sư phụ ta chứ còn ai nữa.
– Tôn sư tên gì ?
– Cổ Tư Nhiễm Chúc ! Cát Đằng Cổ Tư Nhiễm Chúc.
Bóng đen tỏ ra phân vân cực độ:
– Thế ngươi có biết Y Tô Gia Nghĩa không ?
– Dĩ nhiên là biết. Y Tô là sư huynh ta, tuy đồng môn nhưng thuộc hàng tiền bối vì niên kỷ y cao hơn ta nhiều. Sao ngươi hỏi thế ?
Bóng đen lờ đi như không nghe tiếng. Gã nghiêm giọng:
– Vậy tên ngươi là gì ?
– Cát Xuyên Mộc.
– Là gì ?
Mãn Hà Chí vênh mặt:
– Thằng này điếc. Ta là Cát Xuyên Mộc !
Bóng đen trừng trừng nhìn Mãn Hà Chí.
– Tại sao ngươi nhìn ta như vậy ? Ngạc nhiên lắm chăng ?
– Có lẽ.
– Vậy cút đi cho rồi, đứng đấy làm gì nữa ?
Bóng đen vẫn không rời mắt khỏi Mãn Hà Chí. Bỗng gã phá lên cười, tiếng cười thoải mái nhưng đầy vẻ chế giễu. Gã đã hiểu.
– Này các hạ, từ khi bôn tẩu giang hồ đến nay, chưa bao giờ ta được chứng kiến một chuyện quái gở như chuyện này ! Ha …ha …ha … ! Thật là hãn hữu. Bây giờ ta biết tên các hạ rồi, vậy bằng hữu hãy đoán tên ta là gì ?
Mãn Hà Chí chột dạ. Nhưng hắn vẫn tin Cát Xuyên Mộc thật chết rồi, gã lẹm cằm rỗ mặt có bản chứng thư hắn còn giữ trong bọc đây, không thể nào là tên này được. Hắn nói cứng:
– Ai biết tên ngươi là gì ? Ngươi định nhạo ta chăng ?
– Không. Ta hỏi đứng đắn. Tên ta là gì ?
– …
– Nếu ngươi không biết, ta sẽ nói cho biết. Tên ta cũng là Cát Xuyên Mộc, ngoại hiệu Giang Biên Liễu.
Nói xong hắn cười ha hả. Mãn Hà Chí mồ hôi vã đầy trán.
– Ha ha ! Ta với ngươi thế là cùng danh tính. Vậy hãy kết làm bằng hữu.
Rồi tiến đến bên Mãn Hà Chí, giơ tay vỗ vai hắn. Nhưng Mãn Hà Chí nhảy vội ra xa, vung gươm chém xuống.
“Vù !”. Lưỡi gươm của Mãn Hà Chí bị cước của Cát Xuyên Mộc đá bắn tung và trong tay gã ỡ cây sào phơi ữ đã được rút ra từ bao giờ, hàn quang lấp lánh.
Cát Xuyên Mộc cười gằn:
– Ngươi mà chạy là mất mạng !
Tiếng gã sắc như dao, nhọn như kiếm xoáy vào tai Mãn Hà Chí. Mồ hô Mãn Hà Chí thấm ướt áo trong, toàn thân hắn run lẩy bẩy. “Xoẹt” ! Cây trường kiếm tựa con rắn bạc phóng tới bay qua đầu hắn. Hắn cảm thấy đau nhói sau lưng, đồng thời một sức mạnh vô hình đẩy hắn bắn đi, rơi xuống như chiếc lá gió thổi bay lúc trời giông bão.
Hắn lăn ra đất bất tỉnh.
Thanh trường kiếm của Cát Xuyên Mộc đã được tra vào vỏ.
Đến dưới gốc cây lớn, Cát Xuyên Mộc nhìn lên. Chẳng có ai. A Kế Mỹ lại một lần nữa vuột khỏi tay gã.
Xa xa, tiếng chó tru vọng lại dưới ánh trăng suông.
Cát Xuyên Mộc đi sâu vào trong miếu. Tàng cây ẩm ướt, âm u dưới ánh trăng khuya, sương mờ đục khiến miễu có không khí rờn rợn như trong truyện liêu trai.
