Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

Chương 51 - Vì Cảm Nghĩa, Hứa Hôn Cùng Phương Lão, Cậy Đem Thư, Lắm Lúc Nhọc Ninh Bà.

trước
tiếp

Ai nấy nghe Võ Bình An khai đều lấy làm lạ. Quan huyện hỏi tiếp rằng: “Đặng Cửu Như năm nay bao nhiêu tuổi?”. Võ Bình An đáp: “Mới vừa được bảy tuổi”. Quan huyện hỏi: “Mới bảy tuổi vì sao mà lại chết?”. Võ Bình An đáp: “Vì sau khi chôn mẹ nó rồi, nó cứ đeo theo tôi mà đòi mẹ, nên tôi nổi giận đá nó chết trong đường núi”. Quan huyện lại hỏi tới Lưu Giải, Lưu Trại, thời chúng nó nói rằng vì nghèo nên phải theo Võ Bình An nhập đảng để cướp bóc của người mà nuôi thân. Tra hỏi xong xuôi, quan huyện truyền giam ba tên tội vào ngục rồi bàn với bọn Tưởng Bình nên tìm kiếm Tam công tử.

Bao công tử sau khi được người cứu và đi trốn tới một nhà nọ, chính là nhà của ông Nhiêu Phương Thiện. Ông vốn là người học rộng nhà nghèo, có một người con gái tên là Ngọc Chi, cha con cùng nhau vui thú bút nghiên, cam lòng sống đời thanh bạch. Khi Bao Thế Vinh tới xin ở nhờ thời Phương tiên sinh nhường thư phòng cho ở. Nhưng Thế Vinh vừa bị một trận kinh khủng, lại nhuốm phong sương nên vừa tới ở liền cảm bệnh, nhờ có Phương tiên sinh săn sóc cho, nên cũng đỡ được kha khá.

Một hôm Phương tiên sinh đi hốt thuốc cho Bao công tử dọc đường nhặt được một chiếc vàng, cầm thẳng ra tiệm bạc mượn coi. Ai dè bị tên Tống Thăng thấy, vu cho oa trữ đồ gian, liền kéo tới huyện đối án.

Khi tin đưa tới nhà, tiểu thư Ngọc Chi chỉ biết vật mình kêu khóc mà thôi, may nhờ bên hàng xóm có một bà già họ Ninh, nghe việc như vậy chạy tới hỏi thăm. Tiểu thư Ngọc Chi bèn thuật lại việc oan uổng, và cầu Ninh bà vào ngục thăm cha mình. Ninh bà nhận lời, về nhà sửa soạn lên huyện. Bọn sai nha ở huyện đều quen biết bà lắm, nên không ngại gì, cứ đưa bà vào ra mắt Phương lão tiên sinh. Bà hỏi tới việc án thời Phương tiên sinh đáp rằng: “Mới vừa hỏi sơ sài, kế có người của Bao tướng công nào đó tới cáo rằng cháu của ngài lạc mất phải lo tìm kiếm, nên quan huyện tạm lưu lại, chưa có thời giờ mà xử vội”. Phương tiên sinh thuật chuyện xong lại hỏi thăm con là tiểu thư Ngọc Chi, rồi móc trong tay áo ra một phong thư đưa cho Ninh bà mà rằng: “Tôi có một chuyện muốn cậy chị. Nhà tôi có một người ở đậu tại thư phòng tên Vinh Thế Bảo. Người ấy tướng mạo khác thường, lại học hành thông thái, ý tôi nhắm gá duyên với con Ngọc Chi rất xứng. Xin chị vì tôi mà tính giùm cho xong”. Ninh bà nói: “Nay tiên sinh đương có việc, vội chi việc đó mà lo”. Phương tiên sinh đáp: “Chị chưa rõ cho lắm, tôi xin thưa lại chị tường. Vả chăng nhà tôi chật hẹp, vắng vẻ, nay tôi lại có việc, e ở nhà hàng xóm láng giềng có điều hiềm nghi mà e ngại việc ra vào ăn ở, vì vậy tôi muốn như thế là có ý làm cho đôi đàng tình nghĩa ràng buộc khỏi điều e ngại đặng lo liệu gia thế cho tôi, nay có bức thư này cậy chị đem về trao cho. Vinh tướng công ấy, nếu người từ chối, xin chị ráng sức nói giùm cho rõ nông nỗi khó khăn và cái khổ tâm của tôi, chắc thế nào người cũng chẳng lỡ cố phụ”. Ninh bà vâng lời trở gót.