Tìm mãi không thấy A Kế Mỹ, Cát Xuyên Mộc trèo lên cây thông cao, ngồi dựa lưng vào thân cây, đảo mắt nhìn tứ phía. Gió đêm thổi nhẹ rì rào đưa hắn vào giấc mộng. Thế là con chim non tưởng như đã nhốt được trong lồng, giờ đây bay mất. Cát Xuyên Mộc nhớ lại những giờ khắc êm đềm bên cô bé. Nàng đa cảm và đam mê, nhưng cũng bướng bỉnh làm sao ! Đôi mắt ngây thơ che giấu những ý nghĩ phức tạp gì, hắn không rõ, nhưng quả đã huyễn hoặc hắn, làm hắn như ngây như dại. Hắn dâng cả tình yêu nồng nàn nhất của tuổi trẻ cho cô bé. Vậy mà trời ơi, sao nàng không hiểu ? Hay trong cơn say mê, có lẽ hắn đã quá thô bạo, có những hành động khiến con chim non ấy phải sợ hãi chăng ? Nhưng biết làm sao khác ? Bản tính hắn thế. Ngay từ khi hãy còn là môn sinh của Nhiễm Chúc, Cát Xuyên Mộc đã tỏ ra là một thiếu niên tàn nhẫn, lì lợm.
Lúc giao đấu, hắn chỉ cần thủ thắng, không quan tâm gì đến phương cách mà hắn chẳng phân biệt thế nào là phải, trái nữa, cho nên nhiều lần đã dùng những thủ thuật đê hèn mà không biết.
Một bữa kia, bấy giờ hắn mới nhập môn, vì có thái độ khinh bạc nên bị bạn đồng môn lớn tuổi ghét, xúm lại đánh cho một trận thừa sống thiếu chết bên bìa rừng. Một người trong bọn thương tình cứu tỉnh, đem về rịt thuốc cho, nhưng hắn đã thừa cơ đoạt gươm của người ấy, xuất kỳ bất ý giết chết ân nhân tại đương trường không hối hận.
Chuyện đó tới tai tôn sư. Ông không nói nhưng cũng không đuổi Cát Xuyên Mộc đi, vì tiếc một môn sinh có tài. Hơn nữa, lại có chủ ý coi sự lì lợm của Cát Xuyên Mộc là đức tính kiên trì cần thiết cho người học kiếm. Bọn đồng môn cũng dần lảng tránh, không ai muốn tranh thắng với Cát Xuyên Mộc làm gì vì thắng hắn là tự chuốc lấy thù hận cả đời.
Chẳng biết rồi đức tính kiên trì ấy đi đôi với bản năng tàn ác, ưa áp chế của Cát Xuyên Mộc sẽ đưa hắn tới danh vọng, chức vị gì trong võ lâm, nhưng ở tình trường, hắn thất bại. Không tiếp xúc nhiều với nữ phái, hắn thiếu kinh nghiệm nên vẫn chưa hiểu tại sao A Kế Mỹ không ưa hắn.
Ngồi trên cây, mãi suy nghĩ miên man, Cát Xuyên Mộc không để ý đến một bóng đen đang đi tới miễu.
Nhìn xác người nằm sóng soài trên cỏ, bóng đen tiến lại gần lật lên. “A ! Thằng uống rượu quỵt đây mà ! Sao nó lại nằm đây ?”. Thì ra gã du tăng đuổi theo Mãn Hà Chí khi nãy.
Nghe tiếng kêu, Cát Xuyên Mộc bừng tỉnh. Hắn đưa mắt nhìn xuống nhưng vẫn giữ im lặng. Du tăng vạch áo Mãn Hà Chí ra xem và lẩm bẩm:
“Không sao ! Thân thể còn nóng, chắc mới bị điểm huyệt”. Bèn liên tiếp phóng chỉ, giải những huyệt đạo khả nghi bị bế tắc. Quả nhiên lát sau, Mãn Hà Chí đã cựa quậy được, miệng ú ớ.
Du tăng vực Mãn Hà Chí lên vai, đem đặt dưới gốc cây, đá cho một cước rồi lại bồi thêm nhát gậy để nạn nhân mau tỉnh. Đức Phật bao dung ngài trông thấy cảnh ấy chắc cũng không bằng lòng về cách hành xử của người đệ tử.
– Đứng dậy !
Mãn Hà Chí lờ đờ mở mắt, ngơ ngác nhìn không biết đang ở âm ty hay dương thế.
Nhà sư rút trong bọc ra sợi dây lòi tói, bẻ quặt hai tay gã về phía sau thân cây buộc chặt lại, rồi như một phán quan lên án tội nhân, y chống nạnh đứng trước mặt gã, nghiêm khắc hỏi:
– Hà, thằng này ! Nhận ra ta là ai không ? Ngươi làm ta đuổi theo hụt hơi.
Mãn Hà Chí lặng thinh, nét mặt đờ đẫn.
Nhà sư nắm tóc gã, đập đầu vào gây nghe cộp cộp.
– Ngươi lấy hộp kim đơn ấy ở đâu ? Khai thật, không ta giết chết !
Mãn Hà Chí không nói, chỉ lặng lẽ cúi đầu. Hình như gã vẫn chưa ý thức được rõ ràng cảnh huống gã đương phải chịu.
– À, thằng này gan ! Này gan !
Nhà sư đưa hai ngón tay thọc vào mũi Mãn Hà Chí cấu mạnh. Gã thét lên một tiếng đau đớn, nước mắt ràn rụa. Nhìn gã thở hổn hển, nhà sư mới buông tay. Dưới ánh trăng, hai dòng nước đen ở mũi trào ra rỏ giọt xuống ngực áo. Mãn Hà Chí liếm môi cảm thấy mằn mặn.
– Có nói không ?
– Dạ dạ …Xin đại sư nhẹ tay, tiểu nhân xin nói …Giọng Mãn Hà Chí lạc đi, lắp bắp. Số là …số là …mùa hè năm ngoái khi tiểu nhân còn làm phu vác đá ở công trường Mokoyama …
Và gã đem chuyện gặp tráng sĩ mặt rỗ kể lại, lúc tráng sĩ ấy bị ném chết ra sao, trước khi chết gã lấy túi tiền thế nào, nhất nhất tường thuật đầy đủ.
– Trong túi tiền còn có hộp kim đơn và một chứng thư …
– Bản chứng thư ấy bây giờ ở đâu ?
– Dạ, ở áo tiểu nhân.
Lão tăng thò tay vào bọc Mãn Hà Chí, lôi cuộn giấy dầu mở ra. Trăng mờ không để lão trông rõ nét chữ nhưng dấu triện son lớn đúng là triện của Cổ Môn kiếm phái kèm theo thủ bút của Cát Đằng Cổ Tư Nhiễm Chúc.
– Tiểu nhân thật đắc tội. Vậy xin hoàn lại bản chứng thư, còn tiền thì phần đã trót tiêu hết, phần bị lừa, không có ngay được, xin đại sư cho khất, tiểu nhân sẽ trả sau.
– Những điều ngươi nói có thật không ?
– Dạ, tiểu nhân đâu dám nói dối.
Trút hết những điều u uẩn giữ trong lòng bấy lâu nay, Mãn Hà Chí cảm thấy nhẹ nhàng như người có vết thương nung mủ vừa mới vỡ. Gã khoan khoái cho là đã thoát nạn, hay ít ra cũng tưởng thế.
Lão tăng yên lặng, nét mặt tư lự. Lát sau mới lên tiếng:
– Nhà ngươi tên gì ?
– Dạ, Mãn Hà Chí.
Đột nhiên nghe soạt một tiếng, ánh bạc lóe lên, nhà sư đã lăm lăm cây đoản kiếm.
– Đại …đại sư làm gì thế ? Định giết tiểu nhân chăng ?
Du tăng thong thả gật đầu:
– Phải ! Ngươi phải chết.
– Tiểu nhân đã nói hết sự thật và hoàn lại bản chứng thư. Đại sư không tin sao ?
Du tăng điềm tĩnh:
– Tin ! Nhưng ta ở vào cái thế khó xử. Tử Kỳ là huynh trưởng ta. Tử Kỳ là danh tính của tráng sĩ rỗ mặt ngươi đã gặp. Còn ta tên Tỉnh Quang, tuy mặc tăng bào nhưng ta chính là một kiếm sĩ được ủy thác cho đi điều tra về cái chết của Tử Kỳ.
Mãn Hà Chí cuống quýt lo sợ. Gã van lạy:
– Đại sư …à …à …đại hiệp ! Xin đại hiệp tha mạng. Tiểu nhân biết đã làm bậy, nhưng quả thật không giết Tử Kỳ, chỉ đoạt số tiền và mạo danh để kiếm sống. Đại sư …
đại hiệp cởi trói cho, tiểu nhân xin làm giấy cam kết …
Tỉnh Quang thở dài. Hình như y cũng có đôi phần xúc động và phân vân, nhưng nghĩ một lúc y vẫn lắc đầu:
– Ta chẳng quan tâm đền tiền bạc và cũng rất tiếc phải giết ngươi. Trước khi gặp ngươi, ta đã đến lâu đài Fushimi dò la tin tức, quả đúng như lời ngươi nói, huynh trưởng ta bị ném đá chết.