Ninh bà về nhà đem các việc thuật lại cho tiểu thư Ngọc Chi nghe. Tiểu thư biết có lệnh cha nên làm thinh không nói. Ninh bà cầm phong thư đi thẳng lại thư phòng kêu rằng: “Vinh tướng công có ở đây không?”. Chỉ nghe trong có tiếng đáp: “Dạ có tôi ở đây”. Ninh bà liền bước vào, thấy Vinh tướng công dựa gối nằm dáng mệt mỏi lắm, song phong tư thanh nhã, liền nói rằng:”Tôi là người ở bên xóm đây, nhân tiểu thư Ngọc Chi cậy vào ngục thăm Phương tiên sinh, nên tiên sinh có gửi về cho tướng công một phong thư, vì vậy đường đột vào, xin tướng công miễn lỗi”. Nói rồi rút thư trao ra. Bao Thế Vinh xem xong bèn nói: “Như vậy tính sao được, tôi thọ ơn của tiên sinh đã nhiều chưa biết lấy chi báo đáp. Huống chi việc này lại không có cha mẹ tôi dự vào thời làm sao cho tiện”. Ninh bà đáp: “Tướng công nói cũng phải, xong việc này nào phải tại tướng công, mà là bản ý của Phương tiên sinh đó, vả chăng nhà cửa chật hẹp, lại thêm trai gái ra vào có sự hiềm nghi, vì cảnh ngộ bó buộc mà nên. Lại tướng công nói chịu ơn tiên sinh nhiều chưa lấy chi báo đáp, vậy cũng nên vâng lời người, rồi sau sẽ lo gỡ cứu cho người, không phải phụ lòng người mà là đã trả ơn cho người đó”. Bao Thế Vinh ngồi trầm ngâm suy nghĩ rằng: “Lòng tốt của tiên sinh, ta lẽ nào phụ, song phải lúc nghịch cảnh, cha mẹ có biết cho chăng?”. Ninh bà thấy công tử làm thinh suy nghĩ liền tiếp rằng: “Tướng công nên xét kỹ đi Tiểu thư Ngọc Chi thật là tài sắc song toàn, nào là kim chỉ vá may, cầm kỳ thi họa, cho đến phong tư, dung mạo không thiếu phần nào, sánh với tướng công chẳng khác gấm thêu hoa vậy”. Bao Thế Vinh nói: “Lòng tốt của tiên sinh, ý hay của dì, tôi đội ơn lắm, song lúc đi đường, gặp lúc hoạn nạn biết lấy gì gọi là sính lễ bây giờ?”. Ninh bà đáp: “Điều đó không ngại, miễn tướng công nói ra rồi chớ nuốt lời là đủ”. Bao Thế Vinh nói: “Người quân tử nói ra như dao chém đá, lẽ nào còn chối từ, lại thêm tội mang ơn của tiên sinh rất nặng, lẽ nào cố phụ lòng người”. Ninh bà nói: “Tướng công nói rất phải, vậy bây giờ phải làm thế nào cứu Phương tiên sinh?”. Bao Thế Vinh đáp: “Việc ấy không khó, nhưng ngại vì tôi đau chưa mạnh, mà nếu gửi thư thời không có ai đi lên huyện”. Ninh bà đáp: “Nếu tướng công muốn gửi thư, tôi xin ráng sức đem đi có được không?”. Bao Công tử nói: “Như vậy rất hay, nhưng nếu quan huyện không nhận thư thì dì phải giữ đừng để lọt vào tay ai”. Ninh bà gật đầu, chạy lại bàn bên cạnh lấy bút giấy mực đưa cho công tử Thế Vinh đau đã hai ngày cơm nước bỏ liều nên cất bút không nổi, bèn cậy Ninh bà ra sau, kiếm cho bát cháo, ăn xong sẽ viết. Ninh bà lật đật đi ra nói với tiểu thư Ngọc Chi. Tiểu thư lo liệu xong xuôi. Công tử ăn vào trong mình có hơi khỏe, tinh thần thanh sảng, bèn cầm bút, viết xong bức thư xếp lại trao cho Ninh bà.