– Dạ, đúng như vậy.
– Nhưng gia đình ông không tin như thế đâu ! Tử Kỳ là một kiếm sĩ kinh nghiệm, tài ba vào bậc thượng thừa, sao lại có thể chết về tay những người thợ tầm thường được ?
Ông chết không chiến đấu thì còn ra thể thống gì nữa ?
– Dạ dạ. Xin đại hiệp xét kỹ, tiểu nhân không giết Tử Kỳ.
Tỉnh Quang mỉm cười:
– Ngươi không giết nhưng Cát Xuyên Mộc giết. Ta mang cái đầu ngươi và bản chứng thư này về để làm tin …
Mãn Hà Chí sợ run người. Gã thều thào:
– Tiểu nhân tên là Mãn Hà Chí, không phải Cát Xuyên Mộc !
– Ngươi phải giúp ta. Vả chăng ngươi sống cũng bằng vô dụng mà thôi. Uống rượu đã không có tiền trả thì lấy đâu mà tự chu cấp trong cái xã hội nghiệt ngã này được. Ta cho ngươi nằm xuống nghỉ ngơi để khỏi chết vì đói khát. Rồi ta sẽ gửi tiền về giúp đỡ cha mẹ ngươi trong việc ma chay, hơn nữa còn dựng cho ngươi cái bia mộ bằng đá …
Mãn Hà Chí nghe không chịu nổi. Gã tức giận rống lên:
– Đại … đại hiệp … Ta không cần tiền ! Không muốn chết ! Thả ta ra ! Ai cứu ta với!….Cứu ta … t … a … a …
Tiếng kêu của gã vang xa trong đêm tịch mịch cùng với tiếng chó tru ở bìa rừng dội lại. Tỉnh Quang cười hăng hắc:
– A di đà Phật ! Muốn hay không, ta cũng sẽ cho ngươi tiêu diêu miền lạc cảnh.
Hãy cứ coi đây như là chuyện được, mất ở đời !
Nói đoạn, y lùi ba bước, thanh đoản kiếm nắm chắc trong tay sẵn sàng đâm tới.
– Khoan !
Tiếng thét đột nhiên, sắc và cực mạnh từ trên cao vọng xuống làm Tỉnh Quang khựng lại.
– Ai ?
– Cát Xuyên Mộc !
Tỉnh Quang nhảy vội ra xa rút trường kiếm:
– Cát Xuyên Mộc ! Lại Cát Xuyên Mộc nữa ! Ngươi có giả mạo không đấy ?
Tiếng cười khanh khách vang lên, nửa đứng đắn nửa giễu cợt:
– Không ! Ta chính là Cát Xuyên Mộc thật ! Tỉnh Quang, ngươi định chặt ta ra làm hai đoạn chăng ?
– Đúng ! Nếu ngươi là tên giả mạo thì hãy coi chừng lưỡi gươm của ta !
– Hay lắm ! Nhưng ngươi sẽ không phân biệt được chân giả đâu. Vì khi “cây sào phơi” này ra chiêu, ngươi đâu còn ở dương thế !
Nghe nói đến “cây sào phơi”, Tỉnh Quang chột dạ:
– Nếu đúng là Cát Xuyên Mộc thì ngươi làm gì trên đó ?
– Chuyện còn dài, sẽ nói sau !
Vừa dứt lời, một bóng đen đã phi thân như chớp xẹt, đáp xuống gần chỗ Tỉnh Quang đứng, êm như lá rụng, kéo theo cành khô và lá thông rơi lả tả.
Lại một lần nữa Cát Xuyên Mộc xuất hiện bất ngờ làm Mãn Hà Chí co rúm người lại vì sợ hãi. Gã rủa thầm số mệnh khốn kiếp, run rủi gã gặp cả hai tên này một lúc thì thoát làm sao được !
Gã lầm rầm khấn đức Phật Bà Quan Âm phù hộ, mong mẹ đến cứu. Trong lúc vô tình, tay gã cựa quậy, nhưng chỉ thấy sợi dây lòi tói quá chặt cứa vào da thịt đau rát.