Ninh bà vốn là người khôn ngoan không kém trượng phu quân tử, tuy là lĩnh mang đem thơ, song ngại trong ấy có điều lầm lạc, ắt huyện quan trách tới mình nên tiếp lấy thư đút vào túi áo, rồi giả vờ quày quả đi ra, len lén quay lại nhà sau, đưa thư ấy cho Ngọc Chi xem trước.

Tiểu thư Ngọc Chi xem xong cả mừng mà rằng: “Thật cha tôi quả tinh mắt, xem người quý tướng, Vinh tướng công đó vốn công tử Bao Thế Vinh, vâng lệnh tướng phủ lên kinh, nửa đường gặp nạn nên đổi tên cải họ ẩn trú nơi đây, nay có thư gửi cho quan huyện dạy đem kiệu tới rước người chớ không chi lạ, vậy dì cứ việc đi đi”.

Ninh bà cả mừng, vội vã chạy ra thư phòng cúi lạy: “Muôn lạy công tử, tha lỗi cho tôi, vì không biết quý ngài đã tới, nên có nhiều điều lỗi lầm”. Bao công tử nói: “Dì bất tất phải làm như vậy, xin ráng giúp cho tôi xong chuyện, mà phải nhớ đừng tiết lộ cho ai hay”. Ninh bà dạ dạ, lui về nhà tắm rửa thay đổi y phục, cầm nang thư lên huyện. Bọn nha dịch thấy Ninh bà tới áp ra hỏi rằng: “Bữa nay bà lên đây chắc có quà cáp gì cho chúng tôi chớ?”. Ninh bà đáp: “Không có quà cáp gì, chỉ có một phong thư dâng cho quan huyện, vậy các ngươi vào bẩm lại, và phải nhớ xin người mở cửa giữa mà tiếp thơ”. Nha dịch nạt rằng: “Bà già muốn bị đòn sao mà ăn nói hách dịch như vậy?”. Ninh bà đáp: “Thời cứ vào bẩm đi”. Nha dịch thấy nói cứng, giận lắm, đi thẳng vào bẩm cho quan huyện hay.

Lúc ấy quan huyện đương ngồi tại công đường bàn bạc việc Tam công tử chợt thấy nha dịch vào bẩm như vậy, thì lấy làm lạ, bảo cho đòi Ninh bà vào Nha dịch ra rồi trở vào bẩm rằng: “Bà ấy đòi cho được mở cửa giữa mới chịu đem thư vào”. Quan huyện và ai nấy lấy làm lạ, nghi chắc có điều chi quan trọng lắm, nên truyền lính lệ mở cửa giữa ra, rồi cho đòi Ninh bà vào.

Ninh bà không sợ sệt gì, cứ việc đường bệ đi vào, tay dâng phong thư lên cho quan huyện, rồi đứng một bên. Quan huyện xem xong, đưa cho Tưởng Bình. Ai nấy nghe được tin công tử, nửa sợ nửa mừng, duy có Bao Vượng thì mừng lắm. Tưởng Bình liền thưa quan huyện phái người đem kiệu rước công tử và cho Bao Vượng đi theo, còn cả bọn thời ở lại nha hầu đón.

Quan huyện y lời phái bốn người khiêng kiệu theo Ninh bà, Bao Vượng cưỡi ngựa đi sau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.