Nhìn thanh niên đứng trước mặt, Tỉnh Quang ngạc nhiên. Y không rõ đây có phải là Cát Xuyên Mộc thực không, vì theo chỗ hắn biết, môn đồ Cổ Môn kiếm phái sống cuộc đời khổ hạnh, quần áo thường mặc chỉ là vải gai, không như thanh niên này, sang trọng và diêm dúa quá. Nhưng nhìn thanh trường kiếm quá khổ đeo trên vai thì có thể là Cát Xuyên Mộc lắm, vì thanh kiếm mệnh danh “cây sào phơi” này rất phù hợp với lời đồn đại trong võ lâm; và ngoài Cát Xuyên Mộc ra, không ai xử cây kiếm dài như thế, vừa không chính xác lúc công lại vừa không gọn lúc thủ.
Tỉnh Quang phân vân hỏi lại:
– Thiếu hiệp quả thật là Cát Xuyên Mộc, biệt danh Giang Biên Liễu đấy chăng ?
Cát Xuyên Mộc cười:
– Đã không tin thì trả lời cũng vô ích.
Bèn tự động ngồi xuống một gốc cây, tháo kiếm để bên và mời Tỉnh Quang ngồi cạnh. Thấy thế, Tỉnh Quang không do dự gì nữa, lập tức làm theo. Cát Xuyên Mộc lên tiếng trước:
– Tại hạ ngồi trên cây đã nghe hết mọi chuyện. Được biết huynh đài đi điều tra về cái chết của Tử Kỳ, mà Tử Kỳ là bạn đồng môn của tại hạ thì huynh đài và tại hạ cũng coi như bằng hữu. Huynh đài có ý giết tên chó má kia, tại hạ cho là vô ích. Nếu quả huynh đài vì sợ gia đình Tử Kỳ không tin, cần phải có bằng chứng thì để tại hạ xin viết một lá thư nói rõ đầu đuôi. Như thế vừa xác nhận những điều huynh đài đã điều tra được mà cũng tránh cho tại hạ khỏi phải dính vào chuyện này, sinh thù oán, mặc dầu cái tên tại hạ chỉ là do sự mạo danh mà ra.
Tỉnh Quang gật gù khen phải. Y cho câu chuyện đã có người thứ ba biết rồi thì khó mà che đậy được, nên đồng ý với Cát Xuyên Mộc.
– Còn tên mạo danh tại hạ, huynh đài hãy nhường cho tại hạ xử trí.
Thấy lời yêu cầu hợp lý, Tỉnh Quang không phản đối.
– Vậy tùy thiếu hiệp. Chuyện này như vậy là giải quyết xong.
Cát Xuyên Mộc đứng dậy đeo kiếm lên vai.
– Tại hạ có chút việc cần, chờ dịp khác sẽ tương hội.
– Thiếu hiệp quên gì không ?
– Chẳng có gì quên …Huynh đài có ý gì vậy ?
– Bản chứng thư …
Tỉnh Quang vừa nói vừa lấy cuộn giấy dầu ra trao cho Cát Xuyên Mộc.
– Nghĩ cho cùng, có lẽ anh linh sư huynh tại hạ đã run rủi để chúng ta gặp nhau ở đây và hoàn lại thiếu hiệp bản chứng thư …
Nhưng Cát Xuyên Mộc mỉm cười:
– À, bản chứng thư ! Huynh đài cứ giữ lấy.
Tỉnh Quang ngạc nhiên:
– Sao vậy ?
– Tại hạ không cần.
– … ?
– Tại hạ chẳng dùng mảnh giấy ấy vào việc gì được !
– Coi kìa ! Sao thiếu hiệp lại nghĩ thế ? Lệnh sư trong lúc lâm chung đã quyết định cấp cho thiếu hiệp bản chứng thư này, lại sai Tử Kỳ trao tận tay thiếu hiệp. Chẳng may dọc đường ông ấy tử nạn. Bấy nhiêu là ưu ái, thiếu hiệp phải biết ơn chứ !
– Sư phụ quyết định những gì, tại hạ đâu biết. Tại hạ có những hoài bão riêng.
– Trời ơi ! Sao thiếu hiệp lại có những ý tưởng khinh mạn như thế ?
– Huynh đài đừng hiểu lầm ý tại hạ. Tại hạ chỉ nói là có hoài bão muốn tiến xa hơn Cổ sư phụ, thế thôi. Chưởng môn một kiếm phái vô danh nơi lậu hạng không phải mục đích tại hạ.
– Thiếu hiệp không nói chơi đấy chứ ?
– Tại hạ nói hoàn toàn đứng đắn.
Tỉnh Quang lắc đầu như không tin lời mình vừa nghe.
– Tại hạ biết ơn tôn sư nhưng quả thật thấy tờ chứng thư này vô dụng. Y Tô Gia Nghĩa nhận chứng thư do tôn sư cấp nhưng sau đó đã khai triển nhiều chiêu kiếm lạ. Tại hạ cũng có ý ấy và muốn lập một kiếm phái riêng:
Giang Liễu Kiếm. Rồi đây huynh đài sẽ nghe danh Giang Liễu Kiếm lừng lẫy. Cho nên tại hạ không cần bản chứng thư này.
Phiền huynh đài mang về trả cho Cổ Môn phái, bảo họ lưu trữ cùng với những sổ bộ khai sinh, khai tử tại đền.
Nghe Cát Xuyên Mộc giương giương tự đắc nêu những tham vọng của hắn ra mà không một lời khiêm tốn hoặc nhún nhường, Tỉnh Quang không còn biết nói sao nữa.
– Huynh đài chuyển đến gia đình Tử Kỳ lời phân ưu của tại hạ. Sau này có dịp, tại hạ sẽ tới thăm huynh đài.
Lời hắn kiêu ngạo, hàm ý bao bọc che chở. Tỉnh Quang không vui, muốn trách hắn mấy câu, nhưng nghĩ kỹ lại thôi vì thấy vô ích. Y bỏ cuộn giấy dầu vào bọc, xốc túi hành trang lên vai, nhặt thiền trượng bỏ đi sau lời từ biệt khô khan.
Cát Xuyên Mộc nhìn theo, không giấu nụ cười chế nhạo. “Chắc y giận lắm !”.
Đến gần gốc cây, hắn nhìn Mãn Hà Chí vẫn còn bị trói, gục đầu ủ rũ:
– Còn thằng này ! Đồ vô tích sự ! Ngươi mạo danh ta làm điều xằng bậy, thật đáng hổ thẹn. Ngươi muốn nói gì không ?
Mãn Hà Chí lặng thinh. Dĩ nhiên, hắn chẳng có gì để nói.
– Ta đã nghe ngươi xưng danh là Mãn Hà Chí. Nhưng họ gì ?
– Hồ Điểu.
– Có phải là lãng nhân kiếm sĩ không ?
– Dạ phải.
– Để ta dạy ngươi bài học. Ngươi đã trông ta trả lại bản chứng thư đấy. Nếu một kẻ mệnh danh là kiếm sĩ mà không đủ kiêu hãnh để tự lập, tự tạo cho mình một cái tên thì kẻ đó kể như vất đi, không đáng nói tới. Ngươi hèn hạ mạo danh ta thì còn gì đáng khinh bỉ hơn nữa.
Cát Xuyên Mộc lấy mũi kiếm hất cằm Mãn Hà Chí lên:
– Ngươi nên nhớ:
cáo đội lốt hùm ở đâu cũng chỉ là cáo.
– Dạ dạ ! Từ nay tiểu nhân xin nhớ.
– Ta chẳng giết ngươi làm gì, bẩn gươm. Kệ ngươi ở đây cho chó nó ăn thịt. Làm sao thoát được thì làm !
Hắn định bước đi, nghĩ sao lại rút đoản kiếm phạt một miếng vỏ cây trên đầu Mãn Hà Chí.
– Ta cần bút mực, ngươi có không ?
– Dạ, trong bọc áo tiểu nhân.
Cát Xuyên Mộc mài mực, chấm bút viết lên thân cây:
“Tên này mạo danh ta đi khắp nơi làm nhiều điều vô sỉ. Ta bắt trói nó ở đây cho mọi người phỉ nhổ. Ta, Cát Xuyên Mộc, ngoai hiệu Giang Biên Liễu, quyết định trừng phạt nó để cảnh cáo những kẻ mạo danh ta”.
Hắn bỏ bút xoa tay đắc ý.
Đêm đã khuya. Gió thổi mạnh qua tàn thông và cành khô rào rào như nước triều đổ vào ghềnh đá. Tiếng chó tru dữ dội hơn trước.
Cát Xuyên Mộc mắt đổ lửa, rảo bước biến vào màn sương dầy đặc tựa con báo đen mất hút trong rừng rậm.